Cổ nhân cho rằng: “Trên tỏ thiên văn, dưới tường địa lý, ngồi trù tính trong chốn màng trướng, mà quyết thành mọi chuyện ở thế gian” chính là mục tiêu mà suốt đời họ mong đạt đến. Điều này đủ chứng tỏ thiên văn lịch pháp có tác dụng quan trọng biết bao trong đời sống con người. Thực tế cũng cho thấy đúng như vậy. Bất luận là Hạ Lịch của Trung Quốc hay là Lịch Gregorius thông dụng hiện nay trên thế giới, trong phạm vi của mình, chúng đều thể hiện một vai trò không thể thay thế nhằm duy trì sự hài hòa của xã hội.
Hiện nay, Trung Quốc đã sử dụng Dương Lịch, lịch pháp tiêu chuẩn được thống nhất trên toàn thế giới, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục sử dụng Nông Lịch có từ thời nhà Hạ (thường gọi là Âm Lịch). Ngày nay, người Trung Quốc trên khắp thế giới luôn xem tết Âm Lịch là lễ tết truyền thống của dân tộc. Vào ngày nay, những người con xa xứ vượt dặm đường xa xôi trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình trong sự náo nức, tấp nập vô cùng khiến nhân dân các nước khác phải hết sức kinh ngạc.
Để quảng bá văn hoá truyền thống và hoà nhịp với bước đi của thời đại, tác giả biên soạn quyển “Lịch vạn niên thực dụng 1801 – 2100” kết hợp giữa Dương Lịch và Âm Lịch này. Phần đầu quyển lịch dùng hình thức bảng biểu trình bày rõ ràng sự khác nhau giữa Dương Lịch và Âm Lịch bằng sự đối chiếu qua lại, kèm giải thích ngắn gọn. Dưới mỗi bảng, tác giả đều giới thiệu những kiến thức thông dụng trong cuộc sống hằng ngày, rất sinh động và thiết thực. Cuốn sách còn giới thiệu các kiến thức về Thiên Can, Địa Chi và Bát Quái. Phần cuối sách liệt kê nhiều bài thuốc dân gian, mong mang lại niềm hy vọng cho những ai đã mắc bệnh lâu ngày. Nói tóm lại, quyển sách vừa chứa đựng nhiều tri thức, vừa thiết thực và thú vị, có thể gọi là một ấn phẩm phổ thông thiết dụng không dễ có.