Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thiên Phật Quyển

Chương 21: Giang Nam nhị kỳ

Tác giả: Cổ Long
Chọn tập

Nam Kinh, tên cũ là Kim Lăng, vốn là cố đô thời Lục triều, sơn thanh thủy tú, thành quách đền đài, từng là đệ nhất đại thành thời Chiến Quốc.

Danh lam thắng cảnh ở Nam Kinh nhiều vô số kể, nào là Mạc Sầu hồ ở Tây môn thành ngoại, nào là Yến Tử cư cạnh sông ở thành Bắc; thành Đông phía Nam Chung Sơn có Minh Hiếu lăng, Huyền Vũ hồ, thành nội thì có Bắc Cực các, Thanh Lương sơn, nơi thì trang nghiêm hùng vĩ nơi thì u nhàn tráng lệ, đâu đâu cũng đáng để du khách thưởng lãm.

Trời tuy đã cuối hạ, nhưng cái nóng vẫn chưa thấy giảm, cái nóng cuối hạ của Nam Kinh nổi tiếng khắp nơi, bởi vậy ngày ngày nam thanh nữ tú kéo nhau ra Yến Tử cư ở thành Bắc để hóng gió.

Yến Tử cư ở ngay cạnh sông, hình dạng như chim yến đang bay trông rất tráng lệ.

Ngay cạnh đó là Thập nhị động, cũng là một nơi lý tưởng để tránh cái nóng như thiêu như đốt của mùa hạ.

Gió từ dưới sông mang hơi nước dìu dịu thổi lên, bóng liễu buông rèm.

Đó đây những trà quán nhỏ dựa theo thế sông, chỗ nào cũng đầy những nam thanh nữ tú ngồi uống trà vừa hóng mát vừa thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên. Quả là một cái thú rất tao nhã của bậc phú gia.

Trên bờ sông bỗng xuất hiện một thiếu niên dáng vẻ phong trần, mình mặc chiếc trường bào bằng đoạn đen đã có nhiều chỗ rách, lại vương đầy bụi đất, xem ra chàng đã trải qua một cuộc hành trình dài mới đến đây.

Thiếu niên mặt bám đầy bụi, mồ hôi nhễ nhại quện đầy bụi đất coi bộ đã lâu không được tắm rửa, nhưng mặc dù vậy cũng không che giấu được nét anh tuấn đĩnh đạc.

Tuy chàng áo quần trông có hơi lam lũ, nhưng trên vai vác một thanh cổ kiếm.

Vừa nhìn qua đã biết là một thanh bảo kiếm, chàng cúi đầu lặng lẽ bước, đôi mày nhíu chặt chừng như lòng có nhiều tâm sự, nên chẳng để ý gì đến cảnh non nước hữu tình, cả những trai thanh gái lịch đang cười đùa trong đình quán.

Bỗng “Bốp!” một tiếng, không biết từ phía nào một hòn đá bay tới đánh vào đầu chàng. Bị bất ngờ. Chàng nhảy dựng lên một cái rồi quay đầu nhìn lại. Chỉ thấy bốn phía ai nấy đều phá lên cười, không đoán ra ai là kẻ ném đá, đành nuốt hận quay đầu đi tiếp.

Nhưng khi chàng vừa quay đi, thì lập tức “bốp”, lại một hòn đá ném trúng đầu chàng. Thiếu niên quay ngoắt lại, du khách bốn phía đồng cười rần lên một lượt.

Nhưng lần này thì chàng đã nhìn ra.

Có hai đứa bé một trai một gái tuổi ước chừng năm, sáu tuổi, cả hai đều trông rất đẹp tựa như tiên đồng ngọc nữ trong tranh vẽ vậy. Lúc này hai đứa bé đứng gần một chậu thạch lựu hai tay chắp sau lưng, trong chậu thạch lựu có rất nhiều đá nhỏ. Gương mặt của hai đứa bé trông mất tự nhiên chừng như chúng cố nhịn để khỏi phải phá lên cười.

Gần đó có một bàn trà tao nhã. Trên mặt bàn tròn được trải thảm trắng muốt đặt hoa quả tươi, mấy ly trà, quanh bàn vài chiếc ghế mây phủ gấm, ngồi khoảng năm, sáu thanh niên nam nữ người nào người nấy mặt mày sáng rỡ trông ra dáng công tử tiểu thư nhà phú hộ, có điều thái dương nhô cao, song mục thần quang lấp lánh chứng tỏ đó là võ lâm cao thủ.

Trong số đó đáng chú ý nhất là một thiếu niên chừng hai mươi tuổi nghi biểu không kém Phan An, Tống Ngọc, mình mặc chiếc trường bào bằng lụa trắng như tuyết, xem phong lưu cao quí. Ngồi kế bên thiếu niên là một thiếu nữ tuổi vừa cập kê, dáng thoát tục. Mình mặc chiếc vân la vũ y mỏng như cánh chuồng, gương mặt tuyệt thế của nàng đang nở một nụ cười cực kỳ quyến rũ. Nàng vừa nhìn gả thiếu niên phong trần một cái, vội quay sang trừng mắt nhìn hai đứa trẻ, chừng như ngăn cấm chúng không được nghịch thái quá.

Thiếu niên phong trần bị ném trúng đầu hai lượt, lại bị chúng nhân cười nhạo, lòng đã tức giận. Nhưng khi nhìn ra do hai đứa trẻ làm, lòng nghĩ đến hai dứa trẻ còn chưa hiểu biết nên nộ hỏa đã giảm quá nửa.

Nghiêm nghị nhìn chúng nói :

– Tiểu bằng hữu! Không nên vô cớ đánh người như vậy, đánh trúng ta thì không sao, lỡ gặp phải người tính khí không tốt sẽ không bỏ qua cho hai ngươi.

Đứa bé trai mỉm cười tinh nghịch :

– Nói vậy ngươi không phải người xấu?

Bé gái quay mặt ra phía bờ sông nhìn thấy một con rùa nhỏ đang bò chậm chạp, bỗng tính tinh nghịch nổi dậy. Vội dùng chỉ bắn ra một viên sỏi khiến con rùa lật ngửa ra huơ huơ bốn chân cố sức lật lại. Nó vỗ tay reo lớn :

– Ca ca! Ta đánh trúng con rùa đen rồi?

Thiếu nữ ngồi trên bàn bên cạnh quát :

– Lan Lan! Không được nghịch!

Nhưng nàng vừa dứt lời, thì “vù.. bốp?” đứa bé trai cũng dùng thủ pháp giống hệt như vậy đánh trúng đầu rùa, đồng thời reo lên :

– Ta đánh trúng đầu rùa đen!

Đứa bé vừa reo xong. tất cả du khách có mặt gần đó đều phá lên cười rần rần.

Mấy câu vô tình của bọn trẻ cộng thêm tiếng cười của du khách khiến thiếu niên phong trần nộ khí xông thiên. Nên biết mắng người là con rùa đen là một cách sỉ nhục nặng nề nhất. Thiếu niên bụng đầy nộ khí nhưng không tiện phát tác đành nuốt giận bỏ đi.

Nào ngờ chàng vừa quay đi đã nghe có tiếng khàn khàn cất lên :

– Lão nhị! Lúc nãy ngươi nói cái gì mà đại trượng phu đầu có thể rơi, máu có thể đổ, nhưng không thể sống mà chịu nhục. Giờ thì cho ngươi thấy đồ rùa đen rụt cổ, bị nhục mà không dám lên tiếng.

Lão già giọng khàn khàn nhưng lại cố ý nói rất lớn, khiến hầu hết mọi người đều nghe thấy.

Thiếu niên phong trần quay ngoắt lại, thấy cạnh bờ sông dưới bóng liễu ngồi hai già một trẻ. Hai lão nhân tuổi đã khá cao, nhưng tướng mạo trông rất kỳ quặc. Một người thì tóc đỏ như râu tôm, toàn thân da đen cháy chỉ có hai hốc mắt là trắng toát.

Mình lão mặc chiếc tăng bào chi chít vá ngồi khom lưng luồn hai tay vào ống tay áo, trông lão chẳng khác gì một con đười ươi trong gánh xiếc.

Đối diện là một lão nhân gầy đét, đầu đội mũ lông sùm sụp, mình mặc áo bông dày, trời hạ nóng bức như vầy mà lão lại mặc đồ đông cũng đủ khiến người ta quái dị.

Lão đang chau mày nhìn thiếu niên, miệng lẩm bẩm :

– Ngô huynh ngôn chi bất hư dà (Huynh nói không sai vậy)!

Nghe ra quả không khác lão nho vườn.

Thiếu niên phong trần nộ khí chưa tan hết nghe hai lão nhân này nói mấy câu, nộ khí đã lại xông lên đến đỉnh đầu. Nhưng chàng chưa kịp nói gì, lão nho vườn đã ngoắc :

– Qua đây?

Thiếu niên cố dằn nộ hỏa hỏi :

– Lão tiên sinh gọi tại hạ?

Lão nho vườn lắc đầu :

– Chân nãi ngoan minh bất linh (Đúng là ngu đần không không). Lão phu không gọi “nhữ” không lẽ gọi “khuyển”?

Lão nho vườn nói “ngươi” thành “nhữ”, “cẩu” thành “khuyển”, lại khiến cho du khách cười ầm lên.

Thiếu niên đã không còn nhịn được nữa :

– Lão tiên sinh mở miệng là “chi hồ giả dã” xem ra cũng là người có học hành, sao lại nói những lời thô tục như vậy? Nếu không thấy ngươi đã lớn tuổi thì… Hừ!

Lời nói của thiếu niên chừng như làm xích phát lão nhân khoái chí lắm, vỗ tay cười lớn :

– Ha ha ha… Văn lão nhị! Tên tiểu tử này nói ngươi không phải là người học hành đàng hoàng…

Lão nho vườn tức khí quát :

– Nhủ tử bất khả giáo dã! Lão phu gọi nhữ, nhữ bất lai, còn nhục mạ lão phu?

Dứt lời hùng hổ đứng dậy.

Bỗng tên tiểu đồng giơ tay ngăn lại :

– Sư phụ bớt nóng! Để đệ tử xử vụ này cho, giết gà cần gì dùng dao mổ trâu!

Lão nho vườn gật đầu ngồi xuống.

Tiểu đồng tuột xuống ghế lắc lư đôi chân vòng kiềng đi về phía thiếu niên. Nhìn dáng điệu tên tiểu đồng, mọi người lại một phen cười hả hê.

Bởi tên tiểu đồng lùn không thể tưởng được đến nỗi gã không đứng lên được mà phải tuột mới đứng được xuống đất. Ngược lại, cái đầu gã to một cách khác thường, mặt to bè bè, mũi bẹp dính vào mặt, lại lòng thòng hai sợi mũi xanh lè. Nói tóm lại toàn thân gã toát lên một vẻ xấu xí đến cùng cực.

Đến trước mặt thiếu niên phong trần, gã dừng lại :

– Này! Tiểu tử ngươi đắc tội với sư phụ ta, nếu ngươi dập đầu trước mặt thiếu gia ba cái. thiếu gia sẽ xin sư phụ tha mạng cho!

Tên lùn ba tấc này nghênh ngang khiêu chiên với thiếu niên, miệng thì xưng là thiếu gia trong khi đó tay quệt mũi liền liền khiến du khách được một phen cười hể hả.

Thiếu niên phong trần lúc này hầu như khòng còn chịu nổi nữa. Đối phương xem ra chỉ mới là một đứa trẻ lại lớn lối dường này, chưa kịp mở lời. tên lùn lại lên tiếng :

– Tiểu tử sao lại không nói? Không lẽ muốn chờ đánh đòn?

Thiếu niên phong trần chỉ cười lạnh, không đáp lời mà cũng chẳng xuất thủ. Bởi thấy đối phương thật chẳng giống người, thắng cũng chẳng có gì hay. Hơn nữa đám du khách đang chú mục về phía này như đang xem xiếc, nên chàng không muốn làm trò hề cho thiên hạ.

Tên lùn không cần biết đối phương đang nghĩ gì. Thấy không trả lời cho rằng đối phương coi thường mình lập tức tà thủ hoa lên một cái, hữu thủ ra tay như gió. Thân hình theo thế công áp tới trước mặt thiếu niên, ngũ trảo vươn ra nhằm khớp cổ tay đối phương chộp tới. Đây chính là chiêu “Tạ Quan Điềm Nguyện”, một tuyệt chiêu trong Cầm Nã thủ pháp. Ra chiêu không những thần tốc, chiêu thức lại tân kỳ, quả không kém hàng đệ nhất lưu cao thủ trong giang hồ.

Thiếu niên thất kinh, không ngờ kẻ tướng mạo không ra gì này lại có được công lực cao cường như vậy. Vội co tay lại, đồng thời xoay người nửa vòng, một chiêu “Đoạn Cân Tiệt Mạch” cũng là một tuyệt chiêu của Cầm Nã thủ pháp chém vào mạch môn của tên lùn.

– Hảo thủ pháp!

Tên lùn quát lớn một tiếng, thân hình như một cơn lốc xoay tròn tránh được thế công, đồng thời hữu thủ một trảo nhằm giữa ngực đối phương, tả thủ trảo vào yết hầu đây chính là tuyệt chiêu “Trảo Bào Tróc Đới” trong Cầm Nã thủ pháp được hóa thành hai thức.

Thiếu niên càng lúc càng không dám xem thường đối phương, hữu thủ giơ trảo.

Một chiêu “Kim Ty Triền Thủ” chộp về phía cổ tay của đối phương đang chộp tới yết hầu mình, tả thủ phạt một đường vào “Kinh Cừ” huyệt nơi cánh tay phải đối phương.

Tên lùn hú lên một tiếng tránh thế. Cứ như thế trảo qua chỉ lại đều đùng tuyệt chiêu trong Cầm Nã thủ pháp ngụy dị tuyệt luân, chỉ một thoáng đã trao đổi bảy, tám chiêu.

Trong các quán trà xung quanh Yến Tử cư ngọa hổ tiềm long, có không biết bao nhiêu cao thủ võ lâm. Lúc đầu thấy gã thiếu niên phiêu bạt cùng một tên lùn người không ra người ngợm không ra ngợm đánh nhau, cứ ngỡ như bọn con nít đánh lộn nhau mà thôi. Nào ngờ khi hai người xuất thủ, ai nấy đều tròn mất kinh ngạc, mỗi chiêu mỗi thức đánh ra đều là những chiêu thức huyền ảo hiếm thấy.

Trong số du khách người tỏ vẻ quan tâm đến trận đấu nhất là hai lão nhân hình thù quái dị và thiếu niên, thiếu nữ cao quí ngồi bên trong quán.

Nên biết hai lão nhân quái dị này chính là hai nhân vật mà cả vùng Giang Nam hắc bạch lưỡng đạo nghe danh tán đởm, Giang Nam nhị kỳ.

Xích phát lão nhân hình thù như con đười ươi kia chính là lão đại Xích Phát lão nhân Thường Khứ Ác.

Lão nho vườn mặc áo đông trong mùa hạ kia chính là lão nhị Quỷ Cốc Ẩn Tẩu Văn Chính Kỳ. Hai người này nổi danh trong giang hồ mấy mươi năm về trước, nội ngoại khinh công đều đạt đến cảnh giới đăng phong tạo cực.

Tính tình cả hai đều cô độc không thích qua lại với giang hồ bằng hữu, thường thì ẩn cư nơi Quỷ cốc. Người trong giang hồ không ai biết đích xác Quỷ cốc ở nơi nào, chỉ nghe đâu trong vùng Nhạn Đãng sơn mà thôi. Hai người rất ít khi lộ diện trên giang hồ, nhưng mỗi khi xuấtư hiện nhất định phải gây ra ít nhiều náo động.

Tên lùn kia chính là đệ tử độc nhất của Giang Nam nhị kỳ, gã vốn là một quái thai bị người vứt bỏ bên đường, được Nhị kỳ nhặt đem về nuôi.

Bởi gã cực lùn nên đặt tên là Tam Thốn Đinh, lại còn đặt hiệu là Tiểu Táng Môn.

Tiểu Táng Môn Tam Thốn Đinh tuy hình thù chẳng giống người, nhưng bản tính rất thông tuệ, từ nhỏ được nhị kỳ đích thân giáo dưỡng, nên võ công cũng đạt được bốn năm thành của hai lão quái. Trong giang hồ cũng có thể xưng là đệ nhất lưu cao thủ. Không ngờ gã giao đấu cùng gã thiếu niên phiêu bạt kia lại không chiếm được chút thượng phong, thử hỏi nhị kỳ làm sao không kinh ngạc cho được?

Điều đáng kinh ngạc hơn là chiêu thức của thiếu niên kia lại rất giống với Đồ Long thập bát thủ, một môn trảo công tuyệt nghệ của lão nhị Văn Chính Kỳ..

Còn thiếu niên cao quí ngồi trong kia cũng lại là một nhân vật nổi tiếng trong giang hồ. Một trong Võ lâm Tứ công tử, Tường Lân công tử Kim Thái Hoán.

Võ lâm Tứ công tử gia thế cực phú, văn công cũng hàng thế gia. Gần đây nhà nào cũng ra sức lôi kéo kỳ nhân dị sĩ trong giang hồ về làm môn khách trong nhà, bởi vậy thanh thế của Võ lâm Tứ công tử mỗi ngày một lớn.

Người ngồi kế bên Tường Lân công tử là bào muội Kim Thái Phụng.

Ngày hôm nay khí trời oi ả, huynh muội Kim gia dẫn theo mấy môn khách đến Yên Tử cư uống nước hóng gió, không ngờ lại đụng phải Giang Nam nhị kỳ cùng Tam Thốn Đinh ở đây.

Nhị kỳ lần này mang đệ tử hạ san chính là nhằm vào Tường Lân công tử, may sao gặp được đối phương lộ diện ở Yến Tử cư. Hai lão quái vốn đã lời ra tiếng vào hầu kích nộ đối phương, không ngờ công phu hàm dưỡng của đối phương cực cao, thậm chí có mấy môn khách nổi nóng định ra mặt gây sự đều bị Tường Lân công tử ngăn lại…

Giang Nam nhị kỳ vốn ít khi hành tẩu giang hồ, lần này bị người khích bác, nên mới dắt đệ tử xuống núi tìm Tường Lân công tử so tài cao hạ. Thấy nói khích mà đối phương vẫn không nổi nóng, hai lão đành nín nhịn, chờ thời cơ.

Cuối cùng thì thời cơ đã đến.

Trong lúc thiếu niên lang bạt ở đâu đến bị hai đứa trẻ của Kim gia làm nhục, lại không nổi nóng mà định bỏ đi. Hai lão mới dùng lời nói khích để chàng gây sự với Tường Lân công tử để hai lão có cớ chen vào. Nào ngờ lời qua tiếng lại, hai lão lại gây sự với thiếu niên này.

Huynh muội của Tường Lân công tử cùng kinh ngạc không kém Giang Nam nhị kỳ. Không ngờ ngay trong phạm vi thế lực của Kim gia lại có người đến gây sự, lại bỗng đâu xuất hiện một thiếu niên phiêu bạt thân thủ bất phàm lại chưa từng nghe nói tới trước đó. Bởi vậy người của Kim phủ cũng ngồi yên nhìn diễn biến của cuộc đấu.

Hai người đang giao đấu trên bờ sông, mới đó mà đã hơn chục chiêu.

Tam Thốn Đinh người nhỏ thó, nhưng di động rất thanh nhẹn, lại thêm Đồ Long thập bát thủ, xuất chiêu như gió vừa chuẩn xác vừa ngụy dị.

Bên kia thiếu niên phiêu bạt xuất thủ cũng thần diệu không kém, lại thấy chưởng kình rít gió “Veo! Veo!” xem ra nội công thâm hậu hơn đối phương mấy bậc. Bởi vậy song phương trao đổi hơn chục hiệp vẫn bình thủ.

Nhưng qua vài chiêu nữa, thiếu niên phiêu bạt do chiêu thức sử dụng không thuần thục nên đã có biểu hiện kém thế. Tam Thốn Đinh nhảy cào một chiêu “Vân Long Tam Hiện” tả thủ lăng không ấn tới hai trảo, hữu thủ vẽ một vòng tròn chộp tới “Tam Dương” huyệt của thiếu niên. Thiếu niên phiêu bạt cũng một chiêu “Hoành Vân Đoạn Phong”, tung người xéo qua một bên vừa tránh chiêu vừa tiên chiêu. Nhưng vì chiêu thức không thuần thục nên chỉ tránh được tả thủ hai trảo, còn hữu thủ một trảo thì không hóa giải được Tam Thốn Đinh ngoại hiệu Tiểu Táng Môn tuy tuổi còn nhỏ mà tâm địa thủ đoạn tàn độc không kém nhị vị sư phụ. Thấy giao đấu đã lâu mà không thắng được đã thấy mất mặt trước sư phụ, giờ thấy sắp đắc thủ vội gia tăng hai thành lực đạo vào hữu chưởng ấn tới. Lòng chắc mẩm nếu trúng chưởng này đối phương không chết cũng trọng thương.

Có không ít người vì lo cho an nguy của thiếu niên phiêu bạt kia kêu lên kinh hãi.

Đặc biệt là Kim Thái Phụng sắc diện đầy vẻ lo âu.

Ngay trong lúc thế như chỉ mành treo chuông ấy, bỗng thiếu niên quát lớn một tràng, hóp ngực lại, hữu chưởng cùng vừa kịp tung ra, song chưởng chạm nhau.

Bình!

Tam Thốn Đinh đang lưng chừng trên không bị chưởng kình của đối phương chấn động bay ngược về phía chỗ ngồi của Giang Nam nhị kỳ.

Xích Phát lão nhân Thường Khứ Ác biến sắc, vội giơ tay đỡ lấy Tam Thốn Đinh đặt trở lên ghế. Tam Thốn Đinh đứng dậy định nhảy xuống đất đấu tiếp.

Nhưng Quỷ Cốc Ẩn Tẩu Văn Chính Kỳ giơ tay ngăn lại, khệnh khạng đi đến trước mặt thiếu niên, trầm giọng hỏi :

– Ngươi tên họ ra gì? Môn hạ của ai?.

Thiếu niên ngẩng cao đầu đáp :

– Tại hạ Triển Bạch, sư môn thì không tiện nêu tên.

Văn Chính Kỳ nhíu mày, cái tên Triển Bạch này hình như lão chưa từng nghe qua, lão giơ tay gõ gò vào trán :

– Vậy mới kỳ! Ngươi đã không nói ra được sư môn, nhưng lại sử dụng Cầm Nã thủ pháp tương tự như thủ pháp do lão phu sáng chế.

Triển Bạch lúc đầu thấy Tam Thốn Đỉnh xuất chiêu giống hệt thủ pháp của Độc Cước Phi Ma Lý Cử, nay lại nghe đối phương nhắc tới thủ pháp này. liền cười nhẹ hỏi :

– Chẳng hay các hạ có quen biết một người độc cước.

Văn Chính Kỳ tái mặt :

– Sao? Ngươi là… đồ đệ của lão?

Thường Khứ Ác phóng một cái đến trước mặt Triền Bạch :

– Lão… còn sống sao?

Triển Bạch thấy đối phương tỏ vẻ kinh hãi, cũng không hiểu nội tình thế nào. Có điều mình chỉ học lỏm của Lý Cử mấy chiêu không thể coi lão là sư phụ được, liền cười nhẹ đáp :

– Nhị vị không cần phải sợ, tại hạ không có sư phụ như vậy.

Bỗng gần đó có tiếng người tiếp lời :

– Lão phu cũng không có thứ đệ tử như vậy!

Triển Bạch giật mình quay lại, dưới mé nước xuất hiện một lão quái nhân, hai chân cụt đến háng thay vào đó là hai cây gậy, hai tay kẹp nạng đang lướt tới. Lúc chàng quay lại thì Giang Nam nhị kỳ cùng Tam Thốn Đinh đã mất dạng.

Lão nhân quát lớn :

– Nghiệt đồ! Ta tìm hai ngươi đà mấy chục năm nay, lẽ nào để hai ngươi đi dễ dàng như vậy?

Dứt lời, song nạng điểm xuống mặt đất, thân hình nhẹ nhàng lướt như bay, đuổi theo sư đồ Nhị kỳ.

Triển Bạch ngẩn người nhìn theo mấy bóng người hướng về phía Nham sơn Thập nhị động, chợt nhớ đến mục đích của mình cũng hướng về phía đó bước đi.

Bỗng thấy hoa mắt một cái, đã có một bóng người xuất hiện chắn trước mặt chàng, nhìn lại thì đó là một đại hán tuổi trạc ba mươi, lạnh lùng nhìn chàng nói :

– Bằng hữu khoan đi đã! Thiếu gia ta cần nói chuyện với ngươi.

Triển Bạch hơi cau mày :

– Tại hạ còn có việc gấp cần làm không thể hầu chuyện thiếu gia các hạ được.

Dứt lời lách người định bỏ đi. Gã đại hán cười lạnh một tiếng, tràn người đón đầu, trừng mắt nhìn chàng quát :

– Bằng hữu! Đừng có ngu muội như vậy! Công tử của chúng ta cho đòi ngươi tức là phúc cho ngươi rồi đó. Nếu không phải người cho đòi thì dù ngươi có muôn cầu kiến cũng không được.

Triển Bạch vốn đã bực mình vì khi không lại vây vào chuyện thị phi ở đây, giờ thấy đối phương lại dằng dai, bực mình cười lạnh :

– Thật tức cười! Dù công tử các người có là Hoàng đế đi nữa, tại hạ đã nói không gặp là không gặp!

Đại hán thấy Triển Bạch tỏ vẻ không tôn trọng công tử của hắn, nổi giận :

– Ngươi không muốn gặp cũng phải gặp!

Dứt lời một chiêu “Tham Ly Thúc Châu” vươn trảo chộp vào ngực Triển Bạch.

Triển Bạch thấy đối phương xuất thủ nhanh nhẹn, lại mang kình phong ào ào, xem ra không phải đối thủ tầm thường. Nhưng lúc này chàng đang tức giận, không thèm tránh né, tả thủ một chiêu “Bác Hổ Cầm Long” hữu hưởng nhằm ngực đối phương đẩy ra.

Kiểu xuất thủ dĩ công vi thủ này cao thủ giang hồ không phải ai cũng có thể vận dụng một cách phù hợp trong mọi truờng hợp được, bởi vậy thấy Triển Bạch xuất chiêu, không những gã đại hán kinh hãi mà cả Tường Lân công tử cũng bất ngờ.

Bùng! Một tiếng, gã đại hán không kịp tránh né, lãnh trọn một chưởng giữa ngực văng ra xa hơn trượng rơi bịch xuống đất, miệng túa máu tươi, chết tốt.

Thấy có án nạng xảy ra, du khách bốn bề ùn ùn đứng cả dậy. Bỗng nghe có tiếng hú dài, một bóng người phi thân ra mé sông, thân hình còn ở trong không trung song trảo đá nhằm đầu Triển Bạch đánh xuống, khí thế kinh nhân.

Triển Bạch cũng không cần tránh né, song chưởng một chiêu “Bá Vương Cử Đỉnh” đẩy ngược lên.

Bùng!

Lại một chiêu chưởng đối chưởng.

Triển Bạch cảm thấy như có chiếc chùy ngàn cân giáng lên song chưởng mình, khí huyết đảo lộn, hai mắt nổ đom đóm, liên tiếp thoái lui năm sáu bước mới gượng đứng lại được.

Kẻ vừa xuất hiện một chiêu thắng thế, không chờ đối phương kịp lấy lại tinh thần, thân hình vừa chạm đất song chưởng lại nhằm ngực Triển Bạch đẩy tới, quyết một chiêu này đánh chết đối phương đế trả thù cho môn hạ.

Nhưng khi kình lực vừa phát ra đã nghe một tiếng quát lớn :

– Ba huynh, dừng tay!

Kẻ xuất chiêu tấn công nghe tiếng quát hơi chần chừ một chút.

Triển Bạch nhân cơ hội này điểm chân nhảy ra ngoài. Nếu không, tiếp thêm một chưởng này chắc chàng không khỏi bị trọng thương.

Khi đứng vững chàng quan sát kẻ vừa tấn công chàng, đó là một lão nhân gầy gò, sắc diện đen nhẻm, mình mặc hắc bào den bóng, song chưởng đặt trước ngực, trên mười ngón tay mỗi ngón đeo một chiếc vòng sắt, vòng sắt nối liền với vạt áo, nhìn lão như mọc cánh vậy.

Quay sang nhìn người vừa ngăn chặn lão nhân hạ độc thủ, thì ra đó là gã công tử ra dáng cao quí ngồi ở trong kia.

Tường Lân công tử chậm rãi bước ra, ôn tồn :

– Thiên Hách huynh! Tiểu đệ muốn kết giao bằng hữu với vị huynh đài này, không nên đánh nhau nữa.

Dứt lời, quay sang Triển Bạch tươi cười :

– Huynh đài võ công quán thế tại hạ Kim Thái Hoán ở tại Nam Kinh này mời huynh đài dời gót đến hàn xá để hàn huyên. Chẳng hay huynh đài có khứng ý?

Triển Bạch chưa kịp đáp lời, lão nhân đã nghiến răng nói :

– Không lẽ công tử để một thuộc hạ phải chết oan uổng?

Dứt lời lại hùng hổ định tấn công.

Tường Lân công tử giơ tay ngăn lại :

– Đánh nhau thì có ích gì? Nhưng đã là người trong giang hồ một khi bởi không hợp ý mà nảy sinh giao đấu khó mà tránh được thương vong. Chỉ nên trách người của mình học nghề không tinh, không nên trách người. Lương Minh đã chết rồi, ta trọng liệm hậu tang, bồi hoàn cho gia tộc trọng hậu là xong.

Tường Lân công tử quay đầu lại gọi lớn :

– Lương Quyết! Ngươi lại đây!

Một thanh niên hán tử bước tới thi lễ, sắc diện giận dữ nhìn Triển Bạch một cái, rồi nói :

– Công tử có điều chi dặn dò?

– Ngươi xuất lĩnh ba ngàn lạng bạc để hậu táng huynh trưởng ngươi.

– Đa tạ công tử!

Xong gã quay người bồng di thể Lương Minh bỏ đi.

Triển Bạch vốn không có ý giết người, nhưng vì một chút cạn suy chỉ mong làm hả cơn giận trong lòng, chàng đã giết chết một mạng người. Nhìn thái độ phẫn hận của Lương Quyết, chàng không khỏi cảm thấy ân hận.

Nhưng khi biết đối phương là Tường Lân công tử, liền nghĩ thầm :

“Hừ, thì ra ngươi cũng chỉ dựa vào kim ngân để chuộc nhân tâm”.

Hắc y lão nhân thấy Tường Lân công tử có vẻ tôn trọng lão trước mặt mọi người, nên lòng cũng thấy thỏa mãn, nhưng lão vẫn nhìn Triển Bạch nói :

– Nể mặt công tử tạm thời tha mạng cho ngươi!

Triển Bạch thấy thần thái lão xem thường mình, hừ lạnh một tiếng :

– Hừ! Tại hạ vị tất…

Tường Lân công tử không chờ Triển Bạch dứt lời, vội cười lớn nói :

– Việc lớn bằng trời đã qua cũng coi như hết. Tại hạ còn chưa được hân hạnh biết cao danh quí tánh của huynh đài.

Triển Bạch bỗng lóe lên một ý nghĩ :

“Thân phụ của hắn là cừu nhân, tại sao trước bao nhiêu giang hồ bằng hữu như vậy mình không để lộ danh tính để sau này giang hồ biết Triển gia còn có một hậu nhân không sợ cường quyền, nhất định báo gia cừu…”

Nghĩ đến đây, chàng buột miệng đáp :

– Tại hạ Triển Bạch, các hạ chắc là đại danh đỉnh đỉnh Tường Lân công tử?

– Huynh đài quá khen rồi! Tường Lân bất tài, nhưng vốn thích giao du bằng hữu bốn phương, nếu huynh đài không chê xin cho Tường Lân được mời đến hàn xá để tận tình địa chủ.

Triển Bạch đang lựa lời từ chối bỗng thấy đất trời như bừng sáng lên trước sự xuất hiện của một mỹ nhân. Nàng đứng sau lưng Tường Lân công tử mở to mắt nhìn chàng, miệng không nói lời nào.

Kim Thái Phụng vốn được xưng tụng là Giang Nam đệ nhất mỹ nhân. Cái đẹp của nàng tựa như minh nguyệt thu thủy, vẻ đoan trang thùy mị của nàng khiến người nhìn chỉ có thể nảy sinh một cảm giác thánh thiện, mà không có chút tục niệm. Lại nữa, nàng cũng có cái khí khái của giang hồ nhi nữ, giữa chốn đông người mà nàng vẫn tự nhiên lộ diện, không chút e dè kiểu cách của tiểu thư khuê các.

Triển Bạch tuy lòng dạ thuần phác đặc biệt gần đây chàng liên tiếp gặp được các mỹ nhân như Mộ Dung Hồng, Triển Uyển Nhi, Phàm Tố Loan … nhưng chàng không khói có sự so sánh cái diễm tuyệt giữa nàng và những người trước. Đặc biệt là nụ cười với hai má lún đồng tiền đủ làm ngất ngây bất kỳ ai dù mang trái tim sắt đá nhất.

Tường Lân công tử thấy Triển Bạch không chối từ, liền quay sang bảo thuộc hạ chuẩn bị xe kiệu. Tự tay chàng dắt một con ngựa trao cương tận tay Triển Bạch :

– Triển huynh, mời!

Triển Bạch không còn cách gì từ chối nữa, mặc cho sự tình ra sao thì ra.

Tường Lân công tử thúc ngựa song hành với Triển Bạch, vừa đi vừa thao thai bàn luận việc giang hồ thế sự, thái độ rất nhiệt thành. Triển Bạch lòng đã xem đối phương là cừu gia, nhưng cũng không khỏi khen thầm :

– “Tường Lân nhiệt trường, lời đồn quả không sai”

Đặc biệt Kim Thái Phụng cũng đã bỏ kiệu cưỡi một con tuấn mã lông trắng như tuyết đi chếch sau lưng đại ca một chút, thỉnh thoảng nàng lại liếc nhìn Triển Bạch một cái, từ đầu đến giờ chưa nghe nàng thốt một lời nào nhưng qua đôi mắt nàng đã gởi đến Triển Bạch muốn vàn tình ý, thứ ngôn ngữ hiệu nghiệm hơn lời, nói gấp ngàn lần.

Triển Bạch vừa đối đáp cho phải phép với Tường Lân công tử nhưng đôi lúc cũng lén liếc nhìn Kim Thái Phụng, những khi ánh mắt giao nhau chàng không khỏi thấy dạ bồi hồi, ngầm thở dài, nghĩ bụng :

“Xem ra huỳnh muội kim gia không phải hạng người gian tà vô sỉ, nhưng phụ thân họ đã là cừu gia thì sớm muộn cũng sẽ có ngày sau song phương biến thành thù nghịch, không biết đến lúc đó mình có đủ nhẫn tâm để hạ thủ với họ không?”

Triển Bạch lòng mang nhiều tâm sự không để ý đến đường đi, thoắt cái đã thấy trước mặt sừng sững một tòa phu đệ, tam cấp để tiến vào phủ toàn bằng Hàn Bạch ngọc cao có mấy chục cấp. Giang hồ thế gia có được khí phái này quả là chàng chưa từng được thấy.

Hai bên tam cấp cứ năm bậc có một tên võ sĩ mũ vàng giáp trụ cầm kiếm mang khiên khí thế oai nghiêm tựa như trong hoàng cung. Mọi người đồng xuống ngựa. Tường Lân công tử mặt mày rạng rỡ cầm tay Triển Bạch song song tiến vào phủ.

Lọt vào trong phủ thấy lầu cao chất ngất, trước cửa tòa nhà chính diện treo đầy những liễn sơn son thiếp vàng “Trạng Nguyên cấp đệ”, “Tiến sĩ”, “Bảng nhãn”, “Ngự Tiền nhất phẩm” vân vân, đặc biệt là một bức liễn đề bốn chữ vàng chữ nào chữ nấy to bằng cái đấu “Kiến Nghiệt kim phủ”. Xem ra Kim gia không chỉ là võ lâm hào môn mà còn là Công thần thế gia nữa.

Phía trên cánh cửa lớn sơn đen treo ngang một tấm bài đề “Giang Nam Đệ nhất gia”. Triển Bạch nhìn thấy tấm bài này không khỏi hừ lạnh nói thầm :

“Khẩu khí lớn lối!”

Thoắc cái Triển Bạch đã bị Tường Lân kéo vào bên trong một tòa đại sảnh, lúc này trời đã sụp tối, trong sảnh đã thấy sẵn hàng trăm ngọn đèn, cả gian đại sảnh rộng thênh thang được chiếu sáng choang chẳng khác ban ngày.

Tường Lân công tử tươi cười :

– Tiểu đệ đã cho sắp sẵn ít rượu nhạt. Xin Triển huynh không nên khách khí.

Kim Thái Phụng nãy giờ lúc nào cũng theo sát bào huynh, lúc này mới lên tiếng :

– Đại ca! Nhìn Triển thiếu hiệp.

Vừa nói làn thu ba vừa chuyển sang người Triển Bạch. Đôi mắt nàng quả là có năng lực biểu đạt tốt hơn bất kỳ lời nói nào. Tường Lân chợt hiểu ra cười lớn nói :

– Ta thật tệ, nếu muội muội không nhắc thì ta quên mất.

Xong chàng quay ra ngoài gọi lớn :

– Người đâu?

Từ đàng sau bức bình phong bằng ngọc chạm có bốn tên thanh y tiểu tỳ ứng tiếng uyển chuyển bước ra thi lễ trước mặt chàng.

Tường Lân công tử hạ lệnh :

– Hầu hạ quý khách tắm rửa?

Sau khi vâng dạ, một tên quay sang Triển Bạch :

– Quý khách! Xin mời!

Xong quay người dẫn lộ.

Triển Bạch hơi do dự một chút nhưng thấy người mình cũng đầy bụi đất nên không làm khách nữa, lập tức nối gót bốn thanh y tiểu tỳ.

Qua mấy lượt thông đạo bày trí hoa lệ, thanh y nữ tỳ đẩy một cánh cửal pha lê lớn, tiến vào một phòng tắm rộng rãi, bày trí cực kỳ sang trọng.

Giữa phòng là một hồ tắm vuông vức hai trượng, nước trong hồ trong vắt thấy đáy, giữa hồ đặt một bức tượng bán thân bằng bạch ngọc tạc hình thiếu nữ khỏa thân, trên vai thiếu nữ vác một vật hình như lọ cắm hoa, từ miệng lọ hoa một dòng nước trong vắt chảy xuống hồ, tiếng nước thanh tao như tiếng ngọc, khiến người bước vào phòng có một cảm giác tao nhã thoát tục.

Bọn thanh y nữ tì vừa vào phòng đã mở dây lưng định trút bỏ y phục.

Triển Bạch thất kinh hỏi :

– Sao? Các ngươi cũng muốn tắm?

Chọn tập
Bình luận