Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bàn Có Năm Chổ Ngồi

Chương 4

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Sáng nay, tôi vừa ló mặt vô lớp, thằng Đại đã hỏi giật:
– Sao giờ này mày mới tới ?
Tôi giả vờ ngạc nhiên:
– Chưa có trống vô lớp mà!
– Nhưng hôm nay tổ mình trực sinh.
Tôi chép miệng:
– Chà, tao quên đi mất!
Đại nhìn tôi, nghi ngờ:
– Sao mày quên hoài vậy ? Kỳ trước mày cũng quên!
Tôi nhăn mặt:
– Thì tại tính tao hay quên.
Đại không hỏi gì thêm, nó chỉ dặn:
– Lần sau ráng nhớ nghen! Mày bỏ trực sinh hoài, cuối năm bị xếp loại lao động kém đừng có trách!
Thằng Đại này, từ khi làm tổ trưởng đến giờ nó sinh ra nhiều chuyện kinh khủng. Lúc nào nó cũng vặn vẹo hỏi tới hỏi lui hết việc này đến việc khác và nhất là luôn luôn “hù” tôi . Lần này, nghe nó nói, tôi phát bực:
– Bao giờ mày cũng làm ra vẻ quan trọng. Các tổ khác thiếu gì đứa quên trực sinh.
– Thằng này lạ! Sao mày không bắt chước những đứa khá mà cứ đi so bì với những đứa lười! Với lại, tổ mình khác những tổ kia, tổ mình có thằng Bảy!
Đang lúc đó thì Bảy đi cà nhắc vô, chổi kẹp dưới nách. Thấy vậy, tôi hơi ngượng. Đúng ra thì Bảy không phải trực sinh. Hôm trước cả tổ đã nhất trí miễn lao động cho nó. Nhưng cả hai kỳ liên tiếp vì tôi vắng mặt nên Bảy vẫn phải tham gia quét lớp và khiêng dọn bàn ghế. Đằng nào tổ tôi cũng phải làm vệ sinh cho lớp thiệt sạch trước khi có trống vô học nếu không muốn các tổ khác phê bình và thầy Dân kiểm điểm trong giờ chủ nhiệm đầu tuần.
Thực ra, công việc trực sinh chẳng có gì là nặng nhọc cả. Nhưng không hiểu sao tôi lại hay tìm mọi cách để trốn tránh. Dường như tật làm biếng đã ăn sâu trong người tôi, tôi ngán cả việc nặng lẫn việc nhẹ. Và tôi thực hiện chuyện “tránh né” đó một cách tự nhiên, không suy nghĩ. Nhưng hôm nay, hình ảnh của Bảy tình cờ đập vào mắt khiến tôi cảm thấy áy náy dễ sợ. Nhất là lúc này bàn ghế đã được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, sàn lớp sạch sẽ, tinh tươm, không có lấy một cọng rác. Điều đó càng khiến tôi thấy rõ rệt sự vô tích sự của mình, kẻ chuyên môn đi trễ để hưởng lấy công sức lao động của người khác.
Nỗi bức rức mới mẻ đó khiến tôi vừa xấu hổ vừa bực bội . Tôi tìm cách che lấp khuyết điểm của mình:
– Nhằm nhò gì chuyện quét lớp!
– Không nhằm nhò gì nhưng lớp đã phân công, mình phải làm đến nơi đến chốn chớ!- Đại tiếp tục sửa lưng tôi – Với lại đối với Hiền và Bảy, chuyện khiêng ghế đâu phải là nhẹ.
Nhỏ Hiền nghe nhắc tới mình liền xen vô:
– Lúc nãy tụi mình còn quét mạng nhện trên nóc nữa kìa!
Tôi nhún vai:
– Tưởng gì! Quét mạng nhện mà cũng khoe!
Thằng Quang ở đâu ngoài sân chạy vô, nghe nói tới nhện liền “mở máy”:
– Mày biết không, giống nhện Ta-ran-tu-la ngộ lắm! Mỗi lần đến tổ nhện cái, con nhện đực đều mang quà ra mắt hẳn hoi . Nó bọc quà trong một lớp tơ mỏng do những tuyến ngoại tiết ở các đầu ngón chân tiết ra . Vừa bước đến tổ là nó đã …
Lúc này tôi không còn hứng thú gì để nghe chuyện loài vật huyên thuyên của Quang, tôi cắt lời nó cái rụp:
– Thôi dẹp thứ nhện Ta-ran-tu-la khỉ gió của mày đi!
Tôi ôm cặp đi về chỗ ngồi trước cái miệng há hốc của nhà sinh vật. Nó không hiểu tại sao tự dưng tôi lại sửng cồ như một con gà chọi vậy .
– o O o –
Nỗi ấm ức dai dẳng bám theo tôi đến tận giờ toán. Đến đây xảy ra thêm một chuyện khác.
Thầy Đức ra một bài tập về phân tích thừa số, có ứng dụng hằng đẳng thức.
Tất nhiên là tôi mù tịt. Trong khi cả lớp cắm cúi làm thì tôi ngồi chờ thằng Bảy .
Nhưng tôi không ngồi không mà vẫn giả bộ chăm chú làm bài, ngòi viết vẽ nguệch ngoạc những hình thù vớ vẩn trên giấy . Bên cạnh tôi, Quang cũng đang ngồi cắn viết, trên trang giấy ngoài những đề toán ra chỉ có vỏn vẹn hai chữ “bài làm”. Ở đầu bàn bên kia, Đại đang làm bài ngon lành. Nó nghĩ ngợi một thoáng rồi cúi xuống bài tập hí hoái viết, rồi lại nghĩ, rồi lại viết. Ngòi viết chạy sồn sột trên giấy, ngó bắt mê . Hỏi mấy đứa bên lớp 8A3, tôi mới biết nó là học sinh giỏi . Năm ngoái, nó còn là đội viên xuất sắc, đạt danh hiệu học sinh xuất xắc nữa . Hèn gì mà nó “tác phong” gớm! Nhỏ Hiền ngồi kế thằng Đại dường như cũng làm bài được. Bài hằng đẳng thức ngày hôm trước nó học không hiểu còn hỏi tôi, sao hôm nay nó viết nhoang nhoáng vậy không biết!
Bài tập có ba đề toán nhỏ, làm trong mười lăm phút. Tôi ngồi vẽ bậy một hồi đã thấy nóng ruột. Liếc sang Bảy, thấy nó đã làm gần xong hết đề thứ hai, tôi liền thúc:
– Xích cùi chỏ ra mày!
Bảy liếc trộm lên bàn thầy một cái rồi lặng lẽ nhất cùi tay lên, để lộ những dãy chữ số bí hiểm nằm xếp hàng trên giấy một cách trật tự. Thế là cũng như năm trước và năm trước nữa, tôi âm thầm sao chép lại bài làm của nó. Đúng là con cá nó sống vì nước, tôi sống vì thằng Bảy!
Chép được vài ba dòng, tôi dòm sang thằng Quang, thấy nó vẫn ngồi trầm ngâm như một tượng đá, bài làm vẫn để trắng. Động lòng trước kẻ cùng cảnh ngộ, tôi hích nhẹ vô vai nó, thì thầm một cách hào hiệp:
– Ngó bài của tao mà chép!
Thằng Quang làm như không nghe thấy, nó vẫn ngồi im.
Tôi hích một cái nữa:
– Nè, chép bài của tao đi!
Lần này, Quang cau mặt:
– Tao không thích cóp-pi .
Tôi cảm giác như nó vừa dội một gáo nước lạnh lên đầu tôi . Tai tôi nóng ran. Tôi “xì” một tiếng:
– Lưu ban mà còn làm bộ!
Thằng Quang dáng mạo trông dữ tợn nhưng tính lại hiền. Nếu gặp đứa khác, nghe tôi nói đâm hông như vậy, dám nó nổi nóng gây chuyện đánh nhau rồi . Nhưng đằng này, Quang chỉ ngồi yên, trán cau lại, còn môi thì mím chặt.
Tai thằng Đại thính như tai mèo . Nghe tiếng xì xào, nó quay sang:
– Đừng làm ồn chớ!
Đang “cóp” bài của thằng Bảy, tôi dại gì làm ồn. Chỉ tại thằng Quang khỉ gió kia thôi . Đã học kém mà còn lên mặt! Đã làm ơn lại còn mắc oán, tôi vừa tức anh ách trong bụng vừa theo dõi sít sao sự di động của cùi tay thằng Bảy .
Ai dè từ khi tôi và Quang xì xào, thằng Đại vừa làm bài vừa liếc chừng lại chỗ hai đứa tôi . Khi thấy tôi “cóp” bài của Bảy, nó nhắc liền:
– Huy không được coi lén bài của bạn.
Tôi giật mình, và trong bụng giận “cậu ông trời” kinh khủng. Nó “lật tẩy” tôi trước mặt nhỏ Hiền khiến tôi mắc cỡ muốn chết. Nhất là trước nay nhỏ Hiền cứ tưởng tôi là ông vua toán đến nỗi năn nỉ nhờ tôi giảng bài giùm. Mà tôi đâu có coi lén. Tôi coi đường đường chính chính, được sự đồng ý của Bảy đàng hoàng. Nhưng nghĩ trong bụng vậy thôi chớ tôi đâu dám nói ra .
Ngồi yên một hồi, thấy đã sắp hết giờ và Đại thì đang chúi mũi vô bài làm, tôi lại quay sang Bảy định tranh thủ kiếm thêm vài dòng cho xong bài số một.
Nhưng cặp mắt thằng Đại như máy ra đa, tôi vừa liếc bài của Bảy một cái, nó đã bắt gặp:
– Nè, tôi thưa thầy trừ điểm của cả hai bạn đó nghen!
Thằng Bảy nghe thằng Đại dọa, hoảng hồn hạ cùi tay xuống. Còn tôi thì thở dài một cái và chán nản đậy nắp viết lại . Bài này coi như bỏ, những bài tập kỳ sau mình phải tính cách khác! Năm nay tôi đụng thằng Đại, thật xui tận mạng, y như đụng sao quả tạ.
Do những biến cố như vậy mà lần đầu tiên kể từ ba năm nay, bài tập toán của tôi bị điểm 3. Quang còn tệ hơn, nó được có hai điểm. Bảy và Đại đều được điểm mười . Nhỏ Hiền bảy điểm. Sau này tôi mới biết là hôm trước, sau khi tôi ở nhà Hiền về, nó đã đem bài hằng đẳng thức qua nhờ Đại giảng. Nhà Đại ở kế chợ Cầu Ván, cách nhà nhỏ Hiền chừng một trăm thước. Nhờ vậy mà nhỏ Hiền được điểm bảy, có lẽ là điểm cao nhất của nó từ trước tới giờ về môn toán.
Điểm ba của tôi và điểm hai của Quang không phải chỉ là nỗi buồn của hai đứa tôi mà còn là nỗi buồn của cả tổ. Bởi vì nó kéo điểm học tập của tổ xuống theo .
Hôm tổng kết thi đua hàng tuần, thằng Can thay mặt ban cán sự lớp và ban thi đua chi đội lên đọc điểm số và thứ hạng.
Khi nghe công bố tổ năm đứng hạng sáu về học tập, mặt thằng Đại buồn xo . Về các mặt khác, tổ tôi đều xếp từ hạng tư trở lên, chỉ có học tập là tụt xuống dưới trung bình.
Sau khi ban cán sự lớp nhận xét từng tổ xong, tới lược các tổ trưởng đứng lên phát biểu ý kiến. Mỗi tổ đều phân tích điểm yếu của mình và nên phương hướng khắc phục.
Tới tổ năm, Đại đứng dậy:
– Về các mặt đạo đức, vệ sinh, lao động, rèn luyện thân thể, tổ năm đều có những cố gắng. Riêng về học tập, tổ năm còn yếu vì trình độ chưa đồng đều . Có bạn khá môn này lại yếu môn kia . Có bạn yếu nhiều môn một lúc. Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, tổ năm sẽ giúp đỡ lẫn nhau học tập ở trường cũng như ở nhà và sẽ xây dựng những đôi bạn cùng tiến mà theo lời thầy Dân nói thì trong vòng tuần tới trường ta sẽ phát động đồng loạt.
Nó nói nghe phát ghét. Có gì đâu mà trình độ chưa đồng đều . Nếu trong tiết toán vừa rồi nó cứ lờ đi để cho tôi “cóp” bài thả dàn, có phải là trình độ tổ năm sẽ “đồng đều” không! Lại còn nhà sinh vật Quang nữa, nếu nó chịu “cóp” bài như tôi thì đâu đến nổi nào . Sao tổ tôi toàn những đứa không biết điều vậy không biết!
Dòm bộ tịch ủ dột của Đại, tôi nhủ thầm một cách khoái chí: “Tại mày chứ tại ai!” Trong giờ ra chơi, Đại đến gần tôi, hỏi với vẻ thân mật:
– Hình như về nhà, Huy với Bảy có học chung với nhau phải không ?
Chết rồi! Tôi than trong bụng. Hôm trước tụi tôi nói dối với thầy Dân mà “cậu ông trời” tưởng thiệt. Tôi giả bộ nhăn mặt:
– Chuyện của tao mày hỏi làm chi ?
Đại trố mắt:
– Đây đâu phải là chuyện riêng. Việc học tập của mỗi người có liên quan đến việc học tập của cả tổ kia mà!
Tôi vặn lại:
– Vậy sao hôm trước tao … liếc sơ bài của thằng Bảy một chút mày lại làm khó làm dễ ? Tại mày mà tổ mình mới tụt hạng đó, mày biết không ?
– Sao lại tại tao ? Đó là tại mày không chịu học hành đàng hoàng. Muốn cho tổ tiến bộ thì mỗi người phải cố học chứ đâu phải bày trò gian lận. Giúp đỡ nhau học tập không có nghĩa là cho bạn mình cóp-pi!
Lúc đầu, Đại định nói năng nhỏ nhẹ với tôi . Sau thấy tôi cãi bướng, nó nổi khùng, nói oang oang.
Tụi bạn trong lớp nghe ồn, chạy lại bu quanh. Thấy vậy, tôi lảng đi chổ khác sau khi buông thỏng một câu ngang phè:
– Mày lo cái xác của mày đi! Thân tao, tao lo!
Chuyện có chút xíu vậy mà ngay ngày hôm sau trên tờ bản tin của lớp, không biết tay nào “phang” ngay một bài thơ:
Lớp tôi có một anh chàng
Toán không lo học, cứ hoài cóp-pi
Vậy mà tổ trưởng phê bình
Thì anh ta lại nổi khùng nói ngang
Muốn khá thì phải ráng lên
Mới mong đưa tổ vượt lên trên trung bình.
Bài thơ có tựa là “Nhắn ai”, nhưng rõ ràng là nhắn tôi rồi . Ở dưới ký tên là Kiến Lửa . Tôi nghĩ hoài mà không đoán ra Kiến Lửa là ai . Chắc chắn không phải là thằng Chí rồi, mặc dù tôi với nó đến nay vẫn chưa hoà giải được vụ xích mích từ hôm xếp lại chổ ngồi . Chí bà con với rệp chứ không thể họ hàng với kiến được. Vả lại, Chí chẳng làm thơ bao giờ, dù là thơ con cóc như bài thơ này . Thơ lục bát gì mà lạc vần ráo trọi . “Chàng” mà vần với “hoài” làm sao được! Lại còn “pi” với “bình”, “ngang” với “lên” nữa . Đó là chưa kể câu chót lại dư ra một chữ. Dốt đến vậy mà còn bày đặt làm thơ châm chích người khác. Tôi lầm bầm trong bụng một cách tức tối nhưng rốt cuộc vẫn không nghĩ ra thủ phạm là ai .
Trong khi đó thì đám bạn trong lớp xúm lại trước bài thơ vừa đọc vừa cười hinh hích. Đám con gái làm tôi ngứa mắt nhất. Chúng vừa coi vừa bá vai nhau cười khúc kha khúc khích, tỏ vẻ thích thú lắm. Đã vậy, chúng cứ đứng lì trước tờ bản tin, đọc đi đọc lại bài thơ chớ không chịu đi cho khuất mắt. Mỗi một tiếng cười của chúng như mỗi mũi kim chích vô tim tôi, đau nhói . Tôi vừa xấu hổ, vừa giận dỗi, lại vừa thầm công nhận cái con kiến lửa quỷ quái này chích độc thiệt. Nếu tôi biết nó là đứa nào, chắc nó mềm xương với tôi .
Tất nhiên tôi có thể hỏi nhỏ Kim Liên, lớp phó học tập kiêm chủ bút bản tin, để dò la tin tức thủ phạm, mặc dù chưa chắc nó chịu nói . Nhưng tôi không thèm hỏi . Dù gì thì tôi cũng là cựu chủ bút của cái tờ bản tin kiêm báo trường này . Năm ngoái, chính tay tôi đã từng sửa bài của nó trước khi chọn đăng, không lý gì bây giờ lại đi hạ mình trước nó để hỏi “tiểu sử” của nhà thơ Kiến Lửa dở ẹc kia .
Thật ra tôi giận con kiến thì ít mà tức con cóc thì nhiều . Trăm sự cũng tại thằng “cậu ông trời” mà ra hết. Nói cho đúng ra, gọi thằng Đại là “cậu ông trời” trong thời điểm này cũng không chính xác lắm. Bởi vì càng ngày tôi càng nhận ra Đại chỉ lầm lì, ít nói với những chuyện gì chứ với chuyện học tập và sinh hoạt trong tổ thì nó to mồm nhất hạng. Chuyện gì của tụi tôi nó cũng xét nét, cũng có ý kiến. Mới hôm qua, thằng Bảy lại bị nó chỉnh về việc nhét khăn quàng đỏ trong cặp, đợi vô lớp mới đem ra đeo . Nhưng đặc biệt là nó thường xuyên “đụng” tôi, y như là hai đứa không thể đội trời chung trong một cái bàn vậy .
Càng nghĩ, tôi càng tức Đại, đồng thời tôi cũng cảm thấy lòng tự ái bị thương tổn khi nghĩ rằng dưới mắt nó, tôi chỉ là đứa học trò chuyên môn phạm lỗi và là một thành viên vô tích sự của tổ năm.
Bài thơ ác khẩu kia làm tôi buồn bã hết mấy ngày . Trong mấy ngày đó, tôi không còn hào hứng la hét, chạy nhảy trong giờ chơi như thường lệ nữa . Tôi cũng không dám lởn vởn trước mặt bọn con gái, càng không dám thỉnh thoảng cao hứng chọc ghẹo chúng như trước. Còn đối với nhỏ Hiền thì tôi tuyệt đối không dám chạm mặt. Nếu tình cờ bắt gặp ánh mắt của nó bao giờ tôi cũng vội vã quay đi .
Phải đợi đến tiết ngữ pháp sáng nay, nỗi buồn kia mới có dịp chắp cánh bay đi khỏi tâm hồn tôi . Bởi vì bài kiểm tra ngữ pháp của thầy Dân chỉ có mình tôi được điểm mười . Những đứa khá nhất trong lớp chỉ đạt tới điểm chín là cao nhất. Tổ tôi chỉ có mình Đạt là đạt điểm tám. Những đứa khác chỉ đạt điểm trung bình.
Khi thầy Dân hô tên đọc điểm để ghi vô sổ, tôi hồi hộp chờ đến tên mình. Cái tên Phan Thanh Huy đối với tôi vô cùng thân thuộc, vậy mà khi nghe thầy gọi tôi vẫn bị giật mình, mặc dù tôi đã chuẩn bị tinh thần khi thầy Dân kêu đến những đứa vần H như thằng Hân, thằng Hùng.
Tôi đứng bật dậy, dõng dạc:
– Mười!
Tiếng “mười” từ miệng tôi thốt ra gây chấn động không khác gì quả bom nguyên tử. Những đứa bàn trên mặc dù đã biết tôi là “cây ngữ pháp” từ năm lớp sáu vẫn quay đầu lại dòm. Đám con gái thì chắc lưỡi trầm trồ một cách lộ liễu .
Sau khi ngồi xuống, bất giác tôi quay sang nhỏ Hiền và thấy nó đang nhìn tôi, nhoẻn miệng cười . Tự nhiên tôi bỗng quên hết mọi buồn phiền trước đây và nhe răng cười khì một cái .
Hiền chìa tay:
– Huy cho Hiền mượn bài làm của Huy đi!
Tôi chỉ thằng Quang, lúc này đang ngồi đọc bài làm của tôi chăm chú không khác gì bác sĩ đang nghiên cứu vi trùng vậy .
– Vậy lát nữa Huy cho Hiền mượn nghen!
Tôi vui vẻ gật đầu, hệt như một ông tiên hào phóng sẵn sàng ban phép lạ của mình cho tất cả mọi người .
Ngay cả thằng Đại, lúc ra về cũng lại gần tôi, xuýt xoa:
– Mày học ngữ pháp “siêu” quá hén!
Lần đầu tiên, Đại khen tôi. Vì bất ngờ, tôi chỉ ậm ừ trong miệng, không đáp. Nhưng trong lòng tôi, nỗi bực tức đối với nó đã giảm đi một nửa .
– Sắp tới Huy kèm ngữ pháp cho những bạn yếu trong tổ được không?
Cũng lần đầu tiên, Đại “nhờ vả” tôi, dù không nhờ vả cho bản thân mình nhưng cũng là nhờ vả.
Tôi gật đầu, kiêu hãnh:
– Được thôi! Khó gì môn ngữ pháp!
Ngoài miệng thì nói câu đó nhưng trong bụng tôi lại nghĩ câu khác: “Phải chi môn toán mình cũng học ‘siêu’ như môn ngữ pháp thì khoái biết mấy!”.
Cái câu nói thầm trong bụng đó làm tôi trằn trọc suốt đêm.
Bình luận