Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 7: Giáng sinh, hai

Tác giả: Audrey Niffenegger

Thứ Bảy, 24/12/1988 (Henry 25 tuổi)

HENRY: Tôi gọi cho bố để hỏi ông có muốn tôi ghé qua dùng bữa tối sau buổi hòa nhạc chiều Giáng Sinh hay không. Ông cố gắng gượng nửa vời mời tôi nhưng tôi thoái lui, trong sự nhẹ nhõm của ông. Ngày Tang lễ chính thức của nhà DeTamble năm nay sẽ được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau. Bà Kim đã đi Hàn Quốc để thăm chị em gái của bà; thời gian gần đây tôi đang giúp bà tưới cây và nhận thư. Tôi gọi cho Ingrid Carmichel và rủ cô ấy đi chơi, cô ấy nhắc cho tôi nhớ, bằng thái độ quả quyết, rằng hôm nay là đêm Giáng Sinh và một số người có gia đình để phải quyến luyến. Tôi dò một vòng hết cuốn sổ địa chỉ của mình. Tất cả mọi người đều không ở thành phố hoặc ở thành phố với họ hàng đang thăm viếng. Đáng lẽ tôi nên đi thăm ông bà. Rồi tôi nhớ ra họ ở tận Florida. Đang là 2 giờ 53 phút chiều, mọi cửa hàng đang dần đóng cửa. Tôi mua một chai rượu sơ-náp ở Al và nhét nó vào túi áo khoác măng-tô. Rồi tôi nhảy lên tàu điện ở Belmont và đi vào trung tâm. Đó là một ngày u ám và lạnh lẽo. Tàu điện kín một nửa, chủ yếu là những người đưa con đi xem các ô cửa kính Giáng Sinh của Marshall Field và mua đồ muộn ở Water Tower Place. Tôi xuống tàu ở đường Randolph và đi bộ về phía đông để tới công viên Grant. Tôi đứng trên cầu vượt một lúc, uống rượu, rồi đi bộ xuống sân trượt băng. Một vài cặp tình nhân cùng mấy đứa trẻ đang trượt trên sân. Lũ trẻ rượt đuổi nhau và đi giật lùi hình số 8. Tôi thuê một đôi giày, xỏ chúng vào rồi tiến về phía mặt băng. Tôi trượt vòng quanh sân một cách êm ả không nghĩ ngợi. Sự tái diễn, những chuyển động, độ thăng bằng và không khí lạnh. Khá dễ chịu. Mặt trời đang dần khuất bóng. Tôi đã trượt trong khoảng một giờ đồng hồ rồi đem giày đi trả, xỏ chân trở lại đôi ủng, và bước đi.

Tôi đi dọc phía tây Randolph, nam đại lộ Michigan, đi qua Viện Nghệ thuật. Những con sư tử được trang hoàng các vòng hoa Giáng Sinh trên mình. Tôi đi qua Columbus Drive. Cả công viên Grant vắng tanh, chỉ trừ lũ quạ đang tụ tập vòng quanh đầu những ụ tuyết xanh của trời đêm. Những ngọn đèn đường nhốm một màu cam lên nền trời phía trên tôi; còn ở phía hồ chỉ tuyền một màu xanh dương. Tôi đứng ở đài phun nước Buckingham ngắm những con hải âu quay vòng và lặn ngụp, tranh nhau một ổ bánh mì ai đó bỏ lại, cho đến khi cái lạnh trở nên không thể đương đầu nổi. Viên cảnh sát cưỡi ngựa chậm rãi vòng quanh đài phun nước rồi lại từ tốn đi về phía nam.

Tôi bước đi. Đôi ủng của tôi không phải loại không thấm nước, và bất chấp mấy lần áo len, chiếc áo măng tô khá mỏng trước sự hạ nhiệt độ lúc này. Không đủ mỡ, tôi luôn cảm thấy lạnh vào khoảng thời gian từ tháng Mười Một đến tháng Tư. Tôi đi bộ dọc đường Harrison rồi qua đường State, qua Pacific Garden Mission, nơi những người vô gia cư tụ họp để tìm chốn nương náu và thức ăn. Tôi tự hỏi họ đang ăn gì; liệu có hoạt động ăn mừng Giáng Sinh nào trong đó, tại nơi trú ngụ tạm bợ. Trên đường chỉ lác đác vài chiếc xe. Tôi không có đồng hồ, nhưng tôi đoán đang chừng bảy giờ. Gần đây tôi nhận thấy giác quan thời gian của tôi có vẻ khác, nó dường như chạy chậm hơn mọi người. Một buổi chiều có thể như một ngày, một chuyến tàu điện có thể như một cuộc hành trình vĩ đại. Ngày hôm nay dài bất tận. Tôi đã tìm cách vượt qua hầu hết những ngày khác mà không nghĩ quá nhiều về mẹ, về vụ tai nạn, về tất cả mọi thứ liên quan đến nó… nhưng lúc này, trong buổi tối nay, nó đang đuổi theo tôi, Tôi nhận ra mình đang đói. Lượng cồn trong người đã hết. Tôi đã đến gần Adams, tính thầm trong đầu số tiền tôi có trong người và quyết định vung tay một chút cho bữa tối ở Berghoff, một nhà hàng Đức sang trọng, nổi tiếng với xưởng bia của họ.

Quán Berghoff ấm và ồn ào. Có khá đông thực khách đang ăn và đứng quanh quán. Các nhân viên phục vụ huyền thoại của Berghoff đang lăng xăng từ bếp đến các bàn ăn. Tôi xếp hàng, giữa những cặp tình nhân và những gia đình đang líu lo tán gẫu. Cuối cùng tôi cũng được dẫn tới một chiếc bàn ăn nhỏ trong phòng ăn chính gần phía sau. Tôi gọi một vại bia đen và đĩa xúc xích vịt với spätzle. Khi thức ăn được mang đến, tôi ăn chậm rãi. Tôi nhanh chóng ăn hết đống bánh mì và nhận ra tôi đã không ăn trưa. Đây là điều tốt, tôi đang tự để ý chăm sóc bản thân, tôi không hành động như một kẻ ngốc, tôi còn nhớ để mà ăn tối. Tôi ngả người vào ghế và ngó quanh căn phòng. Bên dưới trần nhà cao, những mảng ván ốp tối màu và các bức tranh bán tường có in hình những con thuyền, các cặp đôi trung niên đang ăn bữa tối của họ. Họ đã dành cả buổi chiều mua sắm, hay đi xem giao hưởng, họ vui vẻ nói chuyện về những món quà họ đã mua, về con cháu họ, về vé máy bay và giờ hạ cánh, về Mozart. Lúc này nỗi ham muốn đi xem giao hưởng trong tôi nổi dậy, nhưng không có buổi diễn nào vào buổi tối. Chắc hẳn bố đang trên đường về nhà từ Orchestra Hall. Tôi sẽ ngồi ở hàng ghế trên cùng của ban công cao nhất (vị trí đẹp nhất để ngồi, xét về mặt âm thanh) và lắng nghe Das Lied von der Erde, hay Beethoven, hay thứ gì đó không mang âm hưởng Giáng Sinh. Để năm sau vậy. Bỗng nhiên tôi thoáng thấy tất cả Giáng Sinh của cuộc đời mình xếp hàng từng cái một, đợi để được trải qua, và nỗi thất vọng tràn ngập trong tôi. Không. Trong khoảnh khắc, tôi ước thời gian sẽ nhấc tôi khỏi cái ngày này và đưa tôi đến một ngày khác bình dị hơn. Rồi tôi cảm thấy hối lỗi vì muốn trốn tránh nỗi buồn; những người đã chết cần chúng ta nhớ đến họ, ngay cả khi nó đang ăn mòn chúng ta, ngay cả khi tất cả những gì chúng ta có thể làm là nói tôi rất lấy làm tiếc cho đến khi nó vô nghĩa tựa không khí. Tôi không muốn đè nặng lên nhà hàng ấm áp ngày lễ hội này bằng nỗi sầu khổ mà sẽ khiến tôi phải nhớ lại trong lần tới tôi đến đây cùng với ông bà, nên tôi thanh toán và bỏ đi.

Trở lại đường phố, tôi đứng trầm ngâm. Tôi không muốn về nhà. Tôi muốn ở bên người khác. Tôi muốn bị làm cho xao nhãng. Đột nhiên tôi nghĩ tới quán Get Me High, nơi mọi thứ có thể xảy ra, thiên đường của sự lập dị. Được lắm. Tôi đi về phía Water Tower Place và bắt xe buýt số 66 đến đại lộ Chicago, xuống xe ở Damen, rồi lại bắt xe 50 đi về phía bắc. Chiếc xe sặc mùi nôn mửa và tôi là hành khách duy nhất. Tài xế đang hát Silent Night bằng giọng tenor mượt mà, tôi chúc ông ta Giáng Sinh vui vẻ khi bước xuống xe ở Wabansia. Khi đang bước qua cửa hàng Fix-It, tuyết bắt đầu rơi, tôi chụp lấy những bông tuyết to ẩm ướt bằng những đầu ngón tay. Tôi có thể nghe thấy tiếng nhạc lọt ra từ quán bar. Chuyến tàu ma bị lãng quên để lại những vết lăn trên mặt đường trong làn hơi nước na-tri. Khi tôi vừa mở cửa, ai đó bắt đầu thổi kèn trumpet và những điệu nhạc jazz nóng bỏng đập vào tôi. Tôi bước vào quán như một kẻ đang chết đuối, là thứ mà tôi đến đây để trở thành.

Có khoảng mười người trong quán, tính cả Mia – cô bartender. Ba nhạc công, trumpet, bass và clarinet chiếm giữ sân khấu tí hon; các vị khách đang ngồi ở quầy bar. Các nhạc công đang chơi dữ dội, quay cuồng với âm lượng lớn nhất như sóng âm và khi ngồi xuống tôi nhận ra giai điệu của White Christmas. Mia lại gần và nhìn tôi chằm chằm, tôi thét lên “Whiskey và nước!” to hết cỡ, cô ấy thét lại “Loại thường của quán?” rồi tôi lại thét “Phải!”, rồi cô ấy quay đi pha chế. Âm nhạc tạm ngưng đột ngột. Điện thoại đổ chuông, Mia chụp lấy, nói, “Get Me High nghe!” Cô ấy đặt ly đồ uống trước mặt tôi, tôi lấy ra đồng 20 đô la để lên quầy bar. “Không”, Mia nói vào ống nghe. “Chết tiệt! anh cũng đi chết đi!” Cô ấy đập ống nghe xuống máy như thể đang liệng bóng rổ. Mia đứng đó trông có vẻ bực bội trong vài giây rồi châm một điếu Pall Mall và nhả luồng khói thuốc lớn vào tôi. “Ồ, xin lỗi.” Các nhạc công xúm lại quầy bar và Mia đưa bia cho họ uống. Cửa nhà vệ sinh ở trên sân khấu, nên tôi tranh thủ giờ nghỉ giải lao để đi tháo nước. Khi trở lại quầy bar, Mia đã đặt một ly rượu khác nơi tôi ngồi. “Em đúng là nhà tiên tri”, tôi nói.

“Còn anh thật dễ đoán.” Cô ấy nện chiếc gạt tàn xuống, tựa người lên mặt quầy và trầm ngâm. “Chốc nữa anh làm gì?”

Tôi cân nhắc các lựa chọn của mình. Tôi đã về nhà cùng Mia một hoặc hai lần trước đó, cô ấy rất khá và đủ thứ, nhưng tôi thực sự không có hứng cho sự phù phiếm đơn thuần vào lúc này. Mặt khác, một thân thể nóng không phải là điều tệ khi bạn đang cảm thấy chán chường. “Anh định sẽ uống thật say. Em nghĩ thế nào?”

“Nếu anh không quá say thì có thể ghé qua chỗ em, và nếu anh không chết sau khi thức dậy thì anh có thể giúp em một việc cực kì lớn là đến dùng bữa tối Giáng Sinh ở nhà bố mẹ em ở Glencoe và cất tiếng đáp mỗi khi có ai đó gọi Rafe.”

“Ôi, Chúa ơi, Mia. Chỉ nghĩ đến anh đã muốn chết rồi. Xin lỗi.”

Mia nhoài người về phía trước, nói một cách mạnh mẽ. “Đi mà, Henry. Giúp em đi. Anh là một người đàn ông chỉnh tề. Chết tiệt, anh là một thủ thư chứ chả đùa. Anh sẽ không phát rồ lên khi bố mẹ em bắt đầu hỏi về gia đình và trường đại học mà anh đã theo học.”

“Thực ra anh sẽ. Anh sẽ chạy thẳng vào phòng vệ sinh và cắt cổ chính mình. Dù sao thì để làm gì chứ? Ngay cả khi họ thích anh thì cũng chỉ có nghĩa họ sẽ tra tấn em hàng năm trời với câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra với anh chàng thủ thư trẻ dễ mến mà con hẹn hò?” Và sẽ thế nào khi họ gặp cậu Rafe thật?”

“Em không nghĩ mình sẽ phải lo về chuyện đó. Đi mà. Em sẽ thực hiện thế làm tình Triple X mà anh thậm chí còn chưa nghe đến bao giờ.”

Tôi đã từ chối gặp bố mẹ Ingrid nhiều tháng trời. Tôi mới từ chối không đến dùng bữa tối Giáng Sinh nhà họ vào ngày mai. Không đời nào tôi lại làm việc đó vì Mia, người tôi hầu như chẳng hề quen biết. “Mia. Nếu là một ngày khác trong năm… nghe này, mục tiêu tối nay của anh là say đến độ anh sẽ chẳng thể đứng nổi, chứ nói gì đến dựng nó dậy. Gọi cho bố mẹ em và bảo họ Rafe phải đi cắt a-mi-đan hay gì đó đi.”

Mia đi đến cuối quầy bar để phục vụ ba cậu thanh niên trẻ đáng ngờ có vẻ là sinh viên. Rồi cô ấy chúi mũi vào mấy chai rượu một hồi, pha chế thứ gì đó có vẻ phức tạp. Cô ấy đặt chiếc cốc cao trước mặt tôi. “Đây. Miễn phí.” Món thức uống có màu Kool-Aid dâu.

“Là gì vậy?” Tôi hớp một ngụm. Nó có vị như 7-Up.

Mia khẽ cười ranh mãnh. “Một món em sáng tạo. Nếu anh muốn xỉn quắc cần câu thì đây là chuyến tàu tốc hành.”

“Ồ, cảm ơn em.” Tôi nâng cốc với cô ấy rồi uống cạn. Một cảm giác nóng bừng rạo rực tràn dâng trong tôi. “Chúa nhân từ, Mia, em phải được cấp bằng sáng chế cho món này. Em có thể dựng những cái quầy nhỏ khắp Chicago và bán chúng trong ly Dixie. Em sẽ trở thành triệu phú.”

“Ly nữa chứ?”

“Dĩ nhiên rồi.”

Với tư cách một đối tác hứa hẹn của DeTamble và DeTamble, Những Kẻ Nghiện Rượu, tôi chưa thấy giới hạn của mình trong khả năng hấp thu chất cồn. Một vài li sau, Mia liếc nhìn tôi từ bên kia quầy bar với vẻ lo lắng.

“Henry?”

“Hả?”

“Em không cho anh uống nữa đâu.” Đây có lẽ là ý hay. Tôi cố gật đầu đồng ý với Mia, nhưng nó cần quá nhiều công sức. Thay vào đó, tôi trượt chậm rãi, một cách gần như duyên dáng, xuống sàn nhà.

Rất lâu sau đó tôi thức dậy trong bệnh viện Mercy. Mia đang ngồi bên cạnh giường của tôi. Mascara chảy lấm lem khắp mặt cô ấy. Tôi đang được gắn với một túi truyền và tôi cảm thấy tất tệ. Cực kì tệ. Tệ mọi mặt. Tôi quay đầu và nôn vào chậu. Mia nhoài người lại lau miệng cho tôi.

“Henry…” Mia thì thầm.

“Chào. Có chuyện quái gì vậy?”

“Henry, em xin lỗi…”

“Đâu phải tại em. Chuyện gì xảy ra vậy?”

“Anh lăn ra bất tỉnh. Em đã tính… anh nặng bao nhiêu kí lô?”

“80.”

“Chúa ạ. Anh đã ăn tối chưa?”

Tôi nghĩ một lát. “Rồi.”

“Món đồ uống có nồng độ chừng 40 độ. Và anh đã uống hai ly Whiskey trước đó… nhưng anh có vẻ hoàn toàn ổn, rồi đột nhiên trông anh thảm hại vô cùng, lăn ra bất tỉnh, em nhẩm tính và nhận ra trong người anh có cực nhiều cồn. Nên em đã gọi 911 để đưa anh tới đây.”

“Chắc là phải cảm ơn em.”

“Henry, anh muốn được chết hay gì đó phải không?” Tôi cân nhắc. “Phải.” Rồi quay vào tường và giả vờ ngủ.

Thứ Bảy, 8/4/1989 (Clare 17 tuổi, Henry 40 tuổi)

CLARE: Tôi đang ngồi trong phòng ngoại Meagram và chơi ô chữ New York Times cùng bà. Đó là một buổi sáng tháng Tư mát mẻ rực rỡ, tôi có thể nhìn thấy những ngọn tulip đỏ đang phất phơ trong gió ngoài vườn. Mẹ đang trồng cây gì đó nhỏ và trắng gần bụi hoa Đầu Xuân. Mũ của bà bị gió thổi gần tuột và bà cứ không ngừng gõ tay lên đầu, cuối cùng bà cũng cởi mũ ra và đặt giỏ đựng đồ lên mũ.

Đã gần hai tháng nay tôi chưa được gặp Henry. Ngày tiếp theo trong danh sách còn ba tuần nữa. Chúng tôi đang đến gần quãng thời gian mà tôi sẽ không được gặp anh ấy trong suốt hai năm trời. Tôi đã thường coi chuyện về Henry thật đơn giản khi còn là một đứa trẻ; gặp gỡ Henry chẳng phải việc gì quá bất bình thường. Nhưng giờ mỗi lần anh ấy ở đây là thêm một lần anh ấy sẽ không còn ở đây. Chuyện giữa chúng tôi đã khác. Tôi muốn thứ gì đó… tôi muốn Henry nói gì đó, làm gì đó để chứng tỏ rằng tất cả những chuyện này không phải là một trò đùa công phu. Tôi muốn. Chỉ vậy thôi. Tôi đang muốn.

Ngoại Meagram đang ngồi trên chiếc ghế bành màu xanh da trời gần cửa sổ của bà. Tôi ngồi trên bệ cửa, báo đặt trên đùi. Chúng tôi đã hoàn thành gần một nửa ô chữ. Sự chú ý của tôi đã trôi dạt đi phương nào.

“Cháu hãy đọc lại ô đó đi”, ngoại nói.

“20 dọc. ‘Khỉ thầy tu.’ Tám chữ cái, chữ cái thứ hai là ‘a’, chữ cái cuối là ‘n’.”

“Capuchin[1].” Ngoại mỉm cười, đôi mắt không còn nhìn được của bà quay về phía tôi. Đối với ngoại, tôi là một mảng tối tựa trên nền của thứ gì đó có phần sáng hơn. “Khá hay, nhỉ?”

[1] Capuchin: Khỉ mũ.

“Dạ. Tuyệt lắm ạ. Thử ô này nhé: ngang 19: ‘Đừng thò cùi chỏ của bạn ra quá xa. Mười chữ cái, chữ cái thứ hai là ‘u’’.”

“Burma Shave. Trước cả thời của cháu.”

“Cháu sẽ chẳng bao giờ đoán được.” Tôi đứng dậy và duỗi tay chân. Tôi rất cần phải ra ngoài đi bộ. Phòng của ngoại khá thoải mái nhưng tù túng. Trần nhà thấp, giấy dán tường có hoa màu xanh dương trang nhã, khăn trải giường cũng màu xanh dương, thảm màu trắng, và nó có mùi của phấn, của bộ răng giả và mùi của da người luống tuổi. Ngoại Meagram ngồi gọn gàng và thẳng thắn. Tóc của bà tuyệt đẹp, trắng nhưng vẫn phảng phất màu đỏ mà tôi được kế thừa từ bà, được cuộn và buộc thành búi hoàn hảo. Mắt ngoại tựa màu mây xanh thẳm. Ngoại bị mù đã chín năm nay, và bà đã thích nghi với nó khá tốt; miễn sao ở trong nhà là bà có thể tự đi lại. Bà đang dạy tôi nghệ thuật giải ô chữ nhưng tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm đủ hứng thú để tự giải ô chữ một mình. Ngoại thường dùng bút mực để giải chúng. Henry rất thích ô chữ.

“Một ngày tuyệt đẹp, phải không?” Ngoại nói, lưng dựa vào ghế và xoa mu bàn tay.

Tôi gật đầu rồi nói, “Vâng, nhưng khá nhiều gió. Mẹ cháu đang ở dưới vườn, và mọi thứ cứ không ngừng bị thổi bay đi.”

“Thật đúng là Lucille”, ngoại nhận xét. “Cháu biết không, ta muốn được đi dạo.”

“Cháu cũng đang nghĩ về điều đó”, tôi nói. Ngoại mỉm cười và chìa tay ra. Tôi nhẹ nhàng đỡ bà dậy. Tôi lấy áo choàng, quấn khăn quanh tóc bà để chúng khỏi bị gió làm cho rối tung. Chúng tôi chậm rãi bước xuống cầu thang và ra tới cửa chính. Chúng tôi đứng trên đường xe chạy rồi tôi quay qua ngoại hỏi, “Bà muốn đi đâu ạ?”

“Hãy ra vườn cây ăn quả”, ngoại nói.

“Khá xa đấy ạ. Ồ, mẹ cháu đang vẫy tay chào; hãy vẫy lại đi ạ.” Chúng tôi vẫy tay chào mẹ đang ở tít phía vòi phun nước. Peter, người làm vườn của chúng tôi, đang ở đó cùng bà. Ông ấy dừng nói chuyện với mẹ và nhìn về phía chúng tôi, chờ cho chúng tôi đi khuất để ông có thể tiếp tục tranh cãi với bà, mà chắc hẳn là về những khóm hoa thủy tiên vàng hoặc hoa mẫu đơn. Peter rất thích tranh cãi với mẹ tôi, nhưng bà luôn thắng sau mỗi lần tranh cãi đó. “Từ đây ra vườn cây ăn quả tận một dặm đường cơ đấy, ngoại ạ.”

“Chân ta đâu có thương tật gì, Clare.”

“Vậy thì chúng ra sẽ ra vườn cây ăn quả.” Tôi nắm lấy tay bà và chúng tôi bắt đầu đi. Khi tới rìa đồng cỏ, tôi hỏi, “Bóng râm hay ngoài nắng ạ?” Bà trả lời, “Ồ, dĩ nhiên là ngoài nắng rồi”, và chúng tôi chọn con đường chạy giữa đồng cỏ dẫn tới khoảng rừng thưa. Tôi miêu tả cho bà biết những gì đang đi qua.

“Chúng ta đang bước qua đống lửa trại. Có rất nhiều chim đậu trên đó… Ồ, chúng bay mất rồi!”

“Quạ, chim sáo đá và cả bồ câu nữa”, ngoại nói.

“Phải… giờ thì chúng ta đã đến cổng. Bà cẩn thận, đường khá lầy lội. Cháu thấy có dấu chân chó, một con chó khá lớn, có thể là con Joey từ Allinghams. Cây cối đang mọc lên khá tốt. Kia là ụ hồng dại.”

“Đồng cỏ cao bao nhiêu?” ngoại hỏi.

“Chỉ chừng một phần ba mét. Nó có màu xanh lá cây nhợt. Kia là những cây sồi nhỏ.”

Bà quay mặt về phía tôi, mỉm cười. “Hãy lại gần và chào chúng nhé.” Tôi dẫn đường cho bà bước lại phía những cây sồi mọc bên vệ đường. Bố tôi đã trồng ba cây sồi này vào những năm 40 để tưởng nhớ ông cậu Teddy, anh trai của ngoại, người đã chết trong Thế chiến thứ Hai. Những cây sồi vẫn chưa quá lớn, chỉ cao chừng hơn bốn mét. Ngoại đặt tay lên thân cây ở giữa và nói, “Xin chào.” Tôi không biết bà đang nói với cây sồi hay với anh trai của bà.

Chúng tôi bước tiếp. Khi bước qua con dốc tôi nhìn thấy đồng cỏ trải ra bên dưới, và Henry đang đứng giữa khoảng rừng thưa. Tôi khựng lại. “Có chuyện gì vậy?” ngoại hỏi. “Không có gì ạ”, tôi trả lời bà. Tôi dẫn bà đi dọc con đường. “Cháu nhìn thấy gì?” bà lại hỏi tôi. “Có một con diều hâu đang bay vòng quanh trên đầu cánh rừng”, tôi đáp. “Mấy giờ rồi?”

Tôi nhìn đồng hồ. “Gần trưa rồi ạ.”

Chúng tôi đi vào khoảng rừng thưa. Henry đứng im không động đậy. Anh ấy mỉm cười với tôi. Anh ấy có vẻ mệt mỏi. Tóc anh ấy đã nhuốm màu bạc. Anh ấy đang mặc chiếc áo choàng đen, nổi bật giữa cánh đồng sáng lòa. “Tảng đá ở đâu?” ngoại nói. “Ta muốn ngồi xuống.” Tôi dẫn bà tới tảng đá, giúp bà ngồi xuống. Bà quay mặt về hướng Henry đang đứng và cứng người lại. “Ai ở đó?” bà hỏi tôi, có sự khẩn trương trong giọng nói của bà. “Không có ai ạ”, tôi nói dối.

“Có một người đàn ông, ở đằng kia”, bà nói, hất đầu về phía Henry. Anh ấy nhìn tôi bằng vẻ như muốn nói Cứ nói với bà đi. Có tiếng chó sủa trong rừng. Tôi ngần ngại.

“Clare”, ngoại nói. Bà có vẻ sợ hãi.

“Hãy giới thiệu anh đi”, Henry nhẹ nhàng nói.

Bà ngồi yên chờ đợi. Tôi quàng tay quanh vai bà. “Không sao đâu ngoại”, tôi nói. “Đây là bạn cháu, Henry. Anh ấy là người cháu đã kể cho ngoại nghe.” Henry bước lại gần và chìa tay ra. Tôi đặt tay bà vào tay anh ấy. “Elizabeth Meagram”, tôi nói với Henry.

“Vậy ra là cậu đây”, bà nói.

“Dạ, phải”, Henry đáp, và tiếng phải này rơi vào tai tôi như mật ngọt. Phải.

“Ta có thể chứ?” bà với tay về phía Henry.

“Cháu nên ngồi cạnh bà chứ?” Henry ngồi xuống tảng đá. Tôi đưa tay bà chạm vào mặt anh ấy. Henry nhìn tôi khi bà chạm mặt. “Nhột đấy ạ”, Henry nói với bà.

“Nhám như giấy ráp”, bà lên tiếng trong lúc chạy các đầu ngón tay quanh chiếc cằm chưa được cạo của Henry. “Cậu không phải một chàng trai trẻ”, bà nói.

“Không ạ.”

“Cậu bao nhiêu tuổi?”

“Cháu hơn Clare tám tuổi.”

Bà có vẻ lúng túng. “Hai lăm tuổi?” Tôi nhìn vào mái tóc muối tiêu của Henry, vào những vết châm chim quanh mắt. Anh ấy trông khoảng bốn mươi, hoặc già hơn.

“Hai lăm tuổi”, anh ấy nói chắc nịch. Ở đâu đó ngoài kia, đúng là vậy.

“Clare nói với ta rằng nó sẽ kết hôn với cậu”, bà hỏi Henry.

Anh ấy mỉm cười nhìn tôi. “Phải, chúng cháu sẽ kết hôn. Vài năm nữa, khi Clare đã tốt nghiệp.”

“Thời của ta, các quý ông đến nhà dùng bữa tối và gặp mặt gia đình.”

“Hoàn cảnh của chúng cháu có điều khó xử. Nên chưa thể làm vậy.”

“Ta không thấy vì sao không thể. Nếu cậu có thể tung tăng trên đồng cỏ với cháu gái của ta thì cậu dĩ nhiên có thể đến nhà và để cho bố mẹ nó hỏi han tìm hiểu.”

“Cháu rất sẵn lòng”, Henry nói trong lúc đứng dậy, “nhưng cháu sợ rằng bây giờ cháu phải đi cho kịp chuyến tàu.”

“Chờ chút đã, chàng trai trẻ…” bà bắt đầu, trong lúc Henry nói, “Tạm biệt, bà Meagram. Rất mừng vì cuối cùng cũng được gặp bà. Clare, anh xin lỗi anh không thể ở lâu hơn…” Tôi với tay về phía Henry, nhưng có một âm thanh như thể mọi tiếng động đang bị hút ra khỏi thế giới này vang lên, và anh ấy biến mất. Tôi quay về phía bà. Bà đang ngồi trên tảng đá, tay dang rộng, vẻ mặt hoàn toàn bối rối.

“Chuyện gì xảy ra vậy?” bà hỏi, và tôi bắt đầu giải thích. Khi tôi nói xong bà ngồi lặng thinh cúi đầu xuống, bện những ngón tay bị viêm khớp của bà thành những hình thù kì lạ. Cuối cùng bà ngẩng đầu về phía tôi và nói, “Nhưng Clare, cậu ấy chắc hẳn phải là ma quỷ.” Bà nói bằng giọng điệu chắc nịch, như thể bà đang bảo tôi rằng áo khoác của tôi đã được cài lệch khuy, hay như thể đã đến giờ dùng bữa trưa.

Tôi có thể nói gì đây? “Cháu đã nghĩ đến điều đó”, tôi nói với bà. Tôi đỡ lấy tay bà để ngăn bà khỏi cọ xát chúng cho đến khi đỏ rát. “Nhưng Henry là người tốt. Anh ấy không có vẻ gì của quỷ dữ.”

Bà mỉm cười. “Cháu nói như thể cháu đã gặp vô khối quỷ dữ.”

“Bà không nghĩ ma quỷ phải có vẻ gì đó… ma mị sao?”

“Ta nghĩ chúng có thể ngọt ngào như những chiếc bánh nếu chúng muốn.”

Tôi cẩn thận chọn từ. “Henry đã từng nói với cháu, bác sĩ của anh ấy nghĩ rằng anh ấy là một giống loài mới. Bà biết đấy, như một bước tiến hóa của loài người.”

Bà lắc đầu. “Như vậy cũng tệ chẳng khác một con quỷ, Chúa ơi, Clare, tại sao cháu lại muốn kết hôn cùng người như vậy? Hãy nghĩ đến những đứa con mà cháu sẽ có. Nhảy đến tuần sau và trở về trước bữa sáng!”

Tôi cười. “Nhưng nó sẽ rất thú vị! Như Mary Poppins, hay Peter Pan.”

Bà bóp nhẹ tay tôi. “Hãy nghĩ cho thấu đáo, cháu gái của ta: trong truyện cổ tích, chỉ có những đứa trẻ mới có các chuyến phiêu lưu thú vị. Còn những bà mẹ phải ở nhà và đợi chúng bay trở về qua ô cửa sổ.”

Tôi nhìn xuống đống quần áo nằm lộn xộn trên mặt đất nơi Henry vừa bỏ lại. Tôi nhặt chúng lên và gấp lại. “Bà chờ cháu một chút”, tôi nói, rồi đi tìm hộp quần áo để nhét chúng vào. “Hãy trở về thôi, đã quá giờ ăn trưa rồi.” Tôi đỡ bà xuống tảng đá. Những cơn gió đang gào thét trên từng ngọn cỏ, chúng tôi rạp người trong gió và tìm đường trở về nhà. Khi đi đến con dốc, tôi quay lại nhìn quanh khoảng rừng thưa. Nó trống trơn.

Một vài ngày sau, tôi ngồi trong phòng bà và đọc Mrs. Dalloway cho bà nghe. Đó là buổi tối. Tôi nhìn lên, bà có vẻ như đang ngủ. Tôi dừng đọc và đóng sách lại. Mắt bà mở ra.

“Chào bà”, tôi nói.

“Cháu có nhớ cậu ta không?” bà hỏi tôi.

“Mỗi ngày. Mỗi phút.”

“Mỗi phút”, bà nói. “Phải rồi, nó là thế đấy, phải không?” Bà quay người lại và vùi mình vào gối.

“Chúc bà ngủ ngon”, tôi nói, với tay tắt đèn. Tôi đứng trong bóng tối nhìn xuống bà đang nằm trên giường, một nỗi thương hại chính mình tràn ngập trong tôi như thể ai đó vừa tiêm nó thẳng vào các mạch máu của tôi. Nó là thế đấy, phải không? Phải không.

Bình luận