Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ba Người Bạn

Tác giả: Erich Maria Remarque

Erich Maria Remarque (1898 – 1970) sinh tại thành phố Osnabruck thuộc miền tây nước Đức. Sau khi giải ngũ từ chiến tranh thế giới thứ nhất, Remarque phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau: chơi đàn tại viện tâm thần, bán vải, khắc bia mộ, lái xe đua – những công việc về sau đều được tác giả đưa vào tác phẩm của mình. 1924, ông trở thành phóng viên và trợ lý biên tập cho một tạp chí. Trong thời gian này, ông có cho ra mắt hai tác phẩm song không gây được sự chú ý. Cho đến năm 1929 với tác phẩm “Phía Tây không có gì lạ”, ông mới được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều quốc gia. Tác phẩm được dịch ra 22 thứ tiếng, ngay sau đó được chuyển thể thành phim và giành 2 giải Oscar. Năm 1931, Remarque được đề cử giải Nobel Văn chương và Hòa bình.

Tuy nhiên tác phẩm này bị Đức quốc xã cấm lưu hành khiến Remarque buộc phải rời khỏi Đức và phải sống lưu vong tại nước ngoài. Trong thời gian này ông đã tiếp tục sáng tác những thiên truyện đầy bi ai về thân phận những mảnh đời lưu vong như “Khải Hoàn Môn”, “Đêm Lisbon”…

 

 “Ba người bạn” – cái tựa giản dị đã bao hàm nội dung và nhân vật chính của quyển sách. Họ là Otto Koster, Gottfried Lenz và Robert (Robby) Lohkamp – ba người bạn từ thuở chiến trận. Họ làm chung trong một xưởng sửa chữa ô tô thuộc sở hữu của Koster, chung niềm đam mê xe cộ cùng rượu và thuốc lá. Lenz sôi nổi, thu hút, lãng mạn, lắm chiêu. Koster thì vững chãi, điềm tĩnh, có niềm đam mê đặc biệt với đua xe và cực kỳ yêu quý chiếc xe Karl của mình. Còn Robby – người kể chuyện – thì không để lộ nhiều điều trong tính cách, thường bị Lenz trêu chọc là vẫn còn ngây thơ trong tình yêu và là một con sâu rượu thứ thiệt. Truyện mở đầu bằng ngày sinh nhật của Robby, ba người bạn đang trên đường đến một quán ăn nhỏ, và tại đây, cả ba đã quen biết với Patrice Hollmann – một cô gái xinh đẹp khiến Robby ngay lập tức mê đắm và bắt đầu mối tình nhiều lãng mạn nhưng cũng lắm mong manh trắc trở.
 

   Nước Đức nửa đầu thế kỷ 20 thường được biết đến với hình ảnh chiến trường tàn nhẫn, những bộ óc lý trí và những con người lạnh lùng. Nhưng đằng sau mầm mống phát xít bạo tàn đó, vẫn có những con người bình dị khắc khổ: ba người bạn với thú vui xe cộ và ăn uống no say, những cô gái điếm với khao khát về tình yêu và tổ ấm êm đềm, vợ chồng nhà hàng xóm với mong muốn gia đình hòa thuận và không bị thất nghiệp, cậu sinh viên vừa học vừa làm lo kế sinh nhai… Không có bom đạn súng ống, nhưng đây vẫn là những con người chịu ảnh hưởng từ hậu quả chiến tranh với cuộc sống bấp bênh không có tương lai, vật giá leo thang, tìm việc làm khó khăn, những gia cảnh sa sút. Ba người bạn là ba cựu binh từ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đang sống giữa cái thời hậu chiến trong khi chiến tranh thế giới thứ hai đang chực chờ bùng nổ, họ là những con người đại diện cho “thế hệ vất đi” sau chiến tranh, hoàn toàn bị xã hội bỏ quên bên lề. Họ may mắn vẫn còn sống sót lành lặn sau cuộc chiến, nhưng chiến tranh, nó luôn lấy mất của người ta một cái gì đó. Koster, Lenz và Robby, họ chỉ trong độ tuổi ba mươi, cơ thể trẻ trung và khỏe mạnh nhưng tâm hồn đã sớm già cỗi. Họ lao vào cuộc sống mưu sinh với đủ thứ nghề: sửa xe, đua xe, chạy taxi, chơi dương cầm thuê, rồi buổi tối thì đắm mình vào những quán rượu say bí tỉ. “Rượu cognac rót ra vàng óng, rượu gin lóng lánh như ngọc xanh màu nước biển và rượu rum chính là cuộc đời. Chúng tôi ngồi lì lợm trên những chiếc ghế kê trong tiệm, âm nhạc ướt át, sự tồn tại thật sáng sủa và mạnh mẽ; rượu chảy ào ào qua lồng ngực chúng tôi, chúng tôi quên đi nỗi phiền muộn trong những gian buồng cho thuê trống trải, quên đi nỗi tuyệt vọng của sự hiện tồn, quầy rượu trong tiệm là buồng chỉ huy con tàu, và chúng tôi ồn ào lướt sóng vào tương lai”. Những kẻ nát rượu thường gợi lên hình ảnh kém đứng đắn, nhưng với ba người bạn này cùng những chiến hữu bên bàn nhậu khác, đối với họ, rum không đơn giản là một thứ đồ uống mà đúng hơn là một người bạn, một người bạn làm vơi đi mọi điều, thay đổi cả thế gian và quán rượu là một gian hầm trú ẩn để người ta đến náu mình và được xô đẩy đến gần nhau một cách khó hiểu xuyên qua bóng tối nhờ nhờ của thời gian. Rồi sau những đêm no say, họ lại quay trở về căn phòng trọ tồi tàn chật hẹp một mình và nhận ra sự cô đơn trống rỗng không gì bù đắp được.

Xem thêm  Kẻ Hai Mặt

   Và khi đó, Pat đã đến với Robby như một giấc mơ hoang đường đẹp đẽ, như ánh trăng thanh khiết trong đêm tối mịt mùng. Chàng Robby thơ ngây lần đầu tiên biết yêu đã biến một gã đàn ông ba mươi trở thành một đứa trẻ: phân vân không biết có nên gọi điện thoại cho Pat không, bối rối trong lần hẹn đầu tiên không biết phải nói gì với Pat và ngồi cứng vụng như một thanh gỗ, tỏ ra cộc cằn khi Lenz khen ngợi nàng bởi Robby chỉ muốn nàng là duy nhất của mình rồi dùng những cô gái khác để chọc cho nàng ghen… Tình yêu của họ với sự ủng hộ và giúp đỡ của hai người bạn còn lại dường như là không thể tách rời, họ tự hào thêm Pat vào hội chiến hữu chỉ toàn bợm nhậu của mình. “Ba người bạn” là một câu chuyện tình yêu lãng mạn với sự hiện diện của những người bạn nhiệt thành có thể làm mọi thứ cho nhau. Chiếc xe Karl đối với Koster là sinh mạng, anh thà mất một cánh tay còn hơn phải bán xe, nhưng vì Patrice và Robby, Koster đã bán đi chiếc xe quý giá. Koster và Lenz cũng không ngần ngại vượt hàng trăm cây số để đến bên Robby khi anh đang cần nhất. Ba người họ, dù không giàu có về vật chất nhưng tình bạn của họ là kho báu vô giá không gì sánh được và họ là những kẻ may mắn và giàu có nhất trên đời.

Xem thêm  Chàng Ngốc

Nước Đức trong “Ba người bạn” thấm đẫm không khí lãng đãng với những bản dương cầm của Robby, trong những cơn mưa lất phất gợi buồn hay mơ mộng cùng những bản đồng ca trong quán ăn thơm lừng mùi thịt, làm bức nền trầm mặc cho những thân phận tăm tối và u buồn của những con người bần cùng và bế tắc. Dường như kết cục bi thảm là điều đang chờ đón họ: Lenz bị vô cớ bắn chết, Koster phải bán xưởng và bán chiếc xe mà anh từng yêu quý hơn chính mình, Robby mất đi niềm hy vọng cuối cùng trong cuộc đời. Còn những mảnh đời khác nữa: người đàn ông hàng xóm không chịu đựng nổi khi vợ bỏ đi đã treo cổ tự tử, cậu sinh viên phải từ bỏ việc học, và những bệnh nhân điều dưỡng đã lâu thì không biết phải bắt đầu lại cuộc sống từ đâu… Họ không còn gì để mất, họ không có tương lai, và cũng không có tương lai nào cho họ. Không ai rõ rồi cuộc đời họ sẽ đi về đâu, bởi mọi thứ đã sớm lụi tàn và kết thúc.

Ba người bạn” tiếp tục là một tác phẩm mang đậm dấu ấn cuộc đời của chính tác giả: ông từng chơi đàn dương cầm để kiếm sống, tình yêu với những người phụ nữ xinh đẹp, kể cả việc các nhân vật là những con sâu rượu cũng từ khoảng thời gian ông đến 5 – 6 quán bar mỗi tối và nhấn chìm bản thân trong rượu… Cách viết và ngôn ngữ của Remarque trong quyển sách này nhẹ nhàng mà cuốn hút, dễ say mê ngay từ những trang đầu tiên và từ đó không thể dứt ra khỏi toàn bộ các tác phẩm của ông. Thông qua “Ba người bạn”, Remarque đã giới thiệu một nước Đức không lạnh lùng và không chỉ có chủ nghĩa phát xít, mà là một nước Đức lãng mạn mộng mơ, một nước Đức của nỗi buồn và cái đẹp, một đất nước vẫn có những thân phận nhỏ bé nhưng luôn khao khát và chan chứa yêu thương, đồng thời là một tác phẩm tố cáo hậu quả của chiến tranh vẫn đang tiếp tục hủy hoại con người trên khắp mọi phương diện. 

Bình luận
720
× sticky