Ngày thứ ba
Đang là sáng thứ Tư, trạm điều dưỡng lại thức dậy cho một ngày bận rộn. nước được rót vào các bồn tắm, những nhân viên xoa bóp làm việc với bộ lưng trần, và một chiếc xe du lịch dừng lại ở bãi đỗ. Không phải chiếc limousine sang trọng hôm qua cũng đậu ở chỗ đó, mà là một chiếc xe bình thường như bao xe khác trong vùng. Người ngồi sau tay lái vào khoảng bốn mươi lăm tuổi và chỉ có một mình. Ghế sau xếp đầy va li.
Người đàn ông xuống xe, khoá cửa, đưa một đồng năm curon cho người gác bãi xe và đi về phía khu nhà Karl Marx, anh ta đi dọc hành lang rồi dừng lại trước cánh cửa ghi tên bác sĩ Skreta. Anh ta bước vào phòng đợi và gõ cửa văn phòng. Một y tá hiện ra, người đàn ông xưng tên và bác sĩ Skreta tới để tiếp.
– Jakub! Cậu đến lúc nào thế?
– Vừa xong!
– Tuyệt quá! Chúng ta có nhiều chuyện để bàn đây. nghe này… – anh nói sau khi suy nghĩ – Bây giờ tớ chưa thể đi được. Đi cùng tớ vào phòng khám đi. tớ sẽ cho cậu mượn một chiếc blu.
Jakub không phải là bác sĩ và cũng chưa từng bao giờ bước chân vào một phòng khám phụ khoa. Nhưng bác sĩ Skreta đã khoác lấy tay anh dẫn vào một căn phòng trắng toát có một người phụ nữ đã bị cởi hết quần áo nằm dạng chân trên bàn.
– Đưa áo blu cho bác sĩ – Skreta nói với cô y tá, cô bèn mở tủ chìa cho Jakub một chiếc blu trắng – Cậu đến đây mà xem, tớ muốn cậu xác nhận chẩn đoán của tớ – anh nói với Jakub, bảo anh lại gần bệnh nhân rõ ràng rất vui sướng nghĩ rằng bí ẩn các buồng trứng của mình, cho đến giờ vẫn chưa chịu tuôn ra con đàn cháu đống, sẽ được hai đỉnh cao của y khoa cùng khám một lúc.
Bác sĩ Skreta cho tay vào người bệnh nhân, nói vài từ Latinh, Jakub ậm ừ vẻ đồng ý, rồi bác sĩ hỏi:
– Cậu còn ở đây bao lâu nữa?
– Hai mươi tư giờ.
– Hai mươi tư giờ? Sao ít vậy, thế thì bọn mình bàn luận gì được?
– Ông chạm vào tôi như thế làm tôi đau đấy – người phụ nữ đang dạng chân nói.
– Phải đau một chút, không sao đâu – Jakub nói để mua vui cho bạn.
– Đúng, bác sĩ có lý đấy – Skreta nói – Không sao đâu, như thế là bình thường. Tôi sẽ tiêm một liều. Bà sẽ đến đây mỗi sáng vào lúc 6 giờ để y tá tiêm cho nhé. Bây giờ bà mặc quần áo được rồi.
– Đúng ra tớ đến để nói lời tạm biệt với cậu – Jakub nói.
– Thế nào kia?
– Tớ sẽ ra nước ngoài. Tớ có quyền xuất cảnh rồi.
Trong lúc đó, người phụ nữ đã mặc xong quần áo và chào bác sĩ Skreta cùng người đồng nghiệp.
– Bất ngờ đấy! tớ không chờ đợi điều này! – bác sĩ Skreta ngạc nhiên – Tớ sẽ đuổi các bà này về nhà vì cậu đến tạm biệt tớ.
– Bác sĩ – cô y tá chen vào – hôm qua ông đã đuổi họ về rồi. Đến cuối tuần công việc sẽ ngập đầu mất!
– Thế thì gọi người tiếp theo đi – bác sĩ Skreta nói và thở dài.
Cô y tá gọi người tiếp theo, hai người đàn ông lơ đãng nhìn người phụ nữ, nhận ra cô đẹp hơn người trước. Bác sĩ Skreta hỏi cô cảm thấy thế nào sau khi tắm nước nóng và bảo cô cởi quần áo.
– Mãi người ta mới cấp hộ chiếu cho tớ. Nhưng sau đó, chỉ trong hai ngày, tớ đã sẵn sàng để đi được rồi. Tớ đã không muốn tạm biệt ai hết.
– Thế thì tớ càng vui vì cậu đã dừng lại đây – bác sĩ Skreta nói và bảo người phụ nữ nằm lên bàn khám. Anh mang một chiếc găng tay cao su và luồn tay vào cơ thể bệnh nhân.
– Tớ chỉ muốn gặp cậu và Olga – Jakub nói – Tớ hy vọng cô ấy ổn.
– Tất cả ổn thôi, tất cả ổn thôi – Skreta nói, nhưng trong giọng nói của anh có thể nhận thấy rõ ràng anh không biết trả lời Jakub như thế nào. Anh tập trung vào bệnh nhân.
– Chúng tôi sẽ thực hiện một can thiệp nhỏ – anh nói – Đừng lo gì cả, bà sẽ không cảm thấy gì hết đâu. – rồi anh đi về phía một cái tủ kính và rút ra một xy lanh với kim tiêm đã được thay thế bởi một măng xông bằng chất dẻo.
– Cái gì thế? – Jakub hỏi.
– Sau nhiều năm hành nghề, tớ đã đưa vào những phương pháp mới cực kỳ hiệu quả. Cậu có thể sẽ cho là tớ ích kỷ, nhưng bây giờ tớ coi chúng là bí mật riêng của mình.
Bằng một giống điệu đà hơn là lo lắng, người phụ nữ đang nằm dạng chân hỏi:
– Sẽ không đau chứ?
– Không hề – bác sĩ Skreta trả lời, lấy xy lạhh hút chất lỏng từ một ống nghiệm mà anhcầm vẻ vô cùng nâng niu. Rồi anh lại gần người phụ nữ, đưa xy lanh vào giữa hai đùi và ấn pit tông.
– Có đau không?
– Không – bệnh nhân nói.
– Tớ tới để trả cậu viên thuốc – Jakub nói.
Bác sĩ Skreta có vẻ không mấy chú ý đến câu nói của Jakub. Anh vẫn bận rộn với bệnh nhân. Anh xem xét cô từ đầu đến chân vẻ rất trang nghiêm, ngẫm nghĩ và nói:
– Ở trường hợp của bà, sẽ rất tệ nếu không thể có con. Bà có đôi chân dài, vùng xương chậu rộng, lồng ngực rộng và khuôn mặt rất dễ chịu.
Anh chạm tay vào mặt bệnh nhân, mân mê cái cằm và nói:
– Hàm rất đẹp, tất cả đều rất chuẩn.
Rồi anh vuốt đùi:
– Xương bà rất chắc chắn. tưởng như thấy được chúng ánh lên dưới lớp cơ.
Anh còn tiếp tục ca ngợi bệnh nhân một lúc, vẫn sờ nắn khắp người cô, cô không phản đối mà cũng không nở nụ cười dễ dãi, vì sự nghiêm túc trong mối quan tâm của bác sĩ khiến những vuốt ve của anh nằm trên giới hạn của sự khiếm nhã.
Anh ra hiệu cho cô mặc quần áo và quay về phía bạn mình:
– Cậu vừa nói gì nhỉ?
– Tớ mang trả cậu viên thuốc.
– Viên thuốc nào?
Người phụ nữ mặc xong quần áo và nói:
– Ông thực sự tin là tôi có hy vọng chứ?
– Tôi cực kỳ tin tưởng – bác sĩ Skreta nói – Tôi nghĩ mọi chuyện tiến triển tốt và cả hai chúng ta, bà và tôi, có thể trông chờ thành công.
Người phụ nữ rời khỏi phòng khám, cám ơn và Jakub nói:
– Cách đây nhiều năm rồi, cậu đã đưa tớ một viên thuôc mà không ai muốn cho tớ cả. bây giờ tớ đi, tớ nghĩ sẽ không bao giờ cần nó nữa nên mang đến trả cho cậu đây.
– Thế thì cứ giữ lấy nó đi! Viên thuốc đó có ích ở chỗ khác hơn là ở đây.
– Không, không! Viên thuốc này thuộc về đất nước này. Tớ muốn để lại đất nước này tất cả những gì thuộc về nó – Jakub nói.
– Bác sĩ, tôi gọi người tiếp theo nhé – cô y tá nói.
– Bảo mấy bà bầu về hết đi – bác sĩ Skreta nói – Hôm nay tôi làm việc đủ rồi. Cô sẽ thấy bà vừa xong thế nào cũng có con. Thế là đủ cho một ngày rồi chứ?
Cô y tá nhìn bác sĩ Skreta vẻ dịu dàng, nhưng không có vẻ gì là muốn nghe lời.
Bác sĩ Skreta hiểu cái nhìn đó:
– Được rồi, thôi không bảo họ về nữa, nhưng nói với họ là nửa tiếng nữa tôi sẽ quay lại.
– Bác sĩ, hôm qua cũng nửa tiếng, thế rồi tôi lại phải chạy đi tìm ngoài phố.
– Đừng lo, cô bé, nửa tiếng nữa tôi sẽ quay về – Skreta nói và bảo bạn trả lại áo blu trắng cho cô y tá. Rồi hai người ra khỏi toà nhà và, đi qua khu vườn công cộng, họ đến trước khách sạn Richmond.
Họ lên tầng đầu tiên và đi theo tấm thảm đỏ, đến đầu kia của hành lang. Bác sĩ Skreta mở một cánh cửa và cùng bạn bước vào một căn phòng nhỏ nhưng dễ chịu.
– Cậu thật ngon lành – Jakub nói – Lúc nào cũng có phòng cho tớ ở đây.
– Hiện tại tớ có nhiều phòng dành cho các bệnh nhân được ưu tiên ở cuối hành lang này. Cạnh phòng cậu là một căn hộ đầu hồi rất đẹp trước là nhà của các bộ trưởng và các tay tư bản. Tớ cho bệnh nhân quý nhất của tớ ở đấy, một ông người Mỹ, gia đình có nguồn gốc ở đây, ông ấy cũng hơi hơi là bạn tớ.
– Thế Olga ở đâu?
– Cũng như tớ, ở khu Karl Marx. Ở đấy cũng tốt, cậu đừng lo.
– Cái chính là cậu đã chăm sóc cô ấy. Cô ấy khoẻ không?
– Vẫn những rối loạn bình thường của phụ nữ thần kinh yếu
– Trong thư tớ đã kể cuộc sống cô ấy ở đây rồi còn gì.
– Phần lớn phụ nữ đến đây để chữa bệnh vô sinh. Cô bạn của cậu thì tốt hơn hết là không được sinh đẻ. Cậu đã bao giờ thấy cô ấy khoả thân chưa?
– Chúa ơi! Chưa bao giờ trong đời! – Jakub nói.
– Thế thì phải nhìn đi! Cô ấy có hai bầu vú tí hon treo trên ngực như là hai quả mận. Nhìn rõ từng cái xương sườn. Trong tương lai, hãy nhìn thật chăm chú vòng ngực cô ấy. Một lồng ngực thực sự phải khiêu khích, hướng ra ngoài, nó phải trưng bày ra như muốn nuốt càng nhiều khoảng không gian càng tốt. Ngược lại, có những lồng ngực thu vào và lùi bước trước thế giới bên ngoài, có thể nói là một cái áo trói người điên ngày càng siết chặt lại quanh chủ thể và cuối cùng sẽ bóp ngạt hoàn toàn. Đó là trường hợp cô gái của cậu. Bảo cô ấy cho cậu xem.
– Tớ sẽ nhớ lời của cậu – Jakub nói.
– Cậu sợ là, nếu cậu thấy cô ấy, sẽ không còn muốn xem cô ấy là người của cậu nữa à?
– Ngược lại – Jakub nói – tớ sợ sẽ còn thương hại cô ấy nhiều hơn.
– Bạn ơi – Skreta nói – ông người Mỹ đó quả là một người đáng tò mò đấy.
– Tớ có thể tìm cô ấy ở đâu? – Jakub hỏi.
– Ai cơ?
– Olga.
– Bây giờ thì chưa tìm được cô ấy đâu. Cô ấy đang chữa bệnh. Cả buổi sáng cô ấy sẽ ở bể bơi.
– Tớ không muốn bỏ lỡ không được gặp cô ấy. Có thể gọi điện cho cô ấy không?
Bác sĩ Skreta nhấc ống nghe và bấm số mà vẫn không ngắt câu chuyện với bạn mình:
– Tớ sẽ giới thiệu cậu với ông ấy và cậu phải nghiên cứu cặn kẽ ông ấy cho tớ nhé. Cậu là một nhà tâm lý rất cừ. Cậu sẽ khám phá con người ông ấy. Tớ có những dự tính với ông ấy đấy.
– Những dự tính gì? – Jakub hỏi, nhưng bác sĩ Skreta đã nói vào điện thoại:
– Ruzena đấy à? Khoẻ không? Đừng sợ, những rối loạn đó là bình thường trong hoàn cảnh hiện nay của cô. Tôi muốn hỏi bây giờ ở bể bơi có một bệnh nhân của tôi không, hàng xóm nhà cô ấy..Có à? Thế thì bảo cô ấy là có người từ thủ đô đến muốn gặp cô ấy nhé, bảo cô ấy đừng có đi đâu…Phải, họ sẽ đợi cô ấy vào lúc mười hai giờ trưa trước khu điều dưỡng.
Skreta dập máy.
– cậu nghe tớ rồi đấy. Đến trưa cậu sẽ gặp cô ấy. Mẹ nó chứ, chúng ta đang nói chuyện gì nhỉ?
– Về ông người Mỹ.
– À ừ – Skreta nói – Đó là một lão rất lạ. Tớ đã chữa khỏi bệnh cho vợ lão ấy. Họ từng bị vô sinh.
– Thế ông ấy chữa bệnh gì ở đây?
– Tim.
– Cậu nói cậu có những dự tính với ông ấy.
– Thật là nhục nhã – Skreta phẫn nộ – Những gì mà một bác sĩ bị buộc phải làm tại đất nước này để có thể sống cho thoải mái một chút! Klima, tay nghệ sĩ kèn trompet lừng danh sẽ đến đây. Tớ sẽ phải đệm trống cho hắn!
Jakub không để ý lắm đến những gì Skreta nói, nhưng anh cũng vờ tỏ ra ngạc nhiên:
– Thế nào cơ, cậu chơi trống à?
– Phải, bạn ạ! Tớ còn có thể làm gì, giờ đây tớ sắp có gia đình rồi đấy!
– Gì? – Jakub kêu lên, lần này thì thực sự ngạc nhiên – Một gia đình? Cậu không muốn nói là cậu sắp cưới vợ đấy chứ?
– Đúng đấy – Skreta nói.
– Với Suzy à?
Suzy là một nữ bác sĩ ở khu điều trị nước nóng, là bạn gái của Skreta từ nhiều năm nay, nhưng cho đến giờ anh vẫn thành công vào phút cuối cùng, tránh được đám cưới.
– Phải, với Suzy – Skreta nói – Cậu biết là chủ nhật nào tớ cũng cùng cô ấy trèo lên vọng lâu mà.
– Thế là cậu sẽ cưới vợ đấy – Jakub nói giọng buồn thàm.
– Mỗi lần trèo lên đó, – Skreta nói tiếp – Suzy lại thử thuyết phục tớ làm đám cưới. Tớ thì mệt đứt hơi vì leo trèo đến nỗi cảm thấy già khọm và có cảm giác chỉ còn làm được mỗi việc cưới vợ nữa thôi. Nhưng cuối cùng lúc nào tớ cũng làm chủ được bản thân, và khi leo từ vọng lâu xuống tớ lại tìm ra được sự cương quyết của mình và không còn muốn lấy vợ nữa. Nhưng một hôm Suzy đã dẫn tớ di vòng vòng và trèo rất lâu, đến nỗi tớ đồng ý làm đám cưới trước khi lên đến đỉnh. Và bây giờ bọn tớ đang chờ một đứa con và tớ phải nghĩ ít nhiều đến tiền. Ông người Mỹ đó vẽ rất nhiều bức tranh sùng đạo. Chúng ta có thể kiếm được bộn tiền nhờ đó đấy. Cậu nói gì về việc đó?
– Cậu tin là có một thị trường cho tranh tôn giáo à?
– Một thị trường ngon lành! Bạn ơi, chỉ cần mở một gian hàng bên cạnh nhà thờ vào những ngày hành hương và bán với gía một trăm curon một bức là có thể kiếm được cả gia tài! Tớ có thể bán cho ông ấy và chia đôi tiền kiếm được.
– Thế ông ấy có đồng ý không?
– Lão ấy có nhiều tiền đến mức chẳng biết làm gì với chúng nữa, và chắc chắn tớ không thể thuyết phục lão làm ăn với tớ – Skreta chửi đổng.
Olga nhìn thấy cô y tá Ruzena ra hiệu với mình ở bên bờ bể bơi, nhưng cô vẫn tiếp tục bơi, làm ra vẻ không nhìn thấy.
Hai người phụ nữ này không ưa gì nhau. Bác sĩ Skreta xếp Olga trong một căn phòng nhỏ ngay kề phòng của Ruzena. Ruzena có thói quen mở radio rất to, Olga lại thích yên tĩnh. Đã nhiều lần cô đấm tay vào tường nhưng để trả lời cô y tá lại càng bật to hơn.
Ruzena ra hiệu gấp gáp và cuối cùng cũng thông báo được với cô bệnh nhân là có người từ thủ đô sẽ chờ cô vào buổi trưa.
Olga hiểu đó là Jakub và cảm thấy một niềm vui sướng mênh mông. Ngay lập tức cô ngạc nhiên vì sự vui mừng này: làm sao cô còn có thể cảm thấy một nỗi sung sướng như thế với ý nghĩ sắp gặp lại anh?
Quả thật Olga thuộc về những người phụ nữ hiện đại sẵn sàng phânđôi bản thân mình thành một con người tồn tại, và một con người quan sát.
Nhưng ngay cả con người quan sát của Olga cũng vui sướng. Vì nó hiểu rất rõ sẽ rất là quá đà khi Olga (con người tồn tại) sung sướng đến mức đó, và bởi vì nó có ác ý với sự quá đà nồi vui mừng đó. Nó mỉm cười với ý nghĩ Jakub sẽ kinh hoàng nếu biết sự vui sướng mãnh liệt đến mức nào.
Kim đồng hồ, treo phía trên bể bơi, chỉ mười hai giờ kém năm. Olga tự hỏi Jakub sẽ làm gì nếu cô lao đến ôm cổ anh và hôn anh nồng nàn tình ái. Cô leo lên thành bể bơi, ra khỏi nước và đi thay quần áo trong cabin. Cô hơi tiếc là đã không được báo trước từ sáng về cuộc đến thăm của Jakub. Cô sẽ ăn mặc đẹp hơn. Lúc này cô chỉ có một bộ quần áo màu ghi không hấp dẫn mấy khiến tâm trạng vui vẻ của cô có phần giảm sút.
Có những lúc, chẳng hạn như trong khi bơi, cô hoàn toàn quên được vẻ bề ngoài của mình. Nhưng giờ đây, đứng trước chiếc gương nhỏ của cabin, cô thấy mình trong bộ quần áo màu ghi. Vài phút trước, cô đã mỉm cười độc ác với ý nghĩ sẽ lao đến ôm lấy cổ Jakub và hôn anh nồng nàn. Chỉ có điều, khi nghĩ vậy, cô đang ở trong bể bơi, nơi cô bơi không cần biết đến cơ thể, giống như một ý nghĩ không nơi trú ngụ. Nhưng giờ đây đột nhiên cô lại mang một cơ thể và một bộ quần áo, cô ở cách xa sự phóng túng đó hàng trăm dặm và, giận dữ biết mình chính xách là cái mà Jakub thường xuyên nghĩ đến: một cô gái đau thương cần được giúp đỡ.
Nếu Olga ngu ngốc hơn một chút, hẳn cô sẽ thấy mình hoàn toàn xinh đẹp. Nhưng vì cô thông minh, cô tự cho mình là xấu, và trên thực tế không phải như vậy, vì nói thực ra cô không xấu cũng không đẹp và tất cả đàn ông có đòi hỏi thẩm mỹ bình thường sẽ sẵn sàng qua đêm với cô.
Nhưng vì Olga có khoái cảm trong việc phân thân mình, khi đó con người quan sát ngắt lời con người tồn tại: việc cô thế này hay thế kia thì quan trọng nỗi gì? Tại sao phải tự đau khổ vì một hình phản chiếu trong gương? Cô không phải là cái gì đó khác với một đối tượng cho cái nhìn của đàn ông? Khác với một món hàng mà cô tự mang ra chợ để bán? Chẳng nhẽ cô không có khả năng độc lập với vẻ ngoài của mình, chí ít trong khuôn khổ bất kỳ con đực nào cũng có khả năng làm vậy?
Cô ra khỏi khu tắm và nhìn thấy một khuôn mặt xúc động hiền từ. Cô biết nhẽ ra phải chìa tay cho cô anh sẽ vuốt tóc cô như một bé gái xinh xắn. Tất nhiên là anh làm vậy.
– Chúng ta đi đâu ăn trưa? – anh hỏi.
Cô đề xuất đi ăn ở quán ăn tập thể của các bệnh nhân, bàn cô còn một chỗ trống.
Phòng ăn tập thể là một căn phòng rộng mênh mông đầy bàn và đầy người đang ăn, ngồi sát vào nhau. Jakub và Olga ngồi xuống và đợi rất lâu mới có một cô phục vụ tới rót súp vào hai cái đĩa sâu lòng. Hai người khác ngồi vào bàn họ và tìm cách bắt chuyện với Jakub, mà họ xếp ngay vào cái gia đình thân thiết của bệnh nhân. Thế cho nên Jakub chỉ có thể, xen lẫn trong những câu chuyện trò chung, thỉnh thoảng hỏi Olga vài câu về những vấn đề như cô có hài lòng với đồ ăn, cô có hài lòng với bác sĩ, cô có hài lòng với cách điều trị? Khi anh hỏi cô sống ở đâu, cô trả lời cô có một người hàng xóm rất đáng ghét. Cô hất đầu chỉ một cái bàn gần đó, nơi Ruzena cũng đang dùng bữa.
Những người ngồi cùng bàn đi khỏi sau khi đã chào họ và Jakub vừa nhìn Olga vừa nói:
– Ở Hegel có một suy tư rất đáng ngạc nhiên về vẻ nhìn nghiêng của người Hy Lạp, mà vẻ đẹp, theo ông, nằm ở chỗ cái mũi cùng với cái trán tạo thành một đường thẳng, điều này làm nổi bật nửa trên của khuôn mặt, chỗ dành cho trí thông minh và tinh thần. Nhìn cô hàng xóm của cháu, chú nhận thấy khuôn mặt của cô ta ngược hẳn lại, tập trung hết vào cái miệng. Hãy xem cô ta nhai nuốt thành kính chưa kìa, rồi lại còn vừa ăn vừa nói rất to nữa. Chắc là Hegel sẽ kinh tởm lắm vì sự quan trọng phần dưới của khuôn mặt này, cái phần thú của khuôn mặt, thế mà cô gái kia, rất ác cảm với chú mà chú không biết tại sao, lại rất xinh.
– Chú thấy thế à? – Olga hỏi, giọng cô để lộ rõ sự thù địch.
Chính vì thế Jakub vội vã nói thêm:
– Dù sao, chú cũng sợ bị cái miệng nhai nghiền kia xơi tái – và anh nói thêm – Chắc Hegel thích nhìn cháu hơn. Cái nổi bật trên mặt cháu là cái trán, điều đó ngay lập tức cho mọi người thấy là cháu thông minh.
– Những lý luận kiểu đó làm cháu phát cáu – Olga nói nhanh – Họ muốn chỉ ra vẻ bên ngoài của một con người là dấu ấn tâm hồn họ. Đó là một điều vô nghĩa tuyệt đối. Cháu tưởng tượng ra tâm hồn cháu với cái cằm vểnh và cặp môi đầy nhục dục, trong khi cháu có cằm nhỏ, miệng nhỏ. Nếu chưa bao giờ nhìn thấy mình trong gương và phải miêu tả vẻ ngoài của mình theo những gì cháu biết từ bên trong, tấm chân dung sẽ không giống chút nào với những gì chú nhìn thấy đâu! Cháu hoàn toàn không phải người giống như vẻ bên ngoài!
Thật khó tìm ra được một từ để nói thật đúng cách Jakub nhìn Olga. Đó là con gái bạn anh, người đã bị xử bắn khi cô mới bảy tuổi. Jakub đã quyết định chăm sóc cô bé mồ côi. Anh không có con, và kiểu tình cha con đó hấp dẫn anh. Anh đùa gọi Olga là người được anh giám hộ.
Giờ đây họ ở trong phòng của Olga. Cô bật bếp, bắc một cái nồi và đổ đầy nước, Jakub hiểu là anh không thể ad nói cho cô mục đích anh đến đây. Anh không dám thông báo anh đến để chào cô, anh sợ tinh này sẽ mang một ý nghĩa quá thảm khốc và sẽ tạo ra giữa hai người một thứ tình cảm mà anh cho là lệch lạc. Từ lâu nay anh vẫn ngờ là cô đem lòng yêu anh.
Olga lấy từ trong tủ ra hai chiếc cốc, đổ cà phê xay vào đó và đổ nước nóng. Jakub cho một miếng đường và quấy lên, anh nghe Olga nói:
– Nếu chú không phiền, Jakub, bố cháu là người như thế nào?
– Tại sao?
– Có thật ông ấy không có gì để chê trách không?
– Cháu tưởng tượng ra gì thế? – Jakub ngạc nhiên – Bố cháu đã được chính thức khôi phục nhân phẩm một thời gian trước đây và sự vô tội của nhà chính trị bị kết tội chết đó đã được công bố rộng rãi. Không ai nghi ngờ điêu đó nữa cả.
– Cháu không muốn nói đến điều đó – Olga nói – Cháu chỉ muốn nói điều ngược lại.
– Chú không hiểu – Jakub nói.
– Cháu tự hỏi liệu ông ấy có không làm cho người khác chính những điều người ta làm cho ông ấy không. Chưa từng có bóng dáng khác biệt nào giữa ông ấy và những người đã đưa ông ấy đến giá treo cổ. Họ từng có cùng niềm tin với ông ấy, tất cả đều là những kẻ cuồng tín ngang nhau. Họ từng tin là chỉ một lạc lối rất nhỏ cũng sẽ gây tai hoạ khôn lường cho cách mạng, và họ luôn nghi ngờ. Họ đã giết ông ấy nhân danh những điều thiêng liêng mà chính ông ấy cũng tin. Thế thì tại sao ông ấy không thể đối xử với những người khác khác với cách họ đối xử với ông ấy?
– Thời gian trôi đi nhanh quá,quá khứ ngày càng khó hiểu hơn – Jakub nói sau một lúc do dự – Cháu biết gì về bố cháu ngoài vài lá thư, vài trang nhật ký mà người ta thương hại ném lại cho cháu, và vài kỷ niệm của những người bạn?
Nhưng Olga vẫn khăng khăng:
– Tại sao chú lại tránh né? Cháu hỏi một câu vô cùng sáng sủa. Bố cháu có giống với những người đã bắt ông ấy phải chểt không?
– Điều đó là có thể – Jakub nhún vai trả lời.
– Thế thì tại sao ông ấy lại không thể không làm những điều độc ác tương tự?
– Về lý thuyết mà nói – Jakub nói thật chậm chạp – về lý thuyết mà nói, ông ấy có thể làm giống như những gì người ta đã làm với ông ấy. Ở đời này không có ai không có khả năng, mà cũng không băn khoăn gì lắm, đẩy người khác đến chỗ chết. Nhưng dù sao bản thân chú chưa bao giờ gặp người như thế. Nếu, từ cách nhìn đó, con người một hôm thay đổi, họ sẽ mất đi nhân tính cơ bản của mình. Họ không còn là người nữa mà đã là một loài khác rồi.
– Cháu thấy các ông thật đáng ngưỡng mộ! – Olga kêu lên, dùng ngôi thứ hai số nhiều của hàng nghìn Jakub – Các ông biến tất cả con người thành sát nhân và đùng một cái, những vụ chém giết đó không còn là tội ác nữa, chỉ còn mang tính chất không thể tránh khỏi của loài người.
– Phần lớn con người tiến hoá trong một môi trường diễm tình giữa gia đình và công việc của mình – Jakub nói – Họ sống ở một lãnh thổ hiền hoà nằm ngoài cái xấu và cái tốt. Họ bị chấn động thực lòng trước cảnh một người khác giết người. Nhưng cùng lúc đó chỉ cần bước ra ngoài lãnh thổ êm đềm đó là họ trở thành những tên sát nhân mà không biết tại sao. Có những thử thách và cám dỗ mà loài người chỉ chịu khuất phục trong những khoảng cách xa xôi của lịch sử. Và không ai cưỡng lại được hết. Nhưng nói về chuyện này là hoàn toàn vô ích. Điều quan trọng với cháu không phải ở chỗ bố cháu về mặt lý thuyết mà nói có thể làm, bởi vì dù sao cũng chỉ có một phương tiện để chứng minh điều đó. Điều duy nhất mà cháu nên quan tâm là ông ấy đã làm hay không làm. Theo nghĩa đó, ông ấy có một lương tâm trong sạch.
– Chú có tuyệt đối chắc chắn về điều đó không?
– Tuyệt đối. Không ai biết ông ấy rõ hơn chú.
– Cháu thực sự vui vì nghe chính chú nói điều đó, – Olga nói – bởi vì câu hỏi cháu đặt ra không phải là tình cờ đâu. Cháu nhận được những bức thư nặc danh từ cách đây lâu rồi. Người ta viết là cháu đã nhầm khi đóng vai con gái của người tuẫn đạo, vì bố cháu, trước khi bị xử tử, đã nhốt vào tù những người vô tội với những lỗi lầm duy nhất là có quan niệm về thế giới khác với ông ấy.
– Điều đó thật phi lý! – Jakub nói.
– Trong những bức thư đó, người ta miêu tả ông ấy như một kẻ cuồng tín say mê và một con người tàn độc. chắc chắn đó là bức thư nặc danh và độc ác, nhưng không hề ngu ngốc. Chúng được viết rất bình tĩnh, cụ thể và chính xác, suýt nữa thì cháu tin đấy.
– Vẫn là trò trả thù đấy – Jakub nói – Chú sẽ nói với cháu điều này. Khi người ta bắt bố cháu, các nhà tù đã đầy người mà cách mạng nhốt vào sau đợt khủng bố đầu tiên. Những người tù nhận ra bố cháu là một lãnh tụ cộng sản, ngay khi có dịp là họ đánh đập bố cháu cho đến khi ông ấy ngất xỉu. Giám ngục quan sát cảnh tượng đó, miệng cười thích thú.
– Cháu biết chứ – Olga nói, và Jakub nhận ra anh vừa kể lại cho cô cảnh mà cô đã nhiều lần nghe đến. Từ lâu anh đã tự hứa sẽ không bao giờ nói những chuyện đó nữa, nhưng anh không thể làm nổi. Những người từng gặp tai nạn giao thông không thể bắt mình không nhớ đến nó.
– Cháu biết chứ – Olga nhắc lại – nhưng cháu không ngạc nhiên. Những người đó đã bị bỏ tù mà không có xét xử, thường xuyên chẳng vì gì hết. Và, đột nhiên, họ thấy trước mặt mình một trong số những người mà họ coi là có trách nhiệm về việc đó!
– Kể từ khi bố cháu mặc áo tù, ông đã trở thành một người trong số họ. Hành hạ ông ấy là không thể chấp nhận được, nhất là trước sự làm ngơ của giám ngục. Đó chỉ là một trò trả thù hèn hạ. Ham muốn bẩn thỉu nhất là được giẫm đạp lên một nạn nhân không thể tự bảo vệ mình. Và, những lá thư mà cháu nhận được là tác phẩm của cùng trò trả thù đó, cái mà chú nhận thấy là còn mạnh hơn thời gian.
– Nhưng chú Jakub! Dù sao cũng có hàng nghìn người trong tù! Và hàng nghìn người không bao giờ trở về! Và chưa bao giờ có người nào chịu trách nhiệm bị trừng trị! Trên thực tế, ước muốn trả thù chỉ là một ước muốn nảy ra từ sự thiếu công lý!
– Trả thù bố lên con không hề có điểm gì chung với công lý. Cháu có nhớ vì bố cháu mà cháu đã mất nhà cửa, phải rời khỏi thành phố đang sống, không có quyền học tập. Vì một người bố đã chết mà cháu gần như không hề biết! Và vì bố cháu, giờ đây cháu bị những người khác hành hạ? Chú sẽ nói cháu biết phát hiện lớn nhất của đời chú: những người bị hành hạ không xứng đáng hơn là những kẻ hành hạ. Chú có thể tưởng tượng cá vai đảo lộn một cách rất rõ. Cháu thì cháu có thể thấy trong cách lập luận này ước muốn xoá bỏ trách nhiệm của mình và chất nó lên người sáng tạo đã làm ra con người như thế. Và cũng có thể đó là vì cháu nhìn sự vật như thế. Bởi vì, đi đến chỗ kết luận rằng không có gì khác biệt giữa tội phạm và nạn nhân, đồng nghĩa với không còn hy vọng gì cả. Và người ta gọi cái đó là địa ngục, cháu gái ạ.
Hai đồng nghiệp của Ruzena sốt ruột điên người. Họ muốn biết cuộc gặp gỡ hôm trước với Klima kết thúc ra sao, nhưng họ đang phải làm việc ở đầu kia khu tắm và mãi đến 3 giờ chiều mới tìm thấy được cô bạn và dồn dập hỏi han.
Ruzena ngập ngừng trả lời và cuối cùng nói giọng ít chắc chắn:
– Anh ấy nói yêu em và sẽ cưới em.
– Em thấy không, chị đã nói rồi mà! – cô gầy gò nói – Ông ấy sẽ ly dị chứ?
– Anh ấy nói là sẽ.
– Ông ấy không thể làm khác được, – người đàn bà tứ tuần vui vẻ. – Em sẽ có con. Vợ ông ta có đẻ được đâu.
Lần này Ruzena buộc phải thú nhận sự thật:
– Anh ấy nói sẽ mang em lên Praha. Anh ấy sẽ tìm việc cho em. Anh ấy nói bọn em sẽ đi nghỉ ở Italy. Nhưng anh ấy không muốn có con ngay lập tức. Anh ấy có lý. Những năm đầu tiên là đẹp nhất và nếu có con, sẽ không thể hưởng thụ trọn vẹn được.
Người đàn bà tứ tuần sửng sốt:
– Thế nào cơ, em sẽ phá thai à?
Ruzena nói là đúng thế.
– Em điên rồi à? – người gầy gò kêu lên.
– Ông ta đã quay em như chong chóng rồi – người đàn bà tứ tuần nói – Ngay khi phá thai xong, ông ta sẽ cho em đi tàu suốt ngay.
– Tại sao?
– Em cược không? – người gầy gò hỏi.
– Nhưng vì anh ấy yêu em!
– Thế em làm thế nào mà biết được là ông ta yêu em? – người đàn bà tứ tuần hỏi.
– Anh ấy đã nói với em như thế!
– Thế tại sao ông ta không cho em tin tức gì trong suốt hai tháng?
– Anh ấy sợ tình yêu – Ruzena nói.
– Cái gì?
– Các chị muốn em giải thích như thế nào nữa? Anh ấy sợ là sẽ yêu em.
– Và vì thế ông ta không có tin tức gì?
– Đó là một thử thách mà anh ấy tự đặt ra cho mình. Anh ấy muốn chắc chắn là sẽ không thể quên em được. Điều ấy dễ hiểu đấy chứ?
– Chị hiểu rồi – người đàn bà tứ tuần trả lời – Và khi anh ta được tin em sắp đẻ một đứa nhóc, ông ta liền lập tức hiểu ra là không thể quên em được.
– Anh ấy nói rất vui vì em có mang. Không phải vì đứa bé, mà vì em đã gọi điện cho anh ấy. Anh ấy hiểu ra là yêu em.
– Chúa tôi! Sao em ngu ngốc thế! – người gầy gò kêu lên.
– Em không thấy là em ngốc.
– Bởi vì đứa bé đó là điều duy nhất mà em sở hữu, – người đàn bà tứ tuần nói. – Nếu em để mất đứa bé, em sẽ không còn lại gì hết và ông ta sẽ nhổ vào em.
– Em muốn anh ấy muốn em vì bản thân em chứ không phải vì đứa bé!
– Em nghĩ mình là ai vậy? Tại sao ông ta phải muốn em vì bản thân em?
Họ tranh cãi rất lâu, rất say mê. Hai người đàn bà không ngừng nhắc đi nhắc lại với Ruzena rằng đứa bé là điều quan trọng nhất, và cô không được phép bỏ nó đi.
– Chị thì chị sẽ không bao giờ phá thai hết. Chị nói với em đấy. Không bao giờ hết, em có hiểu không? không bao giờ – người gầy gò khẳng định.
Ruzena đột nhiên thấy mình như một đứa bé con và cô nói (đó cũng là câu hôm trước đã trả lại cho Klima hứng thú tiếp tục sống):
– Thế hãy nói cho em biết em phải làm gì bây giờ?
– Quyết tâm lên – người đàn bà tứ tuần nói, rồi bà mở tủ ngăn kéo rút ra một ống thuốc viên – Này, cầm lấy một viên đi. Em sẽ ổn. Nó sẽ giúp em an thần.
Ruzena đưa viên thuốc lên miệng và nuốt.
– Cầm lấy ống thuốc đi. Có chỉ dẫn đấy, mỗi ngày ba viên ba lần, nhưng chỉ dùng khi nào cần bình tĩnh thôi nhé. Đừng có làm điều gì dại dột đấy, em là hay căng thẳng lắm. Đừng quên lão ấy ma mãnh lắm. Ông ta chơi phát đầu được đấy chứ! Nhưng lần tới này thì đừng có hòng dễ dàng thế nữa!
Lại một lần nữa cô không biết phải làm gì. Một lúc trước, cô nghĩ mình đã quyết tâm lắm rồi, nhưng những lập luận của hai đồng nghiệp có vẻ rất thuyết phục và cô lại thấy rối tinh lên. Tâm trạng giằng xé, cô đi xuống cầu thang toà nhà.
Trong sảnh, một thanh niên nôn nóng lao về phía cô, mặt đỏ phừng phừng:
– Tôi đã nói với anh là đừng bao giờ đến đây rồi cơ mà – cô nói, kinh tởm nhìn anh ta – Và sau những gì xảy ra hôm qua, tôi không hiểu tại sao anh còn dám dẫn xác đến đây nữa!
– Đừng giận, xin em đấy! – thanh niên kêu lên giọng tuyệt vọng.
– Suỵt! – cô kêu lên – Đừng có đến giở trò ở đây như cái chợ thế – và cô muốn đi ra.
– Đừng đi nếu em không muốn anh giở trò.
Cô không biết làm gì nữa. Các bệnh nhân đi lại trong sảnh và mọi lúc đều có những người mặc blu trắng đi ngang qua. Cô không muốn bị để ý và buộc phải đứng lại, cố hết sức để nói năng tự nhiên.
– Không có gì, canh chỉ muốn xin em tha lỗi. Anh thành tâm hối tiếc vì những gì đã làm. Nhưng xin em, hãy thề là giữa em và lão ta không có chuyện gì đi.
– Tôi đã nói với anh là giữa chúng tôi không có chuyện gì rồi mà.
– Thế thì thề đi!
– Đừng có trẻ con thế chứ. Tôi không thề vì những chuyện vớ vẩn như thế.
– Bởi vì giữa em và lão ta đã có chuyện gì rồi.
– Tôi đã nói là không. nếu anh không tin tôi thì chúng ta chẳng còn gì để nói nữa. Đó chỉ đơn giản là một người bạn. Tôi không có quyền có bạn à? Tôi coi trọng anh ấy, tôi vui vì có người bạn như thế.
– Anh biết. Anh không trách em nữa đâu – chàng trai nói.
– Ngày mai anh ấy sẽ biểu diễn ở đây. Tôi hy vọng anh đừng có rình mò tôi.
– Nếu em hứa danh dự với anh là giữa em và lão ta không có gì.
– Tôi đã nói là tôi không hạ mình để hứa danh dự về những thứ như thế. Nhưng tôi hứa danh dự với anh là nếu anh còn rình mò tôi một lần nữa thì sẽ không bao giờ tôi còn thèm gặp anh nữa đâu.
– Ruzena, bởi vì anh yêu em – thanh niên nói vẻ đau khổ.
– Em cũng thế – Ruzena nói ngắn gọn – Nhưng tôi, tôi không vì thế mà giở trò ngay trên đường quốc lộ.
– Thì bởi vì anh yêu em mà. Em thì lại xấu hổ vì anh.
– Anh nói toàn điều vớ vẩn.
– Em không bao giờ cho anh đi cùng, đi chơi với anh…
– Suỵt! – cô nhắc lại vì chàng trai vừa lên giọng – Bố tôi sẽ giết tôi mất. Tôi đã giải thích là ông ta giám sát tôi. Nhưng bây giờ thì đừng tức giận nữa, tôi phải đi đây.
Gã nắm lấy tay cô:
– Đừng đi ngay thế chứ.
Ruzena tuyệt vọng nhìn lên trần nhà.
Gã nói:
– Nếu chúng ta cưới nhau, mọi chuyện sẽ khác. Ông ta sẽ không thể nói gì được nữa. Chúng ta sẽ có một đứa con.
– Tôi không muốn có con – Ruzena hăng hái nói – Tôi thà tự tử còn hơn là có con.
– Tại sao?
– Bởi vì thế. Tôi không muốn có con.
– Anh yêu em, Ruzena – chàng trai nhắc lại một lần nữa.
Ruzena trả lời:
– Và vì thế mà anh muốn dẫn tôi đến chỗ tự tử à?
– Tự tử? – anh ta ngạc nhiên hỏi.
– Đúng! Tự tử!
– Ruzena! – chàng trai nói.
– Anh sẽ dẫn tôi thẳng đến đó! Tôi đảm bảo với anh đấy! Chắc chắn anh sẽ dẫn tôi đến chỗ đó!
– Tối nay anh đến được không? – chàng trai rụt rè hỏi.
– Không, tối nay không được – Ruzean nói. Rồi hiểu là cần phải làm anh ta bình tĩnh trở lại, cô nói tiếp giọng hoà giải – Anh có thể gọi điện đến đây cho tôi, Frantisek, nhưng không được gọi trước thứ hai đâu đấy. – và cô quay gót bước đi.
– Đợi đã – chàng trai nói – Anh mang đến cho em cái này đây. Để em tha lỗi cho anh – và anh ta chìa ra một gói nhỏ.
Cô cầm cái gói và đi nhanh ra phố.
– Ở điểm đó bác sĩ Skreta là một người độc đáo, hay ông ấy chỉ làm ra vẻ thế thôi? – Olga hỏi Jakub.
– Đấy cũng là câu hỏi mà chú đặt ra cho mình kể từ ngày biết anh ta – Jakub trả lời.
– Những người độc đáo sẽ có một cuộc đời rất đẹp nếu biết cách làm người khác tôn trọng sự độc đáo của mình – Olga nói – Bác sĩ Skreta thì lại đãng trí đến khó tin. Một lần đang nói chuyện, ông ấy quên bẵng mình nói gì một giây trước đó. Đôi khi ông ấy đi lạc ngoài đường, đến phòng khám muộn mất hai tiếng đồng hồ. Nhưng không ai dám chê trách gì vì bác sĩ chính thức là một người độc đáo có tiếng, chỉ kẻ nào thô thiển lắm mới có thể phản đối quyền được độc đáo của ông ấy.
– Độc đáo hay không thì chú cũng tin là anh ấy chăm sóc cháu không tệ lắm.
– Rõ rồi, nhưng tất cả mọi người ở đây đều có cảm giác phòng khám chỉ là một cái thứ yếu của ông ấy, nó ngăn cản ông ấy thực hiện một đống kế hoạch quan trọng hơn nhiều. Chẳng hạn ngày mai ông ấy sẽ đánh trống!
– Hượm đã – Jakub ngắt lời – chuyện đó có đúng không vậy?
– Tất nhiên rồi. Áp phích dán đầy khu điều dưỡng thông báo nghệ sĩ kèn lừng danh Klima ngày mai sẽ biểu diễn tại đây, và bác sĩ Skreta sẽ đệm trống cho ông ấy.
– Thật không tin được – Jakub nói – Chú hoàn toàn không ngạc nhiên khi biết Skreta có ý định chơi trống, Skreta là người mơ mộng nhất mà chú từng gặp. Nhưng chú chưa bao giờ thấy anh ấy thực hiện được dù chỉ một trong số những giấc mơ của mình. Khi bọn chú gặp nhau ở trường đại học, Skreta không có nhiều tiền lắm. Anh ấy luôn rỗng túi và luôn tưởng tượng ra hàng đống thứ để kiếm tiền. Hồi đó anh ấy lập ra dự án nuôi một con chó săn giống xứ Wales cái, vì người ta nói với anh ấy chó con có thể bán được tới bốn nghìn curon một con. Anh ấy tính toán ngay. Con chó cái mỗi năm đẻ được hai lứa năm con. Hai nhân năm là mười, mười nhân bốn nghìn curon là bốn mươi nghìn mỗi năm. Anh ấy nghĩ đến mọi thứ. Anh ấy tìm cách lấy lòng ông giám đốc nhà ăn để ông ấy hứa hàng ngày sẽ cho anh ấy đồ ăn thừa để nuôi chó. Anh ấy viết hộ luận văn cho hai nữ sinh viên để họ dắt chó đi chơi hàng ngày. Anh ấy ở một khu sinh viên cấm nuôi chó. Thế là tuần nào anh ấy cũng tặng hoa hồng cho bà giám đốc, cho đến khi bà ta hứa dành cho anh một ngoại lệ. Trong suốt hai tháng liền anh ấy chuẩn bị chỗ để nuôi chó, nhưng bọn chú đều biết ngay từ đầu là anh ấy sẽ chẳng bao giờ có chó cả. Anh cần bốn nghìn curon để mua được một con, và sẽ chẳng có ai cho anh ấy vay tiền hết. không ai coi dự định của anh ấy là nghiêm túc. Tất cả mọi người đều nghĩ anh ấy là một tay mơ, chắc chắn là vô cùng giỏi giang và có tài thao lược, nhưng chỉ trong thế giới mơ mộng mà thôi.
– Dù sao thế cũng dễ thương đấy chứ, nhưng cháu vẫn không hiểu tại sao chú lại quý mến ông ấy một cách đặc biệt như thế. Người ta không thể tin tưởng vào ông ấy cơ mà. Ông ấy không có khả năng đến đúng giờ hẹn và ngày hôm sau sẽ quên mất những gì đã hứa ngày hôm trước.
– Không hoàn toàn chính xác như vậy đâu. Ngày xưa anh ấy đã giúp chú rất nhiều. Trên thực tế, không có ai từng giúp chú nhiều như anh ấy.
Jakub thò tay vào túi áo ngực và rút ra một tờ giấy lụa gập lại. Anh mở ra, một viên thuốc màu xanh nhạt hiện ra.
– Cái gì thế? – Olga hỏi.
– Thuốc độc đấy.
Jakub nhấm nháp một lúc sự im lặng dò hỏi của cô gái rồi mới nói tiếp:
– Chú mang theo trên người viên thuốc này từ hơn mười lăm năm rồi. Sau khi ở tù một năm, chú đã hiểu ra một điều. Cần phải có ít nhất một sự chắc chắn, làm chủ được cái chết của mình, chọn được thời điểm và phương tiện theo cách của mình. Phải có sự chắc chắn đó mới có thể chịu đựng được nhiều điều. Khi nào muốn là có thể thoát được khỏi bọn họ.
– Khi ngồi tù chú có mang theo viên thuốc này chứ?
– Ồ không! Nhưng ngay sau khi ra tù chú nhớ làm ngay.
– Khi nào thì chú không còn cần đến nó nữa?
– Tại đất nước này không bao giờ có thể biết khi nào thì cần đến những thứ như thế. Thêm nữa, với chú đó là một vấn đề có tính nguyên tắc. Mọi người đều phải được nhận thuốc độc vào ngày trưởng thành. Một buổi lễ trọng thể được tổ chức nhân dịp đó. không phải để khuyến khích người đó tự tử, mà ngược lại, để anh ta được sống trong bảo đảm và thanh thản hơn. Để anh ta sống và biết rằng mình làm chủ được cái sống và cái chết của mình.
– Thế chú làm thế nào mà có được thứ thuốc độc này?
– Skreta hồi trước làm nghiên cứu sinh trong một phòng thí nghiệm. Thoạt tiên chú đề nghị một người khác, nhưng người đó nghĩ đến chuyện đạo đức và từ chối. Skreta đã tự tay bào chế viên thuốc, không do dự một giây.
– Có thể bởi vì đó là một người độc đáo.
– Có thể. Nhưng nhất là bởi vì anh ấy hiểu chú. Anh ấy biết chú không phải là một kẻ dễ bị kích thích thần kinh thích đóng những vở hài kịch chết chóc. Anh ấy hiểu chú đang phải đối mặt với cái gì. Hôm nay chú đến để trả lại viên thuốc cho anh ấy. Chú sẽ không còn cần đến nó nữa.
– Mọi nguy hiểm đã qua rồi à?
– Sáng mai chú sẽ vĩnh viễn rời khỏi đất nước này. Chú được mời đến một trường đại học và đã lấy đầy đủ giấy tờ để ra đi rồi.
Cuối cùng thì cũng nói xong. Jakub nhìn Olga và nhận thấy cô đang cười. Cô chìa tay cho anh:
– Thật đấy chứ? Một tin thật tốt lành! Cháu rất mừng cho chú!
Cô bỉêu lộ cùng niềm vui thoáng qua đúng hệt như anh sẽ bỉêu lộ khi biết Olga sẽ được ra nước ngoài và sẽ có cuộc sống dễ chịu hơn. Anh ngạc nhiên vì điều đó, bởi anh luôn tin rằng cô dành cho anh một tình cảm sâu nặng. Anh vui mừng vì không phải như thế, nhưng cùng lúc, chính anh cũng ngạc nhiên, anh cảm thấy hơi tự ái.
Olga quan tâm đến tin mới đến nỗi quên không hỏi anh về viên thuốc màu xanh nhạt đang nằm giữa họ, trên mảnh giấy lụa nhàu nát, và Jakub phải trình bày hết với cô tất cả các chi tiết về sự nghiệp tương lại của mình.
– Cháu vô cùng mừng vì chú đã thành công. Ở đây, chú sẽ mãi là một kẻ bị tình nghi mà thôi. Thậm chí họ còn không cho chú hành nghề. Họ rao giảng tình yêu tổ quốc bằng cách đó đấy. Làm thế nào yêu được một đất nước cấm anh làm việc? Cháu có thể nói với chú là cháu hoàn toàn không hề thấy yêu nước tí nào cả. Như thế có phải là xấu xa không?
– Chú không biết đâu, – Jakub nói – Thật sự chú không biết gì đâu. Về phần chú, chú khá nặng lòng với đất nước.
– Có thể như thế là tệ – Olga trả lời – nhưng cháu thấy mình chẳng dính dáng gì với nơi đây hết. Cái gì có thể gắn kết cháu với nó?
– Ngay cả những kỷ niệm đau lòng cũng là một sợi dây liên kết.
– Với cái gì? Để ở lại trong đất nước nơi chúng ta đã sinh ra? Cháu không hiểu tại sao người ta lại có thể nói đến tự do mà không vứt gánh nặng đó khỏi vai mình. Cũng như một cái cây ở nhà mình nhưng không lớn lên được. Cái cây chỉ ở nhà mình nơi nào có đất màu mỡ thôi.
– Thế còn cháu, ở đây cháu có tìm được mảnh đất màu mỡ không?
– Nói chung là có. Bây giờ người ta đã cho cháu học tiếp, cháu đã có cái mà cháu muốn. Cháu sẽ học khoa học tự nhiên và không muốn nghe về bất kỳ chuyện gì khác nữa. Cháu không phải là người sáng tạo ra cái chế độ này và cháu hoàn toàn không có chút trách nhiệm nào với nó cả. Nhưng chính xác thì khi nào chú đi?
– Ngày mai.
– Nhanh thế à?
Cô nắm lấy tay anh:
– Cháu xin chú. Vì chú đã bỏ công đến đây để chào tạm biệt cháu, chú đừng vội vã như vậy chứ.
Vẫn thật khác thường với những gì anh chờ đợi. Cô không hề cư xử như một cô gái thầm yêu anh, cũng không giống với một cô con nuôi đang cảm thấy một tình cảm chú cháu nồng đượm. Cô nắm tay anh, dịu dàng vô cùng, nhìn vào mắt anh và nói:
– Chú đừng vội đi như thế! Với cháu sẽ là vô nghĩa nếu chủ chỉ dừng lại đây để tạm biệt cháu.
Jakub gần như bối rối:
– Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau mà – anh nói – Skreta cũng muốn thuyết phục chú ở lại lâu hơn một chút.
– Chắc chắn là chú phải ở lại thêm rồi – Olga nói – Dù sao, chúng ta ai cũng có quá ít thời gian cho người khác. bây giờ thì cháu phải quay về khu điều trị đây…
Nghĩ một lúc cô nói cô sẽ không đi đâu hết vì Jakub đang ở đây.
– Không, không, cháu phải đi đi. Không được lơ là việc điều trị. Chú sẽ đi cùng cháu.
– Thật không? – Olga hỏi, giọng hạnh phúc. Rồi cô mở tủ tìm gì đó.
Viên thuốc màu xanh nhạt nằm trên bàn, trên mảnh giấy mở ra và Olga, người duy nhất trên đời mà Jakub tiết lộ sự tồn tại của nó, đang cúi xuống cánh tủ mở ra, quay lưng về viên thuốc độc. Jakub nghĩ viên thuốc màu xanh nhạt này là bi kịch của đời anh, cái bi kịch đã bị rời bỏ, gần như bị quên đi và có khả năng không còn chút ích lợi nào nữa. Và anh tự nhủ đã đến lúc thoát khỏi tấn bi kịch không ích lợi đó, giã biệt nó thật nhanh chóng và để nó lại sau lưng mình. Anh gói viên thuốc vào mẩu giấy và nhét lại vào túi áo ngực.
Olga lôi từ trong tủ ra một chiếc túi, nhét khăn tắm vào đó và đóng tủ lại.
– Cháu sẵn sàng rồi đây – cô nói với Jakub.
Ruzena ngồi từ rất lâu trên một chiếc ghế trong vườn công cộng, không còn khả năng nhúc nhích, chắc chắn cả suy nghĩ của cô cũng đã trở nên bất động, cố định vào một điểm duy nhất nào đó.
Mới ngày hôm qua cô còn tin những gì nghệ sĩ kèn trompet nói. Không chỉ vì điều đó thật êm ái, nhưng còn vì nó là đơn giản nhất, cô có thể, với tâm trí bình an, từ bỏ một trận chiến mà cô không đủ sức để đi đến cùng. Nhưng từ khi các đồng nghiệp chế nhạo cô, cô lại nghi ngờ anh và thấy căm ghét khi nghĩ về anh, trong thâm tâm lo là mình không đủ mưu mẹo và cứng rắn để chinh phục anh.
Cô hững hờ xé giấy bọc gói quà mà Frantisek đưa. Bên trong có một miếng vải màu xanh nhạt và Ruzena hiểu anh ta tặng cho cô một chiếc áo ngủ, một chiếc áo ngủ mà anh ta muốn cô mặc để ngắm nhìn hàng ngày, hàng ngày và rất nhiều ngày và cả cuộc đời. Cô ngắm màu xanh nhạt của vải và tưởng như cái vết xanh đó rơi xuống, lan rộng, biến thành đầm lầy, đầm lầy lòng tốt và tận tuỵ, đầm lầy tình yêu cúc cung cuối cùng sẽ nuốt lấy cô.
Cô căm ghét ai hơn ai? Người không muốn cô hay người muốn cô?
Cô ngồi đóng đinh trên ghế, không hay biết đến những gì đang diễn ra xung quanh. Một chiếc mini bus màu xanh dừng lại ở vệ đường, đi theo là một chiếc xe tải màu xanh đóng chặt, từ đó vọng ra đến chỗ Ruzena những tiếng gầm gào và tiếng chó sủa. Ca xe mini bus mở ra và một ông già nhảy xuống tay đeo một tấm băng. Ruzena nhìn ra trước mặt, vô định, mất một lúc cô không hiểu mình đang nhìn gì.
Ông già hét lên ra lệnh về phía chiếc mini bus và một ông gìa khác xuống xe, tay cũng đeo băng đỏ và cầm một cái sào dài ba mét ở đầu gắn một cái rọ sắt. Những người khác cũng xuống xe và xếp hàng trước xe. Toàn bộ, những ông già, mỗi người đeo một băng đỏ và mỗi người cầm một cái sào đầu gắn rọ sắt.
Người xuống đầu tiên không có sào, chỉ ra lệnh, các ông già, như một đội phóng lao dị thường, đứng nghiêm rồi nghỉ nhiều lần. Sau đó người đàn ông hét một lệnh khác và đội ông già chậm rãi chạy vào khu vườn công cộng. Ở đó, họ tản ra, mỗi người chạy về một hướng, một số trong các lối đi, những người còn lại trên bãi cỏ. Các bệnh nhân đi dạo trong vườn, trẻ con đang chơi, tất cả dừng lại sửng sốt nhìn các ông già lao lên tấn công, vũ trang bằng những chiếc sào dài.
Ruzena thoát khỏi trạng thái đờ đẫn và suy tử để quan sát điều đang diễn ra. Cô nhận ra bố mình trong số các ông già và kinh tởm nhìn ông, không chút ngạc nhiên.
Một con chó hoang đang chạy chơi trên bãi cỏ dưới gốc một cây dương. Một ông già chạy về phía nó, con chó ngạc nhiên nhìn lại. Ông già chìa cái sào quá dài, hai bàn tay già nua lại yếu ớt, ông già chụp trượt. Cái rọ sắt chao đảo quanh đầu con chó, nó tò mò ngắm nhìn cảnh tượng đó.
Nhưng đã có một ông già về hưu khác có cánh tay khoẻ mạnh hơn chạy đến để giúp đỡ ông ta, và con chó nhỏ cuối cùng cũng bị chui vào cái rọ. Ông già kéo cái sào, thanh sắt cứa vào cái cổ nhung và con chó rú lên. Hai ông già cười lớn, lôi con chó trên bãi cỏ ra đến chỗ mấy cái xe. Họ mở cánh cửa lớn của xe tải, từ đó vọng ra tiếng chó sủa ầm ĩ, họ ném con chó hoang vào trong đó.
Với Ruzena, điều cô nhìn thấy chỉ là một yếu tố của câu chuyện của chính cô, cô là một người phụ nữ bất hạnh bị kẹp giữa hai thế giới, thế giới của Klima ném cô ra, thế giới Frantisek mà cô muốn thoát ra (thế giới của tầm thường và buồn chán, thế giới của thất bại và đầu hàng hiện giờ đang đến đây tìm kiếm cô dưới dạng đội bắt chó này, như thể nó muốn nhốt cô vào một cái rọ sắt kia.
Trên một lối đi trải cát của khu vườn công cộng, một thằng bé khoảng mười một tuổi tuyệt vọng gọi con chó của mình đang chui vào bụi rậm. Nhưng thay vào chỗ con chó, bố của Ruzena với chiếc sào dài trên tay đã chạy đến cạnh thằng bé. Nó im lặng ngay lập tức. Nó không dám gọi chó nữa, sợ ông già kia sẽ bắt nó mất. Nó chạy vào lối đi để trốn, nhưng ông già đã bắt đầu chạy. Lúc này, hai người chạy ngược chiều nhau. Bố Ruzena vũ trang bởi chiếc sào và thằng bé thì vừa chạy vừa nức nở. Đứa trẻ bỗng chạy ngược trở lại. Bố Ruzena cũng chạy ngược trở lai, hai người lại chạy ngược chiều nhau.
Một con chó giống teckel chui ra từ bụi cây. Bố Ruzena chìa sào về phía nó, nhưng con chó đột ngột lách ra và chạy về phía thằng bé, thằng bé nhấc nó lên và ôm nó vào lòng. Các ông già khác lao vào để hỗ trợ cho bố Ruzena giật con chó từ tay thằng bé. Thằng bé khóc rống lên, hò hét và đánh trả, đến mức các ông già phải xoắn tay nó lại và bịt miệng để tiếng hét của nó không gây quá nhiều cho với những người đi qua ngoái nhìn nhưng không hề có ý định can thiệp.
Ruzena không muốn nhìn thấy bố mình và những người bạn của ông nữa. Nhưng đi đâu đây? Ở phòng mình cô có một cuốn truyện trinh thám chưa đọc xong mà cô không thích, ở rạp chiếu một bộ phim cô đã xem, và ở sảnh khách sạn Richmond có một chiếc tivi lúc nào cũng bật. Cô chọn tivi. Cô đứng lên khỏi ghế và, trong tiếng ồn ào của các ông già vẫn tiếp tục vang đến từ mọi hướng, cô chợt có ý thức rất rõ về cái mình đang mang trong cơ thể mình, nó là linh thiêng. Cô tự nhủ mình không có quyền bỏ nó đi, cô không có quyền làm hại nó, bởi vì, trong bụng cô giờ đây cô đang mang niềm hy vọng duy nhất của mình, chiếc vé duy nhất để đi vào tương lai của cô.
Khi đến đến cuối vườn, cô nhìn thấy Jakub. Anh đang đứng trên vỉa hè trước khách sạn Richmond quan sát cảnh tượng đang diễn ra trong khu vườn công cộng. Cô mới chỉ nhìn thấy anh một lần, trong bữa trưa, nhưng cô vẫn nhớ anh. Người bệnh nhân đang tạm thời là hàng xóm của cô, người đập tường mỗi khi cô bật radio quá to, vô cùng ghét cô, đến mức Ruzena chú ý một cách đặc biệt kinh tởm đến tất cả những gì liên quan đến cô ta.
Cô ghét luôn khuôn mặt người đàn ông này. Cô thấy nó đầy vẻ châm biếm. Ruzena ghét sự châm biếm. Cô luôn nghĩ là sự châm biếm (tất cả các dạng châm biếm) đều giống như một trạm gác có vũ trang đặt ở lối vào tương lai, nơi mà cô, Ruzena, muốn bước vào, và trạm xét đó dò xét cô với con mắt săm soi và ném cô ra bằng một cái gật đầu. Cô ưỡn người ra trước và quyết định đi qua trước mặt người đàn ông đó với tất cả vẻ cao ngạo thách thức của cặp vú cô, với tất cả sự kiêu hãnh của chiếc bụng cô.
Và người đàn ông đó (cô chỉ quan sát anh ta bằng khoé mắt) đột nhiên nói dịu dàng và êm ái:
– Đến đây nào…đến đây nào…
Thoạt tiên cô không hiểu tại sao anh nói điều đó với cô. Sự dịu dàng trong giọng nói của anh làm cô xao xuyến, cô không biết phải trả lời thế nào. Nhưng sau đó, khi quay lại, cô nhìn thấy một con chó giống boxer to có cái mõm xấu xí dị dạng đang chạy theo anh.
Giọng nói của Jakub cuốn hút con chó. Anh tóm lấy cổ dề nó.
– Đến đây nào, không thì mày toi đấy – Con chó hướng về phía Jakub khuôn mặt đầy tin tưởng, lưỡi nó thò dài ra như một lá cờ vui vẻ.
Đó là một giây phút đầy nhục nhã lố bịch, thoáng qua nhưng rất rõ ràng, người đàn ông đó chẳng thèm để ý đến sự cao ngạo lẫn kiêu hãnh của cô. Cô thì lại tưởng anh ta nói với mình, hoá ra lại nói với một con chó. Cô đi qua trước mặt anh và dừng lại ở thềm khách sạn Richmond.
Hai ông già cầm sào chạy từ vườn ra, lao về phía Jakub. Cô ác ý ngắm nhìn cảnh tượng và không khỏi đứng về phía các ông già.
Jakub cầm cổ dề con chó dẫn đến thềm khách sạn, một ông già hét lên về phía anh:
– Bỏ ngay con chó ra!
Và một ông già khác:
– Nhân danh pháp luật!
Jakub vờ như không để ý đến mấy ông già và tiếp tục di, nhưng từ đàng sau một chiếc sào đã chầm chậm buông xuống và cái rọ sắt vụng về lơ lưng trên đầu con chó.
Jakub nắm lấy đầu sào và hất mạnh nó ra.
Ông già thứ ba chạy đến gào lên:
– Làm thế là vi phạm pháp luật đấy! Tôi gọi cảnh sát bây giờ!
Và giọng nói the thé của một ông già khác tố cáo:
– Nó đã chạy vào công viên! Nó chạy qua khu vui chơi, mà khu đấy thì cấm chó! Nó đái lên cát của bọn trẻ con! Anh yêu chó hơn trẻ con đấy.
Ruzena ngắm nhìn cảnh tượng từ thềm khách sạn và sự kiêu hãnh mà cô cảm thấy giây phút trước đó trong bụng mình trào dâng khắp người cô và làm cô tràn đầy sức mạnh nổi loạn. Jakub và con chó tiến lại gần cô trên mấy bậc thang và cô nói với Jakub:
– Ông không có quyền mang chó vào đây.
Jakub đáp lại giọng bình tĩnh, nhưng cô không thể lùi được nữa. Cô đứng đó, hai chân dạng ra, trước cửa khách sạn Richmond và cô nhắc lại:
– Đây là khách sạn của bệnh nhân, không phải khách sạn cho chó. Ở đây cấm chó.
– Tại sao cô không cầm lấy một cái sào gắn rọ, cô ấy? – Jakub nói, định cùng con chó đi qua ngưỡng cửa.
Ruzena nhận ra trong câu nói của Jakub sự châm biếm mà cô căm ghét, cái đã ném trả cô về chỗ mà cô vừa rời khỏi, nơi cô không muốn ở. Cơn giận bùng cháy trong cái nhìn của cô. Cô tóm lấy cổ dề con chó. Giờ đây cả hai đều tóm lấy con chó. Jakub lôi nó về phía trong và cô kéo nó ra phía ngoài.
Jakub nắm lấy cổ tay Ruzena và gỡ tay cô khỏi cổ dề con chó, mạnh đến mức cô phải chao đảo.
– Ông yêu chó hơn là trẻ con trong nôi! – cô hét lên.
Jakub quay lại và cái nhìn của họ giao nhau, gắn chặt với nhau trong một nỗi hận thù bất chợt và trần trụi.
Con chó boxer nhảy nhót trong phòng, tò mò nghiêng ngó và không chút ngờ là mình vừa trải qua một cơn nguy hiểm. Jakub nằm dài trên đi văngã tự hỏi sẽ làm gì với nó. Anh thích con chó, nó cuộc vui vẻ và rất ngây thơ. Chỉ sau vài phút nó đã quen được với một căn phòng lạ, vô lo, và kết bạn thân thiết với một người lạ rất đáng ngờ càng khẳng định thêm sự ngu ngốc của nó. Sau khi đã ngửi hít khắp phòng, nó nhảy lên đi văng nằm bên cạnh Jakub. Jakub ngạc nhiên nhưng anh không nề hà gì đón nhận ngay cử chỉ tình bạn này. Anh đặt tay lên sống lưng con chó và vui thích cảm nhận thân thể nóng hổi của con vật. Anh vẫn luôn yêu chó, chúng gần gũi, thân thiết, tận tuỵ và cùng lúc, không thể hiểu được. Người ta không bao giờ biết được trong đầu và trong tim những sứ giả tin cậy và vui vẻ của thiên nhiên khó hiểu này có gì.
Anh gãi gãi sống lưng con chó và nhớ lại cảnh mà anh vừa chứng kiến. Trong mắt anh các ông già vũ trang bằng sào dài không khác mấy các cai ngục, các thẩm phán và các chỉ điểm viên chuyên rình xem hàng xóm có vừa đi chợ vừa nói chính trị không. Điều gì đã đẩy những con người đó làm cái công việc đáng ghê tởm đó? Vì ác tâm? Chắc chắn rồi, nhưng cũng vì khoái cảm mang lại trật tự nữa. Vì khoái cảm về trật tự muốn biến thế giới của con người thành một sự ngự trị vô cớ ở đó mọi sự diễn ra, vận hành, phó mặc cho một ý chí vô nhân xưng. Khoái cảm trật tự đồng thời cũng là khoái cảm về cái chết, bởi vì cbsn vĩnh viễn là sự vi phạm trật tự. Hoặc, ngược lại, khoái cảm trật tự là cái cớ về mặt đạo đức qua đó sự hằn học của người với người tự biện hộ được cho các xấu xa của mình.
Rồi anh nghĩ đến cô gái tóc vàng vừa nãy đã định ngăn cản anh vào khách sạn Richmond cùng với con chó, anh cảm thấy căm ghét cô một cách đau đớn. Các ông già tay cầm sào không khiến anh tức tối, anh biết họ rất rõ, anh đã ý thức được, không bao giờ anh ngờ là họ có tồn tại và phải tồn tại và sẽ luôn luôn hành hạ anh. Nhưng cô gái đó, đó là thất bại vĩnh viễn của anh. Cô đẹp và xuất hiện trong màn giằng co đó không phải với tư cách người hành hạ mà giống như một khán giả, bị cảnh tượng cuốn hút, đã tự đồng nhất với những kẻ hành hạ. Jakub luôn kinh hoàng với ý nghĩ những người đứng nhìn sẽ sẵn sàng giúp giữ chặt nạn nhân trong cuộc trừng trị. Bởi vì, theo thời gian, đao phủ đã trở thành một người gần gũi và thân thiết, trong khi người bị xử quyết thì bốc mùi quý tộc. Tâm hồn của đám đông xưa kia từng đồng nhất với những người bị hành hạ khốn cùng giờ đây đồng nhất với sự khốn cùng của những kẻ hành hạ. bởi vì ở thế kỷ của chúng ta sự truy đuổi con người là sự truy đuổi những người được nhiều ưu tiên: truy đuổi những người đọc sách hoặc những người có chó.
Anh cảm thấy dưới tay mình cơ thể ấm nóng của con vật và tự nhủ cô gái tóc vàng đó đã đến thông báo với nó, bằng một dấu hiệu bí mật, rằng nó sẽ không bao giờ được yêu mến ở đất nước này, và cô, đại diện của nhân dân, sẽ luông sẵn sàng giữ nó lại để hiến lên những kẻ đe doạ nó bằng những cái sào gắn rọ sắt. Anh ôm lấy con chó, kéo nó vào lòng. Anh nghĩ mình không thể để nó ở lại đây phó mặc cho số phận, anh phải mang theo nó đi xa khỏi đất nước này như một kỷ niệm về các cuộc xử quyết, như một trong những cá thể đã trốn thoát được nó. Rồi anh tự nhủ anh đang giấu ở đây con chó vui vẻ như một kẻ đi đày đang trốn cảnh sát, anh thấy ý nghĩ đó ngộ nghĩnh.
Có tiếng gõ cửa và Skreta bước vào:
– Cậu về đây rồi, sao lâu thế. Tớ tìm cậu suốt buổi chiều. Cậu đã ở đâu vậy?
– Tớ đã gặp Olga và sau đó… – anh muốn kể về chuyện con chó nhưng Skreta đã ngắt lời.
– Nhẽ ra tớ phải nghì đến chuyện đó rồi chứ. mất toi từng ấy thời gian trong khi chúng ta có bao nhiêu chuyện để bàn! Tớ đã nói với Bertlef rằng cậu ở đây và tớ đã dàn xếp để ông ấy mời cả hai chúng mình đến.
Lúc đó con chó nhảy từ đi văng xuống, lại gần bác sĩ, đứng lên trên hai chân sau, hai chân trước đặt trước ngực. Skreta gãi gãi gáy con chó:
– Nào, Bob, rồi, mày ngoan lắm… – anh nói, không hề ngạc nhiên.
– Nó tên Bob?
– Phải, Bob – Skreta nói và giải thích con chó thuộc về ông chủ một quán trọ trong rừng không xa thành phố lắm, tất cả mọi người đều biết con chó vì nó chạy rông khắp nơi.
Con chó hiểu người ta đang nói về nó, điều đó làm cho nó vui sướng. Nó vẫy đuôi và muốn liếm mặt Skreta.
– Cậu là một tâm lý gia tài năng – bác sĩ nói – Hôm nay cậu phải giúp mình nghiên cứu ông ấy thật cặn kẽ. Tớ chưa biết sẽ đánh vào mặt nào. tớ có rất nhiều dự định với ông ấy.
– Bán tranh tôn giáo à?
– Tranh tôn giáo là một trò điên rồ – Skreta nói – Còn có cái quan trọng hơn nhiều cơ. Tớ muốn ông ấy nhận tớ làm con nuôi.
– Ông ấy nhận cậu làm con nuôi?
– Ông ấy nhận tớ làm con như con trai ấy. Điều đó với tớ là rất quan trọng. nếu trở thành con nuôi ông ấy, tớ sẽ tự động có quốc tịch Mỹ.
– Cậu muốn di tản à?
– Không. Ở đây tớ có nhiều việc lâu dài, tớ không muốn cắt đứt. Nhưng, hôm nay tớ phải nói với cậu, bởi vì tớ cần cậu giúp dỡ trưởng cho những công việc ấy. Nhưng với quốc tịch Mỹ tớ sẽ có hộ chiếu Mỹ và đi du lịch thoải mái khắp thế giới. Cậu biết rõ là nếu không thế thì một người bình thường sẽ không bao giờ có thể ra khỏi đất nước của mình. Mà tớ thì vô cùng muốn đến Ailen.
– Tại sao lại phải là Ailen?
– Đó là nơi tốt nhất thế giới để câu cá hồi – Skreta nói và anh tiếp tục – Có một chuyện hơi phức tạp là Bertlef chưa đủ già để làm bố tôi. Cần phải giải thích cho ông ấy là tình bố con nuôi là một trạng thái pháp lý không có gì chung với tình bố con tự nhiên và, về mặt lý thuyết mà nói, ông ấy có thể là bố nuôi của tớ ngay cả khi ông ấy ít tuổi hơn tớ. Có lẽ ông ấy sẽ hiểu điều đó, nhưng ông ấy có một người vợ rất trẻ. Đó là một trong số các bệnh nhân của tớ. Ngày kia bà ta sẽ đến đây. tớ đã bảo Suzy đi Praha đón bà ta ở chân cầu thang máy bay.
– Suzy có biết gì về kế hoạch của cậu không?
– Tất nhiên rồi. Tớ ra lệnh bằng mọi giá phải chiếm được cảm tình của bà mẹ chồng tương lai.
– Thế còn ông người Mỹ? Ông ấy nói gì về chuyện đó?
– Đó chính là điểm khó nhất. Ông ấy không có khả năng hiểu được khi người ta nói mập mờ. Chính vì thế tớ mới cần đến cậu, để cậu nghiên cứu ông ấy và nói cho tớ biết phải làm thế nào với ông ấy.
Skreta nhìn đồng hồ và nói Bertlef đang đợi họ.
– Nhưng chúng ta làm gì với Bob bây giờ? – Jakub hỏi.
– Sao cậu lại dẫn nó vào đây? – Skreta hỏi.
Jakub giải thích cho bạn anh đã cứu sống con chó thế nào, nhưng Skreta đang chìm đắm vào những suy nghĩ của mình nên chỉ nghe một cách lơ đãng.
Khi Jakub nói xong, anh nói:
– Bà chủ nhà trọ là một bệnh nhân của tớ. năm kia bà ấy đã đẻ một thằng bé đẹp tuyệt. Họ rất yêu quý Bob, ngày mai cậu phải mang nó trả lại cho họ. Trong khi chờ đợi, chúng ta sẽ cho nó một liều thuốc ngủ để nó để yên cho chúng ta.
Anh rút từ trong túi một tuýp thuốc, lấy ra một viên. Anh gọi con chó lại gẫn, vạch mồm nó ra và ném viên thuốc vào họng con chó.
– Một phút nữa nó sẽ ngủ rất ngon – anh nói và cùng Jakub ra khỏi phòng.
Bertlef chào mừng hai người khách và Jakub nhìn quanh căn phòng. Anh tiến lại gần bức tranh vẽ một vị thánh râu rậm:
– Tôi nghe nói là ông có vẽ – anh nói, với Bertlef.
– Vâng – Bertlef trả lời – đó là thánh Lazare, ông thánh bảo mệnh của tôi.
– Tại sao ông lại vẽ ông ấy có vòng hào quang màu xanh? – Jakub tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi.
– Tôi rất vui vì anh hỏi tôi câu đó. thường thì người ta ngắm một bức tranh mà thậm chí không biết mình đang nhìn gì. Tôi vẽ vòng hào quang xanh chỉ đơn giản vì trên thực tế vòng hào quang màu xanh.
Jakub lại tỏ ra ngạc nhiên, Bertlef nói tiếp:
– Những người yêu kính Chúa bằng một tình yêu đặc biệt mạnh mẽ sẽ cảm thấy được phần thưởng một niềm vui thiêng liêng lan toả trong khắp con người mình và từ đó chiếu toả ra bên ngoài. Ánh sáng của niềm vui thần thánh đó dịu dàng, mềm mại và có màu bầu trời.
– Gượm đã – Jakub nói – Ông muốn nói vòng hào quang còn hơn là một biểu tượng?
– Chắc chắn rồi – Bertlef nói – Nhưng anh đừng nghĩ nó thường trực toả rạng trên đầu các vị thánh và các vị thánh dẫn đường cho thế giới như những ngọn đèn đường. Dĩ nhiên là không rồi. Chỉ vào một số thời điểm niềm vui bên trong mạnh mẽ đến mức trán họ phòng ra một ánh sáng màu xanh. Trong những thế kỷ đầu tiên sau khi Jesus chết đi, vào thời kỳ các thánh có rất nhiều và có nhiều người thân thiết với họ, không ai mảy mai nghi ngờ về màu vòng hào quang của họ, và trên tất cả các bức tranh, tranh tường thời đó anh sẽ thấy vòng hào quang có màu xanh. Từ thế kỷ thứ năm trở đi các hoạ sĩ mới dần bắt đầu vẽ các màu khác nhau, chẳng hạn màu da cam và màu vàng. Sau này, trong hội hoạ gô tích, chỉ còn lại các vòng hào quang màu vàng thôi. Trông đẹp hơn và biểu hiện được rõ hơn sức mạnh trần thế và vinh quang của Nhà thờ. Nhưng vòng hào quang đó không còn giống với vòng hào quang thật sự, cũng như Nhà thờ không còn giống với Thiên Chúa giáo nguyên thuỷ nữa.
– Tôi không biết điều đó đấy – Jakub nói và Bertlef bước về phía tủ rượu. Ông trao đổi một lúc với hai người khách để biết nên lấy chai nào. Khi rót xong cognac vào ba chiếc ly, ông quay về phía bác sĩ:
– Anh đừng quên, tôi xin anh, người cha bất hạnh này. Tôi muốn điều đó lắm đấy!
Skreta đảm bảo với Bertlef rằng tất cả sẽ diễn ra tốt đẹp, Jakub không biết họ đang nói về chuyện gì. Khi họ nói với anh (chúng ta hãy tán thưởng sự kín đáo thanh lịch của hai người đó, họ không nói ra một cái tên nào, ngay cả trước mặt Jakub), anh thể hiện lòng thương xót lớn lao với ông bố ít may mắn:
– Ai trong số chúng ta chưa phải trải qua sự nhọc nhằn đó! Đó là một trong những thử thách lớn nhất của cuộc đời. Những ai khuất phục và trở thành bố dù không muốn suốt đời sẽ bị kết tội bởi thất bại của mình. Họ trở nên độc ác như tất cả những ai thua cuộc và muốn tất cả những người khác chịu chung số phận.
– Bạn ơi! – Bertlef kêu lên – Anh đang nói trước mặt một người cha sung sướng! Nếu anh còn ở lại đây một hai ngày nữa, anh sẽ nhìn thấy con trai tôi, một thằng bé đẹp tuyệt, và anh sẽ rút lại những gì anh vừa nói.
– Tôi sẽ không rút lại gì hết – Jakub nói – vì ông đã không trở thành bố dù không muốn!
– Dĩ nhiên là không rồi. Tôi đã thành bố theo đúng mong muốn của mình và nhờ vào ân huệ của bác sĩ Skreta.
Bác sĩ đồng ý với vẻ thoả mãn và tuyên bố anh cũng có một ý kiến về tình cha con giống với Jakub, mà tình trạng tuyệt vời của Suzy chính là bằng chứng:
– Điều duy nhất – anh nói thêm – khiến tôi hơi bối rối về chuyện sinh đẻ, là lựa chọn có phần không có lý lắm của các ông bố bà mẹ. Thật khó tin là các cá nhân xấu xí lại có thể quyết định sinh đẻ. Chắc họ tưởng gánh nặng của cái xấu sẽ nhẹ nhàng hơn nếu họ được chia sẻ với con cháu mình.
Bertlef coi quan điểm của bác sĩ Skreta là phân biệt chủng tộc về mặt mỹ học:
– Đừng quên là, không chỉ Socrate là một người xấu xí, mà rất nhiều cô tình nhân lừng danh cũng không hề nổi bật vì vẻ bên ngoài đâu nhé. Sự phân biệt chủng tộc về mặt mỹ học gần như luôn là dấu hiệu của thiếu kinh nghiệm. Những ai chưa đi sâu vào thế giới khoái lạc tình yêu chỉ có thể phán xét phụ nữ thông qua những gì mà họ nhìn thấy. Nhưng những ai thực sự hiểu biết sẽ biết là con mắt chỉ có thể khơi gợi một mảnh xấu xí của những gì phụ nữ có thể dâng hiến cho chúng ta. Khi Chúa sáng tạo con người phải làm tình và sinh sôi, thưa bác sĩ, Người đã nghĩ đến những người xấu ngang với những người đẹp. Tôi lại còn chắc chắn là tiêu chí thẩm mỹ không đến từ Chúa, mà từ Quỷ. Trên thiên đường, không ai phân biệt xấu đẹp nữa đâu.
Jakub tiếp lời và khẳng định những mục đích thẩm mỹ không đóng vai trò gì trong sự kinh tởm của anh đối với sự sinh đẻ.
– Nhưng tôi có thể dẫn ra mười lý do khác để không nên làm bố.
– Nói đi, tôi rất tò mò đấy – Bertlef nói.
– Thứ nhất, tôi không thích tình mẹ con – Jakub nói và dừng lại, vẻ nghĩ ngợi – Thời đại hiện đại đã vén màn bí ẩn mọi huyền thoại. Từ lâu nay tuổi thơ đã không còn là tuổi ngây thơ. Freud đã phát hiện tính dục ở trẻ con và đã nói với chúng ta tất cả về Œdipe. Chỉ Jocaste là chưa hề bị động đến, không ai dám giật khăn bịt mặt của bà. Tình mẹ con là cấm kỵ cuối cùng và lớn nhất, cái tạo ra sự xấu xa nghiêm trọng nhất. không có sợi dây liên hệ nào chặt chẽ hơn mối liên kết gắn liền người mẹ với đứa con. Mối liên hệ đó mãi mãi làm biến dạng tâm hồn đứa trẻ và chuẩn bị cho người mẹ, khi đứa trẻ lớn lên, những đau khổ lớn nhất của tình yêu. Tôi nói tình mẹ con là một sự xấu xa và tôi từ chối đóng góp vào đó.
– Tiếp theo – Bertlef nói.
– Một lý do khác khiến tôi không muốn làm tăng số lượng các bà mẹ – Jakub nói, hơi có chút bối rối – là tôi quá yêu cơ thể phụ nữ và không thể nghĩ mà không thấy kinh tởm rằng bộ ngực của người tôi yêu sẽ trở thành một cái túi đựng sữa.
– Tiếp theo – Bertlef nói.
– Bác sĩ chắc là sẽ khẳng định với chúng ta là các bác sĩ và y tá điều tri.cho những phụ nữ nằm viện sau khi chửa đẻ nặng nề hơn là cho các sản phụ và chứng kiến họ có chút khinh bỉ, mà quên mất là đến lượt mình, họ chắc chắn cũng sẽ phải chịu, ít nhất một lần trong đời, một sự chữa trị tương tự. Nhưng ở họ lại có một phản chiếu mạnh hơn mọi suy nghĩ, bởi vì sự thành kính dành cho sinh đẻ là một mệnh lệnh của tự nhiên. Chính vì lẽ đó sẽ là vô ích để tìm kiếm một lý luận duy lý dù nhỏ nhất trong việc tuyên truyền sinh đẻ. Phải chăng giọng nói của Jesus đang vang lên, trong luân lý sinh đẻ của Nhà thờ, hay các anh nghe thấy giọng của Marx trong tuyên truyền của nhà nước cộng sản về sinh đẻ? Được dẫn lối bởi ham muốn duy nhất là duy trì giống nòi, nhân loại cuối cùng sẽ ngạt thở trên mảnh đất tí hon của mình. Nhưng tuyên truyền cho sinh đẻ vẫn tiếp tục chạy và công chúng đổ nước mắt xúc động khi nhìn thấy hình ảnh một người mẹ cho con bú hoặc khi một đứa bé con nhăn mặt. Tôi kinh tởm hình ảnh đó. Khi nghĩ là mình có thể, cùng với hàng triệu người nhiệt thành khác, cúi xuống một cái nôi với một nụ cười đần độn, tôi thấy lạnh hết sống lưng.
– Tiếp theo – Bertlef nói.
– Và rõ ràng tôi cũng phải tự hỏi tôi muốn gửi đứa con của mình vào thế giới nào. Trường học sẽ nhanh chóng tước nó khỏi tay tôi và nhồi sọ nó những điều vớ vẩn mà chính bản thân tôi cả đời đã phải đấu tranh để chống lại. Liệu tôi có phải nhìn con trai mình trở thành một kẻ đần độn phò chính thống ngay trước mắt tôi? Hoặc, liệu tôi có phải nhồi cho nó những ý tưởng của chính tôi và nhìn thấy nó đau đớn bởi vì nó bị lôi kéo vào những xung đột giống như tôi?
– Tiếp theo – Bertlef nói.
– Và rõ ràng tôi cũng phải nghĩ cho tôi. Tại đất nước này, trẻ con trả nợ cho sự bất tuân lệnh của bố mẹ chúng và bố mẹ chúng cho sự bất tuân của con cái. Bao nhiêu người trẻ tuổi bị cấm học hành vì bố mẹ họ rơi vào cảnh thất sủng! Và bao nhiêu bố mẹ đã chấp nhận hoàn toàn sự hèn nhát với mục đích duy nhất là không làm hại đến con cái họ? Ở đây, ai muốn giữ được ít nhất một tự do nào đó cho mình thì không được phép có con – Jakub nói, và im lặng.
– Anh còn phải dẫn ra năm lý do nữa cơ – Bertlef nói.
– Lý do cuối cùng có sức mạnh đủ để ngang bằng với cả năm lý do – Jakub nói – Có một đứa con đồng nghĩa với việc thoả hiệp tuyệt đối với con người. Nếu tôi có một đứa con, thì cũng giống như tôi nói, tôi đã sinh ra, tôi đã nếm trải cuộc đời và tôi nhận ra rằng nó tốt đẹp đến mứ xứng đáng được lập lại.
– Thế anh không thấy cuộc sống tốt đẹp à? – Bertlef hỏi.
Jakub muốn thật chính xác nên trả lời thận trọng:
– Tôi chỉ biết một điều là tôi không bao giờ có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng con người là sinh vật tuyệt diệu và rằng tôi muốn tái tạo nó.
– Thì chính bởi vì cậu chỉ từng biết đến cuộc sống ở một khía cạnh duy nhất, khía cạnh tệ hại nhất – bác sĩ Skreta nói – Cậu chưa bao giờ biết sống hết cả. Cậu luôn nghĩ nghĩa vụ của mình là lao vào cuộc, như người ta nói. Nhưng với cậu đó có phải là thực tế không? Chính trị. Và chính trị, trong cuộc sống nó là cái chứa đựng ít bản chất nhất và ít giá trị nhất. Chính trị, đó là thứ bọt bẩn thỉu trôi nổi trên mặt sông, trong khi thực tế cuộc sống của dòng sông nằm ở độ sâu hơn nhiều. Việc nghiên cứu sự sinh nở của phụ nữ đã diễn ra từ hàng nghìn năm nay rồi. Đó là một lịch sử vững vàng và chắc chắn. Và nó hoàn toàn dửng dưng với chuyện chính phủ này hay chính phủ khác nắm quyền hành. Còn tớ, khi tớ đeo găng cao su vào khám các bộ phận nội tạng của phụ nữ, tớ gần với tâm điểm sự sống hơn cậu, cậu, người đã suýt mất mạng chỉ vì cố công làm điều tốt cho nhân loại.
Thay vì phản đối Jakub đồng ý với những trách móc của bạn, và bác sĩ Skreta, cảm thấy được khuyến khích, nói tiếp:
– Archimède đứng trước các đường tròn, Michel-Ange đứng trước khối đá của mình, Pasteur đứng trước các ống nghiệm, chính họ, chỉ họ mới là những người đã biến đổi cuộc sống của con người và làm nên lịch sử thực sự, trong khi các chinh trị gia… – Skreta ngừng một lát và phẩy tay vẻ khinh bỉ.
– Trong khi các chính trị gia làm sao? – Jakub hỏi, và anh tiếp – tớ sẽ nói cho cậu vậy. Nếu khoa học và nghệ thuật quả thật là trường đấu thật sự, cơ bản của lịch sử, thì ngược lại chính trị là phòng thí nghiệm khoa học kín cổng cao tường, trong đó người ta bắt con người phải làm những thí nghiệm kỳ quặc. Những con người làm vật thí nghiệm ở đó bị đẩy vào những cái bẫy sập rồi được lôi lên sân khấu, mê mẩn trước những tiếng vỗ tay và kinh hoàng trước giá treo cổ, bị tố giác và bị buộc phải tố cáo. Tớ từng làm phụ tá tại trung tâm thí nghiệm như thế, nhưng ở đó nhiều lần những cũng đã là nạn nhân cho giải phẫu rồi. Tớ biết mình không tạo ra bất kỳ giá trị nào (không nhiều hơn những người làm ở đó cùng với tớ), nhưng chắc chắn ở đó tớ cũng hiểu được rõ hơn bất kỳ ai con người là gì.
– Tôi hiểu ý anh rồi – Bertlef nói – và tôi cũng biết về trung tâm thí nghiệm đó, dù tôi chưa từng bao giờ làm phụ tá phòng thí nghiệm tại đó cả, mà chỉ làm vật thí nghiệm thôi. Tôi từng ở Đức khi chiến tranh nổ ra. Chính người đàn bà mà tôi yêu hồi đó đã tố cáo tôi với Gestapo. Họ đã đến tìm cô ta và chìa ảnh tôi trên giường với một người khác cho cô ấy xem. Bức ảnh làm cô ta đau đớn, mà các anh cũng biết tình yêu bao giờ cũng mang những nét của sự thù hận. Tôi vào tù với cảm giác kỳ lạ là mình đã bị tình yêu dẫn vào đó. Các anh không thấy là thật đáng ngưỡng mộ việc nằm trong tay Gestapo và biết là chính ở đó, trên thực tế, là ưu tiên của một người đàn ông được yêu quá nhiều sao?
Jakub trả lời:
– Có một điều khiến tôi cảm thấy kinh tởm nhất ở con người, đó là chứng kiến sự tàn bạo, sự đê tiện và ngu xuẩn của nó lại thường xuyên khoác trên mặt tấm mặt nạ của trữ tình. Cô ta đẩy ông đến cái chết và cô ta coi nó như là một chiến công tình cảm chủ nghĩa của một tình yêu bị xúc phạm. và ông đã lên giá treo cổ vì một người đàn bà ngu ngốc, với cảm giác đang đóng vai trong một vở bi kịch kiểu Shakespeare viết riêng cho ông.
– Sau chiến tranh cô ta đến gặp tôi, khóc lóc – Bertlef kể tiếp, như thể không hề nghe thấy những lời công kích của Jakub – Tôi đã nói với cô ta, đừng lo lắng gì, Bertlef không bao giờ trả thù đâu.
– Ông cũng biết – Jakub nói – tôi thường nghĩ đến ông vua Hérode, khi biết vị vua tương lai của người Do Thái vừa ra đời, ông ta đã ra lệnh giết toàn bộ trẻ sơ sinh vì sợ mất ngai vàng. Cá nhân mà nói, tôi tưởng tượng ra Hérode khác cơ, dù vẫn biết rằng đó chỉ là một trò chơi của trí tưởng tượng. Theo tôi, Hérode là một ông vua có học, thông thái và rất vị tha, từ lâu nay đã làm việc trong phòng thí nghiệm chính trị và đã học được cách biết về cuộc sống và con người. Ông ấy hiểu rằng con người nhẽ ra không bao giờ nên được tạo ra. Mặt khác, các nghi ngờ của ông ấy không đến nỗi lệch lạc và đáng trách như thế. Nếu tôi không lạm dụng, thì chính Đức Chúa cũng từng nghi ngờ con người và nuôi dưỡng ý định diệt trừ cái phần cấu thành công trình của mình đó.
– Đúng – Bertlef công nhận – Điều đó được viết trong chương Sáu sáng Thế ký “Ta sẽ loại khỏi mặt đất con người mà ta đã tạo ra, bởi ta hối hận vì đã làm ra nó”.
– Có thể chỉ là một giây phút yếu đuối của Đức Chúa khi cuối cùng ông ta cho phép Noé trốn trên thuyền để bắt đầu lại lịch sử loài người. Liệu chúng ta có thể chắc chắn được rằng Chúa chưa bao giờ hối hận vì quyết định đó không? Chỉ có điều, dù ông ta có hối hận hay không, thì cũng không thể làm gì được nữa. Chúa không thể tự biến mình thành dị hợm nếu cứ liên tục thay đổi quyết định. Nhưng nếu ông ta là người đã tiêm nhiễm vào dâdu Hérode ý nghĩ đó? Có thể loại trừ điều đó được không?
Bertlef nhún vai không nói gì.
– Hérode là ông vua. Ông ấy chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mình. Ông ấy không thể tự nhủ giống tôi: người khác làm gì thì làm, tôi từ chối không muốn sinh đẻ. Hérode là vua và biết là mình phải tự quyết định cho bản thân mình và cho người khác nữa, ông ấy quyết định nhân danh toàn thể nhân loại rằng con người không bao giờ được tự tái tạo nữa. Chính vì lý do như thế mà cuộc tàn sát những đứa trẻ mới sinh đã bắt đầu. Các mục đích của ông ta không đến nỗi xấu xa như chúng ta vẫn hay nghĩ. Hérode nuôi dưỡng chín chắn trong lòng cái ý nguyện độ lượng nhất là cứu thế giới thoát khỏi nanh vuốt con người.
– Tôi rất thích cách diễn giải Hérode của anh – Bertlef nói – Tôi thích nó đến mức kể từ ngày hôm nay tôi sẽ bắt chước anh trong việc giải thích cuộc tàn sát những đứa bé vô tội. Nhưng đừng quên là chính vào lúc Herode quyết định nhân loại không được tồn tại nữa, ở Bethléhem một đứa bé trai đã thoát khỏi được lưỡi dao của ông ta. Và đứa trẻ đó đã lớn lên, đã nói với mọi người là chỉ cần có một điều là sẽ khiến cuộc sống trở nên đáng sống: yêu thương lẫn nhau. Hérode chắc hẳn có học vấn và có kinh nghiệm hơn rồi. Jesus chắc chắn là một thanh niên non nớt không biết nhiều điều của cuộc sống lắm. Toàn bộ sự rao giảng của ông ấy có thể được giải thích bằng tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của mình. Vì ngây thơ, nếu anh muốn. Nhưng dù sao ông ấy cũng đã nắm được chân lý.
– Chân lý? Ai đã chỉ ra chân lý đó? – Jakub hỏi dồn dập.
– Không ai hết cả – Bertlef nói – Chưa ai từng chỉ ra và sẽ không có ai chỉ ra hết. Jesus yêu cha mình đến nỗi ông ấy không thể chấp nhận tác phẩm của người cha lại có thể xấu xa. Ông ấy đã đi đến kết luận đó nhờ tình yêu, chứ hoàn toàn không phải lý trí. Chính vì vậy cuộc tranh cãi giữa ông ấy và Hérode, chỉ trái tim của chúng ta mới đủ sức làm rõ bí mật. Có đáng để sống không bằng, có hay không? Tôi không có bằng chứng nào hết, nhưng với Jesus, tôi tin là có. – nói vậy xong, Bertlef mỉm cười quay sang Skreta – Chính vì thế tôi đã gửi vợ tôi đến điều trị ở đây dưới sự quản lý của bác sĩ Skreta, người theo tôi là một trong các vị thánh tông đồ của Jesus, bởi vì anh ấy biết tạo ra những điều kỳ diệu và mang lại sự sống cho những cái bụng ngủ quên của phụ nữ. Tôi xin nâng côc chúc sức khoẻ bác sĩ!
Jakub luôn dành cho Olga một thái độ nghiêm khắc kiểu cha con, và vì lẽ đó anh thích tự gọi mình là “lão già”. Tuy thế cô cũng biết anh có rất nhiều đàn bà, với họ anh cư xử rất khác, đó là điều khiến cô ghen với họ. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên, cô nghĩ dù sao ở Jakub cũng đã có cái gì đó già nua rồi. Trong cách cư xử của anh với cô, một người trẻ tuổi, cô cảm thấy cái mùi ẩm ướt lan toả từ thế hệ trước.
Những ông già tự nhận ra nhau ở thói quen tâng bốc các đau đớn trong quá khứ và từ đó xây dựng một viện bảo tàng, nơi họ mời khách đến xem (những bảo tàng đó mới có ít khách làm sao!) Olga hiểu trong bảo tàng của Jakub cô là hiện vật sống động chính yếu, và thái độ hiền hậu độ lượng của Jakub với cô chỉ có mục đích là khiến khách tham quan phải nhỏ lệ.
Hôm nay, cô cũng đã phát hiện vật vô tri quý giá nhất của bảo tàng đó, viên thuốc màu xanh nhạt. Vừa nãy, khi anh mở tờ giấy gói viên thuốc, cô đã ngạc nhiên và không cảm thấy chút xúc động nào. Hiểu là Jakub luôn nghĩ đến việc tự tử vào những giai đoạn khó khăn, cô thấy cung cách trang trọng khi anh cho cô biết điều đó thật là lố bịch. Cô thấy lố bịch vì anh mở tờ giấy lụa với thái độ chăm chú đến thế, như thể nó chứa một viên đá quý vậy. Và cô không hiểu tại sao tất cả những người trưởng thành lại phải làm chủ được cái chết của mình trong mọi trường hợp. Nếu khi ra đến nước ngoài bị ung thư thì không biết anh có cần đến thuốc độc không? Nhưng không, với Jakub, viên thuốc không chỉ là một thứ thuốc độc đơn thuần, nó còn là một thứ đồ phụ trợ mang tính biểu tượng mà giờ đây anh muốn dâng lên cho vị giáo sĩ trong một buổi lễ linh thiêng. Có gì đó đáng cười.
Cô ra khỏi phòng tắm và đi về phía khách sạn Richmond. Dù tất cả những ý nghĩ phản tỉnh đó, cô vẫn thích gặp Jakub. Cô có mon muốn lớn lao là phàm tục hóa bảo tàng của anh đi, đi vào đó với tư cách một người đàn bà chứ không phải một vật trưng bày.
Do đó cô hơi thất vọng khi thấy trên cửa phòng anh có một mẩu giấy nhắn cô đến gặp anh ở phòng bên cạnh, có cả Bertlef và Skreta. Ý nghĩ phải gặp anh cùng với những người khác khiến cô đánh mất sự dũng cảm, nhất là khi cô không biết Bertlef, và bác sĩ Skreta vẫn thường rất hững hờ với cô.
Bertlef khiến cô nhanh chóng quên đi sự rụt rè. Ông cúi gập người tự giới thiệu và trách bác sĩ Skreta đã không chịu cho ông làm quen với một người phụ nữ thú vị nhường ấy.
Skreta trả lời là Jakub chịu trách nhiệm coi sóc cô gái và anh đã cố ý không giới thiệu cô với Bertlef vì biết rằng sẽ không người phụ nữ nào kháng cự nổi trước ông.
Bertlef đón nhận sự xin lỗi đó với một vẻ hài lòng tươi cười. Rồi ông nhấc điện thoại lên và gọi khách sạn để đặt bữa tối.
– Thật không tin nổi – bác sĩ Skreta nói – làm thế nào mà ông bạn chúng ta có thể sống vương giả thế tại cái chốn khỉ ho cò gáy không có đến nổi một quán ăn ra hồn thế này.
Bertlef lục trong một cái hộp đựng xì gà đặt cạnh điện thoại, đựng đầy những đồng xu nửa dollar:
– Hà tiện là một tội lỗi… – ông mỉm cười nói.
Jakub nhận xét anh chưa từng gặp ai tin Chúa nồng nhiệt đến thế, mà vẫn biết cách hưởng thụ cuộc đời.
– Chắc chắn là bởi vì anh chưa bao giờ gặp được một tín đồ Thiên Chúa giáo đúng nghĩa. Cái từ Phúc Âm, chắc các bạn cũng biết, có nghĩa là thông điệp của niềm vui. Hưởng thụ cuộc sống, đó là lời dạy quan trọng nhất của Jesus.
Olga nhận thấy mình có một cơ hội để xen vào cuộc trò chuyện:
– Bằng vào những gì mà các giáo sư từng nói với tôi, các tín đồ Thiên Chúa chỉ nhìn thấy trong cuộc sống nơi trần thế một thung lũng nước mắt và vui sướng với ý nghĩ cuộc sống thực sự chỉ bắt đầu với họ sau khi chết đi.
– Thưa quý cô thân mến – Bertlef nói – Đừng tin vào các giáo sư.
– Và tất cả các vị thánh – Olga nói – chỉ làm mỗi một việc là chối từ cuộc sống. Nhẽ ra phải làm tình, họ lại tự hành xác, nhẽ ra phải tranh luận như ông và tôi, thì họ lại lui về các nhà tu kín, nhẽ ra phải đặt bữa tối qua điện thoại, thì họ lại nhai rễ cây.
– Cô không hiểu gì về các thánh rồi, thưa quý cô. Những người đó thiết tha với cuộc đời vô cùng tận. Chỉ có điều, họ nhập thế theo cách khác. Theo cô, khoái lạc lớn nhất của con người là gì? Cô có thể thử đoán xem, nhưng thế nào cô cũng nhầm, bởi vì cô không đủ thành thực. Đó không phải là một lời trách cứ, bởi sự thành thực đòi hỏi phải hiểu biết chính mình và sự hiểu biết lại là thành quả của tuổi tác. Làm thế nào một cô gái trẻ toả rạng hào quang của tuổi trẻ như cô lại có thể thành thực? Cô ta không thể thành thực bởi vì cô ta không biết cả đến trong mình có gì. Nhưng nếu cô ta biết được, cô sẽ phải chấp nhận với tôi rằng khoái lạc lớn nhất là được ngưỡng mộ. Cô không nghĩ thế ư?
Olga trả lời là cô biết nhiều khoái lạc.
– Không, – Bertlef nói – hãy lấy ví dụ vận động viên điền kinh của các bạn, người mà trẻ con đứa nào cũng biết vì đã liên tục mang về ba chiến thắng trên đường chạy Olympic. Cô có nghĩ anh ta chối từ cuộc sống không? Thế mà, nhẽ ra phải trò chuyện, phải làm tình và chơi bời, thì anh ta bắt buộc phải trải qua rất nhiều thời gian chạy vòng quanh sân vận động. Sự tập luyện của anh ta rất giống với những gì mà các vị thánh nổi tiếng nhất của chúng ta đã làm. Thánh Macaire, thành Alexandrie, khi ở ngoài sa mạc, đã đều đặn rót đầy một rổ đựng cát, ông đặt nó lên lưng và ngày qua ngày bước đi cho đến khi kiệt sức hoàn toàn. Nhưng chắc chắn là có tồn tại, với vận động viên điền kinh của các bạn cũng như với thánh Macaire thành Alexandrie, một phần thưởng lớn lao đền đáp đầy đủ cho tất cả nỗ lực của họ. Cô có biết nghe thấy những tiếng vỗ tay của một sân vận động Olympic vĩ đại có ý nghĩa thế nào không? Không có niềm vui nào lớn hơn đâu! Thánh Macaire thành Alexandrie biết tại sao mình phải mang rổ cát trên lưng. Vinh quang của các nhà marathon trên sa mạc đã sớm lan rộng trogn toàn giới Thiên chúa. Và thánh Macaire cũng giống như vận động viên của các bạn đã chiến thắng ở cự ly năm nghìn mét, rồi mười nghìn mét và cuối cùng như thế vẫn chưa đủ, anh ta chiến thắng nốt ở giải marathon. Ham muốn được ngưỡng mộ thật vô cùng. Thánh Macaire đã đến một nhà tu ở Thébese không báo trước và xin được chấp nhận làm thành viên ở đó. Nhưng sau đó khi đại lễ mùa chay tới, sự vinh quang của ông cũng tới theo. Toàn bộ các tu sĩ trai giới ngồi, nhưng ông đã đứng suốt bốn mươi ngày ăn chay! Đó là một chiên thắng mà cô không tưởng tượng nổi đâu! Hoặc, cô có nhớ đến thánh Siméon ẩn sĩ trên cột không? Ông đã dựng trên sa mạc một cái cột, trên đỉnh chỉ có một cái sân nhỏ. Trên đó không thể ngồi được, bắt buộc phải đứng. Và ông đã đứng đó suốt đời và toàn bộ giới Thiên Chúa ngưỡng mộ nhiệt thành kỷ lục khó tin của một con người dường như vượt quá mọi ngưỡng cửa của nhân loại này. Thánh Siméon, đó là Gagarine của thế kỷ thứ năm. Cô có thể tưởng tượng được hạnh phúc của nữ thánh Genevieve của Paris ngày mà một đoàn lái buôn Golois báo với bà là thánh Siméon từng nghe nói đến bà và chúc phúc cho bà từ trên cây cột của mình? Thế cô nghĩ tại sao ông tìm cách lập kỷ lục? có thể bởi vì ông không hề lo nghĩ đến cuộc sống lẫn con người ư? Đừng ngây thơ thế! Các Cha của Nhà thờ biết rất rõ là thánh Siméon rất trọng danh tiếng và đã thử thách ông. Nhân danh quyền lực tinh thần, họ đã ra lệnh cho ông xuống khỏi cột và từ bỏ cuộc đua. Thật là một đòn đau với thánh Siméon! Nhưng, hoặc vì minh triết hoặc vì khôn ngoan, ông đã nghe lời. Các Cha của Nhà thờ không hề phản đối các kỷ lục, nhưng họ muốn chắc chắn sự háo danh của thánh Siméon không khiến ông lơi là kỷ luật. Khi họ thấy ông buồn bã đi xuống ngay lập tức họ đã ra lệnh leo lên trở lại, khiến cuối cùng thánh Siméon ẩn sĩ trên cột đã có thể chết trên cột, được bao quanh bởi tình yêu và lòng ngưỡng mộ của loài người.
Olga chăm chú lắng nghe, cô bật cười khi nghe những lời cuối cùng của Bertlef.
– Cái ham muốn tuyệt vời được ngưỡng mộ đó không có gì là đáng cười đâu, tôi thấy nó gây xúc động thì đúng hơn – Bertlef nói – Người nào muốn được ngưỡng mộ sẽ thiết tha với những người gần gũi với mình, quan tâm đến họ, không thể sống được nếu thiếu họ. Thánh Siméon một mình ở sa mạc, trên một mét vuông đỉnh cột. Thế nhưng ông lại ở với tất cả mọi người! Ông tưởng tượng hàng triệu cặp mắt đang dõi lên mình. Ông hiện diện trong hàng triệu ý nghĩ và ông sung sướng vì điều đó. Đó chính là một tấm gương lớn về tình yêu con người và tình yêu cuộc sống. Cô đừng nhầm, thưa quý cô yêu quý, về điểm thánhSiméon vẫn tiếp tục sống trong mỗi chúng ta. Và đến ngày nay ông vẫn là điểm cực tốt đẹp nhất của giống loài chúng ta.
Có tiếng gõ cửa và một người phục vụ bước vào, đẩy trước mặt một chiếc xe chất đầy đồ ăn. Anh ta trải khăn lên bàn và đặt dao đĩa. Bertlef tìm trong hộp đựng xì gà và nhét vào túi người phục vụ một nắm tiền xu. Sau đó, họ bắt đầu ăn, người phục vụ đứng ở sau để rót rượu vangvà phục vụ món.
Bertlef say sưa bình luận mùi vị mỗi món ăn và Skreta lưu ý là không biết từ bao lâu anh chưa được ăn một bữa ngon như thế này.
– Có thể lần cuối cùng mẹ tôi nấu cho tôi ăn, nhưng khi đó tôi còn nhỏ lắm. Tôi mồ côi từ khi năm tuổi. Thế giới bao quanh tôi là một thế giới xa lạ và với tôi cái bếp cũng xa lạ. Tình yêu với đồ ăn nảy sinh từ tình yêu với người gần gũi.
– Rất chính xác – Bertlef nói, gắp một miếng thịt bò cho vào miệng.
– Đứa trẻ bị bỏ rơi ăn không thấy ngon. Tin tôi đi, đến tận giờ tôi vẫn rất đau khổ vì không có cha mẹ. Tin tôi đi, đến tận giờ, già như thế này rồi, tôi vẫn sẵn sàng cho đi tất cả để có được một người bố.
– Anh quá coi trọng các quan hệ gia đình rồi – Bertlef nói – Tất cả mọi người đều gần gũi với anh. Đừng quên Jesus từng nói gì khi người ta muốn gọi ông về bên cạnh người mẹ và anh em của ông. Ông đã chỉ các tông đồ và nói, mẹ tôi và anh em tôi ở đây cả thôi.
– Thế nhưng Giáo hội Thánh – Skreta tìm cách giải thích – không hề có ý định nào dù là nhỏ nhất phá huỷ gia đình hay thay thế nó bằng một cộng đồng đám đông tự do.
– Có một khác biệt giữa Giáo hội Thánh và Jesus. Và thánh Paul, nếu các bạn cho phép tôi được nói, trong mắt tôi là người tiếp nối nhưng cũng là người phản lại Jesus. Trước hết, có sự chuyển hoá đột ngột từ Saul sang Paul! Như thể chúng ta chưa biết đầy đủ về những kẻ cuồng tín say mê đánh đổi một lòng tin lấy một lòng tin khác chỉ trong vòng một đêm? Đừng có nói với tôi là tình yêu đã hướng lối những kẻ cuồng tín! Chính những kẻ đao đức học vẫn thầm thì mười điều răn của mình. Nhưng Jesus không phải là một nhà luân lý học. Hãy nhớ điều ông từng nói, khi người ta trách ông không kỷ niệm Sabbat. Sabbat là cho con người và con người không phải cho Sabbat. Jesus yêu phụ nữ! Và các bạn có thể tưởng tượng ra thánh Paul dưới hình dạng một tình nhân? Thánh Paul hẳn sẽ kết tội bởi vì tôi yêu phụ nữ. Nhưng Jesus thì không đâu. Tôi không thấy gì xấu trong việc yêu phụ nữ, yêu nhiều phụ nữ, và được phụ nữ yêu, được nhiều phụ nữ yêu. – Bertlef mỉm cười, nụ cười của ông bỉêu lộ một sự tự hài lòng – các bạn ạ, tôi không hề có cuộc sống dễ dàng và hơn một lần tôi đã phải tận mắt chứng kiến cái chết. Nhưng có một điều mà Chúa đã tỏ ra độ lượng với tôi. Tôi có rất nhiều phụ nữ và họ đã yêu tôi.
Mọi người dùng xong bữa và người phục vụ bắt đầu dọn bàn thì có tiếng gõ cửa. Những tiếng gõ yếu ớt và rụt rè như thể cầu xin sự khuyến khích.
– Vào đi! – Bertlef nói.
Cánh cửa mở ra, một đứa be bước vào. Đó là một đứa bé gái chừng năm tuổi, nó mặc một chiếc váy trắng buộc dây, đeo một sợi ru băng lớn sau lưng với một cái nơ lớn, hai đầu chĩa ra như hai cái cánh. Trên tay nó cầm một bông hoa, một bông thược dược to. Nhìn thấy trong phòng có nhiều người đang ngạc nhiên nhìn nó, nó dừng lại, không dám tiến lên.
Nhưng Bertlef đã đứng dậy, khuôn mặt ông bừng sáng và ông nói:
– Đừng sợ, thiên thần tí hon, lại đây.
Và đứa bé, nhìn thấy nụ cười của Bertlef và như thể thấy ở đó chỗ dựa, phá lên cười rồi chạy về phía ông, Bertlef cầm lấy bông hoa và hôn lên trán đứa bé.
Tất cả mọi người, cả người phục vụ, ngạc nhiên nhìn cảnh đó. Đứa bé, với chiếc nơ trắng dính trên lưng áo, thực sự giống một thiên thần nhỏ. Và Bertlef đứng đó, nghiêng người về phía trước với bông thược dược trên tay, khiến người ta nghĩ đến những pho tượng ba rốc về các vị thánh đặt trên các quảng trường của những thành phố nhỏ.
– Các bạn thân mến – ông quay về phía những người khách nói – tôi đã có những giây phút rất dễ chịu với các bạn và tôi hy vọng các bạn cũng cảm thấy như thế. Tôi sẵn sàng ở đây với các bạn đến tận một giờ đêm, nhưng như các bạn cũng thấy đấy, tôi không thể. Thiên thần xinh đẹp này đã đến gọi tôi đến chỗ một người đang đợi tôi. Tôi đã nói với các bạn, cuộc đời đã đánh đập tôi bằng đủ mọi cách, nhưng phụ nữ thì yêu tôi.
Bertlef cầm trên tay bông hoa thược dược, ép nó vào ngực và tay kia đặt lên vai đứa bé gái. Ông vẫy chào những người khách. Olga thấy ông diễn kịch một cách lố bịch và vui mừng thấy ông đi để cuối cùng được ở lại một mình với Jakub.
Bertlef cầm tay cô bé và quay người tiến về phía cửa ra vào. Trước khi bước ra, ông nghiêng người xuống hộp đựng xì gà và nhét vào túi mình một nắm tiền xu.
Người phục vụ xếp đĩa bẩn và chai không lên xe đẩy và khi anh ta ra khỏi phòng, Olga hỏi:
– Đứa bé đó là ai?
– Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cả – Skreta nói.
– Nó tựa như một thiên thần nhỏ – Jakub nói.
– Một thiên thần mang đến tình nhân cho ông ta? – Olga hỏi.
– Phải – Jakub nói – Một thiên thần ma cô và dắt mối. Chú thích gọi thiên thần hộ mệnh của ông ấy như thế.
– Tôi không biết đó có phải là một thiên thân hay không – Skreta nói – nhưng điều đáng tò mò là tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy đứa bé đó, dù tôi biết hầu hết mọi người ở đây.
– Trong trường hợp đó, tôi thấy chỉ có một cách giải thích – Jakub nói – cô bé đó không thuộc về thế giới này.
– Dù đó là một thiên thần hay là con gái một nữ hầu phòng, tôi có thể cam đoan một điều – Olga nói – rằng ông ta đang đi gặp một người đàn bà! Cái cung cách đó rởm đời đến kinh tởm và ông ta chỉ làm thế để tự tán dương mình thôi.
– Chú thì lại thấy hay – Jakub nói.
– Có thể – Olga nói – nhưng cháu vẫn cứ nghĩ dó là người rởm đời nhất từng tồn tại. Cháu cá với chú là trước khi chúng ta tới một tiếng thì ông ta đã đưa một nắm đồng nửa dollar cho đứa bé gái đó và bảo nó đến tìm ông ta với một bông hoa thược dược trên tay, vào giờ định trước. Các tín đồ bao giờ cũng có xu hướng dàn cảnh các điều kỳ diệu.
– Tôi rất muốn là cô có lý – Skreta nói – quả thật, ông Bertlef ốm rất nặng và một đêm tình ái sè là khá nguy hiểm đấy.
– Anh cũng thấy là tôi có lý. Tất cả những ám chỉ đến đàn bà đó chỉ là thùng rỗng kêu to thôi.
– Thưa cô yêu quý – bác sĩ Skreta nói – tôi là bác sĩ của ông ấy, bạn của ông ấy nhưng tôi cũng không chắc chắn được về điều đó. Tôi tự hỏi mình một điều.
– Ông ấy thực sự ốm nặng lắm à? – Jakub hỏi.
– Thế cậu nghĩ tại sao ông ấy ở đây từ gần một năm nay và người vợ trẻ của ông ấy, người mà ông ấy rất yêu quý, chỉ thỉnh thoảng mới đến thăm ông ấy?
– Bỗng nhiên không có ông ấy ở đây không khí trầm hẳn xuống – Jakub nói.
Điều đó là đúng, cả ba người đột nhiên cảm thấy bị bỏ rơi và không muốn ở lại lâu hơn trong căn phòng xa lạ này nữa.
Skreta đứng dậy khỏi ghế:
– Chúng ta đưa cô Olga về phòng rồi đi uống cái gì đi. Chúng ta còn nhiều chuyện để nói lắm.
Olga phản đối:
– Tôi chưa muốn đi ngủ!
– Nhưng đến giờ rồi. Tôi ra lệnh cho cô, với tư cách là bác sĩ – Skreta nghiêm khắc nói.
Họ ra khỏi khách sạn Richmond và vào khu vườn công cộng. Trên đường đi, Olga tìm được dịp để nói thầm với Jakub:
– Tối nay cháu muốn cùng chú…
Nhưng Jakub chỉ nhún vai, vì Skreta đã bày tỏ quyết định sắt đá. Họ đưa cô gái về khu Karl Marx và, trước mặt bạn, Jakub thậm chí còn không vuốt tóc cô như anh vẫn có thói quen. Sự căm ghét của bác sĩ với hai bầu vú giống hai quả mận khiến anh nản lòng. Anh đọc thấy sư.thất vọng trên khuôn mặt Olga và thấy đau lòng vì làm mếch lòng cô.
– Thế cậu nghĩ thế nào? – Skreta hỏi khi hai người còn lại một mình trên lối đi công viên – Cậu đã nghe tớ nói rồi đấy, lúc tớ nói tớ cần một người cha ấy. Sỏi đá chắc cũng phải mủi lòng thương xót tớ. Thế mà ông ấy lại đi nói về thánh Paul! Liệu có phải ông ấy thực sự không có khả năng hiểu? Đã hai năm nay tớ nói với ông ấy tớ mồ côi, hai năm nay tớ tán tụng với ông ấy các lợi thế của chiếc hộ chiếu Mỹ. Tớ đã ám chỉ hàng nghìn lần đến các trường hợp nhận con nuôi khác nhau. Theo tính toán của tớ, tất cả những ám chỉ đón nhẽ ra từ lâu đã phải khiến ông ấy nghĩ đến chuyện nhận tớ làm con nuôi.
– Ông ấy quá say mê mình – Jakub nói.
– Đúng thế đấy – Skreta đồng tình.
– Nếu ông ấy ốm rất nặng, thì điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Bệnh ông ấy có thật sự nặng như cậu nói không?
– Còn nặng hơn ấy chứ – Skreta nói – Cách đây sáu tháng ông ấy đã bị một cơn nhồi máu mới, rất trầm trọng, và từ đó ông ấy bị cấm đi xa và phải sống ở đây như một tù nhân. Cuộc sống của ông ấy chỉ còn treo trên sợi tóc thôi. Và ông ấy biết.
– Cậu thấy đấy – Jakub nói – Trong trường hợp đó nhẽ ra từ lâu cậu đã phải hiểu là phương pháp ám chỉ không hay, bởi vì ám chỉ nào cũng sẽ chỉ gợi cho ông ấy một ý nghĩ nào đó về bản thân mình. Cậu phải nói thẳng đề nghị của mình ra đi. Ông ấy sẽ đáp ứng ngay, chắc chắn, bởi vì ông ấy thích mang lại niềm vui. Điều đó tương hợp với ý nghĩ ông ta có về chính bản thân mình. Ông ấy muốn đem lại niềm vui cho những người giống mình.
– Cậu thật là thiên tài! – Skreta kêu lên – Đơn giản như hai với hai là bốn, mà lại đúng phóc! Tớ ngu thật đấy, tớ đã mất tiêu hai năm cuộc đời chỉ vì không biết cách giải mã ông ấy! Tớ đã mất hai năm vòng vo vô ích! Lỗi của cậu đấy, bởi vì nhẽ ra cậu phải khuyên tớ từ lâu rồi mới phải chứ.
– Này cậu, thế thì phải hỏi tớ từ lâu rồi chứ.
– Hai năm rồi cậu có đến thăm tớ đâu?
Hai người bạn bước đi trong công viên đang tối dần và hít thở bầu không khí tươi mát của mùa thu đang bắt đầu.
– Giờ đây tớ đã cho ông ta được làm bố, có lẽ tớ cũng đã xứng đáng được ông ta nhận làm con! – Skreta nói.
Jakub đồng ý.
– Bất hạnh là ở chỗ – Skreta tiếp tục sau một lúc im lặng khá lâu – quanh tớ chỉ toàn bọn ngốc. Trong cái thành phố này liệu tớ có thể hỏi lời khuyên của ai không? Chỉ vì sinh ra đã có trí thông minh, ngay lập tức người ta bị loại trừ tuyệt đối. Tớ không nghĩ đến gì khác, bởi vì đó là chuyên mốn của tớ, nhân loại tạo ra một số lượng kinh khủng bọn ngu ngốc. Một cá nhân càng ngu ngốc càng muốn sinh đẻ nhiều. Những con người hoàn hảo chỉ sinh nhiều lắm là một đứa con, và những người giỏi nhất, ví dụ như cậu, thì quyết định không đẻ đái gì cả. Thật là một thảm hoạ. Còn tớ, lúc nào tớ cũng mơ đến một vũ trụ nơi con người không được sinh ra giữa những kẻ xa lạ mà giữa anh em.
Jakub lắng nghe Skreta nói và không thấy có gì thú vị lắm. Skreta tiếp tục:
– Đừng nghĩ đó chỉ là lời nói! Tớ không phải là chính trị gia mà là bác sĩ, và từ anh em với tớ có một ý nghĩa chính xác. Chỉ là anh em những người có chung mẹ hoặc bố. Tất cả những người con trai của Salomon, dù họ sinh ra từ một trăm bà mẹ khác nhau, đều là anh em. Thế có tuyệt không! Cậu nghĩ gì về điều đó?
Jakub hít thở không khí trong lành và không tìm ra điều gì để nói.
– Chắc chắn – Skreta tiếp – thật là khó khăn để bắt người ta hoà nhập về mặt tình dục vì tương lai tốt đẹp của thế hệ sau. Nhưng vấn đề không nằm ở đó. Ở thế kỷ của chúng ta, dù sao cũng phải có những phương pháp khác để giải quyết vấn đề sinh đẻ hợp lý. Không thể mãi mãi nhầm lẫn giữa tình yêu và sinh đẻ được.
Jakub đồng ý với ý kiến này.
– Chỉ có điều, cái duy nhất mà cậu quan tâm là gạt sinh đẻ khỏi tình yêu – Skreta nói – Với tớ, đúng hơn phải gạt tình yêu khỏi sinh đẻ. Tớ muốn cậu biết về kế hoạch của tớ. Trong ống nghiệm có tinh trùng của tớ đấy.
Lần này Jakub thực sự chú ý.
– Cậu nghĩ gì về việc đó?
– Tớ nghĩ đó là một ý kiến tuyệt vời! – Jakub nói.
– Phi thường ấy chứ! – Skreta nói – Bằng cách đó tớ đã chữa khỏi bệnh vô sinh cho không ít phụ nữ. Đừng quên là na quá nhiều phụ nừ không đẻ con được, thì chỉ vì tại chồng họ bị vô sinh. Tớ có rất nhiều khách hàng trên khắp đật nước và, từ bốn năm nay, tớ chữa bệnh phụ khoa với ngân sách của thành phố. Lấy xi lanh hút từ ống nghiệm ra rồi tiêm vào người phụ nữ đang điều trị thứ chất lỏng sinh sôi chỉ là một việc nhỏ.
– Thế cậu có bai nhiêu đứa con rồi?
– Tớ làm thế từ nhiều năm nay, nhưng tớ chỉ tính toán được đại khái thôi. Không phải bao giờ tớ cũng có thể chắc chắn về khả năng làm bố của mình, vì các bệnh nhân của tớ, có thể nói vậy, đã vì tớ mà không chung thuỷ với chồng mình. Và vì thế, họ trở về nhà mình, và chẳng bao giờ biết liệu mình có thành công hay không. Mọi việc rõ ràng hơn với các bệnh nhân ở đây.
Skreta im lặng và Jakub thả mình vào một mơ mộng êm đềm. Kế hoạch của Skreta làm anh vui vẻ và xúc động, vì anh nhận ra lại người bạn mơ mộng hết thuốc chữa của mình:
– Chắc là phải cực kỳ hay việc có nhiều con đến thế với nhiều phụ nữ đến thế… – anh nói.
– Và tất cả đều là anh em.
Họ bước đi, hít thở không khí thơm hương và im lặng. rồi Skreta lại nói:
– Cậu cũng biết đấy, tớ thường xuyên tự nhủ là ngay cả có rất nhiều điều làm chúng ta không hài lòng, chúng ta vẫn có trách nhiệm với đất nước này. Tớ rất cú vì không được tự do ra nước ngoài, nhưng tớ sẽ không bao giờ có thể thoá mạ đất nước mình. Trước hết tớ phải tự thoá mạ mình cái đã. Và trong số chúng ta có ai không từng làm gì đó để đất nước tốt đẹp hơn? Ai trong số chúng ta không từng làm gì đó để người ta có thể sống được ở đây? Để nó trở thành một đất nước nơi người ta cảm thấy ở nhà mình? Chỉ có điều, cảm thấy ở nhà mình… – Skreta hạ giọng và thầm thì nói – cảm thấy ở nhà mình là cảm thấy ở giữa những người thân. Và vì cậu nói sắp sửa ra đi, tớ nghĩ mình phải thuyết phục cậu tham gia kế hoạch của tớ. Tớ có một ống nghiệm cho cậu. Cậu sẽ ra nước ngoài và ở đây con của cậu sẽ được sinh ra. Và từ giờ đến mười, hai mươi năm nữa cậu sẽ thấy mọi chuyện đẹp đẽ đến thế nào!
Trên bầu trời có một mặt trăng hình tròn (nó sẽ nằm đó cho đến cuối câu chuyện của chúng ta, vì lẽ đó chúng tôi thấy nên gọi nó là chuyện kể tuần trăng) và bác sĩ Skreta đi cùng Jakub đến khách sạn Richmond:
– Ngày mai cậu chưa được đi đâu đấy nhé – anh nói.
– Phải thế thôi. Người ta đang đợi tớ – Jakub nói, nhưng anh biết mình sẽ bị thuyết phục.
– Chẳng sao hết cả – Skreta nói – tớ vui vì cậu thích kế hoạch của tớ. Ngày mai, chúng ta sẽ bàn luận sâu hơn.