J yêu quý,
Nếu tớ dám, hẳn tớ sẽ gửi cả mẹ cậu lẫn mẹ tớ đến Căn phòng Tra tấn.
Mà thôi, tớ dám đấy. Tớ chán ngấy chuyện được dạy bảo rồi…
Carrie còn làm hỏng mọi chuyện không? Tớ không tin mình chịu được điều đó, tớ nhận diện bản thân qua cô ta hơi quá đáng nên khi cô ta làm mọi chuyện bung bét, tớ thất vọng lắm. Xem một tập phim kết thúc không có hậu đúng ngày mưa gió luôn vượt quá sức tớ. Trước đây, cứ mỗi lần suy sụp là tớ lại đứng bên cửa sổ ngắm mưa rơi và hút thuốc. Nhưng từ ngày cai thuốc, tớ không còn được làm như thế nữa. Suy sụp và rỗi hơi quả là những điều khắc nghiệt.
Có điều những mối tình của Carrie minh họa rất chuẩn cho lý thuyết của dì tớ: ta luôn kết thúc ngược lại với những gì xảy ra trước đó. Sau cuộc phiêu lưu ái tình với một gã quyến rũ ích kỷ và khó xơi như Big, ta dễ đổ quỵ trước gã trai tử tế đầu tiên sẵn sàng dấn thân. Nhưng khi ta đi chơi với người tình đờ đẫn chẳng thắc mắc hỏi han gì, ta sẽ chết vì buồn chán và bỏ gã ngay lập tức để chạy theo một con heo khiến tim ta thổn thức. Nhìn quanh cậu mà xem, cậu sẽ nhận ra rằng chuyện đó khá phổ biến. Dù sao thì chuyện đó cũng từng xảy ra với tớ.
Trong lúc chờ đợi, tớ lại nghĩ đến cuộc gặp gỡ giữa cậu và tớ, cậu từng kể là sáng sáng cậu chuẩn bị cho bản thân kỹ lưỡng thế nào và tớ tự nhủ hẳn cậu phải khiến người khác bực mình chết được mỗi lần cậu sắp xếp va li. Mỹ phẩm, đồ trang điểm, quần áo thời thượng, đủ thể loại giày… Chỉ riêng chuyện tưởng tượng ra những gì cậu phải đem theo cho một chuyến du lịch đã khiến tớ thấy buồn cười rồi.
Liệu cậu có dành chút thời gian nào tận hưởng bãi biển không hay cậu mất cả ngày chỉ để trưng ra đống đồ trang sức? Tớ thì tớ không còn đi biển nữa, hoặc nếu có đi thì cũng ngồi trong chỗ râm mát với cặp kính to tổ chảng. Trước đây tớ tắm nắng hàng tiếng đồng hồ dưới ánh mặt trời, nhưng qua tuổi ba mươi, hy sinh nhiều công sức như vậy để cuối cùng có thể chết vì ung thư không còn là việc làm cần thiết nữa. Vả lại trên bãi biển tớ thấy buồn lắm, trừ khi có sách hay để đọc. Nhưng để đọc thì luôn có một nơi thoải mái hơn bãi biển. Mà lại không có cát nữa chứ.
Ở Florida người ta ăn gì? Hẳn phải có nhiều loại ngũ cốc khác nhau, cậu có thể đánh chén thỏa thuê…
Chúc chuyến đi tốt lành!
A.
TB: Cậu khiến tớ buồn cười chết mất! Sinh vào một ngày thứ Tư nào đó thì có nghĩa gì chứ… cung phụ thuộc vào giờ giấc và nơi sinh. Cho tớ biết mấy thông tin đó nhé, tớ sẽ tìm hiểu thêm.
– Mẹ ơi chú ý, có một cái bậc kìa! Chờ đã, con sẽ giúp mẹ.
– Để mẹ yên, mọi chuyện rất ổn mà.
Sinh nhật bà nội tôi và bố tôi rất phấn khích. Ông đã đặt trước cả một phòng tại nhà hàng và ở đó, tôi gặp lại Bérénice dẫn theo gã trai của cô nàng khắp nơi, chú tôi và cô tôi.
– Cháu giới thiệu bạn với bà đấy à? bà vừa nói vừa chìa tay cho Vincent.
Bérénice phá lên cười rồi thay tôi trả lời bà:
– Đây là chồng của Riri đấy ạ! Dù sao cũng phải thừa nhận là anh ấy chẳng mấy khi cho chúng ta vinh dự được gặp anh ấy…
Hồi ba tuổi rưỡi, tôi đã phát điên lên mỗi lần bị cô nàng gọi như vậy, cô nàng biết điều đó nhưng vẫn tiếp tục cố tình. Giờ thì tôi chẳng thèm bật lại làm gì không thì cô nàng lại sướng điên lên.
Vincent hôn phớt môi bà và liếc nhìn tôi bực bội. Tôi thầm cầu nguyện sao cho anh ấy chọn một ngày khác để chấn chỉnh cô nàng.
Có một thành viên mới: bà nội đã làm quen với một ông bạn trên ghế băng trong công viên Buttes-Chaumont và mời ông tới, bố tôi làm ra vẻ rất vui nhưng thực tế thì ông chẳng lấy gì làm thoải mái.
Tôi cầu Chúa ban phước lành cho ông lão Michel này, ông là trung tâm chú ý và niềm nở trả lời mọi câu hỏi của cả nhà nên hôm ấy chẳng ai hỏi han tôi cả.
Liệu tôi có thể trả lời thế nào nhỉ? Vâng, tôi vẫn làm việc trong cửa hàng ấy; không, hợp đồng stylist của tôi với các ông chủ vẫn chưa được ký; và không, tôi chưa có bầu nếu không mọi người phải biết rồi chứ.
Những cuộc gặp hàng năm thế này thật kinh khủng, chúng cho phép mọi người tổng kết cuộc đời bạn, chỉ cần ba câu hỏi và bạn có thể đọc qua ánh mắt họ “cô chẳng tiến bộ gì”, tốt ra thì với vẻ lo lắng còn tệ ra thì với vẻ khinh thường.
Michel tỏ ra là một nhân vật khó tin: chủ tịch liên đoàn các ông lão sáu mươi tuổi đi Vespa, hè năm ngoái ông đã tổ chức cuộc đua vòng quanh đảo Corse và kể về thời hoàng kim ông từng trải qua với cái nhóm nho nhỏ của mình.
Bà tôi thì sung sướng, bố tôi thì rụng rời.
Michel chỉ phạm phải sai lầm duy nhất: hỏi tuổi bà nội tôi. Bà tránh trả lời và xử trí bằng một câu bất ngờ: “Tôi mà là một con chó thì tôi đã chết quách rồi!”
Đến giờ tặng quà… Khuyên tai, nước hoa, quần áo… Và đến lượt Bérénice. Cô nàng tặng bà một chiếc điện thoại di động.
Tặng một chiếc điện thoại di động cho bà tôi, người lúc nào cũng chỉ ở hoặc trong nhà hoặc trong công viên ngay dưới nhà nơi luôn có Martha đi cùng… Bà sẽ làm gì với một chiếc điện thoại di động đây?
– Cháu đã nhập số của cháu, như vậy bà có thể gọi cho cháu bất cứ lúc nào bà cần, Bérénice thủ thỉ.
Bản hòa tấu ngợi khen dành cho sáng kiến xuất sắc của cô nàng, thậm chí bố tôi cũng tham gia nữa, ông bấm bấm ấn ấn để nhập cả số của ông lẫn số của tôi.
Chiếc khăn choàng vai tôi chọn cho bà với biết bao yêu thương bị phớt lờ hoàn toàn và tôi thấy buồn lắm.
Vincent đã ra khỏi nhà hàng lúc di động của anh đổ chuông: ông chủ anh gọi từ Luân Đôn. Tôi thì thào kiên quyết hết mức có thể: “Mẹ kiếp, đang Chủ nhật kia mà!”, nhưng anh đã đáp lời ngay: “Em muốn gì chứ, anh cũng có việc phải làm cơ mà!”
Khốn nạn. Tất cả mọi người đều nghe thấy. Tôi ghét Vincent. Tôi ghét mọi người. Tôi nhìn anh khua tay qua cửa sổ và cố kìm nén mong muốn giằng lấy cái máy di động của anh để quẳng nó qua bên kia phố.
Đêm đã khuya và tôi tình nguyện đi lấy áo măng tô cho bà nội. Nhưng tôi lánh đi như thế là để biện minh cho cảm giác lẻ loi của mình.
Điều chắc chắn là tôi muốn rời khỏi cái gia đình này càng nhanh càng tốt, cái gia đình mà lẽ ra tôi phải cảm thấy gần gũi.
Lúc chia tay nhau, bà nội kéo tôi ra xa một chút:
– Cái khăn của cháu tuyệt lắm, bà sẽ không rời nó đâu.
– Tốt quá. Cháu thấy ông Michel tuyệt lắm ạ, thật đấy…
– Ariane, bà thấy cháu không được vui… Điều gì khiến cháu lo lắng vậy?
– Chẳng có gì đặc biệt đâu ạ, cháu có cả đống thứ trong đầu, nhưng cháu ổn.
– Những thứ gì?
– Dạ thì cháu tự vấn mình… Bà biết không, đôi khi cháu muốn đang ở tuổi bà. Muốn điều cốt lõi ở phía sau cháu. Và muốn có câu trả lời.
Bà mỉm cười và khẽ lắc đầu:
– Đúng là ở tuổi bà người ta biết một số câu trả lời; nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì hết vì không ai nghĩ tới chuyện đặt câu hỏi cho thế hệ các cháu nữa…
Bà ôm trọn khuôn mặt tôi giữa hai bàn tay rắn rỏi đến bất ngờ và nhìn vào mắt tôi:
– Cháu có hạnh phúc không cháu yêu?
Tôi hôn tay bà và vội đi ra xa, không thể để bà thấy tôi đang khóc.
Mười phút sau Vincent gặp tôi trong xe, anh mua hoa tặng tôi và xin lỗi tôi. Đây không phải lần đầu anh cư xử như vậy và anh sẽ còn tái diễn.
Dù sao thì tôi khóc cũng không phải do lỗi của anh, hay đúng hơn là không chỉ do lỗi của anh.
Bó hoa anh tặng chẳng giải quyết được gì, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tôi không muốn dành phần còn lại của ngày cho việc cố giải thích với anh những xúc cảm mà chính tôi cũng không chắc mình hiểu.