Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anh Trai, Em Gái

Chương 16: Thay đổi

Tác giả: Tào Đình

Ba con chuột nếm thử rượu của ba nước Mỹ, Trung, Nhật. Con chuột uống rưọu Mỹ đi ba bước thì ngã; con uống rượu Nhật đi hai bước; con uống sái rượu của Trung Quốc chạy về tổ cầm con dao vung lên, nói: “Mẹ kiếp, mèo đâu?”.

Sáng sớm vừa mở máy đã có tin nhắn, An An mở xem, là tin nhắn của Hà Tắc, không cần xem cũng biết lại vẫn là những câu đùa vô duyên. Nhưng An An cũng kiên nhẫn nhắn lại, vừa đọc tin trả lời đã thấy hối hận, quả nhiên anh chàng chẳng có chiêu gì mới! Cô dứt khoát xoá mẫu tin.

Mấy ngày nay An An rất vui. Một là vì mẹ đến chơi; hai là, Liêu Văn Đạo đúng là một người tốt.

Mẹ đến, An An không còn thấy cô đơn, có thể đi đi về về. Một hôm, mẹ đưa An An ra chỗ vắng, hỏi vết thương trên trán thế nào. An An sợ mẹ lo lắng, nói đã khỏi hẳn, không còn cảm thấy gì nữa. Thực ra vào những ngày nóng nực, vết sẹo rất ngứa. Mẹ vuốt nhẹ tóc An An, nhìn vết sẹo, bà đau lòng lắm. Nước mắt mẹ rơi xuống, bàn tay thô run rẩy lau: “Con, khổ cho con quá!”.

Sự xót xa, đau đớn của người mẹ phát huy hết tác dụng trước mặt cô con gái đáng thương.

“Mẹ! Con không đau, mẹ đừng lo cho con. Mẹ xem, đã khỏi hẳn rồi”. An An cầm bàn tay mẹ đặt lên trán, cười.

“Sao lại khỏi hẳn được? Một vết sẹo to như thế, sau này chồng con thế nào!”.

“Mẹ, mẹ nói gì thế? Mẹ không biết con gái mẹ có sức hấp dẫn thế nào hay sao! Ha ha! Bao nhiêu người đang xếp hàng đấy”. An An cười kiêu hãnh.

Bà bối rối nhìn con. Từ bé nó đã là đứa cả nghĩ, sao giờ lại cười thoải mái như vậy. Nhìn vào mắt con, bà biết nó rất buồn.

“Nhưng dù vết thương có khỏi, mẹ biết suốt đời con cũng không thể quên”. Nói đến đây mẹ nghẹn ngào, xoa mặt con gái, khuôn mặt đẹp nhưng đã không còn nguyên vẹn. Mặc dù vậy nó vẫn tươi cười, không để cho người khác biết vết thương trong lòng. “Con đừng trách chị!”.

An An nhìn mẹ. Tóc mẹ bạc, sắc mặt cũng kém đi nhiều. Đó là mẹ cô, cũng là mẹ của chị cô. An An đột nhiên không cười nữa. “Mẹ ôm con đi?”. An An nói, vẻ bình thản, mắt tinh nghịch, vui như không có tâm sự gì.

Nhưng người mẹ rất đau lòng, bà ôm lấy con. “Con tôi! Con tôi!”, sau đó khóc như mưa.

An An yếu ớt trong vòng tay mẹ, mắt nhắm nghiền, nghe những lời quen thuộc, lát sau cô lúng búng: “Lúc nhỏ con thích nằm trong lòng anh Dương Dương như thế này, để anh ấy ôm con”. An An nói, giọng du dương như hoài niệm, lại như nuối tiếc.

“Nhưng sau mùa hè năm đó, con không dám gần anh nữa”.

Mẹ đẩy An An ra, trách: “Ngốc ạ, đã bảo con bao nhiêu lần, không được nghĩ như vậy. Các con là anh chị em ruột, đều do mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày sinh ra. Sao có thể như vậy, con vẫn còn trách Mai Mai ư?”. Mẹ nói, vẻ không vui.

An An nhìn mẹ, nghĩ tới câu mẹ nói lúc ôm cô: “Con tôi! Con tôi!” sao xót xa, đau đớn. Chắc mẹ cũng nói với chị như vậy, cũng bằng giọng thảng thốt: “Con tôi! Con tôi Em con…”. Chị cũng là con của mẹ!

An An biết mẹ lại sắp kể chuyện kẹo đắng. Có một loại kẹo đắng, toả hương thơm, rất đắng, nhưng đích thực là kẹo, vì thế có tên kẹo đắng.

An An và Mai Mai ra đời, toả hương thơm say đắm lòng người. Giữa hai người có nỗi đắng cay, nhưng họ vẫn là cặp chị em song sinh thân thiết nhất.

An An cười nói: “Con đùa ấy mà, con trách chị cái gì chứ? Vết sẹo trên trán con liên quan gì đến chị, cứ cho là chị đẩy con, cũng chỉ là vô tình thôi. Mẹ nói vậy hoá ra con là người hẹp hòi sao! Tình cảm chị em đâu có vì vậy mà sứt mẻ!”.

Bà mẹ nhìn con gái. Bà sợ những lời nói của mình chạm vào chỗ mẫn cảm nhất cuả con. Bà biết nó đang nói dối để bà yên tâm, nhưng dù có biết bà cũng chẳng thể làm gì. Dù sao hai đứa nó vẫn là con của bà.

Bà lại ôm An An vào lòng, không nói gì. An An nghĩ tới biển đèn bên ngoài, đâu là ngọn đèn của riêng mình? Tự dung nghĩ tới Liêu Văn Đạo, chàng nhạc công cô quen qua mạng, người đã chỉ vạn ngọn đèn bên kia sông Gia Lăng hứa tìm cho cô một ngọn đèn của riêng cô, để cô cảm thấy ấm áp trong mùa đông, để cô có thể cười thoải mái lúc vui, để cô khóc thoải mái lúc buồn, để cô có chỗ dựa khi chơi vơi. Cô gửi gắm tất cả trong ngọn đèn đó.

Nói tạm biệt anh trai, chị gái, ra khỏi nhà, An An nghĩ: Che giấu là việc mệt nhất, giả bộ là khó nhất. Cô phải giả bộ đáng yêu, hồn nhiên trước mặt anh trai để anh thấy cô vui. Cô phải giả bộ ấu trĩ, nông cạn trước mặt chị gái để chị cảm thấy cô không thể tạo nên mối đe dọa cho ai. Cô phải tỏ ra độ lượng trước mặt mẹ để mẹ không thấy đau lòng. Cô yêu gia đình, nhưng cảm thấy sống như vậy quả là rất mệt.

Nghĩ vẩn vơ thế nào, cô lại lên xe đến tượng đài Giải Phóng Quân.

“Liêu Văn Đạo, em đang ở dưới nhà anh”. An An gọi điện cho Liêu.

Liêu nghe điện thoại xong lập tức xuống lầu. Ngồi thu lu một góc, cô lại biến thành con mèo lang thang, gầy đói trơ xương.

“Sao thế, Bọ Con?”. Liêu Văn Đạo đến trước An An, cúi xuống hỏi nhỏ, kinh ngạc nhận ra không biết cô bé đã trải qua những gì mà lần nào gặp, trong mắt cũng vời vợi cô đơn, bơ vơ, hoang hoài.

“Em…hình như…Liêu Văn Đạo…”, không ngờ mình lại yếu đuối đến thế. Cô vẫn nghĩ mình rất cứng rắn, nhưng khi được quan tâm thì lại không kìm được nước mắt. “Em…hình như không thể về nhà, đúng…em không thể về nhà…Nhà của em đâu?”. Sau đó cô ngước mắt, hoang mang hỏi.

Liêu Văn Đạo nhìn cô gái luôn gây bất ngờ cho anh, cau mày hỏi: “An An, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”. An An không nói, Liêu nghĩ một lát, đoạn để tay lên vai cô, chuyển giọng vui vẻ: “Con cái nhà ai thế này? Lạc đường ư? Để anh xem nào!”. Nói đoạn, Liên làm bộ ngó trân trân vào mặt An An, nhại giọng Kinh kịch: “Trời ơi, đây chẳng phải là đại phu nhân Bọ Con của tôi sao?”.

An An khẽ thở dài, bật cười, mắt vẫn đỏ hoe.

“Nương tử, xin hãy bớt giận, tất cả là tại đức lang quân này đây”. Thấy An An cười, Liêu càng cao hứng, cố kéo dài từng chữ cho giống Kinh kịch: “Nương tử ơi…xin nàng vui lòng đợi tướng công, lát nữa tướng công sẽ mời nàng dùng bữa…”.

Liêu dừng lại, mặt An An lập tức tươi tỉnh, hỏi: “Mời em ăn gì?”.

“Chân giò kho”. Mấy từ này cũng được hát bằng giọng Kinh kịch, nhưng chữ “kho” Liêu không lên được, đành gãi đầu cười.

An An cười đau cả bụng, vui vẻ theo Liêu Văn Đạo lên lầu. Lúc cởi giày vào nhà, cô ngơ ngẩn nhìn ngọn đèn trần trong phòng khách.

Thế là bữa tối được ăn món thịt chân giò kho do Liêu Văn Đạo tự tay làm, ngon bất ngờ, mềm mà không nhũn, béo mà không quá ngấy, màu hồng bóng nhẫy, chưa bao giờ An An ăn nhiều như vậy. Chàng Béo bảo đây là lần đầu tiên Liêu Văn Đạo nấu ăn.

“Cậu chỉ nói xạo, rõ ràng tớ đã nấu ba lần”. Liêu Văn Đạo cãi.

“Thật không? Ngoài món này anh còn biết nấu món nào nữa?”. An An hiếu kỳ hỏi.

“Cơm rang trứng”.

“Món nào nữa?”.

“Trứng rang cơm”. Liêu Văn Đạo nói tỉnh queo. Câu nói vốn đã rất buồn cười cộng thêm bộ mặt tỉnh khô của Liêu khiến An An cười rũ rượi.

Trong lúc vui cười An An lại xới thêm bát nữa, Liêu Văn Đạo nói đùa, bảo cô giống như lợn nái. Anh chàng dứt khoát gọi cô là sâu lợn. “Em đúng là sâu lợn”. Liêu hài lòng với câu nói pha trò của mình. An An không hiểu sâu lợn là gì, hỏi thì được giải đáp: “Một loài vật đẹp”.

Ba người ăn uống rất vui vẻ.

Chàng Béo đeo kính gọng đen, cái mũ lưỡi trai thường trực trên đầu, trông vừa hiền lành vừa có vẻ lãng mạn của nghệ sĩ.

An An nhìn Liêu Văn Đạo và Chàng Béo, nghĩ bụng ai bảo những người làm việc ở quán bar là xấu? Những ngày tiếp sau rất thú vị. An An ngày lên lớp, tối về ngồi trong quán Địa Đàng, thưởng thức tiếng đàn của Liêu Văn Đạo. Nhìn đám người lúc quay cuồng, lúc dìu dặt theo điều khiển của Liêu, An An cảm thấy thật kỳ diệu. Cô gọi anh là pháp sư. Chỉ pháp sư mới có thể dùng tiếng nhạc khống chế hành động, tư tưởng của con người.

Liêu Văn Đạo rất kiêu hãnh trước sự sùng bái của cô.

Thời kỳ đó, hầu hết thời gian sau khi lên lớp của An An đều ở chỗ Liêu. Cô cứ việc đến thẳng phòng trọ, tự mở cửa, một mình ở trong phòng, nếu buồn thì lên mạng. Nhưng An An không thấy thích thú bên máy vi tính nữa. Những khi Liêu Văn Đạo phải làm việc ở Địa Đàng, An An lại mở radio hết cỡ, rồi như một bà chủ nhà vui vẻ dọn dẹp, lau chùi, giặt quần áo cho hai chàng trai, lại ước tính thời gian để chuẩn bị sẵn bữa ăn đêm cho cả ba người, xong xuôi ngồi chờ và đợi lời khen ngạc nhiên của Liêu.

Đôi khi, hai người vừa bước vào phòng đã bàn ngay công việc, chẳng để ý đến thành quả lao động của An An, cô giận dữ đến bóp cổ Liêu: “Ông xã, nhìn xem, phòng có khác gì không?” rồi lại hớn hở nghe Liêu khen: “Ồ, mình đang nghĩ tại sao phòng lại sáng sủa thế này, hoá ra là có bàn tay của bà xã!”.

Mỗi lúc như vậy Chàng Béo lại nhìn An An vẻ tán thưởng, Liêu thì đứng cạnh bà xã, nói: “Chàng Béo, cậu ghen với bà xã xinh đẹp, giỏi giang của tớ sao?”. Mỗi khi An An thấy Liêu Văn Đạo gọi mình là bà xã, cô lại thấy sự yên ổn khó hiểu, cảm thấy cuối cùng mình đã có mái nhà ấm áp như vạn gia đình ngoài kia.

Cuối tuần lại di xem phim với Liêu. Liêu Văn Đạo thích đưa An An đi ăn, âu yếm nhìn cô ăn ngon lành.

“Sâu lợn sắp lớn rồi”.

“Sâu lợn?”. An An không phải là người Trùng Khánh, cô không hiểu sâu lợn sắp lớn là thế nào.

“Ha ha! Đó là con ngài”, Liêu nói, trìu mến vuốt ve khuôn mặt An An, “ra khỏi kén trở thành con bướm xinh đẹp”.

An An không xấu hổ, ngoan ngoãn ngồi nghe lời nịnh của Liêu.

Có lúc cô cũng buồn, vì sao Chàng Béo lại gầy như thế.

Liêu kể rằng, ngày trước, Chàng Béo cũng muốn ra ngoài tự lập, tin tưởng sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Khi chưa có việc làm, không có tiền, nhịn đói hoài nên Chàng Béo gầy đi. An An nghe, thương rơi nước mắt, vậy là càng chăm sóc hai người hơn, cuộc sống rất vui vẻ.

Thì ra bản tính của phụ nữ là thích chăm sóc đàn ông. Lúc ở nhà, anh trai đã có chị gái chăm sóc, cái thiên tính phụ nữ của An An không có cơ hội phát huy. Ở đây với Liêu Văn Đạo suốt ngày làm việc không có thời gian nghỉ ngơi, thiên chức phụ nữ của An An mới được bộc lộ, thậm chí là phát huy thái quá. An An luôn cảm thấy trong cuộc sống, Liêu Văn Đạo rất ngốc nghếch. An An nói: “Văn Đạo, xa em anh sống thế nào đây?”. Liêu hỏi lại: “Tại sao anh phải xa em?”.

An An cười, trong lòng ấm áp, thầm nghĩ, khổ đến mấy em cũng theo anh.

Dương Dương nhận ra cô em gái An An thường xuyên vắng nhà, mỗi khi về là trốn luôn vào bếp học nấu ăn với mẹ, chăm chỉ, chuyên tâm chưa từng có, thế là đoán ngay: “Chắc chắn An An đã yêu?”. Còn khi thấy An An cười ngượng nghịu đầy hạnh phúc lại nhận xét: “An An khi yêu béo ra, đẹp lên”.

Nghe vậy An An xấu hổ, úp mặt vào hai lòng bàn tay, nói nhỏ với anh: “Đâu có!”, rồi trốn luôn vào phòng một mình.

“Không có thật sao? Vậy cô đang vui gì thế? Suốt ngày cười như hề chèo ấy”.

An An không trả lời, thầm nghĩ, Liêu Văn Đạo đã nói mình là con ngài, mình sẽ biến thành bươm bướm. Đây là một lần lột xác – một lần lột xác đẹp đẽ.

Bình luận
720
× sticky