Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lều Chõng

Chương 17

Tác giả: Ngô Tất Tố
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Hôm nay trời đã bớt lạnh, mặt trời hình như mọc sớm hơn các hôm khác. Đốc Cung và anh em Vân Hạc vừa mới lần lượt trở dậy, ánh nắng vàng nhạt đã lấp lánh in vào những chiếc lá bàng úa đỏ ở trước sân.

Quen lệ, thằng nhỏ nhà trọ nhanh nhảu đệ lên chỗ ngồi của khách một siêu nước sôi và bộ bàn chè chén mẫu.

Vân Hạc đương lúi húi đổ chè ra chiếc nắp bao và rẽ ràng trút vào chiếc ấm quần ẩm, ngoài sân bỗng có tiếng hỏi:

– Tôi tưởng các ngài còn ngủ, té ra đã dậy cả rồi.

– Hôm nay sao chư tiên sinh dậy sớm quá vậy?

Cả nhà đều ngẩng lên trông.

Trần Đức Chinh nghênh ngang lên thềm với một nụ cười tủm tỉm.

Đốc Cung nhận rõ anh ta đương có việc gì đắc ý, sau khi chào nhau khắp lượt, chàng hỏi:

-Cậu có tin đỗ tú tài đấy chứ?

Đức Chinh theo lời mời của Vân Hạc, ngồi vào trong ghế, rồi làm ra vẻ khiêm tốn:

– Ông nói lỡm nhau chi thế? Tú tài đâu đến phần tôi? Nếu tôi mà đỗ, thiên hạ còn ai hỏng nữa?

Đốc Cung cười kiểu chế nhạo:

– Cái đó không biết chừng… Học tài thi phận, cậu ạ. Nhưng nếu không có tin đỗ thì sao người cậu hôm nay lại thấy tươi hơn mọi hôm?

Đức Chinh vẫn đáp bằng giọng thật thà:

– Vì tôi mừng cho ông Hạc.

Đốc Cung vội hỏi:

– Cậu biết anh Hạc đỗ à?

– Vâng, có lẽ ông Hạc sẽ đỗ thủ khoa.

Vân Hạc buột miệng:

– Nếu quả như vậy, thì các quan trường năm nay đã biết chấm văn.

Rồi chợt nhớ ra trước mặt còn có Đoàn Bằng, Tiêm Hồng, chàng liền lảng sang ngách khác.

– Nhưng cậu nghe được tin đó ở đâu?

– Hôm qua thày tôi có vào thăm quan tổng đốc, trong lúc nói về việc trường, ngài có cho biết như vậy. Vì tôi khoe ông Hạc là bạn với tôi cho nên thày tôi giục phải đến đây sớm để báo tin mưng.

Hải Âu cũng hỏi:

– Vậy ngài có biết bao giờ thì xướng danh không?

– Cứ như thầy tôi nói lại, tin chắc cũng không còn lâu lắm. Bởi vì còn phải đợi “chỉ” trong kinh.

Đoàn Bằng ra ý nóng ruột:

– Thưa ngài, thế cụ lớn nhà dạy như thế nào?

– Thày tôi nói rằng: sáng sớm hôm qua. vừa có mật tin từ trong trường ra báo quan tổng đốc cho biết rằng: việc trường đã xong hết cả, giải ngạch, cử nhân, tú tài cũng lấy xong rồi. Chỉ còn hai ông giải nguyên. á nguyên thì chưa quyết định. Là vì trong số hơn một trăm quyển được vào phúc hạch thì quyển của ông Hạc là tốt hơn cả, rồi đến quyển của ông Nguyễn Chu Văn.

Ông Hạc được hai “ưu” ngoại hai “ưu” nội và mười hai “bình”, ông Văn được một “ưu” ngoại, một “ưu” nội và mười bốn “bình”. Như thế thủ khoa đáng lẽ phải về ông Hạc vì đã hơn hẳn ông Văn hai “ưu” kìa mà. Nhưng mà ông Hạc mới hăm hai tuổi lại là chân trắng mà ông Văn thì đã bốn mươi nhăm tuổi lại đã hai khoa tú tài. Neú lấy sự cao niên túc học làm trọng thì ông Văn cũng nên được đỗ thủ khoa. Quan chủ khảo và quan ngự sử đă tranh luận mãi về chỗ đó. Ý quan chủ khảo muốn để ông Văn ở trên vì ngài trọng người tôn niên. Nhưng quan ngự sử nhất định không nghe, ông này cho rằng: việc thi cử là thi bằng văn, không thi bằng tuổi, hễ mà văn hay thì phải đỗ trên, bất luận tuổi nhiều hay ít. Kết cục, hai ngài không ai chịu ai, ai cũng nhận cái lý của mình là phải. Vì thế các ngài mới phải làm sớ tâu về triều đình và gửi tất cả các quyển trong bốn kỳ của hai ông ấy vào đó, để tùy trong triều định đoạt.

Đức Chinh kết luận:

– Từ đây vào kinh, vừa đi vừa về, ít ra cũng phải ngoài hai chục ngày. Vả lại, sớ vào đến nơi, hoàng thượng xem rồi, lại còn giao cho triều thần bàn bạc nữa chứ. Như vậy, có lẽ phải mươi ngày nữa mới có “chỉ” ra…

Hải Âu ngắt lời:

– Không! Từ đây vào kinh, cả đi lẫn về chỉ hết độ hơn mười ngày là cùng. Bởi vì trong năm Gia Long thứ ba, trình hạn của phu chạy trạm đã có định rõ: từ Bắc thành đến kinh đô, việc gấp, phải chạy năm ngày cho tới. Người nào chạy được đúng hạn thì thưởng ba quan, quá hạn độ một hai ngày, thì phải phạt ba chục roi đòn. Việc thi bây giờ cũng là việc gấp, bao nhiêu quan trường, bao nhiêu học trò đều đương ngong ngóng chờ đợi kia mà. Lẽ nào phu trạm lại dám để chậm?

Cương Phượng tỏ ý kinh ngạc:

– Trời ơi, đường đất từ đây vào kinh, kể có nghìn dặm, thế mà chỉ đi năm ngày! Họ chạy nhanh bằng Luật Kinh chạy theo mặt trời. Nhưng chạy như thế lỡ ra phu trạm mệt quá, chết ở ngang đường thì làm thế nào?

Hải Âu đáp:

– Họ chết ở cung đường nào, thì nhà trạm ở cung đường ấy phải cắt người khác nhận lấy giấy má của họ mà chạy luôn đi. Trong luật đã có nói rõ như vầy.

Rồi thày trở lại câu chuyện thi cử.

– Tôi chắc nay mai, chỉ của triều đình sẽ ra đến đây và vài ngày nữa thì sẽ có cuộc xướng danh.

Đức Chinh vừa cười vừa nhìn Vân Hạc:

– Thôi thì bao giờ xướng danh mặc lòng, ông cũng không phải nóng ruột, mười phần đỗ cả mười rồi. Chẳng thủ khoa thì á nguyên, quyết không xuống đến thứ ba.

Vân Hạc cũng cười:

– Có đỗ thủ khoa thì tôi đỗ chơi cho hay, chứ đỗ á nguyên còn thú gì nữa?

Đốc Cung nói đùa:

– Thật là được thể dễ nói khoác. . . Tôi chỉ cầu Trời khấn Phật cho anh hỏng khoa này nữa, để xem anh sẽ nói với chị ấy ra sao.

Tường Loan chỉ vào Đoàn Bằng. Tiêm Hồng và hỏi Đức Chinh:

– Thưa ngài. còn hai ông này ra sao, ngài có biết tin gì không?

Đức Chinh lắc đầu:

– Tôi không được rõ vì không thấy thày tôi nói chuyện. Nhưng chắc các ngài đỗ cả.

Mỗi người nói phiếm thêm mấy câu nữa, ấm chè vừa tàn. Đức Chinh cáo từ ra về.

Bây giờ ánh nắng đã xuyên qua lỗ cửa sổ, chếnh chếch xuống nền nhà. Hạt bụi xanh đỏ rối ni giờn nhau trong những luồng sáng thẳng vuông như chiếc tay thước Trong nhà đầy vẻ ấm áp của tiết tiểu xuân. Hải Âu cao hứng bảo với Đốc Cung:

– Hôm nay chúng mình phải đi ngoạn cảnh cái chứ. Bó gối ngồi nhà để ngong ngóng đợi ngày xướng danh hộ các ông ấy là cái nghĩa gì?

Đốc Cung chưa kịp trả lời. Hải Âu lại tiếp:

– Đã mười năm nay tôi khỏng đặt gót đến đất Hà Nội. Không biết bây giờ cuộc dâu bể của các cảnh vật xứ này đã đi đến chỗ nào rồi. . .

Đốc Cung vừa cười vừa đáp:

– Thú thật với bác, tôi ở nhà luôn mấy hôm nay đã thấy tù cẳng lắm rồi. Bác tính còn gì khổ bằng cái thằng thi hỏng lại phải ở lại để đợi anh em xem bảng?

Hải Âu cũng cười và hỏi:

– Nhưng mà bác định đi chơi đâu giờ?

Tường Loan cướp lại:

– Tôi thấy các cụ vẫn nói phong cảnh hồ Tây đẹp lắm mà chưa được đến nơi. Hay là các ông lên chơi trên ấy cho tôi đi với?

Đoàn Bằng tán vào:

– Phải đấy, hôm nay trời ấm, có lẽ lên chơi hồ Tây cũng thú.

Rồi đó ai nấy đội khăn mặc áo, kéo thẳng lên nẻo cửa Bắc và rẽ sang đường Cổ Ngựa. Lúc ấy cây cối đã đương đổi lộc, quanh hồ như vẽ một cảnh tiêu sơ. Trên lớp cỏ héo ven đường, những chiếc lá đa vàng úa tơi bời rơi rụng. Trong khu giữa hồ, một đám sen tàn, xờ xạc lượt theo gợn sóng. Ngoài nẻo xa xa, mấy bông lau sậy trắng xóa, thi nhau đùa trước ngọn gió hiu hiu.Ngắm các cảnh vật trước mắt, Hải Âu tự thấy vô hạn bồi hồi.

Sau khi thăm quán Trấn Vũ, cả bọn đủng đỉnh sang chùa Trấn Quốc. Bây giờ mặt trời đã cao, bầu trời rất sáng sủa, bằng mây thăm thẳm lồng xuống đáy nước, làm cho cảnh hồ càng thêm mông mênh. Hải Âu thơ thẩn đi lại trước nhà chùa hồi lâu, thình lình thày chạy đến chỗ Đốc Cung, Vân Hạc, vừa cười vừa nói:

– Tôi định làm một bài hoài cổ, nhưng mới nghĩ được bốn câu thì hết mất tứ, bác Cung và các chú tiếp hộ.

Đốc Cung liền bảo:

– Bốn câu của bác ra sao?

Hải âu đọc:

“Cáo trắng trâu vàng chuyện có không?

“Đêm trăng bao độ rước thuyền rồng?

“Nào khu yếm xống hàng quan thị?

“Đâu chỗ ca, chèo bóng gái cung?…

Đốc Cung tỏ vẻ bông đùa:

– Hay thì hay thật. Nhưng câu thứ ba chua lắm.

Tường Loan ngơ ngẩn:

– Thế là Trấn Quốc tự hoài cổ, hay là Tây hồ hoài cổ?

Hải Âu đáp:

– Tây hồ hoài cổ đấy chứ. Nếu Trấn Quốc tự hoài cổ thì sao cho đắt?

Tường Loan càng ngạc nhiên:

– Vậy thì mấy chữ “yếm xống”, “ca chèo” là ý thế nào?

Hải âu cắt nghĩa:

– Đó là tôi muốn nói về chuyện chúa Trịnh. Trong lúc họ Trịnh còn thịnh. hồ Tây vẫn còn là một nơi thắng thưởng, giống như vườn Phù dung của Đường Minh Hoàng, chùa Trấn Quốc này, đã bị lập thành hành cung, mỗi tháng nhà chúa ra chơi chừng vài ba lần. Cung nữ trong phủ, ngày thường đã phải may sẵn hàng nghìn đèn lồng toàn bằng gấm vóc là lượt, thêu thùa rất khéo, khi nào chúa sắp ra. lính tráng phải lĩnh những đèn lồng ấy đem treo khắp các ngọn cây, rồi các quan thị từ hạng tam phẩm trở lên, đều phải dọn quán bán hàng ở khắp bờ hồ. Trong quán có đủ các thức phấn, sáp, quà, bánh, đồ ta, đồ tàu… Rồi chính những vị “ông cả không xâư đó lại phải mang yếm, mặc xống, chít khăn mỏ quạ: giả làm con gái bán hàng và ngồi chầu chực trong quán một đêm. Nhà chúa ở phủ ra hồ, thường thường vào cuối canh hai. Ngài ngự một chiếc thuyền rồng rất lớn có nhiều thuyền của các quan thị tụng đi theo. Trong thuyền có đem rất nhiều cung nữ và đồ chè chén. Thuyền ra giữa hồ, nhà chúa bắt đầu uống rượu, cung nữ kẻ đàn người hát, tiếng hát tiếng đàn phải rất lả lơi. Người nào cần dùng món gì, cứ việc cho thuyền ghé vào gần bờ, rồi lên mua ở các quán của bọn quan thị. Trong lúc mua bán, hái bên tha hồ cười đùa chớt nhả. hát vè hát ví y như trai gái nhà quê. Câu thứ tư, chỉ về chuyện đó.

– Vậy còn mấy chữ “cáo trắng” “trâu vàng”?

– Đấy là tôi theo điển tích của sách Trích quái và sách Địa cảo. Trích quái chép rằng: ở đời thượng cổ, hồ Tây còn là một trái núi nhỏ. Trên núi có con cáo trắng chín đuôi thường hay hóa ra yêu quái làm hại dân cư. Ông thần Long đô đem việc ấy tâu với Thượng đế, Thượng đế cả giận, liền sai Long vương giết con yêu đó. Long vương vâng lệnh, đem các thủy tộc ngược dòng sông Nhị tiến lên nã bắt. Trái núi đó tức thì sụt xuống thành ra cái hồ. Còn sách Đìa Cảo thì nói: trong núi Lạn Kha có con trâu vàng. Khi nghe tiếng chuông ở quán Trấn Vũ, con trâu ấy tưởng là tiếng mẹ, vội vàng lồng ra, rồi ẩn vào trong hồ này. Ấy là những chuyện hoang đường như thế, mà từ xưa đến nay, ai ai cũng tin thì có lạ không?

Rồi Hải Âu quay hỏi bọn Đốc Cung:

– Bác và các chú đã nghĩ được câu gì chưa?

Đốc Cung đáp:

– Tôi mới nghĩ được hai câu như vầy:

“Xờ xạc đầu vời sen rạc lá,

“Phất phơ cuối bãi, sậy phơi bông.

Hải Âu khen được và bảo Vân Hạc:

– Chú thử tiếp nốt xem sao.

Vân Hạc ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:

– Thế thì thế này:

“Lâu đài Lê, Trịnh tìm đâu tá?

Bảng lảng rêu xanh bóng ác hồng”.

Cả bọn đều là cho hay. Hải Âu muốn lên Nhật Chiêu, thuê một chiếc thuyền chở ra giữa hồ chơi. Nhưng khi hỏi thăm bọn sư trong chùa, thì họ nói rằng:

– Nếu muốn dùng thuyền, phải hẹn từ hôm trước hay từ sáng sớm. Bây giờ mới thuê, không chắc đã được, vì rằng những nhà có thuyền đều đi làm ăn vắng nhà.

Hải âu thấy trời đã xế chiều, tưởng chừng nếu thuê được thuyền đi nữa, cuộc du thưởng cũng không còn được bao láu, thày đành phải thôi. Cả bọn dạo quanh bờ hồ một lúc nữa rồi cùng lẽo đẽo trở về.

Tới khỏi cửa Bắc, thình lình có tiếng người gọi Vân Hạc, mọi người cùng quay mặt. Trần Đức Chinh vừa ở ngõ ngang đi ra. Chàng thở và hỏi:

– Các ngài có ai quen cụ Hoàng Doãn Đạt hay không?

Hải âu hỏi lại:

– Có phải cụ Hoàng Doãn Đạt giáo thụ phủ Kinh môn, mới rồi được cử đi làm phúc khảo đó không?

Đức Chính đáp:

– Phải? Chính cụ ấy.

Hải âu nói:

– Chúng tôi quen cả. Vì cụ ấy nguyên là học trò thày tôi ngày xưa, đối với nhà tôi rất thân. Ngài hỏi vậy có việc gì chăng?

– Thấy nói cụ ở trong trường bị bệnh nặng lắm, mới được cáo ra lúc trưa, bây giờ còn trọ trong nhà người quen ở phố Cửa Nam. Chắc cụ biết rõ công việc trong trường, các ngài thử xuống hỏi xem chỉ của triều định đã ra đây chưa?

Đến đây, Đức Chinh ngừng lại và nhìn Vân Hạc.

– Chỉ vì việc đó, tôi phải lật đật tìm ngài từ trưa đến giờ. Gặp ngài ở đây may quá. Bây giờ tôi về có việc. Đến tối xin lại thăm các ngài.

Vân Hạc tỏ ý cảm ơn.

Đức Chinh chào khắp bọn này và rẽ sang nẻo hàng Than.

Hải âu thấy cụ giáo Kinh Môn bị đau, tự nhiên trong ruột bồn chồn như bị lửa đốt. Là vì cụ với anh em Hải Âu tuy chỉ là chỗ thế huynh thế đệ, song hai nhà ăn ở với nhau không khác gì người ruột thịt. Xưa nay Hải Âu và các em vẫn kính mến cụ vô cùng. Hơn nữa thày với cụ lại cùng chung một tính tình, hầu hết những cuộc đăng sơn lâm thúy, hễ có cụ thì phải có thày, nhiều khi thày vẫn nằm ở nhà cụ hàng hai ba tháng. Bây giờ nếu cụ đau thật, ít nhất thày phải biết ngay bệnh cụ thế nào thì mới yên dạ. Vì vậy, sau khi Đức Chinh đi khỏi, Hải Âu giền bảo Đoàn Bằng, Tiêm Hồng cùng đi với mình xuống phía Cửa Nam, để bọn Vân Hạc hãy về nhà trọ, sợ rằng ở đấy có khách nào chăng.

Thì ra sự ức đoán của Hải Âu không sai chút nào, ở nhà quả có một người em họ hàng Đào Nguyên mới ra. Người ấy bảo cho Vân Hạc biết rằng: hôm nay cụ Năm đã định ra chơi. Nhưng vì chưa rõ ngày nào xướng danh, sợ phải chờ đợi lâu quá, nên cụ lại không ra vội và cho hắn ra trước hỏi xem bao giờ xướng danh, về nói với cụ, để cụ ra mừng và thăm phong cảnh Hà Nội luôn thể. Thấy lòng ân cần của ông chú già, Vân Hạc vô hạn cảm động, nước mắt tự nhiên ứa ra đầy hai khóe mắt.

Bóng nắng ra hết sân gạch. Sương mù bắt đầu pha đục bầu trời. Gió bấc hiu hiu quạt mấy tầu cau ánh nắng. Những con chim sẽ sợ lạnh sập sè vào nấp trong mái nhà.

Nhà trọ sắp dọn cơm chiều, Đoàn Bằng, Tiêm Hồng vừa lủi thủi về với một dáng bộ rời rợi.

Đốc Cung vội hỏi:

– Bác cả còn đi chơi đâu chưa về?

– Anh ta ở chơi dưới ấy với bác giáo nhà.

Vân Hạc lễ phép:

– Bệnh tình bác giáo ra sao? Có nặng lắm không, thưa anh?

Đoàn Bằng cất giọng buồn rầu:

– Có việc gì đâu! Bác ấy cũng ho xoàng. Chỉ vì ở lâu trong trường buồn quá. Nhân thể việc trường đã xong, ngài mượn cớ cáo bệnh để xin ra trước vài ngày.

Đốc Cung vui vẻ:

– Cụ giáo có nói chuyện gì về việc thi cử của các bác không?

– Có. Bác ấy bảo chú Hạc nó hỏng tuột. Chú tú nó đỗ lại tôi thì may được đội bảng tú tài.

Vân Hạc nghe nói sắc mặt xám mét. Đốc Cung cũng đổi vẻ mặt:

– Thế ra Trần Đức Chinh bịa chuyện nói nhảm à?

Đoàn Bằng đương dở bỏ khăn, cởi áo, Tiêm Hồng đỡ lời:

– Không! Anh ta nói đúng. Bác giáo cũng bảo trong trường đã chắc chú Hạc sẽ đỗ thủ khoa. Sáng nay có chỉ ở kinh ban ra, mới biết là hỏng.

– Vậy thì quyển của anh Hạc có tội gì chăng?

– Không? Bác giáo cũng nói như Trần Đức Chinh, quyển của chú nó tốt lắm, bốn “ưư mười hai “bình” thật.

– Thế thì làm sao anh ấy lại bị hỏng tuột? Cụ giáo có biết chỉ của triều đình nói thế nào không?

– Có! Thấy bác ấy nói: trong chỉ phê rằng: Đào Vân Hạc quả là tay đại tài, sự học hơn hẳn Nguyễn Chu Văn, đáng được đỗ đầu khoa này. Chỉ hiềm tên ấy hãy còn trẻ tuổi, văn chương không khỏi có chỗ ngông nghênh. Nếu lấy đỗ cao, sợ sẽ nuôi thêm cho y cái bệnh kiêu ngạo, thì khó trở nên một người đại dụng. Triều đình trong sự tác thành nhân tài, không muốn cho kẻ có tài đến nỗi uổng phí. Vậy khoa này hãy cho tên ấy hỏng tuột, để mài giũa bớt những khách khí thiếu niên của y. Rữi đến khoa sau thì sẽ cho đậu giải nguyên.

Vân Hạc tỏ vẻ phẫn uất:

– Tác thành như thế thì chết bỏ mẹ người ta!

Đốc Cung ra ý ái ngại:

– Vậy thì chuyện anh Hạc cũng giống với chuyện cụ Nguyễn Công Trứ.

Rồi Đốc Cung tiếp:

– Tôi thấy ông tôi ngày xưa có nói lại rằng: cụ Nguyễn Công Trứ từ lúc trẻ tuổi đã nổi tiếng là bậc văn chương đại tài, bè bạn ai cũng phải phục. Chỉ vì hồi ấy mới qua một cơn đỉnh cách, thời cục chưa biết thế nào, mà cụ lại là một tay cố Lê công tử, chưa hẳn tuyệt tình với nhà Lê, cho nên bao nhiêu khoa thi đầu đời Gia Long, cụ đều không dự. Mãi đến cuối đời Gia Long, hay là đầu đời Minh Mệnh gì đó, vì các anh em cố bầu, cụ mới ra thi.

Đốc Cung uống một hớp nước dấp giọng:

– Bấy giờ ở tỉnh Nghệ An, bè cánh của bọn cố Lê công tử cũng lớn và cũng nhiều người đi thi. Khi thấy khảo quan tiến trường, các ông ấy họp làm một đám đón đường xin cho Nguyễn Công Trứ được đỗ thủ khoa ấy. Nghe đâu quan chánh chủ khảo có đáp lại rằng: các ngài phụng mệnh triều đình ra đó, cốt vì nhà nước mà kén nhân tài. Nếu như tài Nguyễn Công Trứ đáng đỗ thủ khoa, tự nhiên các ngài cho đỗ thủ khoa.

Thế rồi, ba kỳ thi xong, – phải lúc ấy chỉ thi ba kỳ – ba kỳ thi xong, quả nhiên văn của cụ Trứ hay lắm, quan trường cũng muốn lấy đỗ thủ khoa. Nhưng vì có chuyện học trò kêu xin, các ngài sợ rằng phong thanh về đến triều đình, mình sẽ bị ngờ là không công minh, liền phải làm sớ và đệ các quyển của cụ này về kinh, để tùy trong ấy quyết định. Không rõ bấy giờ, triều định bàn bạc ra sao, rồi thấy có chỉ đưa ra, nói rằng cho Nguyễn Công Trứ sẽ đỗ thủ khoa khoa sau, khoa ấy phải đánh hỏng tuột.

Đốc Cung lại nắm tay Vân Hạc:

– Không ngờ việc cụ thượng Trứ, nay lại xảy ra cho anh. Nhưng cũng không sao, triều đình đã hứa không bao giờ sai. Cụ Trứ về sau lại đỗ thủ khoa, thì anh khoa sau cũng đỗ thủ khoa. Sang năm đã lại có khoa thi rồi, chậm đỗ một năm cũng không muộn lắm.

Vân Hạc tỏ vẻ cáu kỉnh:

– Thế họa khoa sau tôi ốm không đì thi được, triều đình có cho đỗ không?

Ông chủ nhà trọ vừa ở nhà dưới tiến lên, Đoàn Bằng nói bằng giọng cười gượng:

– Cơm đã xong chưa? Ông cho bưng lên đi thôi! Hôm nay ông phải uống rượu với chúng tôi một bữa thật say, không được từ chối vì ngày mai chúng tôi sẽ cùng từ giã ông tất cả.

Ông chủ nhà trọ ra bộ ngơ ngác, không hiểu bọn này nói thật hay nói đùa. Sau khi Đoàn Bằng đem chuyện đến chơi quan giáo Kinh Môn kể lại cho nghe, ông ấy vội can:

– Các ngài không nên nóng nảy. Vì tôi vẫn nghe nói việc trường bao giờ cũng giữ rất kín, khó lòng có ai biết trước. Chắc đâu cụ giáo nói vậy là đúng?

Đoàn Bằng cắt nghĩa:

– Tôi chắc đúng lắm. Cụ giáo Kinh Môn có quen quan chánh chủ khảo – hai người đã từng gặp nhau trong một khoa hội năm xưa – vì với nhà tôi là chỗ chí thân, nên khi lên chào quan chánh chủ khảo để ra ngoài trường, cụ có hỏi ngài về chuyện đỗ hỏng của chúng tôi. Bây giờ việc trường đã xong, không cần phải giữ bí mật như trước, cho nên quan chánh chủ khảo đưa cả cuốn số giải ngạch và đạo chỉ của triều đình cho cụ ấy coi. Như vậy còn sai sao được?

– Dầu vậy đi nữa, cũng còn hai ngài đậu được tú tài kia mà! Tôi tưởng các ngài hãy nên ở lại xem bảng cái đã. Việc gì mà phải hấp tấp?

Đoàn Bằng lại càng buồn bã:

– Tú tài đỗ lại và tú tài đội bảng thì cũng như hỏng, còn sung sướng gì mà đợi xem bảng hử ông?

Thẳng nhỏ vừa bưng mâm rượu đặt vào chỗ phản mọi ngày. Cả nhà cùng ngồi xúm lại. Cuộc rượu bắt đầu bằng những tiếng cười gượng, nói gượng. Rượu đến nửa chừng, Tiêm Hồng vừa bưng chén rượu vừa khóc rưng rức. Đoàn Bằng vội ngăn:

– “Có học, có thi, thì có đỗ”, chẳng đỗ khoa này thì đô khoa khác, việc gì mà phải tủi thân?

Vừa dứt hai tiếng “tủi thân”, miệng thày tự nhiên mếu xệch, nước mắt ròng ròng rỏ xuống mặt chiếu.

Vân Hạc thấy hai anh khóc, chàng bỗng nghĩ đến sự kỳ vọng của những người thân thích ruột rà và bụng bảo dạ: “Lúc mình bước chân ra đi, nào mẹ, nào vợ, nào cha mẹ vợ, nào chú bác họ hàng, người này giúp năm quan, người kia giúp ba quan, ai cũng mong cho mình đỗ. Cả đến cụ Năm, đã đương nằm kề miệng lỗ, nghe tin cháu vào phúc hạch cũng còn sai người đến đây hỏi xem ngày nào xướng danh để ra chơi mừng. Bây giờ mình hỏng, làm cho biết bao nhiêu người thất vọng!

Hiện nay mẹ mình, chú mình và ông nhạc bà nhạc của mình đều đã vất vưởng như đèn trước gió, không biết các cụ có còn sống được đến ngày mình đỗ hay không?” Thế rồi chàng cứ nức nức nở nở, trong họng như bị nghẹn ngào, chén rượu bưng lên lại phải đặt xuống, không tài nào mà nhắp đi được.

Đốc Cung từ khi bị hỏng vẫn cố nén dạ cười nói cho qua, bây giờ thấy Vân Hạc khóc, lửa phiền của chàng như sắp dập tắt lại bị khêu lên, chàng cũng thổn thức nói không ra tiếng.

Tường xoan, Cương Phượng và người em họ mới ra, tuy không bị đau về sự thi cử, nhưng thấy các anh buồn bã, họ cũng cảm động không thể cầm được nước mắt.

Ông chủ nhà trọ trước còn khuyên giải mọi người.

Khi thấy mình càng khuyên, người ta lại càng khóc, ông ấy nghĩ ngợi ra sao không rõ tự nhiên cũng khóc ru rú. Quang cảnh tiệc rượu lúc ấy giống như quang cảnh đám ma của kẻ bạo tử, toàn những người khóc, người mếu. Sáu, bảy chén rượu la liệt bày ở quanh mâm, lâu lắm không ai buồn nhấc.

Đốc Cung đương gục đầu trên gọi, bỗng ngừng phắt dậy và nói:

– Thi đỗ cũng thế, chẳng đỗ cũng thế, việc đếch gì mà phải cảm khái cho khổ thân. “Sống là Nghiêu Thuần, chết thì xương khô, sống là Kiệt Trụ, chết thì xương khô. Dù có đỗ nữa, chẳng qua chỉ đeo cái tiếng ông cử độ vài chục năm rồi cũng hóa ra xương khô, chứ làm cóc gì.

Rồi chàng bưng chén và giục:

– Uống đi các anh.

Mọi người lại cùng sốt sắng nâng chén lên miệng.

Nhưng mà vị rượu lúc ấy hình như chỉ rặt những mùi cay đắng, uống thì uống vậy, chẳng ai thấy có thú hứng gì. Cả nhà khề khà đến gần nửa đêm. Đoàn Bằng, Tiêm Hồng say dí, say dì, lúc đứng đậy, mấy lần chếnh choáng định ngã. Bữa tiệc dần dần giải tán một cách âm thầm im lặng.

Sau khi nằm vào trong chăn, Vân Hạc tự thấy ruột gan nóng như lửa chất; khi thì mong rằng quan giáo Kinh Môn nói sai, khi thì mong rằng quan trường sẽ cùng làm sớ kêu oan cho mình, khi thì mong rằng triều định sẽ đem việc mình xét lại, rồi chữa ngay đạo chỉ dụ đã bắt mình hỏng. Đến khi thấy những điều đó là huyễn tưởng, thì chàng lại muốn ngày mai sẽ là sang năm, nghĩa là cái năm sắp có kỳ thi, để chàng lại vật nhau với số mệnh một lần nữa. Mọi đêm trường thi và chàng còn có quan hệ, mỗi lần nghe tiếng trống ở trường đưa ra, chàng còn phấn khởi trong lòng. Giờ với trường thi, chàng đã là người cục ngoại, những tiếng trống ấy đều như có vẻ trêu cợt mỉa mai, môi dịp tùng tùng, ấy là mỗi cơn chàng phải đứt từng khúc ruột.

Cạnh chàng, Đốc Cung, Đoàn Bằng, Tiêm Hồng cũng đều vật vã không ngủ, thỉnh thoảng lại góp một tiếng thở dài, như giúp thêm sự đau đớn của chàng.

Đêm càng khuya, trời càng lạnh, ngọn đèn trên quang mỗi lúc mỗi lù mù, chàng càng trằn trọc không thể chợp mắt. Nghĩ đến quang cảnh khi cắp khăn gói về làng, chàng không biết mặt mũi mình ra thế nào.

Bình luận