Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Một Phát Một Mạng

Chương 3

Tác giả: Lee Child

Viên phụ tá văn phòng công tố hỏi, “Rosemary Barr là ai? Hắn có vợ rồi à?”

Emerson nhìn quanh căn phòng. “Trông không giống như vậy.”

Viên chỉ huy đội đặc nhiệm SWAT hỏi, “Định tự tử à?”

Emerson lắc đầu, “Hắn phải nốc hết mớ thuốc ấy, với nguyên chai Jack Daniel nữa. Tôi đoán ông Barr tối nay chỉ bị khó ngủ, thế thôi. Sau một ngày bận rộn và năng suất.”

Căn phòng bốc mùi ẩm mốc. Mùi của chăn màn bẩn và mùi người ít tắm gội.

Viên phụ tá phòng công tố nói, “Chúng ta cần phải thật cẩn thận nhé. Ngay lúc này hắn bất lực. Luật sư của hắn sẽ nói rằng, hắn hoàn toàn không có khả năng hiểu luật Miranda [5]. Thế nên chúng ta không thể để hắn nói một điều gì. Và nếu hắn có nói điều gì đó, thì chúng ta cũng không thể nghe được.”

[5]: Miranda Right: một quyền dân sự được ghi trong hiến pháp Hoa Kỳ, cảnh sát phải đọc quyền này trước khi bắt một ai đó để họ hiểu quyền của mình. Tạm dịch như sau: “Ông/bà có quyền giữ im lặng. Tất cả những gì ông/bà nói và làm sẽ có thể được sử dụng để chống lại ông/bà trước tòa. Ông/bà có quyền có luật sư, nếu ông/bà không có, chính quyền sẽ chỉ định một vị cho ông/bà.”

Emerson gọi các nhân viên y tế. Yêu cầu họ khám cho Barr để chắc rằng hắn không giả vờ, cũng như không phải trong tình trạng sắp chết. Họ lăng xăng trong vài phút, nghe nhịp tim của hắn, bắt mạch, đọc nhãn thuốc. Rồi họ tuyên bố hắn hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh, có điều ngủ quá say.

Viên chỉ huy đội đặc nhiệm SWAT nói, “Rối loạn nhân cách. Không có chút lương tâm gì hết. “

Viên phụ tá phòng công tố nói, “Mà chúng ta có chắc đúng là tên này không?”

Emerson tìm thấy một quần tây vắt qua lưng ghế, và lục túi quần. Lấy ra một cái ví nhỏ. Tìm thấy bằng lái. Đúng tên và đúng địa chỉ. Và tấm ảnh cũng đúng luôn.

Ông nói, “Đúng là tên này rồi.”

Viên phụ tá phòng công tố nhắc lại, “Chúng ta không thể để hắn nói bất cứ điều gì. Chúng ta cần giữ cho đúng luật.”

Emerson nói, “Dù thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ đọc luật Miranda cho hắn nghe. Mọi người hãy ghi nhận này.”

Ông lay mạnh vai Barr và gã chỉ hé mắt nhìn lại. Rồi ông đọc luật Miranda. Quyền được giữ im lặng, quyền được có luật sư. Barr cố gắng lắng nghe nhưng không được. Rồi hắn lại lăn ra ngủ.

Emerson nói, “OK. Giải hắn đi.”

Họ quấn hắn vào trong một cái chăn, hai cảnh sát lôi hắn ra khỏi ngôi nhà và lên xe. Một nhân viên y tế và viên phụ tá phòng công tố đi cùng xe với hắn. Emerson ở lại và khởi sự lục soát ngôi nhà. Ông tìm thấy chiếc quần jeans màu xanh bị cọ xước trong ngăn tủ phòng ngủ. Đôi giày đế kếp được đặt ngay ngắn trên sàn nhà dưới đó. Chúng phủ đầy bụi bặm. Chiếc áo mưa trong ngăn tủ ngoài hành lang. Chiếc Dodge Caravan màu xanh be trong nhà để xe. Khẩu súng bị trầy ở dưới tầng hầm. Nó nằm giữa nhiều khẩu khác gác trên một cái kệ được gắn dính vào tường. Trên chiếc bàn dài bên dưới, là năm khẩu súng ngắn chín ly. Và những hộp đạn, gồm cả một hộp đạn loại.308 Lake City M852 168 grain đầu lõm đuôi thuôn đã vơi một nửa. Cạnh những cái hộp, là những lọ thủy tinh chứa vỏ đạn rỗng. Sẵn sàng để tái chế, Emerson nghĩ. Sẵn sàng nạp đạn bằng tay. Cái lọ để ở ngoài cùng cái bàn chứa đúng năm vỏ đạn. Đồng Lake City. Nắp lọ vẫn để mở, như thể năm vỏ đạn sau cùng chỉ vừa được ném vội vào đó. Emerson cúi xuống ngửi. Trong chiếc lọ có mùi thuốc súng. Lạnh và cũ, nhưng không quá cũ.

Emerson rời khỏi nhà James Barr lúc bốn giờ sáng, những chuyên viên giám định pháp y thế chỗ ông, họ sẽ rà soát lại nơi ấy thật kỹ. Ông hỏi người trung sĩ trực ban của mình và được biết rằng Barr vẫn đang bình an ngủ trong xà lim riêng, có giám sát y tế thường trực. Sau đó ông về nhà và chợp mắt trong hai giờ trước khi tắm rửa thay đồ để sẵn sàng cho cuộc họp báo.

Cuộc họp báo dập tắt câu chuyện tức thì. Để câu chuyện sống được nó cần có một kẻ thủ ác vẫn còn ở đó. Nó cần hắn phải tự do, hằn học, ẩn núp, bí ẩn và nguy hiểm. Nó cần sự sợ hãi. Nó cần biến những công việc nhàm chán thường ngày như đổ xăng, đi siêu thị hoặc đi bộ đến nhà thờ trở nên lộ liễu và liều lĩnh. Thế nên biết rằng tên ấy đã bị phát hiện và bị bắt, thậm chí trước khi đợt tin tức thứ hai kịp tung ra, thì đó quả là một tai họa đối với Ann Yanni. Ngay lập tức cô ta biết các sếp của mình đang nghĩ gì. Không ăn thua, chấm dứt và kết thúc, chuyện đã xong. Tin của ngày hôm qua, theo nghĩa đen. Có lẽ vốn đã chẳng là gì quan trọng. Chỉ là một tên điên bẩm sinh miệt trong nào đó quá khờ khạo, không lẩn trốn nổi qua một đêm. Hẳn là ngủ với con em họ nó và nhậu loại bia rẻ tiền Colt 45. Chẳng có gì là nham hiểm cả. Cô ta sẽ được lên một bản tin nóng nữa để tóm tắt lại tội ác này và tường trình về cuộc bắt bớ, thế là xong. Trở lại đời thường mờ nhạt.

Tóm lại là Ann Yanni thất vọng, nhưng cô ta giấu kỹ vẻ thất vọng ấy. Cô ta đặt nhiều câu hỏi và cố làm ra vẻ khâm phục. Được nửa chừng thì cô ta bắt đầu lắp ráp một đề tài khác. Một câu chuyện mới. Người ta sẽ phải thừa nhận cảnh sát đã làm việc một cách đầy ấn tượng. Và tên thủ phạm này không phải là một tên điên. Không nhất thiết. Một tên xấu xa ngoại hạng đã bị một đội cảnh sát còn ngoại hạng hơn tóm cổ. Ngay ở miệt trong. Một việc mà ở những miền duyên hải phải mất khá nhiều thời giờ, trong những vụ án nổi tiếng trước đây. Chuyện này có câu khách được không? Cô ta bắt đầu sắp xếp các tựa đề trong đầu. Nhanh nhất nước Mỹ? Như là nhại lại cái tên Tuyệt nhất nước Mỹ?

Ông sếp nhường sân khấu cho thanh tra Emerson sau chừng mười phút. Emerson tường trình chi tiết về nhân dạng và lý lịch của thủ phạm. Ông mô tả một cách ngắn gọn. Chỉ các dữ kiện thôi, thưa bà. Ông mô tả sơ lược cuộc điều tra. Ông trả lời những thắc mắc. Ông không huênh hoang. Ann Yanni nghĩ rằng ông cảm thấy cảnh sát đã gặp may. Rằng họ đã được biếu không nhiều thứ mà bình thường không có.

Sau đó, Rodin bước lên. Ông ta nói năng như thể sở cảnh sát mới chỉ dính líu đến đoạn đầu một vụ đụng độ nhỏ, và công việc thật sự bây giờ mới bắt đầu. Văn phòng của ông sẽ xem xét lại mọi việc và đưa ra những quyết định cần thiết. Và vâng, thưa cô Yanni, bởi vì ông nghĩ rằng những tình huống đã chứng thực cho nó, chắc chắn ông sẽ theo đuổi một mức án tử hình cho James Barr.

* * *

James Barr thức dậy trong phòng giam của mình lúc chín giờ sáng ngày thứ Bảy, vẫn còn lừ đừ vì bị say thuốc. Ngay lập tức, hắn được lấy dấu vân tay và được đọc cho nghe luật Miranda một lần, rồi thêm một lần nữa. Quyền được giữ im lặng, quyền được có luật sư. Hắn chọn thái độ giữ im lặng. Không có nhiều người làm như thế. Không nhiều người có thể làm như thế. Nhu cầu được nói thường rất mãnh liệt. Nhưng James Barr thắng được điều đó. Hắn chỉ ngậm chặt miệng lại và giữ nguyên như thế. Có nhiều cố gắng bắt chuyện với hắn, nhưng hắn không trả lời. Không một lần nào. Không một lời nào. Emerson khá mừng rỡ vì điều đó. Sự thật là Emerson không hẳn đã muốn Barr nói ra bất cứ điều gì. Ông thích sắp xếp mọi chứng cứ, nghiên cứu kỹ lưỡng nó, thử nghiệm nó, đánh bóng nó tới khi ông có thể lường trước được lời buộc tội mà không cần phải nghe lời thú tội. Những lời thú tội quá dễ dàng bị bên bào chữa cáo buộc trở lại là do ép cung hay tâm thần lộn xộn, đến nỗi ông đã hiểu được rằng cần tránh xa chúng. Chúng cứ như đường đặc trên bánh kem. Chúng là thứ ông ít muốn nghe nhất, không phải thứ ông cần nhất. Không như những chương trình cảnh sát bắt cướp trên ti vi, ở đó thẩm vấn liên miên là một dạng nghệ thuật trình diễn. Thế nên ông chỉ đứng ra ngoài mọi sự, mà để cho đám kỹ thuật viên của mình hoàn tất công việc chậm chạp và kiên nhẫn của họ.

Em gái của James Barr chưa lập gia đình và thuê một căn hộ ở khu trung tâm. Tên cô là Rosemary. Như hầu hết dân chúng trong thành phố, cô đã bàng hoàng và chết lặng. Cô đã xem tin tức đêm thứ Sáu. Sáng thứ Bảy cô lại xem lần nữa. Cô nghe một thanh tra cảnh sát nhắc đến tên anh mình. Thoạt đầu, cô nghĩ là do nhầm lẫn. Chắc cô đã nghe nhầm. Nhưng ông này cứ nhắc đi nhắc lại, James Barr, James Barr, James Barr. Rosemary bật khóc. Thoạt đầu cô khóc vì bối rối, rồi vì hoảng sợ, sau rốt vì giận dữ.

Sau đó cô buộc mình phải bình tĩnh, và làm một việc gì đó.

Cô làm thư ký cho một công ty luật có tám người. Giống như phần lớn những công ty trong các thành phố nhỏ ở miệt trong, công ty của cô nhận làm đủ mọi thứ. Và họ đối xử với nhân viên khá tốt. Tiền lương không nhiều, nhưng có những khoản khác bù thêm. Một trong những khoản đó là một phúc lợi trọn gói. Một cái khác là cô được gọi là chuyên viên pháp lý thay vì chỉ là thư ký. Một cái khác nữa là lời hứa rằng công ty sẽ bao lo hoàn toàn miễn phí những vấn đề luật pháp cho nhân viên và gia đình của họ. Hầu hết những vấn đề đó là về di chúc, thuế má và ly dị, và rắc rối với công ty bảo hiểm trong các vụ tông xe. Chứ không phải là vấn đề bào chữa cho một người anh đã trưởng thành bị buộc tội lầm trong một vụ bắn tỉa tàn bạo chấn động thành phố. Cô biết điều đó. Nhưng cô nghĩ rằng mình phải thử một chuyến xem sao. Bởi vì cô hiểu anh của mình, và cô biết anh không thể phạm tội.

Cô gọi điện cho sếp trực tiếp của mình vào số máy nhà. Anh ta chủ yếu chỉ là một chuyên viên về thuế, thế nên anh gọi cho luật sư về hình sự của công ty. Tay luật sư này lại gọi cho tay quản lý, và ông này tổ chức một cuộc họp toàn thể các thành viên của công ty. Họ họp trong giờ ăn trưa tại một quán ăn miền quê. Từ phút đầu tiên, chương trình của buổi họp đã là làm thế nào để khước từ yêu cầu của Rosemary Barr một cách tế nhị nhất. Việc bào chữa cho một tội như thế này không phải là loại công việc mà họ đủ tầm xử lý. Hay có dự định xử lý. Nó có những dính líu với chuyện quan hệ quần chúng. Họ có ngay sự đồng thuận về điểm đó. giờ. Nhưng họ là một nhóm chung thủy với nhau, và Rosemary là một nhân viên tốt đã làm cho họ nhiều năm. Họ biết là cô không có tiền vì thuế của cô do họ khai. Họ đoán rằng anh của cô cũng không có tiền. Nhưng hiến pháp bảo đảm cho quyền được tư vấn pháp luật, và họ không đánh giá cao những luật sư do tòa chỉ định. Vì thế, về mặt nguyên tắc đạo đức họ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tay luật sư hình sự giải quyết chuyện này. Ông tên là David Chapman. Ông là một cựu chiến binh từng xin trải, có quen biết Rodin ở phòng công tố. Ông biết ông này khá rõ. Thật tình thì ông không thể không biết. Họ là hai người cùng một giuộc, lớn lên trong cùng một khu phố, làm việc trong cùng một ngành, mặc dù ở hai phía trái ngược nhau. Thế nên Chapman đến phòng hút thuốc và dùng điện thoại di động của ông để gọi về nhà viên công tố. Hai tay luật sư có một cuộc thảo luận kỹ lưỡng và thẳng thắn. Rồi Chapman quay lại bàn ăn.

Ông nói, “Đây là một vụ thua chắc. Anh của cô Barr có tội đứt đi rồi. Vụ khởi tố của Rodin sẽ diễn ra như trong sách giáo khoa vậy. Có trời biết chứ, một hôm nào đó nó sẽ trở thành một bài học giáo khoa thật đấy. Ông ta có đủ mọi thứ chứng cớ. Không có một chút hy vọng le lói nào cả.”

Tay quản lý hỏi, “Lão ấy có thẳng thắn với anh không?”

Chapman trả lời, “Bạn cũ với nhau không làm bậy đâu.”

“Thế thì sao?”

“Tất cả những gì mà chúng ta phải làm là xin được giảm tội. Nếu chúng ta có thể kéo từ phát tiêm tử hình xuống còn chung thân không tại ngoại thì đã là một kỳ công rồi. Đó là tất cả những gì cô Barr có quyền mong đợi. Hay thằng anh khốn kiếp của cô, xin phép được nói như thế.”

“Chúng ta sẽ can thiệp đến đâu?” Tay quản lý hỏi.

“Chỉ đến giai đoạn tuyên án thôi. Bởi vì hắn sẽ phải nhận tội.”

“Anh có sẵn lòng nhận làm vụ này không?”

“Trong hoàn cảnh này thì đành vậy thôi.”

“Chúng ta sẽ phải mất bao nhiêu giờ cho nó?”

“Không nhiều. Thực tế là chúng ta không thể làm được điều gì cả.”

“Có tình tiết giảm nhẹ nào?”

“Hắn là cựu chiến binh Vùng Vịnh, tôi tin như vậy. Do đó, chắc hẳn có những tác động hóa học còn sót lại. Hay một thứ hội chứng hậu chấn thương tâm lý phát triển chậm gì đó. Có lẽ chúng ta có thể thuyết phục Rodin đồng ý trước. Chúng tôi có thể bàn xong trong giờ ăn trưa.”

Tay quản lý gật đầu. Quay sang tay chuyên viên về thuế. “Nói với cô thư ký của anh là chúng tôi sẽ làm hết khả năng để giúp anh cô ấy trong lúc ngặt nghèo này.”

Barr được dời từ phòng tạm giam của sở cảnh sát đến nhà tù của hạt trước khi cả em gái lẫn Chapman có được cơ hội gặp gã. Người ta lấy đi chăn và bộ đồ ngủ của gã và gã được phát đồ lót bằng giấy, một bộ áo liền quần màu cam, và một đôi dép tông cao su. Nhà tù của hạt là một nơi không thú vị chút nào. Nơi này khá hôi hám và ồn ào. Nó chật chội vượt chuẩn cho phép và tình trạng căng thẳng về mặt xã hội và chủng tộc được kiểm soát bên ngoài lại được để mặc cho lộng hành ở đây. Mỗi phòng giam nhét ba mạng mà lính gác thì thiếu. Những người mới vào được gọi là tù con so, và tù con so bị bỏ mặc tự lo liệu lấy thân.

Nhưng Barr đã có thời đi lính, do đó cú sốc chuyển đổi văn hóa này tác động tới gã ít hơn những người khác. Gã sống sót qua cảnh làm tù con so trong hai giờ, rồi được đưa đến phòng thẩm tra. Người ta bảo rằng có một luật sư đang chờ ở đó. Gã thấy một cái bàn và hai chiếc ghế được bắt dính xuống sàn trong một căn phòng nhỏ không có cửa sổ. Ngồi trên một chiếc ghế là một người mà gã mơ hồ nhận ra mình đã gặp ở đâu đó rồi. Trên bàn có một chiếc máy ghi âm cỡ bỏ túi. Giống như một chiếc Walkman.

Người đàn ông ngồi trên ghế nói, “Tôi là David Chapman. Tôi là biện lý biện hộ tội hình sự. Tức là một luật sư. Em gái của anh làm việc ở công ty tôi. Cô ấy yêu cầu chúng tôi giúp anh.”

Barr không nói gì cả.

Chapman nói, “Vì thế tôi có mặt ở đây.”

Barr vẫn không nói gì.

Chapman nói tiếp, “Tôi đang ghi âm lại cuộc nói chuyện này. Ghi vào băng. Tôi nghĩ anh đồng ý chứ?”

Barr vẫn không nói gì.

Chapman nói. “Tôi nghĩ chúng ta từng gặp nhau. Tại buổi tiệc Giáng sinh của công ty chúng tôi, đúng không?”

Barr vẫn không nói gì.

Chapman chờ.

Ông hỏi, “Anh được người ta giải thích về lời buộc tội chưa?”

Barr vẫn không nói gì.

“Lời buộc tội rất nghiêm trọng đấy.”

Barr vẫn không nói gì.

Chapman nói tiếp, “Tôi không thể giúp anh nếu anh không tự giúp chính mình.”

Barr chỉ nhìn ông đăm đăm. Chỉ ngồi yên và im lặng trong nhiều phút. Rồi gã nhổm người về phía cái máy ghi âm và nói lời đầu tiên kể từ buổi chiều hôm trước.

Gã nói, “Họ bắt lầm người rồi.”

Barr lặp lại, “Họ bắt lầm người rồi.”

Chapman hỏi ngay lập tức, “Vậy nói cho tôi biết ai là kẻ đúng đi.” Ông ta đã lão luyện về chiến thuật trong tòa án. Ông biết cách đưa mọi việc vào nhịp điệu. Hỏi, đáp, hỏi, đáp. Đó là cách làm cho người ta thổ lộ. Họ rơi đúng vào nhịp và phun ra hết.

Nhưng Barr chỉ rút lui trở lại sự im lặng.

Chapman nói, “Hãy làm rõ chuyện này.”

Barr không trả lời.

Chapman hỏi, “Anh có chối lời buộc tội đó không?”

Barr vẫn không nói gì.

“Có hay không?”

Không một lời đáp.

Chapman nói tiếp, “Bằng chứng đầy ra rồi. Tôi e rằng quá nhiều nữa kìa. Anh không thể giả ngốc đâu. Chúng ta cần bàn chuyện vì sao anh làm điều đó. Chỉ có vậy mới giúp được thôi.”

Barr vẫn không nói gì.

Chapman nói, “Anh muốn tôi giúp anh chứ? Hay là không?”

Barr vẫn không nói gì.

“Có lẽ là do thời kỳ tham chiến đã qua của anh. Hay sự căng thẳng hậu chấn thương. Hay một thứ tổn thương về tinh thần nào đó. Chúng ta cần tập trung vào nguyên do.”

Barr vẫn không nói gì.

Chapman nói, “Chối tội không phải là một giải pháp. Chứng cớ rành rành ra rồi.”

Barr vẫn không nói gì.

“Chối tội không phải là một giải pháp.”

Barr nói, “Tìm Jack Reacher cho tôi.”

“Ai?”

“Jack Reacher.”

“Đó là ai? Một người bạn của anh à?”

Barr không trả lời.

Chapman hỏi, “Một người nào đó mà anh quen à?”

Barr vẫn không nói gì.

“Một người nào đó mà anh từng quen à?”

“Cứ tìm người ấy cho tôi.”

“Hắn ở đâu? Hắn là ai chứ?”

Barr không nói gì.

Chapman hỏi, “Jack Reacher là bác sĩ à?”

Barr lặp lại, “Bác sĩ à?”

Chapman hỏi, “Đó là một bác sĩ?”

Nhưng Barr không nói nữa. Gã chỉ đứng lên khỏi bàn, bước tới cánh cửa phòng và đấm cửa cho tới khi người lính gác mở cửa ra, dẫn gã về căn phòng giam chật cứng của mình.

Chapman sắp xếp gặp Rosemary Barr và tay điều tra viên của công ty ở văn phòng của ông. Tay điều tra viên là một cảnh sát về hưu mà phần lớn những công ty luật trong thành phố cùng thuê. Tất cả các công ty đều trả tiền trước để giữ chân ông. Ông là một thám tử tư được cấp giấy hành nghề. Tên ông là Franklin. Ông chẳng có gì giống với một tay thám tử trên các chương trình tivi. Ông làm mọi việc của mình ở bàn giấy, với những cuốn danh bạ điện thoại và dữ liệu trong máy vi tính. Ông không ra ngoài, không mang súng, không đội mũ. Nhưng không ai địch lại nổi ông trong việc kiểm tra dữ liệu hay truy tìm kẻ đào thoát, và ông vẫn còn rất nhiều bạn làm việc trong sở cảnh sát.

Ông nói, “Chứng cứ vững như bàn thạch. Tôi nghe nói vậy. Emerson chỉ huy vụ này và ông ta rất đáng tin cậy. Thực tình thì Rodin cũng vậy, nhưng vì một lý do khác. Emerson là người rất kiên quyết và Rodin thì lại là một tên hèn. Không một ai trong hai người đó nói điều gì, trừ khi họ có chứng cứ hẳn hoi.”

Rosemary Barr nói, “Tôi không thể tin được là anh ấy làm chuyện đó.”

Chapman nói, “Ờ thì, tất nhiên có vẻ như anh ta chối, ấy là tôi hiểu được có thế. Và anh ta đòi gặp một tay nào đó có tên là Jack Reacher. Một tay mà anh ta quen hay đã từng quen. Có bao giờ cô nghe cái tên này chưa? Cô biết hắn là ai không?”

Rosemary Barr chỉ lắc đầu. Chapman viết cái tên Jack Reacher xuống một mảnh giấy rồi đẩy cho Franklin. “Tôi đoán có lẽ hắn là một bác sĩ tâm lý. Barr nhắc đến cái tên ấy ngay sau khi tôi nói cho anh ta biết chứng cứ vững chắc như thế nào. Do đó, có lẽ tay Reacher này là người có thể giúp chúng ta xin giảm án. Có lẽ hắn đã chữa trị cho Barr trước đây.”

Barr nói, “Anh của tôi chưa bao giờ đi điều trị tâm lý.”

“Cô biết chắc như vậy à?”

“Chưa bao giờ.”

“Anh ta ở thành phố bao lâu rồi?”

“Mười bốn năm. Từ khi giải ngũ.”

“Cô có thân thiết với anh ta không?”

“Anh em tôi sống cùng nhà.”

“Nhà của anh ta?”

Rosemary gật đầu.

“Nhưng cô không còn sống ở đó nữa?”

Rosemary nhìn lảng đi.

Cô nói, “Không, tôi chuyển nhà rồi.”

“Có thể anh của cô đi khám tâm thần sau khi cô dời đi?”

“Nếu vậy thì anh ấy đã nói với tôi rồi.”

“OK, vậy trước đây thì thế nào? Thời gian còn trong quân đội?”

Rosemary không nói gì. Chapman quay qua Franklin.

Ông nói, “Vậy có thể Reacher là bác sĩ quân y của anh ta. Có thể hắn có thông tin về một chấn thương cũ. Hắn có thể rất hữu ích.”

Franklin nhận mảnh giấy.

Ông nói, “Trong trường hợp này thì tôi sẽ tìm hắn.”

Rosemary Barr nói, “Dù sao chúng ta cũng không nên tính chuyện giảm án. Chúng ta nên tính tới những nghi vấn hợp lý. Tới sự vô tội.”

Chapman nói, “Chứng cứ rất vững. Anh ta sử dụng chính khẩu súng của mình mà.”

Franklin mất ba giờ truy tìm Reacher mà không ra. Trước tiên, ông rà soát khắp những hội đoàn của bác sĩ tâm lý. Không kết quả. Rồi ông lên mạng tìm những nhóm bảo trợ chiến tranh Vùng Vịnh. Không dấu vết. Ông thử với hệ thống thông tin Lexis-Nexis [6] và với tất cả những cơ quan thông tin. Không có gì cả. Sau đó ông bắt đầu lại và truy cập hồ sơ lưu trữ của Trung tâm hồ sơ nhân sự quốc gia. Nó có danh sách tất cả quân nhân hiện nay và trước đây. Ông tìm ra tên của Jack Reacher trong đó khá dễ dàng. Reacher gia nhập quân đội năm 1984 và giải ngũ hạng danh dự vào năm 1997.

[6]: Lexis-Nexis: là một hệ thống lưu trữ báo chí, các văn bản luật và kinh tế trực tuyến của Mỹ, lưu giữ lại những thông tin có từ năm 1770 trở đi.

Còn James Barr thì nhập ngũ năm 1985 và giải ngũ năm 1991. Như thế là có sáu năm trùng nhau. Nhưng Reacher không phải là bác sĩ gì cả. Không bác sĩ tâm lý gì hết. Ông là một sĩ quan quân cảnh. Một thiếu tá. Có lẽ là một nhân viên điều tra cao cấp cũng nên. Barr kết thúc binh nghiệp với chức thấp, Chuyên viên E-4. Bộ binh, không phải là quân cảnh. Thế thì đâu là điểm liên hệ giữa một thiếu tá quân cảnh và một chuyên viên bộ binh E-4? Rõ ràng phải có một điều gì đó có ích, nếu không thì Barr nhắc đến cái tên này làm gì. Nhưng nó là cái gì đây?

Sau ba giờ, Franklin nghĩ rằng ông sẽ chẳng bao giờ tìm ra, bởi vì Reacher hoàn toàn biến mất khỏi tầm nhìn sau năm 1997. Biến mất tuyệt đối. Không có dấu vết nào của ông ta ở bất kỳ nơi đâu. Ông ta vẫn còn sống, theo Cơ quan quản lý an sinh xã hội cho biết. Ông ta không ở tù, theo Trung tâm thông tin tội phạm quốc gia. Nhưng ông ta đã biến mất. Ông ta không có hồ sơ tín dụng. Ông ta không đứng tên sở hữu một bất động sản, hay xe cộ, hay thuyền bè nào. Ông ta không nợ nần. Không cho ai vay nợ. Không địa chỉ. Không số điện thoại. Không lệnh truy nã treo, không án tích. Không vợ. Cũng không con. Ông ta là một bóng ma.

Trong ba giờ đó James Barr gặp rắc rối lớn. Khởi đầu khi gã bước ra khỏi phòng giam của mình. Gã rẽ phải để tới chỗ máy điện thoại công cộng. Hành lang khá hẹp. Gã va vào một kẻ khác, vai chạm vai. Rồi gã phạm một sai lầm tồi tệ. Gã ngước mắt lên khỏi sàn nhà, liếc nhìn người kia và xin lỗi.

Một sai lầm tồi tệ, bởi vì một tay tù con so thì không được chạm mắt với một tù nhân khác. Làm thế là có hàm ý vô lễ. Đó là luật tù. Gã không hiểu điều đó.

Kẻ mà hắn chạm mắt là một tên người Mễ. Tên này xăm mình theo lối băng đảng, nhưng Barr không nhận ra. Lại một sai lầm tồi tệ nữa. Lẽ ra gã nên quay nhìn lại sàn nhà, tiếp tục bước và cầu xin Chúa. Nhưng gã không làm như vậy.

Mà lại nói, “Xin lỗi.”

Rồi gã nhướng mày, thoáng cười theo cái kiểu tự trách mình, như là nói, Ở đây kinh thật nhỉ?

Sai lầm trầm trọng. Một sự suồng sã, và lại giả định có tình thân thiện nữa.

Tên người Mễ hỏi, “Mày nghía cái gì vậy?”

Lúc đó thì Barr hiểu hoàn toàn. Mày nghía cái gì vậy? Đây là một lời kiếm chuyện đã thành chuẩn mực. Trại lính, quán rượu, góc phố, hẻm tối, nó không phải là câu nói mà người ta muốn nghe chút nào.

Gã nói, “Không có gì.” Và nhận ra là mình đã làm cho tình huống tồi tệ hơn nhiều.

“Mày coi tao không là cái gì à?”

Barr cúi nhìn lại sàn nhà và bước đi, nhưng đã quá trễ. Gã cảm thấy tia mắt tên người Mễ trên lưng mình và bỏ ngay ý nghĩ dùng điện thoại công cộng. Những cái điện thoại nằm ở cuối hành lang và gã không muốn bị dồn vào bẫy kẹt. Thế nên gã đi một vòng dài ngược chiều kim đồng hồ và về phòng giam của mình. Gã trở về phòng an toàn. Không nhìn ai, không nói. Gã nằm xuống giường của mình. Khoảng hai giờ sau, gã cảm thấy ổn rồi. Gã nghĩ mình có thể giải quyết được một lời hù dọa nhỏ nhặt về chuyện cơ bắp. Và gã to con hơn tên người Mễ. Gã to con hơn cả hai tên người Mễ.

Gã muốn gọi điện cho em gái. Gã muốn chắc rằng cô bình an.

Gã lại đi đến khu điện thoại công cộng.

Gã đến được đó mà không bị làm phiền gì cả. Đó là một nơi nhỏ hẹp. Có bốn cái điện thoại trên tường, bốn người đang nói chuyện, bốn hàng người khác đang chờ sau họ. Tiếng ồn, tiếng lê chân, tiếng cười rồ dại, sự sốt ruột, sự giận dữ, không khí ôi chua, mùi mồ hôi, mùi tóc bẩn và mùi nước tiểu khắm lặm. Chỉ là một cảnh tượng nhà tù bình thường, theo những gì James Barr hình dung trước.

Rồi nó không còn là một cảnh bình thường nữa.

Những người đứng trước gã biến mất. Đúng là biến mất. Họ đơn giản là tan mất khỏi tầm mắt. Những kẻ đang nói chuyện cúp ngang nửa chừng và tránh lui lại sau gã. Những kẻ đang sắp hàng tản mất. Trong nửa giây thôi cái hành lang đang đông đảo và ồn ào trở thành vắng hoe và yên lặng.

James Barr quay người lại.

Gã thấy tên Mễ có hình xăm. Tên Mễ cầm dao và mười hai thằng bạn sau lưng gã. Cây dao là một cái cán bàn chải răng bằng nhựa dán đầy băng với một đầu mài nhọn hoắt, như là một cái dùi. Đám đằng sau đều là những tên nhỏ con chắc nịch, đứa nào cũng xăm y hệt. Chúng đều cắt tóc ngắn với những kiểu rối rắm cạo ngang sọ.

Barr nói, “Khoan đã.”

Nhưng tên người Mễ không khoan, và tám phút sau Barr đã trong tình trạng bất tỉnh. Người ta tìm thấy gã sau đó, nằm trên sàn nhà, bị đánh mềm nhũn như trái chuối, vô số vết đâm và nứt sọ, và chảy máu nghiêm trọng. Sau đó, giới tù nhân bảo nhau rằng gã bị như thế cũng đáng đời. Gã đã khinh thường đám Latinh. Nhưng chúng cũng bảo nhau rằng gã không phải yên lặng mà đi. Trong lời đồn có chút khâm phục kín đáo. Những tên Mễ cũng ăn đòn chút ít. Nhưng không nhiều như Barr. Gã được tải vào bệnh viện thành phố, được khâu lại và được đem phẫu thuật để làm giảm thoát áp suất từ bộ não bị sưng. Rồi gã được ném vào khu chăm sóc đặc biệt được bảo vệ, trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ không biết chắc bao giờ thì gã có thể tỉnh lại. Có thể trong một ngày. Có thể trong một tuần. Có thể trong một tháng. Có thể chẳng bao giờ. Các bác sĩ không rõ lắm, và họ cũng chẳng mấy quan tâm. Họ đều là dân thị trấn này.

Viên giám thị gọi điện thoại vào giữa khuya cho Emerson. Rồi Emerson gọi báo cho Rodin. Rồi Rodin gọi báo cho Chapman. Rồi Chapman gọi báo cho Franklin.

Franklin hỏi ông, “Vậy giờ thì sao rồi?”

Chapman trả lời, “Chẳng có gì cả. Mọi chuyện ngưng lại. Anh không thể xử một người đang bị hôn mê.”

“Vậy khi hắn thức dậy thì sao?”

“Nếu hắn khỏe thì họ sẽ tiến hành, tôi đoán vậy.”

“Nếu hắn không khỏe thì sao?”

“Thì họ sẽ không làm gì cả. Không thể xử một kẻ có đời sống thực vật.”

“Vậy mình làm gì đây?”

“Chẳng làm gì cả.” Chapman nói, “Đằng nào chúng ta cũng chẳng coi trọng nó quá. Barr phạm tội rõ ràng quá rồi, không ai có thể làm gì nhiều cho hắn đâu.”

Franklin gọi điện thoại báo cho Rosemary Barr, vì ông không biết đã có ai khác làm cái việc khó khăn này chưa. Và ông thấy chưa có ai thật. Thế nên tự ông thuật lại tin này. Rosemary không phản ứng ồn ào gì lắm. Cô chỉ yên lặng. Như là cảm xúc của cô đã tới hạn rồi.

Cô nói, “Chắc là tôi nên đến bệnh viện.”

Franklin trả lời, “Nếu cô muốn.”

“Anh ấy vô tội, ông biết đó. Chuyện này không công bằng chút nào.”

“Hôm qua cô có gặp anh ta không?”

“Ông muốn nói là tôi có thể chứng minh anh ấy ngoại phạm không à?”

“Cô có thể làm vậy không?”

“Không.” Rosemary nói, “Tôi không thể. Tôi không biết hôm qua anh ấy ở đâu. Không biết anh ấy đã làm gì.”

“Có những nơi nào anh ta thường xuyên đến không? Rạp chiếu phim, quán rượu, đại loại như thế?”

“Không có.”

“Anh ta thường qua lại bạn bè nào?”

“Tôi không biết chắc.”

“Bạn gái?”

“Lâu rồi không có.”

“Hay lui tới thăm người thân nào khác?”

“Chỉ có hai anh em chúng tôi thôi.”

Franklin không nói gì nữa. Một khoảng lặng dài và lo âu.

Rosemary Barr hỏi, “Giờ sẽ ra sao?”

“Tôi không biết chắc.”

“Ông đã tìm ra kẻ mà anh ấy nhắc đến chưa?”

“Jack Reacher ư? Chưa, rất tiếc. Không dấu vết gì cả.”

“Ông sẽ tiếp tục tìm chứ?”

“Thật sự tôi không thể làm thêm điều gì nữa.”

Rosemary Barr nói, “Thôi được, vậy thì chúng ta phải lo liệu mà không có người ấy vậy.”

Nhưng ngay lúc họ đang nói chuyện trên điện thoại khuya hôm thứ Bảy, Jack Reacher đang trên đường đến với họ.

Bình luận