Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tư liệu y-khoa tổng hợp Đông-Tây của Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ. Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ tốt nghiệp Đại-học y khoa Cochin Port Royal (Paris) và Thượng-Hải (Trung-quốc). Ông là tác giả các bộ sách dưới đây:
Lịch sử tiểu thuyết thuật cuộc khởi nghĩa của vua Trưng cùng 162 anh hùng.
Do Nam-Á Paris xuất bản, tái bản nhiều lần
Anh hùng Lĩnh-Nam, 4 tập, 1318 trang
Động-Đình hồ ngoại sử, 3 tập, 880 trang
Cẩm-Khê di hận, 4 tập, 1305 trang.
Lịch sử tiểu thuyết thuật các cuộc đánh Tống, bình Chiêm dưới triều Lý.
Do Thư viện Việt-Nam và Xuân-Thu Hoa-Kỳ ấn-hành. Viện Pháp-Á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản
Anh hùng Tiêu-Sơn, 3 tập, 1120 trang
Thuận-Thiên di sử, 3 tập, 1080 trang
Anh-hùng Bắc-cương, 4 tập, 1556 trang
Anh-linh thần-võ tộc Việt,4 tập,1708 trang
Do Đại-Nam Hoa-Kỳ ấn hành. Viện Pháp-Á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản 2001
Cốt tủy Tử-vi tuổi Tý, 1 tập, 362 trang
Nam-Quốc sơn-hà, 5 tập, 2230 trang (Lịch sử tiểu thuyết thuật cuộc đánh sang Tống dưới triều Lý)
Anh hùng Đông-A : Dựng cờ bình Mông, 5 tập 2566 trang (Lịch sử tiểu thuyết thuật cuộc bình Mông dưới triều Trần).
Do viện Thư-viện Việt-Nam, California, Hoa-Kỳ ấn hành, viện Pháp-Á Paris ( Institut Franco-Asiatique) xuất bản
Giảng huấn tình dục bằng y học Trung-quốc
(Sexologie Médicale chinoise) 3 tập khổ A4, 900 trang
Sẽ xuất bản
Anh-hùng Đông-A, Gươm thiêng Hàm-Tử
Khí công đại toàn
Những tư liệu mà chúng tôi lần lượt đưa lên gồm:
1. Nghiên cứu tổng hợp Đông-Tây trị những bệnh nan y.
2. Nghiên cứu về Khí-công trị liệu.
3. Nghiên cứu về Vu-sơn học (Sexology).
Phần nghiên cứu Vu-sơn học (sexology) mang tên:
Giảng huấn tình dục bằng y học Trung-quốc Gồm 4 quyển. Ba quyển đầu do :
Thư Viện Việt Nam,
P.O Box 463024
Escondido CA- 92046
USA
Xuất bản 2002.
Quý độc giả muốn mua sách có thể viết thư về địa chỉ trên. Hoặc điện thoại (miễn phí) về số 001.877.277.8886
DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI TỰA
1. Viện Pháp-Á trân trọng giới thiệu với độc giả tập sách giảng dạy về khoa tình dục, tức truyện phòng the, của Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ, bản Việt-ngữ mang tên :
Giảng huấn khoa tình dục bằng Y học Trung-quốc,
Bản Hoa-văn có tên là Trung-y Vu-sơn học. Giáo-sư Trần Đại-Sỹ đã dùng danh tự Vu-sơn, một từ đẹp trong văn chương Trung-quốc có nghĩa là Sexology. Từ này xuất hiện trong huyền sử, trước Tây-lịch.
Vu-sơn là tên núi ở phía Đông huyện Vu-sơn tỉnh Tứ-Xuyên. Vua Sở Tương-vương du hành đến núi Cao-đường, đêm nhà vua mơ thấy giao hoan với một cô gái đẹp. Nhà vua hỏi nàng là ai? Người con gái đó nói rằng:
Thiếp là thần núi Vu-sơn, sớm làm mây, tối làm mưa ở Dương-đài.
Thực tế, nhà vua đã bị chứng mộng tinh. Sau giai thoại này, văn chương Trung-Quốc dùng từ mây mưa để chỉ việc trai gái giao hợp. Từ Vu-sơn để chỉ khoa tình dục học.
Đại thi hào Lý Bạch đời Đường, trong bài Thanh-bình điệu có nhắc tới:
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu-sơn uổng đoạn trường.
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự,
Khả lân Phi-Yến ỷ tân trang.
Trần Trọng-San dịch như sau:
Một nhánh hồng tươi móc đọng hương
Mây mưa Vu giáp uổng sầu thương!
Hỏi trong cung Hán ai người giống?
Phi -Yến còn nhờ mới điểm trang.
2. Giáo-sư Trần Đại-Sỹ tốt nghiệp Đại học y khoa Cochin Port Royal, Paris. Ông đi sâu vào Trung-y từ năm 1977, là năm Pháp và Trung-quốc ký thỏa ước trao đổi văn hóa. Theo tinh thần thỏa ước đó, Ủy-ban trao đổi y học Pháp Hoa, (Commité Médical Franco-Chinois, viết tắt là CMFC) được thành lập (1). Giáo-sư Trần được bổ nhiệm làm Trưởng khoa phiên dịch. Hai năm sau, năm 1979 ông được trao chức vụ Trưởng ban tổ-chức và chương trình. Với khả năng sẵn có, thêm sự cố gắng phi thường, cùng với sức khỏe trời cho, ông giúp CMFC thành công liên tiếp ; ông được bổ nhiệm vào chức Tổng thư ký (1982). CMFC mỗi ngày một lớn, hoạt động càng rộng, uy tín lên cao. Sau 17 năm hoạt động, năm 1995, ông được bổ nhiệm làm Trưởng-đoàn cho đến nay (2000).
3. Từ năm 1980, ông bắt đầu giảng dạy về khoa Sexology tại trường ARMA và Institut Franco-Asiatique (IFA). Những bài giảng của ông sau đó được sinh viên đem sửa chữa để giảm bớt chuyên môn, và làm cho quần chúng hóa, rồi đem đăng báo Việt-ngữ, Hoa-văn, Pháp-văn và Anh-văn. Chính những bài này làm chấn động trong giới chính trị, và gây ra một số tiêu cực cho vấn đề ngoại giao của CMFC. Nguyên do, với tinh thần bất khuất của Thái-sử Giản, Đổng Hồ (2) trong văn học Trung-Quốc ; với tinh thần can đảm của Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Nguyễn Tri Phương (3) trong sử Việt-Nam. Hơn nữa ông chịu ảnh hưởng của y giới Pháp là nói thẳng. Vì vậy ông tiết lộ quá nhiều về đời sống phòng the của các nhà lãnh đạo thế giới.
Đối với các nhà lãnh đạo khối dân chủ tự do thì không có vấn đề. Ngay cả đối vơí Hoàng gia Anh, Bỉ, Đan-Mạch, Hòa-Lan, Lục-Xâm-Bảo, Monaco, là một sự thường. Duy đối với Thái-Lan, Arabe Séoudite, Jordanie, Maroc, Nhật-Bản thì là một sự phạm thượng không thể tha thứ, vì luật lệ các quốc gia này cấm không được đề cập đến đời sống tình dục của Hoàng gia. Căng hơn nữa đối với Trung-Quốc, Bắc Hàn, Việt-Nam, Cao-Miên, và hầu hết các nước Cộng-sản, theo chủ thuyết suy tôn lãnh tụ thì là những cấm kỵ tuyệt đối.
Thế nhưng Bác-sĩ Trần lại muốn tập trung lại đem xuất bản. Viện Pháp-Á chúng tôi cũng như CMFC phải hết sức thuyết phục để ông không nên phổ biến, hoặc phổ biến giới hạn những tài liệu này. Ông đồng ý, mà trong lòng ấm ức không vui cho đến nay.
Năm 1984, 9 viện bào chế lớn cùng một số công ty sản xuất máy móc, dụng cụ y khoa của châu Âu, thấy rằng Á-châu là thị trường lớn lao, cần phải được cố vấn, hướng dẫn trong việc xuất cảng. Các cơ sở này thành lập Liên-hợp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaçeutique, viết tắt là CEP). CEP nhờ CMFC làm cố vấn. Giáo-sư Trần Đại-Sỹ được mời giữ chức Giám-đốc tiếp thị (Directeur Marketing).
4. Năm 1985, lần đầu tiên Bác sĩ Trần được mời đến Đại hội các Bác sĩ sexology để diễn giảng về một thứ rượu thuốc, có khả năng phục hồi đời sống tình dục, mang tên Phục dương đại bổ tửu hay Nhất dạ lục giao sinh thất tử . Đây là một loại dược phẩm, mà thế kỷ thứ 19, một vị Hoàng đế Việt-Nam đang bị bất lực sinh lý, sau khi uống, ông có thể giao hoan với sáu phi tần trong một đêm. Kết quả, sau đó sáu bà sinh ra 7 người con, vì có một bà sinh đôi.
Bài giảng được thính chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Kể từ đấy, hằng năm, các cuộc Đại hội sexology đều mời Bác sĩ Trần trình bầy một đề tài về Sex của vùng Á-châu Thái-bình dương.
Vì vậy viện Pháp-Á quyết định tập hợp tất cả những bài giáo sư Trần đã diễn giảng tại Hội nghiên cứu y học Á-châu (ARMA), tại viện Pháp-Á (IFA), tại các buổi Đại hội Sexology, rồi xuất bản. Tuy nhiên độc giả thấy trong bộ sách này đã bị cắt đi nhiều đoạn, để tránh phạm húy đối với Việt-Nam, Thái-Lan, Nhật-Bản, Maroc, Kuwait và Arabe Séoudite; điều mà CFMC không muốn.
Đây là những tài liệu quá chuyên môn, dành cho các Bác sĩ chuyên về khoa Sexology, nên rất phức tạp, rất chi tiết. Để quần chúng hóa, chúng tôi đã cho cắt giảm những đoạn nặng nề, để một độc giả bậc trung có thể hiểu được.
Thuật dưỡng sinh này của các nước Á-châu Thái-bình-dương, đã có từ trước Tây-lịch. Trải qua nhiều triều đại, những danh y lại nghiên cứu, bổ khuyết thêm, cho đến nay trở thành một khoa Tình-dục y học (Sexologie médicale) hữu hiệu bậc nhất để phục vụ cho 8 mục đích:
1.- Bồi bổ sức khỏe,
2.- Trị hiếm muộn,
3.- Trị rối loạn tình dục (Nam bất lực, nữ lãnh cảm)
4.- Kéo dài tuổi xuân,
5.- Gia tăng tuổi thọ,
6.- Tạo rung động,
7.- Tăng cường khoái cảm,
8.- Điều hòa đời sống lứa đôi.
Đây là bộ sách giảng dạy khoa Tình-dục (Sexology), không phải là sách kích dâm. Nếu quý độc giả muốn tìm trong bộ sách những kiểu cọ, những dâm thuật thì quý vị sẽ thất vọng.
Tất cả những bài diễn giảng nói bằng tiếng Pháp, nhưng Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ là một nhà văn, ông lại tự hào về cái nguồn gốc tộc Việt của mình, về khả năng Hoa-văn; nên khi chuyển trở lại Việt-ngữ, trở lại Hoa-ngữ, ông thêm vào ít giòng thơ văn, gọi là chút lòng riêng dành cho độc giả Việt-Nam, Trung-Quốc của ông.
5. Cái thuật trình bầy trong sách này, không có gì mới mẻ. Tại Ấn-độ, thánh Gandhi đã dùng, đem lại kết quả tốt. Đương thời Ngài được toàn dân kính yêu, vì vậy không thiếu những người trẻ hiến dâng cho ngài. Tiếp đến giai đoạn 1939-1976 Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung-Quốc cùng Bộ Chính-trị của ông ; Chủ tịch Kim Nhật Thành của Triều-Tiên; một Đại Hoàng-đế Á-châu và hầu hết các lãnh tụ Cộng-sản Âu-Á từng dùng. Sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông từ trần, thì y án Sex của ông cùng thuật này được phổ biến rộng tại các Đại học y khoa, nên hầu hết những danh nhân, nghệ sĩ, trí thức vùng Á-châu Thái-bình-dương lấy làm thuật dưỡng sinh. Một số đông các danh nhân thế giới hăm hở xử dụng. Kết quả rực rỡ.
Tại Hoa-Kỳ, sau vụ án tình của Bạch-cung (2000), người ta cũng thì thầm rằng Tổng-thống Clinton đã dùng thuật này. Ông biết xử dụng nhiều thiếu nữ trẻ làm cây thuốc. Cô Lewinsky chỉ là một trong các cây thuốc của ông mà thôi. Chúng tôi không tin như thế. Chẳng qua, người ta thấy ông quá đào hoa, nên nặn ra để công kích ông. Lạ một điều, trong khi dư luận Hoa-Kỳ kết tội ông, thì dư luận Á-châu, dư luận Pháp lại khen là ông đào hoa, biết sống, biết hưởng thụ. Chính Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ trong một bài giảng đã không ngớt ca tụng ông là người biết sống, biết hưởng thụ, và biết dùng Sex để bảo kiện.
Cũng tại Á-châu, một vị Thái-tử đã được cố vấn sử dụng thuật Vu-sơn, mà dù nay ông có hàng trăm người đẹp bên cạnh, lại đi vào tuổi trên 50, mà vẫn năng động, đầy sinh lực, nhất là trẻ trung. Trong khi Thái-tử Charles của Anh-quốc, dại dột lao đầu vào cuộc tình với một phụ nữ già là bà Camilla, trái với nguyên lý Vu-sơn; để rồi ông trở thành khô kiệt, gìa lóc cóc trước tuổi.
Hầu hết những danh nhân dùng thuật này, không phải để thỏa cái dâm (nếu có, rất ít), mà chỉ với mục đích bồi bổ sức khỏe, duy trì minh mẫn, kéo dài tuổi thọ. Đây là y học, phục vụ đời sống, chứ không phải là tập sách nói về cái dâm.
6. Tháng 6 năm 1999, trong Đại hội sexologie tại Genève, Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ trình bầy đề tài :
Thái âm bổ dương
Bài này gây một tiếng vang rộng lớn, vì những phương pháp mà ông trình bầy, cho ta thấy nhiều điều sex của Âu-Á giống nhau. Nhưng, những phương pháp đó, sexology Âu-Mỹ chỉ tạo khoái cảm mà không giải thích được bằng y khoa. Trong khi bằng biện chứng Trung-y, ông lại giải thích rất khoa học.
Với mục đích giáo dục quần chúng, chúng tôi đã tước bỏ hầu hết những phần quá chuyên môn. Tuy vậy, toàn thể bộ sách, luôn có những đoạn dành cho những Bác sĩ đã thâm cứu Trung-y, nên nhiều chỗ khó hiểu, độc giả hãy lướt qua, chẳng nên bận tâm.
Viện Pháp-Á (IFA)
Chú giải:
(1). Tổ chức lúc đầu của Ủy-ban như sau :
1 Trưởng đoàn.
2 Phó Trưởng đoàn :
– Một phụ trách trao, tức giảng dạy tại Trung-quốc.
– Một phụ trách đổi, tức tổ chức sang Trung-quốc học.
1 Tổng thư ký.
6 Trưởng ngành (Dược, Giải-phẫu chỉnh hình, Giải phẫu thẩm mỹ, Sản-khoa, Tim-mạch, Nhi-khoa).
1 Trưởng khoa dịch thuật. Còn các Giáo sư thì tùy nghi mời.
(2). Thái-sử Giản, Đổng Hồ, là hai quan phụ trách chép sử, được văn nhân Trung-Quốc coi là mẫu tượng của kẻ sĩ cầm bút. Tể-tướng nước Tề là Thôi Trữ giết vua, rồi tới Quốc-sử quán xem quan Thái-sử chép ra sao. Ông cầm thẻ tre lên, thấy chép :
« Năm…tháng…ngày…, Thôi Trữ giết vua ở… ».
Thôi Trữ bắt Thái-sử Giản sửa lại, bằng không sẽ giết. Thái-sử Giản cương quyết không chịu sửa. Thôi Trữ giết ông, rồi cử em ông thay thế, với lời dọa : Phải chép lại, bằng không sẽ giết. Mấy hôm sau Thôi Trữ lại tới Quốc-sử quán, cầm thẻ tre lên xem, thì vẫn như cũ. Ông ta rút kiếm giết người em, cử người em thứ ba lên thay, với lời đe dọa :
« Phải chép lại, bằng không hãy nhìn gương hai anh ».
Ít lâu sau ông tới Quốc-sử quán, cầm thẻ tre lên xem, thì vẫn không đổi. Ông ta chưa biết giải quyết sao, thì có một người phi ngựa như bay đến, con ngựa mệt quá chết tại chỗ. Người này nói trong hơi thở :
« Xin lỗi Tể-tướng, tôi từ mấy trăm dậm vội tới đây ngay, để chép sự việc ngài giết vua, vì sợ ba anh em họ Giản chết rồi, không ai chép cái sự kiện này ».
Đổng Hồ, ông là quan Thái-sử nước Tấn. Quan Tướng-quốc Triệu Thuẫn giết vua là Tấn Linh-công. Triệu Thuẫn tới Quốc-sử quán xem thẻ tre, thấy chép :
« Ngày…tháng…năm… Triệu Thuẫn giết vua ».
Triệu Thuẫn cãi :
« Khi vua bị giết thì tôi đang bôn tẩu. Sự việc này không liên quan gì tới tôi ».
Đổng Hồ trình bầy :
« Ngài là Tể-tướng, khi vua bị giết, thì ngài chưa ra khỏi nước. Lúc vua bị giết trở về cầm quyền, ngài không trừng phạt thủ phạm, lại còn thăng chức tước cho nó. Như vậy rõ ràng ngài giết vua ».
Triệu Thuẫn xử tử bọn giết Linh-công rồi tới Quốc-sử quán xem Đổng Hồ chép ra sao, thì vẫn như cũ.
Triệu Thuẫn hỏi :
« Ta đã giết thủ phạm giết vua rồi, sao người còn chép như cũ ? »
Đổng Hồ trả lời :
« Trước thì ngài không giết thủ phạm, phải chờ đến khi ngài coi thẻ tre, rồi mới truy tầm giết chúng. Như vậy rõ ràng giết vua là do ngài. Việc của ngài, ngài cứ làm ; việc chép sử, tôi cứ sự thực mà chép ».
Triệu Thuẫn quẳng thẻ tre xuống đất.
(3). Trần Bình Trọng là một anh hùng kháng Mông-cổ của Việt-Nam, khi bị bắt, chủ soái Mông-cổ dụ rằng nếu ông chịu hàng, sẽ cho phong tước vương. Ông khẳng khái :
« Ta thà làm Quỷ nước Nam còn hơn làm Vua đất Bắc ».
Ông bị giết, được truy phong Bảo-nghĩa vương. Hiện tại xã Mạn-Trù, huyện Đông-An, phủ Khoái-Châu, tỉnh Hưng-Yên còn đền thờ ông.
Tài liệu:
ĐVSKTT, Bản-kỷ 5,
Nam-thiên Trung-nghĩa lục.
Thoái Hiên vịnh sử.
Nguyễn Biểu là tướng kháng Minh, dành độc lập. Tuân chỉ vua Trần Trùng Quang, đi sứ, Trương Phụ luộc đầu lâu người mời ông ăn, để xem ông hành xử ra sao. Ông thản nhiên ăn, còn làm thơ tỏ khí phách. Trương Phụ sai trói ông dưới gầm cầu, cho nước dâng cao dần, đến chết. Hiện có hai nơi thờ ông. Một là tại chùa An-Quốc, trên núi Hùng-Sơn, xã Nghĩa-Liệt, huyện Hưng-Nguyên tỉnh Nghệ-An. Một tại đền Nga-Sơn, núi Tuyên-Nghĩa, xã Phù-Điền, huyện Hưng-Nguyên, tỉnh Nghệ-An.
Tài liệu:
ĐVSKTT, Bản kỷ 9.
Thoát Hiên vịnh sử.
Hoàng Việt địa dư chí,
ĐNNTC,
Địa dư chí,
Việt-môn sử ký,
Việt-dư kỳ thắng,
Nghệ-An,
Hà-tĩnh sơn thủy lục,
Nghệ-an thi tập.
Nguyễn Tri Phương là Tổng-đốc Hà-Nội, triều Nguyễn. Năm 1862, Đại-tá Hải quân Pháp là Francis Garnier đánh Hà-Nội, ông bị thương, bị bắt. Ông cương quyết không chịu cho băng bó, từ khước ăn uống, khẳng khái tuẫn quốc.