Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác của mình khi lần đầu tiên nghe Spencer Johnson kể câu chuyện về những miếng pho mát của ông. “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” là một câu chuyện thuật lại những đổi thay liên tục diễn ra trong một Mê Cung, nơi có bốn nhân vật thú vị luôn tất bật đi tìm những miếng Pho Mát cho mình.
Trong câu chuyện, những khi phải đối mặt với sự thay đổi thì hai chú chuột lại có những phản ứng tốt hơn bởi chúng suy nghĩ rất đơn giản, trong khi bộ não và cảm xúc phức tạp của hai anh chàng tí hon chỉ làm cho sự việc rắc rối thêm. Điều này không có nghĩa là những chú chuột kia thông minh hơn bởi bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều biết rằng con người lúc nào cũng thông minh hơn loài vật. Hai chú chuột và hai anh chàng tí hon trong câu chuyện chính là đại diện cho những tính cách vốn có của con người chúng ta – giản đơn và phức tạp, tích cực và tiêu cực – và câu chuyện chỉ muốn nói rằng: Khi có sự thay đổi, mọi việc sẽ trở nên thuận lợi hơn nếu chúng ta biết chấp nhận và thực hiện những việc đơn giản trước.
Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp của Charlie Jones, một phát thanh viên rất được yêu thích của đài truyền hình NBC. Anh tiết lộ rằng chính câu chuyện “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” đã cứu anh và thực sự làm thay đổi sự nghiệp của anh.
Lúc đó, Charlie Jones đã làm việc rất tốt và rất thích công việc phát thanh viên phụ trách bình luận các cuộc thi điền kinh ở Đại hội Olympic trước đó. Vì vậy, anh rất ngạc nhiên pha lẫn tức giận khi bị chuyển sang phụ trách theo dõi các trận thi đấu bơi lội và nhảy cầu mà anh chẳng hề thích thú gì trong kỳ Olympic sắp tới.
Vì thiếu kiến thức về hai môn thể thao này nên Charlie đâm ra vô cùng bất mãn với công việc mới. Anh cảm thấy như mình không được trọng dụng và dần trở nên cau có với tất cả mọi người. Thật là quá đỗi bất công! Chính cơn giận và sự bực dọc đó đã gây ảnh hưởng xấu lên kết quả của những việc anh đang làm.
Tình cờ, Charlie đọc được câu chuyện “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” và anh đã tự cười thầm chính bản thân mình. Charlie nhận ra đơn giản là chẳng qua miếng “Pho Mát quen thuộc” của anh đã bị lấy đi. Và anh cần phải thích ứng với sự thay đổi đó. Anh ra sức học hỏi thêm kiến thức về hai môn thể thao này. Trong suốt quá trình đó, anh vỡ lẽ ra rằng khi thực hiện một điều gì mới mẻ, mình sẽ cảm thấy trẻ trung hơn.
Chẳng bao lâu sau, giám đốc nhìn thấy năng lực và thái độ tích cực của anh trong công việc mới này, nên quyết định giao cho anh một vị trí tốt hơn. Anh tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công hơn bao giờ hết và sau đó được ghi tên trong Bảng danh dự của môn bóng đá chuyên nghiệp – ở vị trí dành cho các bình luận viên xuất sắc nhất.
Công việc của Charlie chỉ là một trường hợp cụ thể, nhưng những triết lý giản đơn mà anh rút ra từ câu chuyện này có thể áp dụng được cho rất nhiều người. Và đó là một trong vô số những câu chuyện có thật mà tôi đã được nghe về tác động và ảnh hưởng tích cực của cuốn sách “Ai lấy miếng pho mát của tôi?”.
Tôi biết có rất nhiều công ty đã áp dụng thành công ý tưởng trong cuốn sách “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” bởi bất kỳ công ty nào cũng muốn giữ được thế cạnh tranh của mình chứ không chỉ là tồn tại, do đó họ phải liên tục đổi mới. Miếng “Pho Mát” của họ sẽ phải liên tục di chuyển. Trước đây, có thể họ chỉ muốn có những nhân viên trung thành, thì giờ đây họ lại cần những con người năng động, sáng tạo hơn, những người không hạn hẹp tầm nhìn và thoát khỏi những lối mòn, định kiến, “cách thực hiện mọi thứ đều ở xung quanh đây”.
Tôi mong rằng sau mỗi lần đọc lại cuốn sách nhỏ này, các bạn sẽ tìm ra một vài điều mới mẻ và hữu ích cho mình, như chính bản thân tôi, và rằng câu chuyện sẽ giúp bạn biết cách ứng phó trước những đổi thay, để từ đó vượt qua và đạt được những thành công. Và bất cứ điều gì mà bạn mong muốn, mơ ước sẽ luôn đứng về phía bạn.
Hy vọng rằng bạn sẽ thích thú với những phát hiện mới mẻ và luôn ghi nhớ: Phải di chuyển cùng miếng Pho Mát của mình!
Ken Blanchard
San Diego, California