Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Tự Học

Chương 5: Đọc Những Gì?

Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

A. Đọc tiểu thuyết tâm lý

Đọc tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết tâm lý hoặc kịch, là để xem người ta giãi bày tâm trạng con người qua nhiều khía cạnh trong khi tiếp xúc với đời để giúp cho ta suy nghĩ việc đời một cách sâu sắc hơn. Tiểu thuyết và kịch cũng giúp cho ta đặt lại vấn đề giá trị của cuộc đời, và đi sâu vào tâm lý của con người.

Nhưng làm cách nào, do tiêu chuẩn nào để nhận thấy một tiểu thuyết gia hay một kịch gia sành sỏi về tâm lý?

Tiểu thuyết gia hoặc kịch gia tầm thường bao giờ cũng miêu tả nhân vật của họ có một chiều thôi, nghĩa là nhân vật họ rất thuần nhất, “trung” hay “nịnh”. Sự thật trong đời, con người – dù là bậc hiền hay ngu, quân tử hay tiểu nhân – không có một tâm hồn nào thuần nhất cả. Người cao nghĩa không phải luôn luôn là người cao nghĩa, người quân tử hay người anh hùng; có những lúc, tâm hồn họ bị nhiều thử thách và có những cái tầm thường quá mức tầm thường. Bề mặt nào cũng có bề trái của nó. Những nhân vật thuần thanh cao hay đê tiện là những nhân vật ngụy tạo. André Gide có bảo: “Chính nhờ nơi những mâu thuẫn của họ mà một nhân vật làm cho ta lưu ý và chứng tỏ sự thành thật của y” (C’est par ses contradiction qu’un être nous intéresse et témoigne de sa sincérité). Pascal cũng có nói: “Con người không phải là một vị tiên thánh, mà cũng không phải là một con vật. Và kẻ nào chỉ muốn làm bậc thánh lại trở làm con vật”.

Tâm hồn con người bao giờ cũng có hai mặt: một mặt “phàm”, một mặt “thánh”. Không có một bậc anh hùng vĩ nhân nào mà không có những lúc tầm thường và ti tiện. Không có một bậc thánh nào mà chẳng có những lúc sa ngã cùng tội lỗi. Có điều là bậc thánh hay bậc hiền là những kẻ trong cuộc tranh đấu với cõi lòng, họ đã đem ông thánh trong con người của họ thắng được cái con vật trong lòng họ.

Đời người thật là hết sức phức tạp. Trên thế nữa, chưa từng có một người nào mà con đường đi được luôn luôn phẳng phiu không trở ngại. Ai ai cũng phải hằng ngày đụng chạm với người và vật chung quanh. Cách phản ứng phải có khi mềm dẻo, bao giờ cũng biết chiều theo hoàn cảnh, theo biết bao nhiêu sự bó buộc của xã hội, không thể nào tránh được.

Khi tạo một nhân vật điển hình yếm thế ghét đời, một nhà văn vụng về thiếu tâm lý sẽ làm thế nào? Họ sẽ đặt nhân vật của họ ở trong những trường hợp và hoàn cảnh luôn luôn thuận tiện để cho nhân vật ấy tha hồ thi thố tấm lòng hiếu tố của mình, không gặp gì trở ngại cả; họ tha hồ mỉa mai chỉ trích thiên hạ, không sợ thù oán, không chút thắc mắc gì cả. Tính tình ấy vẫn luôn luôn không thay đổi bất cứ ở vào trường hợp nào.

Cách miêu tả ấy rất sai với sự thực. Thực ra, không bao giờ có hạng người như thế trong đời này. Dù là một người chuyên quyền độc tài bậc nào cũng phải có lúc lo nghĩ và biết nể người chung quanh mình. Cũng phải có lúc biết sợ đến dư luận chung quanh, biết sợ đến trời đất thánh thần, và cũng muốn được lòng người chung quanh mình. Cho nên họ cũng phải biết chiều chuộng và nhún nhường. Chính những lúc ấy, giữa sự xung đột của bản tính và hoàn cảnh là những lúc gay cấn và linh hoạt nhất, làm cho câu chuyện trở nên thú vị.

Thật vậy, một nhà tâm lý sành sỏi như Molière sẽ trình bày nhân vật ấy như thế nào? Đọc vở Misanthrope của Molière, các bạn hẳn đã thấy kịch gia đại tài ấy dùng những lối nào? Molière để cho chàng “ghét đời” Alceste trong những trường hợp khó khăn khiến cho chàng ta không làm sao tha hồ kích bác chê bai như ý muốn. Alceste rất ghét những kẻ luôn luôn tươi cười và chiều đời, xu thời nịnh thế. Anh ta rất bất bình đối với chàng Philinte, vì anh này mới vừa gặp người lạ mặt là đã niềm nở ngon ngọt không tiếc lời. Cái đó cũng có lý do: anh vừa bị kiện tụng với một gã lưu manh mà tất cả mọi người đều biết mặt, nhưng trước mặt lại được người người tươi cười niềm nở. Vì vậy, anh ta tức giận muốn điên. Qua màn nhì, Alceste lại gặp một anh “nịnh thần” đến đọc cho anh ta nghe những bài thơ “ngửi” không vô. Alceste cũng muốn nói tạt trong mặt ông ta sự thật chua cay, nhưng làm sao mà nói thẳng cho được, nhất là địa vị của anh này kể ra cũng đáng sợ. Dù sao một người có giáo dục chả lẽ lại nói thẳng một sự thật trắng trợn và không đẹp đẽ ngay trước mặt một nhà thơ đã có mỹ ý đến đọc thơ người ta cho mình nghe, cũng như ai nỡ nào nói trắng trợn sự thật trước mặt một cô gái làm dáng rằng cô ấy không đẹp chút nào cả và lại vô duyên là khác? Alceste biết rõ rằng ở trường hợp này, anh ta phải bắt buộc không được nói sự thật.

Và anh ta đã phải đôi ba lần thối thác không dám nói thẳng một sự thật mà anh biết sẽ làm nặng lòng, dù là đối với một người xấc xược hỗn láo. Lòng nhân của Alceste cũng như lễ độ đã bắt buộc anh ta không được quyền nói những sự thật đau lòng và làm nhục người ta một cách vô ích. Cái hay của tác phẩm là chỗ tác giả khéo đặt nhân vật chính của mình trong những nghịch cảnh như ta đã thường thấy trong đời sống hằng ngày. Càng gặp nhiều nghịch cảnh càng làm cho nhân vật ấy càng tăng lòng cương quyết tranh đấu, càng làm cho vở kịch thêm nhiều hứng thú.

Nhưng đối với những kẻ có một tâm hồn như Alceste, ghét đời, ghét những thói đời siểm nịnh, Molière lại bắt chàng ta đáng buồn cười hơn là phải bị si tình, mà si tình phải một cô nhí nhảnh. Rõ là một sự phi lý, nhưng trong thực tế lại luôn luôn có những sự tình oái ăm và ngang trái, nếu không nói là phi lý như thế. Người ta là một cái gì mâu thuẫn không thể giải được. Những nhà đạo đức, những bậc vĩ nhân thường lại có rất nhiều tiểu tật, những cái yếu đuối, những cái ngu dại tầm thường và bất ngờ [1]. Nhà bác học Newton là một bậc thông minh xuất thế, nhưng lắm lúc tỏ ra đần độn buồn cười: ông có nuôi hai con chó, một con chó lớn và một con chó nhỏ. Muốn cho hai con chó ra vào nhà khỏi phải mở cửa, ông bèn khoét cho mỗi con một cái lỗ trống nơi chân vách. Thánh Benoît nói: “Người trí sở dĩ khác thường nhân là trong ngày chỉ “sống ngu” có vài khắc đồng hồ thôi”. “Khôn ba năm, dại một giờ” là sự thường mà cũng là may mắn lắm mới được thế.

❉❉❉

Đem những hoàn cảnh trái ngược với bản tính của nhân vật chính trong truyện để làm nổi lên rõ ràng hơn tính đặc sắc ấy, là phương pháp chung của những nhà văn đại tài và tâm lý sâu sắc.

Jean Valjean, trong truyện Les Misérables của Victor Hugo, là một nhân vật cũng linh động lắm. Ông là một người có tấm lòng hào hiệp, cứng cỏi, anh hùng nhưng gặp toàn là nghịch cảnh. Càng gặp nghịch cảnh bao nhiêu, ông lại càng tỏ ra hào hiệp, anh hùng bấy nhiêu. Tuy vậy, phần đông các nhân vật của Victor Hugo không được thực tế lắm.

Hamlet, trong vở kịch bất hủ của Shakespeare, là một thanh niên đa cảm, có tính do dự và thờ ơ, đang sống một đời sinh viên lười biếng êm đềm ở Đức. Bỗng được tin cha chết và hồn cha về mách cho biết là ông bị ám sát mà người ám sát ấy lại là chú của Hamlet. Hamlet hứa với hồn người chết sẽ trả thù. Nhưng anh ta là một tâm hồn ủy mỵ, nay gặp việc cần phải cương quyết, anh ta tìm đủ mọi cách để diên trì và thối thác. Tất cả truyện toàn dệt bằng những do dự, rụt rè của chàng Hamlet. Khi cơ hội đã đến, chàng thấy rõ bằng cứ chắc chắn để trả thù, lúc ấy kẻ sát nhân kia đang quỳ đọc kinh. Hamlet rút gươm, nhưng rồi, ngừng lại do dự và tìm lý lẽ để tự nhủ: “Nó đang cầu nguyện, giết nó, thế là nó đang sám hối và hồn nó sẽ lên trời. Ta sẽ đợi lúc nó đang tội lỗi mà giết đi thì mới đưa hồn nó vào địa ngục”. Thế là bản tính Hamlet vẫn càng ngày càng hiển lộ ra rõ ràng trong nhiều trường hợp gay cấn bắt buộc anh ta phải làm trái lại với bản tính của anh ta.

Đem đối chọi hoàn cảnh và bản tính của những nhân vật chính để bắt buộc nó phải bộc lộc ra một cách tinh tế và muôn mặt, đó là mật pháp chung của phần đông các nhà tiểu thuyết, các kịch gia tài giỏi.

❉❉❉

Tóm lại, đọc tiểu thuyết có ích cho sự học là để giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa đời sống của ta và đời sống của những người chung quanh ta thường bị thói quen hằng ngày che giấu. Cần phải đọc tiểu thuyết để đi sâu vào nhiều hoàn cảnh xã hội khác ta để tìm thấy chỗ “đại đồng” của bản tính con người sống dưới hình thức của những phong tục khác nhau, và để nghiên cứu mọi vấn đề quan trọng của nhân sinh như tội lỗi, ái tìnhsố mạng một cách cụ thể hơn, ngoài sự giải thích xuyên tạc của luân lý, đạo đức. Những tiểu thuyết hay bao giờ cũng đặt cho ta nhiều nghi vấn về cuộc đời và bắt ta suy nghĩ. Ngoài ra, những tiểu thuyết có mục đích khêu gợi những dục vọng tầm thường của ta để thỏa mãn óc tò mò bệnh hoạn đều là những sách cần phải vứt vào lò lửa.

❉❉❉

Về phương diện này, nên đọc tiểu sử các bậc danh nhân thế giới. Nó sẽ giúp ta thấy rõ tâm lý phức tạp của con người và những bậc phi phàm cũng chỉ phi phàm ở những mức độ nào thôi. Có nhiều lúc, họ cũng tầm thường và lại tầm thường hơn chúng ta nhiều.

❉❉❉

Đọc tiểu thuyết cần phải thận trọng. Kẻ nào đọc những loại tiểu thuyết nhảm sẽ làm mất thời giờ quý báu của họ và đáng ân hận hơn là rồi họ sẽ mất dần óc phán đoán và quân bình của tâm tình họ nữa. Thì giờ cần phải dành cho những sách chuyên môn, những sách tu luyện thân tâm cùng trí não. Những loại tiểu thuyết diễm tình xa sự thực dắt dẫn những kẻ đầu óc non nớt, nhất là phụ nữ đa cảm đa tình đi vào con đường phiêu lưu lãng mạn ngoài thực tế đến đỗi quên rằng đời là một trường tranh đấu các dục vọng, quyền lợi của con người, và chỉ có những kẻ nào thật có bản lĩnh mới sống nổi. Tính lãng mạn của những tiểu thuyết kiểu như Tố Tâm, Werther đã làm hư hỏng đầu óc thanh thiếu niên nam nữ không ít.

Những tiểu thuyết nên đọc là những tiểu thuyết có tính cách soi đường chỉ nẻo, cắt nghĩa đời sống con người trải qua những giai đoạn đi tìm con đường lập chí. Loại tiểu thuyết ấy trong nền văn học chung rất ít. Những quyển Les Années d’Apprentissage de Wilhelm Meister của Goethe; Jean-Christophe của Rolland Romain là những bộ sách không thể bỏ qua được đối với những người tự học.

Nhất Linh, trong quyển “Viết và đọc tiểu thuyết” có nói: “Thế nào là những cuốn tiểu thuyết hay, có giá trị trong không gian và thời gian và giúp ích nhiều nhất cho nhân loại? Những cuốn tiểu thuyết hay là những cuốn tả đúng sự thực cả bề trong lẫn bề ngoài, diễn đạt được một cách linh động các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh tế nhị của tâm hồn, bằng cách dùng những chi tiết về người và việc trong hoạt động hành vi, cảm giác và ý nghĩ của họ. Những cuốn đó cần phải do sự thành thực của tác giả cấu tạo nên, viết bằng một lối văn giản dị, không giảng giải nhiều và không phải hay chỉ vì cốt truyện”.

Biết đọc tiểu thuyết là biết thưởng thức cái hay của tiểu thuyết. Muốn thưởng thức cái hay của tiểu thuyết cần phải biết qua những quy tắc cần thiết để viết một quyển tiểu thuyết hay. Về sách giúp cho ta có một quan niệm tổng quát về tiểu thuyết, các bạn nên đọc những quyển sau đây: Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh (1929), Khảo về tiểu thuyết của Vũ Bằng (1951) và nhất là Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh (1961).

Sách Pháp thì nên đọc Défense des Lettres của Georges Duhamel, Comment un Romancier fait ses Romans của Claude Farrère (Conférencia số 12, 5-6-1927), Pourquoi et Comment on écrit un Roman của André Maurois (Conférencia số 3, 20-1-1932), Réflexions sur le Roman của Albert Thibaudet (Gallimard).

Theo Georges Duhamel, trong Défense des Lettres, thì thể văn tiểu thuyết tuy khác nhau nhiều, nhưng kể về loại thì chỉ có hai loại: một loại cốt làm cho ta quên cuộc đời đang sống của ta đây, và một loại khác cố gắng soi sáng và làm cho đời sống trong thực tế của ta trở nên có ý thức hơn. Hay nói một cách khác: Có hai loại tiểu thuyết, một loại giúp ta trốn cuộc đời hiện tại và một loại giúp ta sống cuộc đời hiện tại bằng cách nhìn thẳng vào thực trạng của nó.

Nhưng dù sao, dù tiểu thuyết thuộc về loại tả chân, tả thực cũng là “đặt ra một truyện khác với việc thường của mỗi người, khiến cho người ta trong cái khoảng dài hay ngắn, cầm đến quyển truyện trên tay, thoát ly được ra ngoài cái đời mình mà cùng với người trong truyện hoặc vui hoặc buồn, hoặc sướng hoặc khổ, hoặc đi viễn du những nơi xa lạ, hoặc ngồi hồi tưởng những việc xa xưa. Tiểu thuyết hay, người đọc trong lúc đọc tưởng như mình không phải là mình nữa mà là người trong truyện…”. [2] Người ta, sở dĩ khác muôn vật là có tính không chịu an phận, không chịu mãn nguyện với hiện tại của mình, bao giờ cũng đứng núi này trông núi nọ, tìm cách thoát ly cuộc đời bình thường của ta đây để mà tưởng tượng một cuộc đời khác thú vị hơn, ly kỳ hơn, sung sướng hơn. Vì vậy, đối với phần đông, tiểu thuyết là nguồn an ủi duy nhất để ta có thể vượt qua những đau khổ của cuộc đời đầy ngang trái. Đó cũng là sứ mạng cao cả nhất của tiểu thuyết, một sứ mạng văn hóa nếu nó đừng huyễn hoặc người đời đến lôi kéo họ vào cõi mộng và không còn biết phân biệt đâu là thực, đâu là mộng nữa. Tiểu thuyết là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng sai lầm, nó là một tai họa cho người đời không nhỏ.

❉❉❉

B. Đọc sử

Đọc sử có ích gì cho sự đào luyện óc phán đoán của ta chăng? Phần đông cho rằng sử là việc đã qua, sử là để học những bài học của quá khứ.

Nói thế có đúng mà cũng có sai.

Muốn để sử học giúp ta những tài liệu đã qua, để hiểu hiện tại và dự bị cho tương lai thì trước hết sử phải được viết ra và thuật lại một cách đúng với sự thực đã xảy ra, nghĩa là phải được thuật lại một cách khách quan. Nhưng làm gì viết sử được một cách khách quan? Nhiều người còn rất hoài nghi chỗ đó. Tôi nhớ có đọc được một câu chuyện mang máng sau đây do nhà văn Anatole France thuật: Có một nhà bác học quyết đem hết đời mình để viết lại một bộ sử tổng quát về nhân loại. Ông đã tham khảo hầu hết sách vở từ cổ chí kim để soạn bộ sử ấy. Công việc gần xong thì ông đã già gần xuống lỗ. Ngày kia, vào một buổi sáng, ông đứng trên lầu cao, trước cửa sổ, chứng kiến được một cuộc cãi lộn và ấu đả ở phố trước từ đầu đến cuối. Một hồi lâu, chị nấu bếp dọn ăn cho ông, vui miệng thuật lại câu chuyện cãi lộn và ấu đả ấy cho ông nghe. Nhưng ông lấy làm lạ, tại sao những chi tiết đều sai cả với những điều chính ông đã nghe đã thấy? Ông suy nghĩ và không bao giờ ngờ đến lòng thành thực của chị nấu bếp vì ông biết chị ấy thực thà lắm. Ông bèn cầm gậy đi xuống đường phố. Khi ông vừa gặp bà giữ cửa, bà ấy thuật lại cho ông nghe câu chuyện trên, hoàn toàn không giống với những điều ông nghe thấy, lại cũng không giống với những điều nghe thấy của chị bếp nữa. Ông tò mò đi từ đầu phố đến cuối phố thì ông lại được nghe biết bao chi tiết ly kỳ hơn nữa, không đúng với những sự nghe thấy của ông mà lại còn trái ngược nhau lung tung. Ông trở về, cảm thấy sự mỏng manh của chứng cứ con người. Các chứng cứ do các sử gia từ thế kỷ này đến thế kỷ kia để lại, ông cảm thấy cũng chỉ là những chứng cứ không sao tin cậy được nữa. Buồn chán, ông vứt chồng sử của ông đã viết vào lò lửa.

❉❉❉

Hẳn các bạn cũng đã có xem qua vở tuồng Rashomon của Nhật và các bạn cũng đã có dịp nghĩ qua sự mong manh của những chứng cứ của con người.

Huống chi những cái mà người ta gọi là những “bài học lịch sử” lại càng bắt ta nên thận trọng. Người ta thường có thói dùng lịch sử để làm những bài học luân lý, chính trị. Thực ra, những sự kiện lịch sử thường chỉ có giá trị của những tài liệu lịch sử mà thôi, chứ tự nó ít có ý nghĩa để dùng làm bài học.

Tôi xin đơn cử một tài liệu lịch sử này về trận giặc Péloponnèse giữa hai cường quốc Athènes và Sparte. Vào năm 404 (trước Tây lịch), Sparte thắng Athènes và bắt Athènes phải chịu nhận một chính phủ do ba mươi vị tòa cai trị thường gọi là “ba mươi vị độc tài” (Les Trente Tyrans), phần đông là người Sparte.

Tại sao có kết cuộc như thế, đem Sparte làm bá quyền Athènes? Là vì người xứ Athènes nghệ sĩ, thông minh nhưng không có kỷ luật, rất ghét giai cấp và sống dưới chế độ dân chủ tự do. Trái lại, địch thủ của họ tuy không quan thiết gì đến văn minh, nhưng biết lấy tính khí làm căn bản, sống dưới chế độ giai cấp, khắt khe theo truyền thống theo kỷ luật, biết đem uy quyền đặt trên những nền tảng vững chắc và độc tài.

Dĩ nhiên, Sparte phải thắng Athènes.

Đó là bài học của lịch sử. Và người ta đã lặp đi lặp lại mãi “bài học” ấy từ đời này qua đời kia, và còn cho học sinh ngâm nga tụng đọc.

Nhưng người ta lại không để ý, cũng chính lịch sử cho ta biết, chính Thrasybule lại lật đổ ba mươi vị độc tài kia trong mấy tháng sau khi Athènes thất thủ, và hai mươi bốn năm sau, Pélopidas, người Thèbes đuổi quân Sparte ra khỏi thành này. Épaminondas, tám năm qua, cũng là dân Thèbes, thắng dân Sparte trong trận Leuctres, và Mantinée làm cho Sparte mất cả tên tuổi trên bản đồ lịch sử ngày xưa. Ta nên nhớ rằng Thèbes lại là bạn đồng minh của Athènes.

Những anh học sinh ngoan ngoãn đều biết rõ những sự kiện lịch sử ấy và đã học thuộc lòng nó để trả bài cho giám khảo nhưng họ cũng luôn luôn không quên nhắc đến cái bài học lịch sử trên đây về việc Sparte bá quyền Athènes. Ta thấy rằng ở đây lịch sử lại bị lịch sử cải chính, nhưng rồi cũng không ai quan tâm đến, người ta chỉ lo nhớ cả cái bài học lịch sử và luôn sự cải chính lại nó nữa, mới là mỉa mai!

Các bài học lịch sử khác thì cũng phần nhiều đều có một tính cách chung là dạy cho người ta những gì người ta đã biết, nghĩa là ít dạy thêm được những cái mới.

Khi người ta đọc sử với cái mộng tìm nơi đó một bài học, thì có khác nào người ta gặp phải tâm trạng của một luật sư đang soạn bài biện trạng của ông ta. Ông luật sư ấy không làm việc như một nhà khoa học đi tìm chân lý mà chỉ làm cái việc tìm những chứng minh cho một định kiến sẵn có của anh ta. Những sự kiện lịch sử chỉ là những bằng cứ để anh ta dùng chứng minh những ức đoán của anh ta: anh đã biết trước phải dùng những sự kiện gì rồi. Thực ra, sự kiện không chứng minh gì nhiều (les faits ne prouvent rien). Phần đông người ta quá mê tín, quá tin tưởng nơi nó và cho rằng tự nó có đủ uy quyền để bảo đảm sự thật. Người ta không để ý rằng: cũng thời những sự kiện ấy, người ta lại có thể dùng mà giải thích rất hợp lý những triết thuyết trái ngược nhau như nhiều nhóm duy vật và duy tâm đã làm. Như vậy, những sự kiện lịch sử tự nó không thể bảo đảm rằng nó là một chân lý bất di bất dịch, giá trị của nó còn do sự giải thích của nhà viết sử nữa.

Muốn viết sử được liêm khiết, nhà viết sử chỉ nên trình bày sự kiện lịch sử đủ mọi phương diện nhưng chưa nên cố gắng rút ra một bài học lịch sử quá vội vàng.

“Lịch sử vị lịch sử” cũng như “nghệ thuật vị nghệ thuật” là quan niệm rất cận thời. Ngày xưa, lịch sử trước tiên là do chính trị mà ra, thường là công việc của những kẻ chuyên môn ca tụng chính thể, những kẻ nịnh thần, những nhà lập pháp, nghĩa là của những kẻ phụng sự một chủ quyền nào. Đọc sử cần phải biết tránh sự sai lạc của nhà viết sử, dù vô tình hay cố ý.

❉❉❉

Tóm lại, viết sử cho thật đúng rất khó. Huống chi, nhân quá khứ để tìm một bài học cho tương lai, thiết tưởng ta cũng cần phải hết sức thận trọng mới được.

Ta nên tự hỏi: những bài học của cuộc đời trong quá khứ có thể nào giúp ta giải quyết được những vấn đề rất phức tạp của thời buổi hiện tại này chăng? Thời cung tên đao kiếm, đánh giặc thì đánh theo lối đối phương có thể nào giúp ta hiểu được những biến cố hiện tại của thời nguyên tử chăng? Nhiều người lại nghi ngờ rất có lý những kết luận ngây thơ của một số nhà viết sử đã vượt qua sứ mạng khoa học của người kể chuyện để sang qua cái nghề triết luận và lý sự. Có kẻ chủ trương rằng bỏ qua những bài học của lịch sử thì có khác gì trong khi du lịch, từ chối không chịu nghe lời khuyên của người dẫn đường: kẻ ấy sành đường hơn ta. Họ làm như người ta luôn luôn có thể biết trước được những tai nạn sẽ xảy ra, họ làm như không biết đến những bất ngờ của lịch sử, và hễ biết được việc trước tất sẽ đoán được tương lai, dòng đời sẽ luôn luôn chảy xuôi mà không bao giờ chảy ngược. Họ tin tưởng một cách quá thật thà rằng “những nguyên nhân giống nhau sẽ tạo ra những hậu quả giống nhau” (les mêmes causes produisent les mêmes effets). Tương lai đâu phải là quá khứ tái diễn lại.

Phải thận trọng, trong cuộc cờ người ta đâu phải chỉ chơi mãi một nước cờ mà thôi đâu. Chính vì quá tin nơi những bài học của trận chiến mà phần đông nhà tham mưu phải chịu thất bại nặng nề trước những chiến thuật tối tân của quân địch.

André Gide cho rằng: “Bài học của lịch sử nếu có thể nói là một bài học, là nó dạy cho ta biết rằng quá khứ không thể dùng để soi sáng tương lai, và muốn đối phó với những biến cố hiện tại và mới mẻ, thà có một đầu óc không quan thiết đến quá khứ còn hơn là một đầu óc quá bị mù lòa vì những ánh hào quang của quá khứ”.

Thật là câu nói đáng cho ta suy nghĩ mà dè dặt và hoài nghi, một thứ “hoài nghi triết học” theo Descartes.

Với những “dè dặt” trên đây thì đọc sử mới bổ ích mà không sợ bị di hại.

Nhưng học sử cần nhất là học phương pháp viết sử và phương pháp đọc sử. Hai phương pháp ấy đều quy về một mối: Phương pháp phê bình sử học. Muốn đọc sử mà không sành phương pháp phê bình sử học, rất nguy hiểm. Thật vậy, muốn cho hành động ta khỏi phải có sự sai lầm hay thất bại, cần phải thấy đặng sự thật trong những việc xảy ra chung quanh ta hằng ngày.

Vậy phải làm thế nào để nhận thấy được sự thật? Có hai cách: tự mình tai nghe mắt thấy, hoặc nghe hay đọc lại những gì kẻ khác đã nghe đã thấy.

Nhưng đối với mắt thấy tai nghe, chắc gì ta đã nghe thấy đúng y như sự thật đã xảy ra, hay ta chỉ thấy, nghe những gì ta muốn thấy muốn nghe và mong ước nó phải xảy ra như thế nào? Vì quyền lợi, vì tư dục, vì thành kiến ta đã nghe thấy sai cả với sự thật. Ta hãy để ý nghe câu chuyện cãi vã của hai người, ta sẽ nhận thấy rõ điều ấy: Mỗi người một nghe theo ý riêng của mình, chứ không ai chịu nghe những gì họ không muốn nghe.

Huống chi sự thấy, nghe ấy lại do kẻ khác thuật lại hay biên chép lại, thì quả thật ta cần phải hết sức thận trọng và hoài nghi trước khi tin nó.

Những nguyên nhân xúi giục người ta mang đến cho mình những tin tức sai lầm thì rất nhiều. Vả, cũng như ta, ai lại là người không đeo theo mình một quyền lợi, một thành kiến hay một dục vọng. Lẽ cố nhiên sự nghe, thấy của họ khó thể khách quan được và không nên tin họ bằng lời mà phải biết xem xét và phê bình cẩn thận lại. Muốn có được một bộ óc phê bình cho đúng đắn, theo tôi, không còn phương pháp nào hay bằng dùng đến phương pháp phê bình sử học.

❉❉❉

Phương pháp phê bình sử học không phải chỉ dùng vào việc sưu tầm tài liệu để viết lịch sử mà thôi, nó lại còn giúp cho ta phê bình tất cả những điều ta nghe hay đọc, do báo chí, sách vở hoặc những lời đồn đãi của dư luận đem lại cho ta hằng ngày.

Vậy, trước một câu chuyện nào bất luận, ta phải tự hỏi:

– Ai thuật lại chuyện đó?

– Người thuật lại chuyện đó có thuật lại rõ ràng câu chuyện chăng?

– Người đó có thể tin cậy được không?

– Người đó có phải là người hay quả quyết suông những chuyện vu vơ, và họ làm thế là để thích ra mặt, sành chuyện hơn người không?

– Người ấy có quyền lợi gì để dối mình hay dối người chăng?

❉❉❉

Tính tự nhiên của con người là hay tin những điều kẻ khác thuật lại. Vậy chớ ta không thấy, hằng ngày, bất kỳ là chuyện gì của ai thuật lại, ta sẵn sàng tin theo một cách dễ dàng, không đòi hỏi một bằng cứ nào cả hay sao? Trừ ra khi nào tin tức ấy quan hệ đến quyền lợi ta nhiều, ta mới chịu để ý đến mà phê bình, mà gạn lọc… Bằng không, nếu câu chuyện ấy không ngớ ngẩn hay phi thường thì ta nhận nó ngay, lại còn đem nó mà thuật lại cho kẻ khác nghe và có khi lại còn tô điểm thêm cho nó có duyên hơn là khác nữa. Bất cứ ai thành thật với mình đều phải công nhận rằng mình thường có tính hay lười biếng cẩu thả như thế. Bởi vậy, óc phê bình không phải là tính tự nhiên của con người, mà cần phải tập luyện nó lâu ngày mới thành thói quen được.

❉❉❉

Những sự vật trên đời mà chính tai ta nghe, mắt ta thấy rất ít. Hầu hết những điều ta hay biết đều do kẻ khác đem lại cho ta: hoặc nhân nói chuyện mà biết, hoặc do đọc sách, đọc báo hay nghe đài phát thanh mà biết. Những điều mà kẻ khác mang lại cho ta, sử gia gọi chung là chứng cứ. Chứng cứ thật rất quan trọng trong đời sống của ta không phải nhỏ, vì không có nó, ta không thể biết được những điều gì đã qua. Vị lai thời chưa có thể biết được, người ta cần phải căn cứ nơi hiện tại mới có thể độ mà hiểu trước được. Nhưng hiện tại làm sao hiểu được, nếu không đem so sánh với những gì đã qua. Người ta bảo: Quá khứ là nguồn gốc sự hiểu biết của con người.

Nhưng, những chứng cứ ấy có nên tin cả không? Và phải làm sao biết nó có thể tin đặng? Đó là vấn đề quan trọng mà phương pháp phê bình sử học giải quyết cho ta vậy.

Phần đông ai ai cũng tin rằng: Một người kia, nếu không có lợi riêng gì để gạt gẫm ta, ắt không bao giờ họ nói dối với ta làm chi cả. Nghĩ thế là không đúng. Thường thường, những điều họ nói với ta nếu đúng cả trăm phần trăm thì có lẽ đó là một điều may mắn bất ngờ. Như ta đã thường thấy, xảy ra hằng ngày có lắm chứng cứ không đúng với sự thật đã gây ra không biết bao tai họa. Một chứng cứ sai đủ làm cho người lương thiện hàm oan trong ngục thất. Nếu phải kể ra những vụ “sai lầm của công lý” thì không biết phải bao nhiêu quyển sách mới nói ra hết được.

Ngay trong đời sống hằng ngày của ta đây, cả danh dự và hạnh phúc ta, có thể chỉ do một chứng cứ sai lầm mà tiêu tan hết. Nguy hiểm là có những lời vu báng tồi tệ nhất lại do những kẻ thành thực nhất đưa ra. Họ không phải vì ác tâm mà hại ta, nhưng vì họ thấy sai hoặc nghe kẻ khác thuật sai mà vội tin và lặp lại với kẻ khác. Chúng ta cần phải để ý đến sự mỏng manh của chứng cứ mà không bao giờ vội tin liều. Hãy biết thận trọng phê bình trước khi tạm thời chấp nhận nó.

❉❉❉

Ta nên biết rằng, trí não ta bị luật tư lợi chi phối, chỉ thấy và nghe cùng nhớ được những gì quan thiết ích lợi đến ta mà thôi. Ngoài ra đều bị để qua một bên cả, nghĩa là ta sẽ không thấy gì khác hơn những gì ta cần muốn thấy. Giữa một sự vật ở ngoài với cái tâm nhận thức của ta ở trong, có một khoảng cách xa hoặc nhiều hoặc ít, không thể nào không có được. Ta thử thí nghiệm như vầy thì rõ: để trên bàn một mớ đồ thường dùng như cây viết mực, cây viết chì, một cái khóa, một cái ly v.v… và trong mớ đồ đó ta có thể thêm vào một cái ghế nhỏ (đồ chơi con trẻ) mà thiếu một chân. Ta bảo một người nào quan sát kỹ các vật ấy. Ta cho họ một thời gian vừa ngó qua đủ món. Rồi bắt họ tả lại các vật họ thấy, ta sẽ thấy họ tả lộn xộn cả. Cây viết chì có khía, họ cho là tròn; cái ly tròn, họ cho là có khía. Nhiều món họ lại kể thiếu, có khi có cái thiếu họ lại kể thêm. Nếu hỏi cái ghế nhỏ có mấy chân, họ sẽ nói có bốn, trong khi sự thật chỉ có ba. Họ không quen quan sát, nhất là họ không biết cách quan sát. Mà phần đông con người là thế. Ta không nên quá tin cậy nơi trí nhớ của ta.

Lại nữa, ta cũng cần để ý đến điều quan trọng này: Ta chỉ có thể thấy được những gì ta đã biết thôi. Những y sĩ quen với cách xem sắc diện bệnh nhân, hễ nhìn thấy ai là họ đã nhận thấy kẻ ấy đau bệnh gì rồi mà chính người ấy soi mặt hằng ngày không thấy biết gì cả.

Do đó, ta nên để ý hai điều này:

— Trước một sự vật, chỗ nghe thấy của ta không bao giờ đầy đủ được. Có nhiều việc và chi tiết ta không thể nghe thấy mặc dù ta đã để cả hai mắt mà nhìn, hai tai mà nghe.

— Sự ngụy tạo của trí nhớ rất là tai hại. Thường ta hay thêm vào những gì ta không nhớ để cho sự nhớ được đầy đủ. Chính đó là cách nhận lầm cái bóng đen là kẻ trộm, sợi dây thừng là con rắn. Thấy trong bóng tối mập mờ một sợi dây thừng, và bởi thấy không rõ, ta bèn dùng trí tưởng tượng mà thêm vào và cho đó là “con rắn”.

Chứng cứ sai không phải luôn luôn do sự thiếu trí nhớ. Thường lại do nơi sự nhận thức sai lầm. Chính ngay vào lúc ta nhận thức, sự vật đã bắt đầu có sự thay hình đổi dạng rồi. Ở đây, ta lại đi vào thế giới bao la của “tình cảm”. Ta thấy sự vật, thường ít khi nào y như nó có thật mà thường thường là theo cái chiều ý muốn của ta ao ước nó phải xảy ra như thế nào. Dục vọng, yêu ghét, óc phe phái, tư lợi… làm cho ta giải thích sai lầm tất cả những điều ta nghe thấy. Không cần phải nói ra, cái kết quả tai hại của những chuyện hiểu lầm đáng tiếc thường xảy ra giữa người và người, hoặc giữa dân tộc khác nhau, không ai không thấy.

Tai hại hơn hết là những kẻ đem lại cho ta những chứng cứ sai ngoa ấy lại là những kẻ hết sức thành thật. Họ không có chút lòng dối trá gì cả, vì chính họ tin thật những điều họ đã thuật lại cho mình kia là đúng cả trăm phần trăm. Họ tin như thế, nên họ mới quả quyết như vậy. Đó mới thật là nguy hiểm. Bởi vậy, đối với những kẻ tố cáo, thuật lại hay biên ra, ta phải hết sức thận trọng dè dặt lắm mới được. Bất luận là chứng cứ nào, hãy phê bình nó rồi sẽ tin sau. Phải coi chừng sự dối trá, nhất là những nguyên nhân sai lầm về tâm lý mà người thường vô tâm sa vào như ta đã thấy ở trên.

Ta nên để ý điều này: Những kẻ có ý gạt gẫm mình thì ít, mà những kẻ vô tâm gạt mình thì rất nhiều. Vì vậy, những chứng cứ thành thực (sincères) dễ tìm hơn những chứng cứ xác thực (véridiques).

❉❉❉

Giờ đây, xin bàn qua phương pháp phê bình sử học:

1. Phê bình ngoại bộ

a. Trước hết, nhà làm sử hay viết sử phải để ý đến việc tìm tài liệu cho đầy đủ. Tài liệu mà thiếu sót thì không thể nào có cơ sở để phê bình được. Tìm tài liệu là để tìm ra sự thực.

Sự thực là gì? Là những sự có thực xảy ra. Đó là lấy theo nghĩa hẹp và cụ thể của nó. Còn lấy theo nghĩa rộng và trừu tượng của nó thì sự thực cũng dùng để chỉ một ý tưởng, một trạng thái tâm lý hay một ý kiến.

Nếu lấy theo cái nghĩa hẹp của nó, ta phải để ý kỹ điều này: có tài liệu, chưa ắt ta đã nắm ngay được sự thực. Như ta đã thấy, tài liệu đôi khi là những hình ảnh sai lầm của sự thực. Những chứng cứ của kẻ khác mang lại cho ta đâu phải là luôn luôn đúng với sự thực trăm phần trăm. Trái lại, có khi nó chỉ là những phán đoán hay phỏng đoán của kẻ khác, trong đó đã pha ít nhiều dục vọng, ưa ghét rồi. Thật vậy, những điều kẻ khác mang lại cho ta toàn là những điều mà họ muốn cho ta thấy như họ. Nếu họ ưa thì họ thêm thắt hoặc bớt xén câu chuyện, sắp đặt cách nào cho câu chuyện ấy được dễ ưa. Trái lại, nếu họ ghét, họ sẽ thêm bớt câu chuyện và sắp đặt cách nào cho câu chuyện trở nên dễ ghét.

Bởi vậy, ta phải phân biệt cẩn thận cái nào là “sự thực”, cái nào là “phán đoán” hay “phỏng đoán” và cố nhiên là phải dùng sự thực làm tài liệu và chứng cứ mà thôi. Những cái sau nếu muốn dùng, cần phải lo tẩy sạch cái màu chủ quan của nó đi, để tìm lại cái thực diện của nó, nghĩa là phải phê bình nó một cách không thiên lệch mới được.

Ứng dụng phương pháp này, tưởng không gì hay bằng đem năm, bảy tờ báo khác chính kiến với nhau nhưng cùng thuật lại một việc mà so sánh. Ta hãy so sánh lại những điều các báo ấy thuật lại, phân tích ra từng bộ phận như sau đây:

– Những chỗ dị đồng, thuộc về “sự thực”;

– Những cách thuật lại khác nhau, vì chính kiến, vì dục vọng biến thiên thể cách;

– Những phỏng đoán rặt là phỏng đoán thôi chứ không dính dấp gì đến sự thực cả.

Bên Anh, trong những trường “bình dân cao đẳng”, có những lớp học gọi là “lớp học báo chí”. Ở đó, giáo viên mỗi tuần gom góp lại tất cả báo chí trong nước, nghiên cứu và đem ra diễn giải cho học sinh thấy những chỗ dị đồng về sự thực, phân tích những chỗ khác nhau về cách trình bày và giải thích những tin tức của các báo và tìm cắt nghĩa lý do của những sự sai biệt ấy. Thật là bổ ích cho óc phê bình không biết chừng nào.

❉❉❉

b. Tìm được tài liệu rồi, hãy phê bình về lai lịch của nó.

Phê bình lai lịch của nó, phải hỏi coi:

– Nó ở đâu mà đến?

– Nó xảy ra hồi nào?

– Ai thuật lại nó?

Phê bình lai lịch của sử liệu là cốt kiểm soát lại sự chính xác của nó, bởi thường có rất nhiều tài liệu hoàn toàn giả, do bọn con buôn giả mạo để bán cho những nhà hiếu cổ. Cũng có nhiều câu chuyện người trước tạo ra, truyền tụng lại một cách quả quyết như việc có thật. Ta phải thận trọng những thứ ngụy tạo ấy.

c. Ta cũng phải biết “phục hồi” lại nguyên văn hay nguyên thể những tài liệu mình đang nghiên cứu nữa.

Có nhiều tài liệu truy ra, thấy tuy thật là món tài liệu chính xác rồi, nhưng trong đó có nhiều chỗ hoặc nhiều chữ, nhiều câu hoặc nhiều đoạn văn bị kẻ khác thêm vào (sách xưa thường bị sự thêm thắt ấy, vì người chép sách hay thêm ý riêng của mình vào), hoặc vì kẻ sau cho là nói không hết ý nên tự tiện viết tiếp theo mà thành ra “tam sao thất bổn”. Lại nữa, cũng có khi quyển sách bị ấn công sắp lộn làm sai cả nguyên văn, vậy ta phải để ý tìm cách phục hồi lại nguyên văn mới được.

❉❉❉

2. Phê bình nội bộ

Biết được lai lịch và phục hồi lại được nguyên thể hay nguyên văn của sử liệu rồi, đó cũng mới chỉ là công việc phê bình ở ngoại bộ mà thôi. Muốn cho sự phê bình được đầy đủ hơn phải đi sâu vào nội bộ nó mà phê bình.

❉❉❉

Phê bình một chứng cứ, theo cái nghĩa rộnghẹp của nó, cần phải phân ra làm hai giai đoạn:

– Giải thích nó;

– Tìm sự thành thực và đích xác của nó.

a. Giải thích tài liệu

Trước hết, phải coi tác giả muốn nói gì?

Đây là lời phê bình, để tìm lại cái nghĩa chính của một bản văn, từ cái toàn thể đến từng chi tiết của nó. Nếu tư tưởng của tác giả trong sáng, văn chương của tác giả rõ ràng thì có gì là khó khăn. Nhưng sự thực thì đâu phải luôn luôn gặp được như thế. Phải coi chừng, nhiều khi tác giả (thuộc về thế hệ trước) dùng một thứ tiếng như ta, nhưng thực ra để chỉ một nghĩa khác hơn ta đang hiểu và đang dùng bây giờ. Đọc cổ văn thường gặp những khó khăn này. Bởi vậy, có nhiều nhà nghiên cứu gán cho cổ nhân nhiều tư tưởng tân thời mà tự cổ nhân không bao giờ nghĩ đến.

Có khi tác giả lại viết một lối văn tự riêng của họ, nhất là những nhà tư tưởng triết học. Vậy ta phải biết cho thật rõ cái định nghĩa riêng của văn tự ấy. Tỉ như đọc sách của Montaigne mà thiếu bản tự vị về những danh từ dùng riêng của ông, và ở thế hệ ông thì không tài nào hiểu nổi ông.

Đọc sách Lão, Trang mà cứ hiểu theo cái nghĩa văn tự bây giờ thì hiểu sai đến vạn dặm.

Chẳng những văn tự khác, mà cả đến văn pháp cũng khác nữa. Tìm lại được cái nguyên nghĩa của bài văn xưa thật không phải dễ gì.

Có khi tác giả lại dùng một lối văn “ẩn dụ” hay “bóng dáng”, hoặc “mỉa mai” hay “hài hước”. Nếu vô tình, ta lại tưởng đó là lời nói thật, thì càng sai lầm biết mấy.

Seignobos và Langlois nói: “Cái khuynh hướng tự nhiên, dù là những nhà viết văn làm việc theo phương pháp cũng vậy, khi đọc một bản văn nào là cốt tìm ngay tài liệu để tham khảo, chứ không chịu tìm hiểu coi ý tác giả muốn nói gì trong đó. Lối làm việc có thể được đối với những tài liệu thuộc về thế kỷ thứ 19, do những kẻ cùng lối tư tưởng cùng lối ngôn ngữ như ta. Trái lại, nếu gặp phải những lối văn chương tư tưởng không cùng thời với ta nữa, hoặc cái nghĩa của bài văn không được rõ ràng và không thể dị nghị được nữa thì thật là nguy hiểm. Kẻ nào đọc văn mà không lo tìm hiểu tác giả, cố nhiên là đọc nó theo cảm tưởng của mình; trong (bài văn dùng làm) tài liệu kia, họ chỉ để ý đến những câu hoặc những chữ nào thích ứng với quan niệm riêng của họ, hoặc hợp với ý kiến của họ đã có sẵn trước đối với sự vật, họ trích riêng ra những câu hoặc những chữ ấy mà họ đâu có dè, để làm thành một bản văn riêng theo trí tưởng tượng của họ và đem bản văn ấy mà thay vào bản chính của tác giả”.

Nhà viết sử phải tự lập cho mình một quy luật này: “Phải tìm hiểu bài văn theo cái chân nghĩa của nó trước hết, rồi sau sẽ tự hỏi: nó có thể dùng được chỗ nào để làm tài liệu”. [3]

Vậy ta có thể tóm lại trong một câu, quy tắc trọng yếu này của phép làm sử: “Một câu văn, nghĩa nó thay đổi, chẳng những tùy theo thời đại mà còn tùy theo vị trí của đoạn văn ấy trong bài; ta chớ bao giờ tách một câu ra ngoài cái văn mạch của nó, nghĩa là ngoài cái bài mà nó chỉ là một câu hay một đoạn trích ra; và nếu giải thích, phải giải thích nó theo cái ý chính và tổng quan bao trùm bài văn”. [4]

Thật vậy, trong một bài văn, luôn luôn có tư tưởng này cùng với tư tưởng kia liên quan mật thiết nhau, nếu chỉ “tách” ra một đoạn hay một câu, thì tư tưởng bị “tách” ra kia ngoài bài văn có khi không còn ý nghĩa gì nữa, hoặc có những nghĩa trái nghịch với tư tưởng chung của toàn bài cũng không chừng. Thường những nhà phê bình mà có ác ý, hoặc những người bút chiến – họ thích “chặt khúc” hoặc “trích” rời một đoạn văn trong một bài, một câu văn trong một đoạn, hoặc một chữ trong một câu, để thay đổi cái chính nghĩa của nó đi và cố bắt bên kia phải nói những điều mà kẻ ấy không bao giờ nói. “Cái thủ đoạn thô bỉ và vô liêm sỉ ấy rất được phần đông công chúng vô học thức hoan nghênh và tín nhiệm, nhưng nó chỉ là một sự khiếp nhược mà thôi. Nhà phê bình thường cũng có thể vô tình sa vào cái lầm này nếu họ không chịu để ý đến văn mạch” [5].

Trích sai hay trích thiếu một nguyên văn là không nên, huống hồ lại trích những đoạn văn mà kẻ khác đã trích thì lại càng không nên nữa. Phải đọc ngay nguyên văn, do người đầu tiên viết ra. Không nên bao giờ căn cứ nơi những sách do người thứ hai chép lại. Những đoạn văn hoặc những câu văn của họ trích ra, ta cần phải xét xem lại thận trọng, không nên lấy đó dùng làm tài liệu: biết đâu họ không trích thiếu hay trích sai? Vậy, nếu muốn dùng nó, ta hãy đọ lại với chính văn mà kiểm soát lại. Đọc sách nghiên cứu, không nên trọn tin nơi những câu chứng dẫn của họ, trái lại, phải luôn luôn dò lại chính văn. Bởi vậy, những nhà khảo cứu khi chứng dẫn cần phải thêm xuất xứ mới đúng phép.

❉❉❉

Nếu ta chỉ muốn biết tư tưởng của tác giả mà thôi thì công việc tìm hiểu bản ý của họ như thế là đủ rồi. Nhưng, nhiều khi chủ ý lại muốn tìm coi cái việc họ nói đó có thật không? Cho nên, chỉ giải thích không thôi chưa đủ, cần phải phê bình thêm một bước nữa để tìm sự thành thực của tác giả và sự đích xác của tài liệu.

❉❉❉

b. Tìm sự thành thực của tác giả

Tác giả có thành thực không? Muốn trả lời câu hỏi này, ta hãy xét qua những nguyên nhân tâm lý đã khiến tác giả nói sai với sự thật:

– Tác giả có phần vì tư lợi mà nói dối không? Quyền lợi họ buộc họ phải nói như thế vì nếu nói khác đi, họ sẽ bị thiệt. Hoặc vì địa vị họ cần phải giữ gìn. Hoặc vì lý tưởng, vì tự kiêu mà họ buộc lòng bỏ qua hay thêm bớt sự thật đi, để đừng chạm đến tín điều và danh dự riêng của họ?

– Tác giả có phải vì hoàn cảnh buộc lòng phải nói không đúng với sự thật để mưu sự an thân không? Những nhà văn ở các triều đại xưa, đâu có dám nói ngay sự thật, họ phải nói quanh co úp mở. Những nhà văn ở các nước độc tài, sống trong những chế độ văn hóa chỉ huy cũng thế.

– Tác giả có những ưa ghét riêng đối với một người nào hay một nhóm người nào?

– Tác giả có phải vì muốn mị dân, nghĩa là chiều theo thị dục của quần chúng, hoặc vì muốn tránh sự đụng chạm hay xung đột với lòng tín ngưỡng của quần chúng mà nói sai với sự thật không?

– Tác giả có phải vì thiên về một chủ nghĩa nào, thiên về một phe phái, công trình hay tôn giáo nào, thiên về xứ sở quê hương mình, thiên về giai cấp xã hội mình… mà nói sai với sự thật không?

– Hoặc tác giả có phải vì quyền lợi chung của một hội đoàn nào mà chính mình là một phần tử quan trọng. Dĩ nhiên, vì quyền lợi chung của hội hay đoàn tác giả buộc phải làm thinh hoặc không được nói ngay sự thật nào có hại cho hội hay đoàn đó.

– Tác giả có phải vì hiếu danh mà xướng xuất ra những điều không đúng với sự thật không?

– Tác giả có phải vì chuộng mỹ thuật văn chương hơn sự thật, muốn cho câu chuyện được ly kỳ đẹp đẽ mà thành ra nói không đúng với sự thật không?

Phần đông con người có tính hay thuật lại một câu chuyện không phải y như nó đã xảy ra, mà là theo cái ý tưởng tượng muốn cho nó phải xảy ra như thế nào. Thực tế, có một số những “tiếng nói lịch sử” là do trí tưởng tượng của nhà viết sử tạo ra. Họ “tiểu thuyết hóa” hay “thi vị hóa” mọi sự việc mà họ nghe thấy.

❉❉❉

c. Tìm sự đích xác của chứng cứ

Chỉ tìm sự thành thực của tác giả mà thôi, không đủ. Vì người thành thực chưa đủ bảo đảm điều họ nói là đúng với sự thật: họ vẫn bị sai lầm như mọi người.

Vậy tìm sự thành thực của tác giả rồi, cần phải tìm coi điều họ nói có đúng với sự thật không? Tác giả rất có thể là người thành thực, nhưng ở vào một trường hợp không thuận tiện cho sự quan sát nên sự nghe thấy sai đi.

Bất kỳ là ai đều không bao giờ chịu tin những lời nói của người điên. Là vì những điều họ nói điều do ảo giác mà ra, không sao có thể dùng làm bằng cứ được. Nhưng nếu không nên tin nơi ảo giác của người điên thì mình cũng phải coi chừng những “thành kiến” và “ảo tưởng” vì đó cũng là những cái mà nhà triết học gọi là “bán ảo giác”.

Chúng ta thường xem sự vật trong đời theo lòng sở nguyện của ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào, hoặc theo như ta quen thấy nó đã xảy ra. Nếu trái lại, nó xảy ra không chiều theo ý muốn của ta thì ta lại cưỡng ép nó phải chiều theo ta, nghĩa là ta sẽ giải thích nó theo thành kiến của ta. Hoặc nếu nó xảy ra không giống với những điều ta quen thấy thì ta cũng cố cưỡng, giải thích nó theo những điều ta đã quen thấy, chứ không chịu thoát khỏi cái tâm lý eo hẹp của ta để mà độ hiểu hành vi của kẻ khác. Bởi vậy, những câu chuyện của những nhà du lịch kể lại thường không bao giờ đúng với sự thật, hoặc vì họ gặp phải tâm lý các dân tộc không giống với tâm lý họ, nên họ không thể hiểu được.

❉❉❉

Tác giả sai lầm vì thấy sai, nghe sai hoặc nhớ sai, vì quan sát không đúng, nhận thấy sự vật theo thành kiến của mình, và tưởng rằng mình nhớ trong khi mình chỉ có tưởng tượng thôi.

Tùy theo việc, nếu người thuật lại một câu chuyện mà mình biết chắc rằng người ấy là người chuyên môn và sành chuyện thì lẽ cố nhiên mình có thể tin người đó hơn. Tỉ như, nếu là một bác sĩ mà thuật lại về việc bệnh hoạn, tự nhiên mình tin họ hơn một kẻ “tay ngang”. Vì chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể thấy rành được những chi tiết trong ngành chuyên môn của mình, chứ những kẻ không biết gì cả, dù họ có mở trao tráo đôi mắt, cũng không thấy trong đó có những gì đúng cho được. Bởi vậy, sở dĩ tác giả thành thực nhưng lời họ thuật không đúng với sự thực là tại câu chuyện của họ thuật lại ở ngoài tầm hiểu biết của họ. Các bác sĩ xem bệnh có bao giờ chịu tin theo những lời khai bệnh của bệnh nhân hay của người nhà người bệnh đâu. Là vì họ biết rằng những người ấy có hiểu gì được về bệnh chứng mà thấy rõ được nó như thế nào.

❉❉❉

Những tài liệu, nếu không phải là những tài liệu “sốt dẻo” chép lại liền sau khi quan sát hay mục kích, mà chép lại sau một thời gian lâu, tất nhiên phải thận trọng. Ta nên biết rằng: Trí nhớ của ta không sao tin cậy được, dù mình nhớ dai đến mức nào. Những thiên hồi ký, trong đó, tác giả thuật lại những việc làm lúc nhỏ, không thể trọn tin được. Đó là chưa kể cái lòng tự đắc, thiên vị của tác giả thường có thói “che cái dở, đỡ cái hay” của mình.

❉❉❉

Tác giả vì phận sự của nghề nghiệp buộc phải biên chép những điều không quan hệ gì đến mình cả. Hoặc như trả lời cho một bản điều tra của nhà chức trách, hoặc làm phóng viên của nhà báo, tác giả chỉ biên lại những lời nói của kẻ khác mà tác giả đã nghe “lóm” đó đây chứ không phải tự mình quan sát.

Nếu là một anh thuộc viên thuật lại cho ta nghe câu chuyện trong một hội nghị cơ mật thì anh ấy làm gì thuật lại đúng với sự thật? Chẳng qua anh ấy nghe “lóm” một vài mẩu của câu chuyện rồi thì chỗ nào thiếu sót, anh dùng trí tưởng tượng mà bổ khuyết vào cho câu chuyện có đầu đuôi. Đó là anh nhận lầm sự giải thích của anh làm sự thực, thành ra trong câu chuyện của anh, ta không biết chỗ nào là thực, chỗ nào là câu chuyện tưởng tượng.

Thường những việc xảy ra trước mắt ta, dễ nhận thấy hơn là những việc xảy ra trong tâm giới. Cho nên, mỗi khi có người quả quyết một việc thuộc về tâm lý, ta phải biết cho đó chỉ là một ức đoán chứ không phải là một sự thực. Ở trong trường hợp này, ta phải tự hỏi: Người ấy có đủ điều kiện cần thiết để ức đoán như thế không? Người ấy có biết cách áp dụng những điều kiện cần thiết ấy để quyết đoán đúng đắn không?

❉❉❉

Có người thuật lại cho ta nghe một việc, nhưng là một việc do một kẻ khác thuật lại cho họ: đó là thứ tài liệu của một kẻ thứ hai, hoặc của một kẻ thứ ba hay thứ tư thuật lại cũng không chừng. Từ “tài liệu do tay đầu tiên” thuật lại cho ta hôm nay đã trải qua không biết bao nhiêu lần nghe đi nói lại, sự sai lạc càng to tát là chừng nào.

Lại nữa, những câu chuyện xưa khởi đầu bằng câu: “Xưa kia, có tích rằng…” hay “Có kẻ nói rằng…” đều không thể tin là sự thực được. Những câu chuyện do thiên hạ đồn, nhưng không biết đích xác là của ai đều là những câu chuyện không nên tin vội.

❉❉❉

d. So sánh tài liệu

Như ta đã thấy, nguyên nhân sai lầm rất nhiều, nếu đối với một việc xảy ra mà chỉ có một người chứng thì chứng cứ ấy không đáng kể. Muốn biết sự thực, cần phải có chứng cứ của nhiều người để so sánh mới có thể tin được.

Nhưng các chứng cứ cần phải khác nhau, chứ nếu người này chỉ chép lại chuyện người kia thì không thể gọi đó là hai chứng cứ, mà phải kể là có một thôi. Dù có cả trăm người thuật lại, cũng chỉ nên kể là có một chứng cứ thôi.

Tóm lại, nếu hai chứng cứ mà giống hệt nhau, ta không có quyền xem đó như có hai chứng cứ. Thật vậy, dù hai người cùng đứng trước một việc, khi thuật lại họ sẽ không bao giờ thuật lại giống nhau từng chi tiết. Trước tòa, nếu có hai người chứng thuật lại một câu chuyện giống nhau từng chi tiết, từng lời ăn tiếng nói như “trả” một bài học thuộc lòng, quan tòa dĩ nhiên sẽ không thể không nghi ngờ rằng đây là một sự a ý của các người chứng. Vậy ta có thể kết luận rằng: Những tài liệu so sánh với nhau được nhận là đúng khi nào nó giống tương tự nhau thôi, chứ không giống như khuôn.

Tuy nhiên, lắm khi ta cũng gặp được nhiều chứng cứ giống hệt nhau về một việc. Đó là điều may mắn lạ thường. Nhưng ta cũng phải thận trọng: con người mà chùm nhum cho thật đông thường hay bị ảo giác chung [6] mà đồng thấy giống nhau nhưng sai với sự thật. Ảo giác ấy có thể do ám thị của một người thấy sai đầu tiên rồi thì càng đông người, sự “truyền nhiễm” tư tưởng và cảm giác càng mạnh, người ta bị sai sử theo một “ám thị” sai lầm mà không dè.

Trái lại, nếu nhiều người không cùng một phe phái, không cùng một lý tưởng lại đồng thanh chứng nhận một việc, thì dĩ nhiên việc đó đáng tin hơn hết, vì vô lý nếu cả thiên hạ đều a ý để lừa gạt mình.

❉❉❉

Muốn biết một việc là có thật không, người ta hay lấy những sự hiểu biết hiện thời để đối chiếu. Nếu là một việc quả quyết có thật, nhưng trái với lẽ thường, trái với khoa học thì ta cũng không nên tin liều là có được.

Tuy vậy, ở đời cũng có không biết bao nhiêu chuyện có thật mà rất vô lý, lại cũng có không biết bao nhiêu chuyện rất hợp lý lại không có thật. Khoa học chưa phải đã đạt đến mục đích cuối cùng của nó: Nó còn đang dò dẫm tìm kiếm những huyền vi của tạo hóa. Cho nên biết đâu theo quan niệm hiện thời của khoa học, chuyện ấy là vô lý mà vài ba chục năm sau này, chứ đừng nói thế kỷ sau này, khoa học tiến bộ hơn sẽ lại cho đó là hợp lý. Cách vài trăm năm nay, nói đến những luồng điện giết người cách ngoài ngàn dặm người ta sẽ cho là vô lý, mà ngày nay chuyện ấy đâu còn là vô lý nữa. Ta lại cũng nên để ý câu này của Diêm Thiết Luận: “Vì không trông thấy mà cứ không tin thì cũng như con ve sầu không biết tuyết”.

❉❉❉

Nhà làm sử cũng như nhà phê bình, thường cho những điều gì hợp với lý thuyết mình, hợp với điều mình ưa thích là có thể có đặng mà thôi; trái lại là không thể có, vì mình không muốn cho nó có, mặc dù nó có thật.

Tóm lại, phương pháp phê bình sử học mà tôi lược thuật đại cương trên đây, không phải chỉ để dùng trong việc nghiên cứu sử mà thôi. Một vị thẩm phán muốn tìm thủ phạm cũng dùng phương pháp phê bình sử học. Thường những sai lầm của công lý là do thiếu óc phê bình mà ra. Trong đời sống hằng ngày, bất luận một tin gì kẻ khác mang lại cho ta, ta phải thận trọng phê bình gắt gao mới được, nhất là những câu chuyện thiên hạ đồn đãi, hoặc những tin tức của báo chí đưa đến cho ta.

❉❉❉

C. Đọc báo

Ở đây, tôi không nói chung đến sự ích lợi của báo chí mà chỉ bàn riêng về sự lợi ích của nó trong vấn đề học vấn.

Người không thích đọc sách cũng thường ưa đọc báo. Có kẻ mỗi ngày đọc năm bảy tờ báo, đọc từ cái tin vặt đến lời quảng cáo. Người ta đọc báo tùy nhu cầu: có kẻ đọc báo để “săn tin”, có kẻ đọc báo để theo dõi những tin thể thao hay những tin tòa án và án mạng, có kẻ đọc báo để theo dõi những thiên tiểu thuyết tình tứ ly kỳ hay trinh thám nghĩa hiệp, có kẻ đọc báo để theo dõi kịch trường hay những cuộc giải trí khác. Nhưng, báo giúp ích cho ta về văn hóa chăng, đó là một vấn đề khác.

❉❉❉

Tôi chắc chắn rằng báo chí không giúp được nhiều cho người tự học, tìm cho mình một cơ sở văn hóa vững chắc. Tôi biết có nhiều tờ báo (phần nhiều là tạp chí văn hóa) rất đứng đắn, vì báo cũng có nhiều đường báo. Nhiều tờ báo đăng nhiều bài nghiên cứu về văn học, khoa học, kinh tế, chính trị rất hay, nhưng chỉ có những bậc túc học, bác học, học giả mới đọc mà thôi. Kỳ dư những kẻ học thức tầm thường không thu rút được lợi ích là bao: họ cần phải có một sự dắt dẫn từ bước ban đầu. Vì vậy, báo chí đăng những bài nghiên cứu chỉ giúp tài liệu cho những người có một cơ sở văn hóa cao và vững vàng, chứ không phải viết cho “tay ngang”, vì vậy ít người đọc được và đọc có hiệu quả. Đọc một bài nghiên cứu về kinh tế, hay chính trị, người ta đinh ninh rằng người đọc bài ấy ít ra phải có một số vốn học thức kha khá về đại cương. Bởi vậy đối với hạng độc giả ít học hoặc chưa có một cơ sở học vấn khá, cần phải được người ta chỉ dẫn từ bước đầu, một cách nhẫn nại và tuần tự, có phương pháp. Họ muốn cho ta cầm lấy tay họ mà dắt đi từng bước một, chứ đâu có muốn cho ta mỗi ngày mỗi thay đổi và theo con đường mới. Báo chí chỉ là phương tiện để cho họ giải trí tinh thần thôi, chứ thực ra không giúp gì nhiều cho việc bồi đắp cơ sở học vấn của họ. Hôm nay, báo chí bàn với họ về vấn đề Dương Tử, câu chuyện chưa ngã ngũ là ngày mai họ đã bàn về những bức thư tình của Hàn Mặc Tử. Đề tài hỗn tạp làm cho họ biến thành con bướm giỡn hoa: cái gì cũng “nếm” phớt qua mà không có một cái gì là thật biết rõ. Sự thu thập học vấn cần phải có một sự cố gắng hướng về một chiều sâu và khéo nhất trí hơn. Chứ bắt họ chứng kiến mãi những cuộc bàn cãi về sử học, về văn học, về những tác phẩm mà họ chưa từng biết đến hoặc biết một cách mơ hồ về những lý thuyết mới về khoa học mà cái này chống báng cái kia, hoặc chữa sửa cái kia, những lý thuyết mà họ “mù tịt” không rõ đầu đuôi gì cả. Các bạn hẳn cũng đã được đọc qua một vài bài phê bình sách của một vài tạp chí mà dụng tâm của nhà phê bình không phải cốt ý trình bày một cách khách quan những quyển sách mình phê bình, mà trái lại, họ phê bình với tính cách thiếu khoa học để cốt dìm kẻ khác đặng nâng cao mình lên, trong khi tự mình cũng chưa biết cách đọc sách gì cả. Họ đã lầm lẫn công kích với phê bình, có khi họ không đọc hết tác phẩm, chỉ đọc “mớ nhắm”, “cắt xén văn mạch”, “vơ đũa cả nắm” rồi phê bình và lên án, xuyên tạc vu khống, bắt tác giả nói những gì họ không nói. Độc giả thiếu học thức dễ bị họ gạt gẫm. Cũng có một số nhà phê bình có óc bè phái, đề cao và khen tặng quá lời những tác phẩm của bè bạn, bất chấp liêm sỉ của nhà phê bình chân chính. Tuy nhiên, có một số nhà phê bình đúng đắn giúp cho ta rất nhiều trong việc chọn lựa sách đọc. Dù sao, mình cũng không nên quá tin và để cho kẻ khác, dầu họ là nhà túc học, đa văn quảng kiến bậc nào, thay thế ta mà phán đoán suy nghĩ thế cho ta. Đọc sách mà tự mình làm giảm óc phán đoán và suy nghĩ của mình là một điều tai hại vô cùng cho tinh thần độc lập và tự do của mình. Đừng để cho ai “che cái ánh mặt trời của mình” như Diogène đã bảo với Alexandre đại đế.

Tôi có biết một vài người suốt đời không bao giờ chịu đọc một quyển sách gì cho kỹ, họ toàn đọc “mớ nhắm” một vài bài báo, tạp chí rồi cũng tự tin là đã có sẵn một học vấn “uyên thâm”, cho phép họ được “mục hạ vô nhân” và xem người bằng nửa con mắt. Còn nói gì có nhiều người có chút Tây học, chuyên môn đọc báo ngoại quốc và đọc ròng những bài báo phê bình văn học, chính trị v.v… rồi tha hồ mà “dìu dắt quần chúng”, dẫn đạo dư luận. Kẻ nào muốn có một cơ sở học vấn chắc chắn không nên phiêu lưu theo sự “dìu dắt” của những nhà “dẫn đạo” ấy. Tôi có biết nhiều nhà “học thức” bàn bạc về Malraux, Jean-Paul Sartre, Camus, André Gide, Romain Rolland v.v… Hễ đụng đến họ là họ kể cho nghe những thuyết phân tâm học, siêu nhiên học, hiện thực học, hoặc Phật học v.v… mà thực ra, trong đời họ, họ chưa từng đọc kỹ một tác phẩm nào của Malraux, Jean Paul Sartre, Camus, A.Gide, R.Rolland, của Freud hay một quyển kinh Phật nào cả. Họ sở dĩ biết được tên những tác giả ấy là nhờ đọc ba bài báo phẩm bình tác phẩm, lịch sử của những nhà văn ấy trên tạp chí hay trong những quyển văn học sử.

Những bài nghiên cứu đứng đắn ở các báo chí trang nghiêm thật ra không dùng được cho những kẻ thiếu căn bản học vấn. Những bài báo ấy chỉ có ích lợi cho những nhà chuyên môn hay học giả mà thôi, để họ theo dõi tình hình hiện tại của khoa học hay văn học trên thế giới. Những báo chí có cao vọng đào luyện học vấn cho quần chúng bằng một cái học truyền bá phổ thông kể ra thật chưa nhiều, vì tự nó muốn đào tạo văn hóa mà không dùng đến sự cố gắng tinh thần, lại chỉ đi tìm những con đường tắt thì đó cũng đã là sai rất xa với nguyên tắc đầu tiên của văn hóa rồi. Cho nên phần nhiều cái vốn học vấn tìm trong báo chí không có là bao.

Tóm lại, những báo chí nghiên cứu đứng đắn thường viết ra cho những người đã có một học vấn khá cao. Báo chí văn học và khoa học chỉ là những món ăn bổ túc, chứ không phải là những món ăn căn bản. Muốn có được một món ăn căn bản và xây dựng, phải dùng đến những phương tiện khác, tôi muốn nói đến “sách”. Nhiều tờ báo chỉ đem lại cho ta những cái có thừa, nhưng lại để cho ta thiếu những cái gì cần thiết.

Ở thời buổi này, báo chí là hình thức văn học được truyền bá rộng nhất: dù là người dốt hay người có học, người giàu cũng như người nghèo đều không sao thoát khỏi ảnh hưởng ít nhiều của nó. Những bài xã thuyết của mỗi tờ báo thường khác nhau, nhưng tựu trung đều đưa ra một tài liệu chung, cốt để hướng dư luận theo một chiều nào.

Bởi vậy, dù báo chí có cố gắng trình bày sự việc xảy ra hàng ngày một cách hết sức khách quan, thực sự bên trong bao giờ cũng có những ý kiến chủ quan, những phê phán đại cương để tỏ ra những “thái độ” hơn là những “chân lý”. Báo chí là tiêu biểu lý tưởng hoặc những nhu cầu của một hạng độc giả nào. Như thế, đọc báo mà chỉ đọc “chết” một tờ thì dù có thiện chí đến mức nào, óc sáng suốt cũng sẽ có ngày mờ tối, óc phê bình cũng sẽ có ngày lệch lạc.

Muốn thấy được sự thật, phải đọc báo như đọc sử, nghĩa là phải biết phê bình như người ta phê bình sử liệu.

❉❉❉

D. Đọc những sách về thiên văn và địa lý

1. Con người trong vũ trụ

Như ta đã biết, người có cao vọng xây đắp cho mình một cơ sở học vấn đứng đắn không thể không khởi bằng sự nghiên cứu học hỏi về mình trước hết. “Biết mình” là cái học đầu tiên của người trí thức.

Con người không phải là một sinh vật độc lập trong hoàn vũ, mà là một sinh vật sống trong hoàn vũ. Người học thức không thể sống giam mình trong “lũy tre xanh”, mà phải có một sự hiểu biết về những cái gì xa xăm trong không gian và thời gian mới được. Không có được sự hiểu biết ấy thì có khác nào kẻ sống trong một thung lũng, không bao giờ vượt qua khỏi những dãy núi chung quanh, suốt đời giam mình trong một vòng chân trời eo hẹp. Họ cần phải biết vượt thời gian và không gian để mà nhìn cao và nhìn rộng, biết rõ được hoàn cảnh xã hội của mình đang sống, biết đặt hoàn cảnh xã hội ấy trong một khung cảnh rộng hơn, đem dân tộc mình sánh với dân tộc khác, biết đem nhân loại đặt trong một khung cảnh rộng hơn là vạn vật trong vũ trụ. Muốn được vậy, cần phải nhờ đến khoa thiên văn để mở rộng nhãn quan của ta ra ngoài vũ trụ.

Thiên văn học là một ngành học rất cần thiết để cho ta nhận thấy cái địa vị con người trong vũ trụ là như thế nào. Địa vị của thiên văn học phải có một chỗ xứng đáng và quan trọng trong sự học về con người.

Có bao giờ các bạn ngồi trước mặt biển bao la, nhìn thấy cái mênh mông của những lượn sóng trùng dương mịt mù trước mắt, bạn có những cảm tưởng như thế nào? Có bao giờ bạn nằm ngoài bãi cỏ hay trên núi cao, mắt nhìn bầu trời bao la với hàng triệu ức ngôi sao lấp lánh và khi bạn biết rằng mỗi vì sao ấy có thể là mỗi một vầng thái dương to lớn gấp mấy trăm ngàn lần thái dương hệ của ta đang ở, khi mà bạn biết rằng ánh sáng của nhiều vì sao, như vì sao Bắc Đẩu, phải mất 36 năm trời mới đến hành tinh ta, mà ánh sáng thì đi nhanh tới mức 300.000 cây số một giây đồng hồ. Đó là chưa nói đến những tinh vân mà mắt ta thấy được, như tinh vân Andromède, ánh sáng từ đó đến ta phải cả triệu năm mới tới. Thế thì không gian quả là vô tận mà thời gian lại cũng vô cùng. Tấm thân nhỏ bé của con người với trăm năm là hạn ví với cái không gian vô tận, với cái thời gian vô cùng của vũ trụ thì không thể so sánh được nữa, không thể nói rằng ta đối với vũ trụ chỉ là một hạt cát trong bãi sa mạc, một giọt nước ở Thái Bình Dương. Cảm tưởng bạn như thế nào ở giữa cảnh vô biên vô tận của trời đất? Pascal đã nói: “Sự lặng thinh của những khoảng không gian vô tận này làm cho tôi kinh khủng!” Nó là mối phát sinh những tư tưởng thanh thoát, đưa con người ra khỏi những cảm tưởng nhỏ nhen ti tiện và chật vật của cuộc đời vật chất, gây cho mình có nhiều tư tưởng thâm trầm về ý nghĩa của nhân sinh.

Nói thế không phải bảo ta phải đọc sách và nghiên cứu khoa thiên văn như những nhà bác học thiên văn. Khoa học này đòi hỏi nơi ta nhiều năng khiếu đặc biệt và học vấn sâu rộng mà không phải ai ai cũng làm được. Ta chỉ cần học nơi khoa thiên văn học trước hết hai điều chủ yếu này thôi:

– Nhận chân rằng, có một trật tự thiên nhiên vĩnh cửu trong trời đất vạn vật và bất di bất dịch mà người ta gọi chung là luật của tạo hóa: Không một vật nào trong vũ trụ mà thoát khỏi quy luật tự nhiên ấy, từ một cái cực tiểu đến cái cực đại của trời đất.

Quả địa cầu ta ở đối với vũ trụ thì nhỏ bé vô cùng, cũng không phải là trung tâm của vũ trụ như ngày xưa người ta đã tin. Không biết rằng vũ trụ mênh mông vô tận, cho rằng những con đường di chuyển của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao mà ta thấy đây là những con đường di chuyển thật, đó là nhìn sai cả sự thật.

Muốn có được một ý niệm tổng quát và rõ ràng về vị trí của quả địa cầu đối với các vì tinh tú và hành tinh trên không gian vô tận, một quyển sách về thiên văn học đại cương đủ rồi. Sách tiếng Việt tôi chưa thấy có quyển nào đáng kể. Riêng về sách Pháp, nên đọc các quyển Initiation Astronomique của Camille Flammarion (Hachette), Le Ciel et l’Atmosphère của L.Houllevigne (A.Colin), quyển De Destin des Etoiles của Svante Arrhénius (Alcan), hoặc quyển De l’Espace à l’atome của Carl Stormer (Alcan)… Quyển Le Ciel của Alphonse Berget (Larousse) là một quyển phổ thông rất hay, đã rất dễ đọc lại đọc một cách say sưa cho bất cứ một ai có học ngoại ngữ cỡ cử nhân ngày nay, cỡ trung học đệ nhất cấp ngày xưa, thời Pháp thuộc.

❉❉❉

Trước khi chấm dứt chương này, tôi xin trích dẫn lời nói sau đây của Alphonse Berget, để gọi là tạm kết luận:

“On a dit très justement, de l’Astronomie, qu’elle était ‘la plus belle des Sciences’. Elle seule, en effet, élève notre esprit, par la contemplation du Ciel, aux conceptions les plus hautes; en l’accoutumant à ces deux notions de l’Infini de l’Espace et de l’Infini du Temps, elle nous montre combien nous sommes peu de chose dans l’Univers, et, cependant, combien est grand le cerveau de l’homme pour avoir pu s’élever à l’intelligence de toutes ces merveilles” [7]. Khi bàn đến khoa thiên văn học, người ta đã bảo rất đúng rằng đó là “khoa đẹp nhất”. Thật vậy, chỉ nhờ có nó mà thôi; nhờ chiêm vọng bầu trời mà tinh thần ta được nâng cao trên những quan niệm cao cả nhất; trong khi nó giúp ta quen thuộc với những ý niệm về sự vô cùng của không gian và sự vô tận của thời gian, nó chỉ cho ta thấy rõ cái nhỏ bé không đáng kể của ta trong vũ trụ, nhưng đồng thời cũng chứng minh rằng đầu óc con người “to rộng” là bậc nào mới có thể hiểu biết được nổi những sự kỳ diệu ấy.

Học được bấy nhiêu cũng đã là đầy đủ lắm rồi. Người học thức mà thiếu sự hiểu biết ấy là một thiếu sót rất đáng trách vậy.

❉❉❉

2. Con người trong thời gian

Sau khi đặt địa vị con người trong vũ trụ, ta cũng cần đem cái đời sống ta mà đặt vào một khung cảnh eo hẹp hơn, là nhân loại. Vậy, ta phải tìm trở lại trong thời gian cái nguồn gốc nhân loại, tức là tìm mà hiểu biết sự phát sinh đầu tiên của con người trên mặt đất và sự tiến bộ của nhân loại trong từng giai đoạn của nó trong lịch sử. Đặt nhân loại vào hoàn cảnh tự nhiên của thuở ban đầu, đâu phải chỉ để thỏa mãn óc hiếu kỳ của một đầu óc biết nhìn lại quá khứ, mà là cần thiết cho sự hiểu biết thâm sâu cái đường lối tiến bộ của con người trong thời gian và không gian.

Tôi xin giới thiệu các bạn quyển La Terre avant l’histoire của Edmond Perrier. Quyển này là một “cái thang” nối lại lịch sử và những khoa vật lý. Mục sách tham khảo rất đầy đủ để cho ai muốn đi sâu vào vấn đề có thể tìm kiếm được dễ dàng. Quyển La Vie et la Mort của Dastre (Flammarion) rất hay và rất dễ hiểu. Đọc xong nó, ta có thể có được một mớ kiến thức căn bản để đọc tiếp những quyển sâu sắc và khó khăn hơn như La Genèse des espèces animales (Alcan), l’Adaptation (Doin) của Lucien Cuénot, hoặc những quyển như Le Transformisme et l’Expérience (Alcan), l’Hérédité (Colin), l’Évolution et l’Adaptation (Chiron) của Etienne Rabaud, nhất là quyển Éléments de biologie générale (Alcan) cùng một tác giả.

Nhờ đọc những quyển trên đây, ta có thể đi từ tinh vân đến sự phát sinh con người trên quả địa cầu.

❉❉❉

Muốn truy tìm đến nguồn gốc của nhân loại, chúng ta cần phải quay về tiền sử. Trước hết, chúng ta là người Đông phương, tiền sử các nước láng giềng như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản không thể bỏ qua. Cổ học của Trung Hoa lại rất gần với ta, phải được quyền ưu tiên chọn lựa [8]. Một cái vốn Hán học để đọc nổi cổ văn là tối cần cho bất cứ người nào muốn có một nền học vấn vững chắc. Kế đó phải để ý đến các nước Tây phương, nhất là về lịch sử thời trung cổ Âu châu. Nhưng cái học cổ điển Tây phương, cũng như cái học cổ điển Đông phương đều là những cái học rất khó khăn và phải tốn nhiều công phu. Đọc nổi một bài văn cổ đâu phải dễ. Người học thức Việt Nam ngày nay không thể là một người chỉ biết có một thứ tiếng mẹ đẻ mà thôi. Ít ra cũng phải có một cơ sở sinh ngữ tối thiểu về Hán văn, Pháp văn hay là Anh văn. Những dân tộc hậu tiến là những dân tộc cần phải biết được nhiều ngoại ngữ chừng nào hay chừng nấy, mới mong theo kịp các nước tiên tiến, mới có thể gọi là “đa văn quảng kiến”.

❉❉❉

3. Con người trong không gian

Muốn rõ được vị trí con người trong không gian, tức là muốn biết thế giới chung quanh ta, phải cần đến những sách về địa lý, du ký.

Nên đọc quyển Ce monde où nous vivons của Lincoln Barnet (Hachette). Hình ảnh rất đẹp và bài vở chọn lựa, cách trình bày hấp dẫn, thật là một quyển sách quý.

Các sách giáo khoa về địa lý, nhất là quyển Géographie Générale Illustrée (Quillet xuất bản) dưới quyền giám đốc của Maurice Allain với sự cộng tác của các ông Elicio Collin, Hardy, Vallaux và Weulersse cần phải có trong tủ sách. Phải có một quyển địa đồ đầy đủ. Hiện thời các nhà xuất bản Quillet, Hachette, Colin cho in ra nhiều quyển địa đồ rất đầy đủ, quyển nào cũng dùng được cả.

Cũng cần đọc những quyển du ký và những quyển sách bàn về tâm hồn của từng dân tộc. Muốn biết về dân tộc Tây Ban Nha thì nên đọc những quyển Essence de l’Espagne của Miguel de Unamuno (bản dịch tiếng Pháp của Marcel Bataillon, Plon, 1923), quyển l’Espagne moderne vue par ses écrivains của Henri Guerlin (Perrin, 1924); về dân tộc Anh thì nên đọc quyển Histoire de la littérature anglaise của Taine (Hachette, 5 quyển), quyển Nouvelles Études anglaises (1910), quyển l’Angleterre et la guerre (1916) của André Chevrillon (Hachette), quyển l’Angleterre moderne, son évolution của Louis Cazamian (Flammarion, 1911); về nước Đức thì nên đọc quyển L’Allemagne moderne son évolution (Flammarion) của Henri Lichtenberger, quyển Panorama de la littérature allemagne contemporaine của Félix Bertaux (Kra, 1928); về nước Nhật thì nên đọc Société Japonaise (Plon), quyển Nouveau Japon (Perrin) của Bellesort, quyển Japon của Émile Hovelaque (Flammarion). Không nên bỏ qua quyển du ký Journal d’un Philosophe của Hermann de Keyserling (Stock).

❉❉❉

Lại còn có một cách khác để hiểu biết tâm hồn của một dân tộc là đi sâu vào sự nghiên cứu những tác phẩm trứ danh của mỗi dân tộc, nghĩa là nghiên cứu văn học của ngoại quốc.

Muốn biết về tâm hồn dân tộc Anh thì nên đọc sách và kịch của Shakespeare, nhất là những quyển Hamlet (Fasquelle, bản dịch của E. Morand và Schwob, hoặc của Guy de Pourtalès (Gallimard), quyển Antoine et Cléopâtre (bản dịch của A. Gide), quyển Roméo và Juliette (bản dịch của Kosjul), Macbeth va Othello (bản dịch của Derocquigny), Jules César (bản dịch của Ch. M. Garnier), La Tempête (bản dịch của Aynard).

Tiểu thuyết của Dickens thì nên đọc David Copperfield (Hachette), Moel Flanders của Daniel de Foé (bản dịch của Marcel Schwob).

❉❉❉

Muốn hiểu về tâm hồn nước Đức thì nên đọc sách của Goethe như Faust, Werther, Les Affinités électives, Les Années d’ApprentissageLes Années de voyage de Wilhelm Meister, Vérité et Poésie (bản dịch của Porchat do Hachette xuất bản), quyển Correspondance avec Schiller (bản dịch của Lucien Herr do Plon xuất bản), quyển Conversations avec Eckermann (bản dịch của Emile Délerot do Charpentier xuất bản).

Đọc sách của văn hào Heine thì nên đọc những quyển De l’Allemagne, Lutèce, (Calmann-Lévy). Đọc Hoffmann thì đọc Contes Fantastiques, bản dịch của X. Marmier (Fasquelle). Đọc Schopenhauer thì nên đọc Aphorismes sur la sagesse dans la vie, và nếu có một căn bản học vấn khá cao thì nên xem cả bộ Le Monde comme volonté et comme représentation (bản dịch của Burdeau). Về nhà văn Nietzche, thì tất cả sách của ông, đọc quyển nào cũng được cả.

❉❉❉

Muốn nghiên cứu hiểu biết về tâm hồn nước Ý thì nên đọc trước hết văn hào Dante, quyển La divine comédie (bản dịch của Lamennais [Didier] là hay nhất). Cũng nên đọc tác phẩm Mémoires của Benvenutto Cellini (bản dịch của Leclanché). Sách của Annunzio thì đọc những quyển L’enfant de volupté, Le Feu, Le Triomphe de la Mort, Les Vierges aux Rochers (Calmann-Lévy).

Về Tây Ban Nha, nên đọc Don Quichotte của đại văn hào Cervantès. Bản dịch hay nhất của Viardot hoặc của Xavier de Cardaillac và Jean Labarthe (Toulouse, Edouard Privat, 1927).

Về văn hào Lope de Vega thì đọc Théâtre (bản dịch của Damas Hinard). Đọc của Sainte Thérèse quyển Vie écrite par elle-même (Beauchesne, 6 quyển).

❉❉❉

Về Nga thì nên đọc sách của Tolstoi, nhất là những quyển La Guerre et la PaixAnna Karénine (Hachette). Đọc sách của Dostoievski thì nên đọc Crime et Châtiment bản dịch của Derély (Calmann-Lévy), Frères Karamazov bản dịch H. Mongault và Leval (Bossard), PossédésConfession de Stravroguine, bản dịch của Chuzeville (Bossard), L’Idiot (Plon), Humiliés et Offensés (Plon). Về văn hào Kropotkine thì nên đọc Autour d’une vie (bản dịch của Martin và Leray, Stock).

❉❉❉

Đấy là sơ lược những sách mà ta cần phải đọc để có một ý niệm về văn tài cũng như về tâm hồn các dân tộc khác ta. Dù sao ta nên biết rằng trên đây chỉ nói về những tác phẩm được dịch ra tiếng Pháp, là tiếng ngoại ngữ mà người Việt được biết nhiều nhất. Những ai không đọc được tiếng Pháp hay tiếng Anh thì đọc qua một vài tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt.

❉❉❉

Ta cũng cần phải quan tâm nghiên cứu đến ảnh hưởng của địa lý đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Ảnh hưởng của thời tiết, của khí hậu, của thổ nghi, của địa cuộc, của cảnh vật thiên nhiên đối với sức khỏe, tính tình, tư tưởng con người rất là quan trọng.

Vấn đề này nên đọc quyển Géopsyché của bác sĩ Willy Hellpach (bản dịch tiếng Pháp của bác sĩ F. Gidon – Payot). Trong đó trình bày một cách tinh tường ảnh hưởng của địa lý đối với tâm hồn con người. Cũng nên đọc La Géographie humaine của Maurier Le Lannou (Flammarion), L’Homme et le Sol của Henri Prat (Gallimard), Géographie psychologique (Gallimard) của Georges Hardy, L’ Homme et la Côte (Gallimard) của Marcel Hérubel, Géographie et Religions(Gallimard) của Pierre Deffontaines, L’Homme et le Vent (Gallimard) của E. Aubert de la Rue, Géographie des frontières (Gallimard) của Jacques Ancal và Esquisse de Géopolitique của Ernest H. Short (Payot).

Người xưa khuyên người trí thức phải có một cái học “thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự” thật là chu đáo. Phải chăng đó cũng là cao vọng của tất cả mọi người hiếu học, mong mỏi có được một nền học vấn rộng rãi và vững vàng.

—————–

[1] Désiré Roustan – La Culture au cours de la vie. (Institut Pelman, 1930)

[2] Phạm Quỳnh – Khảo về tiểu thuyết

[3][4] Émile Borel – De la Méthode dans les Sciences (1ère et 2ème série)

[5] Gustave Rudler – Les Techniques de la Critique et de l’Histoire Littéraire (Oxford, 1923).

[6] Hallucination collective.

[7] Le Ciel Préface d’Alphonse Berget. (Larousse éditeur)

[8] Dĩ nhiên là ưu tiên trong các nước láng giềng. Còn cổ sử của nước nhà lại là phần chính. Người ta không thể quan niệm người Việt Nam lại không rõ cổ sử nước nhà.

Bình luận