Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Tự Học

Chương 6: Học Những Gì?

Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Như ta đã thấy trước đây, đọc sách mà muốn có được kết quả phải là một công trình học tập, chứ không thể là một công việc giải trí của những kẻ nhàn hạ.

Học, không có nghĩa là chỉ để ứng dụng lập tức, mà trước hết phải là một công trình văn hóa, nghĩa là công việc đào luyện trí não và tinh thần.

Vấn đề học vấn và văn hóa là vấn đề mà từ lâu người ta đã suy nghĩ và đặt ra khi lập ra chương trình học chính cấp trung học. Đứng về phương diện nguyên tắc thì chương trình học vấn ở các cấp trung học phải là một chương trình văn hóa.

❉❉❉

Như chúng ta đều biết: Cấp tiểu học là cấp chỉ lo dạy cho trẻ em một số kiến thức cần thiết và cấp bách trong một thời gian hạn định. Dù làm nghề gì, một người sống trong thời đại văn minh này cần phải biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết một số kiến thức về vệ sinh, về khoa học thường thức, về văn phạm và sử ký địa dư. Đó là điều mà không ai có thể cãi gì được nữa.

Cũng như cái học của cấp đại học là lo đào tạo những chuyên viên, những luật sư, những bác sĩ, những nhà lý học, ngôn ngữ học, sử học hay triết học v.v… Còn về nhiệm vụ của cấp trung học là như thế nào?

Nếu người ta hiểu rằng cấp trung học là cấp lo dự bị cho học sinh lên đại học tức là người ta hiểu nghịch lại. Đành rằng, tùy theo mỗi nước, giữa cấp tiểu học, học sinh rời trường lối mười hai, mười ba hay mười bốn tuổi; và cấp đại học thu nhận sinh viên lối mười bảy, mười tám tuổi. Cấp trung học thường là cấp học khoảng giữa từ mười ba đến mười bảy, nghĩa là bốn năm hay năm năm. Khoảng ấy dùng để làm gì? Tiếp tục chương trình học của cấp tiểu học ư? Nếu muốn tiếp tục thì người ta đã lập thêm cấp “cao đẳng tiểu học” mà ở đây gọi sai là “trung học đệ nhất cấp”. Còn bảo nó là lóp dự bị để vào đại học thì cũng sai, vì nói thế người ta lại chỉ xem đám học sinh này như những nhà chuyên viên tương lai sao, và như thế thì cứ mở ra những lớp dự bị để học chuyên môn cũng đủ rồi, người ta sẽ tiết kiệm được một cấp trung học, rất có lợi cho ngân quỹ. Dĩ nhiên là nó phải có một nhiệm vụ riêng của nó. Sứ mạng ấy như thế nào?

Tất cả các nhà giáo dục trên thế giới đều đồng ý với nhau về điểm này: Cần phải lợi dụng thời gian cấp trung học này, giữa cấp tiểu học và đại học, để dạy cho trẻ em một cái vốn hiểu biết căn bản thuần túy, dạy cho chúng biết sử dụng óc thông minh và tình cảm tốt đẹp, tạo cho chúng một nếp sống tinh thần, một phương pháp làm việc có lề lối và học hỏi kiểu mẫu, sửa chữa cho chúng về tư tưởng và khuynh hướng sai lầm, đồng thời tu bổ và khởi phát những khả năng tốt đẹp chưa có cơ hội phát triển đúng đường lối.

Như thế, cấp trung học có sứ mạng là lo tu tạo, bồi dưỡng, nuôi nấng cái tiềm thức của con người. Vậy chứ những thói quen, nếp sống, cũng như những khuynh hướng của con người không phải là những tiềm lực đang nằm yên lặng lẽ trong đáy lòng của con người sao? Nói tắt một lời, lối dạy dỗ ở cấp trung học phải biết làm sống lại cái sống tiềm tàng trong con người, tức là cái học về bề sâu, cái học về con người sâu thẳm của mình.

Đành rằng cái học ở tiểu học hay ở đại học cũng đâu có hoàn toàn quên hẳn được cách đào luyện những nếp sống cùng những khuynh hướng tốt. Nhưng ở cấp tiểu học, sự truyền giáo cho học sinh một số kiến thức sơ đẳng để ra đời phải được thi hành cấp bách: Đứa trẻ sắp xa nhà trường để ra đời và sống với cái vốn học thức ấy. Còn cấp đại học thì chỉ chuyên tạo những chuyên viên, tức người biết dùng tài năng mình trong một ngành hoạt động nhất định theo nghề nghiệp mình. Dĩ nhiên là lối giáo dục ở đây, các nhà chuyên môn cũng phải đào tạo cho họ những nếp sống và khuynh hướng của một nhà chuyên môn, nghĩa là hạn định, để trở thành một luật sư, một bác sĩ hay một sử gia giỏi thôi. Thực ra, ở đây người ta đâu có nhắm vào sự đào luyện chung về tình cảm, có óc thông minh và tính khí của một con người toàn diện.

Như vậy ta thấy, chương trình và phương pháp dạy ở cấp trung học, theo nguyên tắc, phải là chương trình và cách dạy để đào luyện óc thông minh, tình cảm và tính khí con người, nghĩa là đào luyện tinh thần toàn diện của con người, hay nói một cách khác, phải là một chương trình văn hóa.

❉❉❉

Hiện thời nếu muốn đào tạo cho mình một cơ sở học vấn và văn hóa trung bình, ta cần để ý đến mục đích và phương pháp giáo dục của cấp trung học ở những nước tiên tiến nhất. Ta thấy những nhà giáo dục cao thâm nhất đều dành cho cấp học này phần ưu tiên văn học và dành cho những bài tập luyện văn học thì giờ nhiều nhất, mặc dù sự đào tạo một căn bản học vấn về khoa học là cần thiết. Giáo dục về văn học không phải chỉ chuyên ở sự học hỏi kỹ lưỡng về tiếng mẹ đẻ mà lại cũng cần chuyên chú về những bài tập về dịch thuật những bài văn ngoại ngữ qua tiếng mẹ đẻ, nghĩa là tập đem những tư tưởng của người ngoại quốc mà diễn đạt bằng tiếng nước mình.

Chương trình trung học cũng dành cho những khoa về sử học một địa vị không kém quan trọng, nhưng không có tính cách nhồi sọ và bắt đầu óc của học sinh phải nhớ những sự kiện, những niên biểu, những tên tuổi các nhân vật lịch sử cùng những câu chuyện vụn vặt, mà nó chỉ là một phương thế dạy cho học sinh cái ý nghĩa của những gì đã xảy ra trong lịch sử. Người ta muốn dùng sử để tập cho ta óc tưởng tượng, lý luận cùng đức dục, đồng thời tập cho ta phép phê bình sử liệu. Bên Pháp, chương trình cuối cùng bao giờ cũng bắt buộc phải học một năm triết lý, dù là ở ban toán cũng phải dạy về triết lý khoa học và triết lý đạo đức. Ở các nước khác, triết học là môn học cao đẳng và dành riêng cho nhà chuyên môn. Bên Pháp thì triết học là khoa bổ túc cho chương trình văn hóa tổng quát.

Đó là đại cương những nét đặc biệt nhất của nền học chính trung học, trong đó ta có thể tóm tắt như thế này:

Học viết, biết đem ý tưởng của tiếng nói nước này sang qua tiếng nói của một nước khác, biết hướng mình trong thời gian và không gian, biết phân biệt được những gì có thể chứng minh được bằng lý luận và thực nghiệm với những gì không thể chứng minh được, biết đào luyện óc sáng tác, biết tổ chức lại tư tưởng của mình cho có trật tự và nhất trí bằng triết luận. Và phải chăng đó là một chương trình kể ra khá đầy đủ cho những người có cao vọng tạo cho mình một cơ sở học vấn có căn bản. Nhưng chương trình học tập này cần phải bổ túc bằng hai điều kiện này nữa là:

– Phải tìm cách nhận thức ngay sự vật bằng mắt thấy, tai nghe, bằng du lịch.

– Đào luyện cảm giác và tình cảm bằng cách sống trong cảnh thiên nhiên và bằng nghệ thuật.

❉❉❉

A. Học viết văn

Đào luyện nhãn thức, phương pháp muôn đời là tập làm văn.

Thật vậy, làm văn hay tức là biết tư tưởng đúng đắn mực thước, tức là biết phân tích tinh tế tình cảm của mình, tức là biết dùng danh từ đúng với tình ý và tư tưởng của mình, nghĩa là biết so sánh, cân nhắc, biết dùng những câu văn sáng sủa mà hàm súc, gọn gàng và bóng bẩy, chứ không phải như những kẻ cầu kỳ phiền phức, dùng toàn sáo ngữ mà không nói được một ý nghĩ tân kỳ. Viết được một bài văn hay tức là mình đã đào luyện cho mình được cái khiếu biết điều hòa và mực độ, biết lợi dụng những phương tiện nghệ thuật để diễn tả tư tưởng tình cảm mình một cách nhẹ nhàng.

Người ta bảo, ngoài phép viết văn, cũng còn rất nhiều nghệ thuật khác có thể giúp ta đào luyện nhãn thức, như họa, nhạc v.v… Nhưng, nghệ thuật viết văn có tính cách thực dụng hơn. Nhạc thì ta có thể cảm được hay không cảm được, nhưng nói ra được “cái cảm” của mình thật là khó mà thực hiện cho rõ ràng được. Một bài văn hay, xem qua có thể biết liền và ta có thể nói ra được cảm tưởng của mình, người dạy cũng có thể giảng ra được cái hay của nó.

❉❉❉

Làm cách nào để tập viết văn?

Trước hết cần phải viết cho thường. Người ta bảo: Có thường rèn giũa mới thành anh thợ rèn giỏi. Có thường viết, người viết văn mới thành nhà văn.

Dĩ nhiên là khi làm văn, ta phải có óc phê bình tối thiểu về nghệ thuật viết văn để khỏi phải sa vào lối viết văn tầm thường của những nhà văn hạng rẻ tiền, chỉ viết bừa bãi mà không biết mình muốn nói gì. Dĩ nhiên là cũng phải có một học vấn tối thiểu về nghệ thuật viết văn, phải biết cách lựa chọn tài liệu, sắp đặt ý tứ, trình bày hấp dẫn, kết luận tân kỳ.

Về nghệ thuật viết văn, sách Việt cũng đã có nhưng nên đọc bộ Luyện văn của Nguyễn Hiến Lê. Thuật viết văn của Nguyễn văn Hầu thì quá đơn giản và chỉ dùng cho học sinh cỡ trung học thôi. Sách Pháp ngữ thì nên đọc bộ L’Art d’Écrire enseigné en 20 leçons, La Formation du Style và Le Travail du Style enseigné par les corrections manuscrites des grands écrivains của Antoine Albalat, quyển L’Art de la Prose, Conseils sur l’Art d’Écrire của Gustave Lanson, quyển L’Apprentissage de l’Art d’Écrire của Jules Payot.

❉❉❉

Có một nhóm sinh viên trường đại học sư phạm bên Pháp dùng đến phương pháp này để tập viết văn. Mỗi tối, một người trong nhóm đọc lớn lên một bức thư của nhà đại văn hào Voltaire, mà mỗi người, qua ngày sau phải viết lại bức thư ấy. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ viết một cách. Tuy nhiên, khi nghe đọc văn của Voltaire, một lối văn cực kỳ giản dị, sáng sủa thì không một ai là không nghĩ rằng có khó gì mà không viết được những điều dễ dàng và tầm thường như thế! Nhưng khi cầm bút viết lại, họ mới cảm thấy khó khăn vất vả. Ý tưởng mất lần sự tế nhị, giọng mỉa mai lại mất sự nhẹ nhàng. Có nhiều bài dẫy đầy chi tiết nặng nề và phải viết có trên mười hàng trong khi Voltaire chỉ viết vắn tắt có ba hàng. Bấy giờ đem đọ lại với nguyên văn, mỗi người đều thấy những lỗi vụng về của mình, bấy giờ mới hiểu thế nào là văn hay và gọn ghẽ. Chừng ấy, mỗi người mới biết rằng lối văn mà ta thường gọi là văn dễ dàng giản dị đâu phải là lối văn dễ viết.

❉❉❉

Đó là phép tập làm văn bằng cách theo gương của các đại văn hào. Cần phải tập viết lối văn tự nhiên mà hàm súc, giản dị và nhẹ nhàng, chứ đừng bắt chước lối văn luẩn quẩn, cầu kỳ, đa đoan gút mắc. Văn luận thì cần phải có “dụ” có “luận” xen nhau thì văn mới được linh hoạt.

Văn là người. Người mà tâm hồn chất phác thật thà thì văn cũng chất phác thật thà. Tư tưởng mà được hàm dưỡng thì lời văn hàm súc sâu xa. Cho nên học làm văn, cần phải học làm người trước hết.

Viết văn hay rất khó và không phải ai cũng làm được, nhưng viết văn đừng cho dở lắm thì ai ai cũng có thể làm được cả, miễn là mình biết tránh lối viết bằng sáo ngữ và biết nói thẳng những gì mình đã nghiền ngẫm lâu ngày.

❉❉❉

B. Học dịch văn

Muốn học viết văn cần phải học dịch văn. Đó là phương pháp hay nhất để viết văn hay, mà đó cũng là ý kiến của phần đông các thức giả từ xưa đến nay.

Là tại sao? Bất cứ ai cũng nhận thấy rằng dịch văn là khó. Thà là mình viết, thì viết sao cứ viết, chứ dịch văn phải giữ ý của tác giả, lựa chọn chữ dùng cho thích đáng, không được viết bừa. Ta bị bắt buộc phải thật hiểu ý của tác giả và những danh từ, trạng từ, tính từ cùng động từ mà tác giả đã dùng. Đó là một cách bắt buộc ta phải diễn đạt cho thật đúng một ý tưởng, không được miễn cưỡng dùng sai, dùng tạm.

❉❉❉

Muốn dịch văn cần phải nhớ hai nguyên tắc chính này:

1. Phải đi từ cái chung đến cái riêng, tức là đi từ cái ý chính của đoạn văn mà tìm hiểu ý nghĩa những chi tiết, những từ ngữ, những bút pháp của tác giả đã dùng để biểu diễn tư tưởng của mình. Vì vậy, đừng có lật đật tìm tự điển mà phải lo đọc trước cho thật kỹ bài văn, đọc đi đọc lại đôi ba lần cho đến khi nào thoáng hiểu được cái thâm ý của tác giả, đạt được cái ý chính của đoạn văn, bấy giờ sẽ tìm hiểu cái vai trò của mỗi câu trong đoạn văn, và cái ý nghĩa của từng chữ trong câu văn. Sau đó mới tìm những danh từ tương đồng để dịch ra cho sát ý. Ta nên nhớ rằng mỗi danh từ đều có nhiều nghĩa, tùy vị trí của nó trong câu, tùy ý tưởng chung của đoạn văn mà nó có một nghĩa nào đó. Nếu cứ lật tự điển mà tìm chữ tương đương dịch càn, dịch bướng, bất chấp mạch lạc của câu văn và đoạn văn, bài dịch sẽ không sao trung thành được với nguyên văn.

2. Người dịch văn mà có kinh nghiệm bao giờ cũng thể theo cái lý mà dịch chứ không căn cứ vào sự tương đồng về hình thức của câu văn. Có những từ ngữ bề ngoài giống nhau mà trong thực sự không đồng nghĩa với nhau. Dịch cổ văn lại càng khó: danh từ dùng ngày xưa với ngày nay có khi khác nhau rất xa, nếu cứ hiểu theo nghĩa ngày nay thì dịch sai đến vạn dặm. Tiếng Anh mà dịch qua tiếng Pháp cũng rất khó. Như chữ “to be agreeable” đâu phải luôn luôn có nghĩa là “être agréable” mà thường lại có nghĩa là “consentir à”; chữ “evidence” của tiếng Anh không đồng nghĩa với tiếng “évidence” của Pháp, mà thường có nghĩa là “preuve” hay là “témoignage”.

Muốn dịch văn Anh ra văn Pháp, nên xem quyển Les faux amis ou les trahisons du vocabulaire anglais của Maxime Koessler và Jules Derocquigny (Vuibert xuất bản). Những từ ngữ mà những tác giả trên đây gọi là “bạn giả” (faux amis), tiếng nước nào cũng có. Vậy phải thận trọng. [1]

Tóm lại, dịch văn là phương pháp hữu hiệu nhất để tập cho ta biết tôn trọng lý luận và biết diễn đạt trung thành tư tưởng của mình trong khi biết diễn đạt lại một cách trung thành tư tưởng của kẻ khác.

❉❉❉

Như ta đã thấy trước đây, chương trình học vấn có thể tóm trong ba điều này: 1) Có một kiến thức rộng rãi về sử học, thiên văn và địa lý; 2) Tạo cho mình có được một đầu óc khoa học, biết cách vật trí tri; 3) Cố gắng đi lần đến một quan niệm tổng quát về cuộc đời, nghĩa là đi đến một quan niệm triết lý về vũ trụ và nhân sinh.

—————-

[1] Désiré Roustan – La Culture au cours de la vire (Institut Pelman, 1930).

Bình luận