Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cùng Con Trưởng Thành

Chương 1: Con Gái Chào Đời, Tôi Làm Cha Ở Tuổi Ba Mươi

Tác giả: Đông Tử

Con gái chào đời mang đến cho tôi sức mạnh và niềm hy vọng bất tận, tất cả mọi vấn đề đều trở nên thật nhỏ bé, tôi hăng hái và quyết tâm hơn bất cứ lúc nào. Nếu như trước đây tôi phấn đấu chỉ để thể hiện giá trị của bản thân, thì giờ đây tất cả những gì tôi làm đều vì mong muốn có thể mang đến cho con gái một cuộc sống tốt đẹp nhất!

Cha mẹ đã dạy tôi như thế nào?

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân sống trên vùng đất màu mỡ bên bờ sông Tống Hoa miền Bắc Trung Quốc vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX.

Trước khi sinh tôi, cha mẹ tôi đã có đến năm người con trai. Mẹ tôi luôn mơ ước sinh được một cô con gái, theo lời của bà thì: “Những cậu trai ngỗ nghịch thường không nghe lời dạy của cha mẹ nhưng con gái thì khác”. Nhưng điều làm mẹ vô cùng thất vọng đó là, tôi không chỉ là con trai, mà còn là một đứa con trai khó bảo nhất trong những đứa con trai ngỗ nghịch của bà. Ba năm sau mẹ tôi lại sinh thêm, và lại là một bé trai, vậy là gia đình tôi đã hội tụ đủ “bảy con rồng”, “mơ ước có con gái” của mẹ tôi đã hoàn toàn tan biến.

Cha mẹ tôi đều là những người dân quê bình thường ở nông thôn nhưng ở họ lại có những phẩm chất mà không phải người dân quê nào cũng có.

Trước năm 1949, cha tôi được học hai năm ở một trường tư thục, ở thời điểm mới thành lập nước, đa phần người dân nông thôn đều mù chữ, như vậy có thể nói cha tôi cũng là người có chút học vấn. Hơn nữa ông cũng là người giác ngộ tốt, vì thế, tuy còn trẻ nhưng cha tôi đã được làm kế toán ở đội sản xuất, sau đó được điều làm kế toán của hợp tác xã nông nghiệp, và ông làm kế toán trong hơn ba mươi năm.

Trong thôn, cha tôi là một người rất có uy. Điều này cũng một phần là do công việc của ông. Trong con mắt của những người dân trong thôn, một người quản lý tài chính của một hợp tác xã lớn như vậy quả là rất tài giỏi. Hơn nữa, nhiều năm công tác, ông làm việc cẩn thận tỉ mỉ, liên tục được biểu dương, lại được lãnh đạo hết sức coi trọng, vì thế mọi người càng kính nể ông. Mặt khác, ông là người cương trực ngay thẳng, những người thân quen thường bảo ông nói quá thẳng, không kiêng nể ai, nhưng hễ có chuyện gì cần họ đều đến gặp ông xin giúp đỡ. Những người có vai vế thấp hơn đều rất sợ ông tuy nhiên trong lòng thực sự vô cùng kính phục ông.

Tôi rất tự hào về mẹ tôi. Mẹ tôi vốn là con của một gia đình giàu có, cụ ngoại không tiếc tiền cho con cái học hành, có người còn được cụ cho đi học đại học tận kinh thành. Mà trong thời đại “Con gái không tài là đức” đó, bà ngoại tôi được đi học sáu năm trời, có thể thấy gia đình cụ coi trọng giáo dục thế nào. Nhưng đáng tiếc gia cảnh ngày càng suy đốn, đến thời của mẹ tôi thì chỉ còn là một gia đình bình thường, vì thế mẹ tôi chẳng được đi học ngày nào, đến tên của mình bà cũng không biết viết.

Mặc dù không được học hành nhưng trong thôn mẹ tôi nổi tiếng là người xinh đẹp và lương thiện. Tôi không thể nào quên sự lương thiện của mẹ. Trong những năm tháng khó khăn đó, mỗi khi có người hành khất đến nhà xin ăn, mẹ đem cho cả phần cơm mà bình thường mẹ không nỡ ăn. Mẹ tôi rất quý sinh mệnh, không thích sát sinh, vì thế mỗi khi đến dịp lễ tết phải giết gà giết vịt, bà lại lẩm bẩm “A di đà Phật” để lòng thanh thản…

Khách quan mà nói, tôi được thừa hưởng tính thẳng thắn của cha và sự lương thiện của mẹ. Cha mẹ là tấm gương dạy tôi biết làm người. Nhưng cách giáo dục gia đình duy nhất của cha mẹ tôi là “yêu cho roi cho vọt” không phải là cách giáo dục khoa học. Đương nhiên, trong thời buổi đó, tư tưởng “làm cha là phải tôn nghiêm” đã ăn sâu vào tư tưởng con người, người ta cho rằng những điều cha mẹ nói đều đúng, là phận con cái phải nghe theo sự quản giáo của cha mẹ một cách vô điều kiện. Vì thế, trong một thời gian dài “giáo dục bằng đòn roi” được các bậc phụ huynh coi là biện pháp giáo dục có thể duy trì quyền uy của họ trước con cái. Nói tóm lại, đa số những đứa trẻ sinh ra vào trước những năm tám mươi của thế kỷ XX đều từng bị đánh mắng. Trong suy nghĩ của phụ huynh, con cái “không đánh không nên người”. Và đối với những đứa trẻ, bị cha mẹ đánh mắng là một chuyện quá đỗi bình thường.

Mặc dù được giáo dục bằng phương pháp như vậy, và phải chịu đựng những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần nhưng tôi không hề ghét cha mẹ mình. Bởi vì tôi biết cha mẹ yêu tôi thật lòng, chỉ là họ không biết diễn đạt tình yêu đó bằng một cách dịu dàng hơn mà thôi.

Sau này khi đã trưởng thành, đặc biệt sau khi làm công tác tư vấn tâm lý và nghiên cứu giáo dục, tôi thường tự vấn bản thân, nếu tôi ngoan ngoãn nghe lời, liệu tôi có bị đánh mắng không? Chắc là không. Nếu tôi được sinh ra trong một gia đình khác liệu tôi có phải chịu đựng những trận đòn đau như vậy không? Và câu trả lời cũng là không. Nhưng tính cách ngỗ ngược cộng với “giáo dục đòn roi” của cha mẹ đã khiến tôi đi một con đường hoàn toàn khác người. Có người nói, nếu xét về góc độ này thì phương pháp “giáo dục đòn roi” là một phương pháp giáo dục thành công. Không, tôi vẫn phải nói: Phương pháp giáo dục của cha mẹ tôi không khoa học, nếu tôi là một đứa trẻ hòa nhã, nhút nhát, nghe lời thì có lẽ mọi năng khiếu của tôi đã bị những trận đòn roi làm cho mai một. Nhưng thật bất hạnh, tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh và ngỗ nghịch, bị đánh nhiều; nhưng cũng thật may mắn, nhờ những trận đòn đó mà tôi không trở thành một đứa trẻ tầm thường.

Có người nói với tôi rằng chắc là khi nhớ đến chuỗi ngày tuổi thơ điều kiện vật chất nghèo nàn, lại còn bị đánh mắng, thật là khổ cực, cậu đều chảy nước mắt? Nhưng thực tế không phải vậy, ký ức tuổi thơ của tôi đều dừng lại ở những hình ảnh cùng bạn bè nô đùa vui vẻ. Vì thế rất ít khi tôi nói với người khác rằng tuổi thơ của tôi vất vả như thế nào, đặc biệt khi kể cho con nghe về tuổi thơ của mình, tôi thường thao thao bất tuyệt với con những câu chuyện nô đùa thú vị. Trong những giấc mơ, tôi thường mơ thấy những người bạn thuở thiếu thời, những trò chơi đã từng chơi và nụ cười hạnh phúc từ trái tim…

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi buổi chiều hoàng hôn sau khi tan học là quãng thời gian chơi đùa vui vẻ nhất, về đến nhà, vừa vứt cặp sách lên trên giường là tôi lẻn đi chơi ngay. Mấy đứa trẻ túm năm tụm ba cùng nhau chơi, mùa xuân thì chơi ném lỗ, đẩy vòng, đá cầu; mùa hè thì ra sông hồ mò cua bắt cá; mùa thu thì đi bắt chim ở ruộng, ẩn sau những bó lúa mạch to chơi trò trốn tìm; mùa đông thì có nhiều trò vui hơn nữa: trượt tuyết, chơi con quay, ném tuyết, nặn người tuyết… Một năm bốn mùa, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào chúng tôi cũng chơi đến mờ tối, chơi đến khi thấy bóng mẹ xuất hiện ở trước hiên nhà thì mới chịu về nhà.

Cuối tuần hay vào những kỳ nghỉ, chúng tôi phải giúp đỡ gia đình làm việc nhà. Hồi học tiểu học, những công việc mà tôi phải làm nhiều nhất có lẽ là kiếm rau lợn, nhặt phân bò và kiếm củi. Rau thì để cho lợn ăn, phân bò có thể đổi lấy tiền mua bút vở, còn củi để nhà đun nấu. Mặc dù nói là làm nhưng cũng không thiếu những trò vui. Cắp theo cái rổ, mấy đứa trẻ rủ nhau ra ruộng kiếm rau lợn, đứa này đuổi theo đứa kia, vừa kiếm rau vừa hát những bài hát thiếu nhi mà không đứa nào thuộc hết lời, khi đã kiếm đủ rau, cả bọn tìm một chỗ đặt rổ xuống rồi đi bắt bọ ngựa, đuổi bướm, bắt chuồn chuồn, chơi đùa cho tới khi toàn thân mồ hôi nhễ nhại mới chịu cắp rổ rau lợn về nhà. Công việc nhặt phân bò còn thú vị hơn, mấy đứa túm lại đi dọc các bờ ruộng để tìm phân bò, khi phát hiện được mục tiêu thì tranh nhau nhặt. Có lúc vì muốn hốt được phân bò, mấy đứa cầm theo xẻng theo sát sau con bò và chỉ chực chờ nó “đại tiện”.

Đối với trẻ con thì không gì vui bằng Tết, bởi vì trước và sau Tết đều có đồ ăn ngon, ngoài ra còn có thể “kiếm” được một ít tiền mừng tuổi. Ba mươi Tết, các con cháu đều nói câu “Chúc mừng năm mới” với ông bà cha mẹ và còn quỳ gối cúi lạy để tỏ lòng hiếu kính. Tháng Giêng, khắp nơi trong thôn đều vang tiếng cười nói của trẻ nhỏ, đứa nào đứa nấy đều hoạt bát đáng yêu như những chú ngựa nhỏ xinh. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn thích Tết, mỗi khi Tết đến, dù có ở cách xa nhà bao nhiêu, tôi vẫn về quê ăn Tết. Giục giã bước chân tôi không chỉ là tình thân mà có lẽ còn là ký ức về những ngày Tết vui vẻ khi còn nhỏ.

Ôi, những câu chuyện tuổi thơ thật nhiều biết bao, nó giống như một dòng sông, một khúc hát cứ hiền hòa chảy, lắng đọng trong tâm khảm mỗi con người…

Phương xa báo tin vui: Con gái chào đời

Mấy năm nay, mỗi khi có người hỏi tôi: “Vợ cậu người ở đâu?” hoặc “Vợ cậu làm nghề gì?”, mặt tôi thường ửng đỏ hỏi lại họ: “Cậu hỏi bà vợ nào của tôi?”. Đối phương thường nhìn tôi với vẻ mặt vô cùng ngạc nhiên và nói: “Trời, rốt cuộc cậu có bao nhiêu bà vợ vậy?”. Lúc đó tôi thường giơ bàn tay ra và bắt đầu đếm: 1, 2, 3…

Người con gái đầu tiên bước vào cuộc đời tôi là một người theo nghiệp thi ca, có lẽ lúc đó tình yêu chưa ở độ chín muồi, hai bên đều không gìn giữ được tình cảm của mình dẫn đến cuộc chia tay sau chuỗi ngày hạnh phúc ngắn ngủi.

Người bạn gái thứ hai học cùng trường với tôi, cũng là học trò của tôi. Năm 1994, lúc đó tôi đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý học tại trường Sư phạm Thiểm Tây, cô ấy là sinh viên ngành Trung Văn, sau đó cô ấy tham gia khóa học “Kỹ năng thuyết trình và phép xã giao trong quan hệ công chúng” do tôi tổ chức, chúng tôi quen, rồi yêu nhau, cô ấy trở thành vợ của tôi, cùng nhau chung sống hơn mười năm. Cô ấy cũng là người sinh cho tôi một cô con gái kháu khỉnh, người giúp tôi thực hiện giấc mơ làm cha. Cô ấy chính là mẹ đẻ của Phạm Khương Quốc Nhất (tên thường gọi là Y Y).

Do thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên và những trắc trở trong tình cảm sau đó, tôi một mình đơn độc lang bạt khắp nơi trong một thời gian dài. Vốn yêu quý trẻ con, tôi rất mong được làm cha. Tôi đã từng viết bài văn “Thật muốn có một đứa con trai”, từng câu từng chữ đều thể hiện sự khát khao chờ đợi sinh mệnh nhỏ bé mà đến tôi cũng chưa biết đang ở phương trời nào. Lúc đó tôi một thân một mình, đến bạn gái còn không có nói gì đến con cái, vì thế giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ.

Nhưng cuối cùng tại cố đô Tây An, giấc mơ có một đứa con, giấc mơ được làm cha của tôi đã trở thành hiện thực.

Từ thuở ấu thơ, thiếu thời rồi đến tuổi thanh niên, từ quê nhà đến miền Nam rồi lại đến Tây An, tôi sống cuộc sống phiêu bạt không ổn định. Mùa thu năm 1996, tôi định cư ở thành phố trọng điểm vùng Tây Bắc – Tây An, năm ba mươi tuổi tôi thuê một phòng học ở Học viện Chính Pháp (tương đương đại học Luật) Tây Bắc, mở lớp bồi dưỡng “Kỹ năng thuyết trình và phép xã giao trong quan hệ công chúng” cho những sinh viên phía Nam Tây An để kiếm tiền mưu sinh.

Lúc đó tôi thuê trọ ở một ngôi làng nhỏ gần trường, điện thoại cũng không có chứ đừng nói đến máy tính, thời đó đồng lương của tôi eo hẹp đến nỗi máy nhắn tin cũng không mua nổi. Vợ tôi khi đó đang ở quê chờ sinh, lo lắng khi cô ấy có việc mà không có cách nào liên lạc, tôi đành xin số điện thoại ở một quán bán hàng gần chỗ ở để vợ liên lạc khi cần.

Ngày 21 tháng 10 năm 1996 là ngày tôi mong đợi bấy lâu nay, bởi theo dự tính thì ngày này vợ tôi sẽ sinh, và tôi sẽ có một vai trò hoàn toàn mới: “Làm cha”.

Buổi sáng hôm đó, khi tia nắng ban mai đầu tiên chiếu vào căn phòng nhỏ, tôi đã có một linh cảm rằng ngày hôm nay con tôi sẽ chào đời. Cả ngày hôm đó, tâm trạng tôi vô cùng tốt, mong đợi và tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc. Bận rộn cả ngày, về đến nhà tôi bồn chồn đến nỗi không thể chợp mắt, cứ tưởng tượng hình ảnh lúc con chào đời sẽ thế nào, con trông sẽ ra sao… Càng nghĩ lại càng xúc động, càng hưng phấn, chỉ muốn có thể bay ngay về nhà, đến bên cạnh vợ và cùng chứng kiến giây phút con ra đời.

Ngày hôm sau, tôi lên lớp với tinh thần phấn chấn, tuy vậy cảm giác có gì đó không yên, dạy xong lớp buổi tối, tôi về nhà với trạng thái mệt mỏi, khi đi qua quán hàng gần nhà tôi chợt nhớ ra là mình chưa ăn tối, định ghé vào quán mua gói mì về ăn. Vừa bước chân vào cửa, cậu chủ quán đã hô lớn: “Này anh, sáng nay vợ anh vừa gọi điện tìm anh, báo là đã sinh một bé gái, hai mẹ con đều khỏe”.

“Hả, chú nói cái gì cơ?”. Cho dù mấy ngày hôm nay tôi luôn mong tin này, nhưng khi nghe chủ quán báo tin, tôi vẫn cảm thấy có chút bất ngờ, nhất thời chưa bình tâm lại được.

“Vợ anh sinh rồi!”.

“Chú nói thật sao?!”.

Chủ quán cười, chắc lúc đó vẻ mặt tôi trông rất buồn cười.

“Con trai hay con gái?”.

“Con gái, hai mẹ con đều khỏe mạnh, con bé rất mũm mĩm”.

“Vợ tôi còn nói gì nữa không?”.

“Không, chỉ có thế thôi”.

Mặc dù rất ngắn gọn, nhưng đối với tôi, những thông tin đó mang ý nghĩa vô cùng lớn lao: Tôi đã là cha khi chỉ còn vài ngày nữa là bước sang tuổi ba mươi.

Ngày con gái chào đời, hai vợ chồng tôi đều giữ lại tờ lịch: Dương lịch là thứ hai ngày 21 tháng 10 năm 1996, Âm lịch ngày 10 tháng 9 năm Bính Tý.

Khi biết chính xác là vợ tôi đã sinh con gái, cả mẹ và con đều khỏe mạnh, tôi cầm gói mì chạy thật nhanh về nhà trọ của mình. Lại một đêm mất ngủ, nằm xuống rồi lại ngồi dậy, trở mình trằn trọc, không từ ngữ nào có thể lột tả hết niềm vui của tôi lúc đó. Cuối cùng tôi cũng được làm cha. Nhưng tôi chỉ có thể ở đây và tưởng tượng ra hình ảnh của con yêu, không thể ở bên cạnh vợ để làm trách nhiệm mà một người chồng nên làm, đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất mà cả cuộc đời này tôi không có cách nào bù đắp cho cô ấy.

Vì thế, tôi quyết định viết thư cho vợ ngay lập tức, tôi muốn cho cô ấy biết lúc này đây tôi xúc động đến nhường nào.Tôi vùng dậy ngồi vào bàn viết, đầu tiên tôi thảo một bức điện gửi cho vợ, mong cô ấy biết dù cách xa ngàn dặm nhưng giờ phút này tôi và vợ có cùng niềm vui, niềm hạnh phúc. Thảo xong bức điện gửi cho vợ, tôi bắt đầu viết thư gửi cho con gái với tất cả tình yêu và sự kỳ vọng cho đứa con mà tôi chưa được gặp mặt…

Đối với tôi, ngày 21 tháng 10 năm 1996 là một ngày đáng để ghi nhớ suốt đời.

Để có thể ghi nhớ mãi ngày này, tôi lật lại lịch của ngày hôm trước, nhẹ nhàng xé tờ lịch xuống, cất giữ một cách thật cẩn thận, tôi cũng nhắc vợ giữ lại tờ lịch của ngày hôm qua, đợi đến lúc chúng tôi gặp mặt sẽ để chung hai tờ lịch đó vào nhật ký trưởng thành của con gái. Mấy năm nay, dù chuyển nhà rất nhiều lần, chúng tôi đánh mất rất nhiều thứ nhưng hai tờ lịch đó lúc nào cũng đồng hành cùng chúng tôi trong những bước trưởng thành của con gái.

Bức thư đầu tiên gửi con gái

Thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ thông tin. Sự phát triển của điện thoại, internet đã thay thế những phương thức liên lạc truyền thống, có việc thì chỉ cần gọi một cú điện thoại, gửi một tin nhắn, một email hoặc lên QQ, MSN (những phần mềm chat trực tuyến thông dụng ở Trung Quốc) nói chuyện, nhanh và tiện hơn là viết thư. Vì thế mà ngày càng ít người cặm cụi ngồi viết thư, cái thời “thư nhà quý hơn vàng” đã trở thành quá khứ xa xôi.

Tôi đã từng rất thích viết thư. Khi mới vào quân ngũ, tôi viết thư cho bạn bè, cho các báo và tạp chí, viết cho các thầy cô, bạn bè ở trường cũ, mỗi tuần đều gửi đi và nhận được hơn chục bức thư. Về sau, tôi cũng giống như rất nhiều người khác, càng ngày càng lười viết. Nhất là khi tuổi ngày một cao, lượng công việc ngày một nhiều, chữ tôi ngày một xấu đi, tôi viết càng ít hơn. Từ khi làm phóng viên và bác sĩ tâm lý, mỗi ngày tôi đều nhận được rất nhiều thư nhưng phần lớn đều do trợ lý hoặc vợ trả lời giúp.

Nhưng khi con gái Y Y ngày một lớn, bắt đầu đi học tiểu học, thì tôi cũng bắt đầu tập lại thói quen cầm bút viết thư cho con gái.

Thực ra, tôi viết bức thư đầu tiên cho Y Y là vào đêm tôi nhận được tin con chào đời. Trong thư tôi nói cho Y Y biết cha mẹ yêu con như thế nào, từ khi biết tin có con trên đời cha mẹ đã mong chờ sự ra đời của con như thế nào. Tôi cũng nói với con, mẹ con vì sinh con đã hy sinh rất nhiều thứ, sau này con lớn lên, nhất định phải biết ơn mẹ, và mong ước lớn nhất của cha mẹ là suốt đời này con luôn được sống trong niềm vui.

Buổi sáng sau đêm biết tin con gái chào đời, tôi ra bưu điện gửi điện mừng cho vợ, bức thư gửi con gái cũng được gửi kèm với bức điện. Trong bức thư gửi con gái cũng có kèm thư gửi cho vợ tôi, ngoài những lời dặn dò vợ, tôi cũng nhắc cô ấy giữ gìn bức thư cẩn thận, đợi đến sinh nhật lần thứ mười lăm của con gái sẽ đưa bức thư này cho con. Nhưng tiếc là sau này do nhiều lần chuyển nhà, đến khi cần cho con xem thì bức thư đã thất lạc. Vì thế tôi chỉ có thể dựa vào trí nhớ của mình để kể cho mọi người nội dung đại khái của bức thư:

Con gái Y Y của cha!

Cha là cha của con đây, cha đang ở Tây An, một nơi cách xa con đến hàng nghìn cây số viết thư cho con.

Đầu tiên, chào mừng con đến với gia đình của chúng ta, cha giới thiệu gia đình ta với con nhé: Cha nghèo, cuộc sống dựa vào việc viết lách, mẹ con là giáo viên ngữ văn của một trường trung học. Cha mẹ đặt tên cho con là Phạm Khương Quốc Nhất, ở nhà gọi con là Y Y. Ngoài họ của cha mẹ ra, trong tên của con, chữ “Quốc” là chữ mà thế hệ các con đều có, chữ “Nhất” có nghĩa là đơn giản, cha mẹ mong con bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc.

Mẹ con rất trẻ, mới tốt nghiệp đại học mẹ đã kết hôn với một người đàn ông nghèo là cha, mẹ đã phải chịu nhiều áp lực để sinh con, vì con và vì hạnh phúc của cha, mẹ đã hy sinh rất nhiều, cha và con phải hiểu và cảm ơn mẹ vì điều đó. Bất cứ lúc nào, con đều phải tôn trọng mẹ, hiếu kính với mẹ.

Cha là một người có chí hướng, tích cực tiến lên nhưng lại không có thành tựu gì và cũng không tích góp được gì. Cha được thừa hưởng tính ngay thẳng, lương thiện từ ông bà nội con, cha mong muốn sẽ truyền cho con những đức tính tốt đẹp này, hy vọng con sẽ trở thành một con người có phẩm hạnh tốt. Chúng ta có thể không thành công, có thể không trở nên giàu có, nhưng chúng ta cần lạc quan tiến lên, cần có nhân cách, có tự trọng.

Con à, cha không thể cho con một cuộc sống vật chất sung túc nhưng cha có thể cho con một thế giới tinh thần mà những đứa trẻ khác đều phải ngưỡng mộ, cha sẽ bảo vệ con như bảo vệ con mắt của mình vậy, cha sẽ đồng hành với con trong mỗi bước trưởng thành, cha sẽ mang cho con niềm vui, nuôi con mạnh khỏe thành người, thành tài.

Cuối cùng cha muốn nói với con rằng: “Cảm ơn con, con yêu của cha!”

Cha của con

Tây An, sáng 23 tháng 10 năm 1996

Con gái chào đời mang đến cho tôi sức mạnh và niềm hy vọng bất tận, tất cả mọi vấn đề đều trở nên thật nhỏ bé, tôi hăng hái và quyết tâm hơn bất cứ lúc nào, nếu như trước đây tôi phấn đấu chỉ để thể hiện giá trị của bản thân, thì giờ đây tất cả những gì tôi làm đều vì mong muốn có thể mang đến cho con gái một cuộc sống tốt đẹp nhất!

“Giữ” con lại bên cha mẹ

Con ra đời sau bao nhiêu khó khăn trắc trở.

Tháng 8 năm 1995, bạn gái tôi tốt nghiệp đại học và được phân về một trường trung học chuyên nghiệp của quê nhà, thành phố Long Khẩu – Sơn Đông. Sau khi hoàn thành một năm tiến tu, tôi cũng theo cô ấy về thành phố cảng Yên Đài (Thành phố Long Khẩu thuộc Yên Đài).

Một năm trước đó, tôi từ Hải Nam đến Tây An để học tập, vốn định sau khi học xong, tôi sẽ về Hải Nam hoặc đến Thâm Quyến lập nghiệp, nhưng bạn gái không đồng ý để tôi trở về phương Nam, bởi vì sau khi tốt nghiệp cô ấy sẽ được phân về quê, vì tình yêu, tôi đành từ bỏ Thẩm Quyến và cùng cô ấy về thành phố nhỏ ven biển Yên Đài.

Trên thực tế trước khi đến Yên Đài, tôi không có một kế hoạch cụ thể nào cho việc sau khi đến Yên Đài tôi sẽ làm gì, mục tiêu tổng thể vẫn là vận dụng những gì mình đã học, tôi vẫn muốn tiếp tục công việc tư vấn tâm lý (mấy năm ở Hải Nam, tôi chuyên làm chuyên mục “Tư vấn tâm lý” của một tòa soạn). Nhưng sau khi tiến hành khảo sát tổng thể ở Yên Đài, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng tư vấn tâm lý ở Yên Đài là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Thực ra mà nói không chỉ có Yên Đài mà ở hầu hết các thành phố trực thuộc tỉnh trong nước tình hình cũng tương tự như vậy.

Để kiếm miếng cơm manh áo, tôi đành phải theo nghề cũ, giống như hồi còn ở Hải Nam, Tây An, tôi lại mở lớp bồi dưỡng, không chỉ mở lớp, tôi còn dạy cho những lớp thư ký theo lời mời của các trường đào tạo về quan hệ công chúng ở Yên Đài, vì thế mà tôi khá bận rộn, hơn nữa thu nhập cũng khá.

Vì không thể nào từ bỏ được “tư vấn tâm lý”, tôi lại thử sức một lần nữa, cuối năm 1995 tôi thành lập Văn phòng Tư vấn tâm lý Đông Tử tại Yên Đài. Văn phòng được thành lập khiến cuộc sống của tôi thêm phong phú nhưng mặt khác lại khiến cho tình trạng kinh tế vừa mới khởi sắc của tôi dần đi xuống.

Lúc đó ở Trung Quốc, những người có thể độc lập duy trì một văn phòng tư vấn tâm lý không nhiều, nguyên nhân không chỉ vì nhận thức của mọi người, mà tiền vốn cũng là một vấn đề. Đối với những người có tiềm lực kinh tế thì đây không phải là vấn đề, thậm chí còn là một cơ hội mang tính thử thách. Nhưng đối với người mà lúc nào cũng muốn làm nên sự nghiệp lớn nhưng trong tay chẳng có gì ngoài sự nhiệt tình như tôi thì quả là quá khó. Lúc đầu khi quyết định mở văn phòng, tôi đã chuẩn bị tâm lý “kháng chiến trường kỳ” nhưng tiền trong túi lại không ủng hộ. Nhìn vào tình trạng kinh tế của mình, tôi thực sự không có đủ tài lực để tiếp tục cuộc “trường chinh”, vì thế mà “thương vụ” thu không đủ chi này sớm làm tôi lỗ vốn.

Để bù lỗ, tôi đành kiếm tiền bằng những công việc khác: viết lách, mở lớp, đi thuyết trình…, gần như làm được gì tôi đều làm hết, vận dụng hết những gì mình có thể để kiếm tiền đầu tư vào “động không đáy”, miễn cưỡng duy trì văn phòng tư vấn. Cứ như thế tiền lỗ ngày càng nhiều thêm, giống như quả cầu tuyết càng lăn lại càng to.

Đúng lúc đó, tôi nhận được tin bạn gái (lúc đó chúng tôi vẫn chưa đăng ký kết hôn) đã mang thai!

Khi nghe được tin này, tâm trạng tôi vô cùng bối rối, vui buồn lẫn lộn. Lý trí bảo tôi rằng tôi không thể có con vào lúc này, một là điều kiện kinh tế không cho phép, hai là công việc của bạn gái tôi cũng không cho phép cô ấy có con. Bạn gái tôi cũng một mực bảo tôi rằng: “Lúc này không những điều kiện kinh tế và công việc không cho phép, mà quan trọng hơn nữa là chúng ta chưa đăng ký kết hôn, sinh con ra con sẽ như thế nào? Vì thế nhất định phải bỏ!”.

Nghe bạn gái phân tích cũng có lý, mặc dù tôi vô cùng mong muốn có một đứa con nhưng vẫn đành lòng thỏa hiệp. Khi đến bệnh viện, lấy số thứ tự xong, chúng tôi lặng lẽ đứng xếp hàng chờ đợi. Khi người ta gọi đến tên bạn gái, đột nhiên tôi túm lấy tay áo cô ấy: “Đợi một chút, chúng ta về nhà bàn bạc thêm”.

Tôi kéo bạn gái về nhà, trên đường đi tôi không ngừng khuyên ngăn cô ấy nhưng cô ấy không hề lên tiếng. Về đến nhà cô ấy gào lên: “Anh chỉ nghĩ đến bản thân anh, tại sao anh lại không nghĩ cho em? Em vừa mới tốt nghiệp, còn trẻ, chưa kết hôn mà đã sinh con, như vậy em còn mặt mũi nào để nhìn mọi người nữa đây? Em có thể không quan tâm đến những điều này, nhưng lương của em ba cọc ba đồng, anh lại làm ăn thua lỗ như thế, chúng ta lấy gì mà nuôi con?”.

Những lời cô ấy nói như những mũi dao đâm vào tim tôi nhưng lời nào cũng đều có lý. Nhưng niềm khát khao được làm cha bấy lâu nay cộng với tình thương dành cho đứa trẻ trong bụng cô ấy khiến tôi không thể nào để cho lý trí chiến thắng tình cảm. Tôi hứa với bạn gái sẽ đi đăng ký kết hôn, tôi nhất định sẽ kiếm được tiền để nuôi con, tôi đường đường là một nam tử hán, dù có khổ có mệt đến như thế nào đi nữa, vì con tôi đều có thể chịu đựng được. Tôi khuyên ngăn nhiều, cuối cùng bạn gái tôi cũng coi như miễn cưỡng đồng ý giữ lại đứa con.

Sau đó trong một lần cãi vã, bạn gái tôi lại quyết tâm bỏ đứa bé, tôi đưa cô ấy đến cổng bệnh viện rồi lại lôi cô ấy về. Cứ như vậy vài lần, con tôi lớn lên dần trong bụng mẹ, cuối cùng bác sĩ nói cái thai đã quá to, không thể bỏ được nữa. Quãng thời gian đó tôi đã khóc rất nhiều, nhiều lúc chỉ những xúc động rất nhỏ cũng khiến tôi rơi nước mắt. Bạn gái tôi cuối cùng cũng hiểu cho tôi, cô ấy chịu đựng áp lực và đưa ra quyết định cuối cùng: Dù khổ thế nào cũng sẽ sinh con!

Qua bao lần trắc trở cuối cùng chúng tôi cũng “giữ” được con bên mình…

Trong quãng thời gian mang thai, con chưa ra đời nhưng đã cùng chúng tôi nếm trải bao đau khổ mất mát: Ông ngoại qua đời, con ở trong bụng mẹ đã phải cảm nhận nỗi đau mất người thân; công việc của văn phòng tư vấn gặp khó khăn, qua những lời than của mẹ, con cũng cảm nhận được cha gây dựng sự nghiệp khó khăn như thế nào; cho đến khi mẹ và bà nội về quê, con chưa ra đời đã phải chịu sự vất vả của một chuyến đi xa…

Thế sự bắt buộc, khi tôi quyết định đến Tây An lập nghiệp, vợ tôi (lúc đó trong lòng tôi bạn gái đã trở thành vợ) đã mang thai đến tháng thứ chín, chẳng mấy chốc con tôi sẽ chào đời. Nhưng lần này đến Tây An chưa biết sẽ thế nào, tôi đành cắn răng để vợ và mẹ già gần bảy mươi tuổi lên tàu biển trở về quê nhà Cát Lâm (mẹ tôi từ Cát Lâm đến Yên Đài để chăm sóc con dâu chờ ngày sinh nở). Nhìn vợ bụng mang dạ chửa, đi lại khó nhọc và mẹ già tuổi cao sức yếu, đi lại chậm chạp, lại nghĩ đến cảnh hai người đi tàu xa sau đó lại xuống đi tàu hỏa, rồi đi xe mới về đến Cát Lâm, nước mắt tôi lại lăn dài trên má…

Tôi biết là mình quyết định như thế không chỉ có lỗi với vợ, với mẹ mà còn có lỗi với cả đứa con còn nằm trong bụng mẹ. Con gái tôi có thể bình an chào đời, có thể nói là một sự may mắn vô cùng. Và cũng vì thế mà một người theo chủ nghĩa duy vật như tôi cũng phải cảm ơn ông trời đã ban cho tôi một ân huệ lớn lao như vậy.

Tôi nên làm một người cha như thế nào?

Thực ra trước khi chính thức lên chức cha tôi đã nghiên cứu tìm hiểu về giáo dục gia đình trong một khoảng thời gian khá dài.

Đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX, lúc đó tôi phụ trách “Chuyên mục tư vấn tâm lý Đông Tử” của báo Thanh niên Hải Nam, giải đáp thắc mắc của thanh thiếu niên, chuyên mục không những được các bạn nhỏ yêu mến mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm. Các bạn nhỏ tâm sự với tôi là các bạn không hài lòng về cha mẹ mình như thế nào, các bạn thấy cô đơn và ấm ức ra sao, còn các bậc phụ huynh lại than phiền vì con cái không nghe lời, không dễ dạy dỗ…

Một thời gian sau khi phụ trách chuyên mục tư vấn tâm lý, tôi ngày càng cảm thấy các bạn nhỏ không có niềm vui trong cuộc sống, còn các bậc phụ huynh thì cảm thấy áp lực. Tôi đã tự hỏi tại sao trong giáo dục gia đình lại tồn tại nhiều vấn đề như thế? Càng đi sâu vào tìm hiểu tôi phát hiện ra được nhiều điều hơn, và tôi cũng viết nhiều hơn về đề tài giáo dục trong gia đình. Đến khi con gái tôi chào đời, bản thân trở thành phụ huynh, tôi mới thực sự cảm nhận được nỗi lòng của những người làm cha làm mẹ.

Trước khi có con, phạm vi nghiên cứu của tôi rất rộng, từ vấn đề giáo dục rất vĩ mô đến một tình huống cụ thể về giáo dục gia đình nào đó mà tôi sưu tầm được. Nhưng sau khi Y Y chào đời thì những bước trưởng thành của con đương nhiên trở thành đề tài để tôi tìm hiểu và nghiên cứu.

Thực ra khi biết chính xác là vợ tôi đã mang thai, tôi luôn có suy nghĩ bản thân phải cố gắng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con. Khoảng thời gian đó, tôi thường nhớ lại và suy ngẫm về tuổi thơ của mình. Tôi nhớ lại những thiếu thốn về vật chất, những trận đòn của cha mẹ, và tôi nghĩ khi làm cha, điều đầu tiên mà tôi làm cho con gái đó là không để cho con gái phải chịu đựng hai nỗi khổ này.

Tuy vậy, mang đến cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn so với tôi trước kia, không để con phải chịu những trận đòn đau, như vậy là đã cho con hạnh phúc và niềm vui chưa?

Làm công tác tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên, tôi vẫn thường nghe được những chia sẻ cũng như những u uất trong lòng của các em qua đường dây nóng, qua những bức thư các em gửi hay trong những buổi thuyết trình. Trong thư của một học sinh trung học, em tâm sự với tôi rằng em ghét đi học, trường học giống như nhà tù, thậm chí em còn không bằng một tù nhân. Một em khác bỏ nhà đi và gọi điện tâm sự với tôi: “Ngày nào em cũng phải đối mặt với một đống bài tập làm mãi không hết, em thực sự chán ghét đến tột đỉnh rồi”. Một “ông cụ non” than thở với tôi vẻ bất đắc dĩ: “Sống thật chẳng có ý nghĩa gì, không được vui chơi, không được làm những gì mình thích, cuộc sống hình như chỉ có học hành, thi cử…”.

Nghe những lời than thở như vậy từ miệng những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ, thật khiến người lớn chúng ta đau lòng biết bao. Vốn dĩ các em phải được có một tuổi thơ với những tháng ngày vui vẻ nhưng tại sao các em lại phải lớn lên trong những lời than thở. Chỉ có một nguyên nhân đó là áp lực học hành quá lớn.

Không nơi đâu trên thế giới này, trẻ em lại phải chịu áp lực học hành lớn như trẻ em Trung Quốc.

Tôi tin chắc rằng các bậc phụ huynh đều có chung một suy nghĩ: trẻ em bây giờ sống quá mệt mỏi. Nếu được hỏi về tuổi thơ của mình trôi qua như thế nào, tôi tin rằng đa số các em sẽ trả lời tuổi thơ của mình trôi qua cùng đề thi, các lớp học thêm, áp lực và điểm số…

Mặc dù tư tưởng “đề cao giáo dục tố chất cho học sinh” đã được đưa ra nhiều năm, mặc dù Bộ Giáo dục luôn kêu gọi “giảm áp lực cho học sinh” nhưng áp lực học tập của các em không hề giảm, thậm chí ngày một tăng lên. Bởi vì chế độ thi cử không thay đổi, điểm số vẫn là điều quan trọng nhất đối với thầy cô và học sinh. Trải qua mười hai năm học phổ thông, thứ duy nhất có thể đánh giá được các em thành công hay thất bại là điểm số cao hay thấp, có đỗ được vào trường đại học trọng điểm hay không? Thành tích cũng là thước đo khả năng giảng dạy của các thầy cô giáo, hầu hết tại các trường phổ thông, việc đánh giá năng lực của các thầy cô giáo đều dựa vào tỷ lệ lên lớp và điểm trung bình của học sinh, lớp nào có học sinh thi đạt điểm cao, thi đỗ vào những trường điểm thì giáo viên của lớp đó được đánh giá là giáo viên dạy giỏi. Vì thế khi bước chân vào cổng trường, học sinh bỗng nhiên trở thành một cái máy học, sự thông minh vốn có của các em bị kìm hãm, sức sáng tạo của các em cũng bị cướp đi một cách không thương tiếc.

Chịu áp lực lớn của giáo dục đối phó, phần lớn các bậc phụ huynh đã chọn cách trở thành “trợ thủ” của nhà trường. Cũng giống như giáo viên, phụ huynh chỉ chăm chăm quan tâm đến thành tích của con cái, hàng ngày câu hỏi nhiều nhất mà họ hỏi con mình là: “Hôm nay ở trường con học gì?”, “Khi nào thì con thi?”, “Lần kiểm tra này con được bao nhiêu điểm?”.

Điều này khiến tôi nhớ đến khoảng thời gian đầu năm 2011, lúc đó tôi cùng đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục Trung Quốc có chuyến công tác đến Israel. Trong chuyến công tác đó chúng tôi thấy các bậc phụ huynh người Do Thái hỏi con cái của họ: “Hôm nay con có đặt câu hỏi không? Con hỏi mấy câu?”. Họ cổ vũ con cái tích cực nêu ý kiến, tích cực đặt câu hỏi cho giáo viên và phụ huynh. Một đứa trẻ không biết đặt câu hỏi chỉ là một con mọt sách không hơn không kém, cũng giống như một đất nước không nghe thấy những tiếng nói chất vấn từ nhân dân thì đó là một đất nước không có tương lai, những câu hỏi sẽ khiến đứa trẻ tiến bộ và chất vấn sẽ khiến đất nước phát triển.

Giáo dục Trung Quốc về căn bản vẫn chưa cải thiện được hiện trạng giáo dục nhồi nhét, học sinh học thụ động, nhưng phương pháp giáo dục của người Do Thái lại chú trọng giáo dục gợi mở, khiến học sinh chủ động tiếp thu kiến thức. Sự khác biệt quyết định kết quả cuối cùng!

Một nền giáo dục như vậy liệu có thể mang đến cho chúng ta điều gì?

Con cái đều than thở với cha mẹ: “Dậy sớm nhất để đi học là con, về nhà muộn nhất cũng là con, chơi ít nhất là con, ngủ muộn nhất là con, mệt nhất là con, cái gì cũng là con… là con… là con”. Có những đứa trẻ do không chịu đựng được áp lực đã tìm đến những cách giải quyết cực đoan, truyền thông liên tục đưa tin về các trường hợp học sinh tiểu học và trung học tự sát. Những tiếng kêu xé lòng khiến chúng ta không khỏi đau đớn, ngày càng có nhiều đứa trẻ vô tình bị cướp mất tuổi thơ, giống như những nụ hoa mới chớm chưa kịp tỏa hương khoe sắc thì đã bị người ta dùng thuốc kích thích cho tàn nhanh vậy…

Đáng sợ là chúng ta chẳng mấy quan tâm đến vấn đề này. Phụ huynh của các học sinh tiểu học và trung học bây giờ chủ yếu là những người thuộc thế hệ 7X, hễ nói đến con cái, họ đều có chung quan điểm là trẻ con thời nay được sống đầy đủ về vật chất và tinh thần: không lo ăn, lo mặc, cần cái gì có cái đó, là mặt trời nhỏ của cha mẹ, tiểu hoàng đế của ông bà, được nâng niu chăm sóc tựa như cầm một bình pha lê trên tay chỉ sợ rơi vỡ, có đàn piano để chơi, có bút màu cao cấp để vẽ, có gia sư kèm cặp… Thời đại chúng tôi thì lấy đâu ra những thứ này.

Mà xét cho cùng, ý kiến của các bậc phu huynh cũng không sai, nhưng chúng ta đã bỏ qua một thứ, đó là niềm vui, những đứa trẻ bây giờ thiếu niềm vui. Khi còn nhỏ, chúng ta được trèo cây tìm tổ chim, xuống sông bắt cá, chạy nhảy nô đùa giữa cánh đồng, lăn lộn ở bãi bùn, chơi trốn tìm, chơi ném bao cát, chơi nhảy dây, bắn bi… Trẻ con bây giờ không được tận hưởng những niềm vui này nữa.

Nếu như lấy tuổi thơ của chúng ta đổi lấy tuổi thơ của trẻ em bây giờ, chúng ta có đồng ý không?

Tuổi thơ của chúng ta là những trận đòn đau, không có sự thương yêu ân cần của cha mẹ, không có đồ chơi, không có những bộ phim hoạt hình hấp dẫn, không có truyện tranh, không có đồ ăn vặt, nhưng tại sao mỗi khi nhớ lại thời thơ ấu, trong lòng vẫn cảm thấy vô cùng vui vẻ?

Giữa đời sống tinh thần vui vẻ và cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng đời sống tinh thần thiếu thốn, chắc hẳn không ai chọn cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng khổ sở về tinh thần. Nhưng tại sao chúng ta lại để con cái phải chịu đựng những tổn thương tinh thần đó?

Khi tụ tập cùng bạn bè, nhắc lại chuyện thời thơ ấu, mọi người ai nấy đều rạng rỡ, những chuyện vui nhiều không kể xiết. Nhưng những đứa trẻ bây giờ, cả ngày chạy sô giữa nhà và trường học, phần lớn thời gian chúng bị nhốt trong những không gian nhỏ hẹp bí bách để học, học và học. Đến khi chúng trưởng thành, ngồi tụ tập lại, nhắc lại chuyện thời ấu thơ, chúng sẽ nói những chuyện gì? Ký ức toàn một màu xám xịt, có thể tìm được điều gì đáng để nói?

Cứ nghĩ đến những điều này, lòng tôi lại thấy tê tái. Vì thế, tôi quyết tâm mang lại niềm vui cho con gái, khiến con vui vẻ học hành, khỏe mạnh trưởng thành, thuận lợi thành tài! Tôi phải cho con một tuổi thơ hạnh phúc, tôi phải làm một người cha tốt – người cha có thể làm mọi điều để con lớn lên trong niềm vui.

Con đường đi đến thành công của con sẽ như thế nào?

Sự phát triển của trẻ không thể tách rời việc “học”.

Từ lúc bi bô học nói đến lúc lẫm chẫm học đi, con gái đã bắt đầu biết quan sát thế giới xung quanh bằng đôi mắt hiếu kỳ, và điều này đã khiến tôi suy nghĩ, làm thế nào để con nhận thức được việc “học”? Mục đích cuối cùng của việc giáo dục con cái là gì?

Những suy nghĩ trên của tôi bắt nguồn từ hiện trạng giáo dục hiện nay.

Ngày nay, rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng, “học” có nghĩa là cho con đi học trước tuổi, học tiểu học, trung học, học xong trung học thì thi đại học. “Học” có nghĩa là trên lớp ngoan ngoãn ngồi nghe thầy cô giảng bài, về nhà chăm chỉ làm bài tập, đạt điểm cao khi kiểm tra hay thi cử…

Tuy nhiên mục đích cuối cùng của việc giáo dục con cái chính là mong muốn con “có tiền đồ”. Nhưng làm thế nào để “có tiền đồ” đây? Tất nhiên là khi đi học phải chịu khó học hành, có thành tích học tập tốt, sau đó thi đỗ một trường đại học có tiếng, sau này làm quan to, kiếm nhiều tiền, có danh tiếng.

Chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng trên nên các bậc phụ huynh rất kỳ vọng vào việc giáo dục của nhà trường.

Vì thế mà ngay từ ngày đầu tiên đi học, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bọn trẻ phải học dưới sự chỉ huy của những chiếc thước, hơn nữa mục tiêu chỉ có một: thi đỗ đại học, nội dung chỉ có một: những kiến thức trong sách vở thuộc phạm vi thi, phương pháp cũng chỉ có một: chăm chỉ chịu khó học thuộc lòng…

Một nền giáo dục như vậy thì “học mà chơi, chơi mà học” hay “giáo dục theo đối tượng” chỉ là những khẩu hiệu, thực chất nó giống với kiểu giáo dục mà chúng ta đang phê phán: “giáo dục để thi cử”.

Có một bức tranh có nội dung như thế này: Ô đầu tiên vẽ đầu của nhiều đứa trẻ, đứa tròn đứa vuông, đứa gầy đứa béo, chú thích “bắt đầu đi học”, ô thứ hai vẫn là đầu của những đứa trẻ đó, nhưng không còn sự khác biệt nào nữa, tất cả dường như được đúc ra từ một khuôn, hình dạng khuôn mặt giống nhau, đứa nào đứa nấy trên mũi đều xuất hiện thêm cặp kính, chú thích “khi tốt nghiệp”. Chỉ một bức tranh như vậy đã phản ánh được hết bản chất giáo dục trong nhà trường hiện nay.

Việc giáo dục theo phương thức thống nhất mang tính dây chuyền này, cộng với phương pháp giáo dục, quan niệm giáo dục cổ hủ của một số thầy cô giáo, áp lực tâm lý, áp lực bài vở đã giết chết bao nhiêu phần bản tính nhanh nhẹn, hoạt bát, tư duy nhạy bén của trẻ…

Nhiều người khen tôi thông minh, nếu không bỏ học giữa chừng, có khi có thể thi đỗ một trường đại học danh tiếng, thậm chí có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mặc dù tôi không có cơ hội học tập bài bản ở trường chính quy, nhưng tôi may mắn khi chỉ học trong trường có sáu năm, vì thế những gì là thiên phú của bản thân mới không bị nền giáo dục để thi cử bóp chết. Vì không đi trên cầu độc mộc, nên đường dưới chân tôi thênh thang hơn.

Dường như tôi đã có được câu trả lời cho vấn đề mà mình đang tìm hiểu: học là quá trình tích lũy kiến thức, học vì muốn có năng lực sinh tồn tốt hơn. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có thể độc lập trong tương lai, có thái độ tích cực lạc quan, kiên cường trong cuộc sống, có một trái tim biết cảm nhận niềm vui và lúc nào cũng đầy ắp tình thương…

Vậy thì nên cho con học thế nào?

Học hành khổ sở hay là vui học, học tập linh hoạt? Hiện thực muốn chúng ta phải học hành khổ sở nhưng học sinh và phụ huynh lại muốn vui học, học tập linh hoạt. Nhìn vào thể chế giáo dục ngày nay, liệu việc vui học, học tập linh hoạt có khả quan không? Giống như việc học bơi, không xuống nước thì vĩnh viễn sẽ không biết bơi, vì thế chúng ta phải “xuống nước” thử xem sao.

Theo những hiểu biết của tôi về tâm lý trẻ em, trong giai đoạn ở trường mẫu giáo, nhiệm vụ chủ yếu của trẻ là chơi, chơi một cách vui vẻ, thoải mái, như vậy có thể phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ. Sau khi đi học thì phải học mà chơi, chơi mà học. Vì thế tôi muốn con gái “chơi mà học”, vui vẻ học tập. “Chơi mà học” không phải vừa học vừa chơi mà là khi chơi phải chơi hết mình, không được nghĩ đến việc học, và ngược lại khi học phải tập trung, không được nghĩ đến việc chơi; “học mà chơi” có nghĩa là tìm thấy niềm vui trong học tập, coi việc học là một việc vui vẻ.

Vì thế, tôi đã rất tâm huyết khi lên kế hoạch cho tương lai của con, tôi gọi nó là “Ba khúc ca vui trưởng thành”, chơi ở tiểu học, vui ở trung học và đi qua đại học.

Việc phân chia làm ba giai đoạn như trên căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý ở từng giai đoạn phát triển của trẻ, cộng với những kiến thức trẻ đã tích lũy được ở từng giai đoạn cũng như việc bồi dưỡng năng lực để quyết định.

Đầu tiên, về “chơi ở tiểu học”.

Tại sao lại nhấn mạnh việc “chơi” ở tiểu học?

Thứ nhất, chơi là bản tính tự nhiên và là quyền lợi của trẻ độ tuổi tiểu học. Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học đều rất muốn được chơi, muốn tìm được niềm vui trong những trò chơi. Chơi đùa cũng giống như ăn cơm hay mặc quần áo, đều là những nhu cầu cơ bản của trẻ. Vì thế chúng ta không nên cướp mất quyền được chơi của chúng, phải cho trẻ thời gian và không gian chơi. Từ ngày Y Y biết chơi đùa, tôi đã coi việc chơi của con là điều tất yếu, là “bài tập” bắt buộc hàng ngày của con. Chỉ cần con vui là tôi không tiếc thời gian cho con chơi. Sau khi con đi học, tôi vẫn tìm cách để con vẫn có thời gian chơi, kiên trì để con “chơi ở tiểu học”.

Thứ hai, chơi cũng là một phương thức học của trẻ tiểu học. Chơi không chỉ là một phần cuộc sống của trẻ, chơi cũng là một phần trong việc học tập của trẻ. Tôi cho rằng chơi mà học là một phương pháp học rất hiệu quả và mang lại nhiều niềm vui. Suốt những năm học tiểu học, phần lớn thời gian Y Y đều vừa chơi vừa học, hoặc là học dưới hình thức những trò chơi, và thực tế chứng minh việc học của con không hề bị ảnh hưởng mà ngược lại con vui vẻ, không có áp lực trong suốt quãng thời gian học tiểu học.

Ở giai đoạn tiểu học nhấn mạnh việc “chơi” không có nghĩa là để mặc trẻ muốn chơi thế nào thì chơi, mà cần phải đúng “độ”. Phải biết cách dẫn dắt, khiến con ngoài niềm vui ra còn có thêm năng lực và kiến thức.

Tiếp theo là “vui ở trung học”.

Trẻ có thể có được niềm vui khi chơi, nhưng niềm vui cũng có thể đến từ nhiều thứ khác ngoài chơi đùa như lao động, học tập. “Vui” mà tôi nói đến ở đây là niềm vui trong học tập.

Chúng ta đều biết chơi đùa có thể mang lại cho trẻ niềm vui, nhưng rất nhiều người lại không để ý rằng việc học cũng mang lại niềm vui, và niềm vui trong học tập thì cao hơn một bậc so với niềm vui bình thường. Hiểu một cách đơn giản là coi việc học như một niềm vui, trong quá trình vui học, có thể tiếp thu được kiến thức và kỹ năng, từ đó có được niềm vui thành công.

Nhiều năm trở lại đây, tôi vẫn lên án “khổ học”, đề xướng quan niệm “giáo dục vui vẻ”. Tôi đưa ra quan điểm “vui ở trung học” là muốn con gái tôi khác với những đứa trẻ được “rèn đúc” trong môi trường giáo dục thông thường, con gái tôi sẽ không phải khổ sở trong những tập đề thi, mà khi con đã nắm được phương pháp học căn bản, con sẽ học được cách học linh hoạt, học vui vẻ, từ đó con trưởng thành hơn, tiếp thu được những kiến thức văn hóa cần thiết trong quá trình phát triển mà không phải chịu nhiều áp lực.

“Vui ở trung học” được quyết định bởi sự phát triển của trẻ và đặc điểm học tập của trẻ ở tuổi trung học. Bài vở ở trường trung học nhiều hơn ở tiểu học rất nhiều, lượng kiến thức cũng lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực, độ khó cũng tăng lên, yêu cầu về năng lực cũng cao hơn ở tiểu học. Vì thế bậc trung học yêu cầu người học phải đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn để có thể nắm vững được những kiến thức ở bậc trung học. Hơn thế nữa ở tuổi thứ 10 trở đi, “chơi” đã không còn đủ sức thu hút toàn bộ hứng thú của trẻ, sự chú ý của trẻ đổi hướng sang những lĩnh vực khác rộng hơn, trong đó bao gồm việc khám phá thế giới qua sách vở, niềm vui trong học tập, niềm vui trong việc tìm kiếm tri thức.

Căn cứ vào những đặc điểm trên, tôi rất tự tin quyết định để Y Y “vui ở trung học”. Tất nhiên, muốn con coi việc học là niềm vui không có nghĩa là không cho con thời gian để chơi. Tôi nói với con cho dù con đã vào trung học, thời gian chơi ít hơn so với hồi tiểu học, nhưng con vẫn là đứa trẻ có thời gian chơi nhiều nhất Trung Quốc. Y Y đã nắm được phương pháp học khoa học, hơn nữa con lại rất hứng thú với việc học tập, ý thức và khả năng tự học rất cao, cho dù việc học ở bậc trung học vất vả hơn nhiều nhưng đối với con đó không phải là áp lực quá lớn.

Qua mười sáu năm, con gái đã “chơi ở tiểu học”, rồi nhẹ nhàng “vui ở trung học” và bước vào cổng trường đại học.

“Đi qua đại học” là một mục tiêu cơ bản mà tôi đã hoạch định cho cuộc sống sinh viên của con gái. Trong trường đại học là quãng thời gian quan trọng để rèn giũa một con người, ở giai đoạn này sinh viên không chỉ học kiến thức văn hóa mà còn cần chú trọng bồi dưỡng năng lực, tố chất của bản thân ở mọi phương diện. Ví dụ phải học cách tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau, từ đó xử lý tốt các mối quan hệ với bạn cùng phòng, với những người xung quanh, phải tăng cường bồi dưỡng tố chất tâm lý tốt, phải có sự bình tĩnh khi đối diện với những sự việc hàng ngày, phải rèn luyện khả năng tổ chức, sắp xếp, lãnh đạo của bản thân, tích cực tham gia các đoàn hội, các hoạt động đoàn thể, cần nhận thức rõ bản thân mình, xác định được mình là ai, có quy hoạch sơ bộ cho tương lai, kế hoạch cho cuộc sống trong trường đại học cũng phải được hoạch định rõ ràng…

Trong quá trình “đi” này, con cũng sẽ có những niềm vui. Trước tiên vì con rất yêu cuộc sống sinh viên, mỗi ngày con đều sống và học hết mình, trân trọng từng ngày trong trường đại học; tiếp đó, con rất tích cực, có ý chí khi làm hay quyết định một việc gì đó.

Khi con gái bước từng bước vững chắc qua ba gia đoạn, tôi tin rằng con sẽ trưởng thành trong niềm vui, con sẽ vững vàng bước đi trên con đường đời của bản thân mình

Bình luận
720
× sticky