Điều quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ không phải là trẻ đã học được bao nhiêu kiến thức văn hóa mà là rèn luyện phẩm chất đạo đức như thế nào, tiếp đó là năng lực và sau đó mới là kết quả học tập. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có năng lực sinh tồn, để trẻ phát triển toàn diện, từ đó vui vẻ, thong dong mỗi ngày trong cuộc đời.
Bước vào trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính
Ngày 27 tháng 8 năm 2012, một ngày trước khi con gái đến Đại học Hắc Long Giang làm thủ tập nhập học, tôi đưa con gái đến trường Trung học Hy Vọng thành phố Trường Xuân thăm thầy hiệu trưởng Tông Vĩnh Cường, chuyến đi lần này có hai mục đích, một là báo tin vui, chia sẻ cùng thầy niềm vui trưởng thành của Y Y, hai là cảm ơn tấm ân tình của thầy năm đó đã giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho Y Y.
Đầu tháng 7 năm 2009, sau khi hoàn thành nửa năm tự học ở nhà, tất cả mọi kế hoạch đặt ra đều đã được thực hiện, tôi bắt đầu lo việc học trung học phổ thông của Y Y, trước tiên tôi và con tìm thông tin các trường trung học phổ thông ở Trường Xuân trên internet, hai cha tôi con loại trừ ngay những trường trọng điểm như trường Trung học phổ thông thuộc Đại học sư phạm Cát Lâm hay trường Thực nghiệm tỉnh Cát Lâm, tất nhiên là hai chúng tôi cũng loại trừ luôn những trường tương đối kém về cả vật chất lẫn chất lượng giáo dục. Như vậy có khoảng mười trường lọt vào danh sách lựa chọn. Tiêu chuẩn lựa chọn của cha con tôi là trường đó phải có căng tin cho học sinh, có ký túc xá, hơn nữa phải gần nhà, tổng hợp những tiêu chuẩn này có một nửa số trường bị loại.
Ngày 6 tháng 7, tôi dẫn Y Y lần lượt đến tham quan năm ngôi trường mà hai cha con đã lựa chọn, ngôi trường đầu tiên mà chúng tôi đến là trường Trung học số 1 thành phố Trường Xuân, tất cả lãnh đạo từ hiệu trưởng, hiệu phó đều không có mặt, chủ nhiệm phòng giáo vụ và phòng giáo dục đạo đức học sinh tiếp đón hai cha con tôi. Sau khi nghe sự giới thiệu cũng như nguyện vọng của hai cha con, họ rất vui mừng, giới thiệu cho chúng tôi về tình hình của trường và hứa rằng khi nào thầy hiệu trưởng quay lại nhất định sẽ lập tức thông báo với thầy, nhanh chóng trả lời chúng tôi. Khi chào tạm biệt họ, cha con tôi đã đi dạo một vòng quanh trường, tham quan một lượt từ phòng học, căng tin, ký túc xá, nhà vệ sinh. Sau đó hai cha con lại đến trường Trung học số 29 thành phố Trường Xuân.
Hai cha con may mắn được gặp cô hiệu trưởng của trường, một phụ nữ trung niên giỏi giang, nhưng khi cô biết là Y Y chưa tham gia kỳ thi vào trung học phổ thông thì lập tức có thái độ nghi ngại: “Một đứa trẻ nhỏ như vậy, ngay cả kỳ thi vào trung học phổ thông cũng không tham gia (ý của cô là không dám tham gia hoặc không có đủ năng lực để tham gia), không có điểm thì làm sao mà học trung học phổ thông được”. Mặc dù tôi vẫn nhẫn nại, cố gắng giải thích cho cô hiệu trưởng hiểu nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối. Tôi dắt tay Y Y ra về trong lòng rất buồn bã, nhưng tôi không thể để cho con thấy tâm trạng của mình, tôi cố ra vẻ cười nói với con: “Trường này không được, chúng ta vẫn còn vài trường tốt nữa, đi thôi, hai cha con mình ăn cơm đã, buổi chiều hai chúng ta sẽ đến trường Trung học Dưỡng Chính xem sao”.
Sau khi ăn xong, chúng tôi đến trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân.
Trước tiên khi nói đến ngôi trường này, rất nhiều người khi nghe tên trường đều cho rằng đây là một trường dân lập, ngay cả cha của bạn Y Y khi con thi vào đại học còn hỏi tôi: “Trường Dưỡng Chính này rốt cuộc có phải là một trường dân lập hay không?”. Trên website của trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân và trên trang Baidu đều có giới thiệu về trường như thế này:
Trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân được thành lập trên cơ sở hai trường là trường trung học số 12 và trường trung học số 4 của thành phố, tiền thân của trường trung học số 12 là trường học đầu tiên do nhà nước xây dựng – Thư viện Dưỡng Chính, đến nay đã có lịch sử 128 năm, có danh hiệu là “Trường học số 1 Trường Xuân”. Trường mới được thành lập từ tháng 11 năm 2007, được đầu tư 130 triệu nhân dân tệ, diện tích 80.500 mét vuông, diện tích cơ sở hạ tầng là 38.100 mét vuông, có nhà tổng hợp, phòng học, tòa nhà khoa học kỹ thuật, ký túc xá cho học sinh, trung tâm phục vụ, nhà thi đấu, toàn trường có 48 lớp và hơn 2.500 học sinh…
Khi đến trường, chúng tôi tham quan trường một lát, đi xem các phòng học, ký túc xá, căng tin. Phòng học và hành lang của tòa nhà phòng học đều rất rộng và sáng sủa, trong khuôn viên trường hương hoa ngào ngạt, hoa cỏ tốt tươi. Con gái lập tức thích ngôi trường này, con nói với tôi: “Cha ơi, hiệu trưởng liệu có nhận con không, con rất muốn được học ở đây”, “Đi thôi, chúng ta đi hỏi hiệu trưởng”. Tôi dắt tay con đi lên lầu, mở “cửa vào phòng” chỗ thầy hiệu trưởng Tôn Vĩnh Cường, hiệu trưởng Tôn cũng cao gầy như tôi, phong độ nho nhã, thầy nhiệt tình tiếp đón chúng tôi.
Thầy chăm chú lắng nghe tôi kể sự trưởng thành của con gái và quan niệm giáo dục liên quan, khi nghe tôi nói thầy không ngừng gật đầu, sau đó thì thầy nói chuyện vài câu với Y Y. Thầy nói với tôi: “Quan niệm giáo dục của anh rất hay, tôi luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để bọn trẻ vẫn trưởng thành trong niềm vui khi không thể tránh khỏi nền giáo dục để thi cử, kinh nghiệm thành công của anh là tấm gương để chúng tôi noi theo, rất vui vì anh có thể tin tưởng chúng tôi, gửi con gái anh đến trường chúng tôi học, Phạm Khương Quốc Nhất là một cô gái nhỏ vui vẻ, rạng rỡ, tôi hy vọng tất cả học sinh của chúng tôi đều có thể vui vẻ rạng rỡ được như Phạm Khương Quốc Nhất, chúng tôi chào đón cháu đến với đại gia đình ‘Dưỡng Chính’”.
Sau khi từ trường Dưỡng Chính ra về, Y Y nói với tôi: “Cha ơi, chúng ta không đến trường khác nữa, chúng ta chọn trường này được không ạ?”. “Con thực sự thích ngôi trường này ư?”, tôi hỏi lại con.
“Vâng ạ, môi trường ở đây tốt, mà thầy hiệu trưởng cũng rất tốt”. “Được rồi, chỉ cần con thích, vậy chúng ta chọn trường này, đi thôi, chúng ta về nhà nào…”.
Một tháng sau, tôi đưa con đến trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân, Y Y được xếp vào lớp mười bốn khối mười, cô giáo chủ nhiệm là cô Từ Lệ Cầm, lớp có năm mươi sáu bạn, và con đã bắt đầu cuộc sống trong trường trung học phổ thông như thế.
Sau đó, tôi có tâm sự với thầy hiệu trưởng Vĩnh Cường về tương lai của con. Từ trước tới nay tôi chưa hề có ý định cho con thi đại học, thầy Vĩnh Cường cho rằng căn cứ vào tình hình riêng của Phạm Khương Quốc Nhất và hiện trạng giáo dục Trung Quốc, tham gia kỳ thi đại học có ý nghĩa tích cực hơn nhiều đối với sự phát triển của con. Tôi tiếp thu ý kiến của thầy, tôn trọng sự lựa chọn của con gái, vì thế mà bây giờ mới có sinh viên Đại học Hắc Long Giang – Phạm Khương Quốc Nhất.
Trước khi con gái vào lớp mười hai, ban giám hiệu của nhà trường có sự thay đổi, thầy Vĩnh Cường được điều đến trường Trung học Hy Vọng thành phố làm hiệu trưởng, thầy Trương Kình Tống đảm nhận cương vị hiệu trưởng trường Dưỡng Chính thay thầy Vĩnh Cường, thầy cũng rất quan tâm đến Y Y.
Dưới sự quan tâm chăm sóc và dạy dỗ của lãnh đạo, thầy cô trường Dưỡng Chính và cả sự quan tâm của bạn bè, Phạm Khương Quốc Nhất đã trải qua những năm trung học phổ thông thật vui vẻ. Con gái là một đứa trẻ biết cảm ơn, trong “Lưu bút tốt nghiệp” con đã viết như thế này:
Em sẽ mãi mãi không bao giờ quên thầy hiệu trưởng Tôn Vĩnh Cường, thầy đã đồng ý cho em vào học trường Dưỡng Chính; cô giáo Từ Lệ Cầm, mặc dù tiếng Anh của em không giỏi nhưng cô vẫn cho em làm cán sự môn để em có thể rèn luyện bản thân; cô giáo Lưu Thục Yến luôn luôn quan tâm và cổ vũ em; cô Lý Lệ người đã tin tưởng, giúp đỡ em, cổ vũ em khi em không đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Còn rất nhiều thầy cô giáo đã vất vả dạy dỗ em, cảm ơn các thầy cô đã hy sinh vì em! Em cảm ơn tất cả!
Lớp 13 khối 12 – Phạm Khương Quốc Nhất
Ba lần bị triệu về gấp
Những năm học trung học phổ thông là giai đoạn duy nhất con gái được học liền mạch, hoàn chỉnh, vì đã được bồi dưỡng, rèn luyện trước, con gái có đầy đủ phẩm chất và năng lực, thói quen hành vi cơ bản được hình thành, tuy nhiên đối với một cô gái vừa mới bước chân vào “thời thanh xuân” thì ba năm trung học phổ thông là một giai đoạn vô cùng quan trọng.
Tôi vốn là người rất coi trọng việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường, chỉ có cách liên lạc với nhà trường, hiểu được con mình một cách toàn diện thì phụ huynh mới có thể hướng dẫn, giáo dục con cái mình một cách khoa học và hiệu quả hơn. Vì thế từ khi Y Y đi học, trước tiên tôi đều giới thiệu về tình hình của con cũng như quan niệm giáo dục của bản thân tôi, mục đích là có thể tìm một phương pháp tốt nhất để dạy con, thiết nghĩ, nếu như quan niệm giáo dục của tôi và nhà trường hoàn toàn đối lập thì con tất nhiên không thể thích nghi, như vậy thì việc học của con sẽ dở dang, không thể nói đến thành tài hay không.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến lần họp phụ huynh đầu tiên khi Y Y học lớp mười. Cô giáo chủ nhiệm Từ Lệ Cầm nói, các thầy cô giáo phát hiện một số học sinh cung cấp số điện thoại giả của phụ huynh, không có cách nào để liên lạc với phụ huynh. Để tiện liên lạc, cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn đều viết số điện thoại của mình lên bảng, hầu hết các phụ huynh đều chép lại những số điện thoại đó, nhưng tôi lại không, bởi vì buổi học đầu tiên tôi đã có số điện thoại của cô giáo con, đồng thời cũng để lại số điện thoại của tôi cho cô giáo, hơn thế nữa chúng tôi đã liên lạc một lần. Vì thế tôi suy đoán rằng đại đa số phụ huynh đều không chủ động liên lạc với thầy cô giáo, tất nhiên là cũng không có ý định cung cấp số điện thoại của mình cho thầy cô.
Điều này cho thấy, nhiều bậc phụ huynh không coi trọng việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường, mà một số chỉ coi trọng việc tặng quà cho thầy cô giáo, để thầy cô quan tâm đến con cái mình, có một số các thầy cô cá biệt, không có lương tâm nhận quà của phụ huynh, có quan tâm đến học sinh, chỉ báo những tin vui còn tin không hay thì không thông báo tới phụ huynh, bảo vệ học sinh một cách vô nguyên tắc, cuối cùng là hại học sinh.
Ngày đầu tiên khi Y Y đến trường tôi đã kể qua cho cô chủ nhiệm Từ Lệ Cầm tình hình của con, cô giáo Từ rất thích cô gái vui vẻ Y Y, sau này ở trường có gì liên quan đến Y Y cô giáo Từ đều kịp thời thông tin trao đổi với tôi.
Một ngày nọ, sau hai tháng học trong trường trung học phổ thông (ngày 28 tháng 10 năm 2009), cô giáo chủ nhiệm Từ phản ánh với tôi, Y Y nói chuyện trong giờ ngữ văn, mua đồ ăn vặt trong giờ tự học buổi tối. Mặc dù đó là những việc thường xuyên xảy ra ở trường, nhưng theo những gì mà tôi đã dạy con thì điều này là hoàn toàn không thể được, trong bất kỳ môi trường nào con người ta cũng phải tuân theo quy định. Hai điều này là hai điều cấm kỵ của nhà trường, đây cũng là những thói quen xấu, vi phạm nội quy của nhà trường, vì thế ngày hôm đó khi tan học, tôi đến trường đón con về nhà nói chuyện.
Con có bất cứ chuyện gì, tôi không trách mắng hay phê bình khi chỉ nghe ý kiến một phía, hoặc chỉ nhìn biểu hiện bên ngoài. Khi về đến nhà, con kể đầu đuôi sự việc cho tôi nghe, giờ ngữ văn con nói chuyện là bởi vì khi ra chơi nói chuyện với bạn nhưng chưa nói xong, lúc trong giờ lại tiếp tục chủ đề nói thêm một lúc, còn việc mua đồ ăn vặt là vì nhìn thấy bạn cùng ký túc xá mua đồ ăn vặt, con cũng mua theo. Con tự nhận ra là mình mắc lỗi ở đâu, hứa sẽ tích cực sửa chữa, vì thế mà tôi cũng không nói thêm nhiều, mà chỉ nhắc nhở con không được làm những điều xấu. Sau khi vấn đề được giải quyết, buổi sáng hôm sau con tự quay lại trường, sau đó không còn lặp lại những lỗi tương tự nữa.
Lần thứ hai “triệu tập” con về nhà là khi sắp đến kỳ thi cuối kỳ II năm lớp mười một (ngày 20 tháng 2 năm 2001, cô chủ nhiệm Lý Lệ phản ánh với tôi, gần đây Y Y thường xuyên ngủ trong giờ học, không có hứng thú học, tôi lập tức gọi điện cho con để nắm rõ tình hình, con nói buối tối con ngủ cũng không ít những vẫn thấy buồn ngủ, có lúc ngủ quên trong giờ học. Tôi cảm thấy vấn đề rất nghiêm trọng vì vậy lập tức đến trường đón con đến bệnh viện Cảnh sát để kiểm tra, bác sĩ cho biết con bị như vậy là do thiếu ngủ và áp lực học tập căng thẳng.
Nghe lời khuyên của bác sĩ tôi đưa con về nhà, hai cha con nói chuyện về vấn đề học tập và phát triển của con. Buổi tối hai cha con chơi vài ván cờ carô, và cùng xem tivi, rồi con đi ngủ sớm. Ngày hôm sau Y Y lại dậy sớm, tinh thần sảng khoái phấn chấn trở lại trường.
Lần cuối cùng là hai tháng trước kỳ thi đại học (4 giờ chiều ngày 21 tháng 3 năm 2012), Y Y từ trường gọi điện về nhà, tâm trạng rất xấu nói với tôi: “Cha ơi, kết quả thi thử lần hai không tốt, con định cuối tuần này không về nhà nữa”. Từ ngày Y Y ở trường, bình thường con sẽ nhắn tin hoặc cách hai ngày thì gọi điện thoại cho tôi một lần nói tình hình của con, nhưng thường là vào buổi tối hoặc sau khi tan học buổi tối, nhưng đây là lần đầu tiên con gọi vào giờ này, tôi cảm giác có gì đó không ổn, do lúc đó tôi ở ngoại tỉnh, phải đến ngày hôm sau mới về nhà, vì vậy chỉ có thể an ủi con vài câu qua điện thoại.
Ngày hôm sau khi tôi về tới Trường Xuân, việc đầu tiên tôi làm là tìm cô chủ nhiệm Lý Lệ để nói chuyện, hiểu rõ nguyên nhân vì sao kỳ thi lần này con lại không đạt thành tích như mong muốn. Theo như phân tích của cô Lý, có hai nguyên nhân chủ yếu, thứ nhất là con không chăm chỉ, những bạn khác thì cố gắng hết sức nhưng con lại không làm được như vậy; thứ hai là hình như gần đây con có tâm sự, không tập trung.
Tôi xin phép cô giáo cho con được nghỉ học, đến trường đón con về nhà. Khi đã hỏi kỹ lưỡng về chuyện học hành và cuộc sống của con, tôi nghiêm khắc nói với con: “Con đã chọn đi con đường này thì con phải cho mình một mục tiêu, một kết quả, học như thế nào thi ra sao không thành vấn đề, nhưng chí ít thì mình cũng đã cố gắng. Nếu như con không cố gắng và tụt lại phía sau so với các bạn khác thì con đã có lỗi với những năm tháng tuổi trẻ của mình. Con ạ, con có tâm sự gì thì có thể nói với cha, cha không chỉ là một người cha theo nghĩa thông thường mà còn là bác sĩ tâm lý với hai mươi năm kinh nghiệm tư vấn, một người bạn lớn mà con có thể dựa dẫm. Cha mong con có thể vui vẻ, hạnh phúc, cô bé vui tươi rạng rỡ mà bao người ngưỡng mộ đi đâu mất rồi, cha nhất định sẽ giúp con tìm lại”.
Con nói thực ra con không có tâm sự gì, chủ yếu là kỳ nghỉ đông vừa rồi chơi nhiều quá, chưa lấy lại tinh thần học tập, bản thân cũng không biết phải điều chỉnh như thế nào, vì vậy mà thi không tốt, cảm thấy đã phụ sự kỳ vọng của cha và các thầy cô, cũng không có mặt mũi nào nhìn bạn bè. Để giải quyết triệt để vấn đề không chú tâm học hành và không chịu khó học, con quyết định học hỏi bạn cùng bàn Uông Miêu, sau này hai tuần mới về nhà một tuần, chủ nhật nào cũng cùng làm đề với Uông Miêu.
Cô bé Uông Miêu mặc dù tôi chưa từng gặp lần nào nhưng cũng phần nào biết về cô bé, lần đầu biết đến cô bé là trong buổi họp phụ huynh học sinh, lúc đó Uông Miêu vẫn chưa ngồi cùng bàn với Y Y, hầu như lần họp phụ huynh học sinh nào cô giáo cũng biểu dương Uông Miêu cần mẫn và cầu tiến, về thành tích học tập Uông Miêu lúc nào cũng là lá cờ đầu của lớp. Khi Y Y được xếp ngồi cùng bàn với Uông Miêu tôi đã nói với con là phải học tập bạn Uông Miêu, giờ đây xem ra là con đã không giữ đúng lời hứa với tôi, vì thế mà tôi rất giận, nhưng tôi cũng biết trách mắng nhiều không có lợi gì, bởi vì con mình mình hiểu, khi mà con đã nhận ra những khuyết điểm của mình thì con lập tức sẽ sửa lỗi, sau đó cố gắng hết sức để theo kịp các bạn.
Khi con đề xuất là học nhóm cùng với Uông Miêu thì có thể thấy con đã suy nghĩ rất nhiều, tôi không trách con nữa mà an ủi, động viên con, tán thành việc con học nhóm cùng bạn, tôi nói với con học tập bạn Uông Miêu là điều tốt nhưng không cần phải đến hai tuần mới về nhà một lần, chỉ cần sử dụng thời gian một cách hợp lý, khoa học, tuần nào cũng về nhà cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc học. Vì vậy tôi còn chủ động tìm cô bé Uông Miêu, ngồi nói chuyện với hai cô bé, bàn bạc về vấn đề học tập của Y Y. Uông Miêu rất vui vẻ vì bản thân có thể giúp được Y Y, cô bé còn hứa với tôi: “Chú yên tâm ạ, chúng cháu sẽ cùng nhau học tập thật chăm chỉ”.
Hai tháng sau đó, dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của Uông Miêu, việc học của Y Y có tiến bộ rõ rệt, cuối cùng hai cô bạn nhỏ đều đã thi đỗ trường đại học mà mình yêu thích.
Con gái lựa chọn khoa học xã hội
Khi một số người biết Y Y vượt lớp, ra sách, đều lo lắng hỏi tôi: “Phạm Khương Quốc Nhất liệu có học lệch không?”. Bởi vì rất nhiều bạn nhỏ có sở trường về một lĩnh vực nào đó đều học lệch, thậm chí học lệch khá trầm trọng, ví dụ như có bạn có sở trường viết văn, với mức điểm 100 cho mỗi môn, ngữ văn được hơn 90 điểm, toán lý hóa chỉ được có 30, 40 điểm, ngược lại những bạn giỏi toán thì ngữ văn lại kém.
Từ tiểu học đến khi thi đại học Y Y chưa bao giờ học lệch, mặc dù là học khối khoa học xã hội nhưng những môn khoa học tự nhiên con cũng học rất tốt. Khi học tiểu học và trung học cơ sở, thành tích ba môn toán, lý, hóa đều rất tốt, môn hóa còn đạt điểm cao nhất khối, môn vật lý thì đứng thứ hai, môn toán thì thường xuyên đứng đầu lớp. Lúc đó đã có người bạn thân khuyên tôi nên cho Y Y học khoa học tự nhiên, nói con bé nhất định sẽ trở thành một nhà khoa học tài ba, hơn nữa những ngành nghề khoa học tự nhiên mang tính kỹ thuật cao đều khá dễ kiếm việc.
Lúc đó con bé vẫn còn nhỏ, không thể đưa ra chủ kiến của mình, tôi âm thầm quan sát, bởi vì sau này con làm gì tuyệt đối không thể chỉ nhìn vào điểm số mà phải kết hợp tính cách, hứng thú, sở trường và hoàn cảnh gia đình của con để quyết định. Nhưng khi học trung học phổ thông, trước khi phân ban khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, phải cơ bản xác định hướng đi tương lai của con.
Vì thế học kỳ II năm lớp chín, hai cha con đã trao đổi rất nghiêm túc về việc chọn ngành nghề của con sau này. Trước tiên tôi để con nói suy nghĩ của mình. Con bé vốn có tính cách lạc quan vui vẻ, thích trải nghiệm và khám phá những sự vật mới lạ, vì thế mà muốn làm rất nhiều ngành nghề, xét một cách tương đối thì hai công việc mà con thấy hứng thú hơn cả là dạy học và làm người dẫn chương trình.
Nghe con trình bày suy nghĩ của mình xong, tôi không vội khẳng định hay phủ định, mà tôi căn cứ vào tình hình thực tế của con, giúp con phân tích những ưu thế, những mặt tích cực tiêu cực. Trước tiên xét về tính cách, căn cứ theo các nghiên cứu tâm lý học và thực tiễn xã hội, những người có tính cách hướng ngoại thì tương đối năng động, không thích hợp với những công việc khô khan như làm việc trong phòng thí nghiệm; thứ đến là những môn khoa học tự nhiên ở bậc trung học phổ thông khó hơn rất nhiều so với bậc tiểu học và trung học cơ sở, tư duy trừu tượng của nữ giới không tốt bằng nam giới, sinh lý của nam giới và nữ giới cũng có sự khác biệt; tiếp đó là Y Y là một cô bé có tính cách hướng ngoại, có tài ăn nói, lại có sở trường viết văn; ngoài ra hoàn cảnh gia đình là một thuận lợi nếu như con học tập và phát triển theo hướng những ngành khoa học xã hội. Tổng hợp những nhân tố trên, tôi thấy rằng mặc dù lúc đó thành tích các môn khoa học tự nhiên của con tốt hơn một chút so với các môn khoa học xã hội nhưng bản thân con không thích hợp với những công việc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, mà thích hợp với những công việc thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, ví dụ luật sư, giáo viên, phóng viên hoặc người dẫn chương trình.
Nói như vậy thì lựa chọn của con tương đối phù hợp, không ngờ hai cha con lại dễ dàng thống nhất quan điểm như vậy, bởi vì khi học tiểu học, Y Y không thích học ngữ văn, con từng nói sau này muốn làm nhà toán học. Xem ra con càng lớn thì suy nghĩ càng chín chắn hơn. Thế là con bắt đầu nỗ lực cố gắng để thực hiện ước mơ làm cô giáo (hoặc người dẫn chương trình) của mình, tôi cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như giúp đỡ con để con có thể thực hiện được ước mơ đó.
Một năm sau, khi Y Y kết thúc học kỳ I năm lớp mười, trước kỳ nghỉ đông hai ngày, con về nhà và thông báo với tôi là nhà trường chuẩn bị phân ban, ngày mai đi học phải đăng ký lựa chọn ban nào. Y Y xin ý kiến của tôi, tôi nói với con: “Cha cảm ơn con vì đã tôn trọng cha, con lớn rồi nên có chủ kiến của riêng mình, con thích gì, cái gì phù hợp với bản thân con phải rõ hơn ai hết, bất luận chọn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, cha đều tôn trọng lựa chọn của con, nhưng cho dù sau này có thế nào con phải nhớ là không được hối hận”, “Vâng, con hiểu ạ”, con làm mặt xấu trêu tôi.
Ngày hôm sau Y Y điền nguyện vọng của mình và nộp cho cô giáo, mấy ngày sau khi tan học về nhà, con gái vui mừng nói với tôi: “Cha, chúng con nghỉ đông rồi, khi nào vào học kỳ mới con đã là học sinh ban khoa học xã hội rồi”. Tôi tò mò dò hỏi xem có bao nhiêu bạn lớp con đăng ký học ban khoa học xã hội, còn hỏi bạn cùng bàn của con đăng ký ban nào, Y Y trả lời rồi nói với tôi: “Cho dù lớp mới của con có hoặc không có những bạn học ở lớp cũ, con cũng sẽ nhanh chóng có những người bạn tốt, có những người bạn cùng chung chí hướng, bởi vì chúng con đều là học sinh ban khoa học xã hội…”.
Ngày hôm đó, hai cha con chuẩn bị hành lý vui vẻ về quê ăn Tết.
Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ, con gọi điện về cho tôi thông báo con đã trở thành học sinh ban khoa học xã hội, con vẫn học lớp 14, cô chủ nhiệm lúc đầu là giáo viên môn sinh học giờ đổi thành giáo viên tiếng Anh. Toàn trường có mười sáu lớp, phân thành chín lớp khoa học tự nhiên và bảy lớp khoa học xã hội, bảy lớp khoa học xã hội lại chia thành hai lớp chất lượng cao (trọng điểm) và năm lớp thường. Mặc dù học kỳ này Y Y có rất nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một khoảng cách nữa mới được vào lớp chất lượng cao, vì thế mà con có chút thất vọng và không cam tâm. Tôi an ủi con: “Dù học lớp thường hay lớp chất lượng cao, chỉ cần con nắm được kiến thức, cảm thấy vui vẻ thì học lớp nào không quan trọng”.
Ngày hôm sau, tôi đến trường trao đổi với cô chủ nhiệm Lưu Thục Yến và cô giáo dạy ngữ văn Lý Lệ, tôi giới thiệu với hai cô tình hình của Y Y, hai cô mặc dù chưa biết rõ về Y Y nhưng đều rất quý mến con, sau này khi Y Y thi được vào lớp chất lượng cao, cô Lý Lệ trở thành giáo viên chủ nhiệm của con, còn cô Lưu Thục Yến thì vẫn là cô giáo tiếng Anh của con.
Nhìn vào thành tích nhiều lần thi sau khi phân lớp, thành tích các môn khoa học xã hội của con đều cao hơn thành tích môn khoa học tự nhiên nhiều, nhìn vào thành tích thi đại học, có thể thấy ban đầu con lựa chọn ban khoa học xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Tổng điểm thi đại học của con là 538 điểm (ngữ văn 115, toán 82, môn xã hội tổng hợp, bao gồm chính trị, lịch sử, địa lý 224, ngoại ngữ 117), điểm ngữ văn và điểm xã hội tổng hợp cộng lại là 340 điểm, có thể thấy điểm môn khoa học xã hội rất tốt, còn môn toán chỉ được 82 điểm, thấp hơn một chút so với bình thường, nếu như phát huy đúng khả năng thì cũng khoảng 90 điểm.
Khi lên đại học, Y Y được tuyển chọn trở thành phát thanh viên và phóng viên của trường, những kỹ năng như phỏng vấn, viết lách, biểu đạt, giao tiếp, tổ chức của con đều tốt lên trông thấy, những tố chất về khoa học xã hội của con cũng được thể hiện.
Y Y thi đỗ lớp chất lượng cao
Phần trước tôi đã nói là khi phân lớp, vì không được vào lớp chất lượng cao nên Y Y cảm thấy rất thất vọng. Khi con về nhà, tôi từng nói với con: “Con đã rất giỏi rồi, con nhỏ hơn các bạn con mấy tuổi, hơn nữa học trung học cơ sở ít hơn các bạn nửa năm, mới học trung học phổ thông được nửa năm đã tiến bộ như vậy, con nên vui mừng vì mình đã tiến bộ. Hơn nữa muốn vào lớp chất lượng cao thì vẫn còn cơ hội”. Bởi vì từ học kỳ II lớp mười cho đến học kỳ I lớp mười một, mỗi lần thi, nhà trường đều sẽ căn cứ và thành tích để điều chỉnh lớp, những bạn ở lớp thường nếu đạt điểm cao thì sẽ được chuyển vào lớp chất lượng cao, và ngược lại những bạn ở lớp chất lượng cao thành tích không tốt sẽ bị “mời” ra khỏi lớp chất lượng cao.
Khi mới vào học trung học phổ thông, toàn trường có một nghìn học sinh lớp mười (lúc đó chưa phân ban), thành tích của con khoảng top sáu trăm năm mươi, ở tốp dưới, gọi là học sinh trung bình khá. Theo dự tính ban đầu của tôi, lúc con vào học thành tích ở top tám trăm, học kỳ II năm lớp mười, học kỳ I năm lớp mười một, học kỳ II năm lớp mười một và học kỳ I năm lớp mười hai thành tích của con sẽ lần lượt là top sáu trăm, top bốn trăm, ba trăm và dưới hai trăm, học kỳ II năm lớp mười hai và giai đoạn chuẩn bị thi đại học thành tích ở top một trăm năm mươi. Thi đại học đạt khoảng 450 điểm, học ở một trường đại học top hai (trường đại học chủ yếu lấy sinh viên nguyện vọng hai).
Ba năm học trung học phổ thông kết thúc, mọi thứ đều vượt quá dự tính ban đầu của tôi, lúc nhập học thành tích của con là top sáu trăm năm mươi, kết thúc kỳ II năm lớp mười con ở top hai trăm năm mươi (bao gồm cả ban khoa học tự nhiên và xã hội), kỳ I năm lớp mười một ở top năm mươi, lớp mười hai về cơ bản luôn trong top hai mươi lăm, điểm thi đại học đạt 538 điểm, đứng thứ năm toàn khóa.
Một tháng sau khi phân ban, trong kỳ thi tháng, mặc dù môn tiếng Anh con thi không tốt như mong đợi, nhưng thành tích môn lịch sử, chính trị vẫn đứng nhất lớp, nhì khối, đứng thứ sáu mươi tư trong tổng số học sinh ban khoa học xã hội (cả khóa có bảy lớp khoa học xã hội, hơn bốn trăm học sinh), trong đó hai lớp chất lượng cao có bảy mươi tám học sinh, như vậy con đỗ vào lớp chất lượng cao.
Tôi vốn dĩ không “ham” trường điểm hay lớp chất lượng cao, mong muốn của tôi là mọi đứa trẻ đều được giáo dục bình đẳng, không phải phân biệt cấp bậc này khác. Rất nhiều phụ huynh vì muốn con học trường chuyên lớp chọn mà bắt con cái học hành khổ sở, nhờ quan hệ, đi cửa sau, tốn một đống tiền để nhét con vào, nhưng tôi lại khác, thật sự lúc đầu tôi không muốn Y Y vào học lớp chất lượng cao, vì thế mà hai cha con đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn kỹ lưỡng.
Tôi không muốn cho con học lớp chất lượng cao vì tôi lo lắng ba điều như sau: thứ nhất là sợ ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi và vui chơi của con, lớp chất lượng cao học rất nặng, lại còn thêm nhiều giờ ôn tập như tự học buổi tối, giờ học tối, vì thế thời gian ngủ và thời gian chơi của con không được đảm bảo; thứ hai là tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến việc viết sách, việc viết sách vừa là để rèn luyện kỹ năng viết, vừa là nâng cao những tố chất của bản thân, bất luận tương lai con theo ngành nghề gì thì những tố chất về văn học vẫn là tài sản quý báu của con; thứ ba tôi lo nếu như một lần nào đó con thi không tốt, lại phải quay lại học lớp thường, tôi sợ con sẽ không chịu đựng nổi. Cuối cùng tôi nói với con: “Nếu con có đủ tâm lý vững vàng, có thể từ bỏ một ít thời gian chơi, cha tôn trọng lựa chọn của con, con phải tự đi trên con đường của mình, nhưng không được hối hận”.
Y Y đầy tự tin nói với tôi: “Cha yên tâm ạ, con đã lớn rồi, một số chuyện con cũng biết suy nghĩ thấu đáo. Những gì cha nói con đều đã suy nghĩ cả, con đã quyết tâm học lớp chất lượng cao, cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi, con cảm ơn vì cha đã ủng hộ và hiểu con, con gái sẽ không làm cha thất vọng đâu ạ. Cho dù kết quả có như thế nào, con sẽ không hối hận vì lựa chọn của mình”.
Lần thi này, vài bạn trong lớp chất lượng cao đã phải ra khỏi lớp, trở về học ở những lớp thường. Mấy lần thi sau đó, lần nào cũng có những học sinh ở lớp thường được vào lớp chất lượng cao và tất nhiên cũng có cùng số lượng những học sinh bị buộc phải rời khỏi lớp chất lượng cao. Y Y thì vẫn giữ vững phong độ, hơn nữa thành tích không ngừng lên cao.
Một năm sau đó, lúc đó Y Y đang học lớp mười một, con nói với tôi là chương trình học trung học phổ thông các con đã học xong gần hết rồi, lên lớp mười hai chỉ ôn tập để thi đại học. Tôi cảm thấy việc ôn tập này chẳng có một chút ý nghĩa nào, chỉ lãng phí thời gian, vì vậy tôi không muốn cho con tham gia kỳ thi đại học. Tôi lại thương lượng với con: Nếu không thi đại học thì ngày nào cũng được ngủ thoải mái, có thể tránh khỏi việc ôn tập khô khan này. Một năm này con có thể ở nhà tự học cổ văn, đọc các tác phẩm kinh điển, tham gia một hai lớp học con thích, tự mình đi du lịch, tham gia trải nghiệm thực tiễn xã hội, và có thể viết một cuốn sách. Bởi vì theo tôi thấy tất cả những thứ này đều có ý nghĩa hơn là việc ôn tập ở trường, hơn nữa nội dung học tập hay cuộc sống đều phong phú nhiều màu sắc hơn.
Một năm sau con vẫn có thể học đại học như thường, học những kiến thức chuyên ngành liên quan, có điều khác với những bạn tham gia kỳ thi đại học là sau bốn năm con không có bằng tốt nghiệp hay bằng học vị. Tôi tin rằng khi học xong, mặc dù Y Y không có hai thứ đó, bất luận là thành tích học tập hay năng lực thì con vẫn xuất sắc hơn đại đa số những sinh viên khác. Hơn nữa, khi học xong đại học con mới chưa đầy hai mươi tuổi, có thể học cao học ở trong nước hoặc nước ngoài, tất cả bằng cấp đều không cần nhưng kiến thức và năng lực bắt buộc phải có, bởi vì đó là thứ để con có thể sinh tồn.
Cuộc sống như vậy rất có sức cám dỗ đối với những đứa trẻ ở tuổi ấy, Y Y cũng không ngoại lệ, con nói để con suy nghĩ rồi sẽ trả lời tôi. Ngày hôm sau con gái khéo léo trả lời tôi, con vẫn muốn tham gia thi đại học, lý do là: Trước đây vì vượt lớp mà con không tham gia kỳ thi lên lớp, thi đại học mặc dù rất khổ, rất mệt nhưng con vẫn muốn thử xem sao. Cuối cùng, tôi vẫn tôn trọng quyết định của con, đồng thời tôi cũng nói với con rằng, con đã đi theo con đường giáo dục để thi cử, thì con phải tuân theo quy tắc của nó, con gái đầy tự tin gật đầu đồng ý.
Một tuần trôi qua, tôi vẫn không cam tâm, tôi nói với Y Y: “Có thể thi đại học nhưng một năm dài như vậy, thực sự là không có ý nghĩa gì cả, chi bằng tham gia kỳ thi đại học ngay, lãng phí một năm chỉ vì đổi lấy mấy chục điểm quả thực là không đáng, con có đủ tự tin không?”, “Được ạ, thi đạt 400, 500 điểm không thành vấn đề”.
Sau đó tôi bắt tay vào việc cho con tham gia kỳ thi đại học năm 2011, trước tiên đăng ký lớp thiếu niên (lúc đó Y Y mười bốn tuổi), đáng tiếc là tất cả các lớp thiếu niên trên toàn quốc chỉ có ban khoa học tự nhiên. Khi con đường này đã bị đóng lại, tôi lại hỏi ở Văn phòng Tuyển sinh của tỉnh và Bộ Giáo dục thì được trả lời rõ ràng là những học sinh lớp mười một không được tham gia thi đại học.
Tôi thông báo với Y Y về vấn đề này, con an ủi tôi: “Không sao đâu cha, chúng ta chờ một năm nữa vậy”. Sau đó con gái yên tâm học ở trường, cứ chiều thứ bảy lại về nhà, sau bữa cơm tối lại chơi trò chơi trên mạng, xem tivi, sau đó đi ngủ, ngủ nướng tới tận trưa ngày hôm sau, tôi ăn cơm trưa còn con ăn sáng, buổi chiều thì có lúc đi hát karaoke, dạo phố với các chị em, có lúc cùng tôi đi hiệu sách, thư viện, hoặc ra ngoại ô chơi. Khi người khác biết được cuộc sống năm lớp mười hai của con đều tỏ ra không tin: “Có học sinh trung học phổ thông nào lại ung dung thế không?”.
Trở thành “Học sinh kiểu mẫu”
Là một học sinh có ý chí vươn lên, mỗi đứa trẻ đều mong ước mình trở thành một học sinh kiểu mẫu, trở thành tấm gương cho bạn bè, được thầy cô và phụ huynh khen ngợi, được nhà trường biểu dương. Tôi cũng được đi học vài năm, thành tích học tập cũng không tồi nhưng chưa từng được một danh hiệu hay giấy khen gì. Mặc dù bản thân tôi cũng muốn nhận được những phần thưởng tương tự như vậy, cũng muốn được biểu dương như vậy nhưng những danh hiệu đó cách tôi rất xa, và khi tôi rời xa mái trường, trở thành phụ huynh thì những phần thưởng, những sự biểu dương đó lại ngày một gần hơn. Đó là nhờ cô con gái đáng yêu của tôi.
Khi Y Y học mẫu giáo, con đã đạt được rất nhiều những phần thưởng như vậy, năm nào cũng có phần thưởng và giấy khen mang về nhà. Lên tiểu học, con lại càng khiến cha mẹ tự hào, thi cuối kỳ I, con đứng đầu lớp, nhà trường chụp ảnh bạn đứng đầu của từng lớp, treo ở bảng thành tích ở hành lang của trường. Kỳ II cũng vẫn như vậy, mặc dù thời gian đó chưa có “học sinh kiểu mẫu” nhưng những hình thức khen thưởng như vậy cũng có ý nghĩa tương tự.
Sau khi học vượt lớp hai, thành tích học tập của con trở về mức trung bình, và sau đó dần dần tiến bộ, vươn đến một mức cao rồi lại vượt lớp và lại quay lại mức trung bình. Lên đến trung học cơ sở, thành tích học tập không ngừng tăng cao, tổng thành tích luôn đứng ở vị trí thứ mười mấy của toàn khối, thành tích môn riêng lẻ đứng đầu khối, mặc dù thời gian này không có phần thưởng cũng chẳng có bất kỳ hình thức biểu dương nào nhưng con vẫn có “dáng” của học sinh kiểu mẫu.
Thực sự trở thành “Học sinh kiểu mẫu” là khi học trung học phổ thông, cùng với đó còn có danh hiệu “Ngôi sao môn học”.
Từ năm lớp mười một trở đi trong kỳ thi giữa kỳ và những kỳ thi quan trọng, những học sinh có tổng thành tích đứng trong top mười đều được nhà trường phong tặng danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, nếu môn học nào đứng đầu khối thì sẽ được phong tặng danh hiệu “Ngôi sao môn học”. Trong hai năm, Y Y tổng cộng ba lần đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu” và một lần đạt “Ngôi sao môn học”.
Lần đầu tiên là vào kỳ thi giữa kỳ I năm lớp mười một, với thành tích ngữ văn 110 điểm, toán học 84 điểm, tiếng Anh 105 điểm, địa lý 80 điểm, lịch sử 80 điểm, chính trị 68 điểm, tổng điểm 527 điểm, đứng thứ bảy toàn khối, con đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”.
Một ngày không lâu sau khi công bố kết quả thi, con gái về nhà và nói với tôi là sáng thứ tư ngày 17 tháng 11 năm 2010 nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh và họp khen thưởng giữa kỳ, con hỏi tôi có thời gian tham gia hay không, tôi nói với con chỉ cần tổ chức ở Trường Xuân thì nhất định sẽ tham gia. Sau đó con nói với vẻ bí mật: “Cha phải tham gia đó, con có thể sẽ được khen thưởng đấy”, “Vậy thì nhất định cha sẽ đi, không có gì hạnh phúc bằng chia sẻ niềm vui cùng con gái rồi”, tôi vui mừng đồng ý.
“Cha đã hứa là nhất định phải đến, không gặp không về!”, hai cha con lại đập tay.
Ngày hôm đó, tôi đến sớm mười phút, khi tôi đến nơi thì những phụ huynh khác cũng đến gần như đông đủ, khi con hướng ánh mắt về phía tôi, tôi giơ tay vẫy con, con nhìn thấy tôi thì rất vui mừng, làm hiệu “ok” rồi yên tâm ngồi xuống.
Các hoạt động lần lượt diễn ra, trong đó có một nội dung là tuyên bố danh sách những học sinh đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, một lát sau đã nghe đến tên “Phạm Khương Quốc Nhất”, sau đó những học sinh đạt danh hiệu sẽ lên khán đài để nhận phần thưởng. Sau khi phát thưởng, nhà trường chụp ảnh tập thể và cá nhân những bạn đạt danh hiệu, danh sách và ảnh của những bạn này sẽ được đăng trên báo và chuyên san của nhà trường. Ngoài giấy chứng nhận, các bạn học sinh còn được tặng một túi xách tay và một chiếc cốc giữ nhiệt, chiếc cốc ở trên bàn làm việc của tôi bây giờ chính là phần thưởng lúc đó của con.
Nửa năm sau, kỳ thi giữa kỳ II năm lớp mười một, lần này Y Y tiếp tục đứng thứ bảy toàn khối với tổng điểm là 539 điểm, lại đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, trong lần thi này môn lịch sử con được 90 điểm, đứng đầu khối, vì thế con còn được danh hiệu “Ngôi sao môn học”.
Học kỳ II năm lớp mười hai, nhà trường tổ chức thi thử lần thứ nhất, Y Y đứng thứ sáu toàn khối, lại một lần nữa đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”.
Ngày 28 tháng 2 năm 2012, nhà trường long trọng tổ chức đại hội khen thưởng thành tích học tập và lễ tuyên thệ một trăm ngày trước kỳ thi đại học, Y Y lại một lần nữa được bước lên khán đài nhận tuyên dương khen thưởng.
Ý nghĩa tích cực khi thứ hạng giảm sút
Sau kỳ thi cuối kỳ II năm lớp mười một, con gái về nhà và buồn bã nói với tôi: “Cha ơi, hôm nay con phải báo với cha một tin buồn”. Con bé này từ khi học mẫu giáo, mỗi lần tan học về nhà đều có tin thông báo, hơn nữa tin nào cũng có tính từ để bổ nghĩa thêm, lúc thì tin tốt, lúc thì tin xấu, lúc tin vui, lúc tin buồn…
Tôi cười hỏi con: “Chuyện gì vậy? Tin gì mà buồn như vậy hả con? Con nói cho cha nghe xem nào?”. “Lần thi cuối kỳ này thành tích của con giảm sút, hơn nữa lại giảm sút rất nhiều”.
Tôi vẫn mỉm cười hỏi con: “Rốt cuộc là giảm bao nhiêu?”. “Từ thứ bảy tụt xuống thứ mười sáu ạ”.
“Ồ, thế cũng vẫn tốt con ạ”, tôi nói với con, “Đã là thi thì phải có thấp có cao, thành tích của con không thể cứ tăng mãi còn của các bạn khác cứ tụt mãi, thành tích (thứ hạng) lúc lên lúc xuống là lẽ thường tình”. “Điều này con biết, nhưng khi con nhìn thấy ánh mắt của các bạn và của cô giáo, con cảm thấy không thoải mái”, con gái nói với tôi với tâm trạng buồn rầu, không biết làm thế nào.
“Điều này rất bình thường, con người ta thường có những ánh mắt phàm tục như vậy. Không phải là cha thường nói với con rồi sao, thi được bao nhiêu điểm, đứng thứ bao nhiêu đều là thứ yếu, chỉ cần con sức khỏe tốt, tinh thần tốt, những thứ khác đều không quan trọng. Hơn nữa thành tích hiện giờ của con đã rất tốt rồi, chúng ta nên biết thỏa mãn với những gì mình có”. “Nhưng con sợ cô giáo tìm con và hỏi con tại sao lại thi không tốt”.
“Vậy thì con cứ nói thật cho cô nghe”, tôi đi vào bếp và nói với con: “Được rồi, chúng ta ăn cơm thôi!”, lúc ăn tối xong hai cha con lại nói chuyện một lát, rồi cùng xem tivi và sau đó con về phòng đọc sách.
Nếu phân tích thấu đáo, thì việc thành tích của con giảm sút mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là tiêu cực đến sự trưởng thành của con, giống như chuyện “Tái Ông thất mã” vậy.
Con học trung học cơ sở một năm rưỡi, những kỳ thi lớn nhỏ lần nào thành tích của con cũng chỉ tăng chứ không giảm. Khi vừa mới nhập học đứng top hơn sáu trăm, đến kỳ II năm lớp mười sau khi phân ban thành tích của con đứng thứ hơn một trăm (học sinh ban khoa học xã hội khoảng hơn bốn trăm học sinh), rồi xếp toàn khóa lần lượt thứ bốn mươi bảy, hai mươi chín và hai mươi hai, đến kỳ thi giữa kỳ lần trước là xếp thứ bảy.
Vì có thành tích trong top mười, con đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, cô chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn đều đánh giá con rất cao, các thầy cô còn cho rằng con thậm chí có khả năng đứng thứ nhất, vì thế mà các thầy cô đặt kỳ vọng lớn vào con, con cũng vì thế mà rất tự tin. Nhưng trong lòng tôi rõ hơn ai hết, vì con không ngừng vượt lớp, kiến thức cơ bản của con không được vững lắm, thành tích của con chủ yếu có được là nhờ con có sự hứng thú và có phương pháp học, con không phải là thần đồng và cũng không phải là thiên tài, việc thành tích lên xuống là lẽ thường tình. Vì thế tôi cổ vũ con đồng thời cũng nói với con: “Khi con tiến bộ thì các bạn khác cũng đang tiến bộ, không có ai là luôn giữ vững ở top đầu, chúng ta vừa phải so sánh với người khác, vừa phải so sánh với bản thân, nhất định phải có một tâm lý vững vàng”.
Tôi nghĩ rằng, qua việc thành tích sụt giảm lần này, thành tích của con sẽ lại tốt lên, và sẽ ổn định hơn. Hơn nữa việc học không chỉ nhìn vào thành tích, chỉ cần học và có thể ứng dụng, việc thi được bao nhiêu điểm chẳng có ý nghĩa gì. Vẫn là câu nói: “Con khỏe mạnh, vui vẻ là quan trọng nhất!”.
Hai cha con kết thúc cuộc thảo luận về vấn đề “sụt giảm thứ hạng” trong không khí thân tình.
“Cha ơi, lần sau con nhất định sẽ vào top mười”.
“Cha nghĩ là mục tiêu top mười lăm thì sẽ hợp lý hơn”.
“Ha ha, được rồi, nhưng con vẫn sẽ cố gắng”.
“Ừ”.
“Bốp!”. Đập tay xong, chúng tôi đi xem tivi…
Ngày hôm sau khi tan học về, con lại vui vẻ nói hôm nay đã có bảng thành tích, ngày hôm qua thông báo có sự nhầm lẫn, con xếp thứ mười ba. Ha ha, đúng là một đứa trẻ, đây là sự trưởng thành của con.
Lớp mười hai, con gái bắt đầu chăm chỉ
Trưa ngày 9 tháng 1 năm 2012, con gái gọi điện về nhà vui mừng thông báo với tôi: “Cha à, mặc dù mấy hôm nay đều tan học sớm nhưng con không về nhà nữa, con ở lại học cùng các bạn, cha đừng nhớ con nhé”. Tôi đáp: “Được, học hành chăm chỉ vài hôm rồi vui vẻ về nhà ăn Tết!”.
Chỉ còn hơn một trăm ngày nữa là đến kỳ thi đại học, cuối cùng thì con gái cũng biết chăm chỉ học hành rồi!
Sự trưởng thành của Y Y khác với đại đa số những đứa trẻ khác: thứ nhất là không phải học liên tục ở trường; thứ hai con không học vất vả, học thuộc lòng, mà học một cách linh hoạt, vui học; thứ ba từ tiểu học đến trung học phổ thông, rất ít làm bài tập về nhà.
Bởi vì tôi cho rằng: Điều quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ không phải là trẻ đã học được bao nhiêu kiến thức văn hóa mà là rèn luyện phẩm chất đạo đức như thế nào, tiếp đó là năng lực và sau đó mới là kết quả học tập. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có năng lực sinh tồn, để trẻ phát triển toàn diện, từ đó vui vẻ, ung dung sống mỗi ngày trong cuộc đời. Hiện thực cho chúng ta thấy rằng một đứa trẻ có năng lực tổng hợp tốt, tâm lý vui vẻ lạc quan, ở trường thành tích học tập chưa chắc đã tốt, nhưng sau khi ra trường bất luận là ở vị trí nào thì vì có năng lực thích nghi cao, năng lực sinh tồn tốt, đứa trẻ đó sẽ vẫn tìm thấy vị trí của mình và phát huy giá trị của bản thân. Vì thế, trẻ mạnh khỏe, vui vẻ trưởng thành không nằm ở việc thi được bao nhiêu điểm mà là trẻ có thể trở thành một con người hoàn chỉnh không.
Từ trước tới nay tôi luôn cho rằng: Chế độ giáo dục ở Trung Quốc không hợp lý, ở một mức độ nào đó có thể nói là lãng phí thời gian. Vì vậy mà khi học tiểu học Y Y vượt hai lớp, và sau đó xuất bản cuốn sách được yêu thích Chơi qua tiểu học. Sau khi “chơi qua tiểu học” con dùng thời gian hai năm rưỡi để “vui qua trung học cơ sở”, cho ra đời cuốn sách Thời trung học cơ sở vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, chia sẻ sự trưởng thành vui vẻ của bản thân cùng các bạn nhỏ. Để con được chơi vui, học vui, vài lần tôi đã trao đổi với cô giáo và hiệu trưởng miễn cho con không phải làm bài tập về nhà.
Về vấn đề học hành, yêu cầu của tôi đối với con là: thứ nhất phải học được kiến thức cơ bản; thứ hai là phải ứng dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, còn về điểm số và thứ hạng tôi không có yêu cầu gì đặc biệt, chỉ nói với con là đừng làm ảnh hưởng đến thành tích chung của cả lớp. Bởi vì điểm số kém vài điểm hay mười mấy điểm, thậm chí mấy chục điểm không ảnh hưởng lớn đến việc trẻ có thành tài hay không, quan trọng hơn vẫn là trẻ “học được, hiểu được và ứng dụng được”.
Vì con gái chơi hết mình, học vui vẻ, hứng thú học tập cao, nên hiệu quả học tập cũng tương đối cao, cho dù là thời gian đầu tư cho việc học ít hơn những bạn khác, nhưng thành tích học tập vẫn rất tốt.
Với sự bầu bạn của quan niệm giáo dục vui vẻ của tôi, Y Y đã có quãng thời gian vui vẻ khi học trung học phổ thông.
Con gái học ở một trường trung học phổ thông bình thường, điều này đúng theo nguyên tắc mà tôi luôn tuân thủ: không học trường điểm. Từ khi học trung học phổ thông đến nay, thành tích của con từ bậc trung đã tiến bộ không ngừng, đến năm lớp mười một đứng top mười toàn khối, sau đó thì lúc lên lúc xuống, nhưng tôi cũng không quá để ý đến điều này. Học kỳ một năm lớp mười hai nhà trường tổ chức kỳ thi toàn Đông Bắc, lần này thành tích của con tụt xuống thứ mấy chục, tâm lý rất buồn bã, tôi an ủi con và cùng con phân tích nguyên nhân.
Cuối năm 2011, một tuần trước kỳ thi thử lần thứ nhất, tôi có cảm giác con học không được tập trung lắm, qua trao đổi với giáo viên, tôi đón con về nhà, trao đổi một buổi chiều với con về việc học cũng như sự phát triển của bản thân con. Con giải thích rằng, kỳ thi toàn Đông Bắc đã làm con mất đi sự tự tin và hứng thú học tập; hai là không tập trung học, con thừa nhận là con chỉ học khoảng bảy, tám phần.
Cô chủ nhiệm của Y Y nói với tôi không chỉ một lần rằng: “Những học sinh lớp mười hai đều tập trung hết sức lực cho việc học, rất nhiều em còn dùng 120% sức lực để cố gắng, nhưng Y Y chỉ dùng 80%, nếu em cố gắng hơn nữa thì vẫn có khả năng nâng cao thành tích”.
Sau khi nghe con tự phân tích tình hình của bản thân, tôi nói với con: “Cha không muốn con phải dùng đến 120% sức lực để học, nhưng con đã lựa chọn con đường thi đại học này thì con phải làm theo quy tắc của nó, con phải tập trung 100% sức lực, cuối cùng con thi được bao nhiêu điểm không quan trọng, nhưng con phải cố gắng để xứng đáng với thời gian của một năm qua. Thi được bao nhiêu điểm là vấn đề của việc học, nhưng chăm chỉ hay không chăm chỉ lại là vấn đề về thái độ, học tốt hay không tốt không quan trọng, nhưng không được uổng phí tuổi xuân”.
Sau đó hai cha con cùng giải quyết vấn đề: thứ nhất, phải điều chỉnh lại trạng thái, phải nhiệt tình học tập; thứ hai, dùng 100% sức lực, chăm chỉ học hành. Để đảm bảo một trạng thái học tập tốt, thời gian quay lại trường sẽ đổi thành buổi chiều tối ngày chủ nhật thay vì sáng ngày thứ hai như trước đây, như vậy con có thể tự học buổi tối cùng các bạn.
Mười ngày sau đó, khi công bố kết quả của kỳ thi thử lần thứ nhất, thành tích của con đã tăng thêm 51 điểm so với lần thi toàn Đông Bắc, xếp thứ sáu toàn khối. Con càng tự tin hơn, học hành càng hăng say hơn…
Những ngày con gái thi đại học
Qua chín năm rưỡi học hành vui vẻ và nửa năm học hành gấp rút, chưa đầy mười sáu tuổi con gái đã tham gia kỳ thi đại học, tham gia kỳ thi quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trở thành một thành viên trong số 9.150.000 thí sinh tham gia kỳ thi đại học trên toàn quốc.
Phần I
Buổi trưa ngày mồng 4 tháng 6, khi đã hoàn thành chương trình học của lớp mười hai, Y Y về nhà, ngủ suốt cả buổi chiều, chiều tối con lên mạng một lúc, sau bữa cơm tối cả nhà cùng ngồi xem một bộ phim trên tivi, mười giờ con đi ngủ. Ngày hôm sau, tám giờ con thức dậy, xem chương trình “Chứng minh hình học”, xem tin tức trên mạng, tìm tài liệu, sau đó xem phim, buổi chiều tối hai cha con đi dạo trong khu chung cư, sau bữa cơm cùng nói chuyện, xem tivi. Mười giờ tối con đi ngủ như bình thường.
Buổi sáng ngày mồng 6 tôi ra ngoài giải quyết công việc, tiện đường tôi đưa Y Y đến trường nơi mà con thi khẩu ngữ tiếng Anh để xem đường đi đến đó như thế nào, Y Y chín giờ mới dậy, buổi sáng xem một lúc sách địa lý, buổi trưa lên mạng chơi trò chơi một lúc. Buổi chiều tôi đưa con đến trường để làm quen với trường thi, chiều tối Y Y vào bếp trổ tài làm món lạp xường xào đậu Hà Lan, sau bữa cơm tối hai cha con chơi hai ván cờ carô, sau đó tôi viết nhật ký, con đi xem tivi, chín rưỡi đi ngủ.
Hai ngày này ngoài việc nhận phỏng vấn qua điện thoại về đề tài “giáo dục của người cha” của báo Tân Kinh, Tuần san Nam Đô và ra ngoài giải quyết một số công việc thì toàn bộ thời gian còn lại tôi đều ở nhà và ngồi viết bản thảo cho cuốn sách này. Công việc và cuộc sống vẫn diễn ra bình thường không có gì thay đổi, nhưng rất nhiều gia đình có con em thi đại học thì không được nhàn nhã như tôi.
Hôm nay khi ra ngoài giải quyết công việc, tôi tiện tay mua tờ Họa báo Tân Văn – một tờ báo đô thị của thành phố nơi tôi đang sống, ở trang bốn có đăng bài “Cha bảy lần vì con gái đi xem xét trường thi, hình thành phương án dự phòng bốn xe hiệp lực đưa con đi thi đại học”, bài báo này đã thu hút sự chú ý của tôi, bài báo có viết một người cha làm luật sư, ngày mai con anh ta sẽ tham gia kỳ thi đại học, để đảm bảo đến trường thi đúng giờ, liên tiếp hai ngày từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 4 tháng 6, người cha này đã nghỉ làm, bảy lần lái xe khảo sát lộ trình từ nhà đến trường thi.
Khảo sát xong người cha này còn tập hợp họ hàng thân thích đến mở cuộc họp. Sau khi mọi người biểu quyết đã xác định được lộ trình đưa con đến trường thi. Lo lắng sẽ tắc đường, họ còn bố trí xe ở các nút giao thông, nếu như có sự cố tắc đường thì sẽ đổi xe, xét đến việc xe sẽ gặp sự cố trên đường, họ còn chuẩn bị một xe dự phòng bám đuôi phía sau…
Thấy việc làm của người cha “vĩ đại” này tôi không thể cảm động được, thậm chí còn thấy bi ai, chỉ là con cái đi thi thôi mà, có nhất thiết phải làm một cuộc tổng động viên như vậy không?
Trên tivi mấy ngày hôm nay, ngày nào cũng nói đến chuyện thi đại học, đài phát thanh ngày nào cũng đưa tin về thi đại học; báo chí, tờ nào cũng viết về thi đại học… “Thi đại học” lúc nào cũng xuất hiện trước mắt chúng ta, bên tai chúng ta, là ai đã đưa một kỳ thi lên cấp thông thường trở thành một điều gì đó quan trọng đến như vậy?!
Thi tốt thì thế nào? Mà thi không tốt thì sao? Phụ huynh vẫn là phụ huynh, con vẫn là con, một kỳ thi thực sự có thể quyết định cả cuộc đời hay sao?
Thực ra chúng ta đều biết, đối với một đứa trẻ, giai đoạn nào cũng đều quan trọng, chỉ cần bước từng bước vững chãi tiến về phía trước, trẻ sẽ được lớn lên hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
Phần II
Ngày 7 tháng 6 năm 2012 (Thứ năm, trời nắng chuyển nhiều mây, thời tiết Trường Xuân từ 160C- 280C )
6:50 – 7:40 Con gái thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng
7:45 – 8:00 Hai cha con đến trường thi
8 : 20 Thí sinh bắt đầu vào phòng thi
8:30 – 10:45 Đông Tử về nhà, làm việc bình thường
10:50 – 11:05 Đông Tử chuẩn bị thức ăn, nấu cơm
11:00 – 11:25 Đông Tử đến trường đón Y Y
11:35 Y Y cùng các bạn ra khỏi phòng thi
11:40 – 11:55 Hai cha con trên đường về nhà
12:00 – 12:15 Đông Tử vào bếp xào nấu, Y Y dọn cơm
12:15 – 12:35 Hai cha con ăn trưa
12:35 – 12:50 Y Y xem tivi
12:50 – 13:50 Y Y ngủ trưa
13:50 – 14:00 Vệ sinh cá nhân
14:00 – 14:15 Hai cha con trên đường đến trường thi
14:30 Y Y vào phòng thi
14:35 – 16:40 Đông Tử về nhà, làm việc bình thường
16:40 – 16:55 Đông Tử trên đường đến đón Y Y
17:05 Y Y ra khỏi phòng thi
Chú thích: Trường thi của Y Y là trường trung học phổ thông nơi con đang học
Từ bảng thời gian biểu này, mọi người có thể thấy khoảng cách từ nhà tôi đến trường không xa lắm (nhà tôi và trường học đều ở Thành Bắc, khoảng cách giữa hai nơi chỉ có bốn kilômét), nếu đi một chiều chỉ cần thời gian mười lăm phút, nếu không tắc đường chỉ cần mười phút là đã đến trường. Ngày hôm qua bạn học của Y Y đã than vãn: “Nhà cậu ở gần, thật thuận lợi, không như nhà mình cách xa trường quá (nhà của bạn ấy ở phía Nam Trường Xuân, cách trường khoảng hơn hai mươi kilômét), chỉ đi thi thôi mà phải ở khách sạn mất mấy ngày”.
Kỳ thi này có điều thuận lợi là nhà cách trường thi không xa, có thể ăn nghỉ ở nhà, đảm bảo việc ăn uống và ngủ nghỉ của con. “Trường gần nhà” không phải là việc ngẫu nhiên mà là do quan điểm “gần đâu học đó” của tôi đã tạo nên sự thuận lợi này.
Buổi trưa khi Y Y ra khỏi phòng thi, tôi cũng giống như đại đa số phụ huynh khác hỏi con: “Con thi thế nào?”, “Cũng tốt ạ”, con trả lời tôi. Trên đường về nhà, tôi hỏi về đề làm văn, con nói: “Đề làm văn hơi kỳ kỳ, khi ra khỏi phòng thi con đã trao đổi với những bạn khác, các bạn ấy trả lời cơ bản là giống nhau, nhưng con lại làm khác, không biết có phải là lạc đề không”. Vì thế mà tôi hỏi con cụ thể hơn về đề làm văn, đề như sau:
Căn cứ vào tài liệu đã cho, hãy viết một bài văn: Một chủ thuyền thuê thợ sơn sơn thuyền, sau khi thợ sơn đã sơn xong, tiện thể cũng vá lại những vết nứt trên thuyền. Không lâu sau, ông chủ thuyền đưa cho người thợ sơn một món tiền lớn. Thợ sơn nói: “Tiền công đã trả rồi”. Ông chủ thuyền nói: “Đây là tiền cảm ơn anh đã vá những vết nứt trên thuyền. Khi tôi biết tin các con tôi lái thuyền ra biển, tôi đã biết là các con không thể trở về vì trên thuyền có những vết nứt. Nhưng chúng đã bình an quay về, vì vậy tôi cảm ơn anh!”.
Không biết là mọi người đọc xong có hiểu không, tôi thì cảm thấy mơ hồ. Thứ nhất, cuộc sống hiện thực sẽ chẳng bao giờ xảy ra những chuyện như vậy; thứ hai cách làm của chủ thuyền rất mâu thuẫn; tiếp đó là nội dung cho sẵn trên không logic, ngôn ngữ diễn đạt không rành mạch, không hiểu là những người ra đề nghĩ gì nữa.
Vì vậy tôi an ủi con: “Đề bài có chút vấn đề, cách trả lời của con độc đáo, mới mẻ, hơn nữa lại bám sát vào đề, có thể sẽ được điểm cao, chỉ cần con nghiêm túc làm bài, kết quả thế nào không quan trọng”.
Trong bữa trưa, hai cha con lại nói chuyện một lúc nữa. Con tâm sự lúc mới bắt đầu có hơi run, tôi hỏi con tại sao, con nói mọi người đều run, có thể là chịu ảnh hưởng tâm lý, một lúc sau khi bắt đầu làm bài rồi thì không run nữa, không có cảm giác là thi đại học mà giống như thi thử trước đây. Sau bữa cơm, con bật tivi xem rồi chợp mắt một lúc, sau đó lại đến trường thi.
Buổi chiều khi ra khỏi phòng thi, Y Y và bạn cùng bàn (hai cô bé cùng một trường thi) dắt tay nhau cùng đi ra, vẻ mặt của hai đứa có chút đờ đẫn, tôi mỉm cười hỏi: “Có phải là đề hơi khó không, thi không tốt cũng không sao”. Y Y nói nghe thấy có hai bạn nam nói là họ có thể được 100 điểm mà con lại không được 100 điểm, vì thế cho rằng không phải là vấn đề đề khó. Đúng lúc này thì có một cô bé đi ngang qua chúng tôi, cô bé nói với cha của mình: “Ngày mai con không muốn thi nữa”. Người cha liền vội hỏi con tại sao, cô bé đáp: “Đề khó quá ạ”.
Trên đường về nhà tôi an ủi Y Y: “Cho dù thế nào, chúng ta đã cố gắng hết sức là được, không có gì phải hối hận, hơn nữa không phải là con muốn có sự trải nghiệm như vậy ư, dù làm tốt hay không tốt thì đây đều là kinh nghiệm quý báu”.
Phần III
Thời gian biểu ngày hôm nay không khác mấy so với ngày hôm qua, chỉ là hôm nay thi những môn khác, buổi sáng thi môn xã hội tổng hợp (chính trị, lịch sử, địa lý), buổi chiều thi tiếng Anh.
Trong hai môn này, có thể nói môn xã hội tổng hợp là thế mạnh của Y Y, tiếng Anh thì có kém hơn một chút, lúc vượt lớp hồi tiểu học con từng xếp thứ nhất từ dưới lên, lúc mới lên trung học phổ thông cũng xếp gần cuối lớp. Sau đó dưới sự động viên khích lệ của tôi và cô giáo chủ nhiệm, con gái đã có sự tiến bộ vượt bậc, ở kỳ thi thử thành tích của con ở nửa đầu lớp.
Đúng 11:30 tôi đến trường đón Y Y, 11:35 cổng trường mở, bắt đầu có những thí sinh ra khỏi phòng thi, những bạn ra đầu tiên biểu hiện rất khó coi, một bà mẹ đứng bên cạnh tôi hỏi cô con gái đang không lấy gì làm vui vẻ của mình: “Con thi không tốt sao? Có phải là đề khó không, các con hôm nay sao đứa nào đứa nấy mặt cứ căng hết cả ra?”. Cô bé không trả lời mẹ mà cúi đầu theo mẹ ra về.
Một cô bé khác thì buồn bã nói với mẹ: “Đề thi năm nay đều là những cái đã biết từ năm ngoái, còn những gì mới học của năm nay thì lại không thi”. “Điểm không thấp hơn năm ngoái là được”, người mẹ an ủi cô con gái. “Như vậy không phải là năm nay ôn tập vô ích sao ạ?”. “Thì có thể làm gì được đây, việc này phải trách cha con, tại sao lại trách mẹ…”.
Những thí sinh lần lượt bước ra khỏi trường thi, mỗi người một vẻ mặt. Bảy, tám phút sau tôi vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của Y Y và bạn cùng bàn, tôi cố gắng mở to mắt để tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Y Y. Khi chỉ còn lác đác người, tôi có chút thất thần thì nghe thấy tiếng gọi lanh lảnh “cha ơi”, tôi nhìn theo hướng có tiếng gọi thì thấy con gái chạy về phía tôi…
Vì từ bé Y Y đã chịu ảnh hưởng tư tưởng giáo dục của tôi là “thứ nhất là phẩm chất đạo đức, thứ hai là năng lực, tiếp đó mới là việc học hành” nên tốc độ làm bài của con thường chậm hơn đại đa số những bạn khác. Con đi học mười năm nay, chủ yếu tôi thực thi những ảnh hưởng tích cực đến phẩm chất đạo đức của con, rèn luyện con trở thành một đứa trẻ: “hiểu đạo lý, biết đúng sai, biết cảm ơn, chân thành giữ chữ tín, ngay thẳng lương thiện, nhiệt tình chia sẻ, biết giúp đỡ người khác”; sau đó là bồi dưỡng năng lực sinh tồn, giúp con trở thành một đứa trẻ có “tính độc lập cao, có khả năng làm việc, năng lực biểu đạt tốt, năng lực giao tiếp tốt, năng lực thích ứng tốt”; và cuối cùng mới là việc học văn hóa, đối với việc học của con tôi có yêu cầu: “học được, hiểu được, ứng dụng được”. Còn chuyện thi được bao nhiêu điểm, xếp thứ mấy đều là thứ yếu.
Do vậy trong những kỳ thi lớn nhỏ từ khi học trung học phổ thông, Y Y đều không làm hết đề, đề toán ngày hôm qua không làm hết, còn môn mà con lo lắng là môn xã hội tổng hợp con lại bất ngờ làm hết đề. Vì thế mà khi ra khỏi trường thi con vui vẻ nói với tôi: “Cha ạ, con trả lời hết thì vừa kịp thời gian, không thừa một phút”.
Sau bữa cơm trưa Y Y ngủ một tiếng, buổi chiều lại vui vẻ đến trường thi, chiến đấu với môn thi viết cuối cùng.
Buổi chiều 17 giờ 35 phút những thí sinh tham gia thi đều lần lượt ra khỏi trường thi, có điều khác với những lần khác là lần này mặt đứa nào đứa nấy đều tươi cười, một nam sinh vừa nhảy vừa hô lớn: “Thi xong rồi, thi xong rồi!”, một vài đứa thì đuổi theo nhau ra khỏi cổng trường, tìm cha mẹ của mình…
Cũng giống như các bạn khác Y Y vui vẻ nói với tôi: “Ha ha, cuối cùng thì cũng thi xong rồi!”. Tôi không hỏi con thi thế nào, lúc này kết quả đã không còn quan trọng nữa, chỉ cần con vui vẻ, thấp hơn mấy điểm cao hơn mấy điểm thì có ý nghĩa gì.
Cha nói với con gái về giáo dục giới tính
“Một người đàn ông nói với con gái mình về giới tính thì làm sao có thể mở lời được?”, một số người đã hỏi tôi như vậy khi biết tôi giáo dục giới tính cho con.
Đúng vậy, ở Trung Quốc, giáo dục giới tính vẫn luôn là một chủ đề không được bàn bạc sâu, bất luận là giáo dục nhà trường hay giáo dục gia đình thì trẻ đều không được trang bị những kiến thức về giới tính cần thiết, khoa học và toàn diện. Cho dù là ở một số thành phố lớn, thì rất nhiều người vẫn cảm thấy ngượng ngùng với từ “tình dục”, phụ huynh ở mức độ nào đó đã có cái nhìn phiến diện về vấn đề này, không biết phải hướng dẫn chỉ bảo con như thế nào.
“Anh chị sẽ nói chuyện về vấn đề giới tính với con chứ?”, khi Đông Tử hỏi một vài phụ huynh vấn đề này, rất nhiều người đều cho biết họ không hề xem xét đến, cũng có người nói: “Rất muốn nói chuyện với con nhưng không biết phải mở lời như thế nào”.
Gia đình vốn dĩ phải là lớp học đầu tiên về giáo dục giới tính, nhưng thực tế ở Trung Quốc việc giáo dục giới tính trong gia đình là điều hoàn toàn không có.
Một ngày của một năm trước đây một người bạn là nữ giới của tôi đã cảm thấy rất hoảng sợ khi kể cho tôi nghe khó khăn mà cô ấy gặp phải gần đây: cậu con trai mười một tuổi của cô ấy muốn xem phần dưới của cô ấy để tìm hiểu về kết cấu bộ phận sinh dục nữ…
Mười mấy năm tôi làm công tác tư vấn tâm lý, những trường hợp như vậy tôi đã gặp nhiều, đều có liên quan đến vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh khi gặp phải tình huống như vậy đều rất hoảng sợ, không biết phải làm thế nào. Thực ra, khi con đưa ra những câu hỏi về giới tính, phụ huynh nên trả lời một cách thẳng thắn, nếu con có những khó khăn về vấn đề giới tính, cần phải kịp thời giúp đỡ con giải quyết. Trước khi con có những biến đổi sinh lý giới tính, phải cho con biết là chúng sẽ phải đối mặt với tình huống như thế nào, và làm sao để ứng phó, như vậy con sẽ không thấy băn khoăn, sợ hãi, như vậy con mới có thể phát triển khỏe mạnh qua giai đoạn dậy thì.
Ví dụ như trường hợp của người bạn tôi, đối diện với yêu cầu của con, trước tiên không nên hoảng sợ và cũng không nên trách móc con, khi con trai bắt đầu dậy thì, tự nhiên sẽ rất hiếu kỳ về người khác giới, không phải là có suy nghĩ gì bậy bạ mà chỉ đơn giản là hiếu kỳ, muốn biết bộ phận sinh dục của nữ giới có gì khác với của mình; thứ hai, phải nhẹ nhàng trao đổi với con về sự khác biệt giữa bộ phận sinh dục nam và nữ, nói cho con biết cùng với sự thay đổi của tuổi tác, nam và nữ cũng khác nhau, những bộ phận ở vùng kín không thể công khai cho người khác giới, cho dù là cha và con gái hay mẹ và con trai thì cũng không được…
Những người trưởng thành đã đi qua thời thanh xuân liệu có còn nhờ một thời “mù giáo dục giới tính” của chúng ta?
Còn nhớ hồi nhỏ tôi đã từng hỏi mẹ: “Con đến từ đâu ạ?”. Mẹ tôi trả lời: “Con được luyện ra con ạ”. Tôi lại hỏi mẹ là luyện thế nào, mẹ nói là luyện ra từ đống lửa. Từ đó đến nhiều năm sau, tôi thường xuyên đi xung quanh đống lửa, hy vọng sẽ có một đứa trẻ được luyện ra. Mãi cho đến năm mười mấy tuổi, xem những cuốn sách về sức khỏe sinh lý, tôi mới “ngộ ra mà không cần thầy”.
Sau đó, tôi được làm cha, khi con gái bốn tuổi, con cũng hỏi tôi câu tương tự, tôi trả lời: “Là thiên sứ đưa con vào trong bụng mẹ, đợi con lớn, bác sĩ mổ bụng mẹ và đưa con ra”. Đây không phải là câu trả lời khiến tôi hài lòng nhưng vì lúc đó con còn quá nhỏ nên tôi chỉ có cách trả lời như vậy.
Một lần con nhất định cứ muốn đứng để đi tiểu, lý do là các bạn nam ở lớp mẫu giáo đều như vậy. Tôi nói rõ với con: “Bạn nam và bạn nữ không giống nhau, vì thế mà khi đi tiểu các bạn nam phải đứng còn các bạn nữ phải ngồi”. Con gái đột nhiên ngộ ra: “Đúng rồi các bạn nam có con chim nhỏ”. Từ đó con gái không bao giờ đòi đứng tiểu nữa. Tôi không hề né tránh vấn đề giới tính với con, con gái có vấn đề gì tôi đều giúp con giải đáp vấn đề đó. Khi con gái lớn hơn một chút, tôi đưa giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục giúp con phát triển khỏe mạnh.
Khi Y Y được năm, sáu tuổi tôi đưa con đến Bảo tàng Tự nhiên để xem triển lãm về cơ thể người, để con hiểu được sự khác biệt về cơ thể của nam giới và nữ giới. Khi con được bảy, tám tuổi khả năng hiểu vấn đề tốt hơn một chút thì tôi kể cho con nghe về câu chuyện tạo ra một sinh mệnh, bắt đầu từ sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.
Lúc nhỏ tôi chẳng được dạy một chút gì về “giới tính”, vì thế lần đầu tiên mộng tinh, tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng, nghĩ là mình bị bệnh gì, thời gian đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên, lại không dám nói chuyện với ai. Phải qua rất nhiều năm sau tôi mới biết chuyện đó là như thế nào, vì thế tôi nghĩ sau này khi tôi làm cha, tôi nhất định sẽ nói trước với con về sự thay đổi ở tuổi dậy thì, để con cái vui vẻ hạnh phúc qua tuổi dậy thì.
Khi con gái hơn mười tuổi, ngoài việc mua những cuốn sách về lứa tuổi dậy thì đặt ở đầu giường con gái, tôi còn nói cho con biết những kiến thức liên quan, bảo với con khi con có kinh nguyệt, cha sẽ chúc mừng con.
Khi con mười hai tuổi rưỡi, lần đầu tiên con có kinh nguyệt, vì trước đó con đã được tìm hiểu kỹ càng về vấn đề này nên con không gặp khó khăn gì với sự thay đổi bất thường của cơ thể, con chào đón sự kiện này giống như chào đón một người bạn cũ, tất cả mọi thứ đều xử lý mạch lạc, theo thứ tự. Tôi còn giúp con tổ chức một buổi tiệc gia đình nhỏ để chúc mừng sự trưởng thành của con.
Từ khi con hơn mười tuổi trở đi ngoài giáo dục giới tính, tôi còn thường xuyên dạy con quan điểm về tình yêu.
Thực tế là những người khỏe mạnh, phát triển bình thường thì ai cũng có hành vi “yêu sớm” ở các mức độ khác nhau, tất nhiên “yêu sớm” ở đây chủ yếu là chỉ: “yêu thầm”, “yêu đơn phương”. Khi tôi còn nhỏ tôi cũng từng yêu thầm một bạn gái xinh xắn học cùng lớp, hơn nữa chỉ suy nghĩ đơn giản, sau này có thể cưới cô gái như thế làm vợ thì tốt biết mấy. Vì là yêu thầm nên không ảnh hưởng gì đến đối phương và bản thân, qua giai đoạn ngu ngơ dại khờ đó thì tất cả đều qua đi như mây khói.
Khi mười tám tuổi, tôi nhập ngũ, cũng từng yêu thầm em gái của anh chiến hữu khi cô gái đến thăm anh trai, tôi cũng chưa từng tỏ tình với cô gái ấy, trong lòng chỉ âm thầm thích cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát đó. Cứ như vậy yêu sớm, yêu thầm đã cùng tôi trưởng thành, cho đến khi thành niên, sự nghiệp ổn định tôi mới bắt đầu yêu, kết hôn và sinh con.
Tôi đã từng kể cho con gái nghe rất nhiều lần chuyện “yêu sớm” của mình, tôi cũng nói với con, yêu không đơn giản như thích, bởi vì yêu còn có trách nhiệm và nghĩa vụ, một thiếu niên thì không có đủ khả năng đảm đương trách nhiệm và nghĩa vụ như vậy. Con gái đã biết “yêu sớm” là như thế nào qua câu chuyện của tôi.
Năm Y Y mười bốn tuổi, đột nhiên tôi phát hiện con gái tìm hiểu thông tin để làm ngực đầy đặn, biết được thông tin đó, tôi kịp thời nói chuyện với con. Y Y ngại ngùng nói với tôi, rất nhiều bạn học của con có vùng ngực phát triển rất tốt, nhưng ngực của con thì hơi nhỏ, vì vậy mà con rất lo lắng, muốn tìm cách để có vùng ngực đầy đặn hơn.
Tôi nói với con: “Trước tiên cha rất mừng, điều này chứng tỏ con biết theo đuổi cái đẹp và quan tâm đến sức khỏe, nhưng cha cũng phải nói với con rằng các bạn của con đều lớn hơn con mấy tuổi, vì thế các bạn ấy dậy thì sớm hơn con, mấy năm nữa con cũng sẽ giống các bạn, nếu đến lúc đó mà không được như mong muốn thì tìm cách cũng không muộn. Hơn nữa, chỉ cần khỏe mạnh, vùng ngực phát triển không như ý cũng không phải là vấn đề lớn, có gì đâu mà phải lo lắng, phải có tâm lý thoải mái”.
“Con biết rồi ạ”, con gái cười và đi ra chỗ khác.
Một số phụ huynh khi cùng con cái đề cấp đến vấn đề giới tính thì lại quá nhạy cảm, cái gì cũng không nói, còn đề phòng con cái. Thậm chí lo lắng khi giáo dục giới tính cho con cái còn phản tác dụng, sợ con cái biết rồi lại xảy ra chuyện.
Có lẽ chúng ta đã quên rằng: Con cái chúng ta không chỉ cần trở thành một “nhà” gì đó, mà còn cần trở thành một người đàn ông tốt, một người phụ nữ tốt, một người chồng, người vợ tốt, người cha, người mẹ tốt, và hơn nữa con có mối quan hệ với những người khác giới khác như người thân, bạn bè, cấp trên, cấp dưới. Sự khỏe mạnh của tâm lý giới tính và nhân cách là những thứ sẽ quyết định cuộc sống của con có hạnh phúc hay không.
Tôi phải đảm bảo con gái ăn tốt ngủ đủ
Đã từng có sự so sánh rất hình tượng như thế này: học thức chỉ là số không, tình yêu là số không, tài sản cũng là số không, địa vị cũng là số không… nhưng sức khỏe lại là số một, có sức khỏe thì những thứ khác mới có thể là 1.000, 10.000, 100.000… Nếu như không có sức khỏe thì tất cả đều là con số không. Vì thế điều quan trọng nhất với sự phát triển của trẻ là sức khỏe.
Nhưng những đứa trẻ bây giờ, có mấy đứa là mạnh khỏe, xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu đứa trẻ người cao to nhưng lại ốm yếu, trên mũi thì đeo cặp kính cận với số đi-ốp ngày một tăng, mắt nhắm mắt mở đi học, về đến nhà thì trông như người mất hồn… Cuối năm 2011, Nhật báo nhân dân đã có loạt bài về sức khỏe của trẻ em tiểu học, với chủ đề là “Tại sao lại có nhiều trẻ béo phì?”, “Số lượng trẻ em bị cận thị ngày một tăng khiến xã hội lo lắng” và “Chất lượng cuộc sống tốt nhưng tại sao sức khỏe trẻ em lại không tốt?”, bài báo đã kết luận: Cận thị, béo phì, thể chất suy giảm đã trở thành ba “sát thủ” lớn tàn sát sức khỏe thanh thiếu niên Trung Quốc.
Trên thực tế, “sát thủ” thực sự lại chính là chúng ta, những người cha người mẹ “tốt”. Vì muốn con thi một trường đại học “tốt”, họ bắt con em ăn “tốt”, cá thịt nhiều, các loại hải sản, lại còn thêm các sản phẩm dinh dưỡng, các loại thực phẩm tăng cường sức khỏe, vì thế hiện nay nhiều đứa trẻ thừa chất dinh dưỡng; ngược lại bài tập nhiều đã chiếm hết thời gian ngủ của trẻ, rất nhiều đứa trẻ bị thiếu ngủ, vì thế mà xuất hiện một nhóm trẻ “ốm yếu”.
Tôi cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, cũng mong muốn con gái được mạnh khỏe, nhưng tôi chú trọng việc làm thế nào để con “ăn tốt và ngủ đủ”.
Về việc “ăn tốt” tôi cho rằng có ba khái niệm cơ bản, thứ nhất là ăn no, tiếp đó là hợp khẩu vị, cuối cùng là dinh dưỡng. Cuộc sống ngày nay thì việc ăn no không thành vấn đề; “hợp khẩu vị” có nghĩa là thích hợp với khẩu vị của trẻ; còn về “dinh dưỡng”, chỉ có một số ít những trẻ của gia đình khó khăn thì có thể thiếu chất dinh dưỡng, còn lại đại đa số đều bị thừa chất dinh dưỡng, chỉ có bộ phận nhỏ là đủ dinh dưỡng.
Trong gia đình tôi việc cho con ăn no không thành vấn đề, hợp khẩu vị về cơ bản cũng được đáp ứng, con gái không kén ăn, tôi nấu nướng cũng khá, những món tôi làm con gái đều tương đối thích. Tôi hiểu về dinh dưỡng là cân bằng giữa các loại rau, cá, trứng, thịt và hải sản, kết hợp cơm và các loại thức ăn từ bột mỳ, các loại thức ăn làm từ bột lại chia thành nhiều loại như: bánh màn thầu, bánh mỳ̀ hấp, bánh bao, sủi cảo, mỳ̀, bánh. Con gái khá thích cơm trắng, vì vậy và các loại thức ăn làm từ bột mỳ chỉ là phụ thôi, cho dù là phụ nhưng tôi vẫn thường thay đổi món ăn, để con ăn được ngon miệng hơn.
Trong ba năm học trung học phổ thông, thời gian con ở nội trú hai năm, một năm học ngoại trú. Trong thời gian nội trú, mặc dù không thể tự tay nấu cho con ăn nhưng hàng ngày con ăn gì, ăn bao nhiêu, về cơ bản tôi đều nắm được, tôi dặn dò con: “Nhất định phải ăn uống tử tế, nếu tiền ăn không đủ, cha sẽ cho con thêm!”. Tôi và con đều biết việc ăn uống đầy đủ không có nghĩa là tiêu pha lãng phí, vì thế mà tiền ăn của con ở mức trung trong lớp.
Một năm trung học phổ thông con ở ngoại trú thì cũng giống như ba năm học trung học cơ sở, tôi phát huy khả năng nấu nướng của mình ở mức cao nhất, thay đổi liên tục các món ăn để con thấy hợp khẩu vị, điều này ở những phần trước tôi cũng nhắc đến.
Trong thời gian này, bữa trưa con ăn ở trường, bữa sáng thường là cháo, sữa tươi, sữa đậu nành, trứng ốp, kèm với đó là bánh kem, bánh mì, trứng gà luộc…, bữa tối tôi chuẩn bị cho con hai món ăn, một món canh ăn với cơm trắng hay các loại thức ăn làm từ bột mì. Mỗi sáng 6:20 con phải đến trước cổng khu nhà để đợi xe của trường, đi xuống lầu, đi bộ từ nhà đến cổng khu nhà mất khoảng sáu, bảy phút, hơn nữa để không bị nhỡ xe phải đến trước một lúc, như vậy con gái bắt buộc phải ăn sáng và chuẩn bị đồ đạc xong trước 6:10.
Thông thường thì ăn sáng mất khoảng mười phút, vì vậy trước sáu giờ tôi phải chuẩn bị xong bữa sáng.
Để con được ăn tốt, lại đảm bảo không muộn giờ học, ngày nào tôi cũng phải dậy từ năm giờ sáng để chuẩn bị. 5:50 tôi gõ cửa phòng con gái: “Con yêu, bữa sáng đã chuẩn bị xong, đã đến lúc con phải dậy rồi!”. Những ngày tháng đó, mặc dù có chút mệt, chút khổ nhưng nhìn con gái ăn ngon, cảm giác sự vất vả đó rất đáng, rất hạnh phúc, tôi biết rằng không phải người cha nào cũng có được niềm hạnh phúc đó.
Theo tôi được biết, để ứng phó với kỳ thi đại học, những học sinh trung học phổ thông của Trung Quốc thường sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, tôi kịch liệt bài xích những sản phẩm này, vì thế trong gia đình tôi, chưa có ai sử dụng những sản phẩm đó. Tôi luôn luôn cho rằng dinh dưỡng tốt nhất là những món ăn hợp khẩu vị và một tinh thần vui vẻ. Sản phẩm dinh dưỡng này khiến hai cha con tôi đều khỏe mạnh, ăn gì cũng ngon miệng.
Nói đến việc ăn uống thì không thể không nhắc đến những bữa ăn thịnh soạn vào dịp cuối tuần. Cứ đến cuối tuần là phải có hai bữa thịnh soạn, một bữa ở nhà, thông thường có bốn món ăn và một món canh, hai cha con mỗi người làm hai món, canh thì thay nhau nấu. Mặc dù số món ăn không nhiều nhưng đủ mùi, màu, vị; một bữa ở những nhà hàng có phong cách cổ, trang trí trang nhã, ăn những món ăn từ Nam đến Bắc của Trung Quốc, món ăn Bắc Kinh, món ăn Tứ Xuyên, món ăn Hồ Nam, món ăn Quảng Đông; có lúc thì ăn đồ ăn nhanh KFC, McDonald, Pizza Hut theo sở thích của con.
Trong những phần trước mọi người cũng đã biết, khi con gái tôi học tiểu học và trung học cơ sở, để đảm bảo việc ngủ của con, tôi đã nhiều lần (vì là mấy trường khác nhau) gặp hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm để xin miễn giảm bài tập về nhà cho con. Như thế đảm bảo được thời gian ngủ của con, từ đó mà sức khỏe của con cũng được đảm bảo. Đối với những học sinh trung học phổ thông mà nói, thông thường mỗi ngày phải ngủ đủ tám, chín tiếng bao gồm cả ngủ tối và ngủ trưa (những học sinh “nhỏ” như Y Y thì mỗi ngày phải đảm bảo ngủ chín tiếng). Tất nhiên việc ngủ của mỗi người là khác nhau, những người có giấc ngủ ngắn thì có thể ngủ ít hơn một chút nhưng vẫn phải ngủ đủ. Ngủ đủ có nghĩa là sau khi thức dậy đầu óc phải tỉnh táo, ban ngày không buồn ngủ, tinh thần phấn chấn, sảng khoái.
Nhưng do việc học quá nặng, chiếm cả thời gian ngủ, não không được nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sự phản ứng, trí nhớ, năng lực tư duy của não, còn ảnh hưởng đến tâm trạng của học sinh. Chúng ta đều biết, đối với sự phát triển của trẻ, sức khỏe là số một, nếu không đảm bảo được giấc ngủ, trẻ không thể khỏe mạnh, vì thế từ trước tới nay tôi luôn luôn coi trọng giấc ngủ của Y Y.
Để đảm bảo thời gian ngủ của Y Y, thời gian con ở ngoại trú, mỗi ngày đều phải đi ngủ trước chín rưỡi, cho dù là lúc học lớp mười, lớp mười một hay thậm chí là lớp mười hai. Để con được ngủ lâu hơn một chút, mỗi buổi sáng khi không thể muộn hơn được nữa thì tôi mới đánh thức con dậy, như vậy mỗi ngày cơ bản con đều được ngủ chín tiếng.
Đảm bảo thời gian vẫn chưa đủ, còn phải đảm bảo chất lượng giấc ngủ, khiến con có tinh thần tỉnh táo, như vậy mới đảm bảo là con khỏe mạnh. Y Y từng bị thức giấc vì mơ thấy ác mộng và có vật rơi từ bệ cửa sổ xuống, để kịp an ủi con khi gặp phải những trường hợp tương tự như vậy, khi ngủ cửa phòng hai cha con đều để hé, nhưng con gái thường ngủ không sâu, chỉ cần có tiếng động nhỏ là tỉnh giấc. Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, khi con gái đi ngủ tôi chỉnh âm lượng tivi ở mức thấp, đi vệ sinh thì đều nhẹ chân nhẹ tay, ngày hôm sau khi tôi dậy sớm, việc đầu tiên tôi làm là đóng chặt cửa phòng con, để tránh việc tôi làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị bữa sáng khiến con tỉnh giấc.
Cha làm hậu cần tốt của con, đảm bảo con ăn tốt, ngủ đủ, đổi lại có một cô con gái mạnh khỏe, vui tươi, lạc quan, điều này quả thực là rất đáng.
Kỳ nghỉ hè tuyệt vời sau kỳ thi đại học
Kỳ nghỉ hè sau kỳ thi đại học là kỳ nghỉ hè được bọn trẻ chờ đón nhất, bởi vì không những là kỳ nghỉ dài (gần ba tháng) mà hơn nữa lại không có bất kỳ bài tập gì. Rời xa những phòng học ngột ngạt, rời xa những chiếc bàn học vô tri vô giác, rời xa những quyển sách cuốn vở đau đầu, cuối cùng thì bọn trẻ cũng được tận hưởng những ngày hè thuộc về chúng.
Mặc dù Y Y may mắn hơn các bạn khác là chịu đựng ít hơn các bạn hai năm học trong trường, mặc dù thời gian chơi của con nhiều hơn các bạn, nhưng nửa năm lớp mười hai học hành vất vả cũng khiến con đủ mệt, kỳ nghỉ hè hơn tám mươi ngày, con giống như chú chim được xổ lồng, có thể tự do tự tại bay lượn…
Ngày thứ hai sau khi kết thúc kỳ thi đại học, Y Y nhanh chóng về Yên Đài – Sơn Đông thăm họ hàng và tham quan, mười ngày sau con quay lại và đăng ký xong nguyện vọng, trước tiên tôi đưa con đi hái hoa dại trên núi ở ngoại ô thành phố Cát Lâm, đến sông Tống Hoa xem thả đèn trên sông, sau đó chúng tôi trở về trang viên ở quê nhà – Đông Viên.
Những ngày ở Đông Viên, ngày nào con cũng được ngủ cho đến khi tự tỉnh giấc, ngoài việc lên mạng, xem tivi, xem sách ra thì con còn đến các khu trong trang viên cho gà, cho chim, cho cá ăn, hái hoa nhổ cỏ, đi hái những quả dưa lê thơm ngọt, những quả dưa chuột non, giòn hay đi tìm các bạn nhỏ trong thôn chơi đùa…
Tất nhiên đối với một người yêu văn chương và lại sắp trở thành sinh viên đại học, chơi không phải là việc duy nhất, con còn phải viết sách, viết tác phẩm mới của con Chơi cũng là một cách để trưởng thành. Thực ra việc viết sách bản thân nó cũng là một cách chơi, con dùng ngòi bút vui tươi của mình để kể những câu chuyện vui về sự trưởng thành. Trong quãng thời gian này, Y Y còn dự lễ cưới của cháu gái, tiệc cám ơn thầy cô của bạn; con dạy tôi cách làm video; phụ trách việc chụp ảnh quay phim trong buổi họp lớp của tôi.
Trong thời gian này hai cha con còn có cuộc hành trình dài một nghìn ba trăm kilômét trong bốn ngày, tham quan du lịch Khu phong cảnh hồ Chagan ở Tống Nguyên Cát Lâm, hồ Đoàn Kết ở Bạch Thành Cát Lâm, Bảo tàng Dân tộc Nội Mông Cổ, bảo tàng Hưng An Nội Mông Cổ, Miếu Thành Cát Tư Hãn ở Ulanhot, thảo nguyên Horqin Zuoyi Zhongqi, Khu bảo tồn thiên nhiên Horqin Thông Liêu và những nơi như hồ Nguyệt Lượng, sông Đào Nhi, sông Hoắc Lâm, Liêu Hà…
Ngoài việc được thoải mái vui chơi, hai cha con được xem các môn thi đấu Olympic, con gái được xem rất nhiều môn mà con yêu thích, hai cha con ngồi trước màn hình tivi cổ vũ cho các vận động viên nước nhà.
Chơi vui thỏa thích, cuối cùng con gái cũng nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Hắc Long Giang trong sự chờ đợi và mong ngóng. Cuối tháng tám con gái mang theo niềm vui tự tin bước vào cổng trường đại học.
Nhìn theo bóng con dần xa
Thấm thoát thoi đưa, con gái Phạm Khương Quốc Nhất giờ đây đã trở thành một cô gái, là một sinh viên đại học. Con không còn là cô gái nhỏ cưỡi trên cổ của cha, dắt tay cha khi đi đường nữa, không còn nằng nặc đòi cha kể chuyện, cùng cha chơi trò đuổi bắt, cùng cha trưởng thành nữa…
Bởi vì, con đã lớn thật rồi!
Giống như chim yến rời tổ, con cần phải tự bay bằng đôi cánh của mình…
Ngày 1 tháng 6 hai năm trước, khi đi công tác ở Thanh Đảo, tôi đã viết một bức thư gửi con gái với nhan đề “Tuổi thơ đã xa, niềm vui còn mãi – Viết cho con gái của cha”.
Y Y con yêu của cha, lại một ngày tết Thiếu nhi nữa sắp đến, cha có vài lời muốn nói với con:
Con à, đây là tết Thiếu nhi cuối cùng trong cuộc đời của con, chỉ còn năm tháng nữa thôi là con sẽ tròn mười bốn tuổi, những tết Thiếu nhi sau này không còn là ngày tết dành cho con nữa, tuổi thơ cũng theo đó mà rời xa con…
Tuổi thơ rời xa nhưng thời thiếu niên, thanh niên đang chào đón con!
Con sẽ ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành.
Đó là quy luật cuộc đời, chúng ta không thể không tuân theo quy luật đó.
Mấy ngày hôm nay cha vô cùng bận rộn, hết thuyết trình, ký tặng rồi lại phỏng vấn… Ngày nào cha cũng rất mệt, tối qua cũng vậy, cha rất khó ngủ, lý do chính là cha nhớ con gái của cha, nhớ con của quá khứ, nhớ cả con của ngày hôm nay nữa.
Cha nhớ lại mùa thu của mười bốn năm trước, cánh cửa ký ức mở ra, mọi thứ hiện về như thác lũ, những hình ảnh từ khi con sinh ra và lớn lên đều hiện hữu trước mắt: từ lúc con bi bô tập nói đến khi con có thể thao thao bất tuyệt, từ lúc con chập chững học đi đến khi con có thể chạy nhảy khắp nơi, từ lúc chưa biết gì đến lúc hiểu được mọi thứ, từ lúc còn là một hài nhi bé bỏng đến lúc là một thiếu nữ…
Con yêu, con đã lớn thật rồi!
Nhìn thấy con lớn lên trong niềm vui, cha vui vì mình đã bỏ công sức nuôi con khôn lớn, vui vì con là một đứa con ngoan, hiểu chuyện. Trong quãng thời gian đó, mặc dù cha không thể cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng cha đã dạy cho con những phẩm chất đạo đức tốt và trang bị cho con những năng lực cần thiết, và đồng thời cha cũng tặng cho con một món quà vô cùng lớn, món quà có tên là “niềm vui”, và nó đã làm bạn cùng con mỗi ngày, đây là những gì mà một người cha phải làm cho đứa con yêu của mình.
Con yêu, cha thực sự cảm ơn con! Bởi vì nhờ con mà cha “được làm cha”, là con đã mang đến cho cha niềm vui vô tận, con đã cùng trưởng thành với cha, là con đã khiến cuộc sống của cha đầy màu sắc, là con đã khiến cha cảm nhận được hạnh phúc làm cha!
Cha luôn suy nghĩ rằng không có gì có thể đổi được một tuổi thơ vui vẻ, mười bốn năm nay, cha đã cố gắng để mang lại cho con một tuổi thơ vui vẻ.
Đến bây giờ, đôi vai của con ngày một cứng cáp, bước chân của con ngày một vững chắc, cha vui và tự hào về con. Con ngày một lớn khôn, cha không còn là bạn chơi của con nữa, nhưng cha vẫn luôn là người thầy, là người bạn của con, cha sẽ vẫn tiếp tục cùng con chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, sẽ dõi theo mỗi bước trưởng thành của con.
Mong niềm vui sẽ mãi theo con trong cuộc đời.
Nhưng con yêu con phải ghi nhớ, đường đời không phải lúc nào cũng thuận lợi, cũng có lúc sẽ gặp những khó khăn vất vả, con càng lớn, cùng với niềm vui, nỗi buồn cũng sẽ theo con, nhưng con phải luôn đối tốt với bản thân mình, khoan dung người khác, cứ đi theo con đường này, niềm vui sẽ theo con mãi mãi.
Cuối thư, ở nơi xa xôi nghìn dặm, cha chúc con tết Thiếu nhi vui vẻ!
Cha của con
Thanh Đảo ngày 1 tháng 6 năm 2010
Đầu mùa thu năm 2012, con gái Y Y, đứa con gái rượu yêu quý mà tôi rất đỗi tự hào bước chân vào trường Đại học Hắc Long Giang ở Cáp Nhĩ Tân, đầu mùa đông năm 2012, chỉ còn một mình tôi ở căn nhà náo nhiệt ngày xưa, làm bạn với máy tính viết bản thảo cho cuốn sách “Hạnh phúc làm cha”.
Mặc dù con gái đi học xa tôi có chút hụt hẫng nhưng nhiều hơn sự hụt hẫng là niềm hạnh phúc. Cũng giống như khi con tròn một tháng tuổi, tôi ở Tây An và viết cho con một bức thư: “Y Y, nếu ngày mai con có thể lớn lên, cha tình nguyện ngày hôm nay sẽ già đi”. Nhiều năm nay, tôi luôn mong con gái lớn khôn, bây giờ con đã lớn thực sự rồi, không cần tôi dắt đi nữa. Buông tay con, để con tự đối mặt với mưa gió, dùng đôi chân của mình để bước đi trên con đường đời.
Mười sáu năm nay, tôi đã nạp cho con rất nhiều năng lượng, tôi tin rằng bước chân của con sẽ ngày càng vững chắc. Là một người cha, lúc này tôi chỉ cần đứng sau lưng con, âm thầm dõi theo bước chân con đi về phía trước. Cho dù đi xa như thế nào, con sẽ không bao giờ rời khỏi tầm mắt của tôi, ánh mắt tôi sẽ luôn dõi theo hình bóng quen thuộc đó…