Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

[Review Sách] Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

[Review Sách] “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương“: Phương Pháp Giáo Dục Giúp Con Đạt Được Giấc Mơ Triệu Phú Đô La
Lê Trang@Viện Sách – Bookademy
Yêu thương con là điều mà mỗi người cha người mẹ đang làm mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải tình yêu nào cũng là đúng, không phải tình yêu nào cũng là tốt nhất cho con. Có những đứa trẻ vì có được tình yêu tuyệt vời của cha mẹ mà lớn lên trở thành người hạnh phúc, nhưng cũng có vô số đứa trẻ vì sống trong tình yêu mù quáng của cha mẹ mà trở lên xấu xa. Vậy đâu mới là cách yêu con đúng đắn nhất? cách yêu thương nào sẽ giúp con bạn phát triển hơn? Hãy tham khảo ngay phương pháp giáo dục giúp con đạt được giấc mơ triệu phú đô la của tác giả Sara Imas- bà mẹ đã nuôi dạy thành công 3 người con triệu phú trích trong cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương bạn nhé!

1. Cần học cách yêu con – Theo đuổi tình yêu chất lượng cao

Nửa thế kỷ trước, đại văn hào Lỗ Tấn từng kiến nghị, cùng với việc mở trường sư phạm, chúng ta cần mở “Trường phụ phạm”. Điều này cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của ông.

Yêu con cũng là một môn học, các bậc phụ huynh chỉ có thân phận thôi là chưa đủ, họ cần phải có chức danh. Yêu thương con là một loại tình cảm, đó bản năng trời sinh của các bậc cha mẹ, đồng thời nó cũng là cả một môn nghệ thuật. Giống như y học, bạn không thể sinh ra đã là bác sĩ, mà phải thông qua một quá trình học tập gian khổ mới có thể trở thành một vị bác sĩ thực thụ. Mỗi người cha, người mẹ cũng phải học tập và nỗ lực hết mình mới mong hiểu được chân lý và những mẹo riêng để thể hiện tình cảm đó.

Trong giáo dục gia đình, yêu thương là nền tảng và tiền đề của giáo dục con cái, những đứa trẻ không được hưởng đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ khi lớn lên thường có khiếm khuyết ẩn hiện về mặt nhân cách. Song, yêu thương cũng là một thủ thuật giáo dục, mục đích và phương pháp không giống nhau sẽ dẫn đến hiệu quả hoàn toàn khác biệt.

2. Cha mẹ là “nô lệ”, là “trực thăng’’ của con cái – Yêu con một cách cố chấp

Trong cuộc sống có biết bao sự tổn thương được xuất phát từ danh nghĩa “yêu thương’’, đặc biệt là yêu thương con cái. Tục ngữ có câu “sai một li, đi một dặm.” Một chút bất cẩn cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa trở thành một cường quốc kinh tế, rất nhiều gia đình vẫn luẩn quẩn bên ngoài ngưỡng cửa của tầng lớp trung lưu nhưng họ lại có quan niệm nuông chiều con cái, chi tiêu xa xỉ cho chúng ngay từ lúc gia đình chưa lấy gì là giàu có. Rất nhiều nhà trẻ quý tộc trong nước được quảng cáo: “Không sinh ra với chiếc chìa khóa bạc, thì hãy dùng nó để sống.” Âu cũng là một nhận thức sai lầm về mô hình giáo dục quý tộc.

Cách nuôi dạy con cái theo kiểu cha mẹ là “nô lệ” của con không thể bồi dưỡng con trẻ trở thành quý tộc thật sự, mà chỉ biến chúng thành những kẻ “ăn bám” cha mẹ suốt đời. Món quà đáng sợ nhất các bậc cha mẹ “trực thăng” trao tặng con cái dưới danh nghĩa tình yêu, đó là những sinh linh với tâm hồn như bọt bong bóng mỏng manh, dễ vỡ.

Thuật ngữ “cha mẹ trực thăng” chỉ những bậc phụ huynh luôn bay lượn trên đầu con cái giống như máy bay trực thăng, bay ngày càng nhanh, quản ngày càng chặt, một khi giảm tốc độ họ sẽ phá hủy cuộc đời của con cái và của chính mình. Họ thường nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực như vui mừng, đau buồn quá mức chỉ vì một chút thành công hay thất bại của con. Họ coi sự nhiệt tình và chăm sóc của mình là món quà tặng con, tình yêu thương họ dành cho con cái ngày càng trở nên nghiêm trọng, cố chấp, thậm chí mù quáng.

Mọi người thường nói, tôi là cha, tôi là mẹ nên phải nhường mọi thứ cho con, hy sinh tất cả cho con, kể cả hạnh phúc của mình, như vậy mới là yêu thương con cái. Thật ra, đó chỉ là tình yêu quá trớn, hoàn toàn làm hại con. Nó khiến cho con trẻ trở thành một kẻ tàn phế suốt đời về mặt tư tưởng, tinh thần và nhân cách.

Makarenko, nhà giáo dục nổi tiếng từng so sánh: “Nếu bạn muốn con mình chết vì ngộ độc, hãy cho nó uống một liều thuốc mà bạn gọi là hạnh phúc.’’

3. Tìm bí quyết dạy con – Thời khắc cha mẹ tự kiểm nghiệm

Thương yêu con, điều đáng sợ nhất là các bậc cha mẹ nuôi dạy chúng bằng hạnh phúc của mình. Tôi tin bất cứ bậc cha mẹ lý trí nào cũng không muốn tặng con “món quà đáng sợ nhất”, càng không muốn “con chết vì ngộ độc” và bản thân họ cũng không muốn làm “nhà giáo dục tồi tệ nhất”.

Các nước khác đưa cụm từ “bà mẹ trực thăng” của Trung Quốc vào từ điển, không hề có ý bôi nhọ danh dự của các bà mẹ Trung Quốc, họ chỉ có ý tốt nhắc nhở các “bà mẹ trực thăng” mà thôi. Trong quá trình sống cùng các bậc phụ huynh Israel, tôi thấy, nhìn từ góc độ của họ, trẻ em Trung Quốc cũng có rất nhiều ưu điểm như: thông minh, hiếu học, khả năng tiếp thu tốt, có kiến thức nền vững chắc, hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng chúng đều có chung khuyết điểm là thiếu kỹ năng mưu sinh, thiếu kỹ năng phán đoán đúng sai, tinh thần trách nhiệm không cao, không biết hợp tác với người khác, tâm lý chấp nhận khó khăn kém cùng với thói quen ăn bám cha mẹ. Đó là hệ quả tất yếu của cách yêu con sai lầm của chúng ta và cũng là tiêu chí đánh giá tình yêu chất lượng thấp.

Trước sau chúng ta luôn tin rằng, tất cả những gì chúng ta làm đều vì muốn tốt cho con, đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến đối với con. Nhưng chúng ta hoàn toàn không biết, cách yêu con của chúng ta chỉ là nông cạn.

Bao nhiêu người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp, bao nhiêu người đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn phải mua nhà, kết hôn bằng đồng tiền tích cóp cả đời của cha mẹ. Tôi có đôi lời muốn nói với tất cả các bậc làm cha làm mẹ trong thiên hạ, song cổ họng như nghẹn lại. Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi chuyện con cái khó bám rễ trong xã hội cho môi trường cạnh tranh khốc liệt. Thử nghĩ, đôi tay đưa nôi kia của bạn có thể nhen nhóm những kỹ năng và tố chất vào sâu thẳm con người con hay không?

Giáo dục gia đình có vì những thứ bạn gọi là vĩ đại nhất, dâng hiến nhất, bao bọc nhất

không, hay trái lại là phụ lòng tín nhiệm và ủy thác của con?

Chúng ta không lo những người làm cha làm mẹ không yêu thương con cái của mình, chỉ lo họ không biết cách yêu con, dạy con như thế nào!

Khi tình yêu bạn dành cho con giống như bọt bia, luôn có xu hướng trào lên phía trên, trong khi quan điểm và phương thức yêu con của bạn vẫn dừng lại ở giai đoạn lạc hậu, mù quáng thì bạn chính là người cha, người mẹ đáng thương nhất, thất bại nhất chứ không phải một ai khác.

Thế giới vui vẻ của con trai tôi và các bạn nhỏ Israel.

Cha mẹ ngày nay nên yêu thương con cái ra sao? Làm thế nào để tình yêu đó trở nên giá trị, có ý nghĩa và thành tựu? Đó là những câu hỏi các bậc cha mẹ Trung Quốc lúc nào cũng cần tự kiểm nghiệm!

4. Lấy gì yêu con – Gợi ý về cách yêu con của phụ huynh Do Thái

Cuộc sống có đau khổ, mệt mỏi đến mấy, nhìn thấy con cái trưởng thành đã là niềm an ủi và cũng là hy vọng của mỗi chúng ta, tất cả vinh hoa, phú quý trên cõi đời này làm sao sánh được bằng con cái. Chính vì con cái quan trọng với chúng ta như vậy nên yêu con như thế nào đã trở thành một môn học cực kỳ hóc búa. Các bậc phụ huynh đều trăn trở với câu hỏi:

“Mình phải yêu con như thế nào đây?”

Dù không phải là một người có trình độ học vấn cao nhưng về cơ bản tôi cũng được coi là một người mẹ tri thức. Khi mới di dân về Israel, tôi cũng giống như các bà mẹ Trung Quốc khác, hầu hạ con cái từng li từng tí, yêu cầu duy nhất của tôi là: Chỉ cần các con đỗ đại học thì thế nào cũng được.

Hiện giờ vẫn có rất nhiều phụ huynh cũng nghĩ như tôi hồi ấy, nhưng có thể một số phụ huynh đã nhìn ra vấn đề: Một ngày nào đó con cái bước ra ngoài xã hội, việc thiếu kỹ năng sinh tồn từ thuở nhỏ sẽ ảnh hưởng tới công việc, sự nghiệp và cả cuộc sống hôn nhân sau này của chúng.

Lời phê bình thẳng thắn của chị hàng xóm người Do Thái như một que diêm vụt cháy làm tôi bừng tỉnh, chị nói: “Đừng mang phương pháp giáo dục lạc hậu của em đến Israel, đừng cho rằng em đẻ ra con thì biết cách nuôi con, gà mái còn biết đẻ con nữa là, nuôi con lại là việc khác.

Qua mười năm sống tại quê nhà, tôi nhận thấy, tài sản của rất nhiều gia tộc đều được truyền từ đời này sang đời kh|c, người Do Thái không chỉ truyền lại của cải vật chất, mà còn truyền lại tố chất và kỹ năng tạo ra của cải cho con cháu mình, những thứ đó còn có giá trị hơn tiền bạc. Và thứ giá trị ấy không đến từ thừa kế, nó đến từ phương pháp yêu con chất lượng cao của các bậc phụ huynh người Do Thái.

Có thể nói, người Do Thái là khuôn mẫu về phương pháp giáo dục gia đình tiến bộ mà nhân loại đang tìm kiếm. Mặc dù họ chỉ chiếm 0,2% – 0,3% dân số thế giới, nhưng không thể kể hết được tên những người Do Thái đã và đang thao túng nền kinh tế toàn cầu. Họ không chỉ là chuyên gia của các doanh nghiệp như Rockefeller, Hammer, mà còn là ông trùm tài chính như Soros, Greenspan; 20% giáo sư trong các trường đại học ở Mỹ là người Do Thái, những nhân vật nổi bật trong ngành luật sư, bác sĩ. Người Do Thái cũng không nằm ngoài trong số những người Mỹ từng đoạt giải Nobel có tới 31% là người gốc Do Thái.

Phụ huynh Do Thái có một phương pháp yêu con khá đặc biệt:

Tình yêu thương của các bậc cha mẹ Do Thái nhằm vào mục đích đem lại lợi ích suốt đời cho con, chứ họ không đáp ứng nhu cầu tạm thời của con. Họ thực hiện “cơ chế thị trường, không bồi dưỡng ra thế hệ ăn bám cha mẹ”, “phát huy tố chất triệu phú của mỗi đứa trẻ”, “nắm bắt kỹ năng quản lý từ nhỏ”, “trì hoãn thỏa mãn của con để cho chúng hiểu cha mẹ”, “tham quan một ngày của cha mẹ”, “phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm”, “phụ huynh rút về hậu phương thôi thúc con ‘hứng thú’ và ‘ao ước’ học tập”, “cha mẹ làm quân sư quan sát, tham mưu, nhắc nhở con, không đào tạo con thành một kẻ tầm thường”…

Nghệ thuật yêu con sâu sắc của người Do Thái không chỉ phát huy tác dụng quan trọng trong bước ngoặt cuộc đời của các con tôi, ngay đến bản thân tôi cũng nhận được lợi ích là làm một bà mẹ yêu con có thành tựu. Từ Vạn Lý Trường Thành đến dãy Alps, tôi cảm ơn sự giao thoa giáo dục giữa hai quốc gia Trung Quốc và Israel làm tôi tỉnh ngộ: Đừng vì chúng ta không biết cách yêu thương con mà biến chúng thành những kẻ tầm thường và khiếm khuyết.

5. Nâng cao tình mẫu tử

Khi kinh tế gia đình trở nên khấm khá, cách dạy con của các bậc cha mẹ cần đạt đến “cảnh giới’’ cao hơn. Trong quá trình trưởng thành của hai cậu con trai, điều kiện kinh tế gia đình chỉ đạt mức trung bình, nên hai anh em chúng đủ hiểu sự vất vả của mẹ. Những ảnh hưởng từ giáo dục sinh tồn và quản lý tài sản của Israel càng giúp chúng hiểu mỗi người đều phải có ước mơ để theo đuổi và phải quyết tâm thực hiện ước mơ ấy một cách tốt nhất!

Thời kỳ trưởng thành của cô con gái út lại khác với hai anh trai, kinh tế gia đình khấm khá, cộng thêm châm ngôn “nghèo nuôi con trai, giàu nuôi con gái” đã cho tôi có được nút thắt trong cách dạy dỗ con bé. Một nhà công tác giáo dục Do Thái nói với tôi rằng: “Nuôi con gái trong giàu sang, đến khi lớn lên nó cũng sẽ gặp khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Cho nên các bậc cha mẹ yêu thương con gái càng cần phải có con mắt nhìn xa.”

Vào sinh nhật lần thứ mười sáu của Muội Muội, tôi đưa con bé đi ăn mì Ajisen ở Thượng Hải, vì nó thích ăn mì sợi nấu với nước xương ở đây. Khi nhân viên phục vụ vừa mới mang trà lúa mạch miễn phí lên cho chúng tôi, con bé liền giơ bàn tay nhỏ nhắn vẫy nhân viên phục vụ lại, yêu cầu họ mang thêm cho mình một ly nước cam.

Bấy giờ điều kiện kinh tế của tôi rất tốt, vậy mà tôi đã nhẫn tâm nói “không” với con bé. Tôi muốn nó hiểu, thứ đáng quý nhất không phải là những món quà đẹp đẽ, mà là người thân, là niềm vui và là yêu thương.

Thật sự mà nói, yêu thương con trong điều kiện kinh tế khá giả, các bậc cha mẹ cần phải sáng suốt và can đảm hơn. Một khi cha mẹ nắm vững nghệ thuật dạy con, bọn trẻ sẽ nhận được lợi ích suốt đời. Ở Israel không có câu châm ngôn nào tương tự như câu “Không ai giàu ba họ” của người Trung Quốc. Vì đời chúng ta giàu nên cứ nghĩ con cháu mình ngày sau cũng giàu sang, nào ngờ thế hệ sau cậy thế ăn chơi trác táng, không quá ba đời toàn bộ của cải trong nhà đều đội nón ra đi.

Còn người Do Thái giáo dục con em nhà giàu: Muốn tiêu tiền thì hãy tự kiếm tiền! Con cháu ắt có phúc của con cháu!

6. Yêu thương con cũng cần có kỹ xảo và nghệ thuật

Chúng ta không thể đưa ra câu trả lời theo khuôn mẫu cố định hay công thức nhiệm màu nào cho câu hỏi: Cha mẹ nên yêu thương con như thế nào. Nhưng sự thật là con cái của những bậc cha mẹ biết cách yêu thương con đều phát triển tốt trên mọi phương diện như, trẻ không có thói quen ăn bám cha mẹ, có tính độc lập cao, tư duy không đạt, tự tin, có kỹ năng giải quyết các vấn đề, tâm lý chịu đựng tốt, biết giao tiếp ứng xử, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, dễ rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời trẻ cũng cảm thấy an toàn, không cần cha mẹ lo lắng quá nhiều.

Chúng tập trung vào việc phát triển bản thân và biết cách điều chỉnh tâm trạng của mình. Số người hiểu được tình yêu thương bao la và sự hy sinh vô bờ bến các bậc cha mẹ Trung Quốc dành cho con cái là rất ít, xưa nay vẫn vậy. Dẫu sự vất vả và công lao không xung đột với nhau, sự sâu sắc và nghệ thuật không đối lập nhau, sự hy sinh và sáng suốt cũng không mâu thuẫn với nhau, nhưng nếu cha mẹ chỉ cần nhiệt tình không cần lý trí, một mực hy sinh không chú ý đến sự sáng suốt, quen thói bao đồng không chịu rút lui, thì họ chỉ chuốc lấy vất vả mà chẳng thấy được niềm vui.

Song điều đáng lo là không ít bậc phụ huynh lún sâu vào sai lầm trong cách yêu thương con lại không hề nhận ra, bản thân họ chính là người mang đến cho con món quà đáng sợ nhất.

Cuối cùng, tôi muốn nói với các bậc phụ huynh: Dù bạn có đem toàn bộ tính mạng, của cải, địa vị, thời gian, tinh thần và sức lực cho con thì con bạn cũng không thể hạnh phúc cả đời. Chỉ có dạy con biết mưu sinh, biết theo đuổi mục tiêu của mình, biết hưởng thụ cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn sau khi đạt được mục tiêu thì đến cuối đời bạn mới ung dung nhàn nhã và con bạn mới có thể thành công trong cuộc sống.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Bình luận
720
× sticky