Cạm bẫy người (1933) viết về nạn cờ bạc bịp ở Hà Nội.
Để thấy cái tệ nạn cờ bạc rộng lớn và tai hại đến đâu, Vũ Trọng Phụng đã điều tra cái làng bịp, vạch ra tổ chức của nó, phác họa chân dung, mô tả chân tướng của dân làng bịp, tường thuật cách hành nghề của họ rõ ràng, sinh động…
Viết Cạm bẫy người là tố cáo một tệ nạn xã hội và nêu lên những bi kịch do những tay săn mòng gây ra cho những gia đình của bọn tín đồ “tôn giáo đỏ đen”.
***
“Vũ Trọng Phụng là một nhà văn tài hoa trên cả hai lĩnh vực phóng sự và tiểu thuyết. Song, trước hết, Vũ Trọng Phụng là một “kiện tướng” về phóng sự, bởi “xét về mặt thể tài thuần tuý, phóng sự của Vũ Trọng Phụng đã là một cái gì rất chín, rất thành thục không chê vào đâu được. Sở dĩ nói Vũ Trọng Phụng đi xa hơn cả, so với nhiều cây bút phóng sự khác là ở chỗ trong khi miêu tả những sự đời ấy, ông biết làm cho nó lung linh lên, thật đấy, mà huyễn hoặc đấy, ma quái đấy, những sự thật được ông khai thác đôi khi tưởng như riêng lẻ, cá biệt, song lại nói được bản chất sự vật. Danh hiệu “ông vua phóng sự” quả là xứng đáng với tài năng và cống hiến to lớn của Vũ Trọng Phụng trong việc phát triển, hoàn thiện thể phóng sự, góp phần khẳng định tên tuổi một nhà văn hiện thực lớn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.”
***
Nụ cười vẫn thường lộ trên cặp môi đỏ tựa thoa son, anh Vân bỗng ủ dột, muốn như có vẻ chán đời.
Do lẽ gì, cái thái độ trái ngược như vậy? Vì ông thân anh, một cụ phán thượng hạng đã về hưu, hưu bổng hàng tháng rất to, với bà mẫu anh, một người mẹ đảm, đã một tay tậu nổi mấy toà nhà lộng lẫy mà không để cho anh được tự do tiêu, phá chăng? Vì ý trung nhân của anh, một cô gái tân thời óc chứa đầy những tình cảm đã phụ anh chăng? Hay vì mảnh bằng tốt nghiệp của trường cao đẳng thương mại chưa cho phép anh được chiếm một ghế ngồi trong một công sở? Lạ! Con một nhà giàu, lại sẽ là chồng một mĩ nhân, địa vị như thế, tại sao anh Vân lại chán đời? Cái buồn của anh chàng này chắc có chứa sự bí mật gì đây…
Mời các bạn đón đọc Cạm Bẫy Người của tác giả Vũ Trọng Phụng.