Mang một văn phong hài hòa giữa văn chương và triết lý, Émile hay là về giáo dục được các nhà phê bình trên thế giới đánh giá không chỉ là một chuyên luận về giáo dục, mà còn là một tác phẩm về “nghệ thuật hình thành con người”.
Qua nhân vật hư cấu trong cuốn tiểu thuyết là cậu bé Émile, nhà văn muốn chỉ ra mục đích của sự giáo dục nhằm đào tạo một con người tự do, có khả năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng.
Cuộc đời của Émile được đề cập trong tác phẩm trọn vẹn từ khi cậu ra đời, bập bẹ tập nói đến giai đoạn Émile 20-25 tuổi (độ tuổi khôn lớn và lập gia đình). Khi còn bé, Émile được hướng vào việc học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, đến khi trở thành một chàng trai độc lập, anh được giáo dục về giới tính, thẩm mỹ, tri thức và tình cảm…
Bách khoa toàn thư Việt Nam nhận xét Émile hay là về giáo dục là tác phẩm “thể hiện lòng yêu trẻ tha thiết, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tự do và nhân phẩm con người”. Ở Nhật Bản, người ta bắt buộc tất cả giáo viên mầm non phải đọc cuốn sách này trước khi bước vào nghề.
Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học, nhà văn, kịch tác gia xuất thân từ một gia đình gốc Pháp. Tư tưởng sư phạm của ông được phản ánh trong các đề án cải cách giáo dục quốc dân của Pháp thời Cách mạng 1789 và có ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng – sư phạm, như J. H. Pestalozzi, A. S. Makarenko, J. Dewey… Đến nay, Émile hay là về giáo dục vẫn là tác phẩm được đọc nhiều nhất và phổ cập nhất về đề tài này.
Với tư cách là một nhà văn, ông nổi tiếng trên văn đàn với những tác phẩm như Julie hay nàng Héloise mới (1761), Thú nhận (1782), Những mơ mộng của một người dạo chơi cô độc (1772-1778). Rousseau là đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa linh cảm trong lý luận văn học và sân khấu, là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền văn học châu Âu không chỉ trong thời đại Khai sáng.