Maksim Gorky (1864 – 1934) là nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản, là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đời hoạt động văn học gần nửa thế kỷ, ông đã để lại một sự nghiệp chói lọi, một di sản sáng tác khổng lồ, nó là niềm tự hào của nhân dân Nga và của cả loài người tiến bộ. Truyện ngắn của ông có sự kết hợp hài hòa yếu tố lãng mạn và hiện thực. Ở đó có sự gắn bó máu thịt của ông với nhân dân và đất nước qua các giai đoạn cách mạng.
Trong tác phẩm, Gorky bộc lộ niềm khao khát tự do và ca ngợi ý chí hào hùng, bất khuất của con người, phơi bày tính chất tàn bạo của chế độ xã hội – chính trị trước cách mạng, cái chế độ giết chết mọi cái có sức sống trong con người; quá trình trăn trở, tự ý thức đầy gian khổ của các tầng lớp “dưới đáy” để vươn tới sự đổi đời; đề cao và thi vị hoá lao động: phê phán lối sống và tâm lý ươn hèn của tầng lớp trí thức tiểu tư sản và tư sản; những truyện ngắn triết lý, những truyện có tính chất tự thuật…
“Mặt trời chói lọi. Những đám mây trôi trên bầu trời như những con chim trắng. Hai bà cháu đi trên những tấm ván bắc qua sông Volga. Mặt băng phồng lên, kêu lào xào. Nước óc ách dưới những tấm ván cầu. Những chiếc thánh giá vàng rực trên ngôi nhà thờ màu đỏ loẹt bên hội chợ…
Tim tôi hồi hộp nhảy nhót như con chim sơn ca.
– Bà ơi, cháu yêu bà lắm!
Câu nói đó không làm bà ngạc nhiên. Bà tôi bình thản đáp:
– Bởi vì cháu là ruột thịt của bà. Bà chẳng nói khoe chứ ngay đến những người dưng nước lã cũng yêu bà nữa cơ. Lạy Đức Mẹ!…” – Trích trong tác phẩm “Kiếm Sống”