Kinh Dịch vốn là cuốn sách nền tảng của hệ tư tưởng các nước dùng chung chữ Hán cổ A Đông. Nó phát biểu một cách đầy đủ và rõ ràng nhất về vũ trụ quan và nhân sinh quan của người xưa. Muốn hay không muốn, nó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn minh nông nghiệp của nhiều xã hội truyền thống vùng này suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử. Trước ảnh hưởng to lớn của nền văn minh công nghiệp phương Tây, và nhất là từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, do chiến tranh bảo vệ đất nước trong một thời gian dài, nhiều người trong chúng ta không được dịp tiếp xúc với Kinh Dịch. Ngày nay thì không phải chỉ ở những nước A Đông mới nghiên cứu lại Dịch, mà ở nhiều nước văn minh phương Tây cũng đang có trào lưu học lại các nền minh triết A Đông và họ tìm thấy trong Kinh Dịch nhiều điều mới lạ. Đối với chúng ta, nếu không hiểu gì về Dịch thì cũng không thể hiểu hết những gì là tinh hoa của nền văn hoá cổ. Nền văn hoá đó vừa huy hoàng vừa cổ kính, vừa cụ thể vừa thần bí bao trùm lên mọi mặt sinh hoạt của xã hội, từ luân lý đạo đức đến văn học nghệ thuật từ kiến trúc đình chùa các làng xã đến lăng mộ cung điện các triều vua, cho đến y học cổ truyền hay muôn vàn lễ hội đang được phục hưng, hết thảy đều thấm đượm màu sắc triết học Dịch cổ…