Ông Hội-đồng trong trí đầy cái hính-trạng của cô Tư Thanh-Thủy, ông không cần biết cô Ba Huyền đi đâu, nên ông hứa hễ ông xuống tới nhà hàng rồi thì ông trả xe về cho cô muốn đi đâu thì đi. Chừng hội rồi ông xe kéo cũng đươc. Thiệt quả xuống tới nhà hàng thì ông biểu sớp-phơ đem xe về liền. Ông ăn sơ-sịa vài món rồi kêu xe kéo mà trở lên đường Mayer. Ông ngồi trên xe, đèn hai bên đường chấp-chóa, gió thổi hiu-hiu, trí quơ-quẩn nhớ cô Tư, lòng phập-phòng trông gặp mặt. Ông nghĩ những lời cô Tư châm-chích đêm nọ, ông nhớ thiệt quả cô Ba Huyền hay đi Chợ-lớn, ưa vô Trường đua, ông lại nhớ một lần kia ông đi mua đồ với cô Ba Huyền tại đường Ca-ti-na, ông vô nhà hàng, cô ngồi ngoài xe, chùng ông bước ra thì thấy cô đương nói chuyện với một người ngồi trên xe kéo, người ấy đội một cái nón đa thiệt to, mặc một bộ đồ xá-xị còn mới, mặt mày dữ-tợn, hình vóc dình-dàng, người ấy thấy ông thì biểu xe kéo đi, song còn nói vói rằng: “Mai phải có đa”. Ông hỏi người ấy là ai, thì cô nói: “Anh nầy là chồng chị Hai Cán, hồi trước chỉ có mượn tôi mười đồng bạc, tôi gặp ảnh tôi đòi, ảnh hẹn mai ảnh lãnh tiền rồi ảnh trả”. Lúc ấy ông Hội-đồng tin như lời, bây giờ có cô Tư Thanh-Thủy châm-chích, ông lại đoán quyết người ấy là chồng của cô Ba Huyền, lời dặn “mai phải có” đó là biểu đem bạc đưa cho nó. Ông vừa giận vừa hổ thầm, giận vì chúng lấy tiền bạc của mình mà nuôi thiên-hạ, hổ vì mình có học thức, có tên tuổi, mà còn bị điếm-đàng lường gạt. Ông thầm nghĩ nếu ông được gần cô Tư Thanh-Thủy thì ông sẽ đuổi cô Ba Huyền liền, ông chẳng tiếc chút nào hết; cô Thanh-Thủy tuy lớn tuổi hơn, nhưng cô có sắc, cô có hạnh, cô hiền-đức, cô thông- minh, cô khôn-ngoan, cô thành-thiệt hơn bội phần. Xe kéo ngừng trước cửa cô Tư Thanh-Thủy thì trong trí ông Hội-đồng Thành đương quyết-định như vậy đó.