Jo Kyung Ran đã viết nên một tác phẩm mang nhiều sắc thái của tình yêu có lúc yên bình khi lại vô cùng dữ dội, thông qua “lưỡi” – một hình ảnh trần trụi khiến người ta phải tò mò.
Jo Kyung Ran viết Lưỡi xoay quanh một đầu bếp người Hàn chuyên ẩm thực Ý. Mối tình 7 năm của cô vừa kết thúc, cô dần mất niềm đam mê cho nấu ăn và mất cả vị giác. Tác phẩm như một làn gió mới trong nền văn học Hàn hiện đại khi nó không đặt nặng yếu tố văn hóa quốc gia như thường thấy.
Sách viết theo ngôi thứ nhất, với nhân vật chính kể về nỗ lực cô tiếp tục sống sau tan vỡ tình cảm, niềm đam mê ẩm thực, ký ức tuổi thơ và về cuộc sống đời thường của cô đầu bếp trẻ. Dù không yêu thích nấu ăn nhưng có lẽ bạn vẫn sẽ bị Lưỡi cuốn hút bởi những khía canh khác tình cảm, gia đình, xã hội… được Jo Kyung Ran thể hiện nhiều trong cuốn sách.
Tiểu thuyết Lưỡi vượt ra khỏi ranh giới Hàn Quốc, được cộng đồng độc giả Anh ngữ đánh giá cao.
Những câu văn Jo Kyung Ran miêu tả thực phẩm, quá trình chế biến, phục vụ và thưởng thức đồ ăn thật sự độc đáo, chúng được tác giả sử dụng như ẩn dụ cho tình yêu và đôi lúc là cả tình dục. Nét miêu tả của tác giả biến hóa vô cùng đa dạng từ gợi hình gợi cảm của một trái táo tầm thường: “Táo có hương vị của tự nhiên , của huyền bí, của hình dáng những đám mây và tiếng gió luồn qua kẽ lá, nhưng chính các tăng lữ lại cấm người ta ăn táo. Tất cả là do vị ngọt ngập đầy khoang miệng khi vừa bập răng vào”.
Nhưng ngay lập tức lại khiến người đọc cảm thấy rợn người với cách người ta làm ra một món ăn xa xỉ như gan ngỗng: “Để có gan ngỗng béo, người ta gây sốc điện trên não bộ con ngỗng, thậm chí khoét mắt nó, vậy là con vật chẳng bận tâm điều gì khác ngoài thao tác ăn cặm cụi như máy bất chấp đói no cho đến khi béo xù đủ đem mổ thịt”.
Nữ nhà văn cũng nhiều lần đưa đầu mối về nội dung đoạn kết xuyên suốt tập truyện để người đọc giải mã nhưng cho đến chương cuối vẫn là một kết cục bất ngờ.
Jo giữ vững văn phong giàu tính biểu tượng của mình như một tuyên ngôn bất hủ về tình yêu: “Đem lòng yêu cũng giống như xăm chữ lên mu bàn tay. Dù cố sức tẩy xóa thì về sau vẫn còn dấu tích mờ. Bởi vậy cậu phải chắc chắn rằng cậu thực sự muốn thế. Phải chắc chắn rằng cậu đã suy nghĩ kỹ càng”.
Tình yêu còn được Jo lồng ghép vào những món ăn qua cách miêu tả gia vị cũng giàu hình tượng càm cảm xúc. Với cô, lá húng quế là biểu tượng của nỗi buồn, dù điều này có thể khiến các ẩm thực gia phản đối.
Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn 45 tuổi đổi giọng văn liên tục để tách biệt suy nghĩ của cô về tình yêu và cuộc sống. Tác giả đưa vào truyện một vụ tự tử – một cái chết buồn – chi tiết hay được Jo đưa vào truyện của mình.
Cô xuất sắc lựa chọn câu chữ thể hiện rõ nét buồn và bất ổn trong tính cách nhân vật chính, qua việc cô đầu bếp xui xẻo thay đổi tâm trạng và nơi ở liên tục. Câu chuyện nhiều tình tiết kết nối, nút thắt, là kiệt tác viết về một tâm hồn trẻ tan vỡ, mất định hướng trước cuộc sống.
Nhưng đôi khi người đọc lại cảm thấy không hài lòng về lối viết văn tự sự chắp nối nhiều câu chuyện của tác giả. Dù cho những ai yêu thích văn chương Hàn đều nhận ra đó là phong cách viết rất được ưa chuộng nhất trong thể loại văn viễn tưởng tại quốc gia này.
Và còn một điều lạ lùng nhất khiến nhiều người đọc thắc mắc sau khi khép cuốn sách lại đó chính là các nhân vật trong Lưỡi ăn uống với tốc độ tia chớp – điều được Jo đưa vào tác phẩm để nhấn mạnh tới chủ đề nỗi ám ảnh.
***
Jo Kyung Ran sinh năm 1969 tại Hàn Quốc, tốt nghiệp khoa Sáng tác Học viện Nghệ thuật Seoul, từng tham gia Chương trình Viết văn Quốc tế của Đại học Iowa. Từ khi ra mắt tác phẩm đầu tay vào năm 28 tuổi đến nay, cô đã giành được nhiều giải thưởng văn học, đáng kể nhất là Giải Văn học Dong-in, Giải Nghệ sĩ Trẻ Ngày nay của Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc…