Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực

Tác giả: Phạm Công Thiện
Thể loại: Triết Học

Nhờ tác phẩm này mà tôi biết đến Phạm Công Thiện, được mệnh danh là một triết gia thần đồng vào năm 60 của thế kỉ XX, mặc dù ông luôn nhận mình là một người viết văn chứ không phải là một triết gia. Không thể phủ nhận, ông như một kẻ điên, cuồng loạn trong những bến bờ tư tưởng rộng khắp.

Ông không nghĩ đến việc muốn người khác có thể hiểu những gì mình nói, càng không nghĩ đến việc học hỏi từ những hiểu biết của người khác. Thẳng thắn nói lên ý kiến của mình mà chẳng quan tâm có gây phản cảm với người khác hay không: từ việc coi Heraclitus như tội đồ của văn minh nhân loại, coi Sokrates là tên ngu dại nhất mà ông gặp; Goethe, Dante trong mắt ông cũng như những thằng hề; lên tiếng coi các văn sĩ Sài Gòn bấy giờ như những kẻ nghèo nàn về tâm hồn. Giống như, ông chẳng quan tâm vấn đề mình phải tôn trọng những gì người khác tạo ra, dù nó hay ho hay dở tệ. Trong phát ngôn hay trong sáng tác của mình, ông đều cho thấy bản thân không quan tâm đến hình tượng nhà văn trong mắt công chúng, ông viết, ai hiểu hay không mặc ai. Tôi không thích một người viết như vậy, nhưng tôi đánh giá cao.

Tập bút kí “Mặt trời không bao giờ có thực” này giống như cầu nối để tôi tìm đến Phạm Công Thiện, tìm đến một lối viết đầy tính tự kỉ. Mang hơi hướm meta fiction, tác phẩm phụ nhận mọi sự tồn tại, phủ nhận cái “Tôi” và lên án chính mình. Câu chuyện ở đó chỉ có Tôi, Mi, hơi thở và thế giới này. Nhìn qua thì như một người viết mắc lỗi diễn đạt, nhưng lại khó tìm chỗ mà sửa. Chia làm hàng chục phần, mọi phần trong tập truyện gần như không có bất cứ liên kết nào, viết một cách tuỳ hứng, độ dài ngắn của các phân đoạn không theo một trật tự nào, dấu má câu từ hoàn toàn không theo một chuẩn mực văn phạm nào, và mạch cảm xúc của nhân vật thì như đường ziczac.

Đoạn trước bạn có thể thấy một cái “Tôi” đương gào lên rằng mình muốn chết, phần sau cái “tôi” ấy lại có thể nhâm nhi cà phê và hú lên rằng mình rất yêu đời. Người ta nói một người muốn chết là đang nản lòng, tuy nên, nếu đặt điều đó vào trong tác phẩm này thì vứt! Nhân vật Tôi yêu đời, yêu thế giới này, yêu cả sự hoang tưởng trong bộ não của mình, yêu đến mức muốn chết để biến thành những thứ mình yêu chứ không phải để tránh xa tất cả như một kẻ đang chán nản cuộc đời. “Tôi” trong đây sống chỉ để thở, tưởng tượng và viết, viết như một nhà văn thực thụ. Tôi từng nói một nhà văn là những người viết tốt, nhưng phần nào đó thôi, một nhà văn không nhất thiết phải viết tốt, chỉ cần Viết cho mình chứ không cần phải viết để đáp ứng ai đó. Rất nhiều người, trong đó có tôi, từng nghĩ rằng đã viết là phải có chủ đề. Phạm Công Thiện lại nói tôi nghe:

Xem thêm  Đại Cương Triết Học Trung Quốc - Liệt Tử Và Dương Tử

“Viết điên lên. Viết bất cứ cái gì; viết về gió, nước mắt, mây đen, tàn thuốc, bình minh, tiếng xe cộ, vệt mây đỏ, tiếng va chạm của kim khí, chậu hoa héo, chim, áo phơi, hang xóm, máu, bàn tay. Viết cho mệt nhoài thân thể, rã rời trí óc, tê chết ngòi bút, lạnh buốt hơi thở. Viết như chưa từng viết bao giờ. Viết cho hoang phí hết sức khoẻ, tiêu tán hết những con đường, mòn nát hết những trang giấy trắng trên đời. Viết cho chết lẵng hồn tất cả những hi vọng của trái đất. Viết như giã biệt đời sống, tuyệt bút gửi lại miền Bắc Cực và Nam Cực. Tôi ôm cả địa cầu trong đại dương chưa khám phá của Mực và Máu.”

Chẳng cần viết cho ai, chẳng cần ai thích, chẳng cần ai hiểu mình đương nói về cái gì. Thích thì làm. Con người vẫn luôn cố gắng để khai thác những bản ngã của xã hội, trong khi đó ít ai dám đối mặt với bản ngã của chính mình. Trong tâm thức tự biết sâu thẳm tâm hồn mình đầy dòi bò lúc nhúc, đầy mùi hôi tanh của những mong muốn ích kỷ. Phạm Công Thiện bêu rếu tất cả và bêu rếu chính mình. “Tôi” là một kẻ lập dị, không phải bởi vẻ ngoài mà bởi tư tưởng. “Tôi” khát khao muốn bay lượn trên bầu trời, nhưng không thể và thế là muốn bắt giết tất cả lũ chim đương tự do rồi lập nghĩa địa cho chúng. Muốn giết chết mọi thiên thần tốt đẹp tồn tại trong lòng người. Thích mất thì giờ và sung sướng khi mất thì giờ vào những điều không đâu. Thích những gì khó hiểu, những cuốn sách rườm rà, nhạt nhẽo và nặng nề. Lắng nghe và quan sát mọi thứ để rồi bĩu môi coi thường sự tồn tại của nó. Giống như, “tôi” là sản phẩm được nung nấu bởi sự Vô nghĩa.

Xem thêm  Thế Giới Ngày Nay Và Tương Lai Nhân Loại

Với “tôi”, cái “tôi” vốn dĩ không nên tồn tại, thời gian chẳng làm cái quái gì ngoài việc làm biến mất và bào mòn mọi thứ, những công trình nghiên cứu chỉ là cách tự đánh lừa rằng con người chẳng biết gì ngoài tầm hiểu biết nhỏ bé chỉ bằng cọng lông của thượng đế và cho thế giới này biết con người luôn cố vặn vẹo những điều bí ẩn bằng những chứng mình. Tôi từng nghe đến cái bằng chứng khoa học chứng minh rằng không có cái chết tồn tại bằng vật lý lượng tử, coi cái chết như ảo giác của sự tự ý thức. Lại có những bằng chứng cho thấy sự tự đánh lừa của bộ não, xây dựng lên những sự tồn tại không có thật. Rốt cuộc cố gắng nghiên cứu, càng đi sâu lại càng mơ hồ, chưa ai trên đời này có thể chứng minh được rằng mình là ai và mình có tồn tại hay không. Trong tác phẩm này, nhân vật “tôi” lạc vào trong thế giới phủ nhận mọi tính chân thật của sự tồn tại, xây dựng thế giới này bằng ý thức.

Đôi khi đọc, nghĩ thấy “tôi” hình như là bất cứ ai trên đời này, có khi lại nghĩ hay “tôi” chỉ là một bãi đất, có khi lại cho rằng hình như “tôi” là không khí thì phải. Nhưng rồi nghĩ không ra, lại thôi không băn khoăn, “tôi” là ai cũng được, mặc kệ đi. “Tôi” vẫn là “tôi”, “tôi” yêu hết tất cả kẻ thù, yêu tất cả những ngày thê thảm, yêu hết những mặt trời cay đắng, yêu hết những mặt trăng tủi nhục. Không có một luân lý nào, không có một mối rằng buộc. Đó là một cái “tôi” vĩ đại dù thật thối nát, cái “tôi” nhỏ bé nhưng thật to lớn, cái “tôi” tự coi mình là kẻ bẩn thỉu nhưng cũng tự coi mình là thánh nhân, … mà tôi thấy ở tác phẩm.

Những gì ông nhìn thấy ở cuộc đời này, nó rộng lớn hơn cái thế giới chật hẹp mà con người đang tự nhốt mình vào. Ông chạm tay vào cuốn sách lại có thể cảm nhận được sự tồn tại của thời gian trên đó, của những kí ức tồn tại trong đó. Giống như mặt nước vậy, lưu lại hình ảnh ở khắp mọi nơi qua chiếc gương trải dài khắp thế giới. Tôi thích một “tôi” như vậy, nhưng lại căm ghét nó.  Bởi, “tôi” hiểu tôi và hiểu thế giới này, làm tôi có cảm giác như bị lột trần.

Bình luận