Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Ngược Đường Trường Thi

Tác giả: Nguyễn Triệu Luật

Viện Nghiên Cứu Hoover, Đại Học Stanford

Sau khi cướp ngôi nhà Lý, nhà Trần lo củng cố quyền lực. Một trong công việc này là tìm mọi cách tiêu diệt hết những người lãnh đạo của triều đại cũ, và đồng thời tê liệt hóa hoạt động của tông thuộc hay các bầy tôi của triều đại này. Công tác ấy có hy vọng giúp tránh được hậu họa mất ngôi báu về tay triều đại cũ.

Nhà Trần làm những gì để ngăn ngừa hậu họa đó?

Lật lại các trang sử cũ, ta thấy có 3 phương cách nhà Trần áp dụng:

a)Tiêu diệt những người lãnh đạo.

b) Đày ải một số ở những nơi xa xôi.

c) Xóa tông tích lý lịch để những kẻ chống đối tiềm thế không còn nhớ tới nguồn gốc của mình.

Cuốn Ngược đường trường thi của Nguyễn Triệu Luật đã mô tả khá đủ về vấn đề này.

a) Tiêu diệt những người được xếp vào hàng lãnh đạo của Triều đình họ Lý. Nhà Trần chiếm ngôi của nhà Lý không bằng võ lực. Thái sư Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Công chúa thứ hai là Lý Chiêu Hoàng, và cho Trần Cảnh kết hôn với Lý Chiêu Hoàng. Kế đó Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho Trần Cảnh. Còn Lý Huệ Tông bị buộc phải đi tu, và sau tự tử chết. Vì vậy, việc tàn sát không xảy ra như thường thấy. Triều đại mới vẫn cho phép tông thuộc họ Lý sinh hoạt bình thường. Vào năm 1232, nhân ngày lễ tiên hậu hàng năm, Thái sư Trần Thủ Độ cho mời tất cả những người vào hàng lãnh dạo họ nhà Lý đến cử hành tế lễ tại lăng miếu như thường lệ. Lăng miêu ấy thuộc làng Du Lâm, tổng Hội Giang, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thường thì, mỗi khi tế lễ xong, mọi người được mời xuống một căn phòng xây dưới đất gọi là cung, để dự tiệc. Lần này, sau khi tông thất nhà Lý xuống cung hết, Trần Thủ Đô cho giật sập sàn xây phía trên, rồi đổ đất chôn sống hơn 70 tông thất nhà Lý.

b) Đày ải một số người di nơi xa xôi hẻo lánh. Trần Thủ Độ cho lập hai làng ở giáp biên giới Hoa Việt. Đó là làng Băng Hà ỏ cửa ải Kỳ Cấp, và làng Ba Điểm tại đèo Lai, thuộc châu Hữu Lũng. Những người này là cận thần nhà Lý, và những kẻ chống nhà Trần được đưa lên lập nghiệp tại đây. Họ chỉ được làm lính, không được thi cử, không được làm quan. Mục đích việc đầy ải những người này là để họ sẽ gặp nguy cơ khi Bắc quân sang xâm lăng, và chắc rằng họ sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, khi quân Mông Cổ sang xâm chiếm nước ta, cả dân cư hai làng ấy đẽ theo giặc. Sau khi đánh đuổi được quân xâm lăng, nhà Trần di cư những người này vào Nam.

c) Bắt những tông thuộc nhà Lý đổi ra họ Nguyễn và không được đi thi, không được làm quan. Vì bị đe dọa nhiều người phải thiên cư đi nơi khác và sống cuộc đời nông dân trong nhiều thế hệ.

Nhờ mưu chước này, Trần Cảnh đã lập ra nhà Trần vào năm 1225. Vì thấy được tâm tàn sát của Trần Thủ Độ, hoàng tử thứ hai của vua Lý Anh Tông là Lý Long Tường vào năm đó đã bỏ trốn. Ông đem đề tế khí vượt biển trốn sang Triều Tiên để tị nạn. Vì vậy ông không bị chôn sống vào dịp lễ tiên hậu kể trên. Sau khi sinh sống ở Triều Tiên được 27 năm tức là vào năm 1253, nhân khi quân “bách chiến bách thắng” Mông Cổ sang xâm lăng, ông được vua Triều Tiên triệu dụng. Ông tuyển mộ nghĩa dũng quân và giúp đánh bại quân xâm lăng. Vì có công đánh giặc, vua Triều Tiên ban cho ông họ Lý (lúc sang tị nạn, ông phải dùng họ Nguyễn) và tước vị Hoa Sơn tướng quân. Nay còn di tích là Việt Thanh Nham và có bia ghi công của ông là Thụ Hàng Môn Bi Các. Con cháu ông cùng với những gia nhân theo ông đi tị nạn lúc đó hiện lập nghiệp thành làng tại quận Khang Linh, đạo (tỉnh) Hoàng Hải.

Hồi 1988 khi ghé qua Hán Thành, tôi có nhờ một Khoa Trưởng Phân Khoa Cao Học thuộc trường Đại học Hàn Quốc đưa đi thăm các làng người Việt ấy mà tôi được biết họ hành nghề đánh cá và được trả lời rằng các làng ấy thuộc địa phận Bắc Hàn. Ở phía bên kia khu phi quân sự. Một số hậu duệ Hoa Sơn tướng quân hiện ở Hán Thành và đã có liên lạc tìm về nơi đất tổ tại Du Lâm, Bắc Ninh.

Tại Hoa Kỳ, sau biến cố 1975, một số hậu duệ nhà Lý vượt thoát được nạn cộng sản và đang sinh sống ở đây. Ông Nguyễn Tư Cự hiện ở California là một người trong số đó. Là trưởng chi thuộc dòng dõi đời thứ năm của Thượng thư Nguyễn Tư Giản (Bộ Lại, đời Tự Đức) và cháu ba đời của nhà giáo dục, nhà văn hóa và cũng là nhà cách mạng Nguyễn Triệu Luật, tác giả cuốn truyện này, ông Cự đã được dòng họ Nguyễn giao phó công việc liên lạc với Hán Thành để tìm tin tức và tài liệu cũng như tiếp xúc với hậu duệ của Hoa Sơn tướng quân.

Tôi biết rằng đã có nhiều tài liệu rất đặc sắc về hậu duệ họ nhà Lý, ở hải ngoại và cả ở trong nước. Và trong một ngày không xa, sẽ có một cuốn sách đầy đủ về trường hợp hi hữu, có một không hai trong lịch sử Việt Nam này.

Ngày 10 tháng 12 năm 1994

Bình luận