Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tư Duy Như Một Hệ Thống

Sáng Thứ Bảy

Tác giả: David Bohm
Thể loại: Triết Học

Bohm: Hôm qua chúng ta đã thảo luận nhiều điều, đã nói về tình trạng đáng thất vọng của thế giới và nhiều vấn đề khác đang đặt ra với cá nhân và xã hội. Chúng ta đã xem xét quan niệm cho rằng tư duy là nguồn gốc của tất cả mọi vấn đề ấy – rằng chúng là những triệu chứng của một cái gì đó sâu xa hơn, đó là cả một quá trình. Chúng ta đã nói rằng tư duy không hẳn là hoạt động trí tuệ; thay vì thế, nó là một quá trình liên thông, bao gồm cả cảm giác và cơ thể, v.v. Ngoài ra, nó còn di chuyển từ người này qua người khác – nhìn chung, nó là một quá trình toàn cầu.

Tôi đã gợi ý gọi quá trình này là một “hệ thống” – một hệ thống toàn thể trong đó mỗi bộ phận đều lệ thuộc vào các bộ phận khác. Tôi cũng đã gợi ý rằng có một lỗi hệ thống có tính lan tỏa. Thế là khi thấy ở một bộ phận của hệ thống có gì không ổn, ta lại mang một bộ phận khác ra để dựa vào đó mà cố sửa chữa; nhưng làm thế sẽ chỉ tạo thêm những rắc rối không khác nhau là mấy. Tiếp đó ta còn nói rằng không thể giải quyết các vấn đề của mình theo cách này – vì như thế chỉ khiến cho các vấn đề trở nên tồi tệ đi chứ không thể khả quan hơn – và ta cũng đã nói rằng những rắc rối kiểu ấy vẫn đã và đang tiếp diễn trên toàn thế giới hàng ngàn năm nay rồi.

Ngoài ra ta cũng đã nói rằng khi bạn cố xem bên trong bạn có cái gì đang diễn ra khi tất cả những điều đó xảy đến thì bạn lại có cơ vướng phải những cảm giác khó chịu như đau đớn hoặc lo sợ; và rồi bản năng cùng với toàn bộ văn hóa kéo bạn tránh xa khỏi việc đó. Nhưng dẫu có khó khăn thì việc kiên nhẫn chịu đựng những cảm giác khó chịu ấy vẫn cần thiết. Đó là điểm mà chúng ta đã thảo luận vào cuối buổi – rằng nó thực sự là việc đáng làm vì bằng cách này ta may ra có cơ học hỏi được điều gì đó về diễn biến của mọi việc.

Thế nên tôi nghĩ hẳn mọi người có thể có một số điểm cần hỏi về những nội dung chúng ta thảo luận hôm qua, trước khi ta tiếp tục.

H: Trong buổi nói chuyện tối qua, tôi cứ đinh ninh mình đã hiểu những điều mà ngài nói với chúng tôi. Nhưng chắc có những chỗ chưa hiểu, về nhà tôi lại mất ngủ. Cuối cùng tôi lấy bút viết ra giấy khoảng mươi, mười lăm câu hỏi. Sau đó tôi mới thấy dễ chịu hơn và thiếp đi. Vậy có phải là bộ não của tôi cần đến thứ trật tự như thế và đến việc phải đặt câu hỏi hay đến bất cứ việc gì tương tự hay không?

Bohm: Có thể là toàn bộ cuộc nói chuyện đã để lại những câu hỏi, và tâm trí đã đặt chúng ra. Nếu còn điều gì băn khoăn thì bạn khó mà nằm yên được. Chủ yếu ở đây là việc bạn phải nhìn kĩ xem cái gì đang diễn ra và ý thức được sự không mạch lạc – thấy được điều đó có ý nghĩa gì đối vối bản thân mình.

H: Điều chị vừa rồi nói có lẽ cho ta thấy rằng đây là cái gì đó như kiểu một quá trình tâm thể [29] mà chúng ta chưa nhận thấy hết. Chúng ta thường có xu hướng nghĩ nó là một quá trình thuộc trí óc, trong lúc thật ra có khi lại rắc rối hơn thế nhiều. Có lẽ ta nên luôn ý thức được cái khía cạnh khác ấy của quá trình này.

Bohm: Như tôi đã vạch rõ, ta có nói hôm qua rằng nó là một hệ thống; những ý nghĩ, cơ thể, những xúc cảm, và cả những người khác nữa, tất cả đều là những bộ phận của một hệ thống. Và khi bằng vào trí óc bạn đặt ra những câu hỏi thì chúng hoàn toàn có thể tác động đến các bộ phận không thuộc đầu óc hoặc ngược lại – tức là những yếu tố khác cũng tác động lên đầu óc, lên trí tuệ. Do đó, bạn phải xem xét nó như một hệ thống. Đây là điểm mấu chốt, vì nếu không thế thì bạn sẽ không bao giờ có thể xử lí được nó. Nếu nó là một hệ thống thì bạn phải xử lí tất cả các bộ phận của nó.

H: Liệu có khớp được khái niệm về “thói nghiện ngập” với những gì ngài nói không? Tôi nghĩ rằng nghiện bao hàm không chỉ thói nghiện mang tính vật chất như nghiện ma tuý hay nghiện rượu, mà cả các kiểu nghiện tư duy khác nhau nữa. Cứ cho là có cái nghiện mang tính tích cực và có cái nghiện mang tính tiêu cực. Có thể gọi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một kiểu nghiện tư duy mang tính tiêu cực. Còn về kiểu nghiện tư duy mang tính tích cực thì có đến cả binh đoàn các loạt sách viết về “sức mạnh của tư duy tích cực”. Liệu bệnh nghiện tư duy loại này có phải là một phần của sự không mạch lạc mà ngài nói đến hay không, hay liệu ta có thể uốn nắn nó theo cách tích cực hay không?

Bohm: Nếu bạn lao mình vào suy nghĩ tích cực để tìm cách vượt qua những tư duy tiêu cực, thì những tư duy tiêu cực vẫn cứ hoạt động như thường. Thế vẫn là không mạch lạc. Khi những tư duy tiêu cực đã ăn sâu vào bạn thì việc chỉ lao vào những tư duy tích cực là chưa đủ, vì tư duy tiêu cực vẫn không ngừng hoạt động và rồi sẽ gây rắc rối ở những nơi khác.

Tôi sẽ chỉ nói qua về thói nghiện. Có một điều như thế này, khi bạn dùng một chất như moocphin, tác dụng của nó là bao vây một số dây thần kinh hay một số bộ phận cảm nhận cái đau khiến bạn không thấy đau nữa. Thế nhưng cơ thể cũng có thể tạo ra những chất tự nhiên có cấu trúc phân tử tương tự, được gọi là “endorphin”, có tác dụng giống hệt – có thể còn tốt hơn. Thực vậy, người ta thường kể rằng đôi khi có những người lính ngoài mặt trận bị thương rất nặng nhưng không thấy đau. Trong người họ lúc đó có rất nhiều endorphin, và chỉ sau đó họ mới thấy đau. Vậy là nó có một chức năng cực là hữu ích và chức năng đó đã cứu sống họ.

Điều này cũng khả dĩ đối với các loại tư duy – những suy nghĩ làm yên lòng hay những suy nghĩ vui vẻ đều có khả năng sản ra endorphin. Và theo một cách hiểu nhất định thì sau đó bạn trở thành con nghiện của những tư duy như vậy, rồi bạn bảo “tôi chẳng bỏ được chúng đâu; kể cả chúng sai thì tôi cũng cứ tin là chúng đúng''. Bạn không thể chịu nổi ý nghĩ là những gì bạn thích nghĩ đến lại không đúng, vì làm vậy thì endorphin có thể mất đi và cái đau biết đâu sẽ quay trở lại.

Bởi vậy bạn mới nói được rằng trong quá trình tư duy có thể có một thói nghiện. Trên thực tế, đây là một trong những thứ kìm giữ chúng ta. Quá trình tư duy vừa là một quá trình sinh lí học thần kinh, vừa là một quá trình trí tuệ lại vừa mang tính cảm xúc. Nó có cả những yếu tố vật lí lẫn cả những yếu tố hóa học. Các nhà nghiên cứu y khoa đã chứng minh điều này khi họ làm những thí nghiệm chụp cắt lớp bộ não. Mỗi lần bạn suy nghĩ thì quá trình phân phối máu lại xoay vần đủ kiểu và bên trong cơ thể xuất hiện các loại thay đổi; có những sóng điện não có thể đo được. Như vậy ít nhất tư duy có một cơ sở nhất định trong quá trình sinh lí học thần kinh này; nó không bao giờ tách được quá trình đó. Đây là điều mà chúng ta phải ghi nhớ. Và rồi quá trình này cũng là một phần của hệ thống mà chúng ta đang nói đến. Vậy là nếu bạn thay đổi quá trình này về mặt vật lí – chẳng hạn bằng cách đưa ma túy vào cơ thể – bạn sẽ làm thay đổi cả hệ thống.

H: Liệu có một khoảng trống hay không cho một tư duy mới mẻ đến mà không bị cái gì ràng buộc, cho phép chúng ta có được một cuộc đối thoại?

Bohm: Chúng ta sẽ thảo luận về đối thoại sau. Bây giờ tôi chỉ nói rằng việc có một khoảng trống như vậy là không loại trừ, nhưng ta vẫn có thể bắt đầu đối thoại mà chưa xem xét đến vấn đề này để rồi phát hiện xem có khoảng trống đó hay không.

Có một điểm mà tối hôm qua tôi muốn nhấn mạnh là ta không hề có ý muốn coi hệ thống này như một thứ đá tảng tuyệt đối cố định mà ta không bao giờ thâm nhập được. Thực tế nó không vững chắc đến thế. Nó có những kẽ nứt và có những thứ lọt qua được, do đó không phải là không có cơ hội để làm một điều gì đó. Bạn không kiểm soát được việc này, nhưng những cơ hội nhất định sẽ đến.

H: Quá trình “suy nghĩ tích cực” có những tác động thế nào đến sức khỏe của chúng ta? Liệu có thể có sự nhị nguyên phân lập giữa sự thực về những tư duy tiêu cực của chúng ta với những ảo tưởng về suy nghĩ tích cực hay không?

Bohm: Nếu ai đó lao vào những suy nghĩ tích cực thì chẳng qua chỉ vì anh ta đã bị suy nghĩ tiêu cực khống chế. Anh ta muốn khắc phục điều này bằng suy nghĩ tích cực. Nhưng như thế thì cùng lắm anh ta chỉ có thể hi vọng lèn chặt những tư duy tích cực vào tâm trí mình nhằm trì hoãn những tư duy tiêu cực sao cho chúng đỡ quấy rầy mình quá mức mà thôi.

H: Những tư duy chui xuống tầng hầm và nằm đó.

Bohm: Đúng, chúng nằm đấy, rình rập. Và rồi khi người kia vì sao đó cảm thấy yếu mệt, lo sợ hay có gì bất thường xảy ra là lập tức chúng xuất đầu lộ diện; trước đó anh ta chưa bao giờ thật sự xử lí những tư duy tiêu cực đã ghi hằn trong trí nhớ của mình. Người ta thường nói những câu kiểu như “vui lên nào” chỉ với những ai đang buồn mà thôi. Nếu ai đó buồn rầu chỉ vì những lí do vớ vẩn thì nói thế thôi có khi cũng là ổn, nhưng nếu anh ta có lí do trầm trọng hơn thì sự buồn bã sẽ không mất hẳn được. Anh ta có thể vui lên được một lúc, nhưng rồi cái buồn trở lại ngay. Bất luận thế nào thì đó cũng không phải là một giải pháp hữu hiệu, mà trong trường hợp xấu nhất nó lại khiến endorphin được sản ra nhiều làm anh ta đâm ra nghiện những tư duy giả tạo, v.v. Đó không phải là một giải pháp. Chúng ta phải đào sâu hơn nữa.

H: Có phải ngài nói rằng chúng ta có một hệ tâm lí trong đó những hình ảnh dùng để khẳng định được lấy làm căn cứ cho sự an lành của chúng ta, và rằng hệ tâm lí kiểu ấy chưa bao giờ được xem là cơ sở thật sự cho sự an lành, bởi vì sớm muộn gì ta cũng sẽ lại có những hình ảnh mang tính phủ định?

Bohm: Đúng, trong chừng mực chúng ta nhìn nhận những hình ảnh này một cách nghiêm túc. Nếu những hình ảnh tích cực có thể khiến ta hân hoan, thì những hình ảnh tiêu cực lại có thể khiến ta buồn bã. Một khi ta còn chấp nhận việc xem những hình ảnh như những thực tại thì ta chưa thoát ra khỏi cái bẫy đó. Bạn có thể có được một số hình ảnh tích cực đẹp đẽ đến từ những người xung quanh bạn, và rồi có người đến mang cho bạn một hình ảnh vô cùng tiêu cực. Lúc này thì chính những kênh đã làm cho bạn cảm thấy dễ chịu do bởi những hình ảnh tích cực lại thừa sức làm cho bạn cảm thấy khổ sở do bởi những hình ảnh tiêu cực.

H: Hình như ngài có ý nói rằng để thật sự chú tâm vào những gì đang diễn ra trong tư duy, người ta hẳn phải làm điều đó rất kĩ lưỡng và chi tiết. Thế giới tâm lí hẳn phải là cái phần bóng tối của nhân cách hoặc là những con chó đói dưới hầm sâu – cái mà trong tâm lí học gọi là “tội lỗi”. Nó luôn được chôn lấp phía dưới và ta đang nhìn thấy nó nơi người khác.

Bohm: Bất cứ điều gì xảy đến ta hãy cứ để mặc cho nó đến. Nhưng vấn đề là ở chỗ ta có một cơ chế ngăn ngừa không cho nó xảy ra. Bộ não đã bị điều kiện hóa [conditioned] để cản nó lại. Chúng ta cần phải hiểu được quá trình này.

H: Và điều này được củng cố về mặt văn hóa.

Bohm: Đúng, nó luôn luôn được củng cố. Cứ cho rằng những gì có liên quan thích đáng đều bất luận thế nào cũng hẳn phải xảy đến trong ý thức, nhưng lại có cả một cơ chế đè nén không cho chúng ngoi lên.

H: Có kiểu kìm nén xảy ra thậm chí ở một số nơi lại được coi là tốt. Có những người chẳng chịu chấp nhận bất cứ gì tốt đẹp mà người khác cho họ hay biết chỉ vì họ không thấy bản thân họ có gì tốt đẹp.

Bohm: Bạn bảo mình là tuyệt vời hay là kẻ tội lỗi thì cũng chẳng khác gì nhau. Chỉ là một hình ảnh thay vì một hình ảnh khác mà thôi. Quá trình cơ bản không khác gì nhau dù bạn nói: “tôi là người giỏi nhất và tốt nhất” hoặc “tôi là người xấu nhất, chính tôi gây ra mọi tội lỗi”. Nó là cùng một quá trình như nhau, sự khác biệt ở đây chỉ là phụ. Nếu bạn bảo bạn là người tốt nhất, sẽ có người đến chất vấn bạn. Và thường thì mọi người, với đủ mọi loại lí do phức tạp có từ trong quá khứ của họ, lại thấy chấp nhận tội lỗi là việc làm dễ dàng hơn.

H: Thắc mắc về cả hai cái đó liệu có đáng không? Chẳng phải chúng ta cần xuống sâu bên dưới toàn bộ quá trình ấy để thấy rằng bất cứ hình ảnh nào ta có đều không có căn cứ thực tế hay sao? Vậy là không thành vấn đề việc tôi nên tin vào cái tích cực hay cái tiêu cực nữa; vấn đề là phải hiểu trọn toàn bộ sự việc.

Bohm: Đúng thế. Toàn bộ là một hệ thống – cả cái tích cực lẫn cái tiêu cực. Cái tích cực và cái tiêu cực là hai mặt của một hệ thống. Mọi cái tích cực đều hàm ý cái tiêu cực, và ngược lại. Ta hãy thử xem điều này.

Đâu đó ở giữa bộ não có những trung tâm sướng-khổ. Các nhà nghiên cứu đã chạm được đến những trung tâm này ở động vật. Có lần tôi thấy một bài báo có hình ảnh một con mèo trông rất vui vẻ khi người ta dùng luồng điện hay hóa chất kích thích vào trung tâm sướng của nó. Đến lúc bị kích thích mạnh hơn chút nữa thì con mèo tỏ ra rất sợ hãi. Khi lại kích thích mạnh hơn chút nữa thì nó có vẻ phát khùng lên nhưng đồng thời lại có vẻ như cũng thích. Giận dữ cũng chính là thích thú.

Các nhà nghiên cứu đã giải thích là, mỗi lần bạn khuấy động cảm giác vui thích, tất cả những trung tâm đau quanh đó cũng tham gia vào để bù trừ lẫn nhau. Mỗi lần bạn khuấy động cảm giác đau thì những trung tâm vui thích lại cũng vào cuộc. Cả hai cái đó luôn trộn lẫn với nhau. Nó là một cảm giác hết sức phức tạp. Giả sử bạn bị vấp ngón chân: bạn thấy đau, nhưng các trung tâm vui thích đúng lúc đó cũng bắt đầu hoạt động để chiến thắng cái đau. Và bạn cảm thấy vui khi hết đau – cái vui tiếp tục đọng lại. Nói cách khác, cái đau đã tan biến và các trung tâm đau lúc này tạm yên ắng. Nhưng các trung tâm vui thích thì phải một lúc nữa mới yên ắng, vì chúng được khuấy động sau một chút, vậy là cái này biến thành cái khác. Giống như thế, cảm giác sợ với cảm giác an toàn cũng là cái này chuyển thành cái kia.

Rồi quá trình lại trở nên phức tạp hơn bởi do ta đưa từ ngữ vào, nói rằng “thế này gọi là sướng, thế kia gọi là khổ”. Ta đã bày ra cách để bảo rằng mọi sự việc hoặc là đáng vui, hoặc là đáng buồn. Nói cái gì đó không sướng tức là hàm ý rằng nó có thể khổ. Hoặc nếu bạn mất đi một niềm vui, thì việc đó hẳn có hàm ý một sự mất mát – một nỗi đau. Mặt khác, nếu bạn cho rằng nỗi đau đã qua đi thì hẳn bạn phải vui mừng vì điều đó. Do đó mà cái vui trực tiếp hàm chứa cái khổ, và cái khổ lại hàm chứa cái vui. Bạn không thể tách rời hai cái ấy ra được, dù ở cấp độ hóa học hay ở cấp độ trí tuệ, hoặc ở bất kì cấp độ nào khác.

Việc tìm kiếm một niềm vui không dứt ắt phải thất bại, vì những trung tâm vui thích được dùng nhiều rồi cũng bị nhàm đi. Những trung tâm đau lúc này được kích thích để cân bằng lại với những trung tâm kia, và thế là chúng bắt đầu ồ ạt vào cuộc. Vậy là chẳng có cách gì có được một niềm vui không dứt. Nếu bạn cứ cố chấp làm điều đó thì tôi nghĩ bạn hẳn sẽ khám phá ra rằng rồi nó sẽ biến thành nỗi đau. Vui sướng luôn chỉ là một hiện tượng quá độ.

Phản ứng sướng-khổ nói chung chỉ thích hợp đối với động vật, chứ đối với tư duy thì bạn có thể thấy là không. Tiêu chuẩn đối với tư duy mạch lạc đó là nó phải đúng và thật. Nhưng nếu nhờ vào tư duy mà bạn có thể thấy sướng hay thấy khổ thì như vậy là tư duy mạch lạc đã không còn hoạt động nữa. Nói đúng hơn, tiêu chuẩn ở đây phải là, thứ tư duy nào mang lại được niềm vui hoặc nỗi khổ thì đó là thứ tư duy đã trở thành tư duy tiêu cực. Nếu tư duy có thể được xác định bằng niềm vui hay nỗi khổ, thì đó đã là sự mở màn cho không biết bao nhiêu điều rắc rối. Và chúng ta bị điều kiện hóa bởi điều đó. Lát nữa ta sẽ còn trở lại tất cả những chuyện này.

H: Tạo cảm giác bằng endorphin có vẻ như là cách làm hay nhất để khỏi phải chuyển trạng thái. Ta dường như ưa thích được ở vào một trạng thái nào đó và rồi bỏ cả cuộc đời ra để tìm cách giữ cho các endorphin luôn hoạt động.

Bohm: Bất kì cái gì tạo ra được các endorphin đều coi tương đương với việc dùng moocphin, hay thậm chí tốt hơn. Trong lúc đó bạn sẽ cảm thấy dễ chịu. Nhưng bạn không duy trì được các endorphin mãi mãi, nó nhất định phải thay đổi. Chẳng hạn có những thứ hóa chất khác có thể gây tâm trạng lo âu, và lại còn nhiều thứ khác gây ra những phản ứng loại khác. Tất cả những thứ ấy tác động vào bộ phận cảm nhận theo cách mà bạn không thể kiểm soát được. Do đó mà quá trình theo đuổi niềm vui không dứt sẽ không thực sự có tác dụng. Xem kĩ ra bạn sẽ thấy rằng ý đồ kiểm soát các endorphin là một ý đồ không mạch lạc.

H: Tôi thấy được điều đó; thế nhưng hình như vẫn chưa thấy được cái trạng thái khác kia xuất hiện.

Bohm: “Trạng thái khác” lại chính là sự phóng chiếu của hệ thống này. Nếu bắt đầu bằng cách giả định rằng có một trạng thái khác thì chúng ta đã lại rơi vào hệ thống, bởi vì hình ảnh được phóng chiếu về một trạng thái khác cũng tạo ra các endorphin. Ta phải thấy rằng cách làm duy nhất đúng ở đây là nói rằng chúng ta mong muốn thấy được nó thế nào – thế nào là đúng, thế nào là thật, thế nào là mạch lạc.

H: Việc đó thì khác gì việc săn tìm niềm vui?

Bohm: Khác chứ. Nhưng quả thực nếu bằng việc này mà bạn lại tìm được niềm vui thì còn gì bằng, chỉ có điều cái nhìn của bạn có thể bị biến dạng. Điểm chủ yếu tôi muốn nói ở đây là, quá trình này là một quá trình không mạch lạc; không có cái gì trong đó lại có được một ý nghĩa nào hết – dù cho bạn có vui, có khổ, có sợ, hay có làm sao đi nữa. Khi mà quá trình đã khăng khăng duy trì sự không mạch lạc thì tất cả chẳng còn ý nghĩa gì. Có người thấy vô cùng sung sướng trong việc tự dối mình, có trường hợp tới mức nghĩ rằng, “mình đây chính là Thượng Đế” hoặc “mình đây chính là Napoleon”. Rồi vì tự lừa mình tới quá mức, anh ta đâm ra tìm cách tránh xa tất cả những bằng chứng ngược lại. Nhưng bạn không thể duy trì như thế mãi mà không chịu những hậu quả tiêu cực.

Như vậy, kiểu cố tình sống bằng niềm vui hay bằng các loại endorphin đều không mạch lạc. Chúng ta đang bị kẹt trong một quá trình, trong một hệ thống không có chút ý nghĩa gì. Đó là điểm đầu tiên cần lưu ý. Vậy ta phải làm gì đây? Tôi nghĩ ta phải tìm hiểu quá trình này một cách kĩ hơn thôi.

H: Có phải hễ ý thức được về hệ thống là đã vòng tránh được tác động hóa học hay không, và do đó tư duy không bị vướng mắc vào tác động hóa học của các endorphin nữa hay không?

Bohm: Cũng trong một chừng mực nào đó mà thôi. Nhưng có nhiều khả năng là rồi sau đó bạn sẽ thấy nó lại bị mắc vào, bởi vì có cái gì đó xảy đến quá nhanh hay quá mạnh.

H: Tôi không có ý nói là mãi mãi; nhưng vào thời khắc ngài nhìn vào quá trình đang mở, may ra ngài có cách luồn ra cửa sau – thoát khỏi nỗi sợ bị đau và thoát khỏi nhu cầu về endorphin.

Bohm: Hãy nói rằng như thế là bạn đã có cơ bắt đầu chuyển sang một cấp độ khác; hoặc không biết chừng có một cấp độ khác có khả năng khiến ta thức tỉnh, mà cấp độ đó lại không bị kiểm soát bởi hệ thống. Đó cũng là một khả năng.

H: Chẳng phải ta đang bắt đầu quá trình tìm hiểu này bằng cái khái niệm “tôi” đang tìm hiểu, “tôi” có các endorphin “của tôi”, v.v., đó sao? Ngay việc đó đã là một giả định lớn rồi.

Bohm: Đúng, nhưng chúng ta phải nói ra tất cả những cái đó. Tôi là tất cả nội dung của hệ thống, nhưng không biết chừng đồng thời tôi còn có một tiềm năng là cái gì đó hơn thế nữa. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nói. Ta không mặc định. Ta đang khảo sát – liệu ta có tiềm năng là cái gì đó hơn là nội dung của hệ thống hay không?

H: “Cái gì” đang tìm hiểu có lẽ không liên quan gì đến các endorphin.

Bohm: Biết đâu là có một tiềm năng vượt ra ngoài hệ thống. Nếu là quá trình tìm hiểu đích thực thì cũng có thể nó vượt ra ngoài hệ thống. Nhưng đừng mặc định về nó, vì như thế nó sẽ là một phần của hệ thống. Tất cả các mặc định đều rơi vào hệ thống.

Có một cách khác để có thể nhìn thấu vào sự việc: đó là nhìn vào tư duy xét nó như một tập hợp các phản xạ. Vậy phản xạ là gì? “Phản xạ” có nghĩa là “hướng trở lại”, “quay trở lại” – giống như “phản hồi lại”. Khi bạn gõ vào xương đầu gối, nó sẽ giật một cái. Ở đây xảy ra việc các dây thần kinh mang tín hiệu gặp nhau ở đâu đó; chúng tiếp giao với nhau, có lẽ ở xương sống và đi ra ngoài dưới dạng một tín hiệu làm cho đầu gối bạn giật lên. Đó là một trong những phản xạ sơ đẳng nhất.

Ta có rất nhiều phản xạ, và chúng có thể bị điều kiện hóa. Chẳng hạn, lũ chó có một phản xạ khiến chúng tiết nước bọt khi thấy thức ăn. Một phản xạ có nghĩa là khi có một việc gì xảy ra, thì kết quả là có một việc khác cũng tự động xảy ra. Pavlov đã làm một thí nghiệm trong đó ông rung chuông khi đưa thức ăn cho chó. Ông làm như thế nhiều lần, và sau một thời gian, con chó chỉ cần nghe tiếng chuông mà không có thức ăn nó vẫn tiết nước bọt. Có lẽ tiếng chuông nhắc cho con chó nhớ đến thức ăn, hay có lẽ dần dần nó bỏ qua giai đoạn này và chỉ riêng tiếng chuông trực tiếp làm cho con chó tiết nước bọt. Nhưng phản xạ này bị điều kiện hóa bởi tiếng chuông, nói cách khác, nó là đối tượng cho một điều kiện khác.

Đó là hình thức cơ bản của điều kiện hóa – việc thường xuyên lặp đi lặp lại một cái gì. Bằng cách nào đó nó để lại một dấu ấn trong hệ thống, trong các dây thần kinh, và thế là thay đổi được một phản xạ. Lúc nào bạn cũng có thể nhìn thấy việc điều kiện hóa các phản xạ. Thật vậy, phần lớn việc học tập thường ngày của chúng ta là thiết lập những phản xạ có điều kiện. Chẳng hạn, khi bạn học lái xe, bạn cố gắng lập điều kiện cho các phản xạ của bạn, sao cho chúng trở nên thích hợp. Khi bạn tập viết cũng thế – bạn đâu muốn cứ lúc nào cũng phải nghĩ xem mình sẽ tạo hình chữ này chữ kia như thế nào – hoặc như khi bạn tập đi bộ hay tập làm vô khối các việc khác. Một số phản xạ được thiết lập và được điều kiện hóa như vậy.

Ta đã nói với nhau rằng khi ta có một tư duy thì tư duy đó được ghi vào trí nhớ. Nó được ghi vào dưới dạng một phản xạ. Trí nhớ thường được thể hiện dưới dạng này – khi bạn nhìn thấy một cái gì đó thì nó nhắc cho bạn nhớ đến một cái gì đó, hay nó khiến bạn làm một việc gì đó, hay khiến bạn nhìn cái gì theo một cách nhất định. Những cái đó thuộc một kiểu phản xạ.

Và rồi những phản xạ bị điều kiện hóa có thể tác động lên các cảm giác. Ai đó có thể nói với bạn điều gì, và bạn có một cảm giác nhất định để phản ứng lại điều người ấy nói. Điều này có thể khiến bạn sợ, có thể tác động đến adrenalin của bạn, và việc đó có thể tác động đến những tư duy của bạn; rồi tư duy này dẫn đến tư duy khác, tư duy khác lại dẫn đến tư duy khác nữa. Thế là bạn có một chuỗi tư duy.

Bạn có quyền bảo những tư duy sơ đẳng có thể được thể hiện dưới dạng một loạt các phản xạ – chẳng hạn ai hỏi bạn tên gì là bạn trả lời được ngay. Đó là một phản xạ. Với một câu hỏi khó hơn thì tâm trí có một cách lục vào trí nhớ để tìm các câu trả lời; có một “phản xạ tìm kiếm” được thiết lập – tâm trí lục tìm trong trí nhớ, tìm ra một câu trả lời may ra phù hợp, rồi sau đó câu trả lời bật ra và bạn có thể xem nó có phù hợp hay không.

Theo tôi thì toàn bộ hệ thống này đang vận hành thông qua một tập hợp các phản xạ – tư duy là một tập hợp hết sức tinh vi bao gồm các phản xạ vô hạn về tiềm năng; bạn có thể bổ sung thêm mãi và bạn có thể chỉnh sửa những phản xạ của mình. Giả sử là một nhà logic học, bạn sẽ bảo: “Tất cả thiên nga, con nào cũng có màu trắng. Đây là con chim thiên nga, vậy nó phải có màu trắng.” Nhưng rồi bạn chỉnh sửa lại và nói: “Tôi có thấy vài con thiên nga hình như không phải màu trắng.” Vân vân. Một khi đã được nhớ thì ngay cả toàn bộ quá trình logic cũng có thể trở thành một tập hợp các phản xạ. Bạn suy nghĩ một cách logic thông qua một tập hợp các phản xạ. Rất có thể có một thứ tri giác hợp lí nằm ngoài các phản xạ, nhưng sớm muộn thì bất kì cái gì được tri giác đều cũng sẽ biến thành một tập hợp các phản xạ. Và đó là cái mà tôi muốn gọi là “tư duy” – nó bao gồm cả cảm xúc, cả trạng thái về cơ thể, cả phản ứng cơ lí, và mọi thứ khác nữa.

Theo tôi, xem đây như một hệ thống các phản xạ là rất tiện lợi. Như ta thấy trong trường hợp đầu gối bị giật, việc làm duy nhất của một phản xạ chỉ là tác động và dẫn đến hiệu quả thôi. Tuy nhiên, thông thường ta không nghĩ tư duy lại giống như phản xạ đầu gối. Ta nghĩ chúng ta đang kiểm soát tư duy và tạo ra tư duy. Kiểu suy nghĩ đó là một phần của toàn bộ cái phông nền văn hóa và tri thức của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng nhìn chung thì không phải như vậy – rằng phần lớn tư duy của chúng ta chỉ lộ diện từ hệ thống phản xạ. Bạn chỉ thấy tư duy là cái gì sau khi nó đã lộ diện. Như vậy là điều này đã thật sự làm đảo lộn rất nhiều cách nhìn của ta đối với tâm trí hoặc đối với nhân cách hoặc đối với toàn bộ bức phông nền văn hóa của chúng ta.

Do đó, việc toàn bộ cái hệ thống này, cái hệ thống mà ta gọi là “tư duy' này, đang vận hành như một hệ thống các phản xạ, là việc đáng để ta cân nhắc thật thấu đáo. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: liệu bạn có ý thức được về đặc tính phản xạ của tư duy hay không – liệu nó có phải là một phản xạ hay không, liệu nó có phải là toàn bộ một hệ thống các phản xạ thường xuyên có khả năng được chỉnh sửa, được bổ sung và được biến đổi hay không? Và chúng ta có thể nói rằng chừng nào mà các phản xạ vẫn còn được tự do biến đổi thì hẳn phải có một loại trí tuệ, hay một loại tri giác, một cái gì đó vượt ra ngoài phản xạ một chút, có khả năng nhìn xem nó có mạch lạc hay không. Nhưng khi bị lệ thuộc quá chặt chẽ vào điều kiện thì nó lại có thể kháng cự lại loại tri giác đó; nó có cơ không cho phép thứ tri giác như vậy hoạt động. Các bạn có rõ điều tôi muốn nói không?

Vấn đề là nếu không quá cứng nhắc thì những phản xạ này phục vụ được cho chúng ta. Còn nếu chúng không có tác dụng, nếu chúng không mạch lạc, ta có thể cho chúng ngừng hoạt động hoặc chúng có thể tự ngừng hoạt động. Thế nhưng ngược lại, nếu chúng trở nên quá mạnh và cứng nhắc thì khó lòng mà buộc chúng ngừng hoạt động.

Tôi nghĩ ở đây có một lí do về mặt sinh hóa thần kinh. Mọi tư duy đều kéo theo một vài thay đổi nào đó về mặt hóa học của hệ thống. Một tư duy mạnh mẽ kèm với rất nhiều cảm xúc sẽ kéo theo một thay đổi lớn hơn. Hoặc một sự lặp đi lặp lại liên tục cũng sẽ tạo ra thay đổi. Và nếu cả hai kết hợp lại thì sẽ gây ra một hiệu ứng rất mạnh. Người ta đã quan sát thấy rằng các dây thần kinh trong não không hoàn toàn chạm khít với nhau, mà được nối với nhau bằng những khớp thần kinh. Các nhà nghiên cứu nói rằng, kinh nghiệm, tri giác, tư duy, v.v., là những thứ thiết lập nên các kết nối dạng khớp. Ta có quyền giả định rằng, bạn càng lặp đi lặp lại một mẫu hình nhiều từng nào, thì những mối nối đó càng chắc khỏe thêm từng ấy, để rồi sau một quãng thời gian nhất định chúng sẽ trở nên vô cùng chắc khỏe, rất khó bị lay chuyển. Bạn có thể nói rằng có cái gì đó đang diễn ra về mặt hóa học, về mặt cơ lí và về sinh lí học thần kinh. Vậy đây không phải đơn thuần là một vấn đề trí tuệ hay một vấn đề về xúc cảm, hay thậm chí chỉ đơn thuần về mặt cơ địa. Thay vì thế, các phản xạ bị điều kiện hóa rất chặt chẽ, và rất khó làm chúng thay đổi.

Và chúng còn can thiệp nữa. Một phản xạ có thể kết nối với các endorphin và tạo ra một động lực để cố duy trì toàn bộ một mẫu hình nào đó càng lâu càng tốt. Nói cách khác, nó tạo ra một phản xạ tự vệ. Không phải nó kẹt cứng lại chỉ bởi vì nó chắc khỏe về mặt hóa học, mà còn vì nó có một phản xạ tự vệ nhằm ngăn ngừa những bằng chứng có cơ khiến nó yếu đi. Đó là tất cả những gì diễn ra, phản xạ nối tiếp phản xạ rồi lại nối tiếp phản xạ khác nữa. Đây đúng là một hệ thống rộng lớn các phản xạ. Và chúng tạo thành một “cấu trúc” một khi chúng trở nên rắn chắc hơn.

H: Đây có phải là sự tiến hóa của quá trình học hỏi không? Và có phải cơ thể của chúng ta cũng tiến hóa theo cách đó không?

Bohm: Có thể lắm chứ. Nhưng bây giờ vấn đề là: những phản xạ ấy có mạch lạc hay không? Theo thuyết tiến hóa, những hệ thống không mạch lạc không tồn tại được lâu dài. Cái này gọi là “chọn lọc tự nhiên”. Thế nhưng trong tư duy ta cảm thấy như có thể duy trì sự không mạch lạc của các hệ thống phản xạ này ít nhất trong một thời gian khá dài. Đôi khi, những người có những hệ thống phản xạ như vậy khó sống được thật lâu, nhưng trong xã hội của mình, ta đã thu xếp được những điều kiện để trong đó ta vẫn có thể tiếp tục sống với rất nhiều cái không mạch lạc mà trên thực tế không hề dẫn đến một quá trình chọn lọc nào. Vấn đề là các phản xạ có thể trở thành không mạch lạc và kẹt ở đấy vì tất cả những cơ chế này.

H: Nếu phải dùng những từ khác để nói về sự không mạch lạc thì ngài sẽ dùng những từ nào?

Bohm: “Sự không nhất quán” [30], “sự xung đột”. Những gì không mạch lạc đều có thể được bộc lộ ra như sự mâu thuẫn, như một sự căng thẳng.

H: Sự không thích đáng chăng?

Bohm: Không thích đáng, đúng, nếu nó cứ duy trì như thế lâu. Điều tôi muốn nói là nếu có sự không mạch lạc được duy trì lâu dài, thì nó sẽ vẫn tiếp tục như vậy bất chấp một sự thật là có những bằng chứng cho thấy nó không mạch lạc. Bởi vậy ta có thể nói rằng có một cách đối phó thông minh khi nhìn thấy sự không mạch lạc là dừng nó lại, đình hoãn nó lại và bắt đầu tìm kiếm lí do của sự không mạch lạc để thay đổi nó đi. Nhưng tôi nói có một sự không mạch lạc mang tính tự vệ. Một dòng tư duy liên tục không mạch lạc đi kèm sát với các endorphin sẽ tự bảo vệ mình một cách điển hình, bởi vì lúc này bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu khi nó bị mang ra chất vấn; việc chất vấn bắt đầu loại bỏ các endorphin.

H: Giữa sự không mạch lạc và bệnh u bướu có nét giống nhau nào không?

Bohm: Khối u là một sự phát hiển lớn lên không mạch lạc. Nó không mạch lạc với toàn bộ hệ thống của cơ thể, và nó cứ thế tự lớn lên. Vì một số lí do, khối u không chấp nhận bất cứ thứ gì mà hệ thống cơ thể sử dụng để khiến nó tự giữ trật tự, nó tự vệ chống lại điều này, và trong thực tế thậm chí còn động viên cơ thể hậu thuẫn cho nó. Tôi đã đọc thấy có tài liệu nói rằng có một số loại khối u có thể tiết vào cơ thể các loại hóa chất khiến cơ thể phát triển các mạch máu để nuôi khối u, đó là một quá trình không mạch lạc cao độ xét dưới góc độ của cơ thể.

H: Theo lập trường này thì mọi loại bệnh tật đều chỉ là một.

Bohm: Vâng, đều là một sự không mạch lạc cả. Nó không mạch lạc với cơ thể xét như một toàn thể.

H: Chúng ta có thể nói trạng thái căng thẳng là sự kết tinh của hệ thống không?

Bohm: Sự không mạch lạc nói trên gây ra nhiều xung đột, và đó có lẽ chính là trạng thái căng thẳng. Bạn có thể thấy rằng nó tác động đến các chất hóa học, không chỉ ở não mà ở khắp cả cơ thể, và tiếp tục tạo ra thêm nhiều thay đổi, rồi những thay đổi này cứ tích dần lên.

H: Từ “phản ứng” có thể được dùng chung cho các phản xạ được không? Phải chăng các phản xạ này hoàn toàn mang tính sinh lí, hoặc phải chăng phản ứng là mang tính tâm lí?

Bohm: Tôi muốn nhấn mạnh rằng nó không chỉ mang tính tâm lí. Mọi phản ứng đều mang cả tính thần kinh sinh lí nữa. Vì thế tôi ưa gọi là phản xạ hơn. Mọi phản ứng của tư duy luôn một lúc đồng thời vừa mang tính cảm xúc, vừa mang tính thần kinh sinh lí, lại vừa mang tính hóa học, và mọi thứ tính khác nữa. Tất cả là một hệ thống. Trong một số trường hợp điều đó không hẳn quan trọng lắm, nhưng bao giờ cũng có ít ra là một hiệu ứng nho nhỏ. Và khi có điều kiện hóa mạnh thì hiệu ứng sẽ vô cùng lớn. Ý tôi là thế này, khi trong đầu bạn vừa thoáng hiện chỉ cần một ý nghĩ kiểu như “trên mặt bàn có chiếc cốc”, thế là đã xảy ra một hiệu ứng dù rất không đáng kể; chỉ nói có thế thôi là cũng đủ để vài hiệu ứng cơ lí diễn ra rồi.

H: Có thể nói rằng bất kì cái gì ta làm hoặc nghĩ mà không hòa điệu với cái toàn thể thì đều là không mạch lạc hay không?

Bohm: Nó phụ thuộc việc chúng ta hiểu thế nào là “toàn thể”. Khó mà cho nó một định nghĩa rõ ràng, nhưng dấu hiệu cơ bản của sự không mạch lạc đó là, bạn có được những kết quả mà bạn không chủ ý có hoặc không muốn có. Và còn những dấu hiệu khác nữa như mâu thuẫn, xung đột, mọi thứ đại loại như thế.

H: Bối rối?

Bohm: Vâng, cả bối rối nữa.

H: Và hành động cố thoát khỏi sự bối rối cũng là không mạch lạc chăng?

Bohm: Chúng ta có thể hành động một cách không thích đáng. Xét trong lòng hệ thống thì hành động cố thoát ra ngoài là một phần của rắc rối.

H: Cách đây ít phút có người hỏi có phải bất cứ cái gì không hòa điệu với toàn thể thì đều là không mạch lạc không. Nhưng hình như ta không biết được cái toàn thể thật ra là gì, còn sự không mạch lạc lại chỉ có thể ở trong phạm vi của cái bé hơn cái toàn thể.

Bohm: Một số bộ phận không được mạch lạc với phần còn lại, đúng vậy.

H: Chúng ta đã xác lập những giới hạn trong lòng cái toàn thể. Sự điên rồ của loài người chúng ta thật ra biết đâu lại thuộc về một sự mạch lạc rộng lớn hơn, và sự mạch lạc đó là ở chỗ tìm cách loại trừ một giống loài vì nó là một giống loài đáng bị quở trách.

Bohm: Nếu xem cái toàn thể đủ lớn thì nó là mạch lạc. Tức là, vũ trụ xét như một toàn thể thì nó là mạch lạc, và nếu nhìn theo cách đó thì tất cả những gì không mạch lạc mà chúng ta đang làm cũng đều là những bộ phận nằm trong sự mạch lạc của vũ trụ cả, thậm chí mặc dầu nếu làm gì đó ngu xuẩn thì ta vẫn sẽ nhận được một kết quả mà ta không muốn.

H: Vậy xuất phát từ cấp độ không mạch lạc hiện ta đang ở đó, liệu ta có cố trở nên mạch lạc hơn được không, và điều đó liệu có lại là một phần của sự không mạch lạc hay không?

Bohm: Bạn có quyền bảo rằng vũ trụ xét như một toàn thể thì chẳng có lí do gì để nói là ở đó có sự không mạch lạc. Nhưng với cấu trúc riêng biệt của mình thì chúng ta lại không mạch lạc. Và một giống loài nào không mạch lạc hoặc với chính nó hoặc với môi trường của nó thì làm sao mà sống sót được. Đó chính là một cái không mạch lạc của vũ trụ. Chính xác là như vậy bởi vì vũ trụ nếu là mạch lạc thì một giống loài không mạch lạc phải không sống sót được ở đó.

H: Thắc mắc về sự không mạch lạc của chúng ta không biết chừng cũng là một phần nằm trong sự mạch lạc của chúng ta. Biết đâu rằng sự mạch lạc phổ quát đang nhảy múa và miệng bảo: “Khoan đã nào. Thế này không ăn thua đâu.”

Bohm: Không tránh khỏi việc cái đó cũng chính là một bộ phận của nó. Vậy thì câu hỏi phải là: cái gì sẽ chiếm ưu thế – việc đặt câu hỏi kiểu này chiếm ưu thế hay là những thói quen cũ bị điều kiện ràng buộc chiếm ưu thế?

H: Liệu ngài có ý nói rằng vào lúc thụ thai, mỗi con người hầu như đã được tiền định phải mang trong mình sự không mạch lạc này hay không?

Bohm: Tôi nghĩ rằng nó là một khả năng đã được gắn sẵn trong bản tính tự nhiên của tư duy. Và giờ đây ta đã từng bước dựng lên một xã hội và một nền văn hóa, để rồi cái xã hội và nền văn hóa ấy lại cấy ghép nó vào trong từng người, dù cho trước kia nó không có ở đó. Nhưng bởi vì tư duy là phản xạ, cho nên ngay vào cái giây phút xuất hiện những con vật có thể suy nghĩ nhiều đến như vậy, thì hẳn đã hiện diện cái khả năng là tư duy không ứng xử một cách mạch lạc.

Tôi đã phác họa cho các bạn khả năng điều kiện hóa phản xạ – bằng sự lặp đi lặp lại, bằng những cảm xúc mạnh, bằng những phương pháp tự vệ, và bằng nhiều cách khác nữa. Và khi đã bị điều kiện hóa một cách mạnh mẽ, thì phản xạ có thể bị tắc nghẽn. Thế rồi hẳn phải đến lúc phản xạ không còn thích đáng nữa nhưng nó không còn khả năng thay đổi; do đó mà sự không mạch lạc có cơ được tạo ra. Bạn sẽ có ngay sự không mạch lạc nếu có một cái gì đó thay đổi trong khi phản xạ vẫn không chịu thay đổi theo.

H: Ngài gọi cái chết là gì trong quan hệ với sự sống?

Bohm: Xét từ góc độ chủng loài thì cái chết là một phần của toàn bộ quá trình này. Bạn có thể nói rằng chủng loài đã tiến hóa theo lối trong đó mỗi thành viên riêng lẻ tồn tại kéo dài được trong một thời gian nhất định. Cũng có thể là nếu các cá thể không sống quá dài thì một dạng chủng loài nào đó sẽ có khả năng sống còn tốt hơn chăng. Nhưng còn những dạng chủng loài khác thì vẫn có thể tồn tại lâu hơn.

H: Không phải là tất cả đều kết thúc bằng cái chết à?

Bohm: Nó phụ thuộc vào việc bạn định hiểu “tất cả” là thế nào.

H: Về mặt chung cục ấy – tức là nói về thời gian.

Bohm: Nhưng vũ trụ lại không kết thúc bằng cái chết. Cái vũ trụ hiện nay tự nó có thể thay đổi, nhưng bên ngoài đó có thể còn có cái gì hơn thế nữa. Bởi thế nếu muốn cho chính xác hơn thì phải nói rằng bất kì một sự vật riêng lẻ nào cũng đều sẽ kết thúc bằng cái chết.

Bài toán về cái chết dài dòng và tế nhị lắm, và rồi về sau ta vẫn có thể bàn thêm. Còn trước mắt ta chỉ có thể nói rằng bất kì một cấu trúc vật chất nào đều luôn biến đổi, và không thể tồn tại vĩnh viễn. Chúng ta cần tự hỏi xem liệu thái độ của chúng ta đối với cái chết có mạch lạc hay không? Còn nếu chỉ hỏi riêng rằng cái chết có mạch lạc hay không thì chẳng có ích gì; cái chết chỉ là một sự kiện. Thế nhưng thái độ của ta thì có thể là không mạch lạc; biết đâu vì vậy mà ta cứ bị cái chết luôn quấy nhiễu.

H: Vậy tiêu chuẩn của sự mạch lạc là gì?

Bohm: Không có thứ tiêu chuẩn nào duy nhất cho sự mạch lạc cả, nhưng bạn lại phải nhạy cảm đối với sự không mạch lạc. Và như ta đã nói, phép thử đối với sự không mạch lạc chỉ có được khi bạn xem những kết quả bạn đạt đến có đúng theo ý muốn của bạn không mà thôi.

H: Vậy phải chăng là không mạch lạc nếu ta có hai thứ mà thứ này đối lập lại với thứ kia?

Bohm: Đúng thế. Bạn có thể xem nó giống như là mâu thuẫn, là xung đột, là rối loạn. Sự mạch lạc được cảm nhận là sự hòa điệu, là trật tự, là cái đẹp, là cái thiện, là chân lí, là tất cả những gì mà mọi người đều mong muốn.

H: Sự không mạch lạc phải chăng có ngay trong ADN, và phải chăng ta sinh ra đã sẵn có nó?

Bohm: Đó không phải là sự mạch lạc đặc thù của tư duy. Theo cách nào đó thì khả năng tư duy của ta đã có sẵn ở trong ADN; cũng như cái khả năng là tư duy có thể mắc sai lầm, cộng thêm vào đó là hàng loạt những bối cảnh nhất định tạo sẵn điều kiện để nó mắc sai lầm. Và bằng cách này hay cách khác, điều này đã diễn ra trong lịch sử nhân loại. Ta chẳng biết được điều đó có phải là không thể tránh khỏi không? Nhưng khi xem xét bản tính tự nhiên của bộ não thì ta thấy rằng rất có vẻ như loại việc như thế hoàn toàn có thể xảy ra.

H: Có lẽ đó là lí do tại sao lại sinh ra một Hitler.

Bohm: Ồ, đó còn là vấn đề xã hội nữa. Chính sự không mạch lạc trong trong cái hệ thống được xem như một toàn thể đã tạo ra Hitler. Không phải chỉ là gen của hắn như thế, mà còn vì hắn lớn lên trong xã hội nước Áo thời bấy giờ, một xã hội vào thời điểm đó đang mang những sắc thái không mạch lạc đến mức buồn nôn. Chẳng hạn, Hitler đã bị cha hắn đánh đập không thương tiếc khi hắn còn nhỏ đến nỗi phải trốn nhà. Khi quay về hắn lại tiếp tục bị đánh nữa. Nhiều người còn nói Hitler nghĩ rằng tổ tiên của y là người Do Thái, và điều này khiến y khó chịu vì y căm ghét người Do Thái kinh khủng. Tất cả những điều đó hẳn đã khiến đầu óc y điên loạn một cách tệ hại.

Vậy là bạn có thể thấy có rất nhiều nhân tố cộng thêm vào đấy. Có lẽ nếu không có những nhân tố ấy, y đã có thể khác đi. Ai mà biết được? Cái cấu trúc di truyền đặc biệt ấy sinh ra trong cái hoàn cảnh xã hội điên loạn đặc biệt ấy đã tạo ra Hitler. Có khi ở một nơi khác nó đã tạo ra một cái gì khác. Trong những tình huống khác biết đâu y chẳng đã là một thiên tài vĩ đại, vì chắc chắn là y có tài.

H: Ngài có cho rằng mọi hình thức bạo lực và nhiễu loạn đều là không mạch lạc cả không?

Bohm: Theo từ điển thì “bạo lực” có nghĩa là “sử dụng sức ạnh một cách thái quá, một cách phi pháp”. Và đó chính là một dạng của sự không mạch lạc. Nơi nào không cần đến sức mạnh mà bạn cứ cố tình sử dụng sức mạnh thì đó là không mạch lạc. Chẳng hạn, nếu có một vấn đề nảy sinh ra trong tư duy, bạn dùng sức mạnh để cố giải quyết nó, điều đó là không cần thiết. Do đó, ý đồ giải quyết các vấn đề xã hội bằng sức mạnh là không mạch lạc, bởi vì tất mọi vấn đề đều nảy sinh ra trong tư duy. Và bạo lực thì không bao giờ giải quyết được vấn đề trong tư duy.

H: Ngài có cho rằng khoa vũ trụ học của ta là mạch lạc hay không?

Bohm: Có lẽ phần nhiều là không. Không có thứ tư duy nào hoàn toàn mạch lạc cả. Bản tính tự nhiên của tư duy nằm ở chỗ nó không phải là hoàn chỉnh. Rồi đây ta sẽ thảo luận về vấn đề này. Nhưng khi phát hiện thấy có sự không mạch lạc thì thái độ của ta có thể hoặc là vận động hướng đến sự mạch lạc, hoặc là bảo vệ sự không mạch lạc.

Việc bảo vệ sự không mạch lạc đầu tiên chính lại là một kiểu không mạch lạc mà tôi đang nói đến. Giả sử bạn đã quen với một số điều kiện đảm bảo an ninh nào đó và những sự đảm bảo này mang lại cho bạn các endorphin. Sau đó nếu có bằng chứng chứng tỏ bạn không được an toàn cho lắm, hẳn là bạn sẽ vứt bỏ bằng chứng đó ngay. Việc không nhìn vào bằng chứng chính là bằng chứng của sự không mạch lạc. Như tôi đã vạch rõ, có một sự tự vệ chống lại việc nhìn ra sự không mạch lạc; và sẽ không mạch lạc nếu tự vệ chống lại việc nhìn ra sự không mạch lạc. Đó chính là dạng không mạch lạc mà tôi đang nói đến, bởi vì bạn sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi toàn bộ sự không mạch lạc có trong tư duy. Các bạn hiểu ý tôi chứ?

H: Có một sự tự vệ chống lại việc nhìn ra sự không mạch lạc vì nó làm gián đoạn vũ trụ quan hay gián đoạn hệ thống niềm tin vốn đã khắc sâu vào tâm trí của tất cả chúng ta.

Bohm: Vấn đề này mang tính phức tạp hơn thế nhiều. Những tư duy và những niềm tin của ta đã được nối kết với các endorphin, và lúc chất vấn chúng là lúc ta bắt đầu tẩy bỏ rất nhiều endorphin khỏi bộ não. Và các tế bào não lúc này bỗng la lối om xòm và bảo “Nhanh lên nào, làm gì đó để dừng ngay chuyện này lại đi”. Nhưng việc phải làm lại là vứt bỏ điều đó.

H: Mặc dầu vậy, ta có vẻ như không thể tự xét đoán vũ trụ quan của chính mình được.

Bohm: Bạn có thể xem xét nó. Nhưng chỉ một phần thôi, không phải toàn bộ.

Bạn không thể tách rời một phần của hệ thống ra khỏi các phần khác. Giá như bộ não chúng ta làm việc một cách đúng đắn thì ta có thể học hỏi được điều gì đó về vũ trụ và nói: “Ờ, thú vị thật đấy. Đây là một dịp tốt để tìm ra một vũ trụ quan mới.” Nhưng mặt khác, nếu từ cách nhìn vũ trụ của mình mà ta lại có được quá nhiều niềm an ủi thì một khi ta đòi chất vấn nó là lập tức các tế bào não sẽ la ó và làm loạn lên ngay; chúng không cho ta cơ hội để xem xét đâu.

H: Ghen tị có phải là dấu hiệu của sự không mạch lạc không?

Bohm: Ghen tị cũng cùng một loại như thế cả thôi. Nó là sự so sánh với ai đó và bảo rằng anh hay chị ta có cái gì đó mà mình đang cần hoặc đang muốn có. Và sau đó lại bảo rằng việc này làm mình khó chịu. Có lẽ nó đã lấy đi khá nhiều endorphin khỏi các tế bào não của bạn. Trong bất kì trường hợp nào như thế, bạn đều thấy rất bứt rứt và tự nhủ “chỉ còn cách có được những gì người kia có thì mình mới lấy lại cảm giác bình an và thoải mái mà thôi”. Tiềm năng gây ra sự ghen tị là một bộ phận không thể thiếu được của bộ não, nhưng sự ghen tị không nhất thiết phải thường xuyên được thể hiện bằng hành động thực tế. Một khi ta bắt đầu nhìn thấy được quá trình hình thành sự ghen tị, thi sự ghen tị có thể chấm dứt.

H: Thế còn những người tuy trong cảnh khốn cùng vẫn cảm nhận được niềm vinh quang và sự say mê thì sao? Có phải điều đó cũng tạo ra một số loại endorphin hay không?

Bohm: Rất có thể chính từ việc này mà họ có được những cảm giác vui sướng theo lối nào đó, mặc dầu loại tư duy khiến người ta vui sướng được trong cảnh khốn cùng là một loại tư duy rất lằng nhằng. Nhưng có vô số cách tạo ra các endorphin.

H: Bằng cách bảo rằng chúng không phải là một, vậy thì liệu ngài có đang phân biệt giữa cảm giác vui vẻ và cảm giác buồn phiền hay không?

Bohm: Không. Tôi đang nói rằng với những nguyên do lằng nhằng thì bạn có thể cảm thấy vui vẻ mà cũng có thể cảm thấy buồn phiền.

H: Thế nhưng phải có sự khác nhau chứ?

Bohm: Nếu những nguyên do lại có tính lằng nhằng rắc rối thì sẽ không có sự khác biệt nào cả. Nhưng nếu bạn cảm thấy thật sự vui vẻ thì lại khác. Hoặc vì trong người không được khỏe đâm ra bạn cảm thấy phiền muộn, và v.v.

Tôi nghĩ rằng việc xem cảm giác vui vẻ hay cảm giác buồn phiền như một thứ chìa khoá để hiểu quá trình tư duy của mình là một việc làm không mạch lạc. Câu hỏi ở đây là: sự mạch lạc thực sự là cái gì? Cái đó là trước nhất, có đúng vậy không?

H: Vậy ta không nói mạch lạc là tốt còn không mạch lạc là xấu nữa làm gì. Chúng ta chỉ nói rằng chúng là cái mà vốn chúng vẫn thế, theo đúng những gì thích hợp nhất với bản thân chúng.

Bohm: Ta đang nói rằng có một sự không mạch lạc cấp độ hai luôn tìm cách tránh né việc phải đối mặt với sự không mạch lạc cấp độ một; cái cấp độ thứ hai này tìm cách tránh đối mặt với bằng chứng của sự không mạch lạc. Và ta cũng nói rằng điều đó sẽ tạo ra đủ các loại hậu quả tiêu cực. Còn nếu bạn thấy không cần phải quan tâm đến những hậu quả tiêu cực nữa làm gì thì thôi, ta cứ tấn tới.

H: Lí do duy nhất mà tôi đề cập đến nó ở đây đó là, trong suy nghĩ của mình ta có khả năng quan niệm được rằng sự không mạch lạc là tồi tệ và không nên xảy ra, chứ khó mà quan niệm được rằng nó là một sự xung đột và sự xung đột ấy có vẻ như muốn tự giải quyết. Ta không đứng ở cái thế gì để có quyền nói là tốt hay xấu cả.

Bohm: Đức hạnh không có chỗ đứng trong bối cảnh này. Ta chỉ đang cố có được một tri giác sáng rõ về mọi thứ mà thôi. Nhưng đúng là bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn không muốn lúc nào cũng gặp phải những kết quả mà bạn không mong muốn. Đến một độ nào đó bạn sẽ phát hiện thấy rằng sự không mạch lạc đang tạo đủ thứ việc mà bạn không mong muốn, và bạn hẳn phải muốn rũ sạch nó đi, hay ít nhất là muốn loại bỏ cái thứ trật tự cấp độ hai đó.

H: Tốt nhất, ta có thể lần ra đầu mối bằng việc xem xét bất kì một hình thức bạo lực nào, chẳng hạn như ở một người đang tự vệ hay đang muốn thay đổi một cái gì đó gây bực tức đối với mình. Có thể đó là một đầu mối. Có nghĩa là sự không mạch lạc nằm ngay ở đó.

Bohm: Đúng thế. Có đủ các thứ đầu mối. Bạn cần nhạy bén với những đầu mối đó.

Vấn đề chính cần lưu ý là, những hành động không mạch lạc của bạn chính là những phản xạ. Bạn không thực hiện chúng một cách có mục đích. Bạn không biết rằng bạn đang thực hiện chúng. Giống như kiểu, dù bạn có thích hay không thì khi bị gõ, đầu gối bạn cũng giật một cái. Hệt thế, khi có gì đó chạm vào những điều kiện gây phản xạ, bạn cũng giật lên một cái. Nó tạo ra những kết quả mà bạn không mong muốn. Như vậy ý bạn thì muốn có “A”, nhưng những cú giật mang tính phản xạ lại cho bạn “B”. Và bạn bảo: “Tôi không muốn B đâu”. Bạn không biết nó từ đâu đến, nên bạn đấu tranh chống lại “B”, trong khi bạn vẫn giữ cái phản xạ đã sinh ra “B”. Từ đây các bạn đã thấy được vấn đề chưa?

H: Ta có đang nói về khả năng có một khoảng ngưng không? Khi bị ngài công kích, tôi vẫn có thể tạm kìm phản ứng của mình lại. Đó có phải là một cách để xử lí quá trình không?

Bohm: Bạn có thể thử. Nhưng tôi phải gợi ý rằng hiện ta đang lao vào việc học hỏi điều này. Ta vẫn chưa biết phải làm gì với nó. Ta phải chú tâm học hỏi vì chính điều này, vì nếu chúng ta có bất cứ mục đích nào khác thì cái mục đích khác đó sẽ buộc ta phải lệ thuộc vào nó như một điều kiện của phản xạ.

Tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng bạn muốn học hỏi là để làm cho mọi việc trở nên tốt hơn. Nhưng khi đó bạn buộc phải nói: “Ô, lại là một phản xạ khác nữa rồi.' Một phản xạ mang đến một phản xạ khác. Thế là bạn bảo: “Giờ thì tôi đã hiểu; tôi đã học được rằng làm mọi việc với mục đích làm cho mọi việc tốt hơn lên có thể đó là một cái bẫy – thế này là chẳng tác dụng gì rồi.” Biết thế nhưng tôi vẫn cứ làm vì các phản xạ vẫn còn tác dụng. Vậy nên bạn lại phải nói: “Tôi cần phải hiểu về những phản xạ đó, những thứ phản xạ đang làm tôi sao nhãng.” Điều này được đặc trưng bởi một việc, đó là, hình như đến đây thì tôi hiểu, nhưng các phản xạ vẫn tiếp tục có tác dụng. Tuy nhiên, từ những gì chúng ta bàn, bạn sẽ nhận thấy rằng điều đó là không tránh khỏi, bởi vì ban đầu ta chỉ mới hiểu nó ở một cấp độ trừu tượng nhất định mà thôi – chứ ta chưa động chạm gì đến những phản xạ ấy. Nó tương tự như việc bạn không thể thay đổi được phản xạ nơi đầu gối bạn nếu chỉ nói “tôi hiểu rằng khi bạn gõ thì đầu gối tôi giật”.

Chúng ta sẽ phải thay đổi các phản xạ bằng cách nào đây? Đó là vấn đề. Nhận thức là quan trọng, nhưng thế chưa đủ.

H: Có lẽ sau việc nhận thức về mặt trí tuệ này còn có cái gì đó khó lường hơn đang xảy ra.

Bohm: Có thể, nhưng nói rất chung thì mọi người thấy rằng như thế cũng chẳng tác dụng gì. Tôi đang nói rằng bằng cách nào đó ta phải đào bới sâu hơn; phải cần thêm một cái gì đó. Lát nữa ta sẽ xét đến khả năng là ta có thể đạt được một nhận thức sâu sắc đến độ chạm được vào các phản xạ, để rồi sau đó quá trình tư duy sẽ phải thay đổi. Nhưng thông thường thì nhận thức bao giờ cũng là một nhận thức thành văn, hoặc một nhận thức mang tính trí tuệ, hoặc một hình ảnh. Điều đó không có nghĩa là không có giá trị, nhưng có nghĩa là còn quá trừu tượng.

H: Để nhận thức đi được vào chiều sâu hơn, có lẽ phải có một số “bài tập về nhà”.

Bohm: Chính thế đấy, một số “bài tập về nhà” sẽ khiến ta chạm được đến các phản xạ. Đáng buồn là trong nhà trường, người ta lại thường xuyên dạy rằng khi bạn đã hiểu cái gì một cách trừu tượng thì tức là bạn đã hiểu nó một cách hoàn chỉnh. Nhưng ngay cả ở điểm này, khi cần mang những gì bạn học được ra thực hành thì bạn thường không làm được.

Cần lưu ý là khi ta cố làm điều này nhưng không mang lại hiệu quả thì phản ứng đầu tiên của ta thường sẽ là: “Không xong rồi. Tôi không làm nữa.” Nhưng trong bất kì chuyện gì nghiêm trọng đối với bạn, bạn lại không làm thế. Nếu bạn coi nó là nghiêm trọng, bạn sẽ bảo: “Ừ thì chưa có tác dụng gì. Nhưng sao lại không chứ?”

H: Tôi tự hỏi liệu có phải một phần khó khăn của ta là ở chỗ ta đã quá thấm nhuần cái quan niệm cho rằng ta có thể hiểu hay không, trong khi cái thứ nhận thức mà ngài đang nói đến có khi lại chẳng liên quan đến bất cứ điều gì tôi biết hoặc tôi có thể nắm bắt. Nhận thức đích thực rất có thể là cái gì đó đang hoạt động ở một cấp độ hoàn toàn khác mà người ta không bao giờ có thể nói rằng người ta đã hiểu.

Bohm: Có một số lầm lẫn về thế nào là nhận thức; hãy tạm diễn đạt như vậy đi. Về câu hỏi nhận thức nghĩa là gì, ta còn phải đi sâu thêm nữa.

Mọi người có thể thấy những việc mình đang làm là sai, nhưng sau đó, khi không còn chú tâm, họ lại thấy dù sao thì cũng chính họ vẫn đang tiếp tục làm những việc ấy. Và tôi nghĩ lí do của nó rất đơn giản: hệ thống này bao gồm một tập hợp các phản xạ, và đó chính là những gì mà các phản xạ làm. Chẳng hạn, bạn thường đánh răng vào buổi sáng theo một thói quen. Nhưng còn khối việc bạn có thể bắt tay vào làm, nhưng cũng chỉ do thói quen thôi chứ chẳng phải đúng lúc đúng chỗ. Rồi nếu chú tâm vào đó một chút bạn sẽ thấy chúng chả có tác dụng gì, và bạn sẽ bảo: “Thế này là không mạch lạc”. Rồi bạn dừng lại.

Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần đến sự chú tâm. Và nếu ta nghĩ về những tư duy bằng cách xem chúng như những phản xạ, thì điều đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về hệ thống và đồng thời cũng sẽ bắt đầu hướng ta tới một cấp độ khác. Các phản xạ là thuộc cấp độ thần kinh sinh lí học và cấp độ hóa học. Quá trình tư duy cũng có mang tính hóa học: nhưng nó ở một cấp độ tinh vi và trừu tượng hơn nhiều – phần trí tuệ của quá trình tư duy không trực tiếp động chạm đến các phản xạ.

H: Ta không thể nghĩ là đầu gối của ta lại không giật được. Bohm: Đúng thế. Ta hiện vẫn đang ở cấp độ tư biện và cấp độ trí tuệ. Sự chú tâm đúng là một tiềm năng đưa chúng ta đi sâu hơn.

Bohm: Đúng, ta đang cần đến loại chú tâm sẽ đưa chúng ta đi sâu hơn.

Nhưng tôi thiết nghĩ nếu ta vẽ ra được một “bản đồ trí tuệ” như thế thì sẽ rất có giá trị. Trí tuệ là thứ phải phân minh trong bất kì trường hợp nào, bởi vì ta đã có quá nhiều thứ bản đồ trí tuệ bất phân minh về quá trình tư duy này. Toàn bộ nền văn hóa đã cung cấp cho ta vô khối loại bản đồ. Chẳng hạn người ta đã từng nói rằng tư duy, cảm giác và trạng thái hóa học là ba thứ hoàn toàn khác biệt nhau. Đó là một tấm bản đồ dễ gây ngộ nhận. Có hàng loạt loại bản đồ sai lầm kiểu như vậy. Điều chúng ta cần là làm sao đó thoát khỏi được những bản đồ loại này và phát triển một tấm bản đồ mạch lạc hơn, mặc dù việc đó không thể một mình ai mà làm được.

H: Có phải một phần của vấn đề là sự kiện các phản xạ ban đầu bị điều kiện hóa không?

Bohm: Đúng vậy, nhưng đó là bản tính tự nhiên của các phản xạ – khi bạn lặp đi lặp lại chúng là chúng ngay tức khắc trở thành những phản xạ bị điều kiện hóa. Chúng sẽ không thể tránh khỏi việc tạo ra những thứ hiệu ứng “chẳng-có-gì-mà-cũng-ầm-ĩ”.

H: Cứ cho là bằng vào trí tuệ bạn đã nắm hiểu được quá trình này đi, nhưng cái phản xạ ban đầu đó vẫn còn quá cám dỗ đến mức bạn không thể bỏ được.

Bohm: Vấn đề là ở đó. Bạn có thể hiểu được nó bằng trí tuệ, nhưng nó vẫn cứ đeo bám. Phản xạ mang trong mình nó sự cám dỗ, nó là phần mang tính hóa học của phản xạ. Phản xạ tạo ra các endorphin hay một số hóa chất khác, chúng sẽ tạo ra cái cảm giác cám dỗ.

H: Vậy việc nhìn vào sâu hơn là một vấn đề thuộc về viễn kiến?

Bohm: Tôi nghĩ là còn có phần hơn thế nữa. Ta sẽ tiếp tục nghiên cứu kĩ xem sao. Giờ đã đến lúc giải lao.

Bohm: Tôi muốn mở rộng thêm một chút toàn bộ ý tưởng này. Chúng ta không tránh khỏi có một loại tư duy về tư duy, một loại bản đồ trí tuệ về quá trình tư duy vốn phần nào mang tính cố hữu địa phương; nó lây lan ra khắp toàn bộ nền văn hóa của chúng ta – rồi ta học mót được nó chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Chẳng hạn khi người nói “hãy tư duy một cách tích cực đi” thì đó chính là một loại ý niệm mang tính trí tuệ về tư duy, hàm ý rằng bạn sẽ phải kiểm soát tư duy của mình nhằm chữa trị bệnh trầm cảm. Xoay quanh đó còn hàng loạt các ý niệm liên quan.

Tôi muốn nói rằng chúng ta cần trình ra loại bản đồ nào đó về tư duy mạch lạc hơn so với những thứ bản đồ không được phô bày ra nhưng vẫn đang tiềm ẩn trong nền văn hóa của chúng ta, bởi vì nếu ta để bị dẫn dắt bởi những ý niệm không mạch lạc vốn nằm sẵn trong hệ thống phản xạ của mình, thì ta sẽ đi sai đường. Và rồi ta cũng không có cách gì để không sai đường lạc lối cả, vì những ý niệm không mạch lạc đó vốn đã nằm sẵn trong hệ thống phản xạ của mình. Do đó, bước đầu tiên chí ít là phải xem xem có những ý niệm nào khác mạch lạc hơn không. Sau rồi ta mới thử xem có gì đó có thể động chạm được đến các phản xạ hay không, bởi vì nếu không có cách nào tác động được đến chúng thì chúng ta bế tắc.

Bởi vậy tôi muốn bổ sung thêm một chút gì đó vào khái niệm phản xạ. Một trong những tư duy mạnh nhất mà mọi người có được là tư duy về tính tất yếu. Nó còn hơn cả tư duy nhiều. Từ “tất yếu” có nghĩa là “không thể khác” và gốc Latin của nó có nghĩa là “đừng nhân nhượng”. Nó khơi gợi một thái độ cưỡng lại, kìm lại, về mặt cảm xúc lẫn mặt cơ lí. Đó là mặt trái của hệ thống phản xạ: khi bạn nói “không thể khác” thì thực chất là bạn muốn nói: “Nó vốn phải như thế này. Tôi phải giữ nguyên nó như thế.” Bạn có một chỗ dựa vững chắc. Cái gì đã gọi là tất yếu thì có một sức mạnh rất lớn mà bạn không làm nó suy chuyển được. Tuy nhiên bạn vẫn được quyền nói: “Tôi phải làm cho nó suy chuyển.” Như vậy là ta thiết lập một trật tự của sự tất yếu khi bảo rằng: “Cái này phải chuyển ra, nhường chỗ cho cái kia, còn cái kia phải nhường chỗ cho cái nọ.”

Khái niệm về tính tất yếu này là một khái niệm then chốt đối với toàn bộ trật tự của tư duy; khái niệm đối lập với nó cũng vậy, đó là khái niệm tính ngẫu nhiên. “Ngẫu nhiên” có nghĩa là “cái có thể khác”. Nếu cái gì đó có thể khác đi, thì việc cố gắng thay đổi nó mới có một ý nghĩa. Nếu nó không thể khác, thì việc cố gắng thay đổi nó liệu còn có ích gì? Điều này sẽ có một tác động vô cùng lớn lao. Nếu bạn nghĩ một việc gì đó là không thể làm được, có nghĩa là bạn đã đưa tính tất yếu vào bằng cách nói rằng cái đó tất yếu không thể làm được. Do đó, bạn không thể làm được và bạn cũng chẳng cố làm. Như vậy, việc coi cái gì đó là bất khả rất có thể đưa bạn vào bẫy khiến cái đó trở thành tưởng như bất khả. Thế nhưng ngược lại, có khi bạn coi điều gì đó là khả dĩ mà trên thực tế lại không phải vậy, ấy thế là bạn chỉ húc đầu vào tường mà thôi.

Ta phải nhìn thẳng vào những gì là tất yếu và những gì là ngẫu nhiên. Và đó là việc bạn luôn luôn làm trong mỗi tình huống. Bạn đang cố ước định xem đâu là tất yếu và đâu là ngẫu nhiên. Ta nhìn thấy một đồ vật và nói “mình nắm chắc cái này trong tay rồi”. Tôi không đòi hỏi phải chạm hẳn vào đồ vật; nhưng nếu chạm hẳn được vào thì tôi cũng sẽ rất lấy làm ngạc nhiên. Sau đây là một minh họa. Trong một cuộc triển lãm hình ảnh toàn kí, người ta phóng chiếu ra không gian hình ảnh một con tàu y như thực; có hai người vào xem và chắc chắn không biết mô tê gì về điều này. Một bà tiến đến định sờ tay vào con tàu nhưng bàn tay bà lại thụt xuyên qua nó. Bà ta ngớ ra, nét mặt biểu lộ sự sợ hãi. Bà vội nói với người đi cùng: “mau ra khỏi đây thôi”.

Chúng ta tin cậy vào khái niệm tất yếu khi nói rằng “Cái này sẽ đứng vững. Cái này sẽ ổn định. Cái này không thể đổ được”. Chúng ta tin chắc trái đất là một cái gì không thể xoay chuyển. Và khi nó lung lay ta cảm thấy nó làm ta hết sức lo lắng, nhộn nhạo trong người – cả về mặt tâm lí lẫn về mặt cơ lí.

Vấn đề là khái niệm về tất yếu và ngẫu nhiên luôn vận động. Ai ai cũng đều thường xuyên sử dụng nó mà không nghĩ nó là như thế; nó trở thành một phần trong những phản xạ của ta. Và đây là điều quan trọng, vì nó còn gắn liền với ý niệm của ta về thực tại – không thể gạt bỏ những gì là có thực. Chúng sẽ cưỡng lại đôi chút để duy trì sự tồn tại; chúng phải dội lại thế nào đó, vân vân. Vậy là đối với thực tại ta có nhiều cách để thử. Những gì ta coi là thực thì ổn định, chúng cưỡng lại, chúng có một kiểu tính tất yếu nội tại nhằm tự duy trì. Toàn bộ ý niệm về thực tại gắn chặt với quan niệm về tính tất yếu, như trong ví dụ tôi vừa nêu: nếu tay bạn xuyên thụt qua con tàu thì đấy là dấu hiệu cho thấy nó không phải là thực.

Khái niệm thực tại rõ ràng cũng rất có ý nghĩa đối với toàn bộ cấu chất tâm linh của chúng ta. Sự khác nhau giữa cái thực với cái hư hay cái ảo là rất quyết định. Do đó, khái niệm tất yếu tạo ra một phản xạ mạnh – “nó thực sự phải là thế này”. Nếu không chỉ có cảm xúc và sự lặp đi lặp lại, mà ta còn bổ sung thêm cả khái niệm tất yếu nữa, thì phản xạ trở nên cực kì mạnh, nhất là khi chúng ta nói “cái đó luôn luôn là tất yếu.” Có thứ lúc thì có thể là tất yếu, lúc khác lại có thể phải gạt bỏ. Nhưng nếu nói: “cái đó luôn luôn là tất yếu” điều đó có nghĩa là nó là tất yếu một cách tuyệt đối, không thể làm nó lung lay được. Chẳng hạn, nếu ta nói chủ quyền của quốc gia là trên hết, thì cái đó trở thành một tất yếu tuyệt đối, không gì lay chuyển được. Nhưng giả dụ hai quốc gia đều khẳng định chủ quyền trên cùng một vùng đất thì sao? Nếu đó là điều không gì lay chuyển được thì chỉ còn nước đánh nhau mà thôi. Hoặc là hai tôn giáo cũng thế – “Thượng Đế là tất yếu vô điều kiện” và “Thượng Đế phải là thế này chứ không phải thế kia”.

Trong toàn bộ cuộc sống cũng có những vấn đề tương tự. Bất cứ đâu mọi người thấy công việc khó tiến triển là y như rằng bạn sẽ phát hiện thấy họ đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về những gì là tất yếu hay tất yếu tuyệt đối. Nếu để ý bạn sẽ thấy họ luôn tranh đấu với nhau vì cái đó. Người thì thấy điều này, kẻ lại thấy điều kia mới là tất yếu, và chẳng ai chịu nhường ai. Thương lượng là một sự cố gắng khiến người ta nhân nhượng lẫn nhau để cùng điều chỉnh, cùng thích nghi, cùng thừa nhận rằng trong những gì mọi người nghĩ là tất yếu không phải không có những yếu tố ngẫu nhiên.

Vấn đề đối thoại mà ta sắp bàn kĩ phụ thuộc rất nhiều vào việc các bạn coi cái gì là tất yếu. Những mặc định của bạn về cái tất yếu chính là cái cản trở đối thoại. Chúng tạo ra một loạt những phản xạ tự vệ có sức mạnh vô điều kiện. Chúng trao quyền năng cho phản xạ.

Bản năng tự vệ nói chung được xem như một tập hợp những phản xạ vô cùng mạnh được gắn chặt với một tập hợp gen. Nhưng bất cứ lúc nào khái niệm về tính tất yếu vô điều kiện cũng sẵn sàng qua mặt điều đó. Bạn hoàn toàn có quyền nói “bản năng của tôi là quyết bảo vệ mạng sống của mình”. Nhưng nếu tổ quốc bảo rằng “quyết tử vô điều kiện, đó là tất yếu”, thế là bạn quyết tử. Phần lớn mọi người sẽ đều cảm nhận theo lối này. Hoặc nếu bạn nói “Chúa đã phán như vậy” thì lời Chúa phán hẳn sẽ lấn át cả những bản năng. Hoặc là bất cứ những gì tương tự như thế. Tham vọng của bạn cũng có thể lấn át các bản năng, nếu việc đạt được tham vọng là một tất yếu vô điều kiện.

Điều này có một sức mạnh ghê gớm. Khái niệm về tính tất yếu không phải chỉ mang tính trí tuệ. Nó kéo theo mọi thứ. Nó dính dáng đến cả các chất hóa học, kiểu như tất cả adrenalin bạn cần sẽ được giải phóng ra khi bạn phải bảo vệ bằng được những mặc định của mình về tính tất yếu. Bất kì cái gì cần làm là sẽ phải làm cho bằng được. Thế nhưng điều này thật ra cũng có mặt rất giá trị của nó. Muốn hoàn thành công việc gì bạn cũng cần có chút ý thức về tính tất yếu. Nếu không thực sự cho rằng điều gì đó là tất yếu thì bạn sẽ không có nhiều nghị lực để làm. Có thể nói rằng không mấy ai từng vượt qua muôn vàn khó khăn để hoàn thành bất kì điều gì mà lại không hề cảm thấy nó là tất yếu. Vậy nếu bạn thấy việc đi sâu nghiên cứu về tư duy là một việc làm tất yếu thì có lẽ nó sẽ tiếp tục bất chấp mọi khó khăn. Ngược lại, rất có thể tuy thấy rằng có một việc gì đó điên rồ và không mạch lạc nhưng lại tất yếu một cách vô điều kiện nên bạn lại vẫn cố lao vào.

Do đó, việc lưu tâm đến những khái niệm như vậy về tính tất yếu là rất quan trọng – tức là về việc cái gì là cái được cho là tất yếu và tất yếu vô điều kiện và cả việc nó tác động đến bạn như thế nào. Bạn bắt đầu chú ý đến điều này. Bạn cảm thấy được sự khẩn thiết. Bạn bị dồn ép; bạn thấy có một sự thôi thúc cần phải hành động. “Bị dồn ép” có nghĩa là “bị thúc từ bên trong”. Đôi khi bạn bị bó buộc; bó buộc tức là mạnh hơn một chút, một sự khẩn thiết mang tính ép buộc. Hoặc bị dồn ép. Hoặc có thể còn bị dồn đến chân tường nữa. Nhưng trước sau thì tất cả cũng chi là một quá trình như nhau mà thôi đó tính tất yếu đang có tác dụng, đang thực hiện một cú đẩy.

Như vậy, bạn cảm thấy có một sức đẩy và bạn nói: “đó là tôi, người đang chịu một sức đẩy”. Bạn không thấy rằng có một hệ thống gắn liền với tư duy nằm bên dưới sức đẩy ấy. Và ý định của bạn có thể được nảy sinh ra trong hệ thống đó. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện các phép đo điện và cho biết có những quá trình điện hóa trong não xuất hiện trước cái ý định hữu thức của bạn. Sức đẩy đến từ toàn bộ hệ thống. Nó được tích lại.

Bởi vậy, điều quan trọng là phải thấy rằng mọi cái đều kết nối với nhau, vì đây không phải là nơi mà việc bẻ vụn các sự vật và chia tách chúng ra là một việc làm đúng đắn. Trong một số trường hợp thì chia tách là đúng – chẳng hạn như nói cái bàn tách rời với cái ghế, vì cái này có thể được dịch chuyển độc lập với cái kia. Nhưng khi các sự vật được kết nối chặt chẽ với nhau thì trong tâm trí của mình, ta không nên chia tách chúng ra. Để cho tiện, ta có quyền phân biệt các sự vật nhất định với nhau. “Phân biệt” có nghĩa là “đánh dấu riêng ra”. Một sự phân biệt chỉ là một sự đánh dấu cho tiện mà thôi, nó không có nghĩa là sự vật bị bẻ vỡ. Nó giống như một vạch chấm chấm, trong khi để thể hiện rằng cái gì đó bị chia tách thì ta lại vạch một đường liền. Trong tâm trí mình, ta nên vạch những đường chấm chấm để phân biệt giữa tư duy, cảm giác và các trạng thái hóa học, vân vân, chứ không nên vạch những đường liền. Cũng như thế, sẽ tốt đẹp biết mấy nếu biên giới giữa các nước chỉ là những vạch chấm chấm – vì thật ra đó chỉ là một sự phân biệt chứ đâu phải một sự chia tách giữa những thứ khác nhau vốn độc lập với nhau.

Ta phải đủ khả năng suy nghĩ rõ ràng về điều này; mặc dầu như tôi đã nói, tự bản thân nó điều này không khiến các phản xạ thay đổi. Nhưng nếu không suy nghĩ rõ ràng về nó thì mọi ý đồ đi sâu nghiên cứu của ta sẽ chỉ dẫn đến sai lầm. Suy nghĩ rõ ràng có nghĩa là phải tỉnh táo một chút. Vì không chừng đằng sau các phản xạ đang còn có cái gì đó tác động – nói cách khác: còn có một cái gì đó không bị điều kiện hóa.

Vấn đề thật ra là: có cái không bị điều kiện hóa hay không? Nếu tất cả đều bị điều kiện hóa thì không còn lối thoát. Nhưng chính việc đôi khi nhìn ra được những cái mới mẻ đã gợi cho ta nghĩ về cái không bị điều kiện hóa. Có khi là cấu trúc vật chất của bộ não ở tầng sâu hơn còn chưa bị điều kiện hóa, hoặc cũng có thể cái không bị điều kiện hóa nằm đâu đó vượt ra ngoài cả các cấu trúc. Ta sẽ bàn đến vấn đề này sau. Lúc này thì cái đó nằm đâu chưa quan trọng. Nếu có cái không bị chế ước mà cái đó lại là sự vận động của trí tuệ, thì đi sâu nghiên cứu là việc có thể được.

Ta đang nói rằng, có thể chúng ta không biết, nhưng cái không bị điều kiện hóa đã hoạt động ít nhiều. Ta không cố cho rằng việc điều kiện hóa là cái gì đó mãi mãi tuyệt đối bền vững, đây là điểm mấu chốt. Nếu còn giữ ý định làm tiếp những gì ta đang làm thì ít nhất phải giả định rằng rất có thể có cái không bị điều kiện hóa, vậy mới là mạch lạc. Nếu không giả định như thế, thì chính những nỗ lực của ta không còn gì là mạch lạc. Nếu ta nói rằng làm gì có cái gì không bị điều kiện hóa, thì ý đồ định cố làm bất cứ việc gì với việc điều kiện hóa cũng chỉ là một ý đồ ngu xuẩn. Nói vậy đã rõ chưa ạ?

H: Nếu đã đưa ra một nhận định như thế, thì sẽ phải giả định rằng hành động biết chiếm một vị trí vô cùng lớn.

Bohm: Ta đã bế tắc khi giả định rằng không có cái gì là không bị điều kiện hóa. Ngược lại, khi giả định rằng có cái không bị điều kiện hóa thì ta cũng lại bế tắc nốt – ta sẽ tạo ra một hình ảnh về cái không bị điều kiện hóa trong hệ thống bị điều kiện hóa, rồi nhầm tưởng hình ảnh đó là cái không bị điều kiện hóa thật. Vì vậy ta chỉ nên nói rằng rất có thể có cái không bị điều kiện hóa. Hãy cứ dành cho nó một chỗ cái đã. Hãy dẹp một khoảng trống trong tư duy của mình cho những điều khả hữu.

H: Nếu khẳng định rằng tư duy không bao giờ biết được liệu có gì đó không bị điều kiện hóa hay không, thì bàn thêm ra mà làm gì? Phải có cách gì vượt được những ranh giới của chính mình thì tư duy mới có thể tuyên bố theo kiểu trên.

Bohm: Đúng, tư duy tuyên bố như thế sẽ là không mạch lạc. Đó là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy tư duy còn rất mù mờ về điều này. Nếu chỉ bám riết vào những điều mình biết, thì tư duy không thể nào nói là không có cái không bị điều kiện hóa, cũng không thể nói một cách an toàn rằng có cái không bị điều kiện hóa. Vậy điều đó nói lên cái gì? Nói lên rằng chúng ta không biết. Nhưng ta vẫn có quyền nói ta ngờ rằng có cái không bị điều kiện hóa – ta đã nhìn thấy bằng chứng là có thể có. Lát nữa rồi ta sẽ nghiên cứu kĩ hơn.

H: Có phải đôi khi bằng chứng về cái không bị điều kiện hóa được tìm thấy trong tính sáng tạo không?

Bohm: Đúng, có một số bằng chứng. Bạn có thể nói rằng sự thật về tính sáng tạo gợi cho ta nghĩ đến cái không bị điều kiện hóa. Nhưng nó không chứng minh được điều đó, vì một số người trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có thể bẻ lại rằng cái mà bạn coi là tính sáng tạo chi là một dạng điều kiện hóa sâu hơn mà ta không nhìn thấy đó thôi.

H: Cho dù thế thì vẫn còn khả quan hơn là việc bị điều kiện hóa mà ta đang có.

H: Nhưng cái đó sẽ chỉ mở rộng thêm các giới hạn của ta mà thôi.

Bohm: Ta có thể vẫn rơi vào tình trạng không mạch lạc. Và sự không mạch lạc đi kèm với tính sáng tạo lại còn nguy hiểm hơn là không có. Phải chi đừng tạo ra tất cả những thứ khoa học hiện đại này thì ta đã có thể an toàn hơn nhiều. Do vậy, nếu cứ vẫn ở trình độ của thời Đồ Đá thì ta đã có thể chung sống với sự không mạch lạc của chính mình. Ta hẳn đã chẳng hề hấn gì với sự không mạch lạc của mình; ta hẳn đã chẳng có đủ phương tiện để gây ra lắm chuyện. Ta hẳn đã có thể sống mãi. Trên thực tế, bằng chứng cũng đã cho thấy, bất luận thế nào, con người thời Đồ Đá cũng đã mạch lạc hơn ta. Ít ra thì thái độ của họ đối với thiên nhiên cũng mạch lạc hơn. Nhưng cứ cho là họ chỉ mạch lạc bằng với ta thôi, thì họ vẫn có vẻ như có nhiều khả năng sống còn, vì họ không thể gây ra lắm tổn hại đến thế.

Nhưng bây giờ thì công nghệ sáng tạo của chúng ta lại đang thách thức chúng ta. Chí ít ta cũng phải vận động hướng về sự mạch lạc, nếu không thì đủ loại thảm họa sẽ xảy đến với ta bất cứ lúc nào.

H: Liệu bằng vào trí óc tôi có thể làm gì đó được đi sự điều kiện hóa của mình hay không, chẳng hạn bằng cách nhận ra rằng mình không thấy thoải mái khi ai đó to tiếng với mình? Liệu tôi có thể cứ nhìn sự việc mà vẫn thờ ơ không nghĩ gì đến kết quả chung cuộc của nó, cái kết quả có vẻ như sẽ xảy đến nếu tôi không có một sự điều kiện hóa như vậy, và cứ để mặc mọi chuyện?

Bohm: Nhưng như thế thì điều gì sẽ xảy ra? Giả như bạn nói: “Tôi không thấy thoải mái khi ai đó to tiếng với mình.” Rồi sau đó bạn lại hỏi: “Tại sao không nhỉ?” Vậy câu trả lời sẽ là gì?

H: Tôi phải xem lại trong thâm tâm xem liệu điều này có liên gì quan đến một nhóm kí ức cùng loại hay không, xem thật ra có đúng là cái nhân vật cụ thể trước mắt này đang to tiếng hay hễ bất cứ ai to tiếng thì cũng vậy.

Bohm: Như vậy, ở chỗ này bạn đang có một mặc định chung, đúng không nào? Bạn đang mặc định rằng bạn là loại người mà người khác không nên to tiếng với bạn chút nào, rằng việc không một ai phải to tiếng với bạn là một sự tất yếu vô điều kiện. Đây nom như một sự mặc định. Tôi nghĩ cũng đáng tìm chữ nghĩa để cố diễn tả mặc định này ra thành lời. Nói thành lời là rất quan trọng, vì nếu không, bạn sẽ quên phắt nó đi – bộ não đã được cài đặt để che giấu các mặc định.

H: Theo nhận thức của tôi thì họ có quyền to tiếng. Bohm: Nhưng không phải với bạn.

H: Không, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tại sao tôi phải phản ứng lại.

Bohm: Hãy cứ xem rằng trước khi bạn tiến xa như vậy thì cái đầu tiên bạn nhận thấy là việc bạn bực tức khi bị ai đó to tiếng. Hãy nói xem vì sao lại thế nào.

H: Vì nó khiến tôi không thoải mái.

Bohm: Nhưng sao lại thế? Cảm giác với tư duy luôn ràng buộc nhau – ta vừa nói tất cả chúng đều thuộc cùng một hệ thống. Như vậy là không khéo còn một tư duy nằm ẩn phía sau nữa.

H: Tư duy đó là: “Tôi không tốt.”

Bohm: Sao lại thế được? Chẳng nhẽ cứ ai đó to tiếng thì là bạn không tốt à.

H: Tôi cho là cũng do sự điều kiện hóa của mình thôi.

Bohm: Tôi thì cho rằng bạn còn có một tư duy khác đang nằm ẩn sâu hơn – nó được áp đặt từ phía cha mẹ bạn mà có lẽ bạn đã không còn nhớ – cái tư duy cho rằng bất cứ khi nào nghĩ rằng bạn hư là họ to tiếng quở mắng. Thế là cứ theo đó, bạn luôn mặc định rằng “hễ ai to tiếng với mình thì đều có nghĩa là do mình không tốt”. Và bất cứ khi nào thấy mình không tốt thì bạn lại thấy khó chịu. Đó là một loại phản xạ khác. Hai cái này kết hợp với nhau như một phản xạ duy nhất: khi ai đó to tiếng với mình thì tức là mình không tốt, và khi mà mình đã không tốt thì không thể thoải mái được.

Vậy là hai cái thứ tư duy ấy đang có tác dụng giống như phản ứng hóa học.

H: Và tôi thì không muốn điều đó xảy ra với mình.

Bohm: Bạn không thích cái kiểu phản ứng hóa học đó, nó rất phiền nhiễu. Có nghĩa rằng đã là phản ứng hóa học thì phải gây phiền phức thôi. Ý tôi muốn nói là ta không thể phê phán gì được.

H: Tôi đang tự hỏi liệu mình có hay không có một loại tri giác khiến cho sự khó chịu này đi trệch khỏi đường mòn trong trí nhớ của mình để trôi vào một khoảng trống, nơi mà sự lập hình nói trên đã bị xoá?

Bohm: Ấy đấy chính là điều ta đang thăm dò: có thể làm được điều đó không? Nhưng điều này hàm ý rằng trong não phải có một sự thay đổi về mặt điện hóa. Đi đến một kết luận về mặt trí óc thôi thì chưa đủ. Ta có một tập hợp những tư duy nhất định nào đó đã vào cuộc. Và ta vấp phải cùng một vấn đề như ban đầu – rằng chỉ một mình tư duy thôi thì không đủ để thay đổi phản xạ.

H: Giờ thì tôi đã nhận ra rằng cái khiến mình cảm thấy không thoải mái chính là phần thuộc về trạng thái hóa học chứ không phải phần thuộc về trí óc.

Bohm: Đúng, nhưng điều đó không làm thay đổi gì. Bạn vẫn hoàn toàn có thể cảm thấy không thoải mái nếu ai đó to tiếng với bạn.

H: Nhưng vì nhận ra được điều đó nên tôi có kinh nghiệm là phải bỏ qua sự to tiếng đi. Trong thâm tâm tôi chỉ cảm thấy nó thôi chứ không kháng cự lại nó. Và vì không kháng cự lại, nên việc đó sẽ làm tê liệt các đầu dây thần kinh, hoặc làm tê liệt cái gì đó, và phần nào đảo ngược quá trình lúc đầu đã làm tôi khó chịu.

Bohm: Có thể lắm chứ. Bạn có thể khai thác điều này. Nếu bạn duy trì được thì biết đâu có điều gì giống thế sẽ xảy ra.

H: Và giả sử điều đó xảy ra, và tôi không chỉ hiểu bằng vào trí óc mà hiểu cả về mặt cơ lí nữa. Rồi sau đó có một sự thay đổi. Phải chăng thế là tôi lại chuyển sang một sự điều kiện hóa khác?

Bohm: Có thể lắm chứ. Có một số lượng phản xạ lớn mà ta thì mới chỉ xem xét có một cái. Ta phải đi tiếp, vì một phản xạ làm nảy sinh một phản xạ khác, rồi lại phản xạ khác nữa. Đứng đằng sau những phản xạ này còn có đủ loại các phản xạ khác nhau đang sẵn sàng vào cuộc, và một số trong chúng có thể còn mang trở lại hoặc tái tạo những phản xạ mà bạn tưởng bạn đã vứt bỏ được.

Giả sử bạn nói: “Không sao, có người đang to tiếng với mình ấy mà. Mình lúc nào chả sẵn sàng bắt đầu nhìn ra các trạng thái hóa học và tất cả mấy thứ đó, và mình sẽ chẳng phản ứng gì nhiều đâu.” Nhưng bạn có thể lại có thêm những mặc định cho rằng: “Bất cứ lúc nào dù bị phiền nhiễu đến đâu mình cũng đều sẽ nhịn được. Mình chỉ việc cứ để mặc kệ cho nó đeo bám”. Một số người có cái mặc định như thế; cũng là khá phổ biến. Nếu sự phiền nhiễu quá lớn thì thôi, kệ cho nó đeo bám; tất yếu phải thế thôi. Thành thử cái mặc định như vậy có thể đến muộn cũng được – vì biết đâu bỗng nhiên có một nhân vật rất đáng nể trọng đối với bạn thật sự to tiếng với bạn thì sao, và rồi điều đó tiếp diễn dữ dội quá cả mức cần thiết thì sao; thế là các phản xạ lại phần nào lấn lướt. Điều đó dám xảy ra lắm chứ; ở đây tôi không có ý nói là nó chắc chắn xảy ra.

H: Khi chị ấy [31] đã trải nghiệm được rằng sự to tiếng đang kích hoạt các phản ứng hóa học, và nếu cùng với điều đó chị ấy lại đã mô tả được đúng những gì đang diễn ra, vậy thì có phải là chị ấy đã hướng sang một hướng khác rồi không? ―Mặc dù nếu bị ai khác to tiếng thì không biết chừng chị ấy lại vẫn cứ phản ứng‖. Nhưng thế là chị ấy đã có được một sự dịch chuyển.

Bohm: Đúng, ở đây đã có một sự chuyển hướng. Đó là một bước, nhưng hẳn phải còn nhiều bước khác nữa.

H: Tuy nhiên, những người đã có được kinh nghiệm này rồi thì không bao giờ còn là những con người như cũ nữa, ngay cả khi họ vẫn có phản ứng. Họ có được một thuận lợi mới, có phải ý ngài là vậy không?

Bohm: Nếu không biết cách giữ thì cơ hội thuận lợi ấy có thể biến mất. Nó đòi hỏi phải bỏ công ra để duy trì.

H: Tôi không nghĩ đã xảy ra điều gì lớn lắm, mà may ra đó chỉ là việc tính cứng nhắc của các mặc định về sự điều kiện hóa được nới lỏng đôi chút mà thôi, và người trong cuộc do đó cảm thấy thoải mái hơn.

Bohm: Một sự vận động nào đó đã xảy ra, nhưng điều tôi muốn nói là ta còn phải đi xa hơn nữa.

H: Đôi khi ta có thể tự lừa mình. Nhất là trong môi trường toàn những người quan tâm đến những vấn đề kiểu này, ta thường có khuynh hướng vội vã đưa ra một mặc định khác rồi nói rằng “Mình đã thay đổi. Trong mình có cái gì đó xảy ra và thế là mình đã biến chuyển”.

Bohm: Một kết luận như thế thật khó mà được biện minh, nếu không có một bằng chứng nào hỗ trợ. Đó chính là một lối tư duy nhầm lẫn – cứ lao ngay vào một kết luận khiến ta thích thú, hay đại loại thế. Tôi nói rằng bạn chỉ có thể dò xem thôi; đó là một bước đi khiến bạn có thể tìm hiểu thêm được điều gì.

H: Miễn là kèm theo đó có một sự mô tả đúng.

Bohm: Bạn phải diễn đạt nó thành câu chữ cho chính xác, vì dù sao mọi rắc rối cũng do từ lời lẽ mà ra cả – nó đã tác động đến các phản ứng hóa học và đến tất cả những cái khác. Thêm vào đó nữa, tất cả những thứ khác lại bị các phản xạ giấu kín; do đó nếu bạn không dùng câu chữ để diễn đạt thì khó lòng mà nhìn thấy được.

Vấn đề không chỉ là cảm giác hay phản xạ, hay vân vân, mà là mối quan hệ giữa tất cả những cái đó với lời nói. “Hễ cứ ai to tiếng với mình thì ắt mình là người xấu”, ấy chính là cái tư duy làm nền cho lời nói. Đó là giả thuyết về cái tất yếu. “Hễ cứ” có nghĩa là “bao giờ cũng thế”; là cái mà bao giờ cũng thế. Thế mới biết tại sao khái niệm này lại có sức mạnh lớn đến thế. Bạn thường không nhìn thấy sức mạnh của sự mặc định về cái tất yếu. Do đó nếu bạn không diễn đạt thành câu thành chữ thì phản xạ cứ đương nhiên xảy ra thôi, và bạn không nhìn ra được những mặc định chung đang hỗ trợ cho phản xạ đó. Nhưng nếu diễn đạt nó ra thành lời thì bạn sẽ thấy rất rõ ràng rằng: “Hễ cứ ai to tiếng với mình thì ắt mình là người xấu”. Bạn cần diễn đạt nó thành lời và bảo: “tôi nghĩ thế đấy”. Và rồi bạn sẽ có được một cảm giác về điều này. Nhưng lại phải ghi nhận cái mặc định về tính tất yếu – rằng hễ cứ ai to tiếng với mình là y như rằng mình cảm thấy mình là người xấu, việc đó mang tính tất yếu tuyệt đối.

H: Hình như ta nên suy tư theo cách này, để rồi sau đó ta có thể thay đổi trọng tâm từ “lẽ ra họ không nên to tiếng với mình” sang “điều gì đang diễn ra trong tâm trí mình khiến việc đó đáng sợ đến thế, hay khiến phản ứng được tạo ra từ những mặc định đang bị ẩn giấu?”. Nhưng liệu có thứ chìa khoá nào để có thể trở ra xem toàn bộ hệ thống các phản xạ hay không, hay chỉ xem xét được từng phản xạ một rồi nói xem ẩn sau phản xạ đó là mặc định nào?

Bohm: Ta phải khảo sát điều này. Ta nghiên cứu nó không với tinh thần cố gắng rũ bỏ một phản xạ cụ thể nào, mà với tinh thần tìm hiểu nhiều hơn về toàn bộ hệ thống, như vậy may ra ta mới biết được điều gì đó, rồi từ điều này lại mở rộng thêm ra nữa.

H: Riêng tôi thì lại cảm thấy rằng sự miêu tả mà ta cần ở đây không đơn thuần chỉ là “tôi không muốn ai to tiếng với tôi và điều đó khiến tôi bức bối”. Mà là, “cho đến thời điểm đó tôi cứ tưởng tôi khó chịu trong người là do ai đó bên “ngoài kia” nói điều gì với tôi; còn giờ đây tôi đã thấy ra rằng vì phản ứng lại với những lời lẽ đó nên chính tôi đã tạo ra một sự khó chịu cho bản thân mình”.

Bohm: Nhưng tôi thậm chí cũng chưa làm thế bao giờ. Bạn có thể diễn đạt thế này: “Tôi có cả loạt phản xạ đã gây ra điều đó; có những phản xạ như thế là do từ nhiều trường hợp, chính bản thân tôi đã rút ra kết luận rằng hễ cứ ai to tiếng với mình là hiển nhiên mình phải thấy khó chịu – rằng làm như thế là đúng, rằng đó là điều không thể tránh khỏi”, v.v. Đó là tư duy; thế là hễ có ai to tiếng là lập tức các phản xạ gây tác động – giống y như đầu gối bị giật.

H: Tức là, việc ta nói gì thì không quan trọng, mà quan trọng là nói như thế nào, có phải vậy không ạ?

Bohm: Sự to tiếng truyền tải một thông điệp.

H: Nhưng khi nhìn thấy vậy, phải chăng theo nghĩa nào đó tôi không còn nghĩ rằng vấn đề không phải là vấn đề của tôi nữa?

Bohm: Bạn đã bắt đầu nhìn ra nguồn gốc thực sự của vấn đề, đó là phản xạ của chính bạn. Cái bạn vừa vạch được ra là: trước đấy tôi cũng đã có một phản xạ khác; rồi bất cứ khi nào sự việc xảy đến, tôi lại có thêm một phản xạ khác nữa khi nói rằng tất cả những cái này đều bắt nguồn từ bên ngoài – rằng sự khiển trách hay nguyên cớ đều nằm ở đó. Bạn đã thấy tất cả các phản xạ phối hợp với nhau nhịp nhàng như thế nào chưa. Để tránh không cho bạn thấy rõ nguyên nhân đích xác của sự việc, hệ thống phản xạ đã bày ra một cách giải thích vì sao bạn cảm thấy khó chịu – đó là, có một ai đó ở bên ngoài kia đã làm gì bạn. Đây là một cách để hợp lí hóa mọi việc.

H: Có lẽ điều đó chứng tỏ rằng vấn đề không khi nào nằm ngoài phạm vi của tư duy. Do đó, đây chỉ là một sự phóng chiếu.

Bohm: Vâng. Một khi các phản xạ của bạn chưa tác động thì hẳn chưa thấy có gì xảy ra. Nếu ai chê bai bạn bằng một thứ tiếng nước ngoài mà bạn không hiểu, thì đâu có chuyện gì xảy ra.

H: Âm sắc đôi khi cũng truyền tải nội dung.

Bohm: Đúng, bằng bất cứ thứ tiếng nào thì sự to tiếng vẫn có tác động. Nhưng cùng một nội dung mà ai đó có nói một cách rất từ tốn thì vẫn làm bạn khó chịu cơ mà, trừ phi bạn không hiểu người ta nói gì.

Vậy là ở đây bạn cần phải nhìn xem. Mấu chốt là ở đó. Chẳng hạn, cứ cho là bạn có một lí do chính đáng khiến bạn nhất định cảm thấy khó chịu, hay tức giận hay sợ sệt hay thỏa mãn, hay đại loại như thế đi. Những cảm giác này sẽ kích thích các phản ứng hóa học, và sau đó khái niệm tất yếu phát huy toàn bộ sức mạnh hỗ trợ của nó. Bạn không nhận ra được rằng nó rất hay nằm ẩn ở đó chứ không ra mặt. Như vậy, việc khiến nó lộ ra là một việc làm cực kì quan trọng, sao cho bạn có thể thật sự nhìn thấy nó ở đó, bởi vì toàn bộ hệ thống đã được cài đặt để ngăn ngừa không cho bạn nhìn thấy sự có mặt của nó.

Freud thường nói rằng những kí ức không vui và những kí ức dễ gây tổn thương luôn bị dồn nén. Bạn hẳn phải thắc mắc: “Sao lại thế? Muốn dồn nén cái gì thì trước tiên ta phải nhớ được nó đã chứ.” Nom chuyện này có vẻ như một nghịch lí. Nhưng đâu phải nghịch lí, vì trí nhớ của bạn luôn có một sức chứa rất lớn. Trong những kí ức hiện về có rất nhiều cái không thích hợp, và ta cũng có rất nhiều phản xạ được cài đặt nhằm chọn ra xem cái nào thích hợp, ngay cả đối với một bộ nhớ lành mạnh bình thường. Và thế là chính những phản xạ đó cũng lại được cài đặt nhằm dồn nén, nhằm đẩy lui cái chất liệu khó chịu này. Chúng chỉ đơn giản phản ứng lại với chất liệu đó một cách tự động, giống như hiện tượng đầu gối giật, rồi đơn giản đè nó xuống mà thôi; và bạn khỏi cần phải làm gì đặc biệt. Toàn bộ hệ thống đã được cài đặt để làm những loại công việc như thế này, bởi vậy nếu chỉ nhìn vào đó thì thật sự khó có thể thấy được điều gì. Nhưng nếu bạn có được một dấu vết hay một manh mối nào đó và có thể diễn đạt thành lời được, thì ít ra bạn có thể bắt đầu thấy được tư duy là gì. Và bạn theo dõi xem lời lẽ tác động như thế nào tới trạng thái hóa học của cơ thể bạn.

H: Có điều gì đó xảy ra với tư duy khi chúng ta trình bày rõ nó ra. Việc nói rõ ra như thế làm cho tư duy trở nên chắc khỏe hơn, làm cho tư duy trở nên thực hơn, ta thông hiểu tư duy hơn. Nếu không trình bày rõ nó ra, tư duy có thể lấn lướt tâm trí của ta, và rồi ta đánh mất cái “tôi” của chính mình; nhưng nếu tôi mang nó ra ngoài, nó sẽ trở nên thực hơn và thế là tôi có thể xem xét nó.

Bohm: Đúng thế, khi bạn chưa nói ra được thành câu chữ thì tư duy vẫn ẩn kín, và nó có thể làm đủ mọi chuyện. Nhưng nếu làm cho nó phải lộ diện thì ít nhất bạn có thể nhìn thấy được nó đang làm những chuyện này. Như vậy, bạn đang có được một tri giác nào đó nhất định. Bằng cách mang nó ra ngoài, bạn có thể thấy rằng đấy chính là những gì đang xảy ra, trong khi nếu không làm cho nó lộ diện, bạn sẽ không thấy được rằng tư duy dính dáng đến tất cả mọi chuyện. Và thế là bạn nói “đây là vấn đề về cảm xúc” hoặc “có ai đó ngoài kia đã làm ra chuyện này”. Bạn sẽ đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau.

H: Tuy nhiên, khi nói ra thành câu chữ, phải chăng điều quan trọng chỉ là để ý thức được mọi chuyện, hay là để trực tiếp kết nối với sự phản ứng bên trong của cơ thể?

Bohm: Đó là điều tôi muốn nói; ý tôi không phải là chỉ quan tâm đến câu chữ. Cơ thể sẽ sẵn sàng đáp lại khi bạn nói ra những câu chữ đó – những câu chữ đích thực thể hiện lối suy nghĩ thực của bạn. Bạn có quyền nói “mình đã bị người đó làm tổn thương, mình rất giận” rồi từ những câu chữ đó bạn suy ra rằng “vì y đã làm cái này, cái kia nên mình mới phải tức giận; và nếu có bất cứ ai đó khác cũng làm cái này, cái kia như thế với mình thì việc mình nổi giận hay cảm thấy bị tổn thương hẳn nhiên là đúng đắn và tất yếu rồi”. Vậy nên nếu tìm ra được những câu chữ cần thiết và chú ý quan sát thì bạn sẽ thấy rằng cơ thể bạn có sự đáp lại. Đó sẽ là một cách rất hay để chứng tỏ lối hoạt động của hệ thống.

H: Ngài muốn nói đến những câu chữ kiểu như “tôi vừa bị tổn thương”?

Bohm: Những câu chữ thể hiện cái tư duy thực nằm đằng sau sự tổn thương của bạn. Giả sử bạn nói: “Mình đã từng tin y. Y từng là bạn và mình đã từng cậy nhờ vào y, ấy vậy mà y nói những điều khủng khiếp như thế về mình. Điều đó thật hoàn toàn phi lí. Đó là một hành vi phản bội. Đây thật sự là một việc làm sai quấy, không đúng. Tệ hơn nữa, y đã phụ lòng tin của mình, lại còn công kích mình nữa chứ, lí gì mà y lại làm ra vậy.” Cứ ngẫm nghĩ về tất cả những lời lẽ ấy rồi thì bạn sẽ thấy có sự tác động đến cơ thể mình. Nếu đã tìm được đúng câu chữ, nếu đã tìm được câu chữ để thể hiện lối mà bạn thật sự đang nghĩ, thì cơ thể bạn sẽ bị tác động.

H: Thoạt tiên chỉ là giận trong đầu thế thôi, nhưng khi đã thể hiện nó ra thì cơ thể sẽ nắm bắt lấy và sau đó ta thấy cơn giận còn mang cả tính cảm xúc nữa. Và tiếp theo ta thấy ta cứ lớn tiếng dần, đại loại như thế.

Bohm: Và lúc này bạn thấy cơn giận của bạn là cơn giận về mặt sinh lí; cụ thể là bạn căng hết cả người ra. Và nếu cứ để mặc thế thì rốt cuộc bạn sẽ có cảm tưởng rằng chẳng qua đây chỉ là một quá trình sinh lí. Đây là điểm mấu chốt, vì nếu bạn thấy ra được điều đó thì có nghĩa là: tư duy chỉ là một phần của các quá hình sinh lí của cơ thể, một phần rất tinh tế.

H: Có vẻ như tôi có thể ngẫm thấy được một cảm xúc lo âu xáo trộn mà mình có, và phát hiện ra được cái mặc định về sự tất yếu đang nằm đằng sau.

Nhưng thông thường thì dẫu trí óc tôi có thể nói rằng điều đó không thật sự cần thiết, nhưng có một cảm giác rất mạnh vẫn bảo rằng nó là hoàn toàn cần thiết, tất yếu. Tôi vẫn cố bám víu vào đó.

Bohm: Chính nó là phản xạ đấy. Những gì tôi đang gợi ra không phải là phương thuốc trị, vì phản xạ thuộc về phần hóa học, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào trí óc. Điều được nói ra đây là để ta tìm hiểu chứ không khiến cái gì thay đổi hết, vì nếu có cố thử bạn cũng chẳng thay đổi được gì. Mấu chốt là ở chỗ đó.

Vậy là bạn tìm ra những câu chữ để làm việc này, để thấy được các cảm giác bị tác động như thế nào và cơ thể bị tác động như thế nào – bạn làm như vậy đơn giản chỉ để biết. Nó có thể xua đuổi cảm giác dở, nếu được thế thì còn gì bằng. Nhưng mục đích ở đây không phải là xua đuổi cảm giác dở.

H: Vậy có phải là ta đang cố có được một thứ tri giác nào đó trong quá trình hay không?

Bohm: Đúng. Thật ra nếu cảm giác khó chịu mất đi một cách quá dễ dàng thì bạn lỡ cơ hội nhìn thấy nó và bạn không có cơ hội để biết nó hoạt động ra sao.

H: Mục đích là để biết, không phải để thay đổi.

Bohm: Không phải để thay đổi. Một cái gì đó có thể làm cho bạn thay đổi khi bạn biết, nhưng đó sẽ là một sản phẩm phụ.

H: Sự điều kiện hóa của chúng ta nói với chúng ta rằng tức giận là không hay ho gì, rằng khóc lóc là không thể chấp nhận được. Và khi chúng ta rõ ràng đang ngập tràn cảm xúc thì sự điều kiện hóa của chúng ta bảo chúng ta không nên cảm thấy thế.

Bohm: Cũng vậy cả thôi. Sự điều kiện hóa là cái mà chúng ta vừa bàn khi nãy. Sự điều kiện hóa là cái khiến ta tức giận và cũng chính sự điều kiện hóa lại bảo “anh không nên tức giận”. Chỉ là một đấy thôi. Bạn rất có thể nhận ra rằng bạn cần trình bày điều đó thành câu thành chữ, bằng cách nói: “mình tin rằng việc đừng có nổi giận đối với mình là tuyệt đối thiết yếu” và bắt đầu xem xét nó. Vậy là lại phải thêm câu thêm chữ. Đây là một hệ thống, đó chính là vấn đề, và hệ thống này phần nào cứ lan rộng ra mãi. Do đó, bạn đừng mong ngay tức khắc đạt được tất cả bằng quy trình này.

H: Ta thật sự không thể mong đợi gì, theo nghĩa là bất kì cố gắng nghiên cứu kĩ lưỡng cái gì và nắm lấy cái gì đó đều là một phần của hệ thống đang vận động cả. Còn những cái ngài vừa gợi ý lại nằm ngoài hệ thống.

Bohm: Vâng. Tôi nói rằng chúng ta đừng cố làm bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ đang tìm hiểu – ý thức, chú tâm, tìm hiểu.

H: Liệu có phải như thế là ngụ ý rằng ta đang nằm trong hệ thống, phần nào giống như kiểu đang ở trong trạng thái bị thôi miên hay không?

Bohm: Thôi miên chính xác là như vậy. Thôi miên là dùng lời nói để điều khiển hệ thống. Bạn chấp nhận lời nói của nhà thôi miên như chấp nhận cái gì đó tất yếu và rồi tất cả cứ theo như thế.

H: Khi ý thức được rằng hệ thống là một toàn thể – ý thức được về quá trình sinh lí, quá trình tâm lí, tất cả mọi thứ – thì xem ra việc mô tả có vẻ chính xác hơn. Nó xuất phát từ ý thức. Nhưng khi đầu óc mình muốn tìm ra câu chữ thích đáng để mô tả quá trình này thì theo kinh nghiệm cá nhân tôi nó lại không có tác dụng gì.

Bohm: Tôi không có ý khuyên bạn làm điều đó lúc này. Tôi chỉ muốn tìm được câu chữ khiến cho quá trình diễn ra hết cường độ của nó mà thôi. Giống như kiểu ta nói: “Tôi có một cái máy. Tôi muốn làm cho nó chạy chầm chậm thôi để còn xem nó chạy kiểu gì – chứ đừng có chạy tít mù lên để chẳng còn xem được gì, mà cũng đừng chết máy để chẳng còn biết nó chạy thế nào.”

H: Liệu ta có tìm được đâu là nút điều khiển không? Bohm: Nút điều khiển chính là lời nói đấy.

H: Tôi vẫn chưa hiểu thế nào là nút điều khiển. Có mô tả được nó thật chính xác không? Có phải ngài đang nói về điều này không?

Bohm: Cái ta cần phải mô tả sao cho chính xác là việc mình đang thực sự suy nghĩ như thế nào. Thông thường ta không nói ra lời cách suy nghĩ thật của mình. Ta không thừa nhận với bản thân bản chất thật của những tư duy của chúng ta. Khi đang đau bạn thường nói “y làm tôi đau” hay là “tôi đau” hay “tôi không đau”. Bạn nói đủ thứ. Những câu chữ kiểu này sẽ chỉ khiến bạn lạc đường, vì chúng không phải là những tư duy đang thực sự có tác dụng. Chúng chỉ làm mọi thứ rối tung lên thôi.

Giả sử nói: “Tôi không biết chính xác ngôn từ, nhưng tôi đang thử và cố tìm ra chúng – thứ ngôn từ biểu đạt những tư duy đang thực sự có tác dụng, mà lúc này chưa lộ ra. Tôi muốn làm nó lộ hẳn ra.” Rất có thể tôi cảm thấy mọi việc tệ hơn khi dùng những câu chữ như vậy. Do đó, bản năng bảo với tôi là đừng sử dụng chúng. Nhưng tôi lại nói: “không, việc này là tất yếu, đúng là tất yếu, thật sự cần thiết để hiểu thấu được quá trình”.

H: Ta cứ đào xới mãi cho đến khi tìm ra câu chữ.

Bohm: Đúng. Thế nên tôi mới nói: “Nó đúng là tất yếu. Tôi đã thấy tại sao nó lại là tất yếu. Việc ta bị đau gì đó chút đỉnh thì không thành vấn đề.” Nếu nhức răng bạn phải đến nha sĩ và sẽ phải chịu đau một chút; rồi bạn sẽ bảo với ông ấy là cần khoan trám gì đó, tất yếu phải vậy, vì nếu không, răng bạn sẽ hỏng. Giống hệt thế khi bạn bảo: “Thôi được, tôi sẽ đào xới một chút. Có thể đau đấy, nhưng chẳng sao. Tôi muốn tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra.”

H: Ngài có thể thử cho một ví dụ về cái mà ngài gọi là “tìm câu chữ” không?

Bohm: Giả sử bạn tức giận và nói: “Bực quá. Y bắt mình đợi đến hai tiếng đồng hồ rồi. Y muốn gì mà lại bắt mình chờ đợi lâu vậy chứ. Chắc y nghĩ mình thể nào cũng phải đợi y. Y chẳng còn coi mình ra gì nữa. Có lẽ y có việc khác ngon lành hơn nên lơ cả mình đi. Y bắt mình chờ suốt ở đây trong khi thì giờ của mình là vàng bạc. Y chẳng thèm đếm xỉa đến mình.” Tùy theo đó là chuyện gì mà bạn sẽ tìm ra câu chữ để thể hiện được nguyên nhân thực khiến cho việc tức giận là điều tất yếu – để biện hộ cho nó, để bảo là nó đúng và tất yếu phải như thế. “Thế này thì ai mà chả bực. Ai bị người ta đối xử thế này cũng phải nổi cáu hết. Việc này tất yếu phải thế, một cách tuyệt đối, và đối với ai cũng thế thôi. Mình hoàn toàn đúng.” v.v.

Có lẽ ta nên dừng ở đây và buổi chiều lại sẽ tiếp tục.

Bình luận
720
× sticky