Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quán Gò Đi Lên

Chương 4

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Con Cúc không ngờ nó mới lượn ra lượn vô có hai ba ngày đã khiến hồn vía thằng Lâm lơ lơ lửng lửng.
Ngay cả Lâm cũng không ngờ. Nhà Lâm ở tuốt Tây Ninh, ba mẹ sống bằng nghề trồng mía, chẳng khấm khá bao lăm. Nó học hết phổ thông, đùm đề khăn gói xuống Sài Gòn ở nhà bà dì ôn thi đại học. Rớt cái bịch, nó không thèm về quê, ở lại thành phố vừa kiếm việc làm vừa ôn tập chờ sang năm thi lại.

Lâm là đứa có chí. Nó tự nhủ nếu không vào được đại học, nó quyết không trở về nhà. Nó bắt chước người xưa, nếu công chưa thành danh chưa toại thì dứt khoát “một đi không trở lại”.

Để thực hiện chí lớn, ngay ngày đầu tiên lò dò tới quán Đo Đo, nó ôm theo một lô sách vở, nhét đầy trong ba lô.

Lâm ban ngày chạy bàn, ban đêm ngủ luôn tại quán. Khi người khách cuối cùng bước ra, nó lụi thụi đi kéo cửa, bấm ổ khóa. Sau khi lau bàn lau ghế đâu đó xong xuôi, nó chun vào nhà vệ sinh tắm rửa thay đồ rồi leo lên ghế bố, lấy sách vở ra nằm học.

Ban ngày, những lúc vắng khách, nó cũng tranh thủ ôn bài. Nó nhét dấm dúi dăm cuốn sách vào cái kệ đựng chai lọ lỉnh kỉnh ở góc nhà, hễ rảnh rỗi là lôi ra tụng niệm.

Một cái đứa ham học như thế, có chí như thế thì đâu có nghĩ đến chuyện “nhi nữ tình trường”. Thằng Lâm biết thừa con Lan bán đồ khô mê nó tít thò lò nhưng nó cứ phớt tỉnh, ra vẻ ta đây còn con nít lắm, mặc dù năm nay nó mười tám tuổi, bằng tuổi với con Lan.

Ấy vậy mà ngắm nghía con Cúc chừng ba bữa, thằng Lâm thấy bụng dạ mình có điều chi đó không ổn. Tối, nằm học bài, mắt dán vô trang sách nhưng đầu óc nó cứ nghĩ vẩn vơ tới con Cúc lúc này đang nằm ngáy khò khò bên cạnh con Lệ, con Lan trên căn gác lửng.

Nói cho đúng ra, hồi con Cúc mới từ ngoài quê vô, thằng Lâm không để ý mấy. Bữa đầu tiên, nghe con Cúc sửa giọng, nó chỉ buồn cười. Đến khi con Cúc trở lại cái giọng nguyên chất thì nó hơi bực, vì hễ con Cúc nói một câu nó phải hỏi đi hỏi lại đến bốn năm câu, mỏi miệng muốn chết.

Hơn nữa, con Cúc tuy là chị em cô cậu với con Gái nhỏ nhưng hoàn cảnh hai đứa khác xa nhau. Trong khi con Gái nhỏ mở tiệm uốn tóc quanh năm ngồi trong mát thì con Cúc vẫn bốn mùa mười hai tháng loay hoay ngoài ruộng, phụ ba mẹ nhổ cỏ, gặt lúa, bón phân. Nó dang nắng suốt nên trông nó đen đúa nhếch nhác, sánh với vẻ trắng trẻo tươm tất của con Gái nhỏ thì rõ ràng thua xa lắc xa lơ.

Hôm đầu tiên, con Cúc mang nguyên cái ngoại hình như vậy tấp vô quán Đo Đo, biểu thằng Lâm để ý sao được.

Nhưng bán quán một thời gian, không còn dãi nắng dầm sương, nước da con Cúc dần dần trắng ra. Nó ăn uống lại được nên ngày càng mũm mĩm, trông xinh xắn hẳn. So với con Cúc một tháng trước đây, con Cúc bây giờ đúng là khác xa một trời một vực.

Nhưng con Cúc có đẹp lên cũng chẳng liên quan gì đến thằng Lâm, nếu nó cứ chun hoài trong bếp.

Đằng này, từ ngày phát hiện ra “khả năng phiên dịch” của mình qua vụ “ba cái tré”, lại được cô Thanh khen ngợi, khuyến khích, hễ rảnh tay rảnh chân là con Cúc tót ra ngoài phụ con Lan bán hàng, phụ thằng Lâm bưng bê, dọn dẹp. Chỉ có vậy thôi mà thằng Lâm sinh mất ăn mất ngủ.

Lâm mất ngủ còn bởi nó biết con Cúc chẳng có tình ý gì với nó. Một bữa, thấy con Cúc ngồi quạt lò nướng bánh đa một mình ngoài hiên, Lâm mon men lại gần gợi chuyện:

Em năm nay mấy tuổi hả Cúc?

Mười bảy. Còn anh Lâm mấy tuổi?

Anh mười tám. Vậy Cúc phải kêu anh bằng anh hén? Con Cúc cười:
Thì trước giờ em vẫn kêu anh bằng anh chớ bằng chi!

Con Cúc nói “bằng” thành “bèn”, nhưng lúc này thằng Lâm chẳng còn tâm trí đâu để cười cợt cái giọng “nước mắm Nam Ô” của con Cúc, thậm chí dạo này nó thấy cái giọng đó sao mà thân thương mặn mà quá xá.

Lâm chỉ so bì:

– Nhưng em cũng kêu anh Cải bằng anh vậy.

Con Cúc là gái quê chất phác. Nó không hiểu thằng Lâm nói vậy là có ý bất bình, liền tươi tỉnh gật đầu:

– Thì kêu bằng anh chớ răng. Anh Cải lớn hơn em tới ba tuổi lận mà.

Sự vô tâm của con Cúc khiến Lâm tức sôi. Nó tính nói “Nếu lớn hơn ba tuổi thì kêu bằng chú quách” nhưng rồi thấy xúi bậy con Cúc như vậy là quá đáng nên cuối cùng nó làm thinh. Nó làm thinh nhưng mặt xụ xuống một đống.

Lâm xụ mặt để mong con Cúc nhìn thấy và thắc mắc “Anh đang buồn chuyện chi rứa?” để nó có cớ nói xa nói gần.

Con Cúc nhìn thấy và thắc mắc thiệt. Nhưng thắc mắc của nó chẳng ăn nhập gì đến mơ tưởng của Lâm:

– Tro bay vô mắt anh hả?

Câu hỏi của con Cúc khiến Lâm muốn khóc thét. Đã vậy, con Cúc còn nói thêm bằng giọng hết sức chân thành:

– Anh ngồi xích ra đi. Hay anh vô nhà ngồi, xớ rớ ngoài ni chi cho nắng.

Con Cúc đã nói vậy, thằng Lâm chẳng có cớ chi để bày tỏ nỗi lòng. Nó chán nản thở hắt một cái rồi thất thểu quay trở vô nhà, mặt chảy dài như bánh đa nhúng nước.

Con Lan bán đồ khô ngó ra, dòm bộ tịch thằng Lâm tưởng thằng này mượn tiền mà con Cúc không cho, liền xán lại:

Anh cần bao nhiêu, em cho anh mượn?

Cái gì? – Thằng Lâm không hiểu.

Con Lan chớp cặp lông mi dài:

Ủa, chớ không phải anh đang kẹt tiền hả? Miệng Lâm méo xẹo:
Kẹt đâu mà kẹt! Lan toàn đoán mò không hà!

Thấy vẻ mặt thằng Lâm khó coi quá, con Lan liền lảng đi chỗ khác, mày nhíu lại: Vậy chớ ảnh buồn chuyện chi cà? Thắc mắc đó làm con Lan thẫn thờ suốt cả buổi chiều. Chưa có bữa nào nó thối lộn tiền cho khách nhiều như bữa đó.

Thằng Lâm thực ra đâu phải đứa lòng gang dạ sắt. Sự quan tâm của con Lan làm nó cảm động lắm, chỉ có điều nó không lộ ra đó thôi. Dù sao cảm động cũng không phải là rung động, Lâm biết rõ điều đó. Hai thứ đó khác nhau xa lắc, cũng như bánh bèo khác với bánh ít vậy. Phải chi đứa ân cần hỏi han mình không phải là con Lan mà là con Cúc thì hay biết mấy! Lâm bần thần nghĩ, thấy chuyện tình cảm sao mà nhiêu khê quá.

Sau bữa đó, ba ngày liền hễ vắng khách là thằng Lâm xề lại chỗ chiếc bàn ngoài cùng, ngồi chóng cằm ngó ra.

Nó ngó và nó ganh tị với cái “vị trí béo bở” của thằng Cải. Cải là sếp bãi giữ xe, suốt ngày bắc ghế ngồi tréo mảy trước hiên. Mà hổm rày con Cúc lại hay đem lò than ra ngoài trước ngồi nướng bánh, nghĩa là ngồi sát rạt bên thằng Cải.

Hồi trước, tụi con Cúc con Lệ nướng bánh nướng thịt đằng sau bếp. Nhưng từ ngày khách than cay mắt thì cô Thanh kêu tụi nó đem lò than ra trước hiên ngồi nướng cho khói khỏi luẩn quẩn trong nhà. Thế là thằng Cải tự nhiên trở thành “hàng xóm” của con Cúc.

Nói chính xác thì Lâm chỉ ganh tị với “vị trí” của Cải chớ không phải ganh tị với chính Cải. Bởi xem ra thằng Cải chẳng có ý tứ gì với con Cúc. Thậm chí, Lâm còn tính nhờ Cải làm “nhịp cầu giao lưu” giùm mình. Chuyện đó coi bộ không khó khăn chi, nhất là từ hôm thằng Cải quyết định buổi tối ngủ luôn tại quán chớ không về nhà như trước.

Chuyện thằng Cải ngủ đêm lại quán bắt nguồn từ một nguyên nhân rất buồn cười.

Tháng đầu tiên, không hiểu sao quán Đo Đo chỉ đông khách vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật. Không phải đông vừa vừa mà đông nghẹt. Khách kéo tới nườm nượp, đứng chen lấn vòng trong vòng ngoài khiến mấy đứa trong quán chạy tới chạy lui lính quýnh như gà mắc đẻ.

Ai đi ngang quán Đo Đo vào thời khắc đó, chắc tưởng chủ quán sắp cơi lầu tới nơi.

Nhưng oái oăm thay, quán mở cửa bảy ngày nhưng chỉ thực sự đông khách vào hai ngày cuối tuần. Còn từ thứ hai đến thứ sáu, khách khứa lèo tèo, có bữa vắng ngắt.

Một hôm chồng cô Thanh ghé chơi, nói chuyện với đám con Lan, con Lệ một hồi bỗng phát hiện mình là người khách duy nhất trong quán, liền lấy bộ nghiêm trang, cúi đầu, hai tay chắp trước ngực:

– Nam mô A di đà phật!

Con Lan là đứa đối đáp lanh lợi. Biết chồng cô Thanh có ý ghẹo quán vắng như chùa Bà Đanh, nó vẫn tỉnh khô:

Không dám, không dám, mời thí chủ ngồi! Thí chủ muón dùng chi cứ bảo bần ni một tiếng!

Con Lan vừa nói vừa cười nhưng nếu dòm kỹ sẽ thấy miệng nó cười méo xẹo.

Thoạt đầu không ai trong quán nắm được cái quy luật “đông-vắng, vắng-đông” đó.

Thằng Cải cũng vậy. Ngày chủ nhật nó coi xe đến phờ người, tối về nhà nghe mẹ hỏi:

– Quán bán được không Cải?

Nó quệt mồ hôi trán, hớn hở khoe:

Đông lắm má à! Mẹ nó không tin:

Quán mới mở chưa được một tháng mà đông? Giọng điệu nghi ngờ của mẹ làm Cải tự ái:

Má không tin thì mời má ra chơi. Con không nói xạo đâu.

Ngày hôm sau, mẹ thằng Cải đi xích-lô ra thiệt. Ra ngay vào lúc quán không có một mống khách, còn thằng Cải thì đang ngồi ngáp vặt trước hiên.

Cải nửa thức nửa ngủ, nhác thấy xích-lô trờ tới trước quán, liền mừng rỡ bật dậy. Nhưng khi nhận ra người ngồi trên xe là mẹ mình, Cải tái mét mặt.

Mẹ nó vừa lúi húi xuống xe, chưa kịp hỏi tiếng nào, nó đã vội chạy lại hoảng hồn xua tay:

Trời, má ra đây làm chi. Má về đi, bữa nay quán nghỉ bán để… sửa ống nước.

Chớ sao hôm qua con kêu má ra?

Mặt thằng Cải nhăn hí:

Con đâu có kêu má ra bữa nay. Bữa khác kìa.

Bữa khác là bữa nào?

Thằng Cải gãi gáy:

Con cũng chưa biết. Để từ từ con sắp xếp.

Hừ, sắp xếp. Mày chỉ nói xạo là giỏi!

Mắng xong, mẹ nó giận dỗi quay ra đường, ngoắc xích lô, leo lên đi thẳng.

Thằng Cải đứng chết trân có đến mười phút. Tới phút thứ mười một, nó xồng xộ bước vô quán, hậm hực hỏi:

– Hồi sáng, ai mở cửa quán?

Thấy mặt mày thằng Cải khác lạ, con Kim rụt rè:

Có chuyện gì vậy anh Cải? Mặt thằng Cải vẫn khó đăm đăm:

Kim trả lời Cải đi đã! Sáng nay người nào mở cửa?

Kim không biết. Anh hỏi con Lan thử coi!

Hồi sáng Lệ mở cửa quán phải không?

Vô duyên! – Lệ giật tay ra – Tự nhiên lại nắm tay nắm chân người ta! Con Kim đứng ngoài cười hí hí:
Nắm chân đâu mà nắm chân! Chỉ nắm tay thôi!

Cải không giỡn với Kim à nghen! Rồi nó quay sang Lệ, tiếp tục cật vấn:

Lệ nói cho Cải biết đi! Hồi sáng ai mở cửa quán vậy?

Tao mở!

Tiếng thằng Lâm thình lình vang lên chỗ ngách cửa.

Cải quay phắt lại:

Mày mở hả?

Ừ.

Cải cau mặt:

Từ ngày mai trở đi, mày đừng mở cửa nữa. Vía mày nặng lắm. Thằng Lâm giương mắt ếch:
Vía nặng là sao?

Là xui chứ là sao! – Cải vung tay giải thích – Để người nặng vía mở cửa, quán sẽ ế suốt ngày.

Thằng Lâm nhăn nhó:

Nhưng tao không mở thì ai mở? Tao là con trai, lại ngủ ngay dưới nhà, chẳng lẽ để đàn bà con gái ngủ trên gác leo xuống mở giùm?

Lý do thằng Lâm đưa ra nặng ký quá cỡ khiến thằng Cải ngẩn tò te có đến một lúc.

Tao sẽ mở! – Cuối cùng, Cải nói, giọng quả quyết. Thằng Lâm ngạc nhiên:
Nhưng mày đâu có ngoài quán?

Kể từ tối nay, tao sẽ ngủ luôn tại quán, không về nhà nữa.

Nói là làm, tối đó thằng Cải ở lại phụ thằng Lâm lau bàn lau ghế và quét rửa sàn nhà đến tận khuya, sau đó nó kéo hai cái bàn sát lại đặt chắn ngay cửa rồi tót lên nằm. Thằng Cải chọn cái vị trí như vậy ý chừng là để ngăn cản những đứa khác giành quyền mở cửa với mình.

Thằng Cải thiệt lo xa quá. Chỉ có nó quan tâm đến chuyện vía nặng vía nhẹ chớ những đứa kia xem ra chẳng tha thiết gì đến ba cái chuyện thuộc thẩm quyền của “cõi trên” đó.

Và cũng vì thằng Cải quá coi trọng chuyện đó nên đôi khi nó làm nhiều trò khó coi chết đi được.

Thường lệ, cứ khoảng năm rưỡi, sáu giờ sáng là cả quán thức dậy. Trong khi thằng Cải mở cửa, quét hiên thì thằng Lâm quét nhà, xếp bàn kê ghế, con Lan sắp lại các lọ nước mắm, mắm ruốc, mắm cái, tương ớt, chuối chần và các loại bánh bày trên kệ đồ khô, còn con Cúc và con Lệ thì lặt rau, gói bánh ít, bằm tôm thịt làm nhưn bánh bèo, nấu nước sôi…

Một hôm, Cải thức giấc như mọi khi. Nhưng khác với mọi khi là tự dưng nó mắc tiểu quá. Vì vậy, thay vì lập tức mở cửa thì nó phóc xuống khỏi bàn, chui tọt vô toi-lét.

Đang tè nửa chừng, chợt nghe tiếng động ngoài cửa sắt, Cải giật bắn mình. Chết rồi, đứa nào mở cửa! ý nghĩ vừa nhoáng lên trong óc, Cải không đợi trút hết “bầu tâm sự”, đã cà nhắc chạy ra.

Thấy thằng Cải một tay kéo quần, một tay huơ loạn xạ, miệng la bài hãi:

Dừng lại, dừng lại! Để đó cho Cải mở! Đám con gái lấy tay che mắt, miệng la rần:

Trời! Coi anh Cải kìa!

Con Cúc ré lên, đúng giọng “nước mắm Nam Ô nguyên chất”:

– Ui cha, mắc tịt quá! Anh Cải làm chi dị òm rứa!

Mà thiệt ra đâu có chuyện gì kinh thiên động địa: Chỉ là do thằng Lâm lui cui quét nhà, chổng mông đụng nhầm cánh cửa thôi.

Kể từ bữa đó, sáng ngủ dậy hễ thấy Cải biến vô toi-lét, không đứa con gái nào dám xớ rớ đến chỗ cửa. Tụi nó sợ bất cẩn gây nên tiếng động, thằng Cải sẽ thình lình tông cửa đâm bổ ra như lần trước.

Bây giờ nhớ lại chuyện đó, dẫu đang buồn nẫu ruột trước sự thờ ơ của con Cúc, Lâm cũng không khỏi phì cười.

Lâm cười và nghĩ: Dù sao nhờ vậy mà tối tối mình mới có dịp gần gũi với thằng Cải. Gần gũi thì không thể không tâm tình. Mình sẽ tâm tình. Tâm tình thì không thể không nhờ vả. Mình sẽ nhờ vả. Nhờ vả thì không thể không nhận lời. Mình sẽ nhận lời. à, không phải mình nhận lời mà thằng Cải nhận lời. Cải nhận lời coi như đoạn đường chông gai từ trái tim mình đến trái tim con Cúc rút ngắn được một nửa. Ý nghĩ đó làm Lâm phấn khởi quá xá, và nó bày tỏ sự phấn khởi đó bằng cách toét miệng cười một mình lần nữa.

Mấy bữa nay thấy thằng Lâm buồn buồn như có tâm sự chi, con Lan đâm buồn theo. Nó đứng bán hàng mà mắt cứ dòm chừng thằng Lâm. Nãy giờ, len lén theo dõi, thấy thằng này thoắt vui thoắt buồn, đang xịu mặt như sắp khóc bỗng nhe răng ra cười như đười ươi, con Lan lo sốt vó: Hay thần kinh ảnh có chi trục trặc?

Con Cúc không ngờ nó mới lượn ra lượn vô có hai ba ngày đã khiến hồn vía thằng Lâm lơ lơ lửng lửng.
Ngay cả Lâm cũng không ngờ. Nhà Lâm ở tuốt Tây Ninh, ba mẹ sống bằng nghề trồng mía, chẳng khấm khá bao lăm. Nó học hết phổ thông, đùm đề khăn gói xuống Sài Gòn ở nhà bà dì ôn thi đại học. Rớt cái bịch, nó không thèm về quê, ở lại thành phố vừa kiếm việc làm vừa ôn tập chờ sang năm thi lại.

Lâm là đứa có chí. Nó tự nhủ nếu không vào được đại học, nó quyết không trở về nhà. Nó bắt chước người xưa, nếu công chưa thành danh chưa toại thì dứt khoát “một đi không trở lại”.

Để thực hiện chí lớn, ngay ngày đầu tiên lò dò tới quán Đo Đo, nó ôm theo một lô sách vở, nhét đầy trong ba lô.

Lâm ban ngày chạy bàn, ban đêm ngủ luôn tại quán. Khi người khách cuối cùng bước ra, nó lụi thụi đi kéo cửa, bấm ổ khóa. Sau khi lau bàn lau ghế đâu đó xong xuôi, nó chun vào nhà vệ sinh tắm rửa thay đồ rồi leo lên ghế bố, lấy sách vở ra nằm học.

Ban ngày, những lúc vắng khách, nó cũng tranh thủ ôn bài. Nó nhét dấm dúi dăm cuốn sách vào cái kệ đựng chai lọ lỉnh kỉnh ở góc nhà, hễ rảnh rỗi là lôi ra tụng niệm.

Một cái đứa ham học như thế, có chí như thế thì đâu có nghĩ đến chuyện “nhi nữ tình trường”. Thằng Lâm biết thừa con Lan bán đồ khô mê nó tít thò lò nhưng nó cứ phớt tỉnh, ra vẻ ta đây còn con nít lắm, mặc dù năm nay nó mười tám tuổi, bằng tuổi với con Lan.

Ấy vậy mà ngắm nghía con Cúc chừng ba bữa, thằng Lâm thấy bụng dạ mình có điều chi đó không ổn. Tối, nằm học bài, mắt dán vô trang sách nhưng đầu óc nó cứ nghĩ vẩn vơ tới con Cúc lúc này đang nằm ngáy khò khò bên cạnh con Lệ, con Lan trên căn gác lửng.

Nói cho đúng ra, hồi con Cúc mới từ ngoài quê vô, thằng Lâm không để ý mấy. Bữa đầu tiên, nghe con Cúc sửa giọng, nó chỉ buồn cười. Đến khi con Cúc trở lại cái giọng nguyên chất thì nó hơi bực, vì hễ con Cúc nói một câu nó phải hỏi đi hỏi lại đến bốn năm câu, mỏi miệng muốn chết.

Hơn nữa, con Cúc tuy là chị em cô cậu với con Gái nhỏ nhưng hoàn cảnh hai đứa khác xa nhau. Trong khi con Gái nhỏ mở tiệm uốn tóc quanh năm ngồi trong mát thì con Cúc vẫn bốn mùa mười hai tháng loay hoay ngoài ruộng, phụ ba mẹ nhổ cỏ, gặt lúa, bón phân. Nó dang nắng suốt nên trông nó đen đúa nhếch nhác, sánh với vẻ trắng trẻo tươm tất của con Gái nhỏ thì rõ ràng thua xa lắc xa lơ.

Hôm đầu tiên, con Cúc mang nguyên cái ngoại hình như vậy tấp vô quán Đo Đo, biểu thằng Lâm để ý sao được.

Nhưng bán quán một thời gian, không còn dãi nắng dầm sương, nước da con Cúc dần dần trắng ra. Nó ăn uống lại được nên ngày càng mũm mĩm, trông xinh xắn hẳn. So với con Cúc một tháng trước đây, con Cúc bây giờ đúng là khác xa một trời một vực.

Nhưng con Cúc có đẹp lên cũng chẳng liên quan gì đến thằng Lâm, nếu nó cứ chun hoài trong bếp.

Đằng này, từ ngày phát hiện ra “khả năng phiên dịch” của mình qua vụ “ba cái tré”, lại được cô Thanh khen ngợi, khuyến khích, hễ rảnh tay rảnh chân là con Cúc tót ra ngoài phụ con Lan bán hàng, phụ thằng Lâm bưng bê, dọn dẹp. Chỉ có vậy thôi mà thằng Lâm sinh mất ăn mất ngủ.

Lâm mất ngủ còn bởi nó biết con Cúc chẳng có tình ý gì với nó. Một bữa, thấy con Cúc ngồi quạt lò nướng bánh đa một mình ngoài hiên, Lâm mon men lại gần gợi chuyện:

Em năm nay mấy tuổi hả Cúc?

Mười bảy. Còn anh Lâm mấy tuổi?

Anh mười tám. Vậy Cúc phải kêu anh bằng anh hén? Con Cúc cười:
Thì trước giờ em vẫn kêu anh bằng anh chớ bằng chi!

Con Cúc nói “bằng” thành “bèn”, nhưng lúc này thằng Lâm chẳng còn tâm trí đâu để cười cợt cái giọng “nước mắm Nam Ô” của con Cúc, thậm chí dạo này nó thấy cái giọng đó sao mà thân thương mặn mà quá xá.

Lâm chỉ so bì:

– Nhưng em cũng kêu anh Cải bằng anh vậy.

Con Cúc là gái quê chất phác. Nó không hiểu thằng Lâm nói vậy là có ý bất bình, liền tươi tỉnh gật đầu:

– Thì kêu bằng anh chớ răng. Anh Cải lớn hơn em tới ba tuổi lận mà.

Sự vô tâm của con Cúc khiến Lâm tức sôi. Nó tính nói “Nếu lớn hơn ba tuổi thì kêu bằng chú quách” nhưng rồi thấy xúi bậy con Cúc như vậy là quá đáng nên cuối cùng nó làm thinh. Nó làm thinh nhưng mặt xụ xuống một đống.

Lâm xụ mặt để mong con Cúc nhìn thấy và thắc mắc “Anh đang buồn chuyện chi rứa?” để nó có cớ nói xa nói gần.

Con Cúc nhìn thấy và thắc mắc thiệt. Nhưng thắc mắc của nó chẳng ăn nhập gì đến mơ tưởng của Lâm:

– Tro bay vô mắt anh hả?

Câu hỏi của con Cúc khiến Lâm muốn khóc thét. Đã vậy, con Cúc còn nói thêm bằng giọng hết sức chân thành:

– Anh ngồi xích ra đi. Hay anh vô nhà ngồi, xớ rớ ngoài ni chi cho nắng.

Con Cúc đã nói vậy, thằng Lâm chẳng có cớ chi để bày tỏ nỗi lòng. Nó chán nản thở hắt một cái rồi thất thểu quay trở vô nhà, mặt chảy dài như bánh đa nhúng nước.

Con Lan bán đồ khô ngó ra, dòm bộ tịch thằng Lâm tưởng thằng này mượn tiền mà con Cúc không cho, liền xán lại:

Anh cần bao nhiêu, em cho anh mượn?

Cái gì? – Thằng Lâm không hiểu.

Con Lan chớp cặp lông mi dài:

Ủa, chớ không phải anh đang kẹt tiền hả? Miệng Lâm méo xẹo:
Kẹt đâu mà kẹt! Lan toàn đoán mò không hà!

Thấy vẻ mặt thằng Lâm khó coi quá, con Lan liền lảng đi chỗ khác, mày nhíu lại: Vậy chớ ảnh buồn chuyện chi cà? Thắc mắc đó làm con Lan thẫn thờ suốt cả buổi chiều. Chưa có bữa nào nó thối lộn tiền cho khách nhiều như bữa đó.

Thằng Lâm thực ra đâu phải đứa lòng gang dạ sắt. Sự quan tâm của con Lan làm nó cảm động lắm, chỉ có điều nó không lộ ra đó thôi. Dù sao cảm động cũng không phải là rung động, Lâm biết rõ điều đó. Hai thứ đó khác nhau xa lắc, cũng như bánh bèo khác với bánh ít vậy. Phải chi đứa ân cần hỏi han mình không phải là con Lan mà là con Cúc thì hay biết mấy! Lâm bần thần nghĩ, thấy chuyện tình cảm sao mà nhiêu khê quá.

Sau bữa đó, ba ngày liền hễ vắng khách là thằng Lâm xề lại chỗ chiếc bàn ngoài cùng, ngồi chóng cằm ngó ra.

Nó ngó và nó ganh tị với cái “vị trí béo bở” của thằng Cải. Cải là sếp bãi giữ xe, suốt ngày bắc ghế ngồi tréo mảy trước hiên. Mà hổm rày con Cúc lại hay đem lò than ra ngoài trước ngồi nướng bánh, nghĩa là ngồi sát rạt bên thằng Cải.

Hồi trước, tụi con Cúc con Lệ nướng bánh nướng thịt đằng sau bếp. Nhưng từ ngày khách than cay mắt thì cô Thanh kêu tụi nó đem lò than ra trước hiên ngồi nướng cho khói khỏi luẩn quẩn trong nhà. Thế là thằng Cải tự nhiên trở thành “hàng xóm” của con Cúc.

Nói chính xác thì Lâm chỉ ganh tị với “vị trí” của Cải chớ không phải ganh tị với chính Cải. Bởi xem ra thằng Cải chẳng có ý tứ gì với con Cúc. Thậm chí, Lâm còn tính nhờ Cải làm “nhịp cầu giao lưu” giùm mình. Chuyện đó coi bộ không khó khăn chi, nhất là từ hôm thằng Cải quyết định buổi tối ngủ luôn tại quán chớ không về nhà như trước.

Chuyện thằng Cải ngủ đêm lại quán bắt nguồn từ một nguyên nhân rất buồn cười.

Tháng đầu tiên, không hiểu sao quán Đo Đo chỉ đông khách vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật. Không phải đông vừa vừa mà đông nghẹt. Khách kéo tới nườm nượp, đứng chen lấn vòng trong vòng ngoài khiến mấy đứa trong quán chạy tới chạy lui lính quýnh như gà mắc đẻ.

Ai đi ngang quán Đo Đo vào thời khắc đó, chắc tưởng chủ quán sắp cơi lầu tới nơi.

Nhưng oái oăm thay, quán mở cửa bảy ngày nhưng chỉ thực sự đông khách vào hai ngày cuối tuần. Còn từ thứ hai đến thứ sáu, khách khứa lèo tèo, có bữa vắng ngắt.

Một hôm chồng cô Thanh ghé chơi, nói chuyện với đám con Lan, con Lệ một hồi bỗng phát hiện mình là người khách duy nhất trong quán, liền lấy bộ nghiêm trang, cúi đầu, hai tay chắp trước ngực:

– Nam mô A di đà phật!

Con Lan là đứa đối đáp lanh lợi. Biết chồng cô Thanh có ý ghẹo quán vắng như chùa Bà Đanh, nó vẫn tỉnh khô:

Không dám, không dám, mời thí chủ ngồi! Thí chủ muón dùng chi cứ bảo bần ni một tiếng!

Con Lan vừa nói vừa cười nhưng nếu dòm kỹ sẽ thấy miệng nó cười méo xẹo.

Thoạt đầu không ai trong quán nắm được cái quy luật “đông-vắng, vắng-đông” đó.

Thằng Cải cũng vậy. Ngày chủ nhật nó coi xe đến phờ người, tối về nhà nghe mẹ hỏi:

– Quán bán được không Cải?

Nó quệt mồ hôi trán, hớn hở khoe:

Đông lắm má à! Mẹ nó không tin:

Quán mới mở chưa được một tháng mà đông? Giọng điệu nghi ngờ của mẹ làm Cải tự ái:

Má không tin thì mời má ra chơi. Con không nói xạo đâu.

Ngày hôm sau, mẹ thằng Cải đi xích-lô ra thiệt. Ra ngay vào lúc quán không có một mống khách, còn thằng Cải thì đang ngồi ngáp vặt trước hiên.

Cải nửa thức nửa ngủ, nhác thấy xích-lô trờ tới trước quán, liền mừng rỡ bật dậy. Nhưng khi nhận ra người ngồi trên xe là mẹ mình, Cải tái mét mặt.

Mẹ nó vừa lúi húi xuống xe, chưa kịp hỏi tiếng nào, nó đã vội chạy lại hoảng hồn xua tay:

Trời, má ra đây làm chi. Má về đi, bữa nay quán nghỉ bán để… sửa ống nước.

Chớ sao hôm qua con kêu má ra?

Mặt thằng Cải nhăn hí:

Con đâu có kêu má ra bữa nay. Bữa khác kìa.

Bữa khác là bữa nào?

Thằng Cải gãi gáy:

Con cũng chưa biết. Để từ từ con sắp xếp.

Hừ, sắp xếp. Mày chỉ nói xạo là giỏi!

Mắng xong, mẹ nó giận dỗi quay ra đường, ngoắc xích lô, leo lên đi thẳng.

Thằng Cải đứng chết trân có đến mười phút. Tới phút thứ mười một, nó xồng xộ bước vô quán, hậm hực hỏi:

– Hồi sáng, ai mở cửa quán?

Thấy mặt mày thằng Cải khác lạ, con Kim rụt rè:

Có chuyện gì vậy anh Cải? Mặt thằng Cải vẫn khó đăm đăm:

Kim trả lời Cải đi đã! Sáng nay người nào mở cửa?

Kim không biết. Anh hỏi con Lan thử coi!

Hồi sáng Lệ mở cửa quán phải không?

Vô duyên! – Lệ giật tay ra – Tự nhiên lại nắm tay nắm chân người ta! Con Kim đứng ngoài cười hí hí:
Nắm chân đâu mà nắm chân! Chỉ nắm tay thôi!

Cải không giỡn với Kim à nghen! Rồi nó quay sang Lệ, tiếp tục cật vấn:

Lệ nói cho Cải biết đi! Hồi sáng ai mở cửa quán vậy?

Tao mở!

Tiếng thằng Lâm thình lình vang lên chỗ ngách cửa.

Cải quay phắt lại:

Mày mở hả?

Ừ.

Cải cau mặt:

Từ ngày mai trở đi, mày đừng mở cửa nữa. Vía mày nặng lắm. Thằng Lâm giương mắt ếch:
Vía nặng là sao?

Là xui chứ là sao! – Cải vung tay giải thích – Để người nặng vía mở cửa, quán sẽ ế suốt ngày.

Thằng Lâm nhăn nhó:

Nhưng tao không mở thì ai mở? Tao là con trai, lại ngủ ngay dưới nhà, chẳng lẽ để đàn bà con gái ngủ trên gác leo xuống mở giùm?

Lý do thằng Lâm đưa ra nặng ký quá cỡ khiến thằng Cải ngẩn tò te có đến một lúc.

Tao sẽ mở! – Cuối cùng, Cải nói, giọng quả quyết. Thằng Lâm ngạc nhiên:
Nhưng mày đâu có ngoài quán?

Kể từ tối nay, tao sẽ ngủ luôn tại quán, không về nhà nữa.

Nói là làm, tối đó thằng Cải ở lại phụ thằng Lâm lau bàn lau ghế và quét rửa sàn nhà đến tận khuya, sau đó nó kéo hai cái bàn sát lại đặt chắn ngay cửa rồi tót lên nằm. Thằng Cải chọn cái vị trí như vậy ý chừng là để ngăn cản những đứa khác giành quyền mở cửa với mình.

Thằng Cải thiệt lo xa quá. Chỉ có nó quan tâm đến chuyện vía nặng vía nhẹ chớ những đứa kia xem ra chẳng tha thiết gì đến ba cái chuyện thuộc thẩm quyền của “cõi trên” đó.

Và cũng vì thằng Cải quá coi trọng chuyện đó nên đôi khi nó làm nhiều trò khó coi chết đi được.

Thường lệ, cứ khoảng năm rưỡi, sáu giờ sáng là cả quán thức dậy. Trong khi thằng Cải mở cửa, quét hiên thì thằng Lâm quét nhà, xếp bàn kê ghế, con Lan sắp lại các lọ nước mắm, mắm ruốc, mắm cái, tương ớt, chuối chần và các loại bánh bày trên kệ đồ khô, còn con Cúc và con Lệ thì lặt rau, gói bánh ít, bằm tôm thịt làm nhưn bánh bèo, nấu nước sôi…

Một hôm, Cải thức giấc như mọi khi. Nhưng khác với mọi khi là tự dưng nó mắc tiểu quá. Vì vậy, thay vì lập tức mở cửa thì nó phóc xuống khỏi bàn, chui tọt vô toi-lét.

Đang tè nửa chừng, chợt nghe tiếng động ngoài cửa sắt, Cải giật bắn mình. Chết rồi, đứa nào mở cửa! ý nghĩ vừa nhoáng lên trong óc, Cải không đợi trút hết “bầu tâm sự”, đã cà nhắc chạy ra.

Thấy thằng Cải một tay kéo quần, một tay huơ loạn xạ, miệng la bài hãi:

Dừng lại, dừng lại! Để đó cho Cải mở! Đám con gái lấy tay che mắt, miệng la rần:

Trời! Coi anh Cải kìa!

Con Cúc ré lên, đúng giọng “nước mắm Nam Ô nguyên chất”:

– Ui cha, mắc tịt quá! Anh Cải làm chi dị òm rứa!

Mà thiệt ra đâu có chuyện gì kinh thiên động địa: Chỉ là do thằng Lâm lui cui quét nhà, chổng mông đụng nhầm cánh cửa thôi.

Kể từ bữa đó, sáng ngủ dậy hễ thấy Cải biến vô toi-lét, không đứa con gái nào dám xớ rớ đến chỗ cửa. Tụi nó sợ bất cẩn gây nên tiếng động, thằng Cải sẽ thình lình tông cửa đâm bổ ra như lần trước.

Bây giờ nhớ lại chuyện đó, dẫu đang buồn nẫu ruột trước sự thờ ơ của con Cúc, Lâm cũng không khỏi phì cười.

Lâm cười và nghĩ: Dù sao nhờ vậy mà tối tối mình mới có dịp gần gũi với thằng Cải. Gần gũi thì không thể không tâm tình. Mình sẽ tâm tình. Tâm tình thì không thể không nhờ vả. Mình sẽ nhờ vả. Nhờ vả thì không thể không nhận lời. Mình sẽ nhận lời. à, không phải mình nhận lời mà thằng Cải nhận lời. Cải nhận lời coi như đoạn đường chông gai từ trái tim mình đến trái tim con Cúc rút ngắn được một nửa. Ý nghĩ đó làm Lâm phấn khởi quá xá, và nó bày tỏ sự phấn khởi đó bằng cách toét miệng cười một mình lần nữa.

Mấy bữa nay thấy thằng Lâm buồn buồn như có tâm sự chi, con Lan đâm buồn theo. Nó đứng bán hàng mà mắt cứ dòm chừng thằng Lâm. Nãy giờ, len lén theo dõi, thấy thằng này thoắt vui thoắt buồn, đang xịu mặt như sắp khóc bỗng nhe răng ra cười như đười ươi, con Lan lo sốt vó: Hay thần kinh ảnh có chi trục trặc?

Bình luận