35
– Thế anh ra ngoài làm gì?
Đuôi Xoăn giương mắt hỏi Lọ Nồi, sau khi đã thuật cho thằng này nghe tại sao nó và Mõm Ngắn có mặt ở cánh đồng đúng lúc Lọ Nồi bị bọn người lạ rượt bắt.
– Làm gì à?
Lọ Nồi bối rối hỏi lại, thực ra là tìm cách kéo dài thời gian để nghĩ cách giải thích thế nào cho lọt tai thằng Đuôi Xoăn và thằng Mõm Ngắn. Dĩ nhiên nó không thể thú thật nó lẻn ra khỏi vườn là vì nó nhớ nàng Đeo Nơ. Nếu nàng Đeo Nơ thích nó, nó cũng đã xấu hổ chín người. Đằng này nàng chẳng xem nó ra gì, nó càng không muốn hé môi.
– Ờ… ờ…
Sự lúng túng của Lọ Nồi làm hai đứa kia ngạc nhiên quá.
Thằng Mõm Ngắn tròn mắt:
– Làm gì mà thầy cũng không biết hả thầy?
Lọ Nồi khịt mũi:
– Sao lại không biết!
– Thế thầy làm gì ngoài đó?
Hình ảnh ba tên trộm chợt lóe lên trong óc Lọ Nồi.
– Ta đi rình trộm.
– Trộm à?
Thằng Đuôi Xoăn xuýt xoa. Rồi sực nhớ bọn người khi nãy, nó khẽ kêu lên:
– Ra bọn kia là bọn trộm?
– Thì đấy!
Mõm Ngắn tò mò:
– Bọn chúng định trộm gì trong nhà mình vậy thầy?
– Bọn chúng định trộm bò nhà hàng xóm.
Khi báo tin đó với cậu chủ vào sáng hôm sau, Lọ Nồi không thể diễn tả đầy đủ ý tứ như lúc nói với Đuôi Xoăn và Mõm Ngắn.
Mặc dù thằng Cu đã dịch thứ ngôn ngữ quái chiêu của bọn nhóc ra tiếng người, cuốn “sổ tay đàm thoại” đó vẫn còn thiếu khá nhiều từ. Các từ cụ thể như “bà Tươi”, “nhỏ Hà”, các từ trừu tượng như “nhớ nhung”, “tuyệt vọng”, có gan trời nhà ngôn ngữ học tên Cu mới dám đưa vào từ điển khi mà không chỉ mẹ nó, bà Hai Nhành ông Sáu Thơm mà cả làng (có khi cả nước nữa) đang rộ lên phong trào học thứ ngôn ngữ này.
Cho nên tin tức quan trọng kia, thằng Lọ Nồi chỉ có thể thông báo trong vỏn vẹn hai từ cậu chủ từng dạy nó: “bọn trộm” và “tối mai”.
– Cái gì? – Thằng Cu giật mình – Tối mai bọn trộm đến viếng nhà mình à?
Lọ Nồi ngúc ngoắc đầu.
– Không đúng à?
Lọ Nồi gục gặc đầu.
– Tao chẳng hiểu mày muốn nói gì cả!
Cái đầu thằng Lọ Nồi đứng yên, trông nó có vẻ khổ sở và bất lực.
Thằng Cu đăm đăm nhìn con heo con, ngờ ngợ một hồi rồi ngồi thụp xuống, gãi tay lên lưng nó, giọng vỗ về:
– Mày định nói gì nói lại tao nghe nào!
– Gô ăng ăng.
– Tao hiểu rồi. Bọn trộm.
– Gô chiếp chiếp.
– Ờ. Tối mai. Rồi sao nữa?
Lọ Nồi nghe câu hỏi nhưng không thể trả lời. Nó không đủ từ ngữ để diễn đạt.
Nó cứ đứng trơ ra, giương mắt nhìn cậu chủ và bứt rứt cào chân lên mặt đất.
Thằng Cu biết Lọ Nồi đánh hơi được bí mật gì đó, nhưng thông báo cụt ngủn của con heo con khiến nó ù ù cạc cạc. Trong nhiều phút, nó nhìn thằng Lọ Nồi như nhìn một dấu chấm hỏi, cố đoán xem sự thật đang nằm ở đâu dưới cái bớt đen kia.
Cứ thế, hai chủ tớ trân trối nhìn nhau, vẻ thăm dò như trong trò chơi giải câu đố: một bên cố đoán bên kia đố gì, một bên cố đoán bên kia sắp giải câu đố được chưa.
Mười phút nữa trôi qua, và thằng Cu chấp nhận là người thua cuộc. Nó giơ hai tay lên trời, giọng đầu hàng:
– Chịu. Mày cứ im im thế này có tài thánh tao cũng không thể biết được tối mai bọn trộm sẽ làm gì!
Vừa nói nó vừa uể oải đứng lên.
Lọ Nồi thấy tim mình đột ngột thắt lại. Việc ý nghĩa đầu tiên nó có thể làm trong đời bỗng hóa thành công cốc. Nhà bà Tươi sắp gặp tai họa thế mà nó không có cách gì báo động cho mọi người biết. Ngôi nhà đó lại đặc biệt hơn bất cứ ngôi nhà nào khác: Nàng Đeo Nơ của nó ở đó, cô bé Hà của cậu chủ nó cũng ở đó. Bọn trộm xộc vào đó có khác nào xộc vào nhà chủ tớ nó. Ờ, có khác chút xíu nào đâu!
Chán chường, thất vọng, tức tối, Lọ Nồi ngẩng đầu lên trời, và từ mõm nó tuôn ra một tràn ấm ức:
– Gố gồ… gồ un… ủn gô… ô… ô… ô…
Lọ Nồi không hiểu tại sao mình lại buột ra câu đó. Đối với nó, đó chỉ là một tiếng rên, hoàn toàn vô thức, bật ra từ nỗi tuyệt vọng – như đã từng xảy ra bên bờ suối hôm nào.
“Thế là… tình ta… vỡ tan…n… n… n…”, thằng Cu lẩm bẩm, vừa đứng lên đã vội ngồi xuống. Nó nhìn sững vào mặt con heo con, khẽ reo:
– À, tao biết rồi! Tối mai bọn trộm sẽ viếng nhà bà Tươi phải không?
Lọ Nồi không ngờ sự thể lại xoay ra như thế. Nó mừng quýnh, đầu gục gặc lia lịa.
Nó không chỉ gật đầu. Nó còn vẫy tai và ngoắt đuôi. Còn bốn cái chân nữa, nó cũng ráng hết sức để nhảy cỡn lên. Và nó nói:
– Chiếp chiếp gô!
“Chiếp chiếp gô” là “cảm ơn”, nhưng ai cũng hiểu trong hoàn cảnh eo hẹp về từ ngữ, “chiếp chiếp gô” có lúc cũng được dùng như là “đúng rồi”.
Lúc đó chính là lúc này.