Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mật Mã Maya

Chương 2

Tác giả: Brian D'Amato

Tôi bị mắc chứng mà bây giờ người ta cho là sốt xuất huyết. Ngày đó nó nguy hiểm hơn bây giờ nhiều; khi cơn sốt lên tới đỉnh điểm, tôi bị xuất huyết trong phổi và khạc ra máu, và cuối cùng, té ra tôi còn mắc chứng thiếu yếu tố đông máu số 8, tức là chứng máu khó đông tuýp B. Suốt ba tháng trời tôi nằm co ro sau nền lò sưởi, đếm những đường chỉ màu đỏ tươi trên chiếc chăn bông và nghe tiếng chó sủa. Mẹ tôi mớm cho tôi món cháo ngô suông và sữa Incaparina (một loại sữa chiết xuất từ thực vật), kể chuyện cho tôi nghe bằng lối ngâm nga khe khẽ, lúc thì bằng tiếng Tây Ban Nha, lúc thì bằng tiếng Ch’olan. Những người khác trong nhà, kể cả em gái tôi, khi đó đều đang làm việc ngoài đồng, dưới vùng đất thấp. Một tối, tôi đang nằm nghiêng người và cố kìm cơn nôn mửa, bỗng tôi nhìn thấy một con sên bò lên theo một vệt ẩm trên bức tường xỉ. Nó hình nón tròn giống quả lắc, có màu xanh da trời ngả xanh lục với những sọc vằn màu da cam và đen, một giống sên mà sau này tôi biết có tên khoa học là Liguus fasciaticus bourboni. Mẹ tôi nói con sên đó làchanul thứ hai của tôi, một “chanul de brujo”, tức là một “linh hồn của thầy phù thủy”.

Mỗi người Maya truyền thống đều có một chanul, hay theo tiếng cổ Maya làuay. Nó nằm ngoài thân xác con người nhưng là một phần của linh hồn. Nếu người đói, nó cũng đói, nếu ai đó giết nó thì người cũng sẽ chết theo. Một vài người có mối liên hệ với uay mật thiết hơn những người khác, và một số rất ít người có khả năng tự biến mình thành hình dáng như uay của họ và đi lại trong lớp vỏ động vật. Nó hơi giống các linh hồn động vật trong cuốn “His Dark Materials”, chỉ có điều nó chiếm một phần lớn hơn trong người. Tôi đã có mộtuay như những người khác, đó là một con sa’bin-’och, từa tựa như con nhím, nhưng theo lời mẹ tôi, con sên kia cũng sẽ là uay của tôi. Nó quả là một uaykhác thường, xem ra không được mạnh mẽ lắm. Nhưng cũng có nhiều uay của các thầy phù thủy rất nhỏ bé và nhút nhát.

Cũng trong khoảng thời gian đó, mẹ tôi bắt đầu chơi với tôi một trò đếm. Đầu tiên tôi đoán rằng bà muốn dạy tôi làm quen với các chữ số. Không bao lâu sau, tối nào chúng tôi cũng chơi trò này. Mẹ tôi thường cuộn chiếc chiếu cói cạnh chỗ tôi nằm lại. Trên nền đất sét, chỗ chiếc chiếu lúc trước, bà đào hai mươi nhăm cái lỗ nhỏ theo hình chữ thập, ý coi chữ thập đó là ở trên trời còn tôi đang nằm ngửa dưới mặt đất, đầu hướng về vị trí của mặt trời vào giờ đó, hướng đông nam.

Bà thường trải một tấm vải trắng mỏng lên hình chữ thập đó và ấn nó lún xuống một chút ở những chỗ có lỗ, bà nhai một nhúm thuốc lá rồi phun nước thuốc lên mé trong bắp đùi trái mình. Khi tôi tập làm theo, bà dạy tôi xát nó lên đùi phải. Bà mở chiếc hộp chứa đồ quý báu hiệu Tupperware của mình và lấy ra grandeza, tức là chiếc túi đựng bùa hộ mạng, những viên đá và nhiều thứ đồ lỉnh kỉnh khác, đổ ra một đống hạt tz’ite đỏ – hạt rắn của một loại cây san hô(tên gọi thông tục chỉ chung một số cây họ đậu), – bày ra những viên đá thạch anh mà tôi cứ dí mắt vào để nhìn những tia sáng lấp lánh bên trong. Tôi chưa từng hiểu được hành động tiếp theo của bà: bà quệt một vệt ướt màu đen ngang mặt, bắt đầu từ chỏm tai trái, chạy qua phía dưới mắt trái, đè lên môi trên, chạy xuôi má phải xuống cạnh hàm. Chuỗi động tác tiếp theo là chúng tôi mỗi người bốc một nhúm trong đống hạt tz’ite vừa rải lên viền tấm vải theo các lỗ ở hai hướng đông và tây, vừa cầu khẩn sự giúp đỡ của các vị thần bảo trợ ánh sáng ngày. Sau đó, mẹ tôi vỗ tay xuống đất năm lần và đọc:

– Hatz – kab ik,

– Ixpaayeen b’aje’laj…

Nghĩa là:

– Con xin mượn hơi thở của mặt trời hôm nay,

Xin mượn hơi thở của mặt trời ngày mai

Con đang vãi và gieo hạt,

Rải những hạt đen và những hạt vàng,

Thêm vào sọ màu đen và sọ màu đỏ,

Đếm những mặt trời lục lam,

Đếm những mặt trời nâu xám.

Trong tiếng Chh’olan, từ “sọ” cũng có nghĩa là “hạt ngô”. Tiếp theo, chúng tôi thay phiên nhau đếm và nhặt các hạt vào từng ô, cứ bốn hạt một lượt và dùng các hạt đậu đặt lên trên để đánh dấu ngày tháng của hôm đó. Sau đó, mẹ tôi lấy ra một mảnh đá thạch anh carnelian trong suốt nhỏ bằng cái móng tay. Đó là quân cờ.

Cũng như trong trò chơi Parcheesi (một trò chơi thịnh hành ở Mỹ, được cải biên từ trò chơi Parchisi của Ấn Độ, từa tựa như trò cá ngựa ), các quân cờ sẽ di chuyển quanh bàn cờ theo con số ngẫu nhiên trên xúc xắc. Nhưng thay vì xúc xắc, chúng tôi dùng các hạt ngô, một mặt có chấm một chấm đen. Người chơi tung các hạt ngô lên và đếm xem có bao nhiêu hạt rơi xuống với mặt có chấm đen ngửa lên. Khác với trò Parcheesi, số hạt ngô mà người chơi được tung phụ thuộc vào vị trí của họ trên bàn cờ. Có nhiều quy tắc đếm khác nhau được áp dụng, ví dụ: nếu nhúm hạt ngô cuối cùng của anh còn ba hạt thì đôi khi anh có thể chia nó làm hai, một nhóm hai hạt và nhóm kia một hạt rồi tính đó là một số chẵn và một số lẻ.

Trò chơi còn nhiều thứ phức tạp khác. Có hẳn một bài thơ vần điệp gồm những câu hỏi đáp, mỗi câu hỏi đáp được bắt đầu bằng một cái tên-gắn-số của một trong hai trăm sáu mươi ngày theo lịch tế lễ. Mỗi tên ngày trong số đó lại có thể kết hợp với ba trăm sáu mươi tên ngày khác theo lịch dương. Mỗi sự kết hợp đều có những câu ngạn ngữ riêng đi liền với nhau và những ẩn ý riêng gắn với ngữ cảnh. Vì vậy, hơi giống với Kinh Dịch hay Ifa (một hệ bói toán của người Yoruban ở châu Phi ) của người Yoruban, trò chơi này cho kết quả là những cụm từ ngắn mà người ta có thể đọc lên thành câu. Và vì có vô vàn cách kết hợp nên người chơi có cảm tưởng rằng có ai đó đang đối thoại với anh ta theo một cách gần như không thể đoán biết trước. Mẹ tôi thường nói đó là nữ thánh Theresa, một kiểu như vị thần của trò chơi, đang đưa cho chúng tôi lời giải đáp. Nhưng nếu lời giải đáp là một điềm gở thì mẹ tôi nói đó là thánh Simon lên tiếng. Thánh Simon là một người đàn ông có râu ngồi ở chính giữa bàn cờ, chỗ các đường đi cắt nhau; cũng có người gọi ông ta là Maximón.

Nhìn chung, trò chơi này ná ná như sự kết hợp của một cái bản đồ, một cái bàn tính và một quyển lịch vạn niên. Các bước di chuyển của viên đá thạch anh, hay “quân cờ”, cho người chơi những kết quả nhất định, tùy thuộc anh muốn đọc tiếp bài thơ đến đâu và anh muốn dựa vào linh cảm đến mức nào. Đôi khi tình hình sáng sủa hơn chỉ sau hai bước di chuyển hợp lý. Ngoài ra, có một cách đặc biệt để sử dụng linh tính một cách có lợi. Mẹ tôi dạy tôi cách ngồi im và chờ đợi tzam lic, nghĩa là “chớp máu”. Đó là một cảm giác rung hoặc giần giật dưới da, từa tựa như một cơn co cơ nhẹ. Tôi đoán nếu là các bạn thì các bạn sẽ cho đó là một cơn rùng mình ớn lạnh. Khi cảm giác đó đến, cường độ, vị trí và hướng của nó trên cơ thể người chơi sẽ chỉ dẫn cho anh ta nước đi mà anh ta đang phân vân. Ví dụ, nếu nó xuất hiện ở mé trong đùi trái nơi có vết nước thuốc thì có nghĩa là một người họ hàng nam giới sắp từ mạn đông bắc xuống thăm anh, còn nếu nó xuất hiện ở mé ngoài cũng bên đùi đó thì có nghĩa vị khách là một phụ nữ. Thông thường, mẹ tôi chỉ tìm cách tìm hiểu – tôi không muốn dùng từ “tiên đoán” – những điều quan trọng, chủ yếu là về mùa màng, ví như liệu bọ cánh cứng hại cây bí sắp phá hay chưa. Bà cũng thường dự đoán thời tiết bằng một quân cờ màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và những quân khác tượng trưng cho mây hoặc núi. Hay có khi quân cờ được dùng để tượng trưng cho những người thân thích hay hàng xóm láng giềng khi mẹ tôi xem giúp họ những việc quan trọng như cưới xin hay khi nào thì lành bệnh. Tôi nhớ có lần tôi xin bà xem giúp cho bà nội của một cô em họ đằng ngoại đang nhiễm giun sán rất nặng và mẹ tôi liền bỏ dở ván bài giữa chừng. Rất lâu sau tôi mới hiểu được hành động này, đó là vì mẹ tôi thấy trước bà già ấy không thể qua khỏi.

Như mẹ tôi nói, trò chơi tiên đoán này sẽ không chính xác lắm nếu dùng để xem những chuyện vặt vãnh. Vài lần tôi nói tôi muốn đoán xem lúc nào thì cha tôi đi làm về, lúc đầu mẹ tôi từ chối vì chuyện đó quá vớ vẩn, nhưng rốt cuộc bà vẫn cho phép tôi thử di chuyển viên đá thạch anh giả làm tata (bố – tiếng Tây Ban Nha) còn bà thì đấu lại ông. Và vì thế số lượng hạt ngô của tôi phải luôn lớn hơn số hạt đậu của mẹ tôi vì tôi là người chạy trước. Nếu cuối cùng mẹ tôi chặn được tôi ở chỗ cái ô ở hướng tây bắc thì có nghĩa là cha tôi sẽ về rất muộn vì bận việc trong thành phố nằm ở phía tây bắc nhà chúng tôi. Nếu quân cờ tượng trưng cho ông bị bắt ở hướng nam thì có ông vẫn đang làm việc ở trường. Nếu bị chặn ở ô nằm chính giữa thì có nghĩa là ông sắp về đến nhà. Và lần nào cũng vậy, chỉ vài phút sau đã thấy ông cúi mình chui qua cửa.

Ở đây chẳng có gì có vẻ giống với bói toán, tử vi hay những trò tạp nham tương tự. Nó giống một môn cờ hơn, hoặc để cho câu chuyện mạch lạc, ta hãy gọi nó bằng cái tên tự đặt trước là Cờ Hiến tế, mặc dù tôi biết tôi chưa trình bày được đầy đủ khái niệm về trò chơi này, nhưng có lẽ cờ Hiến tế sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn những gì đã nghe từ nãy tới giờ. Có bận, một ông chú của tôi kể rằng ngày xửa ngày xưa, tổ tiên chúng tôi có cặp mắt tinh như cú vọ, đến nỗi có thể nhìn xuyên qua cả vòm trời, qua các vách núi để thấy các hang động nơi trú ngụ của những người đã chết và chưa ra đời. Nếu ốm đau, chúng tôi có thể nhìn xuyên qua da mình, đến tận nội tạng để tìm ra bệnh. Chúng tôi có thể nhìn thấy sự ra đời của mình trong quá khứ và cái chết đang chờ đợi mình phía trước. Nhưng kể từ khi cặp mắt chúng tôi bị vẩn đục, chúng tôi chỉ còn nhìn được một phần rất nhỏ của thế giới, chỉ thấy những gì hiện diện trên mặt đất. Tôi đã tập luyện trò chơi một cách chăm chỉ. Vào ngày đầu tiên của tz’olk’in (năm âm lịch của người Maya, gồm 260 ngày) thứ mười hai của tôi – tức là năm tôi tám tuổi rưỡi – mẹ tôi hướng tôi trở thành một h’men.

H’men dịch ra ngôn ngữ của chúng ta là “người canh giữ ngày tháng”, “người canh giữ thời gian”, “người canh giữ mặt trời”, hoặc thậm chí là “thủ quỹ mặt trời”. Nhưng chính xác nhất theo nghĩa đen thì phải là “người cộng mặt trời” hoặc “người đếm thêm mặt trời”,nhưng ta cứ thống nhất gọi là “người đếm mặt trời”. Người đếm mặt trời đại để là pháp sư của làng, một người không theo đạo nhưng có vị trí tương đương với linh mục Thiên Chúa giáo. Nhiệm vụ của họ là tìm hiểu xem nếu một phụ nữ trong làng bị ốm thì có phải do hồn vía người thân đã chết đang có chuyện bất hòa với chị ta không, nếu đúng thì chị ta nên cúng lễ những gì để hồn ma đó im tiếng, và chị ta nên treo những loại cây thuốc nào quanh nhà để chóng lành bệnh. Khi nào thì nên đốt milpa, tức là cánh đồng ngô của nhà? Hôm nay có tốt ngày để bắt xe buýt lên tỉnh không? Ngày nào tốt lành để làm lễ rửa tội cho đứa trẻ mới sinh? Tín ngưỡng của chúng tôi pha trộn với đạo Thiên chúa, vì vậy chúng tôi cũng thực hiện một số nghi lễ như người công giáo. Miệt thị một chút thì các bạn có thể gọi họ là thầy lang kiêm phù thủy làng. Còn lý do họ được gọi với cái tên người đếm mặt trời là vì nhiệm vụ chính của họ là theo dõi lịch tế lễ cổ truyền. Tất cả lễ lạt mà chúng tôi thực hiện, kể cả cờ Hiến tế (nếu muốn, bạn có thể gọi nó là trò bói toán) đều phụ thuộc vào lịch này.

Theo quan niệm của người Ch’olan, mọi việc xảy ra đều có đôi, nhất là chuyện không lành. Và điều đó đã xảy ra với tôi hai năm sau khi bắt đầu học cờ Hiến tế.

Cần biết một điều rằng tại một đất nước như Guatemala thì sự xâm lược vẫn còn tiếp diễn. Ở Guatemala – đây đơn giản là sự thật lịch sử – cuộc sống của hầu hết người dân bản địa chúng tôi đã rất yên ổn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20; đến tận đầu những năm 50, tình hình vẫn chưa đến nỗi tồi tệ lắm. Nhưng mùa hè năm 1954, CIA (cơ quan tình báo trung ương Mỹ), dưới sự điều khiển của UFC mà sau này là Chiquita Banana (UFC – Unit Fruit Corporation – một công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực mua bán và nhập khẩu trái cây, đặc biệt là chuối, từ các nước thuộc thế giới thứ 3), đã sắp đặt một âm mưu liều lĩnh nhằm lật đổ vị tổng thống được dân bầu và dựng Carlos Castillo Armas lên làm tổng thống bù nhìn. Ngoài việc tuân theo mọi ý muốn của pulpo – tức là con bạch tuộc, biệt danh chúng tôi đặt cho UFC – ông ta còn bắt đầu thực thi chính sách thanh lọc thiểu số bài trừ người Maya. Liên hợp quốc đã đưa ra con số 200,000 người Maya bị sát hại hoặc mất tích trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1985, đẩy Guatemala xuống vị trí nước có nhân quyền thấp nhất Tây bán cầu. Đối với dân tộc chúng tôi, đó là thời kỳ khủng khiếp nhất sau cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.

Quốc hội Mỹ quyết định chính thức ngừng viện trợ cho Guatemala từ năm 1982 nhưng chính quyền của tổng thống Reagan vẫn tiếp tục âm thầm gửi vũ khí và bí mật huấn luyện kỹ năng chống phiến loạn cho các sĩ quan quân đội Guatemala tại trường Huấn luyện Americas tại Fort Benning (nay là Viện hợp tác an ninh Tây bán cầu, nằm gần thành phố Columbus, bang Georgia, Mỹ). Có lẽ chỉ một vài trong số đó là những người kỳ thị cộng sản thực sự, cho rằng quân du kích cách mạng là mối hiểm họa, còn 97% còn lại thì chỉ muốn chiếm đoạt đất đai; đến năm 1983, khi thảm họa diệt chủng lên tới đỉnh điểm với mười bốn người da đỏ bị sát hại mỗi ngày thì cuộc nội chiến lộ rõ mục đích là thâu tóm ruộng đất. Chúng ập đến, tuyên bố “tất cả các người đều là quân du kích”, và thế là xong. Chỉ một năm sau, mọi mảnh đất có thể sinh ra hoa lợi đều đã vào tay người da trắng.

Ở nước Mỹ, phần lớn người dân đều nghĩ CIA là một thứ gì đó thật hào nhoáng, một tổ chức bí mật đầy tài năng với những nhân viên bảnh chọe và thiết bị tân tiến. Nhưng người dân châu Mỹ La tinh thì biết CIA cũng chỉ như những tập đoàn tài chính, đồ sộ, vụng về, nhưng lắm tiền nhiều của, hoạt động vì lợi ích của kẻ mạnh và bóp nghẹt kẻ yếu. Vào những năm 70 và 80, quân đội đã cho xây hàng ngàn đường băng nhỏ khắp các vùng nông thôn Guatemala, bề ngoài là để giúp những loại người thua kém, thiệt thòi như chúng tôi đưa được sản vật ra bán ở thị trường bên ngoài, nhưng thực tế là để có thể nhào xuống bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào để đá đít những kẻ bị coi là ăn bám ấy. Quanh T’ozal, có ít nhất hai đường băng như thế. Một ông bác rể của bố tôi tên là Generoso Xul có một mảnh đất nhỏ; một hõm, ông đánh dấu khoanh vùng mấy khoảnh ruộng ngô trên bãi đất chung của làng để đốt và hóa ra chỗ ruộng ấy lại nằm hơi sát đường băng. Đến cuối tháng 7, Generoso mất tích, cha tôi cùng vài người khác đi tìm. Sáng ngày thứ hai, họ tìm thấy đôi giày của ông bị buộc chằng vào nhau và treo trên một cành cây khuynh điệp, đó là một kiểu dấu hiệu báo “đã được cho đi ngủ với giun”.

Cha tôi kể lại chuyện này với một người mà ông biết trong đội quân kháng chiến địa phương, một nhân vật từa tựa như Subcomandante Marcos (bí danh của một nhân vật tự xưng là người phát ngôn của phong trào nổi dậy ở Mexico), có tên là Teniente Xac mà chúng tôi thường gọi là chú Xac, Tio Xac (tức “chú Xac” – tiếng Tây Ban Nha) nói ông đoán cánh nhà Soreano đã “habian dado agua al Tio G”, tức là đã giết chết Generoso. Cha tôi nhờ các nông dân và lũ trẻ con nhà họ theo dõi các chuyến bay, ghi lại số đăng ký trên các mẩu giấy gói thuốc lá và mang đến cho ông. Ông tập hợp được một danh sách khá dài. Một người bạn của ông ở thủ đô Guate đã kiểm tra danh sách đó trong cơ sở dữ liệu của AeroTransport – đất nước Guatemala tận tụy với những kẻ ngoại bang kia đến nỗi chẳng mấy khi buồn bận tâm đổi các số đăng ký – và té ra rất nhiều trong số những chiếc máy bay đó là do hãng cho thuê máy bay Skyways điều hành từ Texas và Florida, và rất lâu sau, cha tôi mới phát hiện ra đó là một công ty vỏ (loại hình công ty tham gia làm trung gian cho các giao dịch kinh doanh nhưng bản thân lại không có tài sản hay hoạt động kinh doanh gì), là tài sản của John Hull tại Costa Rica. Hull là một người Mỹ đã rửa tiền và vận chuyển côcain thô cho lính của Oliver North (một nhân vật trong bộ máy quân sự Hoa Kỳ). Điều này nghe có vẻ ám muội mà lại ngớ ngẩn nếu nó không được ghi rõ trong một số tài liệu, chẳng hạn như tài liệu năm 1988 của Tiểu ban nghị viện Kerry (tiểu ban chịu trách nhiệm điều tra hoạt động buôn lậu của Lực lượng chống đối): “Báo cáo của ban tham mưu về chương trình Hỗ trợ bí mật và Lực lượng chống đối (tên chỉ chung một số băng nhóm phiến loạn) ngày 14 tháng 10 năm 1986, có thể tìm đọc dễ dàng tại Thư viện tổng thống Ronald Reagan, số 40 đường Presidential Drive, Simi Valley, California, trong mục “Lực lượng thực thi luật pháp Nhà Trắng: Tài liệu lưu trữ, ô 92768”. Hầu hết số tiền được chuyển cho lực lượng chống đối tại El Salvador, nhưng các-ten North cùng phe cánh của Bush và Ríos Montt – Montt là tổng thống bù nhìn của Guatemala vào thời đó – cũng vơ được hàng triệu. Tôi đoán Chú Xac muốn dùng danh sách đó để lừa mị một chút, hoặc để hướng sự chú ý của mọi người vào nhà Soreano, một gia đình đại gia trong vùng mà ai cũng ghét, hoặc nhằm làm mất uy tín của các tướng lĩnh nhà ấy trong lần bầu cử tới, điều đó đủ để các bạn thấy ông ta ngây thơ đến mức nào.

Đúng dịp lễ giáng sinh năm 1982, tôi lại bị một trận viêm phổi sau khi mất máu, cha mẹ tôi đưa tôi tới bệnh viện từ thiện của các bà xơ ở San Cristobal. Lúc đó chắc tôi đã mê sảng. Một bà xơ trẻ, xơ Elena, chăm sóc tôi rất ân cần, luôn miệng hỏi han tôi có khỏe không. Tôi nghĩ xơ ấy thật tốt. Từ đó trở đi, ngày nào tôi cũng nghĩ đến xơ Elena, thậm chí giờ nào cũng nghĩ, chí ít là những lúc tôi không mê sảng. Todo por mi culpa (Tôi thật có lỗi – tiếng Tây Ban Nha).Bốn ngày sau khi nằm viện, vào lễ gia đình Thiên chúa (một ngày lễ không bắt buộc, thường là ngày chủ nhật đầu tiên sau lễ giáng sinh), ngày 29 tháng 12 năm 1982, xơ Elena cho tôi hay quân đội chính phủ đã bao vây T’ozal và đang tra hỏi các Cofradias, tức là các vị chức sắc, một kiểu như hội đồng bô lão làng. Sau này tôi mới biết thêm các chi tiết khác. Hôm đó là ngày chợ phiên, hầu hết mọi người đều đổ về làng. Một chiếc trực thăng Iroquois màu trắng pha xanh nước biển với tiếng loa oang oang xuất hiện và lượn vòng quanh như một con bói cá lớn, ra lệnh cho tất cả mọi người tập trung ở quảng trường để họp và thông báo nhiệm vụ tuần tra dân sự của năm sau. Cùng lúc đó, quân lính đã tiến vào qua hai con đường đất mới mở. Theo một cậu bạn tôi, José Xiloch có biệt danh Không Đời Nào, người đã nhìn thấy đội quân từ xa, thì không mấy người tìm cách ẩn nấp hoặc chạy trốn. Phần lớn binh lính là người Maya được tuyển mộ từ Suchitepequez (một tỉnh thuộc Guatemala), nhưng còn có hai người đàn ông khác, cao lớn, tóc hung đỏ và đi giày thủy quân lục chiến Mỹ; khác với lệ thường, toàn bộ đội quân đó được chỉ huy bởi một viên thiếu tá: Antonio García-Torres.

Ngày hôm đó, chỉ có hai người bị bắn chết trên quảng trường. Cha mẹ tôi cùng sáu người khác bị tống lên xe tải và đưa đến căn cứ quân sự ở Coban. Chiều tối, quân đội cho thiêu rụi căn nhà chung của làng cùng mười một người quyết tâm kháng cự đang bám trụ bên trong, đó là một cách khủng bố vào thời ấy. Đó cũng là lần cuối cùng có người nhìn thấy các anh trai tôi, nhưng không ai rõ chuyện gì đã xảy ra với họ. Rất lâu sau tôi mới biết tin tức về em gái tôi, nó rốt cuộc đã đến một trại tị nạn ở Mexico. Quân đội cho dân hai ngày để san bằng ngôi làng sau đó tống tất cả lên xe tải để đưa đi nơi khác.

T’ozal là một trong bốn trăm bốn mươi ngôi làng mà chính phủ Guatemala hiện nay chính thức xếp vào danh sách bị hủy diệt. Danh sách liệt kê cuối cùng có tên của 38 người được xác minh đã chết và 26 người mất tích. Tôi khẳng định 90% rằng cha mẹ tôi đã phải chịu trò tra tấn mà người ta gọi là “tàu ngầm”, tức là bị dìm xuống nước cho ngạt thở, và có lẽ họ đã bị nhốt trong những cái thùng cao, chỉ một tư thế duy nhất là ngồi xổm (ôi, tôi thật có lỗi) và ngửa mặt nhìn lên trời. Một nhân chứng kể lại rằng cha tôi đã chết khi chúng bịt lên đầu ông một chiếc mũ trùm ngâm thuốc trừ sâu hòng ép cung khai. Tuy nhiên, cũng chưa rõ đó có phải nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông hay không, và thậm chí cũng không chắc việc ấy có thực sự xảy ra hay không. Xác cha mẹ tôi hầu như chắc chắn bị vùi dưới một trong tám hố chôn tập thể đã được phát hiện ở Alta Verapaz, nhưng cho đến nay, Trung tâm Điều tra và Lưu trữ về người Maya vẫn chưa tìm được thi thể nào có ADN khớp với tôi.

Tôi còn đần độn đến mức nhiều năm sau mới bắt đầu ngờ rằng cha mẹ tôi gửi tôi đến nơi khác vì họ biết trước sẽ có biến. Có lẽ đó là sáng kiến của mẹ tôi. Bà đã dùng trò chơi để bói xem liệu có nguy hiểm gì từ phía G2, tức là lực lượng cảnh sát mật, hay không. Và có lẽ bà đã thấy trước điều gì đó.

Một tuần sau, các bà xơ nhận được lệnh đưa tôi và bốn đứa trẻ khác cùng làng T’ozal lên tàu thủy tới thủ đô Ciudad Guate để chuyển tới nơi tái định cư, trong số đó có José Không Đời Nào, anh bạn nối khố duy nhất của tôi còn sống đến bây giờ. Tôi không nhớ được gì nhiều về Trại Trẻ Mồ Côi Thiên chúa giáo bởi tôi đã tẩu thoát ngay ngày đầu tiên, tuy gọi là tẩu thoát thì cũng hơi quá vì tôi chỉ việc bước ra khỏi cửa là xong. Tôi đi xuyên thành phố, tìm được một nhà tế bần dành cho trẻ em tương đối sung túc hơn gọi là AYUDA nằm dưới quyền cai quản của các tu sĩ dòng Thánh ngày cuối, hay còn gọi là những người Mormon, mặc dù họ không thích cái tên sau cho lắm. Có tin đồn rằng trẻ con ở đó đang được đưa tới Mỹ, đất nước mà ngày đó tôi mường tượng giống như một khu vườn địa đàng tràn đầy hạnh phúc, với những bụi cây mọc ra khoai tây rán và những dòng suối nước cam mát lạnh. Một phụ nữ vóc người rất đỗi cao lớn với mái tóc sáng màu gác ở cửa sau đã phá lệ cho tôi vào sau vài phút lưỡng lự. Tôi chỉ trông thấy bà ấy đôi lần nữa và cũng không biết tên bà ấy là gì, nhưng cứ mỗi khi nhìn thấy một mái tóc vàng bạch kim là tôi lại nhớ đến người phụ nữ ấy. Sau này, khi tôi được chính thức liệt vào danh sách trẻ mồ côi, họ đưa tôi đến một nơi gọi là Nông Trại Thung Lũng Thiên Đường của Những Vị Thánh Ngày Cuối, ở ngoại ô thành phố.

Phải mất một thời gian dài tôi có được chút ý niệm về những chuyện đã xảy ra với gia đình mình, và thực tế đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết hết. Tôi chưa hề biết chính xác rằng cha mẹ tôi đã chết, đó chỉ là cảm giác chấp nhận mỗi ngày một lớn dần lên. Thứ bảy là ngày nghỉ ở Nông Trại Thung Lũng Thiên Đường và lũ bạn cùng trường tôi nếu còn người thân sẽ được họ đến thăm ở một phòng học phía sau, trong xó nhà lạnh lẽo, giữa hai bức tường xỉ quét vôi màu xanh vỏ đỗ và sàn nhà trải vải sơn màu xanh vàng khè để nhìn mọi người. Tuyệt nhiên chẳng có ai đến tìm tôi. Lũ bạn trêu chọc tôi về điều ấy nhưng tôi làm ngơ như không biết gì. Đến bây giờ tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của ngày thứ bảy, tôi cứ có cảm giác bồn chồn, thường xuyên nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc kiểm tra đi kiểm tra lại email, có đến mười lần một giờ.

Tôi ở lại Nông Trại Thung Lũng Thiên Đường gần hai năm trước khi được tham gia chương trình sắp xếp dành cho người châu Mỹ bản địa, nó một phần là quỹ tìm gia đình nhận nuôi trẻ em tị nạn, và ngay sau lễ đặt tên thứ mười sáu tính theo năm tz’olk’in, tức là năm tôi mười một tuổi, một gia đình, nhà Ødegârds, đã đón tôi đi máy bay đến Utah (một bang năm ở miền tây nước Mỹ) với một chút tiền hỗ trợ của nhà thờ.

Nói một cách công bằng, các tu sĩ dòng Thánh Ngày Cuối đã làm rất nhiều việc thiện cho người dân châu Mỹ bản địa. Ví như họ đã giúp người Zuni giành được một khu định cư rộng lớn nhất từ tay chính phủ Mỹ mà chưa một cộng đồng bản địa nào giành được. Họ cũng làm từ thiện khắp khu vực Mỹ La tinh, bất chấp thực tế rằng trước năm 1978, Giáo hội vẫn là một tổ chức công khai ủng hộ thuyết chủng tộc da trắng ưu việt. Họ tin rằng một vài bộ tộc bản địa châu Mỹ – những bộ tộc có nước da sáng màu hơn – là hậu duệ của nhà tiên tri Do Thái Nephi, nhân vật chính trong cuốn Kinh thánh Mormon. Nhưng ai cần biết động cơ của họ là gì chứ? Phải vậy không? Họ đã lo cho cuộc sống của tôi và rất nhiều đứa trẻ khác. Trong suy nghĩ của tôi, nhà Ødegârds quá ư giàu có. Họ chẳng những dùng nước máy chảy vào tận nhà mà còn có cả một kho kẹo dẻo vô tận, cả kẹo cứng lẫn kẹo mềm. Tôi hồ như có ý nghĩ rằng chúng tôi đã bị người Mỹ chinh phục và tôi là tù nhân bị giam giữ trong một nhà tù lộng lẫy giữa thủ đô xa hoa. Phải rất lâu sau tôi mới nhận ra rằng, theo mức sống ở Mỹ, họ chỉ là tầng lớp trung lưu thấp, ý tôi là họ thuộc loại người gọi bữa tối là bữa khuya và thậm chí bữa trưa là bữa tối, trong bếp nhà họ có cả một tấm khảm treo tường trên ghi công thức làm món “bánh quy bơ đường của Chúa” với nguyên liệu là “một miếng thông cảm” và “một nhúm ngoan đạo”. Ngoài xã hội, họ được coi là những người có học thức. Vì vậy, tôi cũng khá nhọc công mới thành được kẻ hiểu biết khác người như bây giờ. Tuy nhiên, ông bố và bà mẹ cũng là những người tử tế, hay muốn làm những người tử tế thì đúng hơn, mặc dù vậy, họ vẫn tốn rất nhiều sức lực mới kiềm chế cái ảo giác rằng chẳng lấy đâu ra nhiều thời gian mà lo cho từng đứa con một. Mấy ông anh hờ của tôi thì thuộc loại kinh khủng – hễ rời mắt khỏi chiếc TV và trò chơi điện tử là chúng quay sang thư giãn bằng cách hành hạ những con vật nhỏ – nhưng dĩ nhiên cha mẹ chúng vẫn nghĩ chúng là các thiên sứ được chính đức Jesus lựa chọn.

Khỏi phải nói, tôi không hề cải sang đạo Mormon, hay “được khai sáng” theo cách nói của họ, tức là ngộ ra rằng mỗi người khi sinh ra đã là một vị Thánh ngày cuối. Theo chương trình, họ sẽ không cải đạo cho trẻ em trước khi chúng đủ lớn, và đến tận khi đó, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng việc rửa tội cho người quá cố, dùng tay ban phép thánh hay mặc quần dài theo kiểu Hội Tam điểm hoàn toàn không phải là cách cư xử bình thường, ngay cả El Norte (miền Bắc – tức là Bắc châu Mỹ, ý nói nước Mỹ). Họ cũng đưa tôi tới nhà thờ Công giáo một hay hai lần gì đó, nhưng ở đó không có mùi hương, cũng không có những vị thần linh hay những chiếc bình bày trên mặt đất giống như ở Guatemala, vì vậy, tôi nói với họ là không cần phải đưa tôi đến đó nữa. Họ nhìn chung khá thoải mái về chuyện ấy, theo cách riêng của họ. Thực ra, mặc dù không thể chịu được họ nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gọi họ là bố Ø và mẹ Ø. Còn mấy ông anh hờ của tôi, mỗi lần hỏi đến là y như rằng mỗi ông lại vừa cho ra đời một cặp sinh đôi; sự kết hợp của quan niệm (đạo Mormon khuyến khích tín đồ sinh đẻ nhiều) và thuốc kích thích rụng trứng khiến chúng sinh sôi nảy nở chẳng kém gì tôm nước mặn.

Thay vì trở thành một vị thánh sống (theo tín điều đạo Morton, mỗi tín đồ đều có thể trở thánh một vị thánh), tôi đi theo con đường ngoại khóa, bắt đầu với việc tham gia đội cờ vua và cờ tỉ phú. Các vị ở trường phổ thông Nephi ép tôi học đàn cello, thứ nhạc cụ lố bịch nhất trong dàn nhạc. Tôi chơi không được hay. Tôi cho âm nhạc là một thứ toán học giản lược. Tôi dành nhiều thời gian náu mình trong thư viện xem những bức tranh có chú giải trong từ điển để lấy lại kiến thức. Tôi học tiếng Anh qua sách của H.P Lovecraft (một nhà văn viết sách khoa học giả tưởng và kinh dị của Mỹ), và đến giờ, theo lời mọi người, tôi vẫn ăn nói theo lối trong những cuốn sách ấy. Tôi luôn lịch sự từ chối chơi trò vớt táo bằng miệng vào dịp lễ Halloween ở trường – ừm… thực ra là tôi khóc ré lên và chạy khỏi phòng – vì tưởng sắp bị tra tấn bằng cách dội nước. Tôi tham gia các nhóm lập trình, trò chơi điện tử và trò chơi chiến thuật. Hẳn bạn nghĩ một người tham gia nhiều hội thế thì ắt phải giao thiệp với nhiều học sinh khác, nhưng tôi lại không. Phần lớn thời gian tôi phải ngồi chầu rìa các hoạt động thể thao vì bệnh máu khó đông. Họ cho tôi và những đứa tàn tật khác ngồi trên thảm, giả vờ vươn người và nâng tạ. Môn thể thao duy nhất mà tôi chơi tốt là bắn bia. Cả nhà Ødegârds đều là những tay mê mẩn súng ống và tôi phải ăn đũa của họ. Tôi còn tham gia cả nhóm Toán học, mặc dù tôi nghĩ thật ngớ ngẩn khi coi toán là môn thể thao đồng đội. Ngớ ngẩn không kém gì lập nhóm thủ dâm. Có lần huấn luyện viên nhóm toán giao cho tôi một lô câu hỏi về hình học tô-pô và sửng sốt khi thấy tôi làm đúng tất. Ông ta, cùng với một giáo viên khác, kiểm tra tôi thêm một chút rồi tuyên bố rằng tôi là một tài năng về lịch học, và rằng thay vì nhớ như những người khác, tôi có thể tính toán được ngày tháng. Mặc dù đáng ra tôi có thể tự nói cho họ biết điều đấy. Tuy thế, khả năng này không phải loại đem ra bán kiếm tiền được. Đó là loại khả năng mà trong mười nghìn người chỉ một người có, tương tự như khả năng tự liếm mông mình vậy. Cũng khoảng thời gian đó, tôi gia nhập thêm nhóm nghiên cứu cá cảnh. Hệ thống bể cá đầu tiên của tôi được ghép từ vòi nước tưới vườn và hộp Tupperware cũ. Tôi quyết định khi lớn lên sẽ trở thành một tay cờ chuyên nghiệp. Ngồi trên xe buýt tôi cũng đội mũ bảo hiểm trượt ván. Tôi quyết định khi lớn lên sẽ trở thành một tay chơi trò nhím Sonic (một trò chơi điện tử) chuyên nghiệp. Bộ dạng tôi hệt như nhân vật “J” trong nghiên cứu có tên “Tài năng thiêm bẩm của các bệnh nhân vị thành niên mắc hội chứng sau nghẽn mạch” của tạp chí “Giả thuyết Y học”. Tôi quyết định học làm đàn cello thay vì chơi thứ nhạc cụ ấy. Tôi nghe nhạc của Cocteau Twins thay vì Mötley Crüe. Tôi kiếm được một ngàn đô la đầu tiên nhờ mua bán thẻ Magic. Tôi bị đặt biệt hiệu là thằng lập dị. Tôi phê thuốc lắc một mình.

Những phương pháp điều trí mới giúp kiểm soát được chứng máu khó đông của tôi, nhưng cùng lúc đó, người ta lại chuẩn đoán tôi có vấn đề về “phát triển cảm xúc liên quan đến rồi loạn căng thẳng sau chấn thương” và “có một vài khả năng thiên bẩm và trí nhớ chính xác bằng hình ảnh rời rạc”. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể coi là một loại bệnh tự kỷ. Nhưng tôi không hề có những biểu hiện tự kỷ thông thường, chẳng hạn như tôi vẫn thích học ngoại ngữ và không khó chịu với “những cuộc thăm dò trong môi trường giáo dục mới”. Một vị bác sĩ ở Salt Lake nói rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một thuật ngữ rộng và nó không thực sự diễn tả chính xác các biểu hiện tôi có, hay đúng hơn là không có. Tôi đoán như thế có nghĩa là tôi sẽ không được nhận tí tiền hỗ trợ nào từ căn bệnh của mình.

Tháng 9 năm 1988, buổi nói chuyện của một sinh viên cao học khoa nhân chủng trường đại học Brigham Young tại trường cấp hai nơi tôi đang theo học đã thay đổi hướng đi cuộc đời tôi. Cô ta cho chúng tôi xem vài đoạn băng ghi hình những căn nhà kiva và điệu nhảy mừng mùa ngô của người Zuni, vừa lúc tôi sắp ngủ gật thì phim chiếu đến hình ảnh các kim tự tháp Maya và tôi ngồi dậy. Tôi thấy phấn chấn lên và đặt vài câu hỏi. Cô ta yêu cầu tôi giới thiệu mình từ đâu đến, và tôi giới thiệu trước cả lớp. Vài ngày sau, tôi cùng vài học sinh gốc da đỏ khác được nghỉ học để đến dự buổi hội thảo về học bổng trong chương trình sắp xếp dành cho người châu Mỹ bản địa do chính cô sinh viên đó chủ trì ở Salt Lake. Buổi hội thảo được tổ chức trong phòng tập thể thao của một trường trung học và có những hoạt động như đánh đá lửa và vẽ mặt tự do bằng bột màu. Một giáo sinh giới thiệu tôi với nữ giáo sư June Sexton. Khi tôi kể cho giáo sư biết gốc gác của mình, bà liền bắt chuyện với tôi bằng tiếng Yukateko (ngôn ngữ được người Yucatan Maya sử dụng ngày nay, một phiên bản của nhánh ngôn ngữ này từng được sử dụng vào thời cổ) rất trôi chảy khiến tôi phải kinh ngạc. Trong câu chuyện, bà có hỏi rằng tôi đã chơi el juego del mundo bao giờ chưa. Thấy tôi không hiểu từ này, bà bèn giải thích rằng nó còn được gọi là “alka’ kalab’ceraj” hay “cờ Hiến tế”, nghe rất giống từ mẹ tôi đã dùng. Tôi trả lời rằng đã, thế là bà liền lấy ra một chiếc hộp hiệu Altoids đựng đầy hạt cây tz’ite màu đỏ lạ mắt. Lúc đầu, tôi không sao chơi được vì một thứ cảm giác mà tôi cho là nhớ nhà, hoặc gần như nhớ nhà. Khi tĩnh tâm lại, tôi chơi được với bà ấy vài vòng nhạt nhẽo. Bà ấy nói rằng một đồng nghiệp dạy môn toán của bà đang nghiên cứu về thuật bói toán của người Maya và ông ta sẽ rất vui nếu tôi có thể dạy lại cho ông ta bài thơ vần tôi biết. Tôi trả lời đồng ý sau một thoáng suy nghĩ, nhưng nói không thể dạy được sau giờ học. Làm gì cũng được, miễn là thoát giờ thể dục.

Thật khó tin, một tuần sau, một chiếc xe tải màu xanh lá cây từ một nơi gọi là FARMS – Quỹ tài trợ nghiên cứu cổ xưa và giáo phái Mormon – đến đón tôi đi thật, ngay trước giờ nghỉ trưa; chiếc xe chạy về hướng bắc, đi vào vùng núi, đến trường đại học Brigham Young tại Provo. Giáo sư June đáng mến dẫn tôi vào một tòa nhà xoàng xĩnh và giới thiệu tôi với giáo sư Taro Mora. Theo cảm nhận của tôi, ông ta giống một nhà hiền triết thông thái, nhang nhác như Pat Morita trong phim “Thiếu sinh Karate”, cho dù ông ta mới chỉ bốn mươi tuổi. Văn phòng của vị giáo sư này hết sức giản dị với một bên tường xếp đầy sách và những cuốn tạp chí về cờ vây – một môn cờ của người châu á sử dụng những quân cờ màu đen và trắng – và một bức tường nữa để tài liệu liên quan đến toán học xác suất và lý thuyết trò chơi. Ông ta làm việc trong lĩnh vực dựng mô hình thảm họa (môn khoa học sử dụng tính toán trên máy tính để dự tính thiệt hại của một số loại tài sản nhất định trong trường hợp có thiên tai). Ông ta nói đã sưu tầm được một số dị bản của bài thơ trong cờ Hiến tế từ nhiều khu vực khác nhaukhắp Trung Mỹ, nhưng bản mà tôi học được là bản mà chỉ có một vài người từng được nghe đến và nó có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý so với cờ Hiến tế thông thường. Trước hết, ở hầu hết các nơi, khách xem bói chỉ đến và yêu cầu: “Xin hãy thỉnh ý sọ/hạt về việc này giúp tôi” và người đếm mặt trời sẽ làm tất cả những việc còn lại. Nhưng theo cách chơi của mẹ tôi thì khách xem bói lại chơi cùng người đếm mặt trời. Thứ hai là mẹ tôi bày bàn cờ theo hình chữ thập trong khi những người khác chỉ xếp hạt theo các hàng dọc trên miếng vải trơn. Và điểm cuối cùng, cũng là điểm kỳ lạ nhất, đó là tôi đã học trò chơi từ một người đàn bà.

Điều này thì gần như chưa từng ai nghe đến. Trong khu vực sinh sống của người Maya, phải đến 98% người đếm mặt trời là đàn ông. Taro nói tuy không phải là chuyên gia về nhân chủng học nhưng ông đoán rằng mẹ tôi là người kế tục một tín ngưỡng nào đó còn sót lại của một cộng đồng nữ giới Ch’olan bí mật đã biến mất từ thời kỳ người Tây Ban Nha đến chinh phục châu Mỹ.

Giáo sư Taro gặp tôi một tuần hai lần, cứ thế cho đến tận cuối học kỳ, khi ông ta phải quay về New Haven. Cũng tới lúc đó, tôi mới biết ông ta là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu gọi là “Dự án Parcheesi”, và rằng ông ta cùng các sinh viên cao học tham gia nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết cho rằng tất cả, hoặc hầu hết, các trò chơi hiện đại ngày nay đều có nguồn gốc từ một tổ tiên duy nhất, một ur-game (một trò chơi cờ có nguồn gốc từ thành phố Ur ở khu vực Lưỡng Hà. Người ta đã phát hiện được bộ bàn cờ của trò chơi này, có niên đại từ năm 2600 trước Công nguyên, vì thế, nó được coi là môn cờ cổ xưa nhất) nào đó. Họ đã bắt tay vào tái hiện lại môn cờ này bằng cách sưu tầm trò chơi của các bộ lạc ở miền Trung Á, nhưng chẳng bao lâu sau, những nghiên cứu đã dẫn họ tới châu Mỹ.

Vào thời điểm ấy, ý tưởng trên đã bị nhiều nhà nhân chủng học bác bỏ. Nhưng Taro đích thực là một nhà toán học và ông ta bỏ tất cả ngoài tai. Ông ta là một nhà nghiên cứu thuần túy và là một trong số rất ít người nghiên cứu kết hợp nhiều lĩnh vực bao gồm lý thuyết thảm họa, tính chất lý học của các hệ thống phức hợp và lý thuyết trò chơi tái tổ hợp, viết tắt là RGT. Về cơ bản, RGT là một lý thuyết về các trò chơi như cờ vua hay cờ vây, là những trò chơi mà trong đó các quân cờ hợp thành nhiều lực lượng khác nhau trên bàn cờ. Lý thuyết trò chơi cổ điển – chủ yếu liên quan đến cờ bạc – đã được các nhà kinh tế học, các vị tướng soái và mọi người nói chung sử dụng từ thời Thế chiến II, còn lý thuyết trò chơi tái tổ hợp mới chỉ được áp dụng từ những năm 90, ý tưởng của Taro là việc sử dụng phiên bản được tái hiện lại của cờ Hiến tế để xây dựng một giao diện rô-bốt (chương trình máy tính có khả năng giao tiếp với người sử dụng như một thực thể sống) có thể giúp cải thiện đáng kể khả năng lập chiến lược, ví như mô phỏng các hiện tượng kinh tế, chiến tranh hay thậm chí cả thời tiết. Trước khi gặp tôi, ông ta đã thực hiện một số thí nghiệm thành công, nhưng ông ta vẫn muốn đạt thêm nhiều kết quả mỹ mãn hơn trước khi công bố. Phòng thí nghiệm của ông đã dựng lại hàng tá phiên bản khác nhau của bàn cờ cổ xưa. Chúng tôi đã cùng bỏ ra hàng trăm giờ đồng hồ, cả trước và sau khi tôi vào đại học, để tìm hiểu chúng. Nhưng có một thứ cứ ngáng đường chúng tôi, đó là mặc dù nắm khá rõ cấu trúc của bàn cờ, nhưng chúng tôi không sao biết được quy tắc đếm chính xác đã được người xưa sử dụng và họ đã dùng bao nhiêu hạt, bao nhiêu viên đá thạch anh. Vì thế, Taro quyết định thử một phương pháp tiếp cận khác. Ông ta dùng đến những chiếc máy chụp cắt lớp não.

Tôi vẫn còn giữ năm viên đá thạch anh đem theo từ Guatemala. Thực tế, chúng là thứ duy nhất từ quê nhà mà tôi còn giữ được kể từ khi các hạt tz’ite bị vụn ra thành đám bụi cám màu hồng và tôi phải dùng những viên kẹo bon-bonđể thay thế. Tôi chỉ rải chúng ra – tức là chơi cờ Hiến tế – có vài lần từ khi đến Mỹ. Nhưng khi lần đầu tiên ngồi trong căn phòng Ganzfeld dưới tầng hầm ở Provo, hồi hộp đến cứng đơ người, xem ra tôi lại tiến bộ hơn sau một thời gian dài không luyện tập. Đầu tiên, họ sắp xếp người tập trung trong một căn phòng phía bên kia tòa nhà, diễn nhiều cảnh khác nhau và tôi phải dự đoán các cảnh đó. Tôi đoán khá chính xác. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng các dự đoán sẽ chính xác hơn nếu liên quan đến mất mát tiền của, thương tích hay những sự việc có thật. Vài tháng sau, chúng tôi bắt tay vào thử với những sự kiện trong đời thực, như dịch AIDS, cuộc chiến dầu lửa đầu tiên hay bất cứ vấn đề khó kiểm soát nào khác. Chúng tôi nỗ lực và đạt kết quả ngày một khả quan, nhưng vẫn vấp phải những khó khăn luẩn quẩn. Taro nói chính khả năng thiên bẩm về tính toán ngày tháng đã giúp tôi chơi nhanh hơn, nhưng cho đến giờ vẫn chưa đủ sâu. Nghĩa là tôi chưa đủ tập trung, ừ thì, tôi mới chỉ là một đứa trẻ vị thành niên, tôi tập trung thế nào được cơ chứ? Tuy nhiên, năm năm sau, khi tôi quay lại cộng tác cùng Taro tại trường đại học Yale, ông ta đã từ bỏ các thí nghiệm biệt lập để quay sang tìm hiểu cách bố trí bàn cờ. Trong những ván chơi cuối cùng trước khi tôi bỏ đi, chúng tôi đã sử dụng hai quân cờ và chơi trên bàn cờ thử nghiệm tốt nhất nhưng Taro vẫn không nghĩ đó là cách bố trí chính xác của bàn cờ cổ xưa. Bàn cờ đó khiến trò chơi trở nên khó nắm bắt hơn nhưng cũng dễ chơi hơn mặc dù nó phức tạp hơn cách bố trí bàn cờ của mẹ tôi.

Tôi đã ngừng cộng tác với Taro vì một chuyện hết sức ngớ ngẩn. Tôi tưởng tiền trả cho những bài truyền đạt về cờ Hiến tế của tôi đến từ quỹ Berlancamp và phòng thí nghiệm của Taro ở Yale, nhưng té ra chúng đến từ FARMS, cái tổ chức điên rồ mà ông ta cộng tác ở Provo. Trước đó một thời gian, tôi đã biết FARMS là một tổ chức nghiên cứu giáo phái Mormon, nhằm chứng minh người da đỏ châu Mỹ là hậu duệ của bộ tộc Joseph (một trong các bộ tộc từ thời xa xưa ở Israel). Từ khi tôi gia nhập tổ chức Liên minh của người Maya, điều đó làm tôi khó chịu và tôi bắt đầu cặn vặn Taro. Người ta chẳng ai cũng dễ chịu, phải không? Tôi thật là kẻ vô ơn. Đúng vậy đấy. Taro trả lời rằng dù sao chăng nữa, số tiền đó cũng không hẳn đến từ FARMS, nó thực ra đến từ chính người tài trợ cho thí nghiệm này, và ông ta không thể nói cho tôi biết đó là ai. Tôi nổi nóng và bỏ đi. Tôi nghĩ tất cả chuyện này khá khẩm lắm thì cũng chỉ là trò mua bán, chẳng qua là một đám người hám lợi muốn tìm cách kiếm chác ngoài chợ.

Cũng có một vài thay đổi khác nữa xảy đến với tôi. Trước khi Taro rời Utah, ông ta giới thiệu tôi với một nhóm nghiên cứu tại trường đại học Texas, họ đang tìm liệu pháp chữa trị chứng “thiếu cảm xúc” mà người ta cho là tôi mắc phải. Ông ta đã kiểm tra chắc chắn sao cho tôi không bị xếp vào nhóm đối chứng (tức là nhóm bệnh nhân không được chữa trị mà chỉ được dùng để so sánh và đánh giá hiệu quả điều trị) và đã được điều trị một khóa trọn vẹn.

Vừa hay đến lúc tốt nghiệp đại học và cuốn gói khỏi New Haven, tôi đã có được cái cảm giác gọi là cảm xúc thực. Tôi bắt đầu làm quen với những điều mới mẻ về con người. Ví như, lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được thế giới bí mật của biểu hiện nét mặt và ý nghĩa của chúng, và biết con người ta làm cách nào để che giấu cảm xúc thật hoặc biểu lộ những cảm xúc giả dối. Những điều hết sức kì quặc! Cả một thế giới mơ hồ của phép xã giao đang ẩn nấp đâu đó ngoài kia với những sự làm bộ làm tịch, những tấm mặt nạ, những câu bóng gió mập mờ và những lời trí trá. Tôi trở nên nhạy cảm với vẻ bề ngoài của mình, hay nói đúng hơn, tôi bắt đầu nhận ra mình có một vẻ bề ngoài. Tôi giảm được ba mươi pao và giữ ở mức đó. Tôi đọc một cuốn sách có nhan đề “Tán gái như thế nào”. Tôi hít đất 182.520 lần. Tôi chuyển tới Grand Avenue ở Los Angeles. Tôi vớ lấy vài cô ả để nhân tình nhân ngãi. Tôi quyết định sẽ trở thành nhà điểu cầm học. Tôi bắt đầu sử dụng trò chơi vào việc đầu tư và lập tức kiếm ra tiền, nhưng có lẽ cũng chỉ do may mắn. Tôi làm việc này là có lý do, bởi khi đó, việc điều trị dự phòng bệnh máu khó đông tuýt B tốn khoảng ba trăm ngàn đô la một năm, mà nếu không điều trị thì anh sẽ phải suốt ngày bận tâm đến những vết bầm tím, xướt xát và quanh năm lo cầm máu chẳng khác gì Super Mario (nhân vật trong trò chơi điện tử chiến đấu để giải cứu công chúa). Tôi từ bỏ ý định với môn điểu cầm học vì tôi phát hiện ra rằng người ta đã biết tất cả những gì cần biết về lũ chim chóc ấy rồi. Tôi quyết định đi chuyên sâu vào môn cờ vua. Tôi nâng thứ hạng của mình trong Liên đoàn cờ vua quốc tế lên 2380. Nhưng đến ngày 11 tháng 5 năm 1997, khi Kasparov bị Deep Blue đánh bại (Gary Kasparov – nhà vô địch thế giới môn cờ vua đã bị Deep Blue – một chương trình máy tính đánh bại năm 1997), tôi đã từ bỏ ý định chơi cờ chuyên nghiệp. Chơi cờ chuyên nghiệp để làm gì cơ chứ? Cũng chỉ như một cái máy thôi. Tôi quyết định chuyển tới Seoul và học chơi cờ vây chuyên nghiệp. Tôi học ít tiếng Hàn Quốc. Rồi té ra muốn học tiếng Hàn Quốc thì phải học tiếng Trung Quốc trước, nên tôi đi học tiếng Trung Quốc. Tôi từ bỏ ý định chơi cờ vây chuyên nghiệp vì té ra ở châu á không có empanadas de achiote (một món bánh quen thuộc của người Guatemala). Tôi quyết định trở thành một nhà nghiên cứu sinh vật biển. Tôi rời Los Angeles và chuyển tới Miami. Tôi từ bỏ ý định nghiên cứu sinh vật biển vì cái trò xét nghiệm mẫu nước và ghi lại tất cả các loại chất thải độc hại điển hình thật chán không để đâu cho hết. Tôi quyết định học sinh vật và chuyên sâu về phản ứng giác quan trước kích thích hóa học. Tôi từ bỏ việc làm đàn cello vì cái đống nào sơn dầu, nào vec-ni, nào keo dán. Tôi quyết định học khứu giác học. Rồi tôi lại bỏ ý định trở thành nhà hóa học bởi lĩnh vực ấy bị công nghiệp hóa đến nỗi nếu mọi việc cứ tiến triển nhanh như vậy thì tôi bắt kịp được một phân tử đã là may mắn lắm rồi. Tôi quyết định rời bỏ khoa học để viết tiểu thuyết. Tôi chuyển tới Williamsburg, Brooklyn. Tôi viết vài bài báo về trò chơi điện tử và những thứ linh tinh khác cho các tạp chí như Wired, Artforum hay thậm chí cảHarper’s Bazaar.Vị biên tập viên ở đó bảo tôi rằng giọng văn hài hước và xấc xược là điều bắt buộc. Tôi đi lang thang, uống rượu whisky và tán tỉnh vài cô ả. Cuộc sống như vậy không kéo dài lâu. Tôi bắt đầu giao dịch hàng hóa qua mạng. Tôi từ bỏ ý định trở thành tiểu thuyết gia vì khi đi sâu hơn vào lĩnh vực ấy, tôi phát hiện ra rằng thậm chí đến thời buổi này, người ra vẫn còn thích các nhà văn viết về một số vấn đề ít ỏi nhất định. Người ta thích anh viết về những thứ như cảm xúc, động lực, biểu hiện bản thân, các mối quan hệ, gia đình, tình yêu, sự mất mát, giới tính, chủng tộc, sự chuộc tội, đàn ông, đàn bà, đàn ông và đàn bà, bản sắc cộng đồng, chính trị, chính trị cộng đồng, nhà văn, Brooklyn, các nhà văn ở Brooklyn, các độc giả ước mình là nhà văn ở Brooklyn, bản thể, khách thể, bản thể và khách thể, giới học giả, chủ nghĩa hậu thực dân, sự trưởng thành, ngoại ô, thời kỳ 1970, 1980, 1990, trưởng thành tại vùng ngoại ô vào những năm 1970, 1980, 1990, cá tính, địa danh, con người, những con người cần con người, tính cách, nhân vật, đời sống nội tâm của nhân vật, sự sống, cái chết, xã hội, nhân bản và có khi cả Ireland nữa. Và dĩ nhiên, tôi chẳng có chút hứng thú nào với những thứ ấy. Ai cần nghe chuyện đời sống nội tâm của nhân vật cơ chứ? Tôi thậm chí còn chẳng hứng thú với nội tâm của chính mình. Tôi quyết định trở thành tay chơi Hold’em (một hình thức chơi bài poker phổ biến nhấ hiện nay) chuyên nghiệp. Tôi chuyển tới sống tại Reno, bang Nevada. Thời ấy, quanh bàn cờ bạc có nhiều thằng ngu đến mức hầu như gã nào chỉ biết đếm là có thể kiếm được tiền. Tôi cũng kiếm được ít nhiều. Tôi thực hiện vài tính toán giúp các sòng bạc tại khu dành riêng cho người da đỏ bản xứ ở Utah, Arizona, Florida và nhờ thế đã tìm ra mánh khóe mới để lòe dân da trắng. Thế là lại kiếm thêm được ít tiền. Tôi từ bỏ ý định kiếm sống bằng trò ảo thuật với bài poker vì giao dịch hàng hóa đã đem lại cho tôi nhiều hơn số tiền mà tôi kiếm được ở cả chiếu bạc thật lẫn ảo trên mạng mà lại đỡ được vô khối công sức giao tiếp với thiên hạ. Tôi liên tục viết bài cho tạp chí Strategy. Thế là lại kiếm thêm được ít tiền.

Tiền. Phải rồi. Tôi nghĩ nên đề cập đến chuyện đó.

Đến năm 2001, nếu không quá bận tâm về chuyện phải mặc áo vét may sẵn thì tôi đã có đủ tiền để làm những gì tôi muốn. Tôi đi tìm Không Đời Nào, anh bạn chí thiết của tôi ở làng T’ozal – vào thời điểm đó, Không Đời Nào đang tham gia tổ chức kháng chiến Enero 31 (nghĩa là 31 tháng Giêng – tiếng Tây Ban Nha), tổ chức đi vào hoạt động bí mật từ sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1996. Tôi lưu lại bốn năm ở Guatemala. Tôi làm việc cho người quen của cậu ta ở tổ chức CPRs – Đoàn thể kháng chiến nhân dân – và âm thầm tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra với cha mẹ tôi (tôi thật có lỗi). Tôi đến gặp rất nhiều vịh’men lớn tuổi để hỏi về cờ Hiến tế. Tôi xác nhận nhóm nghiên cứu của Taro đã đúng, đã từng có một phiên bản hoàn chỉnh và phức tạp của trò chơi, nhưng giờ chỉ còn là một ký ức lơ mơ và rời rạc. Hầu hết các h’menob’ già đều sử dụng cùng một lối chơi như nhau, bị lược bỏ rất nhiều và thậm chí dựa chủ yếu vào bản năng, họ giống như những bệnh nhân Alzheimer (một chứng tâm thần phân liệt), tuy không thể chơi bài bơ-rít đúp được nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn chơi trò “đi đêm”.

Tôi không lần ra được phiên bản nào hoàn chỉnh hơn của trò chơi. Nhưng mục tiêu bí mật thứ hai lại gây cho tôi nhiều rắc rồi tới mức đến tận năm 2011, cơ quan cảnh sát trung ương vẫn còn gửi trát bắt giữ tôi. García-Torres vẫn ở trong quân đội và đã lên hàm tướng, theo đúng kiểu ở Guate. Không Đời Nào và tôi lập hẳn một hồ sơ về hắn – hắn có những thói quen gì, có bao nhiêu cơ ngơi và ở những đâu, hay lui tới những sới chọi gà nào và vào những lúc nào, vệ sĩ riêng của hắn sống ở đâu, tất tật. Nhưng hẳn là tôi thực hiện việc này chưa đủ kín đáo, bởi một đêm, Không Đời Nào – người có uay là một con chó sói, có khả năng di chuyển lặng lẽ trong bóng đêm – đã lén thám thính và cho biết cậu ta nghe đồn cảnh sát mật đã nắm được hết thông tin về tôi. Cậu ta nói tôi có hai lựa chọn, hoặc là chuồn đi trước khi trời sáng, hoặc là bốc hơi. Tôi chuồn đi. Tôi chuyển tới Indiantown, nơi sinh sống của cộng đồng người Maya di cư, nằm bên bờ hồ Okeechobee, cách bờ Đại Tây Dương của Florida chừng hai mươi dặm về phía đất liền.

Ở Florida đã xuất hiện những lời xì xào về khả năng dự đoán chính xác của tôi thông qua cờ Hiến tế và tôi không thể tránh khỏi việc phải tiếp một vài khách hàng. Tuy thế, tôi vẫn không thể trở thành một người đếm mặt trời vĩ đại của cộng đồng. Rắc rối đầu tiên là một người đếm mặt trời phải chén chú chén anh rất nhiều, chí ít là ở một ngôi làng truyền thống, mà rượu cồn thì chưa bao giờ giúp hàn gắn được vết thương của tôi. Đối với tôi C2¬H6O (công thức hóa học của ethanol, tức rượu cồn) là thứ ma túy dành cho những kẻ đáng thương, bất kể người ta đóng chai nó đẹp đẽ đến mức nào. Vấn đề nữa là phần lớn công việc của nghề này là làm cho người lắng nghe, làm cây cột trụ vững chắc cho truyền thống của cộng đồng, làm nơi chứa đựng toàn bộ tri thức của địa phương. Thế thì có gì hay ho kia chứ? Làm bác sĩ tâm thần cũng vậy thôi, người chuyên giải quyết rắc rối của kẻ khác. Vả lại, nói thật, phần lớn người đếm mặt trời cũng làm nhiều trò lừa đảo như hỏi dò, tìm hiểu trước, dùng chân gỗ hay thậm chí cả làm trò ảo thuật.

Và tôi không thể thực hiện những việc liên quan đến tâm linh với cảm giác tội lỗi, tôi ghét mị dân như một số kênh truyền hình vẫn làm. Thật đau lòng khi chứng kiến họ tuyệt vọng và cả tin đến mức nào. Thiên hạ đã không ít lần nói tôi hơi quái tính quá về việc này vì nó nghe như một trò bịp bợm thôi chứ có gì đâu. Có lần người ta thực hiện khảo sát về những nghề được coi trọng và không được coi trọng, nghề “bói toán” được xếp vào hàng gần bét, ngay trên nghề tiếp thị qua điện thoại.

Điều này dẫn tới một câu hỏi tế nhị: “Nếu Jed có thể làm được như anh ta nói, vậy sao anh ta không giàu?”

À, câu trả lời hết sức đơn giản: thực ra tôi có giàu.

Bình luận