Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mật Mã Maya

Chương 32

Tác giả: Brian D'Amato

Tôi cảm thấy những chuyển động chen lấn nhau. Không khí thì nóng nực đầy mùi ôi thiu. Tôi cố gồng mình để đưa tay lên mặt nhưng hai cánh tay đã bị chói chặt vào sườn. Tôi được vấn lên một tấm chăn tết bằng cỏ, quấn lại. Hai gã khiêng tôi đi. Hình như chúng tôi đang lên dốc. Tôi lắng tai nghe.

Chuyển động dừng lại. Chúng đặt tôi xuống mặt đất mọc rậm cỏ. Tôi nghe lỏm được vài từ: Sọ Đá Quý 2 đang nói gì đó về việc ông mời những người đang có mặt ở đây đến để thể hiện sự hối hận, rằng ông ta sẽ ban một con hươu cho người nào nhanh nhất, với những món quà hào phóng hơn để tạ lỗi và những kế hoạch tổ chức một lễ hội chu đáo hơn trong thời gian gần nhất. Ngớ ngẩn làm sao, tôi lại thấy xấu hổ thay cho Sọ Đá Quý 2 và cả họ hàng nhà Đại Bàng, ngay cả khi họ sắp lấy mạng tôi. Tôi cựa mình bốn cái khi tấm chăn được giở ra. Không khí! Cứ như được ngụp xuống cồn mát lạnh vậy. Tôi nằm ngửa trên một tấm bạt trải dưới đất, dưới ánh đuốc sáng rực. Một loạt tiếng hoan hô, chúc mừng dậy lên từ bốn phía và ngừng bặt lại cùng một lúc như thể ai đó ra hiệu lệnh. Bốn giây không động tĩnh, rồi có tiếng đồng thanh bằng chất giọng cao kiểu cách của ba hoặc bốn mươi k’iik trẻ: “Chúng tôi, dưới chân ngài, xin cảm tạ”. K’iik nghĩa đen là “máu”, tức là những người đàn ông được kết nạp vào đội chiến binh. Trên thực tế, từ này còn có thể suy rộng ra hai nghĩa nữa là “dòng dõi cao quý” và “tráng kiện”, dùng để chỉ những người được sinh ra hoặc được thu nhận vào một trong các dòng họ quý tộc, và thường là dưới mười tám tuổi. Ai đó cậy miệng tôi ra và trút vào một ngụm nóng hổi, ngọt và đặc như xi-rô, pha từ nước b’alche, mật ong, máu và một thứ lá lẩu bịp bợm nào đó khiến nó có vị lờ lợ khó chịu. Nhưng cổ họng tôi khát khô đến mức tôi nuốt trôi tuồn tuột mội cách ngon lành. Hai bàn tay khác – vẫn đeo những cái găng chết tiệt ấy – giúp tôi mở mắt. Mắt trái vẫn còn sưng to nên không thấy gì nhiều, nhưng mắt phải khá ổn. Ái dà.

Ba tên đầy tớ và tôi đang ở giữa một vòng tròn, chính xác hơn là một hình cửu giác, rộng chừng hai mươi sải tay, mỗi góc được đánh dấu bằng một ngọn đuốc cắm dưới đất mới được đốt sạch cỏ. Chúng tôi đang đứng trên đỉnh trơ trụi của một quả núi rộng, và nơi này không có nhà dân. Như thế nghĩa là chúng tôi đang ở cách nơi tổ chức lễ hội của thành Ix ít nhất vài dặm. Còn một vòng tròn khác rộng hơn, được đánh dấu bằng khoảng năm mươi bó đuốc, nhưng trời không trăng nên tôi không nhìn thấy gì ở khoảng cách xa hơn.

Các k’iik đứng vây kín mít vòng tròn. Tôi đếm được ba mươi mốt người – cái đầu mới này không đếm nhanh được như Jed, nhưng tôi vẫn đếm khá nhanh – nhưng lát sau, tôi đoán ra số người hẳn phải là bốn mươi, vì ở đây, người ta thích làm việc theo bội số hai mươi. Mỗi k’iik cầm lấy một ngọn lao hơi cao hơn thân mình một chút. Giống như phần lớn các loại vũ khí ném khác, những cây lao này gồm hai phần, một cán dài và một đầu nhọn dài chừng hai feet được gắn hơi lỏng, đủ để tuột ra khỏi cán sau khi đâm trúng mục tiêu, nhưng thay vì làm bằng đá sắc, chúng lại là những mẩu gỗ hơi tù. Các cây lao được quấn một vành lông thú ngay sát đầu nhọn, lông báo đốm dành cho người thị tộc Mèo Rừng và lông khỉ cho người thuộc các thị tộc khác. Các k’iik quấn khố may bằng da hươu sống và những dải dây lưng bằng vải bông to bản, hai đầu dây thắt lại đằng sau lưng. Họ đi những đôi săng-đan đế cao su giống như tôi, da họ được thoa mỡ chó nhuộm đỏ, dùng cho các chuyến săn đêm. Những mớ tóc được bện thành nhiều đuôi sam thật chặt, cột lại với nhau, xòe đều, hất ngược ra phía trước trán. Hơn một nửa trong đám này béo tốt đẫy đà. Cũng giống như ở ấn Độ, nếu anh kiếm được đủ thức ăn, anh sẽ có vẻ ngoài như thế. Ký ức của Chacal hẳn đang được khơi dậy mạnh mẽ, vì chỉ qua những người này đều thuộc năm dòng họ quý phái ở Ix. Các k’iikcủa thị tộc cai trị, Mèo Rừng, vẽ những chấm ngọc lam trên bắp chân. Các k’iik của nhà Dơi Quỷ, thị tộc khá thân thiết với Mèo Rừng và được giao coi sóc vùng đất phía tây bắc, thì có những vạch đen và da cam chạy dọc ống chân. Rồi đến thị tộc Itz’un, tức là thị tộc Hắt Hơi, cũng đến từ tây bắc, với vạch trắng khắp người. Thị tộc Vẹt Đuôi Dài, đại diện cho vùng tây nam và là phe ủng hộ nhà Đại Bàng mạnh mẽ nhất, thì có những chấm vàng. Các k’iikkhác đến từ thị tộc Đại Bàng, với những vạch đen và đỏ trên người, đang vươn chân vươn tay, quất vun vút những cây lao, xem ra đã sẵn sàng không kém những kẻ khác. Thế đấy, – tôi nghĩ, – ngay người nhà mình cũng thi đua để hành hạ mình. Tôi không ngóc đầu dậy được để nhìn vào tận mặt họ, nhưng qua giọng nói, tôi biết Chacal quen vài người trong số đó. Họ đùa cợt và diễu võ giương oai, đánh giá tôi với vẻ quá ư thành thạo cứ như tôi là một con ngựa đua trong bãi vậy. “Ymiltik ub’ạj b’ak ij koh’ob, impek’ ya’la”, tôi nghe tiếng ai đó nói, “Tớ sẽ giữ bộ gạc và răng hàm, còn đàn chó của tớ sẽ được phần còn lại”. Nhiều tiếng cười ồ lên. Các cậu chàng này vui nhộn quá nhỉ, – tôi nghĩ, – danh gia vọng tộc mà.

– Không, tớ sẽ lấy bộ gạc, cậu có thể lấy cái chim, và bầy chó của tớ hưởng chỗ còn lại, – một giọng khác nói.

Hay thật đấy, – tôi nghĩ, – cứ như quay lại thời cấp hai vậy. Tôi nhìn lên những bộ mặt đó, cố nặn óc để tìm một câu đáp trả thật cay độc. Gã k’iikvừa nói câu lúc này, một Itz’un trẻ tuổi, cúi xuống sát mặt tôi, phùng má và lác mắt, làm ra bộ mặt giống hệt thằng hề. Chẳng hiểu sao tôi cũng cười cùng cả đám. Phản ứng như vậy thật quái đản khi mà chính anh là nạn nhân, nhưng cũng chẳng sao. Điều đó có nghĩa là anh vẫn còn sống. Tôi cũng làm bộ mặt sưng sỉa chế giễu và nhận được tiếng cười hưởng ứng còn to hơn. Ai quan tâm anh ở phe nào chứ, cứ cười thêm một chút có hơn không? Tôi đưa mắt đảo qua một lượt đám đông vây quanh. Một vài khuôn mặt có vẻ như bạn cũ. Vài chàng trai cười với tôi, tán thưởng một cách chân thành. Tôi mỉm cười đáp lại. Chúng tôi thấu hiểu nhau, nhưng không phải sự thấu hiểu có thể ngăn những gì họ sắp làm với tôi, vì nếu là họ, họ cũng sẽ không đòi hỏi được đối xử theo cách khác.

Mấy tên đầy tớ dựng tôi đứng dậy, nắm lấy bộ gạc để giữ tôi đứng vững. Tên đứng đầu cầm lấy một lưỡi dao bằng vỏ sò và quỳ xuống cạnh tôi. Tôi sợ khiếp vía – tôi tưởng hắn sắp lột da mình – nhưng hắn quỳ xuống chỉ rạch nhẹ vào người tôi bằng đầu có răng cưa, những vết cắt chạy song song dọc cẳng chân tôi. Nhìn quanh, tôi thấy các thợ săn cũng làm tương tự như thế với chân họ. Sau đó, họ thọc bàn tay đeo găng vào một chiếc đĩa đựng thứ bột nom như phấn hoa và đập đập nó vào các vết cắt. Ui da. Những lằn bỏng rát lan khắp chân. Bàn chân tôi co giật, đúng hơn là nhảy tưng tưng lên. Thứ bột đó thực chất là một loại cây tầm ma nghiền thành bột. Nó khiến tôi nóng rát và tê dại. Đại loại thế. Bên ngoài vòng tròn, các k’iikcũng đang xoa thứ bột đó lên chân họ, nhảy cẫng lên và chòng ghẹo nhau. Cuối cùng, mấy tên hầu cởi dây trói cho tôi và lui ra khỏi vòng tròn, đứng lẫn vào đám k’iik . Những tràng huýt sáo – kiểu vỗ tay hoan hô ở Mesoamerican – rít lên về phía tôi trong không khí hội hè rạo rực.

Các tay thợ săn bỗng im bặt, giống y sì lũ học sinh lớp ba khi cô giáo bước vào, họ rẽ ra, nhường lối cho một nhân vật cao lớn, có tuổi, dáng vẻ quyền cao chức trọng, bước vào trong vòng tròn. Lão ta tiến về phía tôi với một nắm gì đó trong tay. Tôi bất giác thu mình lại theo kiểu “ông muốn làm gì tôi thì làm”. Lão ngồi xổm xuống trước mặt tôi, cách chừng hai sải tay, giở ra một cuộn da hươu trắng. Bên trong có bốn lưỡi rìu tượng trưng bằng ngọc bích được mài sắc ngọt, bé xíu nhưng hoàn hảo, thứ này còn được giới nhân chủng học gọi là “lưỡi rìu tiền” (Ở một số nền văn hóa cổ, người ta dùng các phiến hình lưỡi rìu (bằng đá hoặc kim loại) như một loại tiền tệ). Lão ta cuộn chúng lại và thắt chặt hai đầu cuộn da. Tiếp đó, lão đổ ra một đống hạt ca cao màu nâu đỏ chảy từ chiếc giỏ hình nón, và với vẻ thành thạo như một tay cầm cái già đời ở sòng bạc đang chia bài, lão nhặt ra tám mươi hạt, bỏ vào một chiếc túi dái dê và buộc kín lại. Theo thói quen, tôi không thể kìm được việc lục lại kí ức của Chacal để tính xem cái cuộn da dê kia đáng giá bao nhiêu. Dĩ nhiên, kinh tế thời này khác quá xa nên không thể quy đổi chính xác ra tiền của nnăm 2012 được. Ý tôi là ở đây, một cái lông đuôi chim đuôi seo đẹp đáng giá bằng cả hai tên nô lệ khỏe mạnh. Nhưng tôi áng chừng mình sắp được đeo lên người khoảng tám ngàn đô la Mỹ, vừa đả để bắt đầu một cuộc sống mới tại một nơi ở mới với bốn mươi mẫu đất và một ngôi nhà. Thật rẻ mạt. Lão già quấn cả cuộn da hươu và cái túi vào một tấm vải lớn hơn, đưa nó cho mấy tên đầy tớ để chúng buộc vào sau thắt lưng tôi. Xong việc, lão ta quay lại và vẫy cây gậy chống nhọn đầu về phía đám k’iik . Họ rẽ ra, để hở một lối cho tôi ở cạnh tây bắc của hình cửu giác.

– Ch’een b’o’ol, – lão già hét bằng thứ giọng rền và ngắn dài như giọng một tay rao bán đấu giá ở nhà quê thời xưa. – Ném tiền cược của các người vào đi.

Câu ấy cũng giống như “Faites vos jeux”, nghĩa là “hãy đặt cược”.

Xa xa, phía ngoài lối mà họ chừa cho tôi chạy, dãy núi nom giống hệt cảnh tượng ở một khu quầy bán hàng di động ban tối ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên. Có ít nhất bốn trăm người tụ tập trên đó, tất cả đều cố rướn cổ qua hàng rào thợ săn để nhòm tôi một cái. Bao nhiêu là bọc, gói, võng cáng và một tá chiếu bán hàng bằng cói xanh tươi chất đủ những thứ lỉnh kỉnh: những cuộn bông trắng, những bó vỏ cây thơm, những chiếc túi mà tôi đoán là đựng hạt ca cao, những túm lông chim mỏ thìa, những viên đá mỏ chai màu lục, những lưỡi rìu tiền, những con kutz – một loại gà tây bản địa Trung và Nam Mĩ – buộc chằng lại với nhau, những cái thẻ đếm bằng gỗ và đất sét, tôi đoán chúng cũng như thẻ ở sòng bạc, tượng trưng cho cái gì thì có giời mới biết. Những gã – có lẽ là chịu trách nhiệm giám sát việc cá cược – vận áo choàng đen trắng và đội mũ đầu khỉ, đi thành từng đôi giữa đống đồ, đeo những cái giỏ đựng những mẩu giấy biên nhận nho nhỏ để theo dõi việc đặt cược. Ở rìa ngoài đám đông, tôi chỉ thấy lờ mờ hai hình dạng khả nghi, hình như hai người này có nước da bóng nhẫy bị treo cùng nhau trên một cái giá ba chân cao giống như chiếc khung dựng lều của người da đỏ. Những con mồi để khởi động đây, chắc thế. Thôi, đừng nghĩ đến chuyện đó. Tôi lắng nghe đám đông, cố tìm hiểu xem họ cá cược cái gì. Theo những gì tôi nghe thấy lúc đầu, hình như tất cả đều cá xem thợ săn nào sẽ bắt được tôi.

Nhưng cuối cùng, tôi cũng nghe được vài người đánh cuộc là tôi sẽ chạy thoát. Nó khiến cho tôi khá hài lòng, cho đến khi tôi phát hiện ra họ nhận được tỉ lệ những một ăn tám. Có tiếng cãi cọ phản đối nổi lên đâu đó bên trái tôi, mỗi lúc một ồn ào hơn. Phút đầu tiên, tôi cứ tưởng tất cả sẽ lao vào choảng nhau và tôi sẽ lỉnh được đi như trong phim găng-xtơ, nhưng họ đã giải quyết vấn đề bằng cách cử một người vào giữa vòng để kiểm tra tôi. Đó là một gã thấp bé, lôi thôi lếch thếch, trăm phần trăm là hạng dân đen nhưng chắc phải là một chuyên gia quy định tỉ lệ tiền cược có tiếng. Hắn đeo găng vào, nhấc cánh tay tôi lên, kéo dạng hai chân tôi ra và sờ thử cơ bắp. Thật là giảm giá trị con người, nhưng tôi chịu đựng được. Hắn tuyên bố câu gì đó, đại khái khẳng định rằng tôi khá to khỏe, thế là tỉ lệ đặt cược cho tôi giảm xuống còn một ăn năm.

Không hay rồi, Jed ơi, – tôi nghĩ. Gần như vô vọng. Thế là không công bằng. Ý tôi là như vậy vẫn còn có một khả năng tôi chạy thoát, dĩ nhiên, nhưng chả ai lại đi đặt cược với một tỉ lệ chênh lệch như vậy, trừ khi trong các màn biểu diễn nguy hiểm.

– Tz’o’kal, tz’o’ka, (cược xong) – người đếm mặt trời hô to.

Câu ấy tương tự như câu “Les jeux sont faitas” (Một khẩu hiệu ở các casino, nghĩa là “tiền cược đã đặt xong”).

Đám đông trật tự dần. Một vài k’iik tháo đồ trang sức ra, đưa cho lính hầu hay tùy tùng gì đó. Có tiếng người thổi tù vang sau lưng tôi, nghe như tiếng kènshofar (Một loại tù và dùng trong các nghi lễ tôn giáo của người Do Thái) của người Do Thái. Tất cả liền quay người, nhìn về phía tây bắc. Tôi cũng nhìn. Từ trong bóng tối, nơi những ngôi sao bị mây che khuất, vô số đống lửa lễ hội lần lượt được nhen lên, dọc theo những cái sống nhấp nhô của dãy núi trước mặt, giống như những chuỗi đèn màu chăng trên hàng rào nhân dịp giáng sinh. Nó ở cách bao xa nhỉ? Có vẻ như chừng nửa dặm. Tôi không nhìn thấy dưới thung lũng nơi tôi phải chạy qua có những gì. Chết tiệt.

Qua Chacal, tôi biết rằng nếu tôi vượt qua được ranh giới đánh dấu bằng những đống lửa kia, tôi sẽ ra khỏi thực đơn và được tự do đi đến bất cứ đâu tôi muốn – mặc dù điều này thì ai cũng có thể đoán được. Dĩ nhiên, tôi phải tránh xuất đầu lộ diện và không bao giờ trở thành k’iikđược nữa, chỉ có thể làm một kẻ lang thang, hay, nói theo ngôn ngữ Ix, làm một kẻ lẩn lút vô giá trị, không nhà cửa, trôi dạt từ thành phố này đến thành phố khác. Tôi cố vạch ra một kế hoạch dựa theo hình dung mơ hồ của Chacal về địa hình vùng này, nhưng tất cả những gì tôi nghĩ ra được chỉ là: tôi phải đến được sacbe (Nghĩa đen là “con đường trắng” – chú thích của tác giả) – tức là con đường lớn linh thiêng – Ở phía nam, chạy men theo nó cho đến khi gặp vùng biên giới giữa hai vùng đất, một bên dưới quyền kiểm soát của thành phố Yaxchilán và bên kia thuộc lãnh địa của kẻ thù truyền kiếp của họ là thành phố Tiak’al mà lúc này nền cai trị đã gần sụp đổ. Tôi có thể bị tóm và ăn thịt ngay trong đêm đầu tiên. Và ngay cả khi chuyện đó không xảy ra thì với tôi cũng chẳng có gì khác. Đằng nào thì tôi cũng chết sau không đầy một năm nữa. Hay cứ ngồi ỳ ra? Tôi không thích chơi trò này bây giờ đấy. Họ có bao giờ nghĩ đến điều ấy không? Cái trò săn hươu này mệt mỏi chết đi được. Nhưng nếu tôi cứ ngồi ì ra đây, họ sẽ thực hiện thêm vài trò của môn nghệ thuật tra tấn lên người tôi. Hay tốt nhất là giật lấy một trong những mũi lao kia mà nuốt. Mặc xác cho trái đất đi xuống địa ngục sau một nghìn ba trăm năm nữa. Còn xa lắm, chẳng nên lo vội làm gì. Kệ mẹ nó.

Bốn giây im lặng chờ đợi, và rồi có tiếng của Sọ Đá Quý 2:

– Tz’on-keej b’axb’al!

Tôi bước ra ngoài vòng tròn, và với vẻ đường hoàng nhất có thể, đi qua những tay thợ săn và đám dân đen, ra tới vòng tròn bên ngoài. Tôi không nhìn bất cứ ai trong số họ. Tất cả đều lùi lại và nhường chỗ thật rộng cho tôi đi, nhưng khi tôi vừa bước qua những ngọn đuốc đánh dấu vòng tròn, các k’iik lập tức đồng thanh:

“Chín anh chàng chạy về phía con hươu to béo;

Hươu ơi, đầu mày nhẹ, mông mày nặng.

Hai tai mày sẽ thành hai chiếc thìa cho người thứ chín… “

Đó là một bài hát đếm giống như khi chơi trò trốn tìm mà Chacal và tất cả những đứa trẻ Ix khác đã lớn lên cùng nó. Chẳng cần ai giải thích luật chơi tôi cũng biết ngay khi họ đọc đến từ cuối cùng “ts’ipit” – nghĩ là “chiếc nhẫn” – họ sẽ được phép chạy ra khỏi vòng ngoài và sẽ trở thành con mồi của tất cả.

“Hai gạc mày sẽ thành gậy cho người thứ tám… “

Tôi lao bổ xuống con đường dốc đắp nổi.

“Móng guốc mày sẽ thành bốn cây búa cho người thứ bảy

Da lưng mày sẽ thành túi tiền cho người thứ sáu… “

Chạy, chạy, chạy, chạy, chạy. Rãnh nước. Nhảy qua. Cây, chạy vòng qua. Chacal không phải thợ săn, nhưng bàn chân anh ta vẫn biết tìm những chỗ an toàn trên đám cây bụi dưới mặt đất để đặt lên. Tiếng rên rĩ nhức óc của những con ve sầu vẳng qua tai tôi. Tôi ngửi thấy mùi gỗ thông và bạc hà lá dài. Thế này thì hàng đống rắc rối có là gì, – tôi nghĩ, – mình vẫn thấy thật đễ chịu. Tôi nghĩ tôi vừa nhảy qua một bụi cây thay vì vòng qua nó.

“Ruột mày sẽ thành vòng cổ cho người thứ năm… “

Chưa sao đâu. Họ vẫn chưa bắt đầu chạy. Tôi nhảy vọt qua rìa của con đường thứ nhất, lộn cổ vì nhảy trượt vào khoảng không. Sao dưới đất còn nhiều hơn cả sao trên đầu… nhưng chúng lập lòe và chạy lung tung, tạo thành những chòm sao không có hình dạng cố định. Hai giây sau, tôi nghĩ mình đang lăn xuống một cái hồ; và khi lăn qua ngôi sao đầu tiên, tôi nhận ra những đốm sáng gợn lăn tăn bên dưới tôi ấy là những con đom đóm, hàng ngàn những con bọ sáng trắng xanh nhảy múa quay cuồng trên các bụi dương xỉ và dạ lan hương. Chắc chúng mình đang ở phía đông thành phố, – tôi nghĩ, – có thể là trên lãnh địa của nhà Đại Bàng, đâu đó giữa dãy núi đá vôi chạy từ đông sang tây, vượt cả ra ngoài phạm vi của dãy Sierra de Chamá rồi dần thấp xuống về phía hồ Loga de Izabal. Rồi. Thử áng chừng xem khoảng cách xem nào. Từ đỉnh núi đến vành đai lửa kia khoảng một dặm rưỡi theo đường chim bay. Vậy khoảng cách thực tế mình phải chạy là bao nhiêu? Hai dặm chăng? Có khi phải hơn ba dặm. Trong đó một dặm là leo ngược lên núi. Không sao, mình sẽ xử lý được. Oái. Cây bụi. Đất ở đây lâu rồi chưa được phát quang. Tôi gần như trượt xuống chân núi, lăn lông lốc vào đám cỏ ba lá và cúc vạn thọ. Đứng lên. Đứng lên. Nhanh. Không nhìn thấy Đường Lửa đâu nữa. Tiến lên nào. Nhìn kĩ vào. Được rồi, thấy đường rồi. Ở Căn Cứ, tiết mục ca hát vẫn tiếp tục và tôi nhận ra từng bước chạy của mình rất ăn nhập với bài hát. Dốc núi ở đây có nhiều cây bông và khuynh diệp mọc thành từng khóm, một vài cây nom giống như những chiếc ô khổng lồ, những cây khác chỉ là cây non, có cây trụi lá, có cây đổ, có cây chỉ còn là cái hốc mục ruỗng. Nhưng chúng mọc quá đều và quá thưa nên khó thể coi là rừng tự nhiên được. Có thể chúng được trồng hoặc được xén tỉa theo kiểu cách nhất định. Thực ra, nếu không để ý đến những chùm lá thuốc lá được thắt ruy-băng nhiều màu, treo trang trí trên các thân cây – đó là đồ dâng cúng tổ tiên trong dòng họ, uaycủa mỗi người trú trong một thân cây – và không để ý rằng cây sống ít hơn cây chết, anh sẽ tưởng mình đang đi giữa một công viên ở Anh bài trí theo phong cách Capability Brown (Một nghệ nhân làm vườn nổi tiếng người Anh). Sau lưng tôi, giọng của các k’iik mỗi lúc một cao lên khi họ hát gần đến cuối bài:

“Xương hàm mày sẽ thành nĩa cho người thứ tư…”

Nhanh lên. Nhanh chân lên. Chạy giỏi thật. Bản năng của Chacal đã được đánh thức, một cái máy lái tự động đầy phấn khích. Tôi chỉ việc điều khiển lớp vỏ não ngoài cùng. Rẽ trái đi.

Huỵch, huỵch, huỵch, huỵch, huỵch. Nhảy qua. Cây. Chạy vòng qua. Lại nhảy qua. Mặt đất ở đây mấp mô hơn. Đầy chướng ngại vật. Không khác gì chạy vượt rào. Tôi thấy nhẹ nhõm lạ thường. Không thể chỉ vì cơ thể Chacal còn trẻ trung, hay vì nó khỏe mạnh hơn cơ thể cũ của tôi, bất kể đã bị vắt kiệt sau nhiều ngày nhịn ăn trước lễ hiến sinh. Chắc chắn là do cơ thể nhỏ bé hơn. Đó cũng là lý do vì sao bọn trẻ con lại lắm năng lượng thế, không phải vì chúng chưa biết gì, mà vì chúng không phải vác nhiều trọng lượng trong cơ thể. Mình cao khoảng bao nhiêu nhỉ? Nếu không bận rộn thế này, tôi đã thử đo mình với cái rầm trong căn điện của ahau mà tôi biết chắc là cao bốn feet hai inch. Nhưng chiều cao trung bình của một quý ông thuộc tầng lớp thượng lưu Maya thời này vào khoảng năm feet hai, và tôi chỉ cao hơn trung bình một chút thôi. Vậy cứ cho tôi cao năm feet tư. Nếu sức mạnh ấy tăng bằng bình phương mức tăng của chiều cao và cân nặng tăng bằng lập phương mức tăng của chiều cao thì thể trạng của tôi…

Oái. Gai nhọn. Để ý vào chứ. Được rồi. Huỵch, huỵch. Huỵch, huỵch. Đừng mất tập trung. Mày vẫn chưa về đến nhà đâu…

“Mũi mày sẽ làm ống điếu cho người thứ ba

Ba mươi chiếc răng mày sẽ thành súc sắc của người thứ hai…”

Mình sẽ làm được, làm được, làm được. Loạng choạng. Tôi đưa tay sờ lên bộ gạc lố bịch, có lẽ tôi có thể cởi nó ra, không, để đấy thì hơn, giật ra thì chắc sẽ lột cả da đầu vì thứ này bám chắc như mọc từ sọ tôi ra vậy. Quên chuyện này đi. Tập trung vào.

“Cơ vòng mày sẽ cho người thứ nhất chiếc nhẫn!”

Từ ts’ipit – chiếc nhẫn – được kéo dài thành tiếng reo hò rít lên và tiếng những bàn chân chết tiệt dậm thình thình. Và họ xuất phát, đuổi theo. Đừng nhìn lại. Chạy đi. Chạy đi.

Những thân cây. Một cuộc đua hình chữ chi giữa các thân cây. Sang trái. Sang phải. Không, trái chứ. Bây giờ thì phải. Lại sang trái. Gần được nửa đường rồi. Làm tốt lắm.

Tiếng những bước chân chạy xuống núi rượt theo tôi lộp bộp như tiếng mưa mau.

Mẹ chúng nó chứ. Sang trái. Vào bụi rậm rồi. Đừng để bộ gạc vướng phải cái gì. Nhìn xuống chân đi. Tay trái che mắt, tay phải sờ soạn đằng trước và xung quanh. Xem có cành cây không. Chạy tiếp đi.

Vẫn chạy trước chúng. Đừng lo. Khi tôi vào đến thung lũng nằm giữa hai dãy núi, mặt đất dưới chân bằng phẳng hơn, nhưng lại lổn nhổn và đầy rãnh nước. Coi chừng đấy. Lổn nhổn và rãnh nước cũng đồng nghĩa với tiếng động. Tiếng động cũng đồng nghĩa với cái chết. Lặng lẽ, mày sẽ sống. Tôi nhón chân chạy tiếp. Vẫn còn một dặm nữa. Và phần lớn là leo dốc.

Ui da. Đặt chân xuống. Ui da. Cây tầm ma. Hai chân tôi buốt nhói. Đường như cắm chông vậy. Hừ, nếu nó cản đường tôi, nó cũng sẽ cản đường chúng.

Dừng lại. Nghe xem.

Có một nhóm đang áp sát. Bao nhiêu người? Bốn chăng? Hình như lại tách ra. Chúng theo dấu giỏi thật đấy. Chớ có để lại dấu vết. Làm thế nào? Chạy giật lùi rồi đổi hướng à? Không, như thế quá khó. Không ăn thua đâu. Chỉ có cáo mới làm được.

Chạy đi. Nhẹ nhàng thôi. Trò này khá hay đấy. Rốt cuộc, con người chỉ có nghĩa là nạn nhân mà anh có thể ăn…

– Unf.

Chacal biết đó là gì, đó là tiếng hét của một người khi anh ta phóng lao, theo phản xạ, chúng tôi cúi đầu và né sang một bên. Mũi lao rít lên cách đầu khoảng ba feet . Nó rít thực sự, với một hợp âm quãng năm cao nhất, vì đầu mũi lao có buộc những ống sáo nhỏ xíu làm bằng thân cây sậy.

Phập. Mũi lao cắm xuống đâu đó khá gần, cắm vào một thân cây hay thứ gì đó tương tự. Tìm nhặt nó đi. Không , không có thì giờ đâu. Tôi trượt nốt quãng đường còn lại xuống một con lạch cạn nằm ngay giữa hai dãy núi. Sau lưng và trên đầu tôi, các k’iik đang huýt còi ra hiệu cho nhau bằng những ám hiệu đi săn của riêng từng nhà. Chắc chắn họ đã chia nhau tỏa ra và chạy xuống núi thành từng cặp, vây kín cả sườn núi. Một mánh đi săn kinh điển và không bao giờ lỗi thời.

Tôi dừng lại. Leo thẳng lên ư? Phải, đi thôi. Leo lên. Nào. Tôi cúi khom người leo lên dốc.

V…è…èo.

Một ngọn lao nữa. Cúi đầu xuống!

Phập.

Đồ chết dẫm. Chúng làm sao có thể nhìn thấy tôi được qua rừng cây, phải không? Chúng chỉ ném dựa vào tiếng động thôi mà. Đừng lo. Cứ ở ngoài tầm sát thương và mày sẽ không sao hết. Tôi chạy vòng sang trái. Chết thật. Bộ gạc vướng rồi. Tôi nghe thấy tiếng một cặp thợ săn nhanh chân nhất đang thở hổn hển leo dốc ngay phía sau tôi. Tôi cảm thấy những vết thương, tuy chưa có, nhưng đã ran lên trên lưng. Kéo đi. Mấy cái cành chết tiệt này. Kéo ra. Lại còn dây leo nữa. Oái. Cổ tôi. Tiên sư nó.

ZZZZZ. Phựt!

Được rồi. Giải thoát được bộ gạc rồi. Rẽ trái. Tôi cong đít chạy lên dốc và rẽ trái. Lên dốc. Rẽ trái. Rẽ trái. Ôi trời…

V…é…é…o…

Trên đầu. Cúi xuống. Cúi người xuống. Đừng để chúng ngắm được. Hãy để cây cối chắn giữa chúng mình, để tớ leo lên chỗ những đống lửa trên kia và tìm một cái hố nhé. Mẹ kiếp. Ở đây không có chỗ núp như rừng rậm tự nhiên. Nấp ở đây chỉ như nấp sau cái cột. Cứ phải chạy từ cái cây này sang cái cây khác. Được rồi. Leo lên đi. Bộ gạc làm tôi mất thăng bằng. Đầu nặng chình chịch. Đếch gì. Tôi hình dung ra mình như một con hai sừng tấm ở Ai-len thời tiền sử với những cái gạc vừa xòe rộng vừa nặng như hai cái xe mô-kích. Chả trách chẳng còn con nào sống được cho đến ngày nay. Phải tháo cái thứ của nợ này ra mới được. Tôi dùng đầu ngón tay lách thử vào dưới những sợi dây da quấn quanh đầu, hình như có thứ gôm hay nhựa cây nào đó dán chặt vào da tôi. Thôi kệ nó.

Khẽ thôi. Chạy thật khẽ khàng, thật lặng lẽ. Đám thợ săn đuổi theo cũng nhanh quá.

Sắp nôn mất. Chuyện là thế này, nếu anh chạy nhanh quá sức mình, anh sẽ bị xóc bụng. Phải nôn ra thôi. ọc. ọe. Phù. Tôi nghĩ tôi đã xoay xở làm việc đó khá lặng lẽ. Dù sao trong ấy cũng chả có gì nhiều. Đi tiếp nào. Tiến lên. Không cần bận tâm năng lượng đến từ đâu, chỉ cần bận tâm ta sẽ dùng nó vào việc gì. Tiến lên. Tiến lên.

Tôi rẽ sang hướng nam. Không thể lạm dụng sức lực thế này lâu hơn được nữa. Tim tôi đau nhói lên. Cũng có thể là phổi. Gì cũng được.

Tất cả lại im lặng. Không còn tiếng hét nào nữa. Nhưng chúng vẫn đang tiến đến sau lưng tôi. Nghe ngóng đi. Chạy chậm lại. Mày gây ra nhiều tiếng động quá đấy.

Rón rén thôi. Hãy khôn ngoan.

A. Những đống lửa. Chỉ còn cách một quãng nữa thôi. Chạy đến đi. Không, gượm hẵng.

Tôi đứng lại.

Ôi, quỷ tha ma bắt. Ngay sát cạnh tôi, phía bên trái. Tiếng cành cây gẫy răng rắc. Tốt hơn hết là…

Từ từ. Không ổn. Hắn tạo tiếng động lộ liễu quá. Hắn muốn lùa tôi chạy về phía những kẻ khác đang chờ sẵn đây mà.

Nghĩ xem. Chúng đang làm gì?

Chúng đang ở trên kia. Chờ sẵn mày. Số còn lại tỏa đi khắp các hướng. Chỉ có một vài tên lần theo dấu vết của mày thôi, còn lại đã tản ra chặn ở phía trước rồi. Và chúng sẽ áp sát.

Những tay thợ săn chặn phía trước đang tiến lại gần. Tôi nghe ngóng.

Cứ đứng yên. Chạy là mày sẽ chết.

Phải chạy đến vành đai lửa bằng khối khác vậy. Từ bên trái.

Được rồi.

Tôi lùi xuống.

Tôi khẽ khàng lao ngược xuống thung lũng, nhẹ nhàng nhất trong khả năng bàn chân tôi cho phép. Mặt đất ở đây trống trải, nhưng nhiều cành khuynh diệp lại sà xuốngngang tầm ngực. Để ý nhé. Tôi quay người lại và loạng choạng chạy xuống dốc. Bây giờ là lần đầu tiên tôi quay mặt về hướng tây nam, tôi nhìn thấy một quầng sáng lớn mờ ảo phía sau đỉnh núi tiếp theo của dãy Sierra da Chamá, quầng sáng mà bộ óc của Chacal biết rất rõ: những đống lửa canh đền của thành Ix.

Được rồi, hãy chạy vòng sang hướng tây và thử leo lên lần nữa. Chắc chúng đoán mày sẽ chạy ngược chiều kim đồng hồ. Vậy hãy chạy xuôi.

Tôi không nhìn thấy đỉnh núi, nhưng đã có những ngôi sao, chúng chẳng kém gì hệ thống định vị toàn cầu. Hãy đoán phương hướng dựa vào Đầu Thần Chết 9, tức là chòm Regulus, ở ngay trên đầu kia.

Tôi đoán từ bãi đất được đốt sạch cỏ này lên đến vành đai lửa còn bảy mươi bước chông gai nữa.

Tốt thôi.

Đi nào.

Tôi leo lên dốc theo hình một vòng cung rộng, cố sao ra khỏi rừng cây ở điểm càng xa về phía tây càng tốt…

Sát bên cạnh. Có thứ gì đó. Tôi quăng người xuống đất mà chính tôi cũng chẳng hiểu vì sao.

Uỵch.

Chết cha, tôi bật dậy nhưng bị kéo trở lại. Cổ tôi! Hỏng bét! Một bàn tay đang nắm lấy cái gạc khốn khổ. Tôi giật mạnh đầu nhưng hắn đã túm được nhánh gốc của cái gạc bên phải. Tôi giằng sang trái, không, quá muộn rồi, hắn đã tóm được tôi, và không suy nghĩ gì, tôi cong lưng và thúc mạnh những cái gạc nhọn vào hắn. Hắn khựng lại và thở gấp một hơi. Khi tôi giằng đầu ra lần nữa, bàn tay thợ săn đã buông ra. Tôi quay lại nhìn hắn. Hai cẳng chân cho biết hắn là người nhà Mèo Rừng, một thằng oắt mới khoảng mười hai hoặc mười bốn tuổi là cùng với mớ tóc dài ngổ ngáo như muốn khiêu khích: “đây, vào mà túm lấy này”. Bàn tay trái hắn đè lên xương đòn phải, nơi đầu gạc nhọn của tôi đã đâm vào. Tôi định thần lại và nhảy chồm như một con ếch xuống sát mặt hắn. Một cú choáng váng từ đầu hắn đập sang đầu tôi, y như hai quả bóng bi-a. Tiên sư nó chứ. Tôi húc đầu như một con hà mã. Hắn tóm lấy cái gạc trên đầu tôi mà vặn, không khác gì Theseus (Vị anh hùng trong truyền thuyết của người Hy Lạp, bị vua Minos đưa vào mê cung cho quái vật Minotaur nửa người nửa trâu ăn thịt. Chàng đã giết chết con quái vật và thoát khỏi mê cung nhờ sự giúp đỡ của Ariadne, con gái của vua Minos) vật lộn với quái vật Minotaur. Tôi thả lỏng người xoay theo chiều vặn và ngã ngửa xuống. Một bàn tay túm lấy cái nút lớn ở trước thắt lưng và húc gạc vào cổ hắn thêm lần nữa. Lần này, hắn lảo đảo ngã ra sau, tôi nhổm dậy, và tay hắn đã buông ra.

Ui da. Cổ mình gẫy á? Không, nếu thế thì mình đã không nhổm dậy được. Tôi bước lùi lại và nhìn sang thằng nhãi nhà Mèo Rừng. Mé đầu bên phải hắn đen bóng lên trong ánh sáng lờ mờ, máu tuôn ra từ vết thủng dưới mắt hắn. Hắn loạng choạng lần về phía tôi.

Đừng lo, hắn bị thương quá nặng rồi. Tôiquay lưng đi.

Hắn đang mất máu, hắn đang yếu dần. Cứ đứng xa cho đến khi hắn gục xuống rồi đập cho hắn một nhát.

Hay có khi nên chạy đi.

Hay nhân cơ hội này giết hắn khỏi đánh động cho những tên khác? Vớ vẩn quá. Chạy đi. Có khi chúng đã nghe thấy mình ở đâu rồi.

Tăng tốc. Tôi chạy.

Chỉ cần đến được đó thôi, mày sẽ được tự do. Tự do như một con ong, muốn làm gì thì làm, anh và em…

Hử. Cái gì thế này?

Tôi lại ngã sấp mặt xuống đất. Tôi xoay người lên và ngồi dậy. Chân phải bỏng rát lên. Hừ. Một mũi lao đã đâm trúng sau đùi tôi, cách đầu gối chừng hai inch. Ôi thôi, chết rồi, mình bị thương rồi. Đồ chó má khốn nạn. Tuy cùn nhưng thứ vũ khí này vẫn gây được thương tích. May không sâu lắm. Chảy nhiều máu quá. Bực thật. Trong lúc kiểm tra vết thương, tôi nhận ra mũi lao vẫn chưa gẫy và đang nằm trên mặt đất. Khi tôi đang nhìn nó, nó bỗng chạy lùi ra xa tôi, luồn qua đám cỏ như một con rắn. Tôi dùng bằng bàn tay quấn da lông giả trang chộp lấy nó, ngay dưới mối nối giữa mũi lao có thể tháo lắp và cán lao. Ai đó cố giật lại. Tôi cũng giật và nhìn lên. Vẫn là thằng k’iik nhà Mèo Rừng ấy. Ôi lạy chúa. Chấp nhận đi. Mày kiệt sức rồi. Chúng tôi trừng mắt nhìn nhau nhưng không thực sự hiểu nhau có ý gì. Tốt thôi, – tôi nghĩ, – miễn đừng kêu gọi người đến giúp sức là được. Cứ giữ tao cho mình mày thôi. Tôi vặn cây lao cho tuột khỏi tay hắn, nhưng hắn không buông. Tôi cúi bộ gạc xuống chắn giữa hắn và tôi, ngồi xổm lên và cố đứng dậy, tay vẫn nắm đầu nhọn của cây lao. Tốt rồi, Jed, đừng thả tay ra. Tôi xoay người nép vào sau một thân cây, tay vẫn giữ chắc mũi lao, tôi chạy ngược chiều kim đồng hồ quanh thân cây đường kính xấp xỉ tám inch chắn giữa chúng tôi, dùng nó làm điểm tựa và chạy mỗi lúc một nhanh hơn. Tôi buông tay phải ra, giật cây lao vòng qua thân cây. Tôi dùng một tay chộp lấy sợi dây da nạm ngọc bích quấn trên bắp tay trái hắn, hắn lúng túng mất một lúc, hai bàn chân hắn vẫn đặt trên mặt đất trong khi chân tôi đã tì lên thân cây. Tôi xiết chặt hơn bàn tay nắm sợi dây da, giật người ra sau rồi vươn thẳng lên. Một tiếng uỵch đáng yêu khi ngực hắn đập sầm vào thân cây. Cơ trên cổ tay hắn chùng xuống mất một lúc, nhưng hắn vẫn không buông cây lao. Tôi dịch dần bàn tay trái trên cây lao và cuối cùng đến được sát cổ tay hắn, tôi tóm vào và giật tiếp lần nữa. Lần này, ngay cả qua gỗ cây, chân tôi vẫn cảm nhận được hàm dưới của hắn đạp bốp lên hàm trên. Chén cây đi nhé, đồ mặt hề! Lũ chiến binh bẩn thỉu! Hắn gào lên câu gì đó, líu ra líu ríu, rồi chuyển sang một tràng ăng ẳng để giúp những tên khác định hướng được tiếng động phát ra từ đâu. Mẹ nó. Chắc hắn nghĩ mình sắp chết nên muốn giao nộp tôi lại cho bọn kia. Im ngay, im ngay, im ngay, tôi nghĩ thầm, – mày làm tao thất vọng đấy, và mày toi rồi. Tôi dịch người sang bên phải, đủ để tay phải sờ được vai áo hắn, lần tiếp ra sau gáy, túm lấy một nắm kha khá của mớ tóc được đính hạt, đập mặt hắn vào thân cây lần nữa, cảm thấy sọ hắn rạn cả ra, và qua cách nó lả xuống, tôi biết nó đã mềm nhũn, như quả trứng bị nứt vỏ nhưng chưa thủng màng. Tiếng ăng ẳng tắt lịm. Xong mày nhé, – tôi nghĩ. Thấy chưa? Tao mới là người cừ nhất. Dĩ nhiên, tôi cũng hơi chóng mặt, nhưng vẫn còn khỏe. Tôi có thể thắng trò chơi này. Dù gì tôi cũng có vũ khí rồi, phải không? Mình có một cây lao, – tôi ngân nga trong đầu như vậy, – mình có vũ khí. Leo lên thôi. Ánh lửa ngay trên kia. Không xa. Đi nào.

Có những tiếng động kỳ quặc sau lưng tôi. Ghê quá.

Đánh hơi.

Chúng đang đánh hơi mùi mồ hôi của tôi. Và mùi máu nữa. Chết tiệt. Chết tiệt.

Im lặng.

Hít vào. Nín lại. Thở ra. Nhẹ hơn nữa đi. Hít vào. Tôi cố sao bước chân của mình hòa vào nhịp gáy của một con dế đậu gần đó. Thật nhịp nhàng. Hãy tưởng tượng như mình là nó vậy.

Nhưng dù thế chúng sẽ vẫn ngửi thấy mùi tôi. Tốt hơn hết là biến nhanh.

Không. Không, chờ đã.

Cơn hoảng hốt, hoặc đơn giản là tình huống hiện tại, lóe lên nhiều hình ảnh trong bộ óc của Chacla, một mẩu ký ức về buổi tập luyện đầu tiên, có thể gọi là bài kiểm tra tính cách. Các thầy mo bóng hông đưa anh ta xuống hang động hồn ma của Những Người Chơi Bóng Hông. Họ đi qua các hang động lớn với bó đuốc trên tay, lần đường đi nhờ những cái rãnh dưới chân. Họ đặt anh ta nằm trần trụi trong một cái quách bằng đá rồi bỏ đi. Đến lúc anh ta tin mình đã nằm đó được vài ngày thì bất thần nhiều giọng nói vang lên. Ban đầu là những tiếng rì rầm xa xa. “Kẻ nào đây, ta ngửi thấy mùi của một kẻ không nên ở đây, hãy ăn thịt hắn, hãy nhai hắn”. Đó là uay của những người chơi bóng hông bị trục xuất từ thời xa xưa đến để đưa anh ta đến Xib’alb’a. Họ tiến dần lại, đòi anh ta đọc những cái tên thần bí mà anh ta đã thề không bao giờ được nói lộ ra, buộc anh ta rời cái quách để đi cùng họ. Và đến khi những giọng nói đó đến sát tai, anh ta mới biết mình đã không bỏ chạy, không nói ra những cái tên, thậm chí không hề nhúc nhích. Khi được khiêng ra ngoài vào ngày hôm sau, thằng nhóc tám tuổi sau này trở thành Chacal đã vượt qua được giới hạn đỉnh điểm của nỗi sợ hãi đến mất trí để trở thành một con người khác. Đến khi anh ta biết rằng những giọng nói kia chỉ là tiếng các thầy mo gọi vọng qua những cái ống đặt xuyên qua lỗ thông hơi của cái quách thì chuyện ấy cũng chẳng còn gì quan trọng nữa. Nếu đứa trẻ vượt qua được thử thách đó hoặc những thử thách khác thì có nghĩa rằng nó được sinh ra với trái tim rắn như đá, hoặc nó đã trưởng thành. Chúng đã trai lỳ với đau đớn. Nếu là ở thế kỉ 21, người ta sẽ nói rằng, những chấn thương gây ra bởi thử thách sẽ làm chai sạn các cảm xúc thường ngày và gieo mầm cho một cảm xúc mãnh liệt có thể bột phát mà chẳng cần mấy sự khiêu khích. Còn ở đây, điều đó chỉ đồng nghĩa với việc chúng trở thành một k’iik

Một chiếc lá bị giẫm gãy cách chân tôi hai mươi feet về phía sau. Không có gì thêm. Đi thôi. Đi thôi.

Tội chạy.

Ôi, không. Vội quá.

Một mũi lao rít lên ngay bên trái tôi. Tôi nhảy sang phải, lăn về phía trước và dùng cây lao chống để đứng lên. Trong một giây, tôi ngỡ mình đã làm đúng, nhưng chân trái của tôi bỗng trượt đi. Nó bị đâm trúng rồi sao, tôi phân vân. Nếu vậy, sao tôi chẳng có cảm giác gì hết? Nhiều adrenaline (Một loại hoocmon gây hưng phấn) quá hay sao? Tôi giữ thăng bằng đủ để chỉ ngã quỳ xuống và xoay người trong tư thế thu mình lại. Một k’iik của nhà Itz’un đang tấn công tôi, tay cầm cái cán không đầu nhọn của cây lao như cầm một cây chùy. Tôi dậm mạnh cán chân cây lao của tôi xuống đất và đứng vững để chờ cuộc đụng độ. Phía bên trái còn có hai tên thợ săn nữa, cách chừng ba trăm sải tay, đang chạy đến với ngọn lao giơ cao, sẵn sàng ném. Một là người nhà Mèo Rừng và một là thằng bé nhà Đại Bàng có gương mặt tròn xinh xắn. Mình biết tên nó. Chacal đã chơi bóng với nó, nó mới gia nhập nhà bóng hông của nhà Đại Bàng, mình biết tên nó… A, đó là Hun Xoc. Cá Mập 1.

Được rồi, tôi nghĩ, hãy vượt qua ba thằng nhãi lóng ngóng này và mày sẽ đến đích. Tôi chấm dứt suy nghĩ để tập trung và đâm mũi lao về phía tên thợ săn nhà Itz’un. Hắn né mũi lao và chạy vòng ra sau lưng tôi, giơ cây gậy lên định đập vào đầu. Tôi quay người lại để gạt. Trong một tích tắc, vì một lý do gì đó mà tôi không rõ, hắn lưỡng lự, lùi nửa bước và đứng im. Ồ, mình biết tại sao rồi, – tôi nghĩ. Tôi ô uế mà. Thằng chó mê tín. Tôi dang hai tay, cúi bộ gạc xuống và bất thần lao vào hắn.

Cây gậy trên tay hắn giáng xuống, đập gãy hai nhánh của gạc bên phải, nhưng chỉ làm trán tôi hơi xước. Thằng kia, mày làm hỏng chiếc cúp của mình rồi đấy. Tôi lắc đầu cho hết choáng, lấy đà cho chiếc lao và đâm nó xuống theo một hình vòng cung rộng cách mặt đất tám inch.Tên thợ săn nhà Itz’un nhảy lùi lại và cứu được bàn chân trái, nhưng mũi lao đã cắm xuống bàn chân phải và tuột ra khỏi cán. Hắn ngã ngửa ra sau, đập xuống đất. Hắn ngồi lên. Không mất thời giờ nghĩ ngợi, tôi giật lấy cây lao để đập cho hắn một nhát nhưng trong chốc lát, dưới ánh sao mờ ảo, da hắn dường như mỏng và căng đến mức tôi có thể nhìn xuyên qua. Tôi nhắm vào chỗ động mạch ngoài của xương chậu đang phập phồng, ngay giữa đũng, thọc mạnh cái đầu lởm chởm của cây lao mất mũi xuống mà ngoáy. Hắn kháng cự yếu ớt trong vài tích tắc và buông xuôi khi thanh gỗ xuyên được qua da và cắt đứt một dây chằng, tôi chạm đến lớp mỡ, đến động mạch và máu phun ra. Đúng rồi, phun ra, phun ra, PHUN RA ĐI! Hà! Mình đúng là ác chiến thật, – tôi nghĩ. Gã k’iik nhà Ttz’un nằm đờ ra, cử động duy nhất trên mặt hắn có lẽ là một ánh thất vọng trong mắt. Tôi lảo đảo lùi khỏi người hắn, bám chắc vào cây lao và đứng phắt dậy.

Tôi hơi run run. Không rõ vì sao tôi lại nghĩ đến số tám.

Bộ óc thường không mất nhiều thời gian để ghi nhận nhiều thứ cùng một lúc, miễn sao anh không cố liệt kê chúng ra miệng. Trong thời gian chưa đến một giây, tôi nhận ra hắn đã chết, và cũng nhận ra đây là lần đầu tiên tôi giết người. Người ta nói rằng lần đầu tiên sẽ đem đến cho anh cảm giác tội lỗi và kích động, rằng anh sẽ thấy thương xót, rằng anh sẽ nghe thấy tiếng máu chảy rần rật trong tai, sẽ choáng váng và ngất đi, hoặc adrenaline có thể tăng lên đỉnh điểm và đạt đến cực khoái, hoặc sự thương cảm sẽ làm anh ngất đi và sau đó cảm thấy tội lỗi, vân vân và vân vân. Và bất chấp hoàn cảnh hiện thời, tôi vẫn chờ đợi một trong những điều ấy xảy ra. Nhưng thay vào đó, tôi lại có cảm giác quen thuộc lạ lùng. Y như tôi đang đi dạo cửa hàng và vừa mua một món thật đắt tiền, chẳng hạn như chiếc Plymouth Barracuda vừa sắm. Hoặc thậm chí giống như tôi vừa chọn đặt một giá rất cao trong cuộc đấu giá mới đây trên eBay trong năm giây cuối cùng. Cũng căng thẳng tột độ như thế, và rồi dãn ra và nhẹ nhõm, rồi tiếp đến là một dư vị nhàn nhạt kết hợp giữa cảm giác tiếc rẻ phải bỏ tiền ra mua và sự thoả mãn của kẻ được sở hữu. Cứ như thể tôi đã sở hữu được gã k’iik này. Hay đúng hơn, tôi đã chia cắt được cơ thể vàuay của hắn, và lúc này, uay của hắn đang lảng vảng và hít hửi quanh tôi, sẵn sàng bám theo tôi đi bất cứ nơi đâu. Và nếu tôi làm những điều đúng đắn, tôi có thể ngăn nó trả thù và biến nó trở thành một thứ như thú cưng của mình, hoặc chính xác hơn, thành nô lệ của mình. Và rồi cảm giác ấy lẫn lộn với một thứ mà tôi cảm tưởng như tội lỗi. Nó vật chất hơn, cảm giác bân bẩn như vừa giẫm phải bãi nôn của một con chó, hoặc như tôi vừa nghịch một chất phóng xạ, làm bỏng tay và phải đi khử nhiễm. Tôi không thấy có vấn đề gì với lương tâm mình. Chỉ là tôi suýt chết nhưng cái chết đã lây sang kẻ khác. Và rốt cuộc, tôi nhận ra mình có cảm giác này, không như mong đợi, là bởi thực ra đây không phải lần đầu tiên tôi giết người. Tôi đã từng giết người. Tức là Chacal đã từng giết người, bảy người cả thảy, trên sân bóng hông.

Tôi không cảm thấy cái mà tôi đáng ra phải cảm thấy. Ý tôi là Jed đáng ra phải cảm thấy. Tôi có cảm giác của Chacal. Đúng là tôi điều khiển cơ thể này, nhưng cảm xúc lại là của anh ta. Chỉ có một lượt nếp gấp nhỏ xíu, mỏng tang bao phủ vỏ não trước cho anh ta biết anh ta là tôi mà thôi. Cái tôi chẳng phải một sức mạnh gì khổng lồ lắm. Nó mỏng manh thôi.

Gã Mèo Rừng lùn tịt đã tiến sát đến bên phải tôi, hét lên một tiếng như khi chộp được con mồi. Tôi đã đứng dậy nhưng không thể bỏ chạy xa hắn, vì thế, tôi quay lại. Hắn nâng cây lao đến như một cây thương, chuẩn bị xiên vào người tôi. Tôi chúi đầu lao xuống đất và lăn lông lốc. Hắn phản ứng nhanh như chớp, chuẩn bị lao theo, nhưng hắn đã đứng đủ gần để tôi khạc một bãi đờm máu lên người hắn. Nó bắn ngay lên ngực, một vết tướng, đỏ lầy nhầy. Nhận lấy này – tôi thầm nghĩ. Chấy rận đấy!!!

Hắn giật bắn mình lùi lại. Phía sau hắn, tôi thấy thằng k’iik nhà Đại Bàng đang lùi lại. Sao thế? Hắn cũng sợ lây bẩn à? Hay hắn vẫn còn đứng về phía tôi? Không, chỉ là chúng thật sự sợ chạm phải người tôi thôi. Tôi không sạch sẽ mà. Tôi hơi tự ái. Thôi, vì chúa, cứ lợi dụng nó đi.

Tên lùn Mèo Rừng đã tiến lại. Ánh đuốc từ trên cao rọi xuống phản chiếu trong mắt hắn, và đâu đó trong đầu Chacal biết rằng nếu hắn đang nhìn lên ánh sáng thì có nghĩ là hắn không trông thấy tôi rõ như tôi nhìn thấy hắn. Tôi cúi thấp xuống và giật cây lao của hắn bằng tay trái, và thúc cán cây lao của tôi lên phía miệng hắn. Nó đâm trúng và tôi cảm thấy thứ gì đó mềm mềm. Cắt amiđan đi, thằng du côn. Tôi nhảy lùi ra sau và rút cây lao ra qua má hắn. Hắn không kêu, cũng không lùi lại, rất ra dáng nam nhi, hắn chỉ lấy lại thăng bằng và lại tiến lên. Tôi lấy đà và đâm một nhát, nó đập vào cây lao của hắn và trượt vào các ngón tay. Có tiếng răng rắc khe khẽ và bàn tay hắn buông cây lao ra. Có nên chiếm lấy nó không nhỉ? Không, quá muộn. Đến lúc phải chuồn rồi. Bịch. Bịch. Chạy được tám bước lên dốc, tôi nghe thấy tiếng lanh canh của đống trang sức bằng vỏ sò trên người thằng k’iik nhà Đại Bàng khi nó chuẩn bị tư thế ném. Một cú ném dễ dàng đây.

Mẹ kiếp, – tôi nghĩ, – đáng ra mày có thể thoát rồi. Tôi dốc hết can đảm để chờ một mũi đá nhọn cắm vào xương sống, nhưng cây lao rít lên trong không trung, bay chệch sang bên trái tôi với âm thanh của một cú ném trượt đáng yêu. Thêm hai bước chạy nữa. Tôi nghe thấy tiếng nó trượt chân và ngã quay ra. Quái thật. Cái xác bất tài. Có khi nó cố tình thả tôi cũng nên. Quên chuyện ấy đi. Cứ đến được cái vành đai lửa phải gió kia đã. Chi tiết tính sau.

Đi tiếp. Lắng nghe.

Chúng có cái mánh thở rất khẽ, chạy rón rén như những con cáo nên thường nạn nhân sẽ không nghe thấy tiếng bước chân, nhưng những chuỗi hạt đeo quanh mắt cá chân va vào nhau lanh canh, gió rít qua những chiếc hoa tai lòe loẹt, và khi chúng đến sát sau lưng, tôi thậm chí còn nghĩ mình cảm thấy hơi nóng tỏa ra từ người chúng. Có bao nhiêu thằng? Tôi không muốn kìm những bước chạy khập khiễng lại, dù chỉ đủ để quay đầu lại. Cứ nghe ngóng thôi. Nghe ngóng giữa các bước chân.

Ba. Ba tên đang ở đủ gần để chặn tôi lại. Một ở sát bên tay trái. Hai ở cách xa hơn bên tay phải. Những tên khác đang chạy phía sau. Đừng bận tâm đến chúng. Hãy tập trung một giây rồi lao đi thật nhanh.

Hãy sẵn sàng lao thật nhanh. Sau đùi tôi vẫn nhỏ máu tong tong, không khác gì một cái vòi vặn gần chặt, đủ để dòng nước chảy xuống gần tách thành từng giọt. Tôi cảm thấy một cơn hoảng sợ xuyên thẳng qua người, nỗi sợ chảy máu quen thuộc. Tôi bốc một nắm đất và ấn nó vào lỗ thủng trên đùi. Ngay lúc này mày còn đang cần đến máu – tôi nghĩ, – vi trùng tính sau. Không, chẳng còn “sau” nữa đâu. Mày không còn “sau” nữa.

Tôi cảm thấy có nhiều hơn một vài thợ săn, bên phải, và có khi là cả bên trái nữa, trên các cành cây, đang canh chừng đỉnh núi. Khi tôi chạy vào đấy, ít nhất một vài tên cũng lọt vào vành đai lửa.

Tôi nhận thấy mình đang cười, gần như lặng lẽ, nhưng không hẳn không gây tiếng động. Im đi, thằng ngu. Hoặc cũng có khi tôi đang sụt sịt. Như vậy là không gan lỳ. Chacal sẽ không sử xự như vậy…

Chờ đã. Ai đấy?

Không có ai ở đây. Nhưng…

Hừm…

Tôi chắc chắn có ai đó đang ở đây, ai đó ngay cạnh tôi… nhưng chẳng có ai hết. Vậy là ai đó bên trong tôi.

Chacal?

Cậu đấy à?

Ôi, đồ quỷ tha ma bắt, anh ta đang ở đó, anh ta đang theo dõi tôi, thưởng thức cảnh này, mẹ kiếp… Suỵt. Chúng đang đến. Tôi ngồi thụp xuống, co người lùi một bụi sim non. Nào, cứ đến gần đi, lũ đồng tính. Tao sẽ cắn đứt chân chúng mày. Tôi cười khúc khích. Câm đi.

Tôi thu mình ngồi chồm chỗm. Như một hòn sỏi.

Đến lúc phải lên kế hoạch rồi. Đúng đấy. Hè hè. Suỵt, suỵt. Đâu đó giữa tôi và vành đai lửa, có tiếng người hát:

“Hươu ơi, đầu mày nhẹ, mông mày nặng…”

Bàn chân, bàn tay tôi cóng đi vì mất máu, hàm tôi va lập cập. Dừng lại. Dừng lại ngay. Đừng để răng va vào nhau. Im lặng. Im lặng nào.

“Hai tai mày sẽ thành chiếc thìa cho người thứ chín…”

Mẹ kiếp, chuyện này sẽ chẳng đi đến đâu. Không xong rồi. Mình toi rồi. Thành thịt giăm bông rồi. Tôi nghe thấy tiếng bước chân xung quanh mình. Bốn người. Không, năm. Tám. Mẹ ơi. Được rồi, tốt thôi. Tôi sẽ chui ra. Tôi trườn về phía ánh sáng. Thực ra, không hẳn là trườn, bò thì đúng hơn. Chính xác thì là bò lồm cồm, như một con cua móng ngựa. Một con cua móng ngựa liệt chân.

Chấp nhận đi, mày sẽ chẳng chạy được đi đâu hết.

Chậm quá. Chậm quá.

“Hai gạc mày sẽ thành gậy cho người thứ tám,

Móng guốc mày sẽ trở thành bốn cây búa cho người thứ bảy…”

Mẹ kiếp, có mà chạy xuống đất. Chắc chết rồi. Chắc chết rồi. Chắc chết rồi.

“Da lưng mày sẽ thành túi tiền cho người thứ sáu,

Ruột mày sẽ thành vòng cổ cho người thứ năm…”

Dù gì cũng còn một bản sao nữa của mình ở đâu đó mà, phải không? Có điều chẳng dễ chịu gì cho lắm khi ý thức duy nhất mà mày đang nằm trong đang chết dần. Mình toi rồi, thế đấy, nó thực sự như thế đấy, sẽ như thế đấy…

Hừ, chờ đợi để làm gì? Nó chỉ…

Bình luận
× sticky