Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mật Mã Maya

Chương 5

Tác giả: Brian D'Amato

Đây là một đoạn ghi hình trực tiếp liên tục từ một chiếc camera theo dõi an ninh đặt trên một plaza hay một quảng trường nào đó tại một nước rõ ràng là Hồi giáo, hoặc phần lớn theo Hồi giáo. Ở đó đang là đêm, nhưng quảng trường vẫn chiếu sáng bởi một thứ ánh sáng màu xanh làm chói mắt. Tôi đoán đó là ánh đèn pha của quân đội. Phía dưới màn hình là một đám đông lớn toàn đàn ông vận áo thùng màu trắng bẩn thỉu. Máu từ vết cắt do họ tự gây ra trên đầu chảy thành từng dòng xuống cổ nom như những vết men đen trên đồ gốm sứ. Chính giữa là một hàng rào mắt cáo với mười hay mười lăm binh sĩ gì đó đứng phía sau. Đám lính để râu quai nón, mặc đồ kaki và thứ gì đó nom giống trang phục SA-120, nhưng tôi không thấy có phù hiệu gì. Họ có ánh mắt gờm gờm của những người đang cố tỏ ra không sợ hãi. Phía sau toán lính là một tòa nhà xem ra là cơ quan công quyền, chắc là một tòa đại sứ quán, màu trắng với trụ bổ tường cũng trắng và hai cánh cửa gỗ kiểu thời Victoria sẫm màu. Trên cánh cửa có các ký hiệu nhưng mờ quá, không đọc được. Tiếng bị tắt đi, những hình chữ nhật màu xanh nước biển che kín phần dưới và góc phải bên trên màn hình để che đi những hàng chữ mà hãng tin đã chèn vào thuyết minh. Và mặc dù vài người trong đám đông có giương những biểu ngữ tự làm nhưng chúng hoặc được quay sang hướng khác, hoặc chữ nghĩa xiêng xẹo. Chết tiệt, đáng ra mình nên làm bài tập về nhà mới phải, tôi nghĩ bụng. Chỉ cần hiểu biết hơn một chút về trang phục và kiểu râu của đàn ông ở thế giới đạo Hồi là có thể lần ra manh mối ngay… nhưng, được rồi, động não đi nào, đây là cái chỗ quái quỷ nào thế nhỉ? Ờ có vẻ như không còn chút ánh sáng ban ngày nào và cứ cho rằng đoạn băng ghi hình này quay trực tiếp, điều này thì tôi chắc chắn, như vậy thì quá muộn so với giờ của Trung Đông, vì từ đây đến kinh độ 7 vẫn còn là ban ngày, cho nên tôi đoán cảnh đang nhìn thấy là ở Bắc Ấn Độ. Thực ra, tôi có thể đánh cược rằng chỗ này là đâu đó gần hoặc trong lãnh thổ Bangladesh vì hiện đó đang là điểm nóng. Rồi. Và đầu họ bị thương vì… hừm, theo tôi biết hôm nay không phải là ngày lễ đạo Hồi, cũng không phải là ngày lễ của đạo Hindu… nghĩa là họ đang phản đối điều gì đó.

Xem nào, tôi cũng đoán đây không phải là một thành phố lớn… vậy phải cho đây là một tòa thị sảnh chứ không phải đại sứ quán. Và đám dân Hồi giáo dữ tợn này muốn… họ muốn gì nhỉ? Không phải chỉ muốn xả rác ra chỗ đó rồi… không, pues (Vậy thì – tiếng Tây Ban Nha), họ muốn được vào trong tòa nhà đó. Phải vậy không? Có lẽ họ đang sợ chiến tranh nổ ra, những người Hindu chiếm đa số sẽ đem họ ra hành hình.

Đại loại thế. Không có bất cứ dấu hiệu nào chỉ dẫn cho tôi biết họ sắp làm gì.

Chúng tôi xem và ghi nhớ cảnh tượng. Một phút sau, màn hình chuyển sang màu đen.

– Được rồi – giọng máy tính chuyển đến lời của Taro – chúng tôi muốn cả hai anh trả lời ba câu hỏi sau. Một: Liệu đám đông kia có trèo qua hàng rào và tấn công tòa nhà không? Hai: Nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ xảy ra khi nào. Và ba: Nếu điều đó xảy ra, liệu họ có thành công và chiếm được tòa nhà không? Các anh có ba mươi phút. Có ai có câu hỏi gì không?

Ừ, có đấy – tôi nghĩ – màu nâu Crayola giống màu bút chì số 2, hay…

– Được rồi, vậy là không có câu hỏi – ông ta nói – xin mời bắt đầu.

Tôi rải các hạt ảo lên bàn cờ. Chúng nảy hơi cao, nhưng đấy không phải vấn đề. Ván đề là cả trong đối tượng của câu hỏi, tức là sự kiện ở châu á kia, và trên bàn cờ đều có sự ngẫu nhiên. Chắc chắc nhóm nghiên cứu của Taro sẽ áp dụng chương trình quy ước đối với đoạn băng trên, kết hợp với các số liệu khác thu thập được trên mạng. Họ sẽ sử dụng các chương trình dựng mô hình thảm họa đám đông giống chương trình mà Bộ An ninh Hoa Kỳ sử dụng để chống bạo loạn, và cả chương trình riêng của dự án LEON nữa. Nhưng tôi vẫn sẽ làm tốt hơn. Phải vậy không? Tôi đặt quân cờ của mình lên cái ô nằm chính giữa.

Nói ngắn gọn, mục tiêu của cờ Hiến tế là bắt quân cờ. Nếu anh chơi với một quân cờ thì có nghĩa thì một người chơi chỉ có một quân cờ còn đối thủ của anh ta thì có vô số. Nhiều người thấy điều này ngớ ngẩn, nhưng rất nhiều trò chơi ở thế kỷ 21 cũng chơi theo cách tương tự. Phổ biến nhất có thể kể đến “Thỏ và Chó săn” hay “Dê và Sói” và những trò tương tự. Ở châu Á, số lượng còn nhiều hơn. Nói chung chúng được xếp vào loại trò chơikhông có tính đối xứng cao, trong đó, một người chơi sử dụng một vài quân cờ nhanh hoặc mạnh hơn, những người còn lại dùng nhiều quân chậm hoặc yếu hơn để đuổi theo. Nếu anh là quân chạy trốn – hay con mồi, hay bất cứ cái tên nào khác người ta muốn đặt – thì mục tiêu của anh là chạy khỏi quân đuổi theo hay “kẻ đi săn”. Với trò “Thỏ và Chó săn”, chơi trên bàn cờ như cờ đam nên nhiệm vụ chỉ là chạy sang phía bên kia của bàn cờ. Còn với cờ Hiến tế, anh phải bắt đầu từ thời điểm xuất phát, tức là giữa bàn cờ, và để thắng, anh phải đến được một trong bốn điểm an toàn nằm ở bốn góc của bàn cờ. Song làm điều đó không dễ chút nào, không chỉ bởi vì những quân đuổi theo mà còn vì nước đi phụ thuộc một phần vào việc đổ súc sắc. Ngoài ra, trong cờ Hiến tế, quân cờ chạy trốn luôn để lại dấu ở những nơi đã đi qua. Mỗi lần quân cờ dừng lại ở một ô nào đó, hay đúng hơn là một điểm nào đó, anh phải để lại một viên đá dể đánh dấu. Con đường đó tượng trưng cho những sự kiện thật đã xảy ra, đối ngược với phần còn lại của bàn cờ tượng trưng cho mê cung rộng lớn của những điều có thể xảy ra. Mỗi bước di chuyển lại đánh dấu một thời điểm nào đó. Vì vậy, bàn cờ của cờ Hiến tế có phần giống loại lịch vạn niên mà trước đây người ta từng tự chế bằng bốn vòng tròn và những cái cọc, bảy cái cọc tượng trưng cho bảy ngày trong tuần, ba mươi mốt cái tượng trưng cho một tháng và vân vân. Như vậy, khi di chuyển anh cũng sẽ để lại một con đường thời gian tượng trưng. Và nếu anh có thể đọc được và ngoại suy được những sự kiện trên con đường đó và đoán được nước tiếp theo, thế có nghĩa là anh đang tính được tương lai.

Mỗi trò chơi hay đều tạo ra một trạng thái thôi miên riêng ở những người chơi ham mê, và cờ Hiến tế có một sức hút riêng đặc biệt khó diễn tả. Chắc hẳn khi còn nhỏ, Các bạn cũng từng chơi Parcheesi, hay những trò cải biên từParcheesi như “Sorry!” hay”Aggravation”. Và hẳn các bạn còn nhớ cảm giác lắc con súc sắc, đưa những quân cờ hay hòn bi nhỏ ra khỏi chuồng, bước vào vòng đua lý thú ra sao, cảm giác đưa được phần cuối cùng về đích khi đối thủ bám ngay phía sau cách có vài ô hú vía đến mức nào, rồi cảm giác tan tành chưa từng thấy khi bị đá đít về chuồng sau khi đi cả một hành trình dài, chỉ còn cách đích có vài bước và trên đời chỉ có một điều duy nhất khiến bạn chịu đựng được chuyện đó, ấy là ý nghĩ nó sẽ nguôi ngoai đi sau khi làm được điều tương tự với kẻ khác. Và không bao giờ có chuyện ngừng chơi giữa chừng hay thậm chí chỉ là rời khỏi phòng một lúc. Trò chơi thực sự như thật. Mặc dùParcheesi theo cách chơi ở phương Tây là trò chơi dành cho trẻ em nhưng nó lại là gốc của vô số môn chơi dành cho người lớn, chẳng hạn như cờ tào cáo. Và hiển nhiên cờ tỷ phú, một trong những môn cờ phổ biến nhất thế giới hiện nay, chính là dạng của Parcheesi. Nhìn chung, sự hấp dẫn cơ bản của các trò chơi này nằm ở chỗ rất khó nắm bắt và cưỡng lại càng khó hơn.

Tôi cho rằng với cờ Hiến tế, sự hấp dẫn chính là nó đưa người chơi vượt lên trên sự mơ hồ hỗ độn. Con người đang lướt trên những con sóng của tương lai, nơi hai nửa của vũ trụ – sự cố nhiên và ngẫu nhiên – va đập và chồng chéo lên nhau, nhưng trong thế giới nhỏ bé này, chúng ta hoàn toàn có thể chế ngự được điều đó, anh chỉ cần hai con súc sắc đánh dấu hai con sóng khác nhau, một là con sóng của những sự việc thường xuyên xảy ra lập đi lập lại với đỉnh sóng cao nhất khi súc sắc đổ ra sáu điểm, và một là con sóng của những sự việc bất thường bắt đầu dâng vào lúc hai điểm và lên đỉnh điểm lúc mười hai điểm. Ngay cả những người chẳng biết tí gì về toán học, đó cũng là một chuyển động thôi miên, giống như cảm giác của một đứa trẻ khi chăm chú nhìn cái biển hiệu cắt tóc, cứ thắc mắc không biết những đường sọc sẽ trượt tiếp đến đâu sau khi chạy ra hết bề mặt chiếc ống (Ở Mỹ, các cửa hiệu cắt tóc thường dùng một dấu hiệu chung là một chiếc ống hình trụ có sọc xanh đỏ chạy vòng quanh), hoặc cảm giác khi bạn nhìn vào cái nhãn có hình xoay tròn của chiếc đĩa Vertigo.

Tiếng Taro lại vọng qua loa:

– Hết giờ.

Tôi nhìn lên bàn cờ. Quân cờ của tôi còn cách góc Tây Bắc hai ô. Xem ra có vẻ không có lợi. Nghĩa là không có lợi về trước mắt. Còn có điều gì đó phía trước nữa, một cảm giác rằng toàn bộ cảnh tượng này đang nhanh chóng tiến đến một kết cục, nhưng tôi tôi không sao xác định được cụ thể. Chết tiệt.

– Những người biểu tình sẽ tràn qua hàng rào sau khoảng hai tiếng rưỡi nữa tính từ bây giờ – tôi nói – Họ sẽ cố chiếm lấy tòa nhà nhưng sẽ không thành công. Rất nhiều người trong số họ, tôi cho là hơn năm mươi người, sẽ bị chết hoặc bị thương nặng.

– Rồi – Taro đáp.

Tôi giải thoát cho cái đầu trước khi Ashley kịp bước vào rồi đi ra phòng họp.

Màn hình trên tường chiếu cảnh đoàn biểu tình, bây giờ thì có tiếng và ai nấy đều đang xem. Té ra sự việc đó đang diễn ra ở một thị trấn nằm ở phía Bắc Calcutta, và tòa nhà kia là trụ sở của Assam Rifles, một lực lượng nổi dậy ở vùng đông bắc, và đám đông mohajir, tức là dân Hồi giáo tị nạn, đang tìm cách giải thoát cho những người cầm đầu của họ đang bị giam giữ ở bên trong. Tôi không bực vì không nắm được chi tiết đó. Nhưng hình như có những toán người Hindu đang đe dọa họ ở chỗ khuất của màn hình.

Sic bước vào cùng Taro. Họ ngồi xuống cạnh bàn. Một phút ngượng ngịu.

– Thế, anh đoán thế nào? – Sic hỏi tôi.

Tôi nói lại những gì tôi nghĩ. Anh ta nói anh ta đã đoán rằng đám đông kia sẽ lao vào tòa nhà sau không đến nửa giờ đồng hồ nữa và họ sẽ chiếm được nó.

Tôi ậm ừ với vẻ thân thiện tự nhiên nhất có thể tỏ ra được.

Taro nói nhận định chuyên môn như thông lệ của các quan sát viên NSA – Cục an ninh Quốc gia – và đánh giá của chương trình máy tính đều cho rằng những người biểu tình sẽ giải tán trước khi kịp xảy ra thương vong. Tất cả chúng ta đều gật đầu. Ashley Thieu đứng dậy và bê vào một khay sô cô la nóng, bánh quy bạc hà và một ít trà thảo mộc rẻ tiền, chán ngắt. Trên màn hình, sự thay đổi đáng kể nhất chỉ là có vài người leo lên đứng trên thứ gì đó và bắt đầu diễn thuyến bằng tiếng Urdu. Tất cả chúng tôi ngồi quây tròn như đám sinh viên ngồi xem kết quả bầu cử. Thật ra, cảnh đó đặc biệt giống cuộc bầu cử năm 2000, kéo dài mãi không dứt, và mỗi lần anh muốn bỏ đi và đập phá thì lại có một nguồn hy vọng mới trỗi dậy, anh lại ngồi xuống xem tiếp, và cắn móng tay, và hy vọng, hy vọng ngay cả khi trong thâm tâm anh biết tất cả những chuyện này sẽ kết thúc bằng một thảm họa.

Hai mươi phút sau, một người đàn ông leo lên hàng rào. Một lính gác bắn một phát súng cac-bin lên trời, tiếng súng nổ yếu ớt bất lực. Hai giây sau, bức rào kín đặc người và thêm ba tiếng súng nữa. Một người ngã khỏi hàng rào nhưng không thể nói chắc anh ta bị bắn hay chỉ là trượt chân. Rất khó theo dõi chuyện gì xảy ra tiếp theo vì bức rào chiếm mất hai phần ba màn hình, nhưng chưa đến năm phút sau, trên cửa sổ tầng hai của tòa nhà, ai đó đã căng một lá cờ tự làm màu đen với những ký tự ả rập màu trắng.

Họ đã vào được bên trong. Tôi đã sai lầm. Sic đã đoán đúng. Tôi đã rối đầu rối óc lên. Tôi thậm chí không dám nhìn vào Taro. Tôi muốn rời khỏi phòng để nôn nhưng những người khác xem ra không ai định nhúc nhích. Tôi cạy vết bỏng san hô trên ngón trỏ bàn tay trái ra. Nó vẫn chưa lên da non. Tiên sư lũ san hô lửa. Tao sẽ vớt tiệt chúng mày ra khỏi bể cho chết ngạt hết đi. Tôi xin phép ra ngoài cho ấm một chút.

– Cứ xem tiếp đã – Sic nói – Chưa hết mà.

Tôi nói tôi sẽ vẫn xem và kết nối điện thoại với hệ thống trong phòng. Tôi mất một phút để tìm thấy thang máy và lúc ra được đến ngoài, vừa hay tôi hết chịu nỗi cái máy thông gió.

Khí trời ấm áp làm tôi tỉnh người ra đôi chút. Sao người ta có thể chịu được cái máy điều hòa nhỉ? Tôi có thể hiểu nếu họ đến từ Phần Lan hay những nơi đại loại như thế, nhưng có phải đâu. Sic là dân vùng nhiệt đới và trông hắn cũng bình thường đấy chứ.

Mẹ kiếp. Sic. Đồ con hoang.

Hừ, tôi làm gì bây giờ? Tôi đang đứng giữa một khu kiến trúc bằng gạch rẻ tiền chẳng mấy thẩm mỹ, rộng chừng một dặm vuông với nhiều lối vào đã hư hỏng và vô số cây bụi bản xứ mọc hoang. Tôi ngồi xuống một vật gì đó bằng gạch. Trời đã phủ đầy sương và chuyển sang màu xanh lá cây xám nhờn nhợt như tông nền #6699CC (#6699CC: Tông nền màu xanh nhạt trong bảng màu thiết kế website) khiến chân trời nom đầy vẻ đáng sợ như tiếng Đức. Thật u ám, tôi tự nhủ. U ám. U ám. Tôi không dừng được việc lén nhìn vào điện thoại. Hình như không còn tín hiệu, nhưng khi nhìn sát hơn vào màn hình, tôi biết chắc khoảng màu xám hơi hồng đó là một đám mây bụi. Người ta đang la hét, và tay bình luận viên nói anh ta không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi theo dõi. Một lát sau, bụi tan bớt đi, tôi nhìn thấy phần lớn tòa nhà không còn ở đó nữa. Tay bình luận viên nói “hình như” tòa nhà đã bị nổ tung. Anh ta không nói ai đã làm việc đó nhưng ngay cả tôi – một người chẳng biết gì về trò cháy nổ – ngay cả tôi cũng có thể nói chắc rằng vụ cháy nổ quá lớn, một người không thể đủ sức mang từng ấy thuốc nổ vào bên trong. Hẳn kẻ nào đó trong lực lượng cảnh sát đã đặt thuốc nổ trước khi đám đông nổi loạn tràn vào và hắn đã cho nổ vào lúc đó để sát thương nhiều nhất.

Ừ thì tôi đoán sai thời gian, nhưng đã sao nào. Sic còn sai nhiều hơn tôi. Hóa ra lại đúng. A ha! Thắng cậu rồi nhé, Sicko. Ta là chúa nhẫn! Ta là… Thôi nào, Jed. Pasido. Người ta đang chịu cảnh chết chóc ngoài kia. Nếu mày nhìn vào đống đổ nát kia, mày thấy hai cái xác nằm còng queo dưới chân màn hình như thế nào. Trông họ như được nặn từ đất sét xám, như tất cả mọi thứ xung quanh. Khốn nạn thật. Mình là cái đồ cục súc. Đồ chết tiệt, tôi rất ghét cái cảm giác đi ngược lại tính cách thật của mình và phát hiện ra mình không đủ tử tế để làm vậy. Anh ước mình có thể buồn hơn chỉ vì điều đó biến anh trở thành người tử tế hơn. Mặc dù có khi việc mong muốn mình có thể buồn cũng tốt không kém gì buồn thực sự.

Phải vậy không?

Bình luận