Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 47

Tác giả: Michel Benoit

Giờ đây, trên màn hình máy tính, bản khắc trên phiến đá Germigny hiện ra với độ nét cao.

– Nhìn này, Nil: hoàn toàn có thể đọc được. Đây là những ký tự Latin, máy tính đã khôi phục lại chúng. Mà này, ở đầu và cuối văn bản, lại có hai ký tự hy Lạp- alpha và omega- máy tính đã xác định thì không thể lầm được.

– Cậu có thể in cho tớ một bản được không?

Cha Nil ngắm nghía bản khắc in ra trên giấy. Leeland chờ ông cất lời.

– Đây đúng là văn bản của Tín điều Nicée, Tín điều Credo. Nhưng nó được bố trí theo cách hoàn toàn không thể hiểu được…

Họ kéo ghế lại gần nhau. “Như ngày xưa, khi mình đến phòng cậu ấy để học chung, hai người ngồi bên nhau dưới cùng một ngọn đèn.”

– Tại sao người ta lại thêm ký tự alpha vào trước từ đầu tiên của văn bản, và ký tự omega vào sau từ cuối cùng? Tại sao hai ký tự này, ký tự đầu tiên và ký tự cuối cùng trong bản chữ cái Hy Lạp được cố tình ghép vào một văn bản viết bằng tiếng Latin và vốn được coi là không thể xâm phạm đến? Tại sao người ta lại cắt nhỏ các từ mà không quan tâm đến ý nghĩa của chúng? Tớ thấy chỉ có thể giải thích bằng một cách: không cần phải quan tâm đến ý nghĩa, vì ở đây không có ý nghĩa, mà phải quan tâm đến cách thức văn bản này được trình bày. Cha Andrei đã nói với tớ rằng ông ấy chưa bao giờ thấy điều này: hẳn là ông ấy đã ngờ việc chia cắt này có một ý nghĩa đặc biệt, và phải tới khi ông ấy đến Roma thì mới nhận thấy rằng Tín điều Credo bị sửa đổi như vậy có điều gì đó liên quan tới ba chỉ dẫn khác ghi trên mảnh giấy. Lúc này, tớ chỉ đọc được một thứ, đó là bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ.

– Cậu còn chưa nói với tớ…

– Vì tớ chỉ phát hiện ra điều các từ ngữ muốn nói, chứ không phải ý nghĩa của cả thông điệp. Và có lẽ ý nghĩa này nằm trong cách thức không thể hiểu nổi mà theo đó văn bản này được khắc lên đá vào thế kỷ VIII.

Cha Nil ngẫm nghĩ, rồi nói tiếp:

– Cậu biết rằng đối với người Hy Lạp, alpha và omega chỉ sự bắt đầu và kết thúc của thời gian…

– Giống như trong kinh Khải Huyền của Thánh Jean à?

– Chính xác. Khi tác giả kinh Khải Huyền viết “Ta nhìn thấy một bầu trời mới và một mặt đất mới”, ông đã để Christ, người hiện ra trong hào quang, nói:

Ta là alpha và omega

là Đầu tiên và Cuối cùng

sự bắt đầu và sự kết thúc.

Ký tự alpha có nghĩa là một thế giới bắt đầu, còn ký tự omega có nghĩa là thế giới đó tồn tại vĩnh viễn. Như vậy, đóng khung trong hai ký tự này, việc chia cắt văn bản một cách kỳ lạ khiến người ta hình dung đến một trật tự thế giới mới, trật tự này không thể bị thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào: “một bầu trời mới và một mặt đất mới”, thứ gì đó phải tồn tại đến tận cùng của thời gian.

– Apha và omega có phải là những biểu tượng hay gặp trong Kinh Thánh không?

– Hoàn toàn không. Chỉ bắt gặp chúng duy nhất trong kinh Khải Huyền, mà truyền thuyết vẫn khẳng định tác giả là Jean. Như vậy, có thể cho rằng nếu văn bản này được đóng khung giữa alpha và omega, thì việc xếp đặt nó có điều gì đó liên quan đến kinh Phúc âm theo Thánh Jean.

Cha Nil đứng dậy và đến đứng trước cửa sổ đóng kín.

– Một cách sắp xếp văn bản độc lập với ý nghĩa của các từ, có quan hệ với kinh Phúc âm được cho là của Thánh Jean. Tớ chẳng thể nói gì thêm, chừng nào tớ chưa ngồi vào bàn để xoay bản khắc này theo đủ các hướng, giống như cha Andrei hẳn đã làm. Dù sao, mọi chuyện đều xoay quanh kinh Phúc âm thứ tư, và chính vì vậy, các nghiên cứu của tớ mới khiến ông bạn tớ quan tâm đến thế.

Cha Nil ra hiệu cho Leeland đến gần ông bên cửa sổ.

– Ngày mai cậu sẽ không gặp tớ. Tớ sẽ giam mình trong phòng ở San Girolamo, và chỉ ra khỏi phòng khi nào tìm ra ý nghĩa của bản khắc này. Ngày kia chúng ta gặp nhau, tớ hy vọng sẽ nhìn mọi việc được rõ ràng hơn. Sau đó cậu phải để tớ dùng Internet, tớ cần tiến hành một tìm kiếm trong các thư viện lớn trên toàn thế giới.

Ông hất cằm về phía đỉnh mái vòm nhà thờ Saint Peter nhô lên bên trên các mái nhà.

– Có lẽ cha Andrei mất mạng vì đã liên quan đến một thứ gì đấy đe dọa cái đó …

Nếu thay vì nhìn mái vòm của Vatican, họ liếc mắt xuống đường phố thì hẳn đã có thể thấy một thanh niên đang lơ đãng hút thuốc, đứng lùi vào trong một cổng xe để tránh cái lạnh tháng Mười hai. Giống như bất cứ kẻ thích lang thang nào, anh ta mặc một cái quần sáng màu cùng một áo vest dày.

Đôi mắt đen của anh ta không hề rời khỏi tầng bốn tòa nhà nằm trên đường Aurelia.

Bình luận
720
× sticky