Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 46

Tác giả: Michel Benoit

Họ đi qua hàng cột Bernin. Leeland đưa mắt nhìn quanh, rồi thân mật nắm lấy cánh tay cha Nil.

– Ông bạn ơi, sáng nay tớ đã có bằng chứng rằng cuộc trò chuyện của chúng ta hôm qua bị nghe trộm.

– Giống như trong một đại sứ quán, ở thời kỳ Liên bang Xô Viết à!

– Đế chế Xô Viết không còn tồn tại, nhưng tại đây, cậu đang ở trung tâm thần kinh của một đế chế khác. Tớ chắc chắn về điều tớ đã nói ra, đừng hỏi thêm nữa. My poor friend [[32]], cậu đã bị tống vào tổ ong vò vẽ nào thế?

Họ im lặng bước đi. Đường Aurelia vô cùng đông đúc, nên không thể nói chuyện được. Leeland dừng lại trước một tòa nhà hiện đại nằm ở góc giao với con phố bên cạnh.

– Đây, đến nơi rồi, tớ có một phòng ở tầng bốn. Vatican trả tiền thuê nhà, lương thư lại của tớ chắc là không đủ.

Vừa bước qua của phòng Leeland, cha Nil khẽ huýt sáo:

– Monsignore, thật là tuyệt!

Một phòng khách rộng được ngăn làm hai. Ở nửa thứ nhất có kê một cây đàn piano cánh, xung quanh rải rác các thiết bị điện thanh. Một giá sách có chấn song thưa chất đầy sách phân định ranh giới cho nửa thứ hai của căn phòng: hai máy tính nối với các thiết bị phụ trợ hiện đại nhất- máy in, máy scan và những chiếc hộp mà cha Nil không thể xác định nổi là gì. Leeland mời cha Nil tự nhiên và khẽ cười ngượng ngùng.

– Tu viện của tớ ở Mỹ đã tặng tớ tất cả những thứ này, cả một gia tài! Họ phát điên lên vì cách người ta hạ bệ tớ khỏi chức vụ tu viện trưởng mà tớ chính thức được bầu lên, vì những lý do chính trị của giáo hội. Vatican yêu cầu tớ phải đến cho có mặt ở văn phòng thư lại của tớ buổi sáng và buổi tối. Sau đó tớ đến kho sách làm việc hoặc quay trở lại đây. Breczinsky cho phép tớ chụp một số bản thảo, tớ đã scan lại trong máy tính.

– Tại sao cậu lại bảo tớ là phải đề phòng ông ấy?

Leeland có vẻ ngần ngại khi trả lời:

– Trong những năm chúng ta học cùng nhau, cậu nhìn Vatican từ đồi Aventin, cách đây một kilomet: như thế là xa, Nil ạ, rất xa. Cậu bị vở ba lê của các giáo sĩ cấp cao xung quanh Giáo hoàng quyến rũ, cậu đánh giá với tư cách là một khán giả, và tự hào mình thuộc vào bộ máy sở hữu một bề ngoài tuyệt vời đến thế. Giờ đây cậu không còn là khán giả nữa; cậu là một con côn trùng bị mắc vào lưới nhện, bị phết nhựa lên người như một con ruồi không thể tự vệ.

Cha Nil im lặng nghe ông nói. Từ khi cha Andrei chết, ông cảm thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn, ông đã bước vào một thế giới mà ông không biết gì về nó. Leeland tiếp tục:

– Josef Breczinsky là người Ba Lan, một trong những người được gọi là “người của Giáo hoàng”. Toàn tâm tận tụy với Đức Thánh Cha, và do đó, bị giằng co giữa các trào lưu hiện tại ở Vatican, và chính vì chúng là những trào lưu ngầm lên lại càng mạnh mẽ. Từ bốn năm nay tớ làm việc chỉ cách văn phòng ông ta mười mét, nhưng vẫn không biết gì về ông ta: trừ việc ông ta đang phải chịu gánh nặng của một nỗi đau khổ vô bờ bến, nó lộ ra trên mặt ông ta. Ông ta có vẻ thích cậu đấy: phải rất chú ý đến những gì cậu nói với ông ta.

Cha Nil kìm lại mong muốn được nắm cánh tay Leeland.

– Thế còn cậu, Remby? Có phải cậu cũng là một… con côn trùng bị dính trên mạng nhện không?

Đôi mắt tu sĩ người Mỹ nhòa lệ.

– Tớ… cuộc đời tớ đã chấm hết rồi, Nil ạ. Họ đã phá hủy tớ, vì tớ tin vào tình yêu. Cũng giống như họ có thể phá hủy cậu, vì cậu tin vào sự thật.

Cha Nil hiểu rằng ông không nên nài thêm. “Không phải hôm nay. Ánh mắt cậu ấy trông tuyệt vọng quá!”

Tu sĩ người Mỹ tiếp tục.

– Tớ không đủ khả năng hợp tác với cậu trong việc nghiên cứu học thuật này, nhưng tớ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp cậu; người Công giáo luôn muốn lờ đi việc Jesus là một người Do Thái! Hãy tận dụng khoảng thời gian cậu bất ngờ được ở Roma này, các bản thảo Grégoire sẽ để lại sau nếu cần.

– Hàng ngày chúng ta vẫn đến làm việc ở kho sách, để không bị nghi ngờ. Nhưng tớ đã quyết định sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu của cha Andrei. Mảnh giấy của ông ấy nói đến bốn hướng nghiên cứu cần khám phá. Một trong các hướng đó liên quan đến một phiến đá mới được phát hiện ở nhà thờ Germigny, trên đó là một bản khắc có niên đại từ thời vua Charlemagne. Chúng tớ đã nhanh chóng chụp được một bức ảnh bề mặt, bản khắc đã khiến cha Andrei rất ngạc nhiên. Tớ có phim ở đây: với thiết bị tin học của cậu, cậu có nghĩ rằng sẽ tìm ra điều gì không?

Leeland có vẻ được an ủi, nói về kỹ thuật cho phép ông thoát khỏi những bóng ma mà ông vừa gợi lên.

– Cậu không tưởng tượng được một chiếc máy tính có thể làm những gì đâu! Nếu đó là những ký tự của một ngôn ngữ mà nó có trong bộ nhớ, nó sẽ biết tái tạo lại những từ hoặc những chữ trong một văn bản đã bị thời gian hủy hoại. Đưa phim của cậu cho tớ.

Cha Nil lấy chiếc túi đeo và đưa cuộn phim cho bạn. Họ cùng đi sang phía bên kia căn phòng, Leeland bật những chiếc hộp và chúng bắt đầu nhấp nháy. Ông mở một trong số các hộp ra.

– Máy scan laze, thế hệ mới nhất.

Mười lăm giây sau, phiến đá hiện ra trên màn hình. Leeland điều khiển chuột, gõ lên bàn phím, và bề mặt của hình ảnh bắt đầu được quét rất đều đặn bằng một chiếc cọ ánh sáng.

– Phải mất hai mươi phút. Trong khi nó làm việc, sang bên có đàn piano đi, tớ sẽ chơi cho cậu nghe bản Children’s Corner.

Trong khi Leeland, hai mắt nhắm lại, tái hiện dưới ngón tay mình giai điệu du dương của Debussy, chiếc cọ của máy tính vẫn quét không ngừng nghỉ trên ảnh chụp một bản khắc bí ẩn dưới triều đại Carolingien.

Và được một tu sĩ chụp lại vào cuối thế kỷ XX, người ấy đã phải chết cũng chính vì bức ảnh này.

Cùng lúc đó, Đức ông Calfo cầm lấy điện thoại di động:

– Họ đã rời văn phòng ở Cơ quan và đi ngay đến căn hộ của tay người Mỹ à? Được, hãy ở gần họ và kín đáo giám sát các động tĩnh của họ, rồi tối nay gửi báo cáo của anh cho tôi.

Theo thói quen ông ta đưa tay sờ nắn hình thoi thuôn dài của viên ngọc màu xanh.

Bình luận
× sticky