Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Liêu trai chí dị

Chương 45 – Cô Tú

Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chọn tập

Lưu Tử Cố quê ở Hải Châu (*), năm mười lăm tuổi đến đất Cái thăm cậu, thấy trong cửa hiệu tạp hóa có một cô gái yểu điệu, xinh đẹp vô song, lòng rất yêu thích, lần vào trong hiệu giả vờ mua quạt. Cô gái lên tiếng gọi bố. Bố ra, ý định của Lưu bị cản trở, bèn cố ý trả rẻ mà lui ra. Xa trông thấy người cha đi nơi khác bèn quay lại, cô gái toan tìm bố. Lưu ngăn lại nói:

– Không cần, cứ nói giá, tôi không trả rẻ đâu.

Cô gái được lời, cố ý nâng giá lên. Lưu không nỡ mặc cả, rút tiền trả rồi đi. Hôm sau lại đến, lại làm như trước. Vừa đi được vài bước, cô gái gọi theo:

– Trở lại đã! Vừa rồi nói dối đấy, giá thế đắt quá!

Nhân mới lấy nửa tiền trả lại. Lưu càng cảm lòng thành thực, hễ rỗi lại đến, vì thế ngày càng quen.

Cô gáo hỏi:

– Chàng ở đâu?

Lưu cứ thực nói. Lại hỏi lại thì tự nói là họ Diêu tên là A Tú (**). Lúc Lưu sắp đi, cô gái đem những vật đã mua, lấy giấy bọc hộ cẩn thận, rồi lè đầu lưỡi, thấm ướt để dán lại. Lưu đem về không dám động đến, sợ mất hẳn lằn lưỡi của nàng.

Được nửa tháng, người đầy tớ nhòm biết, mới ngầm cùng cậu, cố bắt Lưu phải về. Chàng bâng khuâng vơ vẩn không khuyây, đem những thứ như khăn mặt, phấn, sáp đã mua cất giấu vào trong một cái tráp, lúc vắng người lại khép cửa, tự mình lần giở xem một lượt. Hễ thấy món nào cũng tưởng nhớ ngẩn ngơ.

Năm sau lại đến đất Cái. Hành lý vừa cởi, liền đến ngay chỗ cô gái. Tới nơi thì thấy cửa ngõ đóng chặt, thất vọng mà về, bụng vẫn nghĩ rằng đi đâu vắng chưa về. Sáng hôm sau lại đến, cửa vẫn khóa như cũ. Hỏi các nhà hàng xóm mới biết, họ Diêu vốn người Quảng Ninh, vì buôn bán không lợi lắm nên tạm về quê ở. cũng không biết rõ bao giờ sẽ trở lại. Tâm thần như nghiêng như đổ; chàng ở vài ngày rồi rầu rĩ mà về.

Mẹ bàn dạm vợ cho, nhưng mấy lần chàng đều ngãng ra. Mẹ vừa giận vừa lấy làm lạ. Người đầy tớ liền kể chuyện mấy năm trước cho mẹ biết, mẹ càng đề phòng ráo riết. Đường sang đất Cái từ đó tuyệt hẳn. Lưu đâm thảng thốt, rồi giảm ăn kém ngủ. Mẹ lo lắng không tìm ra cách gì, bèn nghĩ: chẳng bằng theo ý con vậy.

Ngay hôm đó liền sắm sửa hành trang cho chàng sang đất Cái, lại chuyển lời nhắn với người cậu nhờ làm mối dùm. Cậu nhận lời, đến nhà họ Diêu, một lát trở về nói với Lưu:

– Việc không xong rồi. A Tú đã hứa gả cho một người ở Quảng Ninh!!

Lưu cúi đầu ngao ngán, lòng nguội như tro, hy vọng mất hết. Về nhà rồi thường ôm tráp mà khóc, bồi hồi tưởng nhớ, chỉ mong thiên hạ lại có người giống như thế.

Gặp khi người mối đến, khen người con gái họ Hoàng ở Phục Châu tuyệt đẹp. Lưu sợ không đúng, bèn sai đánh xe đến đất Phục. Vào cổng Tây, thấy một nhà hướng Bắc, hai cánh cửa cổng nửa khép nửa mở, trong đó một cô gái giống A Tú lạ. Lại chú ý dõi theo, thấy cô gái vừa đi vừa trông lại mà vào, đích thị không sai.

Lưu rất xúc động bèn thuê nhà bên Đông, hỏi dò kỹ thì là nhà họ Lý. Nghĩ đi nghĩ lại, chẳng lẽ thiên lại có người giống nhau đến thế ư? Ở mấy hôm, không cậy ai được, chỉ hằng ngày đăm đăm trông chờ ngoài cổng, hy vọng cô gái có lúc lại đi ra.Một hôm mặt trời xế về Tây, cô gái quả ra thực, bỗng thấy Lưu, liền quay vào, lấy tay chỉ ra đằng sau, lại để bàn tay lên trán, đoạn mới vào. Lưu mừng hết sức nhưng không hiểu ý ra sao. Ngẫm nghĩ một lát, rảo bước ra sau nhà, thì thấy vườn hoang trống trải, phía Tây có một bức tường thấp độ ngang vai, mới chợt hiểu, liền ngồi phục trong đám cỏ sương. Một lúc lâu, có người từ bên tường kia thò đầu sang khẽ hỏi: “Đã đến đấy à”. Lưu đáp : “Vâng” rồi đứng dậy, nhìn kỹ thì thật A Tú. Nhân khóc nức nở, nước mắt như dây giòng (***). Cô gái cách tường tay vuốt ve lên mình Lưu lấy khăn lau nước mắt cho chàng, kiếm lời an ủi ân cần.

Lưu nói:

– Xoay xỏa trăm kế chẳng xong, tự bảo kiếp này thôi thế là thôi, nào ngờ lại có đêm nay. Nhưng sao nàng lại đến đây?

Đáp:

– Họ Lý là chú bên ngoại của thiếp.

Lưu xin trèo tường sang, cô gái nói:

– Chàng cứ về trước, bảo người nhà đi ngủ chỗ khác, thiếp sẽ tự đến.

Lưu làm như lời nàng, ngồi đợi. Một lúc sau cô gái lặng lẽ đi vào, ăn mặc không lộng lẫy lắm, vẫn quần áo ngày trước. Lưu kéo ngồi xuống, kể lể nổi nhớ, nhân hỏi:

– Nghe nói nàng đã nhận lời người ta, sao còng chưa cưới?

Cô gái nói:

– Ai bảo thiếp nhận lời là nói sai đấy. Cha thiếp thấy đường sá xa xôi không muốn gả thiếp cho chàng. Có lẽ đó là cậu nói thác ra để chàng đừng mong tưởng nữa mà thôi.

Rồi đó lên giường chung gối; lả lướt muôn nghìn cách, đưa đón thật hoan lạc, không sao nói hết cho được. Đến canh tư vội trở dậy trèo tường mà đi. Từ đấy Lưu quên hẳn ý định đến nhà họ Hoàng, trọ liền nửa tháng tại đây, tuyệt nhiên không nói gì đến việc về nữa.

Một đêm người đầy tớ dậy cho ngựa ăn, thấy trong nhà đèn còn sáng, nhòm vào thấy A Tú sợ lắm, không dám hỏi chủ. Sáng dậy, ra hỏi các cửa hàng ngoài chợ, rồi trở về hỏi Lưu:

– Người đêm đêm vẫn đi lại với công tử là ai vậy?

Lúc đầu Lưu chối, người đây tớ nói:

– Nhà này vắng vẻ là nơi quỷ hồ tụ tập, công tử nên giữ gìn. Cô gái họ Diêu làm gì mà đến chốn này?

Lưu mới thẹn nói:

– Nhà hàng xóm phía Tây là chú bên ngoại của nàng, có gì mà ngờ.

Người đầy tớ đáp:

– Tôi đã hỏi kỹ. Nhà bên Đông chỉ có một bà cụ già, nhà bên Tây chỉ có một người con trai còn nhỉ, nggoài ra chẳng có thân thích nào nữa. Người cậu gặp gỡ đây tất là ma quỷ, nếu không, chẳng lẽ cái áo mấy năm vẫn không thay? Vả lại da mặt trắng quá, hai má lại hơi gầy, lúc cười không thấy lúm đồng tiền không đẹp bằng A Tú.

Lưu suy đi nghĩ lại đâm hoảng, nói:

– Bây giờ làm thế nào?

Người đầy tớ bàn tính đọi cô gái đến, cầm binh khíxông vào cùng đánh. Chập tối, cô gái đên, nói với Lưu rằng:

– Biết chàng sinh lòng ngờ vực, nhưng thiếp cũng không có ý gì khác, chẳng qua cho trọn cái duyên phận với nhau thôi.

Nói chưa dứt, người đầy tớ đẩy cửa xông vào. Cô gái mắng:

– Bỏ ngay binh khí xuống, rồi mang rượu đến đây, để ta từ biệt chủ nhân.

Người đầy tớ tự nhiên ném dao xuống như bị người giằng lấy. Lưu càng sợ cố gằng tiếp rượu. Cô gái cười như thường, giơ tay chỉ vào Lưu mà nói:

– Biết tâm sự chàng, vẫn định lo toan giúp chàng chút ít, sao lại nỡ phòng bị ngầm? Tuy thiếp không phải A Tú, nhưng cũng tự cho mình không kém. Chàng tự nhìn kỹ xem, không phải ư?

Lưu rợn hết lông chân, miệng đờ ra không nói được. Cô gái nge canh đã sang ba, liền cầm chén hớp một hớp, đứng dậy nói:

– Tôi hẵng đi đã, đợi đến sau hôm động phòng hoa chúc sẽ lại đến so với người đẹp của chàng xem ai hơn ai kém.

Đoạn quay mình ra, biến mất.

Lưu tin lời hồ nói, lại sang đất Cái. Oán cậu nói dối mình, không đến nhà cậu nữa mà trọ ở gần nhà họ Diêu, nhờ mối đến nói chuyện, đút cho nhiều tiền. Bà vợ họ Diêu nói:

– Chú nó định kiếm chồng cho cháu ở Quảng Ninh nên ông nó sang đấy. Việc thành hay không chưa thể biết; phải đợi ông ấy về, mới có thể bàn được.

Lưu nghe nói, bàng hoàng không biết làm thế nào, đành phải cố đợi ông Diêu về.

Được hơn mười ngày, bỗng nghe có loạn, còn ngờ là lời đồn huyễn; lâu về sau, tin càng gấp, bèn thu xếp hành trang ra đi. Giữa đường gặp loạn thầy tớ lạc nhau, Lưu bị quân trinh sát bắt. Thấy Lưu họ trò yếu đuối, họcũng lơ là việc canh phòng, Lưu liền ăn trộm ngựa trốn đi.Đến giáp giới Hải Châu, thấy một người con gái, đầu tóc rối bù, mặt mũi nhem nhuốc, bước chân thất thiểu, dường không lê nổi. Lưu ruổi ngựa vượt lên trước, cô gái vội vàng gọi:

– Người cưỡi ngựa có phải là chàng Lưu đó không ?

Lưu dừng roi lại, nhìn kỹ thì ra là A Tú. Bụng còn sợ là hồ, liền hỏi:

– Nàng là A Tú thật đó chăng?

Cô gái hỏi:

– Tại sao lại hỏi câu đó?

Lưu kể lể những chuyện mình đã gặp. Cô gái nói:

– Thiếp là A Tú thực. Cha thiếp đem thiếp từ Quảng Ninh về, gặp loạn bị bắt, họ đưa ngựa cho cưỡi , nhưng mấy lần đều bị ngã. Chợt một người con gái nắm lấy cổ tay lôi đi, trốn lẩn lút trong đám quân cũng không có ai hỏi. Cô gái ấy đi nhanh như cắt, thiếp khốn khổ mà không theo kịp, mới độ trăm bước đã mấy lần tụt lại phía sau.Một lúc lâu, nghe thâý tiếng người reo ngựa hí xa gần, mới buông tay thiếp ra, nói:

– Từ giã thôi! Đường trước mặt đều yên ổn, có thể thủng thẳng mà đi; người yêu của em cũnga sắp đến, nên theo chàng cùng về.

Lưu biết đấy là hồ, lầy làm cảm kích, nhân kể rõ đầu đuôi vì sao mình lưu lại đất Cái. Cô gái nói rằng chú nàng định gả cho người họ Phương, chưa kịp ăn hỏi thì gặp loạn, Lưu mới biết lời cậu nói không phải là dối trá, bèn đỡ nàng lên ngựa, cùng cưỡi về.

Vào cổng, mẹ già vẫn không việc gì, Lưu rất mừng, bèn buộc ngựa mà vào nhà, kể chuyện đầu đuôi. Mẹ cũng mừng, liền sửa soạn cho cô gái đi tắm rửa. Nàng trang điểm, dung nhan lộng lẫy, mẹ vỗ tay nói:

– Chả trách gì thằng con si mộng hồn không lúc nào yên.

Bèn trải đệm bảo cô gái nằm chung với mình. Lại sai người đến đất Cái đưa thư cho họ Diêu biết. Chưa được mấy ngày, vợ chồng Diêu cùng đến, chọn ngày lành cho con gái thành hôn rồi mới đi.

Lưu đem cái tráp mình cất giữ ra, dấu phong còn nguyên vẹn.. Có hộp phấn mở ra thì hóa ra đất đỏ. Lưu lấy làm lạ. Cô gái bưng miệng cười nói:

– Vụ trôm mấy năm trước, nay bị phát giác rồi. Ngày ấy, thấy chàng để mặc thiếp tự gói, không xem lại thật giả, nên làm thế để bỡn nhau đấy thôi.

Đang lúc cười đùa, một người vén màn bước vào nói:

– Thích ý như thế, thì phải tạ ơn bà mối chứ?

Lưu nhìn lại thì lại một A Tú nữa, vội gọi mẹ. Mẹ và người nhà đều cùng đến, mà không ai pân biệt được. Lưu vừa đảo mắt một cái cũng lẫn luôn. Phải chú mục giây lâu mới biết mà vái tạ. Cô gái ấy tìm gương tự soi, rồi thẹn thùng đi vội ra, theo tìm thì đã biến mất rồi. Vợ chồng cảm nghĩa lập bài vị thờ trong nhà.

Một đêm, Lưu uống rượu say về, trong nhà tối tăm không có ai, đương tìm đèn để thắp thì A Tú đến. Lưu kéo lại hỏi đi đâu, cười nói rằng:

– Hơi men sặc người, làm người ta không chịu được. Như thế mà còn tra hỏi vòng vo! Ai đã trốn vào ruộng dâu đâu nào!

Lưu cười nâng hai má nàng lên. Cô gái nói tiếp:

– Chàng trông thiếp với chị hồ ai hơn?

Lưu nói:

– Mình đẹp hơn, nhưng người nào chỉ xem bề ngoài thì không sao phân biệt được.

Thế rồi khép cửa lại ôm nhau giao hợp, chốc lát có tiếng gõ cửa, cô gái liền đứngdậy cười nói:

– Chàng cũng là kẻ chỉ biết xem bề ngoài thôi nhá.

Lưu chưa hiểu, ra mở cửa thì A Tú bước vào, rất kinh ngạc, mới biết người vừa nói chuyện vừa rồi là hồ. Trong đêm tối lại nghe thấy tiếng cười. Hai vợ chồng trông vào quảng không mà vái, cầu xin nàng hiện hình trơ lại. Hồ nói:

– Tôi không muốn trông thấy A Tú.

Hỏi:

– Tại sao không biến thành khuôn mặt khác?

Nói:

– Không thể được.

Hỏi tại sao, nói rằng:

– A Tú là em gái tôi, kiếp trước không may chết yểu. Khi còn sống, cùng tôi theo mẹ lên thiên cung, thấy Tây Vương Mẫu đem lòng yêu mến, lúc về cồ sức bắt chước. Em tôi thông tuệ hơn tôi, chỉ một tháng là bắt chước giống hệt, tôi học đến ba tháng mới giống mà rồi cũng không bằng nó. Đến nay đã khác kiếp, tự nghĩ hơn nó, không ngờ vẫn như ngày xưa. Tôi cảm lòng thành của hai người, nên thỉnh thoảng sẽ đến thăm, bây giờ thì đi đây.

Liền không nói gì nữa. Từ đấy, dăm ba ngày lại đến một lần, những việc khó khăn nghi ngại đều giải quyết được cả.

Khi A Tú về thăm cha mẹ thì ở luôn mấy ngày không đi, người nhà đều sợ mà tránh. Nhà có mất gì thì lại ăn mặc kịch sự, cài cái trâm đồi mồi dài mấy tấc, bắt người nhà đứng xung quanh, rồi nghiêm giọng bảo rằng:

– Vật lấy trộm, đêm nay phải mang đến chỗ ấy chỗ nọ mà để, nếu không đầu sẽ nhức buốt lên, hối không kịp đâu.

Trời sáng quả lấy lại được đúng chỗ đã bảo.

Ba năm sau, tuyệt không đến nữa. Bỗng nhiên gặp chuyện mất tiền lụa. A Tú bắt chước ăn mặc đúng như cô ta mà đe người nhà, cũng thường thấy kiến hiệu.

Chú thích

(*) một huyện thuộc tỉnh Giang Tô

(**) Trong bản chúng tôi dùng làm gốc, cô gái không xưng tên. Nhưng xét toàn bộ câu chuyện thì không ở đâu xưng tên nữa, vì vậy chúng tôi tham khảo thêm các bản khác mà thêm vào câu này.

(***) Dây giòng xuống giếng để múc nước.

Chọn tập
Bình luận