Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Liêu trai chí dị

Chương 33 – Lấy vợ ma

Tác giả: Bồ Tùng Linh
Chọn tập

Ðệ huynh ác thủ tụ tuyền đài

Ðẩu tửu bôi canh dạ quỷ lai

Tư thí huyết ngân lưu ngọc uyển

Tảo tri hữu ý hướng cao tài

Huyện Diên An, tỉnh Thiểm Tây, có hai anh em nho sinh họ Yến, thương yêu nhau lắm. Người anh tên Bá, gầy gò ốm yếu, người em tên Trọng, rắn chắc khoẻ mạnh. Mỗi người đều được cha mẹ để lại cho một ngôi nhà rộng lớn và khá nhiều của cải.

Yến Bá đã có vợ, người họ Loan. Yến Trọng thì còn độc thân. Năm Yến Bá 31 tuổi, đột nhiên bị bạo bệnh mà mất. Loan thị buồn quá nên mấy tháng sau cũng mất theo chồng. Vì vợ chồng Yến Bá không có con nên Yến Trọng phải đứng ra quản lý tài sản của anh chị. Yến Trọng thương anh chị lắm, định bụng sau này nếu mình có vợ, sanh được hai trai, thì sẽ bắt đứa lớn làm con anh chị để khói hương cho người quá cố. Yến Trọng có hai người bạn học thân, một người họ Ðổng, một người họ Lương. Năm ấy, Lương sinh cũng bị bạo bệnh mà mất.

Tám năm sau, Yến Trọng lấy vợ, người họ Bộc. Năm sau, Bộc thị sanh trai, đặt tên là A Ngạc. Ít lâu sau, Bộc thị bị bạo bệnh mà mất, Yến Trọng phải gà trống nuôi con. Hết tang vợ, Yến Trọng toan tục huyền nhưng rồi sợ vợ kế đối xử tệ bạc với con nên lại đổi ý, chỉ muốn mua nàng hầu.

Một hôm đầu xuân, nghe nói ở làng bên có một gia đình muốn bán con gái, Yến Trọng bèn đi coi mắt. Tới nơi, thấy cô gái chẳng vừa ý, Yến Trọng không mua. Lúc về, gặp Ðổng sinh mời về nhà uống rượu, Yến Trọng liền nhận lời. Tới nơi, uống say rồi xin cáo biệt.

Trên đường về, lại gặp Lương sinh mời về nhà uống rượu. Vì đang say, Yến Trọng quên bẵng việc Lương sinh đã chết từ lâu nên lại nhận lời. Tới nơi, thấy nhà cửa khác lạ, Yến Trọng hỏi:”Sao nhà cửa của huynh lại khác lạ thế?” Lương sinh đáp:”Ðây là ngôi nhà mới của đệ chứ có phải là ngôi nhà cũ mà huynh vẫn thường tới chơi đâu?” Rồi nói tiếp:”Nhà đệ vừa hết rượu! Phiền huynh ngồi chơi để đệ đi mua!” Yến Trọng gật đầu.

Chờ mãi chẳng thấy Lương sinh về, Yến Trọng bèn ra cổng đứng ngóng. Chợt thấy một thiếu phụ cưỡi lừa đi qua, có một thằng bé chừng bảy tám tuổi lẽo đẽo theo sau, Yến Trọng đưa mắt nhìn. Thấy đứa bé giống anh mình như đúc, Yến Trọng giật mình kinh hãi, chạy ra hỏi: “Cháu họ gì?” Ðứa bé vừa đi vừa đáp: “Cháu họ Yến” Yến Trọng càng lấy làm lạ, bèn đi theo đứa bé, hỏi: “Cháu tên gì?” Ðáp: “Cháu tên A Tiểu!” Hỏi:”Bố tên gì?” A Tiểu đáp: “Cháu không biết!” Thuận chân, Yến Trọng cứ đi theo A Tiểu mà hỏi chuyện. Có chuyện nó trả lời rành rẽ, có chuyện nó đáp không biết.

Ði được chừng ba dặm, tới cổng một ngôi nhà bên đường, bỗng Yến Trọng thấy thiếu phụ xuống lừa, dắt vào nhà. Yến Trọng hỏi A Tiểu: “Có phải đây là nhà của Bố không?” A Tiểu gật đầu. Hỏi: “Bố có nhà không?” A Tiểu cũng gật đầu. Yến Trọng nói: “Vào thưa với Bố là có khách xin vào thăm!” A Tiểu lại gật đầu rồi ù té chạy vào nhà.

Lát sau, có một người đàn bà từ trong nhà đi ra cổng. Vừa nhìn thấy Yến Trọng, người đàn bà kinh ngạc, thốt lên: “Trời ơi! Chú Trọng! Ði đâu mà lại lạc tới đây?” Nhận ra người đàn bà là chị dâu mình, Yến Trọng mừng quá, đáp: “Em tới thăm người bạn ở gần đây! Em đang đứng ở cổng ngóng bạn đi mua rượu về thì gặp cháu A Tiểu đi qua. Thấy nó giống anh quá nên em theo nó tới đây!” Loan thị nói:”Mời chú vào nhà!” Yến Trọng bèn theo chị dâu vào phòng khách. Ðưa mắt nhìn quanh, Yến Trọng thấy ngôi nhà đúng là ngôi nhà của anh chị mình song đã được sửa sang lại. Loan thị chỉ chiếc sập, nói: “Chú ngồi xuống sập này mà nói chuyện!” Yến Trọng bèn ngồi xuống sập, rồi hỏi: “Anh đâu?” Loan thị đáp: “Anh chú đi đòi nợ!” Hỏi: “Ở đâu?” Ðáp :”Ở nhà hai anh em họ Lý!” Hỏi: “Có xa đây không?” Ðáp: “Cũng gần đây thôi!” Hỏi: “Thiếu phụ vừa dắt lừa vào nhà là ai thế?” Ðáp: “Là nàng hầu của anh chú đấy!” Hỏi: “Chị ấy họ gì?” Ðáp:”Họ Cam!” Hỏi: “Chị ấy về đây đã lâu chưa?” Ðáp: “Cũng được hơn mười năm rồi!” Hỏi: “Thế còn cháu A Tiểu là ai?” Ðáp: “Là con của anh chú với cô Cam!” Hỏi: “Chị Cam với anh được mấy cháu?” Ðáp: “Ðược hai đứa!” Hỏi: “Cháu kia tên gì?” Ðáp: “Tên A Ðại, anh thằng A Tiểu!” Hỏi: “Cháu A Ðại đâu?” Ðáp: “Nó đi chơi, chưa về!” Hỏi: “Thế anh chị không có con gái ư?” Ðáp: “Không!” Chuyện trò tới đây, bỗng Yến Trọng tỉnh rượu. Sực nhớ Lương sinh cũng như anh chị mình đều đã chết từ lâu, Yến Trọng biết rằng mình đang ở âm phủ. Tuy nhiên, vì thấy mình đang ở nhà anh chị nên Yến Trọng cũng chẳng sợ hãi chi. Loan thị nói: “Chú cứ ngồi đây chơi, để tôi xuống bếp làm cơm!” Nói xong, bước ra khỏi phòng. Lát sau, A Tiểu bưng lên một mâm cơm, nói: “Mẹ cháu bảo cháu mời chú sơi cơm!” Yến Trọng nói: “Chú chưa muốn ăn! Chú chỉ muốn gặp Bố thôi! Hãy đi tìm Bố về đây ngay cho chú! Cứ nói có chú Trọng đang chờ Bố ở nhà là Bố hiểu!” A Tiểu đáp: “Vâng” rồi vụt chạy đi. Lát sau, A Tiểu chạy về, nói: “Hai anh em họ Lý đã chẳng chịu trả nợ lại còn đánh bố cháu, nên cháu chưa nói được lời nào!” Yến Trọng liền bảo :”Hãy dắt chú tới đó ngay!” A Tiểu gật đầu rồi vụt chạy ra khỏi cổng. Yến Trọng vội chạy theo.

Vừa tới sân nhà họ Lý, Yến Trọng thấy anh mình đang bị hai người xúm lại vật ngã xuống đất thì nổi giận, nhảy tới đấm đá hai người. Một người ngã lăn xuống đất, còn người kia bỏ chạy vào nhà, khoá cửa lại. Yến Trọng tới nâng anh dậy. Thấy em mình tới chốn này, Yến Bá kinh ngạc lắm, hỏi: “Chú đi đâu mà lại lạc tới đây?” Yến Trọng xua tay, đáp:” Ðể về nhà, em sẽ xin nói rõ!” Yến Bá bèn cùng Yến Trọng và A Tiểu ra về.

Tới nhà, Yến Bá chỉ chiếc sập, nói: “Chú ngồi xuống sập này mà nói chuyện!” Loan thị vội gạt đi, nói: “Sao ông không mời chú Trọng ngồi vào bàn, vừa ăn vừa nói có hơn không?” Yến Bá nghe lời, bèn bảo cả nhà ngồi vào bàn ăn uống. Ðang lúc nói chuyện, bỗng Yến Trọng thấy một thiếu niên chừng chín mười tuổi mở cửa bước vào phòng. Yến Bá liền gọi thiếu niên tới bàn, giới thiệu: “Ðây là cháu A Ðại, anh cháu A Tiểu! Còn đây là chú Trọng, em ruột bố! Chào chú đi con!” A Ðại liền cúi đầu chào. Yến Trọng bèn đứng dậy, tới dắt tay A Ðại đến chiếc ghế cạnh mình, bảo ngồi xuống, ăn uống với gia đình. Thấy A Ðại và A Tiểu cùng sáng sủa, khoẻ mạnh, Yến Trọng chợt nảy ý, nói: “Trên dương thế, em bị góa vợ, phải chăm sóc con nhỏ, chẳng có thì giờ trông nom phần mộ cho anh chị được, thực là buồn quá! Bây giờ, dưới âm phủ, anh chị có hai đứa con trai thì xin anh chị cho một đứa theo em về dương thế để nó trông nom phần mộ cho anh chị!” Loan thị bèn nói với chồng: “Chú Trọng nói thế, tôi nghĩ cũng phải! Ông nên cho thằng A Tiểu theo chú ấy về dương thế, để nó trông nom phần mộ cho vợ chồng mình!” Yến Bá gật đầu, tỏ vẻ ưng thuận.

A Tiểu tuy chẳng hiểu dương thế là gì song khi nghe nói được về dương thế thì cũng thích lắm, cứ tới chỗ Yến Trọng, gục đầu vào khuỷu tay, tỏ vẻ quyến luyến. Yến Trọng bèn đưa tay xoa đầu A Tiểu, hỏi: “Cháu có thích theo chú về dương thế không?” A Tiểu đáp: “Thích!” Yến Bá nói: “Nếu chú cho nó theo về thì đừng chiều nó. Ngày nào chú cũng phải bắt nó ăn thịt cá và hôm nào nắng ráo cũng phải bắt nó ra đứng phơi nắng ngoài trời từ sáng tới quá trưa. Làm như thế trải đủ bốn mùa xuân hạ thu đông thì nó mới cứng cáp như người sống được! Sau này, khi nó lớn, nó có thể lấy vợ sanh con, song tôi nghĩ nó cũng chẳng thọ được lâu đâu!”

Trong khi ăn uống, Yến Trọng chợt thấy một thiếu nữ rất đẹp, dáng điệu ôn uyển, đứng lấp ló ở ngoài cửa phòng khách. Yến Trọng bèn hỏi: “Anh chị không có con gái thì thiếu nữ đứng lấp ló ở ngoài kia là ai thế?” Yến Bá đáp: “Cô ấy là em ruột nàng hầu của tôi!” Hỏi: “Cô ấy tên chi?” Ðáp: “Tên Sương Quần!” Hỏi: “Tại sao cô ấy lại ở đây?” Ðáp: “Hai chị em cô ấy mồ côi từ hồi còn nhỏ. Khi tôi mua cô chị về làm nàng hầu thì cô chị xin cho cô em được về theo. Vì thế, cô em theo cô chị tới đây cư ngụ cũng được hơn mười năm rồi!” Yến Trọng im lặng. Lát sau, Yến Trọng chợt hỏi: “Cô ấy đã đính hôn với ai chưa?” Yến Bá đáp: “Chưa. Gần đây có bà mai tới hỏi cho con trai nhà họ Ðiền ở xóm đông, nhưng cô ấy không chịu” Chợt Yến Trọng nghe thấy tiếng thiếu nữ lẩm bẩm ở ngoài cửa: “Tôi chẳng chịu lấy cái anh chăn trâu nhà họ Ðiền ấy đâu!” Thấy thế, Yến Trọng bỗng cảm thấy lòng mình xao xuyến song chưa dám thổ lộ cho anh chị biết.

Lát sau, Yến Bá nói: “Tối nay, chú ở lại đây mà ngủ!” Trước lúc thấy Sương Quần, Yến Trọng định bụng sau khi cơm nước, sẽ xin cáo biệt, song từ lúc thấy Sương Quần, Yến Trọng đâm ra quyến luyến, nên lại đổi ý. Vì thế khi nghe anh mời ở lại, Yến Trọng vội đáp: “Vâng!”

Ăn uống xong, Loan thị bảo A Ðại và A Tiểu dẹp mâm cơm xuống bếp, còn Yến Bá thì đi lấy chiếc giường nhỏ và chăn gối đem ra phòng khách cho Yến Trọng ngủ.

Ðêm ấy, vào tiết đầu xuân, khí trời còn lạnh, mà trong phòng khách lại không có lò sưởi nên tuy Yến Trọng đã đắp chăn mà vẫn còn thấy lạnh, chẳng sao ngủ được. Yến Trọng bèn vùng dậy, tới ngồi co ro ở cạnh ngọn đèn mà suy nghĩ miên man. Ðang ước ao có rượu thịt để nhâm nhi thì bỗng thấy A Tiểu đẩy cửa, bưng vào một khay rượu thịt. Yến Trọng vừa mừng vừa lạ, hỏi:”Ai nướng thịt rồi bảo cháu bưng lên đây thế?” A Tiểu đáp: “Cô Sương Quần!” rồi đặt khay lên bàn, lui ra. Yến Trọng bèn rót rượu, nhâm nhi với thịt nướng. Lát sau, lại thấy A Tiểu đẩy cửa, bưng vào một lò sưởi than hồng. Yến Trọng hỏi: “Ai đốt lò sưởi rồi bảo cháu bưng lên đây thế?” A Tiểu đáp: “Cô Sương Quần!” Hỏi: “Bố Mẹ đã ngủ chưa?” Ðáp: “Ngủ từ lâu rồi!” Hỏi: “Thế cháu ngủ với ai?” Ðáp: “Với cô Sương Quần!” rồi đặt lò sưởi dưới gầm giường, dẹp khay rượu xuống bếp, khép cửa lại.

Yến Trọng đi nằm. Tuy thấy giường đã được sưởi ấm, song vì đầu óc cứ mơ tưởng tới khuôn mặt xinh đẹp, dáng vẻ thông minh của Sương Quần nên Yến Trọng trằn trọc suốt đêm, chẳng sao ngủ được. Yến Trọng chỉ ước ao sao cho mình lấy được Sương Quần làm kế thất, đem về dương thế để chăm sóc cho A Tiểu.

Sáng sau, vợ chồng Yến Bá tới phòng khách thăm em. Yến Trọng nói ướm: “Nay em đã góa vợ, xin anh chị để ý giùm xem có đám nào đăng đối thì làm mai cho!” Yến Bá đáp: “Nhà ta đâu có phải là nhà nghèo. Khi về dương thế, sớm muộn gì mà chú chẳng tìm được một kế thất vừa ý. Dưới âm phủ này cũng có người đẹp song tôi sợ chẳng có ích gì cho chú cả!” Yến Trọng nói: “Ngày trước, các cụ ta vẫn thường thuật chuyện người xưa hay lấy vợ ma, anh còn nhớ không?” Chợt hiểu ý em, Yến Bá nói: “Cô Sương Quần cũng đẹp song chẳng biết có làm vợ chú được hay không?” Yến Trọng hỏi :”Tại sao?” Yến Bá đáp: “Vì muốn làm vợ người dương thế thì phải có máu trong cơ thể!” Hỏi: “Làm thế nào để biết được là có máu trong cơ thể?” Ðáp: “Phải lấy kim, thử chích vào cổ tay. Nếu thấy có máu ứa ra thì được, còn nếu không thấy có máu thì vô ích!” Yến Trọng nói: “Em chỉ cần lấy cô ấy về để chăm sóc cho A Tiểu thôi chứ em chẳng cần cô ấy phải sanh nở chi cả!” Nghe thấy thế, Yến Bá chỉ lắc đầu, chẳng đáp. Yến Trọng năn nỉ: “Thì anh cứ thử làm mai cho em xem sao!” Yến Bá còn đang suy nghĩ thì bỗng Loan thị lên tiếng: “Chú ấy đã muốn thế thì ông cứ để tôi đi lấy kim, thử chích vào cổ tay cô ấy xem sao?” Nói xong, Loan thị xăm xăm chạy vào phòng lấy kim. Khi đem kim ra phòng khách, tình cờ thấy Sương Quần đi qua cửa, Loan thị bèn gọi: “Sương Quần! Hãy đứng lại cho chị hỏi chuyện này!” Sương Quần tưởng thực, vội dừng chân. Loan thị liền chạy tới nắm lấy tay Sương Quần, ghé vào tai, giả vờ thì thầm. Sương Quần chẳng nghe rõ, toan lên tiếng hỏi lại, thì bất thần bị Loan thị cầm kim chích vào cổ tay, máu ứa ra. Loan thị liền buông tay Sương Quần, đứng cười ha hả. Sương Quần còn đang kinh hãi, chẳng hiểu tại sao Loan thị lại làm như thế thì đột nhiên Cam thị ở đâu chạy tới, hầm hầm tức giận, giơ ngón tay dí vào trán Sương Quần mà mắng: “Mi là con gái mà chẳng biết xấu hổ là gì! Mi mê trai, rồi bây giờ định bỏ nhà trốn đi theo trai, có phải không? Ta quyết chẳng để cho mi làm như thế!” Cả nhà cùng ngơ ngác. Sương Quần vừa thẹn vừa tức, khóc oà lên. Yến Trọng ngượng quá, vội quay nhìn anh chị, nói: “Thôi, bây giờ em xin phép anh chị cho em được dắt cháu A Tiểu về dương thế!” Loan thị gật đầu. Yến Bá cũng nói: “Ừ thôi! Chú cứ dắt cháu về dương thế trước đi! Nếu nó có nhớ nhà đòi về, chú cũng đừng cho nó về, kẻo nó bị tiêu hao dương khí, chẳng tốt!” Yến Trọng đáp: “Vâng” rồi nắm tay A Tiểu, dắt ra khỏi cổng.

Yến Trọng bảo A Tiểu dắt mình trở lại nhà Lương sinh. Tới nơi, Yến Trọng nhận ra đường cũ, bèn cứ ngược đường mà dắt A Tiểu về dương thế.

Tới nhà, Yến Trọng bịa chuyện, loan tin rằng cách đây hơn mười năm, khi anh mình còn sống, có mua một nàng hầu, giấu ở làng bên. Khi anh mình chết, nàng hầu đang hoài thai A Tiểu. Nay A Tiểu đã lên mười, mình sang làng bên, bắt về nuôi. Người làng thấy A Tiểu giống hệt Yến Bá thì tin ngay, chẳng ai thắc mắc.

Yến Trọng dạy A Tiểu tập đọc và học thuộc lòng nhiều đoạn thơ văn. Sáu tháng đầu, bị bắt học cả ngày, A Tiểu rất oán hận chú. Thấy thế, Yến Trọng bèn đổi cách dạy, cho A Tiểu vừa học vừa chơi. A Tiểu liền hết oán hận chú. Ban ngày, A Tiểu học bài. Tối đến, lên giường ngủ, đọc bài cho chú nghe. Vì A Tiểu khá thông minh, tối nào cũng thuộc bài, nên Yến Trọng mừng lắm. Vì vẫn nhớ Sương Quần, Yến Trọng bỏ ý định mua nàng hầu.

Năm sau. Một hôm Yến Trọng đang tiếp khách, bỗng nghe có tiếng gọi cổng, bèn xin phép khách chạy ra mở thì thấy Cam thị cùng Sương Quần đứng ở bên ngoài. Mừng quá, Yến Trọng vồn vã mời hai người vào phòng thờ. Vào phòng, Cam thị nói: “Xin lỗi chú! Năm ngoái, khi chú xuống chơi, tôi thấy em gái tôi đã lớn mà vẫn còn ngây ngô, chưa biết xấu hổ là gì nên tôi cố tình làm nhục nó để cho nó biết xấu hổ đấy thôi. Năm nay, tôi muốn gả chồng cho nó. Thấy chú là nơi xứng đáng nhất nên tôi đã bàn tính với anh chú cho tôi đưa nó lên đây, xin chú làm lễ thành hôn với nó!” Yến Trọng đáp: “Cám ơn chị! Em xin lãnh ý!” rồi mời Cam thị và Sương Quần ngồi chơi, xin phép trở ra tiếp khách.

Lát sau, Yến Trọng lại xin phép khách trở vào phòng thờ thì thấy Cam thị đã biến mất. Yến Trọng hỏi: “Chị Cam đâu?” Sương Quần đáp: “Chị ấy về rồi!” Hỏi: “Thế bây giờ chúng mình cần sửa soạn những gì để làm lễ thành hôn?” Ðáp: “Chỉ cần sửa soạn một mâm cỗ để làm lễ giao bái là đủ!” Nói: “Nếu thế thì nàng cứ ngồi đây mà nghỉ, để ta xuống bếp bảo gia nhân sửa soạn!” Sương Quần lắc đầu, nói: “Mâm cỗ này phải do chính tay thiếp sửa soạn mới được! Chàng cứ ra tiếp khách đi!”

Yến Trọng vừa theo lời, ra khỏi phòng thì Sương Quần đã đứng dậy, vào phòng trong cởi bỏ nữ trang, thay quần áo nội trợ, rồi xuống bếp sửa soạn mâm cỗ. Yến Trọng ngồi trên phòng khách, cứ nghe thấy tiếng dao thớt lách cách ở dưới bếp.

Lát sau, Yến Trọng tiễn khách ra về. Lúc trở vào phòng thờ thì thấy cỗ bàn đã được bày la liệt trên bàn thờ, còn Sương Quần thì đã ăn mặc sang trọng, điểm trang lộng lẫy, đang ngồi chờ mình. Yến Trọng bèn đi tắm gội, ăn mặc sạch sẽ rồi trở ra phòng thờ cùng Sương Quần làm lễ giao bái.

Tối ấy, Sương Quần nói: “Tuy đã là vợ chồng, song vì bản thể âm dương bất hợp nên chúng mình phải ngủ riêng! Thiếp muốn được ngủ chung với A Tiểu!” Yến Trọng nói: “Nàng muốn ngủ riêng thì được song muốn ngủ chung với A Tiểu thì không!” Sương Quần hỏi: “Tại sao?” Yến Trọng đáp: “Vì ta đã truyền dương khí vào cơ thể cho nó được hơn một năm nay rồi! Bây giờ cơ thể nó đã ấm lại. Nếu để cho nó ngủ chung với nàng thì dương khí ấy sẽ bị tiêu hao hết!” Sương Quần nghe ra, liền gật đầu. Yến Trọng bèn sai gia nhân dọn riêng cho Sương Quần một phòng. Vì thế, tuy là vợ chồng song Yến Trọng với Sương Quần chỉ gặp nhau vào lúc ban ngày để chuyện trò, ăn uống mà thôi. Sương Quần chăm sóc A Ngạc tựa con mình. Vì thế, Yến Trọng càng quý mến Sương Quần.

Bốn năm sau. Một tối, hai vợ chồng đang ngồi nói chuyện trong phòng khách, bỗng Yến Trọng lên tiếng hỏi: “Ở âm phủ, nàng có quen với người đẹp nào không?” Sương Quần đáp: “Có! Thiếp có quen với một người đẹp, dung mạo giống đàn bà dương thế lắm, mà lại khéo trang điểm nữa!” Hỏi:”Ai thế?” Ðáp:”Cô hàng xóm phía đông!” Hỏi: “Tên chi?” Ðáp: “Tên Linh Tiên!” Hỏi: “Họ chi?” Ðáp: “Họ Uy!”Hỏi: “Nàng có hay giao thiệp với cô ấy không?” Sương Quần lắc đầu, đáp:”Không! Thiếp chỉ quen thôi chứ không hay giao thiệp!” Hỏi: “Sao thế?” Ðáp: “Vì cô ấy lẳng lơ, dâm đãng lắm!” Hỏi: “Bây giờ nàng có thể mời cô ấy lên đây chơi, ngồi nói chuyện với vợ chồng mình được không?” Ðáp: “Nếu chàng thích thì để thiếp mời lên! Song theo thiếp nghĩ, chàng chẳng nên kết thân với loại đàn bà ấy!” Yến Trọng nói: “Thì nàng cứ thử mời lên đây chơi cho ta gặp mặt một lần xem sao!” Sương Quần bèn đứng dậy đi lấy giấy bút đem ra bàn ngồi suy nghĩ, tựa hồ như để tìm lời viết thư. Bỗng Sương Quần khựng lại, quẳng bút đi, nói: “Không được!” Yến Trọng hỏi: “Tại sao?” Sương Quần đáp: “Vì thiếp sợ chàng sẽ bị tổn hại!” Yến Trọng nói: “Mời lên chơi, ngồi nói chuyện thì có chi mà bị tổn hại?Ợ Sương Quần ngần ngừ hồi lâu rồi nói: “Thế nhưng chàng phải hứa với thiếp rằng chàng sẽ không dụ dỗ cô ấy làm chuyện bậy bạ cơ!” Yến Trọng cười, nói: “Xin hứa!” Sương Quần bèn nhặt bút, vẽ loằng ngoằng lên giấy vài nét, làm một đạo bùa, rồi đem ra đốt ở ngoài cổng. Chờ cho đạo bùa cháy hết, Sương Quần mới vào nhà.

Lát sau, rèm động, móc kêu, rồi có tiếng cười khúc khích. Sương Quần nghi là Linh Tiên nên đứng dậy chạy ra đón thì thấy quả là Linh Tiên. Sương Quần bèn dắt vào phòng, mời ngồi xuống sập hàn huyên. Linh Tiên cười nói oang oang, song khi nhìn thấy Yến Trọng thì vội giơ tay áo lên che miệng mà nói cười nhỏ lại. Yến Trọng thấy Linh Tiên quả là một người đàn bà đẹp, dung nhan kiều diễm, mái tóc búi cao, dáng vẻ yểu điệu như người trong tranh. Sương Quần rót rượu mời khách. Linh Tiên đỡ lấy chén, vừa uống vừa nói chuyện. Vì có mặt Yến Trọng nên Linh Tiên giữ ý, nói cười nhỏ nhẹ. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần rượu, khi đã ngà ngà say, Linh Tiên chẳng còn kiêng kị gì nữa, cứ cười nói oang oang, thuật lại cho Sương Quần nghe đủ mọi thứ chuyện bậy bạ. Thế rồi, Linh Tiên nhìn Yến Trọng mà mỉm cười, liếc mắt đưa tình. Yến Trọng bấn loạn tâm thần, chẳng sao tự chủ được. Tuy nhiên, vì có mặt Sương Quần nên Yến Trọng cũng chưa dám có ngôn ngữ hay cử chỉ chi sàm sỡ. Sương Quần thấy thế thì theo sát Linh Tiên, chẳng dời một bước.

Lát sau, đột nhiên Linh Tiên đứng dậy, bước tới cửa, vén rèm, chạy ra sân. Sương Quần vội chạy ra theo. Yến Trọng cũng vội chạy ra theo vợ. Thấy Yến Trọng chạy ra sân, Linh Tiên bèn quay lại nắm lấy tay Yến Trọng mà kéo đi. Sương Quần còn đang ngơ ngác thì Linh Tiên đã kéo Yến Trọng vào một căn phòng bỏ ngỏ gần đó, đóng sập cửa lại. Sương Quần tức tối lắm song chẳng biết phải làm thế nào, đành phẫn uất mà quay về phòng.

Hồi lâu, Linh Tiên mới ra về. Yến Trọng vào phòng vợ nói chuyện. Sương Quần trách: “Chàng đã hứa như thế nào mà bây giờ chàng lại hành động như thế? Thiếp chỉ sợ rồi đây chàng sẽ chẳng thể dứt nổi Linh Tiên nữa thôi! Lúc đó thì dù chàng có muốn đuổi cô ấy đi cũng chẳng còn được nữa!” Yến Trọng cho là Sương Quần ghen nên chẳng được vui. Bèn từ biệt vợ mà về phòng mình.

Tối sau, Linh Tiên tự ý tới nhà Yến Trọng. Sương Quần gặp mặt song cứ lờ đi, chẳng thèm chào hỏi. Linh Tiên cũng chẳng buồn để ý, cứ đi thẳng vào phòng Yến Trọng. Hồi lâu, Linh Tiên mới ra về. Sương Quần tức tối lắm song cố dằn cơn giận.

Nửa tháng sau. Một tối, khi Linh Tiên tới, Sương Quần chẳng sao nhịn được nữa, nói: “Cô là một người đàn bà vô liêm sỉ, chẳng biết ngượng ngập là gì! Tôi yêu cầu cô hãy cút về ngay! Từ giờ trở đi, tôi cấm cô không được bén mảng tới ngôi nhà này nữa!” Linh Tiên chẳng thèm đáp, cứ sồng sộc đi thẳng vào phòng Yến Trọng.

Tháng sau. Yến Trọng ngã bệnh. Sương Quần mời thày lang tới coi mạch, hốt thuốc song bệnh tình cứ dai dẳng, chẳng thuyên giảm. Tuy Yến Trọng đã ngã bệnh song tối nào Linh Tiên cũng tới. Lúc đó Yến Trọng mới hối hận, muốn đuổi Linh Tiên đi. Yến Trọng bèn bảo Sương Quần kê giường vào phòng mình mà ngủ, để cho Linh Tiên sợ, không dám tới nữa. Sương Quần làm theo lời. Thế nhưng, Linh Tiên vẫn tới, ẩn núp quanh quất ở trong nhà. Cứ lúc nào Sương Quần có việc phải ra khỏi phòng là Linh Tiên lại lẻn vào, lên giường ép Yến Trọng giao hoan. Một tối, Sương Quần bắt gặp Linh Tiên trên giường chồng mình, bèn lấy gậy đập vào lưng. Linh Tiên khỏe hơn, giằng được gậy, đập lại Sương Quần cho tới lúc bị thương mới thôi.

Bệnh tình của Yến Trọng mỗi ngày một thêm trầm khốn. Thấy thế, Sương Quần khóc, nói: “Thiếp còn mặt mũi nào mà nhìn thấy chị Cam dưới âm phủ nữa!” Yến Trọng ngượng quá song cũng chẳng biết đối đáp ra sao.

Tuần sau, bệnh tình của Yến Trọng trở nặng. Tối ấy, Yến Trọng chết. Ðang nằm trên giường, bỗng thấy có hai lính cầm trát tới bắt mình, Yến Trọng liền đứng dậy, đi theo. Lát sau, thấy đường đi có vẻ quen thuộc, Yến Trọng chợt nhận ra chính là đoạn đường từ nhà Lương sinh tới nhà anh mình khi trước. Lúc đó Yến Trọng mới biết là mình đã chết. Sờ vào túi chẳng có một đồng, Yến Trọng bèn xin lính cho mình ghé vào nhà anh để xin tiền đi đường. Lính thuận cho.

Tối ấy, Yến Bá đang ngồi trong phòng khách thì chợt thấy em bước vào, hai bên có lính âm phủ đi kèm. Yến Bá kinh hoàng tột độ, hỏi: “Sao chú lại bị bắt xuống đây?” Yến Trọng đáp: “Vì em bị bệnh ma làm!” rồi đem chuyện Linh Tiên ra thuật lại. Nghe xong, Yến Bá vào nhà trong lấy ra hai túi tiền nhỏ, đưa cho hai lính, nói: “Xin hai chú nhận cho chút quà này. Em tôi bị gái âm phủ làm tiêu hao sinh khí mà thác chứ thực ra thì mệnh số chưa hết. Vậy xin hai chú hãy thả cho em tôi được trở về dương thế. Hai chú đừng sợ bị tào quan bắt tội vì tôi sẽ cho con tôi đi thay thế!” Hai lính được tiền hối lộ, nhìn nhau hồi lâu rồi cùng gật đầu. Yến Bá liền sai A Ðại rót rượu mời lính rồi sai vào nhà sửa soạn hành trang để đi theo lính. Hai lính uống rượu xong, cầm hai túi tiền, chào Yến Bá rồi dắt A Ðại đi.

Yến Bá vào phòng thuật lại cho Loan thị nghe, rồi gọi Cam thị lên, bảo: “Nàng hãy sang hàng xóm mời cô Linh Tiên sang đây chơi, nhưng đừng nói cho cô ấy biết là vì chuyện gì!” Cam thị liền sang nhà Linh Tiên, rồi về nói: “Cô ấy sắp sang đó!” Lát sau, quả nhiên Linh Tiên sang. Thấy Yến Trọng đang ngồi ở trong nhà, Linh Tiên kinh hãi quá, dợm quay mình bỏ chạy thì đã bị Yến Bá nhanh tay túm được mái tóc, xoắn lại mà mắng: “Mi là một con dâm tì vô liêm sỉ! Khi sống trên dương thế, mi đã làm đãng phụ, nay chết xuống âm phủ, mi lại làm tặc quỷ. Mi vừa làm cho em tao bị tiêu hao sinh khí mà chết nên bây giờ tao phải đánh cho mi một trận nhừ đòn!” Nói xong, Yến Bá giơ tay tát túi bụi vào mặt Linh Tiên. Bị tát, tóc tai rối bù, mặt mũi phờ phạc, Linh Tiên chắp tay van lạy, khóc lóc xin tha. Mẹ Linh Tiên là U bà, nghe tiếng con khóc, cũng vội chạy sang năn nỉ: “Tôi biết con tôi có tội rồi! Xin ông tha cho nó!” Yến Bá nói: “Bà đã biết là con bà dâm đãng, sao chẳng chịu can ngăn, lại cứ để mặc cho nó đi làm hại người khác?” U bà cứng họng, chẳng biết trả lời ra sao. Yến Bá bèn nói: “Thôi! bà dắt nó về đi” U bà bèn chào Yến Bá rồi dắt Linh Tiên về.

Yến Bá quay qua nói với Yến Trọng: “Chú chờ tôi sửa soạn một lát rồi tôi sẽ đưa chú về dương thế!” Nói xong, Yến Bá vào phòng trong. Lát sau, Yến Bá ra bảo Yến Trọng: “Ta đi thôi!” Hai anh em bèn lên đường. Yến Trọng thấy anh mình dắt mình đi theo đúng con đường mà năm năm về trước mình đã dắt A Tiểu về dương thế.

Tới nhà, Yến Trọng vội chạy vào phòng xem sao. Thấy xác mình còn nằm trên giường, Yến Trọng vội nhập vào rồi mở mắt ra coi thì thấy có một cảm giác bàng hoàng như người vừa tỉnh mộng. Yến Bá cũng theo em vào phòng. Sương Quần đang ở dưới bếp, nghe có tiếng động trên phòng chồng, cũng vội chạy lên coi. Thấy Yến Bá ở trong phòng, Sương Quần kinh hãi quá, song khi thấy chồng đã hồi sinh, Sương Quần lại mừng rỡ vô tả. Thấy Sương Quần vào, Yến Bá trách: “Ta với chị cô thấy cô hiền năng nên mới bàn tính với nhau đưa cô lên đây làm vợ em ta. Sao cô lại đi gọi con Linh Tiên lên đây để cho nó mê hoặc em ta tới chết? Nếu cô chẳng phải là em vợ ta thì hôm nay ta quyết phải đánh cho cô một trận nhừ đòn!” Sương Quần vừa thẹn vừa sợ, bèn sụp xuống đất lạy Yến Bá, nói: “Thiếp biết tội đã nhiều, xin đại ca tha cho!” Yến Bá nói: “Thôi, đứng dậy!” Sương Quần bèn khép nép đứng dậy, rồi thưa: “Bây giờ thiếp xin phép đại ca cho thiếp xuống bếp làm cơm để mời đại ca ở lại dùng bữa với vợ chồng thiếp và các cháu!” Yến Bá lắc đầu, đáp: “Ta bận nhiều việc lắm, phải về ngay, chẳng thể ở lại được! Hãy gọi lũ trẻ lên đây cho ta gặp mặt!” Sương Quần đáp: “Xin vâng!” rồi lui ra khỏi phòng.

Lát sau, Sương Quần dắt A Tiểu và A Ngạc vào chào Yến Bá. Năm ấy, A Tiểu đã mười ba. Thấy A Tiểu cứng cáp khoẻ mạnh, Yến Bá mừng lắm, nói: “Mi đã trở thành người dương thế rồi!” Nhận ra cha, A Tiểu cũng mừng lắm, cứ quấn quýt bên chân. Trò chuyện hồi lâu, Yến Bá nói: “Thôi, ta phải về đây!” A Tiểu đòi: “Cho con về với!” Yến Bá gạt đi, nói: “Mi ở lại đây với chú mi là sướng nhất rồi, còn đòi về làm chi?” Nói xong, xăm xăm bước ra khỏi cổng. Từ đó, Yến Bá không trở về dương thế nữa.

Mười bốn năm sau, A Tiểu hai mươi bảy, Sương Quần cưới vợ cho nó rồi cho hai vợ chồng ra ở ngôi nhà cũ của Yến Bá. Năm sau, vợ A Tiểu sanh trai, đặt tên là A Tôn. Ba năm sau, A Tiểu 31 tuổi, cũng bị bạo bệnh mà mất như cha. Khi hết tang chồng, vợ A Tiểu tái giá. Sương Quần chẳng có con, lại chăm sóc A Tôn như đã chăm sóc A Ngạc và A Tiểu khi trước.

Hai chục năm sau, A Tôn hai mươi tư. Sương Quần bèn cưới vợ cho nó rồi lại cho hai vợ chồng ra ở ngôi nhà cũ của Yến Bá. Năm ấy, Yến Trọng đã tám mươi. Một hôm, Sương Quần nói với chồng: “Ðã tới lúc chúng mình phải trở về âm phủ! Bây giờ thiếp xuống trước, sửa soạn nhà cửa để sáu tháng nữa, sẽ đón chàng xuống!” Yến Trọng gật đầu. Sương Quần bèn đi tắm gội, trang điểm đẹp đẽ rồi lên giường nằm mà mất. Yến Trọng chẳng than khóc chi, vui vẻ mà làm tang lễ cho vợ. Sáu tháng sau. Quả nhiên Yến Trọng cũng mất theo.

Chọn tập
Bình luận