Cô Mười Một họ Phạm, con quan Tế tửu ở Lộ Thành, tuổi nhỏ tuyệt đẹp, lại rất phong nhã, cha mẹ yêu quý như nâng trứng hứng hoa. Những người đến hỏi chà mẹ bảo nàng tự chọn lấy, nhưng nàng chưa thuận đám nào.
Gặp tết thượng nguyên, các bà vãi ở chùa Thủy Nguyệt mở hội cúng chay đốt mã, nàng cũng tới xem.
Trong lúc nàng đi dạo cảnh cùa, một thiếu nữ đi theo bén gót, thường liếc nhòm nàng, ý chừng như muốn nói gì. Nàng nhìn kỹ là một cô gái đôi tám cực đẹp, trong lòng rất ưng càng chăm chú nhìn. Thiếu nữ mỉm cười hỏi:
– Cô có phải cô Mười Một họ Phạm không?
– Thưa, chính là tôi.
– Tôi nghe danh tiếng đã lâu, nay mới được thấy mặt, quả thật là người ta đồn đại không sai.
Cô Mười Một cũng hỏi thăm quê quán họ tên, thiếu nữ đáp:
– Tôi họ Phong hàng thứ ba, nhà ở một xóm gần đây.
Hai người nắm tay chuyện vảnn niềm nở vui vẻ, thành ra yêu mến nhau hết sức, không muốn rời ra, cô Mười Một hỏi sao đi trơ trọi một mình, chẳng có bầu bạn gia nhân cùng đi, thiếu nữ trả lòi:
– Cha mẹ mất sớm, nhà chỉ có một vú già, phải coi nhà không đi với tôi được.
Cô Mười Một sửa soạn ra về, Phong Tam Nương nhìn sững muốn khóc làm cô cũng buồn rầu, liền mời Tam Nương về nhà chơi. Tam Nưong nói:
– Nhà cô gác tía lầu son, tôi lại không họ hàng chi e đến chơi bị người nhà bàn tán nói này khák không tốt.
Cô Mười Một cố mời, Tam Nương hẹn để hôm khác.
Lúc từ biệt, cô rút một cành thoa vàng đưa tặng. Phong cũng lấy cây trâm biếc ở trên mái tóc để đáp lễ.
Cô về nhà đâm ra tưởng nhớ thiết tha, lấy cây trâm xem lại, không phải vàng cũng không phải ngọc, trong nhà không ai biết là thứ gì, đều lấy làm lạ.
Hàng ngày cô mong mỏi Tam Nương đến chơi không thấy đến nỗi buồn rầu phát bệnh. Cha dò biết cái nguyên cớ, sai người đi thăm các xóm làng chung quanh, nhưng không ai biết thiều nữ họ Phong là người nào.
Nhằm tiết trùng cửu ( mùng chín tháng chín), cô gầy còm buồn bã, gọi con hầu dìu đỡ ra vườn ngoài chơi, trải nệm gối dưới giàn hoa ngồi tiêu khiển, Bỗng dưng có một người con gái thò mặt lên vách tường dòm sang. Nhìn ra chính là Phong nữ chứ không phải là ai lạ. Phong kêu:
– Đỡ tôi xuống nào!
Con hầu chạy ra đỡ tay. Phong nhảy thoắt xuống. Cô Mười Một mừng khôn thể tả, tự nhiên đứng phắt dậy, kéo Phong cùng ngồi nói chuyện, trách nàng đã sai lời hẹn và hỏi bây giờ ở đâu lại đây? Phong đáp:
– Sự thật nhà tôi cách đây xa lắm, thỉnh thoảng tôi đến chơi nhà ông cậu ở gần lối xóm này. Độ trước tôi có nói rằng nhà ở xóm gần đây, tức là nói nhà cậu tôi đấy.Từ lúc chị em từ biệt, tôi tưởng nhớ não nùng. Nhưng nghĩ mình phận nghèo khó, chơi với con nhà giàu sang, chân chưa bước tới nhà trong lòng đã có vẻ thẹn, chỉ e bị lũ tôi tớ trong nhà coi thường xem khinh. Vì thế mà tôi không muốn tới. Vừa rồi đi ra ngoài vách tường, nghe trong có tiếng con gái nói, liền trèo lên nhòm xem, mong rằng gặp cô, nay quả như nguyện.
Cô Mười Một bèn kể cho Phong nghe vì đâu mình sinh bệnh. Phong khóc như mưa, khóc chán rồi nói:
– Chị có đến chơi thì xin giữ bí mật, sợ những kẻ sinh sự lắm điều, bàn dài nói vắn, không thể chịu nổi.
Cô xin y lời, đoạn dẫn nàng về phòng riêng với mình, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu, thích cùng chuyện trò tâm sự mà bệnh cũng khỏi dần. Rồi đính ước làm chị em, áo quần giày vớ thay đổi lẫn lộn, không hề phân biệt. Hễ có người nào đến thì Phong núp vào bên màn. Như thế trải năm sáu tháng Phạm công với phu nhân nghe phong phanh.
Một bữa hai chị em đang ngồi đánh cờ, phu nhân chợt đến thình lình, trông thấy, sửng sốt, và nói:
– Thật là xứng bạn con ta!
Rồi quay hỏi cô Mười Một:
– Trong chốn khuê phòng con có người bạn tốt thì cha mẹ vui mừng cho, sao con không nói cho mẹ hay.
Cô bày tỏ ý muốn của Phong.
– Cô đến làm bạn con ta, thế là điều hay, cần chi phải giấu diếm?
Phong đỏ mặt làm thinh, mâm mê dải áo, chẳng nói chẳng rằng. Sau lúc phu nhân đi, Phong muốn từ biệt, cô Mười Một năn nỉ mãi mới chịu ở lại.
Đêm nọ, nàng hớt hơ hớt hả từ ngoài chạy vào khóc nói:
– Chị đã nói rằng ở lại không nên, thế mà vì nể em phải ở lại, bây giờ mới gặp lại cái nhục lớn lao thế này!
Cô kinh ngạc hỏi chuyện gì, nàng đáp:
-Vừa rồi chị ra thay áo, một chàng thiếu niên đón đường chọc ghẹo, may chị chạy thoát. Như vậy chị còn mặt mũi nào mà ở đây nữa chứ?
Cô gạn hỏi hình dáng, rồi tạ lỗi:
– Thôi, xin chị bỏ qua đi, người ấy là ông anh ngây thơ của em đó. Để em thưa với mẹ đánh đòn anh ta cho biết thân!
Phong cố từ, một hai đòi đi. Cô Mười Một khuyên đợi trời sáng sẽ đi, vội gì. Phong nói:
– Nhà cậu của chị chỉ cách đây mấy bước để chị bắc thang leo qua vách tường là được rồi.
Nàng đi rồi, cô Mười Một gục mặt trên gối khóc lóc thảm thương, xem như mất bạn tơ tóc vậy.
Cách mấy tháng sau, con hầu có việc đi tới xóm Đông, chiều tối về, gặp Phong giữa đường, có bà cụ già theo sau. Con hầu mừng rỡ, đứng chào hỏi. Phong cũng ngậm ngùi, hỏi thăm sức khỏe của cô Mười Một độ rày ra sao. Cô hầu nắm áo nàng và nói:
– Cô Ba ghé lại nhà tôi chơi đi. Từ lúc cô bỏ đi, cô chủ nhà tôi rầu rĩ mong đợi muốn chết.
Phong nói:
– Chính ta cũng nhớ cô mày đáo để, nhưng ta không muốn để cho người nhà biết, vậy mi về trước mở sẳn cửa vườn, tự ta đến.
Con hầu về nói chuyện cho cô Mười Một biết, cô mừng quá giục nó đi mở cửa vườn, té ra nó chưa kịp đi đã thấy Phong vào trong vường lúc nào rồi. Hai người tay bắt mặt mừng, cùng kể lể lòng thương nỗi nhớ, hết chuyện nọ qua chuyện kia liên miên không ngủ. Phong dòm thấy con hầu đã ngủ say rồi, bèn trỗi dậy đến nằm chung gối với cô Mười Một, tỉ tê nói nhỏ:
– Chị vốn biệt em chưa nhận lời ưng thuận đám nào, con người tài sắc dòng dõi như em lo gì chẳng lấy được một người chồng sang trọng. Như lũ công tử bột không thèm kể, nếu em muốn được một người chồng tử tế, thì chớ phân bì giàu nghèo chi hết.
Cô Mười Một cho lời nói ấy đúng. Phong nói tiếp:
– Cách chùa chúng ta gặp hồi năm ngoái, năm nay họ làm chay rất to, ngày mai em đi với chị đến xem, chị sẽ cho thấy mặt một người đáng làm chồng em. Từ nhỏ, chị đã đọc sách tướng đã nhiều, quyết không sai lầm đâu. T
Tảng sáng, Phong đi trước, hẹn đợi nhau ở chùa. Chặp sau cô Mười Một đến chùa đã thấy Phong ở đó trước rồi. Chị em dắt nhau đi dạo quanh chùa một vòng rồi mời cô Phong cùng đi xe về. Khi dắt tay ra cửa, thấy một vị tú tài lối mười bảy, mười tám tuổi bận áo xềnh xoàng và dáng dấp đứng đắn. Phong khều cô và nói nhỏ:
– Con người mai sau thành đạt lớn đó.
Cô Mười Một liếc qua rồi Phog từ giã đi riêng:
– Em cứ đi về trước đi, tối chị sẽ đến.
Quả nhiên buổi tối Phong đến nói:
– Chị đã dò kỹ càng rồi. Anh chàng ấy tức là Mạnh An Nhân, người cùng xóm này mà.
Cô biết chàng nghèo tỏ ý không thích. Phong thở dài:
– Cơ khổ, em mảng vướng phải thói đời như thế ư? Phải biết con người đó nếu như suốt đời nghèo hèn thì chị tự khoét mắt mình đi, không xem tướng ai nữa.
Cô hỏi:
– Nhưng biết làm thế nào bây giờ?
– Em cứ đưa một món chi, để chị đem lại trao cho chàng đính ước hôn nhân.
– Chị định làm dễ dàng quá vậy? Em còn cha mẹ sờ sờ, nếu cha mẹ không ưng ý thì sao?
– Ấy chỉ vì Phong sợ không được toại nguyện cho nên mới đính ước ngay bây giờ. Nếu như chị em cương quyết, thì dù có sống chết ai mà cướp được.
Cô Mười Một khăng khăng cho là không nên.
Phong nói:
– Nhân duyên của em đã nảy ra manh mối rồi nhưng nghiệp chướng vẫn còn vương vít trong lòng chưa tiêu, cho nên hôm nay chị đến là cốt se duyên cho em để báo đáp cái tình tử tế bấy lâu. Thôi để chị đi, tự lấy cành thoa vàng của em tặng chị năm ngoái vâng lệnh em mà đưa tặng chàng làm tin cũng được.
Cô Mười Một còn ngần ngừ suy nghĩ, Phong đã bước ra ngoài cửa đi tuốt.
Lúc đó Mạnh sinh nhà nghèo nhưng học cực giỏi, ý muốn kén vợ thật xứng đáng mới lấy, cho nên tuổi đã mười tám chưa dạm hỏi đám nào. Ngày hôm đó đi chơi chùa được dịp trông thấy hai cô gái về nhà đâm ra tơ tưởng vẩn vơ. Mới tan canh một, Phong Tam Nương gõ cửa bước vào, chàng thắp sáng đèn nhìn mặt té ra một trong hai mỹ nữ mình may mắn trông thấy ban ngày, chàng mừng rỡ chào hỏi.
Phong nói:
– Tôi họ Phong, bạn gái của tôi cô Mười Một họ Phạm.
Chàng mừng quá không gạn hỏi chi nhiều lời, vội vàng tiến đến, muốn ôm lấy Phong. Phong cự hẳn hoi:
– Cậu này! Tôi chẳng phải là Mao Toại đem thân đến hiến nhé, mà chỉ đóng vai Tào Khâu đem tin đi mối cho người ta đó thôi. Số là cô Mười Một họ Phạm, muốn kết nhân duyên với cậu, cho nên tôi xin làm mụ mối cho cô cậu nên vợ nên chồng mà!
Chàng ngạc nhiên không rtin, Phong liền trao cành thoa vàng làm chứng. Chàng mừng hết sức, cảm tạ và thề nguyền:
– Cô có lòng quyến chỉ giùm tôi như thế, xin thề nếu không lấy được cô Mười Một, thà cam ở góa trọn đời.
Phong từ giã đi.
Sáng ngày, chàng cậy bà cụ lối xóm đến nói với Phạm phu nhân. Quả nhiên phu nhân chê nghèo không cần hỏi ý kiến con gái, cứ việc lập tức từ chối lập tức.
Cô Mười Một nghe chuyện như vậy, hết sức thất vọng, trở lại oán Phong báo hại mình, kimh thoa đã lỡ trao, khó nỗi đòi về, chỉ có cách thề chết giữ trọn lời nguyền thôi.
Một hôm sau có người con ông quan nọ đến cầu hôn, trong ý còn lo không thành, cho nên cậy quan huyện đứng ra làm mối. Lúc đó ông quan nọ đang ở chức trọng quyền to. Phạm công có ý kiêng sợ, hỏi cô Mười Một, cô tỏ vẻ không vui. Bà mẹ dỗ dành gạn hỏi, cô làm thinh không nói câu gì, chỉ khóc sướt mướt rồi cậy người nói riêng cho phu nhân biết rằng: không phải Mạnh sinh đến chì chết không lấy chồng nào cả.
Phạm công càng giận, cứ hứa gả cho người con ông quan nọ, trong ý lại ngờ cô có tư tình với Mạn sinh nên chi càng gấp chọn ngày lành tháng tốt, thành lễ cho mau.
Cô Mười Một phẫn uất bỏ ăn, ngày chỉ nằm kiệt, mãi đến hôm trước ngày cưới, tự dưng cô trở dậy soi gương trang điểm, phu nhân mừng thầm. Giây lát thị nữ tức tốc chạy vào nói tiểu thư đã tự thắt cổ. Nội nhà kinh hãi khóc, ăn năn đã muộn. Ba ngày làm lễ táng.
Nói về Mạnh sinh, từ hôm bà cụ lối xóm trở về trả lời không xong, chàng ấm ức muốn chết nhưng vẫn xa xa theo dõi tin tức, còn mơ tưởng cuộc nhân duyên có thể vãn hồi. Chừng nghe tin danh hoa đã gần có chủ, ngày cưới đến nơi, bấy giờ chàng mới phẫn hận như lửa đốt ruột gan, từ đây muôn sự mong mỏi đều tiêu tan, không còn trông đợi gì nữa.
Không bao lâu nghe tin ngọc vỡ, hương vùi, nàng đã tự sát, Mạnh sinh càng đau đớn thảm thương, tức mình không được cùng mỹ nhân chết cho rồi đời. Chập tối chàng lần mò ra đi, trong ý muốn thừa lúc đêm hôm, đến khóc trước mả mỹ nhân cho hả chút lòng sầu khổ. Chợt thấy bóng người từ đầu kia đi tới. đến gần té ra Phong Tam Nương.
Phong nói:
– Tôi mừng dùm cậu đến lúc thành cuộc nhân duyên đấy.
Chàng khóc òa và hỏi:
– Vậy cô không hay tin Phạm tiểu thư đã chết rồi ư?
Phong đáp:
– Ấy, vậy tôi bảo rằng thành việc, chính ở chỗ cô ta chết mà. Mau mau gọi gia nhân đi đào mả lên, tôi có thuật lạ, có thể làm cho tôi hồi sinh.
Chàng mừng quá, nghe lời răm rắp. Đào mả bỏ hòm, lấp huyệt lại như cũ, rồi chàng tự cõng tử thi cùng Tam Nương về đặt nằm trên giường. Tam Nương đổ thuốc vào miệng, giây lát tiểu thư hồi tỉnh, nhìn thấy Tam Nương, hỏi đây là đâu. Phong trỏ vào chàng và đáp:
– Mạng An Nhân đây mà, em!
Rồi kể rõ nguyên do, lúc ấy cô như người chiêm bao mới tỉnh.
Phong sợ công việc tiếc lộ bèn dắt nhau đi xa mười lăm dặm, lẩn trốn ở một xóm nhỏ trong núi. Đoạn Phong đòi từ giã ra đi, cô khóc lóc giữ lại làm bạn với mình, để ở riêng một gian nhà. Đem bán những đồ trang sức tẩm liệm làm vốn sinh sống, nhờ đó cũng hơi dư dật. Mỗi khi Phong gặp chàng đến, liền tìm cách lẫn tránh, cô Mười Một thung dung nói:
– Chị em ta khác nào ruột thịt, nhưng trước sau gì cũng người đông kẻ tây, chẳng được sum họp suốt đời. Chi bằng chúng ta bắt chước Nga Hoàng Nữ Anh ngày xưa thì hơn.
Phong gạt đi:
– Từ nhỏ, chị học được phép lạ có thể trường sinh, cho nên chị không chịu lấy chồng!
Cô Mười Một nói:
– Người đời truyền tụng những phép thuật trường sinh có thể chất đầy kín nhà bếp, chị học phép của tiên ông nào đó?
Phong đáp:
– Cái học của chị không phải như người đời đã biết kia đâu, người đời vẫn truyền tụng chẳng phài là chân truyền. Duy có Ngũ Cầm kinh cả Hoa Đà là đúng. Phàm người tu luyện, chẳng qua chỉ muốn cho khí huyết lưu thông vậy thôi. Nếu chị gặp nhiều nghịch chướng, cứ vương mình như cọp thì chết ngay.
Cô Mười Một âm mu với chàng giả đò có việc đi xa. Đêm ấy cô ép nàng uống rượu thật say, rồi chàng mò vào làm càn. Nàng tỉnh dậy thở dài và nói:
– Em hại chị rồi đó. Nếu không vương nhằm sắc giới mà tu luyện thành đạo, có thể lên đến từng thứ nhứt. Nay lại bị sa ngã vào mưu gian, cũng là số mệnh khiến vậy.
Tức thời đứng dậy cáo từ. Cô Mười Một ân cần bày tỏ lòng thành của mình, và tha thiết xin lỗi. Nàng nói:
– Giờ chị xin nói thật, chị là chồn tinh đây. Chỉ vì năm trước trông thấy sắc đẹp của em mà sinh lòng yêu mến, giống như con kén tự buộc lấy mình, mới đến nỗi xảy ra thế, chẳng phải tự sức người ta. Nếu em cố giữ chị ở lại thì ma chướng càng nảy ra mãi, không biết đến đâu là cùng. Em hạnh phúc còn nhiều, xin giữ lấy mình khỏe mạnh.
Nói đoạn biến mất. Hai vợ chồng sửng sốt than thở rất lâu.
Qua năm sau, chàng thi đậu cả hương lẫn hội được bổ chức hàm lâm, trở về đưa thiếp danh xin yết kiến Phạm công. Ban đầu Phạm công vừa thẹn vừa hối, không chịu tiếp, chàng năn nỉ mãi, ông mới chịu ra.
Chàng theo lễ con rể đối với cha vợ rất mực cung kính, Phạm công nổi giận, cho là chàng nhạo mình. Chàng xin phép nói riêng một câu chuyện kín, rồi kể hết đầu đuôi mọi việc đã qua. Phạm công chưa tin liền sai người đến tận nhà xem, bấy giờ mới chưng hửng vui mừng, dặn dò gia nhân kín miệng, khoan nói tung ra, sợ có họa, vì nhà ông quan cầu hôn trước kia hãy còn oai thế to.
Hai năm sau, ông ta phạm tội bị phát giác cả hai cha con phải đi đày làm lính ở Liên Hải, bấy giờ cô Mười Một mới về thăm nhà cha mẹ.