Ngày hôm qua, Matthieu Carbonieri bạn tôi đã bị một nhát dao trúng tim. Vụ giết người đã kéo theo một loạt những vụ giết người khác. Anh ta đang tắm trần truồng ở xưởng giặt, và khi bị đao đâm, mặt còn đầy xà phòng. Khi đang tắm gương sen, chúng tôi có thói quen mở sẵn dao và dấu dưới quần áo, để kịp thời lấy được ngay nếu có người nào vẫn được coi là kẻ thù của mình bất thần ập đến. Vì lần này không làm như vậy nên anh đã thiệt mạng, kẻ giết bạn tôi là một tên Armeni, suốt đời làm mướn.
Được thiếu tá cho phép, và có một người phụ giúp tôi đưa xác anh xuống tận bến. Anh ta nặng ký nên khi xuống đốc, tôi phải nghỉ ba lần. Tôi buộc vào chân anh ta một tảng đá to và chẳng bằng một sợi dây thép thay cho sợi dây thừng thường lệ. Làm như vậy, cá mập không thể cắn đứt dây được và xác anh sẽ chìm xuống đáy mà không bị chúng ăn. Chuông nhà thờ vang lên khi chúng tôi đến bến tàu. Đã sáu giờ chiều. Mặt trời lặn ở cuối chân trời. Chúng tôi lên ca nộ Trong cái hòm thường ngày, được dùng cho tất cả mọi người, nắp đã được đậy lại Matthieu nằm yên trong giấc ngủ vĩnh viễn. Với anh ta thế là hết. “Chèo đi nào”, – viên cảnh binh cầm lái nói.
Chưa đầy mười phút, chúng tôi đã tới dòng lạch chảy giữa hai đảo Royale và Saint-Joseph. Tự nhiên, tôi thấy cổ nghẹn lại. Cả chục cái vây cá mập nhô lên khỏi mặt nước, quay vòng rất nhanh trong một khoảng chật hẹp chưa tới bốn trăm mét. Bọn cá ăn thịt tù đây. Chúng đến thật đúng giờ hẹn và điểm hẹn chính xác. Cầu trời cho chúng không đớp kịp bạn tôi. Các mái chèo đã được dựng đứng, để chào vĩnh biệt. Cái quan tài đã được nâng lên. Thi hài của Matthieu, liệm trong mấy cái bao bột mì, bị sức nặng của tảng đá lớn lôi theo, đã trượt nhanh xuống biển. Kinh khủng quá! Cái thi hài vừa rơi xuống nước, tôi tưởng nó chìm nghỉm thì nó lai bị dội lên mặt nước do bảy, mười hay hai mươi con cá mập – ai biết được, nâng bổng lên. Trước khi chiếc thuyền quay mũi, những bao bột mì liệm xác đã bị rách tan nát và một điều không sao hiểu được đã xảy ra. Matthieu đứng thẳng trên mặt nước chừng hai, ba giây. Cánh tay phải đã mất. Nứa thân người anh tiến thẳng về phía thuyền rồi bị một cái xoáy rất mạnh hút xuống, anh đã biến mất. Lũ cá mập lao vun vút ở phía dưới va phải đáy thuyền, làm một người mất thăng bằng suýt ngã xuống nước.
Tôi bước chậm chạp đi từ bến về trại. Không ai đi theo tôi. Tôi mang cái cáng trên vai và tới quãng bằng nơi con Brutus tấn công con Danton dạo nọ. Tôi dừng lại và ngồi xuống. Trời đã tối, nhưng bấy giờ mới có bảy giờ. Về phía Tây, bầu trời còn le lói vài tia sáng nhạt của vầng dương đã khuất dưới chân trời. Còn lại là một màu đen tối, chỉ thi thoảng mới có ánh đèn pha của đảo quét thành một đường sáng. Lòng tôi nặng chĩu. Rõ khỉ! Mày đã muốn xem đám ma, lại là đám ma bạn mày nữa! Thì mày đã được xem, lại được xem kỹ nữa còn gì! Có cả tiếng chuông tiếng chiếc đầy đủ lệ bộ: mọi thứ! Mày đã được hài lòng rồi chứ? Cái tật tò mò bệnh hoạn của mày được thỏa mãn rồi còn gì? Bây giờ còn cái việc thanh toán thằng khốn đã giết bạn mày vào lúc nào? Đêm nay. Tại sao lại đêm nay? Chưa được đâu. Hãy còn sớm quá, thằng cha chắc hẳn đang thủ thế đề phòng hết mức. Nhóm của hắn có đến mười thằng. Tôi không thể để cho mình mắc bẫy, tự dẫn xác đến cho chúng hạ thủ. Nhưng cũng không thể để cho chúng tranh thủ đánh phủ đầu trước được. Thử tính xem tôi có thể có bao nhiêu người trợ thủ nào? Có bốn người, kể cả tôi là năm. Được! Phải thanh toán nó và nếu có thể, tôi sẽ xin chuyển sang đảo Quỷ. Tại đấy, không cần bè, không cần chuẩn bị gì cả; chỉ hai bao dừa khô, là tôi lao xuống biển được rồi. Khoảng cách đến bờ biển tương đối gần, bốn mươi ki-lô-mét theo đường chim baỵ Tính thêm sóng gió và nước thủy triều, cho là một trăm hai mươi kĩlô-mét đi. Còn lại là vấn đề chịu đựng được hay không. Tôi còn khỏe, và hai ngày cưỡi lên túi dừa, lênh đênh trên biển chắc tôi sẽ chịu được.
Tôi nhấc cáng và lên đường về trai. Đến cửa, tôi bị lục soát, một việc khác thường. Chưa bao giờ tôi bị như vậy. Tên lính gác đoạt con dao của tôi.
– Ông muốn tôi bị giết hả? Tại sao ông lại lấy dao của tôi? Ông có biết làm như vậy là ông giết tôi không? Tôi mà chết là tội ông đấy.
Không ai trả lời tôi, từ lính gác đến bọn A rập giữ chìa khóa. Họ mở cửa và tôi bước vào phòng: “Sao tối mò thế này? Mọi ngày có ba cái đèn, sao hôm nay lại chỉ có một?
Grandet kéo tay áo tôi.
– Papi lại đây.
Căn phòng không ồn ào lắm. Hình như có việc gì nghiêm trọng sắp xảy ra hoặc đã xảy ra.
– Tôi bị tước mất dao rồi. Bọn nó khám tôi lấy luôn.
– Đêm nay cậu không cần đến nó.
– Sao vậy?
– Thằng Armeni và bạn nó đã ở trong nhà tiêu.
– Chúng làm gì ở trong ấy?
– Chúng chết rồi.
– Ai giết chúng?
– Tớ
– Mau nhỉ. Còn những đứa khác thì sao?
– Trong nhóm chúng còn bốn đứa. Paulo đã hứa danh dự với tớ là chúng sẽ không làm gì, chúng chờ gặp cậu để hỏi xem cậu có bằng lòng cho chuyện này chấm dứt ở đây không.
– Đưa cho tớ con dao.
– Đây cầm lấy dao của tớ. Ra nói chuyện với bọn đó đi, tớ ở lại đây.
Tôi tiến lại phía nhóm của họ. Mắt tôi lúc này đã quen dần với bóng tối lờ mờ. Rồi tôi cũng nhận ra nhóm họ. Bọn họ đang đứng túm tụm vào nhau, trước võng.
– Paulo, anh muốn nói chuyện với tôi phải không?
– Phải.
– Nói một mình hay có cả các bạn anh? Anh muốn gì?
Tôi thận trọng để một khoảng cách một mét rưỡi giữa chúng tôi. Dao đã được mở sẵn, giấu trong cánh tay áo trái, chuôi dao nằm gọn trong lòng bàn tay tôi.
– Tôi muốn nói, tôi cho rằng bạn của anh thế là đã được trả thù xứng đáng rồi. Anh mất người bạn thân nhất, còn chúng tôi mất hai. Theo ý tôi, thế là đủ. Anh nghĩ sao?
– Tôi sẽ xét đề nghị của anh, Paul ạ. Điều ta có thể làm được, nếu các anh đồng ý, là hai nhóm thỏa thuận sẽ không làm gì trong vòng tám ngày. Chịu không?
– Được.
Và tôi rút về.
– Bọn chúng nó nói những gì với cậu?
– Chúng nó cho là, với cái chết của thằng Armeni và thằng Vô Lô, Matthieu đã được trả thù đủ rồi.
– Không được – Galgani nói.
Garandet không nói gì. Jean Castelli và Louis Gravon đồng ý là phải thỏa thuận đình chiến.
– Còn ý cậu thì sao Papi?
– Trước hết, ai giết Matthieu. Thằng Armeni phải không? Tôi đã đưa ra một điều thỏa thuận. Tôi đã hứa và bọn kia cũng vậy, là trong vòng tám ngày, hai bên sẽ không có ai hành động gì để hại nhau.
– Cậu không muốn trả thù cho Matthieu hả? Galgani hỏi.
– Bây giờ, Matthieu đã được trả thù rồi, vì cậu ấy mà hai thằng đã chết. Còn giết những thằng khác làm gì?
– Chúng có biết như vậy không đã chứ? Phải tìm hiểu điều gì?
– Xin lỗi và chào tất cả. Tớ cố ngủ một chút đây.
ít ra tôi cũng cần được yên tĩnh một mình. Tôi nằm dài trên võng. Tôi cảm thấy có một bàn tay lướt trên người tôi, nhẹ nhàng rút con dao của tôi. Trong đêm tối, một giọng nói thì thầm:
– Papi cố ngủ đi, nếu ngủ được cứ yên tâm mà ngủ. Bọn tớ dù thế nào cũng thay nhau canh gác.
Cái chết tàn nhẫn, khốn nạn của bạn tôi là không có lý do chính đáng. Tên Armeni giết anh vì trong đêm đánh bạc, Matthieu đã bắt nó phải trả ngay một trăm sáu mươi francs. Thằng chó đẻ mất thể diện vì bị buộc phải bỏ tiền ra trước mặt bốn chục con bạc khác. Bị Matthieu và Gandet kẹp hai bên, nó chỉ có cách tuân lệnh. Và nó đã giết một cách hèn nhát một tay giang hồ kiểu mẫu, trong sạch và thẳng thắn với giới của mình. Vố này đã làm tôi xúc động mạnh, có một điều làm tôi thỏa mãn là bọn giết người chỉ sống được vài giờ sau khi chúng phạm tội ác: cũng chẳng được bao năm. Grandet, khác nào một con hổ, với tốc độ của một nhà vô địch, đã thọc con dao vào cổ từng đứa một, trước khi chúng có thì giờ thủ thế. Tôi hình dung chỗ chúng gục xuống chắc phải ngập ngụa máu. Tôi tự hỏi một cách ngớ ngẩn: “Không biết ai đã kéo xác chúng vào nhà xí?”. Nhưng tôi không nói ra.
Mắt nhắm nghiền, tôi hình dung thấy những tia sáng cuối cùng của mặt trời đỏ và tím một màu thê thảm đã chiếu sáng cái cảnh rùng rợn này: lũ cá mập đang tranh giành thi thể bạn tôi… Và cái thân trên thẳng đứng, đã cụt một cánh tay, đang tiến về phía ca-nô… Rõ ràng là tiếng chuông đã gọi lũ cá mập đến, và lũ khốn kiếp ấy biết rằng khi có tiếng chuông là chúng sắp được ăn. Tôi còn thấy hàng chục cái vây cá lóe lên một ánh bạc ảm đạm, lượn tới lượn lui như những chiếc tàu ngầm. Chắc phải tới hơn trăm con.. Với Matthieu, với bạn tôi thế là hết! Con đường thối nát đã đưa anh đến tận cùng. Chết ở tuổi bốn mươi vì một nhát dao do một chuyện tầm phào. Tội nghiệp cho bạn tôi. Tôi chịu hết nổi rồi. Không, không được. Không được đâu. Tôi muốn cho lũ cá mập ăn thịt tôi trong khi tôi còn sống, liều mình đi tìm tự do, không bị bọc trong mấy cái túi bột mì, không bị buộc vào đá, trói vào dây. Và không có một ai chứng kiến lúc đó, dù là tù nhân hay là lính gác. Không có tiếng chuông nhà thờ. Nếu tôi bị ăn thịt, thì… chúng sẽ chén tôi lúc tôi còn sống, trong khi tôi đang vật lộn với thiên nhiên để tới được đất liền.
Thôi đi. Thôi hẳn đi. Không còn những cuộc vượt ngục chuẩn bị quá kỹ càng nữa. Từ đảo Quỷ, chỉ cần hai bao tải đựng đầy dừa, rồi phó mặc cho số mạng, nhờ ơn Trời? Nói cho cùng, đây chỉ là vấn đề chịu đựng của thể xác. Bốn mươi tám giờ hay sáu mươi giờ? Một thời gian ngâm mình trong nước biển lâu như vậy, cộng với sức lực của cơ đùi phải bỏ ra để kẹp chặt lấy các bao tải dừa, đến một lúc nào đó, liệu có làm chân tôi tê cứng lại không? Nếu tôi may mắn đến được đảo Quỷ, tôi sẽ thử. Trước hết phải rời đảo Royale, và đến đảo Quỷ đã. Sau rồi sẽ liệu.
– Cậu ngủ chưa, Papi?
– Chưa.
– Cậu uống cà-phê không?
– Nếu có.
Và tôi ngồi trên võng, cầm ca cà-phê nóng Grandet đưa cho tôi cùng một điếu Gauloise đã châm sẵn.
– Mấy giờ rồi?
– Một giờ. Tớ bắt đầu gác từ nửa đêm, tớ thấy cậu cứ trằn trọc hoài, tớ biết là cậu không ngủ được.
– Đúng đấy. Matthieu chết làm tôi ngao ngán quá chừng, nhưng việc mai táng cậu ấy chỗ lũ cá mập còn làm tôi đau lòng hơn. Thật là khủng khiếp.
– Tớ không muốn nghe chuyện ấy đâu, Papi ạ. Tưởng tượng cũng thấy được. Lẽ ra cậu không nên đi thì hơn.
– Trước kia tôi cứ nghĩ câu chuyện về tiếng chuông là bịa đặt. Rồi với dây thép chằng vào đá, tôi nghĩ là không bao giờ cá mập có thể đớp được cậu ấy khi đang chìm xuống đáy. Tội nghiệp cho Matthieu, tôi sẽ còn nhìn thấy cái cảnh rùng rợn đó mãi cho đến chết. Còn cậu, cậu làm thế nào để khử được thằng Armeni với thằng Vô Lô lẹ vậy?
– Tớ ở phía cuối đảo, đang ghép một cánh cửa cho cửa hàng thịt thì nghe tin chúng nó giết bạn của ta. Lúc ấy là giữa trưa. Đáng lẽ về trại, tớ lại đến xưởng, lấy cớ cần phải sửa ổ khóa. Tớ đã lồng vào một cái ống dài một thước một con dao găm hai lưỡi. Chuôi dao và ống đều rỗng cả. Năm giờ khi về trại, tớ mang cái ống ấy về. Tên lính gác hỏi để làm gì, tớ nói là cái xà treo võng của tớ bị gãy và đêm nay tớ sẽ dùng cái ống này để thay tạm. Khi tớ về đến phòng, trời còn sáng, nhưng tớ đã để cái ống đó ở chỗ giặt quần áo. Trước khi điểm danh, tớ mới ra lấy về. Trời bắt đầu tối. Các bạn đứng quanh che cho tớ lồng con dao vào cái ống. Thằng Armeni và thằng Vô Lô đứng tại chỗ trước võng của chúng. Paulo hơi lùi về sau một chút. Cậu biết là Jean Castelli và Louis Gravon can đảm đấy, nhưng già rồi, cũng không đủ nhanh nhẹn nếu hai bên dàn trận ra đánh nhau. Tớ muốn hành động trước khi cậu trở về để tránh cho cậu khỏi bị dính dáng vào việc này. Với thành tích cũ của cậu, nếu cánh ta bị gì, thì cậu sẽ lãnh án tối đa. Jean đứng ở cuối phòng và đã tắt bớt ngọn đèn ở đấy, Gravon ở đầu phòng đằng kia cũng làm như vậy. Cả gian phòng gần như tối mò, chỉ có một cây đèn dầu ở chính giữa. Tớ có một cây đèn pin của Dega cho Jean đi trước, tớ theo sau. Đến ngang chỗ bọn chúng, Jean cầm đèn chiếu thẳng vào mặt chúng. Thằng Armeni bị lóa, đưa tay lên che mắt. Tớ có đủ thì giờ lao cả ngọn dao vào cổ nó. Đến lượt thằng Vô Lô, cũng bị lóa, nó đã rút dao và chĩa ra phía trước nhưng chẳng biết đâm vào đâu. Tớ cũng lao mạnh đến nỗi con dao xuyên qua cổ sang tận bên kia. Paulo nhào xuống sàn và lăn vào dưới võng. Jean đã tắt đèn, tớ thôi không đuổi theo Paulo ở dưới võng, cho nên nó mới thoát chết.
– Ai kéo chúng vào nhà cầu?
– Tớ không biết. Tớ cho là chính bọn cùng nhóm với chúng đã kéo chúng vào đấy để moi hai cái plan dấu trong bụng chúng.
– Chắc phải có đến một ao máu nhỉ?
– Chứ còn gì nữa. Chúng nó đúng là bị chọc tiết nên máu phải ra đến hết. Tớ nghĩ ra mẹo dùng đèn pin trong khi chuẩn bị cái lao. Ở xưởng tớ tình cờ trông thấy một tên lính gác thay pin cho cái đèn của nó. Tớ nghĩ ngay đến cái mẹo ấy, liền nhờ Dega kiếm cho một cây đèn pin. Bây giờ thì chúng tha hồ lục soát. Cây đèn pin và cá con dao găm nữa, đã được một thằng A-rập giữ chìa khóa lấy trong xưởng mang đến cho Dega. Về phần ấy, không lo bị lộ. Tớ cũng chẳng có gì tự trách mình. Bọn chúng giết Martthieu trong khi mắt cậu ấy đầy bọt xà phòng, còn tớ đã giết chúng trong khi mắt chúng đầy ánh đèn pin? Thế là xong nợ. Cậu nghĩ sao, Papi?
– Cậu làm đúng đấy. Tôi không biết phải cảm ơn cậu như thế nào vì cậu đã hành động mau như vậy để trả thù cho bạn, hơn thế, cậu còn nghĩ cách giữ cho tôi được đứng ngoài cuộc trong vụ này.
– Đừng bận tâm đến chuyện ấy. Tớ chỉ làm bổn phận của tớ. Cậu đã chịu đựng nhiều và cậu khát khao được tự do quá đỗi nên tớ phải làm việc ấy.
– Cảm ơn cậu, Grandet ạ. Phải, bây giờ tớ lại càng muốn đi cho thoát hơn bao giờ hết. Vậy cậu hãy giúp đỡ làm sao cho việc này ngưng lại đây nhé. Thắng thắn mà nói, tớ rất ngạc nhiên nếu thằng Armêni, trước khi hành động, đã báo cho nhóm nó biết. Paulo không bao giờ chấp nhận một vụ giết người hèn nhát đến thế đâu. Nó biết rõ những hậu quả sẽ phải chịu.
– Tớ cũng nghĩ vậy. Nhưng Galgani thì nói là tất cả bọn chúng có tội hết.
– Chờ đến sáu giờ xem việc gì sẽ xảy ra. Tôi sẽ không ra ngoài để đổ thùng đâu. Tôi sẽ cáo bệnh để ở lại xem tình hình diễn biến ra sao.
Năm giờ sáng. Bác Trưởng khối đến chỗ chúng tôi: “Các cậu này, ta có nên gọi vọng gác không nhỉ? Tao vừa thấy hai xác chết trong nhà tiêu. Người tù già bảy mươi tuổi này muốn cả chúng tôi cũng tin rằng từ sáu giờ rưỡi tối qua, giờ hai thằng ấy bị giết, bác ta không biết gì cả. Gian phòng chắc bê bết máu, vì vũng máu ở đúng giữa lối đi, mọi người đi qua đi lại bắt buộc phải dẫm vào đấy. Grandet cũng trả lời với cái vẻ thơ dại như người tù già:
– Sao, có hai người chết ở trong nhà tiêu à? Từ lúc nào vậy?
– Mày đi mà hỏi xem – Ông già nói – Tao ngủ từ sáu giờ. Bảy giờ, tao đi tiểu, tao bị trượt chân ngã suýt vỡ mặt ra. Tao bật máy lửa lên, mới biết là máu và trong nhà tiêu, tao trông thấy hai thằng đó.
– Thôi bác cứ gọi đi, rồi xem sao.
– Ối giám thị ơi! giám thị?
– Làm gì mà to mồm vậy, lão già kia. Cháy nhà hẳn?
– Không đâu, sếp ơi, có hai người chết ở nhà xí.
– Bọn bay muốn tao làm gì nào? Làm cho chúng sống lại chắc? Bây giờ là năm giờ mười lăm chờ đến sáu giờ hẵng haỵ Không được cho ai vào cầu tiêu đấy.
– Ông nói thế không được đâu. Vào giờ này, sắp dậy cả rồi, ai cũng phải đi làm, đi đái chứ.
– Được rồi, chờ đấy đã. Để tao đi gọi sếp gác.
Ba lính gác, một cai giám thị và ba người nữa đã tới. Tưởng họ vào phòng giam nhưng không, họ đứng bên ngoài cánh cứa sắt.
– Có hai người chết ở nhà xí hả?
– Thưa sếp, vâng.
– Từ mấy giờ?
– Tôi không biết. Tôi vừa đi đái thì trông thấy họ.
– Những ai vậy?
– Tôi không biết.
– Vậy thì, lão gàn này, tôi nói cho lão biết. Một thằng chết là thằng Armeni, vào xem đi.
– Đúng rồi, đấy là thằng Armeni và thằng Vô Lô.
– Chờ đến lúc điểm danh thôi. Rồi cả bọn bỏ đi.
Sáu giờ sáng, chuông reo lần thứ nhất. Cửa được mở và có hai người phát cà-phê đi từ chỗ người này đến chỗ người kia, theo sau là những người phát bánh mì. Sáu giờ rưỡi, là hồi chuông thứ hai. Ngày đã rạng. Và lối đi đầy những vết chân đã dẫm vào máu đêm qua. Hai viên trại trường đến. Trời đã sáng rõ. Tám giám thị và một bác sĩ cũng đến theo.
– Tất cả cởi hết quần áo, đứng nghiêm trước võng của mình. Trời đất ơi! Đây đúng là cái lò sát sinh. Chỗ nào cũng đầy máu là máu.
Phó trại trưởng vào nhà tiêu trước. Khi trở ra, mặt ông ta trắng bệch. “Đúng là họ bị chọc tiết. Dĩ nhiên, không ai trông thấy hay nghe thấy gì, phải không?”. Im lặng hoàn toàn.
– Ông già, ông là trưởng khối này, hai người kia đã cạn hết máu. – Xin bác sĩ cho biết họ chết chừng được bao lâu rồi.
– Từ tám đến mười giờ. – bác sĩ nói.
– Thế mà đến tận năm giờ lão mới thấy họ? Lão không trông thấy, không nghe thấy gì chứ?
– Phải, tôi vốn nặng tai. Tôi nhìn cũng chẳng rõ, hơn nữa tôi đã bảy mươi tuổi, đã bốn mươi năm trong tù. Cho nên, các ông hiểu cho, tôi ngủ. Sáu giờ tôi đã ngủ, vì mót đi tiểu, tôi mới phải dậy lúc 5 giờ sáng. Cũng may, vì thường ngày tôi chỉ dậy khi có tiếng chuông.
– Lão nói đúng, cũng may mà lão mới nhìn thấy đấy nhỉ, – thiếu tá nói, giọng châm biếm – Ngay với chúng tôi, tất cả mọi người, giám thị cũng như tù, tất cả đều ngủ ngon lành suốt dêm. Ai khiêng cáng đây, đưa hai cái xác này đi, đem tới bệnh viện, để bác sĩ khám nghiệm. Còn tất cả, đi ra sân, từng người một cứ trần truồng như thế.
Từng đứa chúng tôi đi ngang qua mấy viên chỉ huy và bác sĩ. Tất cả các bộ phận trên thân thể chúng tôi đều được xem xét tỉ mỉ. Không ai có thương tích, nhiều người bị vấy máu. Họ đều nói là họ trượt chân khi bị vào nhà tiêu. Grandet, Galgani và tôi bị kiểm tra tỉ mỉ hơn mọi người.
– Papillon, chỗ anh nằm đâu? – Họ lục soát đồ đạc của tôi – Con dao của anh đâu?
– Dao của tôi bị ông giám thị tịch thu ngay từ cửa, lúc bảy giờ.
– Phải – người lính nói – Anh ta còn làm toáng lên, nói là người ta định giết mình.
– Grandet, dao này của anh hả?.
– Vâng, nó ở chỗ của tôi, vậy nó là của tôi.
Con dao sạch như một đồng xu mới, không có lấy một dấu vết, được xem xét thật kỹ lưỡng. Bác sĩ từ nhà tiêu trở ra nói:
– Hai người này bị đâm bằng một con dao hai cạnh. Cả hai bị đâm khi đang đứng thẳng. Chẳng làm sao hiểu nổi. Không tù nhân nào chịu để bị người ta giết như giết con thỏ mà không chống cự. Phải có ai ở đây bị thương.
– Nhưng bác sĩ thấy đấy, chẳng ai có lấy một vết xước
– Hai người này có nguy hiểm không?
– Đặc biệt nguy hiểm, bác sĩ ạ. Tên tù người Armeni hẳn là kẻ đã giết Carbonieri ở xưởng giặt chín giờ sáng hôm qua.
– Xếp việc này lại thôi, – thiếu tá nói, – nhưng cứ giữ dao của Grandet lại. Tất cả đi làm hết, trừ người bệnh.
– Papillon, anh có báo bệnh không?
– Thưa thiếu tá, có.
– Anh không bỏ phí thì giờ để trả thù cho bạn nhỉ. Tôi không bị bịp đâu nhé. Đáng tiếc là tôi không nắm được chứng cớ gì, và tôi biết là sẽ không bao giờ tìm ra những chứng cớ ấy. Một lần nữa, ai có gì cần khai không? Ai có thể giúp chúng tôi có được chút ánh sáng về hai vụ giết người này, tôi hứa là người đó sẽ được ra khỏi trại và đưa về đất liền.
Im lặng hoàn toàn.
Cả tổ của thằng Armeni đều báo bệnh. Thấy vậy, Grandet, Galgani, Jean Castelli và Louis Gravon cũng cáo bệnh vào phút cuối cùng. Một trăm hai mươi người ra cả, gian phòng vắng hẳn. Nhóm tôi có năm đứa, nhóm thằng Armeni, bốn đứa thêm người tù sửa đồng hồ và ông già khối trưởng luôn mồm càu nhàu không ngớt vì phải dọn dẹp chỗ máu, và một hay hai tù nhân khác trong đó có một tù nhân cao lớn người Alsace tên là Sylvain. Anh này sống độc thân trong tù và được mọi người quý mến. Anh đã dám một mình làm một việc phi thường, vì vậy mà bị hai mươi năm tù. Đó là một con người hành động, rất được nể trọng. Chỉ có một mình, anh đã tấn công một toa xe lửa chở bưu kiện trên chuyến tàu tốc hành Paris-Bruxelles, đánh gục hai người lính gác rồi ném xuống đường những túi bưu kiện, được đồng bọn đi dọc đường sắt thu nhặt lại, và có được một món tiền lớn.
Sylvain thấy hai nhóm rầm rì nói chuyện ở góc của mình, và vì không biết rằng chúng tôi đã thỏa thuận không chống nhau, nên đã lên tiếng:
– Tôi hy vọng các anh không dàn trận đánh nhau kiểu ba chàng ngự lâm pháo thủ chứ? –
Hôm nay thì không – Galgani nói – việc đó để sau hẵng hay.
– Sao lại để sau? Việc gì làm được hôm nay không nên để đến ngày mai – Paulo nói – nhưng tôi thấy không có lý do gì phải chém giết nhau. Anh thấy thế nào, Papillon?
– Tôi chỉ hỏi một câu: anh có biết thằng Armeni định làm gì không?
– Xin lấy danh dự mà nói rằng tôi không biết gì cả và anh có muốn tôi nói thêm điều này không? Nếu thằng Armeni không chết rồi, không biết tôi chịu đựng sao nổi việc này.
– Nếu vậy tại sao chúng ta không kết thúc chuyện này cho dứt khoát? – Grandet nói.
– Chúng tôi đồng ý. Chúng ta hãy bắt tay nhau và thôi không bàn tới câu chuyện đáng buồn này nữa.
– Tán thành.
– Tôi làm chứng nhé? – Sylvain nói – Tôi vui lòng thấy việc này được bỏ qua.
– Thôi không nói nữa.
Sáu giờ chiều, chuông nhà thờ vang lên. Nghe tiếng chuông, tôi không sao quên được cảnh ngày hôm qua, nửa thân trên của bạn tôi tiến về phía thuyền. Hai mươi bốn giờ đã trôi qua, mà hình ảnh ấy vẫn làm tôi xúc động đến nỗi tôi không mong thấy dù trong một giây, thằng Armeni và thằng Vô Lô bị lũ cá mập rước như vậy. Galgani không nói một câu nào. Anh ta biết việc gì đã đến với Carbonieri. Anh ngồi trên võng, hai chân thõng hai bên, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng trống ở trước mặt. Grandet vẫn chưa về. Tiếng chuông vừa lặng đi được độ mười phút thì Galgani, chân vẫn đung đưa mắt không nhìn tôi, nói nho nhỏ: “Tớ chỉ mong con cá mập nào đã ăn Matthieu đừng đớp miếng thịt của thằng xỏ lá Armeni. Lúc sống thì tách biệt, lúc chết lại cùng nằm trong bụng một con cá, nếu thế thì đời chó má quá!”. Rõ ràng, việc mất người bạn cao thượng và thành thật ấy đã gây ra cho tôi một khoảng trống lớn. Tốt hơn cả là tôi đi khỏi Royale, và đi càng sớm càng tốt. Ngày nào tôi cũng nhắc nhở với mình như vậy.