Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Papillon – Người Tù Khổ Sai – Tập 2

Chương 26: Cuộc sống ở đảo Royale

Tác giả: Henri Charrière

Chúng tôi vừa đến sân trại đã được sự quan tâm niềm nở của toàn thể phạm nhân. Tôi gặp lại Plerrot le Fou, Jean Sartrou, Coloudim, Chissilia. Viên giám thị bảo cả ba chúng tôi phải vào bệnh xá. Chúng tôi đi qua sân để vào bệnh xá, xung quanh có đến vài chục phạm nhân hộ tống.

Chỉ mấy phút sau, Maturette với tôi đã có trước mặt hơn chục gói thuốc lá điếu và thuốc lá sợi, một bình cà-phê sữa nóng hổi, mấy tấm sô-cô- la làm bằng ca-cao nguyên chất. Ai cũng muốn tặng chúng tôi một thứ quà gì đó. Clousiot được anh y tá tiêm cho một mũi dầu long não và một liều adrenalin để trợ tim. Một anh da đen gầy gò nói: “Anh y tá ạ, anh lấy phần sinh tốt của tôi phát cho anh ấy đi, anh ấy cần hơn tôi”. Cái cảnh tỏ tình đoàn kết thân ái đối với chúng tôi thật cảm động. Pierre người Bordeaux nói với tôi:

– Cậu cầm lấy ít tiền nhé? Trước khi cậu lên đường đi Royale, tớ sẽ có đủ thì giờ quyên cho cậu một món.

– Thôi, cám ơn cậu nhiều, tớ có tiền. Nhưng sao cậu biết tớ đi Royale à?

– Biết. Viên kế toán có nói với tớ cả ba cậu sẽ đi. Tớ còn đoán chắc là cả ba sẽ được vào bệnh viện.

Viên y tá vốn là một tên cướp ở vùng núi đảo Corse. Anh ta lên là Essari. Về sau tôi đã có dịp biết anh ta rất rõ. Tôi sẽ kể lại đầu đuôi câu chuyện của anh ta. Đó là một câu chuyện thật thú vị.

Hai tiếng đồng hồ ở bệnh xá trôi qua rất nhanh. Chúng tôi đã được ăn uống ngon lành. No nê và hồ hởi, chúng tôi lên đường đi Royale. Suốt thời gian vừa qua Clousiot mắt cứ nhắm nghiền, chỉ trừ những khi tôi đến cạnh đặt bàn tay lên trán anh, anh mới mở đôi mắt đã mờ đục, nói:

– Papi, bạn ơi! Chúng mình thực sự là bạn của nhau nhỉ.

– Hơn thế nữa, chúng mình là anh em ruột thịt, – tôi đáp

Vẫn chỉ có một viên giám thị đi kèm, chúng tôi xuống bến.

Đi giữa là cái cáng qua Clousiot, còn tôi và Maturette mỗi đứa đi một bên. Đến cổng trại, tất cả phạm nhân đều ra từ biệt và chúc chúng tôi may mắn. Chúng tôi cám ơn anh em tuy họ đều không chịu nhận. Pierrot le Fou quàng lên cổ tôi một túi dết đựng đầy thuốc lá sợi, thuốc điếu, sô-cô-la, sữa hộp Nestlé. Maturette cũng được một túi như thế. Cậu ấy chẳng biết người nào đã quàng lên vai cậu cái túi quà ấy nữa. Chỉ có anh y tá Fernadez và một viên giám thị đưa chúng tôi ra bến. Fernadez trao cho mỗi đứa chúng tôi một cái phiếu nằm bệnh viện đảo Royale. Tôi hiểu ra rằng chính hai phạm nhân khổ sai làm y tá là Essari và Fernadez đã cấp giấy nhập viện cho chúng tôi, chẳng hỏi ý kiến bác sĩ nữa. Chiếc ca nô đã chờ sẵn. Sáu người chèo, hai viên giám thị đeo súng trường ngồi ở phía sau và một viên nữa cầm lái. Một trong những người chèo thuyền là Chapar, bị xử trong vụ chứng khoán ở Marseile. Chúng tôi lên đường.

Sáu mái chèo vỗ xuống nước. Chapar vừa chèo vừa nói với tôi:

– Ổn cả chứ Papi. Cậu vẫn nhận được dừa đấy chứ?

– Không, bốn tháng sau thì không nhận được nữa.

– Tớ biết. Có sự cố xảy ra. Cái cậu bị liên lụy đã xử sự rất cừ. Cậu ấy chỉ biết có một mình tớ, nhưng không hề khai tớ ra.

– Cậu ấy bây giờ ra sao?

– Chết rồi.

– Thế à? Tại sao?

– Theo một viên y tá thì hình như cậu ấy bị chúng nó đá vỡ gan.

Thuyền cặp bến đảo Royale, đảo lớn nhất trong quần đảo.

Đồng hồ cửa hàng bánh mì chỉ ba giờ. Nắng chiều ở đây quả là gay gắt. Tôi thấy chói và bức quá. Một viên giám thị yêu cầu hai người khiêng cáng. Hai phạm nhân vạm vỡ đồ trắng tinh, cổ tay đeo nịt da đen, nhấc cáng của Clousiot lên trông nhẹ bỡn như nhấc cái lông chim. Maturette và tôi bước theo, đi sau cùng là một viên giám thị cầm mấy thứ giấy tờ gì đấy. Đường đi rộng hơn bốn mét, lát bằng đá cuội lớn lấy ở bờ biển, rất khó đi lên dốc. May mà hai người khiêng cáng chốc chốc lại dừng lại đợi chúng tôi lên kịp. Mỗi lần như vậy tôi lại ngồi ghé xuống khung cáng phía đầu Clousiot, tay khẽ vuốt lên trán và lên tóc anh. Clousiot mở mắt ra, mỉm cười với tôi nói:

– Cậu, Papi!

Maturette cầm lấy tay anh.

– Cậu đấy à cậu bé? – Clousiot thì thầm.

Clousiot có vẻ tràn trề hạnh phúc khi thấy chúng tôi ở bên cạnh.

Vào một lúc dừng lại nghỉ, khi đã gần đến trại, chúng tôi gặp một tốp phạm nhân đi làm cỏ về. Hầu hết là những phạm nhân cùng sang một chuyến với tôi. Đi ngang qua, ai nấy đều nói với chúng tôi một lời thân ái. lên đến đỉnh dốc bằng phẳng, chúng tôi trông thấy những viên chức cao cấp nhất trên đảo ngồi trong bóng râm trước một tòa nhà vuông quét vôi trắng. Chúng tôi đến trước mặt thiếu tá Barrot biệt hiệu là “Dừa khô” và mấy viên chỉ huy trại khác. Không đứng dậy, và không làm ra vẻ nghi thức, thiếu tá nói:

– Thế nào, ở nhà lao Cấm cố không đến nỗi gay quá chứ? Còn anh nằm cáng kia là ai thế?

– Clousiot đấy ạ.

Thiếu tá nhìn Clousiot rồi nói:

– Đưa cả ba vào bệnh viện đi. Khi nào họ ra viện, yêu cầu bảo cho tôi biết để họ đến gặp tôi trước khi được đưa về trại nhé.

Ở bệnh viện, họ cho chúng tôi nằm trong một căn phòng rộng rãi, rất sáng sủa, giường nằm rất sạch, có trải drap và có gối mềm hẳn hoi.

Người y tá đầu tiên mà tôi nhìn thấy là Chatal – chính viên y tá ở phòng dành cho phạm nhân nguy hiểm ở Saint-Laurent du- Maroni. Anh ta lập tức đến săn sóc Clousiot và báo một viên giám thị gọi ngay bác sĩ. Khoảng đến năm giờ chiều bác sĩ đến. Sau khi khám nghiệm kỹ lưỡng một hồi lâu, bác sĩ lắc đầu, vẻ không hài lòng. Bác sĩ viết đơn thuốc rồi đi về phía tôi. Ông ta nói với Chatal:

– Papillon với tôi chẳng ưa gì nhau đâu.

– Thế thì tôi lấy làm lạ vì anh ta rất tốt, bác sĩ

– Có thể. Nhưng anh ta bướng lắm.

– Nhân dịp nào?

– Nhân một lần tôi khám bệnh cho anh ta ở Nhà giam cấm cố.

– Bác sĩ ạ, – tôi nói – đứng ngoài hành lang hỏi tôi mấy câu như thế mà cũng gọi là khám bệnh được sao?

– Ban Quản trị có lệnh cấm mở cửa phòng giam.

– Rất đúng, thưa bác sĩ, nhưng tôi hy vọng rằng bác sĩ không phải là một thành viên của Ban Quản trị: như thế tốt hơn cho bác sĩ nhiều.

– Ta sẽ nói chuyện này vào một dịp khác. Tôi sẽ cố làm cho anh bạn anh hồi phục. Còn anh ta thì tôi e là đã quá muộn. Chatal kể cho tôi nghe rằng anh bị nghi là có chuẩn bị cho một cuộc vượt ngục nên bị đày ra Quần đảo. Anh ta cũng cho tôi biết rằng Jésus, kẻ đã lừa tôi trong chuyến vượt ngục của tôi, đã bị một người hủi giết chết. Chatal không biết tên người này. Tôi cứ băn khoăn không biết đó có phải là một trong những người hủi đã giúp đỡ chúng tôi một cách hào hiệp trong chuyến vượt ngục vừa qua hay không.

Cuộc sống của tù khổ sai ở đảo Salut hoàn toàn khác với những điều người ta có thể tưởng tượng. Phần đông phạm nhân đều cực kỳ nguy hiểm, vì nhiều nguyên do. Trước hết ở đây mọi người đều được ăn rất khá, vì ở đây người ta buôn đủ thứ: rượu, thuốc lá, cà-phê, sô-cô-la, đường, thịt, rau tươi, cá, tôm he, dừa v.v… Cho nên phạm nhân đều khỏe mạnh. Khí hậu lại rất lạnh. Chỉ có những phạm nhân có thời hạn mới có hy vọng được trả tự do, còn tù khổ sai chung thân thì hoàn toàn vô vọng, cho nên họ đều rất nguy hiểm: họ còn có sợ gì nữa đâu?

Mọi người đều dính dấp vào việc buôn bán lén lút hàng ngày, phạm nhân cũng như giám thị. Đấy là một sự pha trộn chẳng dễ gì hiểu nổi. Có những người vợ giám thị tìm cách đưa phạm nhân trẻ về làm việc nội trợ – và cũng nhiều khi kiêm cả việc làm tình nữa. Những phạm nhân ấy được gọi là “tù gia đình”. Người thì làm vườn, người thì nấu bếp. Chính loại phạm nhân này là đầu mối liên lạc giữa trại tù và các gia đình cảnh sát. Bọn “tù gia đình” không bị các phạm nhân khác khinh ghét. vì chính nhờ bọn này mà họ có thể tha hồ buôn bán các thứ. Nhưng bọn này cũng không được họ coi như những người “trong sạch”. Trong giới giang hồ chân chính không có một ai hạ mình xuống làm những công việc như thế. Cũng như họ không chịu làm việc “giữ chìa khóa” hay hầu bàn ở nhà ăn của bọn giám thị. Ngược lại, họ rất chuộng những công việc không buộc họ phải dính dáng gì với bọn gác ngục: đổ rác, nhặt lá vàng, chăn trâu, làm y tá, làm vườn cho nhà giam, làm thịt súc vật, làm bánh mì, chèo thuyền, đưa thư, canh hải đăng. Tất cả các công việc này đều do những người “giang hồ chính cống” lĩnh lấy.

Một kẻ giang hồ chính cống không bao giờ làm những công việc lao dịch nhằm bảo quản tường rào, đường sá, cầu thang, hay trồng dừa; tức là những công việc lao dịch dưới ánh nắng trực tiếp hay dưới sự kiểm soát của cảnh sát. Phạm nhân phải làm việc từ bảy giờ sáng đến mười hai giờ trưa và từ hai giờ trưa đến sáu giờ nhiều, những điều trên đây có thể giúp bạn đọc hình dung sơ sài cái không khí sống trà trộn của những con người hết sức khác nhau, phạm nhân lẫn cánh sát: đây thật là một cái làng nhỏ trong đó việc gì cũng được mọi người bình luận, việc gì cũng được phán xét, trong đó mọi người đều chứng kiến và quan sát cách sống của nhau.

Dega và Galgani đã đến bệnh viện thăm tôi suốt ngày chủ nhật. Chúng tôi đã cùng ăn món ailloli nấu cá, món canh cá, khoai tây, pho-mát, uống cà-phê, rượu vang trắng. Bữa ăn này chúng tôi gồm có Chatal, Dega, Galgani, Maturette và tôi, đã cùng nấu với nhau trong phòng của Chatal. Các bạn yêu cầu tôi kể lại chuyến vượt biên thật tỉ mỉ. Dega đã quyết định là không tìm cách vượt ngục. Bác ta chờ đợi tin được giam ba năm, thành thử nếu được giam thì chỉ còn có bốn năm. Bác ta đã đành lòng ngồi cho hết bốn năm ấy. Còn Galgani thì nói là nghe đâu đang được một thượng nghị sĩ người Corse lo cho. Sau đó đến lượt tôi hỏi. Tôi muốn biết ở đây có những chỗ làm nào thuận tiện hơn cả cho việc vượt ngục. Thế là ai nấy đều kêu váng lên. Đối với Dega vấn đề này chưa bao giờ thoáng hiện trong tâm trí. Galgani cũng vậy. Riêng Chatal thì nghĩ rằng nên tìm một mảnh vườn để chuẩn bị một cái bè. Còn Grandet thì cho tôi biết rằng anh ta làm thợ rèn cho “Công trường” của trại. Đó là một cái xưởng có đủ cái loại thợ: thợ sơn, thợ mộc, thợ rèn, thợ nề, thợ hàn – cả thảy gần trăm hai mươi người. Xưởng lo việc bảo trì nhà cửa của Ban Quản trị.

Dega vốn làm kế toán trưởng, có thể xin cho tôi vào đấy làm một việc gì tùy tôi chọn. Grandet tỏ ý sẵn sàng nhường cho tôi một nửa chân chủ sòng bạc, để lấy số tiền ăn được của các con bạc mà giữ gìn sức khỏe, khỏi lạm vào tiền giấu trong plan. Về sau tôi sẽ rõ rằng việc này rất thú vị, nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm. Ngày chủ nhật trải qua một cách nhanh chóng lạ lùng. “Năm giờ rồi – Dega nhìn cái đồng hồ tuyệt đẹp đeo trên cổ tay, nói – phải về trại thôi”. Khi ra về, Dega cho tôi năm trăm francs để đánh poker, vì trong phòng chúng tôi đôi khi có những đám bạc rất khá. Grandet cho tôi một con dao thượng hảo hạng có chốt chắn tay, lưỡi bằng thép do chính tay anh ta tôi.

– Đó là một vũ khí đáng gờm. Đêm ngày cậu bao giờ cũng phải thủ dao trong người.

– Thế nhỡ chúng nó khám thì sao?

– Phần nhiều, việc này do bọn giữ khóa A-rập làm. Đối với một người được coi là nguy hiểm, không bao giờ chúng nó phát hiện là có vũ khí, dù có sờ thấy dao rõ ràng chúng nó cũng phải lờ đi.

– Sẽ gặp lại ở trại – Grandet nói.

Trước khi ra về, Galgani nói là đã dành cho tôi một chỗ trong góc của anh ta và hai đứa sẽ cùng một tổ với nhau (người cùng tổ thì ăn chung và tiền của mỗi người cũng là tiền của cài tổ). Dega thì không ngủ ở trại: bác ta có một buồng ngủ riêng trong dãy nhà của Ban Quản trị.

Chúng tôi đến đây đã được ba ngày, nhưng vì đêm nào tôi cũng ở bên cạnh Clousiot, cho nên tôi không biết rõ cho lắm cảnh sinh hoạt ở căn phòng lớn của bệnh viện có đến gần sáu mươi người nằm. Rồi vì Clousiot mệt nặng quá, người ta cách ly anh vào một phòng riêng đã có một người bệnh nặng nằm từ trước. Chatal cứ tống mãi morphin vào cho anh. Chatal sợ anh không qua khỏi đêm nay. Trong phòng có sáu mươi giường xếp lại làm hai dãy, ở giữa là một lối đi rộng ba mét. Hầu như giường nào cũng có người nằm. Hai ngọn đèn dầu hỏa thắp sáng gian phòng. Maturette nói với tôi: “Ngoài kia họ đang đánh poker”. Tôi ra chỗ đánh bài. Có bốn người đang chơi.

– Tôi vào thêm một chân có được không?

– Được, ngồi xuống đi.

Mỗi ván tối thiểu chừng một trăm francs. Mỗi chầu ba ván vị chi ba trăm francs.

– Này, cầm lấy ba trăm tiền cắc.

Tôi đưa Maturette giữ hộ hai trăm đồng tiền cắc. Một người Paris tên là Dupont nói:

– Ở đây đánh theo luật Anh, không dùng joker. Cậu biết cách chơi chứ?

– Biết.

– Thế thì chia bài đi, cậu làm cái trước.

Mấy người này đánh bài với một tốc độ khó tưởng tượng nổi. Bài phải đỡ rất nhanh, nếu không người làm cái sẽ nói: “Đỏ chậm rồi”, và người kia sẽ phải đền.

Chính ở đây tôi đã phát hiện được một loại phạm nhân mới: loại con bạc. Họ sống bằng cờ bạc, vì cờ bạc trong cờ bạc. Ngoài cờ bạc ra, họ không còn quan tâm đến một cái gì khác nữa. Họ quên hết: trước kia họ là gì, họ bị xử án gì, họ có thể làm gì để cho cuộc sống của họ thay đổi ít nhiều. Họ không cần biết người ngồi đánh bài với họ là ai, tốt xấu ra sao, chi cần người đó đánh bài, thế là đủ.

Chúng tôi chơi suốt đêm hôm ấy. Đến giờ uống cà- phê mới thôi. Tôi được một ngàn ba trăm francs. Tôi đang đi về giường thì Paulo đến gặp tôi hỏi vay hai trăm để đi đánh tiếp mấy ván belote tay đôi. Cần hai trăm mà anh ta chỉ có một.

– Đây, cầm lấy ba trăm. Chung vốn một nửa, tôi nói.

– Cám ơn Papillon. Anh đúng là gã trai tôi đã được nghe nói. Ta sẽ là bạn.

Anh ta chìa tay, tôi bắt tay anh ta, và anh ta vui vẻ cầm tiền đi.

Clousiot chết vào sáng hôm ấy. Đêm trước, vào một lúc tỉnh táo, anh đã yêu cầu Chatal đừng tiêm morphin cho anh nữa:

– Tôi muốn được trọn vẹn khi chết, ngồi trên giường bên cạnh có các bạn tôi.

Có lệ tuyệt đối cấm vào các phòng cách ly, nhưng Chatal đã tự ý bỏ lệ đó, và bạn chúng tôi đã được chết trong tay chúng tôi. Tôi đã vuốt mắt cho anh. Maturette biến dạng đi vì đau đớn.

– Anh ấy là người bạn đường trong cuộc phiêu lưu tuyệt vời của chúng ta. Thế mà bây giờ người ta đã ném anh ấy xuống biển cho cá mập.

Khi nghe mấy tiếng “ném cho cá mập”, tôi lạnh toát cả người.

Ở Quần đảo quả nhiên không có nghĩa địa cho phạm nhân. Khi một người tù qua đời, họ đem xác ném xuống biển vào lúc mặt trời lặn, khoảng giữa hai đảo Saint-Joseph và Royale, một nơi nhung nhúc những cá mập. Cái chết của người bạn làm cho tôi không tài nào ở lại bệnh viện được. Tôi nhắn Dega là ngày kia tôi sẽ ra viện. Dega liền viết cho tôi mấy chữ: “Cậu hãy xin Chatal ký giấy cho nghỉ mười lăm ngày ở trại, để cậu có thì giờ chọn một công việc vừa ý”. Maturette sẽ nằm viện mấy ngày nữa. Có lẽ Chatal sẽ giữ cậu ta lại làm y tá phụ việc. Hôm tôi ra viện, họ dẫn tôi đến trụ sở ban Quản trị gặp thiếu tá Barrot biệt hiệu “Dừa khô”.

– Bươm bướm ạ, – Ông ta nói, – trước khi cho anh về trại, tôi thấy cần nói chuyện với anh một chút. Ở đây anh có một người bạn quý làm kế toán cho tôi: Louis Dega ấy. Lão ta nói anh không phải là người như trong các hồ sơ từ Pháp gửi cho chúng tôi nhận xét và vì coi anh là một người vô tội bị xử oan, việc anh thường nổi loạn là việc bình thường. Tôi xin nói với anh rằng tôi không đồng ý lắm với Dege về vấn đề này. Điều tôi đang muốn biết là hiện nay trạng thái tinh thần của anh ra sao.

– Thưa thiếu tá, trước tiên, để có thể trả lời ngài, xin ngài cho biết trong hồ sơ nhận xét về tôi như thế nào?

– Anh cứ xem đi thì biết.

Và thiếu tá đưa cho tôi một cái cặp bìa vàng, trong đó tôi đọc thấy những điều đại loại như sau: “Henri Charrière, biệt hiệu Bươm bướm, sinh ngày 16 tháng Một năm 1906 ở… , tỉnh Ardèche, bị Tòa Đại hình quận sông Seine xử án khổ sai chung thân vì tội giết người. Nguy hiểm về mọi phương diện, cần được giám sát nghiêm ngặt. Không thể giao những công việc ưu đãi” “Nhà lao trung tâm Caen: một phạm nhân bất trị, không thể cải hóa. Có khả năng khuấy động và chỉ huy một cuộc nổi loạn. Cần quan sát thường xuyên. “Saint-Martin de Ré : một tù nhân có kỷ luật nhưng rất có ảnh hưởng đối với các bạn tù. Sẽ tìm cách vượt ngục từ bất kỳ nhà giam nào. “Saint-Laurent du-Maroni: đã tấn công một cách man rợ vào ba viên giám thị và một viên giữ khóa để trốn khỏi bệnh viện. Được đưa từ Colombia về. Có thái độ đứng đắn khi ra tòa trừng giới. Bị xử nhẹ hai năm cấm cố. “Nhà lao cấm cố Saint-Joseph: hạnh kiểm tốt cho đến mãn hạn”. Khi tôi trả lại tập hồ sơ, viên thiếu tá nói:

– Anh bạn Bươm bướm ạ, với một hồ sơ như thế, người có nhiệm vụ quản lý anh khó lòng có thể yên tâm. Bây giờ anh có thể ký kết với tôi một bản giao kèo không?

– Sao lại không ạ? Tuy cũng còn tùy ở nội dung bản giao kèo.

– Tôi tin chắc mười phần là anh sẽ làm hết cách để vượt ngục khỏi Quần đảo, mặc dầu việc này hết sức khó khăn. Rất có thể anh sẽ thành công nữa là khác. – Thế mà về phần tôi, tôi còn phải quản lý Quần đảo năm tháng nữa. Anh có biết một vụ vượt ngục xảy ra thì Giám đốc Quần đảo phải trả giá như thế nào không? Một năm phụ cấp. Tôi sẽ bị tước bỏ số phụ cấp của viên chức hải ngoại, sẽ bị hoãn nghỉ phép sáu tháng và hạn nghỉ phép rút bớt ba tháng. Và tùy theo kết luận sau khi điều tra về vụ vượt ngục, nếu thấy có sự sơ xuất của Giám đốc trại, có thể mất một lon. Anh thấy đấy: chẳng phải chuyện đùa. Nhưng nếu tôi là người làm việc một cách trung thực thì không thể chỉ vì anh có cơ vượt ngục mà tôi lại có quyền nhốt anh vào ngục hay vào xà lim. Trừ phi tôi đặt điều vu cho anh phạm lỗi này nọ. Cái đó tôi không muốn làm chút nào. Cho nên tôi mong anh lấy danh dự hứa với tôi là sẽ không tìm cách vượt ngục trước khi tôi rời Quần đảo. Năm tháng thôi.

– Thưa thiếu tá, tôi xin lấy danh dự hứa với ngài là chừng nào ngài còn ở đây, nếu không quá sáu tháng, tôi sẽ không đi khỏi Quần đảo.

– Không đến năm tháng nữa tôi sẽ ra đi: đó là điều hoàn toàn chắc chắn.

– Vậy thì rất tốt. Ngài cứ hỏi Dega: bác ta biết tôi đã hứa là giữ lời.

– Tôi tin anh.

– Nhưng đổi lại, tôi có một yêu cầu.

– Yêu cầu gì?

– Trong cái thời hạn năm tháng ấy tôi phải được phân những công việc mà lý ra về sau tôi mới được nhận, và hơn nữa, khi cần tôi sẽ được đổi sang đảo khác.

– Được, tôi đồng ý. Nhưng việc này chỉ có hai chúng ta biết thôi.

– Thưa ngài vâng.

Thiếu tá cho gọi Dega đến: Dega nói rằng chỗ của tôi không phải ở trong đám các “tù nhân tử tế” mà là trong đám giang hồ. Trong tòa nhà giam các tù nhân nguy hiểm: tất cả các bạn tôi đều ở đấy. Người ta trao cho tôi cái bị đựng toàn bộ trang phục và đồ dùng của tù khổ sai. Thiếu tá ra lệnh thêm cho tôi mấy bộ quần áo lao động màu trắng tịch thu của bọn thợ may.

Thế là tôi đi theo một viên cảnh sát về khu trung tâm của trại, với hai cái quần trắng mới tinh khôi, ba cái áo va-rơi và một cái mũ rơm. Muốn đến dãy nhà nhỏ của Ban Quản trị trại phải đi qua cả khoảng đất bằng trên đỉnh đồi. Chúng tôi đi ngang trước mặt bệnh xá của giám thị, men theo một bức tường cao bốn mét bao quanh trại giam. Sau khi đi gần hết chu vi cái hình chữ nhật rộng mênh mông này, chúng tôi đến cửa chính trại trừng giới Quần đảo “Phân trại Royale”. Cánh cửa gỗ to tướng của trại mở toang hoác. Nó cao phải đến sáu mét. hai tốp gác mỗi tốp bốn viên giám thị. Một viên đeo lon ngồi trên một chiếc ghế tựa. Không thấy có súng trường: ai nấy đều đeo súng lục. Tôi còn thấy có năm sáu tên giữ khóa người A-rập.

Khi tôi vào đến vòm cửa, bọn giám thị đều bước cả ra. Viên chỉ huy, người Corse, nói: “Đây là một phạm nhân mới, thuộc loại có hạng”. Bọn giữ khóa toan lục soát tôi, nhưng hắn ngăn họ lại:

– Thôi đừng bày trò bắt hắn giở hết cả bạc- đa ra. Vào đi Papillon. Ở nhà tù trung tâm chắc chắn là có nhiều bạn cũ đang đợi mày. Tao tên là Sofram. Chúc mày gặp may mắn ở Đảo này!

– Cám ơn sếp.

Tôi bước vào một khoảng sân rộng mênh mông xung quanh có ba tòa nhà lớn. Tôi đi theo viên giám thị, vào một tòa nhà có đề trên cửa: nhà A – Khối Đặc biệt” trước cánh cửa rộng mở viên giám thị gọi lớn: “Khối trưởng đâu!” Một người tù khổ sai già bước ra. Viên sếp nói: “Đây là một tay mới”, đoạn bỏ đi.

Tôi bước vào một gian phòng lớn hình chữ nhật có một trăm hai mươi người ở. Cùng như trong cái lán đầu tiên của tôi ở Saint-Laurent, hai bên có hai thanh sắt dài chạy song song với hai bức tường làm thành chiều dài của gian phòng, chỉ đứt quãng ở chỗ có cánh cửa sắt đóng vào ban đêm. Giữa mỗi thanh sắt và bức tường đối diện có căng rất thẳng những tấm vải bố dùng làm giường, được gọi là “võng” tuy nó chẳng giống võng chút nào. Nhưng cái “võng” này rất tiện nghi và hợp vệ sinh. Phía trên môi tấm vải có hai tấm ván đóng vào tường dành cho phạm nhân để đồ đạc: một tấm để áo quần, một tấm để cà-mèn và thức ăn v.v… Giữa hai hàng võng có một lối đi rộng ba mét, gọi là “hành lang”. Ở đây phạm nhân cũng họp thành từng nhóm nhỏ gọi là “xóm” hay “tổ” sinh hoạt. Có những tổ chỉ có hai người, nhưng cũng có những tổ có đến mười người.

Chúng tôi vừa vào một cái là các tù nhân mặe đồ trắng đổ xô lại. “Papi, ra phía này!” “Không, cậu ấy đến chỗ chúng tớ”. Grandet cầm lấy cái bị của tôi, nói: “Papi sẽ ở một tổ với tớ” Tôi đi theo Grandet. Họ lắp “võng” cho tôi, kéo thật căng.

– Này. cầm lấy cái gối lông gà này mà gối. Grandet nói.

Tôi gặp lại cả một lô bạn bè cũ. Rất nhiều người Corse và người Marseille, cũng có mấy người Paris: đều là những bạn từ Pháp sang, hoặc giả những người tôi đã làm quen ở nhà lao Santé, nhà lao Conciergie hay trên tàu thủy. Nhưng tôi lấy làm lạ sao giờ này mà họ đều có mặt ở đây cả. Tôi hỏi: “Giờ này mà các cậu không phải đi làm à?” Thế là ai nấy đều cười rộ.

– Chà! Câu này cậu phải chép lại cho chúng tớ làm kỷ niệm đấy! Ở nhà A này ai phải đi làm thì nhiều nhất là mỗi ngày một tiếng. Sau đó là về tổ.

– Cuộc đón tiếp của các bạn thật là nồng nhiệt. Được như thế này mãi thì hay quá.

Nhưng tôi chợt nhận thấy một điều mà tôi không hề dự kiến: tuy chỉ nằm bệnh viện có mấy ngày, giờ đây tôi thấy mình phải học lại cách sống tập thể.

Tôi được chứng kiến một cảnh mà tôi khó lòng có thể tưởng tượng nổi. Một anh chàng mặc đồ trắng bước vào hai tay bưng một cái khay lớn phủ một tấm vải trắng tinh, rao: “Bít-tết, bít-tết đây! Ai bít-tết nào?” Một lát sau hắn đã đến ngay chỗ chúng tôi, dừng lại, giở tấm vải trắng ra, để lộ cả một khay bày toàn là bít-tết xếp từng chồng sắp rất ngang hàng thẳng lối như trong một cửa hàng thịt chính quy ở Pháp. Có thể thấy rõ Grandet là một ông khách thường xuyên, vì cái anh bưng bít-tết không hỏi xem anh ta có mua bít-tết không, mà chỉ hỏi xem anh ta lấy bao nhiêu suất.

– Năm suất.

– Phô-phi-lê hay thịt vai nào?

– Phô-phi-lê. Hết bao nhiêu đây? Cậu tính sổ lại thử xem, vì bây giờ tổ tớ thêm một nhân khẩu, chẳng giống mọi hôm. Cậu bán bít-tết rút ra một cuốn sổ tay, tính toán cái gì một lúc.

– Cả thảy vị chi một trăm ba mươi lăm francs: tổng cộng đấy.

– Thế thì tớ thanh toán hết, để bắt đầu ghi sổ lại từ đầu.

Khi anh bán thịt đã đi chỗ khác. Grandet nói với tôi:

– Ở đây mà không có bím thì chỉ có chết. Nhưng cũng may là có một phương pháp để lúc nào cũng rủng rỉnh: đó là “biện pháp D”.

Ở trong đám giang hồ chính cống, “biện pháp D” (tức là “debrouille”) là cái cách xoay xớ riêng của từng người để kiếm tiền xài. Anh đầu bếp của trại lấy suất thịt của các tù nhân, rán bít-tết đem bán. Khi nhận thịt ở nhà bếp, hắn cắt bớt đi chừng một nửa. Tùy loại thịt, hắn làm bít-têt, làm ra-gu hay đem hầm nhừ. Một phần đem bán cho bọn giám thị thông qua vợ họ, một phần đem bán cho các phạm nhân có tiền. Dĩ nhiên, anh đầu bếp cũng có chia phần lời cho viên giám thị phụ trách bếp núc. Nhà đầu tiên anh ta mang hàng đến bao giờ cũng là nhà A, nhà của khối Đặc biệt tức của chúng tôi. Vậy thì biện pháp D là biện pháp của anh đầu bếp bán thịt bán mỡ, của anh làm bánh mì bán bánh mì phăng-te-di và bánh mì trắng ba-ghét, tức bánh mì ống sáo nướng dòn tan, dành cho bọn giám thị, của anh đồ tể ở lò thịt bán thịt cho anh đầu bếp; của anh y tá bán thuốc tiêm; của anh kế toán ăn tiền để chỉ định cho phạm nhân nhận việc này việc nọ, hay chỉ để cho anh miễn một khoản cỏvê nào đấy; của anh lao vườn, bán rau quả tươi; của anh tù làm ở phòng thí nghiệm bán kết quả xét nghiệm, nhiều khi còn sản xuất ra cả những bệnh nhân ho lao dởm, cùi dởm, lỵ dởm, v.v… , của những chuyên gia ăn cắp các thứ vặt vãnh trong sân nhà bọn giám thị rồi đem ra bán: trứng, gà, xà-bông Marseille; của những anh “tù gia đình” chuyên móc nối đổi chác với bà chủ nhà, ai cần gì cứ nhờ họ kiếm cho: bơ, sữa đặc, sữa bột, hộp cá thu, hộp cá trích, pho-mát, và dĩ nhiên là cả rượu vang, rượu mạnh (chẳng hạn tổ tôi bao giờ cũng có một chai Ricard và mấy bao thuốc lá Mỹ hay Ăng-lê); rồi lại còn những anh tù được phép đi câu, chuyên bán cá tươi và tôm he nữa.

Nhưng cái biện pháp D hời nhất, và cũng là nguy hiểm nhất nữa, là làm chủ sòng bạc. Lệ ở đây quy định là không bao giờ được có hơn ba hay bốn chủ sòng trong một khối gồm một trăm hai mươi tù nhân. Người nào định kiếm chân chủ sòng thì đang đêm cứ đến một sòng đang chơi tuyên bố:

– Tớ muốn kiếm một chân chú sòng.

Người ta thường trả lời hắn là không được đâu.

– Mọi người đều đồng ý là không được chứ?

– Không được.

– Vậy thì tớ chọn cậu Mỗ đây: tớ chiếm chỗ cậu.

Cái anh mỗ được chọn kia đã hiểu. Hắn đứng dậy, ra giữa phòng và hai người rút dao ra đọ sức. Ai thắng thì được giữ chân chủ sòng. Chủ sòng được hường hồ năm phần trăm mỗi số tiền thắng được.

Cờ bạc cũng là cơ hội thực hiện những biện pháp D vụn vặt khác, có những anh chuyên trải những tấm chăn thật thắng thớm xuống đất cho mọi người ngồi, lại có những anh cho thuê mấy cái ghế đòn con con dành cho những con bạc không quen ngồi xếp bằng, có những anh bán thuốc lá điếu bên sòng bạc: họ đặt lên tấm chăn mấy cái hộp xì gà cũ, đựng những bao thuốc Pháp, Anh, Mỹ hay những điếu thuốc quấn lấy. Mỗi thứ đều có giá nhất định. Ai muốn hút cứ việc tự lấy ra, nhưng không được quên bỏ vào hộp số tiền đã ấn định cho từng loại thuốc. Lại có cả những anh chuyên trách mấy cái đèn dầu noa, trông nom cho đèn đừng bốc khói nhiều quá. Đó là những cây đèn làm bằng hộp sữa, mặt trên đục lỗ xâu bấc. Lâu lâu lại phải gạt bấc cho đỡ bốc khói.

Những con bạc không hút thuốc thì dùng kẹo hay bánh ngọt: việc sản xuất các thứ này cũng làm thành một nghề D riêng. Mỗi khối nhà đều có một hay hai anh bán cà-phê. Cà-phê theo kiểu A-rập, được ủ nóng suốt đêm trong hai cái bao bố gấp kín lại và được để ở một chỗ cố định. Lâu lâu người bán cà-phê lại đảo qua sòng bạc chào mời, tay cầm một cái bình thủy tự chế đựng cà-phê hay ca cao nóng. Cuối cùng là nghề tiểu thủ công. Đây có thể nói là một biện pháp D có tính chất mỹ nghệ. Có người mua lại đồi mồi của những tù nhân chuyên đi câu để gia công. Mỗi cái mai như vậy có mười ba mang có thể nặng tới hai ki lô. Nhà mỹ nghệ dùng đồi mồi làm vòng đeo tay, làm hoa mai, làm vòng đeo cổ, làm cán điếu, làm lược và làm bàn chải. Tôi còn được trông thấy một cái hộp làm bằng đồi mồi vàng, thật là một tuyệt phẩm. Lại có những người chạm trổ sọ dừa, sừng trâu sừng bò, gỗ mun và gỗ đảo hình rắn. Cũng có người làm những thứ đồ gỗ cao cấp đòi hỏi độ chính xác rất cao, không có lấy một cái đinh, toàn dùng khớp làm lại. Những người khéo tay nhất thì làm đồ đồng đen. Lại có cả những họa sĩ nữa.

Cũng có nhiều tài nghệ khác nhau được liên kết lại để làm một sản vật duy nhất. Nói giả dụ có một người tù câu được một con cá mập. Hắn liền lấy xương hàm con cá đánh thật sạch rồi gia công sao cho xương và hai hàng răng thật bóng, thật thẳng, chốt cho cái hàm há rộng thành một cái khung xung quanh toàn răng nhọn hoắt. Một anh thợ gỗ làm một cái mô hình neo bằng gỗ mịn thớ đánh thật bóng, phần giữa thật rộng để có thể vẽ tranh lên trên. Cái neo được gắn vào giữa cái hàm cá mập, và một họa sĩ vẽ lên đấy một cảnh Quần đảo Salut giữa biển cả. Chủ đề hay được sử dụng nhất là chủ đề sau đây: mũi đảo Royale, có biển và đảo Saint~Joseph. Trên mặt biển màu xanh biếc ánh tà dương lấp lánh. Trên mặt biển là một con thuyền có sáu phạm nhân mình trần đứng cầm chèo đứng thẳng, phía sau lại có ba viên cảnh binh cầm tiểu liên. Ở mũi thuyền, hai người đang dốc một cỗ quan tài: từ đấy tụt ra một cái xác chết bọc trong bao bột. Trên mặt nước có thể trông thấy mấy con cá mập đang há mõm đợi ăn. Ở phía dưới bức tranh, bên góc phải có đề “Mai táng ở Royale” và ngày tháng vẽ tranh. Tất cả các “mỹ nghệ phẩm” như trên đều bán cho các nhà giám thị.

Những chế phẩm đẹp nhất thường được đặt mua trước hay đặt làm riêng. Phần còn lại bán cho các chuyến tàu ghé đảo. Đây là lãnh vực của mấy anh chèo thuyền. Cũng có những anh bịp đời, lấy một cái ca cũ kỹ mép méo, khắc dòng chừ “cái ca này trước kia là ca của Dreyfus – Đảo quỷ, – ngày… tháng… ” Thìa và cà-mèn cũng được dân bịp đời sử dụng kiểu đó. Đối với mấy anh lính thủy người Bretagne thì có một món ăn chắc: bất cứ đồ vật gì có khắc tên “Sezenec”. Những cuộc mua bán thường xuyên này thu hút vào Quần đảo rất nhiều tiền, và bọn giám thị thấy rõ điều đó có lợi cho họ, cho nên họ cứ để mặc. Mải lo việc sản xuất và bán chác, tù nhân dễ điều khiển hơn và dễ an phận với cuộc sống đày ải của họ hơn.

Thói pê- đê ở đây đã trở thành một nếp sống chính thức. Mọi người, cho đến cả chỉ huy trại giam, đều biết rằng cậu Mỗ nào đó là vợ của một cậu Mễ nào đó, và nếu có trót chuyển một trong hai cậu ấy sang đảo khác mà quên mất cậu kia thì người ta làm đủ cách để cho cái đôi bị “chia loan rẽ thúy” kia sớm đoàn tụ. Trong cả đám phạm nhân ấy không có lấy được ba phần trăm có ý định tìm cách trốn khỏi quần đảo. Ngay cả những người bị án chung thân cũng không. Cách duy nhất để có cơ vượt ngục là làm sao được miễn giam và được chuyển về Đất liền, về Saint-Laurent, Kourou hay Cayenne. Điều đó chỉ có thể có được với những người bị giam có thời hạn. Đối với những người bị án giam chung nhân thì không có cách gì, trừ phi là giết người. Vì nếu phạm nhân giết chết một người nào, thì sẽ bị đưa về Saint-Laurent để xử. Nhưng vì muốn đến Saint-Laurent phải qua thủ tục thú nhận tội sát nhân, người ấy có nguy cơ bị năm năm cấm cố mà không biết là liệu trong cái thời hạn ngắn ngủi ở trại trừng giới Saint-Laurent (tối đa là ba tháng) có đủ thì giờ để tổ chức vượt ngục hay không?

Cũng có thể tìm cách xin được miễn giam vì lý do sức khỏe. Nếu được công nhận là ho lao thì được chuyển đến trại của phạm nhân ho lao, gọi là “Trại mới”, cách Saint-Laurent tám mươi cây số. Còn có bệnh hủi hay bệnh kiết lỵ kinh niên nữa. Muốn được công nhận có một trong hai bệnh này cũng tương đối dễ, nhưng làm như thế có một nguy cơ rất khủng khiếp: phải chung sống hai năm, cách ly trong một căn nhà riêng với những người mắc bệnh hủi thứ thiệt hay bệnh kiết lỵ thứ thiệt. Trong hai năm ấy chẳng khó gì mà chẳng chuyển từ hủi dỏm thành hủi xịn và từ kiết dỏm thành kiết xịn: không ít người đã qua cái quá trình ấy. Thế là tôi đã an cư lạc nghiệp trong khối nhà A với một trăm hai mươi bạn tù của tôi. Phải cố học cách sống trong cái khối cộng đồng này, nơi mà người ta phân loại được anh ngay. Trước hết phải làm sao cho mọi người biết rõ rằng không thể nào tấn công mình mà không bị giáng trả đích đáng. Được mọi người e sợ rồi, còn phải được họ kính trọng vì thái dộ của mình khi đối xử với bọn cớm, không được nhận một số chức việc nào đấy, phải khước từ một số công việc nhất định, không bao giờ được khuất phục một tên giữ khóa, không bao giờ tuân lệnh hắn, dù có phải vì thế mà xung đột với một viên giám thị cũng vậy.

Nếu đã đánh bạc suốt đêm rồi thì đến giờ điểm danh cũng không ra. Người trường khối chỉ việc trả lời: “ốm phải nằm”, thế là xong. Ở các khối khác, nhiều khi bọn giám thị vào tận phòng tìm “người ốm” và bắt hắn ra điểm danh. Nhưng ở khối dân cứng đầu thì không bao giờ. Chung quy, điều mà từ cấp cao đến cấp thấp bọn họ quý nhất là được yên thân ở trại khổ sai này. Bạn cùng tổ với tôi, Grandet, là một người Marseille ba mươi lăm tuổi. Người cao lêu đêu, gầy như que củi, nhưng rất khỏe. Chúng tôi là chỗ bạn thân từ hồi ở Pháp. Chúng tôi hay gặp nhau ở Toulon, cũng như ở Marseille và ở Paris. Đó là một tay khoét tủ sắt nổi tiếng. Anh ta hiền nhưng có lẽ rất nguy hiểm. Hôm nay tôi không ra ngoài. Trong gian phòng rộng mênh mông hầu như chỉ có một mình tôi. Ông già trưởng khối đang quét và lau cái sàn xi măng. Tôi trông thấy một phạm nhân đang ngồi sửa đồng hồ, mắt trái đeo cái gì bằng gỗ. Ở phía trên võng của hắn có một tấm ván treo đến ba chục cái đồng hồ. Nhìn nét mặt thì hắn độ ba mươi tuổi là cùng, nhưng đầu hắn bạc trắng. Tôi đến cạnh hắn, nhìn hắn làm việc một lúc. Rồi tôi thử bắt chuyện với hắn. Hắn cứ câm như hến. Thậm chí cũng chẳng thèm ngẩng mặt lên một lần nào, hơi trạnh lòng, tôi bỏ đi ra sân, đến ngồi ở cạnh máy nước.

Ở đây đã có Titl la Belote, đang tập dượt với một cỗ bài mới tinh khôi. Mười ngón tay mềm mại của hắn thoăn thoắt trang di trang lại ba mươi con bài với một tốc độ không tài nào tưởng tượng nổi. Vẫn không ngừng ngưng động tác chớp nhoáng của nhà ảo thuật, hắn bảo tôi:

– Thế nào anh bạn? Ở Royale có ổn không?

– Ổn, nhưng hôm nay tớ chán quá. Tớ sẽ tìm việc gì làm, để ra ngoài trại một chút. Ban nãy tớ muốn nói chuyện một lát với cái tay gì sửa đồng hồ trong kia, nhưng hắn cũng chẳng buồn trả lời tớ nữa.

– Anh không biết đấy Papi ạ, chứ thằng cha ấy nó có coi ai ra gì đâu. Nó chỉ biết mấy cái đồng hồ của nó. Ngoài ra nó đếch cần. Quả tình sau những chuyện nó phải chịu đựng, nó có quyền điên lắm. Nó chưa điên là may.

Anh hãy tương tượng mà xem, cái anh chàng trẻ tuổi ấy – có thể gọi hắn như vậy vì hắn chưa đến ba mươi – năm ngoái đã từng bị xử tử vì bị buộc tội là “hiếp” vợ một thằng cớm. Chuyện láo toét cả. Hắn ngủ với cô chủ từ lâu – cô ta là vợ một viên giám thị trưởng người Bretagne. Vì hắn là “tù gia đình” ở nhà họ, cho nên cứ đến ngày trực của viên giám thị là hai anh chị tha hồ. Nhưng anh chị đã phạm một sai lầm lớn: cô nàng không cho anh chàng giặt là áo quần nữa, cô ta tự làm lấy: thế là anh chồng mọc sừng xưa nay vốn biết tính cô ta lười, thấy lạ và sinh nghi. Nhưng anh ta chưa có bằng chứng là mình bị mọc sừng. Cho nên anh ta quyết định bày mưu để bắt quá tang tại trận và giết chết cả đôi. Anh ta đã không lường trước được cách phản ứng của cô nàng. Một hôm, trực được hai tiếng thì anh ta bỏ phiên về nhà, gọi một viên giám thị về theo lấy cớ là để biếu tay này một súc giăm-bông nhà mới gửi cho. Hai người khẽ khàng đi vào cổng, nhưng vừa vào đến nhà thì con vẹt nuôi trong nhà ré lên “ông chủ đã về!” như nó vẫn quen làm mỗi khi viên giám thị về. Ngay tức khắc cô vợ hét lên: “Cứu với! Nó hiếp tôi đây này?” Hai tên gác xông vào buồng đúng vào lúc cô vợ vừa vùng ra khỏi tay anh tù. Anh này vội nhảy qua cửa sổ chạy. Viên giám thị bắn theo, một phát trúng vai anh ta. Trong khi đó, cô nàng xé rách áo choàng, cào xước vú và má mình ra. Anh tù ngã xuống, tên gác người Breton toan bắn chết thì tên gác kia giật súng đi. Tớ cần nói rõ là tên gác này người Corse, ngay từ đầu đã hiểu rằng ông sếp phịa chứ ở đây chẳng có chuyện hãm hiếp gì hết. Nhưng tên người Corse không thể nói chuyện này với tên kia, cứ làm như thể mình tin câu chuyện hiếp dâm là chuyện thật. Anh thợ đồng hồ bị xử tử hình.

Đến đây thì chẳng có gì phi thường hết, anh bạn ạ. Sau đó mới ly kỳ. “ở Royale, trong những khu trừng phạt có một cái máy chém, mỗi bộ phận đều có chỗ cất riêng trong một căn nhà đặc biệt. Ngoài sân là năm phiến đá xây kỹ thành bệ bằng phẳng để đặt máy chém. Cứ mỗi tuần, đao phủ thủ và hai người tù giúp việc cho hắn lại đem cái máy ra lắp lên bệ, lưỡi dao lười diếc đầy đủ bộ sậu, rồi cho máy chém thử hai ba cây chuối. Để cho chắc là máy vẫn trơn tru, khi cần đến không lo trục trặc. (anh thợ đồng hồ người Savoie lúc bấy giờ đang nằm trong khám tử hình với bốn người nữa, hai người A-rập và một người Sicilia). Cả năm người đang đợi phúc đáp đơn xin ân xá do những viên giám thị đã bênh vực họ viết hộ cho. Một buổi sáng nọ người ta lắp máy chém và đột nhiên mở cửa buồng giam anh thợ đồng hồ. Tốp đao phủ xông vào trói chân anh ta lại và cũng sợi dây ấy buộc hai cổ tay, dây liền với chân. Họ lấy kéo xén cổ áo rồi dắt anh ta đi từng bước ngắn trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, từ từ vượt qua cái khoảng cách chừng hai mươi mét từ buồng giam đến máy chém. (chắc bạn cũng biết rằng khi anh đến trước máy chém, anh giáp mặt với một tấm ván dựng đứng cao ngang vai anh, có đính sẵn nịt da để buộc sấp anh vào đấy, sau đó, tấm ván sẽ được lật ngang ra và thế là anh chuyển sang tư thế nằm sấp, cổ đặt vừa đúng vào chỗ lưỡi dao sẽ rơi xuống. Vậy thì người ta đang sắp sửa lật ngang tấm ván có buộc anh thợ đồng hồ, nhưng vừa đúng lúc ấy ông chỉ huy trại – Ông “Dừa khô” đương kim trại trưởng đấy – ra sân: theo lệ của trại, ông ta bắt buộc phải dự cuộc hành quyết. Tay ông ta cầm một cây đèn bão lớn, và khi giơ đèn lên soi, ông ta mới thấy là bọn cớm chết tiệt ấy nhầm: chúng nó suýt chặt đầu anh thợ đồng hồ trong khi anh ta chẳng dính dáng gì với cuộc hành quyết sáng hôm ấy.

– Dừng lại Dừng lại! – Barrot quát lớn. ông ta xúc động đến mức dường như không nói được nữa. Ông ta buông cây đèn bão rơi xuống đất, xô lấn mọi người, cảnh sát cũng như phạm nhân, tự tay đến cởi trói cho anh sửa đồng hồ Savoie. Mãi sau đó ông ta mới ra lệnh được:

– Y tá, đưa anh ta về buồng giam. Săn sóc kỹ, cho uống rượu rhum. Còn các anh, cái lũ ăn hại kia, vào bắt ngay tên Rencassen đưa ra đây. Hắn mới là kẻ phải xử tử hôm nay, chứ không phải ai khác! “Hôm sau, anh thợ đồng hồ đã bạc trắng cả đầu ra như anh thấy đấy. Trạng sư của hắn là một cảnh binh ở Calvi, bèn viết thêm một lá đơn xin ân xá nữa gửi ông Bộ trưởng Tư pháp, trong đơn có kể lại việc này. Anh thợ đồng hồ được ân xá, chuyển án tứ hình thành án chung thân. Từ đấy, anh ta suốt ngày sửa đồng hồ cho nhân viện trong trại. Anh ta say mê công việc quên hết mọi sự trên đời. Sửa xong anh ta giữ lại rất lâu để kiểm tra, điều chỉnh, cho nên trên ván mới treo ngần ấy đồng hồ. Bây giờ thì anh đã hiểu ra rằng hắn có quyền hơi điên một chút chứ?

– Hiểu, Tita ạ, sau một cái sốc như thế, hắn có quyền không hồ hởi với mọi người cho lắm. Tôi thành thật thương hại hắn.

Mỗi ngày tôi lại học thêm được chút ít về cuộc sống mới này. Khối A quả là một nơi tập trung những con người đáng sợ, xét về những thành tích dĩ vãng cũng như về cách phản ứng của họ trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi vẫn chưa làm việc: tôi còn đợi một chân đổ thùng. Kiếm được chân này; tôi chỉ phải làm mỗi ngày bốn mười lăm phút, rồi sau đó được đi lại tự do trên đảo và được phép xuống biển đánh cá. Sáng hôm ấy, đến buổi điểm danh lấy người đi làm cỏ vê ở đồn điền trồng dừa, họ chỉ định Jean Castelli. Ông ta bước ra khỏi hàng hỏi:

– Cái gì? Tôi mà cắt di làm cỏ-vê à? Tôi ấy à?

– Phải, anh đấy! – Tên gác đội cỏ-vê nói. – Đây, cầm lấy cái cuốc chim này.

Castelli lạnh lùng nhìn hắn;

– Anh kia. anh không hiểu rằng phải là dân cái xứ Auvergne nhà anh mới biết cách dùng cái thứ cuốc quỉ quái ấy à? Tôi là người Corse ở Marseille. Ở Corse người ta ném các dụng cụ đi cho thật xa, còn ở Marseille người ta còn không biết nó là cái gì nữa. Anh cứ giữ lấy cái cuốc và để cho tôi yên.

Tên cớm trẻ, chưa am hiểu công chuyện ở đây lắm (như về sau tôi được biết), giơ cao cái cán cuốc lên dọa Castelli. Lập tức một trăm hai mươi người quát lên cùng một lúc:

– Buông cuốc xuống, không thì chết ngay bây giờ!

Grandet hô:

– Giải tán!

Thế là không bận tâm đến tư thế sẵn sàng tấn công của tất cả những tên cảnh binh có mặt lúc bấy giờ, chúng tôi kéo nhau trở về khối.

Khối “B” đang lũ lượt kéo nhau đi làm, cả khối “C” cũng vậy. Ở khối chúng tôi thấy có chừng mười hai tên cảnh binh đến, và một việc không bình thường xảy ra: họ đóng cánh cửa sắt lại. Một giờ sau, bốn chục tên cảnh binh đứng thành hai hàng hai bên khung cửa, tiểu liên cầm lăm lăm trong tay. Viên phó chỉ huy trại, viên chỉ huy đội gác, viên giám thị trưởng và cả bọn giám thị đều có mặt đông đủ chỉ trừ viên chỉ huy trại đã đi thanh tra đảo Quỷ từ lúc sáu giờ sáng, trước khi xảy ra biến cố vừa qua. Viên phó chỉ huy trại nói:

– Dacelli, gọi từng người một ra.

– Grandet? Bước ra!

Grandet bước ra đứng giữa hai hàng cảnh binh xếp hai bên cửa sắt. Dacelli nói:

– Đi làm đi!

– Tôi không đi được.

– Anh từ chối phải không?

– Tôi không từ chối. Tôi ốm.

– Từ bao giờ? Lúc điểm danh lần đầu anh có cáo ốm đâu?

– Hồi sáng tôi không ốm. Bây giờ tôi mới ốm.

Sáu mươi người được gọi ra khỏi hàng sau Grandet đều lần lượt trả lời đúng như vậy. Chỉ có một người nói thẳng ra là mình không tuân lệnh. Chắc anh ta có ý định làm cho họ phải đưa anh ta về Saint~Laurent để ra tòa án binh. Khi họ hỏi: “Anh từ chối à?” anh ta trả lời:

– Đúng, tôi từ chối, mà từ chối đến ba lần.

– Ba lần? Tại sao?

– Vì các người làm tôi buồn mửa. Tôi dứt khoát không làm việc cho những hạng người đểu cáng như các anh.

Không khí căng thẳng đên tột độ. Bọn cánh binh nhất là những tay hãy còn trẻ, khó chịu đựng nối khi bị phạm nhân sỉ nhục đến mức ấy. Họ chỉ chờ có một dịp: một cử chỉ đe dọa của đám phạm nhân, sẽ cho phép họ ra tay trấn áp. Nhưng trong khi chờ đợi. súng họ vẫn phải chĩa mũi xuống đất.

– Tất cả những phạm nhân đã gọi tên, cởi hết ra. Đi về xà lim!

Trong khi áo quần được cởi bỏ tụt xuống đất chốc chốc lại nghe tiếng ruột con dao rơi xuống khoảng sân tráng nhựa đánh cách một cái. Vừa lúc ấy bác sĩ đến.

– Thôi, đứng lên đã! Bác sĩ đây rồi. Xin bác sĩ khám cho mấy người này. Những ai không được công nhận là ốm sẽ vào xà lim. Những người ốm thật sẽ được trả về khối.

– Có sáu mươi người ốm sao?

– Thưa bác sĩ vâng, trừ người kia không chịu đi làm.

– Nào, tôi bắt đầu khám người thứ nhất? – bác sĩ nói. – Grandet, anh ốm thế nào?

– Tôi mắc bệnh rối loạn tiêu hóa của cai ngục bác sĩ ạ. Chúng tôi dầu là phạm nhân bị xử tội nặng, phần lớn đều là án chung thân. Ở quần đảo này không có hy vọng gì vượt ngục. Cho nên chúng tôi chỉ có thể chịu đựng nổi cuộc sống này nếu quy chế nhà tù được áp dụng một cách co giãn chút ít và có hiểu biết, thông cảm với chúng tôi. Thế nhưng sáng nay, trước mặt tất cả chúng tôi, một viên giám thị đã tự cho phép mình giơ cán cuốc định đánh một bạn tù được mọi người kính trọng. Đó không phái là một động tác phòng ngự, vì người tù không hề đe dọa ai cả. Bác ta chỉ nói là bác ta không muốn dùng cuốc. Nguyên nhân của bệnh dịch tập thể của chúng tôi là như thế. Xin bác sĩ cứ suy xét.

Bác sĩ cúi đầu nghĩ ngợi dễ đến một phút, rồi nói:

– Y tá, hãy ghi vào: “Do ngộ độc tập thể vì thức ăn, y tá giám thị Mỗ sẽ thi hành những biện pháp cần thiết để phát cho tất cả các phạm nhân khi ốm hôm nay mỗi người một liều hai mươi gam sulfat natri để tẩy ruột. Còn phạm nhân X thì hãy đưa về bệnh viện để chúng tôi kiểm tra xem khi tuyên bố từ chối lao công anh ta có đang ở trong trạng thái tâm thần bình thường hay không”. Nói đoạn, bác sĩ quay lưng lại, bỏ đi thẳng.

– Tất cả về khối – Viên phó chỉ huy trại hô – Nhặt quần áo lên, và chớ quên mấy con dao. Hôm ấy ai nấy đều ở lại phòng giam. Không ai ra ngoài được, kể cả người đưa bánh mì.

Đến trưa không thấy đưa xúp vào, mà chỉ thấy viên giám thị y tá, có hai phạm nhân y tá đi theo, xuất hiện với một cái xô bằng gỗ đựng thuốc tẩy sulfat nati. Chỉ có ba người phải uống thuốc. Người thứ tư tự nhiên lên cơn động kinh ngã đúng vào xô thuốc, làm cả cái xô, cả cái gáo và cả cả chỗ thuốc mỗi thứ văng ra một nơi: anh ta bắt chước cơn động kinh giống như hệt! Thế là cái biến cố kia chấm dứt, nếu không kể cái lệnh loan cho trưởng khối là phải lau cho khô chỗ thuộc đổ lênh láng ra sàn nhà.

Suốt buổi trưa hôm ấy tôi ngồi nói chuyện với Castelli. Bác ta đến ăn với chúng tôi. Tổ của bác ta thì có một người Toulon tên là Louis Gravon, bị đày vì tội ăn trộm lông thú. Khi tôi nói chuyện vượt ngục, mắt anh ta sáng quắc lên. Anh nói:

– Năm ngoái tôi đã suýt vượt ngục được,nhưng rốt cuộc cũng bị thất bại. Tôi cũng đã cảm thấy anh chẳng phải là người cam phận, đành chịu bó gối ở đây. Chỉ có điều là đã ở Quần đảo này mà nói chuyện vượt ngục thì chẳng khác nào nói chuyện lên cung trăng. Mặt khác, tôi nhận thấy anh chưa hiểu được dân tù khổ sai ở Quần đảo. Trông thế chứ tám mươi phần trăm tự cảm thấy mình ở đây cũng tương đối sung sướng. Sẽ không có ai tố giác anh bao giờ, dù anh có làm gì chăng nữa. Anh giết người nào. Sẽ không có ai ra làm chứng. Anh lấy trộm ự Cũng thế thôi. Dù một bạn tù có làm gì thì mọi người đều kết lại bênh vực bạn ấy. Dân tù quần đảo chỉ sợ có mỗi một điều: đó là một cuộc vượt ngục thành công. Vì trong trường hợp đó, cảnh sống tương đối yên ổn của họ bị đảo lộn hoàn toàn: khám xét liên tục, không còn được đánh bài, không còn chơi nhạc được nữa, các nhạc cụ đều bị phá huỷ trong những cuộc khám xét, không còn được đánh cờ vua, cờ đam nữa. Cũng không được làm đồ mỹ nghệ nữa. Mọi thứ không trừ một thứ gì đều bị xúp hết. Họ lục xoát liên hồi. Đường, dầu ăn, bít tết, bơ đều biến sạch. Xưa nay tất cả những người trốn được khỏi Quần đảo, với Quần đảo thì đó vẫn là những cuộc vượt ngục thành công: dù sao họ cũng đã trốn được ra khỏi Quần đảo. Do đó bọn gác bị phạt, và lẽ tự nhiên là họ phải trả thù cả đám phạm nhân.

Tôi vểnh hết tai lên mà nghe. Tôi nghe mà không sao khỏi bàng hoàng. Tôi chưa bao giờ xem xét vấn đề dưới góc độ này. Castelli nói:

– Đến cái ngày cậu quyết định chuẩn bị một cuộc vượt ngục, cậu hãy coi chừng. Trước khi điều đình với một cậu nào, phải suy nghĩ cân nhắc cho thật kỹ, trừ phi đó là một người bạn chí cốt.

Jean Castelli, chuyên gia bẻ khóa, có một nghị lực và một trí thông minh hiếm có. Bác rất ghét sự hung bạo. Anh em gọi bác ta bằng cái biệt hiệu người Cổ đại. Chẳng hạn bác ta chỉ tắm rửa bằng xà-bông giặt Marseille, và nếu tôi vừa tắm bằng xà-bông Palmolive, bác ta liền nói: “ồ, cậu sặc mùi pê- đê, thật đấy! Cậu lại tắm bằng xà-bông đàn bà rồi!” Tiếc thay, bác ta đã năm mươi hai tuổi, nhưng những gân cốt sắt thép của bác trông thật sướng mắt. Bác nói: “Papi ạ, trông cậu người ta có thể ngỡ cậu là con tôi. Sinh hoạt ở Quần đảo không làm cho cậu quan tâm. Cậu ăn nhiều chỉ vì muốn giữ phong độ, chứ không bao giờ cậu nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống lâu dài trên Quần đảo. Tôi mừng cho cậu. Trong cả đám tù khổ sai ở đây chẳng có nổi sáu người nghĩ như cậu. Nhất là nghĩ đến chuyện vượt ngục. Quả tình, cùng có khối người chi ra hàng gia tài để được miễn giảm và chuyển về đất liền, toan tính sẽ vượt ngục từ đấy. Nhưng ngay ở đây thì không một ai tin là có thể vượt ngục”.

Ông già Castelli khuyên tôi: nên học tiếng Anh và hễ có dịp là phải nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha với một người Tây Ban Nha. Ông ta có cho tôi mượn một cuốn sách học tiếng Tây Ban Nha trong hai mươi bốn bài. Một cuốn từ điển Pháp-Anh. Ông ta có một người bạn rất thân, người Marseille, tên là Gardès, có am hiểu chuyện vượt ngục. Ông này đã vượt ngục hai lần, lần thứ nhất trốn khỏi trại khổ sai Bồ Đào Nha; lần thứ hai trốn từ Đất Liền. Ông ta có quan điểm riêng về việc vượt ngục từ Quần đảo, Jean Castelli cũng có Gravon, ông bạn người Toulon, lại có một cách nhìn khác nữa đối với sự việc. Không ai nhất trí với ai. Kể từ hôm ấy, tôi quyết định tự mình tìm hiểu lấy vấn đề, và không nói với ai về chuyện vượt ngục nữa. Kể cũng gay, nhưng sự tình có thế. Điểm duy nhất mà cả ba người đều nhất trí là đánh bạc chỉ có mỗi cái lợi kiếm được tiền, nhưng lại rất nguy hiểm. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị lâm vào cái thế phải đọ dao với một tay anh chị nào đấy. Cả ba đều là những con người hành động, và quả là những tay cừ khôi đáng gườm so với tuổi tác của họ: Louis Gravon bốn mươi lăm tuổi, Gardès gần năm mươi.

Tối hôm qua tôi được dịp phô bày cho mọi người trong khối thấy cách nhìn nhận sự việc và cách hành động của tôi. Một cậu quê ở Toulouse, người nhỏ bé, bị một tay người Nimes thách đấu dao. Cậu bé người Toulouse mang biệt hiệu Cá Trích, còn anh chàng người Nimes, rất to con được gọi là Con cừu. Con Cừu, đánh trần trùng trục, đúng giữa lối đi, dao lăm lăm trong tay.

– Mỗi ván poker phải nộp tao hăm nhăm francs, nếu không, tao cấm mày đánh.

Cá Trích đáp:

– Xưa nay đánh poker có ai phải nộp ai bao nhiêu tiền đâu. Tại sao anh lại nhè vào tôi mà đòi nộp tiền? Thế sao anh không đòi mấy tay chủ sòng Mareilaise nộp tiền đi?

– Tại sao thì chẳng việc gì đến mày.Một là mày nộp, hai là mày không được chơi nữa, hay mày không muốn đánh nhau?

– Không, tôi chả muốn đánh nhau.

– Mày rét à?

– Tôi rét đấy. Vì tôi có thể ăn một nhát dao, có thể chết vì tay một gã anh chị như anh là một kẻ chưa bao giờ vượt ngục. Tôi là dân vượt ngục. Tôi ở đây không phải để giết ai, mà cũng chẳng phải để bị ai giết.

Tất cả chúng tôi đều chăm chú chờ xem những việc sắp diễn ra. Grandet nói với tôi: “Đúng là thằng bé can đảm thật, mà lại là dân vượt ngục. Thật đáng buồn là mình không thể nói gì vào đây”. Tôi mở con dao xếp để dưới bắp vế. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi trên cái “võng” của Grandet. Con Cừu nói:

– Thế thì mày định nộp tiền hay thôi chơi, hở thằng chết rét kia? Nói đi.

Đoạn hắn bước một bước về phía Cá Trích. Tôi liền quát:

– Câm mồm đi Con cừu, hãy để cho nó yên!

– Kìa Papillon, cậu điên rồi ư? Grandet nói.

Vẫn ngồi yên không nhúc nhích, tay đặt sẵn vào chuôi con dao để dưới bắp vế chân trái, tôi nói:

– Không, tôi không điên. và tôi yêu cầu tất cả các anh hãy nghe những điều tôi sắp nói. Con Cừu ạ, trước khi đánh nhau với anh (nếu anh bắt buộc tôi phải đánh nhau ngay cả sau khi tôi nói xong), anh hãy để cho tôi ngỏ lời với anh và với mọi người rằng từ khi đến ở cái khối gồm hơn một trăm người toàn là dân trong giới này, tôi đã phải xấu hổ mà nhận thấy rằng cái hành động đẹp đẽ nhất, xứng đáng nhất, cái hành động duy nhất đáng gọi là chân chính: vượt ngục, không được kính trọng ở đây. Thế mà bất kỳ ai đã chứng tỏ được rằng mình là dân vượt ngục, rằng mình có đủ gan mật để đem kính mạng mình đặt lên bàn cân trong một cuộc vượt ngục, thì kẻ ấy cũng phải được mọi người kính trọng, bất kẻ mọi chuyện khác. Có ai cho là tôi nói không đúng không? Ai phản đối? (Im lặng) Trong luật lệ của các anh thiếu mất một điều, một điều cơ bản nhất: mọi người đều có bổn phận không những phải kính trọng, mà còn phải giúp đỡ, ủng hộ những người vượt ngục. Không ai bị bắt buộc phải ra đi, và tôi chấp nhận rằng hầu hết các anh đều đã quyết định sống suốt đời ở đây. Thế cũng được. Nhưng nếu các anh không đủ can đảm để tìm cách sống lại, thì ít ra các anh cũng phải có được lòng kính trọng mà những người vượt ngục xứng đáng được hưởng. Và kẻ nào quên mất điều luật của đạo làm người này, kẻ ấy phải chờ đón những hậu quả nghiêm trọng. Tôi đã nói xong. Con Cừu! Bây giờ nếu anh vẫn muốn đánh nhau, thì có tôi đây.

Nói đoạn, tôi cầm dao nhảy ra giữa phòng. Con Cừu ném dao đi, nói:

– Cậu nói đúng, Papillon ạ, cho nên tôi muốn đánh nhau với cậu không phải bằng dao, mà bằng quả đấm, đề cậu thấy tôi không phải là thằng hèn.

Tôi đưa dao cho Grandet giữ. Hai đứa chúng tôi đánh nhau như hai con chó dữ trong khoảng hai mươi phút. Cuối cùng, nhờ một miếng đòn húc đầu đúng lúc, tôi thắng sát nút. Chúng tôi cùng vào phòng vệ sinh rửa cho cạch máu trên mặt. Con Cừu nói:

– Quả thật sống ở Quần đảo mãi đâm u mê ra. Tớ ở đây thế là đã mười lăm năm nay, mà cũng chưa chi được đến ngàn francs để được miễn giam. Thật xấu hổ.

Khi tôi về tổ, Grandet và Galgani mắng tôi một trận.

– Cậu phát rồ rồi hay sao mà lại đi thách thức và lăng mạ mọi người như thế? Tớ không thể hiểu nổi tại sao không có đứa nào cầm dao nhảy ra “hành lang” để đánh nhau với cậu.

– Không đúng đâu các bạn ạ, chẳng có gì khó hiểu đến thế. Bất cứ ai đã ở trong giới chúng ta, hễ thấy ai nói phải thực sự là chịu ngay.

– Thôi được, – Galgani nói. – Nhưng tôi khuyên cậu đừng bày trò đùa giỡn quá nhiều với cái núi lửa này.

Suốt buổi tối hôm ấy có những gã đến gặp tôi. Họ làm như thể tình cờ ghé qua, nói bâng quơ chuyện này chuyện nọ, rồi trước khi bỏ đi, buông một câu: “Tớ đồng ý với những điều cậu nói đấy. Papi ạ”. Cái sự cố vừa qua đã cho tôi có được một vị trí rõ rằng giữa các bạn tù. Kể từ buổi ấy, chắc chắn là tôi được họ coi như người cùng giới với họ, nhưng lại không dễ gì chấp nhận những điều đã được mọi người coi như đương nhiên mà không phân tích, phê phán.Tôi dần dần nhận thấy rằng hễ tôi làm chủ sòng, đám bạc không mấy khi có chuyện cãi cọ, và nếu tôi ra một lệnh gì thì họ tuân theo rất nhanh.

Như tôi đã nói, chủ sòng được hưởng hồ năm phần trăm mỗi món tiền được bạc. Hắn ngồi trên một chiếc ghế dài, lưng quay vào tường để đề phòng bất trắc, vì bất cứ lúc nào cũng có kẻ muốn đâm hắn từ phía sau. Trên đùi hắn thường có một tấm chăn che một con dao mở sẵn. Xung quanh hắn, ngồi hay đứng thành vòng tròn, là ba mươi, bốn mươi hay có khi đến năm mươi con bạc từ khắp các miền của nước Pháp sang, lại có cả những dân ngoại quốc nữa, như dân A-rập chẳng hạn, cũng khá đông. Cách chơi rất dễ: một người làm cái (làm “chủ nhà băng”), một người cúp bài ngồi cạnh. Mỗi khi nhà cái thua thì nhường quyền làm cái cho người bên cạnh. Cỗ bài gồm năm mươi hai con. Người cúp bài chìa bài rồi giấu đi một con. Người làm cái rút một con bài rồi lật ngứa nó ra trên tấm chăn. Thế là mọi người bắt đầu đặt tiền. Có thể đặt vào cửa của nhà cái hay vào cửa của nhà cúp bài. Khi ai nấy đã đặt xong, tiền xếp thành từng chồng nho nho, nhà cái bắt đầu rút từng con bài một, lật lên. Nhà nào cùng bậc với một trong hai con đã lật trên “thảm” thì thua. Chẳng hạn: nhà cúp giấu một con Năm, còn nhà cái đã lật lên một con Đầm. Nếu rút ra được một con Đầm trước khi rút ra một con Năm, nhà cúp thua. Nếu trái lại, rút ra được một con Năm trước khi rút ra một con Đầm, thì nhà cái thua.

Người chủ sòng phải biết mỗi món tiền phải chung cho ai. Việc đó chẳng phái là dễ.Lại phải bênh vực những kẻ yếu, sao cho những kẻ mạnh đừng dùng uy thế bắt nạt họ. Khi người chủ sòng quyết định cách xử lý một trường hợp nghi vấn, quyết định của chủ sòng phải được chấp nhận, không lôi thôi gì hết. Đêm ấy có kẻ đã giết chết một người Ý lên là Carlino. Anh này sống chung nói một cậu thiếu niên được anh ta coi là vợ. Cả hai cùng làm việc ở một khu vườn. Anh người Ý chắc cũng biết là tính mạng của mình đang bị đe dọa, vì khi nào anh ta nghỉ thì cậu bé thức, khi nào câu bé ngủ thì anh ta lại thức. Phía dưới hai tấm vải căng làm giường ngủ (“võng”) họ bày lổn ngổn những cái hộp sắt tây rỗng để không ai có thể lần mò đến chỗ họ mà không gây thành tiếng động. Thế mà có kẻ đã đâm anh ta từ phía dưới lên. Tiếng kêu của người bị đâm lập tức được kế tiếp bằng những tiếng loảng xoảng của đống hộp sắt tây bị sát nhân xô đấy trong khi rút lui vội vàng.

Lúc bấy giờ Grandet đang điều khiển một ván bài “Marseillaise”, xung quanh có đến ba mươi con bạc. Tôi thì đang đứng nói chuyện gần đấy. Tiếng kêu của Carlino và tiếng hộp sát tây xủng xoảng đã làm cho ván bài phải ngừng lại. Ai nấy đều đứng dậy hỏi xem việc gì xảy ra thế. Cậu bạn trai của Carlino chẳng trông thấy gì, còn Carlino thì đã tắt thở. Ông trưởng khối hỏi mọi người xem có nên gọi giám thị đến không. Không! Không nên. Để đến mai, khi điểm danh, báo cho họ biết cũng vừa, anh kia đã chết rồi thì còn cứu giúp được gì nữa mà vội? Grandet lên tiếng:

– Không có ai nghe thấy gì hết. Cả cậu nữa, cậu nhé – Grandet dặn cậu bé của Carlino – Mai, khi cậu thức dậy, cậu mới nhận là anh ấy chết rồi. Xong. A-lê, lại đánh tiếp.

Thế là đám bạc lại nhốn nháo lên như không hề có việc gì xảy ra cả: “Nhà cúp. Không phải, nhà cái chứ!” vân vân. Tôi sốt ruột chờ xem những gì sẽ diễn ra khi bọn gác phát hiện ra vụ án mạng. Năm giờ rưỡi, tiếng chuông thứ nhất. Sáu giờ, tiếng chuông thứ hai sau đó là cà- phê. Sáu giờ rười, tiếng chuông thứ ba, mọi người ra điểm danh, thường ngày vẫn thế. Nhưng hôm nay thì khác. Đến tiếng chuông thứ hai, khối trưởng nói với tên cảnh binh đi kèm người đưa cà-phê:

– Thưa sếp, có một người vừa bị giết. – Ai thế?

– Carlino.

– Được.

Mười phút sau, sáu tên cảnh binh đến:

– Người chết đâu?

Họ nhìn thấy con dao găm cắm vào lưng Carlino từ phía dưới, qua lần vải. Họ rút nó ra.

– Cáng đi!

Hai người khiêng cáng đưa cái xác chết ra ngoài.

Trời dã sáng hẳn. Tiếng chuông thứ ba đã điểm. Tay vẫn cầm con dao vấy máu, viên giám thị trương ra lệnh:

– Tất cả ra ngoài, xếp hàng điểm danh. Hôm nay không ai được khai ốm nằm lại.

Mọi người đều ra sân. Những buổi điểm danh ban sáng, bọn chỉ huy và giám thị trưởng bao giờ cũng có mặt. Cuộc điểm danh bắt đầu. Nghe đọc đến tên Carlino, khối trưởng đáp:

– Chết đêm qua, đã đưa ra nhà xác.

– Được – tên cảnh binh điểm danh đáp.

Khi ai nấy đều đã trả lời: “có”, viên chỉ huy trại giơ con dao lên hỏi:

– Có ai biết con dao này không?

Không ai trả lời

– Có ai trông thấy kẻ giết người không?

Im lặng tuyệt đối

– Vậy là không ai có hay biết gì hết, như thường lệ. Các người hãy lần lượt giang tay đi qua trước mặt tôi, rồi sau đó người nào đi làm việc người nấy.

– Thưa thiếu tá, bao giờ cũng chỉ có thế. Không có cách gì biết được kẻ nào là hung thủ.

– Xếp việc này lại, – viên chi huy trại nói. Giữ con dao lại, găm một tấm phiếu ghi là con dao này đã được dùng đem giết Carlino.

Thế là xong. Tôi trở về khối nằm ngủ, vì suốt đêm qua tôi không chợp mắt. Trong khi dần dần thiếp đi, tôi nghĩ cái thân một thằng tù khổ sai thật chẳng ra gì Dù có bị ám sát một cách hèn hạ, người ta cũng chẳng buồn bỏ công tìm cho ra thủ phạm. Đối với ban Quản trị, mạng một thằng tù chẳng là cái gì hết. Chẳng bằng mạng một con chó.

Tôi đã quyết định bắt đầu làm công việc đổ thùng thứ hai. Đến bốn rưỡi sáng tôi và một người nữa sẽ đi đổ các bô phóng uế của khối A tức khối của chúng tôi. Theo nội quy của trại thì phải đưa ra tận bờ biển mà đổ. Nhưng chúng tôi trả tiền cho người đánh xe trâu: hắn đợi chúng tôi ở một nơi có khe xây xi-măng dẫn xuống biển. Chúng tôi đổ bô xuống đấy, rồi anh đánh xe trâu trút xuống ba ngàn lít nước biển đựng trong một cái phùng ton-nô khổng lồ mà anh ta vừa xe từ biển lên cuốn hết các thứ xuống biển. Để thật sạch, chúng tôi dùng thêm một cái chổi cứng để lùa các thứ bẩn. Công việc chỉ trong vòng không đầy hai mươi phút là xong. Mỗi ngày chúng tôi phải trả hai mươi francs cho anh kia – một anh da đen đảo Martinique rất dễ thương.

Vì đây là lần đầu, tôi phải xách một dãy bô xỏ quai vào hai thanh gỗ, cho nên mỏi cổ tay lắm. Nhưng tôi sẽ chóng quen. Người bạn mới của tôi rất sốt sắng niềm nở, thế mà Galgani nói đó là một con người cực kỳ nguy hiểm. Đâu như hắn đã phạm đến bẩy vụ giết người ở Quần đảo. Nghề làm ăn của hắn ở đây là bán cứt. Số là mấy người làm vườn đều cân phân. Anh làm vườn đào một cái hố, lót vào đấy một ít lá khô và có thể là anh da đen Martinique bí mật đưa vài xô cứt đến đổ vào đấy. Dĩ nhiên việc này không thể làm một mình, cho nên tôi buộc lòng phải giúp anh tạ Nhưng tôi biết đây là một lỗi rất nặng, vì qua rau quá bị ô nhiễm, có thể lan truyền bệnh kiết lỵ trong các gia đình nhân viên giám thị cùng như trong các khối phạm nhân.

Tôi quyết định là một ngày nào đó, khi đã quen nhau hơn, tôi sẽ bảo anh ta đừng làm việc này nữa. Dĩ nhiên tôi sẽ đền bù cho anh ta số tiền mà anh ta sẽ mất vì thôi nghề bán phân. Ngoài công việc này ra, anh ta còn biết khắc chạm sừng bò. Về phần đánh cá, anh ta nói với tôi là chẳng biết gì để bày vẽ cho tôi, nhưng nếu ở bến tàu, Charpar hay một người nào khác sẽ có thể giúp ích cho tôi. Thế là tôi làm nghề đổ thùng. Xong việc, tôi tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sọc và ngày ngày ra bờ biền câu cá, muốn câu bao nhiêu thì câu. Tôi chỉ có một bổn phận: đúng giữa trưa phải có mặt ở trại. Nhờ Chapar, tôi không thiếu cần câu và lưỡi câu. Những hôm tôi từ dưới bờ biển đi lên, tay cầm sợi dây thép xâu một chuỗi cá hồng, chẳng mấy khi không có những cô vợ giám thị đứng trong nhà gọi ra rối rít. Họ đều biết tên tôi:

– Bươm bướm ơi! Bán tôi hai cân cá hồng nào!

– Bà ốm à?

– Không.

– Thằng bé con bị ốm à?

– Không.

– Thế thì tôi không bán cá cho bà đâu.

Tôi câu được khá nhiều, thường đem cho các bạn ở trại. Tôi đổi tôm cá lấy bánh mì sáo, lấy rau quả hay trái cây. Ở tổ tôi mỗi ngày ít ra cũng có một bữa cá. Một hôm, tôi đang đi từ biển lên, tay xách một tá tôm he lớn và bảy tám ki-lô cá hồng. Đi ngang nhà thiếu tá Barrot thì thấy một bà, người hơi đẫy, nói với tôi:

– Anh câu được nhiều quá, Papillon nhỉ. Biển động thế này có ai câu được gì đâu? Ít ra đã mười lăm hôm nay tôi không được ăn cá. Thật đáng tiếc là anh không bán cá. Nhà tôi có cho tôi biết anh không chịu bán cá cho vợ các nhân viên giám thị.

– Thưa bà đúng thế. Nhưng đối với bà thì có thể khác?

– Tại sao?

– Tại bà hơi mập, ăn thịt không được tốt.

– Đúng đấy, họ nói là tôi chỉ nên ăn rau và cá luộc. Nhưng ở đây làm gì có đủ mà ăn?

– Đây, xin bà cầm lấy mớ tôm he và mấy con cá hồng này.

Đoạn tôi đưa cho bà ta cả xâu tôm he và khoảng hai cân cá hồng.

Kể từ hôm ấy, cứ lần nào câu được kha khá, tôi lại đem biếu bà ta một ít, đủ để có được một chế độ ăn thích hợp với tạng người bà. Bà thừa biết rằng ở Quần đảo này thứ gì cũng phải mua bán sòng phẳng, nhưng lần nào bà cũng chỉ đáp lại món quà của tôi bằng hai tiếng “cám ơn” mà thôi. Bà làm như thế là phải, vì bà đã cám thấy rằng nếu đưa tiền, tôi sẽ phật lòng. Nhưng có nhiều lần bà lại mời tôi vào nhà. Bà tự tay rót cho tôi một ly rượu hồi hay một cốc vang trắng. Nếu bên Corse có gửi figatelli cho bà, bà cũng cho tôi một ít. Không bao giờ bà Barrot hỏi tôi về dĩ vãng. Chỉ có một lần, nhân nói đến trại khổ sai, bà lỡ lời nói: “Quả tình, ở Quần đảo thì không vượt ngục được, nhưng ở đây khí hậu lành, còn hơn phải thối rữa ra như một con vật ở Đất liền”.

Chính bà đã giảng giải cho tôi biết sự tích tên gọi Quần đảo: dạo có dịch sốt vàng ở Cayenne, các tu sĩ dòng áo trắng và các bà xơ trong một tu viện nọ đã đến đây lánh nạn, và đều đã thoát nạn. Vì thế mà Quần đảo được gọi là Quần đảo Salut (Quần đảo Cứu nạn). Nhờ cái nghề câu cá, tôi được đi khắp đảo. Tôi làm công việc đổ thùng đã được ba tháng nay, và tôi biết rõ địa thế của đảo hơn ai hết. Tôi đi quan sát các khu vườn lấy cớ là đến đổi cá lấy rau quả. Người trông khu vườn ở cạnh nghĩa địa giám thị là Matthieu Carbonieri, bạn cùng tổ với tôi. Anh ta làm việc ở đấy một mình, cho nên tôi tự nhủ là sau này chúng tôi có thể đóng bè và giấu bè trong khu vườn của anh. Còn hai tháng nửa thì ông chỉ huy trại sẽ đổi đi nơi khác. Tôi sẽ được tự do hành động.

Tôi dã tổ chức được nếp sinh hoạt của tôi: về danh nghĩa tôi là phu đổ thùng, nhưng công việc lại do anh chàng người Martinique làm thay, dĩ nhiên là có trả tiền. Tôi đã có những thao tác làm thân với hai anh em sui gia Narric và Quenier, bị khổ sai chung thân. Người ta thường gọi họ là hai anh em rể đẩy xe. Họ kể lại rằng hai anh em bị tố cáo là đã biến cái xác của một người đi thu tiền mà họ vừa giết chết thành một khối xi-măng rồi đem đổ cái khối ấy xuống sông. Có những nhân chứng khai là nhìn thấy hai anh em chở khối xi-măng trên một chiếc xe đẩy, đem trút xuống sông Marne hay sông Seine gì đấy. Cuộc điều tra xác định rằng người thu tiền có ghé nhà họ thu một món gì đấy rồi từ đấy không còn thấy tăm hơi đâu nửa. Hai anh em đã phủ nhận tội này từ đầu cho đến nay. Ngay ở trại tù họ cũng nói là mình vô tội.

Thế nhưng, nếu người ta không bao giờ tìm được cái xác, thì người ta lại tìm thấy cái đầu của nạn nhân bọc trong một chiếc khăn mùi soa. Thế mà ở nhà hai anh em lại có những chiếc khăn mù soa dệt cùng một kiểu chính thứ sợi ấy, theo lời “các chuyên gia thẩm định”. Nhưng các trạng sư và bản thân các chuyên gia ấy lại chứng minh được rằng có đến mấy ngàn thước vải như thế đã được khâu thành mùi soa. Ai cũng có thể có những chiếc mùi soa như thế. Tuy vậy, cuối cùng hai anh em vẫn bị khổ sai chung thân, và vợ của một trong hai người, em gái của người kia, bị hai mươi năm tù cấm cố.

Tôi đã làm thân được với họ. Vì làm thợ nề cho nên họ có thể ra vào công xưởng của trại. Có lẽ họ có thể tuồn dần ra cho tôi, từng ít một, những vật liệu cần thiết để đóng một cái bè. Nhưng còn phải thuyết phục họ. Hôm qua tôi đã gặp ông bác sĩ. Lúc ấy tôi đang vác một con cá nặng ít ra là hai mươi ki-lô, thịt rất bùi, gọi là cá mérou. Bác sĩ cùng đi với tôi lên đỉnh đồi.Lưng chừng dốc, chúng tôi ngồi xuống nghỉ trên một bức tường thấp. Bác sĩ nói với tôi là đầu con cá này nấu canh ngon tuyệt. Tôi bèn biếu bác sĩ cái đầu cá, dính theo một mảng thịt lớn. Bác sĩ ngạc nhiên về cái cử chỉ ấy của tôi, ông nói:

– Anh chẳng thù dai, Papillon nhỉ.

– Thưa bác sĩ, tôi làm như vậy không phải vì bản thân tôi. Chẳng qua tôi thấy có bổn phận phải trả ơn bác sĩ vì bác sĩ đã hết lòng cứu chữa Clousiot bạn tôi.

Chúng tôi nói chuyện qua lại một lát, rồi bác sĩ nói:

– Anh muốn vượt ngục lắm phải không? Anh chẳng phải là tù khổ sai đâu. Tôi có cảm giác anh là một hạng người khác.

– Bác sĩ nói đúng đấy. Tôi không thuộc trại khổ sai, tôi chỉ ghé vào tham quan thôi.

Bác sĩ cười. Tôi tấn công luôn:

– Bác sĩ không tin rằng một con người có thể cải hóa được sao?

– Tôi tin chứ..

– Bác sĩ có thể nghĩ rằng tôi có thể làm việc hữu ích ở ngoài đời mà không gây hiểm họa gì cho xã hội và có thể trở thành một công dân lương thiện được không?

– Tôi thành thật tin như thế:

– Thế thì tại sao bác sĩ không giúp tôi đạt được điều đó?

– Bằng cách nào?

– Bằng cách cho tôi miễn giam vì bệnh ho lao.

Đến đây bác sĩ đã xác nhận một điều mà tôi đã từng nghe nói.

– Làm như thế không được, và tôi khuyên anh đừng nghĩ đến cách đó. Nó quá nguy hiểm, Ban Quản trị chỉ miễn giam một phạm nhân vì bệnh sau khi hắn đã nằm ở khu điều trị dành riêng cho bệnh ấy ít nhất là một năm.

– Để làm gì?

– Cái này nói ra cũng xấu hổ, nhưng tôi nghĩ rằng họ làm như thế là để phạm nhân biết, nếu hắn giả vờ bệnh, rằng hắn rất có khả năng bị nhiễm vì sống chung với các bệnh nhân thật, và để hắn nhiễm bệnh thật sự. Cho nên tôi không thể giúp anh được.

Kể từ ngày ấy, chúng tôi trở thành đôi bạn… Cho đến ngày ông ta suýt làm cho Carbonieri bạn tôi mất mạng.

Số là Carbonieri, với sự thỏa thuận của tôi, đã nhận làm đầu bếp kiêm giữ kho cho nhà ăn các giám thị trưởng. Nhận việc này là để nghiên cứu xem có thể lấy trộm ba cái thùng ton-nô trước đó đựng rượu vang, đựng dầu và đựng dấm, tìm cách buộc nó lại với nhau làm thành một thứ bè để ra biển không. Dĩ nhiên là khi nào thiếu tá Barrot đã đi khỏi. Việc này rất khó, vì cùng một đêm phải lấy trộm cả ba cái thùng, đưa ra bờ biển đừng để ai trông thấy hoặc nghe thấy, rồi dùng dây cáp buộc lại. Phải vào một đêm giông bão, mưa to gió lớn may ra mới có thể làm được. Nhưng nếu mưa to gió lớn thì việc khó nhất sẽ là đưa cái bè này xuống nước, vì tất nhiên sóng sẽ đánh vào bờ đá hết sức dữ dội.

Vì Carbonieri là đầu bếp, viên quản lý bếp đã đưa cho anh ta ba con thỏ để chuẩn bị cho bữa ăn hôm sau, vào ngày chủ nhật. Carbonieri lột da thỏ ra (điều này thật là may), đem một con gửi cho thằng em ở bến tàu còn hai con gửi cho chúng tôi. Rồi anh ta thịt ba con mèo to nấu một nồi xi-vê ngon không thể tả. Chẳng may cho Carbonieri, hôm sau bác sĩ được mời dự bữa ăn. Trong khi nhấm nháp món xi-vê thỏ, ông ta nói với viên quản lý:

– Ông Filidori ạ, xin có lời khen ngợi thực đơn của ông: món thịt mèo này ngon tuyệt.

– Xin bác sĩ đừng xỏ tôi, chúng ta đang ăn ba chú thỏ tuyệt vời.

– Không đâu, – Ông bác sĩ khăng khăng nói quả quyết- Đây là thịt mèo. Ông có nhìn thấy mấy miếng xương sườn tôi đang ăn đây không? Xương sườn này dẹp, mà sườn thỏ thì tròn. Vậy không thể có sự nhầm lẫn gì được: chúng ta đang ăn thịt mèo.

– Lạy Chúa, Cristacho!- viên quản lý người Corse nói. – Trong bụng tôi có một con mèo rồi.

Thế là hắn chạy bổ xuống bếp dí súng lục vào mặt Matthieu nói:

– Mày có là dân sùng mộ Napoléon như tao cũng mặc, tao sẽ giết mày chết ngay bây giờ về tội đã cho tao ăn thịt mèo. – Mắt hắn trợn lên như mắt người điên.

Carbonieri không hiểu nổi làm sao hắn biết được, nhưng vẫn nói:

– Nếu ông gọi mấy cái con gì mà ông đưa cho tôi là mèo, thì tôi cũng đến chịu: đó chúng phải là lỗi của tôi.

– Tao đưa cho mày ba con thỏ kia mà!

– Ông đưa gì tôi nấu nấy. Ông cứ nhìn mà xem: da với đầu còn kia kìa.

Lão cớm nhìn ba bộ da và ba cái đầu thỏ, chẳng còn biết nói sao.

– Thế ông bác sĩ chỉ nói mò à?

– Té ra ông bác sĩ nói thế sao? – Carbonieri vừa thở hắt ra vừa hỏi. – Ông ấy trêu ông đấy. Ông phải nói cho bác sĩ biết là không nên đùa cái kiểu như vậy.

Nguôi giận, yên lòng, Filidori trở vào phòng ăn, nói với bác sĩ:

– Ông cứ tha hồ nói đi, muốn nói gì thì cứ nói ông bác sĩ ạ. Men rượu bắt đầu bốc lên rồi đấy. Mấy cái xương sườn của ông nó bẹp hay nó tròn mặc nó, chứ tôi thì tôi biết chắc mười mươi đây là thịt thỏ. Tôi vừa nhìn thấy ba bộ lông và ba cái đầu của nó còn sờ sờ ra đấy.

Thật hú vía cho Matthieu, nhưng mấy hôm sau anh ta thấy nên xin từ chức đầu bếp thì tốt hơn.

Ngày tôi có thể sắp sửa hành động đã đến gần. Chỉ còn mấy tuần nữa là Barrot ra đi. Hôm qua tôi vừa ghé thăm bà vợ béo tốt của ông ta (nhân thể cũng xin nói rằng nhờ chế độ ăn cá luộc với rau tươi, bà ta đã gầy bớt đi nhiều). Người đàn bà tốt bụng này đã mời tôi vào nhà để tặng tôi một chai rượu canh-ki-na. Trong phòng khách tôi nhìn thấy mấy cái rương đi tày thủy đang được xếp đồ đạc vào. Họ đang chuẩn bị cho chuyến ra đi. Bà thiếu tá, như mọi người vẫn quen gọi bà ta, nói với tôi:

– Papillon ạ, tôi không biết lấy gì để cảm ơn anh đã quan tâm đến tôi mấy tháng gần đây. Tôi biết những hôm biển động cá hiếm, anh đã cho tôi tất cả những gì anh câu được. Tôi cảm ơn anh nhiều lắm. Nhờ anh bây giờ tôi thấy trong người dễ chịu lắm. Tôi đã bớt được mười bốn ki-lô. Tôi có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn anh đây?

– Thưa bà, một việc rất khó đối với bà: kiếm cho tôi một cái la bàn tốt. Chính xác, nhưng đừng to quá.

– Cái này vừa không đáng là bao, lại vừa là việc lớn đấy, Papillon ạ, mà chỉ trong vòng ba tuần phải kiếm cho ra thì hơi khó cho tôi đấy.

Tám ngày trước khi ra đi, người đàn bà cao thượng này, bực mình vì mãi không kiếm đâu ra được một cái la bàn; đã dám lên tàu thủy đi Cayenne. Bốn hôm sau, bà trở về với một cái la bàn chống nhiễm từ tuyệt hảo. Sáng nay, hai ông bà chỉ huy trại lên đường. Hôm trước ông đã trao quyền chỉ huy cho một sĩ quan cảnh binh cùng cấp với ông, một người quê ở Tunisie tên là Prouillet. Một tin mừng: viên chỉ huy mới đã quyết định cho Dega giữ nguyên chức kế toán trưởng. Điều này rất quan trọng đối với mọi người, nhất là đối với tôi.

Trong bài diễn văn đọc trước đám phạm nhân tập hợp thành đội ngũ hình vuông trong khoảng sân lớn, viên chỉ huy mới làm cho mọi người cảm thấy đây là một con người rất cương nghị, nhưng thông minh. Ngoài những chuyện khác ra, ông ta có nói với chúng tôi:

– Kể từ hôm nay, tôi đảm nhiệm quyền chỉ huy Quần đảo Salut. Nhận thấy có phương pháp cai quản của người đi trước tôi đã đem lại những kết quả tích cực, tôi không thấy có lý do gì để thay đổi chế độ hiện hành. Nếu các người không làm điều gì buộc tôi phải có biện pháp khác, tôi sẽ không thay đổi gì trong nếp sống của các người.

Tôi nhìn hai ông bà chỉ huy cũ ra đi mà lòng mừng khấp khởi. Điều đó cũng rất dễ hiểu, tuy thời gian chờ đợi đã trôi qua một cách nhanh chóng lạ lùng. Cuộc sống tưởng chừng như tự do mà hầu hết các phạm nhân trên đảo được hưởng, những ván bài, những buổi đi câu những cuộc chuyện trò, những người bạn mới, những cuộc cãi vã những trận đánh nhau làm thành những phương tiện giải trí rất hữu hiệu, khiến người ta không còn thì giờ để mà buồn chán nữa. Tuy thế, tôi đã không để cho cái không khí này lôi cuốn tôi thực sự. Mỗi lần tôi kết thân với một bạn mới, bao giờ đồng thời tôi cũng tự đặt ra câu hói: “Anh này liệu có ý định vượt ngục không? Nếu không, anh ta có đủ lòng tốt để giúp người khoẻ chuẩn bị một chuyến vượt ngục không?” Tôi chỉ vì cái mục đích ấy mà sống: vượt ngục, vượt ngục cho bằng được, dù đi một mình hay cùng đi với bạn cũng thế thôi. Đó là một ý nghĩ thường xuyên ám ánh tôi, tuy tôi theo đúng lời như Jean Castelli đã khuyên tôi, không nói hở ra với ai hết, nhưng ý nghĩ ấy không giây phút nào rời khỏi tâm trí tôi. Và tôi sẽ vững lòng thực hiện lý tưởng của tôi: vượt ngục.

Bình luận
× sticky