Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tình Nhân

Chương 14

Tác giả: Janusz Leon Wiśniewski

Và từ cái lần đi Torun ấy, anh lại có chìa khóa vào căn hộ của tôi. Cái chìa khóa mới. Và anh lại đến chỗ làm đón tôi đi Hel, đi biển Ustka hay Bieschad. Trong thời gian đó thì vợ anh đẻ cô con gái thứ hai. Natalia.

Ở anh có gì đặc biệt?

Cái gì đặc biệt ở anh? Sao lại cái gì?! Mọi cái nơi anh đều đặc biệt! Ngay những giờ đầu tiên của anh trong cuộc đời tôi đã là đặc biệt. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh, khi đang khóc trong một nhà xác ở Ý

Đó là vào năm cuối đại học. Tôi viết luận văn tốt nghiệp về các tác phẩm của tác giả Ý đoạt giải Nobel từ những năm 70, nhà thơ Eugeni Montale. Đó là tự tôi chọn. Tôi, một sinh viên văn học Roma, say mê thờ Montale, đã quyết định viết luận văn bằng tiếng Pháp về thơ ca Ý. Monika đã thuyết phục tôi đi Liguiria ở Ý. Tôi phải hoãn thời gian bảo vệ sang tháng Chín và chúng tôi đến Genua với ý định sẽ thăm thú toàn Liguria. Biết tôi áy náy về việc hoãn thời gian bảo vệ nên Monika muốn làm tôi yên lòng: “Không có bất cứ một công trình này về Montale là sự thật, nếu người ta không chỉ một lần say rượu vang ở Genue, nơi mà Montale đã chào đời. Cậu hãy coi đây là một chuyến đi thực tế – Monika cười nói – và hãy nhớ là tớ sẽ thết cậu bữa vang ấy”.

Đầu tiên chúng tôi phải đi làm thêm, tiếp viên ở các quán bar, sau đó là hai tuần “nghiên cứu” đi từ Liguria đến Cinque Terre ở miền đông rồi đến Monaco ở miền tây, và như Monika đã vạch ra thì “không cách bờ biển quá năm kilômét và lâu hơn năm giờ đồng hồ”.

Nhưng đã không giống như kế hoạch của chúng tôi. Khi đi từ nhà hàng này sang nhà hàng khác ở Genua chúng tôi có cảm tưởng là ở đó toàn các nữ sinh viên Ba Lan và những nhân viên bảo vệ người Nga làm việc. Không đủ tiền để vào khách sạn ở Genua, chúng tôi đành rút lui khỏi bờ biển và vào sâu trong đất liền, nơi mà mọi thứ đều rẻ hơn đến năm lần. Sau năm tuần không tiền, không cả hy vọng, chúng tôi đến Avegno, một địa điểm nhỏ nằm gần đường cao tốc chạy dọc theo Vịnh Genua. Khi chúng tôi dừng lại ở một quảng trường nhỏ có đài phun nước ở trung tâm thì trời đã về chiều. Một lúc sau có một đám rước đi qua. Những phụ nữ vận váy đen, đội mũ đen và che mặt bằng những tấm mạng đen. Chúng tôi biết rằng cái màu đen đó thể hiện một điều gì đó đặc biệt. Và chúng tôi đi theo họ. Cách quảng trường không xa là một nghĩa trang với rặng cam và một nhà tang lễ nhỏ màu trắng có cây thập tự trên nóc. Trong phòng tang lễ có một quan tài nhỏ được lót bằng nhung trắng, nằm trong đó là một bé gái mặc váy lụa. Một lúc sau một người trong đám phụ nữ bắt đầu cầu nguyện nghe khá rõ. Tôi quỳ xuống bên cạnh và cùng cầu nguyện với bà ta. Bằng tiếng Ý. Vì tôi biết cầu nguyện và chửi bằng mười hai thứ tiếng. Và điều đó chẳng liên quan gì đến Văn học Ý của tôi. Đó đơn giản chỉ là thực tế mà thôi.

Chiếc quan tài đã được chuyển đến tường trên một cái băng tải không nhìn thấy, vách ngăn kim loại mở ra và chiếc quan tài như bị hút vào phía trong bức tường ngăn cách phòng tang lễ với lò thiêu. Tất cả những người có mặt đều rền rĩ sợ hãi. Rồi im lặng bao trùm khắp gian phòng và nghe rất rõ tiếng lửa cháy. Để không nghe thấy, tôi bắt đầu cầu nguyện thành tiếng. Bằng tiếng Ý, Monika nhắc lại theo tôi còn to hơn, bằng tiếng Ba Lan.

Cha của chúng con…

Bỗng nhiên tất cả mọi người trong phòng cùng cầu nguyện bằng tiếng Ý.

Sau ít phút phía sau bức tường im lặng trở lại và người phụ nữ đang khóc từ hàng ghế thứ hai, vén tấm mạng che mặt, đi đến chỗ tôi và hôn lên tay tôi. Sau đó mọi người đi ra.

Monika vẫn quỳ. Tôi ngồi chắp tay lại, hoảng sợ nhìn trân trân vào cây thập tự trên bức tường kim loại. Mọi cái diễn ra thật nhanh. Quá nhanh. Đứa trẻ bị hoa thiêu, những bài kinh cầu nguyện và tất cả tản về nhà. Như là từ giảng đường.

Một người đàn ông thấp và rất béo đi vào nhà tang lễ. Ông ta đến chỗ Monika và nói gì đó với nó bằng tiếng Ý. Monika chỉ về phía tôi.

Mười lăm phút sau đó chúng tôi đã trở thành nhân viên của nhà tang lễ đó và của cả nghĩa trang kề bên. Chúng tôi có nhiệm vụ chuẩn bị quan tài, các bài kinh cầu nguyện trước lúc hỏa thiêu. Người đàn ông Ý béo tốt trả cho chúng tôi nhiều gấp ba lần bất cứ một nhà hàng nào ở Genua.

“Vì người ta thích và trả nhiều hơn khi một ai đó hoàn toàn xa lạ khóc những người thân của họ…” – ông ta nói.

Và chúng tôi đã làm những kẻ khóc thuê trong Công ty trách nhiệm hữu hạn Những đám tang Tốt nhất có trụ sở ở Avegno trong hai tuần. Tất nhiên là ở Agnevo có quá ít người chết để ông chủ nghĩa trang có những khoản thu nhập đáng kể, thành ra chúng tôi phải đi khóc và đọc kinh cầu cho các đám tang ở vùng lân cận: Cicagan, Nervi, Rapallo, Carasco, Comogli và thỉnh thoảng đến tận Monegli. Trong hai tuần, chúng tôi đã lót quan tài và khóc ba mươi tám lần cho đám tang của hai mươi hai ông, mười bốn bà và hai đứa trẻ con.

Cái ngày đầu tiên ấy, khi người ta thiêu xác đứa trẻ, anh vào phòng tang lễ và quỳ đối diện với tôi. Và anh nhìn vào mắt tôi khi tôi khóc. Sau đó, lúc chúng tôi quay ra quảng trường, anh ngồi bên đài phun nước. Hôm sau là đám tang của một cụ bà. Ngay từ chín giờ sáng. Đó là mẹ của ông thị trưởng Avegno. Người phụ trách phòng tang lễ yêu cầu chúng tôi khóc thật nhiều. Anh vào phòng tang lễ mười lăm phút trước khi tang lễ bắt đầu. Có lẽ anh không hiểu tại sao tôi cũng có mặt ở đó. Thêm vào đó, tôi còn quỳ bên quan tài và khóc như hôm qua. Sau đám tang, anh lại chờ bên đài phun nước và ở đó anh đã mạnh dạn hỏi tôi điều gì đó bằng tiếng Anh. Tôi đã biết anh như vậy đấy.

Anh nghỉ phép ở Liguria. Cùng với vợ. Ngày hôm đó vợ anh ở lại bãi biển Savona. Anh không thể ở ngoài bãi biển suốt ngày được. Nên đã thuê ô tô và “đi lòng vòng”. Và đến Avegno. Và vào phòng tang lễ ngay trước lúc người ta thiêu xác đứa trẻ.

“Còn em đã khóc đến nỗi anh nghĩ đó là con em, và anh đã xúc động, đã muốn ôm em để an ủi – anh nói vào mấy ngày sau đó, khi chúng tôi cùng ăn tối trong một nhà hàng ở cảng Genua. Và lần đầu tiên trong đời tôi đã xúc động bởi cái từ “ôm em” ấy. Tôi vẫn còn xúc động cho đến tận hôm nay.

Hai tháng sau ở Vacsava anh đã hôn tôi lần đầu tiên. Thực ra chúng tôi vẫn liên hệ với nhau, nhưng hôm ấy chúng tôi gặp nhau hoàn toàn ngẫu nhiên ở hiệu sách trên Thế Giới Mới. Tôi mua sách làm quà sinh nhật cho Monika. Cuốn sách mới nhất của Gretkovska, nữ tác giả mà tôi yêu thích. Anh cũng mua một cuốn giống hệt. Cho anh. Anh rụt rè hỏi tôi có thời gian đi uống một chút vang với anh trong quán cà phê không. Tôi rỗi. Chúng tôi đã uống cả một chai. Suốt từ sáng tôi chưa ăn gì. Mà là sáng của ngày hôm trước. Vì tôi vừa mới bắt đầu một đợt ăn kiêng. Mặc dầu vẫy tôi hoàn toàn chưa say. Anh thật quyến rũ. Khi anh nâng ly vang, tôi nhìn thấy cái nhẫn cưới ấy, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi ra về. Anh tiễn tôi đến tận nhà. Anh hôn tay tôi lúc tạm biệt. Một phút sau lại thấy anh quay lại. Anh đuổi kịp tôi ở tầng một và đơn giản là anh ôm và hôn tôi. Vào má nhưng không phải do thiện cảm. Đúng ra là anh đã dùng lưỡi để đẩy hai hàm răng tôi ra.

Sáng hôm sau anh gọi điện đến cơ quan cho tôi. Xin lỗi vì những gì đã xảy ra “ở cầu thang”. Buổi tối một ai đó đã mang đến nhà tôi những bông hoa của anh. Và tất cả những tập sách của Gretkovska, được gói trong một cái hộp các-tông bọc giấy bóng. Thỉnh thoảng anh đến dưới nhà tôi, hỏi qua điện thoại nội bộ, rằng tôi có thể đi dạo với anh không. Tôi xuống và chúng tôi đi dạo. Sau một thời gian, tôi chợt nhận thấy mình không còn gặp gỡ với bất kỳ ai vào buổi tối nữa và tôi sắp xếp kế hoạch của mình để có mặt ở nhà, để nhỡ anh có nẩy ra ý định đến chỗ tôi, bấm chuông và mời tôi đi dạo. Những ngày anh không đến, tôi thấy nhớ anh. Từ hồi đó, cho dù chưa thể gọi tên cái đã có giữa chúng tôi, tôi bắt đầu sắp xếp để cuộc sống của mình phù hợp với những kế hoạch của anh.

Từ hồi đó, tôi đã chờ tiếng chuông điện thoại, hay tiếng chuông cửa của anh. Từ hồi đó tôi đã không chịu nổi những ngày cuối tuần, tôi sung sướng mỗi khi thứ hai đến và tôi cứ liên tục kiểm tra điện thoại di động của mình. Như vậy tôi đã bắt đầu là người tình từ rất sớm. Thậm chí từ khi anh còn chưa biết đến điều đó.

Sau một tháng tôi bắt đầu mong rằng một lần nào đó, sau khi đi dạo, anh sẽ cùng tôi lên nhà. Nhưng anh chỉ thỉnh thoảng mới chạy lên tầng, như lần đầu, và hôn tôi.

Hai tháng sau, vào ngày sinh của tôi, anh đến vào buổi tối mang theo những tấm ảnh chụp hồi ở Liguria. Anh đã không báo trước cho tôi qua điện thoại. Đơn giản là anh bấm chuông, tôi mở cửa, đầu vẫn quấn khăn tắm, anh đứng đó với những bông hồng. Chúng tôi cùng xem ảnh và nhắc lại những kỷ niệm. Tôi không cả nhấc điện thoại để nhận những lời chúc mừng sinh nhật. Tôi thấy tiếc thời gian. Khi chúng tôi vào bếp để pha trà, anh đứng sau lưng tôi, vén áo len của tôi, mở khóa nịt vú và hôn sống lưng tôi. Tôi quay người lại, giơ hai tay lên, anh kéo cái ao lên của tôi qua đầu. Tôi nhắm mắt lại và trao cho anh làn môi mình.

Đương nhiên là anh rất độc đáo! Thực sự độc đáo. Khó lòng gặp anh ngoài đường hay nhìn vào mắt anh mà không cảm thấy đó là một con người đặc biệt, người mà ta muốn cùng chia sẻ thời gian. Và tôi ghen với vợ anh nhất chính là vì điều này. Tôi ghen vì chị ta có nhiều thời gian của anh cho riêng mình đến thế.

Vì trong thời gian ấy có thể nghe anh nói. Mà tôi thì trong tất cả những gì thấy ở anh, cái mà tôi thích nhất là được nghe anh nói. Trong những đêm của chúng tôi – tôi nghĩ có thể anh sẽ không hài lòng khi biết rằng – tôi nhớ những câu chuyện của anh chính xác hơn là những gì chúng tôi làm trước những câu chuyện đó.

Anh gọi cho tôi vào buổi sáng, vào ban ngày, thỉnh thoảng thậm chí cả vào ban đêm, và nói bằng một giọng hưng phấn không thể kìm nén: “Em nghe đây, anh có chuyện này phải nói với em ngay lập tức”.

Bình luận
× sticky