Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sống Chung Với Mẹ Chồng

Chương 6: Tình địch của Hy Lôi

Tác giả: Phù Thủy Dưới Đáy Biển

Hy Lôi bị ốm, sốt cao tới 39 độ, mặt đỏ bừng, sờ lên nóng bỏng cả tay. Từng giọt nước biển lạnh lẽo theo chiếc kim nhọn hoắt truyền vào cơ thể cô, cơn sốt giảm dần.

Mẹ chồng và Hứa Bân cùng trông Hy Lôi truyền nước, mẹ chồng cứ kiên quyết bắt Hứa Bân đưa Hy Lôi tới khoa sản, đã hơn một tháng nay cô không có kinh rồi.

Không lâu sau có kết quả kiểm tra, cô không mang thai. Điều này khiến mẹ chồng thấy thất vọng.

Hứa Bân rất lo lắng, hỏi bác sĩ:

– Nhưng cô ấy bị bệnh gì ạ? Cả ngày chẳng ăn được gì, lại hay mất ngủ, sắc mặt thì vàng vọt, còn tưởng là mang thai nữa!

Vị bác sĩ to béo nghe thấy thế bèn nói:

– Hay là bị bệnh trầm cảm! Năm ngoái có một sản phụ mắc bệnh trầm cảm, suýt nữa còn tự sát! Thử đưa tới khoa Thần kinh ở tầng 3 khám xem!

Từ khoa sản đi ra, mẹ chồng còn cằn nhằn:

– Bác sĩ bây giờ chỉ toàn lừa gạt người ta, không tiêu ít tiền ở bệnh viện của họ là không chịu bỏ qua, không tìm ra bệnh gì thì nói là bị trầm cảm, lần đầu tiên mẹ nghe nói có bệnh này đấy.

Hứa Bân dìu Hy Lôi yếu ớt đi, nói:

– Thôi cứ đi khám xem sao, nghe lời bác sĩ không sai đâu.

Ở khoa Thần kinh, cuối cùng bác sĩ cũng chẩn đoán Hy Lôi bị mắc bệnh trầm cảm nhẹ, kê cho Hy Lôi một ít thuốc, rồi lại dặn dò Hứa Bân:

– Bệnh trầm cảm không thể coi nhẹ được đâu, phải thường xuyên cổ vũ người bệnh, bớt thời gian dành cho sở thích, hứng thú của mình, thường xuyên ra ngoài vận động, trò chuyện với bạn bè, uống trà, giải trí, nếu có thể nữa thì đi du lịch, tạo cho cô ấy môi trường thoải mái, tự do, như thế sẽ đỡ hơn.

Hứa Bân gật đầu như bổ củi:

– Dạ tôi biết rồi ạ.

Từ bệnh viện đi ra, mẹ chồng vẫn thấy khó hiểu:

– Bọn bác sĩ này thật là thất đức, người không có bệnh mà vào bệnh viện cũng thành có bệnh!

Về tới nhà, đỡ Hy Lôi nằm xuống, uống thuốc xong xuôi, Hứa Bân lại phải đi làm. Vừa thấy Hứa Bân định đi, nước mắt Hy Lôi không nhịn được lại rơi xuống, ngồi dậy ôm chặt lấy cổ Hứa Bân:

– Ở nhà với em, em không muốn ở nhà một mình!

Hứa Bân oang oang nói:

– Sao lại ở nhà một mình, còn có mẹ anh mà. Ngoan nhé! – Nghe Hứa Bân nói thé, Hy Lôi buồn bã quay mặt đi. Nằm trên giường, đầu óc cô rối bời, cuối cùng mơ màng ngủ thiếp đi, một lát sau lại mơ thấy người phụ nữ áo trắng, rồi mơ thấy mình bị lạc đường, trong một tòa nhà rộng lớn và lạnh lẽo, có rất nhiều căn phòng, rất nhiều cánh cửa, Hy Lôi chạy khắp nơi tìm Hứa Bân, mở từng cánh cửa, nhưng bên trong chỉ trống không, cuối cùng, cô phát hiện một cánh cửa để ngỏ, bèn bước vào, vui mừng kêu lên:

– Hứa Bân, Hứa Bân, anh có ở đây không? – Bỗng dưng, một con quái vật mặt xanh từ trong phòng lao ra, nhe nanh múa vuốt, Hy Lôi giật mình tỉnh dậy khỏi giấc mơ, cả người toát mồ hôi lạnh.

Bên ngoài vang lên tiếng quét nhà của mẹ chồng.

Hy Lôi kéo chăn lên che kín mặt mình, che kín những giọt nước mắt vừa lau khô giờ lại trào ra. Khoảng thời gian vô âu vô lo trước kia đã biến mất như một cơn gió từ lúc nào?

Bữa tối, mẹ chồng nấu cháo trắng cho Hy Lôi.

Hy Lôi yếu ớt không muốn xuống giường. Hứa Bân bèn mang cháo vào phòng, dịu dàng, chu đáo:

– Nào, cô bệnh nhân nhỏ, nằm trên giường ăn cũng được!

Mẹ chồng vội vàng bước vào dặn dò:

– Ăn ở trên giường phải cẩn thận nhé, đừng làm bẩn chăn ga! – Trước khi đi, nhìn dáng vẻ ân ái của vợ chồng còn trai, bà không khỏi ngưỡng mộ, và có chút thương cảm, chua chát nói với bố Hứa Bân:

– Haiz, nhìn con trai kìa, đối xử với Hy Lôi tốt quá!

Hy Lôi tự cầm bát cháo, ăn từng miếng, cái món bình thường chẳng có chút mùi vị gì, giờ đây bỗng thơm ngon quá chừng. Hứa Bân nói:

– Ăn từ từ thôi, anh ra ngoài ăn cơm nhé!

Bên ngoài phòng khách, cả nhà vừa ăn vừa cười, không khí vô cùng ấm áp, Hy Lôi ở trong phòng, không biết vì sao lại rơi nước mắt, cô cảm thấy mình cứ như một người thừa.

Buổi tối Hứa Bân vừa vào phòng, Hy Lôi đã khóc, ôm lấy cổ Hứa Bân, nũng nịu:

– Anh đừng đi, ôm em đi! – Nước mắt cô thấm ướt cả áo Hứa Bân.

– Cưng, rốt cuộc thì em làm sao? Càng ngày càng giống Lâm Đại Ngọc, anh không phải là Giả Bảo Ngọc đâu đấy! Sao thế, có chuyện gì không vui thì nói ra? – Sự lo lắng hằn rõ trên mặt Hứa Bân.

Cuối cùng thì lần đầu tiên Hy Lôi cũng nói chuyện thẳng thắn với Hứa Bân:

– Hứa Bân, em muốn chuyển ra ngoài! Hai đứa mình ra ngoài sống đi!

Vừa nói xong, Hứa Bân đã lập tức phản đối:

– Thế sao được, chuyển ra ngoài thì ở đâu, vả lại bố mẹ chỉ có mỗi anh là con, anh với em chuyển ra ngoài rồi thì họ cô đơn biết mấy, vả lại, thế thì người xung quanh bàn tán ra gì nữa!

– Anh chỉ để ý lời bàn tán của người khác mà chẳng chú ý gì tới cảm nhận của em!

– Tóm lại là không thể chuyển ra ngoài được, em nói đi, chỉ cần không chuyển đi thì em muốn gì cũng được! – Hứa Bân nhượng bộ.

– Thế thì không chuyển ra ngoài cũng được! Em có yêu cầu, thứ nhất, mẹ anh không được tùy tiện ra vào phòng bọn mình, kể cả để quét dọn cũng không được, buổi tối em về sẽ tự quét dọn, em mà không có thời gian thì cứ kệ nó bừa bộn thế.

– Được rồi, được rồi! Để anh nói với mẹ. Còn gì nữa không?

– Thứ hai, yêu cầu anh và mẹ anh đừng có mấy cái hành vi biến thái ấy nữa, ví dụ như đi vệ sinh khi có mặt người kia trong phòng. Anh đã hai mấy tuổi đầu rồi mà trước mặt mẹ còn để lộ cái đấy, không xấu hổ à! Chuyện như lần trước mẹ vào phòng gọi anh dậy rồi mặc quần cho anh nữa, đừng để em nhìn thấy lần nữa.

– Chuyện này cũng tính ạ. Thôi được rồi. Còn không?

– Còn nữa, chủ nhật ngủ nướng không được gọi dậy, buổi sáng đi làm cũng không cần gọi em, em tự dậy được, ngày trước em đã bao giờ đi muộn đâu!

– Được! Có lòng tốt gọi em dậy mà cũng sai à!

– Cuối cùng, bảo mẹ anh việc lớn việc nhỏ gì đừng có chỉ nhắc tới tiền, nghe thô lắm!

Hứa Bân đồng ý hết:

– Thì em cao thượng, nhà anh thô tục. Được rồi, ngủ được chưa! Chỉ cần em vui để căn bệnh trầm cảm của em nhanh khỏe lại thì thế nào cũng được!

Tối hôm đó, Hy Lôi ngủ rất ngon, Ngủ một giấc tới sáng. Sáng sớm, tia nắng đầu tiên lọt qua khe cửa, chiếu vào phòng, khiến tâm trạng Hy Lôi cũng tốt hẳn lên. Đã lâu lắm rồi cô không nhìn thấy bầu trời rộng rãi và cảm nhận được tâm trạng thoải mái này.

2.

Mấy ngày sau đó, mẹ chồng cứ sa sầm nét mặt. Có lẽ vì Hứa Bân nói ra những yêu cầu của Hy Lôi khiến bà thay đổi một chút, không còn tùy tiện ra vào phòng con trai nữa,cũng không khoa tay múa chân sai bảo Hy Lôi nữa, khi ngồi cùng với Hy Lôi, bà cũng ít lời hơn, chiều nào nấu cơm xong, bà cũng đứng ngóng ngoài ban công xem chồng con đã về chưa rồi thở dài.

Tiếng thở dài này khiến tâm trạng vừa mới thoải mái hơn được của Hy Lôi lại trầm xuống. Cô biết, mẹ chồng cũng không vui vẻ, cô nhớ lại những câu mà Hứa Bân từng nói khi mẹ anh mất tiền, anh nói, bà chỉ cần đánh mất một thứ gì đó là có cảm giác thất vọng rất lớn.

Mỗi buổi tối, Hứa Bân bước vào phòng, thân ái gọi một tiếng “cưng”, quan tâm hỏi han, chăm sóc cô là Hy Lôi lại nhìn thấy ánh mắt của mẹ chồng, lạnh lùng, trách cứ.

Cũng may đến Tết rồi. Không khí Tết đã xua đi những điều không vui. Đây là lần đầu tiên Hy Lôi đón tết cùng người nhà Hứa Bân. Đêm Giao thừa, cả nhà bốn người ngồi trong phòng khách xem chương trình truyền hình đón xuân, tiếng cười trong tivi vang lên không ngớt, nhưng cả nhà thì lại có vẻ yên tĩnh. Hứa Bân luôn miệng kể chuyện cười để khuấy động không khí. Hy Lôi nhớ tới bố mẹ mình, em trai cô chắc là được nghỉ về nhà rồi. Năm ngoái, cô và em trai còn ở bên cạnh mẹ, đùa nghịch, ăn bánh sủi cảo mẹ làm, em trai cô còn ra ngoài đốt pháo, căn nhà nhỏ với mái ngói đỏ ấy tràn đầy hồi ức hạnh phúc của cô. Giờ đây, cô đã là vợ của người ta, mẹ cô nói đúng, cô không thể bướng bỉnh được nữa.

Hứa Bân đứng dậy đi rót nước, Hy Lôi nói:

– Nhân tiện rót hộ em một cốc nhé!

Hứa Bân rót nước xong đưa cho Hy Lôi, cô uống thử, âm ấm, lại còn có vị của mật ong, thì ra Hứa Bân đã pha trước cho cô nước mật ong. Hai người nhìn nhau cười.

Mẹ chồng nhìn thấy, tỏ vẻ không vui, lườm con trai một cái rồi thản nhiên nói

– Bân, mẹ thấy hơi lạnh!

Hứa Bân là người thông minh, lập tức hiểu ý:

– Ồ, để con đi lấy chăn cho mẹ nhé! Để mẹ lạnh rồi ốm thì nguy to! – Hứa Bân vào phòng lấy cho mẹ cái chăn, đắp lên đùi mẹ. Mẹ chồng hài lòng mỉm cười, xoa mặt con trai, khen:

– Con trai ngoan thật đấy! – Sau đó nhìn Hy Lôi một cái đầy thị uy.

Hy Lôi uống nước mật ong, giả bộ như không nhìn thấy.

Bởi vì cô sắp được gặp mẹ đẻ mình rồi. Mùng 2 Tết cô sẽ cùng Hứa Bân về nhà cô. Trái tim Hy Lôi đã bay về đó từ lâu rồi.

3.

Sáng sớm ngày mùng 2 Tết, Hy Lôi dậy sớm chải đầu, trang điểm rồi thay quần áo mới. Hứa Bân đứng cạnh trêu vợ:

– Đúng là về nhà mẹ có khác, tích cực hẳn lên!

Hy Lôi đang cảm thấy kỳ lạ, vì sao hôm nay mẹ chồng dậy muộn thế thì bố chồng từ phòng đi ra:

– Hứa Bân, con vào xem mẹ con thế nào, hình như bị ốm rồi.

Hứa Bân nghe thấy vậy, vội vàng chạy sang phòng mẹ xem. Mẹ anh nằm co người trong chăn, hai mắt nhắm người, miệng rên hừ hừ. Anh lại gần sờ trán bà, hỏi:

– Mẹ, mẹ không khỏe chỗ nào! Có bị sốt đâu!

Mẹ chồng mở mắt ra, trông có vẻ rất đau đớn, các nếp nhăn trên mặt thoáng giật giật, mệt mỏi nói:

– Con trai ơi, hình như mẹ ốm rồi, cả người chẳng có tí sức lực nào, khó chịu quá!

Bố chồng lúc này mang nhiệt kế tới, Hứa Bân đo nhiệt độ cho mẹ, vẫn bình thường. Rồi anh lại lấy máy đo huyết áp trong hộp thuốc ra, mọi thứ đều bình thường.

Không tìm được nguyên nhân, Hứa Bân thở dài:

– Thế để bố đưa mẹ đi bệnh viện!

Mẹ chồng giữ tay Hứa Bân lại:

– Con đưa mẹ đi bệnh viện đi! – Hy Lôi đứng ở cửa ngay hiểu ra tất cả, mẹ chồng không bị bệnh, bà chỉ muốn giữ con trai lại, không muốn Hứa Bân đưa cô về nhà.

– Mẹ, có phải bệnh gì nặng đâu, bảo bố đưa mẹ đi là được. Hôm nay con còn phải đưa Hy Lôi về nhà, ngồi xe mất ba tiếng đồng hồ cơ! Mẹ quên rồi à! – Hứa Bân nói.

Mẹ chồng chỉ đành làm ra vẻ độ lượng:

– Thế thì con đi đi, mẹ không sao. Mặc ấm vào nhé!

– Dạ vâng, thế con đi đây! Bảo bố đưa mẹ đi khám nhé!

Đi ra tới cửa, mẹ chồng lại gọi Hứa Bân:

– Con trai, tới đấy thì ăn gì!

Hy Lôi nghe vậy, đáp:

– Mẹ yên tâm đi, tối qua mẹ con đã bắt đầu chuẩn bị nhiều món ngon lắm rồi.

Mẹ chồng hơi thấp giọng:

– Mẹ con thì biết làm món gì, Hứa Bân ăn không quen thức ăn người khác làm. – Hy Lôi nghe vậy, chẳng biết từ đâu mà cơn giận lại bốc lên, cố ý nói:

– Nếu không được thì xem nhà mình có gì, mẹ làm cho anh ấy mang đi.

Mẹ chồng thấy con dâu nói thế, tưởng là thật, lập tức không còn khó chịu nữa, chuẩn bị xuống giường. Bố chồng thấy thế bèn lên tiếng dàn hòa:

– Thôi được rồi, ngày Tết, nhà ai mà không có đồ ăn. Chỉ em mới có chắc.

Mẹ chồng bị bố chồng nói thế, lại nằm lại lên giường, nói:

– Thì em cũng sợ con trai mình ăn không no thôi!

Hứa Bân bất lực mỉm cười, cùng Hy Lôi ra cửa.

4.

Ngồi lắc lư trên xe khách hai, ba tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng về tới nhà.

Đã là 12 giờ trưa, mẹ cô chuẩn bị một bàn đầy thức ăn, chỉ chờ hai vợ chồng Hy Lôi.

Cậu em trai Hy Quân chạy ra, đón các túi lớn túi nhỏ trên tay Hy Lôi, hơn một năm không gặp, cậu đã cao hơn cả cái đầu, trên mặt lốm đốm vài nốt trứng cá, nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đáng yêu của một cậu thiếu niên. Mẹ cô cũng chạy ra, nhiều tháng không gặp, hai mẹ con nắm tay nhau, hàn huyên đủ chuyện. Hứa Bân biếu bố vợ cây thuốc lá mà ông thích hút, bố cười thích chí lắm. Mọi người cùng ngồi xuống, lúc này Hy Lôi mới để ý thấy một cô gái ngồi cạnh Hy Quân. Mái tóc đuôi gà buộc cao, nhuộm màu nâu đỏ, đôi mắt rất đẹp, gương mặt trẻ trung, thanh tú, giây phút đó, Hy Lôi phảng phất như nhìn thấy bản thân mình hồi đại học, mới tốt nghiệp hơn hai năm mà đã thấy mình già đi nhiều quá.

Cô cười cười hỏi Hy Quân:

– Cô em này là ai thế, em không giới thiệu cho chị sao!

Hy Quân bẽn lẽn cười:

– Cô ấy tên là Phó Hinh Doãn, bạn gái em!

Cô gái rất ngoan ngoãn, chào:

– Em chào chị!

Mẹ cô mang canh tới, gọi mọi người ăn cơm. Lúc này thì điện thoại của Hứa Bân đổ chuông, anh ra ban công nghe điện thoại.

Hy Lôi chép miệng:

– Không cần hỏi, chắc chắn là mẹ anh ấy, con trai, ăn cơm chưa, con trai, có lạnh không, cứ như thể tám đời chưa được gặp con trai ý. – Hy Lôi về tới nhà mình, cảm giác từng tế bào trên cơ thể đều được thả lỏng ra, nói về những lời cằn nhằn không ngớt của mẹ chồng, lại còn học theo giọng điệu của mẹ chồng để nói khiến Hy Quân và bạn gái cậu cười khanh khách.

Bố lườm Hy Lôi một cái:

– Cái con bé này!

Mẹ cũng phê phán Hy Lôi:

– Chẳng biết lớn nhỏ gì cả, sau lưng mẹ chồng mà nói xấu như thế thì còn ra gì!

– Mẹ không biết đâu, bà ấy là thế, còn quá đáng hơn ý chứ! – Hy Lôi cố giải thích.

Đang nói thì Hứa Bân quay vào, hiền hòa cười:

– Là mẹ anh, hỏi vợ chồng mình về tới nơi chưa!

Lúc ăn cơm, Hy Quân liên tục gắp thức ăn cho bạn gái. Mẹ và Hy Lôi nhìn rồi cười với nhau.

Mẹ gắp cho Hy Lôi một cái đùi gà, rồi lại múc cho Hy Lôi một bát canh sườn, xót xa nói:

– Sao mà con gầy thế, có phải là lại giảm cân không?

– Dạ không! Cả ngày con bị Hứa Bân chọc tức nên no rồi, không ăn được cơm. – Hy Lôi nguýt Hứa Bân.

– Sao lại nói thế? Hứa Bân, Hy Lôi bướng lắm, con nhường nó một chút! – Mẹ nói.

Hứa Bân cười cười:

– Con có dám chọc tức cô ấy đâu ạ, cô ấy làm công việc viết lách, sống kiểu trên mây, không ăn uống như người phàm trần nên mới gầy đi.

Sự hài hước của Hứa Bân khiến cả nhà cùng cười vang.

Ăn cơm xong, em trai đưa bạn gái về phòng riêng để lên mạng. Mẹ thu dọn bát đũa đi vào bếp. Hy Lôi nghĩ lại mình ở nhà Hứa Bân ngày nào cũng phải rửa bát, bây giờ thi thoảng về nhà một lần, càng nên giúp mẹ làm việc gì đó. Thế là cô theo mẹ vào bếp.

Hai mẹ con được ở riêng với nhau trong bếp, thế là những chuyện để nói cũng nhiều hơn.

Mẹ hỏi:

– Sao hả? Ở với nhà họ thế nào? Họ có tốt với con không?

– Không thể nói là không tốt, nhưng mà nói thế nào nhỉ, cứ thấy gượng gạo sao ý, khó chịu, bí bức. Con sắp điên lên mất. – Hy Lôi không muốn mẹ mình lo lắng, cuối cùng chỉ nói nhẹ nhàng một câu, – Haiz, nhưng mà nhà nào chả thế. Chỉ có mẹ mình là tốt nhất!

Trong lòng mẹ thấy thật ấm áp, bà cười:

– Bây giờ biết là mẹ tốt rồi à! Nhưng mà Hy Lôi thực sự thay đổi rất nhiều rồi! Còn biết giúp mẹ rửa bát nữa. Ở nhà người ta cũng phải chăm chỉ một chút, dù sao cũng là mẹ chồng, không thể chiều chuộng con mọi việc như mẹ đẻ được, biết chưa?

– Con biết mà!

Lại nghe thấy tiếng chuông điện thoại di động của Hứa Bân. Hy Lôi chu môi, ra hiệu bảo mẹ mình nghe.

– Mẹ. Gọi điện thoại liên tục, có việc gì không? Dạ, con ăn rồi, ôi trời, thì tết mà, ăn cái gì, thì cá với thịt, thế thôi. Không lạnh, nhà cô ấy có lò sưởi, không lạnh, đúng rồi, mẹ đi khám bệnh chưa, vẫn khó chịu à. Được rồi, lát nữa bọn con sẽ về.

Mẹ nghe thấy vậy, không nhịn được bật cười:

– Yêu con trai thế, sợ con trai ở nhà mẹ ăn không no à. Mẹ vợ thương con rể còn chẳng kịp nữa là! Đúng thật là… Con nhìn Hy Quân nhà mình, cũng ra ngoài học tập, một tháng mẹ gọi điện cho nó một lần, nó còn nói mẹ không thương nó, chỉ thương con. Con trai mà, phải buông tay ra thì mới lớn, mới trưởng thành được.

Nói tới em trai, Hy Lôi nhớ lại đôi trẻ đang ở trong phòng, nói:

– Bạn gái của Quân Quân khá lắm, thằng nhóc này có mắt nhìn thật.

– Đúng thế, các con lớn rồi, tự có khả năng nhận thức, mẹ bớt phải lo lắng hơn! Giờ mẹ cũng chẳng phản đối gì, nếu sau này đến được với nhau thì mua cho chúng nó một căn nhà sống riêng, tết nhất về thăm bố mẹ là được rồi. Mấy năm nữa bố mẹ nghỉ hưu, có con thì đưa đến bố mẹ trông cho, không cần bố mẹ nữa thì bố mẹ ở nhà rèn luyện sức khỏe, có thời gian thì đi du lịch, sống cho thoải mái.

Hy Lôi ôm vai mẹ, thở dài:

– Nếu mà mọi bà mẹ trên đời này đều vậy thì tốt quá.

Hai mẹ con vừa mới quay vào phòng khách ngồi thì điện thoại của Hứa Bân lại đổ chuông:

– Mẹ, sao lại gọi điện thoại nữa? Còn chưa đi, lát nữa là về, con về giờ đây.

Mẹ vợ thấy điện thoại Hứa Bân vang lên liên tục thì hỏi:

– Hứa Bân này, mẹ con gọi điện thoại nhiều thế, có phải là ở nhà có việc gì không!

Hứa Bân ngượng ngùng đỏ mặt, ấp úng:

– Buổi sáng mẹ con thấy không khỏe trong người nên muốn con về sớm.

– Sao không nói sớm cho mẹ biết, thế thì mẹ không giữ hai đứa nữa, mau về đi!

Hứa Bân như được phóng thích, rối rít xin lỗi bố mẹ vợ, nói là lần sau có thời gian sẽ tới thăm họ. Hy Lôi miễn cưỡng mặc áo khoác vào rồi nói tạm biệt mọi người. Em trai và bạn gái cũng ra tiễn. Nhìn cả gia đình mình đoàn viên, hạnh phúc, Hy Lôi gượng gạo mỉm cười, cố không để nước mắt rơi ra.

Về tới nhà, mẹ chồng chẳng làm sao cả, đã xuống giường nấu cơm được rồi, vừa thấy Hứa Bân quay về là bà lập tức cười nói đon đả, luôn miệng hỏi con trai có lạnh không, có đói không. Hy Lôi thấy vậy, giận dỗi bỏ về phòng nằm, không ra ăn cơm.

Hứa Bân gọi cô mấy lần, Hy Lôi chỉ nói không đói, không muốn ăn.

Cô nghe thấy tiếng mẹ chồng cằn nhằn bên ngoài:

– Làm sẵn cơm cho mà còn không ăn, muốn người ta bê vào tận nơi cho chị à! Ở nhà nó cũng thế phải không!

Hy Lôi trùm chăn kín đầu, mọi âm thanh ồn ào bên ngoài lập tức biến mất.

5.

Hôn lễ của Mai Lạc ấn định vào ngày mùng 8 tết, nghe nói hôm đó là ngày hoàng đạo, may mắn. Họ đã mời họ hàng thân thích ở nhà Tùng Phi, còn ở thành phố chỉ làm mấy mâm cơm chiêu đãi bạn bè.

Mai Lạc mặc cái áo xường xám màu đỏ, son môi cũng đỏ, hạnh phúc như chú chim non, len lỏi giữa các bàn ăn để chúc rượu mọi người.

Hy Lôi cho Mai Lạc một cái bao lì xì rất to, ngưỡng mộ bạn vô cùng:

– Bạn thân yêu của tớ, ngưỡng mộ cậu quá!

Đang nói thì bị Hứa Bân ngắt ngang:

– Ôi trời, suốt ngày ngưỡng mộ người khác, cứ như là anh làm gì khiến em ấm ức lắm.

Hy Lôi chép miệng:

– Không phải chắc, anh có chu đáo như Tùng Phi không? Anh có tận tâm như Tùng Phi không?

Mai Lạc lại rót rượu cho Hy Lôi:

– Được rồi, được rồi, tớ thấy Hứa Bân cũng được mà, nếu không thích thì hai đứa mình đổi!

– Xì…

Giữa bữa tiệc, Mai Lạc và Hy Lôi cùng vào nhà vệ sinh, nói tới chuyện mẹ chồng của Hy Lôi. Vừa nhắc tới mẹ chồng, Hy Lôi cứ như được bật công tắc:

– Bà ấy bây giờ càng ngày càng biến thái, cứ như thể là tớ cướp con trai của bà ấy, cả ngày độc chiếm con trai của bà ấy vậy. Mùng hai, Hứa Bân với tớ về nhà một chuyến, cậu không biết đâu, bà ấy gọi điện thoại liên tục, còn kiếm cớ giục anh ấy về. Trời ơi, tớ sắp điên mất.

Thấy Hy Lôi có vẻ mệt mỏi, Mai Lạc cười:

– Cậu chưa nghe nói sao? Cả đời phụ nữ có ba tình địch, đó là máy tính, bóng đá và mẹ chồng. Cậu sẽ phải chiến đấu với 3 tình địch đó cả đời, chấp nhận đi!

– Thế nên tớ mới ngưỡng mộ cậu, sao cậu chẳng có ba tình địch đó thế!

– Ai bảo là tớ không có, máy tính và đá bóng là hai thứ Tùng Phi thích nhất, tớ chỉ xếp thứ 3 thôi, ít hơn cậu một tình địch, đó là không bị mẹ chồng quản thúc.

Trên đường về nhà, Hy Lôi nhớ lại những lời Mai Lạc nói, nhớ lại tình địch ở nhà mình, lại thở dài. Mẹ chồng! Vì sao lại trở thành tình địch nhỉ, con với mẹ chỉ là cùng yêu một người đàn ông chứ có phải là cướp mất người ta đi đâu!

Buổi tối lúc ăn cơm, Hứa Bân nói về đám cưới đơn giản của Mai Lạc, vô tình nói tới chuyện nhận tiền mừng. Mẹ chồng vốn nói chuyện rất ít với Hy Lôi, nhưng không nhịn được vẫn thăm dò:

– Con mừng Mai Lạc bao nhiêu tiền?

Hy Lôi chẳng nghĩ ngợi gì, thật thà đáp:

– 500 tệ!

– Thế hồi con cưới cô ta mừng bao nhiêu?

– Con quên rồi. Hình như là 200. Tấm lòng là chính, tùy khả năng kinh tế của mọi người thôi.

Mẹ chồng vừa nghe đã vậy đã thở dài thườn thượt:

– Haiz. Con bé này, sao mà thật thà với người ta thế, con nhiều tiền lắm à!

– Người ta cho bao nhiêu thì con trả bấy nhiêu sao, việc gì phải tính toán rõ ràng thế. Ngày trước con thuê nhà sống chung với Mai Lạc, cô ấy luôn chăm sóc con, đâu chỉ được tính bằng 500 tệ. Với lại họ mua nhà cũng hơi thiếu tiền! Mừng tiền là kinh tế nhất.

– Con mừng nhiều thế mà cũng không bàn bạc với Hứa Bân một tiếng, sao mà ngốc thế!

Mắt cô như tóe lửa, Hứa Bân nghe thế giật nảy mình, vội vàng nói khẽ:

– Mẹ, đừng nói nữa, ăn cơm đi!

Mẹ chồng vẫn không buông tha:

– Sao hả, không được nói sao, nhà mình lắm tiền lắm à, lại còn sĩ diện!

Cuối cùng Hy Lôi không chịu được nữa:

– Con mừng Mai Lạc bao nhiêu tiền chẳng liên quan gì tới chuyện tiền nhà mình nhiều hay ít cả, con mừng bạn tiền của con, con muốn mừng bao nhiêu thì mừng, nó thể hiện tấm lòng của con, chứ không phải là vì con sĩ diện. Con cũng chẳng có gì để mà sĩ.

Hy Lôi buông bát đũa, đứng lên đi vào phòng ngủ. Mẹ chồng đứng lên, chuẩn bị nói lý một hồi nữa nhưng bị Hứa Bân và bố chồng ngăn lại.

Cô nằm trên giường, đôi mắt vô hồn nhìn chằm chằm lên trần nhà, lại nhớ những lời Mai Lạc nói, bật cười không thành tiếng: Mẹ chồng, không chỉ là tình địch, mà còn là kẻ đang rắp tâm xâm lược lãnh thổ của bạn, cuối cùng sẽ trở thành thực dân thống trị bạn. Không, tuyệt đối không thể thế được!

Bình luận