Ngày nào Hy Lôi cũng ngồi xe buýt đi làm, có lúc may mắn thì có chỗ ngồi, còn được chợp mắt ngủ bù một lát, hôm nào không có chỗ, đành chen chúc trong đám người, tay giữ chặt cái vòng bên trên, có lúc cô nghĩ, cứ treo mãi như thế chẳng khác nào con vịt quay, rồi cô lại bật cười trước cách ví von hình tượng của mình, sau đó lại cảm thấy mình thật là đáng thương, cuộc sống tối tăm, chẳng có tiền đồ.
Sáng sớm hôm nay, Hy Lôi cũng như đa số mọi khi, treo tay trên xe buýt, tình cờ nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy một người phụ nữ đang vội vã đi trên đường, đó chẳng phải là Mai Lạc sao? Trong tay Mai Lạc còn xách theo túi lớn túi bé, đang nhiệt tình nói cái gì đó với một bà già bên cạnh. Hy Lôi tưởng là mình chưa tỉnh ngủ hoa mắt, khi dụi mắt nhìn lại thì xe đã chạy đi xa rồi.
Tới cơ quan, cô gọi điện thoại cho Mai Lạc. Đầu bên kia vang lên tiếng thở hổn hển của Mai Lạc:
– Hy Lôi à, sao mới sáng sớm đã gọi điện thoại cho tớ thế? Mệt chết mất.
– Cậu làm gì mà mệt thế?
– Vừa mới lên cầu thang.
– Hình như tớ vừa nhìn thấy cậu ở đường Thiên Đàn Tây, mặc cái áo màu xanh, tay còn xách túi lớn túi nhỏ! Đúng cậu không?
– Đúng tớ đấy, vừa tới ga tàu hỏa đón người về?
– Đón ai thế?
Mai Lạc bỗng dưng hạ thấp giọng:
– Mẹ chồng tớ. Anh chị dâu của Tùng Phi ở quê đều đi làm thuê cả, ở nhà còn mỗi bà già, mẹ anh ấy mấy hôm nay dạ dày lại khó chịu, muốn tới khám bệnh. Hôm nay anh ấy còn phải đi làm, thế là tớ phải đi đón mẹ chồng.
Hy Lôi nhớ lại tình cảnh đau khổ của mình hiện nay, bất giác thấy lo cho Mai Lạc:
– Khám bệnh xong rồi có về không? Bà ấy thế nào, dễ sống không?
Mai Lạc vẫn có vẻ rất thoải mái:
– Yên tâm đi, bà khám bệnh xong là về, hơn nữa bà tốt tính lắm, tớ về nhà anh ấy hai lần, đối xử với tớ tốt lắm. Chỉ là nói chuyện thì tớ nghe không hiểu lắm thôi, hi hi!
– Thế thì cậu bảo trọng nhé, chăm sóc tốt cho con gái nuôi của tớ đấy! – Hy Lôi không quên đùa với Mai Lạc.
– Sao cậu biết là con gái, nói không chừng lại là con trai đấy.
– Tớ thích con gái, ngoan ngoãn, xinh đẹp, thông minh, giống mẹ, là cục cưng của mẹ.
– Ha ha, tuân lệnh, để đáp ứng nguyện vọng của mẹ nuôi, tớ sẽ cố gắng sinh một đứa con gái cho cậu chơi!
Cúp điện thoại, Tiểu Lộc đã vội vàng chạy vào gọi Hy Lôi đi họp:
– Còn 5 phút nữa, đừng quên, nghe nói có chuyện quan trọng cần tuyên bố.
Trong cuộc họp, vẫn như mọi khi, Chủ biên nói rất nhiều vấn đề liên quan tới tạp chí, hướng phát triển tương lai, ý kiến của độc giả, cuối cùng mới tuyên bố một chuyện quan trọng, cũng chính là việc di dời địa điểm tòa soạn mà đã có lời đồn từ lâu. Cuối cùng địa điểm mới cũng được xác định, đó là chuyển sang một tòa nhà văn phòng cao cấp hơn cách đây mấy con phố.
Hy Lôi nghe xong, trong lòng thầm kêu khổ, việc mà cô lo lắng cuối cùng cũng xảy ra. Nếu chuyển tới địa chỉ mới thì lại càng xa nhà hơn, mười mấy bến xe buýt có nghĩa là cô phải dậy sớm hơn mỗi sáng.
Quay về văn phòng, Tiểu Lộc thấy mặt mày Hy Lôi ủ rũ thì hỏi:
– Sao mà có vẻ không vui thế?
– Thì về chuyện chuyển địa chỉ tòa soạn chứ còn gì.
– Đây là chuyện tốt mà, chứng tỏ ông chủ của chúng ta thực lực hùng hậu, tạp chí có sự tiến bộ, nghe nói môi trường ở bên đó rất tốt, vừa rộng rãi vừa sáng sủa, văn phòng thì thoáng gió, ánh sáng tốt, phía Nam còn có một công viên, hàng ngày bọn mình cắm mặt vào máy tính, mệt rồi thì ra đó hít thở chút không khí trong lành, ngắm màu xanh để thả lỏng mắt. Có gì mà cậu phải buồn?
– Những cái này tớ đều biết, nhưng chỗ đó cách xa nhà tớ quá, sau này tớ lại phải dậy sớm hơn để đi làm. Ngủ không đủ nhanh già lắm.
– Chuyện này thì quá đơn giản, chắng phải nhà họ rất có điều kiện sao, giờ cậu có lý do chính đáng rồi, mua một chiếc xe đi.
– Tớ cũng có chút tiền, nếu họ có thể cho thêm một ít thì mua cái xe rẻ rẻ cũng được. Nhưng mẹ anh ấy sống kiểu đó thì chắc chắn không đồng ý đâu!
– Bảo chồng cậu nói với mẹ chồng! Nịnh chồng nhiều vào thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn.
Hy Lôi vừa nghĩ tới chuyện đó đã thấy đau đầu, Tiêu Hồng nói phải nịnh mẹ chồng thì mới dễ sống hơn, giờ Tiểu Lộc nói phải nịnh chồng thì dễ sống hơn, một cuộc sống đơn giản mà vì sao cứ phải dùng nhiều tâm tư và thủ đoạn như thế, thế thì ai sẽ là người nịnh cô!
2.
Buổi tối cô kể với Hứa Bân chuyện vì cơ quan chuyển đi quá xa nên muốn mua xe, không ngờ anh đồng ý cả hai tay, lập tức nói luôn:
– Được thôi, nhưng nói trước, anh lái xe, hàng ngày anh đưa em đi làm, đón em về.
Hy Lôi vui vẻ hôn một cái thật kêu lên trán Hứa Bân:
– Không vấn đề gì, em lái xe cũng không giỏi, lại lắm quy định giao thông, đương nhiên là anh lái rồi, cùng đi làm để thắt chặt tình cảm! Nhưng mẹ anh có đồng ý không?
Hứa Bân vò đầu, có vẻ hơi lo lắng:
– Đúng thế, nếu đã mua xe thì ít nhất cũng phải mua cái khoảng 7, 8 vạn tệ. Mẹ để dành được rất nhiều tiền, nhưng không biết là cho được bao nhiêu.
Hy Lôi vừa nghe thấy thế đã có tinh thần, nghĩ ngợi một lát rồi nói:
– Chỉ cần anh nói ngọt cho mẹ nghe, mẹ đồng ý thì anh yên tâm, em có 3 vạn.
– Được thôi, em đúng là tinh ranh, tiền ở đâu ra thế? Lén giấu anh lập quỹ riêng à.
– Thì hồi cưới mẹ em cho 1 vạn, em không nói với anh, với lại em viết bản thảo du lịch cho tạp chí khác, cộng thêm tiền thưởng tết, tổng cộng là 3 vạn. Vốn định để dành tiền để sau này mua cái nhà nhỏ hai đứa sống với nhau, nhưng giờ không chuyển ra ngoài được nữa thì mua xe vậy!
– Thế này thì đơn giản rồi, chúng mình có 3 vạn, bảo mẹ cho thêm một ít, chắc chắn là mẹ đồng ý.
– Sau này cuối tuần bọn mình có thể lái xe đi chơi, tới nhà bà nội cũng tiện, em cũng có thể thường xuyên về nhà mình.
Chẳng mấy khi tâm trạng Hy Lôi tốt như thế, Hứa Bân và Hy Lôi bèn nói thêm vài chuyện:
– Dạo này không có tin tức gì của Mai Lạc, hai em cũng không ra ngoài dạo phố với nhau hả.
– Cô ấy có lẽ giờ không có thời gian đi dạo phố với em rồi. Cô ấy đang buồn kia kìa, vừa mới mang thai, nghén dữ lắm, làm gì có tâm trạng mà đi chơi với em. Mẹ chồng lại mới lên. Nhà thì bé xíu, sống kiểu gì được!
– Đàn bà bọn em sao cứ nhắc tới mẹ chồng là lại thế, cứ như thể mẹ chồng tới là thiên hạ đại loạn không bằng. Mẹ chồng thì làm sao, mẹ anh ngoại trừ việc nói nhiều một chút thì đối với em tốt biết bao, còn giặt quần áo cho em nữa.
Hy Lôi vừa nghe thấy vậy, đành tiếp lời Hứa Bân:
– Mẹ anh tốt, mẹ anh tốt, trong mắt anh thì mẹ anh là tốt nhất, mẹ anh mà tài trợ cho bọn mình mua xe thì mới gọi là tốt!
– Cứ chờ đấy! Chỉ cần anh xuất quân thì chắc chắn không có vấn đề gì!
Tối hôm đó Hy Lôi ngủ rất ngon, nghĩ sau này không cần phải dậy sớm, cũng không cần phải chen chúc trên xe buýt là Hy Lôi đã có thể ngủ một mạch tới sáng.
3.
Không biết Hứa Bân uốn ba tấc lưỡi của mình để thuyết phục mẹ như thế nào, lúc ăn cơm, Hy Lôi nghe giọng điệu hỏi han của mẹ có vẻ rất kịch.
Mẹ chồng nói:
– Cơ quan con chuyển địa điểm à? Xác định chưa?
– Xác định rồi ạ, cuối tuần này là chuyển!
– Thế các con định mua xe gì, bao nhiêu tiền?
Hứa Bân trả lời:
– Ít nhất cũng phải 6, 7 vạn, rẻ quá thì không đi được.
Mẹ chồng lại hỏi:
– Thế hai đứa có bao nhiêu tiền rồi?
Xem ra Hứa Bân đã nói cho mẹ chồng biết chuyện Hy Lôi có tiền để dành, Hy Lôi đành thành thật nói:
– Con có 3 vạn, nếu mẹ đồng ý mua xe cho bọn con thì thêm khoảng 3, 4 vạn nữa là đủ.
Mẹ chồng uống mấy ngụm canh, một lúc lâu không nói năng gì. Bố chồng nãy giờ vẫn im lặng thì lên tiếng:
– Muốn mua thì mua đi, bố ủng hộ các con, tiền để phục vụ cho con người mà. Xảo Trân, em thấy đúng không?
– Được thì được, sau này chúng mình ra ngoài làm gì cũng tiện, chủ yếu là, con xem, mua xe thì dễ nhưng nuôi được cái xe thì khó, mẹ thấy trên báo nói phải đóng tiền đi đường, hình như tiền xăng dầu cũng lên giá, đây là một khoản không nhỏ đâu.
Hứa Bân thấy mẹ có vẻ do dự thì như trẻ con làm nũng:
– Mẹ, mẹ đừng nghĩ nhiều thế nữa, chỉ cần mẹ ủng hộ, những việc sau đó mẹ không phải lo, mẹ, được không? Mẹ là tốt nhất rồi!
Mẹ chồng nghe con trai nói ngọt như thế thì mặt như nở hoa, lập tức đồng ý:
– Được rồi, được rồi! Hai đứa đi xem xe trước đi, xem xong lúc nào phải trả tiền thì mẹ đi rút tiền cho.
Hứa Bân vui vẻ ôm mẹ hôn một cái:
– Mẹ, mẹ tốt thật!
Ăn cơm xong, Hy Lôi vội vàng giành đi rửa bát, nghe tiếng bát đũa chạm vào nhau thật là vui tai. Không ngờ mẹ chồng bình thường hay cằn nhằn, tính tình quái gở mà có lúc lại thông tình đạt lý như thế, xem ra lúc trước Hứa Bân nói đúng, mẹ anh tiết kiệm cũng là vì cái nhà này, xem ra Tiểu Lộc nói đúng, nịnh chồng thì sẽ dễ sống hơn, chồng dù sao cũng có trọng lượng trước mẹ chồng hơn là cả trăm câu nói của con dâu.
Cuối tuần, Hy Lôi và Hứa Bân cùng đi xem xe.
Vừa tới cửa hàng xe, Hy Lôi đã thấy hoa hết cả mắt, bình thường đi dạo phố thấy quần áo rất nhiều, không ngờ ở cửa hàng xe, các loại xe cũng thật là đa dạng, nhìn mà đau cả đầu. Xe đua cao cấp, xe vượt địa hình, trong phút chốc, những chiếc xe này kích thích quyết tâm nỗ lực làm việc để có một cuộc sống tốt hơn của Hy Lôi.
Hy Lôi chỉ vào một chiếc:
– Hứa Bân, em thích cái này.
– Thích cái đầu em ý, anh cũng thích, hơn 50 vạn đấy! Đừng có xem mấy cái ngoài dự toán.
Hy Lôi chỉ đành đi tiếp, để người bán hàng giới thiệu một chiếc xe khoảng 6, 7 vạn. Anh chàng trẻ tuổi giới thiệu cho Hy Lôi một chiếc, Hy Lôi ngồi thử lên để cảm nhận, cũng không tệ, bề ngoài cũng được, nhưng Hứa Bân lại thích một cái khác, cuối cùng mỗi người một ý, chẳng ai nhường ai. Hai người gần như cãi nhau ngay ở đó. Hứa Bân nói:
– Ngày nào anh cũng xem tạp chí xe hơi, chẳng nhẽ lại không hiểu nhiều hơn em? Em thích cái xe gì trông rách thế!
– Em cứ thích thế, em bỏ tiền ra chẳng nhẽ không được mua xe mình thích.
– Thế thì một mình em bỏ ra mà mua.
Hy Lôi giận quá không nói được lời nào.
Buổi tối về nhà, hai người đều buồn rầu không vui. Bố mẹ hỏi chuyện mua xe, Hứa Bân vẫn còn nổi giận:
– Con thích một chiếc, cô ấy cứ nói là không đẹp, cô ấy thích một cái đẹp nhưng không thực dụng, thật là…
Mẹ chồng nghe vậy, khuyên Hy Lôi:
– Mua xe mà, phải nghe đàn ông, con là đàn bà, việc gì mà nhiều ý kiến thế. Mua cho ai đi?
Hứa Bân nói:
– Đương nhiên là con đi rồi!
– Sao em không được đi, em cũng biết lái xe mà.
– Em lái xe, em mà lái xe ra đường thì thành sát thủ, anh không có tiền đâu mà đền.
Bố chồng khuyên:
– Được rồi, được rồi, ý kiến không thống nhất thì tuần sau lại đi xem, hai bên nhường nhau một chút, suy nghĩ lại đi.
4.
Tạp chí chuyển tới địa chỉ mới như đúng kế hoạch ban đầu. Thực sự giống như những gì mà các đồng nghiệp miêu tả, thông từ Bắc sang Nam, đằng sau là công viên, buổi sáng ánh mặt trời rạng rỡ. Bàn làm việc của Hy Lôi sát cửa sổ, mở cửa sổ ra là một luồng không khí tươi mới ùa vào, cô hít sâu một hơi, vặn mình một cái, nói:
– Tuyệt quá, được làm việc trong môi trường như thế này thì mới có thể nâng cao hiệu quả làm việc chứ! Ông chủ thật anh minh.
Tiểu Lộc cười:
– Tuần trước vẫn còn buồn rầu, bây giờ lại lên tiếng khen rồi. Không chê xa nữa hả!
Hy Lôi tự hào cười:
– Vấn đề được giải quyết rồi, bọn tớ quyết định mua xe rồi.
– Thế thì tốt quá, sau này tớ có thể đi nhờ!
– Không vấn đề gì, hoan nghênh đi nhờ!
Không ngờ, chỉ một tuần sau mọi người đã kêu khổ rầm trời. Thì ra không chỉ Hy Lôi, sau khi chuyển sang chỗ mới, rất nhiều người cũng cảm thấy cách nhà quá xa, đi làm không thuận tiện, thời gian thì chặt chẽ, thế là hiện tượng đi muộn về muộn tăng lên rõ rệt. Cuối cùng ban lãnh đạo tòa soạn họp nghiên cứu và ra quyết định, mua một chiếc xe đưa đón cán bộ nhân viên để đưa mọi người đi làm.
Hy Lôi nghe thấy vậy gần như nhảy cẫng lên trong phòng, trong lòng thầm thấy may mắn, cũng may mà mình và Hứa Bân còn chưa quyết định nên chưa giao tiền đặt cọc, nếu không lại mang theo một chuỗi phiền phức lớn.
Vừa về đến nhà, Hy Lôi đã thông báo tin tốt này cho Hứa Bân:
– Không cần mua xe nữa, cơ quan sắp mua xe đưa đón bọn em đi làm rồi, thế nào, thích không!
Hứa Bân nghe thấy vậy, không hề tỏ ra vui vẻ như Hy Lôi, mà hơi chút thất vọng, cuối cùng nói:
– Thế cũng được, tiết kiệm được tiền! Anh cũng không cần làm tài xế cho em nữa.
Mẹ chồng nhận ra vẻ không vui của Hứa Bân bèn xoa mặt anh:
– Tiết kiệm được tiền mà con trai còn không vui, Hy Lôi, con không biết đâu, Hứa Bân từ nhỏ đã thích ô tô, tiền mẹ cho nó mua đồ ăn sáng, nó đều để dành mua ô tô đồ chơi đấy.
Hy Lôi nghe thế bật cười:
– Thì ra không vui là vì thế à. Thích xe thì phấn đấu đi, đến lúc đó bọn mình mua cái BMW đắt tiền nhất!
Từ đó, Hy Lôi không phải dậy từ khi trời chưa sáng để chuẩn bị đi làm nữa. 8 giờ sáng mỗi ngày ra cổng tiểu khu, ô tô của cơ quan sẽ đến đúng giờ, cùng các đồng nghiệp trò chuyện trên xe, thật là thú vị.
5.
Buổi tối về nhà, mẹ chồng vẫn chưa nấu xong cơm, Hứa Bân thì đã đói, vào phòng bếp tìm xem có cái gì ăn, một lúc lâu sau vẫn chưa thấy ra, không biết hai mẹ con nói gì trong đó, cứ thì thà thì thào, bởi vì âm thanh của chiếc máy hút mùi quá lớn nên Hy Lôi nghe không rõ.
Lúc ăn cơm, mẹ chồng phá lệ, gắp miếng sườn to nhất vào bát Hy Lôi, cười rất tươi:
– Con ăn nhiều vào một chút! – Khiến Hy Lôi mắt tròn mắt dẹt.
Hứa Bân ngồi cạnh cố ý tỏ ra ghen tị:
– Con ghen tị quá, sao mẹ tốt với cô ấy vậy?
Hy Lôi nghe vậy suýt thì nôn hết thức ăn ra ngoài.
Ăn cơm xong, Hy Lôi đi rửa bát như thường lệ. Từ khi kết hôn, trừ hai bữa đầu giúp Hy Lôi rửa, còn thì sau đó Hứa Bân không bao giờ làm việc gì trong nhà. Hôm nay anh lại bước vào phòng bếp, bảo là giúp Hy Lôi rửa bát.
– Sao thế, mặt trời mọc ở đằng Tây à! Hôm nay lại tốt bụng thế?
– Hôm nay không có việc gì, đọc tạp chí của các em, nói là vào bếp có thể giúp thắt chặt tình cảm hai vợ chồng!
Hy Lôi cười:
– Kế hoạch đó là em viết, viết cho những gã đàn ông lười biếng và ích kỷ như anh, thế nào, có thu hoạch chứ hả?
Hứa Bân đón cái giẻ lau trong tay Hy Lôi:
– Đúng, trong sách nói, mỗi người đàn bà đều là một bông hoa thủy tiên, nếu chăm sóc tốt sẽ khiến cuộc sống của người đàn ông tràn đầy hương thơm, không vui, hoa héo, thế là hết mọi thứ.
– Thế anh thuộc loại nào?
– Đương nhiên là muốn hoa thơm rồi. Đi đi, em đi nghỉ đi!
Hy Lôi vui vẻ đi rửa tay. Mẹ chồng cũng nhìn thấy Hứa Bân đang rửa bát nhưng không ngăn cản.
Một lúc sau, Hứa Bân dọn dẹp xong rồi vào phòng ngủ, còn rót cho Hy Lôi một cốc trà hoa nóng. Những bông hoa màu tím nổi trong cốc nước, mùi hoa oải hương thoang thoảng bay khắp phòng ngủ.
Hứa Bân nói:
– Hoa oải hương có tác dụng an thần, bệnh nhân trầm cảm của anh, uống một cốc để giải tỏa tâm trạng.
Hy Lôi thản nhiên uống hết, rồi nhìn Hứa Bân bằng con mắt hồ nghi.
Buổi tối, nằm trên giường, Hy Lôi hỏi:
– Nói đi, có chuyện gì? Có phải anh làm chuyện gì có lỗi với em nên hôm nay bỗng dưng đối xử với em tốt thế không? Em hơi sợ đấy.
– Anh đâu có làm chuyện gì có lỗi với em. Chỉ là, chỉ là có chuyện muốn bàn bạc với em!
Hy Lôi vừa nghe thấy thế đã lập tức cảnh giác:
– Có phải anh vẫn định mua xe không?
– Không phải!
– Thế thì chuyện gì?
Hứa Bân ấp úng:
– Vẫn liên quan tới tiền. Mẹ anh nói, mẹ anh nói, anh chỉ là đang bàn với em thôi, em không đồng ý thì thôi. Mẹ anh nói dù sao chúng ta cũng không mua xe nữa, số tiền kia em để trong ngân hàng cũng chẳng được lãi bao nhiêu, hay là đầu tư vào cổ phiếu, năm nay thị trường cổ phiếu đang lên, nếu nó tăng điểm kiếm được một món thì có phải là tốt hơn không?
– Đầu tư cổ phiếu, em có hiểu về cái đó đâu, chưa chơi bao giờ, anh cũng không hiểu. Đầu tư kiểu gì, nhỡ lỗ thì sao?
Hứa Bân vừa nghe thấy thế đã vội vàng giải thích:
– Em quên rồi à, mẹ anh ở nhà không có việc gì cũng chơi cổ phiếu mà, còn thường xuyên kiếm được vài khoản nho nhỏ nữa, đầu tư vào đó, mẹ chơi giúp em.
Hy Lôi chưa nghĩ ngợi gì, lập tức từ chối:
– Mẹ anh, mẹ anh nấu cơm còn được chứ chơi cổ phiếu thì thôi đi, để trong túi của em là an toàn nhất.
Phản ứng của Hy Lôi nằm trong tầm dự đoán của Hứa Bân, anh cũng chẳng buồn để ý, chỉ quay người sang nơi khác:
– Không đồng ý thì thôi, cứ giữ tiền riêng của em đi.
Không ngờ hôm sau những câu nói của Tiểu Lộc lại khiến Hy Lôi động lòng. Tiểu Lộc vừa vào văn phòng đã mời mọi người ăn KFC, mặt mày tươi rói. Mọi người đều hỏi Tiểu Lộc việc gì mà vui thế.
– Tớ mua một mã cổ phiếu, giờ nó tăng cao, kiếm được một món nên vui lắm!
Hy Lôi trầm tư suy nghĩ ăn cái bánh của mình, khi Tiểu Lộc ngồi xuống rồi mới thận trọng hỏi:
– Chơi cổ phiếu thực sự có thể kiếm được tiền à?
– Được chứ! – Sau đó, Tiểu Lộc giảng cho Hy Lôi nghe rất nhiều kiến thức về cổ phiếu, giúp cô có thêm chút kiến thức cơ bản về “môn” này.
Nhưng nghĩ lại câu cuối cùng của Tiểu Lộc:
– Thị trường cổ phiếu mạo hiểm lắm, nếu chơi thì phải thận trọng. – Hy Lôi lại do dự.
Buổi tối lúc ăn cơm, bố chồng đã ăn cơm xong đi tản bộ trong tiểu khu, mẹ chồng thu hết dũng khí, hỏi thăm dò:
– Hy Lôi này, đề nghị của mẹ Hứa Bân đã nói với con chưa? Suy nghĩ thế nào rồi?
Hứa Bân nói:
– Cô ấy cứng nhắc lắm, không có ý thức quản lý tài chính, chỉ biết để tiền trong ngân hàng thôi.
Hy Lôi lườm Hứa Bân một cái:
– Anh không có ý thức thì có, có thấy anh để dành được đồng tiền nào đâu.
Mẹ chồng vội vàng khuyên:
– Đừng cãi nhau, bàn bạc tử tế với nhau xem! Nghe xem Hy Lôi nói gì!
Hy Lôi nghĩ một lát rồi nói:
– Con không hiểu cái này, hơn nữa nghe đồng nghiệp nói cũng mạo hiểm lắm.
– Con yên tâm, con không hiểu thì còn có mẹ, để ở chỗ mẹ, mẹ chơi giúp con, kiếm được thì coi như của các con, nếu bị thua, khi nào các con cần dùng thì mẹ bù cho hai đứa. Yên tâm đi, năm nay thị trường tốt lắm, không thua đâu mà lo! – Mẹ chồng nói rất có lý, cứ như thể tiền đang bay về đến nơi.
– Để con nghĩ lại đã.
Hy Lôi suy nghĩ suốt cả tuần liền.
Cuối tuần của một tuần sau đó, mẹ chồng từ bên ngoài đi về, mặt tươi như hoa:
– Lên rồi, cổ phiếu của mẹ lên rồi, lần này xem các con còn tin không! Chiều nay không nấu cơm nữa, cả nhà ra ngoài ăn cơm, mẹ mời.
Buổi tối quả nhiên cả nhà ra ngoài ăn cơm, mặc dù chỉ là một quán ăn không đắt lắm nhưng mẹ chồng mời cả nhà ăn cơm khiến Hy Lôi tin rằng cổ phiếu thực sự có thể kiếm được tiền. Trên mâm cơm, mẹ chồng và Hứa Bân lại một lần nữa dụ dỗ Hy Lôi bỏ tiền ra đầu tư cổ phiếu, lúc này tài ăn nói của mẹ chồng thực là tốt, như một nhân viên marketing cổ phiếu của ngân hàng.
Hy Lôi lại động lòng một lần nữa. Hôm sau, cô rút khoản tiền 3 vạn tệ của mình ra đưa cho Hứa Bân, Hứa Bân lại đưa cho mẹ anh, mẹ anh đầu tư vào cổ phiếu dưới cái tên Phương Xảo Trân của bà. Ngày nào Hy Lôi cũng nằm mơ giấc mơ biến 1 tệ thành 10 tệ, rồi tỉnh dậy với nụ cười thỏa mãn nở trên môi.