Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tại Sao Mác Đúng?

Chương 3: Chủ Nghĩa Mác Là Thuyết Quyết Định Luận?

Tác giả: Terry Eagleton

PHẢN BÁC:

Chủ nghĩa Mác là một hình thức của thuyết quyết định luận. Nó coi con người chỉ đơn thuần là công cụ của lịch sử, và vì thế tách con người ra khỏi tự do cá nhân và tính cá thể. Các Mác tin vào những quy luật tất yếu của lịch sử, những quy luật này tự vận hành bằng sức mạnh không ai có thể ngăn cản. Chế độ phong kiến nhất định phải sinh ra chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa tư bản sẽ tất yếu dẫn đến chủ nghĩa xã hội. Học thuyết về lịch sử của Các Mác chỉ là một phiên bản thế tục của thuyết Định mệnh. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người, đúng như những gì đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa.

BIỆN GIẢI

Chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi: Điều gì khác biệt ở chủ nghĩa Mác? Điều gì có ở chủ nghĩa Mác mà không có ở các học thuyết chính trị khác? Rõ ràng đó không phải là ý niệm về cách mạng vốn đã có từ rất lâu trước công trình của Các Mác. Nó cũng không phải là ý niệm về chủ nghĩa cộng sản vốn có nguồn gốc từ cổ xưa. Các Mác không phát minh ra chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Phong trào giai cấp công nhân ở châu Âu đã đạt tới tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong khi bản thân Các Mác vẫn đang là một người theo chủ nghĩa tự do. Trên thực tế khó có thể tìm ra một đặc tính chính trị duy nhất nào trong tư tưởng của ông. Chắc chắn, đó không phải là ý tưởng về đảng cách mạng đã đến với chúng ta từ cuộc Cách mạng Pháp. Dù sao thì Các Mác chưa đề cập nhiều về vấn đề này.

Thế còn khái niệm về giai cấp xã hội thì sao? Cũng không phải, vì chính Các Mác hoàn toàn phủ nhận việc ông nghĩ ra khái niệm này. Đúng là Các Mác đã định nghĩa lại một cách tỉ mỉ toàn bộ khái niệm nhưng không phải là do ông tự nghĩ ra. Ông cũng không nghĩ ra ý niệm về giai cấp vô sản vốn rất quen thuộc với nhiều nhà tư tưởng thế kỷ XIX. Khái niệm của ông về sự tha hóa hầu hết đều xuất phát từ Hê-ghen. Khái niệm này cũng được nhà xã hội học lớn người Ai-Len và là người ủng hộ nam nữ bình quyền William Thompson nhắc đến từ trước. Chúng ta cũng sẽ thấy rằng, sau này Các Mác không phải là người duy nhất đưa vấn đề kinh tế trong đời sống xã hội lên hàng đầu. Ông tin tưởng vào một xã hội hợp tác tự do sản xuất được vận hành bởi chính những người sản xuất và cho rằng điều này chỉ có thể trở thành hiện thực bằng biện pháp cách mạng. Nhà xã hội học lớn của thế kỷ XX, Raymond Williams, cũng nghĩ như vậy, nhưng ông không coi mình là người theo chủ nghĩa Mác. Rất nhiều người theo chủ nghĩa vô chính phủ, những nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ và những người khác cũng tán thành quan điểm xã hội này nhưng lại kịch liệt phê phán chủ nghĩa Mác.

Có hai học thuyết chính nằm trong hệ tư tưởng của Các Mác. Một là, vai trò cơ bản của kinh tế trong đời sống xã hội. Hai là, ý niệm về sự kế tiếp nhau của phương thức sản xuất trong suốt quá trình lịch sử. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, cả hai khái niệm này đều không phải là sự sáng tạo của bản thân Các Mác. Vậy phải chăng cái riêng có của chủ nghĩa Mác không phải là giai cấp mà là đấu tranh giai cấp? Rõ ràng đây gần như là điểm cốt lõi trong tư tưởng của Các Mác nhưng nó cũng không phải là nguyên bản của ông cũng giống như chính khái niệm về giai cấp. Xin dẫn câu thơ về một chúa đất giàu có trong bài thơ Ngôi làng hoang vắng của Oliver Goldsmith:

“Chiếc áo choàng trùm chặt chân tay anh ta trong sự lười biếng nhung lụa,

Đã trùm chặt cả những cánh đồng đang lên xanh của láng giềng.”

Sự cân xứng và tính kinh tế của chính những dòng thơ cùng với sự tương phản cân đối nhẹ nhàng của chúng là trái ngược với sự lãng phí và mất cân bằng của nền kinh tế mà chúng miêu tả. Câu thơ rõ ràng nói về đấu tranh giai cấp. Cái áo choàng chặt chúa đất đang tước đoạt người làm thuê của ông ta. Hay những dòng thơ trong tác phẩm Comus của John Milton: 

“Nếu mỗi người bây giờ cứ khát khao đòi hỏi

Nhưng chỉ có một phần chia sẻ nhỏ nhoi

Của một thứ xa hoa sang trọng

Mà giờ đây chất đống thừa thãi cho mấy người

Phúc lành may mắn phải được phân chia

Bằng những phần như nhau không thừa thãi.”

Những cảm nghĩ tương tự cũng được bi kịch Vua Lia thể hiện. Thực ra thì Milton đã lấy cắp một phần ý tưởng này từ Shakespeare. Voltaire tin rằng, người giàu béo múp míp trên xương máu những người nghèo, và rằng, sở hữu là trung tâm của mâu thuẫn xã hội. Jean-Jacques Rousseau, như ta sẽ thấy, cũng lập luận như vậy. Khái niệm về đấu tranh giai cấp không lẽ nào là sự riêng có của Các Mác, như chính bản thân ông cũng biết rất rõ.

Mặc dù vậy, đấu tranh giai cấp trở thành cực kỳ quan trọng đối với ông. Quan trọng đến nỗi mà trên thực tế, ông coi nó chính là sức mạnh chi phối lịch sử nhân loại. Nó chính là động cơ hay động lực cho sự phát triển của loài người chứ không phải là một ý tưởng mà có lẽ cũng xuất hiện với John Milton. Trong khi nhiều nhà tư tưởng xã hội đã nhìn nhận xã hội loài người như một sự thống nhất hữu cơ, thì cái hình thành xã hội theo Các Mác là sự phân công. Nó được tạo nên bởi những lợi ích bất đồng nhau. Cơ sở lôgic của nó là những mâu thuẫn chứ không phải sự thống nhất. Ví dụ, vì lợi ích của mình giai cấp tư bản muốn giữ mức lương thấp, còn vì lợi ích của mình những người làm công ăn lương muốn đẩy nó lên cao.

Tuyên bố nổi tiếng của Các Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Dĩ nhiên ông không thể diễn tả điều này theo nghĩa đen. Nếu việc tôi đánh răng từ thứ tư tuần trước được tính là một phần của lịch sử, thì khó có thể nhìn nhận đó là vấn đề về đấu tranh giai cấp. Đứng co một chân trong trận đấu khúc côn cầu hay bị ám ảnh vô lý bởi loài chim cánh cụt thì chẳng liên quan gì đến đấu tranh giai cấp. Có lẽ “lịch sử” muốn nói tới những sự kiện quần chúng chứ không phải riêng tư như việc ai đó đánh răng. Nhưng vụ cãi vã ở quán rượu tối qua cũng đủ mang tính quần chúng. Vậy thì có lẽ lịch sử chỉ giới hạn ở những sự kiện quần chúng lớn. Nhưng theo định nghĩa của ai? Vậy thì làm thế nào đám cháy lớn thành Lonđon năm 1666 lại thành sản phẩm của đấu tranh giai cấp? Người ta sẽ coi là ví dụ về đấu tranh giai cấp nếu Che Guevara bị đụng xe, nhưng chỉ khi có một nhân viên CIA ngồi sau tay lái. Nếu không, nó cũng chỉ là một tai nạn. Câu chuyện về việc áp bức phụ nữ lồng khớp với lịch sử đấu tranh giai cấp, nhưng không chỉ là một khía cạnh của đấu tranh giai cấp. Điều tương tự xảy ra đối với thơ của Wordsworth hay Seamus Heaney. Đấu tranh giai cấp không thể bao hàm mọi thứ.

Có lẽ Các Mác không đưa ra lời tuyên bố của mình theo nghĩa đen. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xét cho cùng, được dự định như một phần của tuyên truyền chính trị, và bởi vậy, đầy những nét văn hoa mĩ miều mang tính hùng biện. Mặc dù vậy, một câu hỏi quan trọng là thực tế có bao nhiêu tư tưởng Mác-xít bao hàm ở trong đó. Một số nhà Mác-xít dường như coi nó là Lý thuyết về vạn vật (Theory of Everything), nhưng, rõ ràng, không phải thế. Việc chủ nghĩa Mác chả có gì thú vị để nói về rượu Whisky mạch nha hay bản chất của vô thức, hương thơm quyến rũ của một bông hồng hay tại sao có một ít còn hơn không, không làm mất uy tín của nó. Nó không được dự định để trở thành một triết lý tổng quát. Nó không cho chúng ta biết chi tiết về sắc đẹp hay tình ái, hay về việc nhà thơ Yeats có được sự âm vang kỳ lạ trong những vần thơ của mình. Nó gần như không nói gì về tình yêu, cái chết và ý nghĩa cuộc sống. Nói cụ thể thì nó là một đại luận thuyết (grand narative) mô tả từ buổi bình minh của nền văn minh đến hiện tại và tương lai. Nhưng cũng có nhiều đại luận thuyết khác bên cạnh chủ nghĩa Mác, như lịch sử của khoa học, hay tôn giáo, hay tình dục, cùng ảnh hưởng đến câu chuyện về đấu tranh giai cấp nhưng không thể quy về nó (những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại có chiều hướng cho rằng, hoặc là có một đại luận thuyết hoặc là chỉ là nhiều tiểu luận thuyết. Nhưng không phải trường hợp này). Vậy cho dù Các Mác đã suy nghĩ thế nào chăng nữa thì: “toàn bộ lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp” không nên được hiểu là tất cả những gì từng xảy ra đều là về vấn đề đấu tranh giai cấp. Nói đúng hơn, đấu tranh giai cấp là phần cơ bản nhất của lịch sử nhân loại. 

Vậy cơ bản theo nghĩa nào? Ví dụ, nó cơ bản hơn lịch sử tôn giáo, khoa học hay áp bức tình dục thế nào? Giai cấp không nhất thiết phải là cơ bản theo nghĩa mang lại động lực mạnh mẽ nhất cho hoạt động chính trị. Hãy xem xét vai trò của bản sắc dân tộc theo khía cạnh này, một khía cạnh mà Chủ nghĩa Mác đã quá ít lưu tâm đến. Anthony Giddens tuyên bố rằng, những mâu thuẫn giữa các quốc gia, cùng với phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới “có tầm quan trọng ngang bằng với bóc lột giai cấp”[1]. Nhưng quan trọng như nhau để làm gì? Có tầm quan trọng như nhau về đạo đức và chính trị, hay quan trọng như nhau đối với việc đạt được chủ nghĩa xã hội? Chúng ta đôi khi gọi một thứ là cơ bản nếu nó là cơ sở cần thiết cho thứ khác, nhưng khó mà coi đấu tranh giai cấp là cơ sở cần thiết cho đức tin tín ngưỡng, phát kiến khoa học hay sự áp bức phụ nữ, liên quan nhiều đến đấu tranh giai cấp cho dù những thứ này là cơ bản. Có vẻ không đúng nếu ta gạt bỏ nền tảng cơ bản này đi thì Phật giáo, thiên văn và cuộc thi hoa hậu thế giới sẽ biến mất. Chúng ta có lịch sử tương đối độc lập của riêng mình. 

Vậy, đấu tranh giai cấp là cơ sở nền tảng của cái gì? Câu trả lời của Các Mác có vẻ có hai hàm ý. Nó hình thành rất nhiều sự kiện, các thể chế và hình thức tư duy mà dường như thoạt nhìn là vô hại với nó; và đấu tranh giai cấp đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi hỗn loạn từ kỷ nguyên này sang kỷ nguyên khác của lịch sử. Nói đến lịch sử, Các Mác không phải nói đến “mọi thứ đã từng diễn ra” mà là những cái quan trọng cụ thể nằm trong quỹ đạo đó. Ông dùng “lịch sử” với nghĩa là tiến trình căn bản của các sự kiện, không đồng nghĩa với toàn bộ quá trình tồn tại của nhân loại tới nay. 

Vậy ý niệm về đấu tranh giai cấp có phải là cái phân biệt tư tưởng Các Mác với những học thuyết xã hội khác? Không hẳn. Chúng ta đã thấy rằng, khái niệm này không phải là nguyên bản của ông, không khác gì khái niệm về phương thức sản xuất. Cái duy nhất trong tư tưởng của ông là ông hòa trộn hai khái niệm này – đấu tranh giai cấp và phương thức sản xuất – lại với nhau, để vẽ nên một viễn cảnh lịch sử thực sự mới. Hai ý niệm kết hợp với nhau như thế nào đã trở thành một chủ đề tranh luận giữa những người Mác-xít, và chính Các Mác cũng khó mà làm nổi bật điểm này. Nhưng nếu chúng ta cứ đi tìm điều gì riêng biệt ở công trình của ông, thì có lẽ là tệ hơn là dừng tại đây. Về thực chất, chủ nghĩa Mác là một lý luận và thực tiễn về sự thay đổi của quá trình lịch sử lâu dài. Vấn đề là ở chỗ, như sau này chúng ta sẽ thấy, điểm khác biệt nhất của chủ nghĩa Mác cũng là điều cần phải bàn bạc nhất.

Nói một cách tổng quát, theo Các Mác, một phương thức sản xuất là sự kết hợp của lực lượng sản xuất nhất định với quan hệ sản xuất nhất định. Lực lượng sản xuất là tất cả các công cụ trên thế giới mà chúng ta sử dụng để tạo ra cuộc sống vật chất. Quan niệm này bao hàm tất cả những điều kiện thúc đẩy quyền làm chủ và sự thống trị thiên nhiên của con người cho mục đích sản xuất. Máy tính là một lực lượng sản xuất nếu chúng góp phần vào quá trình sản xuất vật chất, xét một cách toàn diện, hơn là được sử dụng để tán gẫu với những kẻ giết người hàng loạt ngụy trang như những người lạ mặt thân thiện. Trong thế kỷ XIX, con lừa là một lực lượng sản xuất ở Ai-len. Sức lao động của con người là một lực lượng sản xuất. Nhưng những lực lượng sản xuất này chưa bao giờ tồn tại ở dạng nguyên thể. Chúng luôn được gắn với những quan hệ xã hội  nhất định, mà Các Mác gọi là quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội. Ví dụ, một giai cấp xã hội có thể sở hữu và kiểm soát tư liệu sản xuất, trong khi giai cấp khác có thể thấy chính họ bị bóc lột bởi giai cấp kia. 

Các Mác tin rằng, lực lượng sản xuất có xu hướng phát triển khi lịch sử sang trang. Điều đó không có nghĩa là chúng lúc nào cũng phát triển, bởi vì, ông dường như cũng cho rằng, chúng có thể rơi vào thời gian chìm lắng kéo dài. Tác nhân của sự phát triển này là bất cứ giai cấp xã hội nào đang nắm quyền điều hành sản xuất vật chất. Theo cách giải thích lịch sử này, dường như các lực lượng sản xuất “chọn lựa” một giai cấp có năng lực nhất cho việc mở rộng chúng. Tuy nhiên, đến một điểm nào đó, quan hệ sản xuất chiếm ưu thế sẽ không còn thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất mà bắt đầu cản trở lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất bắt đầu mâu thuẫn với lực lượng sản xuất, và hoàn cảnh thực tiễn nảy sinh cho cách mạng chính trị. Mâu thuẫn giai cấp trở nên sâu sắc, và giai cấp xã hội có năng lực tiếp nhận lực lượng sản xuất sẽ chiếm lấy quyền lực từ ông chủ cũ của nó. Ví dụ, chủ nghĩa tư bản chao đảo hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, suy giảm liên tục, bởi chính quan hệ sản xuất mà nó bao hàm; và đến một điểm nhất định trong quá trình suy giảm, giai cấp lao động sẵn sàng giành quyền sở hữu và kiểm soát quá trình sản xuất. Trong một tác phẩm của mình, Các Mác đã từng nói: sẽ không có giai cấp xã hội nào mới xuất hiện nếu giai cấp xã hội trước đó không phát triển lực lượng sản xuất đến mức tối đa.

Điều đó thể hiện ngắn gọn nhất trong đoạn trích nổi tiếng dưới đây: 

“Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay – đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó – mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”[2].

Có vô số vấn đề trong học thuyết này, như chính những nhà Mác-xít cũng nhanh chóng chỉ ra. Thứ nhất, tại sao Các Mác khẳng định rằng: nhìn chung lực lượng sản xuất không ngừng phát triển? Thực tế là tiến bộ kỹ thuật có chiều hướng tích dồn lại, theo nghĩa là nhân loại khó có thể từ bỏ những tiến bộ mà họ tạo ra vì sự thịnh vượng và hiệu quả. Bởi vì con người là loài động vật có chút suy nghĩ hợp lý nhưng cũng khá lười nhác, và vì thế có khuynh hướng tiết kiệm lao động (chính những yếu tố này quyết định hàng người xếp hàng ở các quầy thanh toán ở siêu thị luôn dài đúng như nhau). Phát minh ra thư điện tử, chúng ta không thể quay trở lại việc vạch ký tự lên đá. Chúng ta cũng có khả năng chuyển những tiến bộ đó cho những thế hệ tương lai. Hiểu biết kỹ thuật khó mất đi, ngay cả khi chính công nghệ bị phá hủy. Nhưng cũng rất hiển nhiên là điều đó không chứng minh được gì nhiều. Nó không giải thích được, ví dụ, tại sao lực lượng sản xuất phát triển nhanh ở một thời gian nhất định nhưng có thể bị đình trệ hàng thế kỷ ở thời điểm khác. Việc có được những sự phát triển công nghệ lớn hay không phụ thuộc vào quan hệ xã hội  đang phổ biến, chứ không phải vào động lực nội tại nào đó. Một số nhà Mác-xít cho rằng, sự cưỡng bách thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất không phải là một quy luật chung của lịch sử, mà là sự bắt buộc riêng có đối với chủ nghĩa tư bản. Họ không đồng ý với một điều đã được chấp nhận rằng: mỗi phương thức sản xuất phải được kế tiếp bằng một phương thức sản xuất khác năng xuất hơn. Liệu những nhà Mác-xít có bao gồm cả Mác hay không là một điểm gây tranh cãi.

Thứ hai, không rõ giai cấp xã hội nhất định được “lựa chọn” cho nhiệm vụ phát triển lực lượng sản xuất theo cơ chế nào. Suy cho cùng, những lực lượng này không phải là một nhân vật quan trọng bí ẩn nào đó có khả năng nhận biết được ý thức xã hội và gọi một nhân vật thích hợp cụ thể nào đó đến cứu viện. Đương nhiên, giai cấp thống trị không phát triển lực lượng sản xuất vì lòng vị tha, không khác gì họ giành lấy quyền lực cho mục đích, đặc biệt là cứu giúp những người đói rách. Thay vào đó, họ có xu hướng theo đuổi mục đích vật chất của chính bản thân họ, chiếm lấy thặng dư từ lao động của người khác. Tuy nhiên, trong khi làm như thế họ đã vô tình thúc đẩy lực lượng sản xuất nói chung, và cùng với họ (ít ra là trong dài hạn) là sự giàu có của nhân loại về cả vật chất lẫn tinh thần. Họ phát triển những tài nguyên mà số đông người trong xã hội có giai cấp bị loại trừ, nhưng theo cách đó tạo nên một di sản mà xét một cách toàn diện tất cả mọi người sẽ được thừa hưởng ở chủ nghĩa cộng sản trong tương lai.

Các Mác rõ ràng cho rằng, sự giàu có vật chất có thể phá hủy sức khỏe tinh thần của chúng ta. Dù vậy, ông không thấy khoảng cách lớn giữa tinh thần và vật chất như một số nhà tư tưởng duy tâm. Theo ông, sự nảy lộc đâm chồi của lực lượng sản xuất dẫn đến làm bộc lộ sức mạnh và năng lực sáng tạo của con người. Theo nghĩa này thì lịch sử không hoàn toàn là câu chuyện của sự phát triển. Thay vào đó chúng ta đi từ hình thái xã hội có giai cấp này sang hình thái xã hội có giai cấp khác, từ hình thức áp bức bóc lột này sang áp bức bóc lột khác. Tuy nhiên, theo nghĩa khác, sự mô tả nghiệt ngã này có thể được nhìn nhận như là sự chuyển động đi lên phía trước, khi nhân loại có những nhu cầu và ham muốn phức tạp hơn, tạo ra nhiều loại quan hệ mới và những hình thức thực hiện mới.

Nhân loại nói chung sẽ nhận được sự kế thừa này trong chủ nghĩacộng sản tương lai; nhưng con đường xây dựng nó không thể tránh được bạo lực và bóc lột. Cuối cùng, quan hệ xã hội sẽ được thiết lập để phân phối của cải tích lũy được có lợi cho tất cả mọi người. Nhưng quá trình của chính sự tích luỹ dẫn đến việc loại trừ đại đa số người ra khỏi việc hưởng thụ các thành quả đó. Chính vì thế, Các Mác lý luận lịch sử “phát triển nhờ mặt trái của nó”. Điều đó có vẻ như nói rằng sự bất công bằng hiện tại là không thể tránh khỏi để có công bằng sau này. Kết cục sẽ là rất mâu thuẫn: nếu không có bóc lột sẽ không có sự mở rộng quy mô của lực lượng sản xuất, và nếu không có sự mở rộng đó, sẽ không có cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. 

Các Mác rất đúng khi thấy rằng vật chất và tinh thần có cả mâu thuẫn và thống nhất. Ông không nguyền rủa xã hội có giai cấp vì sự tàn ác nhẫn tâm của nó, mặc dù ông thực tế có nguyền rủa; ông cũng thừa nhận rằng sự phát triển về tinh thần cần có nền tảng vật chất. Bạn không thể có một quan hệ tuyệt vời nếu như đang chết đói. Mỗi sự phát triển phương tiện giao tiếp của con người đều mang theo nó những hình thức cộng đồng mới và hình thức phân công mới. Những công nghệ mới có thể cản trở khả năng của con người, nhưng cũng có thể chắp cánh cho nó. Tính hiện đại không phải để hân hoan chào đón một cách thiếu suy nghĩ, nhưng cũng không phải để bị xua đuổi. Tính chất tích cực và tiêu cực của nó nói chung là các khía cạnh của cùng một quá trình. Điều đó giải thích tại sao chỉ có phương pháp tiếp cận biện chứng là cách tiếp cận nắm vững được bản chất các mâu thuẫn mới có thể đánh giá đầy đủ nhất.

Dầu vậy, thực sự cũng có những vấn đề với học thuyết về lịch sử của Mác. Ví dụ, tại sao cũng cơ chế đó – mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất – lại hoạt động trong quá trình chuyển từ kỷ nguyên xã hội có giai cấp này sang kỷ nguyên xã hội có giai cấp khác? Điều gì giải thích cho sự nhất quán lạc lõng của lịch sử trải dài vô tận? Liệu có thể lật đổ được giai cấp thống trị khi nó đang ở thời kỳ vàng son, nếu phe chính trị đối lập không đủ sức mạnh? Liệu chúng ta có thực sự cần phải chờ đợi cho đến khi lực lượng sản xuất suy yếu? Và liệu sự trưởng thành của lực lượng sản xuất sẽ thực sự không làm suy yếu gia cấp đang sẵn sàng bị thay thế – ví dụ, bằng cách hình thành những hình thức mới cho công nghệ bóc lột? Quả thật, với sự trưởng thành của lực lượng sản xuất, những người công nhân trở nên lành nghề hơn, được tổ chức tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và có lẽ tự tin hơn về chính trị, và tinh vi hơn; nhưng cũng vì thế sẽ có nhiều xe tăng hơn những máy camera giám sát, những tờ báo cánh hữu và những phương thức thuê lao động bên ngoài. Những công nghệ mới có thể đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp, và vì thế chây ì về chính trị. Liệu một giai cấp xã hội đủ chín để làm nên cách mạng được hình thành bởi nhiều yếu tố hơn là liệu nó có sức mạnh để thúc đẩy lực lượng sản xuất. Năng lực của giai cấp được hình thành bởi hàng loạt yếu tố. Làm sao ta biết được một tập hợp cụ thể nào của các quan hệ sản xuất sẽ trở thành hữu dụng cho mục đích đó?

Một sự thay đổi của các quan hệ sản xuất không thể đơn giản được giải thích bằng việc lực lượng sản xuất phát triển. Cũng không phải sự thay đổi mang tính đột phá trong lực lượng sản xuất nhất thiết đưa đến quan hệ sản xuất mới, như cuộc cách mạng công nghiệp đã chứng minh. Cùng một lực lượng sản xuất có thể tồn tại với những quan hệ xã hội  khác nhau. Chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa tư bản công nghiệp là một ví dụ. Khi đi từ nền nông nghiệp lạc hậu từ thời kỳ cổ xưa đên thời kỳ hiện đại, một loạt các quan hệ xã hội  và hình thức sở hữu được chứng minh là khả thi. Hay cùng một quan hệ xã hội có thể thúc đẩy nhiều loại lực lượng sản xuất khác nhau. Lấy ví dụ về công nghiệp tư bản chủ nghĩa và nông nghiệp tư bản chủ nghĩa. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không phải lúc nào cũng khăng khít bên nhau một cách hòa thuận trong suốt lịch sử. Sự thật là mỗi giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất mở ra hàng loạt quan hệ xã hội, và không có gì đảm bảo rằng, một cặp quan hệ nào trong số đó thực sự xuất hiện. Cũng không có gì đảm bảo rằng, một nhân tố cách mạng tiềm tàng sẽ xuất hiện một cách thuận lợi khi khủng hoảng lịch sử đến. Đôi khi chẳng có giai cấp nào xuất hiện để đưa lực lượng sản xuất tiến xa hơn, như là đã từng xảy ra ở Trung Quốc cổ đại.

Mặc dù vậy, sự kết nối giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là rất rõ ràng. Bên cạnh nhiều yếu tố khác, nó cho phép ta nhận ra rằng, chỉ có thể có những quan hệ xã hội nhất định nếu những lực lượng sản xuất phát triển đến mức độ nhất định. Nếu một số người cần được sống tiện nghi hơn hẳn số khác, bạn cần phải sản xuất một lượng thặng dư kinh tế đáng kể; và nó chỉ khả thi ở một điểm nhận định của sự phát triển sản xuất. Bạn không thể duy trì một tòa án hoàng gia hoành tráng với toàn những người hát rong, những trang giấy, những anh hề và những viên thị thần và tất cả mọi người lúc nào cũng phải trồng trọt, chăn nuôi để tồn tại.

Mâu thuẫn giai cấp cơ bản là mâu thuẫn về thặng dư, và vì thế nó rất có thể sẽ tiếp tục chừng nào không có sự đầy đủ cho tất cả. Giai cấp xuất hiện khi nào sản xuất vật chất được tổ chức sao cho ép buộc được một số cá nhân phải chuyển lao động thặng dư của họ cho người khác để tồn tại. Nếu có quá ít hay không có thặng dư, như cải thời được gọi là cộng sản nguyên thủy, mọi người phải làm việc không ai có thể sống trên sự khó nhọc của người khác, vì thế, cũng không có giai cấp. Sau này mới có đủ thặng dư để nuôi sống giai cấp như lãnh chúa phong kiến, nhóm người sống bằng lao động của nô bộc của họ. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có đủ thặng dư được tạo ra để thủ tiên sự khan hiếm, và vì thế sự thủ tiêu giai cấp xã hội mới trở nên khả thi. Nhưng chỉ có chủ nghĩa xã hội có thể đưa điều đó vào thực tiễn.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ rằng, tại sao các lực lượng sản xuất luôn chiến thắng các quan hệ xã hội – tại sao quan hệ xã hội dường như phải khúm núm cung kính trước lực lượng sản xuất. Ngoài ra, học thuyết dường như không hài hòa với cách mà Các Mác trên thực tế mô tả sự quá độ từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản chủ nghĩa, hay theo một số khía cạnh khác là từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Quả thật, cũng có những giai cấp xã hội vẫn tiếp tục thống trị hàng thế kỷ, bất chấp họ không có khả năng thúc đẩy sự phát triển sản xuất.

Một trong những khiếm khuyết rõ ràng của mô hình này là thuyết quyết định luận của nó. Dường như không gì có thể chống lại sự tiến lên phía trước của lực lượng sản xuất. Lịch sử tự vận hành theo một logic tất yếu ở bên trong nó. Có một “chủ đề” duy nhất của lịch sử (lực lượng sản xuất không ngừng phát triển) đi theo suốt lịch sử, lật đổ các thiết chế chính trị khác nhau khi nó đi qua. Đó là cái nhìn siêu hình với mức độ cao hơn bình thường. Thế nhưng, nó không còn là kịch bản đơn giản của sự tiến bộ nữa. Cuối cùng, sức mạnh và năng lực của con người phát triển cùng với những lực lượng sản xuất làm ra một nhân loại hoàn hảo hơn. Nhưng cái giá chúng ta phải trả thật đáng sợ. Mỗi bước tiến bộ của lực lượng sản xuất là chiến thắng của cả nền văn minh và chủ nghĩa man rợ. Nếu nó mang đến những khả năng mới cho sự giải phóng con người, thì nó cũng đi đến thành công với bộ quần áo nhuốm máu. Các Mác đã không phải là nhà lái buôn tiến bộ ngây thơ. Ông đã nhận thức rõ cái giá kinh hoàng của chủ nghĩa cộng sản.

Quả thực là cũng có đấu tranh giai cấp, điều đó dường như nói rằng con người được tự do. Không thể nói rằng biểu tình, đình công và chiếm giữ được ra lệnh bởi lực lượng siêu nhiên nào đó. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như sự tự do ấy, có thể nói như vậy, được lập trình sẵn, đã được coi như một nhân tố trong bước tiến không thể cản trở của lịch sử? Ở đây có sự tương đồng với sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa ý Chúa và ý muốn con người trong đạo Cơ đốc. Đối với người Cơ đốc giáo, tôi cảm thấy thanh thản khi xiết cổ một cảnh sát trưởng địa phương; nhưng Chúa đã nhìn thấy trước từ trong sâu thẳm, bao gồm tất cả chuyện đó trong kế hoạch của Người cho nhân loại. Người không bắt tôi phải mặc như một cô hầu gái thứ sáu tuần trước và tự xưng là Milly; nhưng thông suốt mọi sự, Ngài biết rằng tôi sợ và vì thế hình thành câu truyện tranh về công việc của Milly. Khi cầu nguyện, Ngài ban cho một chú gấu bông nhìn thông minh hơn con gấu tai chó dơ dáy đang ngủ trên gối tôi lúc này, không phải Chúa không mảy may chú ý đến việc ban cho tôi một ân huệ như thế mà là, khi nghe lời cầu nguyện của tôi, Người thay đổi ý định. Chứ không thể thay đổi ý định của mình. Mà là Ngài quyết định từ trong sâu thẳm sẽ đưa tôi một con gấu bông mới vì lời cầu nguyện của tôi mà Ngài cũng đã nhìn thấy từ trong sâu thẳm. Theo một nghĩa nào đó, sự xuất hiện vương quốc tương lai của Chúa là không xác định trước: nó sẽ đến chỉ khi con người hành động vì nó trong hiện tại. Nhưng thực tế rằng họ sẽ hành động cho nó bằng ý muốn tự do cho riêng họ lại chính là kết quả tất yếu nhờ ơn Chúa.

Ở Các Mác có sự ảnh hưởng lẫn nhau tương tự giữa tự do và tính tất yếu. Ông đôi khi cho rằng đấu tranh giai cấp, dù theo nghĩa rộng chắc chắn sẽ trở nên sâu sắc hơn trong những điều kiện nhất định của lịch sử, và đến lúc đó sự xuất hiện của nó có thể dự báo trược một cách chắc chắn. Hãy lấy ví dụ về vấn đề chủ nghĩa xã hội. Các Mác gặp như coi việc tiến đến chủ nghĩa xã hội như một tất yếu. Ông nhiều lần nói vậy. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, sự sụp đổ của giai cấp tư bản và chiến thắng của giai cấp công nhân được miêu tả là “tất yếu như nhau”. Nhưng không phải vì Các Mác tin rằng có quy luật bí mật nào đó được ghi trong lịch sử sẽ dẫn tới chủ nghĩa xã hội dù con người có hành động hay không. Nếu như vậy, tại sao ông phải lý luận về sự cần thiết của đấu tranh chính trị? Nếu chủ nghĩa cộng sản thực sự là tất yếu, có người sẽ nghĩ chúng ta chẳng cần làm gì hơn là đợi nó đến, có lẽ gọi món cari hay sưu tập hình săm trong lúc chờ đợi. Quyết định luận mang tính lịch sử là một công thức cho chủ nghĩa ẩn dật chính trị. Trong thế kỷ XX, nó đóng vai trò then chốt cho sự thất bại của phong trào cộng sản trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, chắc chắn như đó là thời điểm mà chủ nghĩa phát xít không là gì ngoài tiếng nấc hấp hối của một hệ thống tư bản chủ nghĩa tại thời điểm diệt vong. Có thể nói rằng trong khi ở thế kỷ XIX sự tất yếu đôi khi được mong đợi háo hức, thì nó lại không đúng với chúng ta. Những câu mở đầu bằng “bây giờ điều tất yếu là…” nói chung là điềm báo xấu.

Các Mác không cho rằng, tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả chúng ta cứ việc ngủ yên. Mà ông tin rằng, một khi chủ nghĩa tư bản hoàn toàn thất bại, những người công nhân sẽ không có lý do gì để không thay thế nó và hoàn toàn có đủ lý do để làm như vậy. Họ sẽ nhận ra rằng, thay đổi hệ thống là vì lợi ích của họ, và rằng, vì họ chiếm đa số, họ cũng sẽ có sức mạnh làm điều đó. Họ sẽ hành động như những con thú có lý trí và thiết lập một sự thay thế mới. Vậy thì tại sao bạn lại kéo dài sự tồn tại bất hạnh dưới một chế độ mà bạn có khả năng thay đổi để có lợi cho mình? Tại sao bạn lại để chân ngứa đến không thể chịu nổi, khi bạn có khả năng gãi nó? Cũng giống như đối với người theo đạo Cơ đốc, hành động của con người là tự do nhưng là một phần của kế hoạch định trước, với Các Mác cũng thế, sự tan rã của chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ khiến con người xóa bỏ nó theo chính ý muốn của họ.

Vậy, ông sẽ cho biết con người tự do bắt buộc sẽ làm gì dưới những hoàn cảnh nhất định? Đó chắc chắn là một mâu thuẫn, vì tự do nghĩa là chả có gì mà bạn bị bắt buộc cả. Bạn không bị bắt buộc phải ăn ngấu nghiến một miếng thịt béo ngậy nếu dạ dày của bạn đang bị hành hạ bởi cơn đau quằn quại của cái đói. Như một người Hồi giáo mộ đạo, bạn sẽ thà chết. Nếu chỉ có một cách thức hành động mà tôi có thể thực hiện, và nếu tôi không thể không làm, thì trong trường hợp đó, tôi không tự do. Chủ nghĩa tư bản có thể đang ngấp nghé bên bờ của sự lụi bại, nhưng chưa chắc là chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế nó. Có thể sẽ là chủ nghĩa phát xít, hay chủ nghĩa man rợ. Có lẽ sự sụp đổ của hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ làm giai cấp công nhân suy yếu và mất tinh thần đến mức không thể hành động một cách tích cực. Trong một khoảnh khắc u ám khó mô tả, Các Mác nhận xét, đấu tranh giai cấp có thể dẫn đến “sự lụi bại chung” của những giai cấp đang tranh giành nhau. 

Hay có thể (một khả năng ông không lường trước đầy đủ) hệ thống sẽ tránh cuộc nổi dậy chính trị bằng cải cách. Dân chủ xã hội là một bức tường bảo vệ giữa bản thân dân chủ và thảm họa. Theo cách đó, thặng dư chiếm từ lực lượng sản xuất đã phát triển có thể dùng để mua đứt cách mạng, mà điều này không phù hợp một chút nào với bản phác thảo lịch sử của Các Mác. Ông dường như tin rằng, sự thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản chỉ là tạm thời; hệ thống cuối cùng sẽ bị nhấn chìm; và rằng giai cấp công nhân tiếp đó sẽ tất yếu đứng lên và thay thế nó. Nhưng nó sẽ trải qua theo nhiều cách (phức tạp hơn nhiều ở thời đại chúng ta hơn là của Các Mác) mà theo đó, thậm chí một khi chủ nghĩa tư bản bị khủng hoảng vẫn có thể tiếp tục duy trì được sự đồng thuận của những công dân của nó. Thời Các Mác không có kênh tin tức Fox News và tờ báo Daily Mail.

Tất nhiên, có một tương lai khác mà ta có thể nhìn thấy trước được gọi là không tương lai gì cả. Các Mác không thể nhìn trước những khả năng của vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt hay những thảm họa sinh thái. Hay có thể giai cấp thống trị sẽ bị hạ bệ bởi sự va chạm của tiểu hành tinh, một định mệnh mà một số trong đó có thể coi là hay hơn so với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay cả học thuyết lịch sử mang tính quyết định luận nhiều nhất có thể bị đánh đắm bởi những sự kiện ngẫu nhiên như vậy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thẩm tra bao nhiêu phần của người theo thuyết quyết định luận lịch sử thực sự trong Các Mác. Nếu không có gì khác trong công trình của ông ngoài ý niệm về lực lượng sản xuất sinh ra quan hệ xã hội nhất định, câu trả lời là rõ ràng. Điều này rốt cuộc là thuyết quyết định luận theo nghĩa đầy đủ nhất, và trong trường hợp như vậy, rất ít người theo chủ nghĩa Mác ngày nay sẽ sẵn sàng đi theo[3]. Theo cách nhìn này, không phải nhân loại là người tạo ra lịch sử của chính họ; mà đó là lực lượng sản xuất dẫn đến một cuộc sống lạ lẫm, thờ vật của chính nó.

Dù sao cũng có một dòng tư duy khác trong tác phẩm của Các Mác cho rằng, quan hệ xã hội của sản xuất có vị trí ưu tiên hơn lực lượng sản xuất. Nếu chế độ phong kiến mở đường cho chế độ tư bản, không phải là do chủ nghĩa tư bản có thể thúc đẩy lực lượng sản xuất hiệu quả hơn, mà vì quan hệ xã hội phong kiến ở miền quê dần dần bị hất cẳng bởi quan hệ tư bản. Chế độ phong kiến tạo ra điều kiện mà giai cấp tư sản mới có thể lớn mạnh lên, nhưng giai cấp này không xuất hiện nhờ có sự trưởng thành của lực lượng sản xuất. Ngoài ra, nếu lực lượng sản xuất phát triển dưới chế độ phong kiến, không phải là do chúng có xu hướng tự thân nội tại nào đó để phát triển, mà là do lợi ích giai cấp. Như trong giai đoạn hiện đại, nếu lực lượng sản xuất đã lớn mạnh quá nhanh chóng trong vòng vài thế kỷ qua, là bởi vì chủ nghĩa tư bản không thể sống sót nếu không liên tục phát triển.

Theo học thuyết thay thế này, trong quá trình hình thành quan hệ xã hội và đấu tranh giai cấp, loài người thực sự là tác giả cho lịch sử của chính mình. Các Mác từng nhận xét rằng, ông và Ph.Ăng-ghen đã nhấn mạnh “đấu tranh giai cấp là động lực trực tiếp của lịch sử” trong gần bốn mươi năm[4]. Ý nghĩa quan trọng về đấu tranh giai cấp là không dự đoán được kết quả của nó, và quyết định luận có thể vì thế không tìm được chỗ đứng. Bạn có thể sẽ luôn cho rằng, mâu thuẫn giai cấp được quyết định – rằng, bản chất các giai cấp xã hội là theo đuổi những lợi ích xung đột lẫn nhau, và rằng, nó được quyết định bởi phương thức sản xuất. Nhưng rất ít khi xung đột “khách quan” về lợi ích này mang hình thức của một trận chiến chính trị sống còn; và khó mà thấy được trước cuộc chiến diễn ra như thế nào. Các Mác có thể đã cho rằng chủ nghĩa xã hội là tất yếu, nhưng ông chắc chắn không nghĩ rằng Đạo luật Nhà máy (Factory Act) hay Công xã Paris cũng là tất yếu. Nếu ông thực sự là một nhà quyết định luận, ông có thể đã nói cho chúng ta chủ nghĩa xã hội xuất hiện khi nào và như thế nào. Nhưng ông là nhà tiên tri theo nghĩa là vạch mặt sự bất công, không phải với nghĩa là nhìn chăm chú vào quả cầu pha lê. 

“Lịch sử”, Các Mác viết, “không làm gì hết, nó “không có tính phong phú vô cùng tận nào cả”, nó “không chiến đấu ở những trận nào cả”. Không phải “lịch sử”, mà chính con người, con người thực sự, con người sống mới là kẻ làm ra tất cả những cái đó, có tất cả những cái đó và chiến đấu cho tất cả những cái đó. “Lịch sử” không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương tiện đạt tới các mục đích của mình”[5]. Khi Các Mác nói về quan hệ giai cấp thời cổ đại, thời trung cổ hay thế giới hiện đại, ông thường coi các quan hệ xã hội là cái quan trọng nhất. Ông cũng khẳng định rằng, mỗi phương thức sản xuất, từ chế độ nô lệ, phong kiến đến chủ nghĩa tư bản, có quy luật riêng của bản thân chúng về sự phát triển. Nếu như vậy thì người ta không cần nghĩ một tiến trình lịch sử “tuyến tính” một cách chặt chẽ, mà mỗi phương thức sản xuất theo gót của phương thức sản xuất khác theo logic ngầm nào đó. Chẳng có gì đặc thù trong chế độ phong kiến mà chuyển nó một cách dứt khoác sang chủ nghĩa tư bản. Cũng không còn duy nhất một sợi chỉ chạy xuyên suốt tấm thảm lịch sử, mà là một tập hợp của những khác biệt và không liên tục. Chính nền kinh tế chính trị tư sản, chứ không phải chủ nghĩa Mác đã suy nghĩ về những quy luật cách mạng phổ biến. Quả thật, chính Các Mác phản bác sự cáo buộc ông đang tìm cách đưa toàn bộ lịch sử dưới một quy luật duy nhất. Ông kịch liệt phản đối sự suy diễn nhẫn tâm như thế, chỉ phù hợp với một tiểu thuyết gia lãng mạn. Ông khẳng định: “Phương pháp duy vật sẽ chuyển sang mặt đối lập của nó, nếu nó được hiểu không phải là nguyên tắc nghiên cứu mạng tính chỉ đạo mà là một khuôn mẫu có sẵn để người ta sắp xếp những sự kiện lịch sử ở trong đó theo đúng ý mình”[6]. Ông cảnh báo, cách nhìn nhận của ông về nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản không nên được chuyển “thành một học thuyết triết học lịch sử về con đường đi chung do số phận sắp xếp cho tất cả các quốc gia dù hoàn cảnh lịch sử của các quốc gia đó như thế nào đi nữa”[7]. Nếu có những xu hướng nào đó đang diễn ra trong lịch sử, thì cũng có những xu hướng ngược lại, và điều đó nói rằng kết quả cuối cùng là không chắc chắn. 

Một số nhà Mác-xít đã hạ thấp tầm quan trọng của “tính ưu việt của lực lượng sản xuất”, và đề cao học thuyết khác mà chúng ta vừa xem xét. Nhưng có lẽ điều đó mang tính phòng thủ quá mức. Mô hình “tính ưu việt của lực lượng sản xuất” đã nắm được những điểm quan trọng trong công trình của Các Mác để thấy rằng ông rất nghiêm túc khi đưa ra nhận định đó. Đó cũng là cách mà những nhà Mác-xít như Lê-nin và Trostky hiểu Các Mác. Một số nhà bình luận cho rằng, trong thời gian viết Tư bản, Các Mác đã từ bỏ ít nhiều lòng trung thành trước kia của ông với lực lượng sản xuất với tư cách là người anh hùng của lịch sử. Nhưng những người khác không tin như vậy. Tuy nhiên, những học trò của Các Mác được tự do lựa chọn tư tưởng nào trong công trình của ông là đáng tin cậy nhất. Chỉ những nhà Mác-xít chính thống coi công trình đó như là Kinh Thánh, và bây giờ hầu như không có người nào như vậy ngoài những người Cơ đốc giáo. 

Không có bằng chứng nào cho thấy rằng, Các Mác nói chung là người theo chủ nghĩa quyết định luận theo nghĩa phủ nhận hành động của con người là tự do. Trái lại, ông tin tưởng vào quyền tự do, và không phải chỉ riêng trong sự nghiệp nhà báo của mình, ông luôn luôn nói về việc cá nhân có thể (nhiều khi cần) hành động khác biệt như thế nào, cho dù giới hạn lịch sử đặt lên sự lựa chọn của họ là gì đi chăng nữa. Mặc dù được một số người nhìn nhận như một nhà quyết định luận tuyệt đối, nhưng sự yêu thích cả đời về chiến thuật quân sự của Ph.Ăng-ghen khó có thể là một vấn đề định mệnh[8]. Các Mác cho rằng dũng cảm và nhất quán là yếu tố quan trọng cho chiến thắng chính trị, và dường như có tính đến ảnh hưởng mang tính quyết định của những sự kiện ngẫu nhiên trong tiến trình lịch sử. Thực tế giai cấp công nhân quân đội ở Pháp đã bị tàn phá bởi dịch tả năm 1849 là một ví dụ.

Dù sao thì cũng có nhiều dạng khách nhau của sự tất yếu. Bạn có thể coi một sự việc nào đó là tất yếu mà không cần phải là nhà quyết định luận. Thậm chí, những người theo chủ nghĩa tự do cũng tin rằng cái chết là không thể tránh khỏi. Nếu người dân Texas cố nhồi nhét vào bốt điện thoại công cộng, chắc chắn một số người sẽ bị chết bẹp. Đây là vấn đề vật lý hơn là định mệnh. Nó không làm thay đổi thực tế là họ tự nhồi nhét theo ý muốn tự nguyện của chính họ. Hành động mà chúng ta tự do thực hiện thường có kết cục đưa chúng ta đối diện với những sức mạnh xa lạ. Học thuyết về sự tha hóa và sùng bái hàng hóa của Các Mác dựa trên chính sự thật này. 

Cũng có nhiều cách hiểu về tính tất yếu. Tuyên bố rằng, chiến thắng của công lý ở Zimbabwe là tất yếu không có nghĩa là nó chắc chắn xảy ra. Nó có thể là một mệnh lệnh tinh thần hay chính trị hơn, nghĩa là khó nói theo cách khác. “Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa man rợ” không có nghĩa rằng, chúng ta cuối cùng phải sống dưới chế độ này hoặc chế độ kia. Nó có thể là cách nhấn mạnh hậu quả khôn lường của việc không đạt được chủ nghĩa cộng sản. Các Mác chỉ rõ trong cuốn Hệ tư tưởng Đức rằng, tại thời điểm hiện tại… các cá nhân phải thủ tiêu sở hữu tư nhân, nhưng “phải” ở đây là sự hô hào chính trị nhiều hơn là một gợi ý rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Nhìn chung, Các Mác không phải là một người theo thuyết quyết định luận; song có rất nhiều cách diễn đạt trong công trình của ông chuyển tải ý nghĩa của thuyết quyết định luận lịch sử. Ông đôi khi so sánh những quy luật lịch sử với quy luật tự nhiên, như khi viết trong cuốn Tư bản, quy luật tự nhiên của chủ nghĩa tư bản… phù hợp với tính tất yếu để đến những kết quả tất yếu. Các Mác dường như nhất trí khi một nhà bình luận cho rằng công trình của ông coi sự phát triển xã hội như là một tiến trình lịch sử tự nhiên. Ông cũng tán thành một nhà phê bình tác phẩm như ông, như sự chứng minh cho “tính tất yếu của trật tự hiện thời” và sự chứng minh “cả tính tất yếu của một trật tự khác mà trật tự hiện thời nhất thiết phải chuyển sang”[9]. Không rõ thuyết quyết định luận khổ hạnh này phù hợp thế nào với xu hướng luôn đặt đấu tranh giai cấp là trung tâm của mọi vấn đề. 

Cũng có đôi lúc Ph.Ăng-ghen phân biệt rõ rệt quy luật lịch sử với quy luật tự nhiên, nhưng ở một số chỗ khác ông lại lập luận về sự giống nhau giữa chúng. Các Mác say sưa đi tìm một cơ sở cho lịch sử trong tự nhiên, nhưng cũng làm nổi bật thực tế là chúng ta tạo ra lịch sử chứ không phải tạo ra tự nhiên. Đôi khi ông phê phán ứng dụng sinh học cho lịch sử nhân loại, và phản đối quan điểm những quy luật lịch sử có giá trị phổ quát. Rất giống một nhà tư tưởng thế kỷ XIX, Các Mác nắm lấy uy quyền của khoa học tự nhiên, tiếp đó là phương thức tối cao của tri thức để xây dựng tính chính thống cho công trình của mình. Nhưng ông cũng đã tin rằng, quy luật lịch sử có thể biết được với tính chắc chắn của những quy luật khoa học.

Mặc dù vậy, khó mà tin rằng ông coi xu hướng tỷ lệ lợi nhuận giảm dần của chủ nghĩa tư bản theo nghĩa đen giống định luật hấp dẫn. Ông không thể nói rằng, lịch sử phát triển như một cơn bão sấm chớp. Đúng là ông coi quá trình diễn biến các sự kiện lịch sử như là sự biểu hiện của một tình trạng cụ thể có ý nghĩa quan trọng, nhưng không phải chỉ một mình ông khẳng định điều đó. Không mấy người nhìn nhận lịch sử nhân loại là hoàn toàn ngẫu nhiên. Nếu không có tính quy tắc hay những xu hướng có thể dự đoán chung trong đời sống xã hội, chúng ta không thể có khả năng hành động mang tính mục đích. Không phải là sự lựa chọn giữa quy luật thép và tình trạnh hoàn toàn hỗn độn. Mọi xã hội, giống như mọi hành động của con người, mở ra tương lai này trong khi đóng lại những tương lai khác. Nhưng sự tác động qua lại giữa tự do và sự ép buộc này khác xa một số dạng của sự cần thiết tất yếu. Nếu anh chủ ý muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn, thì như chúng ta đã thấy, anh sẽ chắc chắn có kết cục như một hình thức nào đó của chủ nghĩa Stalin. Đấy là một tấm gương lịch sử đã được kiểm nghiệm, được xác thực bằng một loạt thể nghiệm xã hội cẩu thả. Những người tự do và những người bảo thủ không thường xuyên say sưa với quy luật lịch sử có thể sẽ đổi giọng khi nói đến những trường hợp đặc biệt cụ thể này. Nhưng việc cho rằng nhất định kết thúc bằng chủ nghĩa Stalin là bỏ qua tính ngẫu nhiên của lịch sử. Có lẽ những người bình thường sẽ đứng dậy và giành chính quyền vào tay họ; hay có lẽ một nhóm quốc gia giàu có sẽ bất ngờ bay đến trợ giúp; hay có lẽ anh sẽ phát hiện ra rằng, anh đang ngồi trên mỏ dầu lớn nhất hành tinh và sử dụng nó để xây dựng nền kinh tế của mình một cách dân chủ.

Tiến trình lịch sử cũng đúng như vậy. Các Mác dường như không tin rằng, những phương thức sản xuất khác nhau từ chế độ nô lệ cổ xưa đến chủ nghĩa tư bản hiện đại kế tiếp nhau theo mô thức không thể thay đổi nào đó. Ph.Ăng-ghen nhận xét rằng, lịch sử “phát triển rất nhanh và thường theo một đường dích dắc”[10]. Một mặt, những phương thức sản xuất khác nhau không chỉ kế tiếp nhau. Chúng có thể cùng tồn tại trong cùng một xã hội. Mặt khác, Các Mác cho rằng, quan điểm của ông về sự quá độ từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản chủ nghĩa áp dụng một cách cụ thể cho phương Tây không phải là phổ quát. Khi phương thức sản xuất phát triển, không phải mọi quốc gia đều phải đi theo cùng một con đường. Những người Bôn-sê-vích đã có thể nhảy từ nước Nga nửa phong kiến sang nhà nước xã hội chủ nghĩa mà không phải sống qua một thời kỳ dài của chủ nghĩa tư bản.

Các Mác đã có lúc tin là chính dân tộc Đức của ông phải trải qua giai đoạn tư sản trước khi tầng lớp công nhân có thể nắm quyền. Tuy nhiên, sau đó ông dường như bỏ rơi niềm tin ấy, thay vào đó nói đến “cách mạng triệt để” có thể rút ngắn các giai đoạn này. Cách nhìn tiêu biểu ở thời kỳ khai sáng về lịch sử này là một tiến trình phát triển hữu cơ, mà mỗi thời kỳ xuất hiện một cách tự nhiên ở giai đoạn tiếp theo để hình thành cái toàn bộ mà ta vẫn biết là sự tiến bộ. Trái lại, câu chuyện về những người Mác-xít lại được đánh dấu bằng bạo lực, sự chia rẽ, mâu thuẫn và ngắt quãng. Đúng là có tiến bộ, nhưng như Các Mác lập luận trong tác phẩm của ông về nước Ấn Độ, nó giống như một vị chúa Hinđu uống rượu quý trong hộp sọ người. 

Việc Các Mác tin đến mức nào vào sự tất yếu của lịch sử không chỉ là vấn đề kinh tế và chính trị, mà nó còn là vấn đề đạo đức. Ông dường như không cho rằng, chế độ phong kiến hay chủ nghĩa tư bản cần phải xuất hiện. Với một phương thức sản xuất cụ thể, có nhiều con đường đi khác nhau từ đó. Tất nhiên, có những giới hạn của nó. Anh sẽ không đi từ chủ nghĩa tư bản tiêu dùng sang săn bắt hái lượm, có lẽ trừ khi một cuộc chiến tranh hạt nhân xen vào. Lực lượng sản xuất đã phát triển sẽ khiến cho một sự trở lại như thế hoàn toàn không cần thiết và không mong muốn. Nhưng có một bước đi cụ thể mà Các Mác dường như xem là tất yếu: Cần có chủ nghĩa tư bản để có chủ nghĩa xã hội. Được dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân, cạnh tranh tàn khốc và nhu cầu mở rộng không ngừng, chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có năng lực để phát triển lực lượng sản xuất đến một điểm tại đó, dưới một chế độ chính trị khác, thặng dư mà họ tạo ra có thể được sử dụng để cung cấp sự no đủ cho tất cả mọi người. Để có chủ nghĩa xã hội, anh buộc phải có chủ nghĩa tư bản trước. Hay nói cách khác, anh có thể không cần chủ nghĩa tư bản, nhưng ai đó phải cần. Các Mác nghĩ rằng, nước Nga sẽ có thể duy trì một hình thái xã hội chủ nghĩa dựa trên công xã nông dân hơn là trên một lịch sử của chủ nghĩa tư bản công nghiệp; nhưng ông không thể tưởng tượng rằng, điều này có thể được thực hiện mà không có sự giúp đỡ của nguồn tư bản từ nơi khác. Một quốc gia khác không cần phải qua chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa tư bản phải tồn tại đâu đó nếu muốn đến chủ nghĩa xã hội.

Điều này đặt ra nhiều vấn đề đạo đức hóc búa. Như những người Cơ đốc giáo chấp nhận quỷ dữ là cần thiết theo kế hoạch với loài người của Chúa, bạn có thể thấy như vậy về Các Mác khi ông tuyên bố rằng, chủ nghĩa tư bản, tuy tham tàn và phi lý, phải được cam chịu vì tương lai của chủ nghĩa xã hội mà nó tất yếu sẽ mang đến cùng với sự xuất hiện của nó. Không chỉ chịu đựng, thực tế còn được khuyến khích một cách chủ động. Có những điểm trong công trình của Các Mác tán dương sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản, vì chỉ có vậy sẽ dẫn đường cho chủ nghĩa xã hội được mở bung ra. Trong một bài thuyết trình năm 1847, ông bảo vệ tự do thương mại như là việc đẩy nhanh sự tiến tới chủ nghĩa xã hội. Ông cũng muốn nhìn nhận sự thống nhất của nước Đức trên cơ sở rằng, nó sẽ thúc đẩy chủ nghĩa tư bản Đức. Có nhiều chỗ trong công trình của ông, nhà chủ nghĩa xã hội cách mạng này tán dương khá nhiều viễn cảnh một giai cấp tư bản tiến bộ chấm dứt “chủ nghĩa man rợ”.

Đạo lý trong đó rõ ràng là mơ hồ. Có gì khác biệt với cuộc tàn sát giết chóc của Stalin hay Mao, thực hiện dưới danh nghĩa của tương lai chủ nghĩa xã hội? Mục đích có thể biện minh cho phương thức như thế nào? Và bởi vì ít người ngày nay tin chủ nghĩa xã hội là tất yếu, liệu có thêm lý do để thừa nhận một sự tế thời hiện tại dã man như vậy trên điện thờ tương lai mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ đến? Nếu chủ nghĩa tư bản là thiết yếu cho chủ nghĩa xã hội, và nếu chủ nghĩa tư bản là bất công, liệu điều này có cho rằng sự bất công là chấp nhận được về mặt đạo đức? Nếu phải có công bằng trong tương lai, liệu buộc phải có bất công trong quá khứ? Các Mác viết trong cuốn Học thuyết về giá trị thặng dư rằng: “sự phát triển của năng lực loài người diễn ra với sự trả giá của đa số cá nhân và thậm chí các giai cấp”[11]. Ông muốn nói rằng, sự tốt đẹp cho loài người cuối cùng sẽ chiến thắng trong hình hài của chủ nghĩa xã hội, nhưng rằng điều này có được với tổn thất lớn và bất công không thể tránh khỏi trên con đường đi. Sự thịnh vượng vật chất để cuối cùng tạo điều kiện cho tự do là kết quả của sự mất tự do.

Có gì khác biệt giữa việc làm điều xấu để hy vọng điều tốt sẽ đến với việc tìm cách biến cái xấu của người này thành cái tốt đẹp. Những người xã hội chủ nghĩa không phạm vào chủ nghĩa tư bản, và vô tội với tội ác của nó; nhưng chấp nhận nó tồn tại, nó dường như là hợp lý trí để phát huy những cái tốt nhất từ chủ nghĩa tư bản. Điều này là có thể, bởi vì, chủ nghĩa tư bản đương nhiên không phải chỉ toàn là xấu xa. Nói như vậy là phiến diện trầm trọng, một lỗi mà chính Các Mác hiếm khi phạm phải. Như chúng ta đã thấy, chế độ tư bản chủ nghĩa ủng hộ tự do cũng như chủ nghĩa man rợ, sự giải phóng con người cùng với chế độ nô lệ. Xã hội tư bản tạo nên sự giàu có khổng lồ, nhưng theo một cách là không thể đặt sự giàu có đó vào tay của hầu hết người dân. Mặc dù vậy, luôn có thể vươn lên sự giàu có đó. Nó có thể thoát khỏi những hình thức tích trữ chủ nghĩa cá nhân đã từng nuôi dưỡng chủ nghĩa tư bản, đầu tư vào cộng đồng nói chung, và dùng để hạn chế đến mức nhỏ nhất những bất đồng ý kiến. Bởi vậy, nó có thể giải thoát con người khỏi ràng buộc của nhu cầu kinh tế tối thiểu để đến với một cuộc sống mà ở đó họ tự do thực hiện khả năng sáng tạo của mình. Đó là viễn cảnh của Các Mác về chủ nghĩa xã hội.

Điều đó không hề nói rằng, sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn tốt đẹp. Nó có thể tốt hơn nếu sự giải phóng con người có thể được tiến hành với ít máu, mồ hôi và nước mắt hơn. Theo nghĩa đó, học thuyết về lịch sử của Các Mác không phải là học thuyết “mục đích luận”. Một học thuyết mục đích luận nói rằng, mỗi giai đoạn của lịch sử xuất hiện không thể tránh khỏi từ những gì đi trước. Bản thân mỗi giai đoạn của tiến trình cần thiết, và cùng với tất cả các giai đoạn khác đều cần thiết để đi đến một đích nhất định. Bản thân mục đích đó cũng là tất yếu, đóng vai trò là động lực bên trong của toàn bộ tiến trình. Không gì trong câu chuyện này có thể bị loại bỏ, và mọi thứ có độc hại hay tiêu cực đều góp phần cho sự tốt đẹp toàn thể. 

Đấy không phải là những gì Các Mác dạy. Để nói rằng từ chủ nghĩa tư bản sẽ có một tương lai tiến bộ không phải là hàm ý rằng nó tồn tại cho lý do đó. Chủ nghĩa xã hội không nhất thiết phải tiếp theo sau chủ nghĩa tư bản. Không phải để nói rằng, tội ác của chủ nghĩa tư bản được bao biện cho việc tiến tới chủ nghĩa xã hội. Cũng không phải để ngụ ý rằng, chủ nghĩa tư bản nhất thiết phải tồn tại. Các phương thức sản xuất không nhất thiết phải xuất hiện. Không phải các phương thức sản xuất đều được gắn với tất cả các giai đoạn trước bởi một lôgic bên trong nào đó. Không giai đoạn nào của tiến trình tồn tại với giai đoạn khác. Có thể bỏ qua các giai đoạn, như những người Bôn-sê-vích đã làm. Không thể chắc chắn được điểm cuối cùng. Với Các Mác, lịch sử không di chuyển theo một hướng nào cụ thể. Chủ nghĩa tư bản có thể được sử dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng là vô nghĩa khi toàn bộ tiến trình lịch sử dồn hết công sức tới cái đích này. 

Thời đại chủ nghĩa tư bản hiện đại mang lại lợi ích không thể chối cãi. Nó có rất nhiều đặc tính tuyệt vời, từ cải tiến cách gây mê và xử phạt đến hệ thống vệ sinh ưu việt và tự do ngôn luận, mà bản thân chúng là quý báu, không phải đơn giản vì một tương lai chủ nghĩa xã hội sẽ tìm cách nào đó để sử dụng chúng. Nhưng điều đó không nhất thiết nghĩa là hệ thống đó cuối cùng được minh oan. Có thể lập luận rằng, dù nếu xã hội có giai cấp cuối cùng đi đến chủ nghĩa xã hội, cái giá nhân loại buộc phải trả cho kết cục may mắn này đơn giản là quá cao. Một thế giới xã hội chủ nghĩa sẽ tồn tại trong bao lâu, và nó cần mạnh mẽ đến đâu để hưng thịnh, để biện minh trong hồi tưởng cho những đau khổ của lịch sử giai cấp? Có thể làm được điều đó không hay chỉ giống như biện minh cho Auschwitz? Nhà triết gia Mác-xít Max Horkheimer lý luận rằng: “con đường đi của lịch sử nằm trên đau thương và khốn khổ của các cá nhân. Có một loạt các kết nối mang tính thanh minh giữa hai thực tiễn này, nhưng không có cái nào có ý nghĩa biện minh”[12].

Chủ nghĩa Mác nói chung không được nhìn nhận như là một viễn cảnh bi đát của thế giới. Chương cuối cùng của nó – chủ nghĩa cộng sản – xuất hiện quá lạc quan. Nhưng, không đánh giá khía cạnh buồn thảm của nó sẽ là bỏ sót chiều sâu phức tạp của nó. Câu chuyện của những nhà Mác-xít không buồn thảm theo nghĩa kết thúc tồi. Nhưng một câu chuyện không phải kết thúc dở sẽ trở nên buồn thảm. Thậm chí, nếu con người tìm ra sự hoàn hảo nào đó vào phút cuối, thì vẫn là bi thảm rằng, tổ tiên của họ đã phải bị đẩy xuống địa ngục để họ có được như vậy. Và sẽ có nhiều người ngã xuống bên đường, không đạt được mục đích và bị quên lãng. Thiếu sự phục sinh thực sự, chúng ta không bao giờ có thể thưởng phạt cho hàng triệu người bị ngã giữa đường này. Học thuyết lịch sử của Các Mác là bi kịch chỉ theo khía cạnh đó.

Đó là một điểm nổi bật mà Aijaz Ahmad biết rất rõ. Ông nói đến Các Mác về sự suy tàn của giai cấp nông dân, nhưng luận điểm này có một ứng dụng khái quát hơn trong công trình của ông. Ông viết: “Có một hàm ý về sự phá hủy tàn khốc và mất mát không thể cứu vãn, một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ở đó không thể hoàn toàn xác nhận cả cái cũ lẫn cái mới, thừa nhận rằng người chịu thiệt là người tử tế và chưa hoàn thiện, cũng thừa nhận rằng lịch sử của chiến thắng và mất mát thực sự là lịch sử của sản xuất vật chất, và cuối cùng là một hy vọng mong manh rằng, điều tốt đẹp nào đó có thể sẽ đến với lịch sử nhẫn tâm này”[13]. Bi kịch không nhất thiết không có hy vọng.

Cuối cùng, còn một điểm nữa cần ghi nhớ. Chúng ta đã thấy rằng, chính Các Mác cho rằng chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng liệu có đúng không? Điều gì diễn ra nếu ai đó phải tìm cách phát triển lực lượng sản xuất từ một mức rất thấp, nhưng là mạnh nhất sao cho phù hợp với giá trị xã hội chủ nghĩa dân chủ? Đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng đó là quan điểm của những thành viên phe đối lập cánh tả ở nước Nga Bôn-sê-vích; và, mặc dù vậy, đó là một đề án bị đổ vỡ nhưng là chiến lược đúng đắn để đi theo trong hoàn cảnh đấy. Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ nghĩa tư bản chưa từng tồn tại? Nhân loại liệu có thể tìm ra cách nào ít tàn ác hơn cho việc phát triển mà Các Mác xem như một hàng hóa quý giá nhất – sở hữu vật chất, một sự giàu có về sức sáng tạo của con người, tính tự quyết, truyền thông toàn cầu, tự do cá nhân, một nền văn hóa tráng lệ v.v.. và v.v..? Liệu một lịch sử khác có tạo ra được những nhân tài ngang với Raphael và Shakespeare? Ta hãy nghĩ đến sự tráng lệ của nghệ thuật và khoa học trong Hy Lạp cổ đại, xứ sở Ba Tư, Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ, Mesopotania và những nơi khác nữa. Sự hiện đại của chủ nghĩa tư bản có thực sự cần thiết? Làm thế nào để ai đó cân đong được giá trị của khoa học hiện đại và tự do con người với hàng hóa tinh thần của các xã hội bộ lạc? Điều gì xảy ra khi chúng ta đặt nền dân chủ cùng với sự hủy diệt hàng loạt?

Vấn đề có lẽ có nhiều hàm ý hơn là tính học thuật. Cứ cho rằng, một số ít người chúng ta có thể thoát ra khỏi thảm họa hạt nhân hay sinh thái, và bắt đầu nhiệm vụ nản lòng là xây dựng nền văn minh lại từ mớ hỗn độn. Với những gì ta biết về nguyên nhân của thảm họa này, lần này liệu chúng ta sẽ khôn ngoan để thử lại theo con đường xã hội chủ nghĩa?

ĐINH XUÂN HÀ và PHƯƠNG SƠN dịch

 

[1] Alex Callinicos (Chủ biên): Marxist Theory, Oxford, 1989, p.143.

[2] “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị – Lời tựa”, trong Các Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.1993, t.13, tr.15.

[3] Người bảo vệ mãnh liệt nhất cho học thuyết này là G.A.Cohen trong tác phẩm Marx's Theory of History: A Defence (Oxford, 1978). Hiếm có một ý tưởng ương ngạnh nào được nhiều người ủng hộ đến vậy. Xem thêm một giải thích tuyệt vời cho học thuyết lịch sử của Mác ở S.H.Rigby: Marxism and History, Manchester and New York, 1987, là tác phẩm tôi trích dẫn ở đây.

[4] Bởi Alex Callinicos and Chris Harmon: The Changing Working Class, London, 1983, p.13.

[5] .“Gia đình thần thánh” trong Các Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.141.

[6] Marx & Engels: Tuyển tập các bức thư (Selected Correspondence), Moscow, 1975, pp.390-91, 293-94.

[7] Marx & Engels: Tuyển tập các bức thư (Selected Correspondence), Moscow, 1975, pp.390-91, 293-94.

[8] Điểm này đã được John Maguire trình bày trong Marx's Theory of Politics, Cambridge, 1978, p.123.

[9] Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.23, tr.33.

[10] Umberto Melotti: Chủ nghĩa Mác và thế giới thứ ba (Marxism and the Third World), London, 1972, p.6

[11] Karl Marx: Theories of Surplus Value, London, 1972, p.134.

[12] Xem Alfred Schmidt: The Concept of Nature in Marx, London, 1971, p.36.

[13] Aijaz Ahmad: In Theory: Classes, Nations, Literatures, London, 1992, p.228.

Bình luận