PHẢN BÁC:
Chủ nghĩa Mác là một giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực, đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn. Dưới chế độ cộng sản chủ nghĩa sẽ không có sự bon chen, vị kỷ, chiếm hữu, cạnh tranh hay bất bình đẳng. Không ai là ưu việt hay hạ đẳng đối với người khác. Không ai phải làm việc, loài người sống hoàn toàn hòa thuận với nhau, nguồn của cải vật chất sẽ tuôn chảy không bao giờ dứt. Viễn cảnh ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ niềm tin ấu trĩ vào bản chất con người. Chỉ đơn giản là bản chất xấu xa của con người được loại trừ. Người ta không cần chú ý đến thực tế rằng con người là những sinh vật sinh ra vốn có bản chất ích kỷ, tham lam, thô bạo và ganh đua mà không một sự can thiệp xã hội nào có thể làm thay đổi. Chính viễn cảnh ngây ngô của Các Mác về tương lai phản ánh sự phi thực tế đến vô lý trong toàn bộ hệ thống quan điểm chính trị của ông.
BIỆN GIẢI:
“Vẫn có tai nạn giao thông ở xã hội không tưởng Mác-xít của các người chứ?” Đó là một câu hỏi nhạo báng mà những người Mác-xít đã quá quen thuộc. Trên thực tế, lời chỉ trích đó cho thấy sự thiếu hiểu biết của người nói, chứ không cho thấy những ảo tưởng của người Mác-xít. Bởi vì, nếu xã hội không tưởng có nghĩa là một xã hội hoàn hảo thì “xã hội không tưởng Mác-xít”[1] lại có nghĩa trái ngược hoàn toàn.
Dường như có những cách sử dụng thú vị hơn nhiều đối với từ “không tưởng” trong truyền thống Mác-xít. Một trong những người Anh vĩ đại nhất là William Morris đã xuất bản một công trình không tưởng khó quên trong Tin tức không ở đâu cả (New From Nowhere), một tác phẩm không giống hầu hết những tác phẩm không tưởng khác, đã mô tả chi tiết quá trình thay đổi chính trị xuất hiện như thế nào. Tuy nhiên, khi từ này trở nên thông dụng thì cũng cần phải nói rằng, Các Mác đã không thể hiện một sự quan tâm dù nhỏ nhất đến một tương lai không có đau khổ, chết chóc, mất mát, thất bại, đổ vỡ, xung đột, thảm họa hay thậm chí lao động. Thực ra, ông không thể hiện sự quan tâm nhiều đến tương lai. Thật là giả dối đối với tác phẩm của ông khi cho rằng ông hầu như không nói rõ một xã hội xã hội chủ nghĩa hay xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ như thế nào. Những người phê phán ông, bởi vậy, có thể trách cứ ông về sự vô tâm khó tha thứ, nhưng họ khó có thể làm được điều đó đồng thời đổ lỗi cho ông đã vẽ ra những kế hoạch không tưởng. Chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Mác đã mua bán tương lai. Trong Hệ tư tưởng Đức, ông đã phản bác quan điểm về chủ nghĩacộng sản là “lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo”. Thay vào đó, trong Hệ tư tưởng Đức, ông coi nó là “một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay”[2].
Cũng giống như người Do Thái trước đây bị cấm bói toán tương lai, thì Các Mác, một người Do Thái thế tục dường như không hề nói về những gì trong tương lai. Chúng ta đều thấy có thể ông tin rằng chủ nghĩa xã hội là tất yếu, nhưng ông không hề nói chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào. Có một vài lý do cho sự dè dặt này. Thứ nhất, tương lai không tồn tại, do đó bịa ra những hình ảnh về tương lai là một sự dối trá. Nếu làm được như vậy thì cũng có nghĩa cho rằng, tương lại được quyết định từ trước – nó ở chỗ nào đó chưa rõ rệt mà chúng ta cần phát hiện. Chúng ta cũng thấy rằng, có một hàm ý mà ở đó Các Mác khẳng định rằng, tương lai là tất yếu. Nhưng tất yếu không nhất thiết có nghĩa là điều đáng mong muốn. Cái chết cũng là tất yếu nhưng là cái không mong muốn đối với hầu hết mọi người. Tương lai có thể được quyết định từ trước nhưng không có lý do gì để nói rằng, tương lai sẽ là cái tốt đẹp hơn những gì chúng ta đang có. Tất yếu, như chúng ta đã thấy, thường là cái gì đó không thú vị mấy. Bản thân Các Mác cũng cần nhận thức thêm về điều đó.
Tuy nhiên, dự đoán tương lai không chỉ vô nghĩa; trên thực tế nó còn mang tính hủy diệt. Có sức mạnh đối với tương lai là một cách tạo cho mình một cảm giác sai lầm về sự an toàn. Đó là một thủ thuật che giấu mình trước bản chất cởi mở của hiện tại với tất cả tính không ổn định và khó dự đoán của nó. Tương lai khi đó được sử dụng như là một hình thức mê tín dị đoan, không khác gì ru ngủ đứa trẻ trong chăn ấm bằng câu chuyện cổ tích. Đó là một giá trị tuyệt đối không bao giờ làm chúng ta thất vọng (vì nó không tồn tại) bởi vì nó cũng xa rời hơi thở của lịch sử như một ảo ảnh. Bạn cũng có thể độc chiếm lấy tương lai như là một cách chi phối hiện tại. Những thầy bói thực thụ trong thời đại của chúng ta không phải là những kẻ để râu tóc rũ rượi, miệng la hét lảm nhảm những lời khủng khiếp về cái chết của chủ nghĩa tư bản, mà là những chuyên gia được các công ty xuyên quốc gia thuê để nghiên cứu săm soi ruột gan hệ thống và khẳng định với những kẻ cai trị của nó rằng, lợi nhuận của họ được bảo đảm trong mười năm nữa. Trái lại, nhà tiên tri không phải là người nhìn thấu suốt tương lai. Thật sai lầm khi cho rằng, những nhà tiên tri trong Kinh Thánh phải tìm cách dự báo tương lai, mà đúng hơn là nhà tiên tri vạch trần sự tham lam, mục nát, mua quan bán chức hiện nay, cảnh báo cho chúng rằng, nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ không thể có tương lai. Các Mác là một nhà tiên tri, chứ không phải là một thầy bói.
Còn một lý do nữa để nói rằng, tại sao Các Mác lại thận trọng với những hình ảnh của tương lai. Bởi vì, trong thời của ông có rất nhiều hình ảnh tương lai – hầu hết đó là hình ảnh do những người cấp tiến theo chủ nghĩa duy tâm một cách vô vọng vẽ nên. Quan điểm cho rằng, lịch sử đang tiến dần đến một trạng thái hoàn hảo không phải là một quan điểm tả khuynh. Quan điểm đó là phổ biến trong thời kỳ Khai sáng thế kỷ XVIII và không mấy nổi tiếng với tinh thần chủ nghĩa xã hội cách mạng thời đó. Nó phản ánh niềm tin của tầng lớp trung lưu châu Âu trong giai đoạn đầu tràn đầy sức sống. Lý do nằm ở quá trình chế ngự chế độ chuyên quyền, khoa học đuổi cổ mê tín dị đoan, còn hòa bình đánh bại kết quả chiến tranh. Kết quả là, toàn bộ lịch sử loài người (mà hầu hết những nhà tư tưởng này đều nghĩ là châu Âu) đều hướng tới đỉnh cao nhất là tình trạng tự do, hòa hợp, và thịnh vượng. Không thể có chuyện nhà phê bình trứ danh và nghiêm khắc nhất lịch sử thuộc tầng lớp trung lưu lại chấp nhận viễn cảnh tự mãn này. Như chúng ta thấy, Các Mác thực sự tin vào tiến bộ và văn minh nhưng ông cũng thừa nhận rằng, những cái đó không thể tách rời tình trạng man rợ và dốt nát.
Như thế không phải để nói rằng, Các Mác không học gì từ những triết gia không tưởng như Fourier, Saint Simon và Robert Owen. Nếu ông có thể khiếm nhã với những người này thì ông vẫn ngợi ca những tư tưởng của họ, mà nhiều khi là sự cầu tiến đáng ngưỡng mộ (nhưng không phải tất cả họ, chẳng hạn như Fourier là người đặt ra thuật ngữ “chủ nghĩa nam nữ bình quyền” và tổ chức xã hội lý tưởng của ông ta được xây dựng để bao hàm chính xác 1.620 người, đã tin rằng, trong xã hội tương lai biển sẽ trở thành nước chanh. Bản thân Các Mác có lẽ cũng yêu thích rượu vang Riesling tinh khiết). Cái mà Các Mác phản đối, cùng với một số thứ khác nữa, là niềm tin của những người theo chủ nghĩa không tưởng rằng, họ có thể giành thắng lợi trước đối thủ của mình chỉ hoàn toàn bằng sức mạnh của lý lẽ. Xã hội đối với họ là cuộc đấu tranh tư tưởng chứ không phải sự va chạm của lợi ích vật chất. Trái lại, Các Mác có quan điểm hoài nghi về niềm tin đó trong những cuộc đối thoại tri thức. Ông nhận thức rằng, những tư tưởng thực sự thu hút sự chú ý này xuất hiện thông qua những hoạt động thường ngày của con người, chứ không phải qua sự diễn giải của các triết gia hay qua tranh luận về xã hội. Nếu bạn muốn thấy con người thực sự tin vào điều gì, hãy nhìn vào những gì họ làm, chứ không phải những gì họ nói.
Đối với Các Mác, những dự án không tưởng là sự sao lãng với nhiệm vụ chính trị hiện tại. Những sức lực đầu tư vào đó có thể để phục vụ tốt hơn cho đấu tranh chính trị. Là một người duy vật, Các Mác rất thận trọng với những tư tưởng xa rời thực tế lịch sử mà ông cho rằng có những lý do lịch sử chính đáng cho sự xa rời đó. Bất cứ ai có thời gian rảnh rỗi cũng có thể ấp ủ những dự định cho một tương lại tốt đẹp hơn, cũng giống như một ai đó vạch ra vô số kế hoạch cho một cuốn tiểu thuyết đồ sộ mà họ không bao giờ bắt tay vào viết bởi vì họ lúc nào cũng đang lập kế hoạch để viết. Vấn đề với Các Mác không phải là mơ mộng về một tương lai tốt đẹp mà giải quyết những mâu thuẫn hiện tại đang cản trở sự xuất hiện của một tương lai tốt đẹp hơn. Khi đạt được điều này, sẽ không cần đến bất cứ người nào như ông nữa.
Trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp, Các Mác viết rằng, những người công nhân cách mạng “không cần phải thực hiện một lý tưởng nào cả, mà chỉ cần giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển trong lòng xã hội tư sản cũ đang sụp đổ”[3]. Hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn không thể chỉ là sự mộng mơ “cuộc đời sẽ tốt đẹp nếu… Nếu là một cái gì đó không phải là những suy nghĩ vẩn vơ, thì một tương lai khác hoàn toàn không chỉ là điều mong đợi mà phải có khả năng thực hiện. Để thực hiện được, nó phải bắt nguồn từ thực tế hiện tại. Nó không thể chỉ do không gian chính trị bên ngoài đặt vào hiện tại. Mà phải là một hình thức chụp cắt lớp, hay chụp X quang đối với hiện tại để nhìn thấy rõ một tương lai đang hình thành ở trong đó. Nếu không làm được điều đó, bạn chỉ có thể giúp mọi người mơ mộng một cách tuyệt vọng, mà theo Freud, mơ mộng tuyệt vọng chính là chứng loạn thần kinh chức năng.
Do vậy, có những lực lượng trong hiện tại đem lại sức mạnh vượt ra ngoài nó. Chẳng hạn như chủ nghĩa bình quyền nam nữ là một phong trào chính trị đang hoạt động sôi nổi hiện nay, nhưng nó hoạt động bằng cách đi tìm một tương lai bỏ rất xa hiện tại. Với Các Mác, chính giai cấp công nhân – đã từng là một thực tế hiện tại và là một tác phẩm mà nhờ đó nó được biến đổi – tạo ra sự liên kết giữa hiện tại và tương lai. Chính trị mang tính giải phóng đã đặt tương lai vào trong lòng hiện tại. Chính trị là cầu nối giữa hiện tại và tương lai tại điểm giao nhau. Cả hiện tại và tương lai được kích thích bởi những nguồn lực của quá khứ, với nghĩa là những truyền thống chính trị quý giá mà ta phải đấu tranh để giữ gìn bằng được.
Một số người bảo thủ là những người theo chủ nghĩa không tưởng, nhưng sự không tưởng của họ nằm trong quá khứ chứ không phải ở tương lai. Theo quan điểm của họ, lịch sử là một sự suy giảm buồn thảm kéo dài so với thời vàng son bắt đầu từ thời Adam Virgil, Dante, Shakespeare, Samuel Johson, Jefferson, Disrael Magaret Thatcher hoặc ai đó nữa mà bạn muốn. Điều này sẽ coi quá khứ như là một vật thờ cúng, giống như những triết gia không tưởng làm với tương lai. Thực tế là, quá khứ cũng tồn tại không hề khác với tương lai, mặc dù người ta cảm thấy như vậy. Nhưng cũng có những người bảo thủ phản đối truyện thần thoại này với lập luận rằng, mọi kỷ nguyên đều khủng khiếp như nhau. Với họ, tin tốt là mọi việc không trở nên tồi tệ hơn, còn tin xấu sẽ là điều đó là vì chúng không thể tồi tệ hơn được nữa. Cái chi phối lịch sử chính là bản chất của con người, đó là (a) trong một tình trạng ọp ẹp khủng khiếp và (b) tuyệt đối không thể thay đổi được. Điều rồ dại lớn nhất – mà thực ra là sự tàn nhẫn – là đem nhử trước mọi người những lý tưởng nói rằng, họ không thể đạt được một cách hợp hiến. Những người cấp tiến rốt cục chỉ khiến mọi người ghê tởm chính mình. Họ đẩy mọi người vào vòng tội lỗi và tuyệt vọng bằng cách tung hô họ với những điều cao cả hơn.
Bắt đầu từ chỗ mà chúng ta có thể không biết đến cuốn sổ tay hay nhất hướng dẫn chuyển đổi chính trị. Hiện tại có vẻ như là một trở ngại cho sự thay đổi nhiều hơn là một cơ hội cho nó. Giống như một người Ái Nhĩ Lan ngốc nghếch điển hình trả lời khi được ai đó hỏi đường đến ga tàu hỏa: “Ồ, tôi sẽ không bắt đầu đi từ đây đâu”. Nhận xét này không phải phi lý như mọi người thường nghĩ, mà cũng đúng như người Ái Nhĩ Lan đó đã nghĩ. Điều đó có nghĩa là “Anh đáng lẽ có thể đến đó nhanh hơn và ngắn hơn nếu anh không bắt đầu đi từ chỗ khó đi và ở quá xa như chỗ này”. Những người xã hội chủ nghĩa hiện nay có lẽ thông cảm nhiều hơn với tình cảnh đó. Ta có thể hình dung một người Ái Nhĩ Lan quá quen thuộc trong các câu ngạn ngữ tìm hiểu về nước Nga sau cách mạng Bôn-sê-vích, chuẩn bị theo đuổi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu và bị cô lập, anh ta nhận xét: “Ồ, tôi sẽ không bắt đầu đi từ đây đâu”.
Dĩ nhiên, cũng có trường hợp không còn chỗ nào khác để bắt đầu. Một tương lai khác biệt phải là tương lai của hiện tại cụ thể đó. Hầu hết hiện tại được hình thành từ quá khứ. Chúng ta chẳng có gì để từ đó xây dựng tương lai, ngoài một số ít ỏi công cụ mà chúng ta kế thừa từ lịch sử. Những công cụ này còn bị hư hỏng bởi di sản về cảnh khốn cùng và tình trạng bọc lột truyền qua nhiều đời đến chúng ta. Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gotha, Các Mác đã mô tả xã hội mới in dấu chàm của trật tự cũ từ trước khi nó chào đời như thế nào. Rõ ràng là không thể có một điểm “thuần khiết” để ta bắt đầu từ đó. Nếu tin rằng có được điểm đó sẽ là những ảo tưởng về chủ nghĩa cực tả (Lê-nin gọi đó là tình trạng lộn xộn ấu trĩ) mà với nhiệt tình cách mạng của nó, sẽ chối bỏ tất cả những chiếc xe tải chở đầy những công cụ đã bị tổn thương của hiện tại: cải cách xã hội, công đoàn, đảng chính trị, dân chủ nghị viện,v.v.. Bởi vậy, rốt cục nó trở nên trong trắng như một kẻ bất lực.
Bởi thế nên tương lai không thể chỉ kết dính với hiện tại, không khác gì tuổi trưởng thành được gắn liền với thời thơ ấu. Nó phải được nhận biết bằng cách nào đó bên trong nó. Như thế không phải để nói rằng, một tương lai như vậy chắc chắn sẽ xuất hiện, giống như một đứa bé nhất định sẽ đến tuổi trưởng thành. Đứa trẻ đó vẫn có thể chết vì bệnh bạch hầu hầu trước khi trưởng thành. Vì vậy, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, với một hiện tại cụ thể, không thể có một tương lai đã biết đến từ lâu. Tương lai là để ngỏ, nhưng nó không để ngỏ hoàn toàn. Không giống như bất cứ điều gì đã biết từ lâu có thể xảy ra. Nơi mà tôi sẽ có mặt trong 10 phút nữa sẽ phụ thuộc vào tôi đang ở chỗ nào và một số thứ khác nữa. Để nhìn thấy tương lai như là một khả năng bên trong hiện tại sẽ không giống như coi một quả trứng sẽ trở thành con gà con. Nếu không bị rơi vỡ hay luộc chín để chuẩn bị cho một cuộc đi chơi dã ngoại, quả trứng sẽ nở thành gà con theo quy luật tự nhiên, nhưng tự nhiên không bảo đảm rằng chủ nghĩa xã hội sẽ theo sát gót chân của chủ nghĩa tư bản. Có nhiều tương lai khác nhau ẩn giấu đằng sau hiện tại, và chúng hoàn toàn không hấp dẫn như nhau. Nhìn tương lai như vậy sẽ là một sự bảo đảm để tránh hình dung sai lầm về nó. Chẳng hạn, cách nhìn này phản bác quan điểm về tương lai đầy tự mãn “theo chủ nghĩa tiến hóa”, coi tương lai đơn giản là nhiều hơn hiện tại. Đơn giản là, tương lai hiển nhiên là hiện tại. Nói ngắn gọn, đây là cách mà những nhà cai trị của chúng ta thích nhìn tương lai – tốt đẹp hơn hiện tại nhưng không ngừng thỏa mãn với nó. Những bất đồng sẽ được giảm tới mức nhỏ nhất. Sẽ không có chấn thương hay tai biến, chỉ có sự hoàn thiện dần dần những gì chúng ta đang có. Quan điểm này gần đây được biết đến là Sự Kết Thúc Của Lịch Sử, trước khi những người Hồi giáo cực đoan buộc lịch sử phải mở ra lần nữa. Bạn cũng có thể gọi đó là lý thuyết Con cá vàng về lịch sử, bởi nó mơ ước về một sự tồn tại an toàn nhưng buồn tẻ, như cuộc sống của con cá vàng trong bể nước. Nó trả giá cho sự tự do thoát khỏi những cú va đập (shake-up) bằng chôn mình trong buồn tẻ chán ngắt. Bởi vậy nó không nhìn thấy rằng, mặc dù tương lai có thể tồi tệ hơn rất nhiều so với hiện tại, nhưng một điều có thể khẳng định là tương lai sẽ rất khác. Một lý do khiến thị trường tài chính đổ vỡ mấy năm trước (2008 – 2009 – ND) là do chúng dựa vào mô hình giả định rằng, tương lai sẽ rất giống với hiện tại.
Trái lại, chủ nghĩa xã hội, theo một nghĩa nào đó là sự đột phá quyết định với hiện tại. Lịch sử cần được phá bỏ và làm lại – không phải bởi vì những người xã hội chủ nghĩa tùy tiện lựa chọn cách mạng chứ không phải cải cách, như con thú khát máu câm điếc trước tiếng gọi của sự tiết chế, mà bởi mức độ của cơn đau bắt buộc phải chữa trị. Tôi nói đến “lịch sử”, nhưng trên thực tế Các Mác e ngại đề cao mọi thứ đã xảy ra đến giờ liên quan đến cái “nhan đề” đó. Với ông, tất cả những gì chúng ta biết cho đến nay đều là “tiền sử” – tức là từ biến thể này đến biến thể khác của sự áp bức và bóc lột con người. Một hành động lịch sử duy nhất đúng là thoát khỏi bài văn tường thuật buồn tẻ để trở thành lịch sử đúng nghĩa. Là một người theo chủ nghĩa xã hội, bạn phải sẵn sàng nói rõ điều đó sẽ đạt được như thế nào và nó sẽ dẫn đến những thể chế nào. Nhưng nếu trật tự xã hội mới phải mang tính chuyển đổi thực sự, thì tiếp đó sẽ có một giới hạn khắc nghiệt đặt ra cho việc bạn có thể nói bao nhiêu về nó ngay từ bây giờ. Xét cho cùng, chúng ta có thể mô tả tương lai chỉ bằng cách dựa vào quá khứ hay hiện tại; và một tương lai đoạn tuyệt với hiện tại sẽ là khó mô tả bởi những giới hạn của ngôn ngữ chúng ta. Như chính Các Mác đã nhận xét trong tác phẩm Ngày 18 tháng Sương mù của Na-pô-lê-ông Bô-na-pác: “[trong tương lai xã hội chủ nghĩa] nội dung sẽ nhiều hơn hình thức”. Raymon Williams cũng có cùng nhận xét như vậy trong tác phẩm Văn hóa và xã hội 1780 – 1950, khi viết: “chúng ta phải lập kế hoạch cho những gì có thể lập kế hoạch được theo những quyết định chung của chúng ta. Nhưng trọng tâm đặt vào quan điểm văn hóa là đúng khi điều đó nhắc chúng ta rằng, văn hóa về bản chất là không thể lập kế hoạch được. Chúng ta phải bảo đảm phương tiện cuộc sống, phương tiện của cộng đồng. Nhưng những gì sẽ sống được khi đó, bằng những phương tiện này, chúng ta không biết và cũng không thể nói được”[4].
Có thể nói cách khác, nếu tất cả những cái đã xảy ra cho đến nay là “tiền sử” thì điều đó là dễ dự đoán hơn những gì Các Mác coi thực sự là lịch sử. Nếu chúng ta cắt tại một điểm bất kỳ trong lịch sử quá khứ và xem xét kỹ điểm giao cắt đó, chúng ta sẽ biết được trước những gì chúng ta sẽ tìm thấy ở đó. Chẳng hạn, chúng ta sẽ phát hiện thấy rằng, đại đa số người dân tại thời điểm đó đang sống một cuộc sống khó khăn cực khổ chỉ để phục vụ cho nhóm người cai trị. Chúng ta cũng sẽ phát hiện ra rằng, nhà nước chính trị, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng luôn sẵn sàng sử dụng bạo lực để bảo vệ tình trạng này. Chúng ta sẽ phát hiện rằng, có rất nhiều truyện thần thoại, văn hóa và tư tưởng của giai đoạn đó cung cấp cơ sở hợp phát nào đó cho sự tồn tại của tình trạng này. Chúng ta có thể cũng sẽ phát hiện ra một hình thức phản kháng nào đó của những người bị bóc lột đối với tình trạng bất công này.
Tuy nhiên, môt khi những kìm hãm sự phát triển của con người này được xóa bỏ, càng khó có thể nói được điều gì sẽ xảy ra. Khi đó mọi người sẽ được tự do hành xử như mong muốn, trong phạm vi trách nhiệm của họ đối với nhau. Nếu họ có thể dùng thời gian của mình nhiều hơn cho những gì mà giờ đây chúng ta gọi là hoạt động giải trí, chứ không phải là vào những công việc vất vả, thì hành vi của họ thậm chí còn trở nên khó dự đoán hơn. Tôi nói đến “những gì mà giờ đây chúng ta gọi là giải trí”, bởi vì, nếu chúng ta thực sự sử dụng những nguồn lực do chủ nghĩa tư bản tích lũy được để giải phóng một số lượng lớn người khỏi công việc, thì chúng ta sẽ không gọi những gì chúng ta đã làm thay cho nó là “giải trí”. Đó là vì quan niệm về giải trí phụ thuộc vào sự tồn tại của cái đối lập với nó (lao động), cũng giống như chúng ta không thể định nghĩa được chiến tranh mà không có một khái niệm nào đó về hòa bình. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, những hoạt động được gọi là giải trí thậm chí cũng đòi hỏi những nỗ lực to lớn và căng thẳng không kém việc xúc than. Bản thân Các Mác cũng thừa nhận điều này. Một số người cánh tả sẽ thất vọng khi nghe nói rằng, việc không được làm việc không nhất thiết có nghĩa là suốt cả ngày ngồi chơi xơi nước. Suy luận tương tự, lấy ví dụ hành vi của những người ở trong tù. Rất dễ để nói được những gì các tù nhân sẽ làm suốt cả ngày bởi vì những hoạt động của họ bị kiểm soát chặt chẽ. Những người cai tù có thể nói khá chắc chắn rằng tù nhân sẽ ở đâu vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ tư và nếu họ không thể làm như vậy họ có thể bị Thống đốc triệu hồi. Thế nhưng, khi người phạm tội được thả về với xã hội, rất khó có thể kiểm soát được họ, trừ phi sự kiểm soát đó được thực hiện bằng hình thức điện tử. Họ đã chuyển từ thời “tiền sử” bị tống giam của họ sang lịch sử thực thụ, có nghĩa là giờ đây, họ được tự do quyết định sự tồn tại của mình, chứ không phải do những thế lực bên ngoài quyết định. Với Các Mác, chủ nghĩa xã hội là thời kỳ mà ở đó chúng ta cùng quyết định theo hình thức tập thể đối với số phận của chính chúng ta. Đó chính là dân chủ với đầy đủ tính nghiêm túc nhất, chứ không phải dân chủ như là một trò chơi đố chữ chính trị. Cái thực tế con người được tự do nhiều hơn có nghĩa là sẽ khó nói được họ sẽ đang làm gì vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ tư.
Một tương lai khác hoàn toàn không phải là sự kéo dài đơn thuần hiện tại, cũng không phải là sự cắt đứt hoàn toàn với hiện tại. Nếu đó là sự cắt đứt hoàn toàn, làm thế nào chúng ta có thể nhận biết được điều đó? Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể mô tả điều đó một cách khá dễ dàng bằng ngôn ngữ của hiện tại, thì nó sẽ thực sự khác theo nghĩa nào? Tư tưởng của Các Mác về giải phóng con người phản bác cả sự tiếp nối cũng như sự đoạn tuyệt hoàn toàn. Theo nghĩa này thì ông là người hiếm gặp nhất trong loài người, một người có đầu óc nhìn xa trông rộng, đồng thời cũng là một nhà hiện thực chân chính. Ông chuyển khúc nhạc phóng túng của tương lai thành những công việc buồn tẻ của hiện tại, nhưng đúng ở đó, ông đã tìm thấy một tương lại vô cùng phong phú cần được giải phóng. Ông u buồn với quá khứ nhiều hơn những nhà tư tưởng khác, nhưng lại đầy hy vọng so với hầu hết trong số họ về những gì sắp xảy ra.
Chủ nghĩa hiện thực và viễn cảnh ở đây gắn liền với nhau: để nhìn hiện tại đúng là hiện tại, ta sẽ phải nhìn nó trong khả năng có thể biến đổi của hiện tại. Nếu không như vậy, bạn không thể nhìn nó một cách chính xác, bởi vì bạn sẽ không nhìn được toàn diện một em bé mới lọt lòng nghĩa là gì nếu bạn không thừa nhận rằng nó là một đứa trẻ trong tương lai. chủ nghĩa tư bản đã sinh ra những quyền lực và khả năng phi thường mà bản thân nó cũng cảm thấy khó xử; chính vì vậy, Các Mác là người tràn đầy hy vọng mà không phải là một nhà quán quân tinh tường của Tiến bộ và là người hiện thực một cách chân chất mà không phải là người hoài nghi hay bạc nhược. Sẽ là một viễn cảnh bi thương nếu nhìn chằm chằm vào điểm xấu nhất (cái tồi tệ nhất) trên khuôn mặt, nhưng cần vượt lên nó bằng cách làm đúng như vậy. Các Mác, như chúng ta đã thấy, theo một cách nào đó là một nhà tư tưởng bi thương, không phải là một nhà tư tưởng bi quan.
Một mặt, những người Mác-xít thuộc loại người khó thông cảm, luôn hoài nghi tinh thần cao cả của luân thường đạo lý và luôn cảnh giác với chủ nghĩa duy tâm. Với lối suy nghĩ luôn luôn nghi ngờ theo bản năng, họ có chiều hướng đi tìm những lợi ích vật chất đằng sau những câu nói hoa mỹ đầy nhiệt huyết. Họ cảnh giác với những thế lực buồn tẻ, thường là ti tiện, thường thấy trong những câu nói đạo đức giả, hay ảo ảnh tình cảm ủy mị. Thế nhưng, đó là vì họ muốn giải phóng con người khỏi những thế lực đó với niềm tin rằng, học có đầy đủ khả năng làm được những điều tốt đẹp hơn. Bởi vậy, họ kết hợp tính nhẫn tâm với niềm tin vào tính nhân đạo. Chủ nghĩa duy vật không hề viển vông, khó bị lừa dối bởi những lời khoa trương khoác lác, nhưng cũng quá hy vọng rằng mọi việc sẽ được hoàn thiện thành hoài nghi. Đã có một sự kết hợp tồi tệ trong lịch sử loài người.
Ta có thể nghĩ đến khẩu hiệu rất kêu của sinh viên Paris năm 1968: “Hãy hiện thực: đòi hỏi điều không thể!” Với tất cả tính chất hoa ngữ bóng bẩy của nó, khẩu hiệu này thật chính xác. Cái được yêu cầu một cách hiện thực để sửa chữa xã hội là vượt ra ngoài sức mạnh đang hiện hữu trong hệ thống, và theo nghĩa đó là điều không thể có. Nhưng là hiện thực khi tin rằng thế giới về nguyên tắc sẽ có thể được cải thiện rất nhiều. Những người chế giễu ý tưởng cho rằng có thể có được sự thay đổi xã hội lớn là những người tùy hứng mãnh liệt. Những người mộng mơ thực sự là những người phủ nhận mọi thứ nếu không phải là sự thay đổi dần dần đều có thể xuất hiện. Chủ nghĩa thực dụng ương ngạnh này cũng mang chứng hoang tưởng y như khi bạn tin rằng mình là Nữ hoàng Marie Antoinette. Những loại người như vậy luôn có nguy cơ gây bất ngờ cho lịch sử. Chẳng hạn, một số nhà tư tưởng thời phong kiến dám chối bỏ hệ thống kinh tế “phi tự nhiên” như chủ nghĩa tư bản có thể đã rất nổi tiếng. Cũng có những người đáng trách tự lừa dối mình tưởng tượng rằng nếu có nhiều thời gian và nỗ lực hơn, chủ nghĩa tư bản sẽ mang đến một thế giới dư giả cho tất cả mọi người. Với họ, hiện giờ nó chưa làm được như vậy chẳng qua chỉ là điều không may đáng tiếc. Họ không thấy rằng, bất bình đẳng đối với chủ nghĩa tư bản cũng là điều tự nhiên như tính kiêu căng và vĩ cuồng ở Hollywood.
Cái mà Các Mác phát hiện ở hiện tại là sự va chạm khốc liệt giữa các lợi ích. Nhưng trong khi một triết gia không tưởng có thể hô hào chúng ta vượt lên trên những mâu thuẫn đó dưới danh nghĩa tình thương yêu đùm bọc, thì bản thân Các Mác chọn một con đường đi hoàn toàn khác. Ông thực sự tin tưởng vào tình yêu thương đùm bọc, nhưng ông không nghĩ sẽ đạt được những điều đó bằng sự hòa hợp giả dối. Người bị bóc lột và người bị tước đoạt phải không từ bỏ lợi ích của mình, là điều mà những người chủ của họ muốn họ làm nhưng bằng cách ép buộc. Chỉ đến khi đó thì một xã hội vượt lên trên tư lợi cuối cùng mới có thể xuất hiện. Không có gì sai lầm với việc là người vị kỷ nếu không có sự lựa chọn nào khác ngoài tự ôm lấy xiềng xích bằng tinh thần hy sinh giả tạo.
Những người phê phán Các Mác có thể thấy khó chịu với sự nhấn mạnh đến lợi ích giai cấp này. Nhưng họ không thể tuyên bố thẳng thừng rằng, ông có quan điểm tốt đẹp quá đáng về bản chất của con người. Chỉ bằng cách bắt đầu từ hiện tại không bao giờ lấy lại được, tự mình tâm phục cơ sở lô-gic không mấy giá trị của hiện tại, thì bạn mới có thể hy vọng đi qua và vượt lên trên hiện tại. Điều này cũng nằm trong tinh thần truyền thống của một tấn thảm kịch. Chỉ khi chấp nhận những mâu thuẫn đó là bản chất của xã hội có giai cấp, chứ không phải phủ nhận chúng theo tinh thần không vụ lợi trong sáng, thì bạn mới có thể giải phóng của cải của loài người mà những mâu thuẫn này đang kìm nén. Chính vào lúc những cơ sở lập luận về hiện tại bị thất bại, rơi vào bế tắc và trở nên không rõ ràng mạch lạc đã giúp Các Mác phác thảo ra một tương lai rạng rỡ. Hình ảnh thật sự của tương lai chính là sự thất bại của hiện tại.
Chủ nghĩa Mác, mà theo lời phàn nàn của nhiều người chỉ trích nó, có một quan điểm lý tưởng hóa một cách không chấp nhận được về bản chất con người. Nó mơ mộng một cách ngớ ngẩn về một tương lai mà ở đó mọi người sẽ hợp tác và thân thiện với nhau. Sự ganh đua, đố kỵ, bất bình đẳng, bạo lực, áp bức và cạnh tranh sẽ bị trục xuất ra khỏi trái đất. Thực ra khó có thể tìm thấy một từ nào trong các tác phẩm của Các Mác ủng hộ tuyên bố lạ kỳ đó, nhưng không có mấy người phê phán ông dám sẵn sàng bảo vệ lập luận của mình với các bằng chứng rõ ràng. Họ tin rằng, Các Mác đã tiên đoán một trạng thái phẩm hạnh của con người được gọi là chủ nghĩa cộng sản, mà thậm chí Thánh Gabriel cũng có thể gặp rắc rối khi sống theo nó. Khi tiên đoán điều đó, ông đã cố ý hoặc vô tình bỏ qua một thực trạng luôn bất mãn, không hoàn thiện và đầy khiếm khuyết được biết đến chính là bản chất của con người.
Một số người Mác-xít đáp lại sự cáo buộc này bằng cách tuyên bố rằng, nếu Các Mác coi nhẹ bản chất của con người thì đó là vì ông không tin vào khái niệm đó. Theo quan điểm này, khái niệm về bản chất con người đơn giản là một cách giữ chúng ta có ý thức chính trị ở nơi chúng ta sống. Điều đó gợi ý rằng, loài người là những sinh vật nhu nhược, tham lam, vị kỷ; rằng, điều đó là không thay đổi theo suốt chiều dài lịch sử; và rằng, nó là hòn đá tảng mà không sức mạnh nào có thể lay chuyển. “Bạn không thể thay đổi bản chất con người” là một trong những lý do phản bác phổ biến nhất đối với những tư tưởng chính trị mang tính cách mạng. Ngược lại, một số nhà Mác-xít khẳng định rằng, không có điểm cốt yếu nào không thể thay đổi đối với loài người. Theo quan điểm của họ, chính lịch sử của chúng ta chứ không phải bản chất của chúng ta khiến chúng ta là chính chúng ta hiện tại và bởi vì lịch sử sẽ luôn thay đổi, chúng ta có thể biến đổi bản thân chúng ta bằng cách thay đổi điều kiện lịch sử của chúng ta.
Các Mác không hoàn toàn tán thành “chủ nghĩa lịch sử” này. Bằng chứng là ông thực sự tin vào bản chất con người, và điều đó là hoàn toàn đúng, như Norman Geras đã lập luận trong một cuốn sách nổi tiếng của mình[5]. Ông đã không coi bản chất con người lấn át tầm quan trọng của cá nhân. Trái lại, ông cho rằng, đó là một nghịch lý trong bản chất phổ biến của chúng ta mà mỗi chúng ta trở thành một cá nhân duy nhất, không ai giống ai. Trong những tác phẩm đầu đời, Các Mác cho biết vì sao ông gọi con người là “loài người”, mà đó thực sự là một cách giải thích duy vật về bản chất con người. Do bản chất của cơ thể vật chất của chúng ta, chúng ta là những động vật nghèo khó, biết lao động, xã hội hóa, có giới tính, biết giao tiếp và biết tự biểu hiện, những động vật biết cần đến nhau để sinh tồn nhưng là những động vật biết đi tìm sự đáp ứng mà ở đó tình bạn còn cao hơn cả sự hữu ích về mặt xã hội của nó. Cho phép tôi trích dẫn một nhận xét trước đây của tôi: “Nếu một sinh vật khác về nguyên tắc có thể nói chuyện với chúng ta, cùng tham gia vào sự lao động vật chất với chúng ta, giao phối tình dục với chúng ta, tạo ra một cái gì đó ngờ ngợ giống nghệ thuật theo nghĩa là nó có vẻ khá vô nghĩa và nhạt nhẽo, khi đó chúng ta có thể suy luận từ những sự kiện sinh vật học này vô số những hệ quả đạo đức và thậm chí là chính trị”[6]. Trường hợp này, mà về kỹ thuật được gọi là nhân loại học triết học, hiện nay đã trở nên khá lạc hậu, nhưng đó là những gì Các Mác đã bảo vệ trong công trình đầu tay của ông, và không có lý do xứng đáng nào để tin rằng ông đã từ bỏ nó sau này.
Bởi vì, chúng ta là những sinh vật biết lao động, mong muốn và giao tiếp, chúng ta có thể biến đổi những điều kiện của chúng ta trong quá trình mà ta gọi là lịch sử. Khi làm được điều đó chúng ta đồng thời sẽ biến đổi chính mình. Nó cách khác, thay đổi không phải là mặt đối lập của bản chất con người; bởi vì chúng ta là loài sáng tạo, cởi mở và chưa hoàn thiện. Hay có thể nói thì đó không phải là những con chồn. Do bản chất cơ thể cụ thể của chúng, chồn không có lịch sử. Chồn cũng không có được chính trị, trừ khi chúng không ngừng giấu giếm một cách xảo trá. Không có lý do gì để sợ rằng, một ngày nào đó chúng có thể cai trị chúng ta, ngay cả khi chúng có thể làm được những công việc tốt hơn cả những người lãnh đạo hiện nay của chúng ta. Như chúng ta biết, chúng không thể là những nhà dân chủ xã hội hay là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thế nhưng, loài người là những động vật chính trị theo đúng bản chất của mình – không phải bởi vì họ sống cộng đồng với nhau, mà vì họ cần một hệ thống nào đó để kiểm soát cuộc sống vật chất của họ. Họ cũng cần một hệ thống nào đó để kiểm soát cuộc sống tình dục của mình. Một lý do cho điều này là tình dục nếu không được kiểm soát sẽ trở nên quá lộn xộn về mặt xã hội. Lấy ví dụ, khát vọng cũng không khác một đặc trưng xã hội. Nhưng cũng có một lý do vì sao con người lại cần đến chính trị. Cách thức mà con người sản sinh ra sự tồn tại vật chất của mình đã dẫn tới bóc lột và bất bình đẳng, và cần có một hệ thống chính trị để kiểm soát những mâu thuẫn nảy sinh. Chúng ta cũng sẽ thấy những động vật con người có nhiều cách thể hiện tượng trưng khác nhau tất cả những điều này cho chính họ cho dù chúng ta gọi đó là nghệ thuật, thần thoại hay tư tưởng.
Với Các Mác, những bản chất cụ thể của chúng ta trang bị cho chúng ta những sức mạnh và khả năng nhất định. Chúng ta thể hiện tính người nhất khi được tự do thực hiện những sức mạnh đó như là một mục đích tự thân chứ không phải là một mục đích thuần túy mang tính vị lợi. Những sức mạnh và khả năng này luôn cụ thể về mặt lịch sử; nhưng chúng có một cơ sở nền tảng trong cơ thể của chúng ta và một số trong đó hầu như không thay đổi từ văn hóa loài người này sang văn hóa loài người khác. Hai cá thể ở hai nền văn hóa khác nhau không nói cùng một ngôn ngữ có thể dễ dàng hợp tác trong những công việc thực tiễn. Đó là vì cơ thể vật lý mà họ cùng có sẽ tạo ra một loạt những giả định, kỳ vọng và hiểu biết của chính cơ thể đó[7]. Mọi văn hóa loài người đều biết đau khổ và hạnh phúc, lao động và tình dục, tình bạn và thù hằn, bóc lột và bất công, ốm đau và chết chóc, tình máu mủ và nghệ thuật. Đúng là nhiều khi họ biết những điều này theo những phong cách văn hóa rất khác nhau. Chết ở Madras không giống ở Manchester. Nhưng đằng nào chúng ta cũng chết. Chính Các Mác đã viết trong tác phẩm Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844 rằng: “Cho nên con người, với tính cách là thực thể có đối tượng, có cảm giác, là một thực thể đang đau khổ; và vì thực thể đó cảm thấy sự khổ não của mình, cho nên nó là thực thể có dục vọng”. Ông viết trong tác phẩm Tư bản, sẽ là vấn đề đối với con người nếu cái chết của họ là quá sớm, cuộc sống của họ ngắn ngủi hơn mức họ cần do quá mệt nhọc, tai nạn, thương tích hay bệnh tật. Chủ nghĩa cộng sản có thể không phải lao động cực nhọc những cũng khó có thể tin rằng Các Mác tiên đoán một trật tự xã hội mà không có tai nạn, thương tích và bệnh tật, không khác gì ông dự đón người ta sẽ không chết.
Nếu chúng ta không có chung một nhân tính cơ bản giống nhau như vậy thì viễn cảnh của chủ nghĩa xã hội về sự hợp tác toàn cầu sẽ là vô nghĩa. Các Mác đã nói trong quyển I của bộ Tư bản “về bản chất con người nói chung và sau đó… được thay đổi trong mỗi giai đoạn lịch sử”. Có nhiều thứ về con người khó mà thay đổi trong suốt quá trình lịch sử – một sự thực mà chủ nghĩa hậu hiện đại hoặc là phủ nhận hoặc là bác bỏ như là một điều bình thường. Một phần bởi chủ nghĩa hậu hiện đại có định kiến phi lý về tự nhiên và sinh học; một phần khác do nó nghĩ rằng, tất cả những cuộc thảo luận về bản chất đều là cách phủ nhận thay đổi[8]; và một phần vì nó coi tất cả thay đổi là tích cực còn tính cố định là tiêu cực. Theo quan điểm cuối cùng này, chủ nghĩa hậu hiện đại đồng ý với những “nhà hiện đại hóa” tư bản chủ nghĩa ở khắp nơi. Sự thật – quá tầm thường để các trí thức phải đánh giá – là một số thay đổi rất thê thảm và một số hình thức cố định lại hết sức đáng ao ước. Ví dụ, thật đáng tiếc nếu ngày mai tất cả vườn nho của người Pháp bị thiêu cháy, giống như thật buồn nếu một xã hội không có định kiến giới tính chỉ tồn tại trong ba tuần.
Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội thường nói về áp bức, bất công và bóc lột. Nhưng nếu đây là tất cả những gì loài người từng biết đến, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận biết được bản chất của chúng. Thay vào đó, đơn giản chúng sẽ giống như những điều kiện tự nhiên của chúng ta. Để hiểu được mối quan hệ bóc lột, bạn cần phải cần đến khái niệm bản chất con người để hiểu điều này. Thay vào đó bạn cần những nhân tố lịch sử. Nhưng rất hợp lý khi khẳng định rằng, có những đặc điểm của bản chất chúng ta làm tiêu chuẩn ở khía cạnh này. Ví dụ, loài người đều “bị đẻ non”. Một thời gian dài sau khi sinh họ chưa thể tự lo liệu cho mình, và do đó, họ cần được chăm sóc thêm (một số nhà phân tích tâm lý tranh luận rằng, việc được chăm sóc thêm bất thường này sẽ phá hỏng tinh thần chúng ta sau này. Nếu những đứa trẻ có thể đứng dậy và tự đi từ khi còn nhỏ, thì người lớn sẽ bớt bị trầm cảm, không chỉ theo cái nghĩa là không còn những đứa bé hỗn xược khóc lóc làm mất giấc của ta nữa). Ngay cả khi sự chăm sóc chúng nhận được là đáng sợ, trẻ con rất nhanh chóng tiếp thu khái niệm chăm sóc người khác là thế nào. Đây là một lý do vì sao mà sau đó chúng có thể nhận biết được cách sống thờ ơ một cách tàn nhẫn đối với nhu cầu con người. Theo nghĩa này, chúng ta có thể chuyển từ bị đẻ non sang hoạt động chính trị.
Những nhu cầu rất quan trọng đối với sự tồn tại và sức khỏe của chúng ta, như được ăn, mặc, có nhà ở, kết bạn, không bị bắt làm nô lệ hay bị lạm dụng…, đóng vai trò cơ bản cho phê phán chính trị, theo cái nghĩa là bất cứ một xã hội nào không đáp ứng được đòi hỏi này rõ ràng là một xã hội không ra gì. Dĩ nhiên, chúng ta có thể phản đối những xã hội như vậy trên cơ sở văn hóa và địa phương nhiều hơn. Nhưng nếu lập luận rằng, chúng vi phạm những đòi hỏi cơ bản nhất thuộc bản chất của chúng ta thì lại mang tính áp đặt nhiều hơn. Do đó, sẽ sai lầm khi cho rằng quan điểm về bản chất con người chỉ là một sự biện hộ cho việc giữ nguyên trạng. Và đó cũng là một thách thức lớn đối với bản chất con người.
Trong những tác phẩm đầu tay như Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844, Các Mác đã giữ vững một quan điểm không hợp thời khi đó nói rằng cái cách mà chúng ta là những động vật cụ thể có thể cho chúng ta biết điều quan trọng về việc chúng ta nên sống như thế nào. Tức là bạn có thể rút ra một ý nghĩa nào đó từ cơ thể con người cho vấn đề đạo đức và chính trị. Nếu con người là những sinh vật tự phát triển thì chúng cần được tự do để đáp ứng những nhu cầu và thể hiện sức mạnh của mình. Nhưng nếu họ cũng là những động vật xã hội sống cùng với những loài tự biểu hiện khác thì họ cần đề phòng một sự va chạm không ngừng và mang tính hủy diệt giữa những sức mạnh này. Trên thực tế, đây là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất của xã hội tự do, ở đó, các cá nhân được phép tự do nhưng là tự do trong sự bất bình của người khác. Trái lại, chủ nghĩa cộng sản tổ chức đời sống xã hội sao cho các cá nhân có khả năng hoàn thiện mình thông qua sự tự hoàn thiện của người khác. Như Các Mác đã phát biểu điều đó trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Theo nghĩa này, chủ nghĩa xã hội không đơn thuần phủ nhận xã hội tự do cùng với sự tận tâm nhiệt thành của nó đối với các cá nhân. Thay vào đó, nó xây dựng và hoàn thiện sự phát triển tự do. Để làm được điều đó, nó chỉ ra cách giải quyết một số mâu thuẫn của chủ nghĩa tự do mà ở đó quyền tự do của bạn cỉ có thể được phát huy bằng cách hạn chế quyền tự do của tôi. Chỉ thông qua người khác chúng ta mới có thể trở thành chính chúng ta. Điều này có nghĩa là làm phong phú quyền tự do của cá nhân chứ không phải là hạn chế nó. Thật khó có thể có được một đạo đức nào tốt hơn. Ở cấp độ cá nhân, cái đó được gọi là tình thân ái.
Cũng đáng nhấn mạnh đến quan tâm của Các Mác về cá nhân bởi vì nó trái ngược hoàn toàn với bức tranh biếm họa trong tác phẩm của ông. Theo quan điểm này, chủ nghĩa Mác toàn nói về tập thể chung chung chà đạp thô bạo lên đời sống cá nhân. Trên thực tế, không có gì là xa lạ đối với tư tưởng của Các Mác. Ta có thể nói rằng, sự phát triển của cá nhân là mục đích cao cả trong tư tưởng chính trị của ông, nếu chúng ta còn nhớ rằng, những cá nhân này phải tìm được một cách phát triển chung nào đó. Để khẳng định tính cá nhân, ông viết trong tác phẩm Gia đình thần thánh, là “biểu hiện vô cùng quan trọng sự tồn tại [của một người]”. Có thể khẳng định rằng, đây là đạo lý xuyên suốt của Các Mác.
Có lý do chính đáng để nghi ngờ rằng, chưa bao giờ có được sự hòa hợp hoàn hảo giữa cá nhân và xã hội. Giấc mơ về sự thống nhất hữu cơ giữa hai cái này là một sự tưởng tượng quá hào phóng. Luôn luôn có mâu thuẫn giữa sự đáp ứng của tôi với sự đáp ứng của bạn, hay giữa những cái đòi hỏi tôi là người công dân với những cái tôi tha thiết muốn làm. Những mâu thuẫn hiển nhiên này là một kiểu bi kịch, và chỉ có cái chết, đối lập với chủ nghĩa Mác, mới có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi mâu thuẫn đó. Tuyên bố của Các Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản về quyền tự do phát triển của tất cả mọi người không bao giờ được thực hiện một cách đầy đủ. Giống như tất cả những ý tưởng tốt đẹp nhất, đó là một cái đích để hướng tới chứ không phải là một trạng thái có thể đạt được theo nghĩa đen. Các ý tưởng là biển chỉ đường, không phải là những thực thể hữu hình. Chúng chỉ cho chúng ta biết con đường sẽ đi. Những người nhạo báng các ý tưởng xã hội chủ nghĩa cần nhớ rằng, thị trường tự do cũng chưa bao giờ có được một cách hoàn hảo. Thế nhưng điều đó không ngăn cản những người ủng hộ thị trường tự do đi trên con đường của họ. Cái thực tế không có nền dân chủ tuyệt đối không khiến tất cả chúng ta phải miễn cưỡng chấp nhận bạo chúa. Chúng ta không từ bỏ những nỗ lực cứu giúp người nghèo đói trên thế giới bởi vì chúng ta biết một số họ sẽ chết nếu chúng ta không làm như vậy. Một số người tuyên bố chủ nghĩa xã hội không khả thi là những người tin rằng họ có thể xóa bỏ nghèo đói, giải quyết được khủng hoảng trái đất nóng lên, phổ biến dân chủ tự do Afghanistan và giải quyết các xung đột trên thế giới bằng các nghị quyết của Liên hợp quốc. Tất cả những nhiệm vụ khó khăn này đều có thể thực hiện được trong một phạm vi nào đó. Vì một lý do bí ẩn nào đó, chính chủ nghĩa xã hội lại ở ngoài tầm với.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng đạt được mục tiêu của Các Mác nếu bạn không phải lúc nào cũng dựa vào một ai đó vĩ đại về mặt tinh thần. Chủ nghĩa xã hội không phải là một xã hội đòi hỏi những phẩm chất chói lọi ở những người công dân của mình. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cần bao bọc lẫn nhau một cách quá sùng tín. Đó là vì những cơ chế cho phép đạt được mục tiêu của Các Mác trên thực tế được xây dựng thành những thể chế xã hội. Chúng không hoàn toàn dựa vào lòng tốt của cá nhân. Chẳng hạn như ý tưởng về một hợp tác xã tự quản mà Các Mác dường như coi là một đơn vị sản xuất quan trọng của tương lai xã hội chủ nghĩa. Sự đóng góp của một cá nhân cho một tổ chức như vậy cho phép có được một hình thức tự phát triển nào đấy, nhưng nó cũng đóng góp cho hạnh phúc của những người khác. Tôi không nhất thiết phải có tư tưởng nhân hậu với những người lao động đồng nghiệp với tôi, hay đắm mình với chủ nghĩa vị tha. Sự tự hoàn thiện của chính tôi sẽ giúp mọi người tự hoàn thiện nhờ có bản chất hợp tác, chia sẻ lợi nhuận, bình quân chủ nghĩa và cùng nhau quản lý của tổ chức đó. Đây là một vấn đề mang tính cấu trúc chứ không phải vấn đề có tính chất cá nhân. Nó không đòi hỏi phải có một chủng tộc viễn tưởng người Cordelia.
Vì vậy, đối với một số mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nếu tôi là loài sâu bọ dơ bẩn nhất miền Tây cũng không thành vấn đề gì. Theo cách đó, nếu tôi coi công việc một nhà hóa sinh làm cho công ty dược tư nhân là đóng góp lớn lao cho tiến bộ khoa học và sự phát triển của loài người cũng chẳng sao cả. Sự thật không thay đổi rằng nhiệm vụ chính là tạo ra lợi nhuận cho một đống những tên cá mập vô liêm sỉ những người mà có thể bắt chính đứa con rứt ruột đẻ ra trả mười đô la cho một viên aspirin. Tôi cảm thấy như thế nào không quan trọng. Ý nghĩa công việc của tôi được quyết định bởi thể chế.
Người ta nghĩ rằng, bất kỳ một thể chế xã hội chủ nghĩa nào cũng có đầy đủ những kẻ cơ hội, xu nịnh, hống hách, gian dối, lười nhác, ăn trên ngồi chốc, ăn bám, và tâm thần. Chẳng có gì trong bài viết của Các Mác chỉ ra rằng, điều đó là không thể. Bên cạnh đó, nếu chủ nghĩa cộng sản là tất cả mọi người tham gia vào đời sống xã hội càng nhiều càng tốt, vậy thì, khi đó chúng ta thấy có nhiều mâu thuẫn hơn, vì ngày càng có nhiều cá nhân làm cùng một việc. Chủ nghĩa cộng sản không báo hiệu sự kết thúc cuộc đấu tranh của nhân loại. Chỉ có kết thúc theo nghĩa đen của lịch sử mới làm được điều đó. Sự đố kỵ, xâm lược, thống trị, chiếm hữu và cạnh tranh sẽ vẫn tồn tại. Chỉ là chúng không thể ở dạng thức giống như dưới chế độ chủ nghĩa tư bản – không phải nhờ có những phẩm chất ưu việt của con người, mà bởi vì sự thay đổi của các thể chế.
Những khiếm khuyết này chắc chắn sẽ không phải là bóc lột lao động trẻ em, bạo lực thuộc địa, bất bình đẳng xã hội thô thiển và cạnh tranh kinh tế tàn khốc. Thay vào đó, chúng sẽ ở những dạng thức khác. Các xã hội bộ lạc có bạo lực, thù địch và thèm khát quyền lực, nhưng những thứ đó không thể dưới dạng chiến tranh đế quốc, cạnh tranh thị trường tự do hay thất nghiệp hàng loạt, bởi những thể chế như vậy không tồn tại với người Nuer hay người Dinka. Sẽ có những tên côn đồ, những kẻ bất lương ở khắp mọi nơi, nhưng chỉ một vài kẻ trong số đó dám ăn cắp quỹ trợ cấp hay tung ra những tuyên truyền chính trị dối trá. Hầu hết bọn gang-xtơ không làm vậy. Thay vào đó, chúng tạm hài lòng với việc treo người ta trên móc thịt. Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ai dám làm vậy. Không phải vì họ quá thánh thiện, mà bởi không có quỹ trợ cấp riêng hay phương tiện truyền thông tư nhân. Những tên côn đồ của Shakespare phải tìm ra lối thoát cho sự độc ác của chúng nhưng không phải là phóng tên lửa vào trại tị nạn của người Palestin. Bạn không thể trở thành trùm công nghiệp hống hách nếu chẳng có khu công nghiệp nào xung quanh. Thay vào đó, bạn chỉ cần tìm nô lệ, phụ tá hoặc đồng nghiệp thời đồ đá mới của mình.
Bây giờ xét đến thực tiễn của nền dân chủ. Đúng là luôn có những kẻ ích kỷ kỳ quái luôn cố hăm dọa người khác, cũng như những kẻ cố đút lót hay nịnh bợ để có được quyền lực. Tuy nhiên, nền dân chủ là một bộ máy có cơ chế bảo vệ nội tại chống lại những hành vi như thế. Bằn những công cụ như “mỗi người một lá phiếu”, chế độ chủ tịch, sửa đổi bổ sung, trách nhiệm giải trình, các quy trình chuẩn, quyền của đại đa số… bạn sẽ làm mọi cách để đảm bảo rằng những kẻ hách dịch đó không thể thắng. Đôi khi những kẻ xấu xa này sẽ thành công bằng cách làm như vậy. Thậm chí chúng còn tìm cách mua chuộc toàn bộ quy trình. Nhưng có một quy trình được thiết chế vững chắc có nghĩa là chúng sẽ luôn luôn bị buộc phải phục tùng sự đồng thuận dân chủ. Như vậy, phẩm hạnh sẽ được xây dựng thành các nghi thức, chứ không để mặc cho thói đỏng đảnh của tính cách cá nhân. Bạn không cần bắt mọi người phải dùng bạo lực để kết thúc chiến tranh. Bạn chỉ cần đàm phán, giảm trừ quân bị, các giải pháp hòa bình, giám sát… Điều này có thể khó khăn. Nhưng nó không khó bằng việc nuôi dưỡng một chủng người dễ dàng bị nôn mửa và bất tỉnh trước những dấu hiệu nhẹ nhất của sự xâm lược.
Vậy nên, Chủ nghĩa Mác không đưa ra lời hứa hẹn nào về sự hoàn hảo của con người. Nó thậm chí còn không đảm bảo việc thủ tiêu lao động nặng nhọc. Có vẻ như Các Mác tin rằng, một lượng công việc không vừa ý sẽ tiếp tục cần thiết kể cả khi đã sung túc. Lời nguyền của Adam sẽ còn tồn tại ngay trong vương quốc của sự thừa thãi. Điều mà chủ nghĩa Mác hứa hẹn là phải giải quyết những mâu thuẫn mà hiện đang ngăn không cho lịch sử theo đúng nghĩa diễn ra bình thường, một cách tự do và đa dạng.
Tuy nhiên, mục đích của chủ nghĩa Mác không chỉ là vật chất. Đối với Các Mác, chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là chấm dứt sự khan hiếm, cùng với chấm dứt hầu hết lao động cưỡng ép. Nhưng sự tự do và nhàn rỗi mà chủ nghĩa cộng sản trao cho con người có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đầy đủ hơn đời sống tinh thần của họ. Như chúng ta đã thấy, đúng là sự phát triển vật chất và tinh thần không phải luôn song hành cùng nhau. Ta chỉ cần nhìn vào Keith Richards để nhận ra điều đó. Có rất nhiều thể loại giàu có về vật chất, báo hiệu sự chết chóc của tinh thần. Tuy nhiên, cũng đúng là không thể tự do làm những điều mình muốn nếu bạn đang bị thiếu đói, áp bức nặng nề hay ức chế tinh thần do cuộc sống lao động vất vả hết ngày này sang ngày khác. Những người theo chủ nghĩa duy vật không phủ nhận đời sống tinh thần, nhưng họ nhắc nhở chúng ta rằng việc đáp ứng nhu cầu tinh thần đòi hỏi những điều kiện vật chất nhất định. Những điều kiện này không đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu tinh thần, nhưng không thể đạt nếu thiếu chúng.
Loài người không phát triển rực rỡ nhất trong điều kiện khan hiếm, bất kể là sự khan hiếm tự nhiên hay nhân tạo. Những thiếu thốn như thế gây ra bạo lực, sợ hãi, tham lam, lo lắng, sở hữu, thống trị và sự phản kháng chết chóc. Vì vậy chúng ta có thể hy vọng rằng nếu con người được sống trong những điều kiện dư thừa về vật chất, thoát khỏi những áp lực méo mó, thì họ sẽ làm ăn có đạo đức hơn bây giờ. Khó có thể nói chắc chắn, vì chưa bao giờ chúng ta biết đến những điều kiện như thế. Đó là những điều Các Mác nghĩ khi ông tuyên bố trong cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng toàn bộ lịch sử là đấu tranh giai cấp. Và thậm chí trong điều kiện sung túc cũng vẫn có rất nhiều điều làm chúng ta trở nên lo lắng, hung hăng và ích kỷ. Chúng ta không thể biến thành những thiên thần. Nhưng một vài nguyên nhân sâu xa cho sự suy đồi đạo đức đã bị loại bỏ. Trong phạm vi đó thì thực sự có lý khi khẳng định rằng xã hội cộng sản sẽ sản sinh ra những con người tốt đẹp hơn những gì chúng ta có bây giờ. Nhưng họ có thể vẫn có khiếm khuyết, hay xung đột, đôi khi là tàn bạo và hung ác.
Những kẻ hay chế nhạo không tin có một tiến bộ đạo đức như vậy cần xem xét sự khác biệt giữa việc hỏa thiêu thầy phù thủy và bắt buộc trả lương ngang bằng cho phụ nữ. Điều này không nói lên rằng chúng ta đã trở nên tinh tế, nhạy cảm và nhân đạo hơn thời Trung cổ. Trong phạm vi đó, chúng ta cũng nên xét đến sự khác nhau giữa cung tên và tên lửa đất đối không. Vấn đề không phải lịch sử nói chung đã có tiến bộ đạo đức. Đơn giản là chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ lớn. Thừa nhận sự thật này cũng đương nhiên giống như khẳng định rằng, chúng ta đã xấu xa đi ở một mặt nào đó so với thời Robin Hood. Không có đại luận thuyết nào về Tiến bộ, cũng như chẳng có câu chuyện cổ tích nào về Suy tàn.
Bất kỳ ai từng chứng kiến cảnh một đứa trẻ giật lấy đồ chơi từ tay của em nó với tiếng khóc thét “Của tao!” đều biết rõ sự kình địch và chiếm hữu đã thấm sâu bén rễ như thế nào vào tâm trí. Chúng ta đang nói đến văn hóa, tâm lý và thậm chí cả những thói quen tiến hóa đã ăn sâu, và sẽ không thay đổi được nếu chỉ sửa đổi một chút về thể chế. Nhưng thay đổi xã hội không phụ thuộc vào việc mọi người bất ngờ cách mạng hóa thái độ của mình. Hãy xem ví dụ về Bắc Ailen. Hòa bình không đến với vùng đất hỗn độn này bởi vì những người theo đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành cuối cùng cũng đã từ bỏ sự phản kháng hàng thế kỷ nay để hòa thuận với nhau. Không hề như vậy. Một vài người trong số họ sẽ còn tiếp tục thù ghét nhau cho đến sau này như chúng ta thấy. Thay đổi ý thức bè phái có vẻ chậm chạp về mặt địa chất. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó điều này hoàn toàn không quan trọng. Điều quan trọng là đảm bảo được một thỏa thuận chính trị, được kiểm soát cẩn thận và tiến triển một cách khéo léo, trong bối cảnh toàn dân mệt mỏi vì ba mươi năm bạo lực.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Sự thật là trong một khoảng thời gian dài, thay đổi thể chế đã thực sự có ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ con người. Hầu như mọi lịch sử cải cách hình sự đạt được đến nay đều phải chịu đựng đủ cay đắng dưới thời của nó; nhưng hiện giờ chúng ta coi những thay đổi đó là đương nhiên đến nỗi mà ý kiến xử xa hình đối với những kẻ giết người có thể bị ghê tởm. Những cải cách như vậy đã bám chắc vào suy nghĩ của chúng ta. Điều gì thực sự làm biến đổi quan điểm của chúng ta về thế giới không quan trọng bằng những gì đã gắn chặt với thực tiễn xã hội hàng ngày. Nếu thay đổi thực tiễn ấy, mà làm được là cực kỳ khó khăn, rốt cục chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình.
Đa số chúng ta không cần phải tự kìm nén thể hiện bản chất nơi đông người. Bởi vì có luật điều chỉnh điều đó, và bởi nó không được xã hội tán thành, do đó không làm vậy trở thành bản năng thứ hai của chúng ta. Điều này không phải là không ai trong chúng ta từng làm vậy, ít nhất ở các trung tâm thành phố khi những quán rượu vừa mới đóng cửa. Chỉ là chúng ta ít làm vậy hơn khi nó được coi như là đỉnh cao của sự thanh lịch. Lệnh của tòa án Anh bắt phải lái xe bên trái không gặp nhiều phản đối của những người dân Anh khát khao cháy bỏng được lái xe bên phải. Các thể chế định hình kinh nghiệm nội tại của chúng ta. Chúng là những công cụ của công tác giáo dục lại. Chúng ta bắt tay trong buổi gặp mặt đầu tiên một phần bởi đó là việc làm thông thường, nhưng cũng vì là tục lệ, nên ta cảm thấy thôi thúc cần làm vậy.
Sự thay đổi thói quen này cần một thời gian dài. Phải mất hàng thế kỷ để chủ nghĩa tư bản trừ tận gốc những cách thức suy nghĩ được thừa hưởng từ chế độ phong kiến, và một du khách bên ngoài Cung điện Buckingham có thể hoàn toàn nhận thấy rằng, một số vị trí quan trọng đã không được chú ý một cách bất cẩn. Ta sẽ hy vọng rằng, sẽ không phải mất quá lâu để sản sinh ra một trật tự xã hội mà ở đó trẻ em đang học lịch sử sẽ chào đón một cách hoài nghi trước thực tế rằng ngày xưa hàng triệu người đã bị chết đói trong khi một số người khác lại nuôi chó bằng trứng cá muối. Đối với họ, điều đó cũng xa lạ và khó chịu giống như hiện nay chúng ta nghĩ đến việc mổ bụng một người vì tội dị giáo.
Nói đến trẻ em sẽ đặt ra một vấn đề quan trọng. Rất nhiều trẻ em ngày nay là những người bảo vệ môi trường nhiệt thành. Chúng coi việc giết hại những con hải cẩu hay làm ô nhiễm bầu không khí là khủng khiếp và đáng ghê tởm. Một số trẻ em thậm chí còn thấy kinh sợ với việc vứt một mẩu rác. Điều này chủ yếu là nhờ có giáo dục – không chỉ chính thống mà còn cả sự ảnh hưởng của những hình thức suy nghĩ và cảm nghĩ mới về một thế hệ mà ở đó những thói quen cảm nghĩ cũ đã ít bám chắc hơn. Không ai lập luận rằng điều này sẽ cứu được hành tinh. Đúng là có những trẻ em vui thích khi ném đá vào những người bán rong. Nhưng ngay cả vậy thì vẫn có bằng chứng cho thấy giáo dục có thể thay đổi thái độ và hình thành những kiểu hành vi mới như thế nào.
Bởi vậy, giáo dục chính trị là điều luôn luôn có thể làm được. Tại một hội nghị được tổ chức ở Anh vào đầu những năm 1970, người ta đã thảo luận về vấn đề liệu có những đặc điểm phổ quát nhất định của con người không. Một diễn giả nam đã đứng lên tuyên bố: “chúng ta đều có tinh hoàn”. Lập tức một người phụ nữ hét lên: “Làm gì có”. Chủ nghĩa nam nữ bình quyền ở Anh vẫn đang ở giai đoạn ban đầu của nó và nhận xét đó được hoan nghênh bởi rất nhiều người đàn ông trong khán phòng như là một sự lập dị. Thậm chí một người phụ nữ còn tỏ ra xấu hổ. Chỉ một vài năm sau đó, nếu một người đàn ông đưa ra một tuyên bố ngớ ngẩn như vậy thì anh ta có thể nhanh chóng trở thành ngoại lệ duy nhất với câu nói của mình.
Ở châu Âu thời Trung cổ và Cận đại, sự tham lam là xấu xa tồi tệ nhất. Từ đó cho đến khẩu hiệu của phố Wall “Tham lam là tốt!” đã dẫn đến một quá trình giáo dục lại diễn ra sâu rộng. Giáo dục lại ở đây không phải là nhờ có những nhà giáo hay là nhà sư phạm mà là bởi những thay đổi trong đời sống vật chất của chúng ta. Aristotle coi chế độ nô lệ là điều tự nhiên mặc dù một số triết gia cổ đại khác không đồng ý như vậy. Nhưng ông cũng nghĩ điều đó là trái ngược với bản chất của con người khi gắn sản xuất kinh tế với lợi nhuận mà điều này không hoàn toàn là ý kiến của Donald Trump (Aristotle đã phát biểu quan điểm này của mình với một lý do rất thú vị. Ông nghĩ rằng điều mà sau này Các Mác gọi là “giá trị trao đổi” – cách thức mà một hàng hóa có thể được đổi với thứ khác, thứ đó lại được đổi với cái khác nữa, và cứ như thế mãi – kéo theo một hình thức vô tận mà điều đó là xa lạ với bản chất sinh vật hữu hạn của con người). Có những nhà tư tưởng thời Trung cổ coi việc tìm kiếm lợi nhuận là điều phi tự nhiên bởi đối với họ bản chất của con người là bản chất phong kiến. Những người săn bắn hái lượm cũng có thể có cách nhìn nhận mông muội như vậy về khả năng có được một trật tự xã hội nào đó nhưng không phải của chính họ. Alan Greenspan, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tin trong suốt sự nghiệp của ông rằng, cái gọi là thị trường tự do được bắt nguồn từ bản chất của con người, một tuyên bố cũng vô lý như khẳng định rằng, việc ngưỡng mộ Cliff Richard cũng bắt nguồn từ bản chất con người. Trên thực tế, thị trường tự do là một phát kiến lịch sử gần đây, và nó chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ của hành tinh này trong một thời gian dài.
Tương tự, những người nói chủ nghĩa xã hội là trái ngược với bản chất của con người cũng làm như vậy bởi theo cách nghĩ thiển cận của họ, họ đồng nhất bản chất đó với chủ nghĩa tư bản. Người Tuareg ở vùng trung sa mạc Sahara thực sự là những doanh nhân tư bản chủ nghĩa. Họ không thích một cái gì khác ngoài việc thành lập một ngân hàng đầu tư. Việc họ không hề có một khái niệm về ngân hàng đầu tư không quan trọng. Nhưng ta không thể mong chờ một điều gì đó mà ta không có khái niệm về nó. Tôi không hề mơ ước trở thành một nhà môi giới chứng khoán nếu tôi là nô lệ thời Athen cổ đại. Tôi có thể hết lòng cho lợi ích bản thân một cách tham lam, ích kỷ và mê muội. Nhưng tôi không thể là một nhà tư bản thực thụ chỉ vì tôi không khao khát trở thành một nhà giải phẫu thần kinh nếu tôi đang sống ở thế kỷ XI.
Trước đây, tôi đã khẳng định rằng, Các Mác vừa bi quan về quá khứ vừa lạc quan về tương lai một cách khác thường, đúng hơn là rất kỳ lạ. Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng đặc biệt một trong số đó có liên quan đến những vấn đề chúng ta đang nghiên cứu. Các Mác tỏ ra u buồn về phần lớn quá khứ bởi vì nó dường như lần lượt đại diện cho hết hình thức áp bức và bóc lột tồi tệ này đến hình thức khác. Theodor Adorno từng nhận xét rằng, những triết gia bi quan (ông ta muốn nhắc tới Freud chứ không phải Các Mác) phục vụ cho sự nghiệp giải phóng con người nhiều hơn là những nhà tư tưởng lạc quan nửa mùa. Đó là bởi vì họ đã chứng kiến sự bất công mà đang gào thét để được chuộc lỗi, nếu không chúng ta sẽ quên lãng chúng. Bằng việc gợi nhắc sự tồi tệ của mọi việc, họ thôi thúc chúng ta sửa chữa chúng. Chúng thúc giục ta làm mà không cần đến thuốc kích thích.
Tuy nhiên, nếu Các Mác cũng tiếp tục nuôi hy vọng về tương lai, đó là vì ông nhận ra rằng, những ghi chép ảm đạm này phần lớn không phải lỗi của chúng ta. Nếu lịch sử quá khát máu, thì đó không phải do nhiều người độc ác, mà bởi vì những áp lực cụ thể mà họ phải chịu đựng. Như vậy Các Mác có thể áp dụng một biện pháp hiện thực của quá khứ mà không cần ngừng phản đối chuyện hoang đường về trái tim con người. Và đây là một lý do vì sao ông có thể giữ được niềm tin trong tương lai. Chính chủ nghĩa duy vật đã cho ông niềm hy vọng đó. Nếu chiến tranh, đói kém và diệt chủng thực sự bắt nguồn từ một vài thói suy đồi không thay đổi của con người, thì chẳng có lý do nào để tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu những điều này một phần là kết quả của hệ thống xã hội bất công, nơi mà đôi khi những cá nhân chỉ thực hiện chức năng của mình, thì có thể hy vọng rằng việc thay đổi hệ thống đó sẽ đem đến một thế giới tốt đẹp hơn. Trong khi đó, con ngáo ộp về sự hoàn mĩ có thể để mặc cho những thằng ngốc đang run sợ.
Điều này không chỉ ra rằng, con người trong xã hội có giai cấp có thể không bị truy xét vì hành động của mình, hay sự suy đồi cá nhân không đóng vai trò gì trong chiến tranh và diệt chủng. Những công ty buộc hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn công nhân rơi vào cuộc sống không công ăn việc làm chắc chắn là những công ty có lỗi nhiều nhất. Nhưng dường như không phải họ áp dụng những biện pháp như vậy xuất phát từ lòng căm ghét, ác tâm hay hiếu chiến. Họ tạo ra sự thất nghiệp bởi vì họ muốn bảo vệ lợi nhuận của mình trong một hệ thống cạnh tranh, họ sợ nếu không như vậy thì mình có thể bị tụt lại. Những người ra lệnh cho quân đội tham gia chiến tranh, nơi mà rốt cuộc sẽ thiêu chết cả những đứa trẻ, có thể lại là những người dễ bảo nhất. Thậm chí, chủ nghĩa phát xít Đức không chỉ là một thể chế chính trị độc hại; nó cũng dựa trên tính tàn bạo, đa nghi và lòng căm thù bệnh hoạn của những cá nhân được miêu tả chính xác là xấu xa. Nếu Hitle không độc ác thì sự phán xét chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng bản chất xấu xa của họ sẽ chỉ đạt được những kết quả đáng kinh sợ bởi vì nó bị ràng buộc với hoạt động của một thể chế chính trị. Nó sẽ giống như bắt nhân vật Iago của Shakespeare trông nom trại tù binh vậy.
Nếu thực sự có bản chất con người thì đó là những tin tốt lành, mặc kệ những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại nghĩ gì. Bởi có một đặc điểm nhất quán trong bản chất, đó là sự phản kháng chống lại sự bất công. Đó là lý do vì sao sẽ ngu ngốc khi cho rằng bản chất con người luôn hoạt động theo tính chất bảo thủ. Khi khảo sát những ghi chép lịch sử, không khó để kết luận rằng đàn áp chính trị gần như luôn kích động các cuộc nổi loan, cho dù bị khuất phục hay thất bại. Dường như có gì đó trong bản chất con người không ngoan ngoãn cúi đầu trước thói xấc láo của quyền lực. Đúng là, đế quốc chỉ thực sự thành công khi có được sự liên kết giữa các thuộc địa của nó. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy sự cấu kết này thường không hoàn chỉnh, mơ hồ và tạm thời. Những giai cấp thống trị nói chung thường được chấp nhận miễn cưỡng hơn là được ngưỡng mộ. Nếu bản chất của chúng ta hoàn toàn mang tính văn hóa, thì chẳng có lý do gì để những chế độ chính trị bắt chúng ta phải chấp nhận uy quyền của họ mà không thắc mắc. Bởi vậy, họ thường thấy cực kỳ khó khăn khi đi tìm căn nguyên của sự phản kháng nằm ở đâu đó sâu hơn là văn hóa địa phương.
Vậy, Các Mác có phải là một triết gia không tưởng? Đúng, nếu theo nghĩa là ông vẽ ra một tương lai hoàn thiện hơn rất nhiều so với hiện tại. Ông tin vào tương lai sẽ không còn khan hiếm hàng hóa vật chất, sở hữu cá nhân, bóc lột, giai cấp xã hội và nhà nước như chúng ta biết. Thế nhưng, nhiều nhà tư tưởng khi nhìn vào những nguồn lực được tích lũy ở thế giới ngày nay sẽ biện minh cho việc thủ tiêu sự khan hiếm về nguyên tắc là hoàn toàn có thể, mặc dù rất khó để đạt được trong thực tiễn. Chính vấn đề về chính trị đang cản trở chúng ta.
Như ta đã biết, Các Mác cũng cho rằng, điều này sẽ dẫn đến sự giải phóng con người, sự phong phú tinh thần trên một phạm vi rộng lớn. Được giải phóng khỏi những ràng buộc cũ kỹ, con người có thể phát triển bản thân theo những cách mà trước kia là không khả thi đối với họ. Nhưng không có gì trong tác phẩm của Các Mác nói rằng, chúng ta sẽ đạt được một sự hoàn mỹ nào đó. Chính tình trạng sử dụng quyền tự do khiến con người có thể lạm dụng nó. Trên thực tế, không thể có tự do trên bất kỳ một phạm vi rộng lớn nào mà không có sự lạm dụng như vậy. Vì thế, có thể hiểu được khi tin rằng, trong xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ có rất nhiều vấn đề, mâu thuẫn và những bi kịch không thể bù đắp được. Sẽ có cả việc sát hại trẻ em, tai nạn giao thông, những cuốn tiểu thuyết đau thương, sự ghen tuông chết người, tham vọng quá cao, những bộ quần áo kệch cỡm và những nỗi đau buồn không thể nguôi ngoai. Sẽ có cả việc dọn dẹp nhà xí.
Chủ nghĩa cộng sản là để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, nhưng thậm chí trong xã hội sung túc, điều này vẫn cần được hạn chế. Như Norman Geras đã chỉ ra: “Nếu theo phương thức tự phát triển (dưới chế độ cộng sản chủ nghĩa) bạn cần một cây đàn vi-ô-lông và tôi cần một chiếc xe đạp đua thì điều này không thành vấn đề. Nhưng nếu tôi cần một khu vực cực kỳ rộng lớn, như nước Úc chẳng hạn, để đi lang thang khắp đảo hoặc sử dụng nó để không bị làm phiền bởi những người khác thì điều này là không hợp lý. Không có một sự sung túc nào có thể thỏa mãn nhu cầu của sự tự phát triển ở quy mô này… và cũng không khó gì khi nghĩ tới những nhu cầu ít quá đáng hơn nhưng kết quả cũng như nhau mà thôi”.
Như chúng ta đã thấy, Các Mác không coi tương lai là một sự suy đoán không có căn cứ mà là một phép ngoại suy khả thi từ hiện tại. Ông quan tâm không phải đến những ảo ảnh thi vị về hòa bình và tình đồng chí mà là đến tình trạng vật chất cho phép xuất hiện tương lai thực sự của loài người. Là một người theo chủ nghĩa duy vật, ông tỉnh táo trước những bản chất phức tạp, ngoan cố và chưa hoàn thiện của thực tế; và một thế giới như vậy không phù hợp với viễn cảnh về sự hoàn mỹ. Một thế giới hoàn hảo là nơi mà tính ngẫu nhiên bị thủ tiêu – tất cả những việc như va chạm ngẫu nhiên, các sự kiện may rủi và những thảm họa không đoán trước được hình thành nên cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó cũng có thể là thế giới mà chúng ta có thể đối xử công bằng với cả người chết và người sống, hủy bỏ tội ác và sữa chữa nỗi kinh hoàng của quá khứ. Không có xã hội nào như thế cả. Nó cũng không nhất thiết là cái đáng mong muốn. Một thế giới không có những vụ va chạm tàu hỏa cũng là thể giới không có khả năng chữa trị bệnh ung thư.
Không thể có một trật tự xã hội mà ở đó mọi người đều được hưởng công bằng. Lời phàn nàn rằng “chủ nghĩa xã hội sẽ khiến chúng ta như nhau” là không có căn cứ. Các Mác không có mục đích như vậy. Ông là một kẻ thù cực đoan của sự đồng dạng. Trên thực tế, ông coi bình đẳng là một giá trị tư sản. Ông coi nó như là sự phản chiếu trong lĩnh vực chính trị của cái mà ông gọi là giá trị trao đổi, ở đó một hàng hóa được đánh giá ngang bằng về giá trị với hàng hóa khác. Ông đã từng nói rằng hàng hóa là “bình đẳng hiện thực”. Ông đã từng phát biểu về một hình thức chủ nghĩa cộng sản kéo theo sự cào bằng xã hội nói chung, và phản đối kịch liệt nó trong cuốn Bản thảo kinh tế-triết học 1844 như là “sự phủ định trừu tượng đối với toàn bộ thế giới văn hóa và văn minh”. Các Mác cũng gắn khái niệm về bình đẳng với những gì ông coi là sự bình đẳng trừu tượng của dân chủ giai cấp trung lưu, mà ở đó, quyền bình đẳng chính thức của chúng ta với tư cách là người công dân và cử tri sẽ giúp che giấu sự bất bình đẳng về của cải và giai cấp. Trong cuốn Phê phán cương lĩnh Gotha, ông cũng phản đối ý tưởng về bình đẳng thu nhập, bởi mọi người có những nhu cầu rất khác nhau: một số làm nhiều việc trong môi trường bẩn thỉu và nguy hiểm hơn người khác, số khác lại phải nuôi nhiều con hơn…
Điều này không phải để nói rằng, ông bác bỏ ý kiến về bình đẳng. Các Mác không có thói quen viết một mạch các ý tưởng một cách dễ dàng vì chúng bắt nguồn từ tầng lớp trung lưu. Chẳng những từ chối quan niệm về xã hội giai cấp trung lưu, ông là người tiên phong dũng cảm cho những giá trị mang tính cách mạng về tự do, tự quyết và tự phát triển. Ông cho rằng, ngay cả sự bình đẳng trừu tượng cũng là một tiến bộ đáng hoan nghênh trong chế độ phong kiến. Đúng là ông cho rằng, những giá trị quý báu đó không có cơ hội được hoạt động cho tất cả mọi người chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại. Mặc dù vậy, ông không ngần ngại khen ngợi giai cấp trung lưu là dạng thức cách mạng nhất mà lịch sử từng chứng kiến một thực tế mà những đối thủ thuộc tầng lớp trung lưu của ông thường bỏ qua. Có lẽ họ nghi ngờ rằng, việc được Các Mác khen ngợi là nụ hôn thần chết.
Theo quan điểm của Các Mác, cái khiến khái niệm về bình đẳng đang thịnh hành trở nên méo mó là vì nó quá trừu tượng. Nó không đủ chú ý đến tính cá thể của sự vật và con người – cái mà Các Mác gọi trong lĩnh vực kinh tế là “giá trị sử dụng”. Chính chủ nghĩa tư bản đã tiêu chuẩn hóa con người, chứ không phải chủ nghĩa xã hội. Đây là lý do vì sao Các Mác hơi dè dặt với khái niệm về quyền. Ông nhận xét, “Quyền, theo đúng bản chất thật của nó chỉ có thể nói chính xác là sự áp dụng một tiêu chuẩn bình đẳng; nhưng những cá thể bất bình đẳng (họ không phải là những cá nhân khác biệt nếu họ không bị bất bình đẳng) có thể được đo lường bằng một tiêu chuẩn bình đẳng chỉ trong phạm vi chúng được xây dựng bằng một quan điểm bình đẳng và được rút ra chỉ từ một bên xác định, chẳng hạn trong trường hợp hiện tại, chỉ được coi là người lao động và không phải ai khác cả, bỏ qua mọi thứ khác”. Vậy thì điều này cũng rất đúng với Các Mác, người muốn đưa tất cả chúng ta về cùng một mức ngang bằng nhau. Điều này cũng rất đúng với Các Mác khi ông coi mọi người không phải ai khác ngoài là con người lao động. Bình đẳng đối với chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là mọi người hoàn toàn như nhau – một tuyên bố hết sức vô lý. Ngay cả Các Mác cũng nhận xét rằng, ông thông minh hơn cả quận công Wellington. Điều đó không có nghĩa rằng, tất cả mọi người đều được hưởng của cải và nguồn lực đúng như nhau.
Bình đẳng thực sự không có nghĩa là đối xử như nhau đối với mọi người, mà là chăm sóc một cách bình đẳng đối với những nhu cầu khác nhau của tất cả mọi người. Đây chính là hình thức xã hội mà Các Mác mong muốn. Nhu cầu của con người không phải hoàn toàn tương đồng với nhau. Bạn không thể đo tất cả những nhu cầu đó bằng cùng một thước đo. Đối với Các Mác mọi người phải có quyền tự hoàn thiện như nhau, tham gia tích cực vào việc xây dựng đời sống xã hội. Những trở ngại bất bình đẳng bởi vậy sẽ được gỡ bỏ. Nhưng kết quả của điều này sẽ cho phép mỗi cá nhân phát triển chỉ khi họ là những cá nhân riêng biệt. Chủ nghĩa xã hội không phải là tất cả mọi người đều mặc cùng một bộ quần áo may sẵn. Chính chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đã khoác những bộ đồng phục lên công dân của mình được biết đến là những bộ quần áo giày dép thể thao.
Theo quan điểm của Các Mác, chủ nghĩa xã hội bởi vậy sẽ hình thành nên một trật tự mang tính đa nguyên nhiều hơn là cái mà chúng ta đang có hiện giờ. Trong xã hội có giai cấp, quyền tự phát triển tự do của một số ít người có được với cái giá là kìm hãm sự phát triển của nhiều người. Những người sau đó sẽ chia sẻ phần lớn cùng một câu chuyện buồn tẻ. Chủ nghĩa cộng sản, chính xác bởi vì tất cả mọi người sẽ được khuyến khích phát triển những năng lực cá nhân của mình, sẽ là một thỏa thuận phổ biến, đa dạng và bất ngờ hơn. Nó sẽ giống một cuốn tiểu thuyết tân thời hơn là hiện thực. Những nhà phê bình Các Mác sẽ khinh miệt bảo đây chỉ là tưởng tượng. Nhưng họ không thể cùng một lúc than phiền rằng, cái trật tự xã hội được Các Mác lựa chọn rất giống với cái trật tự có trong cuốn Năm 1984 của George Orwell.
Một dạng thức hiểm độc của chủ nghĩa không tưởng đã thực sự gây đau đớn thời hiện đại, nhưng đó không phải là chủ nghĩa Mác. Chính cái khái niệm điên rồ cho rằng, một hệ thống toàn cầu duy nhất được gọi là thị trường tự do mới có thể khai thác được những nền kinh tế và văn hóa đa dạng nhất đồng thời điều trị mọi khiếm khuyết của nó. Những người đề xướng ra những viễn cảnh chuyên chế này không phải đang che giấu những bộ mặt sợ hãi và giọng nói yếu ớt ở dưới những pháo đài trong hầm sâu giống như những nhân vật James Bond. Họ phải bị bắt gặp đang ăn tối ở những nhà hàng sang trọng ở Washington và đang đi dạo ở những khu nhà giàu Sussex.
Câu trả lời của Theodor Adorno cho câu hỏi, liệu Các Mác có phải là một triết gia không tưởng chỉ là đúng hay sai mà thôi. Adorno viết, Các Mác là kẻ thù của không tưởng chính vì sự hiện thực của nó.
ĐINH XUÂN HÀ và PHƯƠNG SƠN dịch
[1] Để có những nghiên cứu lý thú về ý nghĩa tích cực của quan điểm này, xin tham khảo Fredric Jameson, Archaeologies of the Future, London, 2005.
[2] “Hệ tư tưởng Đức”, tập 1, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, t.3, tr.53.
[3] “Nội chiến ở Pháp”, trong Các Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1994, t.17, tr.455-456.
[4] Raymond Williams: Văn hóa và xã hội – Culture and Society 1780-1950, Harmondsword, 1985, p.320.
[5] Norman Geras: Mác với bản chất con người: Phản bác lại một huyền thoại (Marx and Human Nature: Refutation of a Legend), London, 1983.
[6] Terry Eagleton: Những ảo tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại (The Illusions of Postmodernism), Oxford, 1996, p.47.
[7] Xem thêm Len Doyal và Roger Harris: Những nền tảng thực tiễn trong nhận thức của con người – (The Practical Foundations of Human Understanding), New Left Review, no.139 (May/Jun 1983).
[8] Để có lập luận phản bác lại, tham khảo Eagleton: The Illusions of Postmodernism.