Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bên Rặng Tuyết Sơn

Chương 1

Tác giả: Swami Amar Jyoti
Thể loại: Văn Hóa - Tôn Giáo

Mặt trời nhô lên khỏi đỉnh Tuyết Sơn, muôn ngàn tia sáng chói chang tỏa lan khắp thung lũng Saraswati. Đó đây, chim chóc cất tiếng báo hiệu một ngày vừa bắt đầu.

Một vị đạo sư già bước ra khỏi hang đá. Ông khoan thai đi dọc theo những bụi cây xanh mát còn ướt đẫm sương mai. Một làn gió nhẹ thổi qua làm lay động chòm râu bạc như cước. Ông ung dung bước xuống bờ suối gần đó, vươn tay vốc chút nước đưa lên miệng. Nước suối lạnh như băng, nhưng ông không lấy thế làm phiền. Uống xong ngụm nước, ông thong thả bước xuống dòng suối cho đến lúc nước ngập đến cổ, rồi ông dừng lại đọc một bài chú dài, thân hình trang nghiêm, bất động. Có vẻ dòng nước mãnh liệt kia không thể khiến ông chao đảo. Dường như đôi chân mảnh khảnh của ông đã bám rễ vào lòng suối.

Ông ung dung hoàn tất nghi thức cần thiết rồi bước lên một tảng đá phẳng gần đó, ngồi bắt chéo hai chân theo tư thế liên hoa. Chỉ thoáng giây sau, một làn khói mỏng từ cơ thể tỏa ra xung quanh. Những giọt nước bám trên thân thể ông bốc thành hơi vì thân nhiệt đang lưu chuyển mạnh. Hiển nhiên phải như thế, vì ông là một đạo sư đã luyện thành pháp tu “Tam Muội Hỏa” (phương pháp điều chuyển nhiệt trong mình). Dù thời tiết lạnh đến đâu, ông vẫn có thể mình trần ngồi trên tuyết lạnh. Ông sẽ ngồi như vậy cho đến khi mặt trời gần đứng bóng mới xả thiền, bước vào trong hang đá ăn chút trái cây rừng hái được từ hôm qua. Ăn xong, ông sẽ xuống thung lũng phía dưới hái trái cây để dành cho bữa ngày mai, rồi tiếp tục thiền định cho đến xế chiều mới bước vào trong động nghỉ ngơi.

Có tiếng chân người nhẹ bước trên lá khô. Con chim đang rỉa lông trên cành giật mình kêu lớn. Một thanh niên quần áo rách rưới, lưng đeo hành lý ở đâu bước đến. Anh đứng sững nhìn vị đạo sư ngồi yên trên tảng đá, rồi kêu lên một tiếng vui mừng, đặt hành lý xuống đất, bước đến quỳ mọp trước mặt ông. Vị đạo sư khẽ mở mắt nhìn chàng trai, đôi mắt hiền từ dưới vầng trán cao ánh lên vẻ hài lòng. Anh ngẩng đầu lên, ánh mắt bừng sáng. Bao vẻ mệt nhọc của chuyến hành trình dài dường như tan biến. Anh cung kính chắp tay chờ đợi. Chòm râu bạc của vị đạo sư khẽ rung trong làn gió nhẹ.

Ông thong thả nói:

– Satyakam, rốt cuộc rồi con cũng đến! Chàng trai ngạc nhiên:

– Nhưng… nhưng sao ngài lại biết tên con?

Ông yên lặng không đáp, trên môi chỉ điểm một nụ cười thân ái.

– Thưa ngài, hình như… ngài biết trước rằng con sẽ đến đây?

Vị đạo sư vẫn im lặng. Hồ như ông biết câu trả lời không còn cần thiết nữa. Ông lặng lẽ ngắm nhìn chàng trai đang quỳ trước mặt, rồi chỉ xuống dòng suối:

– Con đi đường xa hẳn đã mệt rồi. Hãy xuống suối tắm rửa, rồi nghỉ ngơi trước đã. Ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu.

– Nhưng… nhưng con chưa nói cho ngài biết mục đích chuyến đi này của con. Thưa ngài, con đã đi tìm ngài suốt bao năm. Con đã trèo đèo lội suối, trải qua bao khó nhọc mới đến được đây. Xin ngài thu nhận con làm đệ tử…

Vị đạo sư ngắt lời:

– Ta biết rồi.

Ông ngừng một chút, nhìn chàng trai đang ngơ ngác, rồi mỉm cười:

– Này Satyakam, thầy trò ta đã có duyên với nhau từ bao kiếp rồi chứ đâu phải bây giờ mới gặp nhau! Con không nhớ sao?

– Thì… thì ra thế! Thì ra ngài đã là sư phụ của con từ nhiều kiếp trước.

Có lẽ vì quá xúc động, anh không nói thêm được câu nào nữa. Một dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt bám đầy bụi đường. Anh run run úp mặt vào đôi bàn chân trần của vị đạo sư với vẻ thành kính. Ông đưa tay khẽ vuốt tóc anh, đoạn thong thả đứng dậy đi vào.

***

Mặt trời lên cao, tỏa muôn ngàn tia nắng ấm xuống thung lũng Saraswati. Một con chim lớn từ trên cao sà xuống suối rồi lại vỗ cánh bay lên. Những giọt nước long lanh bắn tung lên, trông như những hạt ngọc.

Vị đạo sư ngồi xếp bằng trên tảng đá cạnh dòng suối. Ông vừa thực hành nghi thức buổi sáng – trầm mình trong làn nước lạnh và đọc bài thần chú như thường lệ. Trong lúc ấy, vì chưa quen với khí hậu của rặng Tuyết Sơn, chàng trai phải khoác lên mình tấm áo choàng dày mà vẫn chưa hết rét. Anh ngồi trước sư phụ, chắp tay cung kính chờ đợi.

– Này Satyakam, bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với những công phu mà con chưa hoàn tất trong kiếp trước.

– Nhưng thưa sư phụ, con không nhớ rõ con đã làm gì!

– Rồi con sẽ biết thôi. Ta không cần nói cho con biết về quá trình tu tập của con cũng như con đã tiến bộ đến đâu. Con phải biết rõ về mình chứ đừng trông chờ ta hay ai đó sẽ nói cho con biết về chính con. Qua công phu tu tập nội quán cũng như các nỗ lực của con trong thời gian tới, con sẽ nhận ra mình. Ta biết con có đầy đủ những đức tính cần thiết của một người đi trên đường đạo, đó là tính thành thật, chuyên cần, tinh tấn và dũng mãnh.

Ông ngưng một lát như để cho anh có thời gian suy ngẫm, rồi thong thả tiếp:

– Bài học đầu tiên của con là bắt đầu từ nay, con hãy chấm dứt việc tính toán, phân tích thời gian, giờ khắc, hay ngày tháng. Hãy để cho mọi việc tuần tự trôi đi. Hãy sống trọn vẹn từng phút giây. Hãy để cho ngày là ngày và đêm là đêm với đúng ý nghĩa của nó. Hãy để mọi việc xảy đến là kinh nghiệm về một điều mới lạ, một sự tỉnh thức, một chuyện ngạc nhiên. Đừng để sự sống trôi dạt vào quá khứ hay tương lai, mà hãy ý thức nó từng giây từng phút trong sự tỉnh thức hoàn toàn. Muốn như thế, con cần phải làm chủ thân, khẩu và ý, bởi cuộc sống thực không phải là một sự cố gắng, phấn đấu để đạt được cái này hay cái khác, mà là sự thoải mái, giải thoát tuyệt đối.

Chàng trai rụt rè:

– Thưa sư phụ, vậy con cần phải tu tập trong bao lâu nữa mới đạt đến trạng thái trên?

Đạo sư mỉm cười lắc đầu:

– Này Satyakam, con lại nghĩ đến thời gian rồi! Chỉ khi nào thôi tính toán, con mới có thể hoàn toàn được giải thoát. Đây là một thói quen mà con cần phải trừ bỏ.

– Nhưng… nhưng thưa sư phụ, con cũng cần một thời gian để trừ bỏ những thói xấu này chứ?

– Dĩ nhiên là thế, nhưng đâu nhất thiết phải có một thời gian nhất định để làm việc này? Ai đặt cho con thời hạn đó? Tại sao con không ý thức rằng mình đang sống và sự sống thật sự không lệ thuộc vào thời gian hay không gian, mà là hoàn toàn thoải mái, hoàn toàn giải thoát? Con có ý thức giải thoát là gì không? Phải chăng con vẫn nghĩ rằng con có một số thói xấu nên cố gắng loại bỏ, thay đổi nó đi và khoảng cách giữa hai mốc điểm đó là thời gian? Tại sao con không làm cả hai việc đó cùng lúc – học hỏi thêm một số điều mới lạ, đồng thời bỏ bớt đi một số thói quen, thành kiến đã có từ trước? Sự sống thật sự không thể bị ràng buộc trong giới hạn thời gian, mà luôn sống động, không ngừng tuôn chảy. Đừng chia cắt nó ra thành những phần nhỏ. Đừng phân tích nó thành những mảnh vụn rời rạc. Đừng để thời gian trở thành một khuôn mẫu mà con phải sống theo. Nếu con tiếp tục suy nghĩ trong cái khuôn khổ giới hạn của thời gian, con sẽ tiếp tục huân tập cho một thói quen, và một thói quen được huân tập như vậy sẽ không dễ gì thay đổi được.

– Nhưng… nhưng cách suy nghĩ này hiện nay vẫn xoay vần trong đầu óc con, chi phối tư duy con. Làm sao… làm sao con có thể chinh phục hay loại bỏ được nó đây?

Vị đạo sư già mỉm cười nhìn anh với vẻ ưu ái, độ lượng. Ánh mắt hiền từ của ngài làm anh cảm thấy yên lòng. Anh định cất lời, nhưng vị đạo sư đã lên tiếng trước:

– Con hãy tập theo dõi những dòng tư tưởng đang nổi lên cuồn cuộn trong tâm mình. Chỉ theo dõi, không đè nén nó xuống, cũng không khơi động nó lên. Hãy quán sát một cách kiên nhẫn từng tư tưởng dấy lên rồi lại chìm xuống, và đợi cho đến khi nó nhẹ nhàng đến và đi một cách âm thầm, con sẽ thấy sự vi tế của nó. Mặc dù tâm con hết sức tĩnh lặng, nhưng sự vi tế của các tư tưởng thầm kín vẫn đến và đi như dòng nước đang tuôn chảy kia. Hãy quán sát tâm mình thật kỹ, rồi con sẽ hiểu được điều ta nói. Con có thể coi đó là một phương pháp, một kỹ thuật hay một điều chỉ dẫn của ta cũng được.

Ông ngừng lại, nhìn vẻ chăm chú của chàng trai, rồi mỉm cười:

– Đó là bài học vỡ lòng của con.

Anh thành kính quỳ xuống đất, hai tay ôm lấy đôi chân thầy. Anh định thốt lên mấy lời biết ơn, nhưng không cất nên câu. Vị đạo sư đặt nhẹ đôi tay lên đầu anh, một cảm giác ấm áp lạ lùng bỗng truyền đi khắp người anh. Vị đạo sư thong thả đứng dậy đi về phía động đá. Ông bước đi dáng vẻ ung dung, từng bước, từng bước vững chãi, thảnh thơi. Anh không còn cảm thấy lạnh nữa. Dường như trong lòng anh đang có một điều gì kỳ lạ, một niềm hoan lạc nhẹ nhàng khiến anh thấy nhẹ nhõm khác thường.

Bất chợt, anh ý thức rõ rệt từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, sự rung động của từng thớ thịt. Đâu đây vang lên tiếng chim líu lo, tiếng gió thổi lay động lá cây, tiếng côn trùng ngân nga điệu nhạc tuyệt vời của vũ trụ. Anh bàng hoàng tự hỏi tại sao chỉ mới phút trước, anh còn quẩn quanh với bao ý niệm mà bây giờ chúng đã biến mất. Phải chăng đó là kết quả của buổi nói chuyện với vị đạo sư hay còn điều gì khác nữa?

Anh hít một hơi thật sâu. Một luồng hơi nóng trỗi lên, toàn thân anh ấm áp lạ lùng. Anh hơi ngạc nhiên nên hít thêm lần thứ hai. Luồng hơi nóng từ đan điền bốc lên nóng ran, chân tay tê tê một cảm giác kỳ lạ. Thế nhưng, đầu óc anh lại nhẹ hẫng, khác thường. Anh hít tiếp một hơi nữa và chợt ý thức luồng hơi nóng đang chạy khắp cơ thể. Cảm giác này quen thuộc làm sao! Hồ như anh đã từng làm việc này rồi! Nhìn vị đạo sư đang chậm bước đằng xa, anh muốn nói một lời gì đó, nhưng lại thôi. Đôi bàn tay anh lấm tấm những giọt mồ hôi. Anh hít thêm một hơi nữa để luồng hơi nóng lưu chuyển khắp thân thể. Tự nhiên, anh chợt hiểu và bật cười sung sướng. Chỉ trong thoáng giây, khắp mình anh đã toát đầy mồ hôi. Phải chăng anh đã phục hồi được khả năng trước kia? Anh bước về phía túp lều – mái lá đơn sơ anh vừa dựng hôm qua để làm chỗ nghỉ ngơi. Đôi chân nhẹ như bay, chỉ chớp mắt, anh đã bước vào trong lều. Anh sung sướng quỳ xuống, bật thốt lên một câu ngắn: Cảm ơn. Cảm ơn sư phụ!

Ngày tháng trôi.

Mỗi buổi sáng, Satyakam đều theo sư phụ trầm mình xuống dòng suối lạnh và đọc các bài chú. Anh cũng chăm chỉ tọa thiền trên một phiến đá bằng phẳng, không xa chỗ tọa thiền của sư phụ bao nhiêu. Thời tiết ở rặng Tuyết Sơn không còn ảnh hưởng đến anh nữa. Anh có thể cởi trần ngủ qua đêm trong túp lều đơn sơ lợp bằng lá cây mà không hề thấy lạnh. Vị đạo sư có vẻ hài lòng.

Cuộc sống của vị đạo sư vẫn như xưa. Thỉnh thoảng, sau buổi thiền định, ông trao đổi vài câu với học trò, phần lớn là để trả lời thắc mắc hơn là chỉ dẫn điều mới lạ. Ông kiệm lời, chủ yếu là im lặng. Ông cứ để anh trình bày những điều còn nghi hoặc, song ông không giải đáp, khiến anh đâm ra bối rối. Khi bối rối, người ta thường cố gắng tìm hiểu thêm. Anh cũng vậy. Thế nhưng, vị đạo sư già vẫn ngồi yên, kiên nhẫn nghe học trò tiếp tục trình bày ý kiến. Chỉ đến khi anh không còn gì để nói nữa, ông mới nhẹ nhàng lên tiếng. Cũng có nhiều lúc, ngay khi vừa đặt câu hỏi, Satyakam thấy câu trả lời đã hiển hiện từ lúc nào rồi. Dường như nó đến cùng lúc với câu hỏi, và lúc đó, anh chỉ biết ngạc nhiên nhìn sư phụ, không biết nói gì nữa.

Đối với Satyakam, các công phu tu hành như việc ngâm mình trong dòng nước lạnh để thực hành nghi thức buổi sáng không phải là điều khó. Ngay cả việc ngồi thiền từ sáng đến trưa hoặc từ lúc chạng vạng cho đến nửa đêm cũng đã trở thành việc bình thường. Tuy nhiên, việc xả bỏ ý niệm về thời gian là một vấn đề hết sức nan giải. Các ý niệm, kỷ niệm, thói quen trong quá khứ ngày càng nổi lên ám ảnh tâm trí anh. Lúc nào trong tâm cũng có một cuộc đối thoại không ngừng giữa anh và chính anh. Lúc đầu, các cảm giác này còn mạnh và anh phải dùng hơi thở để trấn áp chúng, nhưng về sau, anh thấy rõ các cảm giác vi tế dâng lên cuồn cuộn, liên hồi trong tâm với muôn ngàn thắc mắc mà anh không kiểm soát nổi. Tuy biết là mình phải quán sát nó như một nhân chứng, nhưng anh vẫn thấy rõ mình có những yếu tố chủ quan và hay đồng hóa mình với những ý tưởng đó.

Sau một thời gian tu tập không thành, anh giãi bày với sư phụ và được ông chỉ dẫn rành rọt về việc theo dõi tư tưởng. Bất kỳ thắc mắc nào của anh cũng được trả lời một cách giản dị và thấu đáo. Chỉ khi đó, anh mới ý thức rằng mình không thể đi xa trên con đường này nếu không có một vị chân sư hướng dẫn. Khi anh biết khiêm tốn trước sự cao minh của sư phụ, thì công phu của anh bắt đầu tiến bộ hơn xưa.

Dần dần, anh thấy rõ các câu trả lời vốn có sẵn trong tâm mình, và vị đạo sư chỉ là người hướng dẫn, khơi gợi các yếu tố vi tế ẩn bên trong đó mà thôi. Satyakam thấy tự tin hơn trước. Đó không phải là lòng tự hào của bản ngã, mà là một niềm tin sắt đá, không lay chuyển rằng con người chỉ có thể tìm được câu trả lời khi họ biết hướng vào bên trong.

Thỉnh thoảng, hai thầy trò cũng xuống núi khất thực ở các làng mạc lân cận. Sonar là ngôi làng gần nhất, nằm chơ vơ trên đỉnh một ngọn đồi trọc. Muốn đến làng phải đi qua một chiếc cầu bện bằng đây thừng vắt ngang sông Saraswati. Qua khỏi cầu là hai cột đá với nhiều tảng lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, nơi đánh dấu địa phận ngôi làng. Từ đây phải đi dọc theo một con đường đất quanh co nữa mới vào đến trong làng. Phần lớn nhà cửa tại đây đều cất bằng gỗ và đá, mái nhà lợp bằng nhánh cây khô.

Khi thấy hai thầy trò đi khất thực, dân làng đều chắp tay chào cung kính. Vài người vội lấy thực phẩm khô bỏ vào chiếc túi đẫy mà Satyakam mang bên mình. Mỗi lần được cúng dường như thế, chàng trai lại gật đầu đón nhận và nói khẽ: “Xin Thượng đế phù hộ cho con người hảo tâm này”. Thỉnh thoảng, cũng có vài người, vì chưa thông hiểu, thay vì cúng đường thực phẩm khô, lại đưa cho anh thức ăn đã nấu chín. Và Satyakam chắp tay lễ phép từ chối: “Xin cảm ơn lòng hảo tâm, nhưng chúng tôi chỉ ăn thực phẩm được nấu theo các cách nhất định mà thôi”. Đôi khi, cũng có người đưa anh ít vải để may quần áo hoặc một cái chăn cũ, và anh vui vẻ đón nhận. Khi bao đựng đã đầy, Satyakam trở về lối cũ. Nếu lúc đó có ai cúng đường, anh chắp tay cung kính nói: “Xin hẹn lần sau. Hôm nay chúng tôi đã có đủ dùng rồi”.

Dân làng Sonar hầu như ai cũng biết hai thầy trò nên trẻ con thường vây quanh và bắt chước các cử chỉ của họ. Có lúc, vị đạo sư bảo Satyakam đi đến một làng khác xa hơn. Có những ngôi làng vui vẻ tiếp đón vị đạo sĩ trẻ, nhưng cũng có nơi quát tháo, mắng chửi, đuổi đi. Dù hoàn cảnh nào, Satyakam cũng luôn giữ thái độ khiêm cung, không phân biệt. Thỉnh thoảng, đôi ba cô thôn nữ bạo dạn còn bước đến gần, tò mò nhìn ngắm vị đạo sĩ trẻ tuổi có thân thể cường tráng. Các cô cười khúc khích trêu chọc: “Anh kia, anh tên gì vậy?” hoặc “Này, anh kia đi đâu mà sao vội vàng vậy?”. Nghe những lời đó, Satyakam chỉ cúi đầu giữ cho bước đi được ung dung, có khi đọc thầm một vài câu thần chú để nhiếp tâm. Anh nhớ lời thầy dạy: “Không nên phản ứng trước nghịch cảnh. Đừng vui, cũng đừng buồn. Hãy giữ cho tâm không động. Một phản ứng, dù chỉ là phản ứng tự nhiên trước một nụ cười đẹp, cũng đủ để tạo ra vọng động rồi”. Phải chăng Satyakam ngã lòng trước những lời mời gọi đó? Phải chăng tâm anh còn xao xuyến? Satyakam biết mình hơn ai hết. Anh thản nhiên theo dõi phản ứng của tâm thức, không đè nén nó xuống và cũng không khơi động nó lên. Anh chỉ chú tâm quán sát tư tưởng, dù là những tư tưởng thật vi tế, xem chúng đã trỗi lên như thế nào, phát xuất từ đâu và từ từ chìm xuống ra sao. Anh biết một khi đã quán sát nó bằng cái tâm tĩnh lặng thì bất kỳ một tư tưởng nào cũng lặn lắng ngay, và rồi anh sẽ không quan tâm đến nó nữa. Anh biết rõ điều anh cần thực hành là cắt đứt ngay mọi suy tưởng về thời gian: không có quá khứ vì quá khứ đã qua; không có tương lai vì tương lai chưa đến; chỉ có hiện tại, và hiện tại là quan trọng hơn cả. Anh coi mỗi lần đi khất thực là dịp thực hành việc quán sát tư tưởng mình, và đó là một bài học giá trị, linh hoạt hơn những khi anh sống êm đềm bên cạnh thầy.

Thấm thoắt đã mấy mùa Đông qua. Nhưng Satyakam không còn để ý gì đến thời gian, chỉ chú tâm theo dõi tư tưởng như lời sư phụ dạy.

Vào một đêm trăng tròn, ánh trăng phản chiếu trên lớp tuyết bao phủ quanh đỉnh Tuyết Sơn phát ra những tia sáng chói lọi. Satyakam đang ngồi ngắm trăng trước lều thì đạo sư đi đến. Ông nhìn học trò một lúc rồi thong thả lên tiếng:

– Này Satyakam, tuy con đã tiến bộ nhiều so với trước, nhưng con chớ quên rằng con vẫn còn nhiều nấc thang cao hơn phải vượt qua. Sự tiến bộ trên đường đạo đòi hỏi sự cảnh giác không ngừng, do đó con đừng quên mục đích chính của đường đạo nhiệm màu này. Con phải coi con đường này như một nguồn cảm hứng thiêng liêng, sống động, nhờ thế con mới có thể vượt qua bao cám dỗ của các tư tưởng ích kỷ vẫn còn tiềm ẩn trong tâm. Mặc dù hiện nay, niềm an lạc tuyệt vời của sự hợp nhất với Thượng đế chưa đến với con, nhưng con nên nhớ con vẫn là Một với đấng cao cả. Con đã phát nguyện sẽ là người đem ánh sáng của ngài gieo rắc cho thế gian, do đó trước hết con phải là một tấm gương sáng để phản chiếu ánh sáng của ngài đi khắp nơi, tựa như đỉnh Tuyết Sơn đang phản chiếu ánh trăng xuống thung lũng Saraswati này vậy.

Đạo sư trầm ngâm một lúc rồi nhẹ nhàng nói tiếp:

– Tuy nhiên, trước khi con có thể phản chiếu vầng ánh sáng tuyệt diệu của ngài, con phải lau sạch những hạt bụi bám vào tâm con trước đã. Chỉ khi tâm con là một tấm gương hoàn hảo, trong sạch, ánh sáng chân lý mới có thể chiếu soi toàn vẹn được. Chỉ khi con tự biết mình, con mới có thể biết được người khác. Và chỉ khi con hiểu biết thực sự về người khác, con mới có thể giúp đỡ họ. Đó là lý do ta muốn con theo dõi tư tưởng để học cách tự biết mình.

Đạo sư ngừng lại như để Satyakam có thời gian suy nghĩ trước khi nói tiếp:

– Ta biết công phu theo dõi tư tưởng của con đã tiến bộ nhiều, vì vậy bắt đầu từ nay con nên tập lắng nghe. Không chỉ là lắng nghe các âm thanh mà con thường nghe, mà còn là những âm thanh hiện con vẫn chưa nghe thấy được.

Satyakam ngạc nhiên hỏi:

– Sư phụ muốn nói đến những âm thanh nào?

– Đó là âm thanh của sự sống. Trước hết, con hãy lắng nghe những âm thanh phát xuất từ trong lòng con. Có thể lúc đầu, con sẽ không nghe thấy gì, nhưng con đừng thất vọng, cứ chăm chú lắng nghe, rồi con sẽ nghe thấy một âm thanh êm đềm, tự nhiên trỗi lên, và con sẽ nhận ra trong đó những âm thanh của đức tin, của hy vọng và tình thương. Những âm thanh này vẫn thường trỗi lên từ nơi sâu thẳm nhất trong lòng mọi người, nhưng phần lớn mọi người không biết nghe, không muốn nghe, hoặc không dám nghe. Họ sợ hãi đến nỗi không dám đối diện với bản tâm mình. Họ bưng tai để khỏi phải nghe âm thanh thành thật của tâm hồn. Họ bịt mắt trước ánh sáng đầy minh triết của Thượng đế. Họ làm thế vì nghe theo tiếng gọi của dục vọng hay đuổi theo ảo ảnh của vô minh luôn là điều dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bên trong mọi sự sống đều có những âm điệu tiềm tàng mạnh mẽ chờ đợi cơ hội để trỗi lên, do đó con cần lắng nghe những âm thanh này, và khi đó con sẽ dễ dàng nghe thấy nó ở chung quanh con và ở trong mọi người khác. Từ đó, con sẽ nhận ra rằng những âm điệu này đều giống nhau, bởi lẽ tất cả đều phát sinh từ bản nhạc tuyệt vời của Thượng đế. Con cần ghi nhớ những âm điệu này để hiểu trật tự và cách vận hành sự sống đang xảy ra quanh con.

– Phải chăng khi đó con cần hướng ra bên ngoài?

– Đúng thế. Khi đã hiểu thấu đáo các giai điệu nơi mình thì con có thể hướng tâm ra ngoài để thưởng thức khúc ca của Thượng đế vẫn âm vang trong vũ trụ.

Satyakam thắc mắc:

– Nghĩa là Thượng đế vẫn thường tấu nhạc hay sao? Đạo sư mỉm cười gật đầu:

– Đúng thế. Khúc ca của Thượng đế luôn luôn vang rền trong vũ trụ. Nó văng vẳng bên tai thế nhân, nhưng đã mấy ai biết nghe âm thanh huyền diệu đó. Sự sống là một bản nhạc tuyệt vời. Nếu con biết lắng nghe, con sẽ nhận ra rằng con vốn là một nốt nhạc trong bản hòa tấu vĩ đại đó, và nhờ thế con hiểu được những định luật bất dịch của vũ trụ.

Đạo sư ngẩng nhìn lên vầng trăng vằng vặc trên nền trời, chậm rãi nói:

– Này Satyakam, khúc ca của Thượng đế là tiếng sóng gầm dưới biển, tiếng gió reo trên cây, tiếng suối róc rách trong khe núi, tiếng ầm ầm của thác đổ. Nếu biết lắng lòng để nghe, con sẽ thấy tất cả những thanh âm đó chỉ là dư âm của một tấu khúc huyền diệu hơn thế nữa và chỉ một vài đoạn nhỏ của tấu khúc này lọt vào tai người thế tục thôi. Nếu biết lắng lòng nghe không sót một âm thanh nào và cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nó, con sẽ nghe thấy cả những huyền âm sâu thẳm của vũ trụ. Khi con hiểu được ý nghĩa của những huyền âm này, con sẽ không cần thầy ở bên nữa. Nếu con người có tiếng nói, thì Thượng đế cũng có những huyền âm. Hiểu được huyền âm này là hiểu được Thượng đế.

Đạo sư ngừng nói, quay sang nhìn học trò. Ánh mắt hiền từ của ông làm Satyakam cảm thấy ấm áp. Đã lâu lắm hai thầy trò mới có dịp nói chuyện như vậy. Satyakam hoan hỉ chắp tay để tỏ lòng biết ơn. Đạo sư gật đầu hài lòng rồi thong thả đứng dậy tiến về phía động đá. Đi được vài bước, ông quay đầu lại nói:

– Hãy tập lắng nghe, và đó là bài thứ hai mà con cần phải học.

Satyakam quỳ rạp xuống đất. Anh cung kính giữ nguyên tư thế đó một lúc lâu cho đến khi sư phụ đi khuất hẳn. Bất chợt, anh cảm thấy hình như có một âm thanh kỳ lạ vừa trỗi lên đâu đó. Satyakam cố tịnh tâm lắng nghe. Âm thanh từ từ rõ dần và anh ý thức đó chính là tiếng nói vô thanh phát xuất từ nội tâm mình. Toàn thân anh chợt dâng lên một cảm giác ngây ngất kỳ lạ. Phải chăng anh đã từng nghe qua âm thanh này rồi? Âm thanh quen thuộc làm sao! Satyakam suýt bật lên một tiếng kêu nhưng anh cố giữ không cho mình xúc động. Phải rồi! Đó chính là thánh ngữ “Om”[1] mà bất cứ người Ấn nào cũng biết. Nhưng lần này âm thanh đó kéo dài dường như vô tận. Anh nín thở theo dõi diệu âm đó và bất chợt trước mắt anh bỗng hiện ra một linh ảnh: một hoa sen lớn hiện ra màu sắc chói chang lạ lùng, hoa khe khẽ mở, từng cánh từng cánh vươn ra. Anh nghe rõ một tiếng nói ở đâu vang lên: “Con hãy xem bông hoa đang nở trong yên lặng kia. Một vài cánh hoa đã nở nhưng nhiều cánh vẫn còn búp vì hoa sẽ không bao giờ nở được trọn vẹn trước khi bản ngã tiêu tán hết. Hoa không thể tỏa hương khắp thế gian trước khi tất cả các cánh nở trọn vẹn, và hoa chỉ nở trọn vẹn khi phàm ngã biết quy phục chân ngã”. Satyakam chợt hiểu rằng mình đã tìm ra mối đạo và đóa hoa tâm linh của anh đã bắt đầu nở. Anh quỳ xuống đất, nước mắt giàn giụa, thốt lên: “Cảm ơn sư phụ! Cảm ơn sư phụ!”.

Đã mấy thu trôi nhưng Satyakam tuyệt nhiên không còn để ý đến thời gian nữa. Anh biết mỗi khi lá vàng rơi là sắp đến mùa tuyết phủ, nhưng anh không còn bận tâm đến việc đi nhặt lá rừng để lợp lại mái lều cũ kỹ. Khả năng chuyển nhiệt trong mình của anh đã tiến bộ vượt bậc, có thể chịu đựng được những luồng gió lạnh kinh hồn từ trên đỉnh Tuyết Sơn thổi xuống.

Vào mùa đông, khi dòng suối bắt đầu đóng băng cũng là lúc vị đạo sư già bế quan, không rời động đá. Satyakam chưa được như sư phụ nên vẫn phải xuống làng khất thực. Dân làng tử tế cúng đường cho anh khá đầy đủ để anh có thể sống qua những ngày lạnh giá. Với số thức ăn này, Satyakam có thể ngồi thiền nhiều ngày liên tiếp, và trong sự tĩnh lặng đó, khả năng lắng nghe của anh đã cao hơn rất nhiều. Anh có thể nghe thấy tiếng bước chân của những con nai tận dưới đáy thung lũng hay tiếng búa của các tiều phu ở dãy núi phía bên kia. Dần dần, anh còn nghe được những tiếng động thật nhỏ như tiếng chim vỗ cánh hay tiếng côn trùng sột soạt tận sâu trong lớp vỏ cây. Tuy vậy, anh vẫn chưa nghe được những diệu âm của sự sống như sư phụ đã nói.

Sau một thời gian, anh tập trung tư tưởng vào thánh ngữ “Om” và dần dần đã có thể nghe được một vài tiếng gọi thầm kín của nội tâm. Satyakam hiểu rằng nghe những tiếng động bên ngoài thì dễ, nhưng quay vào bên trong để nghe tiếng gọi của nội tâm thật khó khăn biết bao! Không những thế, khi quay vào bên trong để lắng nghe, con người sẽ phải đối diện với những sự thật mà trong cuộc sống hàng ngày, ít ai dám nghĩ đến. Nhờ thế, anh hiểu vì sao nhiều người chỉ thích hướng ra bên ngoài, chứ không dám quay vào bên trong để đối diện với chính mình. Càng im lặng lắng nghe, khả năng tập trung tư tưởng của Satyakam càng tiến bộ, và sự tập trung càng cao thì khả năng theo dõi tư tưởng của anh cũng theo đó mà phát triển thêm lên. Dần dần, Satyakam nhận rõ sự phối hợp màu nhiệm của khả năng lắng nghe và các biến chuyển trong tư tưởng.

Một ngày Xuân đẹp trời, trong lúc Satyakam tập trung tư tưởng để suy ngẫm, anh nghe có tiếng bước chân đến gần và nhận ra thầy vừa xuất động sau thời gian tịnh tu. Vị đạo sĩ nhìn học trò với vẻ hài lòng:

– Này Satyakam, công phu lắng nghe của con đã khá rồi đó, vậy con đã lĩnh hội được các năng lượng của tư tưởng chuyển biến như thế nào chưa?

– Thưa sư phụ, con ý thức được sự biến chuyển của tư tưởng nhưng con chưa rõ các năng lượng tiềm ẩn bên trong hoạt động ra sao.

Ông gật đầu cười, giải thích:

– Đó là lý do mà ta muốn nói chuyện với con hôm nay. Này Satyakam, mỗi khi tư tưởng phát sinh, nó sẽ tạo ra các làn sóng rung động rất vi tế. Nếu một người có sự rung động đồng nhịp với sự rung động đó, họ sẽ đáp ứng nhanh chóng. Do đó, khi hai người nói chuyện với nhau, bên ngoài, họ nói bằng ngôn ngữ nhưng thật ra sự cảm thông chỉ có thể xảy ra qua những rung động đồng nhịp của các làn sóng tư tưởng trong tâm trí hai người. Đối với một người bình thường, tư tưởng được phô diễn qua lời nói và hành động, nhưng ngôn ngữ vốn nghèo nàn và có giới hạn, không thể diễn đạt được sự phong phú của tư tưởng. Khi một người đạt đến trình độ cao, họ không cần sử dụng ngôn ngữ nữa mà sử dụng tâm thức để thu nhận hay chuyển giao tư tưởng qua những làn sóng rung động kia. Thay vì nói chuyện bằng lời, họ nói chuyện bằng tư tưởng.

– Sư phụ muốn nói đến hiện tượng thần giao cách cảm?

– Con muốn gọi nó là “thần giao cách cảm” hay “tha tâm thông” đều được cả, vì nó chính là một kỹ thuật truyền âm. Tuy nhiên, trước khi tập luyện công phu chuyển tư tưởng cho người khác, con cần học cách thu nhận các làn sóng tư tưởng này trước đã. Nói cách khác, con phải tập nghe trước khi tập nói. Thế nên, ta muốn con tập lắng nghe vì căn bản chính của công phu này là sự thanh lọc tâm hồn để trở nên nhạy cảm với các rung động tinh tế và thanh cao kia.

Rồi ông chỉ về hướng những đô thành xa hoa tráng lệ ở phía xa:

– Này Satyakam, trong những thành phố đông đúc ồn ào, thần kinh con người luôn bị căng ra bởi những rung động náo nhiệt, phức tạp. Chúng khiến tâm hồn họ luôn ở thế bị động, lúc nào cũng lo phản ứng, dần dần họ mất đi sự nhạy cảm cần thiết. Đó cũng là lý do xã hội càng phức tạp, con người càng thiếu đi sự cảm thông với nhau. Càng ngày tâm trí con người càng mệt mỏi, xáo trộn, dễ bị kích thích bởi những cớ lặt vặt không đâu. Cũng vì thế, họ khó mà tránh được những bực dọc, giận tức hay nóng nảy. Sự nóng giận này tuy có vẻ chỉ phớt qua bề ngoài, nhưng kỳ thực nó rất tai hại vì hậu quả của nó tồn tại lâu hơn ta tưởng. Khi theo dõi tư tưởng, con thấy chúng đến và đi nhẹ nhàng như thủy triều, nhưng một tư tưởng nóng giận thì không như thế. Nó thu hút rất nhiều năng lượng, làm con người mất tự chủ, sinh mệt mỏi. Nó để lại ấn tượng rất sâu trong tâm thức con người. Con hãy quan sát một cơn bão ngoài biển. Trước hết, gió lớn nổi lên làm dậy từng đợt sóng lớn và luồng sóng biển này sẽ tồn tại rất lâu sau khi cơn gió đã dứt hẳn. Này Satyakam, nước mà còn ảnh hưởng như thế huống chi tâm hồn con người vốn tế nhị hơn chất nước rất nhiều. Một khi tư tưởng nóng giận khởi phát, nó sẽ tạo nên những hậu quả lâu dài làm xáo trộn tâm hồn người đó, và khi tâm hồn đã bị xáo trộn thì làm sao họ có thể cảm thông hay hiểu biết gì thêm được! Muốn tập cho tâm hồn mẫn cảm để có thể đón nhận những tư tưởng thanh cao, con người phải biết làm chủ cơn nóng giận, và đó chính là bước đầu.

– Như vậy, ta phải đối phó với những tư tưởng nóng giận như thế nào? Phải chăng không nên thụ động quán sát mà cần tạo ra một tư tưởng tương phản khác?

Vị đạo sư lắc đầu:

– Một số người trí thức thường làm như thế. Họ tập trung tư tưởng để kiềm chế cơn giận, nhưng họ không biết rằng tạo ra một sức mạnh để chống lại một sức mạnh khác sẽ gây những phản ứng dữ dội, làm xáo trộn tâm trí. Dĩ nhiên, tùy theo sự tập trung của tư tưởng mà họ có thể thành công hay thất bại, nhưng sự bạo động trong tâm thức luôn gây ra những hậu quả tai hại, ăn sâu vào tiềm thức. Thay vì chỉ có một vết thương trên da thịt, nó lại ngấm vào xương tủy, để lại hậu quả khôn lường!

– Như vậy phải làm sao, thưa sư phụ?

– Chỉ có tình thương là năng lượng duy nhất đập tắt được tư tưởng nóng giận mà không gây nên phản ứng trên xác thể hay tâm hồn. Đây là năng lượng màu nhiệm và có quyền năng mạnh mẽ. Một người giàu tình thương và lòng bác ái sẽ không khi nào nổi giận hay để cơn giận dữ ảnh hưởng đến mình. Này Satyakam, có người mẹ nào lại giận các con mình? Dù có hư đốn đến đâu thì khi trở về với mẹ, chúng vẫn được bà đối xử bằng tình thương yêu, vì chỉ có tình thương mới có thể cảm hóa được chúng mà thôi.

– Như vậy, thưa sư phụ, năng lượng tình thương hoạt động như thế nào?

– Tình thương là một năng lượng từ trong phát ra. Tình thương là ban trải chứ không phải là thu nạp. Thói thường, con người dồn năng lượng vào trong vì đối tượng của họ là bản ngã, do đó các năng lượng này dễ va đụng nhau, tạo thành các làn sóng rung động theo một nhịp độ trong tâm thức. Nhịp độ này gia tăng tạo thành lòng ích kỷ, do đó càng nghĩ đến mình bao nhiêu, con người càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu. Khi biết ban trải năng lượng ra ngoài, tâm hồn con người sẽ mở rộng ra, thay vì thu hẹp lại. Và khi đó, nó có thể đón nhận thêm những nguồn năng lượng cao cả khác từ ơn trên chuyển xuống. Đây là một nguồn năng lượng bất tận, không bao giờ cạn.

– Nhưng năng lượng của tư tưởng biến chuyển ra sao ạ?

– Vì tư tưởng là những làn sóng rung động, cho nên khi một bộ óc không có những rung động đồng nhịp, nó sẽ không thể bắt được những tư tưởng kia. Dĩ nhiên, tư tưởng này sẽ tiếp tục rung động một thời gian trước khi tan rã. Nếu các tư tưởng được lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ gia tăng cường độ và có thể ảnh hưởng đến tâm hồn. Một người không biết kiểm soát tư tưởng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự rung động từ bên ngoài tác động vào. Dần dần, não bộ của họ sẽ có những rung động đồng nhịp như thế mà họ không hề biết. Việc này chứng tỏ môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng đến tư tưởng hay cách suy nghĩ của cá nhân rất nhiều. Con người thường chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh xung quanh, nên khi họ ở gần một người chán nản, thoái chí hay nóng giận, thì chỉ ít lâu sau, họ cũng có những tính đó vì tư tưởng người kia đã tạo ra những rung động ảnh hưởng đến họ. Tương tự, khi một nhóm người cùng suy nghĩ về một điều thì sức mạnh tư tưởng này sẽ được nhân lên gấp bội, bởi sự rung động của tư tưởng đó đã được khuếch đại lên nhiều lần. Điều đó giải thích tại sao trong đám đông, nhiều người thường dễ mất tự chủ và hành động theo tư tưởng của đám đông ấy.

Con nên biết rằng tư tưởng của thế giới chỉ là tổng số tư tưởng của các quốc gia và tư tưởng của các quốc gia vốn là tổng số tư tưởng của các cá nhân sống trong đó. Nếu mọi người để cho các tư tưởng tiêu cực, thù ghét, sợ hãi, nghi ngờ, ganh tị, tham lam, ích kỷ chi phối thì thế giới này sẽ biến thành một nơi đầy thù hận, tham lam và bạo lực. Ngược lại, nếu con người có tư tưởng tích cực, thế giới sẽ đổi khác ngay, đó sẽ là một nơi tràn ngập tình thương yêu, bác ái, vị tha. Do đó, trách nhiệm về tư tưởng của mình là một điều hết sức quan trọng mà con phải nhận thức rõ.

Vị đạo sư nghiêm trang nhìn học trò rồi nhấn mạnh:

– Đó là bài học mà nhân loại cần thấu triệt. Dĩ nhiên, đây là một tiến trình rất dài, nhưng hành trình vạn dặm nào cũng khởi đầu bằng một bước chân nhỏ, và bất cứ sự thay đổi chung nào cũng bắt đầu bằng những cá nhân đã ý thức và biết làm chủ tư tưởng của mình. Này Satyakam, ngoài việc theo dõi các tư tưởng, kể từ nay, con còn cần chú ý đến năng lượng của tư tưởng. Con cần quan sát xem nó hoạt động như thế nào. Nếu các tư tưởng u ám trỗi lên, con cần thay thế nó bằng các tư tưởng thanh khiết; nhờ vậy, con có thể rung động hay đón nhận các làn sóng tư tưởng thanh cao. Đó là bài học thứ ba của con.

Đạo sĩ nhìn lên bầu trời trong vắt không một gợn mây. Vầng thái dương đã lên cao tỏa ánh sáng xuống rặng Tuyết Sơn, soi rõ đỉnh núi đầy tuyết trắng.

Satyakam quỳ xuống ôm lấy chân sư phụ tỏ lòng tôn kính. Anh biết giai đoạn thứ ba của tiến trình tu học vừa bắt đầu.

***

Nhiều năm nữa tiếp tục trôi qua, đời sống của hai thầy trò vẫn êm đềm như thế. Hàng ngày, họ vẫn thực hành các nghi thức quen thuộc. Với Satyakam, ngoài việc theo dõi tư tưởng, anh còn học thêm được các năng lượng biến chuyển của tư tưởng mà trước đó anh không bao giờ ngờ đến. Khi hai thầy trò cùng đi hái trái cây hay dạo quanh núi, Satyakam thường cố tịnh tâm để có thể giao cảm được với tư tưởng của sư phụ. Anh thấy khi tâm thật an, không bị một tư tưởng nào chi phối, anh sẽ cảm nhận được các rung động vi tế đặc biệt, và từ đó có thể đoán được ý muốn của thầy. Dần dần, anh ý thức được sự rung động tâm thức của sư phụ và cố gắng chuyển tâm mình để cùng rung động theo nhịp của ông. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, trong lúc điều tâm, anh vẫn bị những vọng tưởng kỳ lạ dấy lên đột ngột khiến tâm dao động mạnh. May thay, vị chân sư biết rõ điều ấy nên chỉ với một vài lời khuyên hay câu nói khích lệ, ông đã có thể giúp học trò lấy lại sự tĩnh lặng ban đầu.

Một buổi sáng đẹp trời, sau khi thực hành các nghi thức thường nhật, vị đạo sư già bảo học trò:

– Hôm nay, ta muốn đi lên phía thượng lưu sông Saraswati trên rặng Tuyết Sơn. Vì từ đây đến đó không có làng mạc nào để khất thực, nên con hãy chuẩn bị lương thực đủ ăn cho ba ngày nhé.

Satyakam vội làm như lời sư phụ dặn. Khi anh vừa thu xếp xong, sư phụ cũng chống gậy đi đến và hai thầy trò khởi hành. Họ đi dọc theo các dòng suối nhỏ với những triền đá mấp mô bám đầy rong rêu. Có lẽ vì quen thuộc với con đường này nên đạo sư thản nhiên ung dung bước đi, trong khi Satyakam mấy lần trượt chân suýt ngã. Thấy vậy, sư phụ quay lại bảo học trò:

– Con hãy cẩn thận và chú ý đi theo đúng bước chân ta.

Satyakam làm theo. Chỉ một lát sau, anh cảm thấy bước đi của mình trở nên vững chãi hơn và bắt đầu có thể đi cùng nhịp với sư phụ. Họ lặng lẽ đi cho đến khi mặt trời đứng bóng thì gặp một sườn núi khá cao. Satyakam hơi mệt vì phải chú tâm đi theo bước chân của sư phụ. Anh có ý muốn dừng lại nghỉ ngơi một chút. Thế nhưng vị đạo sư vẫn thản nhiên tiến bước. Quãng đường dốc đầy trở ngại kia tựa hồ không ảnh hưởng đến ông. Sau khi leo qua một con dốc lớn, đạo sư dừng lại bảo học trò chuẩn bị bữa trưa. Vừa đói vừa mệt nên nghe thấy thế, Satyakam vội lấy lương thực ăn ngay. Miếng bánh mì khô và mấy quả ổi rừng bỗng trở nên thơm ngon làm sao! Sau khi ăn xong, Satyakam đến dòng suối gần đó để rửa mặt. Anh thoải mái vốc làn nước dịu mát vỗ nhẹ lên mặt. Bên bờ suối có rất nhiều khóm hoa màu sắc đẹp lạ thường mà anh chưa hề thấy bao giờ. Hương hoa thoang thoảng trong không gian khiến Satyakam ngây ngất. Anh muốn ngắt lấy vài bông hoa nhưng vừa đưa tay, anh chợt dừng lại và rồi thong thả dạo qua từng khóm hoa, vừa ngắm nghía vừa khẽ hít mùi hương dìu dịu.

Trở về chỗ nghỉ chân, anh thấy sư phụ đang ngồi yên nhắm mắt nhập định. Không dám làm phiền sư phụ, Satyakam ngồi xuống cạnh đó nhìn ngắm cảnh vật xung quanh. Bầu trời xanh thẫm không một gợn mây, ánh sáng phản chiếu trên những đỉnh núi tuyết tỏa ra các tia sáng chói lọi. Đó đây, tiếng chim hót ríu rít, tiếng suối chảy róc rách. Anh ngồi xếp bằng, bắt đầu điều hòa hơi thở và chỉ một lúc sau, anh cũng nhập định một cách tự nhiên. Khi mở mắt ra, Satyakam thấy sư phụ đang yên lặng nhìn mình với một vẻ thân ái khó tả:

– Này Satyakam, phải chăng con đang nghĩ đến sự thành hình vũ trụ cũng như mục đích của nó?

Satyakam giật mình vì sư phụ đã đọc rõ tư tưởng của anh, nhưng anh chưa kịp phản ứng thì ông đã nói tiếp:

– Con phải ý thức rõ rằng vũ trụ chỉ là sự phối hợp màu nhiệm của những tương quan trùng trùng điệp điệp. Cái này tạo ra cái nọ rồi cứ thế kéo dài mãi mãi, không ngừng.

Satyakam rụt rè lên tiếng:

– Nhưng ai đã tạo nên những hiện tượng này và với mục đích gì?

– Phải chăng con muốn nói đến sự kiến tạo? Từ vô thủy đến nay, con người đã cố gắng giải thích sự kiến tạo vũ trụ qua những quan niệm trừu tượng hay các danh từ hào nhoáng như Thượng đế, Hóa công, nhưng con hỡi, ngôn ngữ không thể diễn tả, giải thích một cách tận tường, con chỉ có thể nghiệm ra nó mà thôi. Thượng đế hay chân lý tuyệt đối luôn luôn tự thể hiện một cách vô biên và trường cửu. Đó là sự sống duy nhất và là nguồn gốc của mọi sự sống. Mọi vật hiện hữu đều có nơi chân lý này và nhờ chân lý này mà mọi vật hoạt động và sinh sống. Có người đã so sánh Thượng đế như đại dương mà vũ trụ là các làn sóng và các sắc tướng là những giọt nước. Người khác coi Thượng đế như khối lửa phát ra muôn ngàn tia sáng mà mỗi tia sáng là một linh hồn. Thượng đế lớn hơn không gian, nhưng đồng thời cũng nhỏ hơn một hạt nhân nguyên tử vì Thượng đế là đời sống của nguyên tử. Không có cái gì lớn hơn Thượng đế và cũng không có cái gì nhỏ hơn ngài. Thượng đế hay chân lý tuyệt đối không có hình dạng, màu sắc hay đường nét, nhưng nhờ Thượng đế mà các sắc tướng được đẹp đẽ, rực rỡ và tinh vi.

Con hãy nhìn những dãy núi trùng trùng điệp điệp kia, các dãy núi đó nói lên sức mạnh của ngài. Con hãy quan sát đại dương với những làn sóng bao la không dứt tuyệt kia, đại dương đó đang phản ảnh sự hoạt động của ngài. Con hãy nhìn cánh rừng xanh ngắt thẳm sâu kia, nó đang phản chiếu sự trầm lặng của ngài. Ngài là dòng suối róc rách, là tiếng chim líu lo, là lá cây xào xạc, là tiếng côn trùng rỉ rả và là nguồn cảm hứng của những kẻ yêu chuộng Chân Thiện Mỹ.

Nếu nhận thức được sự thiêng liêng duy nhất ở tất cả, ta sẽ thấy sự sống biểu hiện khắp nơi qua thiên hình vạn trạng. Đừng thu hẹp nó lại trong các danh từ hữu hạn. Đừng cố gắng giải thích nó bằng những ý niệm của tư tưởng. Hãy ý thức và trải nghiệm sự sống đang tuôn chảy không ngừng kia, rồi con sẽ hiểu rằng định luật điều hành vũ trụ tuyệt vời mà con cho là ở bên ngoài vốn thực không khác những định luật hiện nay đang chi phối nội tâm con. Chỉ những người nào đã nếm được vị ngọt của chân lý mới có thể biết nó thế nào, chứ còn sử dụng ngôn ngữ thì chỉ vướng mắc vào những giới hạn vô ích mà thôi.

Sở dĩ con chưa thể nắm vững điều này vì con vẫn còn một cái ngã, vẫn còn có sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, giữa con và chân lý tuyệt đối hay Thượng đế kia. Chỉ khi nào con có thể hòa nhập cái bên trong và cái bên ngoài, chỉ khi nào tiểu ngã của con biết quy phục và hòa nhập vào đại ngã, chỉ khi nào giữa con và Thượng đế không còn cách biệt mà hòa làm một, thì tất cả mọi điều mà con cho là bí mật sẽ hiển bày trước mặt con. Ta biết hiện nay đối với con, sự sáng tạo hay chân lý tuyệt đối chỉ là một quan niệm như mọi quan niệm khác, nhưng qua công phu tu tập, con sẽ trải nghiệm được nó, và rồi con sẽ thấy nó không phải là một điều gì phức tạp, ghê gớm lắm đâu, mà trái lại – giản dị vô cùng. Chính con người đã để các tư tưởng phức tạp, lộn xộn của cái tâm trí bệnh hoạn tạo ra các chướng ngại và ngăn cách sự sống đang cuồn cuộn trôi chảy kia. Khi con người dứt tuyệt được các tư tưởng này, chân lý sẽ hiển minh.

Vị đạo sư ngưng nói. Satyakam cũng im lặng, nhưng bất chợt một ý nghĩ nảy sinh trong tâm khiến anh buột miệng:

– Thưa sư phụ, phải chăng…

Dường như hiểu ý học trò, ông cắt lời:

– Không, ta không phải là người mà con nghĩ đâu. Ta không có một tự ngã nào rõ rệt cả. Từ vô thủy đến nay, ta đã thay đổi và biểu hiện qua muôn hình vạn thể. Có thể gọi đó là những kiếp sống cũng đúng; hoặc gọi là một chuỗi biểu hiện của các hình thể, danh sắc cũng không sai.

Nói xong, vị đạo sư già đứng dậy. Satyakam vội thu xếp hành lý theo sau. Họ leo qua những triền núi dốc, nhưng đạo sư vẫn ung dung bước. Bất kể đó là một con đường bằng hay đường dốc, bước chân của ông vẫn nhịp nhàng, không đổi. Trong khi đó, Satyakam vừa đi vừa suy nghĩ những điều sư phụ nói nên anh phải cố gắng lắm mới bắt kịp sư phụ.

Càng lên cao, cái lạnh của rặng Tuyết Sơn càng ngấm dần vào da thịt. Satyakam cố gắng điều hòa hơi thở, nhưng không hiểu sao lần này công phu chuyển nhiệt của anh không còn hiệu nghiệm như trước nữa. Mọi khi, chỉ sau một vài hơi thở, luồng hỏa hầu đã chạy khắp cơ thể. Thế mà lần này, dù đã cố gắng, anh vẫn cảm thấy chân tay lạnh run lên. Bất chợt, một ý tưởng nảy sinh khiến anh nghĩ đến đống lửa hồng ấm áp trong căn lều của mình dưới chân núi. Ước gì ta có một đốm lửa như thế để sưởi ấm thì tốt biết bao! Vừa nghĩ đến đó, hơi thở của anh chợt náo loạn, khắp mình lạnh toát.

Vừa lúc, vị đạo sư dừng chân, quay lại nhìn anh. Satyakam bối rối chưa kịp phản ứng thì đã thấy đôi mắt sáng ngời tình yêu thương của sư phụ. Trong một thoáng giây, anh cảm thấy toàn thân bỗng trở nên ấm áp như vừa được sưởi ấm. Vọng tưởng của anh chấm dứt. Anh cảm thấy có một niềm an lạc thầm lặng dâng lên. Bất chợt, anh nhận được tư tưởng của sư phụ: “Con thấy không, khi vọng tưởng chấm dứt thì chân lý rõ bày. Khi con ước muốn một cái gì đó, lập tức tư tưởng này sẽ dấy lên, làm xáo trộn niềm an lạc sẵn có trong con. Sự nảy sinh của một tư tưởng sẽ kéo theo vô số các tư tưởng khác và sự xáo trộn này sẽ lôi kéo con rời xa thực tại. Hãy chấm dứt các vọng tưởng kia đi. Công phu theo dõi tư tưởng của con để đâu rồi?”. Satyakam cảm thấy xấu hổ. Quả thực, trong khi đi một cách đều đặn theo những bước chân của sư phụ, anh đã không tự chủ và để cho những tư tưởng khác chi phối, khiến tâm không yên. Anh vội điều chỉnh hơi thở cho thuần thục.

Mặt trời đang lặn. Trên không chỉ còn một dải mây đỏ ửng, nằm vắt ngang trên đỉnh Tuyết Sơn phủ đầy tuyết trắng. Màu đỏ và màu trắng tương phản hiện rõ trên nền trời tạo nên một cảnh tượng vừa huy hoàng vừa trang nghiêm, sống động.

Trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Satyakam xúc động vô ngần. Anh chợt thấm thía lời dạy của sư phụ. Đúng thế, anh đã để cho tư tưởng lấn át sự sống màu nhiệm đang diễn ra xung quanh. Anh thở nhẹ, luồng hơi nóng vẫn luân chuyển khắp cơ thể. Thì ra công phu chuyển nhiệt trong mình vẫn nối liền với hơi thở, nhưng khi hơi thở bị xáo trộn do các tư tưởng không tập trung thì sự vận hành của luồng nhiệt khí cũng xáo trộn ngay. Đến lúc này, anh mới ý thức rõ hơn bao giờ hết rằng hơi thở chính là đầu mối quan trọng của công phu tu tập. Vị đạo sư vẫn thong thả bước lên triền núi dốc, từng bước, từng bước thong dong, tự tại, hòa vọng những rung động của thiên nhiên xung quanh.

Khi hai thầy trò vượt qua một khe núi, trời đã tối hẳn, vầng trăng lưỡi liềm từ từ nhô lên trên bầu trời.

Vị đạo sư chỉ tay về phía một hồ nước khá rộng, bốn bề là những sườn núi cao phủ đầy băng tuyết. Tuyết trên sườn núi tan ra đều đổ vào hồ này để từ đó chảy xuống những dòng suối nhỏ quanh rặng Tuyết Sơn trước khi đổ vào sông Saraswati dưới chân thung lũng. Đạo sư có vẻ quen thuộc với phong cảnh nơi đây. Ông thong thả đi thẳng về phía một mỏm đá lớn nhô ra bên vách núi như một mái hiên, phía dưới mỏm đá có một hốc nhỏ vừa đủ một người chui lọt.

Satyakam lặng ngắm hốc đá. Trông nó quen thuộc lắm. Anh thoáng bồi hồi, thì thầm: “Dường như ta đã đến chốn này rồi thì phải”.

Đạo sư đứng yên nhìn học trò một hồi lâu, rồi chỉ vào hốc đá:

– Đêm nay, con hãy nghỉ ở đây. Ta sẽ gặp con vào sáng mai.

Satyakam đặt hành lý xuống cạnh hốc đá. Anh định hỏi không biết đêm nay sư phụ sẽ nghỉ ở đâu, nhưng chưa kịp lên tiếng, vị đạo sư đã chống gậy đi khuất vào bóng đêm.

Satyakam trải tấm chăn xuống đất, ngồi xuống. Thân hình anh vừa khít với hốc đá. Anh xếp bằng, điều hòa hơi thở và cảm thấy nơi đây êm đềm, quen thuộc lạ thường. Không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng nước róc rách êm dịu, vầng trăng mờ nhạt lấp lánh trên mặt hồ. Satyakam không cảm thấy buồn ngủ. Anh ngồi im theo dõi làn nước nhấp nhô trước mặt, mơ hồ như mình đã từng làm như thế này nhiều lần rồi, nhưng không thể nhớ rõ, tựa hồ có một tấm màn mỏng phủ lên ký ức. Satyakam ngồi một lúc như xuất thần, rồi bất chợt đứng dậy, chắp tay kính cẩn cúi rạp xuống đất một cách chân thành. Anh hành lễ ai đây? Đỉnh Tuyết Sơn hay hồ nước trước mặt? Satyakam tiếp tục nghi thức hành lễ đó một lúc rồi mới ngồi xuống. Tiếng nước vẫn róc rách chảy. Anh thiếp đi lúc nào không biết.

Satyakam tỉnh dậy khi tia sáng đầu tiên vừa ló dạng trên nền trời. Anh nhận ra rằng mình không ở trong căn lều quen thuộc mà đang nằm trong một hốc đá trên đỉnh Tuyết Sơn. Anh hồi tưởng lại chuyến hành trình hôm trước, rồi vươn vai chui ra khỏi hốc đá. Sau khi rửa mặt cho tỉnh táo, anh thong thả bước xuống hồ thực hành các nghi thức thường nhật. Vẫn chưa thấy sư phụ xuống.

Satyakam bước lên một tảng đá gần đó để thiền định. Mặt trời vừa lên trên đỉnh núi. Những tia nắng ấm áp rọi xuống thân thể khiến anh thấy dễ chịu. Anh đang chuẩn bị nhập thiền thì một cảm giác kỳ lạ nổi lên khiến anh vội quay ngoắt ra phía hồ nước.

Trên mặt hồ lung linh huyền ảo, có hai vật màu trắng đang từ từ tiến về phía anh. Khi chúng đến gần, anh nhận thấy đó là hai con thiên nga rất lớn. Chưa bao giờ Satyakam thấy con thiên nga nào to lớn và đẹp đẽ đường ấy. Chúng thản nhiên bơi thẳng đến chỗ anh, không hề sợ hãi. Cặp mắt chúng to và tinh anh khác thường. Satyakam lẩm bẩm: “Đây hẳn phải là một giống thiên nga đặc biệt”. Anh đứng yên nhìn đôi thiên nga nhởn nhơ bơi lội trước mặt. Bầu trời xanh thẫm in xuống mặt hồ. Đôi thiên nga trắng bơi qua bơi lại làm tán động làn nước xanh. Sắc xanh, sắc trắng và ánh sáng mặt trời hòa với nhau, lung linh huyền ảo khiến Satyakam say sưa xuất thần. Anh cứ ngắm như thế cho đến khi nghe tiếng chân sư phụ đến gần.

– Này Satyakam, từ xưa đến nay, dân chúng miền này vẫn thường nói về một cặp thiên nga trắng từ trên trời đáp xuống và cho rằng chúng là hiện thân của thần Shiva và Durga. Chúng chỉ xuất hiện tại những nơi chốn linh thiêng nhất và chỉ những ai hữu duyên hay đã khai mở được đạo nhãn mới có thể nhìn thấy chúng mà thôi. Con thấy không, Satyakam, con là một trong những người có duyên lành lắm đấy!

Satyakam ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của đôi thiên nga trắng trước mặt, rồi quỳ xuống với tấm lòng sùng kính chân thành, thầm gọi khẽ:

– Shiva[2]… Shiva… Durga… Durga…

Anh ngẩng nhìn bộ lông trắng tinh khiết của đôi thiên nga kia, chợt thấy nó trắng như tuyết và phát ra những màu sắc lạ lùng như những dải mây trên trời. Anh chăm chú dõi theo đôi thiên nga cho đến khi chúng nhẹ nhàng bơi xa dần và mất hút cuối chân trời. Trong anh chợt nảy sinh một cảm giác kỳ lạ, lồng ngực anh bỗng trở nên ấm áp lạ thường. Anh định quay ra hỏi sư phụ thì trước mắt bỗng hiện ra một linh ảnh, một luồng ánh sáng chói lòa trong đó anh thấy một tu sĩ đầu cạo trọc, một tay cầm bình bát, tay kia chống gậy trúc đang bước đi trên núi. Anh giật mình không hiểu sao hình ảnh này quen thuộc và thân thiết đến thế. Bất chợt, anh nhận thức rằng vị tu sĩ đó chẳng phải ai xa lạ, mà là chính anh.

Ngỡ ngàng, Satyakam bật lên một tiếng kêu lớn, nhưng tiếng kêu vừa thoát ra khỏi cổ họng, anh nghe thấy tiếng sư phụ thoảng bên tai: “Phải rồi, chính con đấy!”. Anh bàng hoàng và ngay trong giây phút ấy anh đã nhớ lại được tiền kiếp của mình. Phải rồi, anh đã từng sống tại đây, đã từng là một tu sĩ đến chốn này để tu tập nội quán. Anh đã sống trong hốc đá kia, đã ngồi thiền trên tảng đá này. Thảo nào phong cảnh nơi này quen thuộc làm sao! Satyakam nghe rõ tiếng nước chảy róc rách trong khe đá, hôm qua, hôm nay, giờ phút này cũng như những ngày xa xưa kia… Chỉ trong giây phút, những tiền kiếp bỗng tuần tự diễn ra trong tâm thức anh như một cuốn phim. Satyakam mỉm cười sung sướng khi cảm nhận được những điều anh từng trải qua, nhớ lại giây phút đầu tiên khi chứng ngộ được một vài điều, và cả những kỷ niệm học hỏi với vị sư phụ của anh lúc đó, cũng chính là vị sư phụ hiện nay đang đứng trước mặt anh đây. Anh kính cẩn quỳ xuống trước đạo sư, nước mắt giàn giụa:

– Cảm ơn sư phụ! Cảm ơn sư phụ!

Vị đạo sư già yên lặng, chú mục nhìn học trò bằng ánh mắt rạng rỡ như chia sẻ với anh những điều anh đang cảm nhận được. Sau cùng, ông lên tiếng:

– Tốt lắm! Hôm nay chúng ta sẽ nghỉ lại đây. Sáng mai sẽ lên đường trở về. Khi nào đói, con cứ tự nhiên ăn uống, không cần phải đợi ta. Ta sẽ gặp lại con vào lúc khởi hành.

Nói xong, vị đạo sĩ khoan thai bước đi, khuất dạng sau những tảng đá lớn. Satyakam cảm động nhưng cố gắng tự chủ. Anh lặng nhìn theo sư phụ, trong lòng dấy lên một cảm giác thân thương, muốn quỳ xuống ôm lấy chân sư phụ để tỏ lòng biết ơn. Vừa nghĩ đến đó, thân thể anh chợt nhẹ bẵng như được nâng lên bởi một sức mạnh vô hình. Satyakam hơi luống cuống. Anh nhìn xuống chân, nhưng không hiểu sao, cổ anh cứng ngắc không cựa quậy được, tay chân cũng đơ ra như một khúc gỗ. Anh thấy mình từ từ lướt đi trên những tảng đá ven hồ. Chuyện gì thế này? Trong tích tắc, Satyakam ý thức được rằng mình đang bay đuổi theo sư phụ. Chỉ một hơi thở nhẹ, anh thấy rõ sư phụ đang chống gậy đi phía trước. Có thể như thế sao? Anh đang mơ hay tỉnh đây? Thân hình anh vẫn vun vút lướt đi trên không, gần bắt kịp sư phụ, bất chợt, ông quay người lại. Satyakam thấy rõ trên môi sư phụ mình đang nở một nụ cười hài lòng. Anh vội tập trung tư tưởng và thấy mình từ từ đứng lại, nhưng chân vẫn không hề chạm đất. Phải chăng anh vừa khai triển một quyền năng mới – một thứ quyền năng khiến con người có thể di chuyển rất nhanh trên không trung? Trong lúc đầu óc vẫn còn choáng váng, anh nghe tiếng sư phụ: “Thôi, như thế đủ rồi”.

Nói xong, ông đi tiếp, bỏ mặc Satyakam đứng đó xúc động, ngẩn ngơ. Anh quay lại nhìn hồ nước mênh mông trước mặt, một ý nghĩ chợt đến, và chỉ một hơi thở, anh đã thấy mình ra đến giữa hồ, lơ lửng trên mặt nước. Bóng anh soi rõ trên làn nước. Anh vừa kinh ngạc, vừa thích thú. Có thể như thế sao? Anh nhìn về phía hốc đá ven hồ. Mỗi khi tư tưởng của anh tập trung đến nơi nào, thân thể anh đã lướt ngay đến chỗ đó. Phải chăng anh vừa chứng đắc được điều gì? Phải chăng đó là kết quả tự nhiên của công phu tu tập, không phải trong nhiều ngày, nhiều năm mà trong nhiều kiếp sống? Nhưng điều này có nghĩa gì? Phải chăng đó là mục đích của công phu tu tập? Satyakam ngồi xuống tảng đá ven hồ, thấy trong lòng dâng lên một niềm vui kỳ lạ. Phải chăng hai con thiên nga trắng tượng trưng cho thần Shiva và Durga kia là một bằng chứng hùng hồn về công phu tu tập của anh hay còn có một ý nghĩa nào khác nữa?

Anh nhìn quanh và bất ngờ thấy rặng núi trước mặt không còn là núi nữa, mà là sự hội tụ của muôn ngàn tia nắng đang nhảy múa. Và cả hồ nước kia – nó không còn là một hồ nước thông thường, mà là sự chuyển động của những tia sáng rực rỡ. Trong thoáng giây, toàn thể không gian hoàn toàn biến đổi, và tất cả trở thành những dải ánh sáng đang rung động đảo xoay trong một vũ điệu tuyệt vời. Satyakam thấy mình chìm đắm trong vũ điệu đó, rồi hoàn toàn tan biến trong biển ánh sáng màu nhiệm kia.

Satyakam không biết mình đang mê hay tỉnh, nhưng anh cảm thấy như có thứ gì chạm nhẹ vào vai. Anh mở choàng mắt. Sư phụ đang đứng trước mặt:

– Này con, đã đến lúc chúng ta lên đường trở về nhà rồi.

Thì ra anh đã ngồi đây suốt một ngày một đêm. Satyakam định lên tiếng hỏi sư phụ về hiện tượng lạ lùng kia nhưng lại thôi. Anh đứng dậy thu xếp hành lý.

– Chúng ta sẽ trở về bằng một lối khác. Lối này dốc hơn lối trước nên con cẩn thận kẻo ngã.

Satyakam đeo hành lý lên vai theo sư phụ đi về triền núi phía Đông. Quả đúng như lời sư phụ, đó là một lối đi băng rừng, đường dốc và trơn trượt. Vị đạo sư ung dung bước, còn Satyakam vừa đi vừa suy nghĩ nên thỉnh thoảng lại trượt chân, lảo đảo. Đạo sư quay lại, từ tốn:

– Này Satyakam, hãy cẩn thận và chú tâm đi theo đúng bước chân ta. Chỗ này trơn lắm!

Hai thầy trò cứ thế bước đi, không ai nói với ai câu nào cho đến khi trở về cánh rừng xưa. Đạo sư bước vào hang đá. Satyakam cũng bước vào căn lều cũ. Hồ như có một điều gì đó thay đổi trong anh, khiến anh không còn như trước. Có lẽ vì anh vừa khai mở được một công phu khác thường, và chính việc đó làm anh suy nghĩ?

***

Ngày tháng trôi. Cuộc sống của vị đạo sư vẫn không thay đổi, nhưng Satyakam thì đã khác xưa. Từ khi lên đỉnh Tuyết Sơn trở về, anh thường tư lự, dành nhiều giờ ở trong căn lều nhỏ hơn là ra ngoài. Anh ăn ít hơn trước, chẳng màng đến việc ăn uống, chỉ đi khất thực khi sư phụ bảo anh đi. Tuy vẫn thực hành các nghi thức thường nhật, nhưng anh không còn sốt sắng như trước mà chỉ làm lấy lệ, như một cái máy. Hồ như anh bị một điều gì đó ám ảnh, vì gương mặt đã mất đi những nét hồn nhiên, vô tư; vầng trán bắt đầu có nếp nhăn. Hiển nhiên, vị chân sư biết rõ học trò hơn ai hết, nhưng ông vẫn giữ thái độ thản nhiên cho đến một buổi sáng, sau khi thực hành xong các nghi thức thường nhật, Satyakam bước đến trước mặt sư phụ:

– Thưa sư phụ, con có việc muốn nói…

Đạo sư chăm chú nhìn học trò rồi gật đầu:

– Được, con nói đi.

Satyakam thu hết can đảm thú nhận:

– Thưa sư phụ, dạo này lòng con không được an. Con thường bị các tư tưởng kỳ lạ chi phối, khiến con không thể định tâm được. Không hiểu sao nhiều lúc con cảm thấy chán nản, thất vọng vô cùng. Lòng nhiệt thành cầu đạo của con dường như tan biến, chỉ còn lại những ê chề, chán nản. Những tư tưởng tiêu cực này tiếp tục ảnh hưởng đến con mặc dù con đã cố gắng kiểm soát chúng. Có nhiều ngày, con thấy mệt mỏi, lười biếng, không muốn làm gì và có lúc con đã ngờ vực về con đường của mình…

Đạo sư nhìn học trò đầy vẻ thương xót, rồi chậm rãi buông từng chữ:

– Này Satyakam, sự sống luôn sống động, đầy những đổi thay, như những đợt sóng thủy triều chứ không cứng nhắc, vô hồn như một tảng đá. Là người, ai cũng có lúc vui, lúc buồn; lúc quyết tâm, hăng hái; lúc chán nản, bê trễ. Đó là lẽ thường. Nay, con đã tiến bộ nhiều so với trước, thì hiển nhiên, các thử thách cũng phải khác trước.

– Nhưng con đã từ bỏ tất cả để bước chân vào đường đạo thì lẽ ra phải…

Ông nghiêm nghị cắt ngang:

– Ai bảo con rằng có sự khác biệt giữa đời và đạo? Con chớ tưởng người đi trên đường đạo sẽ có gì khác thường. Nếu người đời có những lúc thế này hay thế nọ, thì kẻ đi trên đường đạo cũng có những tâm trạng y hệt như thế, nhưng với họ, thử thách này lớn hơn nhiều. Nếu người đời buồn chán, thất vọng thì đã có những thú vui vật chất để tiêu sầu giải muộn; còn người đi trên đường đạo thì không. Họ sẽ không có được một sự an ủi nào hết cho đến khi họ thực sự chiến thắng bản ngã của mình, và chỉ đến khi đó, họ mới nếm được vị ngọt của sự giải thoát.

Đạo sư nhìn nét mặt đầy ưu tư của học trò rồi nói tiếp:

– Này Satyakam, con chớ nuôi cái ảo vọng điên rồ rằng vì đã đi trên đường đạo mà mình vượt xa đồng loại. Khi nghĩ như thế, con sẽ có tham vọng là muốn được thưởng công xứng đáng và đó là tham vọng căn bản. Chính vì tham vọng này mà bao kẻ có tài, có trí đã xa lìa những mục đích cao cả để tìm vào chốn thị phi, tranh danh đoạt lợi để rồi đắm nhiễm trong đó. Dĩ nhiên, lòng tham là một bài học cần thiết. Thường khi đạt được điều mình mong muốn rồi, phần lớn con người sẽ ý thức được rằng đó chưa phải là điều mình muốn nhất, và họ sẽ muốn một thứ khác nữa. Cứ thế, họ để cho lòng tham lôi cuốn vào những ảo vọng điên rồ cho đến chết, vì càng lo lắng vun vén cho mình bao nhiêu, sẽ càng thất vọng ê chề bấy nhiêu. Đó là bài học quan trọng mà bất cứ ai đi trên đường đạo cũng đều phải học. Ta đã dạy con quán sát tư tưởng, vậy thì con phải biết tìm nguồn gốc của tham vọng này và diệt nó đi. Một khi để cho nó đâm chồi nảy lộc, để nó mọc rễ trong tâm hồn, thì làm sao mà diệt nó được nữa? Lòng tham có thể ví như loài cỏ dại, phát triển rất nhanh và luôn tạo ra những hạt giống mới, chồng chất, tích lũy từ kiếp này qua kiếp khác. Muốn giải thoát, việc đầu tiên là phải biết quán sát sự phát triển của lòng tham, rồi tận tâm tận lực nhổ hết gốc rễ của nó, như vậy mới mong tiến bộ được. Dĩ nhiên, điều này không dễ nhưng đó là một thử thách quan trọng mà con phải vượt qua. Khi con để các vọng tưởng chi phối, lúc thì trôi dạt vào quá khứ, khi bị đưa đẩy vào tương lai, thì hạt giống tham lam này sẽ có cơ hội phát triển chằng chịt trong tâm thức con, lôi kéo con vào những ảo ảnh không thể thoát ra được. Nếu con biết sống trong hiện tại, và chỉ sống thực sự trong hiện tại mà thôi, thì làm sao những thứ cỏ hoang kia có thể đơm bông, trổ trái được?

Satyakam ngước nhìn sư phụ. Anh cảm thấy được an ủi phần nào và hối hận đã không biết làm chủ nội tâm, nhưng vừa lúc, một tư tưởng nảy sinh khiến anh không thể kìm hãm được. Đạo sư nhìn học trò mỉm cười:

– Này Satyakam, phải chăng con đã nghĩ rằng nếu không đi tìm đạo thì con đâu phí công đến đây tu học như vậy? Con hãy quán sát lòng mình một cách thành thật đi. Có phải con muốn tìm đường giải thoát thực sự hay vẫn còn mơ tưởng đến những quả vị, những nấc thang cao chót vót mà con sẽ đạt đến? Phải chăng khi đạt đạo, con sẽ sở đắc một quyền năng cao cả mà ai cũng kính phục? Con phải cẩn thận với các tư tưởng thầm kín của mình. Hãy vì sự giải thoát mà đi tìm đạo, chứ đừng để lòng tham quyến rũ vào những địa vị, những mức độ tiến hóa, những quyền năng kỳ lạ mà con sẽ đạt được. Mỗi khi vượt qua được một thử thách, con cần dừng lại suy nghĩ thấu đáo và thành thật xem có phải vì mục đích cao cả mà con bước chân vào con đường này hay không. Con đường chân tu là phải thành thật hướng vào nội tâm, quán xét cho kỹ, vì thực tế không gì có thể giúp con ngoài công phu tu tập của chính con. Con cần theo dõi mọi tư tưởng nảy sinh trong tâm, bởi vì chỉ có cách đó, con mới tự biết mình. Sự tự biết mình sẽ giúp con như một bông hoa tự nảy nở. Ta biết suốt mấy năm nay, con đã tiến bộ trong việc quán sát tư tưởng, nhưng con cần quán chiếu kỹ hơn nữa, bởi lẽ các tư tưởng tế nhị thường tiềm ẩn trong những góc sâu thẳm nhất của tâm hồn. Đôi khi, nó khoác lên mình những tính chất mà con không bao giờ ngờ đến. Công phu theo dõi tư tưởng là thành thật phơi trải tất cả, cho đến khi con có thể hiểu trọn vẹn chính mình.

Satyakam cảm thấy yên tâm hơn trước.

– Xin cám ơn sư phụ. Quả thật gần đây, con không cố gắng được như lúc đầu mới học đạo, nhưng con hứa sẽ cố gắng để không phụ lòng dạy bảo của sư phụ.

Đạo sư mỉm cười nhìn học trò rồi nhấn mạnh:

– Nếu ai cũng giữ được cái sơ tâm đầy nhiệt huyết của lúc đầu tu học, thì chắc chắn ngàn người tu, cả ngàn người đều chứng ngộ ngay trong kiếp hiện tại, chứ đâu trôi nổi mãi trong luân hồi như vậy.

Sau buổi trò chuyện ngắn ngủi đó, Satyakam tiếp tục nỗ lực công phu tu tập. Anh chăm chỉ thực hành những điều sư phụ chỉ dẫn, nhưng chỉ vài tháng sau, khi lá rừng bắt đầu đổi màu báo hiệu mùa thu đến, thì Satyakam lại rơi vào tâm trạng khủng hoảng cũ. Càng cố gắng khép mình vào kỷ luật, anh càng thấy mình vi phạm những lỗi sơ đẳng trong đời sống hàng ngày. Có khi, anh giận mình vô tả và cương quyết thay đổi, nhưng chỉ một thời gian sau, lại thấy mình lại sống một cách vô ý thức với những dằn vặt viển vông.

Có những đêm mất ngủ, anh bước ra khỏi lều ngồi nhìn trời cho đến sáng, hay leo lên một mỏm đá cao chăm chú nhìn về phía làng Sonar dưới chân núi. Trong đêm khuya, cặp mắt của anh trở nên sáng rực. Anh lặng lẽ nhìn những ánh đèn chập chờn tỏa ra từ những căn nhà nhỏ.

Có những đêm trăng sáng, ánh trăng lung linh huyền ảo như thôi thúc, giục giã. Anh lại có một cảm giác lạ lùng, khó diễn tả.

Hình như sâu tận đáy lòng, anh vẫn còn vương vấn một điều gì đó mà anh không lý giải nổi. Đôi khi, anh nhìn lên rặng Tuyết Sơn – rặng núi huyền bí có sức hấp dẫn lạ lùng đối với anh ngày trước, thì nay chỉ còn là những khối đá im lặng, đứng sững vô hồn.

Một buổi sáng, đạo sư vừa bước ra khỏi hang đã thấy học trò đang quỳ trước cửa. Ông nhìn học trò ôn tồn:

– Này Satyakam, hình như tâm con vẫn còn một chút… Satyakam khẽ nói:

– Thưa sư phụ, quả đúng như thế. Mấy hôm nay có một tư tưởng cứ ám ảnh con mãi.

– Này Satyakam, điều gì đã ngăn con đi trọn con đường con muốn đi vậy? Tại sao kiếp trước, con đã không vượt qua được nó và đến kiếp này, dù đã khổ công tu tập mà vẫn không thể khắc phục được?

Satyakam im lặng nhìn sư phụ, không sao trả lời được. Đạo sư trầm ngâm một lúc trước khi lên tiếng:

– Đáng lẽ ra với công phu tu tập như thế thì con phải khắc phục được nó trong kiếp này chứ! Phải chăng cái nghiệp này quá nặng, không chuyển hóa nổi? Hồ như trong tâm con vẫn còn những hạt giống của sự ham muốn? Nếu vậy ta rất tiếc không thể giúp gì con được. Trong kiếp trước của con, ta đã hết lòng giúp con, và con cũng đã nỗ lực tu tập, nhưng trước khi con có thể diệt tận gốc rễ lòng ham muốn này thì phần số của con đã hết, và con phải lìa bỏ thể xác. Tuy nhiên, nhờ công phu tu tập đó mà kiếp này con đã đạt được nhiều quyền năng mà một người thường, dù cố gắng đến đâu, cũng khó có thể thành công như vậy. Khi lên đỉnh Tuyết Sơn, ta đã giúp con nhớ lại tiền kiếp để con ý thức về nấc thang cuối cùng phải vượt qua. Nhưng mà, có lẽ vì nghiệp lực sâu dày, nên con không ý thức được nó một cách tường tận như ý ta muốn. Có lẽ nó tiềm ẩn và gây xáo trộn trong tâm thức con, cản trở việc tu tập cần thiết của một người đi trên đường đạo. Hiện nay, đã đến lúc con phải chính thức đối đầu với nó. Đây là một thử thách quan trọng mà ta không thể giúp con được. Này Satyakam, đã gây nhân thì phải gặt quả; đó là quy luật của vũ trụ. Một khi con đã không từ bỏ được bản ngã thì các ham muốn kia cũng không thể chấm dứt được.

Satyakam yên lặng nghe thầy nói. Anh rất muốn vượt qua thử thách mà không phải tốn công nhọc sức, nhưng anh biết điều đó là không thể. Đạo sư nhìn học trò đang lộ vẻ ưu tư. Ông biết rõ tâm trạng hiện nay của anh nên ôn tồn khuyên:

– Tuy thế, may mắn là hiện nay con vẫn còn trẻ. Con còn nhiều nhiệt huyết và thời gian để làm tiêu tan tham vọng thầm kín kia đi. Nếu vượt qua được thử thách này, con sẽ hoàn tất nguyện vọng của con ngày trước; bằng không, con hãy nhớ kỹ rằng lòng ham muốn, mong cầu là một động năng u uẩn, một loài cỏ dại có khả năng tăng trưởng rất nhanh, đâm chồi nảy lộc rất chóng. Một khi con để nó mọc rễ trong tâm, con sẽ còn phải khó khăn tốn công nhọc sức trong hàng trăm kiếp luân hồi nữa mới diệt xong.

Satyakam buột miệng kêu lên:

– Nhưng nếu như thế thì biết bao giờ… Đạo sư lắc đầu:

– Con cần phải dũng mãnh hơn lên. Công phu tu tập của con để đâu? Phải chăng con sợ hãi đến nỗi không dám đi nốt quãng đường còn lại? Này Satyakam, chúng ta đã đi cùng với nhau trên con đường này từ lâu lắm rồi, và con nên nhớ lúc nào ta cũng ở bên con, sẵn sàng giúp đỡ con.

Satyakam yên lặng một lúc như để lấy lại bình tĩnh. Anh hít một hơi dài để định tâm rồi ngập ngừng:

– Xin sư phụ cho con biết rõ hơn về nghiệp quả mà con phải trả này.

Đạo sư chăm chú nhìn học trò, ánh mắt đầy thương xót. Mấy lần ông định lên tiếng, nhưng lại thôi. Sau cùng ông lắc đầu nói nhỏ:

– Trước sau gì rồi con cũng biết…

Satyakam cúi đầu suy nghĩ một lúc khá lâu. Khi anh ngẩng đầu lên, sư phụ đã thực hành xong nghi thức thường nhật và đang tọa thiền trên tảng đá cạnh bờ suối. Mặt trời đã lên cao, tỏa ánh nắng xuống dòng suối trong vắt. Hơi nước bốc lên tạo ra một cầu vồng bảy sắc bao phủ lấy tảng đá. Satyakam lặng ngắm cảnh tượng đó trong chốc lát, rồi thong thả bước xuống suối, tựa như đã chấp nhận rằng điều gì phải đến sẽ đến. Anh chắp hai tay, cung kính đọc bài chú quen thuộc. Đã lâu lắm rồi anh mới tìm lại được cảm giác tĩnh lặng, yên bình như xưa. Sau buổi tọa thiền, Satyakam định đi hái trái cây như thường lệ, nhưng sư phụ đã ngăn lại:

– Này Satyakam, đã đến lúc con lên đường để tìm điều con muốn rồi đó.

Satyakam biết đã đến lúc mình phải ra đi, nhưng anh vẫn ít nhiều xúc động vì không ngờ nó xảy ra nhanh hơn anh tưởng. Hai dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt chữ điền. Anh muốn nói mà không sao thốt nên lời. Dường như đoán được ý nghĩ của học trò, vị đạo sư già nhìn anh một lúc rồi thong thả:

– Này Satyakam, con không thể đi tìm đạo bằng một con đường duy nhất. Mỗi người, tùy theo căn cơ, khí chất, duyên nghiệp, mà tìm lấy con đường thích hợp, nhưng không thể đạt đạo chỉ bằng sự chuyên tâm sùng kính, chuyên tâm thiền định hoặc chuyên tâm phục vụ cho một lý tưởng thanh cao nào đó. Mỗi con đường chỉ có thể giúp ta vượt qua một nấc thang mà thôi. Tất cả các nấc thang đều cần thiết để tạo thành một cái thang dài đưa ta đến chân lý. Do đó, mới có nhiều con đường, vì thật ra không có một con đường nào là hoàn hảo, tuyệt đối, mà chỉ là những giai đoạn, những bài học cần thiết mà ta cần trải qua. Tất cả những tính xấu cũng như tính tốt cũng là những nấc thang cần thiết, vì khi đã lên đến một giai đoạn, ta cần phải sử dụng tất cả, thuận duyên cũng như nghịch duyên, để vượt qua mọi trở ngại cho đến khi ta ý thức được rằng vốn chẳng có một con đường nào cả, mà chính mình là con đường, là sự thật, là sự sống động nhiệm màu. Muốn quán triệt được điều này, ta cần hiểu rõ chính mình, biết rõ mọi cá tính của mình, và nhờ đạo tâm đã tỏ ngộ mà ta sẽ nhận thức được rằng cá tính đó, thật ra, chẳng phải là của mình, mà chỉ là những dụng cụ do chính mình tạo ra để sử dụng mà thôi. Hãy tìm đạo bằng cách phân tích mọi kinh nghiệm mà con trải qua để phát triển thêm cá tính. Hãy tìm đạo qua những quy luật tự nhiên, rồi con sẽ thấy và hiểu rằng vốn có một quy luật tự nhiên, tuyệt đối điều hành tất cả.

Satyakam cúi đầu im lặng một lúc rất lâu trước khi thốt lên:

– Xin sư phụ hướng dẫn cho con, chỉ cho con biết sẽ phải đi đâu và làm gì. Cho đến giờ, con vẫn chưa thực sự biết rõ mình muốn gì.

– Sau khi ra khỏi thung lũng Saraswati, con hãy đi xuống miền Nam, và rồi con sẽ gặp thứ con muốn.

Satyakam ngước mắt nhìn sư phụ một cách lo ngại:

– Nhưng… nhưng liệu con còn gặp lại sư phụ hay không?

– Từ bao kiếp nay, ta vẫn bên con. Khi nào con cần, ta sẽ đến ngay.


[1] “Om” (trong câu thần chú Om Mani Padme Hum) là âm thanh vi diệu của ba chữ đầu của thân (thân thể), khẩu (miệng) và ý (trí óc).

[2] Trong thần thoại Ấn Độ giáo, nữ thần Durga là vợ của thần Shiva tối thượng.

Bình luận