Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bên Rặng Tuyết Sơn

Chương Cuối

Tác giả: Swami Amar Jyoti
Thể loại: Văn Hóa - Tôn Giáo

Satyakam thong thả chống gậy xuống núi. Vừa đến một ngã rẽ, anh thấy một đạo sĩ trẻ tuổi, quần áo rách rưới lầm lũi đi tới. Thấy anh, đạo sĩ mừng rỡ chạy vội đến quỳ mọp xuống đất:

– Thưa sư phụ, quả sư phụ chính là người mà con đã đi tìm kiếm từ bao lâu nay.

Satyakam mỉm cười nhìn vị đạo sĩ trẻ:

– Atyananda, rốt cuộc con cũng tìm được ta.

– Nhưng… nhưng sao ngài lại biết tên con? Satyakam không đáp. Đạo sĩ trẻ bối rối:

– Thưa ngài, hình như… ngài biết trước rằng con sẽ đến đây?

Satyakam gật đầu:

– Ta biết chứ!

– Nhưng… nhưng con chưa nói rõ về mục đích của con. Thưa ngài, con đã đi tìm ngài suốt bao năm nay. Con đã trèo đèo, lội suối, trải qua bao khó nhọc mới đến được đây để xin học hỏi với ngài.

– Ta đã biết rồi.

– Xin ngài chỉ dẫn thêm cho con.

Satyakam chậm rãi quan sát đạo sĩ trẻ rồi nhẹ nhàng nói:

– Này Atyananda, con đã rời nhà rất sớm để theo đuổi con đường đạo. Con đã tu hành khổ hạnh, đã vượt qua nhiều thử thách và có một tâm hồn trong sáng. Thượng đế đã ban cho con khả năng thương yêu vô hạn và con đã biết gieo rắc ánh sáng chân lý cho đồng loại. Con đã làm nhiều việc tốt đẹp, nhưng con nên cẩn thận vì trong tâm hồn con vẫn tồn tại những mầm mống kiêu căng, ngã mạn. Nếu con không biết hướng vào bên trong để tu tập nội quán, những mầm mống này sẽ phát triển và phá hỏng công phu của con.

Vị đạo sĩ trẻ ngập ngừng:

– Kính xin sư phụ chỉ dẫn thêm. Satyakam trầm ngâm một lúc rồi nói:

– Này Atyananda, nếu muốn đi xa, con hãy tập tính khiêm tốn, và nếu đã biết khiêm tốn, con lại phải khiêm tốn hơn nữa cho đến khi đức tính đó hoàn toàn chuyển hóa tâm hồn lẫn thể xác của con. Này Atyananda, con nên biết rằng khả năng thần thông mà con đã sở đắc hay khả năng chữa bệnh cho người chỉ là kết quả rất thô thiển nhờ công phu tu tập của con, nhưng tự nó không phải là vật sở hữu của con. Nó chỉ là một ân huệ để con sử dụng mà thôi. Con chớ tưởng lầm ân huệ này là thứ của mình, do mình sáng tạo ra mà tăng thêm sự kiêu căng ngã mạn rồi ngày càng rời xa sự thật.

Đạo sĩ trẻ cúi mọp xuống đất:

– Ngài nói rất đúng. Đó chính là lý do con rời bỏ đạo viện của mình trong thành phố để tìm lên đây học hỏi thêm với ngài. Thưa ngài, con là một đạo sĩ Yoga đã phát triển được quyền năng chữa bệnh, nhưng dù chữa được bệnh cho người khác nhưng sao con vẫn không chữa được bệnh cho mình. Bệnh của con là tâm bệnh, vì con vẫn có những dằn vặt, khắc khoải, không làm sao thoải mái được với chính mình. Hồ như có một áp lực kỳ lạ cứ làm con thao thức mãi!

Satyakam gật đầu:

– Hiển nhiên ta biết điều này, vì sư phụ dạy Yoga cho con chính là bạn đồng môn với ta và chính người đã gửi thông điệp nhờ ta trông nom con.

Atyananda ngạc nhiên:

– Như vậy… như vậy hẳn ngài biết sư phụ Kapalak? Satyakam gật đầu:

– Dĩ nhiên rồi. Quy luật dòng tu của chúng ta là phụng sự thế gian. Con là học trò của Kapalak thì dĩ nhiên là người cùng đi trên con đường này rồi. Việc quên mình tuyệt đối để phụng sự thế gian không dễ vì nó đòi hỏi một sự thanh lọc bản ngã rất chặt chẽ. Con còn trẻ mà đã biết làm việc lành việc thiện, điều đó rất hay, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm. Con cần nhớ rằng công việc phụng sự không phải là việc khi mình muốn thì làm, mà là tất cả những gì mình có thể làm để giúp đỡ người khác. Con cần biết quên mình và chú ý đến người khác, không phải chỉ đôi lúc mà là mọi lúc. Con hãy ý thức rằng giây phút con không dùng để phụng sự nhân loại hoặc để giúp đỡ người khác đều là những thời khắc lãng phí vô ích. Trong thời gian qua, con đã tu tập chuyên cần và đã khổ luyện pháp môn Yoga đến mức thuần thục, nhưng con quá chú trọng đến những phương pháp, kỹ thuật mà quên rằng tinh hoa của Yoga không nằm trong các kỹ thuật đó mà ở sự hiểu biết chính mình. Con cũng cần phải tu tập nội quán để tiệt trừ những mầm mống của sự kiêu căng khi nó vừa chớm lên trong tâm con. Hãy cố gắng vun trồng đức tính khiêm tốn, hy sinh và nồng nhiệt phụng sự cho ý tưởng. Bây giờ ta sẽ chỉ dạy thêm cho con phương pháp tu tập nội quán.

Jaganath là một ngôi đền nằm ở phía Đông thành phố Puri. Đây là một trong những ngôi đền to lớn, kiên trúc đẹp đẽ nhất vùng. Vị tu sĩ trông coi ngôi đền đã sống ở đây nhiều năm, đã tiếp xúc với nhiều đạo sư, giáo sĩ đến thăm viếng ngôi đền nổi tiếng này, nhưng hôm nay, ông giật mình khi thấy một đạo sư râu tóc rất dài cùng một đệ tử từ xa đi đến. Hồ như có một cái gì kỳ lạ, thánh thiện toát lên từ con người này khiến ông không cầm được nỗi vui mừng, vội bước ra đón tiếp. Những tín đồ đang hành lễ trong đền cũng ngừng lại nhìn sững vị đạo sư kia. Sau một lúc bỡ ngỡ, mọi người vội quỳ rạp xuống thi lễ tỏ lòng cung kính trước vẻ uy nghi của vị đạo sư.

Vị tu sĩ trông coi ngôi đền lên tiếng:

– Xin đạo sư cho biết quý danh.

– Ta là Satyananda[6].

Phải, vị đạo sư đó chính là Satyakam, nhưng hiện nay anh không còn là người đi tìm kiếm nữa mà đã trở thành một người khác: một người biết sống trọn vẹn trong chân lý. Cuộc tìm kiếm đã chấm dứt và những bí ẩn của vũ trụ đều được phơi bày trọn vẹn khi anh chiến thắng được bản ngã. Anh không còn là một đạo sư có kiến thức về chân lý như khi còn sống ở Kadambini, mà đã trở thành một người sống trọn vẹn với chân lý. Anh và chân lý đã hòa làm một, không còn phân chia, không còn giới hạn, không còn là hai thực thể tách biệt.

Vị tu sĩ trông coi ngôi đền vội mời Satyananda bước vào chánh điện. Anh quỳ xuống đảnh lễ trước pho tượng Thượng đế rồi bước đến một góc đền, ngồi xuống ngay ngắn. Một số tín đồ vội vã mang ít trái cây, hoa quả đến dâng cúng. Satyananda chắp tay cám ơn. Vị tu sĩ trông coi ngôi đền lên tiếng:

– Hân hạnh được ngài đến viếng thăm. Xin ngài ban cho ít lời giáo huấn.

Satyananda mỉm cười nhìn vị tu sĩ già:

– Này Upasak, chắc ông không nhớ tôi, nhưng tôi thì biết ông đấy.

Upasak – vị tu sĩ trông coi ngôi đền – ngạc nhiên:

– Tại sao… tại sao ngài lại biết tên tôi?

– Phải chăng trong suốt mấy chục năm tu tập tại ngôi đền này, ông vẫn có một thắc mắc chưa được giải đáp? Ông là một tu sĩ chuyên cần và tinh tấn, nhưng trải qua nhiều năm mà vẫn chưa tiến bộ được bao nhiêu. Dù bỏ nhiều công phu tu tập nhưng ông vẫn gặp những chướng ngại không thể giải thích.

Upasak ngập ngừng:

– Quả có thế. Ngài quả đã biết rõ tâm tư tôi, vậy xin ngài chỉ dẫn cho.

Satyananda lên tiếng:

– Này Upasak, khi xưa lúc thọ giới tu sĩ, ông đã phát nguyện: “Tôi thề hiến dâng đời tôi và trọn thân thể tôi cho sự phát triển của nhân loại về mọi phương diện”. Ông đã bước chân vào con đường đạo nhiệm màu, nhưng vì thiếu hướng dẫn của một vị sư phụ và thay vì tu tập với các bạn đồng môn tại tu viện Surajath nơi ông thọ giới, ông đã xin đến đây để trở thành một tu sĩ trông coi ngôi đền. Ở đây, ông đã vi phạm kỷ luật của dòng tu là nhận thù lao cho các công việc tinh thần. Một trong những giới luật của dòng tu Swami là cấm ngặt việc đòi hỏi hay lãnh tiền công, tiền cúng lễ hay những bổng lộc liên quan đến việc giúp đỡ, chỉ dẫn mọi người về phương diện tinh thần. Trong giới luật có ghi: “Một tu sĩ không bao giờ được đòi hỏi tặng vật, tiền thưởng hay định giá tiền về những gì mà họ ban rải vì những tặng phẩm của tinh thần không có giá trị buôn bán”. Là một tu sĩ, ông được giao phó sứ mạng thiêng liêng là hướng dẫn và phụng sự người khác, nhưng ông đã tự coi chúng như vật sở hữu của riêng mình. Ông đã biến các nghi thức thiêng liêng thành một nguồn lợi tức, một tài sản mà ông có thể khai thác, đổi chác, bán buôn. Vì thế tôn giáo đối với ông trở thành những nghi thức khô cằn, lặp đi lặp lại, do đó việc tu hành của ông hóa vô ích. Một kẻ lãnh tiền công không thể là một sứ giả gieo rắc tình thương, hướng dẫn tín đồ về sự sống nhiệm màu được. Đó không phải là sự hiến dâng hay phụng sự, mà chỉ là một nghề sinh nhai được che đậy dưới các hình thức khôn khéo hay các danh từ hào nhoáng mà thôi. Vì thế, mặc dù tu tập chuyên cần, nhưng ông chẳng tiến bộ được bao nhiêu.

Upasak run giọng:

– Quả… đúng như thế nhưng… nhưng đa số các tu sĩ ai cũng làm thế cả.

– Đó là việc của những người ấy. Thế còn tiến bộ tâm linh của ông? Phải chăng trở thành một tu sĩ chỉ là một cái cớ hay một nghề nghiệp? Con đường hy sinh là con đường quên mình cho người khác chứ không phải sự đòi hỏi được đền bù xứng đáng hay sự tưởng thưởng nào đó.

Upasak nghẹn ngào:

– Như vậy… như vậy tôi phải làm gì?

– Hãy tự quên mình và chỉ thiết tha với lý tưởng mà ông theo đuổi. Lý do ông đã quên mất lý tưởng cao quý này là vì ông còn thiết tha đến mình nhiều quá: lo cho sự an toàn của mình, lo cho mình một chỗ trú thân, một nơi có tiện nghi với những phẩm vật dâng cúng… và những thứ này đã cản trở sự tiến hóa tâm linh của ông. Nói cách khác, ông chưa thực sự biết điều mình muốn, vì thế ông cần biết hướng vào bên trong, tu tập nội quán để biết mình là ai đã trước khi ông có thể định hướng cho mình.

Upasak vội quỳ xuống:

– Xin ngài thu nhận tôi làm đệ tử và chỉ dẫn cho tôi. Satyananda mỉm cười:

– Dĩ nhiên rồi, đó là lý do tôi đến đây tìm ông mà. Khi xưa, chúng ta đã cùng tu học chung một nơi và chúng ta đã hứa với nhau rằng ai thành công trước sẽ giúp đỡ cho người kia. Và tôi không hề quên lời hứa này.

Ngày hôm sau, Satyananda rời Puri lên đường cùng với Upasak và Atyananda. Họ đi qua nhiều làng mạc, giúp đỡ và chỉ dẫn cho mọi người. Không như khi còn ở Kadambini, anh thường thuyết giảng rất lâu, lần này Satyananda chỉ nói vắn tắt về phương pháp tu tập nội quán và sự tự biết mình, nhưng những câu nói giản dị, chân thành của anh đã đi thẳng vào lòng mọi người và hầu như ai nghe được cũng đều ngộ ra rất nhiều điều. Danh tiếng của anh mỗi lúc một vang xa. Tuy nhiên, anh không trú ngụ tại ngôi đền Kali ở Kadambini để giảng đạo như khi xưa, mà anh và học trò đi khắp nơi để truyền dạy. Khi các học giả tìm đến chất vấn anh về các đề tài trừu tượng, anh chỉ trả lời một cách ngắn gọn rằng con người không thể phí thì giờ vô ích về những ý niệm không liên quan đến sự tiến bộ chung của nhân loại, và anh gọi đó là “căn bệnh của trí thức”. Hiển nhiên, những người này không hài lòng về câu trả lời trên và đòi hỏi một cuộc tranh luận.

Một học giả nói:

– Theo ông thì phương pháp tu tập của ông không cần các nghi thức căn bản mà chỉ hướng vào bên trong để tìm hiểu chính mình. Phải chăng điều đó đi ngược với các truyền thống tâm linh sẵn có?

– Sự tự biết mình chính là căn bản của mọi truyền thống tâm linh. Chính sự không biết mình đã đưa đến các nghi thức rườm rà không cần thiết. Lý do là vì người ta không thực sự hiểu biết khi thực hành những nghi thức nói trên một cách vô ý thức.

– Phải chăng ông đã chống lại những truyền thống sẵn có?

– Khi ta biết mình, ta sẽ biết rằng chân lý không phải là những lý luận trừu tượng hay lý thuyết này chống lại lý thuyết khác, mà chân lý là một khái niệm vượt lên trên tất cả các quan điểm thông thường.

Câu trả lời của Satyananda khiến họ khó chịu và thế là bắt đầu một cuộc tranh luận ồn ào.

Satyananda lên tiếng:

– Này các ông, chính sự kiêu căng, đầy thành kiến của các ông đã khiến các ông xa rời sự thật. Nếu các ông biết lắng nghe thay vì tranh luận, có lẽ các ông sẽ tiến bộ hơn. Chân lý là điều để sống theo chứ không phải để mang ra tranh luận, bàn cãi thế này. Con người không được lợi lộc gì khi làm như vậy đâu.

Câu nói nhẹ nhàng của Satyananda có một mãnh lực kỳ lạ khiến nhóm học giả thông thái bỗng trở nên yên lặng. Một số người lẳng lặng bỏ đi, nhưng một vài người vẫn nán lại để nghe anh chỉ dẫn thêm. Trong số những học giả này có một người được anh nhận làm đệ tử và ban cho pháp danh Vidyapati.

Satyananda cùng học trò tiếp tục cuộc hành trình qua miền Đông xứ Ấn. Khi đi qua làng Dwarka, họ gặp một thanh niên đứng chờ ở ven đường. Anh lễ phép hỏi:

– Xin ngài cho biết công việc thực sự của con người là gì? Satyananda trả lời:

– Con nghĩ như thế nào về công việc của một con người? Phải chăng là đi học, thi đậu, tìm việc làm, lập gia đình, sinh con đẻ cái? Phải chăng là do gia nhập nhóm này hội nọ, đến các cơ sở tôn giáo thực hành những nghi thức hay phát động những phong trào cải thiện xã hội? Phải chăng là xây dựng những công trình lớn lao, lập nhà máy, đắp đường, làm cầu cống, đào giếng, khai thác các tài nguyên thiên nhiên? Phải chăng là làm thơ, vẽ tranh, sáng tác âm nhạc để ca ngợi thiên nhiên hay tung hô một người nào đó? Phải chăng tất cả những việc trên là công việc của một con người? Phải chăng con đã tự hỏi: “Còn gì nữa không? Còn gì để làm nữa không?”. Nếu con không tự biết mình, con sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời, và con sẽ mãi mãi đi tìm. Ngược lại, nếu con biết mình, con sẽ thấy rõ công việc cao quý nhất của con người là tìm ra sự thật về chính mình chứ không phải điều gì khác.

Chàng thanh niên xin Satyananda thu nhận làm đệ tử và anh đã ban cho thanh niên kia pháp danh Shrikant. Satyananda cùng học trò tiếp tục đi về miền Đông. Đôi khi họ dừng lại ở một đền thờ để chiêm bái các thánh tích nhưng ít khi họ ở chỗ nào lâu dài.

Một hôm, khi họ ghé qua đền Meenakshi, vị tu sĩ coi đền đã hỏi:

– Xin ngài cho chúng tôi biết phải thờ phụng Thượng đế như thế nào cho đúng cách?

Satyananda đã trả lời:

– Tại sao lại có quan niệm đúng sai trong việc thờ phụng Thượng đế? Phải chăng ông lo sợ những nghi thức thường nhật không đủ trang nghiêm mà cần có thêm những nghi thức khác nữa? Có bao giờ ông tự hỏi về mối liên hệ giữa ông và Thượng đế không? Phải chăng ông thờ phụng ngài vì ông sợ hãi ngài? Tại sao ông lại sợ hãi?

Phải chăng vì ông nghĩ ngài sẽ trừng phạt ông khi ông không làm đúng các nghi thức này nọ? Có bao giờ ông tự hỏi rằng ai đã đặt ra các nghi thức đó? Thượng đế hay con người? Một người không biết mình thì làm sao có thể biết được người khác hay Thượng đế? Vì không biết về mình nên họ đã đưa ra những quan niệm sai lạc, các nghi thức cúng bái như một hình thức hối lộ, mua chuộc. Tóm lại, Thượng đế chỉ là một cái cớ cho lòng tham lam hay sự sợ hãi của ông mà thôi. Nếu ông biết ngưng những việc này lại và hướng vào bên trong để biết mình, ông sẽ thấy rõ Thượng đế không phải một vị thần ban phúc hay giáng họa. Đó chỉ là một phóng ảnh của lòng sợ hãi và nỗi bất an mà thôi.

Khi họ đi qua làng Krushestra, một học giả đã đến chất vấn:

– Xin ngài giải thích cho tôi về sự sống thật sự.

– Sự sống, hay là tính chất của vạn vật trong vũ trụ, vốn ẩn tàng, chỉ có các biểu hiện của nó được bộc lộ. Nhờ có sự sống mà một hạt giống đâm chồi nảy lộc rồi lớn thành cây, và cũng từ đó mà con người biết suy tư hay có cảm giác. Sự sống biểu lộ qua những hiện tượng thiên nhiên, nhưng các hiện tượng này không phải là sự sống. Con người chỉ có thể ý niệm về sự sống qua việc nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên, nhưng kinh nghiệm về sự sống thì lại khác. Chính vì cứ mải chạy theo những ý niệm về sự sống mà con người vô tình đuổi bắt những ảo tưởng, những biểu lộ của sự sống chứ không phải là sự sống đích thực.

– Như vậy, tôi phải định nghĩa sự sống như thế nào?

– Sự sống tuôn chảy, thay đổi không ngừng, nên không thể giới hạn nó trong một định nghĩa cố định được. Sự giới hạn hay cố định là sự chết.

– Như thế, phải chăng ta không thể định nghĩa được sự sống?

Satyananda giải thích:

– Tại sao anh cứ lo phải tìm cho được một định nghĩa thật chính xác? Cái trò chơi chữ này có liên quan gì đến sự sống quanh anh đâu? Điều anh đang làm chính là thảm kịch của kiếp người. Họ chỉ muốn bám víu lấy một thứ cố định, thường hằng, một định nghĩa mà họ có thể cho là có giá trị vĩnh cửu. Họ tự tìm ra những danh từ, tự nhốt sự sống vào đó cùng các quan niệm riêng của họ rồi dựng lên các giá trị bao bọc quanh nó. Họ tìm ra những triết lý, những giả thuyết về xã hội, chính trị, kinh tế để biện minh cho hành động này, nhưng họ không biết rằng sự sống vẫn trôi qua không ngừng. Thay vì đi tìm những định nghĩa vô ích, anh cần phải biết hướng vào bên trong để thực sự biết mình, và khi đã biết mình, tất cả mọi sự vật hiển nhiên phơi bày mà không cần đến các định nghĩa hay danh từ.

– Nhưng làm sao ta có thể biết mình? Satyananda trả lời:

– Anh biết rõ khuôn mặt của anh vì hàng ngày anh thường quan sát nó trong gương. Hãy tưởng tượng có một cái gương khác mà có thể nhìn thấy mình một cách trọn vẹn, không phải chỉ khuôn mặt, thân thể anh mà tất cả những gì anh suy nghĩ, cảm xúc, ưu tư, lo lắng. Cái gương này chính là tâm anh đấy. Một khi biết hướng vào bên trong để quán xét nội tâm, anh sẽ tự biết mình. Sở dĩ người ta không dám hướng vào bên trong vì họ sợ phải đối diện với thứ không như họ muốn. Khi nhìn hình ảnh bên ngoài, anh sẽ thấy mình là người khỏe mạnh, đẹp đẽ; nhưng khi nhìn vào cái gương bên trong, có thể anh sẽ thấy một người yếu đuối, đầy sợ hãi, lo lắng, có những thèm muốn đê hèn, mà anh thì không muốn như vậy. Biết mình chính là bước đầu của tiến trình xây dựng, là một phát hiện mới lạ mà từ đó ta có thể đi rất sâu vào sự hiểu biết vô cùng. Chỉ khi tìm vào nơi sâu thẳm này, ta mới thấy Thượng đế, Sự thật và cả những bí mật của thiên nhiên. Một người biết mình không thể tự dối mình được và khi không tự lừa dối mình, họ sẽ biết sống một cách trung thực, và nhờ biết sống thực, họ sẽ có thể bước vào ngưỡng cửa của minh triết.

Vị học giả kia vội quỳ xuống xin Satyananda thu nhận làm đệ tử. Anh chấp nhận và ban cho người này pháp danh Pavitra. Cứ như thế, Satyananda đi khắp xứ Ấn giúp đỡ, khuyến khích mọi người và thu nhận một số đệ tử. Cứ vài năm, anh và học trò lại lên Tuyết Sơn tu tập một thời gian trước khi tiếp tục công việc hoằng hóa, giúp đỡ mọi người. Satyananda không chủ trương lập một dòng tu riêng hay một giáo phái nào. Anh chỉ khuyên mọi người hãy tiếp tục theo đuổi con đường của họ, nhưng phải đặt nền móng trên sự tự biết mình.

Sau hai mươi năm dạy dỗ học trò, một hôm Satyananda cho họ biết rằng đã đến lúc anh từ bỏ xác thân để hợp nhất với đấng vô cùng:

– Đã đến lúc ta phải tiếp tục cuộc hành trình còn dang dở. Ta đã làm tất cả những gì cần làm và cũng đã truyền dạy các con những gì ta hiểu biết. Tuy nhiên, điều quan trọng là các con hãy tiếp tục hành trình riêng của mỗi người.

– Xin sư phụ đừng đi vì chúng con cần có thầy.

– Đừng nghĩ rằng mình không thể tiến bộ được nếu không có sự giúp đỡ của kẻ khác, dù đó là một vị sư phụ. Khi các con còn phụ thuộc một người hay một quan niệm nào đó nghĩa là các con chưa đạt đến sự hiểu biết thật sự. Một người sư phụ chỉ là người đã đi trước, là người dẫn đường, chứ không phải là một cỗ xe để đưa các con đến đích. Ta có hành trình riêng của ta và các con cũng có những cuộc hành trình riêng của mình, nhưng chúng ta đều chung một hướng đi.

Khi Satyananda bước lên đỉnh Saraswati Kund, cảnh vật vẫn như xưa. Hồ nước trong vắt in rõ rặng Tuyết Sơn phủ đầy tuyết trắng. Mới ngày nào, anh đã cùng vị đạo sư già đến đây tu học, vậy mà giờ đây anh đã trở thành một đạo sư râu tóc bạc như cước. Satyananda thong thả bước đến bên hốc đá quen thuộc, nơi anh từng tu tập trong nhiều kiếp sống. Anh thản nhiên nằm xuống. Toàn thân anh bỗng rung lên và môi anh khẽ mỉm một nụ cười an lạc. Không gian vang rền thánh ngữ “Om”. Bên hồ nước, dưới ánh sáng rạng rỡ của buổi bình minh, một đôi thiên nga trắng xuất hiện, đôi chân khua nước nhẹ nhàng, êm đềm…


[6] Có nghĩa “Người Sống Trong Chân Lý”, còn Satyakam là “Người Đi Tìm Chân Lý” – ND

Bình luận