Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bên Rặng Tuyết Sơn

Chương 3

Tác giả: Swami Amar Jyoti
Thể loại: Văn Hóa - Tôn Giáo

Nhiều năm trôi qua, ngôi đền Kali ở làng Kadambini đã trở thành một trung tâm tôn giáo nổi tiếng. Nhờ chuyên cần thực hành những điều Kapalak chỉ dạy, càng ngày Satyakam và Bhairavi càng tiến bộ. Hàng ngày, Bhairavi chăm lo các nghi lễ tôn giáo, trong khi Satyakam giảng dạy tín đồ về các giáo nghĩa của Ấn giáo. Phần lớn các trung tâm tôn giáo chỉ chú trọng đến nghi thức mà rất ít giảng giải về giáo nghĩa nên những người muốn học hỏi kéo về tu học tại đây mỗi ngày một nhiều. Dưới sự chỉ dạy của Satyakam, các truyền thống minh triết cổ xưa của Ấn Độ đã được phục hồi nên anh được dân chúng kính cẩn gọi là Maharaj (Đại hiền giả) như họ đã gọi Bhairavi là Deviji vậy.

Vài năm sau, Bhairavi sinh hạ được một bé trai, đặt tên là Rohit. Dân làng Kadambini tổ chức một buổi lễ ăn mừng linh đình. Họ tin rằng sự hiện diện của đứa bé sẽ đem lại nhiều may mắn cho cả vùng. Năm sau, Bhairavi lại sinh thêm một bé trai nữa, đặt tên là Puram. Một lần nữa, dân làng Kadambini lại mở hội ăn mừng.

Một buổi sáng, Bhairavi đang sắp xếp phẩm vật dâng cúng trên bàn thờ thần Kali, bỗng một tín đồ hớt hải chạy vào thưa: “Thưa Deviji, sáng nay con vừa ra giếng múc nước thì thấy Rohit đã ngã xuống từ lúc nào…”.

Bhairavi hoảng hốt chạy ra. Đã có vài người đứng quanh giếng. Một người vừa nhảy xuống giếng vớt xác Rohit mang lên. Vừa kinh hãi vừa đau đớn, Bhairavi ôm xác đứa con thân yêu chạy vào đền đúng vào lúc Satyakam vừa hoàn tất khóa giảng kinh cho học trò. Bhairavi đầm đìa nước mắt, phủ phục trước mặt Satyakam nức nở:

– Maharaj, xin anh cứu lấy con…

Satyakam sững sờ ôm xác đứa con thân yêu. Chưa bao giờ anh cảm thấy đau khổ như lúc đó. Bhairavi gào khóc:

– Maharaj, em biết anh có thể làm cho người chết sống dậy. Em biết anh đã từng thực hành phương pháp này… Anh hãy cứu lấy đứa con của chúng ta…

Từ trước đến nay, Bhairavi luôn điềm đạm, tự chủ nhưng lần này cô đã biến thành một người khác. Đám đông vây kín chung quanh hai người chờ đợi một phép lạ. Họ tin rằng một bậc đại hiền giả như Satyakam hẳn phải có những pháp thuật thần thông. Thế nhưng sau một lúc im lặng, Satyakam chậm rãi lên tiếng:

– Chuyện xảy ra như vậy là phận số của Rohit, chúng ta không thể làm trái quy luật tự nhiên được.

Bhairavi tuyệt vọng:

– Maharaj, sao anh nói vậy? Rohit không phải là con của anh sao? Tại sao anh không cứu lấy con của anh?

Satyakam vuốt tóc Bhairavi:

– Đó là số phận của Rohit, chúng ta phải biết chấp nhận. Bhairavi ôm chặt xác đứa con, kêu lớn:

– Nhưng… nhưng anh có thể làm cho người chết sống lại kia mà…

Satyakam gật đầu:

– Đúng thế. Ta có thể làm được chuyện đó, nhưng ta cũng biết rằng một người đi trên đường đạo không bao giờ làm điều trái với quy luật tự nhiên. Này Bhairavi, đây chính là một thử thách và cũng là cơ hội để chúng ta học về sự đau khổ và các mối đây liên hệ ràng buộc. Phải chăng đó chính là bài học mà sư phụ ta cũng như sư mẫu em đã gửi chúng ta đến với nhau để học hỏi, để trải nghiệm?

Bhairavi ngừng khóc, nhưng tình mẫu tử thâm sâu khiến cô còn nức nở:

– Dù sao Rohit cũng là… Satyakam âu yếm vuốt tóc con:

– Rohit đã có những liên hệ với chúng ta từ trước nhưng nay duyên nợ đã hết và chúng ta phải biết chấp nhận, đừng tạo thêm các ràng buộc nữa.

Bằng một cử chỉ âu yếm, Satyakam cúi xuống nói nhỏ vào tai Bhairavi một câu thần chú để giúp cô bình tâm. Bhairavi im lặng một lúc rồi nói:

– Satyakam, anh không cảm thấy đau khổ trước việc này hay sao?

– Cái chết chỉ là một khía cạnh khác của sự sống mà thôi. Có sinh ắt có tử, đó là lẽ thường vì nếu không sinh ắt sẽ không tử. Một người biết chấp nhận cái chết chính là biết sống một cách đúng đắn. Đời sống chỉ là một phần nhỏ của chu trình tiến hóa kéo dài vô tận với những cuộc tử sinh liên tiếp như sóng nước lên xuống không ngừng. Rohit đã đến với chúng ta bởi các ràng buộc liên hệ từ trước, nhưng khi các ràng buộc này chấm dứt thì con ra đi, đó là số phận của con và chúng ta không thể cản trở sự tiến hóa của con.

– Anh nói đúng, nhưng trước nỗi đau này, làm sao có thể dửng dưng được?

– Này Bhairavi, làm sao em biết được ta thương yêu Rohit như thế nào? Ta đau lòng lắm chứ. Nhưng vì đã biết rõ luật nhân quả nên ta không coi đó như một sự mất mát mà ta biết chấp nhận tất cả. Ta coi đây là một trải nghiệm quý báu cho sự tu học của chính mình.

Vài hôm sau, tang lễ cho Rohit được cử hành. Xác Rohit được đưa đến một giàn thiêu bên bờ sông để hỏa táng. Dân làng Kadambini đến dự rất đông. Ai cũng thương xót đôi vợ chồng trẻ vừa mất đứa con yêu. Người này đặt câu hỏi: “Tại sao những người tu hành thánh thiện như vậy mà lại chịu nỗi bất hạnh như thế kia?”, kẻ kia thắc mắc: “Tại sao một bậc Maharaj và một Deviji lại không cứu được đứa con của mình? Phải chăng họ không phải là bậc thần thánh như người ta thường nghĩ?”. Một số khác tự an ủi: “Dù là thánh nhân hay thường dân thì cũng không thể thoát được luật nhân quả và đó là số phận của đứa bé”.

Suốt tang lễ, Satyakam và Bhairavi giữ thái độ bình tĩnh, dù Bhairavi vẫn không cầm được nước mắt. Chiều hôm đó, Satyakam và Bhairavi trở về đền Kali. Sau khi ru Puram ngủ, Bhairavi lên tiếng:

– Maharaj, tại sao anh có thể thản nhiên trong tang lễ như vậy?

– Bhairavi, sự yên lặng của ta trong tang lễ không phải là sự dửng dưng. Lòng ta đau vô cùng, nhưng ta không thể hiện điều đó ra bên ngoài. Ta tiếc Rohit đã không sống lâu hơn để ta có cơ hội giúp đỡ và giáo dục nó. Ta mong em hiểu được lòng ta.

– Em hiểu anh. Tuy em không cảm thấy đau khổ như mấy hôm trước nhưng hình bóng Rohit vẫn ở trong tâm trí em. Em hy vọng vài hôm nữa em sẽ tự chủ hơn, nhưng em muốn hỏi anh một điều.

– Em cứ nói đi. Bhairavi ngập ngừng:

– Với công phu tu tập của anh, liệu anh có biết trước cái chết của Rohit không? Liệu anh có thể ngăn ngừa được cái chết đau thương đó không?

Satyakam gật đầu nói khẽ:

– Ta biết trước phần số của Rohit đã hết và có thể thay đổi được điều đó, nhưng vì ta đã hiểu rõ sự ràng buộc của nghiệp quả nên không làm gì khác được. Này Bhairavi, đôi khi chúng ta quá ích kỷ nên tạo ra thêm các ràng buộc trên con đường tiến hóa, mà bất cứ ràng buộc nào cũng là một cản trở cho tiến trình tu tập để giải thoát. Ta nhớ Kapalak đã dạy: “Có vay thì có trả, còn ước ao thì còn bị ràng buộc, và đã có ràng buộc thì lại phải lo gỡ ra. Muốn ung dung tự tại thì phải làm sao chấm dứt những ước ao, mong cầu để không gây thêm một ràng buộc nào nữa. Phương tiện thiện xảo của sự tu tập là biết ý thức rằng điều đã gây ra từ trước thì bây giờ phải lo tháo gỡ, nhưng tháo gỡ làm sao để không gây thêm các ràng buộc khác mới là công phu tu tập”. Quả là một lời khuyên bảo đầy minh triết. Này Bhairavi, em đã nhờ ta giúp em có cơ hội phát triển thêm về tình thương và ta đã chẳng giúp em đó sao? Khi trước em là một hành giả Yoga đang gặp trở ngại vì em có tính thụ động, dễ bị cuốn hút vào trạng thái mê hoặc xuất thần. Vì tu khổ hạnh nên tâm hồn em khô cằn. Hiện nay em không thấy tình cảm của em dành cho Rohit và Puram đã phát triển mạnh mẽ hay sao?

Bhairavi im lặng nhìn Satyakam với vẻ thán phục. Satyakam tiếp:

– Ta ý thức được đây là một biến cố lớn, một thử thách lớn cho chúng ta, nhưng ta cũng biết đó là cơ hội để học hỏi, để tu tập. Này Bhairavi, đây là một bài học cho em về sự phát triển tình cảm, nhưng bài học này cũng đưa đến sự ràng buộc quyến luyến và nếu không ý thức, nó sẽ trở thành một chướng ngại cho con đường tiến hóa tâm linh của em. Em cần phải học hạnh xả ly, dứt bỏ cũng như trước đây ít lâu, Kapalak đã dạy ta bài học về sự không sợ hãi. Khi đó, ta không nghĩ rằng mình cần phải học bài học đó vì ta vốn là kẻ chẳng sợ hãi một điều gì. Chỉ khi trải qua kinh nghiệm ghê gớm bên bờ sông Hằng, ta mới ý thức rằng lòng tin qua lý thuyết và nhận thức qua trải nghiệm khác nhau rất xa. Chỉ sau khi trải qua, ta mới quán triệt hoàn toàn về cái gọi là lòng không sợ hãi.

Này Bhairavi, em có nhớ khi em một thân một mình đến ngôi đền Kali hoang tàn này không? Lúc đó em là một hành giả Yoga thượng thừa, không lo âu, không sợ hãi, không bị ràng buộc vào bất cứ một thứ gì. Nếu lúc đó có ai nói rằng em sẽ yêu thương, sẽ gắn bó vào một điều gì, chắc chắn em sẽ gạt bỏ, coi đó như một ý tưởng mơ hồ, có phải không? Này Bhairavi, chỉ một thời gian ngắn, em đã trở thành một người vợ, một người mẹ với những ràng buộc, gắn bó vào chồng, vào con. Phải chăng thử thách này là một bằng chứng hiển nhiên rằng chúng ta chưa hoàn toàn như chúng ta nghĩ. Công phu tu tập của chúng ta, dù khổ hạnh bao nhiêu, nhưng chưa được thử thách thì vẫn chỉ là một quan niệm thôi, có phải không? Này Bhairavi, tình mẫu tử là thứ tình cảm lớn nhất trong mọi tình cảm và nó cũng là một thử thách rất lớn, không mấy ai dễ gì dứt bỏ được.

Bhairavi cúi đầu suy nghĩ rồi nói khẽ:

– Nhưng làm sao em biết rằng trải qua kinh nghiệm này, em sẽ thảnh thơi, vượt qua được mọi sự ràng buộc, gắn bó khi em vẫn còn phải chăm lo cho Puram?

Satyakam mỉm cười:

– Em là một hành giả Yoga đã tiến rất xa trên con đường tiến hóa tâm linh. Ta biết kinh nghiệm này sẽ giúp em ý thức rõ hơn về sự ràng buộc và những liên hệ mà trước đây em chưa thực sự nắm vững. Trong kiếp sống trước, em đã từng là mẹ, đã từng đau khổ, đã cố gắng tháo gỡ những trói buộc liên hệ nhưng em chưa thực sự vượt qua được nó nên kiếp này em phải học lại bài học đó một lần nữa. Cuộc đời là một trường học mà trong đó phần lớn mọi người chỉ học được bài học qua yếu tố đau khổ. Sự đau khổ là yếu tố thúc đẩy mọi người tiến hóa vì nếu không có yếu tố này, người ta sẽ thản nhiên bất động như loài cây cỏ, gỗ đá. Cái chết của Rohit đã giúp em ý thức rõ rệt hơn về sự ràng buộc, nhưng Puram sẽ không như thế đâu, nó sẽ giúp đỡ em trên một phương diện khác.

– Còn anh? Anh và em có những liên hệ gì? Satyakam im lặng một lúc rồi từ tốn trả lời:

– Chúng ta đã có những liên hệ với nhau từ trước, và lần này, ta đến với em để học hỏi thêm về những điều mà trước nay ta chỉ biết qua lý thuyết mà thôi.

Năm tháng trôi đi. Bhairavi tiếp tục công việc trông coi các nghi lễ trong đền Kali. Cô đã lấy lại phong thái trang nghiêm như xưa, không còn đau buồn về cái chết của Rohit nữa. Satyakam tiếp tục thực hành Kundalini Yoga và tiến bộ rất nhiều. Nhờ khai mở được các luân xa và kiểm soát được luồng hỏa hầu, anh có thể hiểu biết được những điều mà trước đó đối với anh chỉ là những khái niệm trừu tượng. Từ đó, anh có thể hiểu tường tận các ẩn nghĩa trong kinh sách và đến lúc này, anh mới vỡ lẽ rằng sở dĩ Ấn giáo bị suy tàn là vì đa số các giáo sĩ đều thiếu kinh nghiệm tâm linh. Vì thiếu hiểu biết và không có khả năng giảng dạy các chân lý cao đẹp nên họ chú trọng đến các nghi thức thờ cúng và lồng vào đó những điều mê tín dị đoan để mê hoặc tín đồ. Phần lớn các đền đài Ấn giáo chỉ chú trọng đến nghi thức thờ cúng, cầu nguyện thần linh để xin xỏ điều này thứ nọ chứ không mấy khi có khóa giảng dạy kinh kệ. Các tín đồ đến đền thờ tụng kinh một cách ồn ào mà không hiểu thấu ý nghĩa những điều mình đọc. Từ đó Satyakam bắt đầu các khóa giảng kinh và theo thời gian, số người kéo đến xin thụ giáo với anh ngày càng đông. Dưới sự chỉ dạy của anh, các ẩn nghĩa trong kinh sách đã được mang ra trình bày một cách rõ ràng, minh bạch.

Mùa Xuân năm đó, Satyakam giảng dạy về Yoga dựa trên thánh ca Bhagavad Gita. Anh nói: “Có ba con đường cùng đưa đến một mục đích mà tùy theo sở thích, chúng ta có thể lựa chọn con đường thích hợp. Đó là Karma Yoga (con đường Hành động), Jnana Yoga (con đường Minh triết) và Bhakti Yoga (con đường Sùng tín). Khởi đầu là ba con đường khác nhau, nhưng khi đi gần đến đích, chúng sẽ gặp nhau vì mục đích tối hậu của Yoga là sự hợp nhất với Thượng đế. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy tất cả mọi người đều có khuynh hướng đi tìm Thượng đế, nhưng vì không ý thức rằng ngài hiện diện khắp nơi nên nhiều người đã đi tìm ngài qua những con đường hay pháp môn khác nhau.

Do đó, trong Bhagavad Gita (Thánh ca của Thượng đế), đức Krishna đã nói: ‘Kẻ nào thấy được Thượng đế ngự trị trong vạn vật, kẻ đó mới thực sự thấy’. Một người đi tìm đạo, dù theo bất cứ con đường nào hay pháp môn nào, cần phải biết tôn trọng những con đường khác, vì đường nào cũng đều dẫn đến Thượng đế”.

Karma Yoga là phương cách thông dụng nhất. Hầu hết nhân loại đều đi trên đường này, mặc dù ít người ý thức về nó. Khởi đầu, con người có tính thụ động vì chịu ảnh hưởng của khuynh hướng Tamas (Tĩnh). Họ chỉ ngồi chờ phép lạ xảy ra. Vì thế, kêu gọi họ tỉnh thức để học hỏi là việc vô ích, vì họ không muốn thay đổi. Muốn họ thoát khỏi trạng thái thụ động cần phải có động năng thúc đẩy họ, để khơi dậy lòng ham muốn nơi họ. Lòng ham muốn dẫn đến lòng tham và sự chiếm hữu; nhưng dù lòng ham muốn có thấp hèn như thỏa mãn các dục vọng vật chất đi chăng nữa, thì vẫn còn hơn sự bất động u mê. Sự ham muốn có công dụng riêng của nó trong cơ trời vĩ đại, và đó chính là ý nghĩa mà đức Krishna đã nói trong Bhagavad Gita: “Thượng đế hiện diện trong tất cả, kể cả trong những tật xấu của kẻ xấu xa đê tiện nhất”.

Theo thời gian, bị chi phối bởi lòng tham nên con người ngày càng hoạt động nhiều và do vậy, khuynh hướng Rajas (Động) được phát triển mạnh mẽ. Đến giai đoạn tiến hóa này, nhân loại lao vào làm việc một cách quá độ. Khí lực trở nên dồi dào, họ không từ chối bất cứ cơ hội nào để thỏa mãn tham vọng cùng các cảm xúc của giác quan. Đây là lúc con người lo tàng trữ, tích lũy của cải vật chất. Họ hăng say làm việc, nhờ vậy xã hội tiến bộ, phát triển nhanh chóng. Tất cả tiền tài, vật chất, dục lạc đều gia tăng mạnh mẽ và thúc đẩy xã hội phải vận hành nhanh hơn, mạnh hơn. Tuy nhiên, con người sẽ thấy rằng cái mà họ muốn không bao giờ mang lại sự thỏa mãn cả, vì được cái này thì lại có những cái khác hay hơn, đẹp hơn, lạ hơn và hấp dẫn hơn. Cứ thế, con người lao đi tìm cái mới lạ cho đến khi họ ý thức rằng càng thu gom nhiều thì họ càng đau khổ nhiều; càng thành công lớn, họ lại càng bất mãn lớn; càng có nhiều tài sản, càng lo âu thêm. Phải lo sao đoạt cho được mọi thứ nhưng khi được rồi phải lo giữ nó cho thật chắc vì sợ nó sẽ mất đi. Càng ngày các mối lo âu càng gia tăng, và rồi, con người lúc nào cũng sợ hãi, bất mãn, đau khổ vì các hoạt động thiên về vật chất không bao giờ có thể thỏa mãn họ hoàn toàn. Đó chính là ý nghĩa câu nói của đức Krishna: “Lấy đầu đổ vào lửa để đập tắt lửa còn dễ hơn là lấy sự thỏa mãn để đập tắt các dục vọng”.

Đến khi đó, con người mới bắt đầu ý thức được rằng họ vẫn ao ước cái mà họ không biết rõ hay không thể hiểu được. Do đó, một số người bắt đầu quay về với nhu cầu tinh thần như tôn giáo, tìm cách rời bỏ các tham vọng vật chất hoặc xa lánh chốn đô thị náo nhiệt, tìm nơi thanh vắng để tĩnh tu. Truyền thống từ bỏ tất cả để tìm đạo của Ấn Độ bắt đầu từ đây. Tuy nhiên, dù vào rừng sâu núi thẳm, dù theo học bất cứ pháp môn nào, con người vẫn nhận ra rằng không phải xa lánh của cải vật chất là có thể tìm thấy sự an tĩnh nơi tâm hồn, bởi lẽ ham mê trong tâm họ vẫn còn. Nó sẽ tiếp tục chi phối ý thức của họ, từ ham mê của cải vật chất chuyển thành ham mê các nhu cầu tinh thần. Do đó mới có những tu sĩ hết sức nhiệt thành đã trở thành quá khích hay mù quáng đi trên đường đạo để cầu mong những quả vị hay phép thuật thần thông. Đây là việc hiển nhiên vì khuynh hướng Động vẫn tiếp tục chi phối. Trải qua bao kiếp luân hồi say mê tham luyến, dễ gì phút chốc có thể xả bỏ hết được nên đa số người tìm đạo thường bị giày vò. Đức Krishna nói về giai đoạn này trong Bhagavad Gita như sau: “Bằng sự xả bỏ khuynh hướng Động để đi tìm sự Bất động, con người không thể thoát khỏi hành động và cũng không thể đạt đến sự toàn thiện được. Người ta không thể chạy trốn mọi sự qua việc ẩn thân, vì dục vọng không phải là yếu tố bên ngoài mà tiềm tàng mạnh mẽ ở bên trong”.

Karma Yoga chủ trương chỉ khi hoạt động, con người mới thực sự hợp nhất với Thượng đế. Thay vì hành động để đạt được mục đích, dù về tinh thần hay vật chất, họ đều cần phải thay đổi động cơ, chuyển hóa nó và ý thức rằng hành động mà không mong cầu bất cứ điều gì cho bản thân mới đem lại kết quả thực sự. Thay vì từ bỏ của cải vật chất, trốn vào rừng sâu núi thẳm để tìm sự bình an, họ phải biết thay đổi nội tâm và biến nó thành một đạo tràng thanh tịnh để tu tập. Đó là lý do đức Krishna đã nói trong Bhagavad Gita: “Người vô minh hành động với lòng tham dục, còn bậc hiền giả hành động với mục đích phụng sự nhân loại và không tham luyến bất cứ điều gì cho riêng mình”.

Nhờ biết chuyển hóa nội tâm mà con người hoạt động và biết chấp nhận mọi nghiệp chướng của luật nhân quả. Tuy nhiên, họ không còn bị chi phối bởi yếu tố Động như trước mà dung hòa, chuyển hóa nó để đạt sự quân bình. Sự quân bình giữa yếu tố Động và Bất động chính là bí quyết của Karma Yoga. Người đi theo con đường này sẽ không bỏ bê phận sự đối với gia đình, xã hội hay đất nước, mà sẽ hành động với một tinh thần mới. Họ vẫn làm việc như một người bình thường, cũng kiếm tiền hay tích lũy của cải, nhưng họ sẽ không thiết tha thủ giữ bất cứ một thứ gì. Họ biết rằng họ chỉ là người quản lý tài sản đó chứ không phải là chủ nhân vì họ đã thấu triệt bài học rằng cái gì đến sẽ đi, cái gì còn sẽ mất, chẳng có gì mãi mãi vững bền. Họ biết lòng ích kỷ, tham lam sẽ mang lại khổ đau nên chỉ hoạt động cho người khác chứ không cho mình. Tuy hoạt động nhưng họ vẫn tiếp tục tu tập để xả bỏ những thói quen hay tập khí xấu xa từ trước. Đây là giai đoạn biến chuyển nội tâm rất tế nhị vì các tập khí ngày trước vẫn tiềm ẩn một cách tinh vi trong tâm thức họ.

Trong thời gian bắt đầu tu tập, nhiều người có lòng tốt, muốn hoạt động giúp đời nhưng vì trong tâm họ vẫn còn chút tham vọng nên họ thường tìm sự thỏa mãn khi công việc đạt thành, hay mong muốn được người đời kính nể, thán phục. Tóm lại, họ vẫn còn các hoài bão có tính cá nhân và hiển nhiên sẽ gặp các thử thách để giúp họ nghiệm ra bài học này. Những người hoạt động về tôn giáo, từ thiện hay xã hội luôn gặp nhiều trở ngại vì trong tâm thức họ vẫn còn vương một chút tham lam. Hiển nhiên, họ sẽ bị chê bai, ganh ghét hay gặp phiền não, vì đó là những thử thách cuối cùng để giúp họ thanh lọc bản ngã. Đây là một thứ bản ngã vi tế được khôn khéo che đậy dưới các hình thức tốt đẹp. Dĩ nhiên, nếu chưa qua bài học này, họ sẽ còn gặp khó khăn rất nhiều cho đến khi ý thức được động năng đã thúc đẩy họ hành động như thế và can đảm dứt bỏ hay chuyển hóa nó. Theo thời gian, khi họ học trọn vẹn bài học rằng phải biết dứt khoát với mọi động cơ ích kỷ trong các hoạt động tâm linh, họ sẽ tiến bộ rất xa. Đó chính là ý nghĩa câu nói của đức Krishna trong Bhagavad Gita: “Các con chỉ nên lo hành động mà thôi, đừng mong cầu kết quả, dù kết quả đó là sự thán phục, cảm mến, hay biết ơn của những người xung quanh. Đừng để ý đến kết quả và chớ đồng hóa kết quả với nguyên nhân”.

Khi bản ngã được thanh lọc hoàn toàn, con người sẽ không làm việc vì mong được biết đến hay tri ân. Họ đã biết từ bỏ các ham muốn. Thành công hay thất bại không còn ý nghĩa đối với họ nữa; khi đó, họ sẽ đạt đến trạng thái an lạc hoàn toàn: không vui, không buồn; không lo, không sợ; không ao ước, không mong cầu. Tất cả những gì thuộc về bản ngã thấp hèn đều được chuyển hóa và từ đó bắt đầu hành động bằng cái tâm tinh khiết, thành thật vì biết rõ hành động chính là một phận sự thiêng liêng, một động năng cần thiết, tự nhiên như hơi thở vậy. Đó chính là bí quyết của pháp môn Karma Yoga: “Không tìm kiếm hành động khi nó không đến, nhưng cũng không từ chối khi nó xảy ra. Hãy vui vẻ, thản nhiên; khi việc đến thì làm, khi việc không đến thì ngồi yên, bình thản trước mọi thăng trầm của cuộc đời”. Đó cũng là mục đích của Karma Yoga mà đức Krishna đã nói trong Bhagavad Gita: “Phải biết bình thản trong mọi thất bại cũng như thành công, đó là sự quân bình của Karma Yoga”.

Đây là giai đoạn cuối của con đường Karma Yoga. Khi hành giả đã đạt đến trạng thái vô ngã, vô cầu, vô niệm, họ sẽ ý thức rằng mọi sự chỉ là những khí lực vẩn vơ, không thật, đến và đi như gió thổi, mây bay. Đây cũng là lúc các pháp môn Yoga hay những con đường khác nhau họp lại thành một con đường duy nhất. Từ thái độ an nhiên tự tại, không mong cầu, xin xỏ hay tìm kiếm điều gì, cũng không từ chối bất cứ điều gì, sẽ nảy sinh ra một thứ tuệ giác đặc biệt – một thứ tuệ giác sáng chói giúp con người có khả năng phân biệt chân giả cùng các định luật của vũ trụ, từ đó trở thành một hành giả Yoga thượng thừa qua khả năng hành động, cũng như những hành giả Yoga khác đã đạt được trạng thái này qua suy tư, thiền định hay sùng tín.

Các pháp môn Yoga hay các con đường đạo, lúc đầu tuy khác nhau, nhưng rồi sẽ hợp làm một khi hành giả đạt đến giai đoạn cuối này. Đây là lúc hành giả được coi là đã xứng đáng để hợp nhất với Thượng đế. Khi đã xóa bỏ tham luyến của dục vọng vật chất, họ sẽ thấy Thượng đế hiện diện ngay trước mặt họ và khi đó hành giả bước vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn của sự hiến dâng.

Khi đó, con người sẽ thấy mình và Thượng đế không còn cách biệt nữa, mà đã hòa làm một. Đến đây, hành giả sẽ hưởng được tất cả những ân phước hân hoan, phúc lạc nhất. Sự an lạc thiêng liêng tràn ngập khắp tâm hồn họ, vì họ đã gạt bỏ được cái phàm ngã thấp hèn, trong tâm họ chỉ có cái Chân ngã tinh khiết thấm nhuần tất cả. Kể từ đó, tất cả những gì họ làm, những phận sự họ thi hành, đều là những hoạt động dâng hiến và họ hoàn toàn hưởng được sự an lạc của kẻ hiến dâng. Con người khi đó trở thành một luồng vận hà những ân phước tốt đẹp nhất của Thượng đế. Đó cũng chính là ý nghĩa câu nói của đấng Krishna trong Bhagavad Gita: “Đó chính là tâm trạng của Thượng đế, hỡi con của Pritha. Những ai đã đến đó chẳng bao giờ còn lầm lạc. Đến giờ lâm chung, ai giữ được tâm trạng đó sẽ tiến đến cõi Chân, Thiện, Mỹ của sự vĩnh cửu”.

Sau pháp môn Karma Yoga là pháp môn Jnana Yoga. Đây là một pháp môn được gìn giữ cẩn thận, ít truyền ra bên ngoài vì nó là con đường chỉ dành cho những người có căn duyên đặc biệt. Đây cũng là một pháp môn đòi hỏi sự tinh luyện bản thân rất sâu sắc và nhiều nguy hiểm.

Trong giai đoạn đầu của con đường Jnana Yoga, hành giả khởi sự thu tập kiến thức. Họ tìm thấy nguồn vui qua các ý tưởng thanh cao, thâm sâu trong kinh sách và nhờ nghiên cứu mà họ tìm được những điều họ muốn biết như bản chất của vũ trụ, nguồn gốc của nhân sinh, các bí mật ẩn tàng trong thiên nhiên cũng như các định luật huyền bí của vũ trụ. Đa số những người đi theo con đường này thường không màng lợi danh vật chất, không tìm kiếm dục vọng thấp hèn. Phần lớn đều là những người có tính tình trầm lặng. Họ yêu mến kiến thức vì đối với họ đó là nguồn vui thanh cao, tao nhã. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, ít ai ý thức rằng kiến thức không phải là minh triết. Kiến thức và minh triết khác nhau rất xa.

Kiến thức phát sinh do sự quan sát các hiện tượng bên ngoài, phân loại chúng rồi đi tìm những định luật chung có thể áp dụng cho tất cả. Đây là sự nghiên cứu, thí nghiệm xem điều mình quan sát, kết luận có thích hợp với những sự kiện ngoại giới hay không. Phần lớn những người đi trên đường này đều có khả năng quan sát một cách tỉ mỉ mọi hiện tượng xảy ra trong trời đất. Đối với họ, trong vũ trụ không có gì quá lớn hay quá nhỏ, giản dị hay phức tạp, mà tất cả đều là đối tượng để nghiên cứu. Họ dồn sức nghiên cứu tất cả, từ một vi sinh vật li ti đến dải thiên hà vĩ đại. Sự ham học hỏi khiến họ mong muốn tìm kiếm điều hoàn hảo, và từ hiểu biết này, họ sẽ thấy rõ điều vĩ đại, chính xác tuyệt diệu và các định luật ẩn tàng của Thượng đế, đó chính là mục đích của Jnana Yoga.

Kinh Veda có một câu chuyện về con đường này như sau: Một hành giả Yoga được đưa đến nơi có một ngôi đền to lớn, lộng lẫy, trang nghiêm vô cùng. Tất cả mọi vật trong đó đều vĩ đại chưa từng thấy, những căn phòng rộng mênh mông, trải dài xa hút tầm mắt. Sau khi đi mãi qua nhiều căn phòng khác nhau, hành giả bước vào một căn phòng khổng lồ ở cuối hành lang và thấy một bà lão, dáng vẻ trang nghiêm đang chăm chú làm việc. Những ngón tay của bà nắn nót không ngừng. Hành giả vừa run sợ vừa kính cẩn vì nghĩ rằng bà đang làm một việc vĩ đại lắm nên vội quỳ xuống hỏi. Bà lão lên tiếng: “Ta đang nặn chiếc chân sau của một con bọ chét”. Câu chuyện này nói lên sự toàn tâm toàn ý khi làm việc, dù làm bất cứ việc gì, lớn hay nhỏ, người đi trên con đường này đều phải tận tâm tận lực và hết sức cẩn thận.

Tuy nhiên, vì say mê kiến thức mà phần lớn những người đi trên đường này dễ bị lạc vào mê lộ của từ chương và lầm đường lạc lối. Đó chính là sự hiểm nguy của con đường Jnana Yoga. Đức Krishna đã nói trong Bhagavad Gita: “Trong hàng ngàn người học hỏi kiến thức, không có đến một người gặp được Thượng đế vì Thượng đế không phải điều ta có thể tìm thấy trong sách vở”. Chính vì ham mê kiến thức mà các hành giả đi trên con đường này tìm kiếm, khám phá không ngừng, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, từ thế giới này đến thế giới kia. Qua việc trau đồi kiến thức, họ đi từ cảnh giới này qua cảnh giới khác, học hỏi, nghiên cứu mãi không thôi. Từ cõi hữu hình qua cõi vô hình, họ say mê nghiên cứu, thu tập các hiện tượng mà từ trước đến nay họ không hề hay biết. Kiến thức của họ mở rộng, sự say mê thúc đẩy họ tìm tòi thêm nữa. Họ thu góp những dữ kiện mới lạ, lập thành những định luật riêng, những cảnh giới lạ lùng lần lượt diễn qua mắt họ và cứ thế họ hăng say tìm kiếm, giải thích. Khi giải thích được một sự kiện thì vô số những sự kiện khác lại xảy ra thúc đẩy họ khổ công đi sâu thêm nữa. Khi họ hiểu biết được một cảnh giới thì lại có vô số cảnh giới khác hiện ra với những dữ kiện cần thu tập, nghiên cứu và cứ thế từ kiếp này qua kiếp khác, họ trôi nổi trong những lý thuyết không bao giờ dứt.

Trở ngại lớn nhất của các hành giả đi theo con đường Jnana Yoga là “bệnh trí thức”, nghĩa là say mê giải thích mọi sự việc mà quên đi mục đích cao cả lúc ban đầu. Bất cứ điều gì họ cũng cố công giải thích, lập luận và từ đó phát sinh ra một loại người đi tìm từng dấu chấm, dấu phẩy trong kinh sách để giải thích chân lý qua con số, dấu chấm và dấu phẩy. Đây là loại giáo sĩ “chẻ sợi tóc làm tư” để lập thuyết và điều này đã đem lại nhiều rối rắm cho Ấn giáo. Các tín đồ học hỏi với các vị đạo sĩ mắc căn bệnh trí thức này sẽ giải thích kinh điển một cách hăng say, nhưng không thể áp dụng bất cứ điều gì vào đời sống hằng ngày.

Vì không thiết tha với đời sống, tình cảm của họ từ từ cằn cỗi. Theo thời gian, họ trở thành những người thuần lý, ít tình cảm, sống khổ hạnh, xa lánh mọi người, điển hình là các đạo sĩ tu khổ hạnh hay những học giả say mê cuồng nhiệt các giá trị hồi chương.

Một trở ngại khác của người đi trên con đường này là sự tự hào về kiến thức – một hình thức che đậy khôn khéo của bản ngã. Đa số những người này phủ nhận đời sống thường nhật mà tìm kiếm một đời sống khác thường. Hoặc là họ tìm vào rừng sâu núi thẳm ẩn tu vì khinh thường các giá trị thế tục. Hoặc là họ thực hành những phép tu khổ hạnh, hành hạ xác thân như nằm trên bàn chông, giơ tay lên trời cho đến khi khô kiệt, hay lập ra các tà thuyết lập dị. Hoặc họ sống trong xã hội nhưng đầu óc chỉ quanh quẩn với những con số, sách vở, lý thuyết mà quên đi sự hiện diện của những người xung quanh. Tất cả đều bắt đầu từ tự ngã – cho rằng mình hơn người khác – mà quên rằng bản ngã càng lớn bao nhiêu, sự hợp nhất với Thượng đế càng khó khăn bấy nhiêu. Đó cũng là điều được viết trong Bhagavad Gita. Đức Krishna đã nói: “Trong khi những kẻ này nghĩ rằng họ đã đến bên cửa trời thì thực ra họ đã đến thềm địa ngục mà không hay”.

Minh triết không phải là kiến thức mà là sự hiểu biết trực tiếp những chân lý hằng có trong vũ trụ. Đó là sự nhận biết khả năng vô biên của Thượng đế, sự hiểu biết bản chất của đấng tối cao ngự trị trong muôn loài. Minh triết đòi hỏi một sự hiểu biết đặc biệt, uyên bác và sâu sắc qua việc tu luyện bản thân chứ không phải chỉ thu tập các kiến thức. Để tránh các khó khăn và vượt qua các trở ngại của lý thuyết hồi chương, pháp môn Jnana Yoga đề cập sự kiểm soát lý trí và xác thân qua việc thực hành các kỷ luật điều tâm và điều thân qua các tư thế. Nhờ kiểm soát được cả tâm lẫn thân mà hành giả không bị các yếu tố bên ngoài chi phối, lôi kéo. Sau khi thu tập kiến thức, hành giả phải biết thế nào là đủ và ngưng lại, quay vào quán sát, học hỏi phía bên trong. Nhờ thế họ sử dụng kiến thức như một công cụ để hiểu mình và sự biết mình sẽ giúp họ tập tính Khoan dung, có thái độ cởi mở với mọi vật, hòa đồng với xung quanh, chứ không tự xem mình là quan trọng nữa. Hiểu rằng Thượng đế ngự trị trong muôn loài sẽ giúp hành giả xóa bỏ sự phân biệt giữa ta và tha nhân. Sau đó họ phải luyện tập sự Bền chí để phát triển nội tâm vì một nội tâm yếu đuối không thể vươn lên hòa nhập với Đại ngã được. Kỷ luật thứ năm là việc phát triển lòng tin về nguồn gốc thiêng liêng và tin rằng điều mình muốn sẽ có thể được thực hiện. Kỷ luật cuối cùng là gìn giữ sự quân bình giữa tâm hồn và thể xác, vì chỉ trong sự quân bình này mà họ được an nhiên, tự tại, không nghiêng về bên nào. Cũng chỉ trong sự quân bình này mà họ phát triển được trí tuệ. Nhờ có trí tuệ mà hành giả sẽ hiểu rõ sự trường tồn và các điều tạm bợ, phân biệt được vỏ và nhân, hình tướng và bản thể, điều chân và lẽ giả, từ đó bắt đầu bước chân vào Jnana Yoga.

Trên con đường này, hành giả sẽ phân rõ sự khác biệt vốn chỉ là ngoại cảnh hay vòng hư ảo nhằm che giấu sự thật rằng có một thứ duy nhất và trường tồn nằm sâu trong mọi vật. Đó là Thượng đế hay Chân lý. Sự chuyển biến từ sống đến chết, từ có đến không, vạn vật thay đổi chỉ là các hình tướng bên ngoài của các yếu tố vô minh. Đó cũng là điều mà đấng Krishna đã nói trong Bhagavad Gita: “Kẻ nào biết được chính vạn vật thay đổi, còn Đại ngã vốn bất động, kẻ đó mới thực sự biết”.

Nhờ thu tập kiến thức, người đi trên con đường Jnana Yoga phát triển khả năng suy luận, khám phá. Nhờ kiểm soát tâm và thân qua kỷ luật tự giác, họ phát triển khả năng phân biệt và sự phân biệt này sẽ bổ túc sự khiếm khuyết của kiến thức mà họ thu lượm được. Jnana Yoga quan niệm rằng kiến thức là vô minh nếu nó chỉ giới hạn ở ngoại cảnh; khoa học là vô minh nếu nó chỉ nghiên cứu các hiện tượng bên ngoài. Sự hiểu biết thật sự chỉ đến khi con người tự biết mình. Biết mình thì sẽ biết được vũ trụ và khi biết được sự tương quan giữa mình và vũ trụ, sẽ quán triệt được quan niệm về Tiểu ngã và Đại ngã để đẹp bỏ cái Tiểu ngã thấp kém và hòa nhập vào cái Đại ngã vô cùng. Người đi trên con đường Jnana Yoga dù nghiên cứu các sự kiện ngoại giới nhưng vẫn lắng nghe tiếng nói của nội tâm vì biết rằng các hình tướng bên ngoài chỉ là những hư ảo, phản ảnh của tâm thức bên trong mà thôi, và nhờ biết thế mà họ có thể chuyển đổi sự hiểu biết sang sự minh triết.

Jnana Yoga dạy rằng sự hiểu biết ngoại giới thì mênh mông, không thể nắm hết được. Tuy nhiên, khi đã hiểu rõ định luật “nhất bổn tán vạn thù” thì chỉ cần hướng vào bên trong, tìm hiểu chính mình, như vậy sẽ biết rõ mọi sự kiện bên ngoài vì bản chất của mình và vũ trụ vốn không hề khác (vạn vật đồng nhất thể). Sự khác biệt chỉ là những biến chuyển của ngoại cảnh, những màn hư ảo đã che giấu sự thật về đời sống duy nhất, sự sống duy nhất, hay Thượng đế duy nhất. Ngoài sự duy nhất đó ra thì không còn gì nữa. Khi hành giả quán triệt quan niệm này là họ đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn cuối của Jnana Yoga.

Nhờ kinh nghiệm thu tập được, nhờ trí tuệ sắc bén, nhờ lý luận tinh vi, cũng như các đức tính quý báu khác, họ đạt đến trạng thái Adhikari (trạng thái có thể nhận được giáo lý tối hậu) rằng: “Đại ngã vốn ở khắp nơi, ẩn tàng trong tất cả sự vật”. Đó chính là ẩn nghĩa câu nói của đấng Krishna trong Bhagavad Gita: “Thượng đế ngự đồng đều trong vạn vật”. Đây là một kinh nghiệm rất khó quán triệt, vì nó ngụ ý một sự đồng ngự khắp nơi, từ vật tốt đẹp đến vật xấu xa, từ điều cao thượng đến việc thấp hèn, từ hạt bụi đến các thái dương hệ, từ cái ngã của kẻ trụy lạc đến cái ngã của bậc thánh nhân. Đây là bằng chứng hùng hồn rằng toàn thể vũ trụ đều là biểu hiện của đấng Tối cao.

Hiểu được điều này có nghĩa rằng muốn được minh triết hoàn toàn, con người phải kinh qua tất cả các trải nghiệm. Nếu đã thấy Đại ngã trong những điều đẹp đẽ, huy hoàng thì họ cũng phải thấy nó trong các điều xấu xa, hèn hạ. Do đó, sự thật không có gì là tốt đẹp hay xấu xa hoàn toàn, mà tất cả chỉ là những giá trị tương đối, những sự kiện cần thiết để hỗ trợ cho sự tiến hóa và hiểu biết. Mọi sự kiện đều có những ý nghĩa thiêng liêng trong cơ trời. Mọi vật đều có những vị trí đặc biệt trong một chương trình vĩ đại. Vì chỉ để ý đến sự dị biệt nên người ta mới thấy sự bất toàn và chỉ hiểu được một phần của sự thật chứ không phải toàn thể. Sự hiểu biết bất toàn là kiến thức, sự hiểu biết toàn vẹn là minh triết. Từ đây, hành giả sẽ có cơ hội quan sát các diễn biến đang xảy ra trong vũ trụ và thấy rõ Đại ngã ở khắp nơi khắp chốn, tất cả mọi vật đều nhờ nó mà hiện hữu và tất cả đều có khuynh hướng quay trở về nguồn. Đó cũng là ý nghĩa của quy luật: “Mọi vật đều tìm Thượng đế”. Bài học này sẽ cắt đứt các mối đây liên hệ với vô minh và đưa cái Tiểu ngã nhỏ bé hòa hợp với cái Đại ngã bất diệt, và đó chính là mật chỉ màu nhiệm của Jnana Yoga.

Nói thì giản dị như vậy, nhưng Jnana Yoga là một pháp môn rất khó. Nó đòi hỏi sự hiểu biết toàn vẹn và sống thực với kiến thức đó chứ không phải là một thứ lý thuyết trừu tượng. Một hành giả Jnana Yoga thực sự sẽ không bao giờ sinh tâm phân biệt, bị lôi kéo theo các sở thích của giác quan, mà luôn sống với tâm bình thản, chấp nhận, can đảm và dũng mãnh. Họ chỉ nhận những cảm hứng từ bên trong chứ không chịu ảnh hưởng bên ngoài và biết sử dụng kiến thức như một người chủ chứ không phải một kẻ nô lệ. Họ luôn luôn tự do, ung dung tự tại trước mọi hoàn cảnh chứ không mảy may bị trói buộc bởi bất cứ điều gì. Một người chưa làm chủ được dục vọng, chưa đạt đến trạng thái tâm vô phân biệt mà thốt lên những lời minh triết chỉ là những kẻ tự lừa dối mình và chẳng bao giờ có thể vượt khỏi sự lôi kéo của vô minh. Để tránh mối nguy hại của sự ngụy biện này, Jnana Yoga thường được gìn giữ cẩn thận và chỉ được truyền dạy cho những người có đức hạnh thật sự, những người đã làm chủ được lòng ham muốn.

Trong khi người đi trên Jnana Yoga tìm chân lý qua kiến thức và kỷ luật tự giác, thì người đi trên Bhakti Yoga đến với Thượng đế bằng sự kính yêu, thờ phụng và tin tưởng. Trong Bhagavad Gita, đức Krishna đã nói: “Những ai biết hướng tâm hồn về Thượng đế và tôn sùng ngài với lòng nhiệt thành, những kẻ đó luôn vững bước trên đường đạo”. Bản chất của Bhakti Yoga là sự tôn kính, yêu thương đấng Thượng đế tối cao và hoàn toàn hiến dâng tất cả hành động của mình cho ngài. Chính nhờ sự biết quên mình này mà họ có thể hòa hợp với Thượng đế một cách tự nhiên. Hành giả Bhakti Yoga tin tưởng Thượng đế một cách tuyệt đối và không thể sống mà thiếu đức tin này, dù chỉ trong chốc lát. Đức Krishna đã miêu tả người đi trên đường này là: “Kẻ đã đặt trọn cuộc đời họ vào trong tay Thượng đế. Họ sống trọn vẹn trong tình thương của ngài và không mong muốn thứ gì khác nữa. Không dục lạc nào của thế gian có thể quyến rũ họ. Không mục tiêu nào của thế gian có thể lay chuyển niềm tin sắt đá của họ đối với Thượng đế”.

Làm sao con người có thể tin tưởng và tôn kính Thượng đế như thế? Làm sao một người còn đầy những ham muốn thấp kém lại có thể đặt trọn cuộc đời vào cái tình thương tuyệt đối đó? Làm sao những người đang chạy đuổi theo lạc thú của thế gian lại có thể ý thức và tôn sùng đấng Tối cao đến vậy? Pháp môn Bhakti Yoga đã vạch rõ những quy tắc căn bản để giúp con người đi từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn toàn qua những bài học về tình thương. Đó cũng là ý nghĩa câu nói của đức Krishna trong Bhagavad Gita: “Kẻ nào không biết yêu thương, kẻ đó không thể gặp Thượng đế”. Cũng vì lý do đó, Bhakti Yoga đôi khi còn được gọi là Con đường Tình thương vì người đi trên đường này phải tập phát triển để mở rộng lòng yêu thương đến tất cả muôn loài chúng sinh, bởi họ hiểu rằng tất cả đều xuất phát từ Thượng đế.

Lòng yêu thương, dù là yêu thương một người, cũng sẽ gợi lên trong tâm trí một ý niệm về tình thương thiêng liêng. Có thể lúc đầu tình yêu đó chỉ là sự biểu lộ của lòng ích kỷ, nghĩ đến mình nhiều hơn người khác. Nhưng khi bắt đầu yêu thương, người đó sẽ bắt đầu học bài học về sự đau khổ, vì yêu thương là một tiến trình gồm nhiều bài học mà trong đó con người sẽ học được qua yếu tố đau khổ. Nhờ đau khổ, thất vọng mà hành giả sẽ phân biệt được lòng ích kỷ và lòng vị tha để rồi biết từ bỏ sự quyến luyến với tiền tài, sắc đẹp, danh vọng để đi đến tình cảm dành cho đấng Tối cao. Đây là một tiến trình khá dài với những bài học đầy đau khổ, nhưng khi đã học được các bài học này và biết kính yêu Thượng đế, họ sẽ thấy tất cả sự vật đều trở nên mờ nhạt trước sự cao đẹp của đấng Tối cao. Ngây ngất trước sự vinh quang, mỹ lệ của ngài, tâm trí hành giả sẽ dần dần biến chuyển, thăng hoa và chuyển hóa. Khi hiểu được lòng bác ái của Thượng đế, các tài sản vật chất sẽ mất hết mọi giá trị. Khi hiểu được lời dạy bảo đầy tình thương của Thượng đế, mọi giá trị vật chất trở nên thô kệch, tầm thường. Lòng yêu thương Thượng đế sẽ biến đổi trọn vẹn cuộc đời của hành giả vì một khi đã biết rõ ngài, họ sẽ không thể sống mà thiếu ngài được.

Kinh Veda có câu chuyện như sau: Một học trò đến thưa với sư phụ rằng anh ta đã trải qua mấy chục năm tu tập để tìm Thượng đế mà sao vẫn không thấy ngài. Vị sư phụ hứa sẽ dẫn học trò đi tìm ngài vào ngày hôm sau. Sáng hôm đó, ông đưa học trò ra sông tắm. Học trò vừa đến giữa dòng thì ông nhấn chìm học trò xuống nước. Một lúc sau ông kéo học trò lên và hỏi: “Khi ngộp nước như vậy con muốn gì?”. Học trò hổn hển trả lời: “Con chỉ muốn thở thôi”. Vị sư phụ bình thản nói: “Nếu con đi tìm Thượng đế một cách khao khát như người ngộp nước cần thở, con sẽ thấy ngài ngay thôi”.

Cũng như thế, một người đi trên Bhakti Yoga phải biết phát nguyện sống trọn vẹn với Thượng đế không ngừng nghỉ thì mới có kết quả. Nhưng trong cuộc đời, đã có bao nhiêu người khát khao Thượng đế như vậy? Khi đau khổ, người ta cầu xin Thượng đế giúp đỡ. Nhưng khi vui sướng thì đa số đều quên ngài ngay. Vì nhân loại không có khát vọng đi tìm Thượng đế như người ngộp nước cần thở nên tuy đi bằng con đường Bhakti Yoga đơn giản như thế nhưng ít ai thành công. Trong Bhagavad Gita, đức Krishna đã nói: “Hầu hết mọi người còn ham muốn tiền tài, danh vọng, sắc đẹp thì sao còn chỗ để Thượng đế ngự trị trong tâm hồn họ nữa!”.

Để giúp một người tiến bộ trên con đường này, các vị sư phụ của Bhakti Yoga đã đưa ra một pháp tu gồm ba giai đoạn căn bản như sau: giai đoạn nuôi dưỡng xác thân, giai đoạn diệt trừ ham muốn và giai đoạn phát triển lòng bác ái để giúp đời.

Trong giai đoạn đầu, hành giả phải tập nuôi dưỡng để xác thân trở nên thanh khiết, từ đó có thể hấp thu các luồng từ điện thiêng liêng của Thượng đế phát ra. Muốn thế, người đi trên đường này phải sáng suốt trong việc chọn lựa những thức ăn tinh khiết hợp với những rung động của tình thương phát xuất từ đấng Tối Cao. Thức ăn tinh khiết là những thứ không gây tổn hại hay đau đớn cho bất kỳ một sinh vật nào. Để có thể thấm nhuần tình thương cao thượng từ đấng Thiêng liêng, người đi trên đường này không thể gây khổ đau cho những sinh vật khác.

Một tu sĩ Bhakti Yoga không bao giờ ăn những thức ăn là kết quả của sự giết chóc vì dùng những thực phẩm ấy sẽ chẳng những làm thân thể họ ô uế mà còn hạ thấp sự rung động của tâm thức khiến họ trở nên ích kỷ thay vì vị tha. Ăn uống các thứ mang tính sát hại là chà đạp lên tình thương. Quy luật đầu tiên của Bhakti Yoga đã ghi rõ: “Thức ăn tinh khiết, tâm trí thanh khiết và luôn luôn nghĩ đến Thượng đế”.

Giai đoạn thứ hai của Bhakti Yoga là diệt trừ mọi dục vọng, ham muốn ngoại trừ nguyện vọng ngưỡng vọng Thượng đế. Muốn thế, người đi trên đường này phải siêng năng cầu nguyện. Cầu nguyện là phương pháp giúp tâm trí họ tập trung vào hình ảnh của Thượng đế để không bị các ham muốn khác lôi kéo. Khi tâm trí họ lúc nào cũng tràn ngập hình ảnh Thượng đế thì không một ham muốn nào khác có thể xen vào được. Nguyện vọng được gần cận, hòa hợp với ngài sẽ tỏa lan khắp thân thể họ, thấm vào mọi tế bào trong họ và các ham muốn vật chất, dù vi tế đến đâu, cũng phải nhường chỗ cho nguyện vọng tha thiết và duy nhất đó. Giai đoạn này đòi hỏi lòng kiên trì thực hành.

Lúc đầu, hành giả Bhakti Yoga luôn cầu nguyện vào những thời khắc nhất định để tạo thói quen. Theo thời gian, họ sẽ cầu nguyện một cách tự nhiên vì đó là một điều bình thường như hơi thở. Sau đó, họ bước qua giai đoạn chiêm bái. Trong đầu óc họ lúc nào cũng có hình ảnh Thượng đế và hình ảnh này sẽ chi phối mọi hoạt động trong đời sống của hành giả. Đây là lúc sự liên hệ giữa hành giả và đấng Tối cao đã được thiết lập và họ sẽ sống trong niềm hân hoan, phúc lạc, an lành. Thân họ tuy vẫn sống nơi cõi trần, nhưng tâm họ đã được bơi lội trong biển tình thương của ngài rồi. Dĩ nhiên người đi trên Bhakti Yoga không tìm lợi lạc cho riêng mình, mà phải biết ban rải ân phước này cho những người xung quanh nữa. Đây là giai đoạn thứ ba, hay sự phát triển lòng bác ái để giúp đời. Quên mình, giúp người cũng là một hình thức tế nhị nhằm diệt trừ lòng ham muốn, ích kỷ vẫn còn tiềm ẩn một cách tinh vi trong tâm thức hành giả. Người đi trên Bhakti Yoga không những sống trong tình thương của Thượng đế mà còn biết trao phát tình thương này ra khắp nơi. Họ ý thức rằng họ đã trở thành một công cụ, một luồng vận hà mà tình thương của Thượng đế chuyển qua đó để ban rải cho những người xung quanh. Đây chính là điều mà Bhagavad Gita đã dạy: “Hãy ban rải ra, hãy cho đi vì ban rải chính là đặc tính của tình thương. Tình thương không đòi hỏi gì hết ngoài sự ban rải khắp bốn phương. Tình thương không có ý nghĩa gì khác hơn việc giúp đỡ người khác. Tình thương chân thật không buộc ai phải trả ơn, đáp nghĩa. Tình thương không cầu xin vui sướng cho riêng mình, mà chỉ xin được tràn lan khắp nơi để tạo hạnh phúc cho muôn loài. Nơi nào không có sự ban rải đó, nơi ấy không thể có chỗ cho Thượng đế”.

Trong cuộc sống hàng ngày, tình thương là một thứ rất hiếm hoi. Khi yêu thương ai, con người thường đòi hỏi được đền đáp. Đó không phải là tình thương mà là một sự tính toán, mua bán, đổi chác được che đậy dưới các danh từ tốt đẹp. Cũng vì thế, các truyền thống tôn giáo thường bị ô uế bởi lòng ích kỷ, lợi dụng của giáo sĩ. Tôn giáo là điều thanh cao, nhẹ nhàng, trong sạch chứ không phải những tính toán lợi hại, những quy luật gắt gao. Chính những kẻ lòng còn đầy tham lam ích kỷ đã bước vào những nơi chốn thiêng liêng rồi biến nơi này thành chỗ buôn thần bán thánh. Chính những tu sĩ bại hoại, lười biếng này đã giảng giải sai lạc các chân lý cao đẹp, biến nó trở thành những tín điều hạn hẹp, khắt khe. Tình thương cao cả không bao giờ phân biệt cái này hay cái kia, người này hay người khác, pháp môn này hay pháp môn nọ. Tình thương cao cả không hề phân biệt đúng sai, tốt xấu mà chỉ là những rung động thanh cao được tuôn trào khắp nơi một cách tự nhiên như nước ở trên cao đổ xuống dưới thấp, như nước sông chảy về biển cả. Tình thương chân thật không bao giờ đòi hỏi hay mong cầu một điều gì khác.

Khi hành giả thanh lọc được phàm ngã ích kỷ, biết thương yêu mọi vật không trừ một ai thì người ấy xứng đáng được hiện diện đấng Tối cao, và đến khi đó, họ sẽ ý thức được chân lý tối thượng rằng Tình thương chính là Thượng đế. Những người thấm nhuần tình thương chính là hình ảnh của Thượng đế vì Thượng đế chính là Tình thương. Đến khi đó, đâu còn gì tách riêng họ và thực thể của họ nữa. Đâu còn gì ngăn cách giữa họ và Thượng đế nữa. Như muôn sông đều chảy vào biển cả, con người tràn đầy tình thương yêu đó cũng trở về nguồn cội của tình thương, trở về với đấng Tối cao. Cái Tiểu ngã nhỏ bé đã được chuyển hóa để hòa nhập vào cái Đại ngã vĩ đại, từ đó hòa với vạn vật. Khi đó hành giả sẽ ý thức rõ rệt rằng nhờ biết tôn sùng, lễ bái, kính yêu Thượng đế và sống trong sự che chở của ngài mà tất cả tế bào của họ trở nên trong sạch, tinh khiết như ngài vậy. Đó là giai đoạn cuối cùng của Bhakti Yoga, giai đoạn hòa hợp với đấng Tối thượng.

Đối với người Ấn, các pháp môn Yoga như Karma, Jnana, hay Bhakti không phải điều xa lạ. Bhagavad Gita là một bộ kinh gần như ai cũng biết nhưng ít có vị sư phụ nào giải thích sự liên hệ giữa các con đường tu bằng các ẩn nghĩa trong kinh sách một cách giản dị, tự nhiên và mạch lạc như vậy. Phần lớn mọi người chỉ coi Yoga như những phương pháp, kỹ thuật rời rạc chứ ít ai có thể giải thích nó như những pháp môn, con đường khác nhau cùng dẫn đến một mục đích chung. Một số đạo sư đã coi Bhagavad Gita chỉ là một bài trường thi ca tụng đấng Tối cao chứ ít ai chịu đào sâu những lời dạy trong đó để tìm ra những khía cạnh khác.

Việc giảng dạy các ẩn nghĩa của kinh sách này khiến danh tiếng Satyakam càng ngày càng lan xa. Hiển nhiên, điều này đã làm nhiều vị sư phụ về Yoga khác khó chịu và nhiều người đã tìm đến để đối chất, tranh luận hay thử thách anh. Tuy nhiên, nhờ khả năng đọc được tư tưởng người khác, Satyakam đã từ chối không chịu tiếp họ. Đôi khi, anh cũng khéo léo nhắc nhở họ về con đường mà họ đang đi cũng như những hậu quả mà họ sẽ phải gánh chịu. Anh thường khuyên: “Hãy ý thức rõ việc mình làm, vì bất cứ hành động nào cũng tạo ra những hậu quả tương xứng. Nhân quả là một quy luật tự nhiên có tính cách bất đi bất dịch, nghĩa là không bao giờ thay đổi trong không gian và thời gian. Nó không hề trừng phạt một cách độc đoán mà chỉ tạo ra một hậu quả không thể tránh, tương đương với nguyên nhân đã gây ra nó. Người đi trên đường đạo là người học hỏi các quy luật tự nhiên này rồi mang ra áp dụng một cách khôn khéo”.

Có lần, một tín đồ đã hỏi:

– Phải chăng đường đạo chỉ là một ý niệm mơ hồ trên lý thuyết?

Satyakam thong thả lắc đầu:

– Không. Đó là một con đường rõ rệt và rất thực tế, nhưng vì đa số đều bị dục vọng lôi cuốn nên không ý thức được nó mà thôi. Hãy thử tưởng tượng vũ trụ này là một ngọn núi rất cao và cuộc đời là con đường quanh co dẫn lên đỉnh núi. Trên đỉnh có một thánh điện nguy nga tượng trưng cho sự toàn thiện vì mục đích của cuộc đời là sự tiến hóa từ thấp lên cao, từ sự bất toàn đến tận thiện. Đa số con người đều lẩn quẩn trên con đường quanh núi, nhưng vì không biết trên đỉnh núi có thánh điện nên họ đi rất chậm, có khi dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Nói một cách khác, họ chưa hiểu rõ mục đích của cuộc đời. Người đi trên đường đạo là người biết rõ trên đỉnh núi có thánh điện nên thay vì thong thả, nhẩn nha một cách vô ý thức, họ cố gắng đi thật nhanh hoặc cố gắng vạch lối tìm một con đường khác. Dĩ nhiên, có những con đường ngắn hơn, người đi theo lối đó sẽ lên đỉnh núi mau hơn, nhưng nó cũng rất khó đi và có nhiều nguy hiểm hơn con đường thông thường. Đó chính là con đường đạo.

Một tín đồ khác lên tiếng:

– Vậy làm sao để đi trên con đường này một cách an toàn?

– Trước hết, người đó cần có một lý tưởng thanh cao, vì người có lý tưởng là người đã bắt đầu thức tỉnh, bớt tham lam ích kỷ và biết rõ hướng đi của mình. Nhờ biết chú tâm vào đích đến mà họ không bị ngoại cảnh chi phối và có thể đi trọn con đường. Nếu họ có lý tưởng phục vụ, giúp đỡ người khác thì mỗi hành động của họ sẽ là một bước tiến rõ rệt khiến họ có thể đi nhanh hơn người khác. Ngoài ra, người đi trên đường đạo nên giao thiệp, tiếp xúc với những người có cùng mục đích cao cả như mình. Sự giao thiệp với các bậc trí giả này sẽ giúp họ học hỏi thêm nhiều điều lợi ích. Để có thể đi một cách an toàn, hành giả còn cần phải biết áp dụng một số kỷ luật tự giác để tránh các cám dỗ, lầm lạc. Đặc tính chung của kỷ luật này là sự nghiêm khắc với chính mình và khoan dung với người khác.

Một tín đồ khác lên tiếng:

– Như vậy đường đạo và tôn giáo khác nhau thế nào? Satyakam mỉm cười giải thích:

– Tôn giáo là những quy luật về luân lý và niềm tin giúp ta định hướng và tiến bộ trên con đường đạo. Chúng ta nên hiểu tôn giáo theo nghĩa rộng, nghĩa là những gì có sức biến đổi, chuyển hóa tính chất của ta khiến ta trở nên trong sạch và có thể tiến gần đến chân lý hơn. Sống không tôn giáo là sống không nguyên tắc. Mà sống không nguyên tắc thì không khác gì một chiếc thuyền không có bánh lái, sẽ không thể đi đâu được. Không có sự hy sinh nào có thể gọi là quá đáng nếu sự hy sinh đó làm cho tôn giáo hiển hiện một cách mỹ mãn. Mục đích của tôn giáo là giúp mình tự tìm biết được mình, biết được đấng đã sáng tạo ra mình, và hiểu được mọi liên hệ xác thực giữa mình và đấng sáng tạo ra mình. Một khi chúng ta để mất nền tảng luân lý là chúng ta không còn tôn giáo nữa, vì tôn giáo không thể đảo ngược các quy luật luân lý được.

Một người khác lên tiếng:

– Như vậy những kinh sách có giá trị như thế nào?

– Kinh sách không thể vượt qua các quy luật của luân lý và chân lý. Mục đích của kinh sách là tinh luyện lý tính và làm sáng tỏ chân lý.

– Nhưng tại sao lại có quá nhiều tôn giáo như vậy?

– Sự thực là có bao nhiêu người là có bấy nhiêu tôn giáo, nhưng nếu tìm hiểu thật kỹ về các nguyên tắc căn bản thì tất cả mọi tôn giáo đều được xây dựng trên những quy tắc luân lý và đạo đức như nhau. Người nào đã đạt đến sự tận thiện của tôn giáo mình thì tất nhiên cũng đạt đến sự tận thiện của mọi tôn giáo khác vì muôn sông đều đổ vào biển cả. Chúng ta phải biết chấp nhận sự khác biệt của các tôn giáo, bởi lẽ không một người nào giống người nào, và vì còn bất toàn nên trong chúng ta, mỗi người chỉ thấy được từng mảnh rời rạc của chân lý và thấy ở nhiều góc cạnh khác nhau. Sự hiểu biết hay tin tưởng của chúng ta thường không hoàn toàn và chỉ có thể là những bản đồ chỉ dẫn cho chúng ta hành động, cư xử một cách tương đối thôi. Nếu ta bắt người khác phải tuân theo đường lối cư xử hay hành động của ta thì đó là một sự xâm phạm đến tự do ý thức của người khác.

Một tín đồ khác lên tiếng:

– Chúng ta phải gọi tên Thượng đế là Ishvvara, Brahma, Hari hay Ishtar?

– Thượng đế không thể định vị trong một tên gọi hay danh từ giới hạn. Trên đời này có bao nhiêu tên người là Thượng đế có từng đó tên. Do đó chúng ta nên nói rằng Thượng đế vốn không có tên (Vô Danh). Bởi lẽ Thượng đế có nhiều hình tướng nên chúng ta nên xem ngài như không có tướng (Vô Tướng). Bởi lẽ Thượng đế có nhiều cách nói nên chúng ta nên xem ngài như không nói (Vô Ngôn).

– Trong các khóa giảng, ngài thường đề cập đến vấn đề phải làm chủ vị giác và giới hạn việc ăn uống, nhưng trong các kinh sách đâu thấy nói gì đến vấn đề này?

Satyakam đáp:

– Có lẽ vì đây là một quy tắc khó thực hành nên các vị đại hiền triết xưa không nói đến nó chăng? Chúng ta nên xem vấn đề ăn uống tương tự như việc uống thuốc khi có bệnh, nghĩa là không nên để ý xem nó ngon hay không ngon, mà chỉ dùng vừa đủ cho nhu cầu nuôi dưỡng xác thân mà thôi, uống ít thuốc quá thì sẽ không có hiệu quả, hoặc nếu có hiệu quả thì cũng không đủ liều lượng để trị bệnh; còn ngược lại, uống thuốc nhiều quá thì sẽ có hại cho cơ thể. Tương tự, nếu vì ngon mà ăn nhiều thì có hại cho sức khỏe vô cùng. Chúng ta đều ăn để sống chứ không phải sống để ăn, nhưng ít ai ý thức rằng việc làm chủ vị giác sẽ đưa đến sự tự chủ – một đức tính căn bản của tất cả mọi pháp môn.

Mỗi ngày khi mặt trời vừa mọc, người ta đã kéo nhau đến ngôi đền Kali để tham dự các khóa lễ và nghe giảng về giáo nghĩa. Có những ngày sau cơn mưa lớn, lá cây bị gió thổi rụng đầy sân, Satyakam thường tự mình quét dọn. Một tín đồ thấy vậy đã hỏi:

– Tại sao một bậc Maharaj như ngài lại mất công làm những việc thấp kém như thế? Tại sao ngài không để cho người hầu làm?

Satyakam thản nhiên trả lời:

– Chẳng có việc gì trên thế gian này là thấp kém cả. Tất cả mọi việc đều có tầm quan trọng riêng của nó. Đừng gán cho công việc những giá trị này nọ mà quên rằng ta chỉ đạt đến chân lý bằng cách mở rộng trái tim và ý thức hành động của mình qua những công việc dường như thấp kém hay nhỏ nhặt thế này.

Một người khác lên tiếng:

– Thưa Maharaj, điều ông nói rất hay, nhưng làm sao để những người vẫn còn phải làm việc để mưu sinh có thể áp dụng nó trong cuộc sống?

Satyakam đáp:

– Hãy làm việc như thường, nhưng đừng làm việc như một kẻ nô lệ. Vấn đề ở đây không phải là công việc, mà là thái độ đối với công việc. Hầu như tất cả mọi người đều làm việc một cách không ý thức và rồi thấy chán chường, khổ ải. Tại sao việc mưu sinh lại đem đến kết quả thảm hại như vậy? Phải chăng ta đã làm vì nghĩ rằng việc phải làm như thế? Tại sao ta không thể làm những việc đó trong trạng thái tự do hay làm vì tình yêu thương?

Một người lên tiếng:

– Làm việc vì tình thương ư? Xin ngài hãy giải thích rõ hơn.

Satyakam gật đầu:

– Chữ “tình thương” rất khó hiểu. Tình thương không bao giờ có nếu ta không có tự do. Với những kẻ đang bị áp chế sẽ không có chỗ cho tình thương. Kẻ ấy sẽ làm việc như một nạn nhân chứ không bao giờ làm vì tình thương. Tương tự, nếu chúng ta làm việc một cách miễn cưỡng, thiếu vắng tình thương, thì công việc đó không thể là một công việc thực sự mà chỉ là gánh nặng, cho dù đó là việc ta làm cho những người thân như cha mẹ, vợ con, bạn bè hay cho chính bản thân ta.

Một người khác lại hỏi:

– Phải chăng Maharaj muốn nói rằng chúng tôi không biết thương yêu vợ con?

Satyakam nói:

– Nếu một người đàn ông thương yêu một người đàn bà và muốn cô ta thuộc về mình trọn vẹn, muốn cô ta luôn ở bên cạnh mình, ăn uống và hành động theo ý mình thì đó không phải là yêu thương mà là sự luyến ái bệnh hoạn của kẻ chiếm hữu nô lệ tưởng lầm là tình yêu đó thôi. Một thứ luyến ái như thế chắc chắn sẽ mang lại đau khổ. Tình thương chân thật không bao giờ có thể đem đến cho người ban rải nó sự đau khổ được. Nó chỉ mang lại sự sung mãn tràn đầy, niềm hạnh phúc, sự bình an mà thôi. Nếu không được như thế thì chắc chắn đó không phải là tình thương mà chỉ là một cái gì được người ta tưởng là tình thương đó thôi. Khi nào anh có thể yêu vợ con, họ hàng thân thuộc, hay trọn vẹn thế giới, yêu mà không hề đau khổ, ghen tuông, ao ước một cái gì cho mình hay đòi hỏi được đáp lại, thì anh mới có thể nói rằng anh yêu thương thật sự. Trong kinh Rig Veda, đức Krishna đã nói: “Này Arjuna, hãy nhìn Thượng đế. Nếu ngài chỉ ngừng hoạt động một giây thôi thì cả vũ trụ này sẽ tan rã. Ngài có lợi lạc gì trong việc đó đâu, thế tại sao Ngài lại phải làm như thế? Không phải vì Ngài yêu thương thế gian này hay sao?”. Thượng đế không đòi hỏi chúng ta điều gì cả vì ngài yêu thương chúng ta. Tình thương thật sự không thể nào có sự gắn bó, đòi hỏi hay mong cầu. Nơi nào có sự bám giữ, mong muốn hay đòi hỏi thì ở chỗ đó chỉ có sự đổi chác, mua bán trên phương diện vật chất. Nếu sự mua bán này không được như ý thì đau khổ phát sinh. Tình yêu thật sự không bao giờ căn cứ trên sự luyến ái vật chất vì những người thực sự yêu nhau, dù có xa cách chân trời góc biển, tình yêu đó cũng không bao giờ phai nhạt và không bao giờ gây đau khổ cho nhau.

– Nhưng trên đời này mấy ai có thể bình thản như thế? Satyakam gật đầu:

– Đúng thế, muốn có thái độ bình thản, chúng ta phải bỏ công tu tập, có khi bài học này kéo dài nhiều đời nhiều kiếp. Khi đã đạt được trạng thái đó, hay có thể yêu thương thật sự, chúng ta sẽ nghiệm ra được thế nào là tự do tuyệt đối. Lúc đó không còn những gì gắn bó, giam giữ hay lôi cuốn nữa! Khi ấy cái ách nô lệ từ trước đến nay vẫn đặt trên vai chúng ta sẽ tự nhiên biến mất, chúng ta sẽ không tùy thuộc vào sự việc và sẽ không lưu ý đến kết quả hành động của chúng ta nữa.

Một người khác phản đối:

– Nhưng đối với các con của tôi, dù yêu thương chúng, tôi cũng có quyền mong mỏi ở chúng một sự biết ơn chứ. Tôi đã hy sinh rất nhiều cho chúng kia mà.

Satyakam lắc đầu:

– Phải chăng anh vẫn còn mong muốn các con sẽ phải làm một cái gì đó để đền bù lại sự hy sinh của anh? Anh hãy nghĩ cho kỹ xem đó là tình thương hay là một sự mua bán, đổi chác được che giấu dưới các danh từ tốt đẹp? Tình thương chân thật là cho đi mà không đòi hỏi gì trở lại. Này anh bạn, nếu các con anh không đền đáp được điều anh mong mỏi thì anh sẽ ra sao? Phải chăng anh sẽ đau khổ vô cùng? Như thế có phải là tình thương không? Tình thương chân thật là cái có thể giải thoát ra khỏi mọi đau khổ, luyến ái chứ không thể gây đau khổ cho ta được. Việc của anh là nuôi dưỡng, dạy dỗ và thương yêu các con.

Còn việc chúng sẽ đối xử với anh ra sao không phải là điều anh cần lưu tâm. Dù muốn, anh cũng không thể bắt buộc chúng phải hành động như ý anh mong cầu. Cũng như thế, trong việc làm, dù làm cho cá nhân nào, công ty nào, thành phố nào hay quốc gia nào, anh cũng phải có thái độ tự do tương tự. Anh đừng bao giờ đòi hỏi được đền đáp, vì anh nên ý thức rằng anh chỉ là người ban rải tình thương mà thôi. Nếu điều anh cho đi là một tặng phẩm thuần túy không cầu được đáp đền thì công việc của anh sẽ thoải mái biết bao. Hãy suy nghĩ cho kỹ. Phải chăng chúng ta chỉ tha thiết với kết quả khi nào ta chờ đợi sự đền bù nào đó? Chính cái ước ao, mong cầu đó đã khiến ta trở thành nô lệ cho việc làm; tình trạng nô lệ này đã phá bỏ tự do sẵn có và mang lại khổ đau.

Ngưng lại giây lát cho mọi người suy nghĩ, Satyakam tiếp tục:

– Nếu các hoạt động nô lệ khiến chúng ta trở nên ích kỷ thì các hoạt động tự chủ sẽ đem lại cho ta sự an lạc và tự do. Chúng ta thường nói đến quyền hạn và công lý, nhưng trên thế giới hiện nay, những danh từ đó đều trống rỗng. Có hai động lực điều khiển đời sống con người: bạo lực và tình thương. Bạo lực là ích kỷ, là áp chế, vì ai cũng muốn lợi dụng triệt để quyền hạn của mình để làm những điều mình muốn mà không hề đếm xỉa gì đến người khác. Tình thương thì ngược lại: nó chỉ quan tâm đến người khác thôi vì người ban rải tình thương là người đã có tất cả, không mong cầu ao ước chi nữa. Chỉ những người thật sự có đời sống nội tâm phong phú mới có thể ban rải tình thương một cách vô tư cho những người khác. Một việc làm không thể thay đổi một người đã biết sống đời vị tha, như nước không thể làm ướt lá sen. Con người vị tha, không màng danh lợi, có thể sống giữa nơi bùn lầy nước đọng, tối tăm tội lỗi mà vẫn an nhiên vì tội lỗi không thể làm ô uế người đó được. Các ông đã quên câu chuyện trong cuốn Marabarata nói về trận đánh Kuruk Ashera rồi sao?

Truyện kể: “Sau trận đánh khốc liệt này, năm anh em nhà Padava mở tiệc ăn mừng và cho tổ chức một buổi lễ bố thí rất lớn[4]. Gia tộc Padava đã mang tất cả vàng bạc, châu báu trong kho ra chia đều cho những người nghèo khổ trong nước. Dân chúng xếp hàng để nhận lấy ngọc ngà châu báu mà gia tộc Padava ban phát trong suốt ba tháng liền. Ai ai cũng ca tụng lễ bố thí lớn chưa từng có này. Khi kỳ lễ vừa chấm dứt, một con chồn có bộ lông nửa xám nửa vàng rất kỳ lạ ở đâu đi đến. Nó đi vòng quanh bàn tiệc rồi nói: ‘Đây không phải là sự bố thí vĩ đại chưa từng thấy đâu!’ Một người trong gia tộc Padava nổi giận:

‘Mi nói sao? Đây không phải là một lễ bố thí lớn nhất ư? Mi có biết gia tộc Padava đã bỏ ra mấy vạn cỗ xe vàng xe bạc, cùng hàng trăm rương ngọc ngà châu báu để phát chẩn cho người nghèo không? Mi có biết số người trong nước sẽ sống no ấm, đầy đủ cơm áo trong mấy chục năm nữa nhờ lễ bố thí này không?’. Con chồn trả lời: ‘Cái đó chẳng có nghĩa gì cả. Để tôi kể cho các ông nghe về lễ bố thí vĩ đại: Tại một làng kia, có một gia đình gồm hai ông bà lão, người con trai và người con đâu. Họ sống nghèo nàn, đơn giản và dành nhiều thời giờ đọc các sách về đạo lý. Gặp lúc chiến tranh kéo dài, họ sống bữa đói bữa no, khổ sở muôn vàn nhưng không hề than van. Năm đó, vụ lúa vừa đến thì lại gặp bão lớn, mùa màng thất thu. Dân làng không có gì ăn, gia đình kia cũng phải nhịn đói hơn một tuần lễ. Sau cùng, họ đã bán tất cả mọi thứ trong nhà để đổi lấy một bát lúa. Ông lão nấu cơm rồi chia đều làm bốn phần cho mọi người trong gia đình. Khi họ sắp ăn cơm thì có tiếng gõ cửa rồi một vị tu sĩ Bà La Môn đến nhà khất thực. Là một tín đồ sùng kính, ông lão bèn nhường phần ăn của mình cho khách. Vị tăng ăn xong rồi nói:

‘Ông cho tôi ăn như vậy là giết tôi rồi. Suốt mười hôm nay tôi không có một hột cơm trong bụng, ăn một bát cơm nhỏ như vậy khiến tôi đói thêm’. Bà vợ nghe thế bèn cúng đường phần ăn của mình. Tu sĩ kia ăn xong vẫn còn thèm nên người con trai lấy phần của mình dâng cho vị tu sĩ. Ông này vẫn chưa no, ăn nốt luôn phần của người con đâu dâng cúng. Ăn xong, tu sĩ làm phép ban ơn huệ rồi bỏ đi. Đêm đó, cả gia đình kia đều chết đói. Lúc tôi đi kiếm ăn qua cửa nhà đó, tự nhiên một nửa bộ lông của tôi trở nên vàng chói sáng rực. Từ đó tôi đi khắp thế giới để tìm một sự hy sinh lớn lao như thế nữa mà không gặp. Không một nơi nào có thể làm cho phân nửa bộ lông màu xám của tôi trở nên vàng rực như phần kia. Thế mà các ông tự hào là đã bố thí rất nhiều, đã giúp đỡ rất nhiều rồi sao?”.

Satyakam kết luận:

– Thế giới ngày nay có đầy đủ mọi thứ, nhưng cũng đầy rẫy khổ đau. Cái mà nhân loại cần là tình thương và chỉ trong sự ban rải tình thương này, ta mới đạt được bình an, phúc lạc.

***

Thấm thoắt, Puram đã lên năm. Là một đứa bé thông minh, cậu chỉ cần cha mẹ dạy một lần là hiểu ngay. Hàng ngày, Puram theo mẹ trông nom các nghi lễ trong đền. Cậu bé ngồi im lặng tham dự các khóa lễ. Nhiều người thấy thằng bé dễ thương, muốn đến ôm thì Puram lảng tránh. Puram chỉ thích ngồi yên lặng một mình nên người ta thì thầm rằng hẳn cậu phải là một hành giả Yoga tái sinh. Cuối năm đó, Satyakam cho cử hành nghi lễ nhập môn để truyền dạy riêng cho con. Anh dạy con tập đọc, tập viết và tụng những bộ kinh phổ thông của Ấn giáo. Thỉnh thoảng, anh cũng cho con tham dự những buổi giảng về giáo nghĩa. Puram sáng dạ, lại hiếu học. Cậu bé luôn luôn tìm cơ hội học hỏi thêm nên trong các buổi giảng, cậu đặt những câu hỏi hoặc nêu vấn đề mà cậu còn thắc mắc. Mặc dù tuổi nhỏ nhưng những câu hỏi của Puram đặt ra đã làm nhiều người lớn tuổi phải ngạc nhiên và thán phục. Một hôm trong khóa giảng, Puram hỏi:

– Xin Maharaj nói rõ hơn về việc tu học và người ta cần học hỏi những gì?

Satyakam mỉm cười nhìn con:

– Con hãy lắng nghe đây. Tu học là học hỏi về các quy luật tự nhiên sẵn có trong vũ trụ. Các quy luật này được đặt ra với mục đích hướng dẫn con người tiến đến sự toàn thiện và an lạc. Không ai có thể đạt đến sự toàn thiện mà không thông suốt các định luật bất di dịch này. Theo quy luật tự nhiên, tất cả mọi sinh vật đều có cùng một nguồn gốc như nhau, vì cùng phát sinh từ một đấng Sáng tạo duy nhất. Do đó, vì lợi ích chung cho toàn thể và cũng vì hạnh phúc riêng cho mỗi cá nhân mà con người phải biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong tình anh em một nhà. Hãy lấy tình thương đối đãi với nhau. Đừng phân chia chủng tộc, màu da, nam nữ hay tôn giáo. Tình thương là mối đây liên kết các dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, quan niệm và tạo lập một nền tảng xã hội xây dựng trên căn bản tình thương.

Puram cúi đầu suy nghĩ rồi hỏi tiếp:

– Như vậy nền tảng của xã hội hiện nay là gì?

– Xã hội hiện nay đã suy thoái rất nhiều so với thời hoàng kim ngày trước. Hiện nay, nó đặt căn bản trên lòng ích kỷ dưới muôn vàn hình thức khác nhau, nhất là quyền lợi cá nhân. Người ích kỷ lúc nào cũng tỏ ra hung bạo, nghiệt ngã vì chỉ biết sống cho mình. Họ vừa là nô lệ, vừa là nạn nhân của tham vọng. Lúc nào họ cũng khao khát đủ thứ, thấy gì cũng muốn vơ vét, nhìn vật nào cũng muốn thu giữ để thỏa mãn lòng tham, bản năng, dục vọng và lòng kiêu hãnh. Vì quyền lợi cá nhân mà người này tranh giành với người kia, giai cấp này đối chọi với giai cấp khác, và sự tranh giành này chính là nguyên nhân của mọi sự bóc lột, lợi dụng, chia rẽ, xung đột, gây gổ, thù hận, hiềm khích. Khi các gia đình đều ích kỷ thì cả xã hội trở nên tồi tệ, đầy hận thù. Khi các dân tộc ích kỷ thì nước này sẽ chống đối nước kia, chủng tộc này chống chủng tộc nọ, rồi gây nên xung đột, chiến tranh.

– Thưa cha, như vậy không thể nào có tình thương ở trái đất này hay sao?

– Tình thương thường hiện diện nơi những tâm hồn biết hướng thượng, nhưng nó chưa ăn sâu trong lòng mọi người để có thể diệt trừ lòng ích kỷ, hay khiến con người biết tôn trọng lẫn nhau qua các mối giao thiệp giữa cá nhân, quốc gia hay xã hội. Mặc dù đã có những tổ chức từ thiện, xã hội được thành lập để thúc đẩy việc giúp đỡ lẫn nhau, nhưng người ta chỉ coi đó như lòng hảo tâm chứ chưa hẳn là tình thương thực sự.

– Như vậy tình thương phát sinh từ đâu?

– Tình thương phát sinh từ trong gia đình dưới hình thức tình thương yêu giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em. Trong không khí đầm ấm dịu dàng của gia đình, những đức tính tốt sẽ được nảy nở, vun bồi và mở đường cho cách xử thế cao thượng đẹp đẽ về sau. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội và gia đình là nền tảng của tình thương. Tuy nhiên, khi người ta phủ nhận cái căn bản gia đình đó mà chú trọng vào một tập đoàn hay một cá nhân thì cái căn bản của tình thương đã bị thay thế bằng những tham vọng hay ích kỷ cá nhân. Hậu quả là cả một xã hội sẽ dần suy thoái, tạo mầm mống cho sự đau khổ, thù hận, chiến tranh và bạo động.

– Theo cha thì con phải làm gì? Satyakam âu yếm nhìn con:

– Bằng cách làm gương tốt qua lời nói và hành động của mình, con hãy lo tu học, trau mình, sửa đổi, luyện tính ngay thẳng, tôn trọng sự công bình. Con cần hiểu rằng cách duy nhất để tiêu diệt sự tai hại của tính ích kỷ là sự thực hành tình thương yêu, không những cho những người thân của mình mà đến tất cả muôn loài chúng sinh.

Trong một buổi giảng khác, Puram đặt câu hỏi:

– Xin Maharaj nói rõ hơn về vũ trụ và các định luật của nó.

Mọi người đều kinh ngạc vì một câu hỏi trừu tượng như vậy thường chỉ phát xuất ở những người lớn tuổi. Satyakam thong thả giải thích:

– Này Puram, con hãy lắng nghe đây. Vũ trụ là biểu hiện của sự sống. Trong vũ trụ, không có sự sống nào mà không có vật chất và không có vật chất nào mà không có sự sống. Danh từ “vật chất” ở đây phải hiểu theo nghĩa rất rộng chứ không phải vật chất mà giác quan thông thường của chúng ta có thể nhận biết.

Puram suy nghĩ một lúc rồi hỏi:

– Như thế trước khi vũ trụ được tạo lập thì có những gì? Satyakam trả lời:

– Chỉ có tinh thần (spirit) hay hơi thở của Thượng đế và vật chất (material) nguyên thủy hay không gian. Vật chất nguyên thủy vốn bất động và không có hình dáng, nhưng nhờ sự sống nhập vào nó, truyền cho nó những đặc tính cần thiết mà nó trở nên sống động và có hình dáng, sắc tướng. Đó là sự Sáng tạo.

– Sự sáng tạo xảy ra như thế nào?

– Kinh sách của Ấn giáo nói đến sự hiện diện của huyền âm OM và chính âm thanh này đã tạo ra vạn vật. Âm thanh nhập vào vật chất làm cho vật chất rung động và sự rung động này chính là năng lượng của tạo hóa, sinh ra muôn loài.

Một tín đồ rụt rè lên tiếng:

– Vậy có cách nào chứng minh các năng lượng này không? Satyakam gật đầu:

– Khi người ta khảy chiếc đàn đặt trên một lớp cát mỏng, sự rung động của âm thanh sẽ làm cho lớp cát xáo trộn, xếp thành những đường, những góc cạnh và thành các hình kỷ hà[5]. Đức Krishna đã chẳng nói trong Bhagavad Gita rằng: “Thượng đế sáng tạo thế giới theo nguyên tắc kỷ hà” đấy sao? Chính sự rung động này đã tạo ra những vật thể, hình hài, sắc tướng và trải qua những thay đổi, sự sống tiếp tục hiện diện xuyên qua vô số hình hài, sắc tướng đó. Các hình hài, sắc tướng có thể thay đổi, sinh ra, trưởng thành rồi hủy hoại, nhưng sự sống vẫn trường tồn. Tóm lại, sự sống và sự chết, tăng trưởng và hư hoại, biểu hiện và lụi tàn, chỉ là những biến chuyển của sự sống xuyên qua vật chất. Nhờ sự chuyển biến ấy, các hình thể trở nên hoàn hảo và sự sống cũng nhờ đó mà trở nên mạnh mẽ, sinh động hơn. Ta có thể nói các sắc tướng là sự biểu lộ trạng thái sung mãn của sự sống tiềm ẩn bên trong. Đó là nguyên tắc của hai định luật trong vũ trụ: sự tăng trưởng, cải thiện để hoàn hảo hay Luật Tiến Hóa và sự thay đổi, hóa sinh trong vô số hình hài, sắc tướng hay Luật Luân Hồi. Nếu không có sự sống, vật chất bất động; với sự sống, vật chất sinh động. Dĩ nhiên lúc bắt đầu, sự sống còn thô sơ, lộn xộn chưa hoàn hảo, nhưng nhờ phát triển mà nó dần dần trở nên điều hòa. Ba yếu tố Tĩnh, Động và Điều Hòa là ba đặc tính (gounas) của vật chất. Mọi vật chất đều ở một trong ba trạng thái nói trên. Vũ trụ thay đổi dựa trên những định luật bất di dịch với một nguyên tắc chính: “Tất cả những gì phát sinh từ Thượng đế sẽ phải về với Thượng đế” và mục đích chính của kiếp người là làm sao để trở về với Thượng đế chứ không gì khác. Vũ trụ là một thể duy nhất, tương đồng, bao la và tràn đầy sự sống. Các hình hài, sắc tướng trong đó nhiều vô kể và dĩ nhiên khác nhau rất nhiều. Có thể nói rằng đó là hàng triệu tia sáng phát xuất từ một điểm linh quang tỏa lan ra khắp trời. Đó cũng là mật nghĩa của câu “vạn thù trong nhất thể”, “sai biệt trong đại đồng”.

Satyakam ngưng một lát như để Puram và mọi người suy nghĩ rồi tiếp tục:

– Khi không tin những định luật vũ trụ như luân hồi, nhân quả hay tiến hóa mà cho rằng đời người chỉ ngắn vỏn vẹn trong một kiếp sống, người ta sẽ không bao giờ hiểu được các vấn đề trọng đại như sự sống và sự chết. Cũng vì thế, nhiều người đã sợ hãi sự chết vì chết là hết, là chấm dứt tất cả, là một cơn ác mộng kéo dài, là những hình phạt ghê gớm. Hiển nhiên qua sự suy luận của lý trí, nhiều người đã phủ nhận những điều này cũng như họ đã phủ nhận Thượng đế. Họ sẽ không bao giờ có thể giải thích câu hỏi: “Con người sinh ra để làm gì?”. Tóm lại, vì tin rằng đời người chỉ có một kiếp thôi nên họ đã sống bừa bãi, chỉ lo hưởng thụ, chạy theo các dục vọng đê hèn, ích kỷ. Nhờ học hỏi các định luật vũ trụ mà chúng ta ý thức được sự thay đổi, tiến hóa của vạn vật, cũng như tính chất tạm thời khi một sự sống vô biên khoác lấy vỏ bọc của các yếu tố vật chất. Nếu xét trên khía cạnh vật chất, đời sống chỉ cho chúng ta một vài phút giây ngắn ngủi, nhưng khi đã biết nhìn nó qua khía cạnh tinh thần, ta sẽ thấy đời sống là một trường học giúp chúng ta rèn luyện phần tinh thần, đưa chúng ta hướng tới Chân, Thiện, Mỹ hay trở về với Thượng đế. Nhờ hiểu biết mà con người biết rằng họ phải tự phát triển và giúp đỡ những người khác. Khi đã chuyển hóa, thăng hoa lên bình diện cao cả đó, con người sẽ thấy rằng các suy luận, tính toán, bận rộn ngày trước vốn ích kỷ, cận hẹp biết bao, và nhờ thế các mối lo âu, buồn rầu sẽ bị thay thế bởi niềm an lạc, hạnh phúc vô biên. Nhờ hiểu biết mà ta có thể vượt qua các đám mây mù để quan sát sự vật một cách chính xác. Nhờ đã thay đổi tâm thức, biết nhìn từ trên cao xuống mà mọi việc hiện ra đúng với bản chất hơn và dĩ nhiên khác hẳn cách nhìn thiển cận của ta từ trước vốn chỉ quẩn quanh, chật hẹp. Nhờ biết như thế mà ta dần dần biết vứt bỏ cái bản ngã thấp hèn cùng các thành kiến, ảo tưởng, hay cái nhân sinh quan sai lạc trước kia để bước lên một bình diện cao thượng, tốt đẹp, công bình. Đời sống khi đó sẽ là một ân sủng vì khi đã tiến cao hơn, ta dễ thông cảm với mọi người và nhờ thế tình thương sẽ được khai mở rộng rãi.

Năm tháng trôi qua, Puram đã tiến bộ rất nhiều. Cậu đã thuộc lòng các bộ kinh phổ thông của Ấn giáo cũng như những câu chuyện nói về cuộc đời của các bậc thánh nhân. Cậu đọc rất nhiều và thường đặt những câu hỏi mà đôi khi cha mẹ cũng phải giật mình ngạc nhiên. Puram càng lớn càng thông minh, khiến Bhairavi không khỏi hãnh diện về con. Satyakam thường mỉm cười mỗi khi thấy Bhairavi khen con. Anh nhẹ nhàng nói:

– Này Bhairavi, Puram là một linh hồn đã tiến hóa rất cao. Nó có khả năng lựa chọn cha mẹ và đến với chúng ta với mục đích để học hỏi thêm mà thôi.

Bhairavi thẹn thùng:

– Em cũng biết thế nhưng là một người mẹ, em có quyền hãnh diện về đứa con của mình chứ!

Satyakam lắc đầu:

– Em đừng nên nghĩ rằng con thuộc về em vì em sinh ra con, mà chỉ nên nghĩ rằng em được giao phó nhiệm vụ trông nom, săn sóc con mà thôi. Một ngày kia, Puram sẽ rời xa em và đi trên đường riêng của nó. Em chớ quyến luyến rồi thất vọng.

Bất chợt Bhairavi nghiêm trang hỏi:

– Phần anh thì sao? Chắc chắn có ngày anh cũng sẽ ra đi vậy?

Satyakam thong thả gật đầu:

– Em nói đúng. Ta đã nghĩ đến ngày ta phải đi nốt quãng đường mà ta phải đi để hoàn tất nguyện vọng tối hậu của mình. Khi ta hoàn tất trách nhiệm trông nom săn sóc Puram, ta sẽ lên đường.

Bhairavi định nói gì rồi lại thôi, nhưng Satyakam đã đọc được tư tưởng đó:

– Em nghĩ đúng. Mỗi kiếp sống, mỗi chặng đi đều là một bài học quan trọng trên con đường phát triển và tiến hóa của mỗi người. Khi đã xong một bài học rồi thì phải tiếp tục lên đường để tiếp thu những bài học khác. Nếu cứ bám víu, quyến luyến thì chỉ tự mình ràng buộc lấy mình một cách không cần thiết mà thôi.

Bhairavi gật đầu thông cảm:

– Như vậy anh sẽ rời bỏ cõi trần này hay sao?

– Có lẽ ngày cuối đời của ta không còn bao xa nữa đâu. Bhairavi lặng ngắm khuôn mặt trang nghiêm của Satyakam một lúc rồi nói:

– Em không bao giờ nghĩ nó sẽ kết thúc như vậy, ít ra… Cô xúc động không nói tiếp được nữa, Satyakam âu yếm nhìn Bhairavi một lúc rồi thong thả nói:

– Trước sau gì ai cũng phải ra đi. Chúng ta đến cuộc đời này một mình thì khi ra đi cũng vậy thôi. Là người đi trên đường tinh thần, chúng ta đã biết rõ mục đích của cuộc đời là để học hỏi, trải nghiệm và biết tuân theo các quy luật tự nhiên. Luật tự nhiên đã định như thế thì cưỡng lại có ích gì đâu? Ta sẽ ra đi nhưng Puram sẽ trông nom săn sóc cho em. Ngoài ra, em sẽ trở về nương tựa với Mataji – sư mẫu của em nữa…

Bhairavi xúc động:

– Nhưng… nhưng tại sao anh chỉ lo cho sự giải thoát của anh mà không nghĩ đến sự giải thoát của em…

Satyakam nhẹ nhàng đưa tay vuốt tóc Bhairavi:

– Việc giải thoát của em sẽ đến thông qua Puram. Con sẽ đạt được mục đích và sẽ giúp đỡ em.

– Nhưng… tại sao anh không giúp được em? Satyakam im lặng một lúc rồi trả lời:

– Ta có thể làm được việc đó nhưng duyên nghiệp giữa ta và em không phải như vậy. Chúng ta đến với nhau để học hỏi, để tiến hóa, để trải nghiệm và hiện nay chúng ta đã hoàn tất việc đó. Duyên nợ giữa hai chúng ta sẽ chấm dứt thì chẳng nên ràng buộc thêm làm gì. Hẳn em biết rõ đây chỉ là sự chia tay trên phương diện vật chất mà thôi. Em hãy can đảm vì duyên nghiệp đã xong thì quyến luyến chỉ gây trở ngại cho việc tiến hóa của chúng ta.

Đêm hôm đó, Bhairavi đang ngủ bỗng thấy cánh cửa phòng mở tung rồi một luồng ánh sáng chiếu vào chói lọi. Trong luồng ánh sáng đó, cô thấy Mataji – sư mẫu của cô – xuất hiện. Bà đưa hai tay ra như chào đón. Cô mừng rỡ kêu lớn: “Mataji! Mataji!…” rồi giật mình thức dậy. Thì ra đó là một giấc mơ. Cô toan gọi Satyakam để kể cho anh nghe nhưng không thấy anh đâu cả. Bhairavi bước vội ra khỏi giường, chợt thấy Satyakam đang ngồi xếp bằng trên chiếc ghế kê gần cửa sổ. Anh mỉm cười:

– Phải đấy Bhairavi, sư mẫu của em đang gọi em đấy.

– Phải chăng đã đến lúc em phải trở về với sư mẫu của em?

– Đúng thế! Bà biết trước sự liên hệ giữa ta và em đã đến lúc chấm dứt nên gọi em trở về với bà.

– Sư mẫu biết rõ mọi việc.

– Bà muốn chúng ta đến Calcutta vào ngày trăng tròn sắp tới.

Ngày hôm sau, Satyakam triệu tập mọi người và tuyên bố rằng anh, Bhairavi và Puram sẽ rời Kadambini để đi gặp Mataji tại Calcutta và sẽ không trở về đây nữa. Nhân dịp này, anh cũng giảng dạy bài học cuối cùng: “Con người cần ý thức rõ rằng đời sống còn có một cái gì cao đẹp, mỹ lệ hơn là những tranh đua, tính toán, hơn thiệt, được thua. Trong vũ trụ lúc nào cũng vang rền những âm thanh cao đẹp, thánh thiện, nhưng vì con người quá mải mê đến những chuyện vẩn vơ, lo toan những điều này nọ, nên âm thanh đó chỉ lướt qua tai họ trong khoảnh khắc chứ không thấm nhuần vào tâm họ được. Khi nghe được âm thanh này, họ thấy nó hay, nó đẹp biết bao, nhưng họ lại bỏ qua vì còn mải lo toan những chuyện khác. Cũng như thế, con người đến các nơi thờ phượng tôn nghiêm, đọc các kinh sách thâm diệu và tự nhủ sẽ sống theo tinh thần đó, nhưng chỉ vài giây sau, khi họ quay qua bàn tán những đề tài thời sự hay những lo toan của cuộc đời, thì những tư tưởng thanh cao kia đều biến đi đâu mất hết. Đa số các tín đồ đều nghĩ rằng mình thực sự thiết tha với những lý tưởng cao đẹp, nhưng thực ra họ chỉ hiếu kỳ mà thôi. Họ đến với tôn giáo vì truyền thống sẵn có, vì thói quen hay vì đó là nơi họ cảm thấy thoải mái, chứ không thực sự ý thức gì về sự cao thượng và mục đích tôn giáo. Sở dĩ họ hành động như thế là vì họ thiếu niềm tin vào con đường mà họ muốn theo đuổi. Đa số dễ nản lòng, thoái chí và không có can đảm sửa bỏ các tập quán, thói quen của mình. Khi vừa gặp trở ngại đầu tiên, họ đã rụt rè chùn bước. Họ sợ người này chê cười, lo người kia chế nhạo, và rồi chỉ dám hành động theo dư luận, mặc dù trong tâm họ biết điều đó không chính đáng. Cũng vì thế mà số người đến tham dự các nghi lễ tôn giáo, các buổi giảng dạy về giáo lý tuy nhiều nhưng số người tiến bộ chẳng được bao nhiêu. Con người cần phải thay đổi nếp sống mơ hồ này nếu họ thực sự muốn tiến bộ. Mục đích của các buổi điểm đạo truyền pháp cho người nhập môn là tạo một con người mới với những tập quán hay thói quen mới, để biến đổi cả tâm lẫn trí người đó. Người có lý tưởng là người luôn giữ gìn mức định đó trong tâm, lúc nào cũng suy gẫm về điều mình theo đuổi, thấy rõ kết quả mà họ mong sẽ đạt được, và cương quyết đi trọn con đường. Họ phải biết tuân giữ những định luật bất biến trong vũ trụ và không bao giờ quên rằng chân hạnh phúc – một phần thưởng quý báu – chỉ đến sau khi họ đã vượt qua thử thách mà thôi.

Trong mọi truyền thống tôn giáo, sự biết mình là căn bản quan trọng nhất. Chính vì không biết mình mà nhiều người đã chạy theo những lời hứa hẹn đường mật, những trò bịp bợm. Sự tự biết mình đòi hỏi một công phu tu tập quán chiếu, để phản ánh trung thực các ý tưởng, các điều sâu kín ẩn náu trong nội tâm, chứ không phải điều mà người ta có thể tìm thấy trong sách vở, dù là sách gì chăng nữa. Nhờ đó, người ta sẽ đạt đến tâm trạng ‘minh triết trong tâm hồn’ và từ đó họ có thể vận dụng hợp lý các kiến thức thu tập được. Mọi truyền thống tôn giáo, dù cao siêu đến đâu, cũng quy về con người và những gì ta hiểu biết về chính ta. Nếu không tự biết mình, ta không thể biết cái gì khác được, có chăng chỉ là cảm giác tưởng mình đã biết. Sự liên quan giữa con người và Thượng đế đòi hỏi sự biết mình. Chỉ khi ta biết mình là ai, câu trả lời về Thượng đế sẽ đến một cách rõ ràng hơn bao giờ hết.

Hiện nay, đa số tôn giáo không còn giúp con người biết mình hay biết đến mối liên hệ giữa họ và Thượng đế nữa vì chúng đã bị thay đổi quá nhiều. Trước hết, một tôn giáo phát sinh qua một nhân vật đã giác ngộ hay được mặc khải. Người này thường giảng dạy những điều họ nhận biết cho một số người khác. Những người hiểu được điều này sẽ trở thành đệ tử của vị đó và giúp vị đó truyền bá tư tưởng khắp nơi. Đa số các giáo chủ đều có những sứ mệnh nhất định là truyền bá chân lý dưới một hình thức hợp tình, hợp lý, hợp cảnh và hợp thời. Tuy nhiên, họ không phải là một quyền năng riêng biệt mà chỉ là một công cụ của Thượng đế. Sứ mạng của họ là ban rải những hạt giống chân lý để chúng đơm hoa kết trái khắp nhân loại. Khi công việc hoàn tất, các đấng giáo chủ đó rời bỏ thế gian và sau đó, một tôn giáo được thành lập. Lịch sử cho thấy không một đấng giáo chủ chân chính nào lại lo thiết lập một tôn giáo khi các ngài còn sống cả. Các ngài đến với nhân loại để giảng dạy chân lý, chứ không phải thành lập một tổ chức hữu hình nào. Tổ chức chỉ được tín đồ dựng lên sau khi các ngài viên tịch mà thôi. Những người này kết hợp thành một đoàn thể để sống với chân lý đó và quảng bá chân lý đó đến những người khác.

Một tôn giáo thường rất cao đẹp trong một quãng thời gian nào đó sau khi vị sáng lập từ trần, nhưng rồi theo thời gian, nó thay đổi, sa sút và dần trở thành một mớ đức tin lộn xộn, kỳ bí, đượm màu mê tín dị đoan. Các giáo sĩ thường tranh giành quyền lợi, công kích lẫn nhau về điều mà đấng giáo chủ đã chỉ dạy. Họ đòi độc quyền diễn giảng các điều này dựa trên cách hiểu của riêng họ và ai cũng cho rằng chỉ mình mới đầy đủ thẩm quyền, chỉ mình mới có thể giải thích một cách chính xác những lời giảng dạy của đấng giáo chủ đó. Đa số các linh ảnh, các điều tiết lộ nguyên thủy của đấng giáo chủ bị xuyên tạc, thêm bớt, sửa đổi hoặc suy diễn sai lạc bởi các giáo sĩ dốt nát hay quá nhiệt tâm trong việc phát triển tổ chức. Từ đó, tinh hoa tôn giáo dần dần trở nên suy kiệt. Theo thời gian, nền tảng tôn giáo rạn nứt và phân tách ra hàng trăm, hàng ngàn tông phái khác nhau. Hiển nhiên chúng sẽ bị đào thải vì không một tôn giáo nào có thể trường tồn, chỉ có chân lý hay sự thật mới tồn tại đời đời mà thôi.

Tuy nhiên, con người vẫn cần có một tôn giáo. Nếu họ không thể chấp nhận một tôn giáo hiện hữu thì họ vẫn phải xây dựng một mối liên quan nào đó giữa mình và Thượng đế. Nhịp cầu thông cảm này phải là một thứ ‘tôn giáo có tính cách cá nhân’ được đặt ra để tạo mối liên lạc giữa con người và Thượng đế, chứ không nhất thiết phải là một tổ chức nào đó. Tổ chức là do con người, chứ không phải là Thượng đế, thiết lập ra. Thượng đế chỉ có thể tìm thấy tại những nơi sâu kín nhất trong lòng người, do đó sự biết mình luôn luôn là căn bản quan trọng nhất trong việc đi tìm Thượng đế. Tôn giáo phát sinh do lòng sùng kính chứ không phải là kết quả bàn cãi hay lý luận. Điều con người cần hiện nay là sự thờ phụng, tôn kính Thượng đế trong lòng chứ không phải lời kêu gọi ồn ào bên ngoài, hay qua một hình thức quảng cáo thánh thần nào đó. Muốn tôn thờ Thượng đế đúng cách, con người phải biết khiêm tốn, phải biết xem mình như một đứa trẻ ngây thơ trong vòng tay che chở bao la đầy tình thương của ngài. Khiêm tốn là bước đầu trên con đường này, vì chỉ có sự khiêm tốn mới đưa ta đến đức tin chân thật, và chỉ có đức tin chân thật mới hướng dẫn con người đến được nơi Thượng đế ngự trị. Khi con người kiểm soát được thân và tâm nghĩa là họ đã chuẩn bị được một nơi chốn linh thiêng cho Thượng đế ngự tri. Khi con người có nội tâm an tĩnh, sung mãn, nghĩa là họ có một đền đài cao đẹp cho ngài. Sự gìn giữ cho tâm yên lặng là khởi đầu của sự quên mình và chỉ trong sự quên mình, con người mới đến được với Thượng đế”.

Bài giảng cuối cùng của Satyakam được mọi người đón nhận nhiệt thành. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi biết vị hiền giả mà họ kính mến sẽ rời khỏi vùng đất này vào hôm sau.

Từ sáng sớm, dân làng đã xếp hàng quanh ngôi đền Kali để tiễn đưa Satyakam và Bhairavi. Hàng ngàn người cầm hoa đứng dọc hai bên đường từ làng Kadambini đến nhà ga xe lửa. Họ rải hoa đầy mặt đất và thốt lên những lời ca tụng thành kính nhất. Satyakam dắt Bhairavi và Puram thong thả bước đi, thỉnh thoảng họ lại giơ tay ban phước lành cho mọi người. Khi đến nhà ga xe lửa, đám đông vây kín quanh toa xe khiến nhân viên trật tự phải làm việc vất vả mới dọn được đường cho xe đi. Chiếc xe lửa kéo còi rồi từ từ chuyển bánh, để lại sau lưng một đám bụi mờ…


[4] Theo phong tục xứ Ấn, mỗi khi ăn mừng, người ta luôn tổ chức lễ bố thí, phát chẩn cho người nghèo. – ND

[5] Đường kỷ hà là những nét cơ bản gồm nét thẳng và nét cong. Hình kỷ hà là những hình được cấu tạo từ những nét cơ bản này mà phổ biến nhất là tròn, vuông và tam giác.

Bình luận