Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

12 Kỳ Án Trung Hoa

Tống Từ – Đặt Nền Tảng Pháp Y Học

Tác giả: Huyền Cơ

Đề cập đến các phán quan có trí tuệ sáng suốt, biết nhận định đúng sai thì trong thời kỳ Nam Tống, tức là sau thời kỳ Bao Công nổi danh trong thời kỳ Bắc Tống, phải nói đến một nhân vật còn cao siêu hơn nữa, đó là Tống Từ. Ông cũng giống như Bao Công, suốt đời giữ chức vụ chuyên về các vụ án, tập trung trí tuệ giải đáp được khá nhiều vụ án tưởng chừng như không có đầu mối nhưng hơn Bao Công ở chỗ đã đưa ra ý tưởng mới là dùng “Pháp y học” để bổ sung cho các lời khai còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ. Tống Từ sinh năm 1186, mất năm 1249, tức là sống và làm quan từ các đời Tống Quang Tông, Ninh Tông và Lý Tông. Ông tên tự là Huệ Phụ, quê ở Kiến Dương tỉnh Phúc Kiến. Khi ấy triều đình Nam Tống đã chạy về Đại Danh phủ, sau đổi thành Ứng Thiên phủ và lập kinh đô ở đó, gọi là Nam Kinh.

Đề cập đến các phán quan có trí tuệ sáng suốt, biết nhận định đúng sai thì trong thời kỳ Nam Tống, tức là sau thời kỳ Bao Công nổi danh trong thời kỳ Bắc Tống, phải nói đến một nhân vật còn cao siêu hơn nữa, đó là Tống Từ. Ông cũng giống như Bao Công, suốt đời giữ chức vụ chuyên về các vụ án, tập trung trí tuệ giải đáp được khá nhiều vụ án tưởng chừng như không có đầu mối nhưng hơn Bao Công ở chỗ đã đưa ra ý tưởng mới là dùng “Pháp y học” để bổ sung cho các lời khai còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ. Tống Từ sinh năm 1186, mất năm 1249, tức là sống và làm quan từ các đời Tống Quang Tông, Ninh Tông và Lý Tông. Ông tên tự là Huệ Phụ, quê ở Kiến Dương tỉnh Phúc Kiến. Khi ấy triều đình Nam Tống đã chạy về Đại Danh phủ, sau đổi thành Ứng Thiên phủ và lập kinh đô ở đó, gọi là Nam Kinh.

Tống Từ sinh ra trong một gia đình quyền quý, phụ thân làm quan lớn nên cuộc sống rất đầy đủ, được rèn tập kinh sách ngay từ khi còn nhỏ. Thế nhưng ông đã bộc lộ bản tính thông minh hiếu học, đặc biệt rất thích theo dõi các vụ án lớn. Khi lớn lên, Tống Từ thường hay bàn luận với bằng hữu về những cách thức điều tra vụ án sao cho hoàn hảo, đừng để người hiền lương bị mắc hàm oan. Tống Từ cũng có một thời gian theo học danh sĩ Ngô Trĩ, là đệ tử đắc ý của nhà học giả nổi tiếng Chu Hi đời Nam Tống. Vì vậy Tống Từ có rất nhiều cơ hội giao tiếp với các bậc học giả khác, kiến thức trở nên uyên bác hơn người.

Vào năm 20 tuổi, Tống Từ nhờ là con cháu quan lại nên được vào trường Thái học, nơi đây có đủ điều kiện và sách vở nên Tống Từ chuyên tâm vào việc học tập, không bao lâu sau đã nổi tiếng là người có kiến thức rộng rãi, không những vậy Tống Từ còn được rất nhiều người yêu thích nhờ vào tài văn chương ưu mỹ.

Riêng văn chương của Tống Từ không những ý tứ rõ ràng, bút pháp khoáng đạt mà còn biểu lộ một phong cách hào phóng khác người. Học giả Lưu Khắc Trang đã từng so sánh ông với nhà viết từ thuộc phái hào phóng là Tân Khí Tật. Với sự chuyên tâm học tập như thế, vào năm Gia Định thứ mười đời Nam Tống (năm 1217 đời Tống Ninh Tông Triệu Khuếch), Tống Từ dễ dàng thi đậu Tiến sĩ, được điều đi giữ chức Tri huyện Trường Định, bắt đầu bước vào quan trường.

Triều đại Nam Tống sắp bị diệt vong nên chính trị rất hắc ám, quan lại triều đình hủ bại, mặt trong thì tham quan hoành hành nhũng nhiễu dân chúng, mặt ngoài thì quân Kim và quân Nguyên luôn luôn tìm cách xâm lược, vì vậy thế nước hết sức suy nhược. Tống Từ không thuộc vào hàng các quan hủ bại đó, ông làm việc rất thanh liêm công đạo, tiếng tốt lan truyền khiến triều đình cũng phải biết tới và cất nhắc trọng dụng. Tống Từ đã từng giữ qua các chức Thông pháp Nam Kiếm châu, Đề Điểm hình ngục, Quảng Đông Kinh Lược An phủ sứ.

Trong cuộc đời làm quan, lâu nhất là lúc Tống Từ giữ chức quan ở Ty pháp hình ngục. Chính trong thời gian này ông đã viết bài “Minh” (là một thể văn khuyên răn) tên là “Tuyết oan cấm bạo” (Rửa nỗi oan ức, ngăn trừ việc bạo ngược) dán ở chỗ ngồi, lấy đó làm gương để xử lý án ngục cho cẩn thận, không dám sơ suất và cố tránh sai lầm để đừng bao giờ xảy ra việc người tốt bị xử oan. Muốn được như thế, bất cứ vụ án nào Tống Từ cũng xem xét án văn kỹ lưỡng, tìm mọi phương cách để phân biệt được đúng sai.

Một trước tác của Tống Từ đã đem lại luồng sinh khí mới cho phương pháp kiểm chứng các vụ án, đó là cuốn “Tẩy oan tập lục”. Đây là cuốn sách viết về “Pháp y học” ra đời sớm nhất trên thế giới. Nó được ấn hành vào năm Thuần Hựu thứ bảy đời Nam Tống (năm 1247) tức là trước cuốn sách đầu tiên về Pháp y học của Tây phương hơn bốn trăm năm mươi năm. Riêng ở Trung Hoa, từ sau triều Nam Tống, các quan hình án triều đại Nguyên, Minh, Thanh đều dùng cuốn “Tẩy oan tập lục” làm y cứ pháp điển trong việc xử lý những vụ án gây ra tử thương. Vì vậy hầu hết các vụ oan án được ghi chép lại đều tập trung nhiều ở các thời đại Minh và Thanh, do vì các quan lại hai triều đại này đã học tập được khá nhiều kiến thức từ cuốn “Tẩy oan tập lục” của Tống Từ. Như vậy có thể gọi ông là tôn sư của ngành “Pháp y học” Trung Hoa và các phán quan đời sau đều xưng tụng ông như vị phán quan bậc thầy. Cuốn “Tẩy oan tập lục” không những có uy tín ở Trung Hoa mãi cho đến thời cận đại mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các pháp quan các nước tham khảo.

Trong cuộc đời phụ trách về hình án của Tống Từ, ông trải qua khá nhiều vụ án ly kỳ thú vị, có những vụ tưởng như rất nhỏ như tranh chấp gia tài, ẩu đả vì một số tiền nhỏ hay tranh giành đứa con thừa tự v.v… cho đến những vụ án lớn giết người phi tang, ông đều chú tâm tìm chứng cứ và giải quyết thỏa đáng, không để bất cứ oan sai nào xảy ra.

Một lần khi còn là Tri huyện Trường Định, một người đàn bà họ Cao đến trình báo chồng mình bị giết chết, vất xác ra ngoài đồng. Tống Từ lập tức tới hiện trường khám nghiệm tử thi, ông khám phá ra rằng người đó bị chết bởi một vật rất sắc và hình dạng không thẳng bởi vết thương sâu ở hai bên mà hơi nông ở chính giữa. Nếu như một hung khí thẳng lưỡi dao hay lưỡi kiếm thì vết thương phải nông sâu bằng nhau. Tống Từ lại thấy trong người nạn nhân không hề mất một đồng xu nào thì nhận định đây không phải là ăn cướp giết người, nguyên nhân chắc chắn do thù oán. Tống Tri huyện liền gọi người đàn bà đưa đơn đến công đường thẩm vấn, hỏi:

– Chồng của ngươi có xích mích hay thù oán gì với ai không?

Người đàn bà khóc đáp:

– Bẩm đại nhân, gia đình tiểu dân suốt đời cày sâu cuốc bẩm, ông ấy tính tình lại hiền lành nhỏ nhẹ nên không hề có ai tức ghét hay thù hận, chẳng biết tại sao lại bị chết oan ức như thế.

Tống Từ liền nói:

– Bản quan đã điều tra kỹ rồi, quả nhiên nạn nhân họ Cao các ngươi rất chí thú làm ăn, biết an phận thủ thường, không tham lam dù rằng tiền bạc tích cóp không bao nhiêu, vì vậy chẳng thể có người thù hận đến mức giết người trả thù được. Thế nhưng, ngươi cứ suy nghĩ lại đi, chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một hành động khác lạ thì đã đủ cho bản quan tìm ra đầu mối ai là thủ phạm rồi.

Cao thị nghe vậy gạt nước mắt ngẫm nghĩ một lúc, chợt nhớ ra nên vội thưa ngay:

– Mấy ngày trước đây có người hàng xóm đến xin vay tiền. Lúc đó tiểu dân ở dưới bếp pha trà nên không biết mặt mũi, tên họ của người đó ra sao. Sau khi người này ra về rồi, chồng tiểu dân mới kể lại, tức giận cho biết vốn không thân quen mà người đó đòi mượn số tiền khá lớn nên ông nhà thẳng thừng từ chối. Đó là việc rất thường tình, thế nhưng người này ra về có vẻ rất hậm hực, trừng mắt nhìn chồng tiểu dân mấy lần rồi mới chịu ra khỏi cổng. Đây có thể là nghi phạm được không?

Tống Từ nghe vậy tươi tỉnh đáp:

– Được lắm chứ…

Rồi cho người đàn bà về. Ngày hôm sau Tống Từ truyền lệnh cho toàn bộ người trong phạm vi thôn ấy đem lưỡi liềm ra đồng gặt lúa giùm đại quan. Ai nấy đều ngạc nhiên bởi lúc đó là mùa hạ làm gì có lúa chín mà gặt hái nhưng lệnh quan đã truyền xuống không thể không tuân theo. Khi đến ruộng, tất cả còn ngạc nhiên hơn bởi không thấy đại quan Tri huyện đâu mà có một toán sai nha cầm vũ khí đứng chờ, lùa tất cả đến huyện đường.

Lấy lý do là không được mang vũ khí vào công đường, Tống Từ bắt tất cả để lưỡi liềm của mình ở trước sân, nơi có ánh sáng chiếu vào sáng sủa. Sau khi xong, Tống Từ chẳng hỏi đến ai, lững thững đi quanh cái sân chú ý xem xét từng lưỡi liềm một, không ai biết ý định của ông ra sao.

Tống Từ chợt ngừng bước, chỉ vào một cái liềm sáng bóng rồi hỏi:

– Đây là liềm của ai?

Một người họ Trương đứng ra nhận đó là lưỡi liềm của mình. Tống Từ nhìn mặt hắn thì quả nhiên là một kẻ hung dữ nên biết ngay suy đoán của mình đã đúng, lập tức thăng đường, truyền sai nha trói họ Trương lại, mắng lớn:

– Họ Trương kia! Tại sao ngươi giết người? Hãy khai rõ ra ngay.

Tên họ Trương giả vờ ngơ ngác nói:

– Bẩm đại nhân nói gì tiểu nhân không hiểu?

Tống Từ cười nhạt, nói:

– Ngươi đừng ngoan cố, giết chết họ Cao ra sao thì hãy khai ra đi, nếu không bản quan sẽ dụng hình thì đừng oán trách đấy nhé.

Thế nhưng hắn nhất định chối tội, còn nói rằng dù có tra khảo đến đâu cũng nhất quyết không thể nhận tội mà mình không hề phạm.

Tống Từ liền nói:

– Bản quan đã nắm được các chứng cứ ngươi là thủ phạm giết người. Nếu như bản quan dùng hình cụ thì chắc chắn trước sau ngươi cũng phải cúi đầu nhận tội. Thế nhưng ngươi là tên cứng đầu cứng cổ, bản quan không cần tới hình cụ làm gì, hãy nghe cho rõ đây rồi liệu mà thú tội đi.

Nói xong, Tống Từ ung dung giải thích:

– Bản quan đã cho người dò xét, biết rằng ngươi đang có mối làm ăn bất chính cần tới nhiều vốn. Có như vậy dù không thân thiết ngươi mới liều lĩnh đến nhà họ Cao xin vay tiền. Đó là chứng cứ thứ nhất. Ngươi hãy nhìn lại xem, lệnh đem lưỡi liềm ra ruộng rất bất ngờ, bây giờ lại không phải mùa gặt hái thì ai lại đi nhòm ngó tới lưỡi liềm của mình, đều cất một chỗ nên hầu hết đều có chỗ rỉ sét. Riêng lưỡi liềm của ngươi sáng bóng như vừa mới chùi thì đó là chứng cứ không thể chối cãi. Chỉ vì không vay được tiền mà ngươi giết họ Cao trả thù, thấy lưỡi liềm dính máu nên về nhà cố sức chùi cho sạch, khiến nó sáng bóng như vậy, còn chối cãi được không? Chẳng lẽ ngươi chùi liềm để định gặt lúa vào mùa này sao?

Họ Trương nghe vậy giật bắn người, thẫn thờ một hồi rồi cúi đầu xin nhận tội. Lúc đó mọi người mới nhận ra quan huyện họ Tống quả là kỳ tài về việc phá án, không cần tra tấn cũng thừa đủ lý lẽ bắt thủ phạm phải “tâm phục khẩu phục” mà nhận tội.

Còn khi Tống Từ giữ chức Quảng Đông Kinh lược An phủ sứ, lúc ông đang đi trên đường thì có một phụ nữ rất xinh đẹp tên là Kiều Châu phục ở giữa đường, hai tay dâng lá đơn khiếu oan. Tống Khâm sai dừng kiệu, tiếp nhận đơn xong, khi đến phủ đường thì liền sai người đem hồ sơ án mạng ra xem xét.

Nguyên ở thông Đại La có hai người ở gần nhau, một họ Lai nghèo khổ nhưng lại lấy được người vợ xinh đẹp tuyệt trần họ Chu tên Kiều Châu, chính là người đệ đơn khiếu tố; còn người kia họ Tiền tên Lợi Hanh, không có học hành nhưng chẳng hiểu làm sao mà giàu lên rất nhanh. Nhiều người đồn rằng Tiền Lợi Hanh trước kia là tên cướp nổi tiếng vùng Sơn Đông, có lẽ bị bại lộ tung tích, sợ bị quan quân bắt giam nên mới vượt đường xa đến Quảng Đông này thay tên đổi họ.

Hai người hai địa vị khác nhau nên không hề giao du qua lại, chỉ vài ba lần nhà họ Tiền có tiệc tùng thì gọi họ Lai đến giúp việc. Trong những lúc ấy mọi người đều lén chỉ trỏ, nói đùa với họ Lai:

– Cố làm việc mà nuôi vợ nhé. Thời bây giờ người ta coi trọng kim tiền, nếu không có tiền thì mất vợ như chơi.

Họ Lai hoàn toàn không để ý đến những lời chọc ghẹo này bởi vì đã quá hiểu tính của Kiều Châu. Nàng không những xinh đẹp mà còn xuất thân từ con nhà gia giáo, tính tình hết sức hiền thục. Nếu tính ra thì họ Lai không thể nào lấy được một người vợ đẹp như vậy nhưng phúc đức mấy đời để lại nên trước kia hai bên cha mẹ đã đính ước với nhau theo lối cổ hủ là “chỉ phúc kết hôn”, tức hứa hẹn cho hai đứa con được lấy nhau từ khi còn trong bụng mẹ.

Họ Chu cũng không giàu có gì, chỉ là học trò thanh bạch nên dạy dỗ con cái nên người, khi muốn tìm cách từ hôn thì Kiều Châu nhất định không chịu, nói với cha mẹ:

– Con người trọng nhất là chữ tín. Song thân đã dạy con sống trên đời phải luôn luôn đề cao chữ tín thì sao bây giờ lại “khinh bần phụ nghĩa”? Lai quân dù nghèo khổ nhưng là người nhân hậu, nếu kết hợp với chàng, vợ chồng cùng chí thú làm ăn thì chẳng giàu lên được sao?

Do vậy họ Chu đành phải theo ước hẹn gả Kiều Châu cho họ Lai. Tiền Đại Hanh mới đầu không chú ý lắm bởi trong nhà hắn đã có vợ chính thức và hai người thiếp cũng nổi tiếng một thời. Thế nhưng nghe nhiều rồi cũng thấm, Tiền Lợi Hanh lấy cớ sang gọi họ Lai giúp việc lén nhìn dung nhan của Kiều Châu. Khi thấy nàng quả là sắc nước hương trời, Lợi Hanh không cầm được lòng dâm, mấy lần đưa tặng quà quý giá để mua lòng. Tất cả đều bị Kiều Châu từ chối.

Thói đời rất lạ, con người đàn ông tất phải tham dâm, đó là tính trời, nếu như Lợi Hanh bỏ ra vài lạng bạc thì thiếu gì bọn kỷ nữ ca nhi ở chốn lầu xanh chạy theo chiều chuộng. Thế nhưng càng dễ dàng thì càng dễ chán, đến khi thấy Kiều Châu đức hạnh đoan trinh, hắn càng thèm muốn.

Nhân một lần họ Lai đi làm xa, Lợi Hanh bèn qua nhà, hết lời dụ dỗ ngon ngọt, sau đến hăm dọa là sẽ giết họ Lai, lúc ấy không còn gì cản trở sẽ tung tiền ra mua Kiều Châu bằng mọi giá. Nghe những lời thô tục bất nhã như vậy, Kiều Châu lớn tiếng mắng khiến Lợi Hanh vừa tức giận vừa nhục nhã, khi ra về còn ngoái lại đưa tay hăm dọa.

Với những dấu hiệu như thế, khi họ Lai chết, Kiều Châu đã nghĩ ngay đến là do Lợi Hanh bày mưu lập kế hãm hại chồng mình nhưng vốn tôn trọng pháp luật, nàng chờ đợi xem quan huyện và nha phủ sẽ xét án ra sao. Chẳng ngờ Tiền Lợi Hanh hết sức lợi hại, đã dùng tiền của đút lót không sót một chỗ nào nên từ huyện đường cho đến Án sát tỉnh cũng đều kết luận là họ Lai tức giận người vợ mà tự vẫn, con dao vấy máu còn cầm trên tay.

Tống Từ xem xét văn án rất kỹ, quả nhiên có nhiều người làm chứng, vật chứng nên việc xét án của hai vị quan huyện và phủ không sai. Thế nhưng ông nghĩ thầm: “Kiều Châu là người thông minh, lại hiểu rõ vương pháp, tiền của không có chẳng lẽ đâm đầu vào khiếu kiện cho tốn kém? Chắc chắn là phải có uẩn khúc”.

Khi đó vụ án chưa tới nửa tháng, xác chết chưa tan rữa nên Tống Từ lập tức cho khai quật khám nghiệm. Chỉ cần liếc sơ qua vết thương, Tống Từ đã nhận ra đây đúng là do dao đâm nhưng rất sâu, tức là lực đâm khá mạnh. Nhận định xong, Tống Từ xét kỹ từng chỗ nơi cơ thể nạn nhân, thấy sau lưng có một vết bầm nhỏ, nếu không chú ý thì khó phát hiện ra. Ông liền khám nghiệm tới bàn tay của nạn nhân, lúc đó đã chết cứng nên hình dạng tay nắm con dao vẫn còn nguyên. Tống Từ liền sai người về phủ lấy con dao tang vật ra, đưa vào lòng bàn tay của xác chết, thấy nó rất lỏng lẻo chứ không chặt nên gật gù đắc chí, hình như đã biết nguyên nhân sự việc.

Khi về tới phủ đường, Tống Khâm sai lập tức gọi Tri phủ ra hạch hỏi. Tri phủ đổ hết tội là do huyện quan lập văn án, mình sơ suất không xem kỹ nên mau lẹ phê chuẩn mà thôi. Tống Khâm sai không trách cứ gì nhưng hôm sau về huyện, thăng đường gọi Tiền Lợi Hanh đến. Tên này chẳng hề sợ hãi, nghênh ngang quỳ sân, hai mắt cứ liếc nhìn chung quanh, không cúi đầu sợ hãi như những tội phạm khác. Tống Khâm sai liền đập bàn quát lớn:

– Họ Tiền kia! Ngươi tưởng là người chết chôn rồi, văn án đã được phê chuẩn thì thoát tội hay sao? Hãy khai ra mau.

Tiền Lợi Hanh ung dung đáp:

– Tiểu nhân không dám! Tiểu nhân không hề giết người thì làm sao khai được? Vụ án đã được Tri huyện đại nhân xem xét cẩn thận, có vật chứng và nhân chứng thì sao đại nhân lại tự nhiên để lên đầu tiểu nhân. Nếu tiểu nhân là kẻ giết người thì ai làm chứng?

Tống Khâm sai cười gằn, nói:

– Ngươi thật gian trá! Bản quan chưa có bằng chứng thật nhưng nếu ngươi không tự khai ra thì sẽ bắt đầu tiến hành điều tra lại, do một viên quan khác điều động chứ không phải huyện quan. Do vậy ngươi đừng hòng dùng tiền bạc mua chuộc thay trắng đổi đen nữa.

Quả nhiên khi Tống Từ chỉ định một viên quan khác điều từ huyện lân cận tới thì sự việc điều tra rất thuận lợi. Theo lời khai trong văn án thì có một lần họ Lai đi xa về chợt thấy có chiếc trâm bằng vàng đính ngọc bích rất quý để trên giường của Kiều Châu. Họ Lai nghi ngờ hạch hỏi thì Kiều Châu nhất quyết chối là không hề có tư tình với ai, cũng không thân mật với ai đến mức được tặng cho cái trâm quý giá ấy. Đây là lần đầu tiên hai người to tiếng cãi nhau nên mấy nhà hàng xóm đều nghe rõ, đứng ra làm chứng. Mấy hôm sau Kiều Châu có việc về nhà cha mẹ, hôm sau mới về nhà thì họ Lai đã chết cứng, người gục trên bàn, tay còn cầm con dao đẫm máu. Quan huyện đã cho tra xét, thấy đúng có vết tay của họ Lai trên cán dao nên mới kết luận chết do tự tử. Do đã đút lót từ trước, vụ án kết thúc rất mau, đến khi trình lên quan phủ cũng được phê chuẩn cực kỳ nhanh gọn bởi không có thủ phạm mà tiền thì đầy túi.

Thế nhưng sau khi điều tra lại thì mọi việc mới sáng tỏ. Tiền Lợi Hanh đã xếp đặt từ trước, lén sai tên trộm họ Hà lẻn vào giấu cái trâm ngọc dưới gối khiến cho vợ chồng họ Lai hiểu lầm mà cãi nhau. Chờ khi Kiều Châu về nhà cha mẹ, cũng chính tên họ Hà ấy lẻn vào giết chết họ Lai. Nạn nhân bị đâm quá mạnh nên ngả ngửa người ra sau đập lưng vào chiếc ghế đổ nên mới có vết bầm tím như vậy. Sau đó tên hung đồ họ Hà đỡ xác họ Lai dậy cho ngồi trên ghế, gục người xuống bàn rồi lấy con dao hung khí nhét vào tay nạn nhân để bày ra thành vụ tự tử.

Tuy chưa bắt được hung thủ họ Hà vì hắn sau khi hành sự đã cao bay xa chạy nhưng từ những chi tiết về pháp y học ấy, Tống Từ cũng đã đủ chứng cứ, cuối cùng dùng tới hình cụ tra tấn thì Tiền Lợi Hanh phải khai ra bằng hết. Tống Từ liền giam Lợi Hanh vào ngục tử tù, phê chuẩn chờ ngày dẫn ra pháp trường; viết lệnh truy nã hung thủ họ Hà đưa đi các tỉnh lân cận; quan huyện bị cách chức tước cho về làm thường dân vì đã nhận hối lộ kết án sai lệch; riêng quan phủ được khoan hồng chỉ bị trách cứ, hạ lương bổng xuống một cấp. Đây là vụ án càng khiến cho Tống Từ xem Pháp y học là một chứng cứ quan trọng, nếu biết phối hợp với những lời khai tất sẽ tìm ra thủ phạm nhanh chóng.

Một lần khác, Tống Từ giữ chức Đề Hình ở Ứng Thiên phủ thì có một vụ án mà quan huyện lẫn quan tri phủ không biết làm sao khám phá, đành phải làm biên bản đưa lên cho Ty Đề Hình. Nguyên vụ án này bắt nguồn từ tính dâm đãng của đàn bà. Lúc ấy Tư Niệm Từ là một Nho sinh trẻ tuổi có chí học hành, bao nhiêu việc gia đình để mặc cho người vợ xinh đẹp là Khang Khang lo liệu. Khang Khang khi còn con gái đã liếc mắt đưa tình với một thương nhân cũng còn rất trẻ tên là Thân Minh. Vì Niệm Từ có cha mẹ giàu sang nên Khang Khang bị bắt phải lấy Niệm Từ. Cô gái này không cảm thấy thỏa mãn vì người chồng giàu ấy suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào kinh sử. Thậm chí sắp đến ngày thi, chàng ta bỏ đến một căn nhà tận cuối vườn để được yên tĩnh lo việc sách đèn, không ngó ngàng gì tới người vợ còn đang tuổi thanh xuân, rạo rực dâm tình.

Thân Minh chưa quên được người tình cũ, thấy vậy tìm cách lân la quen biết với gia đình họ Từ rồi rất thường đưa đến các món hàng tốt để mời chào, thật sự là nhân cơ hội tư thông với Khang Khang. Một lần kia có tiệc lớn hầu như cả nhà đi hết, Thân Minh sung sướng đến ngay nhà, cùng Khang Khang tha hồ vui thú. Chẳng ngờ hôm ấy tự nhiên Niệm Từ quên cuốn sách ở nhà trên, lên tìm xem thì bắt gặp quả tang đôi gian phu dâm phụ ấy đang cùng nhau vui đùa lõa lồ thân thể.

Hai người đàn ông xảy ra xô xát nhưng Niệm Từ chỉ là thư sinh chân yếu tay mềm nên không chống nổi với Thân Minh, bị hắn dồn vào tường. Ngay khi ấy Khang Khang chạy xuống bếp lấy con dao đưa cho Thân Minh, tên gian phu này liền đâm cho Niệm Từ một nhát, chết ngay tại chỗ.

Khi giết người rồi, gian phu dâm phụ mới thấy sợ hãi, bàn nhau phi tang. Hai người liền khiêng xác của Niệm Từ ra căn nhà nhỏ cuối vườn, lập hiện trường giả giống như Niệm Từ ngủ gục làm đổ đèn ra bàn, lửa gặp dầu bốc cháy, thiêu rụi căn nhà ấy. Khi huyện quan đến khám thì Niệm Từ hầu như đã cháy thành than, thân thể co quắp nên không sao khám nghiệm được điều gì mới lạ, đành phải theo lời khai của Khang Khang và Thân Minh ghi vào biên bản là sơ ý để lửa cháy nhà mà chết. Vợ chồng họ Từ về đến nhà, nghe nói Thân Minh cũng đến thì lập tức nghi ngờ, làm đơn tố cáo gian phu và con dâu câu kết giết chồng, đốt nhà phi tang.

Quan huyện cũng nghi ngờ như vậy nhưng không có bằng cứ nào đành phải cho qua, đưa hồ sơ vụ án lên cấp trên. Tri phủ cũng nhận định là Niệm Từ không may mà chết, kết thúc hồ sơ không truy cứu nữa.

Ông bà Từ lão quá đau xót vì đứa con trai chết oan, chẳng quản vất vả lên đến tận kinh thành dâng thư khiếu oan lên Ty Đề Hình. Tống Từ xem lại văn án thấy quả nhiên là không thể căn cứ vào đâu tìm ra thủ phạm vì mọi người đều khai là chính Thân Minh cùng Khang Khang đang xem các món đồ ở nhà trên, thấy ngọn lửa bốc cháy cao mới phát hiện ra, hai người đều kêu la cầu cứu. Thế nhưng khi hàng xóm đến nơi thì căn nhà đã cháy rụi, hoàn toàn không thể khép tội Khang Khang và Thân Minh được. Trong lòng Tống Từ cũng có ấn tượng là việc này có uẩn khúc, dựa theo sự điều tra riêng của ông thì đôi gian phu dâm phụ này đã quyến luyến với nhau từ khi chưa bước chân về nhà họ Từ. Do vậy việc âm mưu cùng nhau giết Niệm Từ cũng không thể dễ dàng bỏ qua. Vả chăng nếu sự việc đơn giản thì hai ông bà già yếu đâu phải vất vả như vậy. Sau nhiều ngày suy nghĩ không ra, Tống Đề Hình quyết định dùng đến “Pháp y học”, tức là phải khám nghiệm tử thi mới hy vọng tìm ra chứng cứ lật ngược bản kết luận về án mạng.

Với tinh thần trách nhiệm rất cao, không để oan sai xảy ra, Tống Đề Hình thân đến huyện mở quan tài ra khám nghiệm. Đối với một thi hài đã cháy đen thì bất cứ quan lại nào cũng bó tay, thế nhưng Tống Đề Hình không thể nhìn ra dấu vết ở phía ngoài thì liền tìm kiếm phía trong, ông dùng hai thanh tre cố cạy miệng tử thi ra quan sát. Khi đã xong, Tống Đề Hình liền sai quan huyện tổ chức thẩm xét vụ án, thăng đường rồi trước tiên dùng tâm lý áp đảo, chỉ mặt Khang Khang và Thân Minh quát lớn:

– Gian phu dâm phụ thật táo gan, dám giết chồng rồi đốt nhà phi tang. Bản ty đã về đến đây tức là đã nắm được bằng cớ, hãy khai ra mau.

Đôi gian phu dâm phụ nghĩ rằng Tống Đề Hình không phải thần thánh thì làm sao khám phá ra nổi, một mực kêu oan. Tống Từ phải dùng đến cực hình, tra khảo cả hai chết đi sống lại mà họ nhất định không nhận tội. Tống Đề Hình liền cho tạm ngưng vụ án, nghiêm mặt nói:

– Bản ty có thể đánh chết hai ngươi cũng không bị tội. Thế nhưng để các ngươi phải tâm phục khẩu phục, ngày mai bản ty sẽ thăng đường xét xử lần nữa. Lần này bản quan không đưa ra được bằng chứng xác thực thì sẽ thả hai ngươi ra, không truy cứu nữa.

Lời nói như đinh đóng cột ấy của Tống Đề Hình khiến cả huyện đều xôn xao bàn tán, sáng hôm sau mọi người kéo đến rất đông, đứng chật cả vòng trong vòng ngoài. Ai nấy nhìn thấy đống củi cao ngất để giữa sân đều khiếp sợ nghĩ thầm: “Có lẽ quan lớn chưa tìm ra chứng cứ nên dùng lửa để tra tấn chăng?”. Chẳng ai dám đoán quyết sự kết thúc sẽ như thế nào hồi hộp chờ Tống Đề Hình thăng đường.

Tống Từ lẳng lặng ngồi trên cao uống trà phong thái rất ung dung, sai quân bắt Khang Khang và Thân Minh quỳ hai bên chờ đợi. Một lúc sau quan lớn Đề Hình lại thét quân nổi lửa, chẳng mấy chốc đống củi trước sân đã hừng hực bốc cháy. Thế nhưng quan Đề Hình vẫn không ngó ngàng gì đến hai tội phạm, truyền quân sĩ đem hai con lợn đã mua sẵn từ hôm qua ra. Ông sai quân giết một con ngay tại chỗ, còn con kia để sống, trói bằng xích sắt rồi đưa cả hai vào đống lửa. Mọi người lại càng ngơ ngác chẳng hiểu tại sao quan lớn lại đi quay lợn ngay giữa công đường. Đến ngay bọn nha lại, quân sĩ cũng nhìn nhau mà không dám hỏi.

Tống Từ uống trà rất chậm rãi, chờ khi hai con lợn cháy thành than mới đặt chén trà xuống án thư, đứng lên dõng dạc nói:

– Đưa phạm nhân ra đây.

Sau đó ông sai quân sĩ khiêng hai con lợn cháy đen ra cho mọi người cùng coi. Quân sĩ dùng thanh tre cạy miệng con lợn đã bị giết trước rồi bẩm báo:

– Thuộc hạ không hề thấy chút tro than nào trong miệng.

Tống Từ gật đầu, sai cạy miệng con lợn thứ hai, vì còn sống nên con lợn này kêu la dữ dội, khi bị nóng thì hả miệng cố hớp lấy không khí vào phổi, do vậy khi chết rồi trong miệng đầy những tro than. Sau khi cho mọi người chứng kiến thực tế, Tống Đề Hình liền gọi Khang Khang và Thân Minh đến trước công đường, đập bàn thị uy rồi nói lớn:

– Các ngươi đã nhìn rõ chưa? Bản ty đã khám nghiệm tử thi của Niệm Từ rất chính xác, không hề có chút tro than nào trong miệng. Như vậy nạn nhân đã bị các ngươi giết chết rồi mới đưa đến căn nhà nhỏ phóng hỏa. Bây giờ còn chối được nữa không?

Với chứng cứ hiển nhiên ấy, Tống Từ không phải nói nhiều, lập tức đôi gian phu dâm phụ gục đầu nhận tội ngay. Thế là vụ án được kết liễu, là án mạng chứ không phải sơ ý chết người. Đôi gian phu dâm phụ ấy đều bị ông khép vào tội nặng, chém đầu giữa chợ.

Trong thời gian làm nhiệm vụ tra xét hình án, Tống Từ thường thân hành đến tận hiện trường để kiểm tra rất kỹ các dấu vết cũng như từng bộ phận của nạn nhân. Ông truyền đạt kinh nghiệm này cho các sai nha thuộc quyền là mỗi khi kiểm tra xác chết thì phải bắt đầu từ đỉnh đầu, tóc, tai, mũi, yết hầu rồi dần xuống ngực bụng và chân. Tống Từ cũng yêu cầu phải lật thân thể của nạn nhân lên để xem xét từ lưng tới gót chân xem có dấu vết hay ám khí gì không. Nếu nạn nhân chết vì treo cổ thì phải xem xét cẩn thận dấu vết sợi dây nơi cổ nạn nhân. Còn khi nạn nhân tự trầm mình thì nhất thiết phải quan sát các dấu chân trên bờ sông hay ao hồ để phát hiện những điều khác lạ và sau đó kiểm tra đến độ nông sâu của nơi tự trầm, trong bụng nạn nhân có nước hay không, đề phòng những hiện tượng ngụy tạo v.v…

Do sự cần mẫn tìm tòi và tính công minh sáng suốt nên càng ngày Tống Từ càng học được nhiều kinh nghiệm hơn, sau này vụ án khó đến đâu ông cũng nhanh chóng phá được. Nhân dân hết sức khen ngợi Tống Từ và thường tôn kính gọi bằng Tống Đề Hình chứ không gọi bằng tên tục. Trong số những vụ án mà Tống Từ xét xử, ông còn được người ta thật sự kính phục bởi tính cách làm cho thủ phạm phải “tâm phục khẩu phục”, chỉ khi nào đã có chứng cứ mà thủ phạm quá ngoan cố thì mới dùng tới khảo hình.

Mỗi vụ án ông đều xét xử có tình có lý chứ không dựa hoàn toàn vào luật lệ, cũng có khi xét tình mà khoan hồng nên được nhiều người khen ngợi. Điển hình là vụ án ở ngay phủ Ứng Thiên mà ông đang giữ chức Đề Hình.

Nguyên Triệu Quốc Hùng là học trò gia cảnh thuộc loại trung lưu ở huyện Thanh Hà phủ Ứng Thiên, nhiều năm cố công học hành nhưng số chẳng may chẳng đậu khoa thi nào, mãi cho đến khi đã già vẫn cắm cúi vào kinh sách để mong có ngày rạng rỡ tông môn. Triệu Quốc Hùng chỉ có một người con trai duy nhất, đặt tên là Quân Thụy. Trong khi họ Triệu vất vả với công danh thì người bạn từ nhỏ của ông là Vương Tuấn may mắn hơn, qua mấy lần thi cử đã đậu Tiến sĩ, vinh quy về làng chờ được triều đình bổ nhiệm đi làm quan. Vương Tuấn có một người con gái tên là Cúc Hương, sắc đẹp nổi tiếng trong vùng. Hai người là bạn nên đã cùng nhau đính ước chuyện hôn nhân cho con từ khi bọn chúng còn nhỏ tuổi.

Thế nhưng chưa được bao lâu trời làm lũ lụt khiến bao nhiêu tài sản ruộng vườn của nhà họ Triệu mất sạch trở thành nghèo khó. Thấy vậy Vương Tuấn ý muốn hủy bỏ hôn ước, toan nhận lời đám khác giàu sang môn đăng hộ đối hơn. Thế nhưng Cúc Hương là người được giáo huấn đầy đủ, nhất định không ưng chịu việc sai tình nghĩa này, không dám nói với cha nhưng không ít lần tâm sự với mẹ:

– Phụ thân là người có học vị, đã hiểu thế nào là đạo thánh hiền, đã nhận lời với họ Triệu sao bây giờ lại định hủy bỏ? Con không dám chê trách bậc đã sinh thành ra con nhưng làm như vậy không sợ người ta chê cười hay sao? Vả chăng giàu nghèo là chuyện thay đổi dễ dàng, chỉ có tình nghĩa mới gắn bó được vợ chồng, con nhất quyết không ưng chịu việc này đâu.

Mẹ vốn thương con, lập tức bàn chuyện làm sao cho thành đã rồi thì ông chồng không thể nhị tâm được nữa. Biết họ Triệu hiện nay không thể nào có tiền bạc đủ làm sính lễ, Vương thị nhân cơ hội Quân Thụy đến chơi gần đó thì lén sai người mang vàng bạc đến giao cho, dặn rằng đừng phung phí mà mau mau đưa sính lễ đến để tiến hành việc hôn nhân. Quân Thụy nhận được số vàng bạc ấy rất mừng bèn tới nhà người cô ruột mượn một số quần áo đẹp để chuẩn bị việc trăm năm cho cuộc đời của mình. Bà cô cũng có một đứa con trai trạc tuổi Quân Thụy tên là Triệu Du Xuyên nhưng tính tình ăn chơi phóng đãng, lại rất hung hãn, không chịu học hành. Vì nhà khá giả nên bà cô rất nuông chiều hắn, may mặc quần áo hết sức đẹp đẽ sang trọng, sau đó lại còn hỏi cưới một cô gái rất xinh đẹp ở huyện bên về làm vợ với ý đồ có người ngăn cản cho hắn bớt lêu lổng đi chút nào hay chút nấy.

Vì vậy khi cần đến y phục, Quân Thụy nhớ đến bà cô ngay, sợ bị hiểu lầm nên giải thích:

– Nhạc mẫu thấy nhà cháu nghèo khó, có đưa một số bạc để cháu làm sính lễ nhưng cô thừa biết là hiện nay đến một cái áo tốt cháu cũng chẳng có thì làm sao dám vác mặt tới nhà họ Vương? Cháu thấy biểu huynh có nhiều quần áo đẹp nên đến đây nhờ cô giúp cho mượn một cái. Sau khi xong việc sẽ trả lại.

Bà cô cũng mừng cho cháu, giữ lại đãi đằng cơm nước, đồng thời sai Du Xuyên chọn lấy một bộ thật đẹp đưa cho Quân Thụy mượn. Đã từ lâu Du Xuyên ngắm nghía nhan sắc của Cúc Hương, dù hắn mới cưới vợ nhưng dục vọng không phai đi tí nào, nay thấy có cơ hội thì nảy lòng xấu xa, tìm đủ mọi cớ để trì hoãn việc cho mượn quần áo. Quân Thụy là kẻ đi mượn, không tiện giục giã, đành phải ở nhà bà cô qua đêm, sáng mai lấy quần áo cũng chưa muộn.

Trong khi Quân Thụy ngồi chờ ở nhà thì Du Xuyên liền đến nhà họ Vương, tự xưng danh tính là Triệu Quân Thụy. Hai mẹ con Vương thị nghe có chàng rể đến thì rất mừng, lập tức ra chào hỏi, tiếp đãi rất lịch sự. Tiếc rằng Du Xuyên chơi bời lêu lỏng, không hề có học hành nên từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ đều thô lỗ xấc xược. Vương thị hết sức ngạc nhiên, nói nhỏ với Cúc Hương:

– Ta nghe đồn Quân Thụy là người anh tuấn, thông minh phong nhã, lại cố công đèn sách để sau này công thành danh toại. Chẳng ngờ đâu bây giờ gặp mặt mới biết không phải như thế. Con về làm vợ một người không ra gì thì làm sao ngẩng mặt với đời được?

Cúc Hương là người cương nghị, tuy nhận ra lời của mẹ rất đúng nhưng đã có hẹn ước thì dù là ăn mày hay côn đồ du đãng cũng đành phải chịu, không muốn mang tiếng bất nghĩa. Thấy vậy Vương thị đành thở dài chiều theo ý con. Lúc đó Vương Tuấn có việc phải vắng nhà, Vương thị liền mời Du Xuyên ở lại một đêm cho hai trẻ gặp nhau. Nhân lúc bà Vương ra ngoài, lại có chút men say, Du Xuyên liền bức bách Cúc Hương phải trao thân cho mình, nói:

– Trước sau gì chúng ta cũng thành vợ chồng, nay nếu có vui thú với nhau trước cũng không hại gì. Vả chăng anh nghĩ “ván đã đóng thuyền” thì không bao giờ nhạc phụ thất ước được nữa.

Cúc Hương cũng không muốn để cho phụ thân bội ước gả mình cho người khác nên xuôi lòng nghe theo. Thế là tên lưu manh đã lừa được tình. Đã vậy sáng hôm sau Vương thị còn gom góp được mấy chục lạng bạc, đưa cho Du Xuyên rồi nói:

– Ta biết nhà con hiện nay rất thiếu thốn, không có tiền lo liệu việc hôn nhân. Vì vậy hãy nhận số bạc này về nhà sắm sanh cho tươm tất. Nếu như đám cưới diễn ra tệ bạc quá thì con gái ta còn mặt mũi nào nữa.

Du Xuyên mừng quá nhận lấy ngay, hứa hươu hứa vượn rồi chào mà ra về. Thế là tên lưu manh này lừa gạt được cả tiền bạc lẫn tình dục. Hắn vui vẻ ra về sớm là cố ý không để Quân Thụy nóng ruột, nói dối rằng:

– Anh vừa đến nhà người bạn chơi, tiện thể lấy lại một bộ quần áo đẹp nhất đã cho hắn mượn. Tuy nhiên phải mai hắn mới trả được, vì thế hiền đệ cứ ở đây chơi thêm một ngày nữa rồi đến nhà nhạc gia cũng không sao.

Quân Thụy bất đắc dĩ phải nghe theo, trong lòng nóng như lửa đốt. Đến ngày thứ ba, quả nhiên Du Xuyên cầm quần áo đưa cho Quân Thụy mượn, còn cười nói chúc mừng:

– Lần này cưới được người vợ vừa đẹp vừa giàu, quả là phúc đức lắm đấy nhé.

Quân Thụy nghe lời nói ấy có vẻ mỉa mai chứ không chút thực tình nào nhưng đang lúc nóng lòng, chẳng để ý đến, lập tức thay quần áo đi ngay. Khi nghe gia nhân báo có Quân Thụy tới xin ra mắt, Vương thị hết sức ngạc nhiên, vừa ra đã hỏi ngay:

– Có thật là Quân Thụy đấy không? Nếu đúng thì hãy nói sơ qua về gia đình là ta biết ngay thật hay giả.

Quân Thụy rất ngạc nhiên nhưng lần đầu tiên gặp nhạc mẫu không muốn mất lòng nên nói rõ gia đình mình như thế nào. Thái độ và lời lẽ của Quân Thụy rất ung dung phong nhã, tỏ ra là người học rộng tài cao nên Vương thị giật mình nghĩ thầm:

– “Chết rồi! Đây mới đúng là con rể của ta. Lẽ đâu con cái nhà họ Triệu lại lỗ mãng như tên trước kia tự nhận. Ta đã nhận lầm quân lừa đảo lưu manh rồi, biết làm sao đây?”.

Quá bối rối, Vương thị liền vào nhà kể với Cúc Hương, sau đó nói:

– Chuyện đã dĩ lỡ, con cứ ra tiếp chuyện một chút để có thời gian rồi tìm cách đối phó sau. Cha con đi vắng nên không biết chuyện sai lầm này, nếu như chúng ta giữ kín thì Quân Thụy cũng không thể biết được, có thể vẫn tiến hành hôn nhân như đã định.

Cúc Hương ngồi trong màn khóc nho nhỏ, cũng bằng lòng cho Quân Thụy vào. Thấy chàng trai khôi ngô phong nhã, Cúc Hương càng thêm đau lòng, thổn thức hỏi:

– Tại sao chàng nhận tiền làm sính lễ mà đến ba ngày sau mới tới đây? Chẳng lẽ chàng coi thường việc gặp mặt nhạc phụ nhạc mẫu đến thế ư?

Quân Thụy không dám nói thật là phải đi mượn áo, xấu hổ trước mặt người vợ sắp cưới, đành nói dối:

– Ta bất ngờ bị bệnh nên mãi đến hôm nay khỏi mới đến đây được. Xin nàng tha lỗi.

Cúc Hương lại càng buồn hơn, nói nho nhỏ:

– Đúng là số mệnh của ta chẳng ra gì. Nếu như chàng đến trước đây ba ngày thì vừa được người nâng khăn sửa túi lại vừa được số tiền khá lớn để lo việc học hành. Chàng tới trễ chắc là do số kiếp chúng ta chẳng được gần nhau mà thôi, chàng nên về đi là hơn.

Quân Thụy hết sức ngạc nhiên lại có chút phẫn uất bởi chưa gặp mặt vợ sắp cưới đã bị đuổi về. Nghĩ rằng có lẽ nhà họ Vương biết thân phận mình nghèo khó nên muốn trở mặt, Quân Thụy liền hậm hực nói:

– Ba hôm trước nhạc mẫu đã đưa ta một số bạc thúc hối làm sính lễ, thế mà chỉ mấy ngày đã đổi khác thì thật là phi nghĩa. Theo ta dù nghèo hèn hay đói khổ đến đâu đã có một lời trăm năm hẹn ước thì nhất quyết không thay đổi được. Lệnh tôn lại là người có học vị, sắp ra làm quan lớn thì càng phải nên giữ gìn đạo đức thánh hiền, làm gương cho người dân. Muốn hối hôn ít nhất cũng phải thương thảo với ta vài lời chứ? Nếu lệnh tôn muốn lấy quyền thế để chê bỏ người nghèo thì ta quyết sẽ làm lớn chuyện.

Nói xong Quân Thụy hậm hực định bỏ ra về ngay nhưng từ sau màn có tiếng thổn thức càng ngày càng lớn nên đứng lại một chút, chợt thấy Cúc Hương thò bàn tay ngọc đưa ra một đôi vòng vàng, một đôi trâm vàng có đính trân châu, giọng nói hết sức nghẹn ngào:

– Việc này là do duyên số trời định không cho hai ta gần nhau. Chàng cũng không nên làm quá mà bị người ta chê bai là kẻ tham giàu sang, thích thưa kiện. Thiếp kiếp này không được ở với chàng thì có chút nữ trang xin tặng để chàng bán đi để lo việc ăn học, hẹn kiếp lai sinh sẽ cùng nhau hưởng phúc đến trăm năm đầu bạc, thỏa tình hẹn ước kiếp này.

Quân Thụy nghe những lời nói của Cúc Hương thì cũng cảm xúc nhưng thấy có điều lạ lùng nên hỏi lại:

– Tại sao nàng nói như vậy, ta hoàn toàn không hiểu gì hết. Nếu như nàng dùng số nữ trang ấy để đền bù cho việc hối hôn thì ta nhất quyết không nhận đâu.

Vẫn giọng nức nở như người sắp chết, Cúc Hương trả lời vọng ra:

– Thiếp là người hiểu biết đạo đức nhân nghĩa, đã hẹn ước với nhau lẽ nào lại từ hôn. Thế nhưng sự việc không thể nói ra hết được, chàng cứ cầm lấy số nữ trang đi, sau này sẽ biết mà thôi. Thiếp sắp phải đi đây.

Quân Thụy càng thêm kinh ngạc, cầm số nữ trang đó bước lên nhà trên mà trong lòng bấn loạn, suy nghĩ mãi không hiểu đầu đuôi ra sao, bất giác ngồi xuống cái ghế gần đó, thừ người ra như kẻ mất hồn. Chưa được bao lâu, Quân Thụy bừng tỉnh dậy vì có nhiều tiếng người kêu gọi gào khóc vang dậy cả nhà. Tiếng chân người chạy rầm rập, mặt mày ai nấy hốt hoảng khiến Quân Thụy cũng không ngồi yên được nữa, chận một gia nhân lại hỏi thăm thì mới biết Cúc Hương tiểu thư đã treo cổ tự tận rồi.

Quân Thụy liền chạy vào phòng Cúc Hương thì lúc đó Vương bà đang ngồi sụp xuống đất ôm xác con mà gào khóc thê thảm khiến Quân Thụy bất giác cũng khóc theo. Được một lát, nhìn thấy Quân Thụy, Vương bà cố nén đau thương, nói:

– Sao không đi ngay đi, còn ở đây sẽ gặp nhiều nguy hiểm đấy!

Tuy Quân Thụy thực sự chưa biết tại sao lại nguy hiểm nhưng nghe nhạc mẫu tương lai giục giã thì lập tức đi ngay, bao nhiêu sự việc lạ lùng và đau thương khiến chàng giống như kẻ mất hết hồn vía. Khi về tới nhà bà cô, Quân Thụy mới hơi tỉnh táo kể lại mọi chuyện vừa chứng kiến, đồng thời trả quần áo cho Du Xuyên. Thoạt đầu bà cô nghe Quân Thụy kể không đầu không đuôi thì không hiểu chút gì nhưng sau đó nghĩ lại thì biết ngay đứa con hư đốn của mình đã giở trò lường gạt rồi. Nghĩ tới sự việc sẽ vỡ lở, chắc chắn họ Vương sẽ tố cáo Du Xuyên làm việc bậy bạ khiến một tiểu thư chết oan thì bà cô kinh hoảng đến mức ngã ra bất tỉnh, sau đó thành bệnh, cứ suốt ngày kêu rú đau đớn giống như đang bị ai tra tấn, hơn tuần sau thì qua đời.

Trước khi nhắm mắt, bà cô còn kịp gọi con dâu là Dung Dung đến kể lại đầu đuôi, khuyên nên tránh xa Du Xuyên kẻo rồi trước sau cũng mất mạng oan uổng như tiểu thư Cúc Hương mà thôi. Dung Dung là một cô gái xinh đẹp và hiền lương nhưng khi nghe chuyện tồi bại của chồng mình cũng không sao nhịn được, nhân lúc hắn có mặt ở nhà thì liền mắng chửi:

– Ngươi không phải là người mà là dã thú mất hết nhân tính. Tội ác của ngươi trời không tha đất không dung. Ta làm sao chung sống với kẻ vô nhân tính như vậy được, bây giờ hãy xa nhau là hơn.

Du Xuyên không giận, cười cợt trả lời:

– Thế ra nàng muốn bỏ chồng phải không? Ta nói cho biết trước, ta có rất nhiều vàng bạc, nếu nàng ở lại thì được ăn ngon mặc đẹp. Bằng như nàng nhất quyết bỏ ta thì ta đây cũng chả cần, với số vàng bạc này ta tha hồ ăn chơi ở chốn lầu xanh, có biết bao gái đẹp chạy theo ta.

Dung Dung càng thêm ghê tởm người chồng thú vật này, cương quyết đòi ly hôn ngay ngày hôm ấy. Du Xuyên cũng không thèm thuyết phục, lập tức lấy giấy bút ra viết lằng ngoằng mấy chữ như gà bới chấp nhận cho vợ mình được về với cha mẹ. Không bị ai ràng buộc, khi mẹ chết rồi, Du Xuyên càng ăn chơi ngông cuồng táo tợn hơn nữa, không hề hối hận chút nào về cái chết oan uổng của Cúc Hương cùng với sự đau khổ của người em họ Quân Thụy.

Sau khi chôn cất tiểu thư Cúc Hương xong xuôi thì Vương Tuấn mới về đến nhà. Ông ta rất đau khổ vì đứa con gái xinh đẹp qua đời bất ngờ, gặng hỏi nguyên do thì Vương thị không dám nói thật, trả lời hàm hồ:

– Con rể họ Triệu đến nhà xin bàn việc cưới xin. Cúc Hương nhìn thấy Quân Thụy ăn mặc rách rưới nghèo hèn thì rất tức giận, tự biết trước sau gì cũng phải về làm dâu nhà họ Triệu, uất ức quá mà tự treo cổ chết. Không có gì liên quan đến nhà họ Triệu cả.

Vương Tuấn không tin, nói:

– Ta đang muốn từ hôn gả cho người khác môn đăng hộ đối hơn nhưng con a đầu này nhất định không chịu, bây giờ chẳng lẽ chỉ vì Quân Thụy ăn mặc lôi thôi nghèo nàn mà đi tự vẫn hay sao? Chắc chắn tên họ Triệu ấy đã nói gì đó khiến con gái ta uất ức đến nỗi không tiếc cả mạng sống. Theo luật thì vẫn có thể thưa kiện hắn về tội cố ý làm tổn thương người khác. Tuy không giết hắn được nhưng ít ra cũng phải làm cho họ Triệu biết mặt.

Vương thị cố can ngăn nhưng mấy ngày sau Vương Tuấn lại biết việc Quân Thụy (giả) lén vào phòng con mình thì không còn giữ được bình tĩnh nữa, hậm hực nói:

– Thảo nào con gái ta phải tự vẫn. Ta đã nghi ngờ là có lý do gì đó rất trọng đại nên nó mới uất ức đến thế. Đã vậy ta không thể để cho tên khốn khiếp ấy sống được nữa.

Nói xong Vương Tuấn lập tức viết đơn đưa lên quan huyện. Vốn là người có học vị, lại sắp được bổ ra làm quan lớn nên quan huyện rất nể nang, chẳng cần xét hỏi gì cứ theo đơn mà kết án Quân Thụy cưỡng dâm con gái nhà lành khiến uất ức mà tự vẫn chết. Theo luật thì tội ấy phải đền mạng, đáng ra phải xét xử kỹ lưỡng, thế nhưng quan huyện lập tức bắt giam Quân Thụy, làm văn án rồi đưa thẳng lên phủ xin phê chuẩn. Quan phủ Ứng Thiên cũng là bạn của Vương Tuấn, đọc thấy là tội cưỡng dâm thì rất ghét, lập tức phê vào đơn chấp thuận, giam vào ngục tử tội chờ đến mùa thu sẽ hành quyết.

Án đã được phê duyệt nên gia đình họ Triệu cố hết sức chạy vạy kêu oan mà không nơi nào chấp đơn, đành phải than trời trách đất mà thôi. Đã vậy Vương Tiến sĩ nóng ruột muốn thấy Quân Thụy phải chết ngay mới hả lòng nên chưa đến mùa thu vẫn tìm người quen biết tiến dẫn đến thăm Tống Đề Hình, khẩn khoản xin đặc cách hành hình Quân Thụy để tế vong hồn cho Cúc Hương. Tống Từ là người làm việc cẩn thận, nghe Vương Tiến sĩ đề nghị như vậy liền thong thả đáp:

– Học trò mất hết lương tri đi cưỡng dâm con gái nhà người thì có chết trăm lần cũng chưa đáng tội. Thế nhưng tôi chưa được đọc quan văn án nên không thể trả lời ngay, xin ông chờ cho vài ngày đã.

Sau đó nhân lúc rảnh rỗi, Tống Từ liền sai người đến phủ lấy hồ sơ vụ án xem xét. Ông đọc qua thì thấy quả nhiên không có gì sai trái, duy nhất chỉ có một điều là Quân Thụy không ký tên vào văn án, tất cả đều do quan huyện và quan phủ quyết định. Theo đúng thủ tục thì như vậy hồ sơ chưa đầy đủ nên Tống Từ đã có chút phân vân.

Trong khi đó Vương Tuấn về nhà, khoan khái nói với vợ là lần này chắc chắn Quân Thụy sẽ không sống được mấy ngày nữa đâu. Vương thị thoáng giật mình, ấp úng nói với chồng:

– Ngày mai có khách khứa đến nhiều, thế mà tôi phải có việc về nhà cha mẹ, ông tìm thêm gia nhân để giúp việc vậy nhé.

Vương Tuấn không nghi ngờ chút nào, gật đầu nói cứ để đó mặc ông ta lo liệu việc tiếp khách. Thật ra sáng hôm sau Vương thị cấp tốc lên Ty Đề Hình, xin gặp mặt Tống Từ. Nghe quân báo là vợ của Vương Tiến sĩ, Tống Từ hết sức ngạc nhiên, vội thu xếp công việc tiếp đón bà ta ngay. Hóa ra Vương thị khẩn khoản xin Tống Từ giúp mình xem lại bản án, nếu không lật được thì cũng cố đừng giết Quân Thụy. Sau khi Vương thị về rồi, Tống Từ ngồi trầm ngâm suy nghĩ: “Vợ chồng không đồng lòng, người muốn giết cho mau, kẻ xin tha thì thật mâu thuẫn. Chắc chắn vụ án này còn nhiều uẩn khúc, cần phải đích thân thẩm tra mới xong”.

Vì vậy mấy hôm sau Tống Đề Hình sai người giải Quân Thụy đến công đường của Ty, trực tiếp thẩm vấn. Quân Thụy đã có nghe danh tiếng Tống Đề Hình xử án như thần liền thành thực kể lại đầu đuôi, còn nguyên do như thế nào thì thú nhận là hoàn toàn không biết. Tống Từ nghe xong. Suy xét những chỗ mâu thuẫn, chợt hỏi:

– Ta nghe nói tiểu thư trách ngươi đến chậm ba ngày nên mất cả vợ lẫn gia tài. Điều này hết sức quan trọng, tại sao ngươi lại đến chậm?

Đây là chuyện rất xấu hổ đối với một người biết tự trọng như Quân Thụy nhưng đã đến nước này không thể giấu được nữa, chàng liền kể cho Tống Đề Hình nghe về việc đến nhà bà cô mượn quần áo của người anh họ là Triệu Du Xuyên. Thoáng nghe vậy Tống Từ đã hiểu được phần nào, cho Quân Thụy về nhà ngục, suy tính việc lật mặt nạ của Du Xuyên.

Tống Từ nghĩ ra một kế rất thần diệu, ngày hôm sau lấy số vải quý trong kho ra, giả làm thương buôn đến nhà Du Xuyên khoe số hàng ấy, huênh hoang là mới mua được ở nơi biên giới, không nơi nào trong nước sản xuất nổi loại vải đẹp như thế. Ông còn nói rằng nếu bán số vải này đi thì có thể lời một gấp năm, sáu. Lúc đó Du Xuyên đang cầm số vàng bạc tư trang mà Vương thị gom góp toàn bộ trong nhà đưa cho hắn nên cũng muốn sinh lời, năn nỉ xin mua lại số vải quý ấy. Tống Từ đã có ý định sẵn, đưa giá thật cao rồi còn nói khích:

– Tôi nghĩ là quan nhân đây không thể có số tiền lớn như vậy được, nếu ưa thích thì chỉ nên mua vài ba tấm mà thôi. Lời tuy ít đi nhưng vừa với số vốn mà mình sẵn có, không phải chạy vạy vay mượn của ai.

Du Xuyên sẵn tính háo thắng, xấc láo đáp:

– Ai cũng tưởng ta không giàu có, thật ra có thể mua nhiều hơn số vải của người cũng chưa hết tiền đâu.

Thật sự là Du Xuyên phải dốc hết tiền bạc trong nhà lẫn số tư trang của họ Vương ra mới mua được số vải mà Tống Từ đem tới. Tống Từ nhận số tiền và tư trang ấy, về tới phủ liền gọi Vương Tiến sĩ đến, cho xem số tư trang rồi hỏi:

– Ông có nhận ra tư trang này là của ai không?

Vương Tiến sĩ lập tức trả lời:

– Đây là những tư trang mà tôi sắm cho ái nữ Cúc Hương, trong đó cũng có vài vật là của vợ tôi. Sao đại nhân lại có trong tay vậy?

Tống Từ liền kể lại việc Quân Thụy phải đi mượn áo rốt cuộc bị tên lưu manh Du Xuyên đến gia trang họ Vương giở trò lừa gạt cả tình lẫn tiền bạc. Ông trách Vương Tiến sĩ:

– Việc này cho thấy làm quan xử án không phải đơn giản. Nếu cứ theo văn án mà xuống lệnh thi hành thì có biết bao người bị oan ức.

Vương Tiến sĩ cúi đầu tạ lỗi rồi xin Tống Đề Hình mau mau xét xử lại để tìm đúng thủ phạm báo thù cho con gái mình. Tống Đề Hình sửa soạn xong giấy tờ, lập tức thăng đường gọi Du Xuyên tới. Ông không cần phải tra khảo hay hỏi lôi thôi gì cả, Du Xuyên vừa nhận ra vị phán quan ngồi uy nghiêm trước mặt mình chính là người bán vải hôm trước thì mau chóng nhận tội ngay.

Tống Từ là người nhân đức nhưng nghe Du Xuyên kể hết mọi chuyện thất đức dâm ô của mình thì không khỏi tức giận, truyền lệnh:

– Việc kết án ngươi sẽ tính sau. Con người vô lương tâm vô nhân tính xấu xa như ngươi phải được trừng trị thích đáng mới được. Người đâu! Đánh cho hắn một trăm trượng thị uy cho ta.

Đến bọn quân sĩ nghe việc cũng căm hận nên đè Du Xuyên xuống, đánh thẳng tay tận lực. Do vậy Du Xuyên không sao chịu nổi, chưa hết số trượng phạt thì đã gục chết tại công đường.

Vương Tuấn thấy vậy vẫn chưa bằng lòng, nói:

– Mẹ già hắn không biết dạy con, để hắn trở thành tội nhân của cả xã hội, đáng ra là cũng phải bị trừng phạt. Thế nhưng Triệu thị đã chết thì không nhắc đến nữa, còn vợ hắn cũng phải chịu tội chung với chồng thì tôi mới hả được tức hận mất đứa con yêu quý.

Tống Từ có ý ngược lại, cho rằng ai gây ra tội thì phải đền mà thôi, dù là vợ nhưng không liên can hay xúi giục chồng thì không thể bắt tội họ được. Vương Tuấn hết sức kêu nài nên cuối cùng Tống Từ đành phải gọi Dung Dung đến công đường hạch hỏi xem có gì liên quan đến không. Lúc đó Dung Dung mới đưa giấy bỏ vợ do chính tay Du Xuyên viết ra làm bằng chứng, xác nhận là mình không liên quan gì đến âm mưu lừa gạt của chồng, cũng không hề giữ một chút tiền bạc hay tư trang lấy được của họ Vương.

Tống Từ xem xét thấy Dung Dung không những hiền lương mà còn có trí óc khôn ngoan, đã sửa soạn sẵn sàng những bằng chứng không để mình phải liên lụy về những việc làm xấu xa của người chồng bất lương thì rất khen ngợi, gọi Vương Tuấn đến kể lại mọi việc. Vương Tuấn thở dài, nói:

– Cô gái này không tham lam của phi nghĩa, biết tìm cách lánh xa kẻ bất nhân thì thật sáng suốt, đến như các tiểu thư danh giá có học hành sách vở cũng chưa thể bằng được. Nếu như có được người con ruột vừa xinh đẹp vừa thông minh như vậy thì phúc đức biết bao.

Khi Vương Tuấn trở về kể chuyện cho Vương thị nghe, cũng than thở là tiếc sao không có con gái được như Dung Dung thì Vương thị liền đề nghị một điều. Nguyên là nhà họ Vương chỉ có mỗi mình tiểu thư Cúc Hương, được vợ chồng Vương Tuấn coi như vàng ngọc, nay chết rồi thì Vương thị thương nhớ không nguôi. Vì vậy nghe chồng kể lại việc Dung Dung khôn ngoan thì muốn nhận Dung Dung làm nghĩa nữ, có người thủ thỉ trong lúc xế chiều. Vương Tuấn đồng ý ngay, nhờ Tống Từ nói giúp.

Dung Dung cũng vui vẻ nghe theo, sau đó Vương Tuấn muốn bù đắp cho Quân Thụy nên gọi chàng tới gả Dung Dung làm vợ.

Bình luận