Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

12 Kỳ Án Trung Hoa

Hà Viên Ngoại – Gian Ngoan Xảo Quyệt

Tác giả: Huyền Cơ

Nhờ sự công minh và nghiêm khắc của Bao Công, phủ Khai Phong bớt đi rất nhiều tệ nạn xã hội, bọn trộm cắp cũng kiêng dè không dám đến kinh thành làm ăn táo bạo như trước nữa. Dân chúng được thái bình, án kiện giảm hẳn nên có lúc Bao Công cũng rất rảnh rỗi. Thế nhưng cả đời ông, xử án và điều tra vụ việc là niềm đam mê, không có nó thì ông cảm thấy rất buồn bã, cùng với tả hữu đi dạo quanh vùng để ngắm cảnh, đồng thời nhân tiện xem xét dân tình.

Nhờ sự công minh và nghiêm khắc của Bao Công, phủ Khai Phong bớt đi rất nhiều tệ nạn xã hội, bọn trộm cắp cũng kiêng dè không dám đến kinh thành làm ăn táo bạo như trước nữa. Dân chúng được thái bình, án kiện giảm hẳn nên có lúc Bao Công cũng rất rảnh rỗi. Thế nhưng cả đời ông, xử án và điều tra vụ việc là niềm đam mê, không có nó thì ông cảm thấy rất buồn bã, cùng với tả hữu đi dạo quanh vùng để ngắm cảnh, đồng thời nhân tiện xem xét dân tình.

Khi đi đến Trúc Thanh, nơi đây cảnh trí hữu tình, non xanh nước biếc khiến Bao Công cũng cảm thấy khoan khoái, đi mãi đến chiều tối chưa muốn trở về. Nhìn xa xa thấy có một trang viên ẩn khuất sau rừng trúc, dáng vẻ thâm u thấp thoáng trong làn sương mờ như cảnh trên tiên giới, Bao Công hứng thú hỏi tả hữu:

– Trang viên kia là của ai vậy? Chủ nhân này thật phong nhã nên mới kiến thiết được một trang viên thanh tú như vậy.

Triển Chiêu theo hầu, liền đáp:

– Thuộc hạ cũng không được rõ lắm. Chỉ biết đó là trang viên của một đại quan triều đình nhưng ông ta đã chết rồi, nay để lại cho đứa con trai của mình, còn họ tên là gì thì thuộc hạ chưa nghe ai nói tới.

Bao Công hơi ngạc nhiên bởi các quan lớn khi về hưu thì rất thường hay đến thăm viếng với ông, tại sao vị quan này lại mai danh ẩn tích như vậy, liền cùng tả hữu thúc ngựa đi dần tới nơi. Khi còn cách trang viên một chút thì mọi người bỗng nghe có tiếng tranh cãi. Một người thanh âm ra vẻ còn trẻ, nói rất to:

– Đây là gia bảo của nhà tôi, ông không có mắt hay sao mà trả giá rẻ như bèo vậy? Rẻ quá thì tôi không bán đâu.

Vừa lúc đó đoàn người của Bao Công qua chỗ khuất bởi bụi trúc, nhìn thấy quả nhiên người vừa nói là một thanh niên còn khá trẻ, thân thể béo tốt, khuôn mặt còn đỏ bừng vì tức giận. Đối diện với thanh niên này là một tên gầy gò, da xám xịt nhưng có đôi mắt rất lanh lẹn, liếc qua đoàn người của Bao Công một cái rồi mau lẹ đáp lời thanh niên trẻ tuổi kia ngay:

– Công tử bớt giận! Những thứ này tuy là gia bảo nhưng dáng kiểu không còn thịnh hành nữa, rất khó bán. Vì vậy tôi trả giá cũng không phải là thấp đâu. Tôi biết công tử hiện giờ đang túng bấn, lẽ nào ép giá hay sao?

Bao Công nhìn quanh thì thấy một số tủ giường, bàn ghế, cái nào cũng làm bằng gỗ tốt, chạm trổ rất tinh xảo thì biết ngay là tên gầy gò xương xẩu kia là con buôn lõi đời nên toan tính mua rẻ của người thanh niên. Bao Công tính điềm đạm không nói gì, quan sát xem sự việc diễn tiến ra sao. Chợt có một thiếu phụ khá trẻ và xinh đẹp từ trong trang viên chạy ra, nói lớn:

– Phu quân đừng tin lời gã con buôn kia. Đây toàn là thứ gia bảo quý giá, thế mà hắn trả như loại đồ dùng tầm thường thì thật quá lắm. Đây lại là đồ vật của tổ tiên để lại, nếu cần tiền thì phu quân bán đi một vài món thôi, sao lại bán nhiều như vậy?

Thanh niên béo tốt kia đang lúc bực tức, quay lại mắng vợ:

– Ngươi là đàn bà biết gì mà nói! Hãy vào trong đi, để ta lo liệu việc này.

Người vợ rất căm tức nhưng có lẽ tính tình nhu mì hiền hậu nên lập tức nghe lời chồng, cúi đầu hậm hực lui vào nhà. Chàng thanh niên béo tốt còn đang ngần ngừ chưa muốn bán rẻ thì từ trong trang viên lại có một cô gái trẻ hơn, cũng xinh đẹp hơn bước ra. Tuy là người đẹp nhưng phong cách của cô này không hiền thục bằng cô gái trước, nhăn mặt nói luôn:

– Gia bảo hay không cũng chỉ là thứ đồ dùng vô dụng. Bây giờ đang cần tiền thì cứ bán phức đi cho rồi. Trong nhà còn nhiều thứ nữa, tiếc rẻ làm gì.

Tuy lời nói khó nghe nhưng không hiểu sao chàng thanh niên lại tươi tỉnh gật đầu:

– Nàng nói phải lắm! Được rồi ta bằng lòng bán cho ngươi vậy.

Tên con buôn mừng rỡ, lập tức lấy bạc ra thanh toán rồi mau mau lệnh cho bọn gia nhân gồng gánh toan bỏ đi cho mau. Thấy vậy chàng thanh niên biết ý, cười mà nói:

– Ngươi không phải gấp gáp làm gì. Ta đã nói bán là bán, không trở mặt đâu. Ngươi nên cám ơn nhị nương của ta mới phải, nếu không ta chưa muốn bán số đồ vật này với giá quá rẻ như vậy đâu.

Gã lái buôn cười có vẻ thâm hiểm, giả lả nói vài lời với người con gái được gọi là Nhị nương rồi mau lẹ cùng với gia nhân quảy gánh đi luôn. Chắc là trong lòng e sợ chàng thanh niên đổi ý thì mất món lời to. Khi bọn lái buôn đi rồi, chàng thanh niên béo tốt kia cùng với Nhị nương cũng vào nhà ngay.

Chứng kiến cảnh buôn bán không sòng phẳng ấy, Bao Công than với tả hữu:

– Trang viên bề thế xinh tươi như vậy thì chắc chủ nhân cũng thuộc loại đại phú. Thế mà khi mất rồi, sao con cái lại thiếu thốn đến nỗi phải bán rẻ các đồ gia bảo? Còn hai người đàn bà kia, mỗi người một tính cách nhưng vẫn có thể sống chung trong một nhà thì cũng hi hữu. Đây là chuyện riêng nhà người, ta chỉ buồn cho cuộc đời dâu bể mà thôi. Bây giờ trời cũng đã sắp tối rồi, trở về phủ thì hơn.

Bọn tả hữu vâng lời, dắt ngựa quay bước trở về phủ Khai Phong. Không hiểu sao trong lòng Bao Công cứ bứt rứt, nghĩ mãi đến câu chuyện vừa chứng kiến. Ông hít một hơi khí trời trong lành cho đầu óc thoát khỏi suy nghĩ vơ vẩn rồi thong thả thúc ngựa trở về. Bao Công đâu có biết rằng đầu mối của việc này sẽ dẫn tới một vụ án ly kỳ đã bị che giấu bao nhiêu năm trời nay.

Ngay từ lúc trời mới mờ mờ sáng, chợt đã có tiếng trống kêu oan vang động từ ngoài công đường. Triển Chiêu là người phụ trách canh gác nên mau lẹ có mặt, vừa nhìn thấy mặt người đánh trống thì chợt sững sờ, bởi đó không ai khác, chính là người thiếu nữ xinh đẹp được gọi là Nhị nương mới gặp lúc ban chiều. Sau phút sững sờ, Triển Chiêu nhìn thấy bộ dạng bơ phờ, đầu tóc rối bù như người thiếu ngủ của thiếu nữ, quần áo cũng không được chỉnh tề, cộng với thái độ có vẻ vừa bối rối vừa kinh sợ của thiếu nữ thì biết ngay đây không phải là chuyện đùa giỡn, lập tức đưa vào công đường ngồi chờ Bao Công ra thẩm vấn.

Thăng đường rồi, Bao Công mới biết người được gọi là Nhị nương ấy tên Xuân Tuyết, thiếp của vị công tử trẻ tuổi họ Lý, còn người phụ nữ đi ra trước có dáng điệu thanh cao hiền thục là Hà tiểu thư, con của Hà Viên ngoại có trang viên ngoài thành Khai Phong. Hà tiểu thư là vợ chính của Lý Công tử.

Mặc dù Xuân Tuyết đang rối loạn tinh thần, nhiều câu nói thiếu đầu thiếu đuôi, không có ý nghĩa nhưng Bao Công cũng hiểu được đôi phần, biết là đã có án mạng xảy ra ở trang viên họ Lý, lập tức cùng với tả hữu đưa Xuân Tuyết về đó khám nghiệm hiện trường.

Thì ra khi Bao Công cùng tùy tùng ra về rồi, Lý Công tử chia số bạc ra làm hai, đưa một phần cho Hà tiểu thư mà giọng nói rất cộc cằn khó nghe:

– Số bạc này đủ tiêu pha trong hai tháng, cầm lấy mà lo liệu việc nhà đi. Sau đó thiếu bao nhiêu ta sẽ bán đồ đạc tiếp, ngươi không cần phải can thiệp vào làm gì.

Hà tiểu thư không dám giận, cầm số bạc mà nước mắt rưng rưng bởi nếu cứ như vậy chẳng bao lâu gia tài sẽ khánh kiệt, chính mình cũng sẽ mang tiếng là ngồi không phá của nhà chồng. Nàng cố dùng lời nhẹ nhàng khuyên bảo:

– Phu quân đừng giận dữ vì những lời can gián của tiện thiếp. Bởi nếu không tính chuyện làm ăn thì chẳng bao lâu sẽ không còn gì để bán nữa đấy. Bây giờ phu quân giữ số bạc này lo toan việc buôn bán đi, còn tiêu dùng trong nhà thiếp cố tằn tiện cũng xong.

Chẳng ngờ Lý Công tử đã không nghe mà còn nổi giận, quát mắng:

– Ngươi là đàn bà biết gì mà dám khuyên bảo ta? Tài vật chỉ là thứ vô nghĩa, ta lại không có con nối dõi tông đường thì chất chứa tài vật làm gì cho lắm? Ta đã nói giữ lấy để lo việc nhà thì cứ cầm lấy, đừng nhiều lời.

Nói xong Lý Công tử để mặc Hà tiểu thư khóc lóc một mình, lấy bộ mặt vui vẻ đến phòng riêng của Nhị nương Xuân Tuyết. Đưa số bạc còn lại cho Xuân Tuyết, thấy nàng vẫn không đổi nét mặt, vẫn buồn dàu dàu, Lý Công tử mơn trớn hỏi:

– Đã có tiền rồi, nàng phải vui lên chứ? Bao giờ nàng tiêu hết ta sẽ tìm cách kiếm tiếp, cần gì phải buôn bán hay làm việc cho cực vào thân. Vừa rồi Đại nương của nàng khuyên ta nên buôn bán, quả thật nực cười cho bọn đàn bà.

Thế nhưng Xuân Tuyết không làm sao vui nổi, cau mặt đáp:

– Đại nương nói rất đúng! Nếu phu quân chỉ lo bán đồ đạc cha ông để lại để vui chơi qua ngày thì không những bị người đời chê cười mà thiếp đây cũng mang tiếng lây. Thiếp từng nghe phu quân lấy cớ không có người nối dõi nên chẳng thiết đến gia sản. Nếu bây giờ thiếp sinh cho phu quân một đứa con thì liệu phu quân có đổi tính nết được không?

Hai người còn đang trò chuyện thì Hà tiểu thư chợt đi đến. Lý Công tử thấy vậy sa sầm nét mặt, đã toan nổi cáu thì Hà Tiểu thư đã nói trước:

– Thiếp quên mất hôm nay là thượng thọ của phụ thân. Phu quân là hiền tế cũng nên đến chúc mừng mới đúng đạo nghĩa. Thiếp đã sửa soạn xe ngựa sẵn sàng, chiều nay chúng ta cùng về vậy.

Lý Công tử chưa hết bực tức, nói:

– Đi thì đi! Ta cũng chẳng tha thiết gì mấy cái lễ lạc vô bổ ấy. Ngươi cứ sửa soạn đi, khi nào xong ta sẽ cùng về.

Hà tiểu thư nghe chồng nói rất mừng, nàng chỉ sợ ông chồng hay cáu giận với mình không chịu về chúc thọ nhạc gia thì rất khó ăn khó nói với phụ thân. Nghe Lý Công tử hứa chắc, Hà tiểu thư cho biết là đã sai gia nhân sửa soạn lễ vật từ hôm qua rồi, bây giờ hai vợ chồng lên đường mới kịp buổi lễ vào lúc chiều tối. Nghe vậy Xuân Tuyết tỏ ra lo lắng, hỏi:

– Phu quân có định ở đêm bên ấy không? Bao giờ thì về? Thiếp ở đây một mình trong lòng rất lo sợ bởi nhà vắng vẻ, lại có nhiều đồ vật quý giá, nếu bọn cướp xông vào thì thiếp biết đối phó làm sao?

Lý Công tử cười rồi mở ngăn tủ lấy ra một con dao sáng loáng, đưa cho Xuân Tuyết rồi nói:

– Chiều nay Hà Viên ngoại mới đãi đằng, chắc chắn phải rất linh đình. Vì vậy ta khó có thể từ chối, chắc chắn sáng mai mới về được. Ta đưa nàng con dao này để phòng thân. Nó là con dao rất sắc bén, phụ thân ta trước kia luôn luôn để bên cạnh nên chưa bao giờ gặp tai họa. Nay ta giao nó cho nàng, để dưới gối nằm thì không còn lo lắng gì nữa.

Hà tiểu thư cũng khuyến khích nên cuối cùng Xuân Tuyết không dám phàn nàn, đỡ lấy con dao rồi bỏ dưới gối nằm của mình. Hóa ra tất cả đều do thái độ thiên vị của Lý Công tử, đối xử với vợ chính vợ lẽ khác nhau chứ hai người không hề xích mích chút nào. Lý Công tử chưa bao giờ nói ra nhưng thật tâm chẳng hiểu tại sao rất nghi kỵ Hà Viên ngoại, vì vậy mới luôn luôn có thái độ cáu gắt đối với Hà tiểu thư. Nhiều lần hắn cũng tự vấn lương tâm, thế nhưng vốn ít học, không thể hiểu nổi tại sao mình lại có thành kiến với Hà Viên ngoại như vậy.

Khi Lý Đại nhân về đây xây dựng trang viên thì Hà viên ngoại đã có cơ ngơi từ trước, giàu sang không ai bì kịp. Ông ta thấy Lý Công tử là con nhà thế gia, tự mình tìm người mai mối kết thân với nhà Lý Đại nhân. Lúc đó Lý Công tử cũng đang mong muốn có con nối dõi bởi phụ thân đã già yếu nên không cần xem mặt, lập tức bằng lòng lấy Hà tiểu thư ngay. Hắn vốn là người có tâm tính hoang đàng, thích ăn chơi hơn là làm ăn. Vì vậy lúc cưới Hà tiểu thư rồi, thấy nàng đoan trang nghiêm nghị thì đã bất mãn trong lòng, sau đó đòi cưới cho bằng được Xuân Tuyết làm phòng nhì.

Chiều hôm ấy, Viên ngoại họ Hà cho gia nhân trang hoàng lầu các nhà cửa hết sức huy hoàng tráng lệ, trước tiên là để mừng thọ cho xứng đáng, sau là muốn khoe khoang với láng giềng về sự giàu có của mình. Tuy Hà Viên ngoại nay đã tròn 60 tuổi nhưng da mặt vẫn hồng hào, dáng điệu quắc thước khiến ai cũng khen tặng là trẻ hơn tuổi thật. Có thể nói, Hà Viên ngoại có tướng mạo rất tốt nhưng nếu nhìn kỹ thì chỉ có đôi mắt là xấu, thỉnh thoảng lại liếc ngang liếc dọc, biểu lộ là người nhiều mưu mô kín đáo. Nếu so sánh với Hà tiểu thư mặt mũi đoan trang hiền thục thì khó có thể nghĩ rằng đó là hai cha con. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều lần chính Hà Viên ngoại khen con gái xinh đẹp giống mẹ. Hà tiểu thư tâm tình chất phác, nghe vậy cũng không hề để ý chút nào.

Thấy chàng rể và con gái cùng về, Hà Viên ngoại hớn hở ra tận cửa đón, cười nói rất ân cần nhưng không hiểu sao đôi mắt ngầm chứa dữ dội ấy cứ nhìn Lý Công tử chằm chằm. Vì có ấn tượng xấu với Hà Viên ngoại, lại chán ngán Hà tiểu thư nên Lý Công tử rất ít khi đến thăm viếng nhạc phụ, tính ra đã hơn một năm, bây giờ có lễ lạc mới gắng gượng mà đến. Vì vậy Lý Công tử tưởng nhạc phụ giận về việc này, cúi đầu chào xong lập tức dâng lễ vật rồi lui ra ngay.

Hà viên ngoại muốn khoe khoang nên lần này mời rất đông khách khứa, quà cáp lễ vật họ mang đến chất cao như núi, toàn là thứ ngon vật lạ, quý giá vô ngần. Trong sảnh đường, Hà Viên ngoại cho bày mấy trăm bàn tiệc, thịt cá đều là loại ngon nhất, thậm chí có nhiều món người ở địa phương chưa từng được nếm qua bao giờ. Rượu thơm đổ như suối, ai muốn uống bao nhiêu tùy thích, thật là tưng bừng không tả xiết. Để mua vui cho khách, Hà Viên ngoại còn tốn rất nhiều tiền mời hẳn một gánh hát về dựng rạp trình diễn ngay giữa sân. Ai ăn uống no say thì có thể ra đó vừa hóng mát vừa xem kịch, có gia nhân túc trực dâng chè thơm và trái cây.

Bọn kép hát tuy là những người nổi tiếng nhưng vì được nhiều tiền nên ra sức hát liên tiếp, chọn những vở kịch mà gia chủ vốn ưa thích, có thể kéo dài tới sáng cũng chưa mãn cuộc. Lý Công tử rất mong chờ cuộc rượu tàn để về ôm ấp Xuân Tuyết, chỉ ngồi uống rượu cầm chừng, tai hầu như không nghe lọt một câu hát nào, tâm hồn để đâu đâu. Thậm chí có khách quen đến chào, Lý Công tử cũng phải ngơ ngác hồi lâu mới nhận ra, gắng gượng chào hỏi.

Khi màn kịch sắp kết thúc, Lý Công tử thấy Hà Viên ngoại đã vươn vai đứng lên thì mừng thầm. Chẳng ngờ ông ta không đi ngủ mà lại đến trước mặt hai vợ chồng, nói nhỏ:

– Nhân dịp này ta muốn nói một chuyện với hai đứa. Đây là việc gia đình nên ta không muốn ai nghe được, hãy vào phòng riêng vậy.

Lý Công tử nghe vậy càng tức bực hơn nhưng vẫn phải gắng gượng sóng vai cùng vợ vào phòng của Hà Viên ngoại. Ông ta hình như có điều gì giận dữ, chỉ nói buông thõng:

– Ngồi xuống đi…

Rồi lại ngước nhìn trần nhà, hình như đang suy nghĩ kỹ những lời sắp nói ra. Lý Công tử vừa hồi hộp chẳng biết lành hay dữ, vừa tức bực trong lòng vì nếu cứ kéo dài mãi như vậy thì làm sao có thể về nhà vui vẻ với Xuân Tuyết. Chàng ta đánh bạo hỏi:

– Nhạc phụ gọi chúng con vào đây…

Hà Viên ngoại lập tức cắt lời, đôi mắt ánh lên tia dữ tợn rồi chậm rãi nói với giọng thật lạnh lùng:

– Cũng không có gì lớn lao. Chẳng qua… không làm ăn gì thì đến núi vàng cũng hết, lấy gì nuôi vợ con, còn việc dành dụm chút ít khi về già nữa chứ.

Lý Công tử tưởng việc gì trọng đại, nghe vậy thoáng yên tâm nhưng đồng thời cũng xấu hổ vì bị trách móc. Hà tiểu thư biết tính chồng, vội đỡ lời:

– Phụ thân không biết đấy thôi, chúng con đã nhiều lần bàn tính với nhau sẽ đi buôn xa thì mới có thể thu được lợi nhuận nhiều. Phu quân của con cũng không nề hà sương gió nhưng toan tính bao nhiêu cũng thành không bởi vì thiếu vốn liếng.

Thật ra không có việc này, Hà tiểu thư chỉ nói bừa để Hà Viên ngoại không còn cớ trách cứ chồng mình nữa. Lý Công tử liền vớ lấy lý do này, nói luôn:

– Thưa nhạc phụ, đúng như vậy…

Chàng ta còn định nói hươu nói vượn mấy câu nữa nhưng Hà Viên ngoại chợt đưa tay cản lại, quay lại nói lớn:

– Quản gia đâu, mang ra đây cho ta.

Hai vợ chồng Lý Công tử hết sức ngỡ ngàng vì chưa hiểu Hà Viên ngoại định như thế nào, hồi hộp nhìn theo tay người quản gia. Ông ta đặt một túi khá to trên bàn, trọng lượng rất nặng nề. Hà Viên ngoại liền chỉ vào cái túi, nói lớn:

– Trong đây là 300 lượng bạc. Ta nghĩ số tiền này thừa đủ làm vốn buôn bán hay mở cửa hàng gì đó sinh nhai.

Hà Viên ngoại chợt nhìn Hà tiểu thư mà nói:

– Chúng ta tuy là cha con nhưng ngươi đã về nhà chồng, sang hèn đều phải chịu theo chồng. Vì vậy ta giúp vốn chứ không cho. Ta sẽ không lấy lời nhưng hạn trong một năm phải trả lại nguyên vốn.

Ông ta lại quay nhìn Lý Công tử, lời nói trầm trầm ra vẻ nhân nghĩa, thật sự tiềm ẩn sự lạnh lẽo ghê người:

– Không phải ta không tin hai vợ chồng. Thế nhưng ta nghe đồn là ngươi mê say tửu sắc, lại có khi lăn vào sòng bạc, nếu không có gì ràng buộc chắc chắn ngươi sẽ làm tiêu tan hết số tiền này ngay. Vì vậy ta định…

Lý Công tử vừa mới mừng xong, nay lại có cảm giác như bị ai dí dao sau lưng, cố gượng vểnh tai nghe Hà Viên ngoại đặt điều kiện:

– Để ngươi thật tâm chí thú làm ăn, nay phải làm văn tự ghi nợ, lấy trang viên họ Lý làm vật thế chân. Nếu như trong một năm mà không trả đủ số bạc thì phải mất nhà ở.

Thấy Lý Công tử và Hà tiểu thư đều lộ vẻ lo lắng, Hà Viên ngoại vội nói tiếp:

– Đây chỉ là hình thức mà thôi. Có như thế vợ chồng ngươi mới hết lòng lo toan làm ăn. Ta là cha của vợ ngươi, hại ngươi thì chẳng khác gì hại cả con gái hay sao? Đến hổ cũng không ăn thịt con, chẳng lẽ ta đây là loài người lại đi làm hại con cái phải mất nhà cửa, ra ngoài đường lang thang hay sao?

Lý Công tử nghe vậy vừa tức vừa hận, đứng dậy nói to:

– Trang viên là gia sản của thân phụ bao nhiêu năm vất vả tích cóp mới xây dựng lên được. Nó giá trị hàng vạn lạng bạc, chẳng lẽ đánh đổi lấy số tiền cỏn con này hay sao? Thói đời xuất vốn ra làm ăn đa phần chưa biết thành công hay thất bại, vì vậy nếu như không trả được nợ thì mất trang viên, có khác gì trả lãi quá nặng? Đánh đổi như vậy hoàn toàn không công bằng.

Hà Viên ngoại vẫn bình tĩnh, vẫy tay ra hiệu cho Lý Công tử ngồi xuống, ôn tồn nói:

– Ta đã biết trước như thế nên mới nói đây chỉ là hình thức mà thôi. Nếu vợ chồng ngươi không muốn thì thôi vậy, ta cũng không nài ép.

Nói xong, Hà Viên ngoại liền đứng dậy, nhìn Hà tiểu thư nói với vẻ châm biếm:

– Đó là do chồng của con bất tài không dám làm ăn. Bây giờ hai vợ chồng đói khổ thì cũng đừng chạy đến than vãn với cha nữa.

Hà tiểu thư chết lặng trong lòng, đưa mắt nhìn chồng để xem quyết định ra sao, nửa muốn khuyên chồng cầm lấy số vốn, nửa lại sợ không muốn chồng lâm vào tình trạng bấp bênh. Riêng Lý Công tử nghe vậy bậm môi có vẻ tức tối, thầm nghĩ:

“Nếu như gần đến hạn kỳ mà làm ăn không khá, ta sẽ lén bán một phần trang viên cũng đủ trả món nợ này rồi. Bây giờ không nhận làm văn tự thì bị vợ chê cười mà nhạc phụ cũng có cớ để xua đuổi không giúp đỡ gì nữa”.

Vì vậy Hà Viên ngoại chưa kịp xoay lưng bỏ đi thì Lý Công tử kêu lớn:

– Được rồi! Được rồi! Hãy đưa văn tự ra đây mau!

Hà Viên ngoại tươi tỉnh quay lại, cười nói:

– Như thế mới là trang trượng phu biết lo cho gia đình chứ! Người đâu, viết văn tự đưa cho Công tử đây ký vào.

Tiếng là thế, thật sự văn tự đã được viết từ trước, lão quản gia nghe gọi mau mắn đem ra để trên bàn. Lý Công tử đã có chủ ý trong lòng, lập tức đưa tay điểm chỉ, không hề lo sợ chút nào. Lý Công tử cầm lấy túi bạc, vừa định nói lời từ biệt thì Hà Viên ngoại đã chặn lời:

– Bạc đã giao rồi, ngươi cứ về đi mà lo việc sinh nhai. Tiểu nhi đã lâu lắm không về thăm nhà, nay có dịp vui mừng thì ta muốn giữ lại vài ngày hàn huyên, có được không?

Hà tiểu thư có linh cảm chẳng lành, từ lúc người chồng ký vào văn tự nhận nợ thì hình như có cái gì đó làm cho tâm thần của nàng quay cuồng, thật sự muốn về Lý gia trang để nghỉ ngơi. Nàng đã toan nói với chồng là hãy xin cả hai cùng về thì Lý Công tử đã mau miệng nói trước:

– Như vậy cũng được. Nàng cứ ở lại đây vui chơi thêm mấy ngày nữa cũng chẳng sao. Trang viên vốn vắng vẻ không người coi sóc, ta phải về trước đây.

Hà tiểu thư không muốn bị mang tiếng bất hiếu trái lời yêu cầu của phụ thân, đành phải lo lắng dặn dò chồng:

– Không phải tiện thiếp nhiều chuyện nhưng phu quân đang giữ trong người số bạc lớn, hãy đi thẳng một mạch về nhà. Đừng vì bạn bè mà ghé ngang quán rượu hoặc sòng bạc, chắc chắn sẽ không hay đâu. Vả chăng Xuân Tuyết đang sợ hãi ngóng chờ, phu quân càng nên mau chân mới được.

Lý Công tử hứa hẹn sẽ theo lời của vợ, nhất quyết không ghé bất cứ nơi nào, thi lễ với Hà Viên ngoại xong lập tức đi luôn, chẳng thèm khách sáo cảm ơn nhạc phụ một tiếng. Trong lòng Lý Công tử bây giờ mới có chút hân hoan, chàng ta cho rằng việc mượn nợ không có gì đáng phải lo lắng, chỉ cần thoát ra khỏi Hà trang viên về vui vẻ với Xuân Tuyết là thú vị tuyệt vời rồi, nếu cần thì bán hết đồ đạc trong nhà rồi vay mượn chút ít cũng có thể trả được nợ.

Thế nhưng chẳng biết ngày hôm ấy Lý Công tử bị ác tinh nào chiếu vào mà chưa hết xui xẻo, khi đi ngang qua nhà bếp Lý Công tử lại gặp phải ngay rắc rối khác. Một bà già thân thể hết sức to béo đột ngột chạy ra chắn đường. Lý Công tử giật bắn cả người, nhìn lại thì ra đó là bà vú ngày trước của Hà tiểu thư, nay phụ trách bếp núc trong trang viên.

Lý Công tử chưa kịp mở lời trách người gia nhân vô lễ này thì bà vú đã mồm năm miệng mười tru tréo:

– Già nghe nói Công tử đã lấy người thiếp xinh đẹp trẻ trung nên bỏ bê chính thê, đối xử không tốt với Hà tiểu thư phải không? Ta cho Công tử biết, tiểu thư được ta nuôi nấng bế bồng từ khi mới lọt lòng, như con đẻ của ta vậy. Nếu Công tử có điều gì không tốt hoặc làm hại đến tiểu thư thì đừng trách già này đấy nhé. Dù già yếu rồi, ta vẫn liều chết một mạng đổi một mạng xem ai thua lỗ nào.

Lý Công tử tức quá than thầm: “Ngày hôm nay sao mà xui xẻo quá. Có lẽ ta nên uống chút rượu giải trừ cái xui đi mới được”.

Nghĩ vậy nên Lý Công tử hầm hầm đưa túi bạc lên, quát tháo:

– Được lắm, các ngươi cứ hiếp đáp ta đi. Khi nào ta giàu có rồi thì các ngươi biết tay.

Tuy nói cứng nhưng Lý Công tử thật sự không dám đối đầu với bà vú hung dữ này, lập tức quay người đi theo lối khác ra khỏi trang viên. Trên đường, Lý Công tử có ghé qua nhà một người nhưng không mời anh ta mà một mình vào quán rượu uống cho đến khi say mèm, bao nhiêu buồn giận theo hơi men tan biến hết mới ngất ngưởng theo đường nhỏ mà về trang viên.

Lúc đó Xuân Tuyết rất lo lắng, đốt đèn sáng choang khắp nơi rồi vào phòng ngồi thu trên giường, tay nắm chặt con dao, không tài nào ngủ nổi. Đến gần nửa đêm, Xuân Tuyết mệt quá đôi mắt gần muốn nhắm lại thì chợt nghe có tiếng gõ cửa ầm ầm cùng với tiếng gọi lè nhè không nghe rõ là của ai. Xuân Tuyết càng thêm hoảng sợ, cứ thu mình vào một góc, không dám ra xem đó là ai. Mãi đến khi Lý Công tử tức quá đấm cửa thật mạnh rồi quát to:

– Xuân Tuyết đâu rồi, sao không mở cửa cho ta?

Xuân Tuyết nghe gọi đúng tên mình, cố lắng nghe thì mới nhận ra đó là Lý Công tử, mừng rỡ chạy ra đón vào. Hai người chẳng trao đổi được câu nào, vừa vào phòng là Lý Công tử nôn thốc nôn tháo, mùi hôi hám xông lên nồng nặc. Xuân Tuyết đành phải đưa chồng lên giường, lau chùi sạch sẽ rồi thay quần áo khác. Lý Công tử quá say nên không biết gì, để mặc Xuân Tuyết săn sóc, ngáy vang cả nhà. Thấy trong phòng vẫn còn mùi hôi hám, Xuân Tuyết đành đóng cửa rồi sang phòng nhỏ nghỉ lưng, ngủ quên bao giờ không hay. Đến khi trời mờ mờ sáng thì Xuân Tuyết mới giật mình thức dậy.

Thấy trời chưa sáng hẳn, nàng liền xuống bếp làm món điểm tâm rồi mới lên phòng định đánh thức chồng dậy cùng ăn. Chẳng ngờ khi bước vào phòng thì đột nhiên hét lên một tiếng kinh hoàng, ngã lăn ra bất tỉnh. Thì ra Lý Công tử vẫn nằm trên giường nhưng trên người có rất nhiều vết dao, máu đã khô thành từng vệt đỏ thẫm lan cả xuống sàn nhà. Nơi vũng máu lớn nhất còn lại con dao mà chính mình đêm qua cầm trong tay. Tuy đang kinh hoảng nhưng Xuân Tuyết vẫn còn lờ mờ nhận ra là túi bạc hôm qua Lý Công tử đem về để cạnh chỗ nằm đã biến mất. Khi tỉnh dậy, Xuân Tuyết không dám nhìn lại xem có đúng như vậy không, hớt hải chạy thục mạng đến công đường phủ Khai Phong đánh trống cầu cứu.

Khi Bao Công cùng tùy tùng đi với Xuân Tuyết đến hiện trường thì xác của Lý Công tử vẫn không thay đổi. Theo quan sát của ông thì chắc chắn Lý Công tử chết khi đang ngủ say nên không hề có dấu vết chống trả. Bao Công đã nghe Xuân Tuyết khai về con dao nên bọc giấy cầm lên xem thử. Ông nhíu mày rồi nói nhỏ với Triển Chiêu:

– Con dao này chỉ dính máu phía dưới, phần trên hoàn toàn không có dấu máu. Ta nghi rằng chỉ là ngụy tạo, hung thủ giết người xong mới nhìn thấy con dao này nên thấm vào máu, tạo ra hiện trường giả với ý định đánh lạc hướng điều tra của bản phủ.

Triển Chiêu cũng là người nhạy bén, rất khen ngợi Bao Công nhận định mau lẹ nhưng không để lộ, chỉ gật đầu. Bao Công liền quay sang phía Xuân Tuyết, hỏi:

– Ngươi xác nhận đúng là con dao này Lý Công tử đã trao cho ngươi đêm hôm qua? Ngươi để dưới gối rồi sau đó cầm trên tay cho đến lúc Lý Công tử say rượu trở về hay còn mang đi nơi khác?

Xuân Tuyết khai đúng sự thật nên Bao Công bắt đầu sai người lục tìm quanh trang viên, một lúc sau thì tìm được một con dao khác lớn hơn nằm dưới đáy hồ trong vườn nhà. Bao Công so sánh các vết thương với con dao đó, nhận ra ngay nó chính là công cụ giết người bởi rất phù hợp với các vết thương to rộng. Theo ông thì sau khi lập hiện trường giả, hung thủ đã vội vã chạy đi, vất con dao gây án xuống hồ nước để phi tang với ý đồ đổ hết tội lên đầu Xuân Tuyết.

Sau khi khám nghiệm xong, Bao Công cùng tùy tùng đưa Xuân Tuyết về công đường, dù Xuân Tuyết hết sức kêu oan nhưng duy nhất cô ta là người ở cạnh Lý Công tử khi bị giết nên tạm thời ông vẫn ghép vào tội tình nghi giết chồng, giam vào ngục thất. Đồng thời Bao Công cũng thân hành đến Hà trang viên, giáp mặt Hà tiểu thư để hỏi về con dao của Lý Công tử.

Có một điều khá lạ mà ít người nhận ra, đó là khi Bao Công vừa đến cổng thì Hà Viên ngoại đã gọi Hà tiểu thư ra sẵn sàng đối chất. Nghe tin chồng chết thảm, Hà tiểu thư chưa khai điều gì đã khóc òa lên rồi lăn ra đất bất tỉnh nhân sự. Bao Công đành phải quay qua Hà Viên ngoại hỏi về thái độ của Lý Công tử trước khi cầm túi bạc ra về.

Hà Viên ngoại không xúc động trước cái chết của người con rể, bình tĩnh khai tất cả mọi việc, chê trách Lý Công tử hết lời. Bao Công hỏi thêm:

– Khi Lý Công tử về rồi, Hà tiểu thư ngủ ở đâu, có ra ngoài hay không?

Hà Viên ngoại lại được dịp tán tụng chính mình, nói:

– Lão thương yêu con gái nên cũng nể nang thằng chồng. Thế mà hắn không biết hối hận, sau khi cầm số bạc rồi liền đi ngay, không thèm cảm ơn lão một tiếng. Còn con gái lão chẳng biết tại nhớ chồng hay lạ nhà mà mãi đến nửa đêm, khi lão vào khuyên nhủ mới ngủ được, không hề rời khỏi trang viên một bước.

Bao Công gật đầu, lại hỏi:

– Việc Lý Công tử cầm số bạc lớn như vậy ngoài ông và Hà tiểu thư ra, còn ai biết không?

Hà Viên ngoại đáp:

– Hình như khi đi qua bếp, chàng rể khó chịu của tôi đụng chạm gì đó với bà vú, hai người to tiếng rồi Lý Công tử có đưa túi bạc lên hăm he. Như vậy là có thêm bà vú biết chuyện này.

Khi Hà tiểu thư tỉnh dậy, Bao Công chỉ hỏi qua loa về việc Lý Công tử có ai thù hằn không. Ông được biết ngày hôm trước chỉ có việc bực tức vì bị người lái buôn đồ vật tên là Triệu Cảnh ép giá, hoàn toàn không có thù oán với ai.

Khi Bao Công ra về phủ rồi, Hà tiểu thư cũng về trang viên cùng với Xuân Tuyết lo liệu việc tang ma cho chồng. Hà tiểu thư không dám nói thẳng nhưng có khi úp mở nghi ngờ Xuân Tuyết dùng con dao đó giết chồng cướp túi bạc. Xuân Tuyết khóc lóc kêu oan, nhất quyết không bao giờ mình làm chuyện phi luân bất nghĩa như vậy.

Riêng Bao Công về phủ suy nghĩ rất căng thẳng bởi hầu như không có đầu mối nào chính xác. Hiện tại chỉ còn tên Triệu Cảnh, ông bèn gọi hắn đến công đường thẩm vấn, nhờ vậy mới biết đêm hôm đó Lý Công tử đã ghé nhà hắn cầm túi bạc khoe khoang rồi mới đi uống rượu. Triệu Cảnh khai thêm:

– Tiểu nhân biết Lý Công tử đi uống rượu nhưng không được mời nên đóng cửa đi ngủ. Chẳng ngờ chưa bao lâu thì nghe có tiếng chân người. Tiểu nhân tưởng Lý Công tử trở lại, nhưng rốt cuộc lại là một phụ nữ. Tiểu nhân nhìn kỹ thì hóa ra đó là Hà tiểu thư, lập tức lên tiếng hỏi có phải đi tìm chồng hay không. Hà tiểu thư nghe hỏi giật mình đánh rơi cả cây trâm cài đầu đang cầm trên tay. Khi Hà tiểu thư đi rồi, tiểu nhân nhặt cây trâm ấy toan tính sáng mai sẽ… trả lại cho chủ nhân, bây giờ xin nộp cho đại nhân làm tang vậy.

Nói xong Triệu Cảnh dâng cái trâm cài đầu lên. Đây là bằng chứng khá rõ ràng, lập tức Bao Công viết trát triệu Hà tiểu thư đến đối chất. Trong lúc đó chợt Triệu Cảnh ngập ngừng nói:

– Có điều rất lạ… hơi lạ một chút là…

Bao Công sầm mặt xuống hỏi:

– Còn điều gì khuất tất mà ngươi chưa chịu khai ra? Chắc muốn đòn đau rồi mới khai toàn bộ phải không?

Triệu Cảnh hoảng sợ, vội thưa:

– Tiểu dân không dám! Đây chỉ là ý nghĩ thoáng qua đầu, nếu khai bừa thì e rằng tội nặng thêm. Nay Bao đại nhân đã hỏi thì đành phải nói vậy. Vốn là đêm qua chính mắt tiểu nhân thấy Hà tiểu thư đến hỏi thăm chồng nhưng thật lạ… hình như dáng đi của tiểu thư… mạnh bạo khác thường. Chắc có lẽ đang lúc nóng vội nên mất đi tính yểu điệu thường nhật hay chăng?

Bao Công nghe vậy nhíu mày suy nghĩ một chút, gật đầu đáp:

– Tốt lắm! Ta sẽ ghi nhớ việc này.

Khi Hà tiểu thư đến công đường, nhìn thấy cây trâm cài đầu của mình thì giật mình, nói:

– Tiện nữ thật không hiểu tại sao Bao đại nhân lại lấy được cây trâm này. Sáng nay tiện nữ cùng phụ thân trò chuyện, nhớ rõ rằng đã để cây trâm trên bệ cửa sổ, sau đó quên khuấy đi mất. Xin Bao đại nhân cho biết tại sao nó lại ở đây?

Một lần nữa hình như Bao Công đã hình thành một ý niệm, nói luôn:

– Cây trâm này đã là bằng chứng rất quan trọng. Vì vậy có thể nói là Xuân Tuyết hoàn toàn vô tội, thủ phạm bị tình nghi chính là tiểu thư đó. Bây giờ bản quan phải tạm giam vào ngục thất chờ điều tra, bao giờ sáng tỏ sẽ thả ra. Tiểu thư phải chịu khuất tất một chút vậy.

Nói xong, Bao Công sai người thả Xuân Tuyết ra, giam Hà tiểu thư vào ngục. Thế nhưng chỉ hôm sau Xuân Tuyết đã trở lại công đường, dâng một bọc quần áo trẻ con, ngậm ngùi nói:

– Đây chính là số quần áo mà Đại nương đã may sẵn cho đứa con đang hoài thai của dân nữ. Với tấm lòng đại lượng như vậy, chắc chắn Đại nương không thể là kẻ giết chồng đoạt của được. Dân nữ biết đại nhân vì cuộc điều tra phải giam Đại nương vào ngục nhưng như thế quá cô đơn lạnh lẽo. Dân nữ nguyện xin được giam chung với Đại nương để chị em cùng hủ hỉ. Cùng lắm nếu quả Đại nương vì lý do gì đó phải bất nhẫn ra tay hạ sát chồng thì dân nữ cũng tình nguyện chia tội với Đại nương cho trọn lòng chung thủy.

Nghe những lời hết sức tình cảm như vậy, Bao Công cũng phải động lòng, sai người đưa Xuân Tuyết vào ngục giam chung với Hà tiểu thư nhưng đổi sang một chỗ sạch sẽ hơn. Trong lòng ông cũng có cảm giác chắc chắn Hà tiểu thư lẫn Xuân Tuyết không thể là gian nhân, vậy thì hung thủ thật sự là ai? Cần phải khéo léo mới có thể điều tra ra được.

Vì vậy liên tiếp mấy hôm sau Bao Công hết gọi Hà tiểu thư và Triệu Cảnh lên công đường, hỏi dồn dập, hy vọng họ sẽ bất ngờ mà tiết lộ những chi tiết quý giá. Quả nhiên với phương cách này Bao Công đã tìm ra được một manh mối khá quan trọng. Đó là khi Hà Viên ngoại mời gánh hát về trang viên, có một kép hát là nam nhưng thường đóng vai nữ. Bao Công liền gọi hết những người trong gánh hát đến thẩm vấn, thì ra người kép hát đó có một lúc bỏ đi đâu khiến người cùng phường phải tìm mãi mới thấy.

Bao Công liền cho quân bao vây gánh hát, đòi người kép ấy phải ra trình diện. Thế nhưng đã chậm mất một chút, chẳng biết vì lý do gì tên kép hát ấy đã treo cổ tự tử. Nghe Triển Chiêu báo lại, Bao Công hạ lệnh giữ nguyên hiện trường, đích thân đến quan sát. Ông sai người lấy một cái bàn để dưới chỗ người bị treo cổ. Thấy cái bàn còn quá thấp so với chiều cao xác chết, Bao Công nói nhỏ với Công Tôn Sách điều gì đó. Công Tôn Sách gật đầu rồi sai người hạ xác chết xuống khám nghiệm. Sau đó Công Tôn Sách báo riêng với Bao Công:

– Cái bàn quá thấp, không thể dùng nó để tự treo cổ là một nghi vấn. Nạn nhân không thè lưỡi ra như bình thường khi bị ngạt thở là điểm thứ hai. Trên cổ có một vết cắt rất nhỏ nhưng đó vào tử huyệt, không có máu phun ra. Như vậy chắc chắn hắn đã bị hung thủ giết chết rồi mới treo lên. Nơi áo của nạn nhân có dính chút máu, chắc là của hung thủ giằng co với tên kép hát, bị chính lưỡi dao của mình cứa chảy máu và dây vào đó.

Bao Công gật đầu:

– Tên hung thủ này quả là xảo quyệt. Thế nhưng chính sự xảo quyệt của hắn đã làm lộ hình tích. Chúng ta đến thẳng Hà trang viên điều tra tất sẽ bắt được hắn ngay.

Bao Công đang định đi thì chợt Hà Viên ngoại chạy tới, lấy bộ mặt vui vẻ nói ngay:

– Chúc mừng đại nhân đã tìm ra được thủ phạm. Tuy hắn đã chết rồi nhưng ít nhất đứa con gái yêu của tiểu dân cũng thoát khỏi tù ngục…

Không để Hà Viên ngoại nói hết, Bao Công chặn lại, hỏi:

– Bản quan nhân đã xác định tên kép hát là hung thủ bao giờ mà Viên ngoại vội vui mừng như vậy?

Thấy Hà Viên ngoại bối rối không biết trả lời sao, Bao Công giả vờ thở dài, nói:

– Vụ án này thật bí hiểm. Từ hôm bắt đầu điều tra đến nay ta nhức cả đầu óc. Nay muốn đến trang viên của Viên ngoại để nghỉ ngơi một chút được không?

Hà Viên ngoại hình như càng bối rối nhưng không có lý do gì từ chối, đành phải gượng đón Bao Công về trang viên tiếp đãi. Trong khi ngồi uống trà, Bao Công tinh tế nhìn thấy Hà Viên ngoại cứ lấy tay áo kéo xuống, che giấu gì đó, mãi sau ông mới nhận ra đó chính là một vết thương đã được băng bó rồi. Tuy nhiên chi tiết này vẫn chưa đủ để kết tội Hà Viên ngoại nên Bao Công giả vờ đi vệ sinh, xuống dưới bếp quan sát, thấy trên giá để dao thiếu mất một chỗ, tức là đã có một con dao bị mất.

Sau đó Bao Công lại xin phép lên thăm căn phòng của Hà tiểu thư. Ông quan sát rất kỹ cái cửa sổ mà Hà tiểu thư đã khai để cây trâm cài đầu ở đó. Nhận ra cửa sổ này có thể từ một lối khác xâm nhập, Bao Công khá hài lòng, từ giã Hà Viên ngoại trở về công đường.

Sau đó Bao Công lại gọi Hà tiểu thư lên thẩm vấn, lần này chỉ hỏi về việc gia đình, muốn biết mẫu thân của Hà tiểu thư mất khi nào? Hà tiểu thư tình thật khai ngay:

– Đây là điều mà phụ thân tiểu nữ dặn đi dặn lại đừng tiết lộ cho ai biết. Theo lời ông thì mẫu thân tiểu nữ mất khi tiểu nữ mới được 1 tuổi. Từ đó trở đi bà vú phụ trách việc nuôi nấng cho đến lúc xuất giá đi lấy chồng.

Bao Công lại chợt hỏi:

– Tiểu thư có biết vì nguyên nhân gì mà mẫu thân bị chết không?

Hà tiểu thư đáp:

– Lúc đó tiểu nữ còn nhỏ nên không hề biết, cũng không được phụ thân nhắc đến bao giờ. Có lẽ chỉ bà vú là người biết rõ mà thôi.

Đến đây Bao Công đã khá thỏa mãn, cho Hà tiểu thư trở về nơi giam cầm, lập tức triệu bà vú tới công đường, cho cả Hà tiểu thư đến đối chất. Lần này có điều khác lạ, ngay khi tới công đường, bà vú lập tức sụp lạy rồi khóc ngất, rất lâu sau mới nói được nên lời:

– Quả là trời cao có mắt, việc ác độc này lão đây đã giữ kín trong lòng mấy chục năm nay không dám nói ra bởi chỉ cần hé miệng là mất mạng ngay. Nay chắc hoàng thiên phù trợ nên mới sai Bao đại nhân xử đúng vụ án này. Bây giờ lão xin kể hết đầu đuôi, nhờ Bao đại nhân báo thù cho mẹ của tiểu thư nhà chúng tôi.

Bà vú liền quay lại ôm lấy Hà tiểu thư, đau khổ nói:

– Hung thủ giết mẹ của tiểu thư không phải ai khác, chính là tên tiểu nhân đội lốt Hà Viên ngoại. Cũng chính hắn giết Lý Công tử rồi vu oan giá họa cho tiểu thư, có lẽ để trừ tận gốc, tha hồ hưởng tài sản của phụ thân hiền lương của tiểu thư để lại.

Hà tiểu thư còn đang chết lặng cả người thì bà vú vái Bao Công một cái, khai ra luôn:

– Tất cả những lời khai của lão hôm nay đều là sự thật, nếu có chút gì gian trá thì sẽ bị trời tru đất diệt. Số là hai mươi năm trước, phụ thân của tiểu thư là một thương buôn họ Thái, mỗi lần đi buôn bán xa đều dẫn theo một viên thư lại giúp việc sổ sách. Tên thư lại này họ Hà, chính là hung thủ của bao nhiêu vụ giết người…

Quá xúc động, bà vú phải ngừng một chút để trấn tỉnh rồi mới khai tiếp:

– … Trong một lần đi buôn bán xa, họ Hà trở về một mình, cho biết chủ nhân đã bị người ta lừa lấy hết tiền bạc, phẫn uất nhảy xuống sông tự tử, không tìm thấy xác. Trước khi chết, người chủ đã gởi gấm toàn bộ gia sản cùng với việc trông nom người góa phụ với đứa con côi cho hắn. Mẹ của tiểu thư thừa biết việc này có gian dối nhưng vì hai điều mà không để lộ ra, đó là muốn đùm bọc đứa con còn thơ dại, thứ hai rất sợ họ Hà lén giết chết cả mẹ lẫn con thì lấy ai báo thù cho chồng? Vì vậy phu nhân cố gắng sống trong nhục nhã, sau này lại được một người bạn cùng đi buôn trao cho chiếc vòng rồi nói rõ sự thật. Phu nhân biết rõ rồi, định đi báo quan nên tên họ Hà hăm dọa đủ điều, lại cho người canh chừng cẩn mật nên không có cơ hội báo cho quan biết. Sau đó hắn ép buộc phu nhân phải hầu hạ như là vợ chính thức. Phu nhân vì muốn bảo vệ đứa con gái nên cúi đầu chịu nhục, sau uất ức quá thành bệnh mà chết. Khi ấy họ Hà dùng tiền bạc mua được chức Viên ngoại, từ đó trở đi không còn ai dám nghi ngờ hắn là hung thủ giết cả chồng lẫn vợ để đoạt gia tài người chủ cũ nữa.

Hà tiểu thư nghe đến đây phẫn uất trào lên, lăn ra đất bất tỉnh. Riêng Triển Chiêu là người nghĩa hiệp, thấy chuyện bất bình chẳng thể dừng tay huống gì là tên đại gian đại ác như họ Hà, lập tức xin Bao Công bắt hắn về trừng trị. Thật sự Bao Công rất trầm tĩnh mà khi nghe việc này cũng không tránh khỏi tức giận, liền cùng với Triển Chiêu dẫn một số quân lính cấp tốc đến Hà trang viên, đạp cửa xông vào chứ không thèm kêu gọi cho mất thời giờ.

Lúc đó Hà Viên ngoại đang ngồi uống rượu, thấy tình hình đã nguy cấp mà vẫn bình tĩnh, sắc mặt không hề biến đổi chứng tỏ hắn thật thâm độc. Triển Chiêu không bình tĩnh được như hắn, vừa xông vào lập tức quát lớn:

– Tên giết người vô nhân kia, mau cúi đầu chịu trói, theo bản quan về phủ đường chịu tội.

Hà Viên ngoại thản nhiên đáp lại:

– Triển thị vệ nói gì lạ vậy? Tiểu nhân đã phạm tội gì? Nếu chưa có chứng cứ rõ ràng thì đừng trách tiểu nhân sẽ kháng cáo lên cấp trên đấy.

Bao Công cười gằn, quát quân lính xông vào trói chặt Hà Viên ngoại vào rồi mới nói:

– Bản quan nhân đây đã nhiều lần xét xử tới bậc hoàng thân quốc thích, chưa có ai dám chống lại cả. Ngươi chỉ là tên tiểu nhân hèn hạ, dùng độc kế giết người cướp gia tài mà dám huênh hoang với bản quan sao? Ta sẽ đưa ra đủ chứng cứ để ngươi tâm phục khẩu phục mà tự nguyện đưa đầu vào “Cẩu đầu đao”. Bây đâu! Hãy giải hắn về công đường, soạn sẵn hình cụ cùng “Cẩu đầu đao” cho ta.

Thế nhưng trước mặt các nhân chứng cùng với chiếc vòng ngọc mà thân phụ của Hà tiểu thư để lại, Hà Viên ngoại vẫn nhất định kêu oan. Hắn miệng lưỡi cãi từng lời nói từng sự việc hết sức khôn khéo nên Bao Công cuối cùng bắt phải vén tay áo lên hỏi vết thương ấy do đâu mà có. Khi ấy Hà Viên ngoại mới bắt đầu lúng túng nhưng vẫn ngoan cố nói:

– Bao Đại nhân cho rằng tiểu dân giết tên kép hát rồi treo lên. Việc này khá nực cười vì chỉ là gán ghép suy diễn mà thôi.

Thật sự hắn nói cũng đúng vì không thể dựa vào chứng cứ xác thực nào để bắt tội hắn giết tên kép hát được. Nếu không bắt được tội này thì cũng khó mà truy ra các tội khác. Ai cũng tưởng lần này Bao Công phải dùng đến cực hình, nhưng ông vẫn điềm tĩnh, phán bảo:

– Bản quan thừa biết ngươi là tên gian xảo đệ nhất. Ngươi tưởng rằng có thể chối tội được ư? Bản quan sẽ làm cho ngươi phải tâm phục khẩu phục, không dùng đến hình cụ.

Nói xong, Bao Công truyền người đem đến một cái chậu nước, lấy chỗ máu dính trên áo tên kép hát nhỏ vào rồi lấy máu ở vết thương trên cổ tay của Hà Viên ngoại nhỏ chung. Lập tức hai loại máu ấy hòa vào nhau, chứng tỏ đó là máu của cùng một người. Đối với việc thử máu này trong thời đại ấy rất mới mẻ, Bao Công là người đã nghiên cứu lâu nên biết chắc sẽ có hiệu quả nên mới dám đưa ra làm chứng cứ.

Khi đã thấy tận mắt, Hà Viên ngoại thẫn thờ không dám chối cãi nữa, đành phải điểm chỉ vào tờ khai, giam vào ngục chờ ngày hành hình. Thế là vụ án khá bí ẩn này đã được Bao Công làm sáng tỏ. Xuân Tuyết và Hà tiểu thư được phóng thích ra khỏi ngục. Riêng tên Triệu Cảnh có lệnh bị đánh 20 roi về tội buôn gian bán lận.

Sau khi bãi đường, Triển Chiêu còn một số thắc mắc đem hỏi thì Bao Công giải thích:

– Ngay từ đầu ta đã nghĩ đến tên họ Hà kia là người vô cùng xảo quyệt thâm độc. Đến lúc thẩm cung, chính hắn tiết lộ con gái không ngủ được rồi lại sai tên kép hát giả làm Hà tiểu thư giả vờ đánh rơi chiếc trâm cài đầu, tức là hắn muốn đẩy hết sự chú ý của chúng ta vào Hà tiểu thư. Hắn còn độc ác đến mức giết người diệt khẩu nên quả thật khó có bằng chứng xác thực. Nếu không có lời khai của bà vú cùng các vật chứng bà ta giữ được rồi phải dùng đến “chiêu thức” cuối cùng là thử máu thì chắc cũng chưa thể bắt hắn nhận tội dễ dàng như vậy.

Triển Chiêu hết sức khâm phục tài năng của Bao Công, hứa sẽ theo gương ông mà chú ý xem xét các vụ án mạng, lấy suy nghĩ sáng suốt mà loại trừ dần các yếu tố bị che giấu, không để cho người hiền lương bị hàm oan.

Khi đã kết án xong, trang viên được trao trả về cho Hà tiểu thư, bây giờ đã đổi thành Thái tiểu thư. Thái tiểu thư liền đem Xuân Tuyết về ở chung, sau khi Xuân Tuyết sinh được đứa con trai kháu khỉnh thì đối xử yêu thương giống như con của mình vậy. Hai người sống với nhau êm đềm sung sướng cho đến mãn đời.

Bình luận