Vào năm Chính Hòa thứ 2 đời Tống Huy Tông, tức là năm 1112, ở Chiết Giang có một thư sinh tên là Lai Pháp, tên tự là Bản Như, tính tình khác lạ hơn người, rất phóng khoáng ngay thẳng, trọng nghĩa tình hơn là tiền bạc. Vốn có trí thông minh, lại ham học hỏi nên đến khi 20 tuổi thì Lai Pháp đã thành người làu thông kinh sử, kiến thức rộng rãi, thơ văn cũng thuộc hạng danh tài. Thế nhưng vì tính quá phóng khoáng không câu nệ tiểu tiết nên Lai Pháp thi hoài mà không đỗ, đành phải làm gia sư cho một phú hào ở ngoại thành, kiếm miếng ăn qua ngày chờ thời vận hanh thông.
Vào năm Chính Hòa thứ 2 đời Tống Huy Tông, tức là năm 1112, ở Chiết Giang có một thư sinh tên là Lai Pháp, tên tự là Bản Như, tính tình khác lạ hơn người, rất phóng khoáng ngay thẳng, trọng nghĩa tình hơn là tiền bạc. Vốn có trí thông minh, lại ham học hỏi nên đến khi 20 tuổi thì Lai Pháp đã thành người làu thông kinh sử, kiến thức rộng rãi, thơ văn cũng thuộc hạng danh tài. Thế nhưng vì tính quá phóng khoáng không câu nệ tiểu tiết nên Lai Pháp thi hoài mà không đỗ, đành phải làm gia sư cho một phú hào ở ngoại thành, kiếm miếng ăn qua ngày chờ thời vận hanh thông.
Người phú hào này tên là Thủy Giám đã có vợ lớn và một đứa con gái tên là Quan Cô rất xinh đẹp nhưng vợ lớn chết sớm, đành phải lấy vợ lẽ là Phong Nguyệt Di, cũng sinh được một đứa con trai. Khi thấy Lai Pháp diện mạo phong nhã, Nguyệt Di đem lòng hâm mộ, rất muốn được cùng chàng trai tư thông. Tiếc rằng tính của Lai Pháp trung thực và nghiêm nghị, tuy biết lòng dạ Nguyệt Di nhưng không bao giờ để mắt tới, giữ đúng bổn phận là một gia sư.
Rất nhiều lần Nguyệt Di tìm cách trêu ghẹo nhưng Lai Pháp giữ gìn tiết tháo rất chặt, chưa bao giờ đáp lại. Vì vậy Thủy Viên ngoại có ý coi trọng Lai Pháp, định gả Quan Cô cho chàng. Lai Pháp trân trọng cám ơn Thủy Viên ngoại nhưng nhẹ nhàng từ chối, nói rằng bao giờ công thành danh toại mới tính đến việc thê thiếp. Thủy Viên ngoại nghe vậy rất buồn, không dám nói đến chuyện hôn nhân nữa, càng thêm kính trọng chàng Nho sinh trẻ tuổi nhiều chí khí ấy.
Một hôm Lai Pháp vào thành thăm bạn, khi về ngang một cái miếu bỏ hoang thì chợt nghe có tiếng kêu khóc của phụ nữ, lập tức xông vào xem đã có việc gì xảy ra. Lúc ấy có hai hòa thượng mặt mày dữ tợn đang định đè một thiếu phụ ra làm chuyện tồi bại, thấy Lai Pháp xông vào thì thoạt đầu hơi hoảng sợ. Khi biết thư sinh này chỉ có một mình, hòa thượng to béo hơn liền cầm cây thiền trượng quát tháo, định đánh chết để phi tang. Lai Pháp hết sức kinh hoảng, quay đầu chạy trốn, quá vội nên vấp phải ngạch cửa, rơi mất một chiếc giày màu đỏ mà chàng rất ưa thích.
Lai Pháp không dám nghĩ đến việc nhặt giày, cắm đầu mà chạy, chẳng may không nhìn thấy cái giếng cạn trước mặt nên ngã nhào xuống.
Hòa thượng kia đuổi tới, thấy giếng tối đen, thọc thiền trượng xuống vẫn chưa thấy đáy. Hòa thượng nghĩ rằng thư sinh kia chắc chắn không sống nổi nên quay về miếu hoang. Chẳng biết tại sao người thiếu phụ đã chết, còn tên hòa thượng đồng bọn thì đi đâu mất biệt, rốt cuộc hắn cũng bỏ trốn luôn.
Người thiếu phụ kia là Chu thị, vợ của người bán rượu trong thành tên là A Nhuận, vì vợ chồng giận dỗi nhau nên Chu thị mới bỏ đi chẳng may gặp đúng hai tên hòa thượng dâm dục đành phải mất mạng. Khi thấy vợ giận bỏ đi, người anh hết lời khuyên A Nhuận rồi cùng nhau bổ đi tìm. Khi đến cái miếu hoang, hai người nhận ra xác chết chính là Chu thị, nhặt chiếc giày đỏ làm tang vật đem về trình báo với huyện quan. Người dân gần đó nghĩ rằng thủ phạm vội vã đến mức rơi cả giày thì chắc không đi đâu xa được, gọi nhau lục soát. Quả nhiên khi tới cái giếng cạn thì họ nghe có tiếng kêu cứu, lập tức thả dây xuống kéo Lai Pháp lên.
Ai nấy nhìn thấy Lai Pháp chỉ còn một chiếc giày đỏ thì đều vui mừng nói:
— Quả là lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, ác nhân tất không thể tránh khỏi nên mới rơi xuống giếng.
Lai Pháp ngơ ngác một lúc, hết sức kêu oan uổng nhưng mọi người dẫn đến cái miếu hoang chỉ xác thiếu phụ làm chứng rồi lập tức giải anh ta lên huyện đường. Quan huyện bấy giờ tên là Hồ Hồn, vốn hâm mộ đạo Phật, thích ăn chay và bố thí làm điều lành nên rất ghét kẻ ác. Hồ Hồn đọc lời tố cáo thấy Lai Pháp cưỡng dâm không được rồi giết người thì vô cùng tức giận quát bảo sai nha đè Lai Pháp xuống đánh ngay. Lai Pháp vội kêu oan, trình bày những gì mình đã thấy. Thế nhưng quan huyện hỏi mọi người xem có thấy hòa thượng nào không, tất cả đều thưa hoàn toàn không nhìn thấy một hòa thượng nào cả bởi vì hai tên hòa thượng thủ phạm đã trốn theo đường nhỏ, đâu dám lộ diện nơi đông đúc? Quan huyện nghe xong chỉ mặt Lai Pháp mắng lớn:
— Tên ác nhân kia! Ngươi đã là học trò mà tâm địa quá xấu xa độc ác. Ngươi thấy phụ nữ thân cô đi một mình thì tính giở trò tồi bại, không như ý nên giết người diệt khẩu phải không? Mau khai ra đi. Dù ngươi không khai thì bản quan vẫn có nhân chứng và vật chứng là chiếc giày đỏ bỏ lại hiện trường, nếu chối cãi thì đừng trách bản quan đấy.
Lai Pháp cương quyết không nhận tội khiến quan huyện càng thêm tức giận, sai quân lính tra khảo đến mức Lai Pháp vô cùng đau đớn, thịt da bầm nát. Thấy Lai Pháp dù chết đi sống lại mấy lần vẫn không nhận tội, quan huyện càng tức tối, nói:
— Ngươi thật ngoan cố! Nếu vậy ta sẽ đánh ngươi đến chết. Người đâu, hãy dùng trượng đánh đến khi nào hắn khai nhận thì mới thôi, bằng không cứ đánh chết cho ta.
Nghe vậy Lai Pháp biết rằng mình không còn con đường nào khác, đành phải nhận tội. Quan huyện liền làm văn án khép Lai Pháp vào tội tử hình, giam vào ngục thất, trình án văn lên tỉnh phê chuẩn xong sẽ đem ra giữa chợ chém đầu làm gương. Lúc còn ở ngoài, Lai Pháp giao du với nhiều bạn bè, ai nấy đều ngưỡng mộ chàng, tiếc rằng khi bị khép án rồi chẳng còn thấy mặt bất cứ một ai. Chỉ riêng mình Thủy Viên ngoại vẫn tin chắc rằng Lai Pháp không bao giờ tham dâm đến mức trở thành kẻ ác đến như vậy, thường vào ngục thăm hỏi an ủi, tiếp tế tiền bạc và thức ăn. Nhờ vậy Lai Pháp cũng không đến nỗi đói khổ lắm.
Lai Pháp ngồi tù được gần 3 năm thì quan huyện Hồ Hồn đổi đi nơi khác, chưa có quan huyện mới về thay. Tình hình càng thêm biến động vì một nông dân tên là Phương Lạp nổi dậy chống lại triều đình ở Giang Nam, thanh thế rất mạnh. Triều đình đành phải sai Đại tướng Trương Thúc Dạ, phong ông làm Chiêu Thảo sứ dẫn đại quân đến tiễu trừ.
Quân của Phương Lạp vốn ô hợp nên không thể chống nổi, phải dẫn tàn quân bỏ chạy. Khi qua huyện Đồng Hương, Phương Lạp ra lệnh cho quân phá toàn bộ cửa ngục thất, tha hồ cho tù nhân trốn ra với ý đồ làm cho tình thế đại loạn thêm để dễ bề rút lui. Chỉ riêng Lai Pháp vốn tính ngay thẳng chính trực, cho rằng trốn chạy khỏi ngục thất càng làm cho tội thêm nặng, đã oan khuất càng thêm oan khuất nên nhất định ngồi ở lại ngục thất, không bỏ trốn như những người khác.
Khi Trương Thúc Dạ tiến quân vào huyện Đồng Hương, biết việc này rất kinh ngạc, gọi Lai Pháp đến quân doanh hỏi:
— Tại sao ngươi không bỏ trốn?
Lai Pháp thưa:
— Tại hạ vốn là thư sinh, bị hàm oan nên mới bị giam trong ngục thất. Thế nhưng tại hạ nghĩ rằng người làm quan đã có học hành đầy đủ, thể nào cũng có quan huyện khác sáng suốt anh minh hơn giải oan cho tại hạ nên dù chết cũng không bỏ trốn. Nếu như nhân lúc loạn lạc mà bỏ trốn thì có khác gì bọn tù phạm hình sự tầm thường, đâu đáng với công sức học hành sách thánh hiền?
Trương Thúc Dạ nghe vậy hết sức khen ngợi, sai quân lục tìm văn án để xem lại. Vốn là người sáng suốt, Trương Thúc Dạ lập tức nhận ra ngay mấy điểm mâu thuẫn trong văn án mà viên quan huyện Hồ Hồn ngu muội không để ý tới. Đó là nếu Lai Pháp đã có thời gian giết người thì làm gì vội vã đến mức đánh rơi chiếc giày, vả chăng nếu có đánh rơi cũng thừa sức nhặt nó, sao lại bỏ nơi hiện trường làm tang chứng? Đã dám cưỡng dâm rồi giết người thì tại sao hoảng hốt đến mức không nhìn thấy cái giếng hoang, để phải rơi xuống đó? Theo văn án thì Chu thị bị đâm chết nhưng hoàn toàn từ đầu đến cuối trong văn án không hề ghi lại vũ khí đó là gì, cũng không có vật chứng.
Tuy nhiên Trương Thúc Dạ cũng biết nếu chưa bắt được hai hòa thượng mà Lai Pháp khai thì cũng chưa thể kết thúc vụ án, chưa thể giải oan cho người ngay được. Trương Thúc Dạ liền dựa vào việc Lai Pháp nhất định không bỏ trốn khỏi ngục thất mà tha Lai Pháp, lại thấy Lai Pháp ứng đối trôi chảy, kiến văn rộng rãi nên cho làm tham mưu theo quân đuổi theo tiêu diệt Phương Lạp.
Lai Pháp theo quân của Trương Thúc Dạ được mấy ngày thì chợt có quân vào báo là đã bắt được mấy trăm phụ nữ do Phương Lạp bỏ lại, xin Trương Chiêu Thảo sứ ban lệnh giải quyết. Ông thấy Lai Pháp là người ở đó, hỏi ý kiến thì Lai Pháp thưa:
— Đây toàn là những phụ nữ dân quê bị giặc bắt theo hầu hạ, không có tội tình gì. Theo ý thuộc hạ thì nên đưa vào những nhà bỏ trống, rồi treo yết thị cho người nhà biết mà đón về.
Trương Chiêu Thảo sứ nghe theo, sai Lai Pháp đến ghi tên tuổi, sắp xếp chỗ ở cho họ rồi sau đó viết yết thị treo lên khắp nơi. Khi Lai Pháp đang hỏi từng người để ghi tên họ thì chợt có một thiếu phụ nhìn chăm chăm rồi nói:
— Có phải là Lai sư phụ đấy không? Tuy ông tiều tụy khác trước rất nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra ngay.
Lai Pháp nhìn lại, hóa ra đó là Phong Nguyệt Di, người mà trước kia có tình ý với mình. Lai Pháp cả mừng, hỏi tin tức của Thủy Viên Ngoại và Quan Cô thì Nguyệt Di đáp:
— Tôi cùng Viên ngoại và Quan Cô dẫn nhau định chạy đến am Lạc Hương của các ni cô tránh nạn nhưng giữa đường thì gặp giặc vây bắt. Tôi bị lạc nên cuối cùng bị giặc bắt còn Thủy Viên ngoại chạy thoát, có lẽ đến am Thủy Nguyệt cách đó không bao xa.
Phong Nguyệt Di nói xong tỏ vẻ vui mừng, nói tiếp:
— Tôi nghe nói Lai sư phụ bị bắt giam, bây giờ lại được làm quan thì thật kỳ lạ, có thể giúp gì cho chúng tôi không?
Lai Pháp bèn kể lại mọi chuyện rồi đưa Phong Nguyệt Di về một chỗ trú tạm tươm tất trong khi chờ mình đi tìm Thủy Viên ngoại. Khi đã sắp xếp xong cho các nữ nhân kia, Lai Pháp mới viết thiếp đưa đến am Thủy Nguyệt hỏi về tung tích của Thủy Viên ngoại. Lúc đó Viên ngoại rất lo buồn vì đã thất lạc người vợ kế, biết tin Lai Pháp đã được làm quan, vợ mình vẫn còn sống thì vui mừng khôn xiết, vội vã tới quân doanh bái kiến Lai Pháp.
Lai Pháp cũng tạ ơn Thủy Viên ngoại trước kia đã hết lòng chăm sóc cho mình, không nghĩ đến đó là tù nhân trọng phạm. Nhân lúc đoàn viên, Thủy Viên ngoại nhắc lại việc hôn nhân, cười nói:
— Trước kia công tử muốn công thành danh toại rồi mới lập gia đình, nay tuy chưa đỗ đạt nhưng cũng là một chức quan thì không nên câu nệ nữa. Vả chăng tôi đã già yếu, nếu chưa tính được việc chồng con cho tiểu nữ thì cũng chưa yên lòng nhắm mắt.
Lai Pháp thật sự chưa muốn bị trói buộc vào vòng thê nhi, ảnh hưởng tới bước đường công danh của mình nhưng nể lời Thủy Viên ngoại, liền nói:
— Việc quân hãy còn bận rộn, bây giờ tiện sinh xin đưa sính lễ trước để làm bằng, sau này sẽ thành hôn chắc cũng chưa muộn đâu.
Thủy Viên ngoại mừng rỡ nhận lời. Lai Pháp liền nói với Trương Chiêu Thảo sứ đứng ra làm chủ hôn. Ông rất vui mừng tặng cho Lai Pháp 200 lạng bạc cùng nhiều vải vóc sau đó chọn ngày lành tháng tốt, làm lễ xong vẫn ai ở nhà nấy, hẹn ước khi xong việc quân sẽ thành hôn. Lễ xong, Lai Pháp theo Trương Thúc Dạ dẫn quân tiến đánh Phương Lạp tiếp, định rằng bao giờ trừ được gốc ngọn mới chịu rút binh về.
Khi làm tham mưu cho họ Trương, Lai Pháp hết sức khuyên ông không nên để quân sĩ quấy nhiễu của dân nên quân triều đình đi đến đâu người người đều tung hô vạn tuế, ca tụng cả Trương Chiêu Thảo sứ lẫn quan Lai tham mưu. Lai Pháp lại hiến kế sách tài tình, chia quân ra nhiều nên mai phục, quả nhiên bắt được Phương Lạp, thế là phiến quân như rắn mất đầu, chẳng bao lâu đã tan vỡ.
Với những công trạng ấy, lại được Trương Thúc Dạ hết lời khen ngợi với triều đình nên Tống Huy Tông phong cho Lai Pháp làm Xu Mật viện Chánh sứ. Nhân dịp kỳ thi mới mở, Lai Pháp được đặc cách dự thi, văn bài tuyệt diệu nên đỗ Tiến sĩ, liền được thăng lên làm Giám sát Ngự Quảng Đông. Ông không quên lời hẹn ước, tâu với triều đình cho mình về Chiết Giang làm lễ thành hôn với Quan Cô rồi mới lên đường nhậm chức. Kể cả ba năm ngồi tù, lúc danh vọng đã lên tới tột đỉnh, Lai Pháp chỉ mới 24 tuổi khiến ai nấy biết chuyện đều khâm phục ý chí kiên cường của người thư sinh này.
Đã một lần bị hàm oan, khi đến Quảng Đông, quan Ngự sử rất chú ý đến những vụ án ly kỳ, quyết tâm sẽ làm sáng tỏ chứ không chịu mù mờ xét xử như viên quan huyện họ Hồ trước kia. Trong khi tra xét các vụ án lớn, Lai Pháp được một người dân tên là Tiểu Tam dâng đơn khiếu tố mà rốt cuộc khám phá ra hai tên hòa thượng thủ phạm đã giết người khiến mình phải lâm vòng lao lý trong ba năm trời, nếu không có phúc đức tổ tiên để lại thì không chừng đã mất mạng từ lâu rồi.
Nguyên lúc đó ở huyện Long Môn có một viên Tham tướng tên là Cao Huân, dựa vào thế lực của Thái úy Cao Cầu làm nhiều chuyện bất chính. Thật ra Cao Huân không hề có thân thuộc gì với Cao Cầu, chỉ trùng họ Cao nên nhận bừa, người không biết rất sợ hãi. Cao Huân không những lấy quyền hành của mình nhũng lạm người dân mà còn dùng số gia sản kếch sù của mình làm lợi bằng cách cho người vay với giá lời cắt cổ. Không ít người dại dột vướng vào vòng công nợ với Cao Huân, trước sau đều khuynh gia bại sản bởi hắn có nhiều thủ đoạn nham hiểm, không khi nào cho người đó thoát khỏi bàn tay tham lam của mình. Người dân ở Long Môn rất thán oán nhưng không ai dám đứng ra tố cáo Cao Huân vì sợ thế lực của hắn.
Vụ án mà Lai Pháp chú ý là của một người tên là Tăng Tiểu Tam. Người này làm ăn lương thiện bằng cách mở một cửa hàng bán thức ăn điểm tâm, cuộc sống không đến nỗi nghèo khó. Thế nhưng vì mẹ già chết đột ngột, Tiểu Tam không phòng bị nên chẳng biết làm sao có tiền làm tang ma cho mẹ cho đúng lễ nghĩa người con hiếu, đành phải đến vay của Cao Huân mười lạng bạc. Chỉ một năm sau lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền ấy tăng lên thành ba mươi lạng khiến Tiểu Tam dù hết sức lo toan vẫn không làm sao thu góp cho đủ.
Ngay lúc ấy Cao Huân lại được điều đi nơi khác, cho người tới đòi nợ rất dữ. Không còn cách nào khác, Tiểu Tam đành phải van xin bọn lính đến đòi nợ:
— Tôi là người làm ăn hiền lương, số bạc đó quả là không thể kiếm được. Bây giờ lại không có con cái gán cho Cao đại quan làm gia nhân trừ nợ dần. Xin các ông về thưa với đại quan cho tôi gán vợ là Thương thị vậy.
Bọn lính không chịu, gia hạn cho Tiểu Tam mấy ngày nữa để có thời gian bán vợ mà trả tiền. Đúng ra Thương thị không xinh đẹp thì làm sao có thể bán được với giá cao như vậy nên cuối cùng Tiểu Tam đành phải nói khó với vợ là sẽ bán vào lầu xanh. Tuy Thương thị bằng lòng, lấy thân mình trả hiếu cho mẹ chồng nhưng đau lòng quá khóc ngất, Tiểu Tam cũng xót xa, ông cùng khóc theo, âm thanh thê lương vang đến tai người láng giềng là Thi Huệ Khanh.
Huệ Khanh sinh nhai bằng nghề đóng giày, cũng vất vả như Tiểu Tam nhưng nhờ anh ta không có vợ con, lại biết tằn tiện nên cũng để dành được chút ít, tính ra vừa đúng ba mươi lạng bạc. Vốn là người mộ đạo, Huệ Khanh thấy có một hòa thượng đến chùa Báo ứng mở cuộc quyên góp xây chùa thì định đem số tiền mồ hôi nước mắt ấy đi cúng dường lấy phúc. Cũng may khi Huệ Khanh mời hòa thượng đi hóa duyên ấy đến nhà đãi cơm chay, định là sau đó sẽ dâng cúng số tiền ấy thì chợt nghe tiếng khóc của vợ chồng Tiểu Tam, lập tức chạy sang hỏi nguyên do.
Khi biết được hoàn cảnh thương tâm của Tiểu Tam, Huệ Khanh tự nghĩ:
“ “Sách Phật có dạy cứu một mạng người còn hơn xây chín ngọn phù đồ”, nay ta dùng số tiền ấy giúp cho Tiểu Tam thì còn công đức nhiều hơn là xây chùa dựng tháp”.
Quả là:
Dẫu xây chín đợt phù đồ,
Sao bằng làm phúc cứu cho một người. (KVK).
Lời dạy trong kinh Phật chẳng sai, Huệ Khanh tuy bị đau khổ một thời gian ngắn nhưng bù lại nhờ vào công đức biết cứu mạng người, ăn ở chân thật, hết lòng mộ đạo mà sau này trở thành vị chân tu đắc quả. Đó là việc về sau.
Nhắc lại khi Huệ Khanh biết rõ tình cảnh bi đát của Tiểu Tam thì lập tức về nhà, không nhắc gì đến việc cúng dường, chờ khi hòa thượng đi rồi liền sang nhà Tiểu Tam nói việc sẽ cho mượn tiền trả nợ, bao giờ trả cũng được, bằng không trả nổi thì cứ coi như là đã cúng dường cửa Phật rồi vậy. Tiểu Tam biết Huệ Khanh có số tiền ấy là do ăn tiêu tiện tặn nhiều năm mới được nên ngần ngừ không muốn nhận. Đúng lúc đó bọn quân sĩ của Cao Huân xông đến, la hét rầm trời, nhất quyết lần này không thu được nợ cho chủ nhân thì sẽ bắt Tiểu Tam mang đi trừng trị đánh đập. Huệ Khanh nghe vậy không để Tiểu Tam từ chối nữa, chạy ra nói với bọn quân sĩ:
— Các ngươi đừng làm rộn lên. Ta đã cho Tiểu Tam mượn số bạc đủ để trả nợ rồi. Hãy chờ ở đây một lát.
Nói xong Huệ Khanh chạy về nhà lấy số bạc đưa cho bọn quân sĩ khuyển mã. Bọn này không cần biết đó là tiền của ai, lập tức thu giữ rồi đi ngay. Huệ Khanh tưởng như vậy là xong mọi chuyện, đâu có ngờ Tiểu Tam vẫn không cam tâm lấy không của người bạn tốt số tiền mồ hôi nước mắt ấy, nghĩ thầm:
“Huệ Khanh chưa có vợ con mà ta đã quyết định bán vợ lấy tiền trả nợ. Tuy Huệ Khanh không đòi hỏi nhưng ta làm sao yên tâm được, phải bàn với vợ tìm cách đền bù cho xứng đáng”.
Vì vậy đêm hôm ấy Tiểu Tam to nhỏ với vợ điều gì đó, Thương thị một lần nữa rơi nước mắt nhưng vẫn nhận lời chồng, hứa sẽ làm như vậy. Ngày hôm sau Tiểu Tam làm một bữa rượu nhỏ, mời Huệ Khanh sang nhà mình gọi là cám ơn. Huệ Khanh vô tình ngồi vào bàn, thấy trên đó có 3 đũa chén thì hỏi ngay xem còn ai khác. Tiểu Tam cúi đầu đáp:
— Chẳng còn ai khác đâu! Đó là để sẵn cho vợ tôi cùng ăn vậy.
Nói xong Tiểu Tam vào nhà dẫn vợ ra rồi cùng ngồi với nhau. Huệ Khanh làm được việc phúc thì trong lòng phơi phới không hề để ý đến nét mặt của Thương thị ủ dột khác thường. Được vài ba chén, Tiểu Tam chợt đứng dậy nói:
— Tôi vào sau nhà có việc. Hai người cứ uống với nhau… thân mật nghe!
Huệ Khanh cả đời chưa uống rượu, mới có mấy chén mà đã mơ màng, nghe hình như có điều gì khác lạ vẫn không nhận ra. Rất lâu sau không thấy Tiểu Tam đâu, Huệ Khanh mới nhìn lại Thương thị. Thì ra từ khi được dẫn ra giới thiệu, Thương thị cứ ngồi cúi gầm mặt xuống, không uống một giọt rượu nào. Huệ Khanh ngạc nhiên hỏi:
— Tiểu Tam ca ca đâu rồi? Mà sao tẩu tẩu cứ ngồi im như thế? Hôm nay là ngày trả hết nợ phải vui lên chứ?
Thấy Thương thị không nói lời nào vẫn cúi đầu lặng yên, Huệ Khanh định vào trong tìm gọi Tiểu Tam ra. Lúc ấy Thương thị mới ngước mặt lên, đôi mắt ràn rụa lệ thảm, run run nói:
— Đừng tìm làm gì! Chàng đã đi mất rồi!
Huệ Khanh cả kinh, vặn hỏi thì Thương thị thú thực:
— Chàng đã bàn với tôi là đại ca rất nghèo, bây giờ lấy hết số tiền dành dụm ra giúp đỡ thì mai này lấy đâu ra để cưới vợ. Vì vậy Tiểu Tam nhất định nhường tôi cho anh, lên Ngũ Đài Sơn cắt tóc quy y rồi.
Huệ Khanh nghe xong sợ hãi nói:
— Tôi có ý tốt muốn giúp hai người chứ đâu phải là muốn chiếm vợ người. Làm như vậy bao nhiêu ý nghĩa phúc đức đều không còn, không chừng lại bị người ta chửi mắng là người bạn xấu. Bây giờ tôi phải đi tìm Tiểu Tam bằng được để bày tỏ chân tình của tôi mới được.
Nói xong, Huệ Khanh lập tức bỏ về nhà thay quần áo định đi tìm Tiểu Tam. Thế nhưng trong lòng lại nghĩ:
“Nếu thực sự Tiểu Tam bỏ đi nhường vợ cho ta, dù ta không nhận nhưng vẫn còn ở sát một bên như thế này thì chắc chắn người ta sẽ xầm xì dị nghị. Chi bằng ta dọn nhà đi thì tốt hơn”.
Do vậy Huệ Khanh không đi tìm Tiểu Tam nữa mà vội vàng đi thuê tạm một căn nhà nhỏ, ngày hôm sau dọn đi luôn. Được mấy hôm hàng xóm không thấy Thương thị ló mặt ra thì sinh nghi, nhìn tới chân cửa thì thấy có vết đào nên càng sợ, gọi nhau xông vào. Quả nhiên Thương thị nằm chết trên giường, lưỡi thè dài, thấy rất rõ vết bầm do bị bóp cổ. Ai nấy bàn tán xôn xao, đề quyết chỉ có mỗi mình Huệ Khanh ra vào nhà của Tiểu Tam, rồi tự nhiên dọn đi nơi khác thì chắc chắn phải là hung thủ không sai, chung tay viết một lá đơn đưa lên huyện tố cáo.
Quan huyện lúc ấy là Thẩm Bá Minh nhận được đơn tố cáo lập tức sai quan quân truy nã, bắt Huệ Khanh về công đường thẩm vấn. Mặc dù Huệ Khanh đã khai thực mọi chuyện, nói rằng sở dĩ phải dọn nhà để tránh hiềm nghi. Thế nhưng quan huyện Thẩm Bá Minh đâu thể tin vào lời khai ấy, lập tức sai người tra khảo, bắt Huệ Khanh phải nhận tội mới thôi. Huệ Khanh bị đòn đến nỗi da thịt trên người đều nát bét, máu tươi chảy ra đầm đìa, đau đớn quá nên cuối cùng đành phải nhận tội bừa.
Quan huyện Thẩm Bá Minh cả mừng, làm văn án xong khép Huệ Khanh vào trọng tội toan cưỡng dâm vợ người không được nên giết chết, giam vào ngục thất chờ ngày phê chuẩn là hành hình. Thật ra lúc ấy Tiểu Tam theo ngõ sau mà đi, nhắm hướng Ngũ Đài Sơn. Thế nhưng mới được hơn chục dặm thì trời đã tối, phải vào một quán trọ nghỉ ngơi. Chẳng ngờ nhuốm sương gió thế nào mà bị bệnh đến liệt giường, gần một tháng mới tạm khỏi.
Nơi quán trọ có nhiều người qua lại, đồn kháo nhau ầm ĩ việc tên thợ giày Thi Huệ Khanh toan cưỡng dâm Thương thị rồi sau đó giết người. Tiểu Tam nghe được việc này, kinh sợ nghĩ thầm trong bụng là không thể như vậy được bởi chính mình đã bàn với vợ trước rồi, đâu có thể xảy ra tình trạng Huệ Khanh phải cưỡng dâm, anh ta lại là người tốt dám bỏ hết tiền dành dụm ra giúp đỡ láng giềng thì làm sao có thể đang tay giết người vô tội?
Do vậy dù bệnh chưa khỏi hẳn, Tiểu Tam cũng gắng gượng đi vào thành, xin ngục tốt cho mình gặp mặt Huệ Khanh. Thấy Huệ Khanh bầm dập tơi tả, quần áo vẫn còn dính máu, Tiểu Tam xúc động rơi nước mắt, hết lời an ủi. Huệ Khanh vốn mộ đạo, lấy thuyết nhân quả ra tự an ủi mình, cũng là an ủi Tiểu Tam:
— Chẳng biết kiếp trước tôi làm gì đại ác lắm nên kiếp này mới bị quả báo. Tôi chấp nhận tất cả nhưng chỉ thương cho vợ anh là người vô tội phải chết oan mà thôi.
Tiểu Tam nghe nhắc đến vợ thì lại tuôn hai hàng nước mắt như suối, nói:
— Tôi nhất quyết phải minh oan cho anh, đồng thời xin quan trên tìm ra kẻ giết vợ mới cam lòng. Hiện giờ đang có Lai Ngự sử đi xem xét ở vùng này, quan huyện có thể u mê chứ tôi hy vọng vị quan lớn như Lai Ngự sử có thể đưa ra ánh sáng vụ án này.
Nói xong, Tiểu Tam lập tức mướn người viết đơn khiếu oan rồi lặn lội tìm đến chỗ của Lai Ngự sử dâng lên. Lai Ngự sử đọc trong đơn cũng thấy có nhiều chi tiết không đúng thực tế, liền gọi Tiểu Tam đến thẩm vấn trực tiếp, đồng thời sai nha lại đến huyện Long Môn lấy án văn về xem xét. Lai Ngự sử còn triệu tất cả những người hàng xóm vào hôm đã phát hiện ra thi thể của Thương thị đến công đường, cố tìm ra những chi tiết mà quan huyện đã bỏ qua. Huệ Khanh cũng được giải đến công đường để đối chất với các lời khai của họ.
Thế nhưng tất cả đều khai đúng như trong văn án, đề quyết chỉ có mình Huệ Khanh ra vào nhà Tiểu Tam, ngoài ra không còn bất cứ ai lai vãng. Điều này làm cho Lai Ngự sử rất khó xét đoán bởi Huệ Khanh là người duy nhất gặp Thường thị trước khi chết. Ông hỏi Huệ Khanh lần nữa:
— Trong mấy ngày từ khi trả nợ giùm rồi sang nhà Tiểu Tam uống rượu, ngươi có thấy ai đến nhà hắn không? Có giao tiếp trò chuyện với ai không thì cố nhớ ra đi.
Huệ Khanh đáp là không hề có ai nhưng đột nhiên nhớ lại, vội thưa:
— Ngay hôm ấy có hòa thượng ở chùa Bảo Ứng đến hóa duyên, được tiểu dân đãi cơm chay. Cũng vì vậy mà tiểu dân biết chuyện Tiểu Tam thiếu tiền mà giúp đỡ.
Lai Ngự sử có vẻ mừng hỏi hòa thượng ấy vẫn còn hóa duyên thêm cho vào số tiền định xây chùa hay không thì những người hàng xóm cho biết:
— Hòa thượng ấy không hiểu đã quyên đủ số tiền chưa mà đi ngay trong ngày hôm Huệ Khanh dọn nhà.
Lai Ngự sử “À” lên một tiếng, hình như đã có chút ánh sáng nhưng lại nói là chưa thể xét xử ngay được, cho mọi người về nhà, Huệ Khanh cũng về ngục thất chờ đợi. Chẳng biết Lai Ngự sử có quên không mà mãi hai tháng sau vẫn không hề nhắc gì đến vụ án này, ai cũng tưởng rồi sẽ rơi vào quên lãng.
Bất chợt một ngày kia Lai Ngự sử bỏ ra một số tiền khá lớn là trăm lạng bạc cho chùa Bảo Ứng, dùng để mở tiệc chay thết đãi tất cả các sư tăng hòa thượng trong phạm vi huyện Long Môn, đồng thời cũng báo trước sẽ đến chùa dâng hương cầu phúc. Đây là thịnh sự ít khi xảy ra nên các sư tăng ra sức thu xếp, mời không sót một đồng đạo nào. Ngày hôm Lai Ngự sử đến, các sư tăng đứng thành hai hàng dài để nghênh tiếp. Dâng hương xong, Lai Ngự sử đi một vòng chùa, ngắm nhìn rồi bất chợt ông hỏi xem sửa chùa lần này hết bao nhiêu, cử bao nhiêu hòa thượng đi quyên giáo. Nghe đáp là phải điều đến 10 hòa thượng đi nhiều chỗ mới quyên đủ số tiền hơn 2000 lạng bạc, Lai Ngự sử bèn hỏi:
— Mười vị cao tăng ấy hôm nay có mặt không để ta thăm hỏi.
Thế nhưng Lai Ngự sử khôn khéo chỉ gọi từng người, hỏi han những gì thì sư tăng trụ trì không hề biết. Khi đã tiếp đến vị hòa thượng thứ chín thì hết, còn một hòa thượng nữa tìm mãi mà không thấy. Lai Ngự sử tỏ vẻ giận dữ, nói lớn:
— Ta đã bỏ hết việc quan thân tới đây thăm hỏi mà tại sao hòa thượng ấy không đến, hắn khinh dễ không thèm gặp mặt ta chăng?
Nói xong Lai Ngự sử bắt quan quân phối hợp với sư tăng trong chùa phải lục soát tìm cho bằng được. Quả nhiên sau một hồi tìm kiếm thì thấy hòa thượng ấy trốn sau Phật điện, liền lôi đến trước mặt quan Ngự sử. Đã có chuẩn bị trước, Lai Ngự sử lập tức gọi Huệ Khanh và các người hàng xóm của Tiểu Tam ra hỏi:
— Có phải đây chính là hòa thượng đã đến hóa duyên rồi bỏ đi mất ngay ngày Huệ Khanh dọn nhà hay không?
Huệ Khanh cùng mọi người đều xác nhận đúng là hòa thượng ấy nên Lai Ngự sử chẳng cần hỏi thêm nữa, vỗ án thư rồi chỉ mặt hắn quát lớn:
— Ngươi chính là thủ phạm giết Thương thị, vợ của Tăng Tiểu Tam. Bản quan đã có đủ chứng cứ, còn không khai thực ra mau.
Thấy tên hòa thượng này ngoan cố cứ khai loanh quanh, Lai Ngự sử liền sai quân sĩ giải về công đường, dùng hình cụ tra khảo thật đau. Cuối cùng không chịu nổi, hòa thượng khai rằng:
— Tội dân pháp danh là Khứ Phi tu hành tại chùa Bảo Ứng, được phân công đi hóa duyên cùng với các sư tăng khác lấy tiền xây dựng lại chùa. Lúc Huệ Khanh mời cơm chay thì tội dân đã biết việc Huệ Khanh không cúng dường nữa mà đem tiền đi cho Tiểu Tam trả nợ. Ngày hôm sau tội dân trở lại thì thấy Huệ Khanh đã dọn nhà đi đâu mất, thấy Thương thị ở nhà một mình nên tội dân nảy lòng dâm, đêm đến lén đào chân cửa lẻn vào. Thương thị không bằng lòng, chống cự dữ dội rồi định kêu gọi hàng xóm tới cứu nên tội dân đành phải bóp cổ để ngăn lại… ngờ đâu thả tay ra thì Thương thị đã chết cứng rồi. Xin đại nhân minh xét.
Lai Ngự sử cười nhạt, mắng:
— Ngươi gian dối đã quen nên vẫn chưa khai thật. Ngươi cố tình bóp chết Thương thị vì sợ người khác biết chứ không phải ngộ sát như đã khai. Vì vậy ngươi mới trốn không chịu ra gặp mặt ta, nếu là tu hành chân chính thì sợ gì mà không dám chường mặt ra? Người đâu, đánh cho hắn 30 trượng để đừng khai man lần nữa.
Khứ Phi hòa thượng sợ quá, vội vàng kêu lên xin khai thật là cố ý giết Thương thị. Lúc đó Lai Ngự sử mới sai nha lại viết văn án, bắt hắn điểm chỉ vào và giam vào ngục tử tù. Lai Ngự sử lại gọi hòa thượng trụ trì đến trách:
— Ngươi là trụ trì chỉ biết quyên góp làm lợi cho chùa mà không quản lý được các sư tăng, để cho họ làm bậy hãm hại dân lành. Đáng ra phải chịu tội đồng lõa nhưng bản quan thấy ngươi đã già yếu, lại không biết tí gì về việc này nên tha cho, phải trích ra ba trăm lạng bạc đền bù cho Huệ Khanh đã phải chịu đau khổ đói khát mấy tháng trong tù.
Sư cụ trụ trì cúi đầu xin nghe theo. Sau đó Lai Ngự sử lại gọi quan huyện trước kia là Thẩm Bá Minh đến mắng cho một trận rồi phán xử:
— Ngươi là cha mẹ của dân được triều đình tin tưởng giao trọng trách giúp đỡ và giáo hóa dân. Thế mà ngươi mê muội bức cung xử oan cho dân thì còn làm quan thế nào được? Ta sẽ tâu về triều đình cách chức của ngươi, bây giờ phải đưa ra năm trăm lạng bạc đền bù cho Thi Huệ Khanh.
Đương nhiên Thẩm Bá Minh không dám chống cự, cúi đầu tuân theo răm rắp. Khi đã thu được số tám trăm lạng bạc, Lai Ngự sử gọi Huệ Khanh đến, an ủi:
— Ngươi là người có tâm địa tốt lành, đã giúp đỡ hàng xóm chí tình mà còn không lợi dụng sự cám ơn mà làm việc vô luân bại hoại. Đây là số bạc ta đã bắt bọn sai trái đền bù, cầm lấy mà làm ăn.
Thế nhưng Thi Huệ Khanh không nhận, thưa rằng:
— Số mệnh của tiểu dân chắc là phải chịu khổ nhục như thế, không dám oán giận Trời Phật, được đại nhân giải oan thì cũng như chết đi sống lại rồi, còn mong cầu gì nữa. Vả chăng tiểu dân muốn dùng số tiền dành dụm ấy làm công đức thì nay nỡ cầm tiền của chùa được sao? Theo tiện dân thì đại nhân nên đưa số tiền ấy cho Tiểu Tam, có thể dùng lấy vợ khác hoặc là lo liệu việc cúng tế hàng năm cho Thương thị, để người chết oan được ngậm cười nơi chín suối.
Lai Ngự sử bằng lòng nhưng Tiểu Tam cũng không nhận, thưa:
— Từ khi phải ép buộc người vợ hiền thục phải hai lần bán thân trả nợ, tiểu dân hầu như đã chán ngán cuộc đời, muốn được lên Ngũ Đài Sơn xuất gia. Nay đại nhân có thể dùng số bạc đó xây dựng chùa chiền, tạo phúc đức cho bá tánh thì hay hơn.
Lai Ngự sử thấy là hai người tầm thường mà khi mộ đạo giác ngộ lẽ vô thường của cuộc sống đều có thể trở thành hai hòa thượng chân chính thì rất nể phục. Ông lại nghĩ đến tên hòa thượng giết người không gớm tay thì chợt nhớ lại hai tên hòa thượng trước kia đã giết chết thiếu phụ ở tòa miếu hoang, làm cho ông phải chịu nhục nhã ba năm trong ngục thất. Những tên hòa thượng ấy xứng đáng bị trừng trị, không thể để bọn chúng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật để rồi tiếp tục làm những tội ác trời không dung, đất không tha. Đã có chủ ý trong lòng, Lai Ngự sử liền nói:
— Hai ngươi đều muốn xuất gia thì ta cũng không cản, sẽ tiến hành việc thụ giới cho hai ngươi thật xứng đáng mới được.
Huệ Khanh và Tiểu Tam không hiểu ý của Lai Ngự sử ra sao, cúi đầu chào rồi ra về. Chẳng ngờ chỉ mấy hôm sau Lai Ngự sử đã gọi toàn bộ hòa thượng chùa Bảo Ứng tới, nghiêm nghị trách mắng:
— Các ngươi chỉ cạo đầu lừa thiên hạ mà thôi, theo ta thì trong số các ngươi chưa đến phân nửa thành tâm thực ý tu hành. Ta đã điều tra kỹ càng, hầu hết các ngươi là do gia cảnh nghèo đói, cha mẹ nuôi không nổi nên mới đưa vào chùa kiếm miếng cơm chay; hoặc là thất chí tuyệt tình đem tấm thân vào chốn tôn nghiêm để mong quên đi thế gian; cũng có khi là những tên tội phạm bị truy nã không còn đường nào khác phải vào cửa thiền trốn tránh. Thế nhưng các ngươi được khách thập phương mộ đạo cúng dường đầy đủ quá nên sinh tật, không những giết người mà còn không từ bỏ được lòng dâm dục, thế thì tu hành làm gì? Nay ta cho phép các ngươi tự xét mình, người nào thấy không thật tâm tu hành thì sẽ được ban cho năm lạng bạc trở về quê quán làm ăn.
Nghe vậy các hòa thượng rất sợ hãi bởi lời của Lai Ngự sử quả đúng với tâm trạng của bọn chúng, hầu hết đều là do hoàn cảnh bức bách mới phải vào chùa, do vậy đều xin được hoàn tục. Còn lại một số sư tăng, Lai Ngự sử liền cho Huệ Khanh và Tiểu Tam làm trụ trì, nói:
— Nay đã có trụ trì mới. Ta muốn cho việc xuất gia của hai người này được long trọng nên sẽ mở đàn tràng cầu siêu cho các vong hồn cô đơn không nơi nương tựa rồi mới làm lễ thí phát cho họ. Vì đa số chưa biết hành lễ đúng qui tắc nên cần phải mời nhiều sư tăng hòa thượng ở các nơi khác đến chỉ dạy thì mới hoàn tất được cuộc lễ long trọng này. Do đó ai quen biết các sư tăng hòa thượng thì được phép mời họ đến đây, không những có tiệc chay chiêu đãi mà sau khi hoàn thành ta còn thưởng cho ít nhiều.
Lai Ngự sử không chỉ dặn dò các hòa thượng mà còn treo yết thị khắp nơi, từ thành thị cho đến những nơi hẻo lánh, nội dung cũng giống như vậy khiến đâu đâu đều nhắc đến thịnh sự có một không hai lần đầu tiên diễn ra ở huyện Long Môn. Tin tức truyền đi rất nhanh, những sư tăng hòa thượng đang đi vân du hay đi hóa độ hóa duyên đều nghe tin, lần lượt kéo về chùa Bảo Ứng rất đông. Khi đã thấy khá đủ, Lai Ngự sử đích thân đến chùa ghi danh và thăm hỏi từng người khiến ai nấy đều ngạc nhiên bởi chưa từng có vị quan lớn nào quan tâm đến Phật pháp như vậy.
Khi gặp gỡ các hòa thượng, Lai Ngự sử nhận ra ngay tên hòa thượng đã cầm thiền trượng đuổi đánh mình để đến nỗi phải ngã xuống giếng. Vật đổi sao dời, Lai Ngự sử trải qua hết gian truân này đến vinh quang khác nên diện mạo đổi khác khá nhiều, hòa thượng ấy không hề nhận ra nhưng khuôn mặt hung ác của hắn thì ông chẳng bao giờ quên được. Lai Ngự sử đặc biệt ân cần với hắn, giả vờ nói:
— Đêm hôm qua bản nhân mơ thấy Quan Âm Bồ Tát hiện về báo rằng: “Ngày mai sẽ gặp một vị hòa thượng diện mạo hung hãn nhưng đó chính là người cao tăng có công quả nhiều nhất, đừng khinh thường”. Hôm nay bản nhân thấy mộng đúng sự thực nên xin mời về nha môn đặc cách chiêu đãi tiệc chay.
Tên hòa thượng này mừng quá, không hề nghĩ đến tại sao lại phải về nha môn mới được, bỏ thiền trượng ở chùa rồi theo quân lính đi ngay. Lai Ngự sử ngồi trên công đường, vừa thấy hòa thượng vào thì liền quát lớn:
— Trói tên ác đồ ấy này lại cho ta.
Bị trói chặt, hòa thượng sợ quá kêu oan luôn miệng. Lai Ngự sử liền nói thẳng ra:
— Ngươi kêu oan ức ư? Chẳng lẽ không nhớ nổi năm năm trước đã cùng đồng bọn toan cưỡng dâm thiếu phụ vợ của A Nhuận nơi miếu hoang ngoại thành Đồng Hương rồi đuổi đánh một thư sinh khiến hắn rơi xuống giếng cạn hay sao? Ngươi tưởng thư sinh ấy chết rồi phải không?
Nghe nhắc, hòa thượng kia vội nhìn lên, lúc bấy giờ mới nhận ra quan Ngự sử chính là thư sinh mà mình đã đuổi đánh toan giết chết bịt đầu mối. Hắn chết cứng cả người một lúc, biết rằng không thể giấu diếm được nữa nên ngoan ngoãn quỳ xuống cung khai:
— Tội dân pháp danh là Đạo Hư, năm ấy cùng với sư huynh Đạo Vi đi khuyến thiện ở Đồng Hương. Đi ngang qua ngôi miếu cổ chợt thấy người phụ nữ vừa khóc vừa đi thì nổi lòng dâm dục lên, bàn nhau định cưỡng hiếp. Tội dân không ngờ được là đại quan lúc ấy tình cờ đi ngang nên táo gan đuổi đánh. Thế nhưng khi tội dân về tới miếu thì người thiếu phụ ấy đã bị đâm chết, còn sư huynh Đạo Vi cũng mất biệt. Như vậy tội dân không phải là hung thủ giết người.
Lai Ngự sử gật đầu, hỏi:
— Hiện nay Đạo Vi đang ở đâu?
Tên hòa thượng ấy đột nhiên láo liên đôi mắt rồi khai:
— Thực tình tội dân không biết sư huynh Đạo Vi hiện nay ở đâu.
Thái độ ấy không qua được đôi mắt tinh tường của Lai Ngự sử, ông thừa biết tên này vốn tính gian ngoan nên không dễ gì khai ngay ra đồng bọn, suy nghĩ một úc liền ra lệnh giam Đạo Hư vào ngục, thân hành tới chùa Bảo Ứng xem lại danh sách các sư tăng. Quả nhiên trong danh sách có ghi tên Đạo Vi. Lai Ngự sử rất mừng vì lưới trời lồng lộng, rốt cuộc hai kẻ sát nhân đều lọt vào tay mình, lập tức gọi Đạo Vi ra rồi dẫn về công đường xét hỏi. Thế nhưng Đạo Vi còn gian manh hơn Đạo Hư, khai là không hề biết Đạo Hư là ai, chắc vì quá bức bách nên khai bừa đấy thôi. Lai Ngự sử cho Đạo Hư ra đối chất thì hắn cũng giả vờ ngơ ngác không nhận biết Đạo Hư là ai khiến tên này rất tức giận, mắng đồng đạo:
— Chính ngươi giết thiếu phụ ấy, bây giờ chối là không biết ta để chạy tội hay sao?
Đạo Vi vẫn bình tĩnh, nhất quyết là không hề biết Đạo Hư và cũng không đến phạm vi Đồng Hương bao giờ làm cho Lai Ngự sử đâm ra khó khăn. Bởi vì lúc nguy cấp ấy ông chỉ kịp nhận diện được Đạo Hư, còn Đạo Vi lấp ló trong miếu, không thể xác quyết được. Nếu như Đạo Hư khai bừa bãi thì thủ phạm lọt lưới mà Đạo Vi bị oan. Ông đành phải sai giam hai tên hòa thượng riêng rẽ, rồi hôm sau mới xét xử tiếp.
Đạo Vi bị giam trong ngục nhưng trong bụng mừng thầm bởi vì biết chắc rằng Lai Ngự sử không nhận diện được hắn, nhủ thầm nếu ngày mai có bị tra khảo đến đâu cũng nhất quyết không khai nhận thì sẽ cứu được tính mạng. Hắn khoan khái làm một giấc cho đến tận canh ba thì chợt tỉnh dậy vì nghe có tiếng động từ xa vọng tới. Âm thanh này mới đầu vo ve gào rít như tiếng ma kêu quỷ hú, sau dần đến gần nghe rõ đó là âm thanh của một phụ nữ:
— Đạo Vi, ta chết oan ức lắm, hồn không được siêu sinh khổ sở vô cùng. Bây giờ là lúc ngươi phải đền tội rồi đó.
Trong đêm tối của ngục thất, không khí lạnh lẽo càng làm cho tiếng kêu khóc ấy tăng thêm phần ghê rợn. Đạo Vi bị bất ngờ cũng dựng cả tóc gáy, kêu lên nho nhỏ:
— Ngươi đừng dọa ta nữa! Lúc ấy tại ngươi kêu la quá nên bất đắc dĩ ta phải giết chết, ta hối hận lắm rồi nhưng không làm sao cứu vãn được nữa. Nếu lần này ta thoát khỏi ngục tù thì sẽ làm lễ cầu siêu cho ngươi thật trọng thể.
Đạo Vi vừa dứt tiếng thì bỗng nhiên đèn đuốc ở đâu cháy sáng choang, mấy tên quân của Lai Ngự sử xấn vào quát tháo:
— Tên trọc đầu ác nhân kia! Chúng ta đã nghe rõ hết rồi, ngươi có chối cũng không xong. Chân tướng đã bại lộ thì nên ngoan ngoãn nhận tội để khỏi bị đau khổ là hay hơn.
Hóa ra Lai Ngự sử nhận biết tên hòa thượng này rất cứng đầu cứng cổ, phải lập kế sai một tên quân có giọng nói the thé giống như phụ nữ, giả làm tiếng kêu khóc đòi báo thù của Chu thị, vợ người bán rượu A Nhuận. Đạo Vi ngớ người ra chẳng còn biết nói sao, từ đấy im lặng chịu trói, chờ đến sáng thì giải lên công đường. Lai Ngự sử tươi cười hỏi hắn:
— Ngươi không đánh mà khai, bây giờ hãy nói rõ toàn bộ sự việc cho bản quan biết đi.
Đạo Vi đành phải khai sự thực, không giấu diếm tí gì. Lai Ngự sử sai giam hắn vào ngục tử tù rồi thân hành đến chùa Bảo Ứng xuống tóc cho Huệ Khanh và Tiểu Tam, đặt pháp hiệu là Chân Thông và Chân Thiết.
Sau khi làm lễ quy y xong, Chân Thông và Chân Thiết chính thức trở thành trụ trì chùa Bảo Ứng, được mời lên thượng điện làm chủ tế đàn tràng.
Thế nhưng cả hai đều thưa:
— Chúng tôi là dân thường hâm mộ Phật pháp, tuy biết tụng kinh nhưng không hề cáng đáng nổi một đàn tràng lớn lao như hôm nay. Xin đại quan cho người khác làm chủ tế vậy.
Lai Ngự sử không chịu, nói:
— Tâm là Phật, quay đầu là thành Phật. Những người biết đủ cách hành lễ thật sự chưa có Tâm bằng hai ngươi. Vì vậy ta cũng không bắt phải theo đúng lễ nghi bề ngoài, chỉ cần tụng kinh cho mọi người làm theo là thừa đủ cầu xin cho các vong hồn các đảng siêu sinh tịnh độ. Việc hành lễ theo đúng quy tắc hai ngươi sẽ học sau, hiện tại đã là hòa thượng chân chính rồi, đừng ngại ngùng gì nữa.
Chân Thông và Chân Thiết đành phải theo lời, bước lên đài cao ngồi tụng kinh, ba ngày ba đêm thì đại lễ viên mãn nhưng sự kiện thì chưa hết, còn diễn ra khiến người ta phải táng đởm kinh hồn. Đó là do Lai Ngự sử muốn nhân vụ án này trừng trị mấy tên hòa thượng dâm ác bằng cách thức dữ dội, làm gương cho kẻ khác không dám noi theo. Cách thức này tuy khá dã man nhưng đó là Lai Ngự sử cố ý răn dạy bảo vệ cho đạo Phật được thanh tịnh, loại trừ bọn xấu xa đội lốt sư tăng làm bậy.
Lai Ngự sử cho dán yết thị định rõ ngày hành hình ba hòa thượng phạm tội giết người ở sân chùa Báo Ứng, người kéo đến xem đông không kể xiết. Lai Ngự sử đã cho làm sẵn ba cái quan tài đặt trước chính điện chùa Bảo Ứng, đặt sẵn bài vị của Thương thị và Chu thị, rồi sai quân dẫn Khứ Phi, Đạo Hư và Đạo Vi ra, đánh mỗi người 100 trượng. Đánh xong chẳng cần biết sống hay đã chết, cho vào quan tài rồi chất củi hỏa thiêu, nhờ Chân Thông và Chân Thiết đọc bài kệ giải thoát cho linh hồn của ba tên ấy.
Sau khi xong xuôi mọi việc, Lai Ngự sử còn đặt ra các quy định khá nghiêm khắc để các hòa thượng theo đó mà tu hành, mỗi khi đi đâu xa đều phải báo cho trụ trì và quan quân biết. Lai Ngự sử cũng không quên những sai lầm của quan lại ngày trước khiến cho người dân thường bị oan ức, lục lại giấy tờ rồi trình lên triều đình xin trừng trị ba viên quan là Hồ Hồn, Thẩm Bá Minh và Cao Huân.
Lúc đó Hồ Hồn đã bị giáng xuống làm huyện thừa; Thẩm Bá Minh bị cách chức làm thường dân: riêng Cao Huân cố chạy chọt lo lót cho Cao Cầu nên vẫn được giữ chức Tham tướng như cũ. Được sự phê chuẩn của triều đình, Lai Ngự sử gọi ba người này đến công đường Long Môn, mắng chửi xong còn bắt Hồ Hồn và Thẩm Bá Minh phải đền 200 lạng bạc cho A Nhuận. Riêng Cao Huân bóp nặn người dân đã nhiều thì phạt nặng hơn. Thế nhưng tên này vẫn gian ngoan chỉ chịu nộp phạt 1000 lạng bạc dùng vào việc xây dựng chùa chiền. Lai Ngự sử đồng ý nhưng lại nói:
— Ngươi lấy số tiền máu mủ của dân ra xây chùa thì có khác gì dùng lớp sơn máu mủ ấy tô điểm lên Phật tháp, chưa đem lại lợi ích gì cho người dân. Vì vậy bản quan tuyên phạt ngươi thêm 1000 lạng bạc nữa dùng vào việc thu mua thóc lúa để khi có thiên tai hạn hán sẽ đem ra cứu tế dân nghèo.
Cao Huân đành phải cúi đầu nghe theo. Lai Ngự sử còn muốn làm gương cho những kẻ xấu xa nên chưa ngừng ở đấy, bắt Thẩm Bá Minh, Hồ Hồn và Cao Huân đi chân đất đến chùa Bảo Ứng làm lễ tạ tội với Chân Thông, Chân Thiết, đồng thời tiễn hai vị chân tu này đến Ngũ Đài Sơn.
Những việc Lai Ngự sử thi hành rất được người dân ca tụng, tiếng thơm lan truyền khắp nơi, đến cả triều đình. Trương Thúc Dạ lúc ấy làm Xu Mật sứ nắm giữ đại quyền trong tay hết lòng tiến cử nên Tống Huy Tông thăng cho Lai Pháp lên chức Điện trung Thị Ngự sử, triệu về triều phò tá cho mình. Khi Lai Ngự sử rời khỏi Quảng Đông, nhân dân đứng chật hai bên đường đưa tiễn, ai nấy đều than thở tiếc nuối vì vị đại quan anh minh sáng suốt phải rời khỏi địa phương này.
Nhân dịp đó Lai Ngự sử ghé qua trấn Đồng Hương đón toàn bộ gia đình Thủy Viên ngoại về kinh thành với mình. Triều đình còn ban đặc ân cho cả Thủy Viên ngoại được làm quan trong triều. Khi đứa con của Phong Nguyệt Di lớn lên, Lai Ngự sử lại dẫn dắt học hành để báo cái ơn tri kỷ của Thủy Viên ngoại trước, chẳng bao lâu đứa con ấy đã đỗ đạt và được bổ đi làm quan. Như vậy cả nhà Lai Ngự sử đều được vinh hiển chỉ nhờ vào sự thẳng thắn trung thực, làm gương sáng cho người sau học hỏi.