Vào đời nhà Thanh, năm Đồng Trị thứ 3, tức năm 1865 dưới sự cai trị của Thanh Mục Tông Ái Tân Giác La Tái Thuần, đất nước Trung Hoa xuất hiện khá nhiều quan lại có tâm huyết với đất nước. Những quan lại này đa số là người Hoa Hạ nhưng vẫn được triều đình Mãn Thanh trọng dụng bổ nhiệm ra làm quan. Thế nhưng cũng không ít quan lại chỉ vì đồng tiền mà xử đoán khiến rất nhiều oan án xảy ra. Điển hình nhất là vụ việc người vợ mới cưới giết chồng ngay trong đêm tân hôn ở huyện An Nhạc.
Vào đời nhà Thanh, năm Đồng Trị thứ 3, tức năm 1865 dưới sự cai trị của Thanh Mục Tông Ái Tân Giác La Tái Thuần, đất nước Trung Hoa xuất hiện khá nhiều quan lại có tâm huyết với đất nước. Những quan lại này đa số là người Hoa Hạ nhưng vẫn được triều đình Mãn Thanh trọng dụng bổ nhiệm ra làm quan. Thế nhưng cũng không ít quan lại chỉ vì đồng tiền mà xử đoán khiến rất nhiều oan án xảy ra. Điển hình nhất là vụ việc người vợ mới cưới giết chồng ngay trong đêm tân hôn ở huyện An Nhạc.
Một hôm, quan huyện An Nhạc nhận được đơn kiện của người hào phú tên là Vương Minh Sơn, tố cáo con dâu vô cớ giết chồng trong đêm tân hôn. Quan huyện hết sức ngạc nhiên bởi nề nếp “nam trọng nữ khinh” và “phu xướng phụ tùy” tuy đã mai một ít nhiều nhưng không thể nào một người vợ mới cưới, hoàn toàn không có thù oán gì với chồng mà lại đủ liều lĩnh ra tay giết người ngay đêm tân hôn, cũng là lúc có đông đảo họ hàng đôi bên cùng ăn uống vui chơi chúc mừng ở đó.
Vương Minh Sơn vốn là người giàu có, lại gian xảo nên trước khi đưa đơn kiện đã ngầm đút lót khá nhiều tiền bạc cho huyện quan, vì vậy ngay khi Lý Trinh Tú bị giải giao đến là lập tức bị giam vào ngục thất, rồi sau đó huyện quan mới giả vờ sai nha lại điều tra sự tình. Thật sự vụ việc không hề có bằng chứng gì xác thực nhưng cuối cùng huyện quan cũng quyết định đưa ra xét xử. Hắn dựa vào lời tố cáo của Vương Minh Sơn, nhất định ép buộc Lý Trinh Tú vào tội chết.
Nguyên Vương Minh Sơn nhờ bản tính nhiều miệng lưỡi, dựa vào đó mà đứng ra giải quyết những rắc rối cho người dân trong huyện. Thật sự họ Vương nhân cơ hội này mà xúi giục bên này kiện cáo bên kia, câu kết với quan lại để kiếm chác tiền bạc. Nhân vì vậy Minh Sơn rất quen thuộc đường lối công đường, cũng đã nhiều lần đút lót cho quan huyện, trở thành người cung cấp mối manh giúp huyện quan kiếm chác tiền bạc.
Vương Minh Sơn có vợ đã lâu nhưng mãi đến lúc gần 50 tuổi mới sinh hạ được một đứa con trai kháu khỉnh, đặt tên là Vương Thiên Hỷ, vì vậy hai vợ chồng hắn coi Thiên Hỷ như vàng ngọc, hết sức chiều chuộng đứa con này. Tiếc rằng Thiên Hỷ diện mạo sáng sủa nhưng trí tuệ hết sức tầm thường, lại được cha mẹ quá nuông chiều nên sinh tật xấu. Thiên Hỷ không những học hành tệ hại, đến lúc 15 tuổi rồi mà vẫn chưa thuộc nổi “Tứ thư”, mà còn bị vị sư phụ hư hỏng tên là Thôi tiên sinh đưa vào con đường nghiện ngập.
Biết con mình nghiện nặng, Vương Minh Sơn lại dại dột giao cho Thôi tiên sinh quản giáo dạy dỗ, không hề ngờ rằng chính Thôi tiên sinh là người còn nghiện nặng hơn cả con mình. Chính Thôi tiên sinh dựa vào Thiên Hỷ mà có tiền mua thuốc, hai thầy trò cùng nhau hút xách thỏa thuê, chẳng hề dạy dỗ một chữ nào. Sau này Minh Sơn phát hiện ra điều đó, vội vàng đưa Thiên Hỷ về nhà chữa chạy, bồi bổ hết sức tốn kém. Nhờ vậy hơn năm sau Thiên Hỷ đã dần dần từ bỏ được thói nghiện hút, da dẻ hồng hào trở lại. Thế nhưng vẫn do lối sống quá nuông chiều con cái, chẳng bao lâu Thiên Hỷ lại bị bọn bạn bè xấu dẫn dụ hút xách trở lại. Lần này Thiên Hỷ giấu rất kỹ, chỉ dám hút vào lúc đêm khuya, khi cha mẹ và gia nhân đã ngủ hết. Hắn lén đào một hố nhỏ dưới gầm giường rồi giấu cái tẩu hút ở đó, khi nào cần thì lấy lên.
Nhờ vậy một thời gian dài hai vợ chồng Vương Minh Sơn không hề hay biết. Thế nhưng một thời gian sau đồ đạc quý giá trong nhà không cánh mà bay, mất dần mất mòn, lúc đó Minh Sơn mới nghi ngờ ngầm điều tra. Hóa ra chính đứa quý tử Thiên Hỷ vì túng tiền mua thuốc đã lấy cắp các món đồ quý giá ấy đem đổi lấy “nàng tiên nâu”.
Biết được điều này, Minh Sơn vô cùng chán ngán, không dám nói ra cho mọi người biết mà cùng với vợ là Ngũ thị bàn cách đối phó giúp con tránh khỏi cái tật xấu xa ấy. Ngũ thị liền nói:
– Nếu muốn trừ tuyệt thì không gì bằng lấy vợ cho Thiên Hỷ. Đã có người đàn bà suốt ngày săn sóc hầu hạ bên mình thì ít nhất nó cũng không dám lộng hành. Sau đó chúng ta sẽ nhờ vợ nó dùng lời ngon ngọt khuyên bảo, chắc rằng dần dần nó sẽ đoạn tuyệt được.
Vương Minh Sơn khen hay rồi lập tức sai người dò la manh mối. Chẳng bao lâu đã có bà mối giới thiệu một người con gái họ Lý ở cùng huyện, nhà cách nhau không bao xa. Vương Minh Sơn cũng đã nghe tiếng của Lý Trinh Tú là người con gái đoan trang đức hạnh, tuy không đẹp đến mức “chim sa cá lặn” nhưng về việc nội trợ thì không ai bì kịp. Vương Minh Sơn rất mừng, lập tức nhờ bà mối đem danh thiếp đến họ Lý xin cưới. Cha của Lý Trinh Tú là Lý Thiệu Nho thấy nhà Minh Sơn giàu có thì bằng lòng ngay, hy vọng con gái sẽ được tấm chồng tốt và cuộc sống sung sướng. Vả chăng nhà họ Lý không hề biết rằng Thiên Hỷ nghiện hút, nhìn bề ngoài gia đình giàu có, diện mạo khôi ngô của Thiên Hỷ, ai cũng cho rằng nhà họ Lý có phúc lớn.
Đám cưới diễn ra rất suôn sẻ, người của hai họ cùng ăn uống chè rượu vui say suốt một ngày, đến tối lại theo thông lệ vào phòng cô dâu chú rể nài ép đôi tân lang và tân giai nhân cùng uống. Trinh Tú khôn ngoan chỉ nhấp môi, thật sự uống rất ít nên hoàn toàn không say nhưng giả vờ quá mệt lui vào phòng riêng. Trong khi ấy Thiên Hỷ càng uống càng thấy thèm hút nên cuối cùng cũng đánh lừa mọi người rồi cấp tốc vào phòng để được tự do thỏa mãn cơn nghiện. Thấy Trinh Tú có mặt trong phòng, Thiên Hỷ hết sức bối rối bởi chưa muốn cho người vợ mới cưới biết mình nghiện nặng.
Trinh Tú là người rất thông minh, nhìn thái độ của Thiên Hỷ thì biết ngay có việc gì muốn giấu, nhẹ nhàng tìm lời hỏi han. Mãi sau quá thèm thuốc, Thiên Hỷ đành phải nói thật:
– Tôi đã cai nhiều lần nhưng không sao cai được. Bây giờ vẫn phải hút nhưng không muốn cho cha mẹ biết. Vì vậy xin nàng cũng giữ kín giùm, nếu lộ ra thì cả hai đều gặp phiền phức không ích lợi gì.
Trinh Tú nghe vậy thở dài, trong lòng đã ngầm u oán vì không thể ngờ tới người chồng tướng mạo đường hoàng khôi ngô tuấn tú như Thiên Hỷ mà lại là người nghiện hút. Nàng thầm nghĩ nếu số phận đã vậy thì đành phải chiều theo, sau này sẽ từ từ tìm cách can gián để chồng cai nghiện vậy. Do đó Trinh Tú bình tĩnh trải mền chiếu cho chồng nằm. Thiên Hỷ liền thò tay vào gầm giường lật tấm ván lên, lấy bàn đèn và tẩu thuốc ra.
Nằm nghiêng trên giường, Thiên Hỷ sung sướng đốt đèn, châm thuốc rồi rít luôn mấy hơi thật mạnh. Thế nhưng mấy lần như vậy mà chẳng thấy có hơi thuốc nào vào miệng, Thiên Hỷ bực bội ngồi dậy săm soi cái tẩu hút rồi càu nhàu nói:
– Thật lạ quá. Có lẽ cái tẩu này để lâu dưới đất nên bị tắc rồi chăng?
Thiên Hỷ liền tìm một cái thông tẩu bằng tre, thọc mạnh vào cái tẩu, mấy lần như vậy mới thông được nó. Không cần tìm hiểu xem tại sao tẩu bị nghẹt, Thiên Hỷ vội vàng nằm xuống kéo luôn mấy hơi, diện mạo coi bộ tươi tỉnh hẳn ra. Khi hút xong, Thiên Hỷ khoan khoái trong lòng, lờ đờ nhìn Trinh Tú nói:
– Trời đã khuya rồi, nàng cứ ngủ đi.
Trinh Tú nghe vậy thở dài não ruột, ghé người nằm xuống phía ngoài giường. Trong lòng nàng hết sức đau khổ vì đêm tân hôn là ngày hạnh phúc nhất đời người, thế mà phải nằm không nhìn người chồng nghiện hút. Còn Thiên Hỷ hút xong chẳng màng đến người vợ xinh đẹp mới cưới, cởi áo ngoài rồi lập tức xoay vào trong ngáy khò khò. Thế là đêm tân hôn trở thành đêm mỗi người nằm một góc.
Lấy chồng mà cũng như không, Trinh Tú cố nén đau khổ trong lòng, mặc cho hai hàng nước mắt tuôn rơi, nằm ghé lưng ngoài giường, mãi cho đến khi gà gáy sáng vẫn chưa chợp mắt được chút nào. Ngay lúc ấy đã có một số người thức dậy, gọi nhau dọn tiệc để ăn uống tiếp. Trinh Tú bất đắc dĩ phải trở dậy, rửa mặt xong liền trang điểm để che lấp các dấu vết buồn phiền đêm hôm qua. Thấy Thiên Hỷ vẫn còn nằm xoay mặt vào vách như cũ, Trinh Tú gọi luôn mấy tiếng nhưng hình như Thiên Hỷ ngủ quá say nên không hề trả lời hay động cựa gì.
Khi ấy người hai họ đã dọn xong tiệc tùng, đến trước cửa kêu gọi tân lang, tân giai nhân ra tham dự nên Trinh Tú đành phải nắm vai chồng lay dậy. Ngờ đâu bàn tay của Trinh Tú vừa chạm vào người Thiên Hỷ thì thấy lạnh toát, chẳng có chút hơi ấm nào. Trinh Tú bạo gan lay thử lần nữa thì mới biết người Thiên Hỷ đã cứng lại, chết từ bao giờ rồi. Kinh hoàng thất sắc, Trinh Tú vội chạy ra cửa kêu gào mọi người vào xem thử. Vốn rất thương con, nghe vậy lập tức Vương Minh Sơn chạy vào phòng trước, cố lật Thiên Hỷ ra xem xét. Khi ấy mắt mũi, tai miệng của Thiên Hỷ đều ứa máu thành từng vệt bầm tím nên Minh Sơn biết ngay là trúng độc, gào lên thảm thiết:
– Trời ôi. Con ta bị người ta hạ độc chết mất rồi.
Chỉ gào được một câu, Minh Sơn đau lòng quá ngã vật ra đất bất tỉnh nhân sự. Người trong hai họ đều kinh hoảng, xúm lại người tìm nước gừng chữa trị cho Minh Sơn, kẻ xem xét thi hài của Thiên Hỷ rồi hô hào phải báo cho quan biết. Lúc đó Ngũ thị mới chạy tới, chẳng quản đó là xác chết lạnh giá, cứ ôm con mà khóc ngất. Vương Minh Sơn cũng đã được cứu tỉnh, cùng với vợ kêu gào khóc lóc không thôi khiến đôi bên họ hàng đều mủi lòng khóc theo. Rất lâu sau Minh Sơn mới như chợt tỉnh, đứng phắt dậy hỏi lớn:
– Con tiện tỳ giết chồng đâu rồi?
Chỉ cần nghe như vậy là Trinh Tú hiểu ngay cha chồng đã có ý nghi ngờ mình, trong lòng hết sức lo sợ nhưng Trinh Tú vẫn gắng gượng chùi nước mắt bước ra chào hỏi. Vương Minh Sơn không thèm nhìn, lập tức quát hỏi:
– Tại sao chồng ngươi chết? Đêm hôm qua ngươi đã cho chồng uống thứ gì?
Trinh Tú nghẹn ngào đáp:
– Thật sự con không hề biết vì sao tướng công lại chết thảm như vậy. Đêm hôm qua hai vợ chồng chưa hợp hoan, tướng công say quá nên ngủ vùi. Mãi đến sáng con đánh thức mới biết chàng đã chết từ đêm rồi.
Minh Sơn trợn ngược đôi mày, quát tháo:
– Con tiện tỳ kia! Ngươi nói không biết là sao? Chẳng lẽ nói Thiên Hỷ của ta đang mạnh khỏe mà tự lăn ra chết được sao? Rành rành đêm qua chỉ có hai vợ chồng ngươi ở với nhau trong phòng riêng, nếu ngươi không ép nó uống thứ gì đó thì tại sao mồm miệng lại ứa máu ra kinh khủng như vậy được?
Nói xong, Minh Sơn quay lại phân bua với mọi người:
– Đây là dấu hiệu đứa con yêu quý của tôi bị trúng độc chết thảm. Các vị đã chứng kiến thì xin làm chứng hộ, tôi quyết đưa vụ án này lên quan để trừng trị con đàn bà ác độc này mới hả lòng.
Mọi người đều nhao nhao lên tán đồng. Có người còn chỉ mặt Trinh Tú mắng nhiếc thậm tệ, cho rằng từ trước tới nay chưa có ai độc ác đang tâm giết chồng ngay đêm tân hôn. Thấy tình hình nguy cấp, bất đắc dĩ Trinh Tú phải nói ra sự thật:
– Con… con thật sự không hề biết tại sao. Cũng không hề cho chàng uống bất cứ thứ gì. Có lẽ là do… do…
Vương Minh Sơn tức giận chặn lời:
– Là do gì? Ngươi cứ ấp úng như vậy mong lừa dối ta và mọi người được sao? Nếu quả thực có nguyên nhân gì khác thì tại sao không dám nói ra?
Trinh Tú nấc lên, nước mắt lại tuôn ra như mưa, đáp:
– Chàng… chàng… chỉ hút có mấy hơi thuốc phiện rồi lăn ra ngủ ngay.
Mọi người ồ lên một tiếng ngạc nhiên. Ai nấy toan hỏi thêm thì Minh Sơn đã mau lẹ nói gạt di ngay:
– Hừm! Thế ra tên nghịch tử vẫn còn lén lút hút xách. Nhưng ta cho rằng có hút bao nhiêu đi nữa cũng không thể chết người, cũng không thể gây ra tình trạng xuất huyết máu nơi cửu khiếu. Ngươi biết con ta lén hút thuốc nên mới lấy đó làm nguyên nhân cái chết chứ gì? Đáng ra ta phải đánh chết ngươi ngay tại chỗ đền mạng cho đứa con nhưng cả đời ta vẫn tôn trọng công minh chính trực, phải nhờ tới quan lớn thì ngươi mới không còn oán hận ta hồ đồ được nữa.
Nói xong Vương Minh Sơn không để cho Trinh Tú biện minh thêm, lập tức sai người trói lại rồi tự tay viết đơn kiện đưa lên huyện đường, đề quyết Trinh Tú giết người. Ông ta vốn lanh lợi miệng lưỡi, quen việc đầu đơn kiện cáo nên viện ra nào là “tứ đức tam tòng”, nào là nghĩa tình phu thê, lời lẽ buộc tội hết sức vững chắc để xin huyện quan trừng trị thật nặng đền mạng cho Thiên Hỷ mới hả lòng.
Huyện quan hoàn toàn không nắm được chi tiết và nguyên nhân cái chết của Thiên Hỷ thế nào, cứ theo lời tố cáo của Minh Sơn mà thăng đường xét xử. Sau khi hỏi Minh Sơn rõ ràng là Thiên Hỷ không hề bệnh tật gì ngoài việc hút thuốc phiện, Quan huyện liền quay qua thẩm vấn Lý Thiệu Nho. Biết rõ Thiệu Nho là người hiền lương, hiểu rõ đạo đức thánh hiền và được triều đình cho danh hiệu Lẫm sinh, người vợ là Lưu thị cùng với con gái Trinh Tú lại nổi tiếng đoan trang hiền thục, tề gia nội trợ giỏi giang, quan huyện lại càng bối rối vì nhất thời không thể đề ra nguyên nhân tại đâu. Nếu như Lý Trinh Tú không điểm chỉ vào lời khai thì án văn không thể hoàn thành, tức là sẽ nuốt không trôi số tiền đút lót của Vương Minh Sơn.
Vì lòng tham, huyện quan quyết định phải ép cung Lý Trinh Tú, lấy mặt giận dữ rồi đập án thư quát hỏi:
– Trinh Tú! Sự việc đã rõ ràng như vậy mà ngươi còn to gan chối tội nữa sao? Hãy khai thực ra đi kẻo bị tan da nát thịt, hối hận cũng không còn cứu vãn được nữa đâu.
Trinh Tú hết sức lo sợ, nước mắt lại tràn ra như mưa, quỳ sụp xuống đất mà thưa:
– Quả thật tiện nữ vô tình không biết tại sao tướng công lại chết thảm. Quan lớn là người nổi danh công minh sáng suốt, xin xem xét minh oan giùm tiện nữ. Tiện nữ xin đội ơn sâu, kiếp sau xin làm thân trâu ngựa để báo đền cho quan lớn.
Quan huyện cười nhạt, quát:
– Tiện tỳ thật táo gan. Ngươi tưởng tâng bốc ta công minh sáng suốt là chạy tội được sao? Cha chồng ngươi đề quyết trong phòng chỉ có hai người, sáng ra Thiên Hỷ đã chết bất đắc kỳ tử thì ngươi lấy lý do gì mà cãi lại đây?
Trinh Tú càng thêm hoảng sợ, khóc ngất một hồi mới thốt ra được lời:
– Xin đèn trời soi xét, quả thật tiện nữ hoàn toàn không biết gì hết. Chẳng biết tiện nữ kiếp trước đã phạm tội gì ghê gớm mà nay bị hàm oan quá nặng nề. Tiện nữ thật không có gì để khai…
Quan huyện lập tức ngắt lời, gằn giọng nói:
– Ngươi thật đê tiện, đã có gan giết chồng thì cứ thành thực khai ra đi. Còn vòng vo nữa thì đừng trách bản quan vô tình đấy nhé.
Trinh Tú hoảng hốt thưa:
– Tiện nữ thực không dám vòng vo. Chẳng qua vì không thể biện minh ra sao nên mới nghĩ đến có lẽ là do tội lỗi kiếp trước mà thôi. Lúc Thiên Hỷ hút thuốc xong lập tức ngủ ngay, tiện nữ không dám kinh động. Đến khi trời sáng thì lay dậy, hoàn toàn không đưa cho chồng ăn hay uống bất cứ thứ gì. Đó là sự thật, xin đại nhân sáng suốt xét cho tiện nữ chưa hề quen biết bất cứ chàng trai nào thì lấy gì mà gọi là thông dâm, lại không hề cho chồng ăn uống thì làm sao đầu độc được?
Quan huyện nghe xong hầm hầm đập mạnh xuống án thư, quát lớn:
– Ngươi cứ chối quanh. Chồng ngươi ban đêm vào phòng vẫn còn khỏe mạnh, chỉ có mình ngươi ở đó, đến sáng thì chết, máu tươi ứa ra đầy thất khiếu. Chẳng phải là ngươi đầu độc thì là ai đây? Bản quan vốn không muốn dùng hình phạt nhưng ngươi đã nhất quyết không khai thì đành phải dùng cực hình tra tấn, thử xem ngươi còn khăng khăng nữa hay không?
Quát xong, quan huyện quay gọi nha lại:
– Bay đâu, vả con tiện tì dâm ác này 40 cái thật mạnh cho ta.
Bọn quân sĩ dạ ran, lập tức tiến đến thẳng tay thi hành. Với thân liễu yếu đào tơ, chỉ cần một cái vả là Trinh Tú đã đổ máu tươi ra hai bên mép, ngã gục ngay xuống nhưng bọn quân sĩ tuân lệnh cứ tiếp tục thi hành khiến chẳng bao lâu nàng đã bất tỉnh. Quan huyện cười nhạt, nói:
– Tiện tỳ này giả vờ đấy thôi, mới vả mấy cái thì ăn thua gì. Bay đâu, lấy nước lạnh đổ vào mặt để bản quan tiếp tục tra hỏi.
Khi tỉnh dậy, Trinh Tú chùi máu miệng rồi thều thào van lạy:
– Trăm lạy đại quan. Tiện nữ thật tình không biết gì về cái chết của chồng, dù đại quan có vả đến ngàn cái cũng vậy thôi. Tiện nữ đã được cha mẹ dạy dỗ học hành, biết “tam tùng, tứ đức”, dù có oán hận đến đâu cũng không bao giờ dám ra tay giết chồng như thế.
Huyện quan cười gằn:
– Hóa ra ngươi thách thức ta chăng? Ngươi tự nhận là người biết lễ nghĩa liêm sỉ thì ta đây là kẻ không biết phải không? Người đâu, đánh ả hai mươi roi xem còn sức phỉ báng quan trên hay không?
Trinh Tú nghe vậy hầu như chết ngất, bởi vì đã được chứng kiến không ít phạm nhân khi bị đánh đòn roi, sau đó thịt da nát bét, xương cốt lòi cả ra ngoài, máu me lênh láng hết sức ghê sợ, dù có bị kết tội hay không rốt cuộc cũng phải mất đến mấy tháng mới bình phục được. Với tấm thân mảnh dẻ của nàng thì chỉ vài ba roi đòn cũng đã hồn sa địa phủ, đừng nói gì tới hai mươi roi. Nàng cố lấy hết sức tàn kêu van:
– Tiện nữ bị hàm oan giết chồng, tâm thần hồn phách đều đau khổ vô cùng tận. Nếu như tiện nữ quả thực phạm tội thì chắc chắn đã khai ra hết để tránh cái đau khổ của roi đòn rồi, xin đại nhân mở lượng hải hà xét lại cho.
Dù vậy quan huyện vẫn không động lòng chút nào, nhất quyết sẽ đánh đòn nhiều hơn nếu như không chịu khai đúng theo ý muốn của ông ta. Thế nhưng Lý Trinh Tú dù chịu tan da nát thịt vẫn nhất định không nhận tội khiến huyện quan vô cùng tức giận, bất đắc dĩ phải tạm hoãn việc xét xử, chờ khi Trinh Tú bình phục mới tiếp tục tìm cách ép cung, bắt nàng phải nhận tội thông dâm với người tình nào đó rồi hạ độc giết chồng.
Khi vụ án tạm hoãn, những người bên nhà gái vốn biết tính tình nhu thuận trinh thục của Trinh Tú, hết sức tức giận vì huyện quan quá u mê chỉ biết nghe theo lời tố cáo vô bằng chứng của Vương Minh Sơn, hậm hực kéo nhau về kể lại cho Lý Thiệu Nho biết. Theo phong tục thời bấy giờ thì người cha không đưa dâu, vả lại Lý Thiệu Nho đang bị cảm hàn nên nằm ở nhà, nghe kể lại sự tình thì rơi nước mắt than thở:
– Họ Lý chúng ta mấy đời ăn ngay ở lành, dù không giàu có nhưng cũng cố nhín chút miếng ăn làm việc từ thiện. Thế mà chẳng hiểu do đâu lại vướng vào cái tội tày trời như thế. Ta vẫn thường nghe nói Vương Minh Sơn chuyên lo việc kiện tụng, đối xử rất công bằng, tại sao lại hồ đồ gán tội cho con gái ta như vậy?
Lý Thiệu Nho nói xong thì khóc ngất khiến Lưu thị cùng cả nhà cũng không sao cầm được nước mắt, suốt ngày đêm từ trong nhà không dừng tiếng oán than. Hôm sau trời chưa sáng, Lưu thị đã thu xếp ít bánh trái cùng tiền bạc vào ngục thăm con gái. Bà đút lót cho bọn cai ngục, xin giúp đỡ đừng hành hạ Trinh Tú quá đáng. Bọn này tuy là những tên lang sói bất nhân nhưng cũng biết Trinh Tú là cô gái ngoan hiền, nhận tiền xong liền an ủi Lưu Thị:
– Lão mẫu cứ yên tâm về đi. Dù gì thì án vẫn chưa kết thúc, chúng tôi chưa coi Trinh Tú là tội phạm nên không có hành hạ hay đánh đập gì đâu.
Thế nhưng khi Trinh Tú đã hơi bình phục mà quan huyện vẫn không tìm ra chứng cứ gì, bị Minh Sơn hối thúc quá nên gắng gượng đăng đường xét xử lần nữa. Trinh Tú cũng một mực kêu oan nhưng khi thấy huyện quan sẽ dụng hình cực tàn khốc hơn thì tự nghĩ:
– “Ta thường nghe giảng về Phật pháp, người nào gieo nhân nào thì hái quả ấy. Ta xét mình không hề có tội lỗi gì, có lẽ là do cái nghiệp kiếp trước chăng? Đã vậy thì có khai hay không cũng phải chết, chi bằng cứ nhận bừa để khỏi phải chịu đau khổ là hơn?”.
Vì vậy Trinh Tú liền khai nhận đã có thông dâm với người khác, nhờ người ấy nhân lúc đám cưới lộn xộn thì lén đưa thuốc độc rồi đêm hôm ấy ra tay hạ thủ giết chết Thiên Hỷ. Quan huyện hết sức hài lòng, sai nha lại viết lời khai cẩn thận, bắt Trinh Tú điểm chỉ làm bằng rồi vui vẻ làm giấy sai áp giải Trinh Tú lên cấp tỉnh xem xét lần nữa, nếu đúng sẽ hành hình ở đó. Trước khi giải đi, huyện quan còn hăm dọa Trinh Tú:
– Ngươi đừng tưởng nhận tội, rồi khi đến Niết ty có thể phản cung. Như vậy tất Niết ty sẽ trả về cho bản quan xét xử lại, lần này chính là lần ngươi phải chết thảm đấy, đừng có vọng động mà thiệt vào thân. Gia dĩ tất cả người trên Niết ty đều thân quen với bản quan, ngươi càng phản cung càng chịu đau khổ nhiều hơn đấy, chẳng làm gì được bản quan đâu.
Nghe tin này cả nhà họ Lý đều kinh hoàng thất sắc, ai nấy đấm ngực kêu trời nhưng không biết làm sao chống lại lệnh quan, đành phải kéo nhau đến ngục thất thu xếp các việc trước khi Trinh Tú bị giải đi. Lý Thiệu Nho chùi nước mắt khuyên giải con gái:
– Có lẽ đây là oan nghiệt từ kiếp trước, vì vậy mới sa vào cái tội nặng nề như vậy. Cũng do oan nghiệt đưa đẩy nên con mới gặp viên quan hồ đồ đến mức chẳng cần hỏi xem người thông dâm và đưa thuốc độc cho con tên tuổi là gì. Cha hy vọng là khi lên cấp tỉnh, gặp được viên quan đỡ ngu ngốc hơn, xét xử nhẹ đi một chút là phúc đức cho nhà họ Lý chúng ta lắm rồi. Cha sẽ chờ xem quan cấp tỉnh đoán quyết ra sao rồi tùy cơ ứng biến nhưng chắc chắn nếu lại xét xử hồ đồ giống như Huyện quan thì cha nhất quyết sẽ đầu cáo minh oan lên cấp cao hơn. Con cứ yên tâm, ráng giữ gìn sức khỏe, đừng quá bi quan mà dại dột tự kết liễu cuộc sống. Chết như thế không những con nhơ danh mà họ Lý chúng ta cũng nhục nhã không sao gột được tiếng xấu đấy.
Lý Thiệu Nho lại dặn dò:
– Tên huyện quan kia hăm dọa con đừng phản cung là đúng lắm bởi hầu như “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ”. Con cứ khai đúng như vậy để khỏi chịu đau đớn, khi nào gặp được vị quan công minh thì mới khai ra sự thật. Cha nghe nói ở Niết ty có vị Án Sát tên là Ngưu công rất anh minh sáng suốt, nếu gặp được người này thì vận số của con sẽ đổi khác mà gia đình họ Lý chúng ta cũng được rũ bỏ tiếng oan.
Trinh Tú nghẹn ngào xin nghe theo lời dạy của cha, sau đó mặc áo đỏ tù phạm và đeo gông theo chân hai tên sai nha lên đường đến Đồng Châu. Khi đến Bảo Ninh thì trời đã tối, hai tên sai nha tìm một quán trọ nghỉ chân. Bọn chúng đã được Lưu thị đút lót một số bạc nên đối đãi rất tử tế, cho Trinh Tú ăn uống đầy đủ. Tuy bọn chúng không dám sai phép nước tháo gông cho nàng nhưng kiếm ít rơm rạ lót ở góc nhà để Trinh Tú không bị lạnh lẽo.
Thế nhưng lúc sáng ra, chẳng hiểu vì nguyên nhân gì, Trinh Tú vẫn còn đeo gông mà chiếc áo đỏ tù phạm lại biến đâu mất. Hai tên sai nha không thể đổ tội cho Trinh Tú được vì hai tay của nàng vẫn còn vướng trong gông, làm sao cởi cái áo đỏ đó ra được? Đành ngơ ngẩn nhìn nhau thất sắc. Bọn chúng bàn tán mãi không ra nguyên nhân, cuối cùng cứ liều đưa phạm nhân lên công đường, nếu bị hạch hỏi thì cứ sự thực mà khai.
Lúc đó trời đã sáng hẳn, viên quan Án Sát tên là Ngưu Thụ Mai ở Đồng Châu, thường được người dân kính trọng gọi là Ngưu công, vừa uống trà xong, ra vườn ngắm hoa thì chợt nghe thấy tiếng quạ kêu vang trời, Thụ Mai giật mình nhìn lên, hóa ra có đến mấy chục con quạ đen xúm nhau tha một vật gì đó màu đỏ chói, vừa bay vừa kêu như thể muốn tố cáo việc gì đó. Ngưu công còn đang suy nghĩ thì chợt lũ quạ bỏ rơi cái áo đỏ, cách nơi ông đứng mấy bước, sau đó vừa kêu vang vừa kéo nhau bay đi mất.
Vốn là quan phụ trách về hình án, đầu óc của ông rất nhạy bén, bất cứ việc nhỏ nhặt nào cũng chú ý xem xét ít khi bỏ qua. Bây giờ thấy hiện tượng khá lạ này, Thụ Mai liền bước tới nhặt cái áo đỏ lên lật ngang dọc xem xét rất kỹ. Đã nhận ra đó là chiếc áo của tù nhân phạm trọng tội, Thụ Mai liền đọc kỹ mấy dòng chữ ghi trên ngực và lưng áo. Dù bụi đường phong sương đã làm mờ nhạt đi một ít nhưng Ngưu công vẫn có thể đọc được rõ ràng mấy chữ “Lý Trinh Tú, phạm nhân ở An Nhạc”. Ngưu Thụ Mai gật gù nói lẩm bẩm một mình:
– Sự kiện này khá lạ lùng. Nếu như hôm nay có vụ án nào mà phạm nhân tên Lý Trinh Tú, giải giao từ An Nhạc đến thì ta phải xem xét thật cẩn thận mới được. Theo như hiện tượng lũ quạ tự nhiên tha cái áo rồi bỏ rơi trước mặt ta thì có lẽ vụ án này hàm oan rất nặng.
Sau đó Ngưu Thụ Mai vội trở về nha phủ chải đầu đội mũ, mặc quan phục để ra công đường. Thật kỳ lạ, vừa đúng lúc hai tên sai nha giải Lý Trinh Tú đến nơi. Ngưu Thụ Mai lập tức quan sát kỹ nhân dạng của người nữ tù này. Thấy Trinh Tú diện mạo đoan trang, dáng vẻ hiền lương thì đã có chút thiện cảm. Đến khi xem văn án, thấy huyện quan ghép Lý Trinh Tú vào tội thông dâm rồi đầu độc chồng, Ngưu Thụ Mai lại càng nghi ngờ bởi theo ông thì dù có thông dâm đi nữa cũng không thể đang tâm giết chồng mới cưới ngay đêm tân hôn được.
Ngưu Thụ Mai xem xét các lời khai rất kỹ, thấy rằng cuộc hôn nhân này hoàn toàn không bị ép buộc thì Trinh Tú không thể uất ức đến mức giết người, nếu như đã có tình nhân thì vẫn có thể từ chối lấy Thiên Hỷ, cần gì phải ra tay độc ác gần như công khai đến như vậy? Ngưu Thụ Mai nhận định chắc chắn tù nhân đã bị ép cung làm sai vụ việc đi hoàn toàn nên quyết phải làm sáng tỏ. Ông nhẹ lời hỏi:
– Phạm nhân dưới kia có phải tên là Lý Trinh Tú không? Bản quan thấy ngươi là nữ nhân có dáng vẻ hiền thục, tại sao lại đi giết chồng? Nếu có gì oan khuất thì cứ khai ra đi, bản quan không dựa vào văn án mà xét xử hồ đồ đâu.
Trinh Tú nghe vậy đã thấy đỡ lo trong dạ nhưng vẫn e sợ gặp phải viên quan bất minh nên chưa dám tỏ thật, cứ cúi đầu khóc ngất. Ngưu công phải dẫn dụ:
– Bản quan cho rằng ngươi bị ép cung, nay đã đến đây thì đừng lo sợ gì nữa, cứ tình thực khai ra đi. Bản quan quyết không để bất cứ người dân nào mắc hàm oan, huống chi ngươi lại là thân thục nữ có gia đình nổi tiếng hiền lương.
Khi ấy Lý Trinh Tú mới yên lòng, khai toàn bộ sự việc như mình đã chứng kiến. Lúc Trinh Tú khai đến chỗ Thiên Hỷ lật tấm ván dưới giường, lấy bàn đèn tẩu thuốc từ cái hố đào sẵn lên, Ngưu công lập tức chặn lời, hỏi ngay:
– Ngươi thấy Thiên Hỷ hút thuốc rồi ngủ ngay hay còn sự việc gì khác không?
Lý Trinh Tú đã trải qua nhiều đau đớn lẫn tuyệt vọng nên nhất thời không nhớ ra được các chi tiết, chỉ gật đầu xác nhận là lúc đó Thiên Hỷ hút thuốc xong liền lăn ra ngủ ngay, không hề ăn hay uống thứ gì cả. Nghe xong Ngưu công tỏ vẻ bối rối bởi theo cả văn án lẫn lời khai của Trinh Tú thì không hề có chút manh mối gì về nguyên nhân đã làm cho Thiên Hỷ phải chết. Ông suy nghĩ rất lâu, xem lại văn án lần nữa rồi mới trầm giọng an ủi Trinh Tú:
– Theo bản quan thì chắc chắn việc hút thuốc của Thiên Hỷ liên quan tới cái chết. Thế nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng người nào chết vì hút thuốc phiện. Bản quan cũng phán đoán là ngươi bị hàm oan nhưng nếu không tìm ra chứng cứ phản bác lại thì cũng khó mà xóa tội cho ngươi được.
Nghe vậy Lý Trinh Tú đang thất vọng lại càng thêm thất vọng. Đúng lúc ấy hình như có ai dun dủi, Trinh Tú chợt nhớ đến một chi tiết, vội vàng nói ngay:
– Bẩm đại nhân. Tất cả những gì dân nữ khai đều là sự thật. Chỉ có một điều hơi khác lạ, chẳng biết có nên khai ra hay không?
Thật sự Ngưu công cũng khá thất vọng, sợ rằng lần này khó tìm ra manh mối. Nghe Trinh Tú nói thì tươi nét mặt, phán bảo:
– Trong các vụ án bí hiểm, có khi một chi tiết tưởng như vô hại lại là đầu mối rất quan trọng. Ngươi khai thử cho ta nghe đó là điều bất thường gì vậy?
Trinh Tú liền kể lại việc cái tẩu thuốc bị tắc, Thiên Hỷ phải mấy lần dùng que thông mới sử dụng được. Ngưu công cả mừng, lập tức vin vào việc chưa đủ chứng cớ, tháo gông và cho Trinh Tú giam ở nơi tương đối sạch sẽ, đồng thời sai nha lại đến huyện An Nhạc lấy tang vật đem về. Trước khi đi, Ngưu công còn dặn dò bọn nha lại:
– Các ngươi có tên nào nghiện hút thì cố mà nhịn, đừng dùng cái tẩu ấy mà mất mạng giống như Thiên Hỷ đấy!
Bọn này cả cười, cho là quan lớn đùa giỡn nhưng vẫn theo lệnh, đến huyện đường đòi chiếc tẩu thuốc của Thiên Hỷ. Tất nhiên bọn nha lại của Niết ty cũng không để lỡ dịp làm tiền, dùng lời úp mở hăm dọa khiến bọn nha lại ở huyện An Nhạc lo sốt vó, phải cung ứng cho bọn chúng mấy lạng bạc mới yên chuyện.
Khi nhận được cái tẩu, Ngưu công liền vào phòng riêng xem xét kỹ lưỡng, sau đó chợt ra lệnh ngày mai gọi tất cả nhân chứng, từ Minh Sơn cho đến huyện quan lên công đường Niết ty để xem phán quyết. Ai nấy đều làm lạ bởi vụ án hầu như chưa có manh mối gì nhưng vẫn theo lệnh thi hành, cấp tốc đưa trát triệu các bên liên quan đến công đường. Vụ án khá ly kỳ này cũng thu hút không ít người dân ở Thành Đô, hôm sau hầu như công đường chật kín, ai nấy đều hồi hộp chờ xem Ngưu công nổi tiếng sáng suốt sẽ xử án ra sao.
Càng bất ngờ hơn là khi Ngưu công thăng đường chẳng thèm hỏi ai câu gì, chỉ hỏi Trinh Tú đúng một câu:
– Ngươi có chắc chắn rằng Thiên Hỷ chỉ dùng cái tẩu thuốc này hút mà không ăn uống bất cứ thứ gì, sau đó đi ngủ ngay phải không?
Trinh Tú dập đầu vâng dạ, trong lòng không khỏi lo lắng vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những lời khai ban đầu mà thôi. Thế nhưng hình như Ngưu công nghiêm nghị hẳn ra, vừa ngồi xuống ghế đã lập tức sai nha lại đem cái tẩu thuốc ra để dưới đất, trước mặt án thư rồi chễm chệ quát bảo:
– Cái tẩu kia! Ngươi thật táo gan dám giết người. Hãy khai sự thật ra đi kẻo bản quan dụng cực hình thì hối hận không kịp đấy!
Cả công đường đều ngẩn người ra, chẳng ai biết tình thế ra sao nên cứ hồi hộp chờ xem diễn tiến. Đột nhiên Ngưu công đập xuống án thư một cái thật mạnh, quát tháo:
– Bản quan hỏi mà ngươi không trả lời được ư? Cái tẩu này quả lớn gan nhiều mật. Bây đâu, đánh cho nó mấy roi cho ta!
Bọn nha lại càng thêm ngẩn ngơ, bối rối đi tìm roi rồi ngần ngại hỏi lại:
– Bẩm đại nhân, nhất định phải đánh thật chứ ạ?
Ngưu công trầm mặt đáp:
– Sao lại không? Bất cứ tội phạm nào không thành thực khai rõ thì bản quan tất phải dùng đến cực hình. Các ngươi cứ đánh nó cho thật đau vào, xem nó có ngoan cố được nữa không.
Tên sai nha nghe vậy rất buồn cười, phải lén bưng miệng rồi giơ cao cái roi đập xuống thật mạnh. Tất nhiên cái tẩu làm sao chịu nổi, lập tức vỡ ra làm mấy mảnh. Ngưu công liền sai tả hữu:
– Các ngươi xuống xem trong ruột cái tẩu có gì nào?
Bọn nha lại liền xúm lại xem, hóa ra trong ruột tẩu có xác một con rết lớn, đã bị đứt làm mấy khúc. Một vài tên lập tức hiểu ra cớ sự nhưng cũng có tên không hiểu gì cả, khúm núm thưa xin Ngưu công giải thích việc này. Ông bèn quay qua hỏi Trinh Tú trước:
– Ngươi đã nhìn thấy tận mắt, có đoán ra tại sao chồng ngươi chết hay không?
Vốn là người có trí tuệ, Trinh Tú biết ngay nguyên nhân là do nọc độc của con rết, mừng rỡ vái lạy Ngưu công để cảm ơn trời biển. Ngưu công bèn nói với mọi người:
– Thiên Hỷ giấu cái tẩu thuốc dưới nền nhà, đúng vào mùa này loài rết đang sinh sản nhiều nên đánh hơi được mùi thơm của thuốc phiện. Gia dĩ đó lại là nơi ấm áp nên bọn rết chạy vào đó rồi ở luôn. Khi Thiên Hỷ thấy tẩu bị tắc liền dùng que thông, mấy lần sử dụng làm cho con rết bị đứt ra nhiều đoạn, chất độc cũng vì vậy tiết ra nhiều hơn gấp bội. Thiên Hỷ hút cả chất độc này vào bụng thì hỏi sao còn sống nổi được đây? Ta đã kết luận là Thiên Hỷ chết vì hút thuốc, đến khi nghe phạm nhân khai việc lấy cái tẩu từ dưới đất lên thì hiểu ngay nguyên nhân nằm ở đó mà thôi. Điều này chỉ cần suy nghĩ một chút là rõ ngay. Chỉ tiếc cho tên huyện quan ngu ám không để ý đến khiến suýt nữa người vô tội phải chết oan.
Mọi người nghe xong đều ồ lên thán phục. Thế là vụ án kết thúc mau chóng, Lý Trinh Tú được tha bổng, còn huyện quan An Nhạc thì bị Ngưu công tâu lên triều đình xin cách chức. Riêng việc trả Lý Trinh Tú về đâu cũng được Ngưu công chú ý tận tình, chứng tỏ rằng ông là người rất am hiểu nhân tình thế thái, không chỉ có tài xử án mà thôi. Ngưu công nói với Trinh Tú:
– Đáng ra dù một ngày cũng là nghĩa vợ chồng, ngươi phải về nhà cha mẹ chồng. Thế nhưng chính cha chồng ngươi tố cáo, nhà lại không có anh em thì khó mà sống hòa thuận được. Do vậy bản quan muốn tùy ngươi quyết định, hoặc là về nhà chồng hoặc là về nhà cha mẹ để lấy chồng khác.
Trinh Tú liền xin với Ngưu công được về nhà thờ phụng cha mẹ. Sẵn Lý Thiệu Nho cùng Lưu thị có mặt, Ngưu công liền phán quyết cho nàng được toại nguyện. Tuy ông không nói gì đến Vương Minh Sơn nhưng việc để cho Trinh Tú về với cha mẹ cũng đủ làm cho hắn bẽ mặt với mọi người.
Khi vụ án đã xong, Lý Thiệu Nho thấy con gái vẫn âu sầu không quên được chuyện cũ thì liền nhờ mối lái làm mai, gả nàng cho một chàng trai họ Dương. Chàng này diện mạo còn tuấn tú hơn cả Thiên Hỷ, lại có học vấn nên rất coi trọng vợ mình. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc đến suốt đời, sinh nhiều con cháu. Mấy năm sau Lý Thiệu Nho lại thi đỗ, được bổ làm quan, gia đình càng thêm sung túc.
Riêng Vương Minh Sơn thì không may mắn như vậy, đó cũng là quả báo về việc cố tình hãm hại người hiền lương. Hắn không có con nối dõi nên quyết định lấy một người thiếp nữa. Chẳng ngờ người thiếp này hết sức xinh đẹp nhưng lại quá dâm đãng, không những đòi hỏi Minh Sơn đến kiệt sức mà còn lén lút thông dâm với các chàng trai trẻ trong vùng. Chính thị vì dâm dục vô độ cũng không thể sinh nở, bất đắc dĩ Vương Minh Sơn phải xin một đứa cháu họ xa về để kế thừa gia sản to lớn của mình. Gia tài của hắn rất lớn nên những đứa cháu họ gần không chịu mất, xúm nhau làm đơn kiện cáo, đòi phải được kế thừa hoặc ít nhất là cũng được chia phần.
Gia đình họ Vương vì vậy rất ly tán lộn xộn, người này nghi kỵ người kia. Người vợ lẽ thấy vậy một hôm cuỗm một số vàng bạc khá lớn rồi bỏ trốn đi đâu mất. Vì những lý do này, dần dần gia sản của Vương Minh Sơn cũng khánh kiệt, đến lúc chạy vạy lo liệu xong vụ kiện tụng của mấy đứa cháu thì chẳng còn lại bao nhiêu, kiệt sức rồi chết.